Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

BÓNG MÂY KỶ NIỆM


Tôi có người bác họ, dân làng thương gọi bác là ông đồ Nhị bởi vì bác đã từng dạy cả chữ Hán lẫn chữ quốc ngữ ở nhà quê. Tên thật của bác, đến hôm nay, tôi vẫn không hiểu rõ, chỉ biết bác tôi ngày xưa đã mấy lần tấp tểnh lều chõng đi thi và đậu được “bằng” nhị trường.

Cái đám học trò của bác tôi sau này chẳng ai làm nên công trạng gì để giúp đỡ thầy trong cảnh lầm than cơ cực. Họ cũng sống vất vưởng sau lũy tre còm, bên dòng sông hẹp mà tự thuở khai thiên lập địa đến giờ chưa có lúc nào đầy tràn nước của cái làng Tường-an nghèo xơ nghèo xác này. Nhưng nếu ai chịu tìm hiểu rằng vốn chữ quốc ngữ của bác tôi ít ỏi quá, ngọn bút sắt viết trên giấy tây cứ mãi mãi vướng mắc. Thêm vào đó, một tâm hồn luôn luôn bị ám ảnh bởi những dòng tâm huyết của Trần Tế Xương của Học Lạc nên bọn môn đồ khi xếp bút nghiên chỉ biết bỏ làng ra đi hay cặm cụi xới từng miếng đất quê hương mà gieo hy vọng no lành thì cũng đừng lấy làm lạ.

Bác tôi núp dưới mái từ đường họ Vũ. Nó điêu tàn không khác chi đời bác. Có nhiều hôm gió lạnh ồ ạt kéo nhau về thổi vù vù vào ba gian nhà trống không phên liếp, bác tôi vẫn thản nhiên khoác mảnh chăn đơn ngồi rung đùi ngâm thơ hoài cổ, coi bão táp ngoài trời không hơn hớp rượu nhạt chiều đông. Con người kỳ dị ấy chưa được hân hạnh thoáng nghe đôi lời than thở hay tìm được dòng nước mắt oán hờn, tuy cuộc đời bác đan dệt toàn bằng buồn tủi, đau thương. Ngày tháng trắng xóa tiếp nhau trôi qua. Mưa nắng chưa ngừng trút xuống mái tranh tàn tạ nên bác tôi vẫn phải lấy bìa bồi cậy vá víu những chỗ dột nát như bám lấy đám học trò đần độn mà sống qua thời. Sự gian nan điêu đứng ấy không làm bác tôi oán hận. Bác vẫn giữ phong độ của ông đồ nho giảng đạo thánh hiền. Thầy khóa tư lương mãi mãi cứ dạy lương tư thôi.

Dần dần, chữ nho ít người học, chữ quốc ngữ phổ biến nhiều hơn. Đáng lẽ, bác Nhị phải đập tan nghiên mực, vứt phăng ngọn bút lông giải nghệ rồi cơ đấy. Nhưng vì còn vướng lụy áo cơm, bác tôi phân vân chưa nỡ dứt. Đêm đêm, bác thắp đèn lần mò sang nhờ cha tôi dạy thêm ít tính toán cho “vốn liếng” vững mà tiếp tục hành nghề. Nghĩ tội nghiệp người bác, trải cuộc đời để hai thời đại giẫm lên điêu đứng.

Bác tôi không lấy vợ. Thuở chưa ngồi dạy ở làng, bác đã từng phiêu bạt nhiều nơi và nổi tiếng là một tay danh cầm miền Thái. Lòng bác giống như con tàu thiên lý, chở đầy những mộng những mơ, qua hết ga này bến khác song ít khi bác ở đâu lâu. Khi thấy tình đời chớm lạnh, tình người đơn côi, bác tôi lại rũ áo bỏ đi tìm tri kỷ một phương trời khác. Chao ôi, bác tôi đã dại dột đem hết cả gia sản tinh thần, đem hết cả hào hoa phong nhã của tuổi trẻ, cố mua chút tình cảm của thế nhân. Nhưng con người nghệ sĩ ấy chỉ gặp toàn thất vọng. Cỏ hoa ngoài viễn xứ biết có hiền hay hèn mà nỡ để chí lớn thiên hạ úa dần theo năm tháng? Dĩ nhiên, tiếng đàn sẽ ngọt hơn, tâm hồn sẽ trang trải hơn trong đoạn đời đau thương của bác đồ Nhị thân yêu.

Tôi không đếm được những cuộc tình duyên chắp nối bằng nhạc, bằng thơ nơi xa xôi của bác tôi nhưng tin rằng, với tâm hồn dễ rung cảm, khối óc ưa viễn vọng, yêu tự do, yêu cái thầm kín sâu xa nhất của cuộc đời thì dễ gì quên được ánh mắt giai nhân e ấp chiếu vào tim thơ những chiều viễn phương có gió may lạnh lẽo. Tôi tin để mà tin thôi chứ dễ chi dò hỏi một mẫu người trầm lặng như bác Nhị. Con tàu chạy dọc suốt lòng đời và không hề nghĩ tới ngày mai rạn vỡ. Con tàu thiên lý ấy, sau khi đã lướt đi muôn dặm, đã thua nhẵn mộng mơ ở dòng đời, đã gửi tặng ga bến chút sản nghiệp nhỏ mọn gây dựng nên do mồ hôi nước mắt tổ tiên để lại, im lìm về yên ngủ vĩnh viễn sau lũy tre làng, dưới mái từ đường xiêu vẹo của họ Vũ. Thân hình tàu ngày ngày hoen gỉ, chất sắt tiết ra nước vàng tái tê, đau đớn. Ga bến biết còn nhớ người xưa chăng, chứ người xưa thì đã in rõ ràng trong tâm khảm từng vạt nắng cô liêu của mỗi hoàng hôn buồn chết.

Thế là hết, đời bác tôi sẽ chẳng bao giờ thấy ánh vinh quang. Bác không oán hận, cũng không vội vàng như xưa nữa. Ngày lại ngày, bác lặng lẽ giở từng trang kinh nghiệm mua bằng muôn vạn sợi tơ lòng giảng dạy học trò để quên thuở đắm chìm trong mưa gió. Đôi khi, men rượu thấm vào trí khôn, bác tôi hay nói to. Giọng nói có lúc trở nên chua chát, có lúc khinh bạc. Rồi vài kỷ niệm cần giấu kín như chuyện từ chối đánh đàn cho viên quan huyện nọ thưởng thức đến nỗi bị bắt giam ít ngày, cũng được bác phun ra qua hơi rượu.

- Hà, hà… Đem tài hoa trong thiên hạ góp lại xem đã vừa nồi cơm chưa cho ta chẻ đàn nhóm lửa rồi giải nghệ. Chứ, chứ phải rung tơ lòng do lệnh một đứa thất phu thì e phụ mất cả lòng tin yêu trong trời đất.

Bác tôi chỉ nói đến thế thôi, nửa như hận, nửa như muốn giấu tâm sự đau khổ của mình nên bác dịu giọng ngay. Và mong xí xóa với người nào thoáng nghe thấy, bác tôi lớn tiếng ngâm thơ sầu rồi ví cuộc đời như đám mây trôi. Lòng bác còn bao la lắm. Nếu cũng hẹp hòi tựa lũ thế nhân mắt trắng thì mua sao nổi chút ít tài hoa, thì việc gì phải nhỏ lệ trên cung đàn năm tháng! Bác tôi vẫn thương mình thương đời đã trao tặng bác trên nẻo đường vô định. Trời ơi! Tôi muốn ôm lấy bác đồ Nhị mà ấp ủ, mà van xin bác dạy cho cái nghề… lãng tử. Tiếc quá, bác tôi vắng mặt hôm nay, nên tôi chỉ biết vơ vẩn nhìn mây trôi về xứ Bắc mà thương nhớ…

Hồi tôi còn nhỏ, bác đồ Nhị yêu tôi lắm. Bác hay sang nhà tôi uống rượu với cha tôi. Mỗi lần chén chú chén bác là mỗi lần tôi phải trèo lên cây khế hái dăm ba quả đem xuống rửa sạch, thái mỏng hình ông sao để hai người nhắm cùng thịt luộc chấm mắm tép. Chuyện sông hồ lưu lạc nhiều phen của cha tôi, của bác tôi được đem ra kể, lúc vui tươi phấn khởi, lúc trầm buồn tê tái. Tôi thường đứng nghe cả buổi không biết mỏi chân vì chuyện làm tôi say mê quá. Tôi biết yêu những cánh én bay từ rừng đồi xa xăm về góp hội mùa xuân từ dạo ấy. Và cũng từ dạo ấy, mẹ tôi bắt đầu phả vào mắt tôi ít nhiều khói hương thơ mộng.

Sau mỗi cuộc rượu tàn, bác Nhị không quên rủ cha tôi sang nhà bác hòa đàn. Tôi lẽo đẽo theo sau, xách giùm cha cái nhị. Dưới bóng của giàn hoa lý gần cầu ao, cha tôi trịnh trọng so dây nắn phím. Tiếng đàn nguyệt tung lên, tiếng đàn nghệ sĩ tặng nghệ sĩ thì còn chê vào đâu được nữa. Sao tôi vẫn không thấy cảm? Tại tôi nghe nhạc mà mắt tôi cứ mải nhìn lũ chim chào mào liu riu mổ sung chín. Và lẫn vào âm hưởng của cây đàn nguyệt, tiếng sung rụng lõm bõm dưới nước, tiếng ve sầu rên rỉ giữa trưa hè. Cùng một lúc, tôi nghe cả ba thứ âm nhạc. Bản đàn nguyệt dứt, cha tôi kéo nhị trong khi tôi vẫn mơ màng ngắm chim chào mào mổ sung. Đến khi chim bay đi, tôi mới kịp để ý đến cha tôi. Người có vẻ khác lúc thường, nét mặt biến đổi từng giây phút. Tiếng nhị êm êm, dịu hiền như mầu hoa lý đôi khi réo rắt, réo rắt mà không dâm dật, réo rắt chỉ làm lòng ta phấn khởi say sưa. Thỉnh thoảng, âm thanh trầm lắng, đẹp như câu ca dao thoát ra từ đôi môi thôn nữ xuân thì. Sao tai tôi vẫn còn nghe rõ tiếng cu gáy đằng xa? Tôi muốn hỏi bác đồ Nhị nhưng bác tôi đang lim dim đôi mắt ra chiều say mê tận hưởng tài nghệ của cha tôi, một nghệ sĩ bình dân đã từng làm rung động bao nhiêu người ở bao nhiêu chân trời có trăng có lúa.

Bản nhạc dứt, âm thanh loãng dần. Cha tôi lấy khăn lau mồ hôi đổ tầm tã trên mặt, trên mình mẩy rồi hỏi bác đồ Nhị:

- Thưa bác, bác nghe tiếng đàn em dạo này thế nào?

- Kém ngọt hơn mấy năm về trước. Chú ít luyện tập.

- Vâng, quả có thế, lâu nay em bỏ đàn địch. Bác tính từ ngày tạm nghỉ đời giang hồ đến giờ có khi nào tâm hồn em thanh thản đâu.

- Phải rồi, tâm hồn mà vướng mắc, tiếng nhạc nghe nặng nhọc lắm, khó thoát lên được. Chú thử nghe tôi dạo khúc đàn bầu xem sao.

Nói dứt câu, bác đồ Nhị cởi phăng áo để mình trần, với cây đàn bầu. Cây đàn của bác cổ kính quá chừng. Tôi nhớ rõ ràng, nó bẩn lắm. Màng nhện chăng đầy ở dưới đáy, bụi phủ kín mặt đàn. Miếng tre để nẩy đã sạm mầu đen, đồ lên dây mọt ăn quá nửa. Bác tôi nhè nhẹ vặn dây. Bác lấy miếng giẻ vuốt sợi dây sắt rồi bắt đầu khởi nhạc.

Tiếng đàn bầu dịu ngân khoan thai thánh thót. Trời bỗng như nhiều gió hơn và không gian chừng dễ thở quá. Đàn bầu, ồ, chỉ có một sợi dây thôi nhưng tình cảm phức tạp nhất của con người gửi gấm cả vào đấy. Tay phải làm cho phát ra âm thanh, tay trái lựa sao cho nét nhạc hoa mỹ, tuyệt vời. Ngồi khom khom lưng, một chân đè lên thành đàn, người bác nghệ sĩ của tôi thay lời nói lên tình trời đất.

Tâm tư bác vướng trên dây, hình ảnh tối tăm hiện tại biến đi, chỉ còn thế giới âm thanh lắng vào mênh mông vô tận. Tiếng đàn khi nũng nịu như cô gái mới lấy chồng, tha thiết như tình mẫu tử, rạo rực như lòng thiếu nữ dậy thì và băn khoăn như giấc mộng nửa đêm. Mặc cho mấy chú muỗi ngày bám vào lưng, bác đồ Nhị đăm đăm gửi hồn theo âm nhạc. Tiếng đàn cơ hồ gió ngàn, lúc dần lên ta tưởng có trận phong ba chớm dậy trong lòng xui ta giận dỗi, oán hờn. Lúc dịu đi, ta trạnh nghĩ tới một hoàng hôn nắng vàng thoi thóp. Âm hưởng bay vút lên khơi như nước thủy triều dâng bao la bát ngát. Ta tưởng chừng tình đời đơm nở ngát thơm mùi lúa chín được mùa, đẹp hơn cả môi hồng trinh nữ. Tiếng đàn lắng xuống trần trầm, im lặng cô quạnh như cõi lòng khao khát yêu đương, buồn như khách giang hồ lỡ chuyến đò ngang, hoang mang như mối tình đầu thất vọng và ta cảm động không ngăn kịp lệ rơi…

Sao giọng con ve sầu, lời con cu gáy vắng bặt? Âm nhạc quê hương nhiệm mầu đuổi chúng bay xa rồi chăng? Hay chúng vội vàng nín thinh để hớp lấy những phút giây thiêng liêng vạn kỷ? Trong tôi, lúc ấy, mới hoàn toàn thấu đượm âm thanh, tuy trước khi bác Nhị rung tơ lòng, con bé hàng xóm ru em to quá, tiếng võng kẽo kẹt càng to hơn. Tiếng đàn của tay lão tài tử quả đã cảm hóa được tôi bấy giờ và cả bây giờ nữa.

Cung đàn ngừng lại. Tôi thấy còn dang dở, còn thiếu một cái gì khó nói. Bác tôi cũng nghĩ vậy, bác ngồi mơ màng hối tiếc.

Thế nào bóng kỷ niệm chả rủ nhau về gõ cửa tim bác khi tiếng đàn xa khơi. Lúc lâu, bác rời đàn, buông tiếng hỏi:

- Chú nghe thế nào?

- Dạ, tiếng đàn bác tuyệt diệu, có một không hai trong thiên hạ.

Bác tôi gật đầu sung sướng:

- Đánh đàn cần phải tự do, chú ạ! Hồn tài tử như mây trôi, như nước mưa giữa trời. Ta diễn tả tình cảm theo nhịp thở của trái tim ta, không có sức mạnh nào lái lòng ta được. Này chú…

- Dạ.

- Ta đàn tặng tri kỷ tiếng mới ngọt thế đấy. Chứ, cũng tại vì miếng đỉnh chung của thời đại nhố nhăng này mà mặc quần áo đẹp, ngồi trên ghế khảm xà cừ rung tơ lòng cho bọn vương giả nghe thì tơ lòng đến đứt quãng tứ tung mất thôi.

- Thưa bác, đàn bầu vốn dĩ…

- Là loại khó. Ừ đàn bầu khó chơi nhất, nó cũng như nhị ấy, chẳng có phím để mà phân biệt. Lại nữa, mình hiếm sách dạy nên rồi nó sẽ mai một, như cánh áo the lương, như cái khăn xếp, như đôi giày Gia-định hay như… cái khố ấy. Tội nghiệp người bình dân, người quê hương sẽ mất mát kho tàng giá trị. Chơi đàn được như chú cũng là khá lắm rồi. Thế chú đã có thể luận được tiếng đàn chưa?

- Thưa em mới hiểu sơ sơ. Xin bác dạy thêm.

- Diễn tả bản nhạc là một nghệ thuật siêu đẳng. người tài tử lúc ngồi nắn phím so dây thì hoàn toàn sống với tâm tư. Ảnh hình ngoại giới lúc ấy mờ đi chỉ thấy hiện trước mắt mình chân trời bao la nghệ thuật gói ghém tình thương yêu, lòng bác ái. Người tài tử càng rung cảm bao nhiêu thì chân trời siêu đẳng càng rộng mở bấy nhiêu. Cho nên có thể nghe tiếng đàn mà đoán tâm tính người chơi. Như đứa vũ phu thì tiếng đàn yếu ớt, loãng dần. Người mẫu mực thì tiếng đàn thong thả đều đều. Người hào hoa thì tiếng đàn phóng túng, buông trôi. Người có tâm hồn tranh đấu thì tiếng đàn luôn luôn thôi thúc, vội vã. Người mang tâm sự thầm kín thì tiếng đàn mông lung, huyền bí. Tất cả những hạng người trên đều không phải là tài tử. Người tài tử khác hẳn. Tiếng đàn rung lên, thính giả có thể khóc, có thể buồn, có thể yêu thương, giận dỗi, oán hận, hay ray rứt đứng ngồi không yên. Muốn luyện ngón đàn như thế tất phải sống, phải đi nhiều, phải mang tuổi trẻ mua lấy chua cay khinh bỉ của thế nhân, để biết khóc, biết cười, biết oán hận, biết yêu thương thì mới hòng làm cho người khác khóc, cười, yêu thương, oán, giận, ghen hờn. Nhưng đời nay, (bác tôi nhấn mạnh) cái đời kim tiền khốn nạn này đã làm hồn tài tử lịm chết, làm tai nhân thế điếc đi rồi lấy đâu ra một Bá Nha gẩy đàn cho Chung Tử Kỳ nghe nhỉ!

- Lời bác dạy quả đúng. Thảo nào em nghe tiếng đàn cậu Trạch gắt gỏng quá.

- Ở đời muốn cái nọ phải hy sinh cái kia. Như tôi sao không thể làm cách mạng như cậu Trạch được. Được lắm chứ? Khốn nỗi phải dung hòa lý trí với tình cảm phiền phức tệ mà chắc gì nó đã cân bằng. Cho nên, tôi đành sống kiếp cỏ hèn trong thiên hạ vì muốn cái tài tử hơn.

- Thưa bác, dạo này em thấy giọng bác có vẻ chua chát hơn xưa. Dám hỏi hay bác có điều chi trắc ẩn, hay bác nhớ tới…

Bác đồ Nhị cảm động ôm lấy cha tôi:

- Chao ôi! Ta đi tìm tri kỷ già nửa đời, ai ngờ về đến quê hương mới gặp. Hạnh phúc của mình cũng đến thế thôi. Việc gì phải bôn tẩu xa xôi. Nó ở ngay bên mình, ở ngay mảnh đất xác xơ này. Đào nó lên, khai quật nó lên mà tìm kiếm, gia tài quê hương tiềm tàng dưới ấy. Phải chú nói đúng. Ít lâu nay tôi nhớ “chúng” quá. Ai bảo tài tử không muốn có mái nhà êm ấm và ngọn đèn dầu heo hút suốt đêm trường?

Rồi một ngày cuối mùa thu, bác đồ Nhị thân yêu lại ra đi. Bác đi có vài hôm. Bữa về, hành lý của bác chở thêm ba đứa trẻ, hai gái một trai, lớn hơn tôi bảo là con bác. Ai dám tin ngay. Người trong họ xúm vào chất vấn bác. Bác điềm nhiên trả lời:

- Con tôi cả đấy mà. Mỗi đứa một mẹ, mỗi mẹ một nơi. Phải đưa chúng nó về đây kẻo sau này lớn lên, chúng nó hối hận thiếu quê hương. Mẹ chúng nó đi lấy chồng cả rồi. Tôi nghĩ đến sự đơn lạnh của mình mấy năm nay nên dắt chúng nó về. Có lẽ, lần này tôi không đi nữa. Những sợi dây tình cảm này (bác chỉ vào đám anh chị tôi) sẽ buộc chặt đời tôi với mảnh đất cằn cỗi nhưng đẹp tuyệt vời của cái làng Tường-an nghèo khổ này.

Dòng họ Vũ nhà tôi vốn quan niệm khe khắt với những tâm hồn lãng tử nên, trừ bác đồ Nhị và cha tôi, chả ai dám ôm mộng sông hồ. Việc đem mấy đứa trẻ thiếu mẹ về nhập tịch họ Vũ khiến nhiều người bất bình, nhất là ông nội tôi. Cha mẹ tôi không hẹp hòi thế, các người cho rằng bác đồ Nhị thừa lòng nhân đạo. Bác là kẻ lãng tử, phóng túng mà còn biết nghĩ đến con cái thì sao lại nỡ trách. Họ Vũ chỉ hiểu sơ sơ quãng đời tung hoành của bác chứ hiểu sao nổi nỗi cô đơn của một cõi lòng về già, hiểu sao nổi bác Nhị cũng muốn có đứa con trai… tài tử trong sạch như bác.

Tôi càng gần gũi bác tôi hơn. Sẵn có ba nhịp cầu vững chắc, tôi tự do ướp lấy hồn bác bằng mắt, bằng tai để hôm nay làm trai sông hồ, tuy chẳng dám có mộng làm nghệ sĩ (tôi sợ không được như bác tôi) song cũng biết mơ mộng hướng về chiều cũ mờ mây.

Chuyện tôi kể sau đây sẽ nói giùm tôi rằng tại sao cha con tôi yêu bác đồ Nhị. Một hôm, mật thám về làng khóa tay cha tôi giải xuống tỉnh vì cha tôi có bạn thân là cậu Trạch làm cách mạng chống Tây bị bắt ở Hải-dương. Cả nhà tôi, trừ mẹ tôi, không ai khóc. Người trong họ cũng xót thương, cũng chỉ nín thinh. Vậy mà riêng có bác tôi đã dám lớn tiếng chửi đổng mấy đứa thất phu đứng giương mắt ếch nhìn sự đau khổ của thiên hạ mà cười khẩy. Tôi còn nhỡ mãi cái hôm ấy, cái hôm bác tôi ném chai rượu đầy ắp vào tường, đổ tung đồ nhắm rồi gục xuống khóc nức nở như trẻ con bị đòn. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy bác khóc. Và giờ đây, mỗi khi mơ về làng xưa còm cõi, tôi vẫn thấy rõ cảnh cũ hiện ra, có những âm hưởng của tiếng thủy tinh vỡ, có tiếng nức nở và tiếng nguyền rủa qua men rượu ngà ngà.

Đêm đêm chờ lúc canh khuya, bác đem đàn ra gẩy. Tiếng đàn thương nhớ tri kỷ nó mới não nuột làm sao! Vang trong cô tịch, hòa với âm nhạc thiên nhiên, tiếng đàn bầu đi riêng một bè thiết tha buồn tủi. Tiếng ếch, tiếng dế nỉ non và tiếng muôn loài côn trùng rên rỉ nuối tiếc. Có thể hòa âm ấy bay lên đượm lấy sương và sương rơi ướt đẫm vai người lãng tử. Lạnh lẽo, đìu hiu. Mẹ tôi khóc nhiều hơn khi nghe tiếng đàn vọng cố nhân ấy.

Ít ngày sau cha tôi được thả về. Cậu Trạch đã hết tội yêu nước trước mật thám rồi, cậu móc mắt tự tử. Thế là cha tôi hết bị tình nghi để cho bác đồ Nhị vơi sầu vạn cổ. Bác lượm mảnh chai đập vỡ bữa nào, ném vào xó vườn rồi lại trịnh trọng ngồi tâm sự cùng cha tôi bên hồ rượu đầy.

Cuộc sống đều đều nối tiếp. Bác tôi vẫn dạy học. Lòng bác không còn se sắt mỗi buổi mưa gió về như dạo nào. Chăn bông là ba trái tim non ấm lên những đêm đông lạnh lẽo. Tiếng đàn của bác hiền lành hơn và tiếng nhị của cha tôi nghe cảm được. Khi bác cảm thấy thoải mái nhất lại là lúc thời đại đổi thay. Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Cha tôi chẳng gặp người bạn quen nào phất cờ. Dĩ nhiên, người cam chịu âm thầm sau lũy tre xanh, coi thuở giang hồ mập mờ như chiếc bóng. Cách mạng nghĩa là cái gì cũng đổi thay. Duy bác tôi vẫn kéo tràn cái áo the lương rách tứ tung, vẫn mặc cái quần cháo lòng và sống cùng cực hơn vì bọn môn đệ của bác, đứa thì đi bộ đội, đứa thì gia nhập đoàn thể này, công tác nọ chả còn hơi đâu mà nghĩ đến nồi cơm của thầy đồ.

- Nó ở ngay bên mình, ở sau lũy tre già còm cõi, ở ngay mảnh đất xác xơ này. Đào nó lên, khai quật nó lên mà kiếm, gia tài quê hương tiềm tàng dưới ấy.

Bác tôi sực nghĩ tới những bàn tay tổ tiên ngày này qua tháng nọ sống với đất, nên cha con rủ nhau tập cuốc với mấy thửa ruộng nhà. Mồ hôi, nước mắt, cả máu nữa, thấm vào lòng đất. Lúa cũng lên bông, vào mẩy. Bát cơm có đầy nhưng nghẹn ngào nói sao được. Cái trầm lặng thuở nào đây vụt thức. Lòng lãng tử đôi phen sụt sùi khóc gió mưa. Tội nghiệp, bánh xe thời đại tàn nhẫn đè lên bác tôi và làm đau đớn vô ngần.

Bác ít đánh đàn. Vì chua chát lắm. Niềm thiêng liêng của bác bị nhạo báng, người ta đem đàn nguyệt, đàn tranh, nhị ra kéo những bài chào cờ, mặc niệm. Thôi rồi, chết cả cõi lòng nghệ sĩ. Cha tôi, một buổi vờ say rượu, nhân cơ hội có con mèo chết, người lấy vải bó chặt lấy xác con vật khốn nạn rồi bắt chúng tôi khênh ra vườn sau. Đám táng con mèo, bác đồ Nhị cũng đi đưa. Bác đánh đàn tranh, cha tôi nín thinh. Đến khi tôi nhìn lên thấy nước mắt cha nối hàng rơi trên má, bác đồ Nhị thì đôi mắt đỏ ngầu. Cha tôi đào lỗ chôn con mèo, chôn cái nhị, chôn nguồn tình cảm quê hương, chôn luôn cả thiên tài hoa cuối mùa. Ở nhà còn mấy thứ đàn, cha tôi đem chẻ ra đun nước pha trà; ngồi đàm đạo với bác Nhị suốt sáng thâu đêm. Bác tôi không nông nổi giống cha tôi. Bác vẫn giữ đàn bầu, thỉnh thoảng mới nắn phím so dây mà lại dạo về ban đêm, vào những hôm trăng sao đẹp nhất. Tại sao bác tôi trở nên kênh kiệu thế? Phải vì bác sợ phường cẩu nhãn nhìn trộm người yêu của mình hay vì muốn tâm hồn trắng trong với tình đàn?

Tiếng đàn bác tôi giờ đây trở nên ai oán, hận thù, phảng phất khói hương hoài cổ. Nhiều đêm nghe nó tôi khó mà ngủ được. Cả một triều đại đẹp xưa có những còn người hiền tựa khoai lúa, thương yêu nhau không biết kể bao nhiêu, hiện ra trước mắt tôi khi âm hưởng của tiếng đàn bác đồ Nhị rung lên trong đêm vắng. Bác tôi than tiếc trong tiếng đàn, than tiếc ngoài cuộc đời. Cái hình ảnh khốn nạn nào án ngữ nụ cười của bác tôi? Tôi vội nghĩ tới phút giây chẳng may bác phải đào đất chôn đàn. Dù tiếng đàn tuyệt diệu, hồn quê hương đã nhập ẩn trong lòng người quê hương rồi, tôi vẫn thấy buồn quá. Bác tôi sống đầy đọa, đau khổ mãi cho tới ngày giặc tràn về làng thì cảnh tượng điêu tàn khuất dần dưới mắt tôi. Tôi cứ xa mãi, xa thành vĩnh biệt. Chả biết bây giờ bác tôi còn sống hay đã ra người thiên cổ?

Tôi bỏ làng ra đi, để rớt rơi ở sau lũy xanh bao kỷ niệm buồn đau của thời thơ ấu. Trên đường tự do thơm ngát hương đời, thơm ngát tình người của gã con trai ngoài hai mươi tuổi ưa viễn vọng, ưa những vẻ đẹp mới như tôi đã hơn một lần thất vọng. Là khi thoáng nghe tiếng đàn bầu rung lên khúc nhạc ngoại lai về một sớm phố phường nhộn nhịp. Chao hỡi! Nó trơ trẽn và diêm dúa làm sao? Chắc người nghệ sĩ bây giờ đã nạm bạc vào miếng tre vót nhỏ, đã khảm xà cừ vào đàn, đã ăn mặc lượt là lúc ngồi biểu diễn và, chắc chắn, đã sợ danh từ đàn bầu mà đổi là… độc huyền cầm.

Đâu rồi, người xưa đàn xưa? Biết đến ngày mai người ta có tìm lại trả cho tôi những ảnh hình thân yêu của không? Chứ hiện tại, âm hưởng của cây độc huyền cầm chỉ làm tôi tuyệt vọng, trách làm chi chuyện tôi nhớ quê hương. Nơi ấy, mỗi lần vọng về trong tưởng tượng, tôi vội hình dung thấy ngay bác đồ Nhị cởi trần ngồi trên manh chiếu rách giải giữa sân vào một đêm trăng vắng gió, nầy khúc đàn bầu. và khi cung đàn dứt, người bác lãng tử của tôi ngồi im lặng nghĩ tới thời vàng son xa lắc của những người quê hương chỉ biết thương yêu nhau. cho đến khi sương đêm thấm ướt đôi vai thì tài tử gục luôn xuống bên đàn mà ngủ.

Duyên Anh
1962

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

KHÚC RẼ CUỘC ĐỜI


KHOA về huyện Phụ-Dực thăm Vĩnh. Đường số 10 nhan nhản những hầm hố chưa kịp lấp, những nhịp cầu bị phá gục chưa kịp bắc, những chiếc xe tăng, cam nhông chạm mìn nổ tung nằm phơi xốc bên đường hay văng xuống ruộng. Lâu lắm Khoa mới có dịp đi trên con đường này. Trời tháng tám; nắng còn gay gắt. Đồng ruộng bỏ hoang, cỏ dại chen nhau mọc. Mùi bùn ngai ngái đưa lên. Khoa gò lưng đạp xe, mồ hôi chảy ướt áo, nhễ nhại mặt. Khoa không cảm thấy mệt. Khoa nghĩ tới lúc gặp Vĩnh. Từ ngày Vĩnh bỏ Hà-Nội trở về quê ngoại, Khoa bặt tin Vĩnh. Khoa vẫn tự hỏi với mẫu người như Vĩnh thì cuộc sống sẽ ra sao ở miền quê heo hút bốn bề giăng giăng bom đạn. Hai năm rồi, hai năm thương nhớ. Khoa hằng tin tưởng tâm hồn Vĩnh đã trang trải hơn xưa. Cuộc đời dễ chừng cũng ngưng dậy Vĩnh nhiều bài học se sắt. Khoa tưởng tượng Vĩnh đang cười thầm khi mọi người cười lớn. Ý nghĩ khôi hài ấy làm Khoa phấn khởi. Khoa huýt sáo một điệu hành khúc tiếp nhịp đôi bàn chân.

Đến Vũ-Hạ, đáng lẽ Khoa rẽ lối tắt ra bến đò Hạ sang huyện lỵ cho gần, nghĩ sao Khoa lại đi thẳng. Tới ngã tư Môi, Khoa dừng xe ngơ ngác kiếm tìm. Phong cảnh thay đối cả. Chinh chiến vừa lướt qua để rơi rớt xuống mảnh đất này sự điêu tàn lạnh rợn. Xưởng máy của cụ cả Xưởng xiêu vẹo hẳn lên từng vết đạn bắn nứt rạn tường dầy. Vài quán hàng theo khói lửa ra tro. Cơn gió tha hồ thổi qua, hàng tre, dãy nhà hết án ngữ. Khoa nhìn mãi mới nhận được con đường rải đá lởm chởm dẫn vào huyện lỵ. Con đường nho nhỏ quen thuộc ngày xưa, bà Huyện, chị Hiền, Vĩnh, Bảo và Khoa ngồi trên xe song mã từ huyện ra ngả tư Môi đón ông Huyện ở tỉnh về. Ông Huyện đáp ô tô Thái-Bình - Hải-Phòng. Ông quen đi xe con Thỏ nên bọn Khoa, Vĩnh, Bảo hễ trông thấy xe con Thỏ dừng bến tạm ngã tư Môi là vội vàng đổ xô tới vì thế nào cũng có ông Huyện trong chuyến xe buổi chiều. Rồi người đón đưa vừa khuất bóng, nỗi buồn tìm đến ngay.

Ngã tư Môi vốn đã quạnh hiu, bây giờ hiu quạnh gấp nghìn lần. Mắt Khoa cay cay nắng gió. Khoa thoáng gặp rất mơ hồ chiếc xe con Thỏ chở ông Huyện. chị Hiền, Bảo chạy vào quá khứ ; như khói lửa đưa ngã tư Môi vào kiếp nào xưa. Khói sầu tự nhiên dùn lên, lan tỏa. Khoa để hồn mình bay xa.


Trống trường điểm ba tiếng cộc lốc. Học trò trường huyện ùa vào sân. Từng bọn năm ba người, họ rủ nhau đánh đáo, đánh quan. Lớp sơ đẳng chọn riêng khoảng sân góc trường. Lớp dự bị biết mình yếu đuối tìm chơi phía sau sân. Lớp đồng ấu bé nhỏ, chỉ đứng nhìn đàn anh bằng đôi mắt ngây thơ cảm phục. Ngổ ngáo nhất là học trò lớp nhì một và nhì hai, chiếm hết phần sân trước tranh nhau với các anh lớp nhất. Bọn này lớn tuổi, có anh đã có một vợ hai con nên tỏ vẻ độ lượng, nhường nhịn. Vả chăng các anh cũng hết thích trò đá cầu, đuổi bắt.. Vài anh thơ thẩn đuổi bướm vàng bên bờ giậu. Vài anh bàn chuyện đấu bóng tròn giao hữu giữa Quỳnh-Côi và Phụ-Dực chủ nhật tới. Các anh chăm chỉ thì dọc sách dưới gốc bàng, thỉnh thoảng bứt hoa dâm bụt đặt lên tay vỗ kêu đôm đốp.

Năm ấy, Khoa học lớp nhì một. Khoa học giỏi nhưng tinh nghịch. Mọi lần Khoa hò hét ầm ĩ, phá đám lung tung. Không biết tại sao hôm nay Khoa đứng im lặng trên thềm nhìn mấy con chim di líu ríu trên cành nâu rồi nhìn ba chị em con quan huyện dưới gốc cây bẻ hoa dứt lá. Không ai đám tới gần ba chị em. Họ tới đâu thì ở đấy lánh xa chỗ khác bàn tán thầm thì. Khoa thấy lòng mình làm sao ấy. Tuy nhiên, Khoa chả mơ tưởng được chơi với con quan.

Khoa nhớ buổi sáng thứ hai bốn tháng trước. Thầy giáo Thanh dồn chỗ học trò. Thầy dành riêng ba bàn đầu. Thầy bảo chỗ của con quan Huyện mới đổi về. Khoảng tám giờ, người lính lệ dẫn hai cậu bé trạc tuổi Khoa vào lớp, hai cậu rụt rè lo ngại. Thầy Thanh ân cần mời hai cậu ngồi bàn đầu. Hai cậu cách biệt đám học trò lớp nhì một bằng hai cái bàn gỗ lim bóng loáng, rắn chắc. Người lính lệ ra khỏi, thầy Thanh bắt đầu dạy. Bài "luân lý" sáng thứ hai là bài "tình nhân loại". Lớp học yên lặng. Thỉnh thoảng hai cậu con quan ngoảnh xuống làm quen, biên giới bàn lim chắn lối. Đôi bận có người gặp đôi mắt quý phái nhìn mình, và nụ cười thì lại tưởng đôi mắt ấy vừa thu một hình ảnh ngô nghê của học trò trường Huyện và nụ cười kia là vẻ chế diễu, nên giả vờ cúi mặt.

Tháng thứ nhất, tháng thứ hai, tháng thứ ba, tháng thứ tư bình thản trôi đi. Chưa ai biết tên con quan huyện kể cả chị học lớp nhất. Ba chị em cô độc. Chị học lớp nhất ưa mặc áo dài xanh lam còn hai cậu em mặc âu phục trái với Khoa và các bạn Khoa mặc áo dài thâm quần chúc bâu trắng. Khoa ở phố huyện đối diện dinh quan. Chiều chiều con quan ra phố chơi, đôi lần ghé vào hàng nhà Khoa mua vài thứ lặt vặt. Những lần như thế, Khoa chạy đi núp, len lén nhìn thấy cha mẹ lễ phép chào mời. Khoa lại càng tin rằng con quan ghê lắm. Trong lòng Khoa đâm chồi thù ghét ngấm ngầm tuy Khoa rất sợ hãi. Dần dần Khoa hối hận về sự hiềm tị vô cớ của mình. Con quan huyện có làm gì Khoa đâu. Ở nhà hồi bé bỏng, bà Khoa hay kể cho Khoa nghe chuyện Tấm Cám. Khoa thương con Tấm cô độc, lủi thủi một mình chả ai chơi với, lại còn bị mẹ con con Cám hất hủi nữa. Khoa ngây thơ dám ví con quan như Tấm trong trường huyện. Vì thoang thoáng Khoa biết nhiều học trò ưa kể xấu con quan, nào là học dốt mà cũng nhất, nhì... Thoạt đầu Khoa cũng vào hùa, sau Khoa im lặng cho đến hôm nay. Khoa bỏ chơi đứng ngắm con quan. Và Khoa bỗng có cảm tình với chị học lớp nhất. Cảm tình thầm kín ấy Khoa không dám giãi tỏ. Khoa chỉ rình lúc giờ ra chơi ngắm trộm chị em con quan.

Trống trường lại điểm ba tiếng cộc lốc. Khoa chạy vụt xuống sắp hàng vào lớp.


Thầy Thanh nghiêm giọng nói :

- Lát nữa quan huyện đến thăm trường, các con phải tỏ ra lễ phép nhé ! Giở sách ra, trang... bài... Sáng nay tập đọc thay cho cách trí.

Học trò cậu nào cậu ấy xanh mặt sợ hãi, hồi hộp đợi chờ. Mãi tới 8 giờ quan huyện mới tới. Cả lớp đứng dậy. Quan vẫy tay cho ngồi xuống. Quan khuyên nhủ vài lời, rồi quan hỏi thầy giáo xem ai giỏi nhất lớp. Thầy giáo chỉ tay về phía Khoa. Quan huyện mỉm cười lấy tay ra hiệu

Khoa nhỏm lên như cải lò xo. Quan nói tiếng Việt, khác với quan cữ và khác cả với ông thanh tra thích nói tiếng Pháp. Giọng quan hiền hậu. làm Khoa đỡ run :

- Tên con là gì ?

- Dạ, thưa quan lớn tên con là Khoa,

- Tốt lắm, con ở đâu ?

- Thưa, con ở phố huyện.

- Cha mẹ con làm gì ?

- Thưa quan lớn cha mẹ con buôn bán.

- Giờ này con học bài nào ?

- Thưa quan lớn, tập đọc ạ !

- Con đọc cho ta nghe.

Khoa thong thả đọc bài "Cái thú nhà quê và cái thú kẻ chợ". Hết bài, quan huyện hỏi :

- Con thích ở nhà quê hay ở tỉnh ?

- Thưa quan lớn con thích ở nhà quê.

- Tại sao thế ?

- Thưa quan lởn vì ở nhà quê mát mẻ, không khí trong sạch, nhiều ao hồ bơi lội, và câu cá...

Quan gật đầu hải lòng. Quan hỏi tiếng Pháp với thầy giáo :

- II est très intelligent. Donnez-lui 9 points, monsieur.

Quan huyện hỏi vài người nữa. Quan nhìn hai cậu quý tử. Quan có vẻ bất mãn điều chi. Khi tiễn quan ra khỏi lớp, quan nói chuyện nhỏ với thầy giáo, thầy gật đầu vâng dạ.

Sau ngày đó học trò ngồi lại. Thầy giáo dồn chỗ lên hai bàn trống, thầy bảo Khoa ngồi cạnh con quan. Mấy bữa đầu ngượng ngùng bẽn lẽn chả biết làm quen thế nào, Khoa đành câm lặng. Đến hôm thi vẽ, Khoa để quên bút chì ở nhà, được con quan cho mượn và tiện dịp con quan bắt chuyện Khoa. Tên hai cậu là Vĩnh và Bảo. Vĩnh là anh Bảo, tính tình điềm đạm, dễ yêu.

Vĩnh, Bảo quấn quít lấy Khoa. Giờ ra chơi hai cậu lôi Khoa ra khoe với chị Hiền. Chị Hiền dịu dàng hỏi Khoa, vuốt ve Khoa và chị cho Khoa tiền. Khoa không lấy. Khoa thành bạn thân cua Vĩnh, Bảo. Sự mong ước đã hiện hình nhưng Khoa mất bạn cũ. Buổi sáng Khoa không được kéo cờ, đánh trống. Thầy Thanh nhường vinh hạnh ấy cho bạn Khoa. Cái phức tạp của cuộc đời bắt nguồn trong mạch sống vô tư. Những giờ ra chơi Khoa lủi thủi góc sân hay dưới gốc ngâu. Hôm nào Vĩnh, Bảo nghỉ học, Khoa lẻn xuống nhà ông tùy phái ngồi khóc. Sự lẻ loi của Khoa có duyên cớ. Khoa luôn luôn bên cạnh con quan, bạn bè ai dám chơi với Khoa nữa. Khoa bực mình. Khoa đau khổ. Chẳng hiểu tại sao người ta cứ tìm cách xa lánh nhau, Vĩnh, Bảo chị Hiền đều còn nhỏ, đều muốn nhập vào niềm vui của đám đông. Đám đông từ chối, đám đông khép cửa tình cảm như tên phù thủy lấp hang nhốt Aladin.

Bây giờ Khoa không thả diều cùng bọn thằng Vọng, không đi câu cá cùng bọn thằng Cung, không đi bắn chim cùng bọn thằng Vũ, không đi bơi lội cùng bọn thằng Căn. Chúng nó chế riễu Khoa. Khoa muốn khóc mỗi lần nghe chúng nói : "Thấy người sang bắt quàng làm họ". Khoa rơi trong sự cô độc chả khác chi Vĩnh, Bảo dạo nọ. Khoa chưa biết oán hờn nhưng Khoa buồn, buồn ở tuổi non dại. Khoa bỗng trở thành đứa ít nói, hay nghi ngờ và nhút nhát. Khoa đem chuyện bạn bè bỏ rơi kể với chị Hiền. Chị Hiền an ủi :

- Thì Khoa vào dinh chơi với Vĩnh, Bảo. Cần gì chúng nó.

Khoa ngần ngại nghe chị Hiền nói thế. Khoa vẫn cần bạn cũ. Thiếu chúng nó Khoa trống trải, cuộc đời thơ ấu nhạt nhẽo làm sao. Hai ba tuần, Khoa nằm lì xó nhà, mong bọn thằng Vọng hiểu dùm là Khoa thích chúng nó hơn con quan. Đến trường, Khoa lẩn trốn Vĩnh, Bảo, tìm bọn thằng Thuận, song chúng nó hắt hủi Khoa, chúng nó định đánh Khoa nếu thầy giáo không bắt gặp. Rồi buồn quá Khoa phải vào dinh quan huyện nô đùa với Vĩnh, Bảo.

Chiều chiều, Khoa, Vĩnh và Bảo trèo lên chòi huyện xem người lính lệ đánh trống thu không. Tiếng trống từng tiếng một hòa cùng chuông chùa ngân nga trong nắng vắng úa sao mà cảm xúc thế ! Khoa đứng bâng khuâng nhìn xuống huyện lỵ nghèo nàn. Những mái nhà lợp rạ nhuộm màu hoàng hôn, âm thầm chờ đêm tối. Đó đây có nhà đã thắp đèn. Vẻ âm u của huyện nhỏ rờn rợn tiếng chim bìm bịp kêu quanh thành chằng chịt dây bìm già. Ở đây trầm lặng. Nửa tháng mới có chuyến ô tô hàng già nua từ thị xã Thái-Bình sang Ninh-Giang. Xe thở phò phò như người hen, bóp còi inh ỏi mỗi khi qua huyện. Thỉnh thoảng xe bị chết máy ngay giữa phố. Tài, ét thay phiên nhau quay quay ma-ni-ven. Thường thường phải ngủ trọ một đêm. Sáng hôm sau lại ỳ ạch lên đường. Những lần xe qua huyện, trẻ con, đàn bà đổ xô ra cửa đợi chờ. Xe lướt ngang, anh ét lẳng lơ vẫy tay, điểm nụ cười. Dân phố cũng cười nhìn theo niềm vui mất hút trong bụi đường mù mịt. Sự tĩnh mịch về chỗ cũ. Khoa lớn lên ở đấy, buồn ở đấy, tuy tháng năm thơ mộng chưa đáng buồn và bên bờ giậu bìm rất nhiều bươm bướm mùa xuân.

Khoa hay rủ Vĩnh, Bảo, chị Hiền ra cánh đồng ngoài huyện. Những hôm trời ốm yếu, mặt trời đắp chăn mây u ám, xa xa dẫy núi phía Kiến-An hiện rõ hình con voi phủ phục mờ mờ trong sương. Chị Hiền hỏi :

- Núi Voi ở Kiến-An hở Khoa ?

- Chính ra Hòa-Bình chị ạ ! Nhưng núi Voi Kiến-An rõ hình con voi hơn. Hàng năm có hội vui đáo để.

- Hội gì đấy Khoa ?

- Em cũng chả biết, mẹ em nói thế, mẹ em đã đi hội núi Voi vài lần.

- Khoa hiểu nhiều nhỉ, quê mẹ chị ở đây mà chị có biết gì đâu. Nhà bà ngoại chị gần... gần chỗ nào Vĩnh nhỉ ?

- Để về hỏi mẹ, em quên rồi...

- Núi Voi phục còn gì lạ không Khoa ?

- Còn sữa mẹ chị ạ !

- Thật à ?

- Vâng. Trong núi có một cái hang chúc từ trên cao xuống mỏm đá hình vú mẹ. Nước từ khe nào nhỏ giọt không ai biết. Khách thập phương hứng lấy uống gọi là sữa mẹ. Được uống sữa ấy sẽ gặp nhiều điềm lành.

Vĩnh lắng tai chăm chú, Bảo thả mắt rõi theo những chiếc xe tay chạy cách nhau trên đường Ninh-Giang. Những chiếc xe nhỏ dần, vun vút mơ hồ như thời nào xa xôi lắm. Dạo ấy tâm hồn Khoa đã chớm mầm mơ mộng. Khoa dám thơ thẩn một mình giữa đồng không mông quạnh nghe gió heo may giải nhẹ trên thảm lúa xanh rì. Khoa đọc sách báo say sưa. Những nhân vật tiểu thuyết ám ảnh Khoa, dệt quanh vành mắt Khoa hình ảnh tươi đẹp mai hậu. Khoa cũng hay lang thang nẻo phố vắng, dừng chân nói vài câu với ông ký nhà dây thép rồi về nằm suy nghĩ bâng quơ. Trước, Khoa ăn no ngủ kỹ, Khoa có biết buồn là gì đâu. Từ ngày Vĩnh, Bảo đi vào đời Khoa, rồi bạn học ghét bỏ Khoa. Khoa thấy đau đớn và Khoa đổi tâm tính. Ở sự thay đổi xanh chua, Vĩnh, Bảo nhất là chị Hiền phả vào lòng Khoa từng điệu nhạc yêu thương êm ái.

Khoa nhớ rõ một chuyện cảm động đến chết. Một buổi trên đường về học, thằng Văn gây sự đánh Khoa, Khoa nhường. Được thế Văn càng sỉ nhục. Tức quá, Khoa đấm nó sưng mắt. Thằng Văn là con ông cai Trá. Bố nó làm bộ lắm. Phổ huyện ai cũng nể. Bố nó lại hay xoay tiền. Khoa sợ hãi bỏ cơm sáng đó. Quả nhiên, đến chiều ông cai Trá dẫn thằng Văn ra bắt đền. Ông ta dọa sẽ trình quan bỏ tù cha Khoa. Mẹ Khoa khóc lóc van lạy. Ông ta còn nói gì ghê gớm nữa. Khoa nghe chẳng hiểu kịp nhưng cha Khoa tái mặt. Cha Khoa xin lỗi, xin đền tiền, ông cai Trá từ chối, đe dọa :

- Anh tưởng con anh chơi với con quan à ? Tôi sẽ trình quan xử tội của anh, cứ gọi là rũ tù.

Xong, ông cai Trá bỏ về. Mẹ Khoa lôi Khoa ra đánh. Đánh xong, phần thương con, phần nghĩ tới ngày mai đen tối, mẹ Khoa nằm lăn trên giường khóc sướt mướt. Cha Khoa ngồi im lặng thở dài. Khoa hối hận. Giá Khoa đừng đánh thằng Văn, Khoa tưởng tượng lính huyện trói tay cha Khoa lôi vào ngục. Mẹ con Khoa sẽ đói rách. Khoa sẽ phải bỏ học, sẽ dốt nát ngu si. Khoa nghĩ tới Vĩnh, Bảo, chị Hiền, ánh hy vọng lóe lên rồi tắt ngay vì âm hưởng rờn rợn lời ông cai Trá còn văng vẳng đâu đây. Khoa úp mặt vào tay nức nở...

Sáng sau Khoa ở nhà. Tan học, Vĩnh, Bảo chị Hiền tưởng Khoa ốm ghé vào thăm, cảnh tượng tiêu điều của gia đình Khoa làm chị Hiền ngạc nhiên. Chị hỏi nguyên cớ. Khoa chỉ khóc. Mãi rồi mẹ Khoa mới kể lại. Mắt mẹ Khoa đẫm lệ. Chị Hiền nghe chuyện, mặt chị biến sắc. Chị có vẻ giận dữ.

- Không sợ đâu, Khoa bảo mẹ đừng khóc nữa.

- Thằng cai Trá hỗn láo thế cơ mà ? Vĩnh nói, để bảo ba đuổi cổ nó đi, cho nó vào tù.

Bảo đến gần an ủi bạn :

- Vì thế Khoa nghỉ học hả ? Chiều đi nhé ! Đi xe với Bảo thì chúng nó hết bắt nạt.

Khoa vẫn khóc, chị Hiền dục em về ngay. Lát sau chị Hiền trở ra, có cả ông cai Trá và thằng Văn nữa. Ông cai Trá xin lỗi cha mẹ Khoa. Ông vờ vĩnh bảo vì không hiểu chuyện. Hôm sau ông ta bị đổi về huyện Thư-Trì xa lơ-xa lắc. Khoa lại đi học. Bảo đứng giữa sân trường nói lớn :

- Đứa nào bắt nạt Khoa, tao bảo lính đánh chết.

Chị Hiền mắng Bảo cái tội ngông nghênh. Vĩnh nắm tay giơ lên đe dọa cả trường, học trò trường huyện im thin thít. Khoa sung sướng lịm người, chẳng ai dám trêu Khoa. Lúc này Khoa đi học, về học chung xe với chị em Vĩnh. Cha Khoa cứ khen mãi chị Hiền. Chuyện lan khắp huyện. Mọi người bắt đầu nhận xét và đều suýt soa quan huyện mới tốt, công bình, thanh liêm...

Tự đấy sợi dây luyến ái ràng buộc Khoa với ba người. Khoa ăn ngủ trong huyện, ít khi về nhà. Ông bà huyện thương Khoa, chị Hiền mến Khoa. Những buổi tối học xong, chị Hiền hay đùa :

- Khoa giỏi thế ít nữa làm quan như ba chị, khối người muốn lấy.

Khoa ngây thơ :

- Lấy gì cơ chị ?

- Lấy làm chồng chứ lấy gì, cậu cả.

Khoa xấu hổ :

- Em, em chịu thôi. Em không thích làm quan.

- Sao thế ?

- Làm quan khó nhọc lắm chị ạ ! Lại nhiều người sợ mình nữa.

- Lớn lên em định làm nghề gì ?

- Em muốn viết văn.

- À, mộng văn sĩ hở, thảo nào giỏi luận. Thử tả nắng chiều chị nghe nào.

- Nắng chiều khó tính như ông cai Trá đe dọa loài người ta vào đêm tối như đe dọa cha em vào tù.

Chị Hiền phá lên cười. Ông huyện khen Khoa khôi hài dí dỏm. Bà huyện cứ tiếc không có con gái út. Vĩnh được thể khoe :

- Khoa làm thơ đấy me ạ !

Bảo đưa đẩy :

- Khoa kể chuyện hay lắm cơ ba ạ ! Khoa kể chuyện giọt lệ tím của nàng tiên đi Khoa.

Chị Hiền nói :

- Thôi đừng trêu cậu cả nữa, sắp đỏ mặt bây giờ ...

Khoa đỏ mặt thật, Khoa nghĩ nhiều về chị Hiền. Khoa định hỏi tại sao chị thích mặc áo xanh lam. Chị Hiền lớn rồi. Bằng tuổi chị vô số cô đi lấy chồng mà chị vẫn đi học. Khoa sực nhớ ở cái huyện lỵ tồi tàn này thì ai dám ước mơ chị Hiền. Dạo tết, quan huyện Quỳnh-Côi sang chơi mang theo cả cậu con trai, Vĩnh thì thầm anh ta học tú tài muốn lấy chị Hiền nhưng chị Hiền chê anh ta xấu trai. Tội nghiệp chị, nơi nghèo nàn còm cõi này dễ gì đã nương nổi mộng ước của chị. Khoa đã thấy mối sầu đau nghiến các cô gái lớn lên tháng năm đợi chờ bóng người lý tưởng rồi thời gian làm tàn phai mộng ước. Đấy là những cô gái trong tiểu thuyết Khoa đọc, khi về già ngồi bên song nhìn nắng vàng nhỏ giọt buổi chiều. Biết đâu chị Hiền chả ngồi trên chòi canh nghe trống thu không não ruột mà tưởng tượng chuyện đời. Khoa chưa biết ngắm con gái. Nghe mẹ nói chị Hiền đẹp thì cũng bảo chị đẹp. Mà chị Hiền đẹp thật. Vẻ đẹp của chị bao trùm tâm hồn Khoa chuỗi ngày lạc loài ở huyện Phụ-Dực.

Khoa có bao nhiêu kỷ niệm gửi trong mắt chị Hiền, trong nụ cười Vĩnh, Bảo. Kỷ niệm tha thiết in hình vào miếng nắng, vào hàng cây, vào viên gạch huyện đường. Trọn đời, Khoa sẽ nhớ những buổi câu cá dưới gốc cây si nghe chị Hiền kể chuyện ma. Khoa sẽ nhớ bánh rán Ninh-Giang mỗi bận chị Hiền qua đấy mua về. Khoa cũng không thể nào quên được mảnh áo len tím chị Hiền đan tặng nhân mùa lạnh, và nhất, là tình thương mến chị Hiền trao Khoa. Người mẹ mớm cơm cho con mau lớn như chị Hiền mớm tình cảm cho Khoa chóng biết mơ mộng. Khoa mong ước sau này Khoa bước xuống cuộc đời gặp nhiều chị Hiền để ông cai Trá khỏi nhốt tình thương trong ngục tối. Và Khoa đâm ra ích kỷ, Khoa cầu nguyện đất trời cứ thế này mãi mãi. Chị Hiền đừng đi lấy chồng. Chị đi lấy chồng thì chị đem cả hành lý yêu thương theo chồng làm gì còn thừa cho Vĩnh, Bảo, Khoa nữa.

Nhưng rồi chị Hiền cũng đi. Đầu mùa hè năm sau, ông Huyện đổi sang tỉnh khác. Ông Huyện đi, cả huyện Phụ-Dực nuối tiếc. Khoa được tin buồn không ăn, đứng ngồi không yên. Khoa biết chả bao giờ còn những buổi chiều ngồi xe song mã với bà Huyện, chị Hiền, Vĩnh và Bảo trên đường từ huyện lỵ tới ngã tư Môi đón ông Huyện về chuyến xe con Thỏ nữa. Những người bạn tốt bỏ Khoa sống cô độc ở đất cũ, âm thầm như mái nhà lợp rạ nhuộm mầu hoàng hôn chờ đêm tối. Hôm tiễn chân gia đình ông Huyện, chị Hiền tặng Khoa bức ảnh chị chụp dưới giàn hoa thiên lý. Khoa đón nhận rưng rưng nước mắt. Vĩnh và Bảo ôm lấy Khoa nức nở. Bà Huyện cho Khoa tiền. Khoa lắc đầu chỉ xin cái áo len xanh lam của Vĩnh để nhớ mầu áo chị Hiền. Lúc biệt ly không nói được nhiều. Khoa tặng chị Hiền quyển vở luận trong ấy toàn những bài Khoa được tám điểm. Chuyến xe già nua chở gia đình quan huyện giã từ huyện ly nghèo nàn. Khoa nhìn kỷ niệm lướt dần. Xe mất hút trong bụi đường mù mịt.

Khoa chạy theo, bàn tay có vẫy nhau, không ai trông thấy gì.


Khoa đến lớp côi cút. Bàn đầu còn một mình. Bạn học lãnh đạm, thầy giáo hết yêu. Vĩnh, Bảo xa rồi, sự cô độc xâm chiếm hồn Khoa. Khoa càng nhớ chị Hiền. Cha Khoa chừng cũng sợ ông cai Trá nào đó nên bàn với mẹ Khoa đi nơi khác. Ba tháng sau khi quan huyện đổi sang Nam-Định, gia đinh Khoa về quê cũ huyện Vũ-Tiên. Khoa chẳng biết địa chỉ của Vĩnh để viết thư. Chắc chị Hiền đã gửi thư cho Khoa về Phụ-Dực.

Khoa học ở thị xã Thái-Bình, trọ nhà chú thím. Thị xã vui nhưng không thấy núi Voi Kiến-An mỗi lần trời trổ bệnh. Học trò tỉnh ưa mặc áo trắng. Khoa chưa gặp cô nào có áo xanh lam như của chị Hiền. Tháng ngày nối tiếp trôi. Qua năm học lớp nhì hai, Khoa lên lớp nhất, sắp thi cử thì đảo chính Nhật. Rối loạn mãi cho đến cách mạng tháng tám, rồi toàn quốc kháng chiến. Thị xã được lệnh tiêu thổ. Khoa về làng bên bờ Bông Trà-Lý cuốc bộ mỗi ngày 15 cây số đi học. Khoa vẫn nhớ chị Hiền, Vĩnh, Bảo.

Ngày cách mạng nổi lên, vô số quan huyện bị đem ra xử tử. Không biết ba chị Hiền có việc gì không. Khoa tưởng tượng tới lúc người ta bịt mắt quan huyện lại rồi người ta bắn. Bắn chưa chết người ta đến gần kề súng vào tai bắn thêm vài phát nữa. Máu óc phọt ra ghê rợn. Khoa đã được xem xử tử tên Ban việt gian, tay sai cho phát xít Nhật ở cổng Vọng-Cung. Nghĩ mà sợ.

Lang thang ngoài hậu phương mãi tới độ Pháp chiếm Thái-Bình, gia đình Khoa về tề. Sự học dang dở, hoàn cảnh túng bấn. Khoa lên Hà- Nội trông coi cửa hiệu giúp đỡ người bà con để có cơm áo học thêm. Khoa học trường Chu văn An buổi sáng, buổi chiều ngồi bán hàng. Một hôm tình cờ Khoa gặp Vĩnh tha thẩn ở bờ hồ. Vĩnh già dặn hơn hồi xưa nhưng Vĩnh buồn ghê gớm. Khoa gọi Vĩnh, Vĩnh giật mình quay lại. Nhận ra Khoa, Vĩnh bỡ ngỡ. Sự ngần ngại thoáng hiện trên mặt Vĩnh, Khoa biết rõ tại sao. Thời gian thường làm người ta nghi ngờ cả tình cảm. Không đợi Vĩnh chào hỏi, Khoa dang tay ôm chặt lấy Vĩnh, mừng rỡ.

Khoa rủ Vĩnh tới quán mụ Béo ngồi tâm sự. Vĩnh thuật chuyện gia đình Vĩnh từ khi đổi sang Nam-Định. Vĩnh nhớ Khoa. Chị Hiền, Bảo nhắc Khoa luôn. Năm cách mạng cha Vĩnh bị bọn người quá khích phá cổng huyện đường xông vào đâm chết. Hôm sau mới có lệnh khoan hồng gửi về. Cha Vĩnh chết oan. Bảo mắc bệnh thương hàn chữa mãi không khỏi. Bảo chết trước cha nửa năm. Chị Hiền đã lấy chồng. Chồng chị là sinh viên trường luật. Ngày khói lửa lan tràn, chồng chị gia nhập bộ đội chống Pháp. Chị Hiền bị Tây bắt trong trận hành quân qua làng, bọn lê dương thay phiên hãm hiếp chị đến chết. Chiến tranh tàn phá đời chị. Vĩnh và bà Huyện chạy mãi, rồi loạn ly đưa mẹ con về quê ngoại Phụ-Dực. Mẹ Vĩnh bây giờ như người hết hồn, mắt bà bị lòa. Bà gửi Vĩnh sống với chú để Vĩnh học hành. Vĩnh kể nhiều lắm, giọng Vĩnh sầu thảm. Những hình ảnh chính, Khoa vừa chụp. Ghê rợn. Khó mả tưởng tượng. Cõi đời nhiều khúc rẽ tàn nhẫn. Câu cuối cùng chuyện nhà, Vĩnh nói :

- Phải chứng kiến lưỡi kiếm đâm từ ngực xuyên qua lưng ba Vĩnh. Phải thấy ba Vĩnh dẫy dụa trên vũng máu, Phải thấy mẹ Vĩnh chết ngất trên thây ba. Phải thấy xác chị Hiền trần truồng. Phải thấy mắt chị trợn trừng uất hận mới hiểu cách mạng và chiến tranh. Tại sao những người hiền lành lại phải chết khốn nạn thế nhỉ ?

Khoa cảm động nắm tay Vĩnh, an ủi. Vĩnh cười khinh bạc :

- Xong rồi. Vĩnh lớn ở đây nhưng Vĩnh chả làm gì được đâu. Cuộc sống sao không chỉ có Khoa ? Tội nghiệp ba Vĩnh, chị Hiền.

Khoa im lặng nhìn sự đau khổ xếp tầng trên trán Vĩnh. Ngày xưa hoa bướm nhởn nhơ quanh giậu bìm. Hoa ngày nay kết trái chua chát, bướm hóa thành con sâu buồn đục tim phổi hai người trai trẻ. Ngồi mấy tiếng nhìn xuống đáy cốc tìm dĩ vãng. Chuông nhà thờ đổ dồn. Vĩnh dìu Khoa ra đường. Hai người đi bộ hết phố này sang phố khác. Nửa đêm Khoa đưa Vĩnh về nhà Vĩnh. Khoa ghi địa chỉ trao Vĩnh hẹn Vĩnh lại chơi luôn. Lúc chia tay Vĩnh hỏi :

- Còn nhớ Phụ-Dực không ?

- Còn.

- Nhớ nhất cái gì ?

- Cái lão cai Trá.

- Gì nữa ?

- Áo mầu xanh lam của chị Hiền.

- Gì nữa ?

- Nụ cười của Bảo.

- Gì nữa ?

- Con ma ở cây si.

- Hôm nào ôn hết chuyện ngày xưa nhé ?

- Ừ, hôm nào nhắc lại một thể.


Vĩnh đến tìm Khoa một buổi chiều. Trời lạnh gay gắt. Vĩnh mặc tấm áo mỏng manh. Nét mặt Vĩnh thiểu não. Vĩnh móc túi đưa Khoa xem lá thư viết bằng giấy học trò.

- Thư của me Vĩnh đấy, xem đi. Me Vĩnh biết Vĩnh gặp Khoa rồi. Vĩnh có nói với me, me nhờ người viết đấy Khoa ạ !

Khoa đọc nhanh. Trong thư bà Huyện muốn Vĩnh về huyện Phụ-Dực ngay. Bà sợ mình già nua rồi, nhỡ mệnh hộ nào thì khổ thân Vĩnh. Bà Huyện hỏi thăm Khoa. Khoa nao nao tâm hồn.

- Vĩnh định sao ?

- Phải về.

- Vì me à ? Sao Vĩnh không..

- Không gì, họ bắt me Vĩnh làm thế đấy.

- Ai ?

- Những người đã giết ba Vĩnh.

- Phụ-Dực là khu chiếm đóng mà.

- Đêm đêm họ vẫn về thu thóc và làm nhiều việc khác.

- Vĩnh trở lại Phụ-Dực được ích lợi gì ?

- Về đi cầy.

- Không được học à ?

- Có lẽ.

- Vĩnh chẳng về có sao ?

- Khổ me Vĩnh.

- Vĩnh còn trẻ, còn tương lai...

- Khó lắm, sau này sẵn dịp Vĩnh giãi bầy cho Khoa hay.

- Bao giờ Vĩnh bỏ Hà-Nội ?

- Mai, sáng mai. Mong xe gặp mìn !

- Nói dại, tối nay đi chơi nhé !

- Thôi.

- Tại sao ?

- Tội nghiệp, đừng bắt Vĩnh giải thích, Vĩnh xin phép về. Chúng ta chia tay ngay bây giờ. Chúc Khoa gặp nhiều may mắn.

- Chúc Vĩnh ...

- Thôi đủ rồi...

Vĩnh buông tay Khoa, chạy xuống đường gọi xích lô. Khoa nhìn theo. Cay đắng. Rồi vắng bặt tin Vĩnh. Hai năm liền, Vĩnh chưa gửi một lá thư nào. Cho đến hôm nay thanh bình đã trở lại và Khoa cũng trở lại đất xưa tìm người cũ. Chuyến xe con Thỏ vụt qua trong tâm tưởng. Khói sầu muốn bay lên cao quyện lấy linh hồn ông Huyện, chị Hiền, Bảo. Khoa để lòng mình về gần Vĩnh...


Phố huyện bây giờ khác lạ. Hàng rào dây thép gai thay bờ giậu bìm. Những con bìm bịp đi đâu rồi. Một vài chòi canh hở ra lỗ châu mai bốn phía. Súng đạn khạc lửa đã nhiều. Sự sợ hãi còn in trên nét mặt người dân miền Phụ-Dực. Niềm vui cuồng loạn lúc này chưa xua đuổi kịp nỗi lo âu vừa mất hút. Khoa nóng lòng gặp Vĩnh nên không cần nhận xét kỹ cảnh dâu biển của huyện lỵ tồi tàn.

Khoa men theo con đường nhỏ lát gạch tới nhà Vĩnh. Khoa dựng xe trước cửa ngôi nhà ngói vẹo xiêu, tường nóc nát đầy vết đạn. Con chó già thấy khách lạ lười biếng sủa. Người đàn ông trong sân chạy ra. Khoa nói với ông ta muốn tìm Vĩnh. Ông ta đưa Khoa vào trình bà Huyện. Bà Huyện nằm trên võng. Tóc bà bạc phơ. Đúng như Vĩnh nói, bà đã lòa vì khóc ròng rã tháng ngày tự lúc mũi kiếm oan nghiệt đâm thấu tim ông Huyện. Tiếng bà Huyện ai oán :

- Ai đấy ?

- Thưa bà cháu ạ ! Khoa đây ạ !

- Khoa à !

- Vâng ạ, cháu về thăm bà và anh Vĩnh.

- Cháu lại đây. Gớm, dễ gần tám chín năm rồi đấy nhỉ ?

- Vâng ạ, chín năm rồi.

- Cháu còn nhớ cả chứ, nghĩ mà tiếc cháu nhỉ ?

- Vâng ạ !

- Giá còn... Cháu lại đây, lại gần đây.

Khoa bước dần tới võng. Bà Huyện giơ tay ra quờ quạng. Đôi bàn tay ấy có lần đã vuốt ve Khoa, đã làm cho Khoa sung sướng. Khoa ái ngại đặt bàn tay sần sùi cơm áo của mình vào bàn tay khổ nhục. Khoa muốn dồn hết tình thương nỗi nhớ mong sưởi ấm bà Huyện. Nước mắt Khoa nhỏ giọt trên cánh tay già. Bà Huyện nắm được tay Khoa, bà đặt lên mũi thơm tho rồi bà kéo Khoa ngồi xuống, bà ôm chặt Khoa, rên xiết. Khi buông Khoa ra, bà Huyện âu yếm hỏi :

- Cháu ở đâu về ?

- Cháu ở thị xã ạ !

- Cháu gặp Vĩnh chưa ?

- Thưa bà chưa ạ !

- Để bảo anh Thái đưa cháu ra với Vĩnh, anh Thái ơi, dẫn cậu Khoa ra đồng tìm chú Vĩnh. Chốc cháu về ăn cơm nhé !

- Vâng ạ !

Khoa theo người đàn ông lúc nãy ra đồng, nơi thủa nọ chị Hiền, Khoa, Vĩnh và Bảo thường đứng ngắm dãy núi Voi phục mờ mờ phía trời Kiến-An. Anh Thái chỉ túp lều dựng cạnh bờ ngòi :

- Chú Vĩnh ở trong ấy.

- Thôi, anh về đi, để tôi ra một mình.

Khoa lững thững bước nhẹ. Vĩnh quay lưng về phía Khoa nên không biết Khoa đang tiến đến. Khoa dừng lại nhìn cảnh tượng thắt ruột. Vĩnh ngồi trên mảnh đất cao, cởi trần, mặc quần đùi đen. Da dẻ sạm nắng. Thân hình gầy ốm. Đầu Vĩnh, dưới miếng nón mê lót cái lá sen to tướng trùm cả tai. Tay trái đưa ra sau lưng gãi mụn muỗi đốt. Tay phải cầm cái gậy dài, trên ngọn buộc chùm lá chuối khô xé nhỏ. Vĩnh ngồi chăn vịt ! Trước mặt Vĩnh, đàn vịt kêu càng cạc chúc xuống nước mò tôm ốc. Khoa đau đớn nghĩ đến Vĩnh trải lòng mình làm đường rầy cho chuyến tầu thời đại nặng oán hờn nghiến lên. Một thời gian xa lắm, cũng ở nơi này, cậu Vĩnh con quan thả tầm mắt đón nhận tương lai. Vĩnh không mơ quan sang. Vĩnh ước viết sử như Khoa ước thành văn sĩ. Chao ôi ! Trang đầu lịch sử của đời Vĩnh đã ghi chép những dòng máu lệ tủi nhục. Khoa cúi xuống. Dưới chân Khoa là vực thẳm. Khoa nhìn lên. Trên đầu Khoa là trời cao. Trời cao vực thẳm câm nín như Vĩnh câm nín trước tầm mắt Khoa. Khoa lên tiếng :

- Này gã chăn vịt.

Giật mình, Vĩnh quay lại. Nhận ra Khoa, Vĩnh sung sướng chạy tới ôm chầm lấy bạn. Tự nhiên, Khoa tưởng như sắp mất Vĩnh, mắt Khoa rơm rớm lệ, nắm lấy Vĩnh không muốn rời tay. Nghẹn ngào, Khoa hỏi bạn :

- Chăn vịt thi đua hả ?

- Không, chăn vịt để sống.

Rồi chợt nhớ cảnh sống hiện tại, Vĩnh mỉa mai nói :

- Ở đây muốn sống yên thân phải giấu kín tình cảm Khoa ạ !

- Biết rồi.

- Thế thì Khoa buông Vĩnh ra ngay. Xuống bao giờ thế ?

- Vừa xong. Sao Vĩnh không viết thư cho Khoa ?

- Tưởng Vĩnh chết rồi à ? Ai đưa Khoa ra đây thế ?

- Anh Thái.

- Thăm me Vĩnh rồi hả ?

- Ừ, tiếc nhớ nhiều quá, Khoa muốn khóc như ngày xưa chúng mình còn bé.

- Vĩnh thì hết nước mắt rồi. Vĩnh đang tập để không còn biết thương nhớ là gì nữa,

- Giọng Vĩnh chua chát lắm đấy, chăn vịt thú vị không ?

- Giá chăn dê thú vị hơn vì còn được ví với Tô Vũ. Trong lịch sử có ai chăn vịt không nhỉ ?

- Có.

- Ai ?

- Vĩnh, chăn vịt đợi thời.

- Đợi chết thì có. Vào trong này nói chuyện.

Hai người chui vào lều. Nắng buổi chiều còn chói chang. Mùa thu mà trời oi ả quá. Vĩnh hỏi :

- Tưởng vào Nam rồi.

- Cũng định.

- Định chi nữa, muốn chết từ từ à ?

- Tại sao Vĩnh lại chăn vịt ?

- Vĩnh thích chứ sao.

- Không được đi học nữa à ?

- Ừ, mà dẫu được, mình học ích gì. Sách chúng mình học lạc hậu cả. Công thức, định lý ở đây toàn tên Nga khó đọc lắm nên Vĩnh chán. Này, Pythagore nói láo, sự khám phá của hắn chính là của ông gì "cốp" ấy. Képler, Newton, Einstein... sai hết. Nằm nhà sợ mang tiếng bất mãn chế độ, Vĩnh chăn vịt cho đỡ buồn.

- Vĩnh thấy cuộc sống mới thế nào ?

- Buồn cười đáo để. Nhưng hỏi làm gì ? Hay Khoa là công an ?

- Bậy bạ.

- Đúng đấy Khoa ạ ! Khoa còn nhớ bọn thằng Vọng, thằng Cung chứ ? Hôm Tây mới rút khỏi đây, chúng nó về treo cờ, tổ chức hội họp. Vĩnh gặp thằng Vũ, Vĩnh chào nó, nó vờ hỏi: "Anh là ai trông lạ quá". Vĩnh kể lai lịch, nó mỉa mai : "À, hóa ra cậu Vĩnh con cụ lớn ngày xưa". Buổi tối nó lại chơi, nó nằm cả đêm ở nhà Vĩnh hỏi han lung tung hết chuyện ai theo quốc dân đảng, ai theo đế quốc, phong kiến... Vĩnh trả lời qua loa. Nó rút sổ tay ghi chép cẩn thận. Vĩnh biết ngay nó làm công an. Vĩnh sợ, đâm ra nghi ngờ cả bạn bè..

- Thế hả, đau đớn nhỉ ?

- Ừ đau đớn thật.

- Vĩnh, có muốn vào Nam không ?

- Không.

- Ở nhà sống thế này hả ?

- Ừ, đợi chết mà.

- Nghĩ kỹ đi.

- Nghĩ kỹ rồi. Vĩnh còn me Vĩnh. Me Vĩnh muốn chết ở quê nhà. Vĩnh sinh ra vô phúc là con quan, cô độc từ ngày đi học như Khoa đã biết. Lớn lên với mặc cảm cô độc ấy. Vĩnh nhút nhát chả dám làm gì. Vào đời không quen sống tập thể thấy mình lẻ loi, hèn kém. Bây giờ cô độc hơn xưa, suốt đời cô độc. Vĩnh sợ cuộc đời lắm. Vĩnh chẳng đi đâu, Vĩnh còn me Vĩnh. Me Vĩnh đã khổ nhiều rồi, Vĩnh là niềm an ủi cuối cùng, bây giờ lại bỏ đi thì me Vĩnh chết mất.

- Vĩnh đã nhất định Khoa còn nói sao được. Mai Khoa đi, Khoa muốn nhớ Vĩnh mãi nên tìm đến thăm Vĩnh.

- Khoa đi với ai ?

- Một mình,

- Còn gia đình ?

- Cha mẹ Khoa cũng lưu luyến quê hương như me Vĩnh ấy.

- Khoa đi một mình à ?

- Ừ, tối nay Khoa về thị xã.

- Sáng mai hãy về. Khoa hứa có dịp kể chuyện ngày xưa hồi chúng mình chưa đau khổ. Khoa quên rồi ư ? Dịp ấy là đêm nay.

- Sao Vĩnh bảo Vĩnh đang...

- Không, Vĩnh sẽ không tập gì cả, tập làm sao được. Mai Khoa đi thì Khoa hiểu rằng từ phút chia tay Vĩnh đã chết.

- Vĩnh phải sống đợi Khoa về kể nốt chuyện Phụ-Dực. Chứ một đêm nói sao hết tình thương ?

- Nếu được vậy nhỉ ? Thôi chúng mình lại nhà.

Hai người dìu nhau trên bờ ruộng. Vĩnh ném cái gậy xuống ngòi, quàng tay qua cổ Khoa. Mùa thu quê hương thường có heo may giải đồng. Trời chớm lạnh, người ta tìm nhau trong cưới xin.Tháng tám ở đây nóng sang cả buổi chiều dù mặt trời lặn từ lâu. Hoàng hôn xuống dần. Bóng đêm đuổi đằng sau hai người trẻ tuổi.

Khoa nghĩ đến con đường Khoa và Vĩnh đang bước lên. Đêm nay còn song đôi. Ngày mai mỗi người sẽ sang một khúc rẽ cuộc đời.