Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

BẢN LĨNH ĐÀN ÔNG



Lưu bị bong gân cổ tay trái đã được bốn ngày. Bạn anh - bác sĩ Hóa - nói anh nên quấn một cái băng thun. “Để phòng bạn bè là chính”, Hóa nói.

Sáng nào Lưu cũng đến quán cà phê Con Tàu. Bốn ngày nay, hễ thấy một người quen nào tiến tới, Lưu đều có phản xạ thu bàn tay đau ra sau lưng, phòng người kia bắt tay. Thế mà vẫn có người nắm được lấy cái tay ấy, lắc lắc. Lưu đau đến tái mặt, nhưng vẫn nhất quyết không đến bệnh viện để Hóa băng cho cái băng thun.

Từ khi bị bong gân, Lưu đi xe máy một tay. Tay đau thu thu trên đùi. Đến chỗ đông, Lưu khẽ vươn cánh tay ra, tì gượng gượng lên ghiđông, luồn lách. Khi đi xe một tay như thế này, Lưu không nghĩ được gì đến nơi đến chốn. Bác sĩ Hóa nói Lưu không nên đi như thế, vì như thế cũng nguy hiểm nốt. “Nhưng chẳng lẽ tôi đi taxi? Hay đi xe ôm?”. Xe ôm là một giải pháp theo Hóa là tối ưu, không tốn lắm. Vả lại, theo Hóa, tiền mình kiếm ra cũng là để một lúc nào đó phục vụ mình, chứ không phải cứ cất vào két. Lưu rất giận câu này của Hóa, vì Lưu nghĩ mình không phải người keo kiệt, mình chi tiêu cái gì là đúng cái đó, giờ Hóa lại nhìn như Lưu keo. Lưu giận lắm, nên sau một tuần vẫn thấy đau không giảm, Hóa bảo Lưu nên đi chụp phim xem có mẻ xương không, Lưu nhất quyết không đi.

Nhưng cái ý tưởng về mẻ xương đã len vào đầu Lưu từ đấy. “Không thể mẻ được - Lưu lập luận - Mẻ là một việc rất khó. Thà rằng gãy... Mà đây chắc chắn không phải gãy”. Mỗi ngày phải có đến hơn mười lần cái thắc mắc “có mẻ xương không nhỉ?” nổi lên trong đầu Lưu. Và cũng có đến hơn mười lần, chính Lưu lại phản bác cái thắc mắc ấy.

Vợ Lưu bảo, anh gàn lắm cơ, sao anh không băng cái băng thun vào cho em nhờ, cho con nhờ; chúng em nhiều khi cũng căng thẳng vì lắm lúc không phân biệt được tay nào của anh đau, cứ sợ va vào. Lưu gắt vợ: “Không nhớ được tay nào của tôi đau thì cả nhà cứ tha hồ va vào”. Và phải mất đến hai hôm sau đó, gần như Lưu không nói câu gì với vợ, cũng không chơi tu tu xịch với hai đứa con.

Vào chiều chủ nhật, băng Con Tàu đồng loạt nhận được tin nhắn của Vinh: “6h30 ở Con Tàu, sau đó biểu quyết xem đi đâu. Vinh chi”. Khi gửi cái tin này đi, Vinh dừng lại ở tên Lưu. Có nên gọi Lưu đi không? Nó đang đau tay, vợ nó hay lục máy, đọc được lại càu nhàu... Cho nên tin nhắn cho Lưu có hơi khác một tí. “Nếu không vướng cái tay đau thì 6h30 ở Con Tàu, sau đó biểu quyết xem đi đâu. Vinh chi”.

Lưu nhận tin khi đang buồn nẫu cả người. Cả chiều thứ bảy, cả sáng chủ nhật đã ở nhà. Nghe máy tít tít, Lưu vồ lấy, đọc tin, rồi tắt phụt luôn. Lưu nghĩ mình không muốn nhìn mặt Vinh nữa. Hóa ra cái tay đau của mình làm nó “vướng” thế đấy. Lưu cám cảnh đời. Bây giờ mới là cái tay đau mà mình đã làm “vướng” người ta. Một ngày kia nếu mình gặp chuyện gì nặng hơn cái tay đau, bạn bè khi ấy sẽ còn thấy “vướng” thế nào.

Băng Con Tàu lục tục đến quán từ trước 6h. Ai đến sớm hơn thì đọc báo, hút thuốc. Tất cả đều hỏi nhau “Lưu đâu?”. Xong đều bốc máy gọi Lưu và lần nào cũng chỉ nghe tiếng tò te tí, báo hiệu máy đã không liên lạc được. Mọi người đoán “chắc nó đau tay nên ngại đi”. Rồi biểu quyết, tất cả nhất trí chọn bãi bia Hùng Rơm, và sau đó sẽ đi hát ở Thủy Ly.

Đã mười bốn ngày, Lưu nâng bát cơm bằng tay đau vẫn thấy ngại ngần. Nhưng trong bữa cơm, Lưu vẫn cầm bát bằng cái tay đau trước cả nhà, mặt không cau lại, tuy cũng không cười được. Đang ăn, con Xít bảo: “Bóng đèn nhà tắm cháy rồi đấy, bố thay đi không tối con không dám vào”. Vợ Lưu bảo: “Bố đau tay, để tí mẹ chở con đi”. Lưu chỉ lừ mắt: “Điện đóm để đấy bố”.

Ăn cơm xong, Lưu đi xe ra cửa hàng điện quang cách đó hai ngã tư, mua một bóng đèn tuýp. Bàn tay đau cầm khư khư cái bóng đèn dài, cứ tuồn tuột dưới lớp giấy bọc trơn như da của một loài cá, Lưu đi xe chầm chậm về nhà bằng một tay còn lại, nghĩ mình quả là một người đàn ông đúng nghĩa của gia đình, bất cứ hoàn cảnh nào cũng vẫn chu toàn được, không phải phiền vợ con... Vừa nghĩ tới đó thì cái xe vấp cục gạch, nảy lên một phát. Cái bóng đèn như một con cá quả, ngay lập tức chuồi khỏi cái bao trơn, nhảy xuống đường. Một tiếng “tanh” mỏng manh, mảnh thủy tinh tan trên mặt đường. Trên tay chỉ còn cái bao giấy không thõng thượt, Lưu dừng xe nhìn, và trong thoáng chốc, nhớ ra mình đã từng trải qua biết bao nhiêu mất mát kiểu không ngờ thế này, mà lại còn nặng nề hơn. Dù sao, đây cũng chỉ là một cái bóng đèn, bằng hai bát phở Mai, vẫn có thể làm lại. “Với đàn ông, không cái gì có tên là bất ngờ” - Lưu rắn rỏi.

Trở lại hàng đèn, cô bán hàng hỏi: “Vợ dặn hai mà mua một à?”. Lần này, Lưu bảo cô gái buộc túm hộ cả hai đầu cái bao giấy bọc đèn, rồi dựng thẳng lên trên yên, cho nó tựa vào vai, xong bàn tay đau thong thả ép nó vào sát ngực. Lưu nghĩ cái quan trọng ở người đàn ông là phải nắm được qui luật.

Qui luật ở đây là: “Phải biết tình trạng mà giao việc”. Thất bại lúc nãy là do mình tưởng cái tay đau vẫn làm được việc của một cái tay lành, trong khi nó còn có những vấn đề của nó. Vấp phải cục đá, phản xạ của nó là thu lại để bảo vệ chính nó khỏi đau, việc giữ cái bóng đèn kia chỉ là phụ... Dùng người thì cũng thế thôi... Nghĩ xong, Lưu thấy mình đúng là “bản lĩnh đàn ông”. Đàn ông hơn đàn bà ở chỗ đó. Trong thất bại bao giờ cũng rút ra được bài học. Đàn bà thì không bao giờ rút ra được bài học, chỉ giỏi rút ra được một câu chuyện để kể cho mấy con mụ đồng nghiệp nghe vào ngay ngày hôm sau.

Lưu khoan khoái phóng xe vào nhà xe khu tập thể. Cái khung cửa hẹp làm tay lái Lưu hơi loạng choạng, đầu bóng tuýp đập luôn vào xà ngang. Chỉ nghe “bụp” một phát, và cái bao giấy đang đứng dựng bỗng đổ oặt xuống ngay trên vai Lưu. Chuyện bất ngờ quá khiến Lưu bật cười to lên thành tiếng. Lưu thấy hiện ra ngay cái qui luật thứ hai: “Việc dễ hỏng khi phải cáng đáng”. Lần này thì cái tay lành. Cái tay lành đã phải điều khiển cả một chiếc xe; đúng ra mình không được làm một lúc hai việc: vừa lái xe, vừa giữ bóng đèn.

“Ta sẽ làm đến cùng, thật cẩn thận, và không thể hỏng được nữa. Là thằng đàn ông, hễ muốn là phải được”. Lưu ném cái bóng đèn vỡ vào thùng rác, rồi trở ra, quyết đi bộ suốt hai dãy phố, quay lại hàng bóng đèn.

Cửa hàng đã đóng, cô bán hàng đang loay hoay treo giỏ xách vào đầu xe máy. Cô bảo, sao anh phải mua lắm bóng đèn thế, làm nhà mới à. Lưu cầm cái bóng bằng tay lành, sải những bước vững chãi, về nhà. Tháng ba, trên đường chẳng có cây gì thơm hoa thơm lá, chỉ có trời sương âm ẩm dìu dịu lạnh. Lưu nhớ rằng phải đến chục năm rồi mình và vợ không đi bộ với nhau trong những buổi tối như thế này. Đúng ra là từ khi có con. Khi mới lấy nhau, cứ ăn xong là hay đi dạo dạo, dạo dạo, rồi ghé vào uống chè lá, vợ ăn thêm cái kẹo lạc... Rồi cái nhu cầu nói thủ thỉ với nhau bớt đi, mất đi. Vợ thì nói nhiều hơn, to hơn, nhưng không phải là cho riêng Lưu nữa, mà như một thói quen của miệng phải phát ra âm thanh, trước bất kỳ việc gì đập vào mắt. Đã có vợ nói quá nhiều, Lưu chỉ còn biết thu về nghĩ ngợi trong đầu, hoặc có nói thì nói với bọn Con Tàu.

... Lưu vào nhà, đi thẳng ngay tới khu nhà tắm, trèo lên gỡ cái bóng cũ, thay cái bóng mới, bật công tắc lên. Bóng đèn mới, nhà tắm sáng bừng. Lưu rửa tay, nhìn mình trong cái gương soi, mỉm cười. Thế mới là đàn ông chứ. Thế mới là hiểu qui luật chứ. Rồi tắt đèn, ra ghế phô-tơi giả da nằm xem truyền hình.

... Lưu đang thiu thiu ngủ quên thì nghe tiếng con Xít hét lên: “Bố, bố thay kiểu gì thế hả?”. Con Xít có thói quen cứ đến tối mới đi nặng. Giờ nó cau có đứng ở cửa nhà tắm. Cái bóng đèn lúc nãy mới chói lòa như thế, nay đã không sáng nữa. Chuyện này thì rõ ràng là không dính gì đến tay lành hay tay đau, và đó mới là điều làm cho Lưu vụt chốc suy sụp hẳn. Chẳng còn lại bài học nào của ý chí ở đây. Chỉ thấy bàn tay thô bỉ của số phận thò ra bóp bẹp ý chí con người. Cố đến mấy, gan đến mấy cũng phải thua nó thôi.

“Bướng bỏ mẹ. Nói mãi rồi cứ không chịu đổi sang bóng tròn cho nó ấm áp mà dễ thay”. Vợ Lưu vừa loay hoay thắp một cái nến trong nhà tắm cho con Xít đi ị, vừa làu bàu. Lưu không thiết cãi lại. Anh lên gác, chui vào cái hốc của mình, vừa nằm vừa nghĩ đến tuổi già có cưỡng mấy rồi cũng sẽ đến, vừa không hiểu vì sao đàn bà chúng nó biến đổi nhanh như thế, từ một thiếu nữ chưa chồng và tinh tế sang một mụ ít thông cảm và lắm điều.

Lưu nói với Hóa rằng anh muốn chụp phim cổ tay xem có mẻ không. Hóa mừng rỡ dẫn anh vào phòng X - quang, và buổi chiều Lưu đã ung dung ra bãi bia uống cùng băng Con Tàu, với cổ tay bó mấy vòng băng thun, trông lại có vẻ nam tính và đầy chất thể thao. Vinh bảo, ông bao giờ cũng thế, ông Lưu ạ. Ông quá chủ quan, quá tin vào phán đoán của ông, như thế này có phải nhẹ nhõm không. Lưu muốn hắt cả cốc bia vào mặt Vinh, nhưng Vinh đã lại quay sang nói chuyện với Hóa.

Trời ụp tối rất nhanh, và hình như có gió mùa về. Lưu thấy tức ngực. Anh ho một chút.

Khoảng sáu tháng trở lại đây, Lưu thấy mình hay tức ngực về chiều, ho từng tràng khan khan. Bác sĩ Hóa bảo Lưu nên đi khám. Vợ Lưu cũng bảo anh nên đi chụp phim, và vác về cho anh mấy chai bổ phế có vẽ hai lá phổi trên nhãn. Lưu thấy mình có phải là đàn bà đâu mà hở tí là đi khám, hở tí là đi khám... Ngoài chuyện ho chút chút đó ra thì hoàn toàn khỏe mạnh, cho nên Lưu không uống thuốc và cũng chẳng làm gì. Nhưng mỗi khi húng hắng và tức ngực, ý nghĩ “có gì không nhỉ” lại len vào đầu Lưu, rồi sau đó cũng lại chính Lưu dập tắt. Một ngày như thế phải có đến hơn chục lần...


PHAN THỊ VÀNG ANH   

Nguồn : http://www.dutule.com  

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

SAU CƠN MƯA LŨ


Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, cây và ngoài trời

Trời xanh trong. Mặt trời như đang đổ lửa xuống ruộng đồng, người, vật. Mấy cụ già còn phải cất đi tấm áo nỉ buổi sáng, mắt hấp háy nhìn về phía đông, miệng lẩm bẩm những câu tiên đoán thời tiết chẳng ăn nhập gì đến cái nóng nực ghê gớm hiện tại.

- Nắng thế nầy là sắp có mưa bão tới nơi.

Nhưng trời vẫn nắng ráo. Trên đỉnh núi, những đám mây trắng như bông tan ra mỏng mảnh, dàn trải, hợp với màu xanh của núi thành màu lam nhàn nhạt.

Mồ hôi tươm đầy trán, Dong cởi trần đánh vật với đống sách vở bề bộn trên sàn nhà. Chỉ còn ba hôm nữa là ngày khai trường. Dong vừa nhận được sách nhà trường cho mượn dùng trong niên học mới, quyển nào cũng cũ, nhàu nát vì đã qua tay nhiều học sinh, vì vậy, Dong phải khuấy hồ dán, may lại những chỗ rách rồi bao bìa cẩn thận. Công việc đòi hỏi phải thật kiên nhẫn. Nhưng trời nóng quá. Ruồi bay vun vút đáp xuống đầu, xuống cổ Dong. Dong bực bội vừa gãi vừa dán, vừa lắc lắc cái đầu bờm xờm để đuổi ruồi.

- Anh Hai nè, cho Tèo cái nhãn vở nghe.

Dong chưa kịp ngẩng đầu lên, thằng Tèo đã nhanh như chớp chộp cái nhãn vở bỏ chạy. Dong quát theo:

- Mày láo quá, Tèo. Không được đâu, nhãn vở đã viết tên rồi.

Thằng tèo không nghe, cứ chạy, nhưng chỉ lúc sau, nó quẳng trả tờ nhãn, giờ đã nhăn nhúm, rách mép. Giận quá, Dong quay lại, thuận tay tát em một cái mạnh. Thằng Tèo lảo đảo ngẩng nhìn anh rồi òa khóc. Một bên má nó đỏ ửng lằn năm ngón tay. Dong hối hận, định dỗ em, nhưng mẹ đã vào tới nơi. Thằng Tèo càng khóc to hơn.

- Anh Dong đánh con.

Dong ngừng tay phân bua:

- Nó nghịch quá, làm rách cả nhãn, mai mốt đi học rồi, làm đâu kịp.

Mẹ ôn tồn trách Dong:

- Sao con lại đánh em, có gì thì bảo ban em từ từ. Đừng đánh nhau, mẹ buồn. Con lớn rồi chứ còn nhỏ nhít gì.

Dong thấy tưng tức vì Tèo lỗi mà mẹ lại bênh. Dong cau mặt cúi xuống lẩm bẩm:

- Mẹ cứ bênh đi, hèn chi nó hư không ai ưa nổi.

Mẹ đã kéo thằng Tèo ra giếng. Dong thu dọn sách vở vì trời nóng quá lại bực mình nên không muốn làm tiếp. Giờ nầy mà ra sông tắm thì thích nhất.

Nghĩ là làm. Dong cứ để người trần chạy ra sông.

Trời nắng hạn, nhưng giòng sông Nậm La hôm nay nước nhiều và chảy xiết. Tiếng nước réo chảy qua những cái guồng quay nghe rào rào. Dong thả người khoan khoái ngâm mình trong giòng nước mát. Thỉnh thoảng Dong lặn một hồi rồi lại trồi lên tận giữa dòng. Chẳng thấy đứa bạn nào, nhưng đâu hề chi, mấy hôm nữa sẽ gặp nhau đầy đủ ở trường. Leo lên một mô đất, Dong nhìn về phía mặt trời lặn. Trên ngọn đồi cao, ngôi trường mới xây bằng gạch nung, hai mái ngói đỏ hỏn, trông tráng lệ và uy nghi. Nghe nói nhà trường vừa thay hết một loạt bảng đen và mở thêm hai lớp mới. Có lẽ Dong sẽ được học trong lớp mới vì Dong là lớp học sinh cấp ba đầu tiên của trường mà. Lòng Dong rộn ràng vui sướng và háo hức nghĩ đến ngày đi học...

Nấu xong nồi cám heo trong bếp, Dong khệ nệ khuân ra vườn định cho heo ăn thì một tiếng sấm nổ rền đâu từ phía chân núi vọng lại. Bầu trời vẫn không một gợn mây, nhưng đã có gió nhè nhẹ thổi, khua động lá cây. Tiếng gà vịt lên chuồng, tiếng heo ụt ịt đòi ăn cữ chiều như có sớm hơn mọi ngày. Dong chắt lưỡi:

- Tụi bây háu đói quá đi mất. Chờ một tí không được sao?

Tiếng mẹ vọng từ trong nhà ra:

-Chiều nay có mưa đấy, cho heo ăn trước rồi lùa gà vịt vô chuồng đi con.

Thằng Tèo từ đâu về cũng chạy quanh lùa gà. Chưa chi mà nó đã xúng xính cái quần mới tinh. Mẹ đã mua cho nó để dành nhập học. Năm nay, Tèo oai lắm vì nó vừa lên lớp năm, lại xếp hạng học sinh xuất sắc, nên lứa gà kỳ rồi, bán được non hai chục con, mẹ thưởng ngay cho Tèo một cái quần mới màu xanh và cái áo sơ mi trắng lốp.

- Em bao hết vở rồi anh Dong ạ.

- Ừ, lớn rồi, phải tập làm cho quen.

- Nhưng em chưa có bút chì màu. Anh cho em hộp bút chì màu của anh nhé?

Dong trừng mắt:

- Đừng hòng, tao còn phải học chứ.

Thằng Tèo rưng rưng, mặt xịu xuống. Dong sợ mẹ mắng nên dỗ:

- Khi nào cần, nói, tao cho mượn, chứ nguyên hộp mày làm rơi đi một hai cây thì khốn.

Tèo xịu mặt ra dáng không bằng lòng. Dong giả vờ không thấy. Trút nốt phần cám còn lại cho heo, Dong mang nồi ra rửa.

Phía đằng chân trời những khối mây trồi lên lặn xuống như đang xáo động. Một vài lằn chớp ngang dọc lóe sáng và thỉnh thoảng, vài tiếng sấm rì rầm như những buổi mưa giông vọng lại rền rĩ.

Không khí oi bức ngột ngạt. Tiếng một người nào than vãn trước nhà:

- Mưa thì mưa đại cho mát mẻ, cứ trở trời hoài ngốt người chết đi được.

Dong nhìn lên trời thầm nhủ:

-Trời xanh thế này mưa chi nổi.

Thằng Tèo hát inh ỏi ngoài sân:

“Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày...”

Dong muốn mau chóng xong việc để chạy đến nhà mấy đứa bạn.

Dong sẽ đem con chim chích chòe đổi cho thằng Móng lấy tờ tạp chí in nhiều màu về bao vở. Báo nhiều hình, láng đẹp, xem xong rồi bao vở, hết chỗ chê. Dong còn nghe nói con Chính mới sắm cây bút máy đẹp lắm, nắp viền vàng, mua tận Hà Nội, xa thiệt xa. Dong thích mê, nhưng chắc khó mà có được. Cây viết rất đắc tiền. Bố Dong chỉ là một công nhân, lấy đâu ra tiền để sắm viết sịn cho Dong.

Dong thở dài, đi vào nhà. Còn phải giặt bộ đồ để mặc hôm khai trường, may thêm phù hiệu mới, thêu lại tên và lớp trên ngực áo. Còn nhiều chuyện quá. Lạ thật, cứ gần đến ngày khai trường thì y như rằng bao nhiêu việc đổ dồn lại.

Bố đã về, Dong nghe tiếng bố bảo mẹ:

- Tin thời tiết nói sắp có mưa lớn. Bà xem chừng cái chuồng gà, mưa dột hư hết mấy ổ, gà bỏ đi, đẻ lan mất trứng uổng lắm.

- Ừ, cứ mưa đi cho mát. Tôi cầu cho mưa sớm.
Cơn mưa đến sớm hơn Dong tưởng.Cơm nước dọn dẹp vừa xong thì mây kéo đầy trời, chớp giăng giăng, rồi mưa bắt đầu đổ xuống. Cái nóng bức biến mất nhường chỗ cho bầu không khí mát dịu. Ai cũng thấy dễ chịu. Hai anh em Dong đem sách vở ra bao bìa dán nhãn nốt số còn lại. Tiện tay, Dong vẽ cho em mấy cái nhãn vở có viền cành lá chung quanh. Thằng Tèo được voi, đòi tiên, chê ỏng chê eo. Dong tức mình quẳng trả mấy cuốn sách đang bao bìa dở dang. Tèo tự ái ngồi bặm môi ngồi bao một mình, dán dán bao bao nửa chừng rồi gục ngủ trên bàn. Bố lay Tèo, đưa nó sang giường bên.

Dong ngồi mải mê làm và tưởng tượng đến lớp học mới, thầy cô giáo mới.

Nửa đêm, Dong thức dậy bởi những tiếng động liên tục chung quanh. Bố nói bên tai.

- Dong, dậy xem thử chuồng heo có bị gì không mà mấy con heo kêu quá. Để bố soi đèn cho.

Mưa to, nước chảy qua mái tranh rồi tụ xuống đuôi mái như thác. Cây cối rạp xuống dưới sức nước. Hai con heo vừa kêu vừa ủi chuồng vì nước chảy tràn lan và chuồng dột nhiều chỗ.

- Đem heo vô tạm nhà bếp, sáng mai hãy hay.

Dong cố gắng đẩy hai con heo vào bếp. Bên hàng xóm, cũng nghe tiếng người kêu ơi ới, tiếng lợn phá chuồng, tiếng gà vịt ồn ào, náo động.

- Không chừng lại có lũ cũng nên.

- Lũ đâu tháng này? Đang hạn, nóng bức chết được. Chắc mưa to thôi.

Nhưng khi đặt lưng nằm xuống giường, Dong nghe như có tiếng gầm gừ ở đâu đó về phía sông. Bố ngồi bật dậy:

- Lũ rồi. Đích thị mưa lũ. Bà nhớ đem bao gạo lên cao.

Dong chợt nhớ ra, vội vàng đứng dậy, gom hết tập vở mới còn trên bàn để cạnh chỗ nằm.
Mưa mỗi lúc một to. Bố mẹ không ngủ được nữa, ngồi bó gối. Giờ nầy đã nghe rõ lắm tiếng nước sông Nậm réo chảy ngoài kia. Dong thiếp đi một lát. Lúc tỉnh dậy, mẹ đang di chuyển bớt đồ ăn, quần áo lên bàn. Nước mấp mé ngoài sân, mấy con vịt xiêm kêu quang quác. Đàn gà lục cục liên hồi. Một con gà trống vô duyên gáy te te hai lần rồi đứt quảng nửa chừng.

Mưa vẫn như thác, hầu như không phải mưa mà là nước trút xuống tự trên cao. Mái nhà lay mạnh. Dong nghe tiếng gió quật vào liếp cửa, tiếng cây cối ngã rạp theo từng cơn gió và mấy bụi tre rít mạnh như bị cứa. Nước tràn vào trong nhà. Guốc dép trôi bồng bềnh từ góc nầy sang góc khác. Dong nhảy xuống giường vớt lên,đặt ở góc cửa sổ. Ngoài đường đã nghe tiếng người kêu í ới. Loa phát thanh báo tin lũ lớn. Quá khuya thì không còn ai ngủ được nữa. Nước dâng nhanh không ngờ. Mắt bố mẹ đã thấy ánh lên nỗi lo lắng sợ hãi.

- Chắc lũ lụt thôi. Năm nào cũng thế.

Bố an ủi, nhưng mẹ có vẻ quýnh quáng. Bà lội qua lội lại, vớt mấy cái nồi soong sắp trôi ra sân. Dong và bố đưa hai con lợn lên cái chỏng của hai anh em nằm. Cả nhà tụ lại trên cái giường gỗ. Dong bắt đầu mong trời mau sáng.

Trời đêm như kéo dài vô tận. Mưa gió và mưa gió, không ngưng nghỉ.

Nước sông Nậm réo gầm. Rồi mưa to hơn, gió mạnh hơn. Tiếng cây ngoài đường gảy đổ. Tiếng kêu của ai đó bên nhà hàng xóm và xa ngoài đường cái, tiếng loa phóng thanh với những lời lạc điệu bay mất trong gió.

Thằng Tèo bắt đầu khóc rấm rức trong lòng mẹ. Bố cau mày ngồi như tượng. Dong nghe trong lòng mình một nỗi sợ hãi mơ hồ.

- Ôi...

Gió bựt tấm liếp cửa sang một bên. Gió thốc vào từng cơn như muốn giựt đổ căn nhà nhỏ. Thằng Tèo òa khóc to.. Dong và bố vội nhảy ào xuống nước, cố đẩy cái liếp cửa lại. Hình như nước xoáy trơn dưới chân Dong. Nước dâng tràn và rập rình từng đợt như sóng ngoài sân. Bố kêu giật giọng.

-Kê bàn lên giường. Trèo lên.

Nước dâng ngập giường. Đèn tắt. Bố một tay dắt Dong, một tay ôm mẹ, mẹ bế Tèo. Bố trổ một ngõ lên mái nhà. Tất cả loay hoay trong đêm tối, trong cơn mưa xối xả, trong tiếng gió vút hung bạo và phía dưới là nước sủi bọt chảy rào rào qua ngạch cửa, qua vách lá.

Dong không biết làm cách nào mà cả nhà ngồi chênh vênh trên mái, tay ôm cây kèo cao giữa nhà. Tất cả như một cơn mơ dài, khủng khiếp, làm Dong mê muội đi. Nước thấm vào người, Dong cũng không thấy lạnh và cũng không hề biết mưa đã tạnh vì đêm vẫn dài và đầy kinh hãi với những âm thanh nước réo khắp mọi nơi.

Bình minh đến càng làm lộ rõ những đau thương và khủng khiếp. Dong thức dậy và ý thức được sự vật đáng sợ dường nào. Xung quanh nhà không còn đường xá, vườn tược mà là một bể nước mênh mông vô tận. Nước tràn qua các chỗ trũng tạo thành những dòng xoáy, bứt gốc cây cối, mang luôn cả nhà cửa đồ đạc trôi đi trong dòng xoáy đỏ đục. Những căn nhà như những hòn đảo nổi, lềnh bềnh. Tiếng kêu cứu, tiếng la khóc vang lên từng chặp. Mẹ khóc lặng lẽ. Thằng Tèo chỉ giương cặp mắt sưng húp hoảng loạn nhìn trong khi bố phờ phạc tìm cách thoát ra khỏi tai nạn. Dong không còn nghĩ được gì, tim thắt lại từng chặp khi dòng nước cứ nhích dần lên từng viên gạch một. Mưa lại bắt đầu tuôn mạnh, cả gió nữa. Mẹ nói lạc giọng:

- Cóng đến chết mất.

Bỗng bố la lên, giọng khàn nhưng vang lớn.

- Cứu chúng tôi với, cứu chúng tôi với.

Bất chợt, Dong cũng la lên với những âm thanh tắt cứng trong cổ họng:

- Cứu với...Cứu với...


Cơn lũ đã rút đi để lại một cảnh hoang tàn đổ nát kỳ dị. Bùn đất nhão nhoẹt dưới chân. Đất bốc mùi tanh tưởi lợm giọng bởi chúng hòa trộn với xác thú vật chết, với cây cối ẩm thối.

Nhà Dong chỉ còn cái sườn và bốn bức vách rách nát. Cả khu vườn, chuồng heo, chuồng gà, không còn dấu vết. Bụi tre bê bết bùn treo tòn ten một cái áo cũ tả tơi.

Mẹ ngồi khóc rấm rứt. Bố và Dong ra sức dọn dẹp. Dù sao cũng cần một chỗ để ở.

Và khi tất cả tạm yên, Dong buồn bã nhìn kệ vở ở góc trong cạnh giường, trống trơn, không sách, không vở , không bút mực. Ngày khai trường đã qua rồi. Vùng bị lũ sẽ có một ngày khai trường mới, nhưng làm thế nào khi Dong và thằng Tèo đến trường với hai bàn tay trắng? Lũ đã cuốn trôi tất cả.

Bên kia sông, ngôi trường, nhờ ở trên ngọn đồi cao nên vẫn còn nguyên với mái ngói đỏ. Nay mai, bố sẽ đem về vài cuốn sách, tập viết. Dong sẽ nhường cho em, sẽ bao vở, làm nhãn và dắt em qua cầu sông Nậm, đưa em vào lớp. Còn Dong với cảnh nhà, chắc niên học nầy khó có thể đến trường. Những dự định tiêu tan. Ngày khai trường trở nên xa xôi không riêng cho một mình Dong mà rất nhiều bạn bè cùng tuổi. Đâu đây, hình như có tiếng trống đổ dồn giục giả.. Bụng Dong thắt lại như đêm nào dưới cơn mưa nhìn dòng nước lũ. Nhưng lũ rồi đã ngưng. Ngôi trường vẫn còn đó. Một ngày nào Dong sẽ trở lại trường, cũng giống như bây giờ, gia đình Dong trở về nhà, miễn sao trường không bị cuốn trôi trong cơn lũ. Dong quệt nước mắt. Trên mặt nước đục ngầu của dòng sông Nậm, những trang vở nhòe nhoẹt của ai đó đang lừ đừ trôi. Dong dùng thanh tre dài vớt lên, nhìn và khóc.


KIM HÀI.     


Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

MONG MANH














Tôi mang về nhà cũ
Mấy đóa hoa dậy thì
Nhà không còn ai cả
Ném xuống thềm, tôi đi…

Thềm rêu còn xanh biếc
Em thuở nào xa xưa
Theo dòng đời biền biệt
Tan mất vào hư vô.

Dấu hài xinh ngày nọ
Êm ả vườn cỏ nhung
Tôi về trong chiều gió
Nhìn quanh, lòng bâng khuâng.

Nụ cười thơm cỏ dại
Cánh hoa vàng mong manh
Em một đời xa mãi
Tôi một đời loanh quanh…

                            Tôn-nữ Thu-Dung

Nguồn : https://tranthinguyetmai.wordpress.com

 

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

NGƯỜI THỨ HAI


Truyện ngắn của Đỗ Nghê
 
Tôi yêu Mai. Điều đó chỉ mình tôi với một người thứ hai biết, dĩ nhiên không kể Mai. Tình yêu đó điên cuồng đến nỗi bây giờ mỗi lần nhớ tới là tôi còn sượng chín cả người, tôi phải nhắm mắt một lúc để khỏi nhìn thấy mặt mình phản chiếu qua lớp không khí chung quanh. Khốn nỗi mỗi lần nhắm mắt một lúc như thế, tôi lại nhắm khá lâu, vì lúc đó hình ảnh Mai hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Khi biết chắc là mình không có hy vọng gì, tôi đổ lỗi cho sự vụng về của tôi, cho những mặc cảm từ lâu đời xếp lớp trong tôi và cho tính tự ái ngụy trang thành tự trọng của tôi. Tôi tự dằn vặt mình ngày này qua ngày khác khiến vài bạn thân đã phải nhắc: Làm sao nên nỗi? Không khéo thuốc men có thể không qua khỏi mùa thu này. Người bạn dễ tin, nghe tôi kể chuyện liêu trai của một đêm nào đó, trong bóng mờ nàng hiện ra diễm ảo lạ thường…

Rồi những ngày đi bệnh viện, tôi tự nhủ phải quên Mai để đi đứng vững vàng, để mặt mày bớt hốc hác. Tôi chọn một thái độ cho là hợp lý nhất để trị bệnh tôi: ghét đàn bà. Không may cho tôi, bệnh viện tôi đến là một bịnh viện đàn bà – đàn bà bịnh và đàn bà không bịnh, đàn bà đẹp và đàn bà không đẹp… đi ra gặp đàn bà, đi lên gặp đàn bà, đi xuống gặp đàn bà… Tôi phải cố gắng hết sức để quên Mai. Tôi tự nhắc đi nhắc lại là làm sao cũng phải quên Mai.

Anh ngồi đợi “cas” đầu. Nỗi lo lắng chiếm trọn tâm hồn nên không còn chỗ cho Mai trú ngụ. Anh xin lỗi, dù Mai không yêu anh. Chiều nay, Mai đi học về, thế nào cũng có bọn lố lăng đón đường chọc ghẹo. Đó, anh bảo đừng làm con gái đẹp em có chịu nghe đâu!

– Có “cas 5 cm”* ông thầy nhận không này?

Tôi giật mình nhìn người nữ hộ sinh và gật đầu như cái máy.

– Ông cân đo cho bà ấy đi! – Cô bảo.

Người đàn bà còn trẻ, nhăn nhó vì đau. Nhất định em sẽ nhăn đẹp hơn bà này, Mai ạ. Bà sanh lần thứ mấy? Thứ hai à, tốt lắm. Bà đến tôi cân đo cho. Đôi mắt bà giống Mai ghê, nhưng kém tươi mát hơn Mai…

Sau khi làm đủ mọi “thủ tục” cần thiết cho một người đàn bà sắp sanh như thông nước tiểu, cạo lông mu xong tôi đưa bà ra nằm đợi ở phòng sanh. Lợi dụng lúc bà không đau tôi hỏi chi tiết để ghi vào hồ sơ cho đầy đủ. Anh nhất định không thèm nhớ tới Mai nữa…

Tôi hỏi thật nhỏ nhẹ, lời lẽ cân nhắc đắn đo sao cho người đàn bà nằm đây chờ sanh tin cậy nơi tôi mà không thẹn thùng khi phải trả lời những câu hỏi của tôi đôi khi như chạm đến bí mật riêng tư của bà. Tôi hỏi về gia đình bà, và những đứa con của bà. Tôi giảng giải cho bà nghe những giai đoạn trong việc sanh nở. Tôi nhớ mang máng có đọc trong tạp chí nào đó một phương pháp đẻ không đau nên thử áp dụng. Người đàn bà có học thức, bà hiểu những điều tôi nói dễ dàng.

Anh chợt thấy mình đang nói chuyện với Mai. Sao hôm nay Mai dễ thương thế. Hôm nọ anh thấy trong mắt em lẩn khuất vẻ tinh quái khó chịu, vẻ tinh quái của một con chồn sung sướng biết chắc chuồng gà quên đóng cửa đêm nay.

Những cơn đau thắt của người sản phụ làm tôi nhất định lần nữa không nghĩ tới Mai. Tôi loay hoay nghe tim đứa bé trong bụng mẹ – không biết là trai hay gái nhỉ, tim nó đập bình thường. Dụng cụ cần thiết cho việc cắt rún, áo quần em bé đủ cả, tôi chỉ còn chờ giờ bà sanh.

Trên bãi cát phẳng lì này, anh đã nằm nghe trời đất tự tình. Những đợt sóng lớn nhỏ đuổi nhau, đùa giỡn trên bãi, cuốn đến chân anh rồi ngại ngùng rút đi. Những con sò ca trên cát trắng. Em thấy còng gió đó không Mai? Nó chạy nhanh hơn gió. Đừng đuổi mất công. Để hôm nào anh đưa em đi xem cách người ta bắt còng nghe. Quê hương anh thật nghèo, thật đẹp. Rừng dương reo vi vu ru mình vào giấc ngủ. Ngoài xa đó, nhìn đi Mai, là một hòn đảo nhỏ, sò, hến, ốc, rong rêu, đá ngầm đủ thứ… Em có muốn đi xem không Mai?

– Uống nước được không ông? Tôi khát quá!

Tôi giật mình:

– Được, bà uống ít thôi nhé.

Rồi đi lấy nước cho bà uống. Bây giờ thì bà đã đau rột. Tôi bắt mạch, đo thời gian co tử cung, rồi nói chuyện cho bà nghe để bà quên đau. Lấm tấm trên trán, trên mũi bà đọng mấy giọt mồ hôi – giọt mồ hôi của những người mẹ hợp với nước mắt của họ làm thành biển mẹ bình bồng những đứa con – tôi nghĩ về mẹ tôi một cách biết ơn hơn bao giờ hết.

Tôi thăm lại cổ tử cung và cho bà biết bà sắp sanh được. Tôi ghi thêm vào hồ sơ “Tête en OIGA”**. Không biết em OIGA hay OIDP hở Mai? Mới đó mà mười tám năm đã qua, giờ em ngồi nói chuyện với anh một cách nghiêm trang, một cách tinh quái, một cách kiêu hãnh, còn anh, anh vẫn tự hỏi em lúc sanh ra theo “position” nào, OIGA, OIDP…? Mười tám năm rồi, tóc em giờ xanh mướt những sợi tóc lòa xòa lạc lõng trước trán và hai lọn tóc buông thõng cuốn tròn ôm kín khuôn mặt em đã nhiều lần làm anh muốn ngộp thở…

– Tôi muốn rặn quá ông ơi!

Người đàn bà cắn môi, nhăn mặt, chuẩn bị rặn. Tôi khuyên hãy đợi một lát, chờ cho cổ tử cung nở hẳn, để tránh nguy hiểm về sau. Bà uốn cong người, nhịn rặn, hả miệng to để thở và những giọt mồ hôi gặp dịp tốt không quên túa ra, tụ lại, chảy xuống thành dòng…

Tôi đặt tay lên bụng bà, lo lắng, thầm khấn cho bà sanh dễ dàng, mau chóng…

Mười phút sau, cổ tử cung đã nở hoàn toàn, đầu em bé đã xoay sang OP, tôi cho bà rặn. Lúng túng một cách “lành nghề”, tôi “đưa” em bé ra không gặp trở ngại gì, dù đây là lần đầu tiên tôi thực tập đỡ đẻ.

– Con gái nghe bà! 10g15.

Người mẹ cười, nụ cười không từng thấy ở đâu.

Trong mắt bà tôi thoáng đọc những lời cảm tạ, tôi vội trao lời cảm tạ này cho Thượng đế vì không muốn làm gian thương. Tôi không có công gì hết.

Tôi cắt rún em bé, hút “nhớt dãi”! Dù sao đứa bé cũng đã khóc ngay từ lúc ra khỏi lòng mẹ. Tôi mỉm cười hài lòng. Em bé gái nặng hơn ba ký thật xinh, tay chân bé tí teo, ngo ngoe hỏi chuyện. Tôi băng rún, lau rửa, nhỏ thuốc vào mắt, mặc áo cho bé xong, mang đến đặt bên mẹ nó. Người mẹ nghiêng mình nhìn con trìu mến… Tôi lo lấy nhau ra và làm những “thủ tục” cần thiết sau khi người đàn bà sanh. Hơn một giờ sau, tôi thở dài nhẹ nhõm, đẩy xe hai mẹ con ra cho người y công đưa về phòng.

Tôi lang thang xuống lầu. Nỗi cảm xúc lâng lâng không tên tuổi chiếm trọn chỗ của Mai. Tôi mong những cảm xúc mới này có thể giúp tôi quên được Mai. Đột nhiên, tôi có ý muốn viết thư cho Mai, kể lại những việc đã làm, đã nghĩ, nhưng tôi vốn yếu đuối, dù đam mê cũng không đủ can đảm.

Lòng vẫn còn bồi hồi, tôi xuống phòng nhận bịnh, nói chuyện bâng quơ với các bạn sinh viên ở đó.

… Lúc em bước vào phòng này ánh sáng và gió theo vào làm anh lóe mắt. Em nhăn nhó vì đau, người nữ hộ sanh hỏi:

– Có “cas 5 cm” ông thầy nhận không này?

Anh ngỡ ngàng bắt gặp đôi mắt của em, đôi mắt không bao giờ anh quên hôm đó. Anh cúi nhìn nơi khác. Làm sao anh có can đảm nhận “cas” là em hở Mai?

– Mơ gì đó, 12 giờ rồi, về chứ!

Một anh bạn vỗ vai tôi.

*

Hôm sau, tôi đến thăm người sản phụ ở phòng. Hai mẹ con khỏe mạnh. Hôm nay bà đẹp hơn hôm qua nhiều.

– Bà đặt tên cho em bé là gì?

– Dạ Mai. Quỳnh Mai!

– Ủa! sao bà biết?

Người sản phụ mở to mắt ngạc nhiên nhìn tôi đang ngạc nhiên nhìn bà.

Đỗ Nghê            
(Bv Từ Dũ, Saigon 1965)
_____________
(*) Độ nở tử cung khi chuyển dạ.

(**) OIGA, OIDP, OP: Chữ tắt chỉ vị trí, tư thế của đầu thai nhi so với khung xương chậu của người mẹ.




Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

SI TÌNH


I.

Mười một giờ đêm, khách đã bắt đầu lục đục ra về, anh và em đã bắt đầu ngáp vặt, (chúng mình thân nhau quá mà, điều này đâu còn phải là cái để gọi là “xúc phạm” nhau như hồi mới quen cách đây hai năm!).

Trình tự một buổi cà phê đã diễn ra đủ: đã kể chuyện cơ quan anh, ở lớp em cho nhau nghe, đã chửi người này, khen người nọ, xong đến chuyện hai đứa, lại giận nhau, rồi khóc, rồi xin lỗi… và đến mục kể chuyện cười, những chuyện không vui lắm cũng cười (đôi lúc, trong bóng tối, em cảm thấy mình thật giả dối, những cơ cười cứ nghệch ra cầu tài…)

Mười giờ đêm, trời bắt đầu lạnh. Anh vu vơ hỏi em tên một nhà văn nữ. Em bảo em có đọc và ái mộ lắm lắm con người ấy, đôi mắt mở to ấy… mà có lần em được nhìn thấy ngoài đời thật. Anh bảo: “Đọc truyện thấy ngồ ngộ”. Anh mà cũng đọc truyện sao? (Một lần, anh bảo: “Ghét tiểu thuyết, anh chỉ đọc sách vớ vẩn, đại loại “Bạn biết gì về cá voi” hay “Tâm lý phụ nữ”… chẳng hạn, đọc trong lúc nghỉ ăn cơm, vớ được một quyển, hay tối về, đợi giờ đến nhà em…”)… Vậy nên em hào hứng kể cho anh nghe về những gì của chị X. mà em đọc được, mười giờ đêm, em mơ màng với những cốt truyện nhân ái em yêu. Anh lại bảo: “Em về tìm lại cho anh mượn nhé!”. Và em “Vâng!”, và sự khổ sở trong tình yêu của em lại có thêm một chi tiết mới.

II.

Từ đấy, anh không quay lại nữa. Ngày hẹn, am mặc áo xanh thêu hai hàng lá đen mọi rợ, đợi anh đến. Mẹ em bảo: “Tao nghi lắm, nó luôn luôn sai hẹn!” Em cũng nghi lắm (kinh thật, sao em có thể chịu đựng được tình trạng phập phồng này trong suốt hai năm nhỉ?)… Rồi cũng như những lần trước, em nằm vật ra, úp mặt vào cái chăn lông vịt, thấy mình như chết lặng đi, em nghĩ: “Hết rồi!”

Lần này bình tĩnh hơn, em nằm xuống, vạch ra ngay trong đầu một kế hoạch sống mà không có anh, một đời sống gần như là tu hành, có điều, không có vị thần nào để em thờ phụng cả. Mẹ em bước vào phòng, dè dặt: “Con có đến cơ quan tìm nó không?” - “Để làm gì?”, em thấy, thật chẳng để làm gì. Mẹ em dè dặt mà giận: “Nó tệ quá!”, em phì cười: “Tệ gì, người ta không yêu, ép sao được!”. Ép sao được, càng ngày em càng thấy anh chủ tâm xử tệ để em đừng yêu nữa, có lẽ em cảm thấy anh tốt quá, phần “nghĩa” của em đè nặng lên vai anh quá, nếu nói trắng ra: “Thôi nhé, tôi không yêu nữa”, thì có vẻ hơi kinh, nên anh chọn cách nhân đạo hơn, anh làm những việc không ra gì để em tự quyết định… Và rồi cũng có hiệu quả, em cũng đau đớn nhận ra chuyện tình của mình gồm tám phần nghĩa, hai phần tình. Thật khốn nạn cái thân em, từ bé vẫn mơ mộng một mối tình với tám phần tình, hai phần nghĩa!

thật, mẹ em lúc nào cũng tỉnh táo mà quan sát mọi việc, nhượng bộ em vài cọng chiếu này cũng không được sao? Nó an ủi em phần nào đấy chứ!

III.

Em cầm cái chổi lông gà đã bị bầy chó con gặm chơi hết một nửa, một cái ghế đẩu, xuống nhà phụ đựng sách. Ở đây có năm dãy kệ cao hai thước, đứng xếp hàng, mạng nhện nhiều vô kể và mái tôn hầm hập nóng. Trên kệ, vô thiên lủng tổ tò vò, một con tò vò đang cong đít bên cái tổ như cái nậm rượu, em lấy cán chổi đụng vào nó, tò vò hoảng hốt bay đi, rồi vo một nùi mạng nhện, em nhét vào cửa nhà nó. (Một lần thấy em làm thế, có điều, em nhét bằng cơm nguội, anh bảo: “Em ác quá!”. A, anh là người luôn luôn mắng em ác!)

Em đi lần lượt từ cái kệ sát tường, từ tầng dưới lên tầng trên, hắt hơi liên tục vì bụi. Trong đầu em chỉ còn một hình ảnh duy nhất là cái bìa sách có vẽ một mảng cỏ úa làm nền cho hai chữ tựa sách bằng mực đen to cộ. Sách ra đã được năm năm, em đọc đi đọc lại cũng vài lần, một tập truyện về những khu vườn, những người yêu nhau, về một ông thầy giáo già… (Em nghĩ, nếu anh được đọc, có thể anh sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới: Thích đọc truyện).

… Em đi lẩn thẩn giữa những hàng kệ tăm tối, ẩm mốc. Trong đống báo cũ, em nhặt được một quả trứng gà ( gà nhà em có tật xấu đẻ rơi khắp nơi), trong đầu em ngay lập tức tưởng tượng ra cái cảnh tường thuật lại cho anh chi tiết này. Em lục được một chồng hồ sơ cũ, hồi ấy chữ còn tròn trịa, chữ “g” có một cái đuôi như một cái móc tay mời gọi. Sổ nào cũng ép vài tờ thư dở dang hay vài trang nhật ký. Không phải tờ nào cũng viết về anh, em sửng sốt vì thấy rằng mình cũng có lúc đau lòng vì người này, người nọ, khi đã có anh. Em yêu mình lắm, nên em không kết cho em cái tội “ngoại tình”, em gọi là “chọn lựa”… Em chợt hoảng lên, trước khi em lấy chồng một tháng, hẳn em sẽ phải giở lại từng quyển sách trong nhà, nhặt lại hết những tờ giấy ma mãnh này và ông chồng em sẽ an tâm rằng mình là mối tình đầu!

… Thất bại thảm hại, quyển sách không có gì ở đây. Em kê cái ghế ra trước cửa phòng ngồi hóng gió. Gió không có, nắng như đổ lửa, chị em hái đậu quyên mà mặt nhăn nhăn nhó nhó, hỏi: “Tìm sách cho nó à?”. Em thách thức: “ờ”, rồi em lảo đảo muốn ngã, anh có cần lấy sách đâu, anh hỏi vu vơ thôi mà, lúc ấy khuya rồi, hết chuyện rồi, anh hỏi vu vơ thế thôi, còn em, em thần thánh mỗi lời anh nói, em cầm cái chổi lông gà xông pha vào đống mạng nhện, vào đống bụi, vì anh.

IV.

Rồi một người hiền đến với em. Tối thứ bẩy hàng tuần (sách vở như bao cặp tình nhân khác!), “Người hiền trên núi” ấy lặng lẽ ngồi ở cái bàn học của em, chờ đợi. Nếu may mắn trời mưa, em sẽ ở nhà, nếu trời tạnh ráo, em biến đi từ sớm cùng vài đứa bạn gái, để chín giờ tối về, đảo qua đảo lại vài câu rồi xin lỗi, vào buồng nằm thẳng cẳng, nghe ngoài kia, tiếng chào lí nhí và tiếng xe buồn bã lùi xa. Một lần, tụi bạn mách em, anh đi đâu ngoài phố, với một thằng bạn trai, anh phóng xe như bay, đẹp lắm với cái đầu vô cùng lạ mắt. Tụi bạn an ủi: “Thứ bẩy mà đi chơi với bạn trai, chắc là chưa có bồ mới!” (Trời ơi, tụi nó vô tình nhắc lại thói quen của hai ta, anh và em căm ghét ngày thứ bẩy, nó chật chội, đông đúc, ai cũng như ai. Và em trọn ngày thứ Tư làm thứ bảy để hẹn hò).

… Tối thứ bảy đó, em nằm nhà. Người hiền kia lại đến, gõ lạch xạch vào cái cổng tôn han rỉ phủ đầy tigôn rồi lí nhí mời em đi “uống nước”. (Anh ấy không dám dùng từ “cà phê”, sợ rằng sẽ xúc phạm em. Tội nghiệp!). Em ngồi sau xe, thẳng đơ, hai tay khoanh lại, ngửa mặt nhìn trời. Hai bên đường là đất mờ mờ ánh trăng, xe đi ngang vạt đất trồng vạn thọ, em hít thở hương hoa hồng ấy mà ứa nước mắt. Em bảo: “Đừng đi xa, mệt lắm rồi!”. Vào một quán nước bé tí, ghế mây thấp lè tè trên nên cát sỏi sạch sẽ, một anh chủ quán bé tí ưỡn ẹo đi ra, hỏi: “Anh chị dùng chi?”, anh bạn lại quay sang lịch sự: “Em dùng gì?”, em cáu tiết: “Cho bình trà!”, rồi em lấy tay ôm mặt, trong cái tư thế bất lịch sự ấy, em ngồi, nghe một người đang chịu đựng em, như em đã chịu đựng anh, như anh đang chịu đựng ai (biết đâu!), và cũng biết đâu, có một đứa con gái hiền lành đang chịu đựng anh bạn ngồi cạnh em bây giờ! Luẩn quẩn, em tưởng tượng ra một cuộc rượt bắt vĩ đại, em thấy mình mệt quá rồi, thấy mình ngu dại, sao không quay lại mỉm cười với cái người đang đuổi mình, rồi cả hai sẽ cùng nghỉ mệt dưới một bóng cây, như cây xoài ở cái quán này chẳng hạn.

V.

Đến lúc này, em đã có người yêu mới, một người làm em thanh thản đến mức có thể ngủ quên đến tận giờ hẹn mỗi tối thứ bẩy, nghe tiếng gọi cửa, em bật dậy cười thầm: “Thế này sao gọi là yêu?”. Một người thật đến độ em không nỡ nói dối. Anh sẽ hỏi: “Còn nhớ không?”, nhớ lắm chứ, nhớ đến phát điên. Cơ quan của anh, căn nhà quét vôi hồng ấy em không dám đi qua lần nào, em đi học bằng một nẻo vòng vèo khác, ngang qua một khu chợ nhỏ, có một anh giữ xe đạp mắt lác vẹt đứng căng dây từ tờ mờ đất, qua một trường cấp một, trẻ con buổi sáng mắt nhắm mắt mở, khăn quàng xộc xệch đến lớp… Em đi cái đường vòng vèo ấy, xa xôi cốt để cho anh không phải thấy mặt, để anh không bị ám ảnh bởi cảm giác có một đứa theo đuổi, làm phiền.

Hàng ngày em làm việc như một cái đồng hồ. Sáng nghe bính boong chuông lễ, em mở mắt ra, việc đầu tiên là nghĩ đến anh như một thói quen, kế đến là bình thường an tưởng đến người hiền. Rồi em rửa mặt, đánh răng, nấu một nồi cơm, nhét chặt cùng rau thịt vào một cái lon guygô mà đến lớp. (Em tưởng tượng anh sẽ cười khi biết em bắt đầu có cái trò làm nhà lành này!). Ở lớp em lặng lẽ làm đủ số việc được giao, buổi trưa, ở một góc hành lang, em lặng lẽ mở nắp lon cơm đọng đầy nước, rồi ngủ một giấc ngắn ngủi với vài cơn mơ lẫn lộn… Sáu giờ tối, em về nhà. Ở cửa, em hỏi mẹ: “Có thư không?”, mẹ em sẽ uể oải: “Không!”. Em sẽ vào nhà, ăn cơm, nghỉ một chút rồi học bài. Để tám giờ ba mươi tối, ngày nào cũng đúng giờ ấy, em dành mười lăm phút để mở lại báo cũ xếp thành từng chồng lớn trong nhà, em tìm ở trang “Sáng tác” cái tên X. hay những gì liên quan đến X. rồi em cắt ra, tỉa góc tròn, phủi bụi, cho vào một cái phong bì to dán bằng bìa cứng, mà ở một góc, em đề chữ tắt, tên anh.


PHAN THỊ VÀNG ANH

Nguồn :  http://www.dutule.com

 

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

CHẤT NGỌC


đất Hào Dương có gã Sầm Hiệu sống nghề cày cuốc, tính tình thẳng thắn nhưng rất thô lỗ cộc cằn. Trong buổi tụ họp đông đảo nếu Sầm mở lời cười đùa, thế nào cũng làm mất lòng trên ba bốn người là ít. Tính Sầm lại vốn ghét sự làm thinh, thấy gì trái ý thì nói chẳng nể nang gì nên đám bạn bè nhiều kẻ xa dần. Con gái trong thôn chưa chồng kể cũng khá nhiều, vậy mà Sầm không bắt tình được với cô nào. Hễ Sầm mở lời chòng ghẹo thì y như các cô đều háy nguýt, ngúng nguẩy bỏ đi. Nhiều cô gặp Sầm, vội vã rẽ ngang đường khác. Cha mẹ của Sầm già nua, thấy con lớn tuổi mà vẫn nằm ngủ một mình lấy làm thương lắm, thường mượn mai mối dọ hỏi nhiều nơi nhưng vẫn không một nơi nào ưng thuận. Một hôm đi thăm quê ngoại trở về, Sầm ghé qua núi Trúc Sơn, thấy ngôi cổ mộ của Lý Thiên Vương cỏ mọc um tùm bèn ngồi mà nhổ. Xế chiều, dọn cỏ gần xong bỗng thấy một cô gái lớn từ trong hốc núi đi ra, tay xách giỏ rau. Thấy Sầm, cô gái bèn nói:

- Con cháu bất hiếu dữ ha! Đã bao năm nay mới thấy tìm đến nhổ cỏ!

Sầm trợn đôi mắt tròn xoe, quát rằng:

- Nói thế mà chẳng ngượng mồm! Ta vốn họ Sầm, nào thân thích gì với họ Lý đâu? Nhưng Thiên Vương đây là người lính già đã hơn mười lần đuổi giặc để cho thôn xóm bình an, chẳng may lại bị giặc giết, thế mà chẳng có một ai quét dọn mộ phần, để cho gai bám bụi lùm như nơi hoang địa. Ngày nay, hỏi chúng ta đây được sống yên ổn, thì ai chẳng tự xem mình như là con cháu Thiên Vương mà còn phân chia dòng họ? Ngươi vốn là dân vùng này, tuy là phụ nữ nhưng chẳng lẽ quên anh hùng, lẽ đâu cứ ngồi đợi kẻ ở xa dọn cỏ thế này? Hay là ngươi cho rằng chỉ mộ phần của hàng tướng lãnh mới đáng hương trầm khấn vái mà khinh nấm đất của hạng sĩ tốt vô danh?

Cô gái đặt bó rau xuống, chắp tay, ôn tồn:

- Thiếp xin chịu lỗi đã dám lỡ lời xúc phạm, nhưng dù không phải là người vùng này, hằng năm vào tiết thanh minh thiếp cũng đến đây dọn cỏ cho người dưới mộ. Nếu không, nơi đây gai đám bụi lùm đã giăng phủ kín mất rồi.

Sầm vội kêu lớn:

- Thế thì ta lỡ lời rồi! Thật ta ngu hơn một con heo nhỏ! Mong nàng coi như ta không có nói lời nào.

Nói rồi phủi tay, cắp nón chuẩn bị lên đường. Cô gái nép bên vệ cỏ, nhường bước cho Sầm:

- Trời đã xế chiều, rước chàng đi trước kẻo đàn bà đợi ở nhà.

Sầm cười rất to:

- Ta chưa có vợ, làm gì mà có đàn bà đợi chờ?

Cô gái tỏ ý ngạc nhiên:

- Lớn tuổi thế này mà chưa có vợ thật sao? Hay là chàng quyết ở vậy một mình?

Sầm đáp:

- Dại gì mà ở một mình! Ta cũng thích cưới vợ lắm, nhưng đã dọ hỏi nhiều nơi mà các cô gái thảy đều một mực chối từ.

Cô gái bèn hỏi:

- Chê chàng điều gì?

- Chê ta ăn nói vụng về khó nghe.

Cô gái mỉm cười:

- Lấy nhau, đâu phải vì nơi chót lưỡi đầu môi.

Rồi nàng e lệ nói tiếp:

- Nếu chàng không chê thiếp xấu, thì xin vì chàng sửa trắp nâng khăn.

Sầm không giấu được mừng rỡ, la lên:

- Hay lắm! Ta cũng có nghĩ điều ấy, nhưng sợ nói ra lưỡi vấp gai chông của thái độ nàng.

Cô gái bật cười:

- Bây giờ chàng nói rất hay rồi đó.

Cô gái tên là Chúc Anh, họ Diệp, ở Hoàng gia trang, cách quê Sầm Hiệu hơn chục dặm đường. Mồ côi cha mẹ, nàng ở với một người cô, hết lòng hiếu thảo. Ông bà thân sinh Sầm Hiệu khi nghe tỏ rõ tình đầu hãy còn nghi hoặc, nhưng sau cho người dò hỏi biết được sự thực thì lấy làm mừng. Sau lễ dạm hỏi, Sầm Hiệu năng đến thăm viếng Chúc Anh, hai bên rất là ý hiệp tâm đầu. Mùa xuân năm sau, song thân Sầm Hiệu chuẩn bị lễ cưới cho con thì gặp dịp quan Tổng trấn Hào Dương ra lệnh tuyển mộ thanh niên gia nhập vào đội Phòng vệ, vì lẽ tình hình trong trấn ngày càng thành bất trị. Sầm Hiệu từ giã cha mẹ và nàng Chúc Anh lên đường. Quan Tổng trấn này họ Trầm, tên là Chính Hiệp. Tên nghe rất tốt mà người rất dữ. Tay quan lúc nào cũng vung vẩy con roi sắt, miệng quan gào thét như khạc gươm đao, nhân dân đứng trước mặt quan ai cũng run sợ cúi đầu. Quan thích như thế, nhưng dân chẳng ai lấy thế làm thích.

Từ khi quan về Hào Dương thì cảnh đói khổ càng tăng, trộm cướp mọc lên như nấm. Quan bèn cho in nhiều sách thánh hiền giáo huấn tung ra khắp nơi cốt để ổn định nhân tâm. Sách không ai đọc vì đa số dân đều không biết chữ. Những người biết chữ thì không có đủ thì giờ xem sách. Một số có thì giờ xem, thấy sách nói toàn những chuyện xa xôi, bèn sinh bực tức muốn đi ăn cướp.

Quan bèn lập ra một đội Phòng vệ để mà đàn áp nhân dân. Bệnh không chịu chữa từ gốc, nên chận chỗ này lại phát chỗ kia. Gặp năm trời làm thiên tai, nước sông Bạch Hà tràn kên sáu dặm ngâm mùa suốt một tháng trời, dân chúng cả miền Trà Lý phải hái rau cỏ ven núi mà ăn. Kịp đến vụ thuế, quan bắt dân nộp, tiếng dân kêu trời như bộng. Xã trưởng bị quan dồn vào thế bức, thắt cổ mà chết. Quan truyền cho lính Phòng vệ kéo về Trà Lý bắt trói những chủ gia đình đem về hạ ngục. Khi đội Phòng vệ sắp sửa lên đường, Sầm Hiệu ra trước mọi người, nói to:

- Chúng ta nhất quyết không đi!

Quan bèn nạt lớn:

- Kẻ nào trái lệnh thì ta chặt đầu!

Sầm Hiệu vẫn cứ la to:

- Chặt đầu thì chặt, dân đói thì dân phải kêu, không thể bắt dân giam vào ngục được.

Quan thét:

- Phản tặc! Mày không biết mày là lính nhà quan hay sao mà dám cãi bướng?

Sầm Hiệu bèn ngẩng cao đầu, dậm chân, trợn mắt cãi lại:

- Ta ăn hột gạo quan cho nhưng lúa gạo ấy chính là do dân làm lụng cực khổ mới có. Bọn ta thật sự là lính nhà dân đấy thôi. Khi nào quan cùng với dân một lòng, một dạ thì ta là lính nhà quan. Nay quan hại dân, thì quan là đồ phản tặc, ta quyết chống lại.

Tổng trấn hạ lệnh đao phủ chặt đầu. Bọn đao phủ thấy Sầm Hiệu mặt đỏ bừng bừng, mắt trợn tròn xoe, vành môi mím lại trong một khí phách kiêu dũng lạ thường, thảy đều khiếp sợ không dám lại gần. Quan phải đòi chặt đầu luôn cả bọn, chúng mới xông vào bắt trói Sầm lại rồi đem cột vào cây trụ, khai đao. Lạ thay, chém trên mười nhát mà đầu Sầm vẫn trơ trơ. Đao phủ thảy đều khiếp sợ, xanh xám mặt mày. Quan bèn nạt lui mọi người, rút thanh bảo kiếm chém liền ba nhát nhưng hễ mỗi lần lưỡi gươm bén đến da cổ thì hình như bị sức mạnh lạ lùng bật tung trở lại. Quan cũng thất sắc. Sầm Hiệu tuy bị quỳ gối, trói xấp ké vào cột trụ nhưng đầu vẫn cứ ngẩng cao, cả mắt cả miệng đều biểu lộ sức phẫn nộ mãnh liệt lạ thường.

Quan bỗng nảy ra độc ý, truyền bắt cha mẹ của Sầm, cả nàng Chúc Anh về dinh rồi truyền cho lính xử trảm. Khi bọn đao phủ đem thanh kiếm còn dính máu khoa lên trước mặt thì Sầm Hiệu chợt thất sắc, cúi gục đầu xuống, nhưng rồi lại ngẩng đầu lên. Lưỡi gươm chém vào da thịt, máu tuôn xối xả từng dòng nhưng đầu vẫn không chịu rụng. Quan truyền chặt đầu những người chống thuế ở thôn Trà Lý vừa mới giải về. lạ thay, lưỡi gươm dính máu nhân dân chạm vào da cổ thì đầu Sầm Hiệu cũng rơi xuống đất.

Tổng trấn hạ lệnh ném xác Sầm Hiệu xuống biển. Trời rất giá buốt, mưa tuôn dầm dề, nửa đêm mấy người thuyền chài lặn xuống mò xác rồi đem vào chôn dưới núi Hào Sơn. Mấy ngày sau đó, không ai bảo ai mà trên mộ phần luôn luôn có đặt hoa quả hương trầm. Ngôi mộ mới đầu nhỏ bé, nhưng mỗi một người đến thăm bỏ vào nắm đất, nhiều ngày ngôi mộ trở nên cao lớn, uy nghi. Ban đầu người ta còn đi cúng lễ lén lút, lần lần người ta kéo đến khấn vái ngang nhiên, biến ngôi mộ phần của Sầm thành nơi hiển địa. Ngôi mộ càng lớn, tên tuổi Sầm Hiệu càng được lan xa, kỷ niệm của Sầm ở nơi lòng người càng thêm sâu đậm.

Tổng trấn biết sự tình lấy làm giận lắm, truyền quân khai quật mộ Sầm để lấy hài cốt hỏa thiêu. Khi quân đào xuống thì xương cốt Sầm đã rời rã từ bao giờ, hòa tan với đất thấm vào cây cỏ, chỉ duy còn lại một khối ngọc hồng như kết tinh lại máu huyết uất hận từ tim.

Quân đem khối ngọc về trình Tổng trấn. Vốn có máu tham, quan truyền rửa ngọc rồi đem cất kỹ trong nhà. Tối đến, quan thấy ánh sáng tỏa khắp gian phòng. Nhìn vào khối ngọc quan bỗng giật mình thấy khuôn mặt Sầm hiện lên, phừng phừng lửa giận, mắt trợn tròn xoe, nhưng hai vành môi trễ xuống trong một nỗi niềm thương cảm vô biên. Tổng trấn khiếp sợ, mồ hôi tuôn vã như tắm, vội vàng nhét ngọc vào rương, khóa kỹ, nhưng ánh sáng vẫn chiếu ngợp cả phòng. Thâu đêm quan không ngủ được, giật mình thấp thỏm nhiều phen, cứ vừa chợp mắt là thấy khuôn mặt dị thường của Sầm hiện rõ.

Mờ sáng, quan truyền quân lính đem ngọc ném xuống một vực biển sâu. Tối đến, mặt bể sáng tỏ một vùng. Ánh sáng rực rỡ long lánh xuyên từng lớp nước, chói rạng hào quang, những người thuyền chài mò xuống để tìm khối ngọc. Ngọc không thể giữ làm món của riêng, được truyền đi khắp và những kẻ nào ước ao được gặp mặt Sầm bây giờ náo nức tìm xem ngọc quí. Nhìn đế khuôn mặt, thấy niềm thương cảm đọng ở bờ môi, lửa giận phừng trên đôi mắt, ai cũng chan hòa giọt lệ. Giọt lệ rơi trên khối ngọc làm cho chất ngọc sáng tỏ lạ lùng. Nước mắt dội xuống càng nhiều, ngọc càng chói sáng. Tiếng đồn càng xa và quan Tổng trấn lại thêm một phen nổi trận lôi đình. Quan bèn hạ lệnh tịch thu viên ngọc, lần này không phải giữ lại để làm của quí mà truyền đao phủ đập tan.

Bao nhiêu sức búa vẫn không chuyển lay khối ngọc. Búa càng nện, ngọc càng lì, người ta tưởng như qua lời búa nện vang vang nghe giọng căm hờn của người lính trẻ. Tổng trấn nhớ lại thanh gươm vấy máu ngày xưa. Và khi lưỡi gươm còn đọng chất máu nhân dân vừa chém thẳng xuống, ngọc vỡ tan thành mảnh nhỏ trăm muôn. Ở trong mỗi mảnh hồng ngọc lưu ly lại có bóng hình Sầm Hiệu, cùng với nỗi hận niềm thương ở trên cặp mắt, đôi môi.

Từ đấy, bao nhiêu mảnh ngọc lại được truyền đi trong phắp dân gian. Thiên hạ lưu giữ ngọc ấy làm một bảo vật gửi lại đời sau. Ngày nay, có nhiều người lính còn mang trong lòng chất ngọc lưu truyền, chất ngọc tượng trưng cho sự kiên quyết bảo vệ lẽ phải và long thiết tha yêu mến nhân dân.


1-1960     
VŨ HẠNH