Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

SỢI TÓC - Thạch Lam

 

Anh Thành nhỏm dậy, nghiêng mình chống khuỷu tay xuống giường rồi bắt đầu nói với một giọng trầm và thong thả khiến người nghe hiểu được hết các ý tứ của câu chuyện: 
 
- Tôi có một người anh họ rất giầu và rất ngốc (có lẽ mình cho anh ta là ngốc, bởi vì hắn không xử sự như mình, không có những quan niệm về cuộc đời như mình; nhưng thật ra biết đâu cách ăn ở của anh ta lại không khôn ngoan hơn, bởi vì anh ta đã giầu và sung sướng?). Tên anh ta là Bân, Bân rất phục tôi, coi tôi là một người sành sỏi, thạo đời và nhất là thạo các ngón ăn chơi. Bởi vậy, động có việc gì, hoặc là muốn mua bán cái gì, anh ta đều không quên đến hỏi tôi trước.


Hôm ấy, Bân đến rủ tôi cùng đi mua một cái đồng hồ. Anh ta muốn mua hạng thật tốt, và nhờ tôi xem hộ. Hai chúng tôi đến hiệu Chabot ở phố Tràng Tiền. Đồng hồ ở hãng này thì không còn phải nói gì nữa: Thật là những đồng hồ các hiệu có tiếng, có bảo hành chắc chắn và cố nhiên là giá đắt. Tôi chọn cho hắn ta cái đồng hồ đeo tay hiệu Movado, xuống nước hay vùi cát cũng không hề gì. Chiếc đồng hồ trông rất đẹp. Tôi thấy anh ta mân mê cầm lên ngắm nghía, xem chừng cũng muốn mua lắm. Nhưng cái tính hà tiện của anh ta lại thắng cái thích, nên rồi lưỡng lự một lát, anh ta trả lại nhà hàng, kéo tôi đi ra và bảo:

- Đẹp thì đẹp thật, nhưng mà đắt quá, anh ạ. Thôi, chúng ta lại các hiệu khách mà mua thì hơn.

Tôi yên lặng gật đầu, và theo đi, cũng chả muốn nói gì. Trong bụng nghĩ anh chàng này thật là ngốc, có tiền mà không biết chơi đồng hồ tốt. Lại kiệt nữa. Không biết hắn để tiền làm cái gì?

Vào một hiệu ở Hàng Ngang, sau khi mặc cả ráo riết từng hào, anh ta bằng lòng mua một cái đồng hồ hiệu không mấy ai biết tiếng. Hắn có hỏi ý kiến tôi, song tôi cũng ừ hữ bảo dùng được cho xong chuyện, vì hắn có mua được thứ tốt hay không, bấy giờ tôi thực không thấy quan hệ mấy.

Lúc trả tiền, tôi thấy hắn giở ra một cái ví da lớn, phồng chặt. Hắn đếm giấy bạc thong thả và cẩn thận.

Thoáng nhìn qua, tôi cũng biết trong ví nhiều tiền lắm: ngoài số tiền bạc lẻ hắn mang ra trả, tôi còn thấy gấp ở ngăn trên đến năm, sáu cái giấy bạc một trăm nữa, những giấy bạc mới, màu còn tươi nguyên - "Quái, thằng cha này làm gì mà lắm tiền thế? Mình thì chả bao giờ có đến được một trăm bạc bỏ túi!"

Tôi nghĩ thầm và so sánh thế.

Mua xong đồng hồ. Bân rủ tôi đi ăn:

- Ta lên hiệu chén, rồi lát nữa làm một chầu chứ, - hắn vỗ vào túi - tôi có đủ tiền đây!

Chúng tôi vào hiệu. Bân ăn vui vẻ lắm, có lẽ hắn vừa ý vì cái đồng hồ mua rẻ. Tôi thì trong óc cứ vơ vẩn cái ý nghĩ sao một thằng ngốc như hắn - tôi thấy hắn càng ngốc - lại có lắm tiền thế, còn mình...

Tuy vậy, ý nghĩ cũng không làm tôi ăn mất ngon. Tôi tỏ mặt sành, gọi những thức ăn quý và đắt tiền, và hai chúng tôi uống rượu say sưa.

Cơm xong, Bân đưa tôi xuống Vạn Thái, vào nhà một người nhân tình của hắn. Hình như đã lâu không được đi hát, nên hắn có vẻ tha thiết và sung sướng đến đáng ghét. Về phần tôi, không thấy hứng lắm, - đi chơi với một anh có nhiều tiền mà mình lại khinh là ngốc, không có thú vị mấy - nhưng chẳng lẽ lại bỏ hắn nửa chừng. Tôi định bụng ở chơi qua quýt đến nửa đêm thì về.

Nhà hát, ngoài cô nhân tình của Bân, các con em khác trông cũng khá. Tôi nằm bên bàn đèn nói vài câu chuyện tầm phơ. Còn Bân, hắn không nghe hát hiếc gì cả. Ngồi nói chuyện với tôi một lát lấy lệ, rồi hắn cùng với cô nhân tình vào buồng trong đi nằm một chỗ. Hắn không quên - tính cẩn thận của anh kiệt! - đem cả cái áo tây trong có ví tiền vào chỗ nằm, vất trên thành đầu giường.

Một mình tôi ở ngoài đâm chán. Nằm một lát rồi tôi cũng đứng dậy sửa soạn ra về; Bân vẫn ở trong màn, nói vọng ra giữ lại:

- Anh hãy ở chơi đã, về làm gì vội. Ngày mai chủ nhật cơ mà.

- Thôi, tôi phải về. Sáng mai còn có việc.

Vừa nói tôi vừa với cái áo tây của tôi treo trên mắc. Bỗng nhiên có cái gì chuyển mạnh qua tim: tay tôi yên hẳn lại; tôi vừa mới nhận ra rằng cái áo tôi đương cầm không phải là áo của tôi. Thì ra lúc mang áo vào giường nằm, Bân đã mang nhầm áo. Hai chúng tôi cùng mặc thứ hàng len giống màu, như vậy dễ lẫn lắm. Tôi ghé nhìn vào phía trong áo thấy cái ví tiền ở túi thò ra ngoài một ít. Cái ví tiền... mấy tờ giấy bạc...

- Ở chơi đã anh. ở chơi sáng sớm mai về với tôi một thể.

- Ờ... ờ...

Tôi điềm nhiên treo cái áo vào chỗ cũ, quay ra. Mấy chị em cũng phụ họa vào lời mời của Bân, nài nỉ:

- Tội gì mà về bây giờ anh, khuya và lạnh chết.

Tôi chỉ thoáng nghe thấy, trong trí như còn bận sự gì. Bâng khuâng tôi lại gần giường; một chị nâng chén mời:

- Anh uống chén nước nóng. Rồi nằm xuống đây có hơn không?

- Ờ thì hẵng nằm một lát đã.

Tiếng Bân trong màn đưa ra:

- Phải đấy, đến mai hẵng về. Tôi bảo chị Lan phải làm thế nào giữ anh ấy lại thì làm...

- Không... thể nào tôi cũng phải về, anh ạ...

Những lời đối đáp ấy cứ tự nhiên buột miệng ra, tôi không để ý đến. Trước mắt tôi, mấy tờ giấy bạc một trăm gấp trong ngăn ví, hiện ra rất rõ rệt. Lấy mấy tờ, độ hai tờ - tại sao lại hai? Tôi không biết - thật dễ dàng quá. Tôi cứ việc điềm nhiên với lấy áo, mở ví rút ra hai tờ, rồi khoác áo ở trên vai, ra ý sắp sửa về. Rồi chọn lúc mọi người vô ý - mà dẫu có ý cũng không ai biết được - tôi đổi lấy áo của tôi vắt ở đầu giường Bân... Thế là xong, và gọn. Mai dậy Bân biết mất chắc chẳng bao giờ dám nghi ngờ cho tôi. Mà nghi ngờ thế nào được?

Tôi về từ đêm cơ mà! Vả lại cái áo đựng tiền hắn đã cẩn thận mang vào giường ngay từ chập tối, vậy nếu có người lấy, thì chỉ có người nhà cô đầu mà thôi. Mà người nhà thì cũng khó lòng đến đấy lấy được, họa chăng có ngay cô nằm với Bân. ừ, có lẽ Bân sẽ nghi cho nhân tình của hắn lấy... Chắc thế. Tôi mỉm cười: Bân sẽ không dám nói gì đâu; biết nhân tình lấy, hắn sẽ im lặng, sợ làm cho nhân tình xấu hổ, và sợ làm tai tiếng chủ nhà. Hắn vốn tính nhát, với lại hai trăm đối với hắn chắc chả là bao.

Tất cả những cách xếp đặt ấy diễn qua rất nhanh trong trí tôi. Chỉ một thoáng thôi, tôi đủ tưởng trước được các việc xảy ra như thế, êm thấm và yên lặng, và trôi chảy... dễ dàng quá, mà không còn sợ cái gì cả...

- Mời anh xơi thuốc.

Tôi giật mình đỡ lấy dọc tẩu. Cô Lan đã tiêm xong điếu thuốc từ bao giờ, quay dọc sang mời. Mắt cô nhìn tôi âu yếm. Tôi đưa mắt nhìn xuống, cầm lấy dọc hút. Điếu thuốc kêu vo vo, tiếng như ở đâu đưa lại. Qua làn khói trắng tỏa ra, tôi tưởng nhìn thấy tập giấy bạc một trăm, còn mới nguyên gấp trong ngăn ví. Hắn làm gì mà có lắm tiền thế? Lại mang để trong ví làm gì? Rõ anh chàng ngốc không biết dùng đồng tiền, tiền ở trong tay hắn cũng uổng. Ngộ có đứa lấy đi thì sao? Để thế có bữa mất thật...

- Anh nghĩ gì mà thần người ra thế? Say thuốc có phải không?

Lan để tay nhẹ nhàng lên người tôi, lẳng lơ đưa mắt hỏi. Tôi giả vờ cười không đáp, rồi xoay nằm ngửa, nhìn lên trần nhà. Trong người bứt rứt không yên... Lắng nghe thấy tiếng Bân thì thào và tiếng cười khúc khích của nhân tình hắn trong màn. Chiếc áo vắt ở đầu giường - chiếc áo của tôi - chắc vẫn còn y nguyên ở đấy.

Tôi tưởng tượng khi có hai trăm trong túi rồi, lên xe về điềm tĩnh đi nằm ngủ. Sớm mai mất tiền, thế nào hắn chả về qua nhà mình. Hắn gọi cửa vào, đánh thức mình dậy và bơ phờ bảo:

- Tôi mất hai trăm bạc tối hôm qua rồi, anh ạ...

Tôi thấy trước bộ mặt ngạc nhiên của tôi lúc bấy giờ - một vẻ mặt rất tự nhiên, - và tôi hỏi: "Chết chửa, mất bao giờ? ở đâu?" - Hắn sẽ thuật lại buổi tối hôm nay, lúc mang áo vào giường, đến lúc thấy mất: "Chỉ có con nhân tình tôi nó lấy thôi, anh ạ. Chả còn ai vào đấy nữa..."

- Thế giấy bạc của anh có biên số không?

Nếu hắn không biên số thì mình cứ việc tiêu tự nhiên! Vạn nhất hắn có biên số rồi, thì bảo hắn đi trình cẩm. Nhưng mình sẽ tiêu ngay hôm ấy... Một người như mình cầm tờ giấy trăm vào Gô Đa mua hàng, ai dám nghi ngờ?...

Tôi nhớ lúc ấy tuy vẫn nói chuyện với mấy cô em, tôi xếp đặt đâu vào đấy rất chu đáo, phòng ngừa đủ mọi việc xảy ra. Chỉ còn việc lấy, và đổi áo nữa là xong. Rất dễ.

- Ấy kìa, anh đi đâu đấy?

- Tôi đi về đây, mai có việc bận, không thể ở lại được.

Tôi đã nhổm dậy đến bên mắc, với áo, chiếc áo của Bân. Qua lần vải tôi thấy chiếc ví kềnh kệnh răn rắn. Khoác áo lên một bên vai, tôi đi lại trong nhà, bồn chồn nóng ruột. Một cô đầu lê guốc ra hé cửa, nhìn ra ngoài trời:

- Tối lắm. Phải vạ gì mà đi bây giờ anh ạ.

- Đâu xem nào...

Tôi cũng đến bên cửa nghiêng nhìn ra ngoài. Tay tôi đưa vào trong áo, luồn vào khe ví, sờ vào mấy tấm giấy bạc. Tôi rùng mình. Mấy ngón tay mân mê đầu tấm giấy, một cái, hai cái...

- Thôi, vào không gió, anh ạ. Vào nằm cho ấm...

Tôi bỏ tay ra - thong thả, không vội gì, - theo vào, cái áo vẫn đè trĩu trên vai. Tôi ngồi ghé xuống cạnh giường, cầm chén nước lên nhấp, rồi lại đặt xuống.

Tiếng Bân trong nhà cất lên:

- Ông ấy về rồi à?

Tôi đáp:

- Không, đã về đâu. Tí nữa.

Bân nói câu gì sau, tôi cũng không nghe thấy. Tâm hồn tôi lúc bấy giờ thế nào, tôi không biết rõ. Tôi đứng lên, ngồi xuống, như một cái máy. Tôi chỉ băn khoăn, bứt rứt, và thời giờ qua... tôi cảm thấy đi qua tâm hồn tôi từ bên này sang bên kia... như thế không biết trong bao nhiêu lâu... Tôi khẽ thở dài, đứng lên lần này thì nhất định.

- Về thôi. Không mai đi sớm lại nhọc chết.

Bân hỏi vọng ra:

- Ồ, anh về à? Mấy giờ rồi đấy nhỉ?

- Gần một giờ rồi. Anh cứ ở đây. Cả mấy cô này nữa, đi ngủ đi cho béo mắt. Bận sau tôi ở lâu nhé.

Tôi đưa tay vuốt mái tóc một cô sán đến gần, hai tay để lên vai tôi, mắt nhìn ra vẻ âu yếm. Hai cô khác ngồi yên trên giường, cũng đưa mắt nhìn tôi như chờ đợi.

- Thôi đi ngủ đi.

Tôi gạt tay cô ấy ra, gấp cái áo tây trên cánh tay, rồi đi vào phía giường Bân nằm. Tôi cúi xuống, tì vào thành giường - cố ý tì vào chỗ vắt cái áo - nhìn vào trong, qua màn.

- Anh ở lại nhé - tôi mỉm cười - tri kỷ hết đêm nay cho nó sướng...

Cô nhân tình khúc khích trong chăn. Và Bân ngửa đầu trông lên, tay với vào tấm màn:

- Mai nhé.

- Oui, à demain.

Nhưng tôi chưa quay ra. Tôi vẫn cứ tì mình trên thành giường, lưỡng lự, một lát bấy giờ sao lâu thế. Rồi, không biết tại sao, bỗng nhiên:

- Áo anh đây này, đây là áo của tôi.

Và nói thêm bằng tiếng Pháp:

- Anh đếm lại tiền đi. Và để cẩn thận vào trong ấy.

Bân nhỏm nửa người dậy, cầm lấy áo:

- Merci, được rồi.

Tôi bước một bước lùi ra. Thế là hết. Bây giờ thì không sao đụng đến ví được nữa. Tôi bần thần ngơ ngẩn, mặc lấy chiếc áo của tôi, và đội mũ... Vừa gài khuy, tôi vừa nói mấy câu bông đùa vô vị với cô ả đứng ở chân giường sắp tiễn tôi về. Tôi trùng trình uống nước và hút thuốc, muốn cái thời khắc này cứ kéo dài ra mãi.

Đến khi ngồi trên xe về qua những phố khuya vắng vẻ, tâm trí tôi mới dần bình tĩnh lại. Gió lạnh thổi mát trên vừng trán nóng, và cái cảm giác mát ấy khiến tôi dễ chịu. Tôi nghĩ lại đến những cử chỉ và dự định của tôi lúc nãy, thật vừa như một người khôn khéo lại như một người mất hồn. Tất cả những cái đó bây giờ xa quá. Tâm trí tôi giãn ra, như một cây tre uốn cong trở lại cái thẳng thắn lúc thường. Tôi cảm thấy một cái thú khoái lạc kỳ dị, khe khẽ và thầm lặng rung động trong người, có lẽ là cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ cái khoái lạc đã đè nén được sự cám dỗ. Và một mối tiếc ngấm ngầm, tôi không tự thú cho tôi biết và cũng cố ý không nghĩ đến, khiến cho cái cảm giác ấy của tâm hồn tôi thêm một vẻ rờn rợn và sâu sắc.

*

Sáng hôm sau tỉnh dậy ở nhà, tôi ngẩn ngơ nghĩ lại các việc tối hôm trước, y như trong một giấc mộng, chứ không phải việc đã xảy ra... Tôi ngạc nhiên tự hỏi sao mình hãy còn là người lương thiện, không phải là kẻ ăn cắp. Mà tôi thú thực rằng nếu bấy giờ tôi đã là kẻ ăn cắp, cái đó cũng không khiến tôi lấy làm ngạc nhiên hơn. Mà còn là người lương thiện, tôi tự thấy cũng chẳng có gì là đáng khen. Tôi nhớ rõ lúc đó không có một ý nghĩ nào về danh dự, về điều phải, điều trái ngăn cản tôi, và khiến tôi đi vào con đường ngay, như người ta vẫn nói. Không, không có một chút gì như thế. Cái gì đã giữ tôi lại? Tôi không biết... Có lẽ chỉ một lời nói không đâu, một cử chỉ nào đấy, về phía này hay phía kia, đã khiến tôi có ăn cắp hay không ăn cắp. Chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới của hai bên... Tôi có tiếc đã không lấy hay không, hay bằng lòng mình vì đã chống giữ lại cái ý xấu? Tôi cũng không tìm biết rõ hơn. Hình như ý nghĩ ham muốn hay trù trừ tối ấy không phải là của tôi, hình như của ai ấy, của một người nào khác lạ, khác với cái người thường của tôi bây giờ...

Chúng tôi đều yên lặng. Anh Thành nói xong, với cái điếu hút một hơi thuốc lào rất kêu. Rồi anh thở ra thong thả, mắt lờ mờ nhìn dõi theo làn khói đi. 

 

THẠCH LAM      


Nxb Đời nay, Hà Nội, 1942.

 

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

MỴ CHÂU - Nguyễn Nhược Pháp

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
Lẫy thần chàng đổi móng.
Lông ngỗng thiếp đưa đường.
                      NGUYỄN KHẮC HIẾU

I
 
Đêm hôm gió khóc thổi ru cành;
Núi bạc âm thầm, bể uốn xanh.
Hiu hắt Mỵ Châu nằm, giăng phủ.
Ầm ầm sóng thảm vỗ vờn quanh.
 
Cát vàng le lói muôn hàng châu:
Long lanh trai tuyết nhìn canh thâu.
Thương ai sao biếc thầm reo lệ.
Sương mờ bay tỏa bạc ngàn lau.
 
Chưn nàng hoa lả nhuốm màu sương.
Vừng giăng lạnh lẽo, chim kêu buồn,
Thân ngà tóc rủ vờn man mác,
Thiêm thiếp em chờ ai bên đường? 
 

II
 
Bơ vơ Trọng Thủy lạc rừng hoang,
Vời theo lông ngỗng rơi bên đàng ;
Đau lòng mắt nặng rùng đêm lạnh.
Thoảng tiếng giăng thưa chen lá vàng.

Lẫy thần trao móng, chàng đi xa.
Yêu nhau sao nỡ bạc nhau mà?
Chàng đi - cho bao giờ gặp gỡ! -
Phiên Ngung nước cũ, lệ chan hòa.

Nào lúc con thuyền sóng vỗ quanh,
Hiu hiu mây thoảng da giời xanh,
Xiêm bay theo gió, hồn vơ vẩn.
Gương biếc nàng xưa êm tô hình ;

Nào lúc chiều hôm vang lửa hồng,
Chim bay tan tác, giời mênh mông,
Lẹ gót hài tiên nàng yểu điệu,
Bên lầu tựa cửa cuốn rèm trông ;

Nào lúc đêm thanh mờ bóng giăng,
Nhìn mây nàng gợi tiếng dương cầm,
Tóc liễu đưa bay vờn má ngọc,
Lời ca thánh thót, chàng quên chăng?

Bơ vơ ngày cũ tưởng càng đau,
Tìm trông phương nào hỡi Mỵ Châu?
Lông ngỗng cầm tay nhòa ánh lệ,
Chàng đi man mác buồn, đêm thâu.
 

III
 
Thiêm thiếp ai bên đường, hỡi ôi!
Chàng ôm khóc nghẹn chẳng ra lời,
- Đầu non mây bạc êm đềm phủ,
Phơn phớt hồn em bay, ngậm cười...

                                                Janvier 1933
                                    NGUYỄN NHƯỢC PHÁP

(Trích từ tập thơ Ngày Xưa)

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

TƯỞNG NHỚ TRƯNG VƯƠNG

 


 

 

 

 


 

Tưởng nhớ ai xưa mãi đến giờ

Con dòng Lạc tướng luyện binh cơ

Thành Mê tuốt kiếm bêu đầu giặc

Sông Hát dồn quân hướng sắc cờ

 

Giao Chỉ ngọn triều lên cuồn cuộn

Phong Châu bóng liễu rủ lơ thơ

Đất Long Biên cũ, người đâu cũ

Cây cỏ bâng khuâng những đợi chờ ! . . .

 

                                                                   Ngân Giang

 

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

NGƯỜI BÀ CON TRONG KIẾP NÀO - Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh



1
 Em nhìn tôi, đôi mắt tròn quá tròn. Tôi cũng tròn mắt nhìn em. Hơi sững sờ một chút. Em nói :
 
– Thanh- san!?? Có phải chị là Thanh?
 
– Dạ phải. Cô là…?
 
– Tên tôi là Aika. Tôi làm ở phòng bên cạnh ạ.
 
– Lab ELISA?
 
– Phải.
 
Em cúi đầu thật thấp để chào tôi, rồi em đưa ra một xấp hình:
 
– Nhân viên tiếp tân đưa những tấm hình này cho tôi, vì anh ấy tưởng người trong hình là tôi, nhưng may quá, tôi biết chị làm bên lab này, nên nhận luôn giùm cho chị.
 
– Cám ơn Aika.
 
Tôi cầm xấp hình, nhìn mình trong hình rồi nhìn Aika. Cả hai chúng tôi cùng cười. Mấy người nhân viên trong phòng đến xin xem hình, và nói sao chúng tôi giống nhau quá!
 
Đó là kỷ niệm nhỏ mà tôi mang theo suốt những năm tháng sau này, khi tôi không còn gặp lại Aika nữa. Tôi vẫn không tin vào cái điều làm thế nào lại có một cô gái Nhật Bản có nét mặt giống tôi như vậy. Nhưng quả tình là ai cũng công nhận chúng tôi rất giống nhau, như hai chị em. Sau ngày đầu tiên gặp nhau ấy, Aika và tôi đã làm việc bên nhau trong cùng khoa thí nghiệm. Khi tôi từ giã Tokyo, thì em cũng chuyển về Sendai trong tỉnh Miyagi để làm việc ở một chi nhánh của Hồng Thập Tự Nhật Bản, và sau đó… không có cơ hội biết được tin tức gì của nhau. Thời đó chúng tôi chưa dùng email, mà gọi điện thoại thì lại là một điều không dám nghĩ tới, vì… quá đắt.
 
Và em là một trong những người bạn Nhật Bản mà tôi quen biết trong hai tháng sống tại đất nước này, năm 1994.
 
Là Nhật Bản năm 1994! Lần đầu tiên tôi được “xuất ngoại”, sau nhiều lần bị “sang đoạt” học bổng, cuối cùng tôi thi đậu và được đi, mà lại được đến xứ sở của hoa Anh Đào, của mặt trời mọc. Phải, tháng Năm thì không còn hoa Anh Đào nữa, nhưng bù lại tôi biết vì sao mà xứ sở này được gọi là xứ mặt trời mọc. Tôi rất ngạc nhiên khi buổi sáng chỉ mới hơn 4 giờ thì trời đã sáng chói chang. Không thể “ngủ nướng” thêm một chút nào, mà phải dậy đọc sách thôi. Nhìn qua các cửa sổ của tòa nhà cạnh bên khách sạn tôi trú ngụ, có lẽ là một công ty thương mại, nơi mà đến khuya lắc tôi vẫn thấy đèn sáng choang, người đi qua đi lại hồ như làm việc suốt đêm, rồi 4 giờ sáng vẫn có người đi qua đi lại. Một thành phố không ngủ! Bởi vì trời đất như cũng không ngủ.
 
Là Tokyo lịch sự, trang trọng. Thành phố sạch sẽ. Cái tân tiến đứng cạnh cái cổ kính. Building cao ngất xen lẫn với đền đài có tự lâu đời. Chỉ trừ lúc phải về khách sạn vào chiều tối, ở trong căn phòng mà khi đóng cửa lại thì chỉ còn nghe “tiếng của sự im lặng” o… o… đến nhức tai, còn những khi có thể được tôi vẫn thích đi ra ngoài, để tản bộ ngắm cảnh đường sá, để mua thức ăn, có khi chỉ để nghe tiếng kêu của những con quạ trú ngụ trên những ngọn cây. Vâng, Tokyo đặc biệt có rất nhiều quạ. Loài chim này không xa lạ với những cư dân ở khắp nơi trong thủ đô. Và chẳng bao lâu cũng không còn xa lạ với tôi.
 
Là những đường tàu metro, xe lửa. Tokyo luôn rầm rập tiếng của xe lửa. Xe chạy trên cao. Xe chạy dưới hầm. Cảm giác của tôi khi sống tại đây là: người dân, và cả những người không phải cư dân của Tokyo nhưng từ các thành phố khác vào làm việc, hết phân nửa di chuyển dưới lòng đất, nếu không, chắc là sẽ không nhích bước nổi.
 
Là người Tokyo. Vội vã nhưng không chen lấn. Bận rộn nhưng rất đúng giờ. Họ đi như chạy, nhưng không đụng vào ai. Lên xe bus, xe lửa, metro, họ đứng san sát vì xe lúc nào cũng đông nghẹt người, đa số là người từ các vùng khác vào thành phố để làm việc. Vì thường phải mất ít nhất một, hai tiếng đồng hồ trên xe nên họ rất thích nhắm mắt. Ngồi cũng nhắm mắt, đứng cũng nhắm mắt. Tôi thì banh mắt ra và nơm nớp lo sợ mình bị lố trạm thì lạc đường. Nhưng họ, những người “ngủ đứng ngủ ngồi” trên xe ấy, hầu như mở mắt rất đúng lúc, khi tiếng loa trên xe báo đúng tên cái trạm mà họ cần xuống. Họ không bao giờ bị lố. Cũng là người Tokyo, khi chiếc xe lửa hay metro dừng lại ở một trạm, người đứng gần cửa kéo nhau đi xuống dù đó chưa phải là nơi họ muốn xuống, để lấy chỗ trống cho những người dưới bến lên xe hết, rồi họ lại trở vào. Có người không hiểu, cho rằng bày ra như vậy không cần thiết. Nhưng lát nữa, khi họ xuống đúng trạm của họ, sẽ không có cảnh chen chúc xảy ra trên xe.
 
Người Nhật nói rất nhanh, nhưng họ vẫn có đủ thời gian để chào nhau lịch sự, đủ thời gian để cúi đầu thật thấp, không chỉ để chào, mà để tỏ sự tôn trọng người đối diện trong suốt cuộc chuyện trò.
 
Và đó là họ, người Tokyo, người Nhật. Và như thế, mọi việc diễn ra hàng ngày, thật bình thường, thật đẹp.
 
Là Masayuki, người hướng dẫn, người có nhiệm vụ “take care” tôi trong thời gian tôi ở Tokyo, đưa tôi đến nơi ở mới, vì khách sạn chỉ là nơi tôi tạm trú trong một tuần đầu, giá phòng rất đắt. Nơi ở mới, người ta gọi là “mansion”, nhưng không phải “lâu đài”, mà là loại khách sạn nơi đó người cư ngụ có thể tự nấu ăn, và phải tự dọn dẹp trong phạm vi căn phòng của mình. Giá cả cũng rẻ hơn một chút. Masayuki nói:
 
– Khi nào phải dọn đi nơi khác, khách phải dọn dẹp sạch sẽ rồi mới trả phòng. Lúc đó xin chị cứ gọi tôi đến dọn dẹp giúp nhé!
 
Tôi hoảng hồn nói ngay:
 
– Không, không, sao lại thế? Cám ơn anh , tôi làm được ạ! Cám ơn anh!
 
Masayuki rất dễ mến, nhưng hút thuốc quá nhiều. Anh nói không bỏ thuốc lá nổi. Mà người Nhật cũng hút thuốc dữ lắm. Ở những máy tự động bán snack, tôi thường thấy nam, nữ, người già, thanh niên dừng lại mua thuốc lá. Tôi ở Việt Nam đã quen với cảnh người ta hút thuốc, nhưng nhìn người Nhật hút thuốc tôi có chút ngỡ ngàng. Cho đến hiện tại, tôi được biết tỷ lệ hút thuốc của người Nhật là 37% ở nam giới và 9% ở nữ giới, đã giảm rất nhiều so với ngày đó, nhưng Nhật Bản vẫn đứng trong số các nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất trong thế giới công nghiệp hóa.
 
Gần bước qua tuổi bốn mươi nhưng Masayuki chưa lập gia đình. Anh nói:
 
– Trước khi làm công việc này tôi đã ở Nepal và đi làm việc tại một làng nhỏ ở chân núi Himalaya. Chắc rồi tôi sẽ trở về đó để theo chân các vị sư, họa may mới bỏ được thuốc lá.
 
Tôi cười theo anh. Nhưng tôi không chắc là các vị sư ở đó có bị cấm hút thuốc lá hay không. Trong một cử chỉ tin cậy, Masayuki cho tôi xem hình của mẹ anh:
 
– Đây là mẹ tôi. Bà cụ đang sống trong viện dưỡng lão, với nhiều chứng bệnh chưa cần thiết cho một người ngoài tuổi sáu mươi. Những di chứng hậu quả của bom nguyên tử năm 1945 đấy! Nhưng bà vẫn còn sống. Ba tôi thì đã qua đời. Còn tôi thì thích lang thang.
 
Masayuki mỉm cười nhưng trông thật buồn. Tôi nghĩ nếu không phải đang ngồi trước mặt tôi, chắc chắn là anh sẽ châm một điếu thuốc. Tôi cũng mỉm cười, bất chợt lòng se lại khi nhớ đến những câu chuyện cha mẹ tôi thường kể về khoảng thời gian năm 1945, khi cha mẹ tôi mới cưới nhau chưa có con cái, khi nạn đói xảy ra tại Việt Nam làm cả triệu người chết, khi những người thuộc thế hệ cha ông của Masayuki đến đất nước của tôi bằng những bước chân chinh phục…
 
Người anh em, người bà con đang “take care” tôi trong thời gian tôi tu nghiệp tại Nhật, với tuổi đời khá đủ để hiểu đôi điều về lịch sử, cũng như tôi, chắc cũng đăm chiêu với ý nghĩ về những cuộc thăng trầm, dù lúc đó chúng tôi còn ở tận đâu đâu.
 
Chúng tôi cùng im lặng.
 
2
 
Là những người dễ thương của khoa xét nghiệm. Từ người trưởng phòng và cũng là người nhiều tuổi nhất trong khoa cho đến các nhân viên trẻ măng. Họ thật nhiệt tình và dễ mến. Ai cũng gọi ông trưởng phòng là “sensei” (thầy). Vậy mà chỉ trong ngày đầu tiên nhận tôi vào làm việc, ông đã hỏi tôi ngay:
 
– Thanh- san! (san là ông, bà, cô, anh, chị…, người Nhật hay gọi như vậy giống như người Việt thường đặt ông, bà, cô, anh, chị… trước cái tên). Chị có dạy học trò không?
 
– Dạ có, thưa sensei! Tôi không có danh hiệu giáo sư, tiến sĩ chi cả. Nhưng tôi có học trò, tôi có giảng bài ạ!
 
Ông nói ngay:
 
– Như vậy chị đã là sensei. Chúng tôi tôn trọng những người đứng lớp, truyền bá kiến thức cho người khác.
 
– Cám ơn sensei!
 
Tôi chạnh nhớ đến câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” của người mình.
 
Nhưng ông không nói giỏi tiếng Anh. Tôi lại không rành tiếng Nhật, mà cũng không bị bắt buộc phải học tiếng Nhật, vì tôi chỉ tu nghiệp 2 tháng với học bổng của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), có thể sử dụng tiếng Anh để làm việc. Vì vậy tôi luôn có người thông dịch trong sở nếu gặp người không thể nói tiếng Anh. Tôi rất khâm phục nền khoa học của nước Nhật vì họ tự lực cánh sinh rất nhiều, sách vở tài liệu toàn chữ Nhật, máy computer dùng toàn chữ Nhật, cần thiết lắm thì họ mới in tài liệu tiếng Anh dành cho khách ngoại quốc. Tôi rất may mắn có đầy đủ trong tay những văn bản tiếng Anh. Nhưng có một điều đáng nể nữa, là họ không chấp nhất bắt phải dịch tất cả ra chữ Nhật đối với những từ ngữ chuyên môn, cho nên tôi dễ dàng tìm thấy nguyên ngữ tiếng Anh như “antibiotics, vitamin, antigen, antibody v.v…” trong tài liệu tiếng Nhật của họ. Hai đặc điểm hầu như có vẻ mâu thuẫn này là câu trả lời cho thắc mắc tại sao đất nước Nhật Bản có thể tiến rất nhanh và rất xa sau khi hai quả bom nguyên tử trút xuống vào năm 1945 như vậy.
 
Là những con người cần cù trong các lab của khoa xét nghiệm về các bệnh lây truyền qua máu. Tôi ngạc nhiên nhưng cũng tự trả lời được vì sao một đất nước robot- hóa như Nhật Bản mà trong phòng thí nghiệm vẫn còn dùng những bộ “agitator” thủ công. Tôi, ngoài những lúc dùng micropipet tự động, còn phải tập “xoe” bộ “đồ nghề” dùng để pha loãng này, và mến phục những cô kỹ thuật viên khéo léo, thoăn thoắt bàn tay như thể đang múa những chiếc kim đan.
 
Là Trung tâm Truyền Máu Trung ương của Hội Hồng Thập Tự Nhật Bản, một cái tên rất dài, Japanese Red Cross Central Blood Center, nơi tôi đến học và làm việc. Là những chi nhánh Hồng Thập Tự ở lân cận thủ đô. Tôi cảm thấy mình nên làm một cái gì cho những nơi tiếp nhận mình, cho người Nhật, vì vậy tôi xin được hiến máu.
 
Ôi! Tôi không được như ý! Vì khi bước lên chiếc cân, tôi không đủ 40 ký lô! Một cô kỹ thuật viên chuyên lấy máu an ủi tôi:
 
– Nguyên tắc của chúng tôi là không lấy máu của người dưới 40 ký lô, xin chị đừng buồn. Chị còn nhiều cách để giúp chúng tôi mà!
 
Tôi đành phải dẹp ý tưởng hiến máu.
 
Những người đi hiến máu cho Hội Hồng Thập Tự nhận một cái móc khóa lưu niệm của Hội, thế thôi, và tươi cười ra về.
 
Tôi thấy mình còn nợ đất nước này một cái gì…
 
3
 
Là thầy tôi bên N.H.I., Viện Sức khỏe Quốc gia tại Tokyo. Tôi lại chuyển qua một “mansion” khác, để gần với N.I.H. cho đỡ mất thời gian đi và về. Nói là “gần” nhưng tổng cộng thời gian đi bus và metro rồi đi bộ thêm một khúc đường nữa cũng hơn cả tiếng đồng hồ. Tôi học được thói quen lên xe thì nhắm mắt lại, sau khi đã yên tâm là mình không sợ lạc nữa. Tôi học cách đi thật nhanh mà không mệt. Nhưng nói nhanh như người Nhật thì không. Mấy bạn Nhật hỏi tại sao người Việt Nam nói hơi chậm, tôi có dịp giải thích cho bạn là tuy có nói nhanh cách mấy cũng không thể nhanh quá, vì tiếng nước tôi là tiếng “đơn âm” (monosyllable), không phải “đa âm” (polysyllable) như tiếng Nhật hay tiếng Anh, tiếng Pháp… Các bạn thấy thú vị lắm. Các bạn cũng nể phục khi nhìn thấy chữ Việt, loại chữ dùng mẫu tự La-tinh. Tôi lại có cơ hội để nói một hơi về công lao của những vị học giả đã có công xây dựng loại chữ viết dễ học này, một sản phẩm có một không hai của Á châu.
 
Thầy dạy về HIV của tôi là một nữ giáo sư. Bà rất tận tụy, lại rất dịu dàng nên thầy trò tôi rất hợp nhau. Chính vì nể trọng bà quá nên khi bà đưa tôi đi ăn món “cá sống” và những loại hải sản sống khác, tôi phải luôn miệng khen ngon vì biết họ chỉ đãi khách quý những món ăn sống đó. Còn ở sở làm việc thì tôi vẫn thường ăn các món ăn nấu chín như thức ăn của người mình thôi. Ôi! Tôi còn nhớ cảm giác khi cho những thức ăn sống vào miệng, trợn mắt nuốt, miệng tươi cười, không dám tỏ vẻ gì làm thầy buồn. Tôi tự nhủ: “Ráng lên! Chỉ có vài dịp thôi mà!”
 
Thầy tôi đưa tôi đi Tokushima, nằm trên đảo Shikoku, rồi giao tôi cho những người ở đó “chăm lo” cho tôi trong thời gian tôi học tại một công ty dược phẩm tư nhân, công ty Otsuka. Đêm đầu tiên ở Tokushima, tôi về phòng, viết thư cho Ba tôi:
 
“Ba ơi, khi con nhìn thấy cây cầu treo Naruto hùng vĩ nối đất liền với hòn đảo nơi đây, một cây cầu dài, cao và diễm lệ, con không ngăn được nước mắt Ba ạ! Vì thấy cây cầu này con lại nghĩ đến những cây cầu xiêu vẹo và không an toàn ở xứ sở mình. Người ta xây dựng bao nhiêu nhà cao cửa rộng ở thành thị nhưng không bao giờ xây nổi một cây cầu xi măng cho dân ở thôn quê, để tồn tại biết bao nhiêu cầu tre lắc lẻo, thậm chí những cây cầu khỉ, những cây cầu bằng thân cây dừa trơn trợt…”
 
Khi đến nơi đây tôi lại làm quen với một chỗ ở mới. Là một “dorm” dành cho nhân viên và học viên của công ty Otsuka. Bây giờ thì không phải là khách sạn mà cũng không là “mansion”. Phòng ngủ rất đẹp, nơi giặt giũ cũng rộng rãi. Quần áo sáng chỉ cần giặt rồi cho qua máy sấy, chiều về đã thấy quần áo khô ráo để trên mặt máy sấy rồi, người khác đã đến dùng máy và thu xếp giùm cho mình mà không bao giờ sợ mất. Nấu ăn thì không lo vì tôi đã có thể ăn trong cafeteria của sở. Nhưng còn một phần “nguy hiểm” đối với tôi: đi tắm. Ồ! Đi tắm thì có gì mà nói? Nơi ở đã tuyệt vời thế kia thì tắm táp đâu có thành vấn đề! Nhưng không, với tôi, là cả một vấn đề. Vì tôi không tìm đâu ra một phòng tắm riêng. Các vị phụ nữ tắm chung trong một phòng tắm khổng lồ, với những vòi sen gắn dọc theo các bức tường, và rồi cùng xuống vẫy vùng trong một cái hồ thật lớn, Trời ạ!!!
 
Tôi không dám thổ lộ với ai về “nỗi đau khổ” này. Nhưng thầy tôi rất tinh ý, bà hỏi tôi có phải khó khăn lắm không, vì bà biết người Việt Nam không có tập quán đó. Tôi đành công nhận điều khó nói này. Thầy bảo sẽ nhờ công ty thu xếp cho tôi một chỗ ở khách sạn, nhưng tôi không chịu, tôi hứa sẽ “xoay sở” được. Thầy quay lưng đi, tôi lại đau khổ tiếp. Tôi không thể nào làm như họ được. Tôi vốn tính mắc cỡ mà! Làm sao đây? Trời thương xót tôi, tôi đã tìm ra, ngay trong phòng tắm khổng lồ ấy, một góc nhỏ có một tấm màn kéo lại, trong góc ấy có hẳn một vòi sen. Tôi thật như được cứu sống, sung sướng với cái “giang sơn” riêng biệt của mình.
 
Sau này, khi một người bạn mời tôi về nhà của chị ở chơi một ngày, tôi cũng có dịp thấy cái hồ tắm chung của gia đình người Nhật, vợ chồng con cái cùng tắm chung trong đó.
 
Là những em bé Nhật Bản má phinh phính hồng hồng, vô tư hồn nhiên thụ hưởng tất cả những gì mà cuộc sống ở đất nước thanh bình phồn thịnh này mang lại cho các em. Người còn sức trẻ thì miệt mài học hành, làm việc, chạy đua với cái đồng hồ. Nhưng tôi đã thấy, trên vầng trán và ánh mắt của những người già, chưa phai dư ảnh của những nhọc nhằn trong quá khứ. Bà cụ mẹ của người bạn tôi, khi theo chúng tôi đi chơi, dừng lại trước những tấm bảng trưng bày cảnh hoang tàn của Hiroshima và Nagasaki sau cuộc thả bom nguyên tử năm 1945, lặng lẽ lau nước mắt. Rồi như nuốt vội nỗi buồn vào trong, bà lẩm nhẩm hát một bản cổ nhạc. Vậy rồi cũng có một lúc bà kể hết cho tôi nghe thời thơ ấu của bà, khi chiến tranh xảy ra bà là cô bé lên mười, gia đình ở Hiroshima tan nát chia lìa, bà theo người bà con chạy qua Tokushima từ đó.
 
Là Tokushima, thanh bình, êm ả. Không vội vã như nếp sống ở Tokyo. Mọi người đi xe hơi riêng. Ít thấy người đi san sát, ít nghe tiếng xe cộ rập rình. Ngày nghỉ, mọi người đi cable lên vãn cảnh chùa trên núi cao đầy những cây cedar, hoặc đi tàu lớn ra thưởng thức whirlpools ở Naruto, hưởng hết cái cảm giác khi con tàu dừng lại ở một chỗ không chạy được mà cuốn tròn trong một xoáy nước. Ngoài nơi làm hàng mỹ nghệ với vải nhuộm Indigo độc đáo, còn một nơi nữa, nơi đã cho tôi cảm nghĩ về tính ưa chuộng hàng thủ công của người Nhật. Tất cả những gì được làm thủ công, “hand-made”, người Nhật rất quý. Đó là một nhà máy làm đường bằng phương pháp thủ công, nhưng cơ ngơi thì như một nhà máy tối tân vậy. Ở xứ mình, mọi người vẫn coi đường chỉ đơn giản là một loại thức ăn, một thứ gia vị, không có gì đặc biệt. Tôi dù sao cũng vẫn không quên những ngày tháng sau 30 tháng tư 1975, có những khi thèm ăn ngọt khủng khiếp, phần vì do mọi thứ đều khan hiếm, phần thì do thiếu ăn nên cơ thể lúc nào cũng thèm ngọt. Đường lúc đó là “nhu yếu phẩm”, thậm chí là “xa xí phẩm”. Đêm nào tôi cũng phải nấu một lon “ghi gô” chè để ăn thì mới thấy không tội lỗi với chính mình! Nhưng rồi, mọi người cũng dễ dàng quên đi cái thức ăn, cái gia vị đã một thời là nỗi ao ước. Thế mà, tôi không thể ngờ, khi tôi mua một hộp kẹo đường từ nhà máy làm đường ở Tokushima, giá rất đắt, về tặng các bạn ở công ty Otsuka, mọi người xúm lại, hân hoan thấy rõ. Mỗi người nâng niu một chiếc kẹo đường trong bàn tay, ngắm nghía, rồi từ từ bóc lớp giấy đẹp đẽ bọc ngoài, vừa thưởng thức vừa trầm trồ như thể những viên kẹo đường kia là cao lương mỹ vị. Sau này tôi mới nghiền ngẫm ra được rằng người Nhật Bản thích ăn đường không chỉ vì ái mộ hàng thủ công, lại càng không phải vì thiếu thốn…
 
Tôi trở lại Tokyo sau khi đã học xong về R.I.A., kỹ thuật miễn dịch phóng xạ. Cũng đã làm quen với cảnh “đếm” độ phóng xạ với một thiết bị nhỏ như cây bút mang trong túi áo mỗi khi đi vào phòng thí nghiệm. Trên đường về tôi còn được ghé cố đô Kyoto để dự lễ hội Gion nhân một ngàn hai trăm năm xây dựng cố đô, được hòa cùng dòng người cuồn cuộn chìm ngập trong rừng xe hoa trang trọng, được thấy những đền đài cổ kính và phố sá nhộn nhịp, được vào trú ngụ trong khách sạn “Ba chị em” (Three sisters’ Inn) hoàn toàn phong cách Nhật.
 
Ngày tôi rời Tokyo, vẫn là Masayuki đưa tôi ra phi trường. Không đơn giản xem anh như người có nhiệm vụ hướng dẫn đường đi nước bước cho mình, tôi xem anh như một người bà con, có duyên tôi đã gặp.
 
– Thanh- san! Hẹn gặp lại chị. Sayonara!
 
– Masayuki- san! Tạm biệt. Bao giờ anh qua Nepal, nhớ cho tôi biết.
 
– Vâng.
 
– Bao giờ anh bỏ thuốc lá được, cũng nhớ cho tôi biết.
 
– Chắc chắn.
 
Ôi! Tôi không thể nào quên được đất nước này. Trong nhiều năm sau nữa, tôi vẫn thấy như mình còn nợ nơi đó một cái gì. Bởi tôi còn nhớ, nhiều lúc đang đi trên đường phố tại Nhật Bản, tôi nghe một tràng tiếng Nhật, mà thật đáng tội là tôi đâu có hiểu tiếng Nhật nhiều, tôi phải trả lời bằng tiếng Anh rằng tôi không phải là người Nhật. Nếu may người kia hiểu tiếng Anh, họ sẽ bảo rằng tôi trông giống người Nhật lắm. Ai cũng nói như vậy cả. Tôi đã là người Nhật trong một kiếp nào chăng?
 
4
 
Trong nhiều năm sau nữa, một ngày kia tôi tình cờ xem một DVD phim hoạt họa “Grave Of The Fireflies”, tôi đã khóc ròng khi trông cảnh hai anh em mồ côi sống trong những ngày tháng cuối cùng của Thế chiến thứ Hai ở đất nước Nhật Bản, lúc thành phố Kobe đang bị quân đội Đồng Minh dội bom. Là Seita và Setsuko. Đứa anh và đứa em gái. Áo quần tả tơi, đói khát, lang thang trong những hầm trú bom, hai anh em sống lây lất nhờ những thức ăn thừa. Gia tài còn lại cuối cùng của chúng là một cái lon đựng kẹo, loại kẹo đường có mùi trái cây, kẹo Sakuma, và chúng đã bắt những con đom đóm bỏ vào đầy cái lon không. Ngọn đèn đom đóm ấy có thể chiếu sáng căn hầm mà hai anh em trú ngụ. Nhưng qua hôm sau cô bé Setsuko hoảng sợ khi thấy những con đom đóm đều chết hết. Cô bé đào một cái huỵêt để chôn bầy đom đóm ấy. Và khi không còn thứ gì để ăn, anh Seita phải đi ăn trộm hoa màu ở những nhà của nông dân gần đó và ăn trộm cả đường nữa. Nhưng cuối cùng, ngay thời điểm Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, em Setsuko chết vì suy dinh dưỡng trầm trọng. Trong cơn hấp hối, em mút những viên bi đủ màu mà ngỡ đó là những viên kẹo trái cây. Em đưa cho anh những “nắm cơm” mà thật ra chỉ làm bằng đá. Em chết mà chưa kịp ăn bữa cơm do anh nấu vội. Một người nông dân cho anh vật liệu để anh thiêu xác em. Anh đặt một ít tro tàn của em vào chiếc lon kẹo trái cây và mang theo bên mình, cho đến khi anh cũng chết vì đói lạnh tại một nhà ga xe lửa. Chỉ có một chút vui ở cuối phim, là cảnh hai anh em họ, đúng ra là hai linh hồn, không còn rách rưới, không còn đói khát, ngồi bên nhau trên thiên đường và nhìn xuống quang cảnh một thành phố Kobe tráng lệ thời hiện đại.
 
Ôi! Người Nhật không bao giờ quên quá khứ, cho nên họ nâng niu trân trọng những viên kẹo đường.
 
5
 
Bây giờ đây, khi nước Nhật đang trải qua một tai họa khủng khiếp gồm cả động đất, sóng thần và hạt nhân, tôi nghe trái tim tôi đau đớn như đứng trước nỗi bất hạnh của người thân. Vâng, tôi yêu đất nước mặt trời mọc đó, đất nước của những con người siêng năng và giàu lòng tự trọng. Là đất nước chứa chan những bài hát hòa bình vì đã từng trải qua đau thương từ chiến tranh. Là đất nước hứng chịu thiên tai triền miên. Thật xót xa khi nghe một nhà khoa học đã nói: “Trái đất của chúng ta chịu một áp lực khủng khiếp từ trong lòng đất, nó phải bung ra ở một nơi nào đó. Và… nó đã bung ra tại Nhật Bản. Khi Nhật Bản gánh chịu đại nạn này, phần còn lại của thế giới đã được an toàn hơn!!!”
 
Tôi vẫn thấy mình còn nợ đất nước đó một cái gì! Một món nợ tình cảm thật thiêng liêng. Và cả thế giới cũng có món nợ đó. Thế giới đã học được ở người dân Nhật Bản tính can cường chống chọi với khó khăn trong tai họa, sự chịu đựng nghịch cảnh và tinh thần thượng tôn luật pháp. Trên cả những điều đó, là tấm lòng nhân ái, hy sinh. Họ nuốt nỗi đau của riêng mình vào tận trong sâu thẳm của tâm hồn để an ủi người khác, để cùng đối diện với hậu quả tang thương. Và nếu cần, họ cũng sẽ can đảm hy sinh để cho người khác được sống an toàn.
 
Trong những lúc dán mắt lên màn hình TV tìm kiếm, tôi như đã bắt gặp vô số những em gái Aika, em gái hao hao giống tôi như người chị em của kiếp nào. Em đang bước trên đống đổ nát, tìm kiếm người thân, tìm kiếm những vật dụng hay đồ kỷ niệm của gia đình. Đôi mắt em tròn quá tròn! Tôi cũng đã bắt gặp nhiều lắm, những Masayuki đang ra sức dọn dẹp những mảnh vỡ nhà cửa, những bùn đất di tích của làn sóng dữ để lại. Anh không phải đi Nepal. Nơi mảnh đất của tổ tiên anh, anh đã đắc đạo.
 
Cô giáo Taylor Anderson, cư dân của Virginia Hoa Kỳ, đến Nhật Bản dạy Anh văn trong ba năm tại các trường tiểu học của thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất ở phía đông bắc Nhật Bản. Người ta nhìn thấy cô Taylor lần cuối ngay sau khi động đất ngày 11 tháng 3 năm 2011 xảy ra, cô đã nán lại để giao hết học sinh vào tay cha mẹ các em rồi mới yên tâm lên xe đạp chạy đi. Cô đã hy sinh trong trận sóng thần. Còn bao nhiêu người nữa đã đến Nhật Bản đóng góp và sẻ chia. Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ và những cơ quan từ thiện khác cũng sẽ làm nhiệm vụ nhân đạo, giúp đỡ cho người Nhật Bản. Dưới mái nhà chung, trên nền đất chung là trái đất này, số phận chúng ta gắn liền với nhau như trong một vòng tròn sinh tử. Nếu tin là con người có nhiều “kiếp”, tôi sẽ tưởng tượng trong một kiếp nào đó có thể tôi đã từng mang thân phận một người phụ nữ chưa hề được nhìn thấy trọn vẹn ánh ban mai vì từ đầu đến chân bị che kín, chưa hề được bước chân đến trường hay vào rạp hát. Cũng có thể ở một kiếp nào tôi sẽ là em bé Phi châu lem luốc sống trong một bộ tộc ít ai biết tới, ngày ngày chơi đùa với bầy thú trên sa mạc. Một kiếp nào nữa tôi và em Aika sẽ là hai chị em ruột trong một mái gia đình. Tôi cầu nguyện cho linh hồn của những người bị sóng thần cuốn trôi ra biển một ngày nào đó sẽ trở lại làm người dân sống trên mảnh đất xinh đẹp của họ, nhìn thấy một đất nước Nhật Bản rực rỡ tốt đẹp và an lành hơn nhiều. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho một Nhật Bản luôn luôn mạnh mẽ, và cho tất cả những người trên thế giới này được có một trái đất bình yên.
 
 
 
CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH   
 
 

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

VỜI VỢI - Tôn Nữ Thu Dung

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 (tặng C.T)
 
Nắng dẫy chết trong hồn
Ru một đời bỡ ngỡ
Ơi em mây vừa tan
Buồn như lần gặp gỡ

Thôi thì quên đi hết
Kỷ niệm nồng trái tim
Bao giờ mưa về đến
Thì tình im tiếng chim

Em về đi đường nhỏ
Có những gì mang theo
Hay u buồn một kiếp
Mây ngang đèo cheo leo

Thôi thì tôi giữ lấy
nụ cười em rất hồng
và mắt nhìn vội vã
mơ màng trong hư không

Thôi thì tôi giữ lấy
con đường xưa cỏ hồng
dáng em về trong gió
êm đềm như tơ nhung

Giã từ con phố nhỏ
ai có lần ngang qua
nhắn rằng mưa đã tạnh
(những cơn mưa đầu mùa)

                   TÔN NỮ THU DUNG

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 43, tuần lễ từ 23-3 đến 30-3-1972)

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

LÊNH ĐÊNH - Yên Nhiên

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đêm tới chiều hôm giã biệt rồi
Giữa trời mây nước thả buồn thôi
Âm thầm ráng đỏ dần chìm lặng
Lờ lững thuyền nan vẫn nổi trôi
 
Bờ bến vời trông xa ngút mắt
Gió luồn khoang lạnh tím bầm môi
Mái chèo buông nhẹ lòng thanh thản
Còn một mình ta bó gối ngồi

                                            Yên Nhiên
 

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

Ở LẠI - Duy Nguyên

 

Tôi đứng dậy trong tiếng động ngoài phòng khách. Tiếng dép đi từ phòng anh Huy ra. Trời lạnh, vùi đầu vào trong chăn tôi vẫn phân biệt được hai tiếng chân khác nhau. Tiếng kéo cửa vặn quả đấm thật lâu, tiếng chân kéo lười biếng trên nền gạch chắc chắn không phải là anh Huy của tôi. Anh Huy thì lúc nào cũng vội vã, nói tiếng này đuổi tiếng kia. Cái tiếng dép kéo lê trên gạch hoa giúp tôi hình dung ra bước chân buồn bã, lười biếng. Cũng như cái tính gàn gàn của anh, bạn anh Huy. Tách. Tiếng bật điện và qua khe cửa tôi thấy ánh sáng tràn ngập ngoài phòng khách. Rồi hai người sẽ rút thuốc hút, nhả những vòng khói tròn lên trần nhà. Tự dưng tôi bỗng thích những khói tròn đó. Chúng quấn quít lấy nhau bay lên thật cao rồi tan loãng. Rồi hai người sẽ pha cà phê. Cà phê đen, thật ít đường. Hai tách cà phê, ngồi uống trọn buổi sáng. Tôi không tài nào hiểu được mấy ông con trai, dùng cà phê đen, đắng như thuốc bắc. Nó bí hiểm như những chất kỳ lạ làm thuốc bắc. Nó bí mật như anh, như anh Huy và như tất cả những người con trai hôm nay.

Tôi không biết bây giờ là mấy giờ. Vừa nghe tiếng chuông đồng hồ đánh lên một bản nhạc nửa giờ. 4 giờ rưỡi hay 5 giờ rưỡi? Cái cửa sổ lúc tối tôi khép sơ một cánh, nhìn ra vẫn tràn ngập bóng tối. Không thấy giàn hoa giấy, không thấy chậu lan của anh tặng. Thoang thoảng mùi hương bay vào. Mùi hương của đủ loại hoa ngoài vườn và trộn lẫn mùi lá cỏ, sương đêm. Tôi thích hoa ngọc lan, mê mùi hương dịu dàng của hoa. Mỗi ngày tôi đều để trong phòng tôi một dĩa hoa. Và tôi ngủ trong hương thơm êm ả đó. Anh Nghĩa bảo chắc tôi định tự tử bằng hoa hay sao. Và anh mở ra một cánh cửa sổ, trong đêm thứ hai anh ở nhà tôi. Ở trong phòng tôi với anh Huy tán dóc. Ở trong thành phố buồn bã của tôi. Vâng, tôi muốn nói của tôi bởi vì tôi mến yêu thành phố này lạ lùng. Ở đây, đời sống của tôi bình thản, ở đây tâm hồn tôi mênh mang, êm ả như những loài hoa. Đời sống như một giòng sông hiền hòa.

Căn phòng của tôi cũng như tôi, cũng như thành phố đang sống. Phẳng lặng và êm đềm. Chừng ấy tiếng động. Bấy nhiêu thay đổi giới hạn. Sạch sẽ và khuôn mẫu. Từ bao nhiêu năm nay rồi. Từ thuở má tôi, dì tôi. Cái giường lên nước bóng, kê sát cửa sổ. Thường tôi ngủ quay đầu vào trong, ít khi dám nhìn ra cửa sổ. Tôi thích những đêm sáng trăng, nhưng trăng thường làm tôi mất ngủ. Một mình tôi một giường. Rộng rãi, riêng tây. Năm nay tôi gần mười bảy tuổi, đầu tôi và chân tôi chạm vừa vặn hai thành giường. Trong nhà tôi, so với con gái có lẽ tôi là người cao nhất. Tôi nhớ hôm kia anh Nghĩa nói anh thích những người con gái tóc dài, có dáng thon thon. Như tôi vậy đó. Tôi lắc đầu cười, tôi mà được như vậy à, tôi gầy như con mắm chứ thon gì, tôi đen như con lọ lem vậy. Anh Nghĩa cười nói tôi xạo hoài. Phía bên trái cửa sổ có treo một cái gương. Chung quanh viền chạm trổ thật đẹp, gương hình bầu dục. Nhưng tiếc là nhìn vào mờ mờ như xem phim thời hát bóng câm. Anh Huy bảo cái gương đó chắc của bà ngoại ngày xưa dùng. Tôi cười khi nhớ rằng ngoại tôi đã già, đã hơn tám mươi. Vậy mà tôi quí cái gương đó, nó treo trên bức tường màu ngà cũ, giống như cái gương của công chúa soi lúc nàng vừa lớn. Tôi cũng có cái gương tròn của nhỏ bạn tinh nghịch tặng năm tôi vừa 16 tuổi.

Cái bàn học của tôi cũng rất xưa. Mặt bàn chạm trổ xà cừ. Tuy nhiên hãy còn chắc lắm. Ghế cùng loại với bàn. Phòng có 2 cái ghế. Một của tôi học bài, một để không. Tôi nhớ ngoài những người thân trong gia đình, anh Nghĩa là người đầu tiên ngồi trên chiếc ghế đó.

Trong phòng tôi còn có một tủ nhỏ đựng quần áo, vài bức tranh phong cảnh xưa. Tất cả những thứ đó, này bàn, ghế, này giường, gương, tủ đã là những hình ảnh quen thuộc trong đời sống ổn định của tôi. Cái khung cửa sổ nhìn ra giàn hoa giấy, gốc ngọc lan nay lạ với tầm mắt tôi vì có một chậu lan treo lủng lẳng của anh Nghĩa mang về từ Đà Lạt. Đời sống của tôi cũng có những tiếng động quen thuộc, trong phòng, trong nhà ngoài giờ đi học. Một số tiếng động quen thuộc. Tiếng hàng bánh cuốn, tiếng reo mừng của lũ em, tiếng đùa giỡn, tiếng guitare của anh Huy, tiếng hát ông ổng mỗi lúc anh ấy đi đâu về.
 
Có một vài tiếng động mới lạ, chưa quen thuộc với tôi. Như tiếng mở cửa lúc chưa sáng, tiếng chân kéo lê chậm chạp, tiếng muỗng quậy cà phê. Những tiếng động đó của anh Nghĩa, những tiếng động lạ trong cuộc sống ổn định của tôi. 

Tôi lắng nghe và chờ đợi. Chỉ nghe rất nhẹ tiếng động của hơi thở nhả khói, tiếng quậy cà phê. Không nghe hai người nói chuyện. Tôi chờ đợi giọng nói trầm hơi giống tiếng con gái, không nhanh mà cũng không chậm, cất lên. Tiếng động và hình ảnh, một buổi xế chiều đã đến, cách nay một tuần, hình như làm khác đi đời sống bình lặng của tôi. Hình như thế, không có gì chắc chắn lắm đâu.

Anh Nghĩa từ Đà Lạt đến thành phố này, vào cổng nhà tôi một chiều thứ ba. Va ly nhỏ trên vai, tay cầm lủng lẳng mấy nhánh lan, áo pull xanh, quần đen và bạc thếch. Xa lạ và ngỡ ngàng trước cổng nhà tôi. Lúc đó tôi đang định hái vài cành ngọc lan, chợt nhìn thấy cái hình ảnh phong trần đó đập vào mắt tôi, gợi sự chú ý và làm tôi nhớ tất cả những gì trên người anh. Nghĩa vẫy tay gọi tôi, bỡ ngỡ:

- Có phải đây là nhà Huy không ạ?

Tôi gật đầu, mỉm cười và mở cổng. Nghĩa ngước nhìn giàn hoa giấy vàng nghệ khen đẹp và nói chắc tôi trồng phải không? Tôi cười.

- Căn nhà này đẹp quá nhỉ!

- Nhờ có hoa đấy anh ạ, anh xem căn nhà xưa từ thời Gia Long đấy mà.

- Tôi thích những căn nhà xưa, thật xưa cũng được. À, mà cô tên gì thế? Tôi tên Nghĩa, Trần Duy Nghĩa, ngày xưa học chung với anh Huy...

Quỳnh Tiên, tôi nhắc tên tôi, tôi đọc tên tôi lên. Nghe vô nghĩa và chẳng có gì thực tại trong đó. Quỳnh Tiên. Thế mà anh Nghĩa khen tên tôi đẹp, đặc biệt.

Lúc đi ngang phòng tôi vòng ra sau nhà, tôi dừng lại ném mấy đóa ngọc lan lên giường. Anh Nghĩa sừng lại ngắm và hỏi:

- Phòng Quỳnh Tiên đấy à?

- Vâng, anh xem có xưa không? Anh Huy bảo có từ thời bà ngoại còn con gái như Tiên.

- Nhưng tôi thích không khí lạnh lẽo, cổ lỗ đó. Tiên sống trong phòng đó giống như một nàng công chúa lắm!

Cả hai chúng tôi cùng cười. Hình như cử chỉ của tôi hơi lúng túng, bước chân tôi đi không vững vàng. Anh Nghĩa bảo phải có chiếc lồng chim nhỏ treo ở cửa sổ thì nhất. Rồi anh lấy một chậu lan treo lên thành cửa sổ.

Những ngày sau đó, tôi, anh Huy, anh Nghĩa đi chơi khắp nơi. Sẵn dịp tết dương lịch, tôi nghỉ luôn ngày thứ hai. Cả ba người đi khắp thành phố, vào những quán kem, những nơi rất lạ lùng với tôi. Hôm chúa nhật chúng tôi về quê ngoại, một làng nhỏ trong quê. Tôi chẳng biết vô tình hay cố ý, anh Huy trợt xuống ruộng. Đôi giày dính đầy bùn, anh Huy xin ở lại để ra suối rửa giày rồi sẽ vào sau. Thế là tôi và anh Nghĩa đi trước. Trời lành lạnh và gió nhiều. Hai tà áo của tôi vướng vít bước chân, làm tôi suýt mấy lần ngã xuống ruộng. Trời lạnh từ vài bữa nay, sáng qua tôi lôi chiếc áo len hồng cất kỹ từ năm ngoái ra mặc. Và tôi thấy nó xa lạ với tôi. Chật thêm và không còn xinh xắn như mùa đông năm ngoái. Vì thế nên tôi đành phải chỉ mặc áo dài. Chúng tôi nói chuyện bâng quơ. Chuyện những tờ báo mà tôi đọc, hỏi về những ông văn sĩ. Chuyện học hành, chuyện thời tiết. Tôi hỏi anh lúc này chắc trên Đà Lạt lạnh lắm nhỉ? Anh Nghĩa gật đầu, nói anh thích thời tiết ở đây hơn. Trời lạnh nhưng có mặt trời và có gió. Chả bù với Đà Lạt chỉ có mây mù, cả tháng không thấy mặt trời. Anh kể tôi nghe về thành phố sương mù đó. Những địa danh xa lạ, những thắng cảnh mà tôi chưa từng đặt chân đến: thác Prenn, Valley d'amour, đập nước Suối Vàng, Đỉnh gió hú... Những con đường mà tôi chưa bao giờ nghe đến, chưa hình dung ra. Những vườn hồng, những con đường anh đào, những thung lũng hoa quì vàng. Tôi biết, ở nơi đó cũng có những cái quen thuộc của anh. Những con đường, những con gái má hồng, những tiếng động chẳng hạn. Anh Nghĩa bảo tôi khi nào rảnh lên Đà Lạt anh sẽ dẫn đi chơi. Tôi nghĩ đến kỳ thi sau tết, không biết tôi có đậu không mà đi? Mà còn Huy nữa, chả lẽ tôi lại đi một mình à?

Thành phố này thật dễ thương! Anh Nghĩa bảo thế. Ở đây đời sống bình lặng. Như giòng sông vẫn chảy. Như cây cỏ tự nhiên lớn. Anh kết luận đây là nơi dưỡng già tốt nhất. Tôi cười - "Nhưng tụi mình còn trẻ mà anh". "Tiên không biết chứ, bọn anh đôi lúc thấy tâm hồn mình già hơn những người già nhất!"

Vâng, tôi còn trẻ. Tôi gần mười bảy tuổi. Như anh Nghĩa nói, thành phố này dành cho những người già. Ngôi nhà, căn phòng tôi ở cũng vậy. Bây giờ sau những ngày đi chơi khắp thành phố, tôi quả thật hơi chán nản. Đời sống không còn cái bình thản dễ yêu nữa. Đời sống đã vẫy tay gọi tôi, xui tôi nghĩ đến những nơi khác. Như Đà Lạt của anh Nghĩa chẳng hạn. Ở đó có những ngọn đồi toàn là thông. Tôi và anh Nghĩa đi trong đó, giữa thiên nhiên, chỉ có hai người, tôi sẽ được đi thăm tất cả những thắng cảnh của thành phố quyến rũ đó. Ý nghĩ đó làm tôi nóng bừng đôi má.

Bây giờ chúng tôi đang rẽ vào con đường nhỏ. Ở đây thật yên lặng. Tiếng gió xào xạc trên những tàu dừa, tiếng lúa reo, tiếng con lạch nhỏ chảy róc rách. Tôi nhìn quanh, không có ai cả. Anh Huy còn ở một nơi nào đó. Cả hai chúng tôi im lặng như thế cho đến khi tới nhà ngoại. Ngoại ngạc nhiên quá khi tôi đi với một người lạ hoắc. Mọi khi, với ngoại tôi hay tía lia, nhưng sao giờ tôi chẳng giới thiệu anh Nghĩa với ngoại. Tôi chào ngoại xong bỏ ra ngoài cổng đợi anh Huy. Tôi đứng bối rối bứt mấy hoa vạn thọ, xé ra từng sợi. Chúng tôi đứng dưới giàn dưa tây, hình như đợi anh Huy lâu lắm. Lúc thấy mặt anh Huy cười hì hì, tôi thấy ghét lạ. Tại sao anh lại dẫn bạn anh đến ở một tuần lễ, tại sao anh quen anh Nghĩa, để tôi phải bối rối vô cùng lúc này. Đáng lẽ hôm nay chúa nhật, tôi nằm nghe radio trên cái giường cổ xưa đó. Để tôi nối tiếp chuỗi ngày bình thản từ nhỏ đến giờ.

Trong những ngày đi chơi đó, tôi rất vui vẻ. Đó là những ngày vui bất ngờ trong thời khóa biểu nhất định của tôi. Thành phố của tôi trở nên lạ lùng, thay đổi hẳn trong cảm tưởng của tôi trong lúc đi với anh Nghĩa. Cũng như nhà tôi, phòng tôi. Ngày nào tôi cũng cắm những hoa bươm bướm trong bình nhỏ xíu. Tất cả mọi vật quanh tôi đều thay đổi, cuộc sống trong tuần lễ đó cũng không còn bình thản, thay đổi như những chuyến đi bất ngờ không định trước. Sau lần đi đâu về, tôi hay nằm trên giường, quay đầu ra cửa sổ có chậu lan, lim dim suy nghĩ vẩn vơ. Lúc học bài, tôi không thể nào học vô, tờ giấy nháp chằng chịt những hình vẽ vô nghĩa. May là mùa thi chưa đến, tôi chưa thi Đệ I Lục cá nguyệt. Tôi biết chắc rằng lòng tôi có nhiều thay đổi. Tôi hay soi gương, cái gương cũ mờ mờ. Đôi lúc đứng im nhìn trong gương tôi tưởng tượng mình là nàng công chúa hay tiểu thơ cành vàng lá ngọc. Công chúa thời Gia Long như anh Nghĩa bảo. Công chúa cấm cung đến tuổi trăng tròn. Mỗi ngày nàng đi dạo trong vườn. Có hoa ngọc lan, có giàn hoa giấy, hoa bươm bướm, lối đi trải sỏi trứng, và chiếc ghế khuất trong vườn mát lạnh. Rồi công chúa biết mơ mộng, nàng hay soi gương mỗi sáng thức dậy, chải lại mái tóc dài, mỉm cười với người đẹp trong gương. Nàng hát nhỏ mỗi lúc đi ngủ. Tuy nhiên đời sống nàng vẫn bình thản. Rồi một chiều hoàng tử đến. Như một cánh bướm lạ, như một khách lãng mạn đến vườn của nàng, làm công chúa ngây ngất, nàng làm điệu hơn, nàng biếng dùi mài kinh sử. Nàng đã gặp tiếng sét. Đêm ngủ nàng nằm mơ thấy hoàng tử. Dáng người cao, gàn gàn, bước đi chậm chạp, chán nản ; giọng nói trầm trầm, mái tóc bồng bềnh. Hoàng tử, như một vị thiên thần ngự giữa tim nàng, cao sang, sáng chói hơn cả phụ vương và hoàng hậu. Quỳnh Tiên sống trong cung điện cổ xưa từ thời Gia Long. Anh, có phải anh là hoàng tử không, Nghĩa?

Những ngày vui bao giờ cũng qua mau. Đó là những ngày thay đổi không khí cho cuộc sống bớt buồn tẻ. Tôi, cũng sống khép kín như Trang trong Để tưởng nhớ mùi hương. Rồi Nghĩa cũng như Ninh, bỏ lại cho tôi ngày tháng tiếp nối! Không biết chừng nào anh Nghĩa đi. Thôi, đi đi cho rồi. Tôi còn một kỳ thi năm này.

Tiếng khuấy cà phê ngoài phòng khách thỉnh thoảng vang lên. Rồi tiếng muỗng rơi xuống đáy ly, âm thanh vỡ rạn. Tôi không tài nào ngủ được nữa, lắng nghe những tiếng động ngoài phòng khách vọng vào. Xé bao thuốc nghe rõ mồn một, rồi tiếng bật lửa. Thật lâu rất im lặng. Tôi biết chắc là có 2 người, vì tiếng chân anh Huy ra sau một tí. Tôi như khắc khoải chờ đợi những tiếng nói cất lên, để tôi biết hai người còn đó. Lát nữa đây trời sáng tôi sẽ đi học. Hôm nay thứ ba, mau thật, vậy mà anh Nghĩa đến đây đã được tuần lễ.

- Cậu soạn quần áo xong chưa?

- Rồi.

Tôi ngạc nhiên đến bàng hoàng. Như vậy là anh sẽ đi, sáng nay phải không? Tôi nhắc tên anh, nghe vang vang trong đầu kỳ hoặc. Môi tôi se đắng, tôi chưa chuẩn bị cho một từ giã, một cánh chim. Tôi không chuẩn bị được như lần anh đến, lần đi chơi bất ngờ, và một lần ra đi. Một lần vui và một lần buồn. Vui và buồn chỉ một lần thôi, nhưng rồi còn những ám ảnh, những mỏi mòn chờ đợi sau này. Tất cả đều chỉ một lần mà thôi, một lần tình cờ anh đến! Hoa hồng nở trong tim em rồi sau này lại có loài hoa khác. Hoa pensée hoa tương tư đó anh!

Tiếng đàn vang lên từ đồng hồ, chia thời gian ra từ mảnh. Rồi trời sáng tôi đi học. Rồi mờ sáng anh ra đi.

- 5 giờ rưỡi rồi, 6 giờ tớ phải lên Sàigòn sớm.

- Cậu uống cà phê nữa?

- Cũng được.

Tiếng chân vội vã của anh Huy xa dần. Tôi muốn xuống giường, ra nói chuyện với anh. Tôi tưởng tượng dáng ngồi trầm ngâm, chân gác lên bàn thấp, miệng phì phà điếu thuốc. Khuôn mặt kiêu ngạo, bất cần. Tôi muốn nói chuyện với anh Nghĩa, còn nửa giờ nữa anh sẽ đi. Tôi muốn nghe tiếng nói mình vang lên, xa lạ và thay đổi bất ngờ. Muốn như thế, nhưng tôi vẫn nằm yên trên giường, nhìn ra cửa sổ, nơi đó có chậu lan.

Tôi nghe tiếng chân anh Nghĩa đi ngang phòng tôi, dừng lại. Vội vàng trùm chăn kín đầu tôi nằm giả vờ ngủ. Cửa mở nghe tiếng rít ê cả răng, anh quay sang hỏi:

- Chằng biết Quỳnh Tiên thức chưa, cậu?

- Ối, con bé đó mà, công chúa còn ngủ đến sáng!

Cửa phòng tôi khép lại, hé một góc chăn tôi thấy gương mặt mờ mờ, điếu thuốc trên môi lập lòe. Rồi tiếng chân trở ra phòng khách, ngồi xuống, khuấy cà phê. Tôi, tôi không muốn nghe lời từ biệt, tôi muốn anh ra đi, ra đi âm thầm, không hay biết. Sáng thức dậy tôi có một cặp mắt ướt, tại vì anh đó, Nghĩa. Người đi bao giờ cũng vui vẻ, chỉ có kẻ ở lại là buồn. Ra đi dầu có buồn, nhưng trời cao, thành phố lạ, trở về nhà vẫn vui như thường. Ở lại, với những kỷ niệm còn đầy ắp, chứa cùng khắp căn nhà, làm sao quên được.

Tôi nhớ đọc một đoạn văn ở đâu đó, đại ý người ta sống với những hình ảnh, một số tiếng động quen thuộc. Nói sống thế này thế nọ đều là văn chương, tiểu thuyết. Tôi cũng có một số tiếng động, hình ảnh quen thuộc và một số lạ. Do anh Nghĩa mang đến. Ở một thành phố nào đó xa lắc, anh cũng có những hình ảnh quen thuộc. Anh sẽ gặp lại, thân áu, trong nỗi vui mừng. Cuộc sống của anh không có tôi dự phần trong đó, không có Quỳnh Tiên. Với anh, chẳng có hình ảnh, tiếng động nào đó xa lạ do tôi mang đến. Nhưng anh, anh đã mang đến, đã phá vỡ cuộc sống ổn định của tôi. Để rồi anh ra đi để lại cho tôi nỗi buồn chất ngất.

Những kỷ niệm anh mang đi ở thành phố này, căn nhà này, căn phòng của Quỳnh Tiên rồi cũng quên đi, nơi xa xăm đó không gợi lại cho anh một nỗi nhớ nào. Chỉ có công chúa Quỳnh Tiên nằm ngủ nhìn chậu lan nhớ anh, soi gương nhớ gương mặt anh, nhìn cái ghế nhớ dáng anh. Và thành phố, và căn phòng, ngôi nhà thảy đều vây bọc lấy em, bóp nghẹt quả tim bé nhỏ của em mà thôi.

Sáu giờ. Đồng hồ thong thả đánh. Tôi nghe tiếng ly đặt xuống bàn, tiếng động của ghế khi anh Nghĩa đứng dậy. Và tiếng chân đi vòng ngõ sau ra đường. Ngang phòng tôi, tiếng chân chậm lại, ngừng hẳn, xong tiếp tục bước, buồn bã. Tôi nhìn ra cửa sổ, mờ mờ chậu lan, và dáng anh đi ngang qua rất chậm. Chợt tôi muốn ra chào anh, muốn nói một lời từ giã, muốn chúc anh đi đường bình yên, về thành phố gặp lại vui mừng. Dĩ nhiên là không có tôi ở thành phố sương mù đó. Ý nghĩ đó làm tôi bật khóc, tôi cắn chặt môi, chạy ra cửa sổ. Trong vùng ánh sáng rất mờ, bóng anh lẫn với bóng tối. Và tôi không nhìn thấy gì cả.

Quay vào, tôi bật điện, ánh sáng chan hòa khắp phòng. Lúc đang lúi húi xếp mùng, tôi chợt thấy một vật lạ trên bàn. Vội vàng chạy lại, tôi cầm trên tay với một cảm giác bâng khuâng khó tả. Đó là bản nhạc bằng gỗ, rất đẹp, chắc anh mua từ Đà lạt. Bên dưới có chữ "Tặng Quỳnh Tiên". Và tên Trần Duy Nghĩa bên dưới. Tôi nhìn tờ lịch, ghi ngày vào món quà. Tôi vẽ những hình vô nghĩa trên tờ giấy viết thư, rồi tôi viết tên tôi. Nguyễn Quỳnh Tiên, bên cạnh tên Trần Duy Nghĩa với hàng địa chỉ anh đọc cho tôi hôm về quê ngoại. Không biết nghĩ sao, tôi gạch hàng địa chỉ của anh, đến làm rách 2 tờ giấy. Tôi không muốn nghe đến, nhìn thấy thành phố của anh. Vì ở đó có những người con gái má hồng mà anh quen biết. Tôi sẽ không lên thành phố đó đâu, tôi không thèm viết thư cho anh đâu, Nghĩa. Anh sẽ chẳng nhớ gì đến tôi, con bé xấu xí này, phải không?

Với món quà trên tay, tôi soi lại gương. Chiếc gương cũ từ thủa ngoại tôi còn như tôi. Tôi đứng lặng yên nhìn tôi. Tóc tôi đen và dài, môi tôi hồng, mắt tôi to và đỏ ướt. Tôi nhìn tôi trong gương. Chăm chú, tò mò như nhìn một người nào khác. Nhất là cặp mắt của tôi, đỏ hoe và có giọt nước lăn xuống má. Tất cả như một tấm ảnh cũ, chụp  từ lâu lắm, trầy trụa và khuôn mặt vừa lớn của tôi buồn bã trong đó.

Hôm đó tôi gần mười bảy tuổi?


DUY NGUYÊN     

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 41, tuần lễ từ 9-3 đến 16-3-1972)