Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

MÙA XUÂN TRÊN ĐỈNH NON CAO - Vũ Hạnh

 
Mặt trời đỏ lói như một cục máu, có vẻ vội vàng trụt xuống sau đỉnh núi cao. Hiệp bước khập khiễng trên con đường dốc nhấp nhô, kêu lên một cách thảm thiết:
- Đi chậm một chút các người! Định bỏ thằng này cho cọp nhai sao?
Sự thực là cả ba người đi trước lê chân rất là chậm chạp. Cả ngày hôm ấy họ chỉ ăn một bữa cơm với muối vào khoảng nửa buổi, và phải luồn lỏi băng rừng, leo núi, không dám nghỉ trưa chỉ sợ mặt trời vội tắt mà chưa đến được Đất Tó. An, người khỏe nhất bọn, đứng trên đầu dốc áp người vào một thân cây, quay nhìn trở lại, hét to:
- Gấp lên, ông cụ! Chỉ sợ cọp xơi luôn cả bốn mạng đó thôi.
Khánh, người trưởng đoàn, ngồi xuống mô đá ven đường nói bằng một giọng mệt nhọc:
- Chờ nó một chút. Thằng ấy khó tính lắm mà.
Rồi anh nhăn mặt, duỗi thẳng hai chân để tìm một phút nghỉ ngơi, ngả người dựa cái ba lô vào một vách đá thở từng hơi dài. Dụng tiến lại gần bên Khánh, ngồi xuống rất là nặng nề, chậm rãi lấy khăn lau lớp mồ hôi chan hòa trên mặt. Một lát, Hiệp nhăn nhó tới, xanh xao, chập choạng như một con bệnh, giương hai con mắt lờ đờ:
- Gần đến nơi chưa?
An đáp:
- Sắp tới nơi rồi. Lên đây mà nhìn.
Anh chỉ về phía bên kia sườn núi:
- Chỉ một phần ba khâu rựa là đến buôn rồi, tha hồ ăn hút. Đi ta!
Hiệp phều phào đáp:
- Gần đến thì đi làm gì cho vội, nghỉ một chút đã.
Nói xong anh nằm ngửa ra, dựa mình trên cái ba lô, duỗi thẳng hai tay trên đất, nhắm nghiền đôi mắt. An lại ngồi xuống ở trên đầu dốc, vòng tay ôm lấy đầu gối, đưa mắt nhìn về phía chân trời xa.
Ánh nắng cuối cùng như tái nhạt dần, gió núi xào xạc rung động ngàn cây đem những hơi lạnh từ lòng thung lũng chuyền đi khắp nẻo thâm u.
An giục:
- Đi thôi! Tối rồi!
Hiệp không mở mắt, rên rỉ:
- Nghỉ một chút đã!
An cằn nhằn:
- Đa số mà cứ phục tùng thiểu số cách này thiệt là đảo lộn dân chủ rồi đó. Lên đây mà xem. Một phần ba khâu rựa không phải là gần. Buôn còn xa lắm, các ngài.
Khánh và Dụng cùng ngồi thẳng dậy vịn nhau đứng lên. Khánh lấy cây gậy gõ vào chân Hiệp, giục giã:
- Dậy nào, đi thôi!
Hiệp hé đôi mắt, rồi nhắm nghiền lại.
- Đi ta! Tối rồi!
Hiệp lại mở mắt trân trân nhìn một lát nữa rồi mới mệt nhọc ngồi lên:
- Ừ, thì đi.
Nói thế nhưng anh vẫn không nhúc nhích. Khánh bảo Dụng:
- Đỡ nó đứng lên, kẻo nó muốn sụm bà chè rồi kìa.
Hai người lại kéo tay Hiệp, nâng anh ta dậy hết sức khó khăn.
An nói chõ xuống:
- Ai bảo tính chuyện xông pha rừng núi mà còn vợ con làm gì, để cho gối mỏi chân chồn sớm vậy.
Khánh cười gượng gạo:
- Ấy, cái ngốc của loài người là cứ tưởng mình sống nguyên một chỗ.
Dụng cũng cố gắng nói đùa một câu cho bớt mệt nhọc:
- Trước kia, nếu biết có ngày mình phải sống lì trên núi thế này thì cố giữ vẹn tiết trinh để mà bây giờ gá nghĩa với một cô Thượng.
Hiệp cất tiếng cười "hê hê" một cách khó nhọc nhưng không bước tới được một bước nào. Khánh bảo:
- Nào, chia bớt gánh nặng cho Hiệp kẻo nó nằm vạ ở đây thì khốn. Đưa khẩu súng này cho cậu ba An. Tháo ruột tượng gạo cho tôi. Còn cái mền kia, đưa cho cậu Dụng.
An đeo hai khẩu súng trường vội vã đi trước, dáng điệu lầm lì. Khánh và Dụng đi gần bên nhau thỉnh thoảng quay lại như thúc giục Hiệp. Anh này vẫn nhăn nhó, lử khử nhấc bước như một con bệnh đi về địa ngục.
Giữa cái khung cảnh núi rừng đang chìm dần vào hoàng hôn bỗng Khánh nói lớn:
- Còn mười ngày nữa là Tết đấy nghe!
Dụng hỏi:
- Chúng mình định sẽ ăn Tết ở đâu?
Khánh đáp:
- Có lẽ phải nghỉ lại ở Đất Tó, mồng năm mới lại lên đường.
Hiệp nói bằng giọng khàn khàn:
- Đồng bào Thượng du đâu có Tết nhất mà ăn với uống. Chuyến này lại hưởng mùa xuân cơm muối, thèm thịt bỏ cha!
Sau câu nói ấy, dáng điệu của Hiệp lại càng thiểu não thêm lên và bước chân anh có vẻ rã rời hơn trước. Bốn người lại cùng im lặng lê những bước chân nặng nề, mỗi người theo đuổi ít nhiều ý nghĩ xa xôi để quên bớt nỗi khó nhọc.
Họ đến cửa buôn thì khắp núi rừng đã nhuộm một màu xám ngoẹt. An vừa tiến lên đầu ngõ bỗng đứng sững rồi quay ngoắt lại, kêu lên:
- Nguy rồi!
Tiếng kêu đầy ý tuyệt vọng làm cho ba người đi sau hốt hoảng cùng dừng cả lại. Khánh hỏi:
- Sao đó?
An bước trở xuống, mặt anh căng tối hẳn lại trong bóng đêm về:
- Cấm vào.
Dụng tiếp:
- Có chắc vậy không?
- Sao lại không chắc! Đồng bào gài lá trên cổng đó kìa, chắc mình đến giữa vụ mùa nào rồi.
Và lần này An ngồi phịch xuống đất, tháo vội ba lô khỏi vai:
- Chỉ còn một cách là nằm lăn kềnh ra đây ngủ đói đêm nay.
Hiệp cũng ngồi xuống, không nói nên lời, có vẻ hết sức đau khổ. Mọi người im lặng để nghe lòng mình xao xuyến lo âu. Bao nhiêu hy vọng ăn no ngủ ấm thế là tan tành, và những ước mơ nghỉ ngơi trên ngôi nhà sàn sáng rực ngọn lửa đêm dài sau một ngày đường vất vả, bây giờ như ánh nắng chiều tắt ngấm sau dãy non xa.
Hiệp bỗng nói lớn:
- Kéo đại vào thôi, chẳng lẽ nằm đây chịu chết hay sao?
Khánh cười gằn:
- Nằm đây chưa chắc đã chết, nhưng muốn chết sớm thì cứ kéo vào.
- Thế thì làm sao?
Trầm ngâm một lát, Khánh đáp:
- Buôn đã có dấu cấm kỵ thì không một người lạ nào có thể vào được. Chúng ta phải chờ, nhưng không biết đợi cho đến ngày nào. Chỉ còn một cách, hãy đi trở lại...
Hiệp kêu:
-Trời ơi! Tôi chịu chết thôi.
An bỗng thở dài:
- Sức đâu mà đi bây giờ?
Dụng cũng rầu rĩ:
- Bụng đói, trời đêm, làm sao mà bước?
Khánh nói:
- Cố nhiên là không làm sao trở lại đường cũ. Nhưng tôi biết rõ cách đây không xa có một buôn nhỏ từ lâu đã bị bỏ hoang, chúng ta hãy tìm về đó nghỉ tạm xem sao.
Giọng anh trở nên cương quyết:
- Chỉ còn có mỗi một con đường ấy mà thôi. Ngồi đây để trời tối sụp thì hết đường đi, cũng không cách nào đề phòng được loài thú dữ. Đề nghị anh em có bao nhiêu sức còn lại, thì ráng mà bước. Nào, ta đi.
*
Khi bốn người mò mẫm lên được ngôi nhà đầu tiên mà họ tìm gặp thì họ nhào ngửa trên lớp sàn tre, không kịp tháo rời ba lô ra khỏi đôi vai. Họ cũng không nhận được rõ ngôi nhà rộng, hẹp bởi vì bên trong tối mịt, và ở bên ngoài đêm đã phủ xuống mênh mông. Họ cũng chẳng hiểu vì sao đến được tận nơi, nếu không phải do một sức thôi thúc lạ lùng đẩy họ bước tới như những xác chết còn được điều động bởi sự hút dẫn ma quái khác thường. Khánh đã dẫn đầu cả bọn và chính anh cũng không tin là mình nhớ rõ con đường. Anh bươn nhào tới, vấp té nhiều lần khá nặng, rồi lại đứng lên lao mình về trước, không kịp nhận thấy một đau đớn nào. Bây giờ anh nghe toàn thân nhức nhối, hình như da thịt bị cào rách cả và cái đầu gối bên phải tê liệt hẳn đi. Nhiều lần anh cố nhấc tay để sờ vào đấy nhưng không nhấc nổi, chỉ máy động mấy ngón tay rất nhẹ rồi giữ yên lặng một chỗ để nghe mệt mỏi thấm mềm ở trong xương tủy. Lâu lắm anh mới quơ dần cánh tay về phía đầu gối, và anh cảm thấy ran rát, ướt đẫm. Có lẽ là máu, mà có lẽ đấy cũng là mồ hôi, vì khắp mình anh ướt đẫm mồ hôi. Anh nghe hơi thở mệt nhọc của người nằm cạnh và tiếng ú ớ rời rạc, đoán chừng là Hiệp, nhưng không muốn gọi, vì anh cứ chực thiếp đi sau mỗi lúc chợt tỉnh giấc.
Cả ba người kia từ lúc bươn bả theo Khánh cũng không còn kịp suy nghĩ gì nữa. An cũng nhào té nhiều lần như Dụng và cả hai người không biết là mình có bị vết thương nào không. Chỉ riêng có Hiệp, con người có vẻ mệt mỏi nhất bọn, thì lại tỏ ra tỉnh táo, nhanh nhẹn hơn cả trong chuyến "hành quân" cấp tốc vừa rồi. Tuy vậy, vừa ngả mình xuống là họ ngủ vùi mê mệt và sau một giấc nặng nề, dần dần tỉnh thức để nghe tứ chi bải hoải và sự nhức mỏi làm cho rũ liệt châu thân.
Người cất tiếng nói đầu tiên là An. Anh hỏi giữa khoảng tối tăm dày đặc:
- Có ai tỉnh dậy đó chưa?
Tức thì cả Khánh và Dụng cùng đáp một lượt:
- Dậy rồi.
Khánh hỏi:
- An đấy à? Nằm đâu?
An đáp:
- Không biết là nằm ở đâu. Chắc không phải dưới âm phủ.
Khánh hỏi tiếp:
- Hiệp ở đâu rồi? Hiệp ơi!
Hiệp ú ớ mấy tiếng rồi húng hắng ho trước khi trả lời mệt nhọc:
- Có lẽ tôi sốt rồi các anh ơi...
Và Hiệp lại rên hừ hừ, miệng nói lảm nhảm nhiều câu dấp dính vào nhau không rõ những gì. Cả bọn lại nằm yên lặng. Lát sau, một vài giọng ngáy khò khè vang lên. Không biết cách đó bao lâu, Dụng bỗng giật mình tỉnh giấc. Anh kêu:
- Anh Khánh!
Không nghe tiếng Khánh đáp lại. Dụng gọi thêm lần thứ hai:
- Anh Khánh!
Khánh vẫn nằm im mê mệt. Dụng nghe một sự yên lặng nặng nề khủng khiếp và nếu không có tiếng ngáy gần gũi thì anh tưởng mình hoàn toàn cô độc giữa chốn hoang vu.Theo các lỗ trống gió núi về khuya hắt vào hơi lạnh từng luồng tê buốt và anh co quắp mình lại, nhưng vẫn không tìm được chút ấm nào. Bên ngoài muôn ngàn tiếng động âm thầm bí mật xạc xào theo cơn gió vút, anh tưởng nghe được tiếng thác ào ào từ xa, tiếng mang tác ở nơi nào gần gũi, tiếng loài rắn độc gáy từng hồi dài quanh quẩn đâu đây. Anh gượng ngồi dậy nhiều lần nhưng vẫn không sao ngồi được. Cuối cùng, anh quờ tay về phía Khánh, đập mạnh vào bạn, kêu to:
- Anh Khánh!
Khánh choàng tỉnh giấc:
- Gì đấy?
- Lạnh quá!
Khánh nói bằng giọng yếu ớt:
- Ừ, lạnh lắm.
Tiếng An rời rạc tiếp theo:
- Lạnh cóng hết người rồi đây.
Và giọng của Hiệp rền rĩ:
- Lạnh không chịu nổi, các anh em ơi.
Tất cả bốn người đều cảm thấy lạnh nhưng không một ai có thể gượng dậy để nghĩ một cách đối phó. Họ cùng hiểu rằng càng khuya trời càng lạnh lẽo, cộng với đói và mệt thì đến một lúc nào đó họ sẽ không còn cựa quậy được nữa. Lại thêm thừa dịp tăm tối muỗi đói có thể tha hồ hút máu và bốn cơ thể xanh xao của họ ngày mai sẽ thành cơ sở độc quyền của sốt rét rừng. Những nỗi lo ấy đều làm cho họ xốn xang nhưng họ chỉ biết đợi chờ một kẻ nào khác ngồi thẳng dậy bật được lửa là họ có thể ngồi lên. Hai chân của An quơ lại phía Khánh gặp hai chân Khánh cọ quậy như cố di chuyển, và khi cánh tay của Dụng duỗi ra trườn về phía An thì bàn tay anh áp vào một cái mặt người. Anh vuốt lên má và nghe nổi gồ cái xương khá cao của một khuôn mặt hốc hác. Dụng hỏi:
- Ủa, anh Khánh đây à?
Khánh cười rất nhẹ trong bóng tối dày:
- Không, mặt hoa da phấn của cô tiểu thư nào đấy.
Dụng cũng gắng cười:
- Cớ sao tiểu thư lại trôi giạt về phương này?
- Chẳng biết, số trời định vậy.
Cả bọn vẫn còn thói quen là thường liên hệ câu chuyện trong lúc nhọc mệt đến các vấn đề nam nữ và một đôi lời bông đùa giễu cợt kiểu ấy có cái tác dụng kích thích bản năng để họ bớt sự chán nản.
Khánh đưa tay lên nắm lấy bàn tay của Dụng, cảm thấy rất rõ hơn bao giờ hết tình trạng gầy gò xương xẩu của bạn. Anh lại nghĩ đến thái độ tự nhiên nhưng không kém phần thâm trầm của Dụng rồi liên tưởng đến tác phong mạnh bạo, ngay thẳng của An, tinh thần tính toán chi li của Hiệp... Anh thấy mỗi người có mỗi tâm tính khác nhau, hoàn cảnh khác nhau lại chung cuộc sống vất vả với mình và anh xúc động trong lòng. Anh đặt tay Dụng xuống sàn, rồi gượng ngồi dậy. Đầu anh nhức như búa bổ, chung quanh đảo lộn, quay cuồng. Sờ soạng một lát khá lâu, anh mới lấy được bật lửa và một mẩu nến. Ngón tay cái anh run run ấn mạnh vào chiếc bánh xe nhiều lần mà vẫn không sao phát được ánh lửa đủ bén vào cái tim mồi. An đã ngồi dậy, xán lại:
- Nào, đưa cho tay này thử coi. Đây bật cú một cho xem.
Khánh quay người lại để đưa quẹt máy cho An nhưng vẫn bật thêm liên tiếp nhiều lần. An đỡ lấy, mần mò sửa lại tim, vặn thêm đá rồi bật một cái khá mạnh, tiếp một cái nữa.
Dụng kêu lên:
- Cú hai, cú ba rồi đấy. Đưa mình quẹt cho.
Anh trườn tới, giằng lấy bật lửa, loay hoay một lát rồi cố sức quẹt liên hồi, nhưng lửa vẫn không bén cháy. Không khí chờ đợi ánh sáng thu hút mọi người và ai cũng thấy nôn nả một cách khó chịu. Nhưng Hiệp đã ngồi lên được, nói bằng một giọng khàn khàn:
- Bây giờ thì đến phiên tôi, đưa đây.
Hiệp lại loay hoay một lúc khá lâu, ba người nghe anh mở nắp, thổi phì phụp trong quẹt máy. Sau cái quẹt mạnh, ánh lửa rực lên, lèo xèo bốc to trên một cái mồi khá lớn.
An gục gặc đầu, nhận xét:
- Gặp phải tay nghiện thuốc lá có khác.
Khánh vội vàng thắp ngọn nến và rọi chung quanh. Trong ánh sáng chập chờn bốn người thấy rõ một ngôi nhà sàn khá rộng và dài, có nhiều lỗ hổng ở hai bên vách.
Anh bảo:
- Dấu đạn đấy nhá.
Hiệp nói:
- Lục soát xem có gì ăn được không.
Khánh đáp:
- Cả buôn đã bỏ theo giặc từ lâu lắm rồi, đừng hòng kiếm chác được gì. Hình như ngoài vườn có một số mít, nhưng cũng không chắc có trái.
Khánh cắm ngọn nến xuống sàn và thấy vết máu đặc quánh ở đùi. Anh gượng cười, bảo:
- Hư cẳng rồi đây.
Rồi anh nhăn mặt kéo ống quần lên. Một lớp da bị cuốn theo phơi một mảng thịt đỏ loét. Anh cúi thổi nhẹ và hơi xuýt xoa nhưng nhận thấy đã chú ý quá nhiều đến mình, anh ngả đùi xuống, quay hỏi mọi người:
- Có ai thương tích gì không?
An đáp:
- Tôi trật gân chân.
Dụng tiếp:
- Tôi chưa nỗi nào.
Hiệp rên nho nhỏ rồi nói:
- Tôi thì tứ chi rũ liệt.
An hỏi:
- Có bị thương không?
Hiệp lù rù đáp:
- Chắc không.
Khánh bảo:
- Bây giờ có hai vấn đề trước mắt là đói và lạnh. Đói thì có gạo, có muối nhưng chưa có nước. Suối ở cách đây không xa nhưng phải trèo xuống một cái dốc sâu.
An nói:
- Đã khuya quá rồi, đành nhịn luôn vậy.
Dụng tiếp:
- Đồng ý.
Khánh hỏi:
- Còn Hiệp? Có chịu được không?
Hiệp nằm ngửa ra sàn đáp:
- Thôi thì nhịn vậy chứ biết làm sao?
Khánh nói:
- Chắc là trong nhà còn lại củi khô, nếu không thì ta rút lấy một phần sàn nhà để chụm đỡ vậy. Nào, mau lên kẻo nến sắp tàn.
Họ phải hì hục một lát khá lâu mới đốt lên được ngọn lửa. Và khi ánh sáng phần phật chói sáng căn nhà tung ra hơi ấm chan hòa, bốn người cùng ngồi sát lại quanh bếp và thấy yên tâm hơn trước. An xòe hai tay hơ trên ngọn lửa, mỉm cười:
- Ước gì chúng ta có được ít trái bắp già.
*
Sáng hôm sau, mặt trời lên đã khá cao, bốn người mới ngồi dậy được. Công việc đầu tiên là đi lấy nước nấu cơm. Khánh và An bước đi khó khăn nên Dụng và Hiệp phải lo liệu lấy. Khi tụt xuống cái dốc cao, Hiệp nửa đùa nửa thật bảo Dụng:
- Nếu trật xương chân hay lả một miếng thịt đùi có lẽ sung sướng hơn nhiều.
Dụng cũng cảm thấy khó khăn, mệt mỏi trong khi tuột dốc, tự nhiên lòng sinh oán hận không đâu, nhưng khi nghe Hiệp nói thế anh liếc nhìn Hiệp rất nhanh và giữ vẻ mặt lầm lì, không trả lời lại.
Lấy nước xong, Dụng chia số ống lồ ồ ra làm hai phần và mang ba ống của mình về trước. Anh thấy ghét Hiệp lạ lùng, muốn nói một câu cho hả tức nhưng không tìm ra câu nào cho hợp ý mình. Anh lại thấy An tự phụ một cách khó chịu, còn Khánh thì giỏi che đậy để mà điều khiển mọi người. Trong lòng hậm hực, anh cố gắng vượt khỏi dốc cho mau nhưng hai đầu gối run run chỉ chực khuỵu xuống. Vừa leo tới đỉnh anh ngồi trên một tảng đá để nghỉ, thấy Hiệp lồm cồm leo lên, vẻ mặt nhăn nhó:
- Nguy quá, tôi té lộn nhào giữa dốc, đổ hết nước rồi.
Dụng nín lặng một lát, cảm thấy cơn giận sôi sục trong lòng. Tuy thế, đến phút cuối cùng anh chỉ nói được một câu, mượn ý của Hiệp lúc nãy:
- Vậy thì đổ sạch hết nước có lẽ khỏe khoắn hơn nhiều.
Và anh vội vàng đứng lên, tuy trong thâm tâm còn muốn nghỉ thêm lát nữa. Anh nhìn vẻ mặt của Hiệp, thấy Hiệp vẫn cứ trơ trơ như không có gì đáng phải bận tâm, Dụng bèn nói thêm:
- Ai cũng đổ sạch thì nhịn cho xong.
Rồi anh vội vã lê bước về buôn.
Hiệp ngồi ngắm nhìn lơ đãng chung quanh và anh thấy Dụng đã ám chỉ mình một cách rõ rệt. "Nhưng lấy chứng cớ gì để bảo mình không làm đổ nước? Lấy chứng cớ gì?" Thật là khó lòng mà bảo rằng anh có một dụng tâm bất chính đối với anh em. Vả lại, anh mệt mỏi quá chứ nào anh có lười biếng cho đành! Chỉ vì anh không lở da, trật gân như những kẻ khác nên anh mới phải khổ nhọc thế này. Hiệp thấy mình không đến nỗi tệ lậu, nhưng khi vác mấy ống tre không có một giọt nước nào anh cũng cảm thấy ngượng ngùng. Anh đứng tần ngần nhìn xuống dòng suối xa xôi, dốc núi có vẻ cheo leo hiểm trở, rồi lững thững về.
Dụng đang ngồi bên bếp lửa với An và Khánh nói chuyện rì rầm nhưng khi thấy Hiệp thì họ nín bặt. Hiệp làm bộ không chú ý:
- Uổng quá, mất toi ba ống nước đầy giữa dốc. Các anh xem thử, nếu thiếu thì tôi sẽ đi lấy thêm.
An cho thêm củi vào bếp, đáp bằng một giọng lững lờ:
- Thôi được, nếu hết thì đến phiên tôi hay là anh Khánh.
Thoáng thấy một ý chia rẽ đã được biểu lộ rõ ràng qua lời tường thuật của Dụng và giọng mát mẻ của An, Khánh cố mỉm một nụ cười hòa giải:
- Việc gì mà phải cố chấp như vậy. Cậu Hiệp mà còn cố gắng đi được thì giúp đỡ cho anh em càng tốt chứ sao.
An cho câu ấy thật là thâm độc để gài cho Hiệp phải quay lại suối một lần thứ hai, nếu nước thiếu thốn và anh cảm thấy bằng lòng. Nhưng Hiệp lại hơi khó chịu, nghĩ Khánh đoán mình đổ nước dưới dốc cho nên mỉa mai như vậy. Còn Dụng lại cho rằng Khánh điêu ngoa, nói vậy để bắt Hiệp đi lấy nước thay mình. Bốn người ngồi quanh bếp lửa trong một không khí hết sức nặng nề, hình như bao nhiêu thành kiến, bao nhiêu giận dỗi nghi ngờ từ lâu bị dồn đẩy lại một bên bây giờ được dịp tháo tung sau nỗi vất vả đói khát kéo dài làm cho lý trí rã rời không còn đủ sức chế ngự. Giữa sự im lặng chán nản, Khánh cố tạo giọng vui vẻ:
- Nếu mang những bộ mặt đói thế này mà đi hỏi vợ thì chắc chắn không có ma nào thèm.
An nói:
- Nhưng mặt của Hiệp thì trông bảnh bao đấy chứ! Con nhà có khác. Các cô thiếu nữ thường thích những hạng con giống cháu dòng.
Hiệp trả lời lại:
- Thằng này đã có vợ rồi, khỏi lo. Chỉ lo cho hạng khỏe mạnh chưa vợ, chưa con, lúc nào cũng hăng tiết vịt.
An cau mặt hỏi:
- Thế nào là hăng tiết vịt?
Hiệp cười khẩy:
- Ấy, cũng bắt chước người mà nói cho vui, chớ đâu có hiểu mình nói thứ gì.
Khánh kêu lên:
- Thôi đi! Các cậu trẻ con lắm nghe! Kìa, cơm đã sôi rồi, "liệu mà bớt lửa một đời không khê".
Sau khi Dụng dụi tắt lửa để vần nồi cơm thì Khánh nói tiếp:
- Tưởng phải nói cho các cậu ý thức về cảnh ngộ mình. Số gạo mang theo chỉ còn ăn được ba ngày, mỗi ngày hai bữa. Nhưng ở Đất Tó thì không biết được bao giờ mới hết cấm kỵ, cứ xem cái chòm lá tươi hôm qua thì phải ước độ chừng mươi ngày nữa.
An nói:
- Ở đây rảnh rỗi chẳng phải làm gì, mỗi ngày ăn một bữa vậy.
Dụng tiếp:
- Như thế cũng chỉ được có sáu ngày.
Khánh nói:
- Lúc nãy hai cậu đi xuống dưới suối lấy nước thì tôi có gắng lội chung quanh buôn, tìm thấy năm sáu trái mít.
Hiệp vội vàng hỏi:
- Chín chưa?
- Không, mít già.
Hiệp thở dài:
- Rủi chưa!
Khánh bảo:
- Phải nói là may mới phải. Ở trong cảnh ngộ bọn mình, mít chín đâu có quý bằng mít già. Chúng ta luộc mít mà ăn với cơm, nếu cứ mỗi bữa nấu hai phần mít và một phần gạo thì chắc có lẽ kéo được mươi ngày.
Sau bữa cơm trưa ngon lành ăn với muối và mắm ruốc, bốn người loay hoay dọn chỗ để ngủ thì Khánh bèn nói:
- Hồi hôm, chúng ta thật là liều lĩnh quá đáng, ngủ không canh gác đề phòng gì hết. Bây giờ thì tôi cắt đặt mỗi người phải gác ba giờ. Phiên đầu là của anh Hiệp. Nào, vặn đồng hồ lại, mười hai giờ rưỡi đấy nghe. Ba giờ rưỡi gọi An dậy rồi đến phiên Dụng. Tôi ngủ dài hơn các cậu thì tôi sẽ gác về khuya, và gác luôn cho năm giờ.
- Thế không ăn chiều hay sao? Hiệp hỏi.
- Thôi, cho qua cơm chiều vì được ngủ rồi. "Kẻ nào được ngủ, kẻ ấy đã ăn", tục ngữ có câu như vậy.
- Nhưng ngày mai có thêm mít phải ăn đủ hai bữa chứ?
- Có lẽ như vậy... Tốt hơn là đợi ngày mai sẽ nói về chuyện ăn uống ngày mai. Chỉ biết là mai không có ngủ ngày nữa đâu.
An ngủ một giấc bỗng nghe nóng ran cả mặt và choàng tỉnh dậy. Ánh nắng xuyên qua lỗ đạn khoét sâu trên tường chiếu thẳng vào anh, khiến anh chói lòa, không mở mắt được, phải lăn mình qua nơi khác. Anh nghe trong người bần thần khó chịu và xem đồng hồ thấy gần ba giờ. Chỉ còn nửa giờ là đến phiên anh. Anh muốn ngồi dậy uống một viên thuốc phòng sốt nhưng cứ thẫn thờ nhìn lên trần nhà, nghĩ ngợi lan man không trỗi dậy được. Lát sau, anh sực nhớ là từ lúc tỉnh dậy đến giờ không trông thấy Hiệp. Anh bèn ngồi lên, nhìn xuống sân buôn. Chung quanh là cảnh hoang vắng, tiêu điều. Anh đứng dậy, nhón chân ra khỏi gian nhà, leo xuống bục thang ọp ẹp. An lê bàn chân đau nhói, khập khiễng đi quanh mấy dãy nhà sàn vắng lặng, lỗ chỗ vết đạn, soi mói nhìn vào bên trong nhưng vẫn không thấy bóng Hiệp. Từng ngọn gió đuổi lá khô xào xạc trên những thềm đất từ lâu không có dấu người. Vắng những sinh hoạt, cả buôn giống như một đám nhà mồ lạnh lẽo. Đoán chừng Hiệp xuống dưới suối, An định trở về, nhưng một ý nghĩ tò mò xui anh đi về phía dốc. Cúi nhìn, anh chỉ thấy dòng nước chảy rộn ràng, đôi chỗ đã ửng sáng vì ánh nắng chiều dọi xuống. Nơi bờ đá nhẵn mòn chỗ lấy nước ngày nào của dân buôn không có bóng Hiệp. An đứng tần ngần giây lâu rồi lại lững thững trở về. Khánh và Dụng vẫn ngủ mê mệt, nhưng Hiệp, người có phận sự canh gác giấc ngủ anh em thì lại biến dạng. Quá lâu như thế, hẳn không phải Hiệp đi việc tiêu hóa ngoài rừng. Hiệp không xuống suối, vậy thì đi đâu? An xem đồng hồ thấy còn độ năm phút nữa đã đến phiên mình mà chưa gặp Hiệp, lấy làm sốt ruột hết sức. Anh định đánh thức hai người bạn dậy, nhưng sau một thoáng nghi ngờ, anh bèn bước về sau buôn, khập khiễng leo lên bờ đất trổ ra một khu vườn rậm. An mới vạch bụi tiến về phía mấy cây mít đã thấy Hiệp nhai ngồm ngoàm đi lại. An ngửi thấy mùi mít chín văng vẳng. Anh hỏi xẵng:
- Anh đi đâu vậy?
Hiệp nuốt vội vàng rồi đáp:
- À, đi tiêu. Anh đi đâu vậy?
An thấy vẻ mặt của Hiệp có vẻ thỏa mãn của một con người no đủ và anh khó chịu lạ lùng. Anh vừa quay lại, vừa đáp trong nỗi tức giận cố nén:
- Tôi tìm anh về để anh đánh thức tôi dậy kẻo tới giờ rồi.
Hiệp tằng hắng cho sạch giọng rồi nói:
- Sao quá lo xa như vậy? Lo nhiều nó già người đi. Nếu tôi quên kêu thì anh cứ ngủ, chứ thiệt thòi gì?
An đứng lại:
- Sao không thiệt thòi? Không thiệt cho tôi thì chẳng thiệt cho anh sao?
Hiệp đáp lớn:
- Việc gì mà thiệt? Tôi canh gác cho anh em kia mà!
- Hừ, canh gác! Đi chơi trong rừng chứ canh gác gì?
- Sao anh biết tôi đi chơi?
- Tôi tìm anh nửa giờ rồi.
- Phận sự của anh là ngủ, chứ đi tìm tôi làm gì?
- Nhưng tôi không thấy anh gác!
- Anh ngủ thì thấy sao được?
- Nhưng mà tôi thức.
- Ai bảo anh thức? Tôi làm thế nào cho tròn phận sự thì thôi.
Và Hiệp nói tiếp, có vẻ mỉa mai:
- Gác để anh thấy thì gác nỗi gì? Tôi leo lên trên cao này, ngồi vào một nơi kín đáo...
- Ở trên ngọn mít...
- Ừ, ở trên ngọn mít. Để canh cho các anh ngủ.
- Và để ăn mít.
- Thì ngồi trên mít tất phải ăn mít, chứ ăn thứ gì?
- Nhưng ăn một mình như vậy thì khó coi lắm.
Hiệp làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Việc gì mà khó coi? Ơ hay, nói lạ chưa kìa! Tôi thấy một trái mít chín đã bị loài dơi, loài chồn xơi hết, sót đâu mấy múi lủng lẳng nơi cùi. Tôi nghĩ nếu bỏ thì phí của trời, mang về thì chia không đủ lại làm các anh thèm khát thêm khổ. Thôi thì mình ăn miếng thừa của loài dơi, chồn cho... tiện.
Hiệp đá vào một bụi cây bên đường rồi tiếp:
- Nếu biết anh giận như vậy thì tôi đã mang về rồi.
An tức lắm, nói lớn:
- Anh tưởng tôi dơ đến thế kia à? Sao anh không nghĩ rằng tôi dậy sớm, muốn đi tìm anh nói chuyện cho vui? Sao anh lại không nghĩ tốt về tôi mà cứ xét đoán người khác theo cái bao tử của mình?
Hiệp ôn tồn đáp:
- Thế sao anh không nghĩ tốt về tôi? Sao anh không tin những lời tôi nói? Anh xem, tôi có làm hại gì ai không nào? Thôi, đúng ba giờ rưỡi rồi đấy, tôi giao phiên gác cho anh.
Nói xong, Hiệp leo lên sàn, dọn một chỗ nằm rồi trùm chăn lại.
Câu chuyện ăn mít An không kể lại cho Dụng và Khánh, bởi vì sau khi Hiệp đi ngủ rồi anh ngồi ngay ở đầu nhà nghĩ lại những lời của mình vừa nói mà thấy ngượng nghịu thế nào. Hình như anh không còn là mình nữa, anh khác hẳn với ngày nào và cả bốn người cũng không còn ai giống ai rõ rệt như trước. Họ có vẻ tốt bằng những cố gắng bực dọc, và sự thiếu thốn, mệt mỏi mỗi ngày càng làm cho họ ít lời thêm lên.
Đến ngày thứ năm thì cả bốn người đều thấy không sao ăn nổi mít già nấu chung với cơm và dù đói lả họ cũng nuốt những miếng mít lèo tèo điểm những hạt cơm một cách uể oải, khổ sở khác thường. Khánh cầm miếng mít chấm vào mắm ruốc nở một nụ cười méo xệch, cố gắng khôi hài:
- Chúng ta giống như con nhà cưng dưỡng, cứ tới bữa ăn thì lại èo uột, nhưng đỡ một nỗi là đến cuối cùng vẫn cứ sạch chén, sạch nồi.
Hiệp vừa cắn mít vừa nói:
- "Chả" này không được ngon đâu. Ngày mai phải đổi món khác. Chúng ta ăn món cá chiên hay là thịt hầm mới được.
Nói xong anh cười hô hố, vẻ mặt nhăn lại một cách thảm hại. Dụng lầm lì ăn, đầu óc nghĩ ở đâu đâu nhưng mỗi lúc nhai xong anh phải cố gắng hết sức mới nuốt trót lọt, cổ họng đau nhói như sướt trên những vết thương. Anh vẫn nghe trong lòng mình có sự oán giận ngấm ngầm, nhưng cũng không rõ vì đâu, tại sao, và thích giữ sự yên lặng để khỏi nói lên những điều phiền bực. An ăn xong miếng cuối cùng, nghiêng cái nồi lại, vét những hạt cơm còn sót chìa ra trước mặt mọi người:
- Có ai tráng miệng nữa không?
Khánh cười:
- Thôi, ăn đi. Cái kiểu "mời, lạy trời đừng ăn" ấy, trông rõ lắm mà.
Hiệp tiếp:
-Tôi nhớ thằng em thứ tư của tôi ở nhà, một lần nó làm nước chanh để uống thì bọn em nó bâu lại chung quanh. Nó làm thinh, cầm những miếng đường, không lấy dao cắt, nhưng đưa vào miệng cắn cho thật nhỏ, rồi nhả vào bát nước chanh. Xong, nó khuấy cho đều và thân mật mời lũ em một cách thật là rộng rãi. Nhưng lũ em nó lắc đầu ngoay ngoảy, tuy thèm nước chanh hết sức, nhưng gớm nước miếng ông anh dính ở trong đường.
An cho Hiệp mỉa mai mình, chìa hai tay ra:
- Chắc tôi không thể sắp chung vào loại anh em của cậu Hiệp được vì tôi ăn uống cũng hợp vệ sinh. Trước khi ăn cơm bao giờ tôi cũng rửa tay, và không phải là gặp gì cũng bốc, bạ gì cũng ăn.
Nói xong, An thấy hả hê và Hiệp quay mặt nhìn đi nơi khác. Dụng và Khánh cũng gắng cười để tạo không khí dễ dãi, hầu tránh các sự va chạm chứ không hiểu rõ những ý thầm kín giữa An và Hiệp. Đến lúc mang đồ đi rửa, An nói một cách quả quyết:
- Ngày mai tôi sẽ cho các anh ăn, đổi món, không phải nói đùa đâu nhé.
Khánh nói theo:
- Chung quanh vùng này không có rẫy hoang, đừng hòng đi hái bắp già hay đi bới đào khoai sót.
An nói vọng lên:
- Không đâu, món ăn của tôi đặc biệt hơn nhiều.
Sáng hôm sau, ăn trưa xong, An cầm dao, xin với anh em để đi vào rừng. Dụng muốn đi theo nhưng An lắc đầu:
- Ở nhà có công việc khác, tôi đi một mình đủ rồi.
Khánh dặn:
- Cấm đi xa đấy.
An cười:
- Chân cẳng thế này đi xa sao nổi.
- Nhưng qua khỏi suối cũng đủ cọp nhai xương rồi.
- Đừng lo, tôi đem hai quả lựu đạn.
Mọi người nhìn An khập khiễng tiến vào trong núi, phỏng đoán nhiều cách khác nhau. Xế chiều, vẫn chưa thấy An trở về. Ai cũng lo lắng nhưng không nói lên ý nghĩ của mình, sợ nói trắng ra như có điều gì tàn nhẫn. Cuối cùng họ tuột xuống sàn, mỗi người tìm đến một ngả vào rừng đứng ngóng. Khánh nén đau ở gối, cố leo lên một ngọn cây, nhìn vọng khắp nơi. Khắp nơi chỉ thấy cây rừng trùng điệp, đá núi cheo leo, khói bốc lờ mờ tỏa lên từ các lũng sâu. Anh thấy trong người bồn chồn, thầm trách mình quá dễ dãi, khinh thường bất trắc. Anh nhớ lại bao nhiêu việc đã qua, trách mình chủ quan, sơ suất và tự hỏi mình tại sao có thể ngu ngốc như vậy. Anh lẩm bẩm: "Thực là vô trách nhiệm quá! Bậy quá!" nhưng không biết phải tìm An về ngả hướng nào.
Hoàng hôn xuống dần, nắng chiều lui mãi, lui mãi sau đỉnh non xa. Gió lạnh thổi lại rờn rợn, hun hút qua mấy dãy nhà hoang vắng. Bỗng Dụng reo lên:
- An kìa!
Khánh quên cả cái chân đau, nhào lại chỗ Dụng. Hiệp cũng bươn bả chạy đến. An ở sườn dốc tiến lên, dáng đi lảo đảo như người say rượu. Khánh kêu:
- Trông An đi kìa, xuống đỡ mau lên.
Và anh cố gắng bước tới nhưng Dụng rồi Hiệp đã vượt đi trước. An vừa thấy Dụng, buông tay, thả rời một xâu măng dài và ngã vào Dụng khiến anh này suýt té ngửa. Khắp người của An mồ hôi dầm dề, miệng thở hồng hộc, cặp mắt lờ đờ của kẻ đuối sức. Hiệp vừa cúi xách xâu măng thì Dụng đã kêu:
- Đưa cho anh Khánh, giúp tôi một tay đây này.
Hai người dìu An một cách khó khăn, và Khánh phải giúp một tay mới đem được An lên nhà.
Nằm xuống, An đã mê man bất tỉnh. Khánh lau mồ hôi cho An, hỏi dồn:
- An! An! Sao vậy?
Anh gọi to hơn. Một lát, An mở cặp mắt ngơ ngác, ú ớ trả lời:
- Tôi bị... rít cắn.
Ba người suýt cười nhưng ghìm lại được. Khánh hỏi gặng lại:
- Rắn hay rít?
An phều phào đáp:
- Rít.
Rồi anh nhướn cổ và ba người thấy dưới gáy một chỗ sưng to, đỏ ửng. Hiệp cười:
- Ngỡ là cọp cắn, ai ngờ lại rít.
Nhưng An đã trợn mắt lên, cặp mắt trắng dã của người sắp chết. Rồi An run bắn toàn thân, giật tay, đập chân như bị điện giật. Miệng anh thở ra phì phì sùi cả nước bọt, và cả ba người xúm lại cố đè anh xuống, giữ lấy tay chân nhưng anh vẫn cố lăn lộn xô đẩy ba người, kêu lên một cách khó nhọc. Khánh thét to:
- An bị nhiễm độc của loài rít lớn ở trong tre rừng. Mau lên! Châm máu ở đầu ngón tay thử xem!
Hiệp là người phụ trách thuốc men nên vội chạy đi đem hộp thuốc lại. Trong hộp chỉ có mấy gói kí ninh, một ve thuốc đỏ, mấy ống hồi dương. Anh nghe lời Khánh nắm chặt bàn tay của An, lấy kim châm vào đầu ngón cho máu rỉ ra nhưng khi thả xuống thì An vẫn cứ vùng vẫy, lăn lộn, mắt trợn ngược lên, thở nấc từng hồi. Dụng cố giữ chặt hai chân hung hăng của An, nói trong hơi thở hổn hển:
- An bị hành quá như thế, e chết mất thôi. Hãy cho một mũi hồi dương xem sao!
Thực ra, không còn thuốc nào khác nữa. Hiệp lại vội rút ống tiêm nấu sẵn không biết bao nhiêu ngày rồi chích gấp cho An một mũi. Nhưng An vẫn cứ lăn lộn, vùng vẫy mỗi lúc càng thấy mệt nhọc hơn lên.
Dụng hối hả bảo:
- Cho một mũi nữa đi nào!
Hiệp lại chích thêm một mũi, nhưng nỗi đau đớn của An không hề giảm bớt mảy may. Những cơn vật vã của anh lại càng mệt mề nặng nhọc. Ba người vừa cố giữ An vừa ngước nhìn nhau bối rối. Khánh hỏi:
- Còn môn ngoại khoa nào không?
Rồi anh kêu lên:
- À, rệp! Tôi nhớ ra rồi. Bị rắn độc cắn thì cho uống rệp.
Hiệp cãi:
- Đây là rít mà!
- Rắn cũng như rít chứ gì. Gấp lên, tìm ít con rệp.
Dụng và Hiệp nhìn nhau ngơ ngác. Tìm đâu những thứ của độc, bây giờ được xem như là thuốc quý để cứu mạng người? Mấy dãy nhà sàn vắng ngắt, vắng tanh, bắt đầu tối lại khi hoàng hôn xuống chắc khó có thể cung cấp được con rệp nào. Dụng nói như mếu máo:
- Hãy đốt lửa lên! Không có người ở làm sao mà tìm được rệp?
Khánh phải ngồi choàng qua người của An để giữ lấy cánh tay kia cho Hiệp đốt lửa. Anh giục giã:
- Tìm xem trong cái ba lô thử nào! Tôi nhớ như trong ba lô anh Hiệp có rệp đấy mà.
Hiệp vội xách ba lô lại bên lửa và anh căng từng mí vải để tìm. Cuối cùng anh reo lên:
- Có đây!
Khánh mừng rỡ:
- Có rồi hả? được mấy con?
- Hai con.
- Ít quá, tìm thêm.
- Lục lọi khắp rồi nhưng không có nữa.
Dụng nói:
- Hễ có hai con chắc phải có nhiều nữa chứ!
Câu ấy mọi ngày có thể tạo dịp nổ những trận cười nhưng trong cảnh ngộ bấy giờ không ai có thể nghĩ đến mua vui. Hiệp hơi nhếch mép nhưng anh kịp thời nén lại. Khánh bảo:
- Bóp cho dập ra, bỏ vào trong ca, cho một ít nước, mau lên.
Hiệp vội làm theo, cố nạy miệng An để đổ chút nước hôi hám ấy vào. An giãy giụa, thở phì phì, rồi nuốt ực cả. Nhưng anh vẫn giật liên hồi, có vẻ gần như kiệt lực, quằn quại trước phút cuối cùng. Khánh đẫm mồ hôi, nói như tuyệt vọng:
- Cố nhớ xem còn cách gì nữa không?
Hiệp có vẻ tư lự rồi hỏi:
- Nhưng mà xưa nay rít cắn đâu có nguy hiểm như vậy?
Dụng cũng tiếp lời:
- Ừ, dù rít có lớn cũng không nhiễm độc như thế. Hay là...
Nhưng anh không tìm ra được nguyên nhân nào khác. Bỗng Hiệp nói to:
- Đúng rồi! Hồi trưa An ăn mắm ruốc, phải không?
Dụng và Khánh cùng đáp:
- Có đấy!
- Đúng rồi. Rít cắn. Tôi đã có nghe nói đến một lần. Ăn thứ mắm ruốc mà bị rắn cắn thì độc mạnh lắm.
- Liệu chữa được không?
Hiệp gật đầu:
- Được, được.
Rồi anh vội vàng chạy lại chỗ để ruột tượng, đổ gấp số gạo ra cái mo cau. Anh tặc lưỡi:
- Gạo còn ít quá, sợ không đủ cám.
Khánh hỏi:
- Cám à? Vậy thì lấy hết số ruột tượng không, lật ngược nó lại, vò nát cho cám dính ở trên vải rớt ra.
Hì hục một lát, Hiệp đã hòa được nửa ca nước cám. An đuối lắm rồi, anh giật chậm hơn nhưng rất mệt mề. Hiệp đổ nước từ từ vào miệng An, anh ừng ực nuốt hết. Như một phép lạ, khi Hiệp rót giọt cuối cùng vào giữa đôi môi hé mở thì An từ từ dịu đôi mắt lại, hơi thở êm dần và toàn thân anh chuyển động nhẹ nhàng rồi nằm im hẳn như người ngủ thiếp. Khánh lau mồ hôi, nói trong nỗi mừng nghẹn ngào:
- Cậu Hiệp giỏi thật, không ngờ một chút cám vụn mà cứu được một mạng người.
Một lát, An mở mắt ra, nhìn khắp mọi người có vẻ xa lạ rồi cười một cách ngây dại. Khánh bảo:
- Ngủ đi!
An ngoan ngoãn nhắm mắt. Lát sau, anh ngáy đều đặn. Dụng cúi nhìn An rồi nói:
- Trông nụ cười và đôi mắt cậu An vừa rồi thì chưa diệt hẳn nọc độc trong người. Nếu mình có thêm ít cám thì quý chừng nào!
Khánh lê lại chỗ xâu măng, co tay xách lên có vẻ nặng nề, rồi bảo:
- Thế này mà An bị đau còn cố mang về cho chúng mình ăn, có tội nghiệp không?
Hai ngày sau đó, phần cơm đều dành cho An nên cả ba người chỉ ăn có mít. Họ gầy rạc hẳn và không còn muốn suy nghĩ gì nữa. Nhất là Hiệp, anh cứ nằm lì một chỗ giương mắt thao láo, ít nói và ít trả lời. Một buổi sáng, Khánh dậy sớm, bảo Dụng và Hiệp:
- Các cậu trông An để tôi đi lên Đất Tó xem thử thế nào.
Dụng nói:
- Anh để tôi đi, chân anh còn đau kia mà.
Khánh đáp:
- Cậu không biết đường, đi mất công lắm.
Dụng nài:
- Tôi đi cho biết đường với.
- Thôi, ở nhà. An thì chưa mạnh, còn Hiệp đã muốn nhuốm bệnh rồi đó.
Anh chống cây gậy, cố lê chân đi. Nửa chiều, Khánh về, có vẻ hết sức mệt mỏi. Vết thương đêm nào ở nơi đầu gối bây giờ rướm máu. Dụng hỏi:
- Lại té ở đâu phải không?
Anh đáp:
- Vấp ngã nhẹ thôi, chẳng hề hấn gì.
Nhưng khi ngồi xuống, anh nhăn mặt lại rất lâu. Hỏi qua sức khỏe của An, Khánh nói:
- Độ ba ngày nữa, chúng ta mới có thể lên Đất Tó. Hôm nay đã gần cuối năm, tôi muốn đi kiếm ít gạo về cho chúng ta ăn uống no nê để lấy lại sức. Nhưng mà không vào buôn được. Đồng bào lên rẫy xa quá, chiều tối mới về, không thể nào gặp. Ngày mai là ba mươi rồi.
Hiệp lẩm bẩm:
- Đã ba mươi rồi!
Dụng nói:
- Ngày nào của chúng ta đây cũng giống y như ngày nào, nói chuyện ba mươi mồng một làm gì cho phiền.
An nằm yên, nghe ba người bạn nói chuyện, ngước về phía họ, nói bằng một giọng run run:
- Hôm kia, tôi thực dại dột, bỏ đi quá xa, không chịu nghe lời mấy anh dặn trước. Lại ham hái mấy mụt măng mà cứ đi mãi. Nhưng khỏi ngọn núi sau buôn, tôi có nhìn thấy một cái xóm nhỏ ở trên chót đỉnh, ta thử đến đó xem sao, biết đâu lại chẳng có gì để ăn trong ba ngày nữa. Hôm nay chỉ còn một nắm gạo thôi. Rau rừng và mít làm sao mà ăn nổi nữa?
Cặp mắt của Khánh sáng lên. Nhưng cúi nhìn xuống chân mình anh lại ái ngại. Dụng nói:
- Ngày mai, anh để tôi đi.
Khánh lắc đầu:
- Anh đi một mình không tiện.
- Sao lại không tiện? Anh để tôi đi. Ngày mai, anh để tôi đi.
Khánh nhìn vẻ mặt cương quyết của Dụng và anh làm thinh.
Đi khuất khỏi buôn, Dụng thấy trơ trọi lạ lùng giữa chốn núi rừng vắng vẻ. Anh hơi hối hận về cái ý định lên đường và thấy hồi hộp, lo âu về mọi bất trắc mà anh tưởng tượng có thể xảy ra. Dụng lại có dịp nhận thấy mình quá suy yếu đến nỗi mỗi lần trèo dốc, anh thở hào hển, đầu nặng, tai ù, cặp mắt không còn trông rõ đất trời. Anh lại ngồi nghỉ rồi lại cố gắng đứng lên. Sang được triền núi bên kia, Dụng thấy ở trên đỉnh cao chót vót trước mặt một xóm nhà nhỏ như lời An nói. Anh vui mừng, tự giục giã mình nhanh bước, nhưng vẫn không đi mau được bao nhiêu.
Dụng phải đi qua nhiều ngọn đồi nhỏ để tiến dần lên đỉnh cao. Mỗi khi xuống dốc anh lại gặp một dòng suối trong veo và anh dốc nước vào mặt cho tỉnh người lại. Càng đi, Dụng thấy cảnh trí thay đổi rõ rệt, khí trời mát mẻ êm dịu mặc dầu ánh nắng vẫn chiếu bao la. "Đây là một ngày cuối năm tươi sáng", anh tự nhủ mình như vậy, và có cảm tưởng lạc loài vào chốn Bồng Lai. Lá cây dài, mướt, loang loáng, chập chờn, theo đà ngọn gió phơ phất nhẹ nhàng. Có những tiếng chim ríu rít, và anh đoán là những giống chim lạ không thể tìm gặp bất cứ nơi nào trong chốn rừng rú Trường Sơn. Dụng hơi ngạc nhiên thấy mình tự nhiên khỏe lại và nỗi nhọc mệt leo dốc không còn nặng nề như lúc ra đi. Anh hái nhiều hoa ở sát bên mình gài lên khắp người và rất sung sướng thấy trên bước đường đăng sơn không có những giống dây leo chằng chịt, những bụi gai rậm um tùm, những lớp lá mục ẩm ướt, oi nồng dồn chất tự biết bao đời, đất sống của loài sên vắt.
Hình như đỉnh núi cao quá nên được chan hòa trong lớp khinh thanh và cả cỏ cây đều đượm nhuần vẻ tươi mát. Bao nhiêu rác rến bụi bặm có lẽ thường xuyên đã được nước lũ từ cao dội về hố thẳm, lũng sâu cho nên mặt đất sạch sẽ, phơi bày xen giữa các cây những khoảng sáng sủa như mời mọc nằm. Dụng lại có ý mừng thầm cho sự may mắn của mình, nghĩ rằng bao năm sống ở núi rừng bây giờ mới tìm gặp được một khung cảnh mới, hoàn toàn khác lạ với bao nhiêu cảnh trải qua. Niềm vui khiến anh đủ sức rẽ cây vạch lá lên cao.
Xế trưa thì Dụng đã thấy bóng người lố nhố trong buôn và những tiếng cồng, tiếng mõ vang dậy. Anh náo nức bước vào buôn.
Mấy con nai lớn thui xong đang nằm nghiêng ngửa giữa vạt đất trống chung quanh đồng bào Thượng du, kẻ ngồi người đứng làm thành mấy lớp vòng tròn.
Họ không đông lắm, người nào trông cũng khỏe mạnh, rắn chắc, nét mặt vui vẻ hồn nhiên. Khi thấy Dụng vào, nhiều cụ già buông vòi rượu cần ngẩng lên nhìn với dáng điệu đón chào, những người trai trẻ dừng nhảy theo nhịp cồng, mõ chờ đợi, các em bé nhỏ rời khỏi vú mẹ giương những cặp mắt đen láy, tròn đẹp, ngơ ngác và mấy cô thiếu nữ nhìn nhau, nhoẻn một nụ cười như ngầm trao đổi với nhau về người khách lạ. Dụng bắt gặp một không khí tự nhiên thân mật từ đầu nên mạnh dạn tiến vào, đến gần một bậc đã có tuổi, vóc dáng khỏe mạnh ngồi giữa các cụ mà anh đoán chừng là ông chúa làng. Anh phải thay đổi tiếng nói ba lần và dùng thổ ngữ Mnông ông cụ mới hiểu. Anh nói về nỗi vui mừng của mình được gặp đồng bào, tỏ ý muốn đổi một số thực phẩm. Đoạn anh giở mấy áo ấm của anh và Khánh, hộp quẹt, ca nước... đem theo thay thế bạc tiền. Ông chúa làng cười:
- Hãy vui vẻ đã. Uống rượu, ăn thịt cho no cái bụng đi đã.
Dụng ngồi phệt xuống vạt đất, bên cạnh ông cụ. Ông vẫy tay ra hiệu. Đoàn trai, kẻ cồng, người mõ, nhịp nhàng, ưỡn ệnh nhảy quanh.
Những bộ mông rắn chắc, đầy thịt quay sang phía tả, lắc sang phía hữu, trong khi đôi chân lò cò, khập khững cùng với đôi tay khuỳnh lại, co giật như diễn tả được niềm vui nức nở trong lòng, giữa một cuộc đời vật lộn không ngừng để mà thủ thắng đối với thiên nhiên. Cuộc vui kéo dài, trong khi một số cụ già cắt xẻo thịt nai ra những miếng lá, thì những cô gái lăng xăng, ríu rít nấu nước, chia muối vào trong từng phần. Dụng hỏi một cụ ngồi cạnh:
- Nai gì vậy kìa?
- Nai săn đấy. Trai làng săn về hồi sáng nay mà. Sửa soạn ăn uống đi thôi.
Khi mọi người nhập tiệc, Dụng cũng được kể trong số thực khách.
Không ai tỏ ra ngờ vực bàn tán về anh và cũng không ai tỏ ra oán ghét hay là mừng rỡ. Anh đến và anh thành người trong buôn ngay từ phút đầu. Dụng ăn những miếng thịt nai chấm muối cắt đầy trên lá, uống nhiều rượu cần, rồi nghĩ đến mấy người bạn ở dưới xa kia đói khát, cảm thấy trong lòng nao nao.
Ăn xong, trời đã chiều. Ông chúa làng dắt anh đi lại đám trai trẻ nói cho họ biết vì sao anh tìm đến buôn và ai cũng đều nhìn anh mỉm cười, gật đầu. Ông bảo:
- Vào nhà nghỉ đã, sáng ngày mới đi về được.
Rồi ông nói to:
- Ai được người khách ở đây? Ai thấy trước nhất?
Dụng hơi ngạc nhiên về câu hỏi khá kỳ quặc ấy. Làm sao mà biết ai thấy trước nhất khi anh đi vào giữa lúc buôn đang tụ tập, mọi người cùng nhìn rõ anh? Dụng đâu phải là một con chim nhỏ, một cành hoa rừng, hay một cây kim bé chút? Nhưng anh ngạc nhiên xiết bao khi thấy một ông cụ già, một bà cụ già và một cô gái kêu lên:
- Thấy trước đấy mà.
Ông chúa làng có vẻ lo nghĩ vì gặp phải một trường hợp khó xử. Ông quay sang Dụng:
- Muốn về nhà ai?
Dụng muốn về nhà cô gái vì cô trông thực ngây thơ, hiền lành. Ông chúa làng hỏi:
- Muốn về nhà cô gái à?
Anh đáp:
- Muốn lắm, nhưng cũng muốn về nhà của bà mẹ, nhà của ông cha này nữa.
Mọi người đều cười. Bà cụ vui vẻ:
- Về nhà tôi đi. Nhà cô Min Ray ở bên tôi đấy. Ông cụ Pay Khoan cũng ở gần bên đấy mà.
Dụng gật đầu, ra vẻ chịu ơn rồi đi theo bà. Anh lên một dãy nhà sàn khá dài có gần cả trăm thước tây, nghe mùi cay nồng của những xâu thuốc phơi khô treo từng dãy dài. Bà cụ bảo anh ngồi xuống bên bếp. Lấy ra một bó thuốc lớn, bà bảo:
- Hút đi.
Anh phì phèo nhả khói cảm thấy tươi vui, sảng khoái. Không khí của miền núi cao và vẻ thân mật trong sự tiếp đón làm cho sự sống trong người của anh như thay đổi hẳn. Hầu như bệnh hoạn, đói kém, âu lo không hề có mặt ở nơi chót vót của đỉnh non này. Anh hỏi bà cụ:
- Buôn gì đấy mí?
- Buôn Pu Tha.
- Núi Pu Tha đấy à?
- Ừ, Pu Tha đấy.
Bà cụ vào trong, anh thấy bóng bà loay hoay dọn dẹp. Một lát bà khệ nệ bưng ra nào chuối, cam, những quả xoài rừng bé nhỏ, vàng óng và nhiều trái cây chín đỏ mà anh chưa hề biết đến. Bà đặt ở trước mặt anh:
- Ăn đi. Ăn cho hết đi.
- Mí cho nhiều quá, ăn làm sao hết?
Bà cụ mỉm cười nhìn anh chăm chú như được săn sóc một người thân yêu. Vừa lúc đó cô gái và một anh thanh niên bước vào, cả hai chào anh bằng một nụ cười vui vẻ. Người con gái dáng điệu nhanh nhẹn, da ngăm ngăm đen, có đôi mắt sáng và một khuôn mặt dịu dàng. Chị ngồi xuống sát bên anh, hỏi rất tự nhiên:
- Tên là gì à?
- Dụng đấy.
Chị cố ép lưỡi, lặp lại tên anh và cất tiếng cười dòn tan. Dụng cũng cười theo, rồi hỏi:
- Tên gì?
- Y Meng
- Y Meng con của mí à?
Chị gật đầu. Dụng nhìn người trai rồi hỏi:
- Em Y Meng đấy phải không?
- Ừ, em đấy. Có dễ thương không?
- Dễ thương lắm. Giống hệt Y Meng như hai giọt nước.
Chị lắc đầu:
- Không giống nhiều đâu. Nó là đàn ông kia mà.
Rồi chị bảo anh:
- Hãy ăn đi chứ!
Dụng lắc đầu:
- Để dành đem về cho anh em tôi. Họ ở dưới kia không có gì để ăn cả.
- Ăn đi, còn có nữa mà.
- Có nữa, tôi cũng đem về. Tôi đã được ăn thịt nai, được uống rượu cần, được hút thuốc lá, họ nào có được gì đâu?
- Anh tốt lắm đấy.
Rồi chị quay sang người em:
- Kiu à, tốt lắm phải không?
Kiu gật đầu:
- Ừ, tốt lắm, tốt đấy.
Dụng vội vàng nói:
- Chẳng tốt gì hết, Kiu à. Anh em lo lắng cho tôi, tôi lo lắng cho anh em, vậy đó. Ai cũng nhờ ai cả thôi.
Y Meng có vẻ nghiêm nghị:
- Lo cho anh em là tốt đấy chứ. Tôi cưới anh nhé?
Dụng hoảng hốt nói:
- Sao lại cưới tôi?
Y Meng thản nhiên trả lời:
- Tôi ưng anh mà.
- Sao ưng gấp vậy?
- Anh tốt đấy.
- Không, tôi xấu lắm.
- Đã bảo tốt mà!
- Tôi nghèo lắm kia.
- Nghèo thì Y Meng nuôi. Y Meng có rẫy, có trâu, có gà. Này, đi xem rẫy Y Meng!
Chị lôi tay anh kéo dậy. Dụng ngoan ngoãn theo, trong lòng có một nỗi vui ngơ ngác. Ra khỏi nhà, anh bảo:
- Gọi Kiu đi với.
- Nó là đàn ông, nó phải ở nhà coi heo.
Y Meng dắt tay anh, qua mấy dãy nhà. Nhiều người đàn ông ngồi hút thuốc ở bục cửa nhìn xuống mỉm cười vui vẻ. Một cụ già hỏi:
- Ưng lấy rồi à?
Y Meng đáp:
- Ừ, ưng rồi.
- Người ta có ưng nhiều không?
- Ưng chưa được nhiều lắm đâu. Còn đi xem rẫy đã chứ.
Cụ già cười rất hồn nhiên, nói theo:
- Ưng nhiều đi thôi, cho buôn ta được đông người.
Dụng theo Y Meng đi về một phía bờ dốc. Nắng chiều đã nhạt, rây xuống cây lá xanh mướt một màu vàng dịu. Không khí mát lạnh nhưng anh không cảm thấy mùi gây gấy ớn người như ở những chốn núi rừng anh đã trải qua. Đi cạnh Y Meng thấy chị tuy nhỏ hơn anh khá nhiều nhưng anh lại có cảm tưởng mình là cô gái đi theo một gã đàn ông. Anh tự nhủ: "Mình là cô gái quá mới, không biết mắc cỡ chút nào".
Y Meng dừng lại, chỉ tay về một đỉnh xa có những vạt rẫy vàng sẫm lấm tấm vệt xanh, chị nói:
- Rẫy đấy, cưới rồi Y Meng sẽ đưa lên rẫy.
Dụng ngơ ngẩn nhìn, cảm thấy cả một cuộc đời êm đềm trước mắt. Anh tưởng tượng mình sẽ lấy Y Meng, sống một cuộc sống bình dị, đơn giản ở chốn cỏ cây khuất lấp, gạt bỏ mọi sự phiền toái trên đời...
Y Meng kéo tay của anh sát vào người chị rồi rẽ vào một lối khác. Hai người đi đến một dòng suối trong. Chị bảo:
- Nước này mát lắm, rửa đi.
Anh vốc nước, cảm thấy tê lạnh, gượng gạo rửa mặt rồi theo Y Meng lội qua bên kia. Dụng ngạc nhiên thấy rừng ổi tươi tốt, trái chín mọc đầy, trắng nõn, buông cành trĩu xuống là sà mặt đất. Anh bàng hoàng tưởng mình đi vào một thế giới huyền hoặc không có trên cuộc đời này. Anh đứng sững, nhìn quanh, khi Y Meng vỗ vào lưng bảo đi, anh mới sực tỉnh. Anh quờ tay trước mặt mình và các ngón tay của anh lút sâu vào trong những trái ổi chín rục mềm, tỏa ra mùi hương đậm đặc. Hai người đi vào sâu thêm và Dụng nghe tiếng vỗ cánh rần rật của vô số chim qua các lá cành. Nhiều con mải mê mổ vào những trái ổi chín không sợ bóng người, tưởng chừng có thể chụp bắt rất dễ. Rừng ổi mênh mông, hai người đi mãi. Dụng vừa ăn ổi vừa nghĩ đến những bạn ở dưới núi bây giờ chiều xuống đang nằm bên bếp ước ao những chén cơm đầy, và thầm tiếc rẻ cho họ không được may mắn như mình.
Y Meng đưa anh ra khỏi rừng ổi và rẽ sang một lối khác gần hơn để trở về nhà. Chị hỏi:
- Ưng lấy Y Meng nhiều chưa?
Dụng duỗi hai chân trên sàn, đáp lại:
- Ưng nhiều lắm rồi.
Chị lại gần, vỗ lên má anh, cười rất vui vẻ:
- Tốt đấy.
- Nhưng mà...
- Gì à?
- Tôi phải trở về dưới ấy, có nhiều anh em đang chờ.
- Bao giờ mới lên?
- Xong việc, tôi lên.
- Có lâu lắm không?
- Lâu lắm.
- Lâu chừng nào kia?
- Không biết rõ được. Sợ đến lúc nàng Y Meng già như bà mí vậy đó.
Y Meng cau mày, có vẻ buồn bã.
Dụng tiếp:
- Tốt hơn, đừng chờ đợi tôi làm gì.
Y Meng lắc đầu nhẹ nhàng, cặp mắt ngó về nơi xa, rồi nói:
- Không chờ gì đâu. Lâu quá đi mà, chịu không nổi được.
Chị nhìn chăm chắm vào anh, nói tiếp:
- Tốt với anh em mà không tốt với Y Meng, ghét lắm. Có ưng lấy Min Ray không?
Dụng kêu:
- Không đâu! không đâu! Tôi nào có quen Min Ray! Không ai tốt bằng Y Meng, xong việc rồi tôi sẽ lên, tìm thăm Y Meng.
- Chờ ba mùa lúa thôi đấy.
- Ừ, chờ tôi ba mùa.
- Đến nhà Min Ray chơi không? Min Ray dễ thương lắm mà.
- Thôi, tôi ngồi gần bên Y Meng, ngày mai tôi về.
Y Meng lầm lì vẻ mặt, không nói năng gì. Dụng nằm xuống sàn, sát bên bếp lửa đã được Kiu đốt cháy rực. Anh nhìn ra ngoài thấy trời tối lại, những ngọn núi mờ dần chìm trong màn đêm dày đặc mênh mông. Anh thiếp đi trong giấc ngủ nhẹ nhàng. Khi anh chợt tỉnh thấy bên mình một mo xôi khá lớn, mấy xâu thịt nướng và chén nước muối. Bà mí, Y Meng và Kiu ngồi cạnh một bếp gần đấy quay lại nhìn anh. Bà mí bảo anh:
- Ăn đi rồi ngủ cho khỏe.
Anh ngồi dậy, mời mọc mọi người, ai cũng lắc đầu, trả lời: "No rồi". Dụng vói tay rút lấy bốn miếng mo cau phơi trên giàn bếp, đặt trước mặt mình, chia xôi, chia thịt ra làm bốn phần đều nhau. Rồi nói: "Phần của mí đấy, của Y Meng đấy, của Kiu nữa đấy".
Ba người nhìn anh có vẻ cảm động, bà mí nói:
- Tốt lắm.
Y Meng nhìn anh chăm chú, rồi quay sang mẹ, nàng bảo:
- Tốt nhiều đấy chứ?
Bà mí gật đầu:
- Tốt nhiều.
Rồi lại bảo anh:
- Ăn cho hết đi. Đừng để còn lại, không tốt.
Dụng ngồi xếp bằng, nhai xôi và thịt một cách thong thả, chậm chạp. Mỗi lần anh ngước nhìn lên, đều gặp Y Meng chăm chắm nhìn anh như quan sát một vật lạ mà nàng ưa mến. Tuy hơi ngượng nghịu nhưng anh cảm thấy một niềm thích thú của kẻ tự nhiên biến thành nhỏ bé hẳn lại.
Quá no, Dụng cũng cố ăn hết phần xôi thịt của mình. Khi Kiu đem nước cho anh, Y Meng rời khỏi nhà sàn. Một lát, chị về, theo sau nào cụ Pay Khoan, Min Ray và nhiều người nữa trong buôn, mỗi người trai trẻ trong tay đều có mang theo một cây đàn dài và những ống tre lồ ồ đục thông các mắt để dẫn tiếng đàn. Mọi người quây quần bên anh, nói chuyện vui vẻ, giữa những tiếng đàn, tiếng hát kéo dài dằng dặc như tiếng suối nguồn bất tận...
*
Mỗi lần quay lại, Dụng vẫn nhìn thấy những người trong buôn đưa tay vẫy vẫy như kêu gọi anh. Anh cũng vẫy lại nhiều lần, rồi cố bước mau để khỏi kéo dài những phút tiễn biệt ở cách xa nhau như vậy. Xuống một dốc dài quay lại không thấy buôn nữa, Dụng mới ngồi nghỉ và lau những giọt mồ hôi dầm dề trên trán. Anh đã ráng hết sức mình để gánh số nếp, số thịt về cho anh em và đành để lại bao nhiêu trái cây ngon lành. Dân buôn không nhận đồ vật anh đem lên đổi, vui vẻ cho anh những thức đồ ăn cần dùng tùy theo sức gánh của anh. Anh thầm tiếc đã sống quá vội vàng những giờ êm ả trên đỉnh Pu Tha và mong có dịp sẽ trở lại đấy nhiều ngày hơn nữa. Khi ngước lên, anh thấy mặt trời đã vượt quá cao trên nền chói ửng, vụt nhớ hôm nay là ngày đầu năm. Anh đã được hưởng giao thừa trên đỉnh Pu Tha, trong một không khí đầm ấm, hồn nhiên của những con người hầu như không hề biết Tết, nhưng suốt cuộc đời là một mùa xuân bất tận. Đầu năm nay, anh mang những món quà tặng đặc biệt từ đỉnh non cao về với cuộc đời thiếu thốn, đầy những âu lo khắc khoải hàng ngày. Anh lại lên đường, mong chóng gặp mặt anh em để họ được hưởng những sự no đủ, đợi đến ngày mốt cùng về Đất Tó. Khi về gần đến buôn cũ, anh đang hào hển leo dốc đã thấy Khánh bước khập khễnh xuống đón.
Khánh giằng lấy gánh, nở một nụ cười rất lâu, không kịp hỏi anh gì hết rồi khập khễnh bước. Dụng ríu rít kể cho Khánh cuộc đời trên đỉnh Pu Tha mà anh vẽ lại như một cuộc sống ước mơ. Pu Tha, theo như ý Dụng, là chốn thần tiên, là một nếp sống mà cả nhân loại kiếm tìm. Con người luôn luôn no đủ, không hề dối trá, che đậy, ăn ở với nhau một cách giao hòa, thân mật, còn gì đáng khát thèm hơn? Khánh chăm chú nghe không nói một lời, nhưng đến gần nhà anh bảo:
- An và Hiệp mừng lắm đấy nghe, nhưng đừng nói nhiều về cái cuộc đời cậu vừa trải qua mà họ khát thèm.
Dụng cúi đầu bước, dần dần cảm thấy Khánh đã có lý khi dặn dò anh như vậy. Anh không thể nào làm những người bạn của anh cảm thấy chán nản khi nghĩ về cuộc đời đầy thiếu thốn của mình. Và anh nghĩ rằng mình phải chuẩn bị một câu trả lời.
An, Hiệp ngồi chờ anh nơi bục cửa, cặp mắt mỗi người sáng lên trên những khuôn mặt tóp gầy, héo hắt. Họ run rẩy đỡ gánh đồ bằng những điệu bộ giữ gìn của quý và không đợi Dụng kịp ngồi xuống sàn, đã hỏi:
- Thế nào? Mùa xuân trên ấy ra sao?
Dụng nhìn hai người, thấy vẻ hau háu thèm ăn ở trên mặt họ và đó cũng là hình ảnh vừa qua ở nơi mặt anh rồi đáp:
- Cũng như bao nhiêu nơi khác mà mình đi qua. Chẳng có tết nhất gì cả. Đồng bào thiếu thốn, đói khổ, sống trên những chiếc nhà sàn rách nát, tiêu điều. Nhưng họ sẵn sàng chia sẻ cho mình, không chịu đổi chác gì hết.
Nét mặt của An có vẻ trầm ngâm, dịu lại và Hiệp cũng mất dáng điệu hớn hở ban đầu. Dụng ngước nhìn Khánh, thấy Khánh cau mày, nhìn anh có vẻ trách móc. Dụng hơi ngơ ngác thì Khánh vội bảo:
- Hãy nấu một nồi xôi lớn ăn đã!
Mấy người hì hục vo nếp, đốt lửa và khi bếp hừng hực cháy, Khánh mới chậm rãi nói tiếp:
- Lúc nãy, vì thương anh em ở nhà khổ sở nên cậu Dụng đã nói dối. Mình nghĩ, việc gì mà phải nói dối như vậy? Tưởng nên tìm hiểu sự thực cho rõ ràng hơn. Mình đã từng sống trên những buôn cao, khí hậu mát mẻ, cây cối xinh tốt lạ lùng. Đồng bào cũng no đủ lắm và vui vẻ lắm. Người ta sẵn sàng cho chúng ta ăn bất cứ lúc nào, và không bao giờ ta phải lo sợ dối trá, lường gạt lẫn nhau vì một chén gạo, manh vải. Cho đến tình yêu, cũng thực giản dị, khỏe mạnh lạ thường. Nhiều cô sẵn sàng yêu ta, chết sống với ta vì ta biết điều, hiền hậu, chứ không vì ta có nhiều bạc tiền, địa vị hay là một thứ nhãn hiệu nào khác. Ở đấy hình như chỉ có suối reo, chỉ có tiếng hát, chỉ có mùa xuân. Nhưng mà...
Khánh bỗng dừng lại, nhìn anh em rồi tiếp:
- Đó là mùa xuân của thời hoang dại, cổ sơ không còn phải là mùa xuân của chúng ta nữa. Anh em nghĩ xem, làm sao có thể sống như cây cỏ không hề băn khoăn vì mục đích gì? Làm sao bọn mình có thể yêu đương đơn giản bằng những thèm khát tầm thường không nâng tình yêu lên khỏi rung động bản năng thấp kém? Chúng ta cần yêu để tạo một sự hòa điệu tâm hồn, một sức cảm thông đầy những xây dựng, hy sinh cho một sự nghiệp. Và bao nhiêu điều hiểu biết sẵn có, bao nhiêu ao ước tương lai ấp ủ ở trong tâm não của mình, làm sao ký thác vào trong câm lặng, hoang vu? Đồng bào miền núi của ta phải chịu cuộc đời như vậy vì họ chưa thoát khỏi một tình trạng sinh hoạt còn nhiều ràng buộc thiên nhiên. Còn ta, ta không thể nào trở lại cuộc đời như thế.
Khánh dằn hai tiếng "trở lại" và kéo dài ra. Lời nói có đà khiến anh hăng hái tiếp theo như trong một buổi thuyết trình đại hội:
- Họa chăng vì phút chán nản nào đó trước những khổ nhọc của đời, ta không tự chủ được mình nên có tư tưởng lẩn trốn, hướng về cảnh đời nghĩ lầm yên vui của chốn sơ khai. Nhưng chắc chúng ta khó lòng chấp thuận cảnh ấy quá một tuần lễ. Mùa xuân chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong cuộc sống này, trong những nỗ lực hướng về một cuộc đời khác cao hơn, đẹp hơn, trong đó mọi người với ta cùng được chung hưởng những kết quả của khoa học, của một tinh thần tổ chức nhân đạo và lý trí hơn.
Anh dừng lại, nói nhỏ và chậm:
- Tôi nghĩ đến sự chịu đựng của anh em mình để làm cho tròn nhiệm vụ, nghĩ đến tình thương ở giữa chúng ta, nghĩ đến xâu măng của anh An, chén cám của anh Hiệp, gánh nếp của anh Dụng và tôi tưởng đấy mới là ý tình của một mùa xuân thực sự.
An nói:
- Anh Khánh, anh cố quên những tình ý của anh hay sao?
Hiệp cúi đầu xuống có vẻ trầm tư không nói năng gì.
Dụng liếc nhìn Khánh, thở một hơi mạnh rồi tiếp:
- Phải rồi, mùa xuân của mình không thể tìm thấy trên đỉnh non cao. Mùa xuân thật sự của ta ở trong cuộc sống này đây, và dưới đồng bằng...
Mọi người im lặng, ngước nhìn về chân trời xa, vệt núi xanh nhạt, mờ mờ. Thoáng chốc giữa tiếng sôi sục trong nồi và tiếng củi cháy, họ nghe như có tiếng pháo, tiếng cười, tiếng nói từ miền quê xa vọng lại liên hồi.
1-1962       
VŨ HẠNH   
(Trích từ tuyển tập truyện ngắn cùng tên, Cảo Thơm xuất bản, 1964)