Thứ Tư, 27 tháng 12, 2023

ĐẦU ĐƯỜNG XÓ CHỢ - Nhất Linh

 
Từ năm Thầy tôi mất, anh chị tôi rời bỏ chốn quê nhà đi tha hương cầu thực, đến ở một túp lều tranh ở ngay đầu chợ C. Bắt đầu từ đó, tôi bỏ cái đời cũ là cái đời một cậu con quan ăn sung mặc sướng, bước chân vào một cuộc đời riêng mới cho tôi: tôi gọi là một cái đời đầu đường xó chợ. Năm ấy tôi mới mười ba tuổi.

Cái xã hội xó chợ ấy khác hẳn với cái xã hội quý phái của tôi ngày trước: nhà gia đình bác Tèo bán bánh đúc, vợ chồng bác xã Tắc kéo xe, mẹ con nhà hai Lộ bán nồi đất.

Từng gia đình nho nhỏ lúc nhúc trong những gian nhà xiêu vẹo, tối tăm, bẩn thỉu. Trước nhà một cái rãnh dài, đầy những vỏ dưa, lá chuối, giẻ rách.

Thật là một xã hội xấu xa, mà xấu xa vì nghèo khổ quá. Tự nhiên tôi đem lòng mến những đứa trẻ cùng trạc tuổi tôi của những gia đình hèn hạ ấy: Cái Nhớn, thằng Cu, con Tẹo là bạn tôi cả. Tôi đã trông thấy chúng nó ăn cả bữa cơm có dúm muối, vài quả cà thâm hay đĩa rau sam luộc; tôi đã thấy chúng nhặt những gốc mía người ta vứt đi mà chia nhau hít cho đỡ thèm, nên tôi thương. Chiều mát tôi đi với chúng ra đồng, xem chúng đặt những cái lờ vào các lạch con để bắt tôm cá. Chúng được nhiều tôm cá, tôi cũng mừng hộ và tôi đợi đến bữa cơm của chúng để xem trong mâm có được thêm đĩa cá rôi kho hay mấy con tôm đỏ nào không.

Người mà tôi quý nhất hồi đó là chị Hiên, vợ một người phu xe ở xế cửa nhà tôi.

Nguyên anh chị tôi được lĩnh một cái ty bán thuốc phiện, nên chị Hiên thường lui tới mua thuốc cho chồng. Lần đầu tôi trông thấy chị ta, tôi đem lòng thương hại ngay. Bây giờ tôi mới rõ rằng tôi có cái cảm tình đó vì chị Hiên còn trẻ, xinh và có duyên, lại lấy phải anh chồng nghiện ngập, xấu xí.

Nhưng chị Hiên thì không nghĩ như tôi. Cả ngày chỉ cặm cụi ngồi đan lờ trong khi chồng đi kéo xe vắng. Hôm nào chị bán lời được một hào, chị mua cho chồng một hào thuốc thì chị lấy làm vui vẻ, sung sướng lắm.

Chị không nghĩ gì đến thân chị, có cái ao nâu đã bạc, đã vá tay, vá vai, vá lưng mà chị không chịu để dành tiền may áo mới.

Trí non nớt của tôi không sao hiểu được các hành động của chị đối với một người chồng nghiện ngập, hèn hạ như thế.

Một hôm, tôi sang bên nhà chị, thấy chị ngồi gục đầu vào cánh tay, bên cạnh mấy chiếc lờ đan dở. Tôi vào chị ngẩng lên nhìn, hai con mắt như có ngấn lệ. Tôi vừa định quay ra thì chị tay vẫy tôi lại gần nói khẽ:

- Này cậu, cậu có một hào, cậu cho tôi vay vài hôm tôi trả.

- Tôi làm gì có tiền cho bác vay! Bác vay làm gì?

Chị Hiên lẳng lặng chỉ vào trong buồng. Tôi hỏi:

- Bác trai đau phải không? Ốm hay sao mà rên dữ thế?

- Cậu ạ, hai ngày hôm nay, nó lên hai cơn sốt rét, không đi kéo xe được. Nhà không có tiền, tôi phải nhịn cơm từ hôm qua, nhưng nguy nhất là hết tiền mua thuốc. Ðã ốm mà cơn nghiện lên thì chết mất. Hay cậu về nhà ăn cắp ở nhà một hào chỉ cho tôi vay.

Tôi mỉm cười, lắc đầu:

- Chiều tối bác mang tiền lại mua thuốc, tôi thêm cho ít nhiều thì họa may... còn tiền thì tôi không thể nào có được.

Vừa lúc ấy con gà trống to của anh chị tôi nuôi lởn vởn đến bên cạnh mẹt vừng của chị Hiên phơi trước cửa. Chi. Hiên tay xua con gà miệng nói đùa:

- Giá được con gà này mà bán thì chồng tôi tha hồ hút.

*

Ðã khuya, nhà tôi đóng cửa đi ngủ, bỗng có người gọi mua thuốc.

Tôi nhanh nhẹn cầm cây đèn Hoa Kỳ ra vì tôi biết chắc đấy là chị Hiên mua thuốc cho chồng.

Qua khung cửa bán thuốc, một cái bàn tay thò vào cầm một cái vỏ hến trong có một hào chỉ đã nhẵn mặt. Chị tôi cầm lấy đồng hào nhìn đi nhìn lại rồi nói:

- Ðưa hào khác thì bán, hào này nhẵn mặt lắm không tiêu được.

Tôi lo lắm, và tôi chắc chị Hiên đứng ngoài còn lo gấp mấy. Tôi vội bảo chị tôi:

- Thôi, chị cứ nhận cho người ta, mai trả nhà đoan cũng được.

Tôi không dám nói rõ vì tôi biết chị tôi ghét vợ chồng nhà này lắm.

Khi chị tôi cân thuốc xong, quay lưng đi, tôi vội cầm cái que thuốc rỏ thêm vào trong hến một giọt. Lúc đưa cho chị Hiên, tôi bảo khẽ:

- Thêm cho rồi đấy nhé.

Tôi vừa đóng xong cái cửa bán thuốc thì ở ngoài bỗng có tiếng kêu:

- Chết tôi rồi, cậu cho mượn cái đèn, đổ hết cả rồi!

Tôi đưa đèn ra xong rồi nhìn qua khe cửa thấy một cảnh tượng không bao giờ tôi quên được: hến thuốc đổ sấp xuống đất, thuốc bắn tung ra thành từng chấm đen nhánh. Chị Hiên cúi xuống lật cái hến lên; cái hến chỉ còn rây một ít thuốc; trong lúc hấp tấp chị lấy ngón tay quệt thuốc dưới đất cho vào hến, nhưng thuốc lẫn cả với đất còn hút gì!

Không làm sao được, chị nhặt cả những hòn đất có rây thuốc để vào bàn tay - rồi chị cứ ngồi đấy khóc thút thít. Sau thấy chị tôi giục đem đèn vào, tôi phải để mặc chị Hiên ngồi khóc trong bóng tối. Tôi vừa đặt mình xuống giường nằm thì vẳng có tiếng người cãi nhau, tôi chắc là ở nhà chị Hiên, chồng chị đương đánh mắng chị ta.

Sáng hôm sau, tôi sang nhà chị Hiên sớm, thấy chị ngồi dựa vào tường, đầu tóc bù xù, vẻ người mệt mỏi, trên trán có một chỗ sưng tím lên. Tôi không thấy cái lờ nan đan dở để đấy, liền hỏi:

- Bác bán lờ đi rồi phải không?

- Không, tôi cất ở dưới bếp.

- Thế hào chỉ hôm qua?

Chị ta thấy tôi hỏi đường đột, nhìn tôi có vẻ sợ hãi, nói một cách hoảng hốt:

- Tôi vay của ... Không! người ta trả nợ tôi.

- Bác mà có người nợ tiền?

- Ấy nợ cũ ... đã lâu.

Vừa nói đêm đấy thì nghe bên nhà tôi có tiếng người nói to, con nhỏ nhà tôi chạy ra ngơ ngác, như tìm một vật gì. Tôi hỏi thì nó trả lời:

- Nhà mất con gà, con gà trống thiến to nhất...

Chị Hiên hỏi tôi:

- Con gà nào thế cậu nhỉ?

- Ấy con gà hôm qua nó sang đây mổ vừng của bác ấy.

- Chị Hiên thốt nhiên nói:

- Chết tôi rồi! Gà nhà cậu?

Tôi hỏi:

- Làm sao mà chết?

Chị Hiên luống cuống như định nói lại thôi, nhưng cái trí non nớt của tôi đã hiểu rõ, đã đoán ra hết. Tôi ngắm lại chị ta thấy vẻ mặt tái mét, nửa vì đói, nửa vì lo mà tôi đem lòng thương hại vô cùng. Vì hết lòng với chồng phải đi ăn trộm gà lại bị chồng mắng. Tự nhiên tôi muốn tìm cách chống chế cho người đã ăn cắp gà nhà tôi. Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo chị ta:

- Ðược! Bác đừng lo, bác để mặc tôi!

Rồi tôi về nhà chạy thẳng ra cổng sau nhìn xuống sông, bảo chị tôi rằng:

- Nhà mất gà phải không, thôi đừng tìm nữa vô ích, hôm qua tôi thấy con gà giống con gà nhà ta đậu ở dưới thuyền buôn nồi đất. Bây giờ họ đi họ cuỗm đi rồi. Còn biết ai mà hỏi.

Tôi lấy làm tự đắc rằng đã tìm ra một kế hay và rất mừng cái kế đó hiệu nghiệm, vì chị tôi coi như mất hẳn con gà rồi, không cho người đi tìm nữa.

Tôi còn bé không hiểu rằng giúp đỡ một người ăn cắp thế là tốt hay xấu, tôi chỉ biết rằng trong lòng tôi lúc bấy giờ vui vẻ lắm, vui vẻ vì cứu thoát được một người khổ sở, đáng thương.

Về sau, tôi càng ngày càng cách biệt với cái xã hội đầu đường xó chợ ấy. Ðến nay đã gần hai mươi năm, cái cảnh đời cũ đã lờ mờ trong trí nhớ, nhưng câu chuyện của chị Hiên thì không bao giờ tôi quên được.

Cái đời đầu đường xó chợ ấy ngay từ thuở còn nhỏ đã dạy cho tôi hiểu rằng: muốn cho người ta dễ có lòng thiện thì phải làm thế nào cho người ta khỏi nghèo khổ, mà một xã hội nghèo khổ thì bao giờ cũng dễ thành một xã hội xấu xa.

 
NHẤT LINH     
 
(Trích từ tập truyện ANH PHẢI SỐNG)
 

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

CÂY GIÁNG SINH CỦA TÔI - Nguyễn Tuấn Anh dịch

 

Ba tôi hồi nhỏ được bà nội chúng tôi nuôi nấng dậy dỗ ở Úc châu. Bà nội cha tôi, di cư từ xứ Tô Cách Lan tới Úc, là một người rất khắc khổ ; dưới mắt bà, ăn Noel là tham dự vào trò chơi của quỷ Satan. Vì thế mà, trong suốt quãng đời thơ ấu, cứ mỗi lần tới lễ Giáng sinh, bị đánh thức bởi những tiếng reo hò mừng rỡ của trẻ con hàng xóm trước những món đồ chơi, cha tôi thấy bữa đó giống như một ngày Chủ nhật.

Mỗi khi dùng điểm tâm xong, cha tôi có quyền ra vườn đi dạo một chốc lát, tuy nhiên cấm không được chạy, cho tới giờ đi nhà thờ. Sau bài đọc kinh dài như không bao giờ hết, tới bữa ăn, rồi tới giờ ngủ trưa. Đến buổi chiều, bận chiếc áo dài tang đẹp nhất, ngồi cứng ngắc trên ghế giống như quan tòa, bà nội tôi lớn giọng đọc một vài đoạn trong Cựu Ước, hay những mẩu chuyện trích từ Cuộc du ngoạn của người hành hương ; cho đứa cháu nội ngồi trên một chiếc ghế nhỏ ở dưới chân. Ngày Noel khiếp sợ đó chấm dứt vào lúc sáu giờ chiều tối bằng bữa ăn đồ lạnh ; rồi tất cả đi ngủ sớm hơn mọi bữa. Cha tôi nằm gặm nhấm nỗi khổ sở không làm sao ngủ được. Những món quà chất đống ở trên nóc tủ gương của bà nội chẳng thể nào an ủi nổi cha tôi. Người chỉ được quyền tiếp nhận chúng một tuần lễ sau, vào dịp Saint Sylvestre.

Khi đã thoát khỏi sự kiềm chế, cha tôi liền bắt tay vào việc cử hành ngày lễ Noel với tất cả sự say sưa, cuồng nhiệt. Người không bỏ một "ban" nào cả, cũng như những dạ tiệc, những buổi họp mặt suốt trong dịp lễ Giáng sinh. Rồi người lấy vợ, và tám năm liền, tôi là đứa con độc nhất trong gia đình, cha tôi đã xếp đặt ngày lễ Noel một cách thật huy hoàng, rực rỡ.

Người bầy ra đủ mọi cách khiến tôi, cho tới năm lên chín vẫn còn tin có ông già Noel. Thí dụ như một năm, ông nhờ một người bạn có giọng hát thật trầm và ấm vừa đúng sáng sớm tới ngay dưới cửa sổ phòng tôi để ca một vài khúc nhạc Giáng sinh. Một lần khác, ông sai một tay chuyên nghiệp, đúng vào lúc tôi thức giấc, chỉ kịp nhìn thấy một cái bóng mầu đỏ bay vút qua ngang nhà. Nhưng ly kỳ nhất là lần ông để một mảng tuyết lớn ở cạnh lò sưởi phòng khách trên có vết một đôi giầy bốt lớn để lại.

Còn cây Noel nữa! Đối với tôi, ở trên cõi đời không có cái gì bằng cây thông Noel ở trong nhà tôi, đẹp nhất, sáng lóng lánh nhất và cũng lạ nhất! Cha tôi đã trang hoàng lấy và mỗi năm ông lại mua thêm những dụng cụ. Dưới những ngón tay của ông, vẻ đẹp từ từ hiện ra giống như phép lạ. Rồi khi những cây nến đã được đốt lên, cả linh hồn tôi hình như cũng sáng lên cùng với chúng.

Đến bữa ăn Noel, thường rất muộn, chúng tôi ít ra cũng độ hai chục người, quây quần quanh bàn ăn. Thức ăn nhiều vô kể, lại thêm một cái bánh Noel lớn đến nỗi một mình vú già không thể bưng nổi.

Rồi tới một năm, lúc đó tôi độ mười tuổi ; một cơn khủng hoảng kinh tế xẩy ra. Gia đình chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Cha tôi mất gần hết lợi tức hàng năm.

Nhưng biến cố này chỉ kích thích cha tôi giống như một cuộc phiêu lưu mạo hiểm lớn. Một người bạn của cha tôi, vốn là nghệ sĩ đang sinh sống ở ngoại quốc, bằng lòng cho gia đình chúng tôi tới ở trong một căn nhà của ông, bỏ không từ nhiều năm nay giữa một vùng đất hoang. Gia đình tôi hồi đó gồm có bốn người tất cả: cha tôi, mẹ kế của tôi, một em trai cùng cha khác mẹ mới có hai tuổi và tôi. Cha tôi vốn là một tay súng khá, ông còn có tài trồng trọt. Người tuyên bố một cách vui vẻ rằng toàn thể chúng tôi sẽ phải xoay sở để sống bằng những nguồn tài nguyên sẵn có ở đây. Điều này cũng khá vui!

Bận rộn với đời sống mới, tôi quên không để ý gì tới ngày lễ Noel. Và lúc nhớ ra, nó đã gần kề. Cha tôi hội họp tất cả mọi người để bàn bạc. Chúng tôi dù sao cũng cố gắng xoay sở để có được một cái lễ Noel, nhưng chúng tôi không có tiền để mua quà tặng. Vì thế - cha tôi tuyên bố - mọi người sẽ tìm kiếm trong những món đồ riêng tư của mình một món quà để tặng lẫn nhau.

Tôi nghĩ rằng chẳng thể nào chúng tôi có được một cây thông Giáng sinh. Bỗng nhiên tôi nhớ tới lời một người bà con đã phiền trách cha tôi tiêu xài hoang phí vào những trò nhảm nhí như thế... Tôi không nói gì nhưng viễn tượng một lễ Noel không có cây thông Giáng sinh làm cho tôi đau lòng. Đó là một va chạm đầu tiên giữa tôi với thực tế phũ phàng.

Chiều ngày 24, tôi ngồi treo những chiếc tất cho tôi và cho John, em tôi ; nhưng tim tôi ở tận đâu đâu. Căn phòng lớn trong nhà thiếu mọi thứ trang hoàng trông trần tục một cách thảm thương! Tôi đi ngủ, buồn rầu vô hạn. Giấc ngủ đầy những cơn mộng dữ.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm nhưng thay vì nhảy xuống khỏi giường, tôi nằm ngắm bầu trời xanh thẳm và lắng nghe tiếng chim ca hát.

- Lại coi! - Tiếng cha tôi kêu lớn.

Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn cảm thấy rộn ràng khi nhớ tới niềm vui xâm chiếm tôi lúc đứng trước cửa phòng khách, trông thấy một cây Noel ở trong đó!

Không phải cây thông, nhưng là một cây khuynh diệp mềm và dài, cành lá thật cân đối, được trồng lên trên một cái thùng bằng gỗ. Những nhánh nhỏ được trang hoàng bằng những đồ vật quen thuộc làm chúng nổi bật, sáng trưng lên. Những chiếc dây ruy băng buộc tóc của tôi được thắt một cách khéo léo ; những chiếc muỗng nhỏ treo tòng-teng bằng những sợi chỉ mầu, những nữ trang nho nhỏ của bà mẹ kế (toàn là đồ giả bởi vì đồ thật đã bán hết) ; những bông hoa mới nở, còn tươi, vừa hái ở ngoài trời. Lại có mấy chiếc mề-đay của cha tôi nữa. Được treo trên những chiếc ruy băng hình cầu vồng mặt trời, chúng chiếu sáng lóng lánh dưới ánh sáng mặt trời lọt qua mấy cửa sổ căn phòng.

Rồi tới những quà tặng. Mặc dầu cha tôi không đưa ra ý kiến cần phải hy sinh ; nhưng tôi cũng quyết định tặng người món đồ quý nhất của tôi. Một con dao nhỏ có cán bằng xa-cừ. Cái trâm cài đầu bằng ngà voi của tôi đã dùng để tặng bà mẹ kế. Còn John, em tôi, được một con búp bê có thể nằm ngủ, nói năng, chơm chớp mắt. Thằng John mê mẩn vì tiếng nói hơi run run, đôi mắt nhắm mở được của nó.

Cha tôi tặng cho con búp bê của John tượng một con khỉ Tầu mà cha tôi có từ hồi nhỏ. Bà mẹ kế của tôi nhận được một cái hộp bằng da, không hiểu trong đó chứa đựng cái chi mà khi bà mở ra, tôi thấy bà khóc òa.

Bà tặng lại cha tôi một chiếc nón, một chiếc khăn len ở đảo Fair. Mấy món này thật hợp với cha tôi, nhất là vào mùa đông sắp tới. Bà cũng tặng tôi một chuỗi hạt trai. Còn cha tôi cho tôi một tập thơ bao bìa bằng da.

Chỉ có cây khuynh diệp Giáng sinh là làm tôi sung sướng nhất. Đứng lặng đi vì kinh ngạc xen lẫn thán phục, tôi không hề so sánh nó với những cây thông xinh đẹp khác trong những mùa Noel trước của chúng tôi. Không, cây Noel tuyệt diệu nhất, thần tiên nhất, chính là sự có mặt tầm thường giản dị của một cành cây Noel. Cha tôi đã mang đến cho tôi một mặc khải lớn lao về đời sống. "Ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn sống được".
 

Người dịch : NGUYỄN TUẤN ANH         

(Trích từ giai phẩm THOÁT số Noel 72)

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2023

VÀ MÙA ĐÔNG TRÊN CAO - Bùi Nghi Trang

 

 1.
 
Cô học trò nhỏ đứng khép nép ở cánh cửa lớp. Em nhỏ nhoi trong chiếc áo lạnh mầu hoa cà. Mùa đông tới rồi. Những ngọn gió bấc hanh lạnh tràn về làm da mặt khó chịu, làm làn môi hồng nứt nẻ đớn đau. Cái khó chịu và cái đau đáng ghét nhưng cũng dễ thương nhất. Trời lạnh mà ai chẳng mặc áo rét. Cũng cần một manh áo che ấm một phần châu thân. Nhưng dù có mặc áo, người vẫn thấy lạnh. Nhưng không có áo ấm thấy không ổn một tí nào.
 
Đang mùa thu lá me vàng bay theo gió. Trời có vẻ âm u thì em mong mùa đông. Mùa đông đang ở thật xa, có thể là ở trên cao vòi vọi. Ấy vậy mà em vẫn để dành tiền để mua áo ấm. Em đã chuẩn bị cho chiếc áo ấm từ mùa Thu. Em không thích để cha mua áo và mẹ chọn màu. Em cứ nghĩ rằng, sau này khi trưởng thành, khi đến tuổi cần có một người yêu để làm đẹp cuộc đời và để nên duyên đôi lứa, em bắt chàng phải chọn áo. Nhưng bây giờ thì chưa. Bây giờ thì em chỉ có quyền chọn cho em. Nước da em trắng. Được lắm. Em sẽ chọn chiếc áo màu da cam cho hợp với làn da và để vừa lòng mùa Đông. Hôm đi phố, màu da cam lại không có. Ai đã mua hết rồi những chiếc áo làm ấm con người, làm ấm tâm hồn kia. Thôi cũng được. Màu tím hoa cà cũng hợp với da em. Và em đã mua chiếc áo tuy mùa đông còn xa và còn mãi tận nơi nào.

Tới lớp, em cùng bạn bè kháo nhau về áo lạnh. Mùa đông gió lạnh lùng, gió lạnh lùng. Chim thôi bay ngoài mưa gió hãi hùng. Ngoài xa nơi biên cương bao chiến binh  ôm súng buồn nhớ cố hương... Thì ra cảnh thời gian cũng làm cho lòng người thay đổi. Cần gì phải ở nơi biên cương cương mà ngay chính ở trong thành phố này cũng có cô gái mang tâm hồn thay đổi khi mùa đông tới. Tự nhiên thấy cô đơn. Một mình đôi khi thấy lạc lõng. Cũng như hôm nay em đang lạc lõng trước cửa lớp học. Hình như em có một tí gì bâng khuâng, em mang một dáng dấp xa lạ. Tôi không ghé vào phòng Giáo sư như thường lệ mà đi thẳng xuống lớp. Em định hỏi gì nhưng rồi lại lặng im, nghĩa là em vẫn còn e sợ.


2.

- Hình như ông Nghi có nói chuyện với Thuyên phải hông?

- Không. Tớ đâu có được cái hân hạnh đó.

- Sao Thuyên đứng ở cửa lớp hoài vậy? Không lẽ Thuyên làm bức tranh triển lãm chiếc áo ấm mùa đông à?

Thuyên cười:

- Không chừng đúng đó. Mà áo có đẹp không?

- Đẹp là cái chắc.

- Sao bồ không mang áo lạnh? Bộ người bồ chịu được ngọn gió lục địa sao?

- Không chịu được cũng phải chịu.

- Nghĩa là bồ không có áo lạnh!

- Không có không có nghĩa là không muốn có. Không có cũng không có nghĩa là không mua.

- Ê! Bộ muốn lý luận đó hả.

- Không. Vì tớ sẽ mua. Tớ mua áo ấm khi mùa đông đã hết.

Lạ quá!

- Có sao đâu.

- Thì không sao đâu nhưng mà lạ. Hay nàng đợi chàng mua áo làm quà.

- Ê, Ê! Đừng có bậy bạ. Chàng nào lại dám làm thế hở? Đáng ra là nàng phải đan áo mùa đông tặng chàng mới phải.

- Nhưng nàng còn là học trò.

- Ậy ậy. Chính vì còn là học trò nên chỉ nên mơ thôi. Mơ rồi sẽ qua. Còn eo ơi! Tay đã viết thư tình thì khổ đấy. Mà trời đâu có lạnh mấy!

- Làm thân con gái mang danh người đẹp chỉ cần một cớ nho nhỏ là chộp ngay để làm duyên vậy mà.

- À ra thế.

- Thì thế đấy.

- Thế đấy. Vậy ta phải thưởng mi mới được.

- gì nào.

- Để ta nghĩ cái đã. Vội thế. A... ngươi là cô bé làm duyên. Làm đẹp không quan trọng bằng làm duyên mày hiểu không. Làm duyên còn trên làm đẹp một bậc là có một nhân vật nào đó mê mi tít thò lò.

- Chỉ nói bậy.

- Chưa chắc.

Nghe cô bạn gái trả lời lơ lửng như vậy, cô học trò bỗng đâm ra thinh thích. Trong một niềm vui. Trong một thoáng nhớ. Trong một nỗi buồn. Như cơn gió lạnh... Tất cả đều mang một tí nào mới mẻ, xa lạ nhưng nhẹ nhàng, cuốn hút tâm can. Và một ngày nào đó trong đời. Một đêm nào đó trong đời. Một giờ nào đó trong đời. Cô học trò nhỏ bé biến thành đôi cánh thiên thần của một người đàn bà mới bước chân trên thung lũng mây tím. Vậy thì chuyện đó sẽ đến một cách tự nhiên. Nhưng sao lại làm cô học trò bé nhỏ ước mơ. Có lẽ nó là một món ăn ngon nhất trong đời sống tình cảm của con người. Cô bé co ro trong chiếc áo ấm. Tội nghiệp. Thật tội nghiệp. Đáng thương. Thật đáng thương. Dáng cô bé như nàng thơ. Mái tóc lã lùng xum xuê đó. Đường ngôi thẳng trắng như một đường chỉ. Vầng trán xanh xao như chân mây buổi chiều ở hướng đông. Cặp mắt to hau háu như mắt nai trong sở thú. Và xuống dưới hơn. Không có tí nào lạ lùng cả. Thân thể đó đang hồi nẩy nở. Mảnh đất đó đang hồi phì nhiêu. Cô học trò bé nhỏ. Cô đang mọc đôi cánh thần tiên. Thần tiên theo nghĩa của con người. Con người không phải là bực thánh.

Cô học trò đứng co ro. Co ro đến tội nghiệp. Cô nhìn lên bục cao. Sau chiếc bàn kia. Chàng đang ngồi đó. Chàng đang in hình bên khung cửa sổ. Đêm nào em chẳng thấy. Gần nhau đây mà như cách xa ngàn trùng. Ngàn trùng xa cách. Người đã đi rồi! Thật khốn khổ.. Tại sao lại phải chạy trốn nhau làm gì?

" Tôi đã một lần mặc áo chú rể. Cái bông hoa trắng trên túi của một bộ áo vét nặng nề. Tất cả những thứ đó đều nặng nề, quá nặng nề trên thân phận nhỏ bé của tôi ".

" - Ê! Nghe ổng nói không? Làm như đi cưới vợ là mang gông mang cùm! "

" - Sao lại không. Thật quá nặng nề. Tôi như một cánh chim giang hồ bị cột chân trên cành cây đầy lá đẹp ".

" - Lại thơ nữa. Ngài hãy giảng bài cho con đi hỡi đức Phao-Lồ! "

" - Mầy bậy quá! "

" - Nhưng đó là thứ nặng nề cần thiết. Cần thiết như chiếc nhẫn tôi đeo ở ngón tay áp út ".

" - Vâng. Vâng. Con biết Ngài có vợ rồi ".

" - Chắc gì! "

" - Sao lại không chắc? "

" - Ông ấy đùa với tình yêu? "

" - Sao lại có thể như thế được? "

" - Sao lại không thể như thế được? "

" - Chỉ nghi ngờ bậy bạ ".

" - Chỉ hiểu và tin bậy bạ. Mà đã nhìn thấy vợ ổng chưa? "

" - Chưa ".

" - Chỉ nên tin khi đã thấy gì tận mắt ".

" - Rồi mày sẽ thấy tận mắt ".

" - Thấy tận mắt Thầy của chúng ta sóng đôi cùng một cô gái đẹp đi dạo phố mùa đông ".

" - Không. Thấy Thầy đáng yêu của chúng ta sống đem Noel ấm cúng trong một gia đình hạnh phúc ".

" - Lại gia đình. Lại hạnh phúc. Lại ấm cúng ".

" - Tôi không hiểu tôi phải nói với các em thế nào về đời sống đẹp. Đời sống của các nhà thơ, của các nhà văn... đẹp lắm. Nhưng đẹp như thế nào? Chỉ trả lời được trong một môi trường khác, tỉ dụ như đam mê tình ái chẳng hạn. Nhưng trong bốn bức tường này, chúng ta đang bị đóng khung bởi điều thiện, bởi luân lý ".

" - Lại luân lý. Lại thiện. Luân lý ở chiếc nhẫn láo khoét kia. Điều thiện ở của miệng sợ sệt kia! "

" - Đúng đấy. Đôi khi con người ta đánh lừa cả lòng mình. Cả những gì mình mơ ước để sống đúng trong khuôn khổ mà xã hội đã vuông sẵn cho. Những giờ học là những giờ đóng kịch ".

" - Đó. Mày thấy không? Ổng đang đóng kịch. Kịch là một môi trường cần thết cho con người ".

" - Tôi sẽ phải sống và đóng tròn vai đó. Tôi không thể nào vượt khỏi vai trò người ta đã giao phó cho tôi ".

" - Vai trò của người diễn viên có vợ, có gia đình. Vai trò diễn tả hạnh phúc cho khán giả xem ".

" - Đúng ".


3.

Cô học trò mang chiếc áo lạnh màu cam nhí nha nhí nhảnh. Cô lăng xăng trong lớp học. Mùa đông ở thành phố không lạnh lắm nhưng cô cũng mặc áo ấm. Thân hình mảnh khảnh của cô là một lý do chính đáng cho cô làm dáng. Ông Thầy đôi khi liếc mắt nhìn rồi mỉm cười.

" Em cố gắng sống như vậy. Em sẽ là người đàn bà tốt trong gia đình. Nhưng em là thứ đam mê cuồng nhiệt. Lý trí không có trong em. Trong em chỉ có trái tim đam mê. Và nếu... em sẽ bị thiệt thòi. Tình yêu đôi khi cũng cần có lý trí. Lại lý trí! Nhưng biết sao hơn. Chúng ta không thể nào tách rời được ý nghĩ ra khỏi thân xác ".

Cô học trò dễ thương, ưa làm dáng, sống thật người đó đang hoạt động.

" - Noel này bồ đi đâu? "

" - Tớ đạo Phật ".

" - Ở nhà hả? "

" - Ở nhà! "

" - Không được. Bỏ qua thứ tín ngưỡng đặc thù kia. Hãy nhập bọn cùng tụi tớ ".

" - Đi lễ nhà thờ. Đợi chúa Hài Đồng ra đời hả? "

" - Không ".

" - Hát thánh ca hả. Đêm đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa... "

" - Hát được lắm. Thế ra bồ cũng không quên ".

" - Không quên gì ? "

" - Không quên Chúa! "

" - Chúa tự hữu hằng có thì làm sao quên được? "

" - Bồ đúng là một nhà truyền giáo ".

" - Trong chúng ta mỗi người phải là một nhà truyền giáo. Mỗi người phải là một cán bộ của Đức Thánh Thiện có nhiệm vụ kéo người lạc hướng trở về ".

" - Ai? "

" - Chưa biết. Mỗi người chỉ cần rủ một người là đủ ".

" - Vậy lớn lên tí nữa, khi biết yêu, khi đã lấy chồng, tớ sẽ rủ chồng tớ ".

Cả bọn cười ồ thích thú. Cô học trò mang áo lạnh đang ghi tên tổ chức Noel trong lớp học. Cô ấy đã ghi tên xong. Một cô trong bọn lại đưa tay lên xin nói:

- Lát nữa. Lại mời Thầy tới nữa. Lại xin Thầy làm chủ tọa nữa.

- Được. Em nói đi.

- Noel năm nay Thầy không về quê.

- Quê tôi xa quá.

" Quê Thầy nghèo lắm ai ơi. Mùa đông thiếu áo hè thơi thiếu ăn ".

- Không. Chưa hẳn vậy, thưa Thầy. Quê Thầy chỉ nghèo về vật chất mà giàu về tình yêu thương.

- Thôi. Cho Thầy xin. Thượng đế ơi! Bây giờ ai dám hiểu tình yêu thương đó thốt ra từ cửa miệng của một nữ sinh hiền dịu.

- Chúng em xin mời Thầy đến dự Noel. Đêm đó Thầy sẽ là chủ tọa danh dự.

- Cám ơn. Rủi Thầy không đến được.

- Không có lý do gì cả. Vì Thầy không về quê.

- Nhưng Thầy lại về quê trong trí nhớ. Đêm đó là đêm quý nhất cũng như đêm 30 của một người xa quê hương ngóng về quê mẹ.

- Quê mẹ của Thầy là Việt Nam.

- Sao các em không bảo là cả thế giới luôn cho tiện.

Và Noel đó tôi đã tới. Mọi người đều súng sính trong áo mới. Cô nào cũng có màu sắc riêng biệt. Cô nào cũng tươi cười. Xinh đáo để. Ở giữa lớp, không phải. Ở trên bàn tôi có một cây thông (một nhành thông nho nhỏ thì đúng hơn) nhỏ có gắn những bóng đèn điện màu xanh, đỏ, vàng, tím... Một khoảng trống được dành để làm sân khấu. Còn chung quanh thì những chiếc ghế học trò được kê dài thành hình chữ U. Mọi người đều vui vẻ trong công việc làm của họ. Có cả đàn địch nữa.. Tiếng nhạc trong một máy cassette vang lên. Thật thích thú. Noel dưới trần. Con quỳ lạy Chúa trên trời. Sao cho con lấy được người con yêu. Đời con đau khổ đã nhiều... Đó. Giản tiện nhất là đó. Có người cầu Chúa để Ngài mau cho vào cõi Thiên đàng lúc lâm chung dù anh ta đã cướp của giết người. Có người cầu Chúa để Ngài cho trúng số... Và những người này cầu Chúa để được yêu người yêu. Tình yêu là nguồn sống duy nhất của cuộc đời. Cuộc đời thật bình thường. Cuộc đời không kênh kiệu.

Mọi cô học trò lăng xăng. Bây giờ có lẽ họ không còn học trò nữa. Họ đang lột xác như họ đã lột bỏ lớp áo trắng nữ sinh. Người nào cũng làm duyên làm dáng. Người nào cũng có ý gọi:

- Thầy!

Tôi đưa chiếc nhẫn bằng vàng tay đeo ở ngón áp út ra.

- Thầy!

Tôi cười, đưa hai bàn tay đan vào nhau.

- Thầy!

- Noel các em tổ chức hay quá. Ước gì có cô đến thì vui biết mấy. Thầy và cô có đán em ngoan quá. Ngoan vô cùng.

Và tôi chợt thấy một bóng trắng đi ngang qua. Áo dài trắng. Nổi bật làm sao. Trông em có vẻ nhẹ nhàng. Trông em có vẻ ấm cúng. Em không là học trò của Thầy nữa. Kìa. Tay em lại nắm chiếc áo lạnh màu da cam. Em khoan cười. Thầy sợ lắm. Thầy sợ mùa đông lắm. Thầy ở dưới thấp mà em ở trên cao. Em là mùa đông của ấm cúng, của hạnh phúc tuyệt vời!

Cây Noel lay động. Lay động. Cô học trò bước tới. Tôi đứng lên. Mọi người trong phòng đứng lên. Cô gái (thiên thần áo trắng) làm dấu thánh. Mọi người đứng yên.

Ngoài trời, mùa đông trên cao bắt đầu gió lạnh.


BÙI NGHI TRANG       

(Trích từ giai phẩm THOÁT số Noel 1972)
 

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

ĐỢI CHỜ - Khái Hưng

 

Cây im, sông lắng đợi xuân về.
(Thế Lữ )

Linh cho ngựa phi nước kiệu lớn, qua dặng đồi cỏ tranh, hấp tấp, vội vàng như người đi đâu có việc gì cần kíp.

Tới chỗ sông Thương lượn khúc chảy ven đường Bố Hạ, quanh một quả đồi rộng trồng cam, Linh kìm cương, nhẹ nhàng nhảy xuống đất, buộc ngựa vào một cây trẩu trụi gần hết lá. Đã một tuần nay, từ khi cam bắt đầu rám đỏ, sáng sáng, dùng xong bữa điểm tâm sơ sài, Linh lên ngựa đi thăm lấy lệ mấy nơi vừa phá hoang trồng chè, rồi phi thẳng tới đây ngồi đợi.

Chàng đợi người năm ấy. Sự mong mỏi làm rạo rực lòng chàng và như man mác cả linh hồn vạn vật.

Vì có lúc ngắm cảnh quanh mình, chàng thấy những khóm cây yên lặng nghiêng mình trên bờ cao, soi bóng xuống mặt nước xanh rêu không động, những bụi lá sắc và nhọn với hàng bông trắng đứng im tăm tắp và loáng thoáng lẩn trong không. Cả những làn mây nhạt đương lững thững trôi trên ngọn đồi xa cũng ngập ngừng dừng lại. Hình như cùng chàng mong ngóng người xưa, cỏ cây, mây, nước cũng trầm ngâm mong ngóng xuân về.

Tiếng chim sơn ca hót trong cỏ rậm. Linh giật mình quay nhìn theo con đường đỏ, và cảm thấy tất cả nỗi thất vọng của một tấm lòng vơ vẩn đợi chờ...

Nhưng qua giậu nứa đan mắt cáo, màu vỏ cam mới rám hồng vẫn nhắc nhỏm gợi nhớ nhung.

*

Cách đây hai năm, và cũng trong tháng chạp. Một hôm cưỡi ngựa đến bên sông thăm vườn cam sắp trẩy, Linh gặp một chiếc ô-tô đỗ cạnh đồi. Tưởng đó là xe khách đến chơi và tài xế không biết lối vào trong ấp, Linh cho ngựa lại gần, nghiêng mình nhòm qua cửa xe. Trong xe, một bà ngót năm mươi tuổi và một thiếu nữ đầy đặn nở nang, nước da hồng hào rám nắng, mà thoạt trông chàng ví ngay với màu da cam bắt đầu rám chín dưới luồng gió heo may.

Chàng ngồi thẳng người lên, lễ phép nói:

- Xin cụ tha lỗi cho, tôi tưởng bạn đến chơi.

Nhưng thiếu nữ rất lịch thiệp đã thò đầu ra ngoài mỉm cười đáp lại:

- Thưa ông, me tôi không dám. Vả lầm thì ai chả có khi lầm.

Câu trả lời, Linh cho là vô vị. Song nụ cười tình tứ điểm theo, chàng ngắm thấy ngọt như mật ong, thơm như hoa cam sành mới nở, và có mãnh lực làm cho chàng lúng túng mất vài giây. Sự lúng túng ấy chàng che đậy bằng một câu hỏi, giọng run run:

- Thưa cô, xe liệt máy?

Nụ cười càng tình tứ hơn, tuy đôi lông mày bán nguyệt tô thêm chỉ hơi díu lại một cách rất nũng nịu, dễ yêu.

- Thưa ông, xe không chết máy, nhưng hết dầu xăng.

- Vậy ý hẳn bác tài đi mua dầu xăng?

- Không, anh ấy đến hàng nước kia hỏi xem có thể mua lại ở đâu được vài lít xăng để đủ chạy từ đây đi Kép. Vậy thưa ông, ông có biết thì xin ông làm ơn bảo giùm cho.

Linh mỉm cười:

- Ồ! Tưởng hỏng máy, chứ nếu chỉ hết dầu xăng, thì tôi xin biếu cụ và cô.

Bà cụ sung sướng vội hỏi.

- Thưa ông, nhà ông ở gần đây?

- Thưa cụ, cũng không xa. Đây là đồn điền của tôi.

Thiếu nữ vẻ mặt ngạc nhiên.

- Đồn điền của ông? Chắc là rộng lắm!

- Thưa cô, cũng không rộng lắm, độ hai nghìn mẫu thôi.

Thiếu nữ mở cửa xe bước xuống, gọi:

- Anh tài!

Tức thì một người vận âu phục màu vàng từ trong hàng nước cạnh bến phà đi lại. Linh xuống ngựa, nói:

- Bác cưỡi ngựa theo con đường này vào ấp bảo người nhà tôi đưa cho một bi đông ét xăng, rồi cầm ngay ra đây...

- Thưa ông, cháu không cưỡi ngựa bao giờ.

- Chà, khó gì!

Linh ngẫm nghĩ một giây rồi chép miệng nói tiếp:

- Thôi được, để tôi đi lấy cho.

Thiếu nữ vội gạt:

- Chết thế thì phiền ông quá!

Nhưng Linh đã nhảy lên lưng ngựa, dựt cương ra về, và nháy mắt, chàng đã biến vào trong cỏ tranh cao, rậm.

*

Lúc trở lại, Linh chỉ thấy người tài xế nằm ngủ trên nệm xe. Chàng dừng lại ngồi thở, trời rét, cái áo lót của chàng ướt đẫm mồ hôi, vì chàng đã cho ngựa phi mau quá.

Bỗng có tiếng cười nói trong vườn cam. Linh vội vàng cởi bỏ vào trong xe cái bi-đông dầu xăng buộc sau yên, rồi cho ngựa thong thả lên đồi. Tiếng thiếu nữ nói qua hàng giậu:

- Chúng tôi đương đợi ông ra để xin ông một quả cam.

Linh hấp tấp rẽ cương qua cửa vườn.

- Thưa cụ, cam ở đây còn chua lắm, chưa ăn được. ở trong ấp có một ít đã thực chín rồi và ngọt lắm, xin mời cụ và cô quá bộ vào chơi.

Bà cụ từ tạ:

- Xin cảm ơn ông, chúng tôi xin về... Ông đã cho chúng tôi vay dầu xăng?

Linh buồn rầu đưa mắt nhìn thiếu nữ:

- Thưa cụ, có dầu xăng rồi.

- Ồ! Thế thì may quá. Cảm ơn ông quá. Không có ông giúp thì mẹ con tôi chẳng biết làm thế nào mà về được đến nhà.

- Thưa cụ, ấp cách đây có hơn hai cây số, xin mời cụ quá bộ vào chơi. Thưa cụ, tôi ở nơi hẻo lánh này chẳng mấy khi được hân hạnh đón tiếp khách quý.

Thiếu nữ nể lời ân cần mời mọc của chủ ấp, áy náy nhìn mẹ:

- Thưa me, hay là me vào chơi một lát cho ông chủ bằng lòng. Vào ăn quả cam Bố Hạ rồi lại đi ngay.

Quay về phía Linh, nàng mỉm cười, láu lỉnh nói tiếp:

- Rồi ông để chúng tôi đi ngay nhé?

Linh, trên mặt lộ đầy vẻ biết ơn:

- Xin vâng.

- Vậy vào nhé, me nhé?

Bà mẹ mắng yêu con

- Ừ thì vào. Gớm chết! Cô Phụng đi đâu cô cũng la cà hết ngày hết buổi.

Linh sung sướng chạy vội ra cửa vườn gọi tài xế.

*

Một giờ sau, Linh đưa Phụng đi xem khắp vườn cam, quýt, trong khi bà mẹ ngồi nghỉ bên lò sưởi, vì đứng ở ngoài lâu chân tay bà rét buốt.

Nhờ có một nền giáo dục lịch thiệp nhận được ở trường học và ở một gia đình theo lối mới Phụng đối với ông chủ ấp không chút ngượng ngùng, e lệ. Nàng cười nói dễ dàng, hỏi nhiều câu mà Linh phải lấy làm kinh ngạc, tưởng các cô thiếu nữ không bao giờ dám nghĩ tới.

Đến một gốc quít cỗi, nàng ngắt một quả rồi vờ quay đi ăn vụng. Nhưng nàng quay lại ngay, phá lên cười và kêu:

- Bắt lấy con ăn cắp quýt cho tôi!

Linh cũng cười, nói một câu mà vừa buột miệng thốt ra, chàng cho là rất sáo:

- Nó được hân hạnh cô chiếu cố là may cho nó.

- Vậy tôi lại muốn chiếu cố đến nó nữa.

Vừa nói Phụng vừa với một quả ở cành cao nhưng không tới.

- Cô để tôi lấy giúp.

Linh phải nhảy lên mới với được cả cành quít chĩu chịt gần chục quả.

- Ồ phí quá, ông nhỉ?

Linh toan ngắt ra từng quả nhưng Phụng vội gạt.

- Ấy, ông cho xin cả để tôi mang về giữ làm kỷ niệm.

Hai tiếng kỷ niệm ở miệng mỹ nhân nói ra, Linh nhận thấy âu yếm, thấm thía tâm hồn. Chàng toan đáp lại một câu tình tứ, nhưng không tìm ra được, đành chỉ lặng lẽ mỉm cười nhìn thiếu nữ. Giữa phút thần tiên ấy, có tiếng gọi:

- Phụng, xin phép ông về thôi!

Lần đầu tiên trong đời, Linh cảm thấy tất cả cái ý nghĩa buồn rầu, sầu thảm của chữ "về".

- Phụng, đi về!

- Vâng, con đây.

Nàng bỏ cả nửa quả quít vào mồm nhai ngốn ngấu. Còn một nửa có lẽ vì đãng trí, nàng đưa cho Linh:

- Trời ơi! Quít ngọt quá! Ông nếm thử mà xem.

Rồi nàng chạy vội lại chỗ mẹ.

Linh thở dài, lững thững theo sau...

*

Lúc xe mở máy. Linh mới chợt nhớ ra rằng chưa hỏi địa chỉ của Phụng.

Trong một giờ được một mình ở bên người đẹp, Linh chỉ mê man nghĩ đến hiện tại mà chàng biết rằng ngắn ngủi. Và chàng chỉ cảm thấy từng phút từng giây đương lạnh lùng rơi vào quãng không.

Kẻ ở người đi rồi hiện tại sẽ thành dĩ vãng sẽ thành một kỷ niệm như cành quít mà Phụng đã đem về nhà để giữ làm kỷ niệm.

*

Nhưng cái kỷ niệm giây phút ấy đối với Linh đã thành vĩnh viễn, thiêng liêng.

Năm, năm, cứ đến tháng chạp khi cam ngoài vườn bắt đầu rám đỏ dưới luồng gió heo may, Linh lại cảm thấy thân thể và tâm hồn rung chuyển. Rồi trong vườn hiện ra hình ảnh một thiếu nữ tươi tốt, hồng hào thướt tha bên gốc cam, gốc quít.

Linh chờ đợi, mong ngóng.

Chàng chờ đợi, mong ngóng cho tới hết mùa cam. Vì Phụng có hứa với chàng rằng mỗi năm cứ đến mùa cam nàng sẽ lại cùng mẹ một lần lên thăm ấp của Linh. Lời hứa ấy có lẽ Phụng đã thốt ra theo cách xã giao trong câu truyện thù ứng. Nhưng Linh tin là lời hứa thành thực. Chàng cũng không hiểu sao chàng lại tin như thế nhưng chàng cũng không thể không tin được.

Đã hai năm chàng chờ đợi...

Và trên bờ sông cao khóm cây vẫn yên lặng nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước xanh rêu không động, những bụi lau lá sắc và nhọn vẫn đứng thẳng hàng, bông trắng loáng thoáng lẫn trong không. Và trên ngọn đồi xa, làn mây bạc vẫn ngập ngừng dừng lại.

Cùng chàng mong ngóng người năm ấy, vạn vật trầm ngâm mong ngóng xuân về.

 
KHÁI HƯNG      
 

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

ĐUỔI BÓNG - Trần Tuấn Kiệt

 

Tôi nhớ tất cả mọi sự vật vừa hiện ra kia mà. Tôi cũng nhớ là mình rõ ràng có cắn một trái đào giữa bầu trời hồng bên cạnh một giai nhân kỳ diệu... Sao lại thế nầy, tôi lại đứng chơ vơ ở trong cái bóng cây chôm chôm nầy. Oi bức quá. Tôi cởi phanh áo nhìn ra bốn phía. Ô hay, nàng bỏ tôi? Nàng có thật chăng? Miệng tôi còn thơm tho, tôi còn nghe rõ, thở rõ thật đậm đà làn hương nhẹ nhàng nồng ấm của nàng bốc ra. Ở chốn thị thành nào, tôi có thể quay về chứ? Tôi phải trở lại chứ? Đường nào để trở lại đây! Tôi chơ vơ, một hình một bóng. Cái thế giới thần kỳ đâu rồi? Ở phương xa, ồ lạ lùng ghê gớm chưa, một bầy diều hâu đang bay lên. Tôi chả lẽ đứng đây mãi sao? Nàng đã dùng một thứ ma thuật chăng? Bỗng dưng tôi nghe văng vẳng bên tai, tôi thấy mường tượng trước mắt hình ảnh tuyệt đẹp, lời vọng thiết tha của nàng – Hỡi chàng hãy đến em, hãy tìm em... Đường đi dù gian hiểm, nhưng nghị lực của chàng sẽ thắng, linh hồn chàng đủ bình tĩnh và lên đường... Chàng hãy tìm đến em để sống trùng phùng trong giấc mơ vạn đại của chúng ta... Chàng hãy từ bỏ trần gian mà lên đường, nơi gió cát không phải là cõi trú của những linh hồn trong sạch, hãy lên đường chàng ơi. Hãy yêu em, tự ngàn năm qua em vẫn chờ đợi khắc khoải ở trong tòa cổ tháp cô đơn nầy.

Rồi hình ảnh tòa cổ tháp mường tượng ở phía chân trời xa tiếng nhạc thiều huy hoàng trời và một màu trời hồng lam lớt phớt bao phủ một vùng. Hình ảnh Nữ Chúa càng lúc càng xa xôi mờ dần cùng với màu sắc nhẹ nhàng đó trước mắt tôi. Và tôi nhìn rõ thấy hình bóng một lằn chớp đang soi qua đám bụi mờ còn lại. Lằn chớp ở hướng mặt trời lặn trên một vùng sỏi khô cỏ cháy, màu đất cằn cỗi xám xệt như da người già cả.

Tôi vội mặc nhanh chiếc áo. Mồ hôi vã ra từ ngực như vừa tắm xong, tôi theo đuổi lằn chớp trước mặt. Càng lúc hồ như tôi càng quay trở về... mặc dù tôi tiến bước. Trên đường đi càng nhanh, tôi cảm thấy đường về càng gần gũi. Có lẽ tòa cổ tháp không xa, vì lằn chớp cứ xoắn tít phía chân trời Tây, và bước chân tôi đà vững vàng tiến mạnh. Tôi chưa chồn chân mà lẽ nào tôi không thể đến được cái xa vời huyền ảo đó, cái cõi mà rõ ràng tôi chiêm niệm được vài lẽ buồn vui hoặc đã cảm thấy lạ lùng vì chứng kiến bọn trần gian mê muội nọ. Tôi biết họ câm lặng, họ mê muội có lẽ nào tôi cũng mê muội như họ hay sao?

Chiều xế bớt sức nóng, tôi nghe bụng đói. Cái đói thường ngăn chặn và làm trở lui nhiều bước tiến, tôi hy vọng rằng ở cái hướng tôi đến, trên đường sẽ có nơi trọ, sẽ tìm được thức ăn. Lúc đói cồn cào tới tôi chợt thấy hối hận lúc lên đường tôi không hề chuẩn bị mang theo những đồ vật cần thiết, hoặc gạo hoặc muối hoặc lương khô. Đi giữa đường mình mới thấy cần thiết những thứ ấy vô cùng. Mệt nhoài tôi muốn đặt lưng xuống, ý nghĩ mông lung cứ xoắn trong đầu tôi. Những ý nghĩ về nơi đặt lưng nằm xuống hơn là những thôi thúc bước nhanh.

Khi tới một làng nhỏ ở cận quả đồi trọc, tôi thấy xa xa có một vườn đào xanh um. Vườn đào mọc giữa bãi cát nóng, tôi chợt nghĩ ngay đến việc gặp gỡ nàng. Hy vọng có lẽ đó là nơi mà tôi tìm đến. Cái vườn đào giống như vườn đào đã biến mất trong thế giới kỳ ảo của nàng. Tôi cố nhướng đôi tròng mắt đã mệt mỏi lên để nhìn rõ hơn, Trong cây lá đó, làn gió thổi rào rào. Gió như mang đến niềm tin, gió như nhắn gởi, gió như thúc giục mình mau bước đến. Tôi lần theo bước người đi trên cát. Có lẽ ở đây có người, những dấu chân nhỏ như dấu trẻ con hay phụ nữ. Có lẽ họ vừa mới qua đây, họ để lại dấu chân trên cát.

Chung quanh tôi ngoài khu vườn đào rậm tôi không thấy bóng dáng nào nữa cả. Tôi lại lo âu, tôi lại thấy bơ vơ. Tôi cô đơn lắm. Ở phương xa, bóng tối hầu như những khu rừng cây sầm uất, bao phủ không còn thấy gì, dù là hình ảnh của ký ức, hay tưởng tượng mà ra. Tôi chợt nghĩ tới một cơn bão, có thể xua đẩy tôi nhanh hơn. Tôi nghĩ tới ánh sáng. Tới ánh sao. Tới mặt trăng và mặt trời. Rồi đầu óc tôi điên mê. Lúc tay tôi với vào một nhánh cành rậm, tôi nắm chặt cho khỏi ngã, nhưng kỳ thực thì tôi đã ngã chúi xuống cát. Tôi cố nhìn lên lờ mờ những quả đào lộn hột, không như thứ đào hồng mơn mởn mà nàng vừa cho tôi hưởng... Dù sao cũng đỡ dạ được. Tôi đưa cả hai tay, tôi chới với ngồi lên. Nhưng đành chịu thôi. Tôi đã kiệt lực... và mơ thấy hình bóng nàng. Nàng đổ nước lay tỉnh và cho tôi ăn một trái đào. Tôi nhớ những ngón tay nuột nà kia và lời sầu hận, xen lẫn lời trao gởi hứa hẹn một niềm yêu đương lạ lùng, hình ảnh sùng diễm đó, không... không bao giờ tôi thấy được lại cõi trần nầy!

Lúc đưa tay nắm được bàn tay nàng, tới lúc sắp sửa ghì chặt lấy vòng lưng, lúc sắp kề môi lên môi, má mịn màng nọ, nàng đã tan biến, và tôi đau xót thấu tim gan. Tôi gọi to, chới với và hồi tỉnh.

Một bàn tay sạm đen nhỏ, rất duyên dáng của ai vừa khép lại chiếc cửa sổ, như đóng khung nơi tôi nằm. Tôi chưa chết ư? Tôi thấy khát nước và tôi gọi lên. Tôi gọi giữa hoang vu. Ôi tiếng gọi tự nhiên chua xót vô cùng. Hỡi loài người, tôi đã bỏ người, tôi đã khinh người, tôi đã định hủy diệt tất cả những tính chất người của tôi mà đi, mà lên đường tìm nàng. Nhưng giờ phút nầy, tôi kêu gọi... tôi quá cô đơn rồi người ơi! Tôi quá khao khát nước. Tôi kêu gọi nhưng biết gọi ai đây! Giữa hư vô… Tôi nghĩ thế.

Thoạt cửa phòng mở, một người đàn bà hiện vào nói to:

– A, ông nầy đã tỉnh rồi!

Bà ta nói dường như để mọi người ở ngoài cải căn buồng nầy biết.

– Bà làm ơn cho tôi chút nước.
 
– Ông nằm yên đề tôi lấy cho. Nằm tĩnh dưỡng nhé ông. Một lát sẽ có cháo cho ông dùng lại sức.

Tôi bỗng ứa nước mắt gật đầu. Tôi khát quá, nói giọng khao khao có lẽ bà ta không nghe, nên tôi thều thào lại:

– Xin bà cho tôi chút nước... khát lắm.
 
Người đàn bà nghe rõ vội chạy đến bàn rót vào một cái tô lớn, mang đến:
 
- Đây ông dùng, nước mưa lâu năm đó.
Tôi ực xong tô nước, gật đầu cán ơn, định hỏi xem họ vực tôi vào đây đã từ bao lâu và bây giờ đã mấy giờ, nhưng ê chề mỏi mệt, tôi đành im bặt, cố giữ lại sức.

Trong phòng yên tịnh tôi cố giữ bình tĩnh lắm mới nằm yên được, khỏi chồm dậy. Vì tôi biết nếu tôi chồm lên tức thời sẽ ngã xuống ngay, tức thời sẽ tăng gia mệt mỏi. Tôi ráng để tâm trí yên nghỉ. Không dám nghĩ đến màu sắc của lằn chớp rực, vì nó sẽ hiện lên khuôn mặt kiều diễm của nàng. Nó sẽ thu hút tôi trỗi dậy, lên đường trong lúc còn mê mệt. Nàng ơi nàng đẹp lạ thường! Lạ thay tôi không thể nào chợp mắt được yên tĩnh sao. Nàng, bóng dáng và thế giới thần kỳ nọ cứ hiện ra chập chờn uyển mộng! Để xua đuổi những huyễn mộng vô cùng đó tôi mở mắt nhìn ra ngoài cái kẽ hở của vách phên. Tôi thấy chập chờn vài tia sáng nhạt, tôi cố nhìn nhưng nó biến mất. Tôi cố tìm nhưng hầu như là đốm bay, vừa chợp tắt đã xa xôi, trả lại cái mênh mông vô cùng của đêm tăm tối. Thời gian lúc nầy thật cần thiết cho tôi. Tôi nao nức muốn hiểu đã mấy giờ đêm, và bao lâu nữa tôi mới được thoát khỏi nơi u tối nầy, thoát khỏi cái vùng bóng tối miên man. Tôi nghĩ về những con đốm bay. Ờ, có lẽ một giây phút nào đó ta hóa thành đốm bay ra ngoài dạo chơi với cây cỏ, có lẽ thú vị biết bao nhiêu!

Nhưng đốm đã bay rồi. Nó không mang lại ánh sáng. Tôi yếu đuối, tôi cô đơn và không dám gọi. Tại sao tôi không dám hét lên. Hay là... Ồ, tại sao họ bỏ mình nằm trên giường nầy và không cho mình một ngọn đèn sáp nào cả. Họ sống âm thầm đã quen, mình đâu có thể sống âm thầm như thế được. Họ phải thông cảm một kẻ cô đơn chớ. Một kẻ đau yếu, một kẻ lạ lạc đến phương trời, đến khu vườn của họ chớ? À, mà lạ chưa, sao ta lại oán hận họ? Họ đã cứu mình mà. Họ muốn cho mình ngủ yên đây mà. Trong bóng tối, ngoài ánh sáng có khác nhau gì đâu đối với họ. Chỉ riêng có ta thôi, căn phòng sao bịt bùng quá đỗi, thu hẹp buồng ngực thở của ta. Mấy giờ rồi ? Ta muốn biết lắm! Sao thế kia, ta không yên được, ta còn thở đây mà, ta còn biết đây mà, nhưng cái biết hư vô tràn ngập thật vô ích mà thời gian hiện hữu thì quá mơ hồ, ví mà ta biết bây giờ một, hoặc là hai, hoặc ba giờ khuya, ta đỡ xao xuyến vì thao thức biết bao.

Hình ảnh người Nữ Chúa lại hiện lên trong trí não ta. Lẽ mầu nhiệm nào đó? Có lẽ là kỷ niệm chăng? Kỷ niệm của những giây phút thần kỳ đã hiện lên một lần tạo thành viễn ảnh xa xăm, tạo thành giấc mơ xao xuyến mãi linh hồn. Hình ảnh của nàng phủ vây ta trong bốn bề u tịch nầy như hình ảnh của Thượng Đế soi rọi, hiện khắp nơi trong niềm tin mãnh liệt của loài người. Ta cứ chập chờn mê loạn mãi, giữa trần gian mạc... giữa cây lá xanh um, hay giữa khoảng không gian nào ngoài cõi đời, ngoài kiền khôn ta còn bắt gặp được thế giới của nàng lại. Cái thế giới kỳ bí kia, ta chưa tường tận hiểu biết, ta chưa nghe rõ âm vang lạ lùng, ta chưa hiểu sự thật... A, có lẽ hình ảnh chói lọi của nàng đã mờ đi đã xóa đi thật nhiều sự thể mà khối óc ta cần biết, tính tò mò của ta cần được thấy rõ ràng. Và cả nàng nữa, ta chưa hiểu rõ lai lịch nàng ra sao, và cái vòng hào quang bao phủ quanh nàng có phải chăng là một màu huyễn hóa cả. Cho tới lúc ta nghe vọng một tiếng gà, tiếng gà báo bình minh thì ta mới yên lòng ngủ được. Nhưng tiếng gà báo hiệu bình minh giữa mê tâm nầy lúc nào sẽ gáy vọng. Ta đã mường tượng nghe đâu đây, nghe từ phương trời Tây... nghe tự hướng Đông, không đúng và không phải? Đó chỉ là giọng cú rúc chứ không phải tiếng gà. Ôi tiếng gà bình minh bao giờ trỗi lại, bao giờ đôi cánh vỗ, đôi cánh tả hữu cùng vỗ một lần... để cho giọng gà kia gáy vang lên giữa vườn đào nầy... gáy vang lên giữa căn phòng tối nầy, gáy vang lên trải dài tiếng ngân trong lòng sa mạc mênh mông nầy? Chưa, tiếng gà chưa vọng lên, và đôi cánh gà chưa vỗ lên... Đôi cánh vỗ thì cát bụi sẽ mù mịt, tất nhiên là cát bụi sẽ mù mịt trước rạng đông, trước giọng gáy vang đó, rồi vẻ bình minh sẽ hiện lên chan hòa.

Ta ao ước ngủ một giấc ngon lành. Thao thức mãi thế nầy sao hỡi nàng, sao hình bóng của nàng ám ảnh mãi lấy hồn ta.

Ta bị vây phủ bởi hào quang với mùi hương sùng diễm kia rồi... ta sắp choáng ngợp đây và… Ô kìa cái lằn chớp.

Bây giờ thì ta mở mắt thực sự đây, tất cả mọi cửa sổ đã mở toang, khí trời oi bức quá, làm sao đây, ta lại khát, ta lại đói, thân thể ta mỏi nhừ và mộng ảo của ta đã tan biến đi đâu cả. Ta cố gượng dậy. Dù sao cũng phải cố gượng dậy chớ? Ta một mình mà. Ta có bạn bè đâu, ta có thấy ai đâu. Cát nóng hắt vào mắt ta, gió nóng lùa vào ngực ta, bụi nóng bay mù trời. Ồ ngọn gió nào thổi qua chăng? Ta khát, ta đói quá chừng trong cái giới hạn quá tầm thường, quá nhỏ mọn của ta.

Bầy quạ khoang đã hiện ra trên nền trời phía Bắc. Bầy quạ khoang hiện nhanh và hầu như bao trùm lấy mặt trời, khiến tối sầm lại một thoáng, khiến tinh thần ta xao động, khiến ta cảm thấy một điều lạ xâm chiếm tâm hồn, da thịt ta đang bị loài quạ rỉa rã rời đây, đau buốt đây. Và mỏm sọ dừa của ta sao mà trống rỗng thế nầy?

Một giọng cười rất êm hầu như là một tiếng hát khẽ... Ờ phải, đó là một giọng cười nhỏ của người đàn bà, bàn tay bà ta đã cho nước ta uống. Ta nhớ lại rồi. Bàn tay đẹp quá, và lúc mơ mệt, ta không nhìn rõ gương mặt của bà ta. Ắt là gương mặt phúc hậu lắm. Gương mặt của bà tiên hiền, của Quan Thế Âm hiện lên để cứu khổ cứu nạn cho ta chăng?

Nhưng sao bước chân của người lại nặng nề thế kia. Ta nghe rõ là bước chân đó đang tiến về phía mình, tiến về chậm chạp, tiến về phía cửa cái căn phòng nầy. Ta chờ đợi từng bước chân đó, bước chân mang hy vọng đến cho ta trên chiếc giường nầy…

Những cửa sổ soi rọi tia nắng quá đỗi gay gắt, tôi vã mồ hôi ra và phát sợ những cơn gió khô khan thỉnh thoảng phả vào như hơi thở của mùa hạ. Tôi chờ trong chốc lát, và đinh ninh rằng thế nào cánh cửa phòng, cánh cửa cái của căn phòng sẽ được mở ra. Tôi cố gượng dậy được, dựa lưng và nhắm mắt.

Cái quả lắc khua động, tôi mở bừng mắt ra nhìn. Ờ, cửa phòng chính đã mở rồi kìa. Tôi ho khẽ để bà biết rằng mình đã tỉnh dậy từ lâu và ngồi lên ở đây. Tôi muốn kêu gọi bà một tiếng nhưng mắt tôi lại nhắm nghiền không mở ra được. Tôi không biết vì sao thế. Tôi cũng không mở miệng nói lên lời nào được nữa. Lạ chưa?

Một khắc bà đề một vật gì lên bàn, tự dưng mắt tôi mở ra được và bắt gặp đôi mắt mờ nhạt của bà, đôi mắt xa vắng hầu như mất thần vì bụi cát phủ nhòa qua tròng mắt.

Tôi bắt gặp một gương mặt đen sạm chữ điền, làn da rám nắng và loang lổ như tổ ong, mí mắt lèm nhèm bên trái, còn bên mặt bà quấn chiếc khăn màu vải nâu phủ sụp xuống đến ngang trái tai, tôi không nhìn được. Gương mặt của người giống như một chiếc lá bàng khô vàng võ, in đậm lên những dấu vết tàn phá chày ngày chày tháng. Bà im lặng một lát, rồi mở lời:

- Tối qua tôi mang cháo đến cho chú em nhưng chú em mê man không biết gì cả, bây giờ tỉnh rồi, vậy tốt lắm đó, có cháo nóng cho chú em dùng đây, đừng ngại gì cả.

- Cháu cám ơn bà lắm. - Tôi gượng nói như thế.

Bà xua tay và mang tô cháo đến gần giường, đặt cạnh tôi:

– Mệt ăn vào sẽ thấy khỏe ngay, chú em đừng ngại.

Nói xong bà ngồi xuống cạnh tôi, nhìn tôi từ từ húp những muỗng cháo. Đúng là những muỗng cháo hồi sinh. Tôi cố húp hết tô cháo, mồ hôi mồ kê nhỏ ra đầm đìa. Bà ta trao khăn và nói với giọng thương cảm, tiếng nói như bốc dậy lên mối tình nhân loại thương mến nhau lúc hoạn nạn, tiếng nói tôi khó quên được:

- Chú em ở đâu lại đến khổ sở như thế nầy, chú em hãy lau sạch mồ hôi. Chắc bị cảm nắng đó. Ở đây người lạ đến dễ bị nhiều thứ bệnh hoạn lắm. Nhưng không sao đâu, có mồ hôi tươm ra sẽ dễ chịu ngay đó mà. Ráng tĩnh dưỡng và đừng nghĩ gì hết.

– Thưa bà ở đây là miền nào, xứ nào bà cho tôi được biết?

Người đàn bà lắc đầu:

– Chú em hỏi làm gì cái miền đất nầy, khô khan đá sỏi, quanh năm họa chăng mới có một đoàn người buôn lậu, hay làm việc gì có vẻ mờ ám nguy hiểm đi qua. Họ không làm khó dễ già này, và cũng chẳng ai để ý đến vùng cỏ cháy đất cằn này mà đặt cho nó một cái tên gì. Cả già nữa, có lẽ già cũng quên cả tên họ của mình rồi kia.

Tôi ngồi nhỏm dậy, cảm thấy khỏe một chút vì có chất gạo muối vào người, tôi thấy người đàn bà có vẻ lẩn thẩn, nhưng cũng không muốn để ý đến công việc gì của ai. Tôi im lặng thì thấy bà ta mỉm cười, nụ cười dung dưỡng như của một hiền mẫu.

Giây phút sau khoảng chừng vài hơi thở, người đàn bà hỏi bâng quơ:

- Rồi chú em định đi về đâu?

Tôi lắc đầu tư lự hơn lúc nào hết khiến bà ta cười:

– Tôi đoán chú em không phải là một người làm việc mờ ám gì, chú em cũng đừng ngại gì tôi hết. Nếu nay mai thấy khỏe cứ việc lên đường.

Tôi đi theo một lằn chớp... Ý định của tôi muốn trả lời như thế, nhưng thật là ảo tưởng, thật là mơ hồ, thật là huyền hoặc nếu tôi nói cho bà biết như vậy nên chỉ ậm ừ:

– Tôi đi ngắm cảnh lạc bước đến đây bà ạ. 
Rồi để cho vui câu chuyện, tôi hỏi thăm đến gia đình. Bà ta lắc đầu chưa kịp đáp thì bên ngoài một đứa con gái độ mười hai mười ba tuổi ẵm xề xệ trên tay nó một đứa nhỏ hầu như còn bú, nó vừa quẹt mũi rãi vừa đặt đứa nhỏ xuống chiếc giường bên cạnh tôi. Nó nhìn tôi trân trối, ánh mắt đượm vẻ buồn bã lắm.
– Đó chúng nó đó, tôi đã lượm chúng nó ngoài bìa rừng ngoài kia. Nơi đám mả loạn của dân làng dưới thung lũng. Ngoài ra không còn một ai nữa. Con lớn đó suýt bị cọp vồ đấy chớ, bây giờ nó gan lì lắm không sợ gì cả, nhiều lúc nó đi chơi rong, nó đuổi theo lũ khỉ vượn mãi trong rừng sâu cả ngày đêm.

Ba bà cháu nói xong từ giã tôi ra ngoài. Người đàn bà bảo phải đi hái củi, đứa cháu được trao cho việc tắm rửa đứa bé. Tôi chắc đâu đây có giếng nước, khi tôi hỏi bà ta lắc đầu và bảo đứa con gái lem luốc trước mặt tôi phải ẵm đứa bé đi mãi vào tít ở trong khe suối khỏi lùm cây khô khan cao chót vót bao quanh tầm mắt. Nơi đó có khe suối trong, huyết mạch của cả một vùng quanh đấy.

Tôi tin ở đâu đây còn có một vài túp nhà của dân miền sơn cước, mơ hồ tôi nghe văng vẳng trong gió có một điệu nhạc khí nào như tiếng chuông mõ công phu.

– Em bé, em đưa dùm tôi ra bờ suối, tôi tắm mát một chút nào… Ồ, sao em ngó tôi như vậy? Em làm y lời bà nọ chớ, em đưa đứa bé nầy ra bờ suối đi, tôi sẽ theo ngay, mùa xuân gì mà nóng nực thế nầy hở em.

Mặc tình tôi nói, đứa bé vẫn đứng im. Bà nọ thì bỏ đi ra ngoài từ lâu, bà đi mất hút vào cánh rừng rậm, ban đầu tôi còn thoáng thấy hình bóng nhỏ nhoi nọ lang thang, tôi còn thấy màu áo, thứ màu đất đỏ lâu ngày lấp loáng trong nắng. Rồi bóng đó qua khỏi khuôn cửa sổ, tôi không thấy gì nữa hết.

Đứa bé im lìm, cho đến một lúc lâu nó ú ớ đưa tay nói gì với thằng bé con. Thằng bé con cười, tôi không biết nó có rõ cái cử chỉ nọ hay không. Nhưng tôi vừa có ý nghĩ là đứa bé gái nọ dường như là bị câm vậy.

Sao nó lại nhướng mắt nhìn tôi. Nó lại đưa tay vẫy tôi kìa. Tôi nghĩ lại – Nó biết nghe thì phải. Nhưng sao nó câm lặng và u buồn thế này. Tôi thấy chua xót cho nó quá. Tôi thấy trong lòng nhuốm lên một màu vô vọng vì nó. Thực tốt, nếu mà nó ở trong một xã hội đầy rẫy những hạng người biết nói... Ở đây thì tốt hơn, nó câm lặng, cỏ cây cũng thế. Niềm câm lặng hòa dịu, đồng điệu lắm, có lẽ cả hai đều hiểu được nhau, cỏ cây sự vật, và nó...

Giờ khắc qua tôi đi theo nó, nó đi quá nhanh, vẹt qua cỏ dại, vẹt qua bờ bụi, vẹt qua cỏ rậm và chen lẫn trong các gốc cây rậm rì, bám víu đầy những rong rêu mốc thếch. Tôi bươn bả theo nó phát mệt. Một lát thì ra đến vùng cỏ lau xanh mướt khác hẳn cái khu vườn đào và những luống cát nóng hổi ngoài kia. Tôi nghe một tiếng chim đầu tiên hót. Tiếng chim trong một nhánh hoa màu vàng ở trên chót vót cao vọng xuống ngọt ngào như hơi mát cỏ hoa…

Đứa con gái mặc tình với khung cảnh quen thuộc, nó cũng không cần nhìn tôi, nó vứt thằng nhỏ nằm chỏng gọng trên đám cỏ lún phún bên bờ suối. Thằng bẻ khóc la mặc tình. Còn nó đi tìm thứ gì đó trong bụi rậm! Tôi tắm rửa trên dòng suối một lúc lâu, sốt ruột vì nó không trở về. Lau chùi xong, tôi leo lại nơi thằng bé, thấy nó ngủ, quanh nó vài con ong bay vù vù. Thằng bé ngủ vùi trong điệu rít vi vu của bầy ong như một điệu ru êm ái mà mùa hạ vàng dành riêng cho nó.
 TRẦN TUẤN KIỆT
(Trích từ tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta)