Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

LÒNG YÊU NƯỚC CỦA EM BÉ THÀNH PA-ĐU_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


9.- LÒNG YÊU NƯỚC CỦA EM BÉ THÀNH PA-ĐU (1)
(Câu chuyện hàng tháng)
                                                                                            Thứ bảy, ngày 29
  

 Không, không bao giờ tôi chịu làm tên lính hèn nhát. Nếu ngày nào thày giáo cũng kể cho tôi nghe câu chuyện như sáng nay thì có lẽ không bao giờ tôi muốn nghỉ học. Theo lời thày thì mỗi tháng sẽ có một chuyện mà chuyện nào cũng nói về những thủ đoạn phi thường của một đứa trẻ con.

"Lòng yêu nước của em bé thành Pa-Đu", đó là đầu đề câu chuyện sáng nay.

Năm trước, một chiếc tàu Y-pha-nho dời bến Bác-xơ-luân (2) để đi Giê-nơ (3). Trên tàu, trừ người Tây Ban Nha, còn có một số người Pháp, người Ý, người Thụy Sĩ, và nhiều người nước khác nữa. Trong bọn hành khách người ta nhận thấy một đứa bé độ 11 tuổi, ăn mặc nhơm nhếch, đứng riêng một chỗ và nhìn những người kia bằng đôi mắt hằm hằm. Nó nhìn như thế cũng không phải hẳn là không có cớ. Cha mẹ nó là nông dân ở gần Pa-đu, cố nhiên là nghèo túng, hai năm trước vì tham tiền đã cho nó đi ở với một người chủ xiếc rong. Người này dạy nó một vài môn nhảy, lộn rồi bắt nó theo sang Pháp và Y-pha-nho. Nó bị hành hạ luôn tay và ăn uống không đủ.

Đến thành Bác-xơ-luân, không thể chịu được cái đời sống khổ ải ấy nữa, đứa bé khốn nạn liền trốn chủ đến cầu cứu viên lãnh sự Ý. Động mối thương tâm, viên lãnh sự xin cho nó một chỗ trong tàu nói trên và cho nó một lá thư giới thiệu cùng ông thị trưởng Giê-nơ nhờ ông giao giả về cho cha mẹ nó, là người đã bán nó như một con vật. Thằng bé còm gầy yếu đuối và đeo bộ quần áo rách. Người ta cho nó ngồi phòng hạng nhì. Hành khách ai cũng nhìn nó, có người hỏi nó song nó không trả lời. Nó có vẻ căm ghét mọi người vì những sự khắc khổ và hành phạt đã làm cho nó oán hận và không có cảm tình. Tuy nhiên, có ba người hành khách đã khéo làm cho nó hé răng. Nó kể chuyện nó bằng tiếng Ý pha giọng Y-pha-nho. Ba người khách kia không phải là dân Ý nhưng cũng thương nó, cho tiền để nó nói chuyện, nghe cho đỡ buồn. Đồng thời, có mấy thiếu phụ đi qua, ba ông quí khách hãnh diện ném thêm tiền xuống bàn loảng xoảng và nói : "Cầm lấy ! Cầm lấy nữa này !"

Đứa bé sung sướng, vơ tiền bỏ túi, cảm ơn rồi vào phòng. Nó buông màn cửa xuống ngồi yên lặng và nghĩ đến những việc nó sẽ phải làm.

Nó nghĩ : với số tiền ấy, nó sẽ được ăn no, không phải thèm nhạt như trước. Khi tới Giê-nơ, nó sẽ sắm một bộ cánh mới để thay bộ quần áo nó đeo hai năm trời nay, rách như tổ đỉa. Nó lại định để ra một số tiền đem về cho cha mẹ, chắc là được săn đón và quí hóa hơn là về tay không. Số tiền ấy đối với nó là một món tiền to. Ngồi sau rèm cửa, nó trù đi tính lại và trong lòng thấy khoan khái nhẹ nhàng.

Lúc ấy, ba người khách nói trên đang ngồi ở buồng ăn, quây quần uống rượu và nói chuyện về những cuộc du lịch của mình cùng phong tục những nước đã đi qua. Tình cờ, câu chuyện nhằm vào nước Ý. Một người bắt đầu phàn nàn về khách sạn, người nữa chê về xe lửa. Cuối cùng, rượu say, họ thi nhau nói xấu tất cả những cái gì thuộc về nước Ý. Người thứ nhất nói biết thế, họ sẽ di du lịch xứ La-pô-ni (4) (ở cực bắc châu Âu) còn hơn sang nước Ý. Người thứ nhì nói quả quyết rằng ở Ý hắn gặp toàn thị những phường quỷ quyệt và những quân cường đạo. Người thứ ba nói thêm rằng :

- Những người tùng sự nước Ý không biết chữ!

Người thứ nhất nói :

- Đó là một dân tộc ngu dốt !

Người thứ nhì tiếp :

- Bẩn thỉu !

- Và ăn...

Người thứ ba định nói câu "ăn cắp" nhưng chửa dứt lời thì một trận, toàn tiền vàng và bạc hắt vào mặt những người ấy như mưa rơi tung tóe xuống bàn và trên sàn. Ba người hầm hầm đứng dậy xem trận mưa dữ ấy ở đâu ra thì lại bị ném thêm.

Cậu bé thành Pa-đu vén rèm thò đầu ra thét bằng giọng khinh bỉ :

- Cầm lại tiền của các người. Ta không thèm nhận của bố thí của những kẻ lăng mạ nước ta.
--------------------------------
Chú thích : (1) Padoue. (2) Barcelone. (3) Gênes. (4) Laponie.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét