Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

LÒNG YÊU NƯỚC CỦA EM BÉ THÀNH PA-ĐU_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


9.- LÒNG YÊU NƯỚC CỦA EM BÉ THÀNH PA-ĐU (1)
(Câu chuyện hàng tháng)
                                                                                            Thứ bảy, ngày 29
  

 Không, không bao giờ tôi chịu làm tên lính hèn nhát. Nếu ngày nào thày giáo cũng kể cho tôi nghe câu chuyện như sáng nay thì có lẽ không bao giờ tôi muốn nghỉ học. Theo lời thày thì mỗi tháng sẽ có một chuyện mà chuyện nào cũng nói về những thủ đoạn phi thường của một đứa trẻ con.

"Lòng yêu nước của em bé thành Pa-Đu", đó là đầu đề câu chuyện sáng nay.

Năm trước, một chiếc tàu Y-pha-nho dời bến Bác-xơ-luân (2) để đi Giê-nơ (3). Trên tàu, trừ người Tây Ban Nha, còn có một số người Pháp, người Ý, người Thụy Sĩ, và nhiều người nước khác nữa. Trong bọn hành khách người ta nhận thấy một đứa bé độ 11 tuổi, ăn mặc nhơm nhếch, đứng riêng một chỗ và nhìn những người kia bằng đôi mắt hằm hằm. Nó nhìn như thế cũng không phải hẳn là không có cớ. Cha mẹ nó là nông dân ở gần Pa-đu, cố nhiên là nghèo túng, hai năm trước vì tham tiền đã cho nó đi ở với một người chủ xiếc rong. Người này dạy nó một vài môn nhảy, lộn rồi bắt nó theo sang Pháp và Y-pha-nho. Nó bị hành hạ luôn tay và ăn uống không đủ.

Đến thành Bác-xơ-luân, không thể chịu được cái đời sống khổ ải ấy nữa, đứa bé khốn nạn liền trốn chủ đến cầu cứu viên lãnh sự Ý. Động mối thương tâm, viên lãnh sự xin cho nó một chỗ trong tàu nói trên và cho nó một lá thư giới thiệu cùng ông thị trưởng Giê-nơ nhờ ông giao giả về cho cha mẹ nó, là người đã bán nó như một con vật. Thằng bé còm gầy yếu đuối và đeo bộ quần áo rách. Người ta cho nó ngồi phòng hạng nhì. Hành khách ai cũng nhìn nó, có người hỏi nó song nó không trả lời. Nó có vẻ căm ghét mọi người vì những sự khắc khổ và hành phạt đã làm cho nó oán hận và không có cảm tình. Tuy nhiên, có ba người hành khách đã khéo làm cho nó hé răng. Nó kể chuyện nó bằng tiếng Ý pha giọng Y-pha-nho. Ba người khách kia không phải là dân Ý nhưng cũng thương nó, cho tiền để nó nói chuyện, nghe cho đỡ buồn. Đồng thời, có mấy thiếu phụ đi qua, ba ông quí khách hãnh diện ném thêm tiền xuống bàn loảng xoảng và nói : "Cầm lấy ! Cầm lấy nữa này !"

Đứa bé sung sướng, vơ tiền bỏ túi, cảm ơn rồi vào phòng. Nó buông màn cửa xuống ngồi yên lặng và nghĩ đến những việc nó sẽ phải làm.

Nó nghĩ : với số tiền ấy, nó sẽ được ăn no, không phải thèm nhạt như trước. Khi tới Giê-nơ, nó sẽ sắm một bộ cánh mới để thay bộ quần áo nó đeo hai năm trời nay, rách như tổ đỉa. Nó lại định để ra một số tiền đem về cho cha mẹ, chắc là được săn đón và quí hóa hơn là về tay không. Số tiền ấy đối với nó là một món tiền to. Ngồi sau rèm cửa, nó trù đi tính lại và trong lòng thấy khoan khái nhẹ nhàng.

Lúc ấy, ba người khách nói trên đang ngồi ở buồng ăn, quây quần uống rượu và nói chuyện về những cuộc du lịch của mình cùng phong tục những nước đã đi qua. Tình cờ, câu chuyện nhằm vào nước Ý. Một người bắt đầu phàn nàn về khách sạn, người nữa chê về xe lửa. Cuối cùng, rượu say, họ thi nhau nói xấu tất cả những cái gì thuộc về nước Ý. Người thứ nhất nói biết thế, họ sẽ di du lịch xứ La-pô-ni (4) (ở cực bắc châu Âu) còn hơn sang nước Ý. Người thứ nhì nói quả quyết rằng ở Ý hắn gặp toàn thị những phường quỷ quyệt và những quân cường đạo. Người thứ ba nói thêm rằng :

- Những người tùng sự nước Ý không biết chữ!

Người thứ nhất nói :

- Đó là một dân tộc ngu dốt !

Người thứ nhì tiếp :

- Bẩn thỉu !

- Và ăn...

Người thứ ba định nói câu "ăn cắp" nhưng chửa dứt lời thì một trận, toàn tiền vàng và bạc hắt vào mặt những người ấy như mưa rơi tung tóe xuống bàn và trên sàn. Ba người hầm hầm đứng dậy xem trận mưa dữ ấy ở đâu ra thì lại bị ném thêm.

Cậu bé thành Pa-đu vén rèm thò đầu ra thét bằng giọng khinh bỉ :

- Cầm lại tiền của các người. Ta không thèm nhận của bố thí của những kẻ lăng mạ nước ta.
--------------------------------
Chú thích : (1) Padoue. (2) Barcelone. (3) Gênes. (4) Laponie.

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

HỌC ĐƯỜNG_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


8.- HỌC ĐƯỜNG
                                                  Thứ sáu, ngày 28

An-Di, con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng điệu quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn ! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào ! Cha chắc chỉ trong một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường. Con ơi ! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến họ còn cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả.

Mỗi buổi sáng, lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong thành phố ta có tới ba vạn đứa trẻ cũng như con đi "chầu" lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ : xấp xỉ giờ này, con trẻ trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những đứa trẻ ấy lếch thếch trên những đường hẻm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng ; chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh, hoặc ngồi "xe trượt" trên những bãi băng giá lạnh. Chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách.

Từ ngôi trường cùng tột lấp trong áng tuyết nước Gia-nã-đại cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Á-rập có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau.

Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con có cái hân hạnh dự phần rồi con tự nhủ : ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời man rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm; sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, là ánh vinh quang của thế giới vậy.

Cố lên ! Tên lính nhỏ trong đoàn quân lớn lao kia ! Cố lên ! Con ơi ! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát.
 

TRÊN RẦM THƯỢNG_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


7.- TRÊN RẦM THƯỢNG

(Ở bên Âu, những dân nghèo thường phải thuê nhà ở trên rầm thượng, tức là tầng gác sát mái nhà, cho được rẻ tiền). 
                                                                    Thứ sáu, ngày 28 

Chiều hôm qua, tôi và em Thúy-Hoa cùng đi với mẹ tôi đem quần áo cho một người đàn bà nghèo mà người ta đã mách trong một tờ báo. Tôi mang gói, em tôi đã ghi sẵn tên tắt và địa chỉ người đàn bà lấy ra mảnh giấy cầm tay. Chúng tôi leo lên gác thượng một tòa nhà cao lắm. Tới nơi, chúng tôi thấy một hành lang dài, hai bên có những căn phòng liên tiếp nhau. Mẹ tôi gõ cửa buồng cuối cùng. Một người đàn bà còn trẻ mặt bủng vóc gầy ra mở cửa. Trông cái khăn vuông trùm lên đầu, tôi nhớ hình như đã gặp bà này ở đâu thì phải.

Mẹ tôi hỏi :

- Có phải bà là người mà người ta đã mách trên báo?

- Thưa bà vâng, chính chúng tôi.

- Đây, tôi mang lại cho bà ít quần áo.

Người đàn bà nghèo khó kia cám ơn chúng tôi mãi không thôi.

Lúc ấy, tôi trông thấy trong một góc nhà không đồ đạc và tối mò, có một cậu bé quay lưng ra phía chúng tôi. Cậu quì trước một cái ghế hình như đang mải viết. Giấy để trên mặt ghế mà lọ mực thì dưới sàn. Không biết cậu ta làm thế nào mà viết được trong xó tối như vậy?

Tôi đang tự hỏi thế, chợt trông thấy mớ tóc vàng hoe và cái áo dài lụng thụng, tôi nhận ra ngay anh Xuyên, con bà hàng quả, tức là cậu bé liệt tay. Tôi bảo sẽ mẹ tôi, trong lúc mẹ anh đang giở gói quần áo.

Mẹ tôi bấm tôi và bảo sẽ :

- Im, đừng gọi, cậu ấy sẽ ngượng chăng?

Nhưng, ngay lúc ấy anh Xuyên quay ra ; tôi bối rối, anh mỉm cười với tôi. Mẹ tôi liền đẩy tôi lại. Anh giơ hai tay chạy ra. Tôi liền ôm lấy anh hôn.

Mẹ anh nói :

- Thưa bà, bà đã rõ, nhà chỉ có mình cháu với tôi. Cha cháu đi sang Mỹ đã sáu năm nay, không may vừa rồi tôi lại bị ốm không đi hàng được, phải bán dần đồ đạc để ăn. Cả đến cái bàn viết của cháu cũng không còn. Đèn đuốc cũng thiếu, cháu phải học mò trong bóng tối rất hại mắt. Nhưng cũng may là tôi còn có thể cho cháu ra trường và cháu được sách vở phát không. Thương hại cho cháu! Cháu chịu khó lắm! Có khi nhịn đói đi học. Thưa bà, tình cảnh chúng tôi thật là khổ sở quá !...

Mẹ tôi lấy tất cả tiền trong ví bỏ vào tay người đàn bà khốn khổ, hôn anh Xuyên rồi dân dấn nước mắt trở ra.

Về nhà, mẹ tôi khuyên tôi rằng :

- Con ơi! Con hãy trông gương đứa trẻ nghèo khổ ấy đã phải học hành trong cảnh thiếu thốn và khó khăn. Về phần con, con có đủ mọi thứ cần dùng mà đôi khi con còn kêu sự học vất vả. Này An ơi ! Một ngày làm việc của em Xuyên còn đáng công hơn cả một năm học của con. Chính những hạng học trò ấy phải cho phần thưởng danh dự mới phải.

Cha tôi đã nghe được những lời mẹ tôi khuyên bảo tôi, vì thế ngay chiều hôm ấy, tôi thấy để trên bàn viết của tôi lá thư sau này :

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

LÒNG HÀO HIỆP_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


6.- LÒNG HÀO HIỆP
                                                         Thứ tư, ngày 26

Sáng nay, chúng tôi vừa vặn có dịp xét đoán anh Long.

Giờ vào lớp, ông Bích-Niên chưa có đấy, ba bốn cậu đang thi nhau chế giễu anh Cố-Xuyên khốn nạn tức là cậu bé tóc vàng, tay liệt, con bà hàng quả Họ lấy thước đánh anh, lấy vỏ hạt dẻ ném anh, họ gọi anh là con quỉ què và mếu máo giả cách làm người liệt tay. Ngồi trơ một mình ở đầu ghế, anh thẹn thùng và đưa mắt nhìn người nọ, nhìn người kia như để van lơn họ khỏi hành hạ mình. Được thể, bọn học trò càng làm già. Anh phẫn uất quá, máu đưa lên cổ và phát run người. Thình lình, Phan-Tín, một đứa học trò mặt xấu như khỉ, đứng lên ghế, khuỳnh hai cánh tay như người khoác hai cái giỏ, bắt chước bộ tịch mẹ anh Cố-Xuyên những khi đứng đợi con ở cửa trường. (Đã mấy hôm nay, bà không đến đón con vì bị ốm). Coi tấn tuồng câm ấy học trò cười ầm cả lên. Cố-Xuyên điên tiết, vớ ngay lọ mực trước mặt ném Phan-Tín. Phan-Tín né mình, lọ mực trúng giữa ngực ông Bích-Niên ở ngoài bước vào.

Mọi người hết vía, chạy trốn về chỗ và ngồi im thin thít.

Thày giáo lên bục cau mày hỏi :

- Ai ném lọ mực ?

Chẳng ai hé răng.

Thày gắt :

- Ai ? Ai ném ?

Lúc ấy, bị kích thích vì lòng thương bạn, anh Long đứng dậy nói quả quyết :

- Thưa thày, con.

Thấy mọi người sửng sốt về câu trả lời ấy, thày hiểu ngay và ôn tồn nói :

- Không. Không phải con.

Xong thày lại nói :

- Ai trót dại đứng lên thú nhận, ta sẽ tha.

Cố-Xuyên đứng lên nói :

- Thưa thày, các anh ấy chòng con, đánh và chửi con. Con mất trí... Con trót ném...

Thày nói tiếp :

- Cho ngồi xuống. Bây giờ đến lượt những kẻ sinh sự đứng lên.

Bốn anh trong bọn khiêu khích đứng dậy, cúi đầu.

Thày mắng :

- Các anh đã vô cớ lăng mạ một người bạn không trêu chọc các anh. Các anh đã chế giễu một người tàn tật. Các anh xúc phạm một đứa trẻ yếu đuối không tự vệ được. Các anh đã làm một điều hèn hạ đáng xấu hổ, một điều có thể làm nhơ nhuốc đến phẩm giá của con người, các anh là những đồ đê tiện.

Nói xong, thày xuống giữa lớp, lại chỗ anh Long ngồi. Thấy thày đến, anh cúi đầu. Ông Bích-Niên để tay xuống dưới cằm nâng mặt anh lên, nhìn thẳng vào hai mắt anh và nói :

- Con là một trái tim cao thượng đáng khen !

Anh Long nhân dịp ấy cúi vào tai thày nói nhỏ mấy câu. Lập tức thày quay lại chỗ bốn kẻ tội nhân và đột nhiên bảo :

- Thôi ! Tha cho các anh.

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

BẠN TÔI_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


 5. BẠN TÔI
                                           Thứ ba, ngày 25

Người đã cho cậu bé miền Nam cái tem thư hôm trước là người bạn mà tôi thích hơn hết. Anh lớn nhất lớp, đầu to vai rộng, năm nay gần 14 tuổi, tên gọi Hạ-Long. Anh rất tử tế, coi miệng cười thì biết. Ngoài anh Long ra tôi còn quen nhiều bạn nữa.

Anh Quyết-Tư là một bạn mau mắn và vui vẻ, tôi rất ưa mến. Anh thường mặc cái áo nịt bằng da rái cá và đội cái mũ nồi bằng da mèo. Anh là con ông hàng củi. Cha anh đã từng đầu quân trong cuộc chiến tranh năm 1866 và nhập vào đội quân của Hoàng thân Ôn-Ba. Người ta nói cha anh đã được ba tấm huy chương. Cạnh anh Tư là anh Niên-Ly, lưng gù, người coi yếu đuối mảnh dẻ và anh Võ-Tiên, một người học trò phục sức rất sang và có tính hay làm dáng.

Đầu bàn nhì, có một cậu bé mặt tròn, mũi dẹp mà anh em thường gọi đùa là "chú phó nề" vì cha cậu làm nghề ấy. Cậu có cái biệt tài là "nhăn mõm thỏ" làm cho ai nấy phải bật cười, vì thế anh em hay bắt cậu làm trò để đùa nghịch với nhau. Cậu lại có cái mũ rất mềm thường vo viên bỏ túi như chiếc mùi-soa.

Cạnh "chú phó nề" là anh Ngạc-Phi, người gầy gò mũi khoằm, mắt bé. Lúc nào anh cũng bán chác nào bút, diêm, nào tranh, ảnh cho bạn. Anh lại hay chép bài học vào móng tay để đọc, anh khôn khéo đến nỗi không bao giờ thày bắt gặp.

Gần đấy lại còn một cậu bé coi bộ khinh khỉnh là cậu Cát-Lộ họ Ngô. Cậu ngồi giữa hai người bạn đối với tôi rất tử tế : một người là con ông thợ khóa, ăn mặc vụng về, xanh xao như người ốm, coi bộ dút dát và buồn thiu. Người kia, tóc vàng da xanh, một cánh tay bị liệt phải đeo trước ngực. Cha cậu sang Mỹ, mẹ cậu ở nhà bán hoa quả rong.

Người ngồi bên trái tôi lại đáng chú ý hơn nữa, tức là anh Tạ-Đinh, thân lùn cổ rụt, ít nói và hay cáu. Anh không thông minh mấy nhưng rất chú ý đến lời thày giảng, anh ngồi nghe không dám cựa, mắt thẳng, trán cao, miệng mím. Ai hỏi anh trong lúc thày đang cắt nghĩa, nhất định anh không trả lời, vô phúc hỏi đến lần thứ hai là bị anh đạp luôn cho mấy cái...Và anh vẫn không hé răng.

Cạnh anh là Phan-Tín, một tên rắn mặt và gớm guốc, hình như đã bị đuổi ở trường làng.

Lại còn hai anh em nhà nọ, ăn mặc như nhau và cùng đội mũ gài lông trĩ, trông giống nhau như đúc.

Người tử tế hơn hết, thông minh hơn hết, người chắc chắn sẽ được phần thưởng thứ nhất, ai cũng biết được là anh Đỗ-Sinh.

Anh Cát-Sinh, con người thợ khóa nói trên, thực là một người học trò đáng thương hại. Theo lời người ta nói thì anh thường bị cha đánh đập luôn, đến nỗi anh thành ra người dút dát; mỗi khi hỏi ai hay lỡ chạm phải ai là anh "xin lỗi" luôn miệng và nhìn người ta bằng đôi mắt hiền lành và buồn bã.

Trong ngần ấy người bạn, theo ý tôi, thì anh Long là người tốt hơn cả.

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

A-LI-BA-BA VÀ BỐN MƯƠI TÊN CƯỚP (IV)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


- Chắc đây chính là bọn cướp bốn mươi tên mà ngài kể trước đây. Nhưng đây mới co ba mươi bảy đứa chết. Như vậy còn tên chúa đảng mới trốn thoát và hai tên nữa không đến đây. Sau vụ thảm bại này, ba tên kia thế nào cũng trở lại trả thù. Vậy xin ngài từ nay đề phòng cẩn thận.

A-Li-Ba-Ba nghe con Thanh Lan nói vừa mừng vì vừa thoát nạn, vừa cảm động vì tấm lòng trung thành của nó. Chàng nói:

- Thanh Lan! Ta rất cảm động vì lòng trung thành của con. Nhờ con mà ta được toàn mạng và của cải còn nguyên vẹn. Tạm thời đây, ta giải phóng con khỏi kiếp nô lệ, con sẽ trở nên một người thân trong nhà. Rồi ra ta sẽ nghĩ cách đền ơn con một cách xứng đáng.

Chợt nhớ ra, chàng nói tiếp:

- Nhưng bây giờ con hãy gọi An Lân lên đây. Chúng ta phải chôn cất ba mươi bảy tên cướp này cho xong đã. Chuyện này mà lọt ra ngoài, tất ta không khỏi rắc rối với pháp luật.

Ba người đào vườn chôn xác bọn cướp rồi lại trồng hoa, cỏ như cũ, người ngoài không thể nhận ra được.

Cảnh sống nhà A-Li-Ba-Ba lại tiếp tục bình thản như thường.

Trong khi ấy, tên chúa đảng cướp thất thểu một mình về trang trại. Ngồi dựa vào vách đá mà long thương xót bạn bè khôn cùng.

Hắn nghĩ thầm:

- Bao nhiêu lần vào sinh ra tử chẳng sao cả. Thế mà bây giờ bị chết như vầy thì nhục nhã gì bằng.

Càng nghĩ càng giận, hắn nghiến răng, trợn mắt, tay nắm chặt chuôi gươm như muốn rút ngay ra, chém kẻ thù thành trăm ngàn mảnh.

Hắn nói khẽ như nói với linh hồn đồng bọn:

- Chúng ta đã bao phen cùng nhau vào sinh ra tử thì trong dịp này tôi phải chết cùng các bạn cho trọn tình. Nhưng còn mối thù kia, tôi đành phải sống, sống để xé xác phanh thây kẻ đã hại các bạn. Lúc đó, chúng ta sẽ gặp lại nhau nơi chín suối.

Nói rồi, tên cướp đứng dậy thu xếp một số vàng bạc vào một bao lớn rồi ra đi, mưu chuyện phục thù.

Mấy hôm sau, người trong phố thấy một người lái buôn có vẻ từ xa tới, ăn mặc cực kỳ sang trọng. Hắn mua một ngôi nhà lộng lẫy ngay đầu phố, sống một cuộc đời trưởng giả, đài các, kẻ hầu người hạ dập dìu.

Cách đối xử lịch thiệp, hào phóng của hắn làm ai cũng quí mến hắn, không nghi ngờ gì cả. Nhưng nếu hiểu rõ hơn, ta biết chính hắn là tên chúa đảng cướp. Hắn đến đây ở để chờ cơ hội trả thù A-Li-Ba-Ba.

Ban ngày hắn sống thật nhàn hạ, đến tối mới ăn mặc thật gọn ghẽ, cưỡi ngựa về trang trại để chuyển vàng bạc về nhà.

Ở được ít lâu, hắn biết được cửa hiệu của đứa con lớn của A-Li-Ba-Ba. Hắn liền bỏ tiền mua một cửa hàng đối diện ngay đấy, trang hoàng thật lộng lẫy và bày những thứ lụa là gấm vóc cực kỳ đẹp đẽ, quý giá. Hắn lấy tên cửa hàng là Vạn Hoa. Vì vậy mọi người gọi hắn là ông Vạn Hoa.

Biết chắc chủ nhà cửa hàng đối diện là con của A-Li-Ba-Ba, Vạn Hoa kết thân ngay. Hắn sang chơi với con trai của A-Li-Ba-ba luôn luôn. Khi thì mời mọc ăn uống, khi thì biếu xén quà cáp, tỏ vẻ thân thiết như bạn tri kỷ.

Trong sự đối đãi nồng hậu của Vạn Hoa, con trai A-Li-Ba-Ba rất cảm động. Hơn nữa, chịu ơn quá nhiều, anh ta chỉ mong có dịp tổ chức yến tiệc mời lại Vạn Hoa.

Nhưng cửa hàng chật hẹp quá, con trai A-Li-Ba-Ba không thết tiệc ngay ở đấy được. Một hôm, anh ta ngỏ ý với cha để làm tiệc tại nhà mời Vạn Hoa ăn uống.

Vốn nghe con ca tụng lòng tốt của Vạn Hoa, A-Li-Ba-Ba vui vẻ nhận lời liền. Chàng nói:

- Việc này cha đã nghĩ từ lâu. Con nói thật hợp ý cha. Tuy nhiên, con phải mời thật khéo để ông ta khỏi từ chối. Đến mai, chủ nhật, con rán mời ông ta, ở nhà cha sẽ bảo Thanh Lan sửa soạn sẵn sàng.

Sáng hôm sau, con trai A-Li-Ba-Ba rủ Vạn Hoa đi dạo phố. Khi đi qua nhà cha, anh ta nói:

- Đây là nhà cha tôi. Tiện qua đây mời ngài vào chơi!

Mặc dầu rất mừng vì cơ hội tốt đẹp đã đến, nhưng Vạn Hoa vẫn ra vẻ ngần ngại, từ chối.

Để cho con trai A-Li-Ba-Ba mời đi mời lại hàng chục lần, Vạn Hoa mới ra vẻ miễn cưỡng nhận lời.

Theo con trai A-Li-Ba-Ba vào nhà, vừa mới trông thấy A-Li-Ba-Ba, Vạn Hoa vồn vã chào hỏi, rồi khen nhà, khen cửa, khen cha con A-Li-Ba-Ba đủ điều.

Trước những lời nịnh hót, tâng bốc của Vạn Hoa, A-Li-Ba-Ba khiêm tốn trả lời:

- Ngài dạy quá lời. Tôi rất hân hạnh được biết ngài và mong ngài dìu dắt, chỉ bảo cho đứa con trai còn nhỏ dại của tôi.

Nói chuyện một lát, Vạn Hoa đứng dậy cáo lui. Cha con A-Li-Ba-Ba hết lời mời hắn ở lại dùng cơm trưa, hắn cứ một mực từ chối.

Hắn nói:

- Được ngài mời dùng cơm tôi lấy làm hân hạnh. Tuy nhiên tôi không thể ở lại vì có một điều bất tiện. Vậy xin ngài lượng tình thứ lỗi.

A-Li-Ba-Ba sốt sắng hỏi:

- Có điều gì ngài cho rằng bất tiện xin ngài dạy bảo cho?

Vạn Hoa ra vẻ lưỡng lự, trả lời:

- Thưa ngài, tính tôi ăn lạt nên không dám nhận lời dùng cơm, sợ làm phiền ngài!

A-Li-Ba-Ba vồn vã nói:

- Ồ, thế thì có gì phiền hà đâu. Xin ngài ở lại chơi, tôi sẽ bảo gia nhân làm thức ăn theo ý ngài.

Nói rồi, A-Li-Ba-Ba chạy ngay xuống bếp bảo Thanh Lan làm món ăn lạt, không cho mắm muối gì cả.

Thanh Lan đã sửa soạn gần xong, thấy ông khách khó tính như thế thì lẩm bẩm:

- Ông khách thật kỳ quặc! Thức ăn mà không cho mắm muối còn ra gì!

Bực mình, nó đâm ra tò mò muốn biết ông khách là người thế nào mà lại có cái tính lạ lùng như thế.

Vì vậy, mặc dầu không phải công việc của nó là tiếp đãi khách, khi nấu nướng xong nó theo chân An Lân, bưng thức ăn lên phòng khách.

Thoạt nhìn người khách quí của chủ, Thanh Lan đã ngờ ngợ biết. Rồi nó nhận ngay ra hắn là tên tướng cướp đã giả dạng lái buôn dầu trước kia. Để ý quan sát, Thanh Lan thấy ở ngực hắn có vật gì cồm cộm lên.

Nó nghĩ thầm:

- Chắc hắn giấu dao để chờ dịp sát hại chủ ta.

Nghĩ vậy, nhưng con Thanh Lan vẫn thản nhiên, hầu  hạ chủ và khách một cách lễ phép hết sức.

Cha con A-Li-Ba-Ba thì không biết gì cả. Cả hai đều có vẻ hài lòng về người khách quí vui tính, bặt thiệp kia. Họ cùng Vạn Hoa ăn uống, nói chuyện tưng bừng.

Khi chủ, khách ăn xong, A-Li-Ba-Ba sai Thanh Lan dọn dẹp.

Vạn Hoa mừng thầm vì lúc đó chỉ còn hắn và cha con A-Li-Ba-Ba. Hắn bèn nài ép hai người kia uống thêm mấy cốc rượu nữa cho thực say để dễ bề hạ thủ.

Con Thanh Lan phải nghe lời chủ, dọn dẹp chén bát mang xuống bếp nhưng lòng nó nôn nao, nó chỉ sợ Vạn Hoa sẵn dịp vắng người ra tay hành động.

Vì thế, nó vội vã mặc bộ quần áo vũ nữ, lưng thắt một chiếc đai vải có gắn mặt đá, ngọc trai lấp lánh, trong đó nó giắt hai lưỡi dao sáng loáng.

Vừa trang điểm, Thanh Lan vừa bảo An Lân:

- Anh hãy sửa soạn quần áo sạch sẽ rồi lấy cây đàn lên đây tôi múa cho mà xem.

An Lân là một tên nô lệ, nhưng cũng biết đánh đàn khá lắm. Thỉnh thoảng rỗi rãi nó thường lấy đàn ra chơi, đệm nhạc cho con Thanh Lan hát. Con Thanh Lan hát rất khá, An Lân biết rồi, nhưng còn múa thì nó chưa thấy Thanh Lan trổ tài lần nào.

Hơn nữa, chén bát còn vứt đó chưa rửa, An Lân rất ngạc nhiên, hỏi:

- Cô cũng biết múa nữa hả? Nhưng sao, hôm nay định trổ tài đấy à?

Thanh Lan giục nó, môi cười, nói:

- Ông quí khách của chủ có vẻ tốt quá, ta phải dành cho ông một cuộc vui bất ngờ mới được.

Rồi sợ An Lân từ chối, nó nói thêm:

- Vả lại, ông chủ ta có vẻ quí khách lắm, mình phải làm cho chủ hài lòng.

An Lân nghe nói không từ chối được, đành nghe lời, lấy đàn theo Thanh Lan lên phòng khách.

Thoạt nhìn cặp tài tử bất đắc dĩ, A-Li-Ba-Ba cười lớn. Chàng không ngờ con Thanh Lan có sáng kiến tuyệt diệu như thế. Sau phút ngạc nhiên, chàng giới thiệu với khách:

- Thưa ngài, để giúp vui cho bữa tiệc hôm nay, hai “tài tử lâm thời” của chúng tôi xin trình diễn chút tài hèn.

Chưa kịp hạ thủ kẻ thù, tên tướng cướp rất khó chịu vì sự có mặt của cặp tài tử này. Tuy nhiên, hắn vẫn làm mặt vui, vỗ tay tán thành.

Thanh Lan và An Lân bắt đầu. Thanh Lan vừa múa vừa hát còn An Lân vừa múa vừa gẩy đàn.

Từ thuở bé đến giờ, An Lân có múa bao giờ đâu. Vì vậy, dáng điệu của nó thật lúng túng, còn Thanh Lan thì đã quen rồi, múa rất lả lướt, thướt tha.

Dáng điệu trái ngược của hai người phối hợp thành một màn vũ lạ lùng chưa từng thấy khiến ba vị khán giả ôm bụng cười rũ rượi.

Hết một màn vũ kỳ lạ ấy, Thanh Lan múa một mình. Nó rút hai lưỡi dao ra múa thật uyển chuyển, đẹp mắt.

Vạn Hoa mới thấy hơi ngại nhưng rồi cho rằng không ai có thể nhận được chân tướng mình nên lại yên lòng ngồi xem.

Theo nhịp múa, con Thanh Lan tiến đến chỗ Vạn Hoa rồi bất chợt đâm mạnh vào đúng ngực hắn.

Tên tướng cướp chết không kịp kêu, máu chảy thành vòi.

Trước sự việc bất ngờ, kinh khủng như thế, cha con A-Li-Ba-Ba sợ hãi kêu lên:

- Thanh Lan! Sao mi hành động điên rồ như thế? Mi định cho cha con ta ở tù về tội âm mưu giết người hay sao đây?

Thanh Lan bình tĩnh nói:

- Xin ngài đừng vội trách mắng con. Con vừa cứu ngài thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù.

Nói xong, Thanh Lan thò tay vào ngực áo ông “quí khách” lấy ra một con dao nhọn hoắt, sáng loáng.

Nó nói tiếp:

- Xin ngài nhìn kỹ lại xem có phải hắn chính là tên lái buôn dầu đến ngủ nhờ nhà ta dạo trước không?

A-Li-Ba-ba nhìn kỹ và thấy lời con Thanh Lan là đúng. Bồi hồi xúc động, A-Li-Ba-Ba nói với Thanh Lan:

- Thanh Lan! Lại một lần nữa con cứu ta khỏi âm mưu ám hại của tên tướng cướp. Ơn này ta biết lấy gì đền đáp cho xứng đây. Ta có ý muốn cho con kết duyên cùng con trai ta. Mong con nhận lời để ta được dịp báo đền ơn kia.

Rồi quay sang con, A-Li-Ba-ba dặn dò:

- Con phải thương yêu Thanh Lan để đền ơn nàng đã cứu sống cha bao nhiêu lần.

Người con A-Li-Ba-Ba từ lâu đã thầm yêu Thanh Lan vì tài sắc, đức hạnh nên nghe cha nói thế thì cúi đầu ưng thuận ngay. Còn Thanh Lan thì e thẹn sung sướng cúi mặt xuống để giấu môi má ửng hồng và đôi mắt rưng rưng lệ vì cảm động.

Xác tên cướp được chôn trong vườn cạnh ba mươi bảy tên đồng đảng của hắn. Thế là cả bọn cướp khét tiếng, chiến thắng trong mọi cuộc xung đột, cướp bóc đã phải chết dưới tay một người con gái, nàng Thanh Lan xinh đẹp, con dâu hiện thời của A-Li-Ba-Ba.

Lễ thành hôn của con trai A-Li-Ba-ba và Thanh Lan được cử hành rất trọng thể ngay mấy hôm sau. Mọi người đều khen tụng cô dâu chú rể xứng đôi vừa lứa.

Thanh Lan giúp chồng trông nom cửa hàng. Nhờ sự khôn ngoan, khéo léo của nàng, cửa hàng mỗi ngày một lớn, khách khứa ra vào tấp nập.

Phần A-Li-Ba-Ba, sau khi thấy bọn cướp chết cả, chàng nghĩ đến số của còn lại của chúng cất giấu trong hang.

Một hôm, chàng dắt vài con lừa đến hang. Cửa hang vẫn đóng, A-Li-Ba-Ba hô thần chú và cửa hang từ từ mở ra. Chàng bước xuống hang. Số vàng bạc trong hang đã vơi đi rất nhiều. Tuy nhiên, số còn lại cũng đủ cho một người sống cả đời một cách đế vương.

A-Li-Ba-Ba xếp một phần vào bao, chất lên lưng lừa mang về nhà.

Rồi cứ vài ngày một lần, A-Li-Ba-Ba mang lừa , mang túi đến chuyển dần vàng bạc về.

Nghiễm nhiên làm chủ một kho tàng, lại nhờ tài buôn bán khéo léo, cha con A-Li-ba-ba trở nên giầu có nổi tiếng trong nước. A-Li-Ba-Ba lại đặt đại lý tại nhiều nơi nên với số vốn to lớn, chàng thâu lời về vô kể.

Sẵn tiền, chàng mua ruộng đất, mua thêm nô lệ, cùng dâu, con sống một cuộc đời vinh hoa, phú quí.

*

Kể đến đây, nàng Mỹ Thanh Loan dừng lại tâu với vua Sa-Hy-A:

- Muôn tâu thánh thượng! Thần thiếp vừa kể dứt chuyện A-Li-Ba-ba và bốn mươi tên cướp.

Rồi nàng làm bộ nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài, màn đêm vẫn phủ kín vạn vật. Nàng nói tiếp:

- Chắc bây giờ còn sớm lắm. Vậy kính xin thánh thượng cho phép thần thiếp kể thêm một chuyện khác không kém phần ly kỳ. Đó là chuyện : “Con ngựa kỳ diệu”.

Nhà vua đã bị lôi cuốn bởi những câu chuyện đầy huyền bí qua giọng nói êm dịu của Mỹ Thanh Loan, nên nghe nàng nói thế thì ưng thuận ngay.

Mỹ Thanh Liên nhìn chị, mỉm cười sung sướng. Và Mỹ Thanh Loan bắt đầu kể:


Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

CẬU BÉ MIỀN NAM_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


4. CẬU BÉ MIỀN NAM
                                                              Thứ bảy, ngày 22

Chiều hôm qua, trong khi thày giáo đang cho chúng tôi biết tin tức anh Dư-Biên và nói anh sẽ phải chống nạng trong ít lâu thì ông hiệu trưởng đưa một người học trò mới vào lớp. Cậu bé, da nâu, tóc đen, mắt to, mày giao, mặc quần áo màu sẫm, ngoài nịt dây da. Sau khi nói nhỏ với ông Bích-Niên mấy câu, ông hiệu trưởng để cậu bé ở lại rồi ra. Anh học trò mới trố mắt nhìn chúng tôi, có vẻ sợ sệt. Thầy giáo liền dắt anh lại trước mặt chúng tôi và bảo rằng:

- Các con ơi! Các con hẳn được vui lòng vì hôm nay trường ta mới vào một trò em, quê ở xứ Cát-Lạp (1) cách đây xa lắm, ở mãi tận miền cực nam nước ta. Các con hãy niềm nở tiếp người bạn mới này. Em là dân một địa phương có tiếng, địa phương ấy đã sinh ra những bậc danh nhân, những tay thợ khéo và những quân nhân dũng cảm. Xứ của em là một xứ vào bậc thanh tú nhất nước, có bao nhiêu là núi lớn rừng xanh, dân cư rất thông minh và can đảm. Các con ơi! Các con hãy yêu quý bạn con cho bạn con khuây nỗi nhớ quê. Các con hãy tỏ cho bạn con biết rằng một đứa trẻ nước Ý đi đến trường nào trong nước là cũng gặp được bè bạn, gặp được anh em ở trường ấy.

Nói xong, ông Bích-Niên lại chỗ treo bản đồ Ý-đại-lợi, trỏ vị trí xứ Cát-Lạp cho chúng tôi coi. Xong thày dõng dạc gọi:

- Đỗ-Sinh!

Đỗ-Sinh anh học trò bao giờ cũng chiếm phần thưởng thứ nhất đứng dậy.

- Con lên đây.

Đỗ-Sinh ra ghế, lên bàn giấy, đứng cách anh học trò mới độ hai bước.

- Con là người đầu lớp, lấy tư cách ấy, thay mặt anh em, con hãy đem dấu thân ái của một người dân xứ Bắc tỏ cùng một người dân xứ Nam.

Đỗ-Sinh lại gần anh học trò miền Nam nói rất êm ái và rõ ràng:

- Chúng tôi mừng anh!...

Rồi Đỗ-Sinh hôn hai má người bạn mới một cách rất nồng nàn. Chúng tôi vỗ tay rầm rập.

Thầy quát:  

- Im! Không được reo cười trong lớp!

Tuy nhiên, thày tỏ ý rất bằng lòng về mối nhiệt tình của chúng tôi. Cậu bé miền Nam cũng ra dáng vui sướng.

Ông Bích-Niên đưa cậu bé đến chỗ ngồi và nói thêm:

- Cho được cái kết quả nói trên, nghĩa là làm cho một đứa trẻ xứ Nam ra ở xứ Bắc cũng như ở nhà mình và đứa xứ Bắc vào xứ Nam cũng tựa như về quê mình, nước ta đã phải chiến đấu trong 50 năm trời và đã hy sinh trên ba vạn người Ý mới khôi phục được quyền tự do ấy. Vậy các con hãy coi nhau như con một nhà, yêu nhau như anh em ruột thịt. Kẻ nào thấy người bạn mới không phải là người xứ mình mà đem lòng khinh rẻ, kẻ ấy sẽ không đáng ngẩng mặt nhìn ngọn quốc kỳ đi qua.

Cậu học trò miền Nam vừa ngồi vào chỗ thì các bạn chung quanh tíu tít, kẻ đưa ngòi bút, người cho bút chì và tranh ảnh, một bạn ngồi ghế sau gửi lên cho cậu một cái tem Thụy Sĩ để tỏ tình thân ái.
-------------------- 
(1) Calabres 

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

MỘT TAI NẠN_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


3. MỘT TAI NẠN
                                                                 Thứ sáu, ngày 21.

Niên học này đã mở đầu bằng một tai họa. Sáng nay, cha tôi đưa tôi đi học. Tôi mải nhắc lại những lời tâm huyết của ông Bích-Niên đã nói với học trò hôm trước cho cha tôi nghe, nên tới trường lúc nào không biết. Tôi giật mình thấy một đám túm đông túm đỏ ở trước cửa.

Cha tôi bảo : "Chắc lại có sự chẳng lành gì đây." Chúng tôi khó nhọc mới len vào được. Phòng khách đầy những phụ huynh và những học trò mà lúc ấy các thày giáo không tài nào xua vào lớp được. Mọi con mắt đều nhìn vào cửa buồng ông hiệu trưởng. Một ông đội mũ cao vừa đến, người ta thì thào: "Đấy là Bác sĩ".

Cha tôi hỏi một giáo sư thì ông trả lời:

- Bánh xe đè phải chân nó.

Ông khác nói tiếp:

- Và nghiến nát bàn chân.

Nạn nhân là một trò em lớp Tư, đi học qua phố Đỗ-xá, thấy một em bé tuột tay mẹ dắt, ngã lăn giữa lối, một cái ô-tô hàng đang vùn vụt chạy đến. Lập tức, cậu chạy ra lôi đứa bé kia dậy và ôm nó lên rồi, nhưng không may, bánh xe lướt phải chân cậu. Cậu là con một viên Quan Ba pháo thủ.

Trong khi chúng tôi đang nghe người ta kể lại như thế, thì ở ngoài có một người đàn bà xô đẩy mọi người và hốt hoảng chạy vào như một người điên. Đó là mẹ cậu Dư-Biên, người học trò bị nạn. Ngay lúc ấy, một người đàn bà khác là mẹ cậu bé được cứu chạy ra ôm lấy bà, thổn thức khóc và đưa bà vào phòng ông hiệu trưởng. Ở ngoài, người ta nghe tiếng kêu đau đớn của bà Dư-Biên:

- Ối Duy-Lệ, con ơi !... (Duy-Lệ là tên tục của cậu bé)

Lát sau, một chiếc xe ngựa đỗ trước giậu, ông hiệu trưởng bế cậu Biên ra. Cậu bé sắc da nhợt nhạt, hai mắt nhắm nghiền, gục đầu vào vai ông hiệu trưởng. Phút ấy, trong phòng im lặng như tờ, người ta chỉ nghe thấy tiếng nức nở của bà mẹ thôi. Ông hiệu trưởng dừng bước giữa phòng, nâng cao cậu bé lên như để mọi người trông rõ. Tức thì các thày giáo, các cô giáo, các phụ huynh học trò, ai nấy đều phàn nàn cho cậu và khen cậu là người can đảm ít có. Mấy cô giáo đứng gần đấy liền hôn hai bàn tay xanh rớt của cậu. Cậu Biên bỗng bừng mắt và hỏi khẽ:

- Cặp sách em đâu?

Mẹ em bé sống sót liền giơ cặp lên, vừa nói vừa khóc:

- Em ơi! Cặp của em đây rồi, ta sẽ đem lại nhà cho em.

Thấy con nói được, bà Dư-Biên mới lại hồn. Mọi người đều giải tán. Cậu bé bị thương được đưa lên xe rất cẩn thận. Xe bắt đầu chuyển bánh, chúng tôi vào lớp, ai nấy đều cảm động và lặng thinh.

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

A-LI-BA-BA VÀ BỒN MƯƠI TÊN CƯỚP (III)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Nghe nói, tên cướp mừng rỡ, biết ông lão liên quan đến việc mình đang điều tra, nhưng vẫn ra vẻ thản nhiên hỏi:

- Thôi! Cụ đừng đùa dai nữa! Có đời thuở nhà ai mà khâu xác chết bao giờ. Chắc cụ khâu vải liệm thì có!

Lão thợ ngày vô tình gân cổ cãi:

- Xác chết thật mà! Nhưng câu chuyện cũng khó tin, tôi chẳng cần biện bạch làm gì, mất công!

Tên cướp móc túi lấy một đồng vàng cho ông lão và nói:

- Xin lỗi cụ! Cụ bỏ qua thái độ không hay của tôi và kể cho tôi biết câu chuyện lạ lùng ấy.

Được tiền, lão thợ giày nói:

- Thật ra tôi cũng chẳng biết gì. Người ta thuê tôi thì tôi chỉ biết khâu chứ có biết nguyên do tại sao đâu.

Tên cướp hỏi:

- Thế cụ có biết ở nhà ai và ở đâu không?

- Tôi nào có biết.

- Cụ nói là đến tận nơi cơ mà!

- Đến tận nơi thật, nhưng lúc dẫn đến cũng như lúc đưa về họ đều bịt mắt tôi, tôi có biết nhà ai, ở đâu đâu.

- Cụ còn giấu làm gì. Nếu cụ nói cho tôi biết chỗ cụ khâu xác chết tôi sẽ biếu cụ thật nhiều vàng bạc.

Lão thợ giầy trả lời:

- Tôi muốn giúp ngài lắm, nhưng quả thật tôi có biết gì hơn đâu.

Tên cướp lại lấy thêm hai đồng tiền vàng nữa cho lão thợ giày rồi nói:

- Nhưng ít ra cụ cũng nhớ được quãng đường từ lúc bị bịt mắt đến nhà đó xa bao nhiêu và quẹo mặt quẹo trái mấy lần chứ. Hay cụ để tôi bịt mắt cụ rồi cụ thử đi xem nhé!

Lão thợ giày gật đầu ưng thuận và tên cướp lấy khăn bịt mắt lão lại rồi hai người đi.

Đi được một quãng, bỗng lão thợ giày dừng lại. Đó là nhà Cao Vân. Lão nói:

- Có lẽ chính là nhà này!

Tên cướp cởi khăn bịt mắt cho lão thợ giày, lấy mấy đồng tiền vàng nữa thưởng cho lão rồi bảo lão trở về.

Xong xuôi, tên cướp lấy phấn vạch lên cửa nhà Cao Vân mấy vạch làm dấu rồi về hang báo cáo.

Tình cờ, một lúc sau con Thanh Lan đi đổ rác về, thấy mấy vạch phấn trên cửa thì lấy làm lạ, nghĩ thầm:

- Sao lại có mấy vạch phấn này trên cửa? Không hiểu do ai nghịch ngợm mà vẽ lên hay có kẻ nào định ám hại chủ mình?

Suy nghĩ một lúc, Thanh Lan nói một mình:

- Dù sao, cứ đề phòng vẫn hơn.

Nói xong, nó lấy phấn vạch lên tất cả cánh cửa các nhà trong phố những vạch y hệt như thế.

Phần tên cướp, sau khi điều tra xong trở về hang được tên chúa đảng khen ngợi hết lời. Sau đó, cả bọn cướp được lệnh sửa soạn khí giới để buổi tối vào thành phố thi hành kế hoạch.

Tối hôm ấy, bọn cướp kéo nhau đi. Gần đến thành phố, tên chúa đảng ra lệnh:

- Các bạn hãy đứng đợi ở đây. Ta và anh bạn do thám đi trước, tìm được căn nhà ấy sẽ ra lệnh. Lúc đó, các bạn sẽ tiến vào. Như vậy đỡ ồn ào, nhộn nhịp trong trường hợp chưa tìm thấy nhà ngay.

Nói xong, tên chúa đảng và tên cướp do thám vào phố, những tên khác đứng lại chờ.

Giữa đường, tên chúa đảng hỏi:

- Sau khi tìm được nhà, bạn đánh dấu thế nào?

- Tôi lấy phấn vạch mấy nét trên cửa.

Tên chúa đảng gật đầu hài lòng. Nhưng khi thấy suốt dãy phố, cửa nhà nào cũng có dấu phấn, hắn quay lại hỏi tên cướp do thám:

- Tại sao nhà nào cũng có dấu phấn thế này?

Tên cướp do thám ngẩn người ra, một lúc mới nói:

- Buổi sáng tôi chỉ vạch đánh dấu một nhà mà bây giờ đứa khốn nạn nào đã bắt chước vạch cùng hết cả thế này?

Tên chúa đảng bực tức:

- Thế hiện anh có còn nhận ra nhà nào có dấu do chính tay anh vạch không?

Tên cướp do thám lò dò đến từng nhà ngắm những dấu phấn trên cửa rồi trở về, thở dài và nói:

- Tôi chịu, không nhận ra được vì các dấu phấn đều giống hệt nhau.

Thất vọng, tên chúa đảng đành quay lại, ra lệnh cho cả bọn trở về hang.

Về đến hang, bọn cướp họp lại. Ai nấy nhao nhao hỏi lý do tại sao việc không thành. Tên chúa đảng nhất nhất kể lại sự bất cẩn của tên do thám. Xong, hắn nói, giọng lạnh lùng:

- Theo luật đảng, kẻ nào không làm tròn bổn phận phải chịu tội chết.

Tên cướp do thám bước ra không nói một lời, đưa cổ ra chờ đợi. Một tên khác rút kiếm chém một nhát, tên do thám chết ngay tại chỗ.

Sau đó, một tên cướp giơ tay xin vào thành phố do thám lần nữa.

Sáng sớm hôm sau, tên này cũng tìm đến nhà lão thợ giày và lão ta cũng chỉ cho hắn nhà Cao Vân. Tên cướp này dùng gạch đỏ để đánh dấu chứ không dùng phấn trắng.

Sáng hôm đó, con Thanh Lan cũng đi đổ rác về. Trông thấy vạch đỏ, nó nghĩ thầm:

- Đích thực có kẻ mưu toan ám hại chủ ta rồi! Phải phá âm mưu này mới được.

Nghĩ thế, nó lại đi tìm gạch đỏ vạch lên cửa các nhà trong phố những vạch y hệt như những vạch trên cửa nhà chủ nó.

Tối hôm đó, bọn cướp lại lục tục kéo đến nhưng rồi lại thất vọng trở về với âm mưu không thành, vì lần này chúng cũng không nhận ra nhà của Cao Vân.

Về đến hang, tên cướp do thám lại đành chịu tội. Thế là chết toi mất hai tên.

Vừa tức giận, vừa đau lòng vì mối thù chưa rửa được mà mất hai đồng đảng gan dạ, tên cướp ra lệnh cho đồng bọn ở lại hang. Lần này đích thân hắn đi do thám.

Tên chúa đảng cũng đến nhà lão thợ giầy và được lão chỉ đến nhà Cao Vân. Tên chúa đảng khôn ngoan không đánh dấu ngôi nhà như hai tên kia. Hắn đứng nhận xét ngôi nhà của Cao Vân thật rành mạch rồi trở về.

Hôm ấy, cả bọn cướp bàn định kế hoạch.

Sau khi tất cả đồng ý, tên chúa đảng sai người đi mua mười chín con lừa và ba mươi tám cái thùng lớn có thể một người ngồi trong. Mua về, một thùng chúng chứa đầy dầu, còn ba mươi bảy thùng kia thì để ba mươi bảy tên cướp còn lại ngồi vào, tên nào cũng cầm một thanh gươm sắc bén và bên mình một lưỡi dao găm. Tên chúa đảng ăn mặc giả dạng người buôn dầu, dắt mười chín con lừa vào phố.

Đến tối thì hắn đến trước cửa nhà A-Li-Ba-Ba. Thấy một người ở trong nhà bước ra, tên chúa đảng cướp trong lốt lái buôn, cúi đầu lễ phép nói:

- Kính chào ngài! Tôi là lái buôn từ phương xa mới tới. Chẳng may đến đây trời tối rồi mà không tìm được quán trọ. Mong ngài vào nói lại với chủ căn nhà này cho tôi gửi đàn lừa này trong sân qua đêm nay.

Người hắn hỏi lại chính là A-Li-Ba-Ba, chủ ngôi nhà và cũng là người hắn định giết.

Vốn là người nhân từ, lại thấy khách lạ ăn mặc sang trọng, ăn nói lễ phép, A-Li-Ba-Ba vui vẻ nhận lời và mời hắn vào nhà.

Khi người lái buôn xếp xong ba mươi tám thùng dầu vào một góc sân, A-Li-Ba-Ba sai đầy tớ dẫn lừa vào chuồng và bảo cho ăn uống cẩn thận.

A-Li-Ba-Ba lại sai Thanh Lan nấu nướng thêm thức ăn để đãi người khách lạ. Rồi chàng lại sai dọn dẹp phòng riêng, trải giường nệm sạch sẽ để khách nghỉ ngơi qua đêm.

Bữa cơm tối xong xuôi, A-Li-Ba-Ba nói:

- Xin ngài đừng ngại, cứ coi như ở nhà. Nếu ngài muốn gì xin cứ gọi, tôi sẽ bảo đầy tớ hầu hạ ngài.

Tên cướp khấp khởi mừng thầm, tin rằng lần nầy thể nào cũng trả được thù kia vì thấy A-Li-Ba-Ba không có vẻ nghi ngại gì cả.

Nói chuyện một lát, tên chúa đảng cướp xin phép xuống sân xem lại hàng để tiện dịp dặn dò đồng đảng.

Đi một lượt qua dãy thùng, tên chúa đảng ghé miệng nói nhỏ:

- Các bạn sẵn sàng, khi nào nghe tiếng sỏi rơi rào rào xuống sân thì vạch thùng mà ra ngay nhé! Ném sỏi xong tôi xẽ xuống đây ngay để hợp sức với các bạn.

Dặn dò đồng đảng xong, tên tướng cướp vào bếp nhờ Thanh Lan đưa về phòng ngủ.

Vào phòng, hắn giả vờ mệt mỏi, tắt đèn đi ngủ ngay không cởi quần áo.

Cũng như mọi đêm, Thanh Lan thức rất khuya, cùng tên nô lệ An Lân sửa soạn bữa sáng hôm sau cho chủ.

Tối hôm đó, công việc chưa xong thì đèn hết dầu. Thanh Lan tìm chai dầu để đổ vào đèn thì không may (hay may vô cùng) chai cũng hết sạch dầu.

An Lân bàn:

- Lo gì, dưới sân thiếu gì dầu của ông lái buôn. Mình cứ lấy đại một ít dùng. Sáng mai sẽ đi mua.

Thanh Lan đồng ý ngay và mang chai ra sân để lấy.

Ra sân, đến trước thùng dầu thứ nhất bỗng nó nghe tiếng người trong thùng vọng ra:

- Đến giờ khởi sự chưa, đại ca?

Thì ra tên cướp trong thùng nghe tiếng chân con Thanh Lan lại tưởng tên chúa đảng.

Như người khác thì thấy sự lạ như thế tất sợ hãi mà kêu ầm lên. Con Thanh Lan thì trái lại. Nó rất bình tĩnh, nghĩ thầm:

- Thôi, đúng tên phú thương kia là kẻ gian lập kế để ám hại chủ ta rồi.

Nó đi suốt một lượt qua các thùng dầu và qua thùng nào nó cũng nghe tiếng hỏi như thế.

Đến thùng thứ ba mươi tám, không nghe thấy tiếng nói, nó gõ thử thấy kêu bịch bịch thì đoán đấy mới là thùng dầu. Chợt trong óc nó nẩy ra một mưu kế, nó liền chạy vào bàn với An Lân:

- Anh lấy một cái chảo thật lớn, bắc lên bếp rồi chất củi thật nhiều vào.

An Lân không hiểu gì cả, ngạc nhiên hỏi:

- Làm gì thế?

Thanh Lan thì thào:

- Xuỵt! Xuỵt! Anh cứ việc làm như tôi dặn. Đừng hỏi gì nữa! Rồi khắc biết.

Nói xong, Thanh Lan mang một cái chậu ra, chuyển hết chậu dầu nọ đến chậu dầu kia vào chảo. An Lân thì nghe lời Thanh Lan chất thật nhiều củi vào bếp. Chẳng bao lâu chảo dầu sôi sùng sục.

Lúc bấy giờ, Thanh Lan mới bảo An Lân:

- Anh múc dầu ra chậu cho tôi.

An Lân không hiểu Thanh Lan định làm gì nhưng cũng làm y lời. Và Thanh Lan bưng từng chậu dầu sôi đổ vào những thùng có cướp bên trong.

Bất thần bị dầu sôi đổ vào, những tên cướp chết không kịp kêu một tiếng. Những tên khác trong những thùng kế cận không biết gì cả, yên trí ngồi cho đến khi bị dầu sôi đổ lên mình.

Lần lượt, từng chậu một, con Thanh Lan “luộc” hết ba mươi bẩy tên cướp thì thùng dầu cũng vơi cạn. Làm xong công việc ấy, Thanh Lan mệt đừ. Nó lại ngồi trên bậc cửa nghỉ. Tên nô lệ An Lân nhìn nó mỉm cười.

Một lúc sau, tên chúa đảng ra khỏi giường, đến cửa sổ nhìn xuống bếp. Thấy đèn dưới bếp tắt hết, hắn cầm một nắm sỏi ném xuống sân.

Nhưng thật lạ! Không một tên cướp nào rạch thùng để ra cả. Bốn bề vẫn lặng im như tờ.

Giận quá, tên chúa đảng chửi thầm:

- Quân khốn nạn! Công việc sắp đặt như thế mà còn ngủ được. Hỏng hết việc còn gì.

Cầm một nắm sỏi khác, hắn ném lần thứ hai… rồi lần thứ ba, thứ tư. Vẫn không động tĩnh gì cả.

Linh tính báo cho hắn biết có việc chẳng lành. Hắn liền xuống sân xem xét.

Hắn suýt rú lên khi trông thấy từ mỗi thùng hơi nóng bốc lên ngùn ngụt và mùi thịt cháy khét lẹt xông lên.

Cùng với lòng thương xót đồng bọn, lòng căm giận dâng lên. Nhưng trước hoàn cảnh này tên chúa đảng không còn biết gì nữa, chỉ lo kế thoát thân hòng còn dịp khác trả thù. Hắn nhẩy lên nóc nhà rồi chuyền qua các cành cây, nhẩy ra ngoài. Ngồi trong phòng, con Thanh Lan trông thấy hết. Nó thở dài khoan khoái vì đã bảo vệ được tính mạng và tài sản của chủ.

Sáng hôm sau, A-Li-Ba-ba dậy thấy các thùng dầu vẫn xếp nguyên ở sân thì hỏi con Thanh Lan:

- Sáng rồi mà ông khách chưa đi à?

Thanh Lan lễ phép thưa:

- Xin ngài lên dùng bữa sáng rồi con sẽ xin kể đầu đuôi mọi sự.

A-Li-Ba-Ba ăn sáng xong, Thanh Lan dẫn chủ ra sân rồi chỉ vào các thùng dầu, nói:

- Trước hết, xin ngài mở các thùng kia ra xem ở trong có gì?

Nghe lời, A-Li-Ba-Ba mở một thùng nhìn vào. Thấy một xác chết nằm trong đó, chàng hoảng sợ xuýt la lên.

Thanh Lan nói:

- Xin ngài đừng sợ. Đó là một trong số ba mươi bảy tên cướp định hại ngài đêm qua. Ba mươi sáu tên khác trong những thùng kia cũng đồng số phận. Chính tên phú thương đêm hôm qua là chúa đảng của bọn này.

A-Li-Ba-Ba lần lượt xem xét ba mươi sáu chiếc thùng kia và đều thấy một xác chết trong đó. Nhớ đến tên phú thương, chàng hỏi:

- Thế còn lão kia đâu rồi?

Thanh Lan bèn lần lượt kể từ đầu đến cuối những việc nó làm đêm hôm qua và cả việc tên cướp nhẩy qua tường chạy trốn. Kể xong, nó nói tiếp:

_______________________________________________________________________ 
Còn 1 kỳ

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

THẦY GIÁO MỚI_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


2. THẦY GIÁO MỚI
 
                                                         Thứ ba, ngày 18

Tưởng thế, chứ thày giáo mới chúng tôi đã khéo làm xứng ý mọi người ngay sáng hôm nay.

Giờ vào học, sau khi thày đã ngồi vào bàn, chốc chốc lại thấy một người học trò cũ qua cửa cúi chào. Cũng có người vào bắt tay thày và thăm hỏi một cách rất cung kính. Đủ biết học trò cũ quyến luyến thày biết dường nào và như muốn còn được ở gần thày. Nhưng chào thì chào, bắt tay thì bắt, thày không nhìn thẳng mắt ai, cứ lảng trông ra cửa sổ. Những dấu thân ái và biết ơn ấy tưởng đã làm cho thày thỏa ý nhưng trái lại đã khiến thày mủi lòng.

Đến bài chính tả, thày xuống bục, đi lại trong các hàng ghế đọc cho chúng tôi viết. Thấy một học trò mặt lấm tấm mụn đỏ, thày ngừng đọc, lại gần lấy tay sờ trán và hỏi: "Con làm sao?" Thừa lúc thày quay lưng lại, một anh học trò bàn dưới leo lên ghế run rẩy như người trượt tuyết. Bất đồ, thày nhoảng lại bắt gặp, anh chàng vội ngồi xuống, cúi đầu đợi phạt. Nhưng ông Bích-Niên sẽ đập vào vai anh học trò dại dột kia, bảo rằng: "Không được làm thế nữa". Có thế thôi. Rồi thày bình tĩnh về chỗ đọc nốt bài chính tả.

Khi viết xong, thày yên lặng nhìn chúng tôi một lúc rồi ôn tồn nói:

- Các con ơi! Hãy nghe ta! Chúng ta cùng nhau phải qua một năm học. Chúng ta nên hết sức làm việc để qua năm ấy cho được tốt đẹp. Phải chăm chỉ. Phải ngoan ngoãn. Ta không có gia đình. Các con là gia đình của ta. Năm ngoái, mẹ ta còn, bây giờ người đã khuất. Ta chỉ còn có một mình ta. Ngoài các con ra, ở trên đời này, ta không còn có ai nữa; ngoài sự thương yêu các con, ta không còn thương yêu ai hơn nữa. Các con ví như con ta. Ta sẽ yêu dấu các con. Đáp lại, các con phải yêu dấu ta. Ta không muốn phạt người nào cả. Các con phải tỏ ra là những trẻ có tâm hồn. Trường ta sẽ là một gia đình, các con sẽ là mối an ủi và mối tự hào của ta. Ta không cần phải hỏi lại các con, vì ta tin rằng trong lòng các con, ai ai như cũng "vâng rồi", nên ta có lời cảm ơn các con.

Thày nói dứt lời thì người coi trường vào báo "hết giờ" (1). Chúng tôi yên lặng xuống sân. Anh học trò vô lễ ban nãy rón rén lại gần thày giáo, nói run run:

- Thưa thày, xin thày tha lỗi cho con.

Thày gật đầu, hôn trán anh và bảo:

- Tốt lắm! Cho con về.

-------------------------
Chú thích. (1) Tại các trường học ở các thị xã nước Ý ngày xưa có tục : Cứ đến hết giờ học thì người coi trường phải đi từng lớp và rao hai tiếng "hết giờ!" 

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

NGÀY KHAI TRƯỜNG_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


THÁNG MƯỜI TÂY

1. NGÀY KHAI TRƯỜNG

Tại thành Tuy-Ranh(1), thứ hai, ngày 17.

Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng hè đã thoáng qua như giấc mộng. Sáng nay, mẹ tôi đưa tôi vào trường Ba-lệ-tư để ghi tên lên lớp ba. Đi đường, óc tôi cứ vơ vẩn đến chốn nhà quê, lấy sự đi học làm ngại. Phố nào cũng thấy nhan nhản học trò. Hai hiệu sách lớn chật ních những phụ huynh vào mua sách vở, giấy, bút, cặp da. Cửa trường đông nghịt những người, cảnh binh và người gác cổng phải khó nhọc mới mở được một lối vào.

Vừa bước qua cổng trường, thấy một bàn tay vỗ vào vai, tôi giật mình ngoảnh lại thì ra thày giáo lớp Tư, tôi học năm ngoái, mái tóc đỏ hoe vẫn để rối, nét mặt vẫn vui tươi, thầy bảo tôi:

- An-Di ơi! Thày trò ta từ nay chia tay nhau nhỉ?

Điều ấy, tôi đã nghĩ đến, nay thày tôi lại nhắc, khiến tôi thêm chạnh lòng. Mẹ tôi và tôi phải chen chúc mãi mới vào được trong trường. Các ông, các bà sang trọng, các bà thường dân, thợ thuyền, sĩ quan, các cụ già, những đày tớ, ai nấy đều một tay dắt trẻ, một tay cắp gói, đứng chật phòng trú chân và ở trên thang gác. Cảnh tượng rất là náo nhiệt.

Hôm nay, lại được trông thấy bảy phòng học ở từng dưới là nơi ròng rã ba năm trường, ngày nào tôi cũng lui tới, lòng tôi sung sướng vô cùng!

Trên thềm, các cô giáo đi lại tới tấp. Cô giáo lớp Năm (2) đứng ở cửa lớp, thấy tôi liền bảo:

- Em An ơi! Năm nay em học trên gác. Ít ra ta lại được nhìn em qua lại!

Mẹ tôi đỡ lời:

- Thưa cô, cháu sẽ đến thăm cô luôn.

Chúng tôi chào cô rồi đi.

Ông Hiệu trưởng, râu tóc bạc hơn năm ngoái, có vẻ bận rộn vội vàng, đang bị vây trong đám các bà, một số người thất vọng vì không còn chỗ cho con. Bạn tôi đi học đông đủ. Nhiều người coi lớn vọt lên. Ở từng dưới, việc dồn lớp đã xong. Mấy trò em mới đến trường lần thứ nhất, không chịu vào lớp, giật lùi như những con ngựa bất kham; người ta phải dùng sức lôi vào. Có em đã ngồi vào ghế rồi lại trốn ra, có em thấy cha mẹ thì khóc tru lên.

Em trai tôi vào lớp cô Đan-cát-Tiên, còn tôi thì học thầy Bích-Niên ở trên gác.

Đúng 10 giờ, học trò lớp tôi đều vào cả : 54 người trong bọn, tôi nhận mãi mới thấy 15 hay 16 bạn lớp dưới mới lên. Trông thấy tôi, anh Đỗ-Sinh, người học trò bao giờ cũng chiếm phần thưởng thứ nhất, liền ra hiệu mừng rỡ.

So với rừng rậm và non xanh là những nơi tôi đã qua chơi mấy tuần lễ trước thì trường học coi bé nhỏ và buồn tênh!

Hết nhớ cảnh lại nhớ người. Tôi nhớ thày cũ tôi ở lớp Tư, một ông thày khoan từ và vui vẻ, bao giờ trông thấy tôi cũng mỉm cười. Tôi rất tiếc không được thấy thày ở đây với bộ tóc hoe đỏ rối bù.

Thày giáo chúng tôi bây giờ, người to lớn, không có râu, tiếng nói sang sảng. Đứng trên bục cao, thầy nhìn xuống chòng chọc hết người này đến người khác hình như muốn coi thấu tâm tình chúng tôi. Thày nghiêm quá, ít khi thấy nở một nụ cười.

Tôi nghĩ bụng: "Hôm nay mới là ngày đầu, còn mười tháng nữa mới nghỉ hè. Trong mười tháng ấy sẽ có biết bao nhiêu là việc làm, bao nhiêu là bài thi và bao nhiêu là sự khó nhọc đang chờ ta!", nên lúc ra về tôi có vẻ chán nản. Mẹ tôi khuyên rằng:

- An ơi ! Hãy can đảm lên, con ạ! Mẹ sẽ cùng học bài với con...

Tôi yên tâm theo mẹ tôi về nhà, nhưng lòng vẫn nhớ tiếc một ông thày vui tính và hiền từ, vẫn thấy trường học kém vui, không bằng năm ngoái.

--------------- 
Chú thích. (1) Tuy-Ranh : (Turin), một thành phố ở khu tây bắc nước Ý, trên sông Pô.
(2) Các lớp bậc Sơ Học đều do các bà giáo dạy cả.

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

A-LI-BA-BA VÀ BỐN MƯƠI TÊN CƯỚP (II)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Trời gần về chiều, Cao Vân vẫn ngồi khóc mà không thể nghĩ ra được kế gì để thoát thân.

Bỗng bọn cướp ở đâu kéo về. Tới cửa hang, chúng thấy mười con lừa của ai buộc bên gốc cây thì ngạc nhiên và nghi ngờ.

Tên chúa đảng cẩn thận rút kiếm ra khỏi vỏ, rồi đứng trước cửa hang gọi lớn:

- “Hỡi Thanh-Cần, hãy mở ra!”

Cao Vân đang ngồi im lặng, bỗng nghe thấy tiếng ồn ào như tiếng chân ngựa phía ngoài, rồi lại có tiếng gọi “Thanh-Cần” thì hốt hoảng, than:

- “Thôi, số ta đã tận rồi!”.

Cao Vân định bụng khi cửa hang mở ra là chạy trốn.

Vừa lúc đó tảng đá nứt ra, Cao Vân vội vã lao đầu chạy ra ngoài.

Nhưng rủi thay, hắn ta đâm đầu vào bụng tên cướp đang đứng trước cửa hang khiến hắn té nhào.

Tên chúa đảng ra lệnh:

- Hãy bắt trói nó lại.

Cả bốn mươi tên cướp cùng hè nhau lại trói nghiến Cao Vân vào một gốc cây. Rồi chẳng cần phải hỏi tội, một ánh đao sáng lóe lia đứt cổ Cao Vân, máu phun ra xối xả.

Rồi cả bọn kéo xác Cao Vân vào trong hang. Chúng thấy những bao vải của Cao Vân để ngổn ngang thì thu gọn lại, rồi mở một cuộc họp bất thường.

Tên chúa đảng nghiêm giọng nói:

- Mấy chục năm sanh sống trên đất này, những hành động của ta không hề một ai hay biết. Nay có một thằng vô danh này không hiểu tại sao lại vô được đây?

Bốn mươi tên cướp liền chia nhau đi kiếm khắp các khe, hốc trong hang xem có chỗ nào mà Cao Vân có thể vào được chăng, nhưng tuyệt nhiên chẳng có dấu vết gì. Còn phía hốc đá ở đỉnh núi thì cao chót vót không có ai vào nổi. Chẳng lẽ Cao Vân lại biết được câu thần chú để mở cửa hang hay sao?

Rồi cả bọn bàn tán sôi nổi mà chẳng có đứa nào tìm ra nguyên nhân.

Sau cùng, tên chúa đảng nói:

- Theo đúng điều luật của đảng, khi kẻ nào phạm vào sao huyệt của ta thì sẽ bị xẻ làm bốn. Vậy các bạn hãy thi hành và mang thây ra phơi ngoài cửa hang.

Một tên bàn:

- Nếu chúng ta phơi thây hắn ra cửa hang thì mai kia có thể có người sẽ khám phá ra sào huyệt này. Chi bằng chúng ta cứ bỏ xác ở trong hang còn hơn.

Tên chúa đảng gật đầu:

- Được, nhưng chúng ta phải xa sào huyệt này một thời gian để cho mùi hôi thối bay đi hết rồi hãy trở lại hội họp.

Cả bọn cùng thuận theo lời tên chúa đảng. Chúng chia nhau xẻ xác Cao Vân ra làm bốn mảnh, rồi vùi trong hang trước khi lên đường. Chúng lại tiếp tục những cuộc cướp bóc ở các nơi để lần lần mang vàng bạc, châu báu về cất trong hang.

Buổi tối hôm đó, vợ Cao Vân ngóng đợi chồng ngoài cổng hồi lâu mà không thấy tin tức gì. Đến nửa đêm, chị ta cũng không thấy bóng dáng chồng với mười con lừa đâu cả.

Vợ Cao Vân lo sợ cho tính mạng của chồng, thao thức suốt đêm chờ sáng.

Sáng hôm sau, vợ Cao Vân dậy thật sớm, sang nhà A-Li-Ba-Ba để nhờ chàng đi kiếm anh trai.

A-Li-Ba-Ba vốn tính ngay thẳng, hiền lành, được tin chị dâu báo liền tức tốc dắt lừa vào rừng tìm anh.

Khi tới cửa hang đá, A-Li-Ba-Ba không thấy anh cũng như mười con lừa đâu cả.

A-Li-Ba-Ba để ý nhìn trước cửa hang thấy có vết máu thì nghi ngờ có chuyện chẳng lành xẩy ra cho anh mình.

Chàng liền gọi thần chú để mở cửa hang.

Vừa bước vào trong, A-Li-Ba-Ba chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp: Anh chàng bị chặt làm bốn, máu còn lênh láng trên mặt đất!

Dù trước đây, Cao Vân có đối xử tệ với A-Li-Ba-Ba nhưng giờ đây đứng trước xác anh, A-Li-Ba-Ba cũng không thể nào cầm được nước mắt. Chàng khóc lóc thảm thiết vì mất đi một người thân trong gia đình.

Một lát sau, A-Li-Ba-Ba gạt lệ, thu xác anh cho vào một cái bao, rồi lấy hai cái bao khác chất đầy vàng bỏ lên lưng lừa. A-Li-Ba-Ba cẩn thận phủ một lớp cỏ khô trên lưng lừa cho mọi người không để ý, rồi dắt lừa  ra về.

Tới nhà, A-Li-Ba-Ba giao cho vợ hai bao vàng cất kỹ, rồi chàng mang chiếc bao chứa thi hài Cao Vân sang cho chị dâu.

Vừa tới cổng, A-Li-Ba-Ba gặp con đầy tớ tên là Thanh Lan ra mở cổng. A-Li-Ba-Ba liền dẫn con đầy tớ ra một chỗ vắng, kể lại câu chuyện mà chàng được chứng kiến trong hang. Chàng còn dặn nó phải giữ kín.

Thanh Lan vốn là một đứa đầy tớ tinh khôn và có nghĩa với chủ, vì vậy nó hứa với A-Li-Ba-Ba là sẽ không nói cho ai biết cả.

Rồi Thanh Lan chạy vào thuật lại chuyện xẩy ra cho chủ nghe. Vợ Cao Vân được tin lăn lộn than khóc thảm thiết.

A-Li-Ba-Ba lo sợ chạy vào nói:

- Chị đừng than khóc mà lộ chuyện, lúc đó bọn cướp sẽ đến đây sát hại hết chúng ta. Cũng chỉ vì anh Cao Vân quá hám lợi nên mới xẩy ra thế này. Chị hãy phao tin là anh Cao Vân bị cảm mà mất. Phần tôi và con Thanh Lan sẽ lo liệu chôn cất cho anh Cao Vân được mồ yên mả đẹp. Tôi hứa là sau này sẽ cưới chị làm vợ, tôi sẽ để chị hưởng sự sung sướng như hồi anh ấy còn sống. Còn vợ tôi thì không ghen tuông đâu. Hai người sẽ sống với nhau hòa thuận như chị em ruột vậy.

Vợ Cao Vân trước hoàn cảnh này không biết nói sao. Hơn nữa, chị đang lo sợ không biết phải sống thế nào thì A-Li-Ba-Ba sẵn sàng cưới chị làm vợ, lại cho hưởng sự giàu sang mà khi chồng chị còn sống chị còn chưa được hưởng.

Bàn luận một hồi lâu, A-Li-Ba-Ba sai con Thanh Lan ra hiệu thuốc gọi cửa mua một gói thuốc cảm, nói là Cao Vân đang bị bệnh nặng.

Sáng sớm hôm sau, Thanh Lan lại ra hiệu thuốc với dáng buồn bã, nói với ông chủ hiệu thuốc bán cho một viên thuốc hồi sinh.

Nó còn giả bộ nói:

- Nếu uống viên thuốc này mà không có kết quả thì chủ tôi ắt không qua khỏi.

Những người hàng xóm thấy con Thanh Lan tất tả chạy đi mua thuốc, rồi vợ chồng A-Li-Ba-ba mỗi ngày tới nhà Cao Vân mấy lần, thì họ đều đoán là do bệnh của Cao Vân. Rồi một hôm, người vợ và con đầy tớ bỗng khóc lóc thảm thiết. A-Li-Ba-Ba chạy tới thăm hỏi rồi loan tin cho mọi người biết là Cao Vân đã từ trần.

Sáng sớm ngày hôm sau, con Thanh Lan vội vã chạy tới nhà một ông thợ đóng giầy ngay đầu phố. Nó chào hỏi một cách lễ phép và đặt vào tay ông ta một đồng tiền vàng.

Ông lão nhận được một đồng tiền vàng thì mừng rối rít hỏi Thanh Lan:

- Con muốn đóng giầy ư?

Thanh Lan nhỏ nhẹ nói:

- Cụ ơi! Cháu định mang đôi giầy đến đây nhờ cụ chữa giúp, nhưng lỡ để quên ở nhà rồi. Vậy cụ làm ơn tới nhà cháu khâu giúp có được không?

Ông lão thấy Thanh Lan có nhiều tiền, và tử tế quá nên ông ta sốt sắng mang kim chỉ ra đi ngay.

Đi được một quãng, Thanh Lan nói:

- Cụ ơi! Con mới nghĩ ra một trò chơi này nhờ cụ giúp, chẳng hay cụ có bằng lòng không?

Ông lão hỏi:

- Con muốn bầy trò chơi gì vậy?

Thanh Lan nói:

- Bây giờ cụ giả làm người mù, con bịt mắt cụ lại rồi dắt cụ  về nhà.

Ông lão ngạc nhiên nhìn Thanh Lan vì tưởng nàng điên, xong ông cụ hỏi:

- Sao con lại nghĩ ra trò chơi gì mà kỳ lạ như vậy?

Thanh Lan đáp:

- Tính con thích bầy ra những trò chơi vui như vậy. Nếu cụ bằng lòng chiều con thì con xin biếu cụ một đồng tiền vàng nữa.

Ông lão tuy hay nghi ngờ mọi chuyện, nhưng nghe thấy Thanh Lan hứa tặng một đồng tiền vàng thì tươi mặt lại. Ông ta nghĩ:

- “Chắc là con bé này có nhiều tiền không biết là gì cho hết nên bày ra trò chơi này cho vui đây. Thôi được, ta cứ nhận lời giúp nó để mà lấy tiền. Nó con con nít làm sao mà hại được mình”.

Thế là ông lão bằng lòng. Thanh Lan lấy khăn bịt mắt ông ta rồi dẫn đi.

Về tới nhà, Thanh Lan dẫn ông lão vào buồng, nơi để xác Cao Vân rồi mở khăn ra.

Ông lão thấy một xác chết bị chặt làm bốn mảnh đang nằm trước mặt mình thì kinh hãi muốn hét lên. Thanh Lan thấy thế vội bịt miệng ông ta lại rồi nói:

- Cụ hãy bình tĩnh lại! Hãy lấy kim chỉ ra khâu xác chết này cho liền rồi cháu sẽ trọng thưởng. Nếu cụ mà trái lời thì không thoát nơi đây. Hơn nữa, nếu cụ làm như vậy là đã ban phúc cho một người.

Rồi Thanh Lan móc trong túi ra một đồng tiền vàng nữa trao cho ông lão thợ giày.

Ông lão nhận tiền rồi nghĩ thầm:

- “Ta đã lỡ nghe theo con nhỏ mà tới đây, nếu trái lời thì cũng không xong. Chi bằng cố gắng khâu lại xác chết kia rồi lấy tiền thưởng, như  vậy tánh mạng còn mà lại được ơn nữa”.

Rồi ông lão cố gắng chịu đựng, ngồi xuống vá những miếng thịt liền lại với nhau.

Một lát sau, công việc xong xuôi. Thanh Lan đưa cho ông lão một nắm tiền vàng rồi bịt mắt dẫn đi.

Đi được một quãng, xa nhà chủ rồi Thanh Lan mới cởi chiếc khăn bịt mắt ông lão ra rồi bảo ông ta trở về.

Trời mới mờ sáng, chưa nhà nào mở cửa nên không ai biết chuyện ấy cả.

Sau khi ông lão đi, Thanh Lan lại khôn ngoan, nấp một chỗ chờ ông ta đi khuất hẳn rồi mới trở về nhà. Nó sợ ông ta tò mò theo gót để biết chỗ ở của nó.

Về đến nhà, nó thấy vợ chồng A-Li-Ba-Ba đã đun xong nước thơm rưới lên xác Cao Vân và đặt vào quan tài rồi.

Ngay sáng hôm ấy, đám tang cử hành. Gia đình A-Li-Ba-Ba và vợ Cao Vân tỏ vẻ buồn rầu, khóc lóc thảm thiết. Bạn bè và hàng xóm sang chia buồn và đưa đám rất đông.

Hai ngày sau, A-Li-Ba-Ba dọn sang ở nhà Cao Vân và cho mọi người biết sẽ lấy vợ Cao Vân.

Không ai ngạc nhiên và dị nghị về điều đó vì theo tục lệ nước Đào Sơn, khi anh chết, em lấy chị dâu là chuyện thường.

Thế rồi mỗi đêm, A-Li-Ba-Ba về nhà cũ của mình để chuyển dần vàng bạc sang nhà mới. Chàng chuyển cho đến khi số vàng bạc ở hai nhà bằng nhau. Bây giờ con trai lớn của A-Li-Ba-Ba đã khôn lớn, có thể tập sự buôn bán rồi, chàng trao cho nó trông nom cửa hàng của Cao Vân.

Thời gian trôi qua, A-Li-Ba-Ba sống trên tột đỉnh của hạnh phúc.

Thấm thoát, đã đến ngày bọn cướp trở về hang đá giấu của.

Khi vào hang, bọn cướp đều ngạc nhiên vì không thấy xác của Cao Vân đâu cả và khi kiểm soát, lại thấy các bao chứa vàng bạc đều vơi đi khiến chúng tức giận vô cùng.

Tên chúa đảng hét ầm lên:

- Khốn nạn thật! Đã một đứa biết chỗ giấu của và câu thần chú để mở cửa hang của chúng ta bị giết rồi, nay lại còn đứa khác nữa vào được hang lấy mất bao nhiêu vàng bạc của chúng ta. Chúng ta phải tìm bằng được nó, băm nó thành trăm ngàn mảnh mới được. Công lao mình dành dụm bao nhiêu lâu, nay nó ở đâu đến nẫng tay trên thì tức thật.

Ba mười chín tên kia nhao nhao lên:

- Đại ca nói đúng lắm. Phải tìm giết ngay nó mới giữ được nguyên vẹn kho tàng. Phải thanh toán vụ này trước rồi hãy tiếp tục đi cướp.

Tên chúa đảng đặt kế hoạch:

- Của mất thêm mà xác tên trộm cũ cũng mất, tất tên trộm mới này cũng liên quan đến tên trộm cũ. Các bạn! Chúng ta phải cử người giả dạng lái buôn vào thành phố xem có đám ma nào khả nghi trong mấy ngày vừa qua không. Nếu mà có, phải dò xét cho tường tận rồi trở về báo cáo ngay để ta hoạch định mưu kế!

Một tên cướp bước ra xin đi.

Tên chúa đảng nói:

- Bạn đã biế rằng, theo luật lệ đảng ta, ai không hoàn thành sứ mạng đều bị trừng phạt đấy chứ?

Tên cướp đáp:

- Luật lệ đảng tôi biết rõ! Nếu không hoàn thành việc này, tôi xin chịu chết.

Trả lời xong, tên cướp đi thay quần áo. Trong bộ quần áo mới trông hắn chẳng khác nào người lái buôn giầu có. Khi trời tối hẳn, hắn khởi hành.

Sáng sớm hôm sau, tên cướp đến một đầu phố. Các cửa hiệu còn đóng im ỉm, duy chỉ có một cửa hiệu đã mở cửa. Đó là cửa hiệu của lão thợ giày. Ông ta đang ngồi khâu trong ánh sáng lờ mờ.

Thấy lạ, tên cướp đến gợi chuyện:

- Chào cụ! Sao cụ dậy sớm thế? Mà sao cụ đã già rồi còn khâu được lúc trời chưa sáng rõ như thế này?

Lão thợ giầy ngước mắt nhìn người lạ ăn mặc sang trọng, ngỡ là một phú thương từ xa đến buôn bán nên ân cần mời ngồi rồi trả lời:

- Ấy, tuy tôi già thật nhưng nhờ trời mắt tôi còn tinh lắm. Trong phòng tối tôi còn khâu được nữa là ở đây.

Tên cướp cười chế nhạo:

- Ai điên gì mà khâu trong phòng tối cơ chứ?

Ông lão điềm nhiên trả lời:

- Tôi nói dối làm gì. Mới đây có người dẫn tôi vào một phòng thuê khâu một xác chết bị chặt làm bốn đoạn mà chỉ trong nháy mắt là tôi khâu xong.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp