Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

CÂU CHUYỆN MƠ TRONG GIẤC MỘNG - Nhất Linh


Một đêm trăng mờ trên sông Thương. Con thuyền lờ đờ trôi bên cạnh một dãy lau cao, gió thổi qua xào xạc. Sinh ngồi dựa vào mạn thuyền, đôi mắt mơ màng nhìn một thiếu nữ tóc trần, mặc áo lụa trắng, đương ôm lỏng một cây đàn, hờ hững gẩy vài tiếng rời rạc. Sinh hỏi thiếu nữ :

- Ở giữa sông, mà lạ thật, có mùi hoa lài thơm lạ.

Thiếu nữ nghiêng đầu để Sinh nhìn rõ mấu bông hoa lài trắng cài trong làn tóc đen, rồi thiếu nữ đăm đăm nhìn nước trôi cạnh thuyền như muốn ôn lại trong trí nhớ những việc xảy ra thời quá khứ xa xăm. Một lát, thiếu nữ thở dài, buồn rầu nói :

- Em thích nhất hoa lài... vì hình như kiếp trước, đời em là đời hoa lài.

Sinh cười nói đùa :

- Tuyết của tôi có linh hồn một nhà thi sĩ...

Tuyết nghiêm nét mặt :

- Em không nói đùa đâu. Anh không thấy người ta vẫn bảo hoa lài là một bông hoa đĩ, vì hoa chỉ nở vào ban đêm, thế mà đời em - em nói ra cũng không hổ thẹn - là đời một gái giang hồ...

Rồi nửa buồn rầu, nửa đùa cợt, Tuyết cất tiếng hát :

... Ngẫm xem hoa ấy thân này...

Tuyết đặt đàn , ngồi sát lại gần Sinh :

- Anh muốn hay không là tùy ý anh, nhưng em thì cho đời em với hoa lài có liên lạc với nhau. Mà người ta bảo hoa lài là một thứ hoa đĩ thật đúng lắm. Để em kể anh nghe lại cái hồi em mới bắt đầu bước chân vào cuộc đời giang hồ này :

Năm ấy em mới mười sáu tuổi. Một đêm nhà vắng, cũng về mùa hè và có trăng mờ như đêm nay. Em nằm một mình ở ngoài hiên cho mát và vơ vẩn nhìn ra ngoài. Bỗng em thấy trên cái sân gạch rộng, lờ mờ dưới bóng trăng, hiện ra ba người con gái mặc toàn đồ trắng, nhẹ nhàng lướt qua sân. Em lấy làm lạ, vì trong nhà ngoài em ra không có một người con gái nào khác nữa. Em ngồi nhỏm dậy nhìn ra ngoài thì thấy ba người con gái đi đi, lại lại, chơi bời, cười nói trên sân coi như nhà họ. Em ngạc nhiên toan bước ra sân, toan hỏi, thì cả ba cô gái cùng đến xúm lại quanh em, cần tay em tỏ nỗi mừng rỡ, rồi bảo em :

- Chị Tuyết đây rồi ! Chúng em tìm chị mãi.

Thấy em ngạc nhiên, một cô nói :

- Chị quên chúng em rồi sao ? Sao mà chóng thế. Bạn của chị đây mà, chị nhớ ra chưa ?

Thế là từ lúc ấy, em mang máng nhớ dần rồi em thấy hình như có gặp họ ở đâu nhiều lần rồi. Em chỉ nhớ mang máng thế thôi, chưa kịp nghĩ ngợi gì cả, thì cả ba cô cầm tay em kéo đi, vừa đi vừa nói chuyện, nói chuyện lâu lắm, nhưng em không nhớ nói những chuyện những chuyện gì. Lúc đi với họ, em thấy trong người nhẹ nhõm và quanh người lúc nào cũng phẳng phất một thứ hương thơm mát, nhưng không đoán ra được thứ hương gì. Bỗng một cô nói :

- Thôi khuya rồi, xin từ biệt chị.

Rồi cả ba cô xáp lại người em, ôm lấy em ; em thấy hoa cả mắt, và hương thơm ở người ba cô bạn làm em choáng váng, tê mê, thiêm thiếp đi một lúc. Khi tỉnh dậy thì cả ba cô đã biến đâu mất và khi giơ vạt áo lên thì thấy đẫm mùi hoa lài. Có tiếng cười khúc khích... Em giật mình thức dậy mới biết là mình vừa nằm mê.

Em quay mặt ra ngoài cho tỉnh thì thấy ngay ở đầu phản bên gối em ba bông hoa lài trắng và to vừa mới nở, gió thổi chúm lại với nhau và quay cả về phía em nằm, hương thơm đưa thoang thoảng.

Sinh cười bảo Tuyết :

- Nằm bên hoa, ngửi thấy mùi hoa, mê như thế là thường.

Tuyết nói :

- Anh để em kể hết đã... Từ lúc ấy trở đi, em thấy em đổi khác hẳn, rồi ngay ngày hôm sau, em gặp một chàng trẻ tuổi, em mê người ấy và từ đó, em không còn là một cô gái mười sáu tuổi trong sạch nữa. Em trở về nhà thì mấy bông hoa hôm trước, cánh đã héo tàn, vàng úa. Bắt đầu từ đó, em bước dần mãi vào con đường nhơ nhuốc.. cho đến ngày nay. Nhiều lúc em muốn trở về với cái đời trong sạch kia, nhưng không thể nào được nữa, hình như có một sức mạnh vô hình bắt em phải sống, phải sống mãi với cái đời khốn nạn này.

Tuyết nhấc cây đàn lên gảy xong bài Xuân nữ thán, rồi cúi mặt buồn rầu, hai bên má nước mắt chảy giàn giụa. Muốn khuây buồn cho người bạn một đêm, Sinh giơ tay khẽ rứt mấy bông hoa lài ở mái tóc Tuyết, rồi cầm vứt xuống sông. Hai người cùng nhìn theo mấy bông hoa trôi theo dòng nước. Một cơn gió thoảng qua. Sinh nói :

- Để làm gì cái bông hoa ấy nó quấy rầy cuộc vui của hai người đêm nay. Hết hoa, một cơn gió thoảng qua là hết cả hương thơm ám ảnh...

Tuyết mỉm cười chua chát ;

- Hết thế nào được. Cái hương ấy nó thấm sâu vào trong da thịt em, nó đã tẩm cả linh hồn em, gió nào thổi cho sạch được.

Mặt trăng lộ ra : trời sáng hẳn. Tấm áo của Tuyết đã trắng lại trắng thêm, nổi hẳn lên nền lá sậy đen. Bỗng Sinh chăm chú nhìn vào mặt Tuyết, và ngạc nhiên thấy mặt Tuyết dưới ánh trăng mỗi lúc trắng dần... trắng như màu trắng của một bông hoa lài mới nở. Chàng ngạc nhiên hơn nữa, khi một cơn gió thoảng qua đưa lại phía chàng mùi hương lài thơm nức như ở trong áo Tuyết bay ra.

Sinh dụi mắt. Lúc bỏ tay ra, thì thấy ánh sáng soi vào giữa mắt mình và thấy mình nằm trên cái ghế mây dài ở đầu hiên nhà. Lúc đó Sinh mới hay rằng mình vừa mới mê một giấc chiêm bao. Thấy lẫn trong gió có mùi thơm hoa lài, Sinh quay mặt nhìn ra : Ngay đầu ghế, một cành lài gió hắt về phía chàng để lộ ra trong đám lá một bông hoa lài mới nở trắng nuột dưới ánh trăng. Hương thơm vẫn thoang thoảng và bóng hoa rung rinh trước gió, Sinh tưởng tượng như đương còn thì thầm kể lại câu chuyện mơ chàng vừa được nghe trong giấc mộng.

 
NHẤT LINH     
 
(Trích trong tập truyện Hai Buổi Chiều Vàng) 
 

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

BIẾN ĐỔI - Khái Hưng

 

Lực và Đoàn rời làng Yên Phụ đi theo liền cô gánh hoa thuê cho mình. Tới hàng bực gạch lên đê, và nghe có tiếng cười khúc khích sau lưng, hai chàng quay lại. Một thiếu nữ nhanh nhẹn vượt lên trước và nói một câu bâng quơ:

- Mọi lần ra chợ mình mời mọc khẩn khoản chẳng thèm mua cho, thế mà nay đi khiêng một gánh nặng về nhà.

Hai chàng còn đương nhìn nhau mỉm cười thì thiếu nữ đã lên xe về phố. Lực hỏi Đoàn:

- Cô hàng hoa đấy à?

Đoàn cười:

- Hàng hoa ban đêm!

- Dẫu sao đó cũng là bông hoa đẹp ở một làng đầy hoa.

- Trí nhớ anh kém lắm nhỉ! Anh không nhận ra ai?

Lực soát ký ức lại một lượt vẫn không thấy dấu vết hình ảnh cô thiếu nữ y phục tân thời rẻ tiền với cái khăn lụa trắng thắt hoa bên vai với đôi giày cao gót buộc vụng về vào hai bàn chân hơi thô, với hàm răng trắng bệch hé ra một cách ngượng ngùng giữa cặp môi vẽ son hình trái tim với hai con mắt sáng đẹp và hiền lành đóng trong hai cái quầng đen than chì.

- Ai thế anh?

- Cô gái Keo, mà anh đã quên rồi?

- Thế à?

Lực vụt thấy cô tân thời biến ra một cô gái ngây thơ trong bộ sống áo quê mùa cũ kỹ.

*

Mùa xuân năm ấy, Lực và Đoàn cùng Miễn, một người bạn đi xem hội Keo, vì nghe nói quanh vùng ấy có nhiều con gái đánh đu rất ngộ.

Xuống xe hỏa ở ga Phú Thụy, ba chàng chỉ gặp mỗi một cái xe tay nát, đành phải đi bộ vào Keo. Nhưng không ai lấy thế làm buồn, vì trời xuân mát mẻ, phong cảnh xanh tươi, dưới làn mưa bay thoáng điểm. Rặng xoan mềm mại lá non lấm chấm lưa thưa. Trên những ruộng cải, hoa vàng phấp phới như đàn bướm bay dài hai bên con đường đất đỏ ngòng ngoèo.

Ba chàng quên đường xa, vừa đi vừa đùa bỡn truyện trò. Và hai giờ sau, khi tới chợ Keo trước một quang cảnh buồn tẻ, vắng ngắt, ba chàng không hề tưởng đến thất vọng, chỉ nhìn nhau mỉm ra cười rồi đưa mắt ngắm những cây đu không người im lặng đứng giơ bộ xương tre, đọng hàng giọt nước mưa lấp lánh.

Ai nấy bụng đói như cào, Lực ngồi xuống ghế dài trong một cái quán, cặp mắt thèm muốn nhìn tròng trọc rổ bún trắng hung:

- Giá chúng ta ăn bát bún riêu rồi hãy ra ga.

Đoàn thở dài:

- Không biết các anh nghĩ sao, chớ tôi thì khó lòng còn cuốc bộ nổi gần mười cây số từ đây ra Phú Thụy.

Lực chau mày:

- Anh định ngủ lại đây chăng?

- Anh Miễn đã khoe khoang mãi hội Keo thì bây giờ làm thế nào có xe cho chúng tôi về thì làm. Nếu không, tôi nhất định ở lại.

Lực cười:

- Thì anh ở lại. Anh Miễn với tôi về vậy.

Đoàn hỏi đùa bà hàng nước:

- Tôi ngủ trọ hàng bà có được không?

Bà lão chậm rãi đáp:

- Các thầy cứ nói thế chứ hàng tôi chật chội, khi nào các thầy thèm trọ. Ở trong làng thiếu gì nhà các cô đầu.

- Thế à? Ở đây có cô đầu.

Bà lão, giọng tự phụ:

- Chán, làng tôi có chán cô đầu. Các thầy có muốn hát một chầu, tôi đưa vào giúp tôi sắp dọn hàng về đây.

- Còn nói gì nữa!

*

Nửa giờ sau, Lực, Đoàn, Miễn cùng bà hàng nước vào làng, qua một cái cổng gạch đổ nát, theo một con đường quanh co hai bên có giậu khúc tần, và xương rồng, phủ đầy tơ hồng vàng tươi như tơ kén mới kéo.

Đến một cái cổng chống, bà hàng đứng lại, gọi:

- Chị Nguyệt! Chị Nguyệt!

Tiếng trong nhà hỏi:

- Ai?

- Có khách đấy!

Một thiếu phụ vào trạc ba mươi chạy vội ra đon đả mời chào:

- Lạy các quan ạ, xin rước các quan vào chơi.

Một nếp nhà gỗ lợp ngói, ba gian hai chái, một cái nhà ngang bằng tre một cái sân ngăn đôi bằng chiếc phên đan mắt cáo, nửa ngoài trồng cải và các thứ rau thơm, đó là tòa lầu hồng nơi thôn dã.

Thấy ba chàng ăn chơi Hà Nội đến, mấy người đương ngồi uống nước ở gian bên cúi chào, rồi chụp khăn lên đầu đứng dậy ra sân. Lực hỏi Nguyệt:

- Nhà có khách?

Nguyệt tươi cười thì thầm:

- Không ạ. Các ông ấy ở quê ngoại sang cúng giỗ.

Nàng quay ra bảo những người kia:

-Vậy các anh lại nhà nhé.

Rồi tiễn bọn họ ra tận cổng.

*

Tối hôm ấy, mãi gần chín giờ mới có cơm. Ba người cùng đói cực điểm, tuy đã lót dạ bằng mấy quả chuối tiêu bày trên bàn thờ ở gian giữa. Vì thế họ ăn rất ngon miệng, dầu tiệc chỉ có thịt gà luộc, thịt gà rán, thịt gà nướng chả, lòng gà sào miến với một chai rượu con hổ hả men. Được một điều, tiệc có vẻ "cô đầu" lắm. Cũng mời, cũng hãm, cũng lả lơi, đùa bỡn, cũng lóng cũng liếc, cũng phạt rượu phạt riếc. Rồi ăn xong cũng kẻ ngã bàn đèn, kẻ lên roi chầu nghe những bài hát nói "Duy giang thượng chi thanh phong" hay "Thấy lão đá lạ lùng muốn hỏi" của hai chị em Nguyệt - vì Nguyệt có một em bé tuổi chừng mười ba, mười bốn, giọng ca dờn dợt và ngọng lịu.

Lực tưởng như mình đi hát Khâm thiên, hạch sách hết thứ nọ thứ kia, nào thuốc phiện nhạt, nào trống kêu.

Lúc đã nghe hết những tiếng bồng mạc, sa mạc, chèo, tuồng mọi người đều uể oải, chán nản. Đoàn luôn luôn cau có, thì thầm trách Miễn: "Chỉ lại anh nên chúng tôi mới phải chui vào cái xó nhà cô đầu khổ này. Muỗi như trấu mà không có màn thì ngủ sao được?"

Chừng Nguyệt cũng hiểu rằng cái nhan sắc hết duyên của mình, và cái miệng còn hơi sữa của cô em gái không làm vừa lòng mấy ông khách quý. Vì thế, đáp lại một cái ngáp dài của Lực, nàng cười rúc rích và cố lấy giọng nũng nịu bảo ba chàng:

- Nếu các anh ngoan ngoãn, em sẽ gọi Hiên sang tiêm thuốc cho mà hút.

Đoàn đương lim dim ngủ gà, ngủ vịt, bên khay đèn, mở choàng mắt ngồi dậy hỏi:

- Hiên nào thế?

- Hiên con ông Nhì ở bên cạnh.

- Nhì là nhị trường, phải không?

- Chính!

- Còn phải nói!

- Gọi được à?

- Được chứ?

- Ồ! Thích nhỉ! Vậy em gọi ngay cho, em ngoan lắm!

Nguyệt xuống nhà ngang bảo mẹ đi giúp. Nhưng chỉ mười lăm phút sau, bà lão đã trở về nói ông Nhì còn thức. Lực cau có hỏi:

- Ông ấy thức thì sao lại không đi được?

Nguyện cười:

- Chuyện! Ngươi ta nền nếp nhà nho!

*

Mãi gần một giờ sáng và sau ba lần triệu, Hiên mới sang. Cử tọa chào nàng bằng một tiếng: "À" khoan khoái.

Ánh sáng lờ mờ chiếc đèn ba dây treo trên xà cũng đủ chiếu rõ vẻ đậm đà, óng ả của một cô gái quê mặc áo nâu non và chít khăn vuông the mỏ quạ.

- Lại đây, em Hiên!

Hiên thong thả, bẽn lẽn đến gần.

- Ngồi xuống đây, em Hiên.

Hiên rón rén ghé cạnh giường, Lực và Đoàn sán lại bên, rồi nhìn nhau gật gù. Biết rằng hai ông khách đã ưng thưởng thức món quà đầy hương vị thôn dã, Nguyệt liếc mắt đưa tình:

- Đấy đã bảo! Khâm thiên của các anh dễ ăn đứt chưa?

- Ăn đứt sao được Hiên, phải không Hiên?

Hiên đỏ bừng mặt, thì thào:

- Em không biết ạ!

- Hiên không biết mà Hiên lại làm cao thế? Mời mọc hai ba lần mới thèm sang.

- Thưa các quan, không phải em dám làm cao, nhưng thầy em ốm.

Đoàn cười:

- Đừng tôn các anh là quan, các anh giận. Em cứ gọi các anh, nghe chưa?

- Xin vâng.

Ba ông khách bắt đầu lục vấn đủ mọi câu từ câu rất bâng quơ cho đến câu rất thân mật. Và một giờ sau chắp nối các mẩu chuyện lại, họ đã biết rõ "lý lịch" của cô bé ngây thơ.

*

Hiên mười tám tuổi. Cha nàng đã hai khoa vào đệ tam. Mẹ nàng mất từ năm nàng mới chập chững biết đi. Nhà nàng một ngày một nghèo thêm, cha nàng trước kia có nhiều môn sinh thì một năm nhờ mấy cái tết còn đủ ăn tiêu. Nhưng nay theo nghị định mới, số học trò không được quá năm người, nên sinh kế rất eo hẹp.

Ông đồ đã xoay sở làm và viết câu đối thuê, nhưng chẳng kiếm được mấy đồng. Giá ông cho con trai tập các công việc chân tay ngay từ thuở nhỏ, thì có lẽ ngày nay cũng giúp ông được đôi chút, nhưng ông chỉ một mực đem đạo thánh hiền ra dạy con, thành thử khi anh lớn lên, vai không vác nổi cái cầy, mà chữ nghĩa dở dang cũng chẳng dùng được việc gì. Túng đói quá, Giáp - tên người con trai - liền theo đám phu mộ lần sang Tân Thế Giới, rồi vì sức yếu đuối, bỏ mạng ở đó.

May cho ông đồ, Hiên học lành nghề dệt vải, hằng ngày ít ra cũng kiếm nổi một hào bạc. Nhưng đã sáu tháng nay, ông bị bệnh tê liệt. Hiên không những không sao chạy được tiền thuốc cho cha mà đến tiền ăn cũng chật vật khó xoay đủ.

Một hôm sang bên chị Nguyệt giựt tạm lưng gạo, Hiên gặp mấy ông khách nhìn nàng mỉm cười. Một người cầm lấy tay nàng hỏi truyện. Chị Nguyệt giữ nàng lại, rồi ông khách cho nàng một đồng bạc và dặn nàng, tối sang chơi. Nàng mừng quá...

Từ đó, chị Nguyệt thường cho tìm nàng. Một khách chơi chỉ bảo nàng cách tiêm thuốc phiện. Chị Nguyệt lại dạy nàng, hát một vài câu hãm rượu, kể một vài câu Kiều lẩy.

Cha nàng nghiêm khắc lắm, nếu biết nàng lảng vảng bên chị Nguyệt thì chắc sẽ mắng chửi nàng. Vì thế, nhiều lần mãi khuya và chờ cho cha yên giấc, nàng mới dám trốn đi. Mà chính nàng cũng biết rằng con gái đêm hôm mò mẫm đến một nơi như nhà chị Nguyệt là rất không phải, nhưng cha ốm nằm kia, lấy tiền đâu cân thuốc?

*

Biết chuyện Hiên, ba ông khách Hà Nội buồn rầu ngao ngán, chẳng ai còn tưởng tới hương phấn quyền lợi của mình. Nhưng Nguyệt vẫn cười khanh khách, hết ngâm Cung oán lại nói bông đùa:

- Hiên tiêm cho mỗi anh một điếu thuốc nào!

Miễn nói gạt:

- Thôi, ngồi chuyện gẫu thú hơn, thuốc của chị nhạt nước ốc, hút chẳng mùi mằn gì.

- Thuốc ngang nhạt, nhưng mát, anh ạ. Hút thuốc cống chỉ tổ chóng nghiện. Nhưng các anh cứ để Hiên tiêm cho mà xem. Hiên khéo lắm kia, các anh phải biết.

- Đã bảo không hút nữa mà lại.

Hiên đưa mắt nhìn ba người rồi rụt rè thỏ thẻ.

- Ba ông không dùng nữa?

- Không.

- Vậy cho em xin chỗ thuốc thừa nhé?

- Em lấy làm gì?

- Để em dán thái dương cho thầy em, thầy em rức đầu luôn.

Lực cảm động, ngầm mở ví lấy tờ giấy bạc một đồng dúi vào tay Hiên, và ghé tận tai nàng thì thầm:

- Em mua mà dùng, chẳng chị Nguyệt, chị ấy không bằng lòng.

Câu truyện càng có vẻ thân mật, khi Nguyệt đã kín đáo tắt phụt cây đèn treo. Đặt trên cái khay cũ, nhem nhuốc, dây dầu, ngọn đèn tù mù trong chụp pha lê nứt rạn, chiếu chút ánh vàng vào năm khuôn mặt mệt mỏi.

Giữa phút yên lặng hoàn toàn, bỗng Nguyệt cất giọng khàn khàn, ngái ngủ, ngâm dài:

Ở đây đường xá xa xôi,

Mà ta bất động nữa người sinh nghi.

Rồi nàng phá lên cười, và vỗ mạnh vào vai Đoàn. Lực buồn rầu ngẫm nghĩ:

"Trong sáu tháng nay, đã mấy người giữ được bất động!"

*

Mùa xuân sau, Lực và Đoàn lại đi xem hội Keo. Hai chàng nhìn nhau mỉm cười, vì cùng hiểu ngầm rằng đến Keo chỉ có một mục đích: thăm Hiên.

Nhưng khi tới nhà Nguyệt, hai chàng được tin ông đồ đã mất, và đã Hiên bỏ làng đi đâu không ai hay.

Câu truyện ông Nhì qua đời, Nguyệt thuật lại bằng một giọng lạnh lùng:

- Hôm ấy, một người tìm đến nhà Hiên, nghiễm nhiên âu yếm Hiên và cho Hiên tiền ở ngay trước mặt ông Nhì. Ông ta tức uất lên, luôn mồm chửi mắng con, rồi vài giờ sau, tắt nghỉ.

*

Hai năm qua, Lực và Đoàn không về xem hội Keo. Mà hình ảnh cô gái quê con ông đồ nho đạo đức cũng không còn phảng phất trong trí nhớ hai chàng.

Bỗng hôm nay, trên đường Yên Phụ, hai chàng gặp Hiên nhởn nhơ trong bộ y phục tân thời: Cả một quãng đời phóng đãng như in sâu dấu vết lên bộ mặt dạn dầy mưa gió...

Lực thở dài bảo Đoàn:

- Nếu quả thực người chết vẫn quanh quất chốn dương gian, thì biết bao linh hồn sẽ đau đớn vì những sự biến đổi của người sống!
 
 
KHÁI HƯNG      
 
(Trích trong tập truyện ngắn Đợi Chờ)
 
 

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

MỘT ĐỜI NGƯỜI - Thạch Lam

 
 
Tiếng còi tan việc nổi lên vang động trong không khí. Lập tức các công việc trong xưởng đều ngừng lại. Bọn thợ đàn ông với lấy cái áo mũ trên mắc rồi hấp tấp dồn nhau đi ra phía cửa như một lớp sóng người.

Liên cùng mấy chị em bạn gái thong thả hơn, vì công việc họ làm xong đã lâu rồi. Nhìn lại một lần nữa cái thùng giặt đầy quần áo sạch sẽ - họ làm trong một xưởng xe tay - bọn thợ con gái ra đến cửa sau hết mọi người. Họ vui vẻ nói chuyện luôn miệng như những con chim sẻ ngày mùa. Nhưng Liên không thể giữ được cái rùng mình sẽ rung chuyển thân thể nàng mỗi lần đến trước một chú tây đen cao lớn ngồi canh cổng và khám các người làm công. Toàn thân Liên cứng lại dưới hai bàn tay mập mạp đen thủi nắn bóp khắp cả trong ngươi. Nàng nhắm mắt như không muốn trông thấy cái cười khả ố của người gác và hai con mắt sâu hoắm của hắn ta long lanh ham muốn.

Ra đến ngoài, Liên nhẹ hẳn người. Cảnh tấp nập ở ngoài phố làm nàng vui vẻ. Mấy chị em bạn cùng rảo bước trên vỉa hè, vừa đi vừa nói những câu chuyện trong sở, thỉnh thoảng làm cho một cô bật lên mấy tiếng cười trong trẻo, ròn rã như tiếng cười con trẻ. Liên và mấy cô bạn gái của nàng, tuy đã có đến hàng nghìn lần, mà lần nào ở trong xưởng ra về, cũng thấy vui vẻ trong lòng như một người vừa làm xong công việc của mình. Cái vui vẻ giản dị ấy làm cho nàng quên trong chốc lát những khó nhọc và các ý nghĩ lo buồn.

Đến chỗ rẽ sắp phải chia tay, tất cả bọn đứng dừng lại dưới gốc cây bàng, Liên sẽ bảo các bạn:

- Các chị bây giờ về nhà, chắc chồng con vui vẻ lắm. Chỉ có em là khổ thôi.

Mọi người nhìn Liên không nói gì. Vì họ biết Liên lấy phải người chồng vũ phu ác nghiệt, hay đánh đập nàng. Lại thêm mẹ chồng cũng ác nghiệt chẳng vừa, hơi một tí là đay nghiến nàng thậm tệ, đến nỗi cấm cả không cho các bạn lai vãng đến nhà nàng nữa.

Khi Liên quay đi, mấy người bạn nhìn theo thương hại:

- Chị Liên thật là khổ. Đi làm cầm cập suốt ngày để nuôi cả nhà chồng, về nhà lại bị chồng nó hành hạ.

Cô Sinh, người nhiều tuổi nhất trong bọn, giọng nói đầy vẻ tức giận:

- Tôi mà như chị ấy thì tôi bỏ quách đi lấy người khác. Mình đi làm kiếm được nuôi thân, có phải nhờ vả gì nhà chồng đâu mà sợ.

Một người khác chép miệng thở dài:

- Chẳng qua cũng là tại cái số chị ấy vất vả nên mới gặp người như thế.

Liên một mình thong thả bước đi. Nàng không còn vui vẻ nữa vì sắp về tới nhà. Nàng buồn rầu nghĩ đến cái cảnh êm thấm trong gia đình của các bạn, khi đi làm về được chồng con săn sóc đến. Về phần nàng, không phải một cái gia đình mà nàng lui tới nữa, chính là một cái địa ngục. Liên không hiểu vì sao chồng nàng và mẹ chồng đối với nàng lại ác nghiệt, ghét nàng như thế. Có lẽ vì xưa kia cha mẹ nàng đã bắt người ta phải dẫn cưới nhiều chăng? Nàng đoán có lẽ thế vì mỗi lần chửi mắng bà mẹ chồng lại nhắc đến chuyện ấy mà đay nghiến nàng.

Liên thở dài nhớ lại quãng đời nàng từ lúc đi lấy chồng. Bảy tám năm qua, mà Liên tưởng hình như lâu lắm, hình chư đã hết nửa đời người. Nàng về nhà chồng từ năm mười bảy tuổi. Tại sao nàng lại lấy người chồng này mà không lấy Tâm, người nàng quý mến từ thủa nhỏ và bây giờ cùng làm một sở với nàng, Liên cũng không rõ tại sao nữa. Khi cha mẹ nàng ngỏ ý gả cho Tích, lấy cớ rằng hai nhà vẫn quen biết nhau, Liên tuy không bằng lòng nhưng nàng vẫn không từ chối. Mà nàng cũng không dám từ chối cái gì. Nàng tưởng rằng mình sinh ra chỉ để chịu sai khiến mà thôi, không dám phản kháng bao giờ cả.

Trong bảy năm ở nhà chồng, nàng chịu bao nhiêu nỗi khổ sở, hành hạ mà không dám kêu ca. Liên chỉ âm thầm đau đớn. Nàng thương hại cho Tâm đã khổ vì nàng. Khi được tin nàng đi lấy chồng, Tâm bỏ nhà trốn đi. Cách đây một năm sự tình cờ lại khiến cho nàng với người cũ gặp nhau làm cùng một sở. Tâm vẫn yêu nàng, và sau khi biết nàng bị khổ, chàng yêu cầu nàng bỏ chồng cũ để lấy chàng.

Liên nhiều khi sung sướng tưởng tượng đến cái đời dễ chịu của nàng nếu lấy Tâm. Nhưng Liên vẫn từ chối. Chính nàng cũng không hiểu tại sao mà từ chối. Hình như có những cái lẽ tối tăm làm cho nàng sợ hãi, không dám nhận lời. Liên lờ mờ thấy rằng nàng không đủ can đảm làm một việc như thế, không đủ quả quyết với mình để chống lại những cái cay nghiệt gây nên chung quanh nàng. Không phải vì nàng quyến luyến đứa con lên sáu: nàng không yêu nó vì nó cũng xấc láo như bố. Nhưng bỏ chồng bỏ con để lấy Tâm, để được sung sướng riêng lấy mình nàng, Liên cho như là một việc không bao giờ có thể làm được.

Sáng nay, vào đến sở, nàng thấy Tâm khác mọi ngày thường. Chàng gọi nàng ra một chỗ và ứa nước mắt nói:

- Liên ạ, mai tôi phải đổi đi Sài Gòn, mà đi chưa biết bao giờ mới được về, Liên nghĩ thế nào? Nếu Liên còn yêu tôi, xin Liên đi hẳn với tôi, chúng ta sẽ xa hẳn chỗ này. Tôi xin cam đoan làm cho đời Liên được sung sướng. Liên bằng lòng đi, Liên!

Nàng chỉ cúi mặt khóc. Khi thấy Tâm thất vọng quay đi, nàng đau đớn, uất ức, như đứt từng khúc ruột. Hình như từ đây có cái gì gẫy nát không phương vớt lại được trong cả đời nàng.

Bước chân vào nhà, tự nhiên Liên thấy lo sợ. Không khí trong nhà nặng nề như sắp có tai nạn gì xảy ra. Tích và bà mẹ đương ngồi bàn tán, thấy nàng về ngưng lại, mỗi người ngồi một chỗ, nhưng thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nàng. Liên lặng lẽ vào buồng xem con ngủ, rồi ngồi bên mâm cơm nguội để phần. Nàng và vội vàng mấy miếng cơm, cố nuốt cho xong bữa.

Bỗng nhiên bà mẹ chồng lại gần, giọng dịu dàng làm nàng ghê sợ:

- Này cô Liên, thế cô định đi theo cậu Tâm vào Sài Gòn thật đấy chứ?

Liên giật mình, hoảng hốt đáp:

- Thưa mẹ, ai bảo mẹ thế?

- Lại còn ai bảo nữa. Mà cần gì phải có ai bảo tôi mới biết. Thôi, cô có đi thì cứ thu xếp mà đi đi, đừng ở đây nữa. Phải, cô thiết gì cái nhà này...

Liên thưa:

- Mẹ nói oan cho con, chứ con đâu dám thế.

Bà mẹ chồng lồng lộn lên, xỉa xói:

- Đừng già mồm nữa, con kia. Có người rõ ràng trông thấy mày đứng nói chuyện với nó buổi sáng nay, còn chối gì nữa, đồ khốn nạn! Này tao bảo thật: mày tưởng mày đi thoát được cái nhà này à?

Bà cụ đay nghiến và riếc móc nàng bằng những lời chua cay. Tích vẫn ngồi trên ghế, yên lặng không nói gì. Liên ứa nước mắt, đặt bát cơm ăn dở xuống chiếu, phàn nàn:

- Mẹ cứ đặt điều cho con mãi. Thật là ác, không cho người ta nuốt trôi miếng cơm nữa.

Nàng nghẹn ngào, buông đũa đứng dậy toan bước xuống dưới nhà. Nhưng có tiếng xô ghế, rồi một bàn tay nắm chặt lấy cổ nàng:

- Mày bảo mẹ tao ác à? Không ác để cho mày tự tiện đi theo trai phải không?

Bàn tay như sắt bóp chặt xoay nàng lại. Liên thấy giáp mặt mình, cái mặt ghê sợ của Tích, hai mắt đỏ ngầu. Cái giận dữ làm tiếng hắn run lên:

- Con đĩ!

Liên thoáng nghĩ nét mặt thanh tao của Tâm ban sáng. Nàng khinh bỉ nhìn chồng:

- Buông tôi ra.

Rồi nàng gục xuống dưới những cái đấm đá nặng nề. Lòng ghen ghét làm Tích khỏe thêm lên. Hắn nghiến răng lại đánh túi bụi. Hắn thấy ghét nàng đến cực điểm. Không phải vì nàng không yêu mà hắn căm tức. Nhưng nàng lại đi yêu một người khác, như đâm vào lòng tự ái của hắn. Sự ấy không bao giờ hắn tha thứ được.

Khi Liên thấy tiếng nói, tỉnh lại, thì đã chiều. Mở mắt, nàng thấy đứa con đứng bên sợ hãi nhìn nàng. Liên vùng ngồi dậy, lo sợ, vì sực nhớ đã mất buổi làm. Nhưng khi cử động, nàng thấy khắp người đau đớn như giần, và cái quang cảnh buổi trưa lại hiện ra trong trí.

Một sự căm hờn nổi dậy trong lòng nàng, Liên nhớ ra ngày mai Tâm phải đổi vào Sài Gòn. Sao nàng không đi với Tâm được? Ai cấm? Mà tội gì nàng ở đây để chịu những nỗi khổ sở như thế này? Phải đi, đi để thoát nơi địa ngục, đi để hưởng chút hạnh phúc mà nàng có quyền được hưởng ở đời.

Nhưng đến ngày mai, những điều dự định của Liên tiêu tán cả. Nàng ẵm con ra tiễn Tâm ngoài ga, rồi để Tâm một mình bước lên xe hỏa mang theo đi cái hy vọng cuối cùng của đời nàng. Khi đoàn xe đã khuất, Liên thấy bao nhiêu nỗi đau khổ trỗi dậy ngập lòng. Nàng gục đầu vào chiếc cột sắt, rồi òa lên khóc.

Ngày nọ nối tiếp ngày kia, Liên lại vẫn chịu cái đời khổ sở, đau đớn mọi ngày. Cái mộng một cuộc đời sung sướng với Tâm, Liên buồn rầu cho như là những vật tốt đẹp mà nàng thấy bày trong tủ kính các cửa hàng, những vật quý giá mà nàng tưởng không bao giờ có thể thuộc về nàng được.

 
(Trích từ tập truyện ngắn Gió Đầu Mùa)
 

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

CHỦ NHẬT TRẮNG - Nhã Ca

 

Buổi trưa hôm nay đúng là trưa buồn nhất trong tuần lễ. Hình như có đứa bạn nào đã nói với Vành Khuyên một câu rất bóng bẩy : Ngày chủ nhật trắng. Đúng thật, như trưa nay, trong hồn cô bé có một nỗi buồn trắng trong nghĩa là chả có gì để buồn hết mà cứ buồn. Ăn cơm trưa xong, giúp chị Quyên dọn dẹp chén bát, rồi mọi người đi nghỉ trưa hết. Vành Khuyên cứ tha thẩn đi ra đi vô mãi làm chị Quyên sốt ruột, đang nằm ở giường, chị ngóc đầu dậy:

- Mày có đi ngủ không Khuyên. Làm gì vậy?

Khuyên trả lời rất ngây thơ, mà cũng tại cô bé chả biết trả lời câu nào khác hơn nữa:

- Em làm gì đâu.

- Không học bài thì đi ngủ, chớ đi ra đi vô nghe cậu sinh viên đánh đàn đầu xóm hả?

Khuyên vui thích:

- Em mê tiếng đàn rồi chị ơi.

Chị Quyên ngồi hẳn dậy, mở mắt trừng trừng ngó con bé, rồi khi đã xem xét thấy con bé vẫn còn nhỏ, chưa có gì đổi khác hơn, chị cau mày:

- Nè, bỏ cái giọng đó đi chớ không ăn đòn nghe. Con nít mà nói bậy bạ.

Khuyên tới nơi bàn học ngồi xuống, cô bé để hai bàn tay lên bàn rồi ngắm hai bàn tay. Một lúc cô lại mở ngăn kéo. Nghe tiếng động, chị Quyên lại càu nhàu:

- Trời đất. Mày làm ầm ầm ba ngủ không được là mày lãnh đủ nghe.

Lúc này cả nhà ngủ hết trên căn gác nhỏ ở đằng sau bếp. Có chị ngủ không được rồi chị cáu thì có. Khuyên nghĩ thầm: Coi bộ chị đang mơ mộng, chị muốn thiệt yên tĩnh để mơ mộng. Ừ, chuyện chiếc guốc phiêu lưu của chị. A, buồn cười quá. Người đàn ông có cái đầu tròn như đầu guốc, có cái mồm dài như quai guốc và cái bụng dài, lép kẹp. Bồ chị Quyên đó. Khuyên phì cười. Lần này thì chị Quyên hết chịu nổi:

- Khi không là cười, có duyên dữ. Con gái gì đâu...

Khuyên lại lục ngăn kéo nữa. Cô bé muốn tìm kiếm vật gì đó nhưng cô muốn kéo dài sự tìm kiếm để giết thì giờ. Gặp cuốn vở Khuyên cũng lôi ra giở một vài tờ rồi khép lại, bỏ xuống, lôi lên vật khác ngắm nghía, đến cây bút nguyên tử Khuyên cũng mở nắp ra để không làm gì hết rồi cẩn thận đậy lại. Một vài đồ vật dễ thương ở trong ngăn kéo cũng được Khuyên cầm đến vuốt ve. Cái gương con, cái lược, con búp bê Nhật nhỏ xíu, cái hộp nhỏ được cột nơi vòng để xâu chìa khóa, khi lên giây thì ngân lên một điệu đàn thánh thót, kỷ niệm một sinh nhật mới đây của Khuyên, của một người bạn trai của chị Quyên tặng, mới ngày vui đó mà đi biền biệt rồi, cả người tặng quà cũng đi đâu mất, mỗi lần Khuyên hỏi chị Quyên, chị càu nhàu: Không biết, mà mày hỏi làm chi vậy? Biết hỏi làm chi đâu, nhưng vật hắn cho còn đây, khi cầm tới thì cũng nhớ lại vậy thôi, cái lối trả lời của chị đó kỳ cục khỏi chê đi.
 
Còn cái gương con xinh xắn bọc bạc chạm trổ, bỏ gọn trong tấm nỉ mầu hồng nhạt này nữa, cái này thì không ai tặng Khuyên hết mà của chị Quyên, món quà của anh Hạo tặng chị ấy, coi bộ chị không thích anh này mấy, nên khi thấy Khuyên thích là chị cho ngay : Cho mày đó, báu gì thứ đó, cất đi. Khuyên còn nhớ mãi nguyên văn câu nói của chị, vì lúc đó Khuyên thật ngạc nhiên. Ai ngờ chị cho dễ dàng như vậy được. Khuyên cầm lên soi mặt, cô bé chăm chú nhìn cái môi cong của mình rồi mỉm cười, cô vui lắm vì cô vừa tặng cô một nụ cười thật đẹp. Và vô lẽ ngồi ngắm cái môi cong của mình mãi, Khuyên cất gương đi, rồi đậy ngăn kéo lại.

Vật mà Khuyên tìm lại đang nằm lăn lóc trên bàn. Trái vũ cầu vẫn còn bọc trong giấy ni lông. Khuyên đẩy trái cầu tới trước mặt và nhìn nó, đôi mắt dịu dần, chìm đắm trong mơ màng. Uổng quá, trái cầu chưa một lần được tung lên. Từ hôm đó tới nay cũng đã năm sáu tuần lễ gì rồi. Sau vụ mấy đứa bạn bị hốt đưa lên văn phòng, cuộc chơi này bị bỏ hẳn, mấy con nhỏ thiếu may mắn bị phạt khá nặng, và hình phạt nặng nề nhất là bị gửi giấy về báo cho phụ huynh. Eo ơi, nếu mà Khuyên bị như thế thì chắc chết mất. Chả dám chơi trò đó nữa, nhưng tiếc làm sao.

Những buổi trưa nắng bên ngoài cổng trường như đang bao vây cô nhỏ. Trưa chủ nhật thật vô vị, Khuyên có thói quen đi học sớm để chơi bên ngoài cổng trường. Một buổi trưa ở nhà như thế này thật bó giò bó cẳng. Khuyên nhớ những con đường quanh trường chi lạ. Bác cảnh sát hôm nay chắc buồn nghe, bác nhớ sự rộn ràng của trưa áo trắng ghê gớm lắm chứ, chẳng thế thì tại sao cứ mỗi ngày thứ hai, Khuyên thấy quần áo bác trắng tươi, chỗ bác đứng sáng hơn, và tiếng thổi roét roét hăng hơn trưa thứ bẩy nhiều. Bác có thấy mình đứng với các ông lính hôm nọ không vậy cà? Bác thấy, chắc bác mất bớt cảm tình dành cho mình đi. Khuyên đưa tay cầm trái vũ cầu. Một cái miệng tươi sẵn nụ cười, một đôi mắt với hàng mi thật dài, thật xanh lại lởn vởn trước mắt Khuyên. Đuổi nó đi, hắn vô duyên quá mà, trái cầu chẳng còn để làm chi cả. Cô bé nhớ tới lời nói của hắn: Để viết thư mà viết nói gì vậy? - Chán gì chuyện để nói. Có nhiều chuyện lắm, bảo đảm mà. Khuyên trề môi: Đồ xạo. Thư gì đâu. Đồ xạo. Ừ, lấy tên là xạo đi. Khuyên bỗng bật lên tiếng cười.

- Khỉ ơi. Điên rồi hay sao vậy?

- Khuyên che miệng quay lại nhìn chị. Đôi mắt chị Quyên như đang bốc hơi mà cái mặt của chị đang tràn cơn giận. Khuyên le lưỡi làm mặt xấu nửa như tỏ vẻ sợ nửa như trêu thêm.

- Mày đi nằm ngủ đi. Trưa nào ở nhà là cặm cụi phá tán. Đi ngủ.

Khuyên bỏ trái cầu lên bàn, làm cái mặt ỉu xìu leo lên nằm bên cạnh chị. Bắt được Khuyên lên nằm rồi, chị Quyên có vẻ yên tâm, quay mặt đi ngủ tiếp. Khuyên cũng nhắm mắt, nhưng không ngủ được. Mình có ngủ trưa bao giờ đâu, mà ngủ trưa rồi quen đi, tới giờ vô lớp là rục ra thì nguy quá. Cô nhắm mắt được một phút rồi lại mở mắt ra, lén nhìn chị. Rồi buồn quá cô bé lại trở mình, khi cô quay mặt vào trong vách, khi cô quay mặt vào mái tóc chị Quyên, tóc chạm vào má, vào gáy buồn thấy mồ, cô bé lại nhúc nhích. Quyên trở người nằm ngửa, chán đến độ không muốn càu nhàu nữa, nhưng Khuyên biết chị còn thức.

Khuyên nhớ tới những khám phá được về chị. Bây giờ Khuyên đã biết về chiếc guốc của chị Quyên rồi. Mới đây này, Khuyên rình theo được chị Quyên, thấy buổi tối chị đi ra ngõ, tới dọc đường chị gặp chiếc guốc của chị. Chị có một chiếc guốc sơn đen. Cười quá đi, cái anh chàng tặng chị cuốn Những giọt mực là một ông lính, chắc cũng sĩ quan, mà Khuyên nhận ra có biết gì đâu, chỉ biết hắn là đồ nhà binh, hắn có dáng người hơi đẫy, chắc chắn là da xạm đen. Khuyên bèn nghĩ ngay tới một chiếc guốc sơn màu đen. Ai bảo hắn tự xưng là chiếc guốc. Khuyên bỗng tò mò, muốn hỏi chuyện chị, cô bé không biết đánh thức chị bằng cách nào, cô giả vờ ho khúc khắc, giả vờ một lúc cũng chảy nước mắt thật.

- Mày làm gì vậy?

- Em ho.

- Chán chưa. Ai giễu với mày đâu, cái con này.

Khuyên biết chị làm bộ gắt gỏng nhưng chị đang giấu nụ cười. Khuyên vừa liếc mắt bắt gặp nụ cười đó rồi. Cô bé yên tâm, biết là mình đã tới lúc gợi chuyện được.

- Chị Quyên nè, chị đã đọc cuốn Những giọt mực chưa?

- Gì?

Chị quay hẳn mặt qua để ngó Khuyên, ánh mắt chị ngạc nhiên, có nét thất sắc. Biết ngay mà, Khuyên làm bộ cười rất ngây thơ:

- Chị phải kiếm mà đọc. Hay lắm.

- Mày đọc bao giờ vậy?

- Em vừa, lâu rồi, mấy tuần rồi chị.

- Bộ mày mua đó Hả? Nè, liệu mà xin tiền mua tiểu thuyết đọc, tao mét ba cho coi.

- Đâu phải tiểu thuyết. Cuốn đó mà chị nói là tiểu thuyết. Mà cũng tiếc quá, giá tác giả lồng vào truyện một mối tình thì đẹp hơn, một mối tình của đồ vật, như mối tình của đôi guốc ly kỳ hơn một chút thì hay biết bao.

Đạp phải đuôi chị Quyên rồi, và chị ngóc đầu lên, vẻ dọa nạt nhưng để giải thích cho sự ngờ vực của chị nhiều hơn:

- Nè mày còn nhỏ mà bày đặt nói chuyện tình yêu chi vậy? Mày có cuốn đó không đưa tao coi thử chút xem sao?

Khuyên làm bộ tiếc rẻ:

- Em trả cho tụi bạn mất rồi. Để mai mốt em mượn cho.

Chị Quyên chẳng chú ý gì nữa, chị nằm trở xuống, giọng chị vui vẻ hẳn:

- Thôi để tao cho tiền mua một cuốn. Mày sao còn nhỏ mà bày đặt quá.

Khuyên láu táu:

- Để em kể chị nghe. Truyện có nhiều đồ vật lắm nhưng em kể đoạn về đôi guốc... Một đôi guốc chị ạ, cũ mèm. Mình cứ coi chúng nó như một cặp tình nhân đi, chắc đôi tình nhân này xấu lắm vì đôi guốc cũ quá rồi, sứt quai cả chục lần, mòn vẹt như đôi guốc của em vứt ở gần tủ... đôi tình nhân xấu như vậy mà chung tình mới cảm động phải không chị Quyên.

Thiếu điều chị Quyên đấm ngực kêu trời, nhưng chị cố gắng nhỏ nhẹ:

- Tao biết rồi, đừng kể nữa.

- Ừ.

Khuyên mỉm cười lí lắc nhưng làm bộ càu nhàu:

- Vậy mà hồi nãy la em, bảo là tiểu thuyết.

Chị Quyên phì cười:

- Thì mày vừa bày đặt biến thành tiểu thuyết đó chớ gì nữa? Phải hôn? Thôi, nói chuyện khác đi.

Khuyên biết nói chuyện gì nữa giờ. Ngẫm nghĩ một lát, Khuyên nói:

- Ở nhà chị có nhận được thư của tụi bạn em gửi cho em không?

Bày đặt thư từ chi vậy? Ba đập chết nghe không?

Khuyên cắn môi, rồi buột miệng:

- Em có con bạn ở xa lắm, khi nào nó gửi thư chị cất cho em.

- Ừ.

- Chị thấy thư của ai tên Xạo thì cất cho em.

Chị Quyên không nhịn được, quay lại. Chị muốn cười nhưng ngạc nhiên quá không cười nổi nữa.

- Con gái mà tên Xạo. Trời đất.

- Dạ. Xạo mà. Xạo là biệt hiệu của nó. Nó tên thật là Hoa Rừng. Mấy cái con nhỏ này khùng điên gì đâu. Còn nghe nó nói nữa chắc loạn óc với nó mất. Cô chị lớn giọng:

- Thôi im đi. Không có giỡn à nghen.

- Em nói thiệt. Giỡn gì đâu.

Cô bé bắt gặp đôi mắt của chị, hơi ngán. Hình như chị Quyên đang nghi ngờ gì mình. Dám nói thêm vài câu, mình hớ hênh bật mí hết lắm. Chị Quyên mà biết được chị mắng cho xấu hổ chết luôn. Ngu quá đi Khuyên ơi, mày là một con bé ruột để ngoài da mất rồi. Phải đánh tan ánh mắt hoài nghi của chị đi mới được. Kìa chị nhíu mày, hồi hộp ghê.

- Mày làm sao vậy, Khuyên? Mày có điên không?

Điên? Không, mình đâu có điên. Còn tỉnh đàng hoàng mà. Khuyên lại phải giương đôi mắt lên nhìn chị, nói và cười thầm sự giả bộ ngây thơ của mình:

- Dạ không. Em đâu có điên.

- Xí xọn.

Chị Quyên chán ngán quay mặt đi. Chị nhắm mắt liền làm như còn trông thấy cái mặt của Khuyên thì phát cáu, chịu không nổi vậy. Khuyên cười thầm, rồi ma quỷ gì xui hỏi thêm một câu lãng nhách:

- Chị ngủ chưa chị Quyên?

- Chưa.

- Chị ngủ hả?

- Ừ.

- Em cũng ngủ đây.

Đố ngủ được đấy. Có trưa nào mình ngủ được đâu. Mà trừ ngày chủ nhật, có trưa nào rỗi để ngủ. Cô bé nằm thao thức nhớ đủ chuyện, hai chân cứ thấp thỏm muốn ngồi dậy mà sợ chị Quyên biết. Phải đợi cho chị ngủ say đã, gắng nằm chịu trận thêm một lúc nữa đi Khuyên ơi. Đôi mắt Khuyên vẫn mở thao láo, vậy mà Khuyên thấy hết. Khuyên thấy rất rõ những buổi trưa ở bên ngoài cổng trường. Những buổi đánh vũ cầu qua hẳn rồi. Bung bung, trái cầu tung qua tung lại đẹp mắt biết bao nhiêu. Rồi khuôn mặt của bà giám thị. Bà giám thị không bao giờ đẹp bằng các cô giáo. Hình như bà giám thị nào cũng dữ, làm như không dữ thì không bao giờ được làm giám thị vậy. Vũ cầu bị dẹp, mất một trò chơi thích thú biết bao. Kể ra, ở nhà, buổi chiều ở con hẻm của Khuyên cũng có thể chơi vũ cầu đỡ ghiền. Nhưng nhiều chuyện làm kỳ đà cản mũi lắm. Lát lát xe gắn máy, honda, xe vespa chạy vô ngõ rần rần. Rồi ba đứa con nít ông trời con đạp xe đạp lạng quạng như say rượu, miệng chửi thề om xòm. Rồi mình đánh vũ cầu, mấy thằng con trai đi ngang đi lại như diễn binh, có thằng lấp ló trên gác cầm vở đi tới ra cái điều chăm học mà để ngắm lén. Với lại chị Quyên đã hết tuổi thích cái trò này rồi, mình biết chơi với ai nữa.

Những buổi trưa xanh, đầy nắng vẫn như một cảnh thần tiên trong tuổi thơ ấu. Khuyên nhớ cổng trường nao nức và thấy một ngày ở nhà thật vô vị. Không đánh vũ cầu thì còn trăm thứ khác để vui. Trao đổi nhau truyện để đọc nè, nói chuyện nè. Tụi nó mua cả báo để cho nhau đọc nữa, rồi hình tài tử. Mà không có chuyện gì, ngồi dưới bóng cây chờ giờ vô học cũng khoái rồi. Từng cụm, từng cụm ba bốn đứa, năm bảy đứa, nói cười như chim. Lại có cô làm ra vẻ mơ mộng đứng một mình, ngắm hoài mấy cái xe lăn trên đường không biết mệt mắt.

Bao giờ được chơi vũ cầu lại nhỉ? Trời ơi, Khuyên muốn nhìn trái vũ cầu nằm trên bàn quá. Trái vũ cầu của người lính tên Xạo. Khuyên muốn cười ghê đi. Mới hôm qua đây nè, con Phượng đã lục cặp Khuyên. Nó tò mò đấy. Ê quá, nào bắt được gì đâu. Vậy mà nó cũng hỏi:

- Ông lính có gửi thư cho mày không?

Người ta quên từ mười đời vương mà nó còn nhắc mãi. Nhưng cũng tại Khuyên đó chớ. Không biết trong trường hợp nào Khuyên đã tiết lộ cho nó biết về cuốn sổ nhỏ và giòng ghi địa chỉ. Khuyên giận mình ghê. Cái gì cũng không giữ kín được trong lòng. Khuyên đánh trống lấp:

- Thư từ gì, tầm bậy không à mày.

Con Phượng chép miệng:

- Không đánh vũ cầu, tao buồn quá.

- Vậy mày đi sớm chi vậy?

- Quen rồi mày. Ở nhà buồn thấy mồ.

Ừ, nó cũng như Khuyên, làm sao không đến trường sớm được. Mà phải chịu một trưa chủ nhật như trưa nay, chắc nó cũng khó chịu, bực dọc như Khuyên. Không biết nó có bị nhà bắt nằm chết dí như mình không? Đang nghĩ miên man thì chị Quyên trở mình day mặt qua phía Khuyên. Không kịp thấy chị còn thức hay ngủ, Khuyên nhắm tít mắt lại.

Lát sau, Khuyên hé mắt nhìn. Cô thấy chị Quyên đã có vẻ ngủ say. Ban đầu cô nằm yên, thận trọng nhìn chị, rồi cô chống tay thật nhẹ nhàng ngồi dậy. Làm như chưa yên tâm, cô còn ngồi ở đó một lúc coi động tĩnh trước khi thòng hai chân xuống đất.

Nền gạch mát như thạch, thấm vào chân Khuyên làm cô bé không muốn nhấc chân lên nữa. Nhưng rồi cô cũng bước tới bàn học, ngồi xuống ghế thật nhẹ. Khuyên đưa mắt nhìn chị Quyên lần nữa thấy chị ngủ say, Khuyên yên tâm. Khoái quá, giờ này mình được tự do rồi, tay chân mình thoải mái quá. Các đồ vật trên bàn hình như cũng sáng hơn như cùng vui với Khuyên. Khuyên cầm thật nhẹ trái vũ cầu lên, vuốt ve rồi đặt lại chỗ cũ. Khuyên cũng không quên mấy bông hoa giấy chính tự cô làm lấy. Và rồi, cô bé chợt nhớ tới cuốn truyện Những giọt mực mà chị Quyên đang cất giấu đâu đó. Cô muốn đọc lại giòng chữ đề tặng với giòng chữ: Chiếc guốc phiêu lưu. Làm bộ cho lâm ly hóa ra chớ phiêu lưu gì đâu. Họ mới gặp nhau đây nè. Khuyên bỗng nhìn qua bàn học chị Quyên. Cái ngăn kéo nhỏ khóa kỹ đó chắc chứa đựng nhiều sự bí mật lắm. Khuyên rón rén qua bàn chị.

Chùm chìa khóa ngon ơ trên bàn. Khuyên mừng rơn. Nhưng mở ngăn kéo làm sao cho chị Quyên đừng biết đây. Chỉ một tiếng động nhỏ là chị nhỏm dậy rồi mình sẽ trả lời làm sao với chị? Mình sẽ nói: Em đi tìm đồ của em. Ơ hay, tìm đồ của em sao lại mở chìa khóa ngăn kéo của chị. Khó quá. Nhưng sự tò mò đã tràn đầy, khó có gì ngăn nổi nữa. Khuyên bỗng thấy mình có lắm mưu mẹo quá. Ừ, thì mình lấy ra rồi mình móc sẵn chìa khóa vào, nghe rục rịch thì mình bấm khóa lại, chị chẳng biết kịp đâu. Khuyên thận trọng mở khóa. Nhẹ nhàng ghê, có động tịnh gì đâu. Kìa, cái con chuột chết dí trong bìa sách đã hiện ra đó. Mà mình coi làm gì để mất công, mình đã đọc, đã biết rồi mà. Khuyên vẫn cứ cầm lên giở ra đọc. Không có gì lạ hết, cô bỏ vào toan khóa ngăn lại.

Cô chợt ngần ngừ. Còn cuốn cạt nê nằm cạnh đó nữa. Coi thử xem. Khuyên mở lớn mắt. Chị Quyên viết nhật ký. Thảo nào tối nào cũng thấy chị thức khuya, đi ngủ sau Khuyên không à. Thì ra chị làm công việc này đây. Chiếc guốc phiêu lưu ơi, tha hồ chị nhắc tới chiếc guốc.

Nào có gì đâu. Chị ghi đủ thứ, cả chuyện đi chợ, mua thức ăn. Cả lời bà hàng chửi chị, vì chị trả giá rồi không mua. Chuyện chị giận bạn bè: Hai đứa giận nhau rồi, mình không thèm nhìn Thục, cái mặt nó kênh kênh ghét ghê. Đồ làm bộ. Mình đợi nó xin lỗi mình trước chớ mình thì đời nào. Nó tưởng mình sẽ xin lỗi nó, sẽ làm thân với nó. Còn lâu. Nó nhà giàu kệ nó, mình nghèo như mình có tư cách, có tự ái của mình.

Khuyên mỉm cười. Thì ra thế giới của chị Quyên đâu có khác gì thế giới của Khuyên. Cũng giận hờn nhau, cũng chê bai, nói xấu nhau. Mình với con Phượng cũng giận nhau cả chục lần. Vậy trước mặt mình chị Quyên cứ làm bộ ra vẻ lớn lắm chớ chị vẫn còn con nít không. Coi nào, chị viết gì mà chi chít đằng sau coi bộ ghê quá nè. Ngày 25-7. Nhận được lá thư của kẻ vô danh. Chán quá, mất thì giờ thấy mồ. Mình cười muốn chết luôn vì lối tỏ tình kìm sanh. Tôi yêu cô mất rồi, cô là ánh sáng, là mặt trăng, là nguồn sống... Tôi sẽ đau khổ, sẽ ra đi, sẽ bỏ luôn đất Sàigòn này, đi đến chân trời góc biển nếu không được em để mắt xanh tới. Thôi, bể bụng mất. Lạy ông, ông vô danh.

Ông này không phải chiếc guốc phiêu lưu. Lật nữa. Ly kỳ đấy chứ. Sao mình chẳng nhận được một lá thư như thư chị Quyên để mà cười nhỉ? A, đây nữa nè... Mình leo lên xe Lam là hắn cũng leo lên. Hình như hắn đợi sẵn ở đó chờ mình. Hôm nay hắn làm gan hỏi chuyện mình nữa chớ. Mình khỏi thèm trả lời đi. Đàn ông con trai coi bộ nhát gái thế không khá. Loại này về sau là loại sợ vợ mà rất hèn. Phải cho anh chàng một trận để anh chàng tởn mà chừa đi... Không thấy chị Quyên cho anh chàng dệt ái tình trên xe Lam này một trận như thế nào? Không có hay là tại chị quên ghi vô đây. Vui quá. Khuyên đọc tiếp. Biết mà, đến hồi gay cấn đây. Chiếc guốc phiêu lưu của chị đây rồi. Chán mớ đời, chả biết tên họ gì, cứ chàng, hết chàng rồi người ấy. Người ấy là ai? Tức cười quá. Chao ôi, dài thế này làm sao đọc hết. Chị mà dậy bất thình lình thì mình chết. Bỏ ngang đi. Biết vậy hồi nãy đừng đọc mấy chuyện làm nhảm của chị. Khuyên cuống quít lật qua rất nhanh. Chuyện làm nhảm yêu đương. Chàng và tôi. Ôi, ái tình là thuốc thánh, là nước tiên. Chị Quyên trở thành một con người dở điên dở tỉnh. Cái gì vậy nè. Khuyên đã lật đến gần trang chót, và không dừng được. Khuyên lật lui mấy tờ nữa.

... Anh thân mến,

Thật em điên đầu mất. Làm thế nào bây giờ. Em sẽ chết mất nếu tình trạng cứ căng thẳng như thế này. Anh đề nghị bạo quá, em không thể. Nhưng tôi cũng không thể thiếu chàng. Tôi yêu chàng cuồng điên mất rồi, đến ngu muội, đến thành một đứa ngốc. Đêm nay, khi nghĩ lại những lời chàng đề nghị, tôi run quá. Chàng có nói điều đó ra thật sao? Chàng có nói mà... Sao chàng ngang tàng thế. Sao chàng không thể bình thường như mọi người được. Một đám cưới? Ở thời buổi này, ở tình thế này. Chàng nói ra là chán đời, là bi quan... Không, để tôi suy nghĩ đã. Hãy cho em suy nghĩ đã. Em sợ quá... Mình đã hỏi con Thục. Con Thục lý tưởng quá. Ừ, tao có thể chết vì tình yêu. Nó thì lãng mạn, mơ mộng. Nó sống như trong tiểu thuyết. Còn mình? Mình mà như thế được à? Mày thử nghĩ lại đi. hắn như thế, hắn ngông cuồng, hắn ba gai như thế, ba má mày có thương nổi hắn không? Hắn làm gì đủ tiền để làm đám cưới... Thục khuyên mình làm những điều đó thật sao? Cái con đó sống như ngọn sóng, hung hăng... mình khác nó mà, mình biết vậy.

Chàng đề nghị mình điều ghê gớm quá. Nhưng một là mình có chàng, hai là mình mất chàng. Tự nhiên chàng làm một chiếc guốc phiêu lưu, nhưng mình, mình còn tệ hơn chiếc guốc nữa, mình chỉ là một chiếc guốc đã đứt quai. Trốn đi theo chàng không? Trốn đi theo chàng không? Trốn đi theo chàng không? Đi. Tình yêu ơi, ta đau khổ vì mi quá. Đi nhé. Đi nhé Hạ Quyên.

Khuyên đưa tay lên bịt miệng để trấn áp tiếng kêu lớn. Cái gì thế này. Chị Quyên, chị ấy sắp bỏ trốn theo chiếc guốc phiêu lưu của chị? Có thể tin được không? Có thể lắm chớ. Sao nhật ký đứt đoạn thế này. Khuyên lật nữa cách vài tờ trắng có một giòng chữ đề ngày thứ ba với hai chữ: Định mệnh. Ly kỳ chưa. Chị định ngày hôm đó trốn theo chiếc guốc đen thui của chị. Khuyên thở dài nhè nhẹ rồi bỏ cuốn sổ vào ngăn kéo khóa lại như cũ. Bên giường chị Quyên vẫn ngủ say như chết. Khuyên bỗng giật mình nghĩ thầm: Đúng rồi, tại đêm nào chị cũng thức khuya, hôm nay gượng không được nên ngủ vùi đấy mà. Tội nghiệp chị Quyên quá. Chắc chị đang đau khổ vì tình yêu lắm. Khuyên thương chị tới muốn khóc. Mà Khuyên khóc thật rồi, nước mắt đang chảy ràn rụa trên má cô. Chị đừng bỏ đi theo chiếc guốc. Một chiếc guốc mà mộng đi phiêu lưu là ngông cuồng quá. Mà chị Quyên ơi, chị đâu phải là chiếc guốc. Khuyên muốn mở cuốn sổ nhỏ của chị Quyên, viết vào bên cạnh trang nhật ký đó câu: Chị đâu phải là chiếc guốc này, chị là chiếc giày sang trọng. Chị là cô lọ lem, chỉ cần để rơi lại cho hoàng tử một chiếc giày. Nhưng làm sao cô dám viết vào đó như thế được. Tội nghiệp chị Quyên quá. Và cái anh chàng tự cho mình là chiếc guốc phiêu lưu bỗng trở nên kệch cỡm, dã man và đáng ghét vô cùng. Mình phải tìm cách ngăn cái vụ kinh khủng này mới được. Nhất định mình phải ngăn chị Quyên lại. Nhất định chị Quyên không thể là chiếc guốc ngu muội.

Nhưng chị Quyên đang nằm ngủ kia có cái gì ngộ quá. Khuyên cũng nao nức muốn được như chị Quyên, muốn lớn liền như thế. Khuyên nghĩ tới tình yêu trai gái, cái thứ mà lâu nay, hễ nghĩ tới là cô bé thấy tội lỗi. Nhưng giờ thì khác rồi, cái thứ đó có một cái gì bí mật, quyến rũ lắm. Nửa làm cô muốn bước tới, nửa làm cô sợ sệt muốn nó tới chậm hơn. Không, của Khuyên còn là những buổi trưa đầy nắng vàng bên ngoài cổng trường, những chuyện trò líu lo như chim, những tràng cười vỡ hồn vui sướng.

Tội nghiệp chị Quyên quá. Tự ví mình như một chiếc guốc. Khuyên gục đầu xuống bàn. Cụ sách ơi, cụ giúp cháu với. Nhưng đồ vật ở trong phòng Khuyên thật cù lần, chẳng chịu biết gì hết, chẳng chịu giúp Khuyên gì hết. Cái thế giới riêng của chúng hình như không thích sự rắc rối của loài người, cứ làm thinh lờ đi.

Chị không phải là chiếc guốc đâu chị ơi. Cô bé khổ sở kêu thầm một mình. Chuyện ghê gớm quá. Có chuyện ghê gớm như vậy sắp xẩy ra ở trong nhà này được à? Khuyên nhỏm dậy, mắt mở lớn. Không ai trả lời Khuyên hết, cả chị Quyên, chị vẫn còn mê mệt trong giấc ngủ.


NHÃ CA      

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 43, tuần lễ từ 23-3 đến 30-3-1972)
 

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2023

QUÁN QUA ĐÊM - Hoàng Ngọc Tuấn


 
 ... như lệ nồng nàn rơi mòn lồng tim say
và môi bỗng cháy mềm điếu thuốc cuối cùng
đêm không dài sao chờ hoài chưa qua mau

H. N. T.

Một vài ánh sáng vàng vọt hắt ra từ những khung cửa sổ, không đủ soi sáng mặt đường. Thành phố đã đi vào bóng tối như mọi đêm. Tôi đứng bên ngoài cửa phòng, quay đầu nhìn lại một quán nước ở xa xa đèn thắp nhỏ và mơ hồ như ngọn nến. Căn phòng quen thuộc của tôi với chiếc giường bố tôi sẽ nằm như biết bao đêm. Đêm ngủ mê hay đêm thức trắng mắt không hề nhắm lại. Một tiếng gọi của ai đó làm bàn tay đang loay hoay với chiếc chìa khóa phòng của tôi dừng lại. Khoảng không tối đen trước mặt dần dần đậm nét một bóng người. Phối. Gã con trai trong bộ áo nhà binh rộng thùng thình và đầu tóc mới cắt thật ngắn gần như trọc. Phối trước đây cùng ở với tôi trong căn phòng này một thời gian, cùng có những ngày thất nghiệp đi vất vơ và đói cơm như tôi, hắn vào lính cách đây khoảng một tháng.

Hàm răng hắn cười trắng bóng trong bóng tối. Tôi bắt tay hắn và nói vài câu thăm hỏi như thường lệ. Hắn nói được nghỉ phép cuối tuần, ra khỏi quân trường từ hồi trưa nhưng phải đi vài vòng lên nhà người quen vay tiền. Rồi hắn cười không có duyên cớ gì cả.

Hắn là cái thằng như thế. Thỉnh thoảng lại cười mặc dầu không có chuyện gì đáng cười cả. Hắn rủ tôi ra phố đi tà tà một vòng. Tôi đã chán chuyện ấy. Tôi nói:

- Mới đi về đây.

- Thì đi nữa. Tìm quán nào chui vào uống một ly cà phê.

- Tao không còn một đồng trong túi.

Phối đưa tay sờ vào túi quần của hắn. Hắn nói còn gần được hai trăm đồng, thừa đủ cho hai ly cà phê và bao thuốc lá, nhưng không đủ để vào một phòng trà nào đó nhìn mấy cô ca sĩ nhún nhẩy dưới ánh đèn màu.

Phố phường tôi đã đi mòn chân, quen thuộc và nhàm chán như nhìn thấy mãi bộ mặt mình trong gương. Sài-gòn bây giờ mười giờ là giới nghiêm, nhưng sinh hoạt thành phố dường như đến 9 giờ là ngưng hẳn lại. Tôi cùng đi với Phối ra phía đường phố. Chỗ tôi ở là một khu đất nằm thu mình trong bóng tối đen ngòm sau lưng những con đường chính trong trung tâm thành phố. Tôi hỏi Phối còn thuốc lá không. Hắn đưa cho tôi bao thuốc lép kẹp, nhàu nát như một miếng giẻ rách. Điếu thuốc cong queo rung rung giữa kẽ môi tôi. Ánh lửa sáng lên từ một cây diêm nhỏ, khói cay ùa vào trên lưỡi chỉ thấy đắng nghét và khô nóng. Bụng hơi cồn cào một chút, bữa cơm chiều với một dĩa cơm nhỏ, hai miếng tàu hủ, ly trà đá và bộ mặt nhăn nhó của bà chủ quán tiêu hóa đi đâu mất thật nhanh làm tôi hơi đói bụng.

Những bàn đặt bên ngoài quán không có ai ngồi. Chúng tôi chọn được một chỗ ngồi vừa ý, bàn đặt trên lề đường, từ đó con đường phố gần sát trước mặt. Xe cộ chạy ngược xuôi ồn ào, những vệt ánh sáng từ cặp đèn xe hơi nhảy múa như người điên. Bây giờ có lẽ mới bảy giờ tối. Con đường mới ban chiều còn nhộn nhịp bước chân người và mầu áo đàn bà tươi thắm, bây giờ vắng lặng. Thỉnh thoảng một vài thằng bé đánh giày lững thững đi qua, hộp đồ nghề trong một tay và điếu thuốc lập lòe đỏ chói trong bàn tay kia.

Tôi gọi một ly cà phê. Phối cũng thế mặc dầu cà phê ở đây rất tồi. Thứ cà phê hạng bét lại còn được pha theo kiểu "bít-tất" vội vàng. Phối nói vẩn vơ về những ngày trong quân trường của hắn. Mệt nhọc, ánh nắng mặt trời, áo lính dày thấm ướt mồ hôi và thèm ngủ. Tôi nói thèm ngủ sao bây giờ lại còn rủ đi uống cà phê. Hắn cười không nói gì. Rồi cũng như tôi, cũng như những thằng con trai trên trái đất này, hắn gắn một điếu thuốc lên môi và hút liền tay.

Ghế đá nằm dài theo hai bên đường. Trên đó, một vài cặp tình nhân ngồi bên nhau như hai bóng ma. Vài ả gái giang hồ mặc áo quần cóp theo mốt mới nhất ở Pháp, ngồi đợi một chiếc xe hơi nào đó đến rước đi. Vài ả ma ri sến trong bộ áo bà ba cổ truyền, cũng đợi một anh chàng nào đó có xe gắn máy đến tán tỉnh. Sài-gòn ban đêm bây giờ hình như chỉ những quán rượu cho khách ngoại quốc và phòng trà ca nhạc là còn mở cửa và nhộn nhịp tiếng cười. Hai hàng phố chính cửa đóng kín, những người bán dạo đang thu dọn đồ đạc vào trong một chiếc xe gỗ nhỏ, sửa soạn về nhà. Ánh sáng phảng phất từ một căn lầu bên kia đường sáng chói. Tiếng hát của một cô ca sĩ xa xăm vọng xuống chỗ tôi ngồi, âm thanh và nhạc điệu nghe mơ hồ đứt đoạn. Giọng hát cao lanh lảnh vang lên thật cô đơn trong đêm, như một loài chim đêm không tìm được đường bay về tổ ấm.

Giọt cà phê chỉ có mùi đắng trên lưỡi. Điếu thuốc thắp đỏ lên rồi tàn mau chóng. Một cô bé gái đi lại phía chúng tôi, trên tay là một xấp vé số.

- Mua giùm em vài tấm đi anh, chiều mai xổ.

- Tụi này giúp vốn cho chính phủ về cái vụ này nhiều lắm rồi, chẳng bao giờ trúng cả. Số tụi này đen lắm, đánh bạc còn thua hoài mà.

Cô bé chừng mười tuổi. Cô bé cười làm duyên, ngồi xụp xuống dưới chân tôi như một tên nô lệ thường thấy trong phim dã sử La mã. Hai tay cô bé đặt lên đùi tôi, xoa nhè nhẹ như bàn tay của một ả giang hồ lành nghề. Đôi mắt cô bé gượng tình tứ, lóng lánh và ngơ ngáo làm tôi muốn khóc hay muốn nôn mửa được.

- Mua đi anh, em còn có vài tấm. Mấy tấm cuối cùng hay trúng độc đắc lắm anh à.

Tôi cảm thấy nhức nhối trong đầu óc. Vừa mệt vừa khó chịu, không phải vì cái giọng van nài lải nhải, mà vì giọng nói bé bỏng thật trong veo, yếu đuối như một cô nữ sinh lớp ba đang đọc bài tập đọc.

- Mày còn có hai chục, mua cho nó một tấm đi Phối.

Phối đưa cho nó mấy tờ giấy bạc và lấy một tấm vé số nào đó. Cô bé tần ngần đứng dậy, có vẻ chưa muốn đi ngay. Có lẽ nó chờ đợi những lời hỏi han mà nó thường gặp. Những ông khách dư dả tốt bụng, thường ra vẻ xót thương hỏi nó mấy câu: Em mấy tuổi, ba em làm gì, em có đi học không. Những ông khách ra vẻ chú ý đến hoàn cảnh của một người nghèo khốn, thường chép miệng thở dài đúng trong một giây rồi quay lại với món bồ câu hầm đậu xanh và chai rượu vang trắng. Tôi chán cái trò ấy, tôi nói hình như hơi lớn tiếng: bán xong rồi đi chỗ khác chơi! Tôi cố gắng làm cho giọng nói được dịu dàng, nhưng không hiểu sao vẫn đầy một vẻ nóng giận không lý do. Con bé sợ hãi nhìn tôi rồi lũi đi mất. Tôi cảm thấy buồn bã lạ thường. Thân hình gầy nhỏ của cô bé mất hút dễ dàng trong bóng đêm, như một giọt nước rơi trên cát nóng.

Một khoảng thời gian im lặng, không biết chừng bao nhiêu lâu. Rồi tiếng nói của người bồi sau lưng làm tôi giựt mình.

- Xin hai ông về cho, đến giờ quán đóng cửa rồi.

Phối ngạc nhiên:

- Mới hơn bảy giờ, đóng cửa gì sớm vậy?

Mặt người bồi trông trạc tuổi tôi, anh ta gật gật đầu, cố gắng mỉm cười và giọng nói nài nỉ:

- Dạ, ông chủ bảo dọn dẹp bàn ghế sớm thì cho tôi nghỉ sớm. Chỗ tôi ở tám giờ là giới nghiêm rồi.

- Anh ở đâu?

- Gần chợ Gò vấp. Giờ này mà về là cũng trễ rồi.

- Đón xe gì về?

- Dạ tôi đi xe mô-bi-lét, lạy trời cho chiếc xe ấy đừng nằm vạ giữa đường. Thời buổi này mà ngơ ngơ trong giờ giới nghiêm lính tráng họ bắn liền.

Chúng tôi đứng dậy. Trên bàn còn hai ly cà phê uống dở và bao thuốc trống không. Phối đưa tiền cho người bồi. Anh ta nói cám ơn rồi lui hui xếp bàn ghế quanh quán để khiêng vào nhà. Phối nói bây giờ đi đâu đây. Tôi nói ở đầu đường này có vài quán nước chắc bây giờ còn mở cửa. Phối dừng lại một lúc ở sạp bán thuốc để mua bao thuốc lá, hắn định mua một bao thuốc bạc hà có đầu lọc để hút cho khỏi khô cổ, nhưng tôi đề nghị mua bao thuốc có vẽ hình con lạc đà. Tôi thích cái hình vẽ trên bao thuốc này, con lạc đà nhỏ nhoi đứng thật âu sầu trong sa mạc.

Quán sách của cô Nga ở ngã tư đường vẫn còn bán, nhưng có lẽ giờ này không còn ai đến mua. Tôi liếc nhìn hình bìa của những tờ tạp chí treo thành hàng dài và những chồng sách xếp cạnh nhau nằm trên sạp. Tôi nói với Phối mua một cuốn gì đó hay chốc nữa về phòng tôi lấy vài cuốn sách đem vô trường đọc. Hắn lắc đầu, nói ở trong đó không có thì giờ nhai cơm hay đi vệ sinh nữa. Dư được phút nào là ngủ phút ấy, có khi ngủ li bì trong giờ học ngoài bãi nắng.

Cô gái bán sách mặc chiếc áo bà ba trắng. Nàng đang cầm trên tay một tờ báo phụ nữ và có vẻ lắng nghe tiếng hát từ trên phòng trà vọng xuống. Tôi ho một tiếng làm nàng giật mình nhìn lên.

- Giờ này mà chưa về nhà sao chị Nga?

- Chốc nữa. Mỗi ngày bán từ sáng đến hơn tám giờ tối, mình buôn bán thêm được phút nào hay phút ấy.

- Bây giờ còn ai mua nữa đâu. Chị không thấy mấy hàng sách khác họ đóng cửa hết rồi.

Cô gái mỉm cười, giọng nói của nàng không biết buồn bã hay thản nhiên:

- Người ta giàu. Mình nghèo mình phải chịu khó mới sống nổi chứ.

Tôi quen thuộc với quán sách này. Quán của hai mẹ con cô Nga. Người mẹ bán vào buổi sáng, cô gái bán từ trưa đến tối. Lát nữa, nàng sẽ một mình xếp những chồng sách vào chiếc thùng gỗ, và có lẽ nàng sẽ tần ngần một lát để nghe đoạn cuối của bản tình ca do một cô ca sĩ nào đó đang hát trong phòng trà. Rồi nàng lặng lẽ gọi một chiếc xe xích-lô, một mình trong đêm trở về căn nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố, bên kia cây cầu, có bà mẹ đang đợi chờ bên mâm cơm. Và sáng mai sẽ trở lại thành phố ồn ào này.

- Còn anh, giờ này còn đi đâu vậy?

- Tụi này kiếm một cái quán cà phê nào đó chui vào ngồi.

- Uống để mà thức trắng đêm à? Có mấy cuốn sách mới xuất bản kìa, anh mua không?

- Để mai sáng mua, chị Nga. Bây giờ hết tiền rồi. Vả lại đi chơi mà cầm sách trong tay coi kỳ cục lắm. Tôi chỉ khoái bỏ hai tay vào túi quần thôi. Dĩ nhiên là nếu có kẹp điếu thuốc thì phải bỏ một tay ra ngoài.

Tôi không hiểu sao lại có thể nói một câu vớ vẩn không đầu không đuôi như thế.

Tôi kéo áo Phối dục đi. Cái thằng này có vẻ như ngủ gục trên những bước chân nặng nhọc của nó. Chúng tôi băng qua đường. Ngọn đèn đường với ba màu thay đổi bây giờ dường như không còn cần thiết vì đã ít xe cộ. Quán nước ở đầu đường đã đóng kín cánh cửa song sắt, bên trong là bàn ghế xếp vào một xó. Hai ba quán gần đó cũng đã đóng cửa, không hiểu tại sao người ta nghỉ bán thật sớm, làm như giờ này thiên hạ đều nằm trong nhà ngủ hết. Phối hỏi bây giờ mình đi đâu đây. Tôi nói chính hắn là người rủ tôi đi chơi đêm nay, phần tôi chỉ muốn quay về nhà. Phối nói dầu sao một tuần hắn mới được ra phép một lần, nhìn thành phố này một ngày và mai lại trở về quân trường rồi. Cứ đi lang thang để nhìn lại những con đường và phố phường quen thuộc. Phối hỏi:

- Quán cà phê Văn bây giờ còn bán không?

- Dẹp tiệm từ hồi Tết rồi. Cái bọn thi sĩ bán quán ấy coi bộ không biết cách làm ăn, chúng hạ bảng hiệu sau khi không còn được ba chục đồng để mua một trăm gam cà phê.

Trước kia đêm nào tôi cũng ngồi ở quán Văn, một cái quán cà phê luộm thuộm và bê bối hết chỗ nói do một bọn sinh viên điều khiển. Ở đấy cà phê pha lạt thếch và cứ phải nghe mãi những bài hát quen từ một cái máy magnétophone cũ mèm. Nhưng tôi yêu cái không khí dễ thương, thân mật của quán. Và cũng vì tôi có một vài người bạn thân ở đấy : Toại, Sơn và một cô gái tôi không còn nhớ tên, ngồi như một con mèo con sau quầy hàng. Cô gái có chiếc răng khểnh ngộ nghĩnh và đẹp êm ái như loài hoa Orchidée, thứ hoa mà nàng rất thích. Đêm nào tôi cũng bắt gặp một nhánh Orchidée mầu tím mềm mại trong chiếc bình con trước mặt nàng.

Tôi chợt nghĩ đến quán Thu Hương ở Tân Định. Tôi nói điều đó với Phối nhưng hắn bảo bây giờ có xe gì mà đi, không lẽ cuốc bộ gần hai cây số để uống một ly cà phê rồi lủi thủi đi về. Tôi biết chuyến xe buýt Sài-gòn - Gò Vấp có một trạm dừng lại trước quán ấy. Chúng tôi chậm chạp đi đến trạm xe buýt chờ xe.

Trạm chờ xe vắng ngắt không một ai đứng đợi. Một lão hành khất ngủ co quắp trên băng ghế. Tôi đứng dưới tấm bảng màu vàng đầy những chữ, nhìn về phía chợ Bến Thành là nơi xe buýt sẽ từ đó chạy lại. Không biết giờ này còn chuyến xe nào không. Phối bỗng kêu lên : có xe. Tôi chạy ra giữa đường đưa tay vẫy với tất cả những dáng điệu tội nghiệp nhất để gã tài xế cho xe dừng lại. Chiếc xe dừng lại một lúc ngắn ngủi đủ cho chúng tôi nhảy vào cửa, rồi nó rú ga phóng nhanh như một chiếc xe đua.

Lão già bán vé với xấp vé trên tay đi đến chỗ chúng tôi ngồi. Phối móc túi định lấy tiền nhưng lão khoát tay lắc đầu, lão cũng không buồn bán vé để thâu thêm vài đồng bạc cắc. Lão mệt nhọc đi từng bước trên chiếc xe tròng trành về phía người tài xế, lão nói vài câu gì đó với người tài xế rồi dựa người vào băng ghế, mắt lim dim lắng nghe tiếng ca mùi mẫn của một cô đào cải lương vang lên từ chiếc ra-dô nhỏ. Hai thằng bé bán cà rem ngồi ở băng ghế trước mặt tôi đang thò đầu ra khỏi khung cửa xe để ngắm xe cộ. Trên băng ghế đàng cuối xe là một cô gái ngồi im lặng với điếu thuốc lá đỏ rực trên môi, chắc cô ả là một gái điếm.

Tôi buồn buồn nhìn hàng cây vệ đường chạy ngược chiều về phía mình. Những cột đèn đường còng xuống như lưng người già.

Xe dừng lại. Chợ Tân Định đàng kia mập mờ ánh đèn vàng. Người tài xế dục tôi và Phối xuống nhanh.

- Chốc nữa còn chuyến nào chạy trở lại Sài-gòn không ông?

- Không, chuyến này là chuyến cuối. Hai cậu đón xe Tắc xi mà về.

Tôi quay sang cười với Phối:

- Thế là lát nữa phải cuốc bộ về nhà, chân mày có vẻ rã rời rồi phải không? Đừng trách móc gì cả, vì cái thằng cù lần rủ đi uống cà phê đêm là mày.

Phối không nói gì. Hắn đang đứng nhìn quán cà phê bên kia đường trước mặt. Ánh đèn mờ hắt hiu và loáng thoáng những đầu tóc người trong sân quán, bên ngoài là một hàng xe gắn máy.

*

Khách hàng của quán cà phê này thường thích ngồi ngoài vườn hơn là trong phòng có đèn sáng và âm nhạc. Tôi cũng thế, chúng tôi chọn một chiếc bàn ở góc vườn sát bên cạnh những song sắt của cánh cửa có nhiều tàng lá phủ dầy. Ngoài kia xe cộ chạy từ hướng cầu Kiệu đổ về Saigon tuy thưa thớt nhưng nối tiếp như một dòng nước không đứt đoạn.

Trong vườn tràn ngập khói thuốc bồng bềnh, những bộ mặt trẻ tuổi đã sớm mang nhiều hét già nua mỏi mệt và tiếng người ồn ào trò chuyện. Người bồi đem đến cho chúng tôi hai ly cà phê với chiếc "phin" nhỏ đặt trên ly; giọt cà phê đen đặc nhỏ từng giọt một. Giọt nước đậm đặc như tảng băng, chậm chạp rơi từng hạt vỡ vụn trên thủy tinh, lan ra những hình thể kỳ dị. Giọt nước hứa hẹn biết bao cảm giác ngon lành và thơm phức, rơi từ tốn để kéo dài thời gian chờ đợi, làm cơn thèm thuồng càng thêm tăng. Độ hai mươi phút qua, nước cà phê đã đầy được một phần tư ly, số lượng vừa đủ để chế thêm đá lạnh. Tôi đưa tay ra dấu cho người bồi. Gã bồi quán ở đây là một anh chàng khó tính nhất thế giới, hình như gã là bà con gì đó với chủ quán nên chẳng bao giờ gã sợ bị tống cổ ra khỏi quán cả. Mặt gã luôn luôn nhăn nhó mỗi khi có người khách nào đòi hỏi thêm một thứ gì, dầu là một chút đường, nước sôi hay đá lạnh. Gã bồi bỏ vào ly của tôi vài viên đá lạnh trong veo, tôi cho thêm vài muỗng đường rồi khuấy mạnh. Lát sau, chất nước nóng hổi thấm trên lưỡi đậm đà như một thứ trái cây kỳ lạ, thêm với khói thuốc lá và nỗi trống trải thật bao la trong đêm, đã đem lại cho tôi một cảm xúc thi vị mơ hồ, ngây ngất như khi được nghe một bài hát tuyệt hay, chẳng hạn như bản vết lăn trầm của một gã nhạc sĩ lãng tử.

Những lúc có tí tiền, tôi lang thang suốt ngày từ quán cà phê này sang quán khác. Có khi ngồi ở mười quán trong một ngày, đến nỗi ly nước và bao thuốc lá không còn mùi vị. Đã như một thói quen không thể bỏ được, ngồi ở quán cà phê không phải là thèm một ly cà phê ngon, chỉ để cơn trống rỗng thêm trống rỗng, cơn buồn càng thêm buồn.

Một chút tiếng người, một chút tiếng nhạc, một chút không gian khói thuốc cay, một chút thời gian lắng đọng, một chút nhộn nhịp của bọn người ngợm xa lạ đi qua trước mắt. Tất cả những thứ ấy vây bủa quanh tâm hồn và cảm giác như mùi đất thơm yêu dấu của quê nhà, và tôi đã ngất ngây với mùi hương ấy.

Đêm nay vắng lặng. Trước mặt quán là một tiệm bán quan tài danh tiếng nhất thủ đô, ngay bây giờ tôi có thể nhìn thấy khách hàng đang chọn lựa những vòng hoa điếu tang, ngoài cửa tiệm là một vài chiếc xe nhà binh. Trước kia, một thằng bạn thân có lần cùng ngồi với tôi ở quán này, nó nói đùa "tụi mình từ đây đi qua đó chỉ một bước ngắn". Rồi thằng bạn ấy đi lính và nó đã đi qua cái bước ngắn ấy thật, chết trên cầu Bà Di ngoài Bình Định trong một ngày đầu xuân. Phối bây giờ đang chăm chú nhìn tiệm bán quan tài, hắn mỉm cười và tôi chắc rằng trong óc hắn cũng có cái ý tưởng đùa cợt đó. Tôi lo sợ hắn sẽ nói ra, chỉ một lần trùng hợp giữa lời nói bông đùa và sự thực cũng đủ làm tôi tin dị đoan. Tôi nói để đánh trống lảng:

- Ra trường chắc mày khoái được đổi về Cần Thơ lắm hả? Ở đó tha hồ mà gặp lại bạn bè, tha hồ nhậu nhẹt suốt ngày với lươn um, ếch chiên bơ, cá lóc nấu canh chua trong những quán cóc trên bến sông.

- Đâu cũng được. Quảng Trị, Cà Mâu, lính tác chiến, lính văn phòng gì đối với tao cũng vậy.

Tôi đã quen thuộc với tính nết của thằng này. Hắn to con như một nông phu và có võ Đại Hàn đai đen nhưng hiền và dễ tính như Phật, ai chế diễu gì hắn chỉ biết nhe răng ra cười. Tôi nói:

- Bây giờ suốt ngày mày chỉ lo chùi súng và tập bắn bia cho chính xác để sau ra trận bắn người cho trúng. Vườn hoa gì đó của mày dẹp luôn rồi hả.

Phối im lặng, không thấy hắn cười. Tôi hơi hối hận đã làm hắn buồn. Đêm nào đó hắn say sưa kể cho tôi nghe giấc mơ của hắn. Có một miếng đất nhỏ ở cao nguyên, Đà Lạt hay Ban Mê Thuột, xây một căn nhà gỗ màu nâu, vườn ươm đủ giống hoa hồng và trồng rau trái, nuôi gia súc. Nếu dưới mái hiên rộng rãi sẽ đặt vài bộ bàn ghế và mở quán cà phê, khách hàng ngồi dưới mái hiên mát dịu những thứ hoa leo kín và ngắm nhìn vườn hồng lộng lẫy. Đêm ấy tôi cũng say sưa theo với hắn như uống hết một chai rượu nồng, tôi hứa sẽ lên cao nguyên với hắn để ngủ suốt ngày trong khu vườn có hoa thắm và chim chóc hót vang.

Giấc mơ nhỏ nhoi đến nỗi không thể gọi là một giấc mơ, nó quá bé bỏng và dễ dàng đối với biết bao nhiêu người. Nhưng bây giờ, đời lính, súng đạn, chiến trường... có lẽ Phối cũng đang nghĩ đến những ngày sắp tới của hắn như thế. Biết bao giờ...

Phối nói bâng quơ : Hôm nay là ngày chủ nhật, lại bảy ngày nữa mới được ra phép. Tôi cười buồn. Đã lâu tôi không còn nhớ đến ngày tháng, không còn phân biệt được ngày chủ nhật, hay ngày thường. Mỗi tuần tôi có bảy ngày chủ nhật, bảy ngày ăn không ngồi rồi lơ láo và buồn chán đến chết đi được. Mỗi sáng mai và chiều tà ngồi ở một tiệm cà phê góc đường, ngắm nhìn mặt trời đỏ dần và tắt hẳn trên ngọn cây. Buổi sáng đợi buổi cơm trưa, cơm trưa xong đợi chiều tối, đêm về nằm dài người chờ đợi một ngày khác trở lại. Ngôi trường đại học không còn quyến rũ tôi với cái vẻ lớn lao của nó như trong những ngày đầu tiên. Chữ nghĩa, thầy giáo, sách vở, ngày càng trở nên một cái gì thật vô duyên kỳ lạ, và phải giao thiệp với nó một cách mệt nhọc để triển hạn đời sống thường dân, kéo dài cái ngày vào quân đội. Không việc làm, không niềm tin, không học hành, không có một người để yêu thương. Tôi kéo dài đời sống với những bước chân thất tha suốt ngày đến bao giờ. Tôi châm một điếu thuốc, nghe tiếng nói lè nhè của Phối:

- Bọn mày bây giờ có thằng nào có công việc gì làm không?

- Cũng một vài thằng, trừ tao. Toại nó làm báo, lương tháng vừa đủ để tao và nó uống la de chừng hai đêm. Tao thì chịu. Không làm ra một đồng nào cả. Đọc cả một đống sách nào là "làm thế nào để trở thành một triệu phú", "làm thế nào để hái ra tiền một cách dễ dàng", cũng không biết phải làm thế nào cả! Rốt cuộc chỉ có thêm trong đầu óc một kết luận quỷ quái: "Cách kiếm tiền dễ nhất là đi vay, mày thấy đó, tao dần dần trở nên một ông chúa chổm.

Phối lắc đầu, hắn nói vào quân đội mình phải đánh mất nhiều thứ lắm, đôi khi không còn nhận ra mình được nữa. Tôi không nói gì, những ý tưởng quen thuộc được nuôi sống dai dẳng không biết từ bao lâu trong đầu óc, bây giờ ào ạt tràn ngập như muốn nổ bùng thành lời nói. Tôi nói với Phối bằng cái giọng cốt làm hắn chú ý:

- Này Phối, cái bi đát của bọn mình bây giờ...

Phối khoát tay, môi nó trề ra tỏ vẻ khó chịu:

- Thôi dẹp cái trò triết lý ra một bên đi. Lại sắp sửa nói đến bi đát, buồn nôn, phi lý... ra rồi phải không?

Tôi cười buồn. Phối hiểu lầm tôi rồi. Tôi chúa ghét những thằng triết lý ba xu, chuyên môn xài những danh từ lớn cóp nhặt trong sách giáo khoa triết học.

Nhưng đêm nay, tôi đành chịu không thể tìm ra một từ nào khác để diễn tả những ý tưởng còn mù mờ như một màn sương. Chính cái đó, cái bi đát của tôi, của tuổi trẻ chúng tôi là phải mang đeo đẳng trên người một đời sống vất vưởng, ngoại cuộc, không thuộc vào một thế hệ nào cả. Người ta lấy tiêu chuẩn gì để xếp chúng tôi vào một tầng lớp rồi đặt cho cái tên gọi thông thường là thế hệ? Tuổi tác ư? Tôi không may mắn như những người trẻ tuổi như tôi, áo quần bảnh bao không kém một người nào ở những nước văn minh giầu có trên thế giới, mỗi đêm vui đùa trên sàn nhảy với bó tiền trong túi, đàn bà ôm trong tay và xe hơi êm ái. Tôi cũng chưa đến nỗi bất hạnh như người lính trạc tuổi tôi, đêm nay đang lăn lộn trong sình lầy ở một miền đất hẻo lánh nào đó vùng biên giới, cái chết và sợ hãi lởn vởn bên người. Tôi cũng không được vô tư một cách hạnh phúc như những cậu thư sinh ngày đêm miệt mài trong sách vở, chăm chỉ và đều đặn giựt lấy những mảnh bằng, rồi ra đời có một địa vị, một mái nhà và suốt cả đời an bình như một giòng sông hiền hậu. Tôi cũng không hăng hái, đầy nhiệt huyết như những người tuổi đôi mươi lao đầu vào đường chính trị, với biết bao kế hoạch cách mạng trong đầu óc, với sự yểm trợ của lực lượng bên này hay bên kia.

Tôi không ở trong một lớp người nào cả. Tôi thèm được thấy một tâm hồn nào đó có vài điểm giống mình, cũng có những ước mơ, cảm nghĩ, niềm tin như mình. Nhưng đành chịu, hình như tôi sống một mình trên mảnh đất có hai mươi mấy triệu người này. Điều tuyệt vọng nhất của tuổi trẻ bây giờ,. hay có lẽ của một mình tôi thôi, là không những chán mứa những kẻ đàn anh, những kẻ thuộc thế hệ ông cha mình, mà chán mứa ngay với những người đồng tuổi.

Tất cả những ý nghĩ ấy quay cuồng hỗn độn trong đầu óc tôi. Tôi muốn nói với Phối những điều ấy, nhưng tôi không nói được. Hình như một vài cái gì nằm sâu trong tận cội rễ của tâm hồn đều không thốt ra lời được. Chúng câm lặng đã lâu rồi trong tôi, và rốt cuộc câm lặng đã là một thói quen thua thiệt.

Tiếng nổ lớn ở một khu phố nào đó trong thành thị làm tôi giựt mình. Chắc lại có pháo kích như mọi đêm. Không biết hôm nay là ngày sinh nhật hay ngày kỷ niệm chiến thắng gì của những người du kích cộng sản không. Thời buổi này người ta ăn mừng bằng quà bánh văn minh hơn, tiếng nổ của đại bác reo vang ầm ĩ hơn tiếng pháo nhiều.

Tôi nhìn khuôn mặt của Phối, nó nãy giờ không nói gì, mặt đăm đăm buồn bã. Tôi muốn nói một cái gì, bất cứ một điều gì để cho không khí tươi thắm thêm một chút. Không khí của đêm trôi chậm chạp và thuốc lá đã làm tôi mệt mỏi.

- Này Phối.

Hắn giựt mình:

- Gì mày?

- Tao có chuyện này cần nói với mày. Mày còn nhớ con nhỏ ngồi két ở quán cà phê Văn hồi trước không?

- Nhớ. Cô nàng xinh xinh mà bọn khách thường gọi là Bông Hồng của quán phải không?

Tôi cảm thấy bực mình:

- Cái gì mà gọi là Bông Hồng? Tao gọi nó là hoa Orchidée. Mày không thấy nụ cười của con nhỏ có cái vẻ hoa Orchidée quyến rũ chết người hay sao.

- Ừ. Thôi thì đồng ý với mày cho xong chuyện. Mà mày định nói chuyện gì về cô-gái-hoa-Orchidée ấy?

Tôi nói nhỏ với Phối với giọng trịnh trọng và bí mật:

- Con bé đó có 34 cái răng mày ạ, 33 cái răng thường và một chiếc răng khểnh. Chính nó nói với tao như thế.

Phối ngạc nhiên, hắn hỏi với giọng bực bội như người vừa bị đánh lừa:

- Rồi sao? Có 34 cái răng rồi sao nữa? Thế mà mày cũng bày đặt chuyện nói.

- Mày không thấy có gì lạ sao?

- Không. Có cái bộ óc của mày là đáng lạ lùng thôi.

Tôi nói buồn buồn:

- Thế thì thôi vậy. Có lẽ cũng không có điều gì lạ cả, tao nói vẩn vơ cho đỡ buồn.

Hình như tôi không còn tìm ra được câu chuyện gì thú vị cả. Hình như suốt đời tôi chỉ nói và làm những chuyện vẩn vơ, thật vô ích là lạt lẽo đối với người khác.

*

Quán dần dần vắng người. Tiếng nói của người lần hồi nhỏ lại. Bây giờ âm thanh dìu dặt của một bài hát nào đó, từ một góc quán vang lại chỗ chúng tôi càng lúc càng rõ ràng.

Ở đây không có âm nhạc hay. Xen lẫn với một lô nhạc thời trang chối tai, thỉnh thoảng mới có được một bài hát tiền chiến vang lên thật nhỏ nhoi từ chiếc máy hát cũ kim dĩa đã mòn. Bài gì đó tôi đã nghe hôm nào, người đàn bà với điếu thuốc lá giữa kẽ tay và có lẽ với một trái tim buồn giấu kín, môi đầy âm thanh và khói thuốc bồng bềnh. Ôi giấc mơ xưa mộng đời phiêu lãng giang hồ... Sống trong lòng người đẹp Tô Châu hay là chết bên bờ sông Danube những đêm sáng sao...
 
Chỉ còn là giấc mơ. Bây giờ làm gì mà có thể phiêu bạt giang hồ. Ngay trong quê hương mình cũng không thể viếng thăm cho hết. Chiến sự, cầu gãy, mìn đặt trên đường, tràng súng phục kích từ rừng rậm... Những con đường quen thuộc trên đất nước biến thành những con đường của chết chóc, còn hơn là đường hẻo lánh trong rừng rậm Phi châu. Tôi muốn được đắm mình trong những dòng sông đã học thuộc lòng tên tuổi trong sách Địa-lý của thời học trò bé bỏng. Sông Hồng, Sông Nhuệ, Sông Mã... tôi chưa bao giờ được nếm say sưa một ngụm nước ngọt ngào, còn nói gì đến dòng Danube xanh biếc xa vời.

Phối hát khe khẽ theo bản nhạc. Giọng hát của nó dở chưa từng thấy nên tôi phải bảo nó im lặng đi. Hắn nhe răng cười, nói đi về thôi. Tôi bảo hãy hút cho hết điếu thuốc cuối cùng, để được vò nát trong tay bao thuốc rỗng không như tâm hồn mình, ném lăn lóc ra ngoài đường vắng. Phối gật đầu, hắn nói chút nữa về nhà tôi đừng gợi chuyện gì nữa, hắn cần  một giấc ngủ để sớm mai còn phải dậy sớm đón xe đò vô quân trường. Hắn hỏi:

- Ngày mai mày có định đi đâu không?

- Không. Nếu có tí tiền thì lang thang chỗ này chỗ nọ. Không chừng lại tìm đến cái quán quỷ quái này như đêm nay.

- Buồn quá nhỉ.

Tôi nói hắn đã biết điều đó lâu rồi. Hắn đã ở chung với tôi trong một thời gian khá lâu, và cũng đã có những ngày tháng trống không như thế. Những thằng bạn thân khác của tôi cũng vậy thôi. Toại, Sơn, Lai, Hiếu, Hiệp, Giang, Tự, Hối... và danh sách này còn dài nữa nếu cái trí nhớ của tôi không đến nỗi quá bê bối. Chúng đã một thời sống đói khổ với tôi, một thời ngồi trước ngõ như một con chó đói để chờ một thằng bạn nào đó đến rủ đi chơi, ổ bánh mì là bữa cơm gậm dai dẳng trong hàm răng, điếu thuốc đen chia đôi từng hơi những khi sạch túi. Quãng đời này đã như một con vợ trời đánh, nhưng đã lỡ quen hơi, khó lòng từ bỏ được.

Tôi cũng có một vài thằng bạn thân người ngoại quốc, như Holden Caulfield, Peter Caminzend, Meaulness, Nick Adams, Raskolnikoff. Tiếc là bọn này tôi chưa bao giờ thấy mặt chúng.

Đến khi gã bồi quán ra nói với chúng tôi đã đến giờ đóng cửa rồi, tôi mới đứng dậy. Quán không còn một ai. Chúng tôi ra khỏi khu vườn tối. Quán nhỏ bỏ lại xa dần sau lưng như một người bạn gặp giây lát qua đường.

Chúng tôi thất thểu đi qua biết bao con đường hun hút như hầm tối, mặc dầu những ngọn đèn đường vẫn còn thắp đỏ hai bên. Lính tráng và cảnh sát đầy đặc dọc đường, súng cầm lăm lăm trong tay và mắt chăm chú dò xét. Lính nhảy dù đang giăng những cuộn dây thép gai bao quanh những dinh thự. Có lẽ sắp đến giờ giới nghiêm rồi, tôi phải cố đi nhanh. Bóng người chao động trên con đường vắng vẻ đến nỗi có thể nằm lăn từ bên này sang bên kia.

Căn phòng nhỏ của tôi, đầy tàn thuốc lá và bao thuốc lăn lóc, giấy má, rác rưởi và áo quần bẩn vắt vẻo trên tường. Phòng không có điện nên tối đen như nhà ngục. Mẩu nến ngắn ngủi nào đó tìm thấy trong hộc bàn. Phối đưa tôi chiếc hộp quẹt chỉ còn một que diêm, rồi hắn nằm dài với cả quần áo giày vớ trên giường, vẻ rã rời như một tên say rượu.

Hai ly cà phê với hai bao thuốc lá trong một đêm cũng đủ làm tôi cảm thấy đắng khô cuống họng, thân thể chán và lạt lẽo như một cốc nước lã. Tôi cố gắng thắp sáng ngọn nến. Mặc dầu ánh sáng bây giờ không còn cần thiết nhưng tôi rất thích nhìn đốm sáng nhỏ từ ngọn nến le lói cho đến khi mất biệt trong đêm tối. Cây quẹt diêm cuối cùng bùng lên ánh lửa, thật yếu ớt và chao động tưởng chừng như sẽ tắt đi vì ngọn gió ngoài trời thổi vào, nhưng ngọn lửa cũng len vào đầu ngọn nến. Ánh hồng ve vuốt ấm mặt. Tôi muốn tìm thấy một cái gương để nhìn khuôn mặt vô hồn của mình, nhưng không tìm thấy gì cả. Phối lè nhè đọc một đoạn thơ nào đó nghe loáng thoáng mơ hồ.

... ngọn nến hồng ai đã thắp khi nào không hay
thấp thoáng nụ cười em che tiếng khóc...

Tôi chửi thề:

- Mẹ mày, tao thắp chứ còn ai nữa.

Đêm nay đừng hòng đứa nào chịu treo mùng. Tôi nằm xuống, mắt nhìn vào ngọn nến, cho đến khi nến tắt, tôi nhìn ra ngoài khung trời đen. Trời không mưa.

Đêm nay đáng lẽ trời nên mưa một chút để chiều lòng những người lãng mạn, những chàng thi sĩ, những kẻ tình si đang lang thang ngoài đường, đôi mắt gởi cho một khung cửa nhỏ nào đó còn có ánh đèn. Tôi thích trời mưa biết bao. Dưới cơn mưa, thành phố sẽ đẹp lung linh như một cổ thành chìm trong sóng biển.

Nhưng trời không mưa gì hết. Trời khô khan như một phiến đá tảng.


tháng 8-68               
HOÀNG-NGỌC TUẤN     

(Trích từ tập truyện ngắn Hình Như Là Tình Yêu)