Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

BÓNG TỐI ĐANG LUI - Trần thị Tuệ Mai

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 hôn đất

Tôi nghe tôi thở dài
như cây sầu trút lá
nền đất khô rời rã
không buồn vì tiếng rơi.

Tôi nhìn tôi ôm đầu
như đài hoa rũ cánh
nền đất khô xám màu
không buồn vì ốm đau.

Tôi trông tôi nhớn nhác
như gà con lạc đàn
nền đất rêu ẩm ướt
mặc chân đời hoang mang.

Tôi ngó tôi sững sờ
như chim vừa mắc bẫy
mây trời bay nhởn nhơ
mặc cánh chim run rẩy.

Tôi thấy tôi đi dài
gồng mình trong bóng tối
đạp trên đường sỏi gai
phương sáng nào, có tới?

Tôi ngắm tôi im lìm
như hạt cây trong đất
tháng ngày soi màu đen
hỏi mặt trời có thật?

Ô! mặt trời có thật
mầm cây vươn lên rồi
tôi mỉm cười hôn đất
chào bóng tối đang lui.


chứa chan

Khi ngày không mặt trời
sơn ca buồn, chắc thế
bướm cũng sầu cánh thôi.

Khi đêm không ánh trăng
hẳn trời đau chết lặng
hiên sương nằm ngậm tăm.

Một đời không cơn say
thì rất ngoan, đúng vậy
mặt ao tù êm thay.

Một đời không cơn liều
tất bình yên lắm chứ
thân đá nín trong rêu.

Một đời theo bạc vàng
dĩ nhiên thân hòa nhoáng
bình hoa giả lồng gương.

Một đời không tin yêu
thân mọc gai, hẳn thế
nhọn hoắt đủ trăm chiều.

Thôi, tôi cứ là tôi
với mặt trời nóng bỏng
với trăng lạnh sương rơi
tay hiếm hoi tiền bạc
lòng chan chứa tình người
cùng những cơn liều lĩnh
vì biển rộng sông dài
cùng những phen hối hả
vì tấm lòng ai ai.

Giữ niềm tin yêu mãi
dù có nhầm có sai...

                  Trần Thị Tuệ Mai

(Trích từ giai phẩm VĂN tháng mười 1973)

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

MỘT MÙA THU - Võ Phiến

 

Tôi cứ có cảm tưởng mãi năm nay mới gặp mùa thu đầu tiên trên đất Mỹ. Năm ngoái, đối với riêng mình, là một hoang mang bỡ ngỡ không ngày tháng, không mùa, không tiết. Trời bắt đầu chuyển lạnh lúc nào không hay; lá cây rừng đổ từ bao giờ không nhớ; quanh nhà, con chim nào là con chim mùa nắng, con nào là chim mùa đông giá cũng không rõ; sự xuất hiện cùng vắng thiếu của chúng, tôi không để ý đến... Chợt một hôm tuyết ở đâu bay lới phới đầy trời, mới hay là mình vừa đụng đầu với một sự bất thường.

Năm nay trời đất ở xứ này chưa hẳn đã là quen thuộc, tuy vậy sau một thời gian lân la gần gũi, kẻ vô tình nhất trong chúng ta có lẽ không thể không chú ý tới một ít thứ cây cỏ chim muông.

Chẳng hạn, hồi đầu mùa hè, có một độ chúng tôi lấy làm khó chịu về một thứ bông chẳng biết từ đâu cứ phất phơ giữa trời. Đang đi, chợt một tí bông tấp vào mũi. Chiều chiều, ra vườn dạo cho thoáng một chút, lúc mở cửa bước vào nhà, vợ ngạc nhiên thấy ta đội trên đầu mấy chòm trắng xóa. Ơ kìa, có là Ngũ Tử Tư chăng nữa thì cũng phải chờ qua một đêm mới kịp bạc đầu chứ, có đâu gấp gáp quá vậy? Quơ tay lên, vuốt xuống: thì ra lại là thứ bông ấy. Cây gì mà sản xuất ra thứ bông quái ác vậy cà?

Ra công tìm mãi, một hôm bắt gặp “thủ phạm”: cây cao lớn lạ thường, tàn lá sum suê, một mình nó đứng ngất nghểu giữa xóm cũng đủ phân phối mớ bông phơi phới nọ bay rải rác khắp một khu vực mấy con đường. Lá cây gần giống hệt lá bồ đề. Trái nhỏ, chỉ bằng đầu ngón tay; khi vỏ ngoài tách ra thì tỏa bông theo chiều gió. Bởi cái thứ bông đó, nó có tên là cotton-wood.

Trong khu phố có hồ Powderhorn, ngày ngày vào những giờ tốt nắng vẫn thường thơ thẩn dạo chơi. Một dạo, bỗng để ý thấy mặt hồ không được sạch sẽ. Thoạt tiên, tôi ngờ cho lũ vịt: đây là mùa vịt trời thay lông chăng? Gớm, chỉ chừng ấy con vịt, sao mà lông trôi lềnh bềnh đầy cả mặt hồ thế kia? Về sau, xem lại, thì ra vẫn là bông cotton-wood.

Bên hồ có rừng cây đồi cỏ xanh dờn. Thỉnh thoảng mang theo một ít thịt ướp sẵn và mấy lon la-de: thịt ướp với gia vị đông phương, nướng giữa trời, tỏa mùi thơm ngào ngạt, làm ngạc nhiên cả những người bạn Âu Mỹ cách xa hàng dăm bảy chục thước. Thức nhắm ấy, với la-de ấy, với cỏ cây nước đồi ấy, có thể tạm giải khuây được lắm. Miễn đừng có cotton-wood.

Thật vậy, cái gì mà trên mặt cỏ, suốt mấy tuần lễ liền, cứ đầy những bông lơ phơ; cái gì mà miếng thịt vừa lấy ra đặt trên lò đã có miếng bông tấp dính vào, ly nước vừa rót, ngoảnh qua ngoảnh lại đã có sợi bông đáp xuống...

Tóm lại, trong mùa hè đã nhiều lần bực mình, suýt nổi giận với cây cotton-wood. Ngoại trừ trường hợp nằm mà nhìn cái tàn cây của nó vào những lúc vắng gió. Vắng gió thì bao nhiêu thứ cây khác khắp đồi đều đứng sững, im phăng phắc, làm cho không khí hóa ngột ngạt. Những lúc ấy, cotton-wood không im: nó vẫn phất phới tàn lá lao xao.

Cotton-wood lá mỏng mà rộng, cuống lá mềm mà lại rất dài, thành thử nó luôn luôn chao động trong mỗi hơi gió nhẹ. Một chút xíu gió thoảng qua, cả rừng cây không biết đến, nhưng nó biết. Cả rừng cây im lặng, riêng nó lao xao. Nó như thể một xôn xao vô cớ, một niềm vui đơn độc. Thế này thì ra nó cũng có một nét đặc biệt không hẳn là dở.

Như thế cho đến một hôm vào trung tuần tháng chín dương lịch. Đang đi dọc bờ sông Mississippi, bỗng dừng chân, giật mình trước một cái gì thật rực rỡ: một cây cotton-wood vàng óng, đứng cheo leo giữa lưng chừng triền sông, trên một mỏm đá.

Tôi vừa nói “vàng óng”. Quả có thế. Cái màu vàng ấy không hề gợi đến chút ý nghĩa tàn phai nào cả. Dường như toàn thể tàn lá của cái cây cao lớn nọ đều vàng cả, vàng từ cái lá trên chót đỉnh cho đến chiếc lá thấp nhất. Lá vàng như con tằm chín mùi, vàng như tơ óng mướt. Ít ra là nhìn từ một khoảng cách.

Lần đầu tôi bắt gặp mùa thu ở xứ này. Tôi không phiền trách cây cotton-wood nữa.

*

Kể ra đem cái thể chất của một người từ miền Đông Nam Á sang đây mà nghe ngóng thời tiết thì nhiều lúc chẳng ra làm sao cả. Tháng nào là hạ, là thu? “Mát mẻ” đến mức nào là trời chớm thu? Thật bối rối!

Ngày 21 tháng 9 năm nay, theo lịch là ngày cuối cùng của mùa hè. Cùng ngày ấy tại miền bắc tiểu bang nghe đâu tuyết đổ cách Duluth chừng bốn chục dặm! Biết tới bao giờ cơ thể chúng ta mới làm quen, mới thông thạo dò dõi được bước đi của thời tiết ở cái xứ có tuyết mùa hè?

Họa chăng chỉ có cách theo dõi màu lá cây. Theo dư luận địa phương thì năm nay lá cây đổi màu sớm hơn thường lệ vì ảnh hưởng của hạn hán. Cho nên, những ngày đầu của hạ tuần tháng chín, từ cái hôm tuyết đổ nọ, các triền sông Mississippi, sông Saint Croix bày ra cảnh tượng tuyệt vời. Nhất là ở những khúc sông nào qui tụ nhiều cây phong.

Cây phong mùa thu quả thật là kỳ diệu. Các loại cây khác thường thường chuyển màu từ xanh ra vàng: thế cũng đã là hay, khi toàn cây cùng vàng, toàn rừng hay toàn một vạt rừng, một khoảng đồi, một khúc sông vàng rực lên. Nhưng phong thì nó không bằng lòng với cái đơn giản ấy. Cái chết của lá phong là cả một cuộc triển lãm màu sắc huy hoàng.

Vâng, lá phong cũng có màu vàng. Nhưng nó còn chuyển ra màu đỏ, màu hồng, màu cam, màu huỳnh thổ v.v... Trong đám có nhiều loại phong, mỗi thứ một màu, lại có cây đổi màu trước, có cây chuyển màu sau. Thành thử một đám phong vào mùa thu là một cảnh tượng lộng lẫy lắm màu.

Màu sắc của lá phong già cũng không mảy may gợi ý tàn úa, chết chóc. Đã vàng, thì vàng tươi vàng chói; đỏ thì đỏ rực, đỏ phơi phới, đỏ ửng lên như thể tràn đầy sinh lực.

Bông hoa mà hồng, mà vàng, chẳng qua nó chỉ hồng hay vàng lốm đốm. Lá phong già thì rực lên toàn cây, toàn vùng. Sao mà nó có thể tự xếp đặt cho mình một cái chết tưng bừng đến thế!

Đang len lách dạo trên những lối đi nhỏ hẹp, rậm rạp, sâu hút bên triền sông, chợt gặp một đám phong già, tự dưng như thể ánh sáng ùa tỏa trên đầu. Màu lá nọ tự nó tỏa sáng, tỏa hân hoan. Lá cây tỏa niềm hân hoan cuối cùng với những tia nắng rực rỡ cuối cùng của một năm. Một tuần lễ, hai tuần lễ sau, ta trở lại nơi này, có thể chẳng còn gặp lại lá cây nữa, chỉ còn toàn cành trơ đen thui.

Đang len lách dưới lối đi lưng chừng triền sông, nghe trên bờ sông có tiếng ồn ào, la hát nghêu ngao. Lần bước lên xem, thì ra là một đám nam nữ thanh niên cũng du ngoạn, cũng thưởng lãm phong cảnh, nhưng lúc này đang quây quần xung quanh một thùng la-de!

Mỗi người bỏ ra năm mươi xu, không phân biệt tửu lượng, và được cấp phát một chiếc ly nhựa. Thế là cứ việc uống, uống được bao nhiêu cứ uống. Uống cho ấm người, cho hứng chí, rồi nắm tay nhau, quàng vai nhau, tiếp tục lẩn vào rừng cây, tiến ra mép nước, nhìn sông, ngắm lá v.v... rồi nghêu ngao hát, rồi nằm xuống đệm lá nghỉ ngơi, mê mẩn. Hồi lâu lại có thể mang chiếc ly đi kiếm la-de nữa, để tiếp tục vui với cảnh thu giữa trời.

*

Giữa cảnh vật ấy, thỉnh thoảng Việt kiều gặp Việt kiều. Bà con nhìn nhau, thường thường cùng ngấm ngầm một cảm tưởng: “Tiếc quá! Thế này mà lại không phải là quê hương ta!”

Phải chi cảnh đẹp đẽ và thanh bình này mà “ở ta” cái thưởng ngoạn mới đậm đà ngây ngất đến đâu. “Ở ta” thì có cảnh lại có tình, có cái lộng lẫy của hiện tại lại còn có các kỷ niệm của quá khứ lẩn quất. Cho nên thú ngoạn cảnh mới càng thấm thía.

Còn như không “ở ta”, cảnh vật tự trình diễn trước những con mắt thán phục mà bỡ ngỡ. Trên bãi cỏ này, sườn đồi này, khúc sông kia, chúng ta chưa kịp có một kỷ niệm nào cả. Cho nên cảnh không có tình.

Đi trên bờ sông Mississippi, nghĩ tới Mark Twain. Nghe nói ông ta yêu sông Mississippi, tha thiết với sông, lấy một âm thanh từ cái sinh hoạt của hạng người làm ăn sinh sống trên sông mà làm bút hiệu. Còn chúng ta ngày nay, yêu sông chỉ biết giương mắt nhìn sông, chứ đã biết đâu đến cái sinh hoạt trên sông Mississippi, như biết giọng hò điệu hát trên sông Hương, sông Đồng Nai, sông Ông Đốc v.v... Yêu cảnh mà không biết đến cuộc sống trong khung cảnh ấy, làm sao yêu thắm thiết?

Thế nhưng, nghĩ đến một ngày kia, khi chúng ta đã thâm nhập vào cuộc sống xứ này đến cái độ không còn mỗi lúc mỗi hồi tưởng về những kỷ niệm ở quê hương... Có cái ngày ấy chăng? Dù sao, chỉ nghĩ tới đã thấy xót xa.

Minneapolis, 1976     

 (Trích trong Tùy Bút Võ Phiến) 
 

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2023

ÔNG PHÁN NGHIỆN - Thế Lữ

 

Ông ta là người Nam Kỳ, nhưng từ khi về hưu trí vẫn không rời bỏ cái nhà lá mua được ở trên con đường đi về huyện Vũ Tiên.

Nhà này đứng trơ trọi trên một vườn mía không ai trông nom và ngoảnh mặt ra một cái đầm con chật ních những bèo Nhật Bản. Không thân thuộc ai, cũng không tưởng gì đến sự về quê hương, ông ta sống ở đó thầm kín một mình, ngày hai bữa đã có thằng bé con ở hiệu cao lâu Khách phố Đệ Nhị đưa cơm nước đến. Ông ta không ra ngoài mấy khi: cả công việc chỉ quanh quẩn bên cái bàn đèn. Mà khi bước chân ra khỏi nhà là người khắp tỉnh Thái Bình xì xào, chỉ trỏ. Tên ông ta là Được, Trần Văn Được, nhưng họ quen gọi là lão phán nghiện hay là lão phán Sài Gòn.

Tôi ở xa, đến chơi nhà một người bạn ở đầu tỉnh Thái được ít lâu, đã chú ý đến con người kỳ khôi ấy, vì tính tôi hay tò mò, vốn thích những chuyện lạ, những nhân vật khác thường. Cho nên mỗi khi thấy người đàn ông gày gò, đội mũ trắng bẩn, mặc áo bông đụp và quần cháo lòng kia lệt sệt đôi giày cũ đi qua cửa nhà bạn tôi, là tôi chạy ra nhìn cho đến lúc ông ta đi khuất. Bạn tôi vẫn nói đùa rằng: "Anh hẳn có duyên gì với ông phán nghiện".

Tôi chẳng biết sự chú ý đó có phải vì thanh khí tương hợp gì chăng? Nhưng riêng tôi thì tôi không ghét người đàn ông kia như phần nhiều người tỉnh Thái. Họ đồng lòng cho ông ta là một hạng người keo bẩn, độc ác, có tiền của chôn giấu - là một con cáo già bo bo giữ lấy hang. Cái nhà lá vắng vẻ kia không ai biết trong có những cái bí mật gì, vì cả những bạn đồng sự cũ của ông ta cũng không ai ưa bước chân tới đó.

Tính tò mò của tôi mỗi lần trông thấy ông phán Sài Gòn lại bị khiêu khích. Tôi tìm hết cách làm quen với ông ta. Hai ba lần tôi vô cớ đón đường chào, nhưng ông ta chỉ gườm mắt nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi lại bước đi, không nói qua nửa tiếng. Tôi biết ông ta không phải là người dễ bắt chuyện, nhưng tôi vẫn kiên tâm chờ một dịp tốt nào đó. Dịp tốt ấy hiện đến buổi chiều cuối tháng một.

Ông ta lên phố lĩnh hưu bổng về, tay cẩn thận cầm một cái cóng thuốc phiện. Lúc sắp rẽ sang đường Vũ Tiên thì một lũ trẻ con đua nhau vừa đuổi theo ông ta vừa chế riễu. Ông ta ngoắt quay lại thì một đứa chạy không kịp cuống chân ngã xuống đường, mặt cắt không còn hột máu. Người lớn liền đổ ra sinh sự, họ nhất định giữ ông ta lại, và bắt lấy cóng thuốc. Tôi phải chạy đến phân giải mãi họ mới chịu buông ông ta ra.

Ông phán nghiện chỉ lắc đầu phàn nàn, rồi không cảm ơn tôi lấy một lời, ông ta chực quay gót. Nhưng tôi đã nắm được cơ hội, đi theo ông ta một quãng, nói mấy câu lễ phép vu vơ, ông phán lại nhìn tôi một cách ngờ vực như mọi khi, ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi cất tiếng nhè nhẹ và rè rè của một người Nam Kỳ nghiện nặng mà bảo tôi rằng :

"Tôi là một người ở biệt tịch, một người ai cũng ganh ghét cớ chi thầy còn chú ý tới tôi?"

Thế rồi ông ta rảo bước tiến lên, tỏ ý không muốn tôi đáp lại.

Tuy vậy, từ hôm đó trở đi, ông ta không e sợ tiếng chào của tôi như trước và nhìn tôi bằng đôi mắt dịu dàng hơn. Tôi không bỏ một dịp nào gặp mặt mà không hỏi ông ta một vài câu. Trước ông ta còn lặng thinh, sau mỉm cười, rồi sau cùng đứng lại hỏi :

- Thầy "mầng diệc" ở Thái Bình?

- Thưa cụ không. Tôi đến chơi đây.

- Tới chơi mà ở lâu dữ vậy, cà?

- Vâng, vì tôi ở dưỡng bệnh nhân thể.

Một lần khác, ông hỏi tôi ở đâu và làm ăn gì. Tôi thưa :

- Thưa cụ, tôi làm nghề viết báo ở Hà Nội.

Ông ta giương đôi mắt tươi cười nhìn tôi một lúc rồi nhìn đi chỗ khác, vẻ lơ đãng như người nghĩ chuyện đâu đâu. Rồi ông chậm rãi nửa như bảo tôi, nửa như nói một mình :

- Viết báo à? Vậy thầy hẳn biết ở đời này lắm chuyện "tức cừi" lắm hả?

Đối với người lạ lùng như thế, được nói mấy câu chuyện không đâu, cũng có thể gọi là quen thân rồi. Tôi xem ra ông phán Sài Gòn cũng tỏ ra ý mến tôi như một người bạn nhã nhặn tử tế. Có khi trông thấy tôi, ông ta lại chào hỏi trước, có lần lại nhận lời vào chơi trong nhà người bạn tôi. Thực là một sự lạ cho tỉnh Thái Bình.

Nhưng về phần ông ta, thì xa với điều tôi mong, ông không hề mời tôi vào chơi nhà ông bao giờ hết. Tôi cho đó là một sự vô ý của một người nệ cổ ít thiệp đời, nên một hôm tôi lấy cớ đến thăm ông ta để xem xét những điều tôi muốn biết.

Lúc tôi gần bước chân đến cái đầm nhỏ trước cửa nhà ông phán Sài Gòn, thì thấy ông ta đương đổ bã chè ở chái hiên. Tôi bắc loa tay gọi :

- Cụ phán ơi! Tôi vào thăm cụ đây!

Ông ta ngửng đầu lên trông, nhận được tôi, không nói năng gì, tức khắc đi vào trong nhà đóng kín cửa lại. Tôi ngạc nhiên quá, rẻo qua bờ đầm đến bên cạnh cửa, gõ gọi lần nữa thì có tiếng ông phán thưa ra :

- Có chuyện chi thầy để tới khi khác, giờ tôi không thể tiếp thầy đặng.

Trong nhà tối om, qua khe cửa tôi thấy leo lét có ngọn lửa đèn.

Hơn nửa tháng sau tôi mới lại gặp ông phán nghiện ra phố. Hôm ấy ông ta đương trả tiền cơm tháng cho người chủ hiệu cao lâu phố Đệ Nhị, và hỏi giá mua mấy sọt than tầu. Thấy tôi cùng đi với một người bạn gái mới ở Hà Nội xuống chơi, ông ta không nói gì qua, cũng không đáp lại cái gật đầu của tôi, làm như người không quen biết tôi lần nào cả.

Tôi để cô bạn đi trước lại gần hỏi nhỏ ông ta :

- Lâu nay cụ mạnh giỏi chứ?

- Không mạnh giỏi lắm. Thầy ít bữa nay không ở Thái Bình sao mà tôi qua nhà hai lần không thấy?

- Thưa cụ, tôi đi chơi Ninh Bình.

- Đi với cô kia, phải không. Người chi mà lịch sự vậy?

- Một người bạn gái ở Hà Nội về chơi thăm tôi.

Ông ta yên lặng một lát rồi bảo tôi :

- Bao giờ thầy có thời giờ, vô chơi nhà tôi chút nhé! Tôi có chuyện này ngộ lắm đa!

Tất nhiên là tôi không từ chối.

Ngay chiều hôm ấy, sau khi tiễn người bạn gái sang Nam Định trở về, tôi vội vã đến nhà ông phán Sài Gòn. Trời phơn phớt mưa bụi như gội thêm cái u tối xuống cảnh ngày đông. Cái nhà lá ở bên đường Vũ Tiên càng thêm có vẻ hiu quạnh...

Tới nơi thấy cửa đóng kín. Tôi đập cửa gọi thì bên trong có tiếng giận dữ hỏi ra :

- Ai?

- Thưa cụ, tôi.

- Tôi là ai? Gọi chi mà dữ vậy?

- Kìa cụ phán, tôi đây mà! Người quen cụ đây mà!

Ông ta nhận được tiếng tôi rồi mà hình như chưa khỏi càu nhàu. Tôi nghe thấy bên trong lịch kịch như dọn dẹp bàn đèn, mấy tiếng phì phò thở mạnh, rồi một lúc, thấy một con mắt nghé sau khe cửa nhìn ra :

- Cụ đang bận, phải không? Tôi đến cản trở cụ hẳn?

- Không hề chi. Tôi đang dở hút.

- Nếu vậy xin để lần khác tôi đến thăm cụ vậy?

- Không, (ông ta vừa nói vừa mở cửa) thầy cứ dô chơi.

Mắt tôi lúc ấy chưa quen tối, mà trong nhà cửa sổ vẫn kín bưng. Ánh sáng nhạt nhẽo ở bên ngoài, ánh sáng yếu đuối ở ngọn đèn dầu lạc với cái hỏa lò than ở gần, chỉ cho tôi thấy lờ mờ mấy bộ ghế ngựa thấp kê ở giữa nhà, với sau đó là một thứ tủ chè ngắn và cao, hai cửa kính lấp loáng.

Câu thứ nhất ông bảo tôi trong lúc ông đi đóng cửa vào đã khiến tôi lấy làm lạ.

- Ở nhà tôi, nhất là lúc tôi hút, thầy có thấy chi lạ cũng đừng sợ đa thầy!

Tôi ngồi ghé xuống bộ ghế ngựa, đưa mắt nhìn chung quanh nhà: một cái giường cầu, dưới chiếc màn đã lâu không giặt, kê một bên. Gian bên kia trơ trọi một cái bàn thờ, trên để đủ các thứ: chai, lọ, tượng sứ nhỏ, sách chữ nho, và nhiều thứ vặt vãnh. Sau bàn, ẩn trong bóng mờ tối, phảng phất hình những chậu sành nhớn, những thạp và một hai cái chum con.

Ông phán ngồi xổm lên bộ ngựa, cho thêm than vào hỏa lò và đặt một siêu nước lên trên, mở chụp đèn cắt bớt bấc đi, tháo tẩu ra rồi vừa nạo, vừa thong thả nói :

- Hồi sớm mai tôi gặp thầy đi với một cô nào, tôi bắt tội nghiệp giùm cho thầy quá.

- Thưa cụ sao vậy?

- Vì thầy là ngừi tôi có bụng mến lắm. Tôi nói thiệt, ngừi đời xấu hết, tôi thấy ít ai tử tế, ít thấy ai không có bụng ghét đố kỵ, nhưng tôi thấy có thầy.

Lúc ấy tôi ngạc nhiên hơn là vui thích bởi những tiếng ngợi khen đó. Vì mến tôi, vì cho tôi tử tế mà ông ta thương hại khi trông thấy tôi đi với một người bạn rất dịu dàng, thì thực là một điều ngược đời, tôi không thể nào hiểu được. Tôi hỏi :

- Thưa cụ, cụ có quen biết người đi với tôi không?

Đây, tôi xin thuật lại đúng như lời ông ta đáp :

"Không, nhưng tôi biết ngừi đó là đờn bà. Thế là đủ. Đờn bà không phải là ngừi cho mình tin đâu, thầy. Họ dịu dàng, âu yếm, mơn trớn mình... Nhưng để coi: họ là con mèo giấu móng, hơn thế, họ là một giống nham hiểm mà biết suy nghĩ. Đờn bà thiệt đáng sợ lắm đó, thầy!"

Tôi nghe những lời nói thực thà một cách đột ngột ấy mà nhớ tới câu chuyện mùa xuân của một nhà danh sĩ Pháp. Trong đó kể chuyện một ông đứng tuổi khuyên can một chàng thiếu niên đừng sa ngã vào vòng ái tình. Tôi đang tìm câu trả lời thì ông phán Sài Gòn đã nói tiếp :

- Thiệt vậy, thầy nên tin ở tôi - đờn bà là giống đáng ghê sợ... Tôi sống một mình ở đây, bỏ cửa bỏ nhà, bỏ quê quán cũng vì đờn bà đó. Tôi đã khổ, đã cực nhục nhiều phen vì chúng nó. Tôi không muốn trở lại mà thấy những cảnh đã trông thấy nỗi đau khổ của tôi.

Rồi ông ta cho tôi biết rằng hồi niên thiếu, ông ta đã yêu, mà yêu một cách nồng nàn đắm đuối. Không có sự khó khăn nào, không có điều nguy hiểm nào ông ta không vượt qua để được gần gụi người yêu: mà khi đã chiếm được lòng ai rồi thì không có sự vất vả nào ông ta không chịu mang để người yêu được sung sướng, "sung sướng như bà hoàng hậu". Thế mà người ông yêu lại đi yêu người khác. Lòng người yếu đuối: ông rộng lòng tha thứ cho, nhưng người thiếu phụ ấy không hề ăn năn, tìm nhiều cách lừa dối, lường gạt ông, ông tha thứ cho bao nhiêu lần là bấy nhiêu lần ông đau khổ.

- Thế rồi tôi sinh ra căm tức, thù ghét người tôi thương: không những thế, tôi còn ghét lây, thù lây cả giống họ nữa. Tôi trông thấy ngừi đờn bà là tôi thấy một vật độc ác giấu lưỡi gươm ở hai con mắt, giấu bẫy cạm ở trong lòng... Thầy ôi! Mà có phải là lỗi ở tôi đâu? Thiệt tôi không phải là người độc ác chớ!

... Cho nên tôi thấy thầy đi với họ - thầy là một ngừi tử tế hơn ai hết thẩy, là ngừi mà tôi coi như hình ảnh của tôi ngày trước - nên tôi buồn giùm. Thầy nghe tôi, thầy phải coi chừng, những tay ngà ngọc của họ bóp trái tim mình không biết chùn, đa! Mình có đau khổ, mình có thất tình mà chết họ cũng trối kệ.

Lúc ấy ông ta đã đánh sái xong, đang ngả mình nướng điếu thuốc mới. Tôi thấy cái phút yên lặng lúc đó khó chịu lắm, đang muốn nói một câu gì nhưng chưa tìm được, thì ông phán lại nói luôn :

- Đời tôi bây giờ không còn mong gì nữa rồi... cái sanh thú độc nhứt của tôi bây giờ chỉ có thuốc phiện, chỉ có ả phù dung, là một vị tiên ác nghiệt nhưng trung thành: mình không ruồng bỏ cổ thì thôi, chớ chẳng đời nào cổ ruồng bỏ mình. Câu ví của tôi nghe ngộ quá hả! Cái ái tình của tôi chỉ là hút á phiện - có vậy đó thôi. Còn đờn bà! Trời ơi! Đờn bà là một vật chi vậy?... Một bữa tối qua Nam Định, tôi trông thấy một bức tranh vẽ treo ở cửa một nhà hát bóng; tôi thấy, tôi không bao giờ quên. Tranh đó vẽ một con đờn bà lúc đêm tối ngồi để tay lên đầu một anh đờn ông... mà cái bóng đen của hai đứa chiếu lên tường lại là bóng con hổ cái dìu đầu một người xuống dưới một chưn trước của nó. Tôi thấy cái ngụ ý đúng quá, cười ầm lên. Từ đó tôi được một hình ảnh để ví giống đờn bà, hạp với ý tôi... rồi tôi lại kiếm đặng một hình ảnh hay hơn, đúng hơn ấy là giống rắn!

Điếu thuốc vừa chín, làm tắt mất mấy tiếng cười gằn. Ông nâng xe phiện mời tôi :

- Thầy hút điếu thuốc cho khỏe.

- Xin vô phép cụ.

Ông không nài, thót má vào kéo một hơi, rồi lừ đừ mắt mà thở.

Lúc ấy tôi như đang giao tiếp với một nhân vật kỳ quặc trong một cảnh tượng huyền ảo... Tôi nghĩ đến những lời khe khắt quá đáng của người đàn ông kia mà thấy ghê rợn cả người. Những lời nói căm hờn ấy có một mãnh lực rất quái lạ... Tôi tất nhiên không biểu đồng tình, nhưng tôi cũng không tìm được nhẽ gì để bài bác.

Ông ta tiêm luôn mấy điếu nữa hút, để mặc tôi suy nghĩ vẩn vơ. Tôi lơ đãng nhìn ngọn đèn lửa nhọn đâm thẳng lên, nhìn những tiêm móc và các đồ dùng trên bàn đèn, nhìn khói trắng từ từ lan ra trong bầu không khí thơm nồng và ấm áp, rồi lại nhìn bộ mặt gầy guộc xanh xám mơ màng trong làn khói bộ mặt in đầy những vẻ chua chát mỉa mai...

Bỗng nhiên tôi tái người đi, hai hàm răng cắn chặt lấy nhau để giữ một tiếng kêu, vì tôi vừa thấy một vật ghê gớm: một con rắn cạp nong lớn, mình lấp lánh như chiếc khăn quàng bằng lụa bóng, đang yên lặng nằm vắt qua cổ ông. Con rắn hình như không để ý gì đến tôi... chỉ ngóc đầu lên gần mặt ông ta mà chờn vờn những làn khói thuốc phiện chưa tan hết. Ông phán nghiện thì lim dim mắt nằm đó, nét mặt thản nhiên lạ thường. Tôi bám lấy mép ghế ngựa cho khỏi run, muốn chạy nhưng chân ríu lại... Quay ra cửa thì cửa đóng kín. Tôi hết sức tĩnh trí se sẽ gọi :

- Cụ phán!

Ngoảnh lại, con rắn không còn đó nữa, biến đi như hình ảnh một giấc mơ.

Trống ngực tôi đập thình thình, tôi lẩm bẩm một câu hỏi mà không biết ông phán có nghe thấy không, chỉ thấy ông ta mở mắt ngồi thẳng dậy cười mấy tiếng nghe rợn tóc gáy, rồi bảo tôi :

- Tôi đã biểu thầy đừng sợ từ lúc mới bước vô đây kia mà...

- Nhưng vừa rồi tôi trông thấy một con rắn nó quấn cổ cụ!

- Phải, con rắn của tôi đó... Con rắn của tôi nuôi.

- Nó đâu rồi?

- Đây nè! (ông ta vừa nói vừa trỏ cho tôi thấy một cuộn tròn ngũ sắc ở trong bóng cái gối xếp) Vừa rồi nghe thầy gọi, nói chui nằm xuống đó... Thầy trông ngộ lắm phải không?

- Nhưng, trời ơi! Sao cụ lại nuôi cái quái vật ấy thế?

- Nó là rắn chứ không phải là quái vật. Vì thầy coi: nó có nỡ hại tôi bao giờ đâu? Nó quấn quýt bên mình tôi đã có trên ba, bốn năm nay rồi... Cái quái vật mà người ta không ngờ, mà người ta tin yêu, ấy là đờn bà, ấy là giống tôi ghét và tôi sợ nhứt đó.

Tôi không thấy lời nào độc địa hơn thế nữa, nên vẫn không biết trả lời ra sao. Ông phán hình như không thèm để ý đến tôi, chỉ vừa cười nói tiếp :

- Phải. Tôi ghét tụi đờn bà lắm, nên mới nẩy ra cái ý kiến nuôi rắn làm bầu bạn, trong lúc sống một mình này. Tôi làm thế đặng an ủi lòng tôi, đặng ngạo đời chơi, đặng cho chúng biết rằng tôi ở với rắn còn sung sướng hơn ở với chúng.

Tôi mua đặng con rắn từ bốn năm về trước trong hồi tôi qua Nam Định có việc - mà chính là hồi tôi nảy ra ý kiến so sánh rắn độc với đàn bà... Tôi đem nó về rồi ngày ngày đặt cái lồng đựng nó ở bên bàn hút, nói chuyện với nó, than thở với nó, như tình tự với người thương. Tôi hút điếu nào lại hà khói vào lồng đặng cho nó nuốt đi. Cứ vậy trong hơn một tháng trời, lần lần con rắn thành quen khói thuốc, thành "ghiền". Tôi mới thả ra cho nó đi, nhưng chỉ ít lâu nó lại trở lại quanh quẩn bên bàn hút. Rồi cứ vậy cho tới giờ, con rắn không bao giờ muốn rời bỏ tôi ra. Tới bữa hút là nó lại bò gần tôi... Mỗi ngày tôi một cưng nó hơn lên và để cho được tự do "mơn trớn" tôi như thầy vừa thấy đó.

- Bữa trước thầy tới chơi thì tôi vừa mới bắt đầu nằm hút. Mà lúc con rắn của tôi chưa đủ ghiền thì không được hiền lành với người ngoài... Tôi sợ thầy đột nhiên trông thấy nó, lỡ có vô ý động tới nó chăng, nên mới không tiếp thầy đặng. Bây giờ thì tôi bắt sao, nó phải theo vậy: nó lành hơn con chiên.

Vừa nói, ông ta vừa vuốt lên những khúc cuộn tròn của con rắn một cách nhẹ nhàng, yêu dấu như người vuốt ve một con mãn, miệng sẽ huýt mấy tiếng còi. Con rắn liền ngóc đầu lên, vươn mình bò quấn lấy cánh tay ông ta. Ông ta rũ một cái, nó lại nằm cuộn tròn dưới chiếu.

Ông phán quay lại bảo tôi :

- Đã trên ba, bốn năm trời rồi, tôi vẫn sống với nó như sống với một "ngừi bầu bạn" trung thành, nên đời tôi cũng không quạnh hiu lắm. Mà mỗi khi tủi phận hay căm tức vì nghĩ tới chuyện xưa, tôi lại gọi nó ra bên bàn đèn mà than thở với nó... Những lúc đó tôi thấy sung sướng trong tâm lắm, vì nghĩ rằng con rắn của tôi còn tử tế hơn đờn bà lận.

Lúc tôi cáo từ ông phán nghiện đi ra, thì bên ngoài trời sẩm tối, mưa lấm tấm gội một cách dịu dàng vào đôi má nóng bừng của tôi... Tôi thấy lòng nhẹ nhàng, trí vẫn tỉnh táo suy nghĩ được như thường - vì tôi thú thực, câu chuyện của ông phán kỳ quái vừa rồi làm cho tôi tưởng đến loạn óc mất. Tôi tìm cách hiểu lấy đôi chút tâm trạng của người đàn ông ấy, nhưng cũng không thể nào hiểu được: phải là người khổ lắm - khổ quá - phải trải qua nhiều điều đắng cay chua xót vì đàn bà lắm mới có những tư tưởng "quá khích" như thế được.

Bốn năm hôm sau, tôi lại vào chơi nhà ông phán Sài Gòn. Ông ta hỏi tôi :

- Bộ thầy cho tôi là ngừi kỳ cục lắm hả? Mà kỳ cục thiệt, chớ chi? Nhưng có điều tôi không hại tới ai. Ngừi ta ghét tôi, tôi ghét lại. Thế là công bình. Miễn không ai quấy rầy tôi là tốt.

Tôi trông thấy con rắn vắt qua cổ ông ta cũng đã quen mắt và mấy lần sau tôi đến đã dám theo lời ông ta vuốt lên mình nó mà không việc gì. Ông phán cười không thật và khàn khàn bảo tôi :

- Thầy viết báo đã thấy có người ở với rắn bao giờ chưa?...

... Cuối năm ấy, tôi từ giã Thái Bình, có đến chào ông phán Sài Gòn thì thấy ông ta vừa vuốt ve con rắn cạp nong vừa phàn nàn rằng ít bữa nay ông hút thuốc là hút cho con rắn chứ không thấy thú nữa. Hồi đó, ông ta bắt đầu bị yếu. Tôi nghĩ bụng: người nghiện chê thuốc hẳn không phải là một triệu chứng hay.

Đầu tháng giêng năm sau, giữa hôm tôi lại đến Thái Bình chơi thì được tin ông phán Sài Gòn vừa mới chết lúc sáng.

Người bạn của tôi bảo tôi :

- Ông phán nghiện vẫn ốm từ hồi trong năm. Bệnh xem chừng càng ngày càng nặng thêm, trước còn ăn uống qua loa, nhưng sau bỏ cơm hẳn. Mấy hôm nay, bữa nào thằng bé hiệu cao lâu đem cơm nước đến cho ông ta, cũng thấy đóng cửa kín; ông phán nằm dí trong nhà, ngừng tiếng rên để gắt đuổi nó xách cơm về. Nhưng từ hôm qua thì cố nghe ngóng cũng không thấy gì nữa. Sáng hôm nay người ta tới đập cửa thình thình cũng không thấy động đậy.

Tôi bỗng có một thứ cảm giác kỳ dị: tôi nghĩ ngay đến con rắn cạp nong.

Tức khắc tôi cùng người bạn đi trình cảnh sát rồi phá cửa vào xem, thì quả nhiên ông phán nằm chết cóng bên cái bàn đèn tắt, mà con rắn thì quấn chặt lấy cổ ông, đầu nó đang cố rúc vào mũi ông ta, như muốn tìm cái hơi thuốc phiện trong ấy.

Chúng tôi hết sức cẩn thận tìm cách bắt nó, nhưng cẩn thận vô ích, vì con rắn đói thuốc, không nhanh nhẹn được nữa. Nên chúng tôi bắt được nó rất dễ dàng. 

 
THẾ LỮ    
 
(Trích từ tập truyện ngắn Bên Đường Thiên Lôi)
 

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

NHUNG - Khái Hưng

 

Từ ngày được vô can trong vụ cướp nhà ông thượng Nguyễn nhờ có những lời làm chứng công bằng của Nhung, con gái khổ chủ, thì Sinh bỗng đổi hẳn tính nết. Trước hắn hay nói hay cười, hay đi chơi khắp các xóm để bới chuyện nhà này nhà khác nhất là chuyện nhà ông thượng Nguyễn mà hắn ghét cay ghét độc. Nay thì không mấy khi người ta gặp mặt hắn nữa. Hình như hắn xấu hổ vì đã bị dính líu vào cái việc nhơ nhớp kia, nên tuy vô tội, hắn vẫn thấy cần phải sống ẩn thân trong ít lâu. Bây giờ, người làng Bắc còn thì thào bàn tán nhiều quá, đi đây đi đó nhỡ thoáng nghe thấy chỉ thêm bực mình ! Ấy là người ta đoán thể thôi chứ chính Sinh cũng không từng ngỏ tâm sự với một ai. Hắn hầu như một người câm và cả ngày chui rúc trong gian buồng cửa đóng kín mít. Đến bữa, mẹ và các em có gọi đi ăn cơm thì một là hắn lẳng lặng bước ra, ngồi xuống phản và lùa luôn mấy bát rồi đứng dậy lại trở vào buồng. Buổi đầu Sinh mới được tha về, mẹ hắn thấy vậy chỉ lắc đầu thương hại con hay thốt lời tục tằn nguyền rủa bọn cướp đã khai man để làm khổ con bà. Nhưng sau thấy Sinh cứ kéo dài mãi cái trạng thái buồn phiền chán nản, bà sinh ra cáu kỉnh.

Một hôm trong bữa cơm chiều bà gọi chuyện bảo con :

- Mày lại bảo học đi thôi, cứ ăn không ngồi rồi mãi như thế thì đến chết đói mất.

Sinh dằn mạnh cái bát xuống mâm, yên lặng đứng dậy. Bà kia liền thét:

- Mày làm như vì tao mà mày bị bắt, bị tù, bị tội không bằng ! Nếu mày không đi lại chơi bời với quân du thủ du thực thì chúng nó biết mày là ai mà đi tố cáo mày với quan nha để đến nổi mày khổ sở, nhục nhằn. May mà chị Nhung chị ấy tốt bụng, chị ấy không thèm thù hằn mày, chứ nếu chị ấy cứ nhận diện bừa đi thì mày ngồi tù đã đành, đến cái thanh danh nhà mày cũng chả còn ra gì. Thầy mày ngày xưa đã làm gì nên tội, tao ngày nay đã làm gì nên tội mà để mày bêu xấu, bêu hổ, bêu nhục, bêu nhuốc?

Hà thấy anh vùng vằng đi vào buồng đóng xập cửa lại liền gắt sẽ với mẹ :

- Anh ấy đã bị oan uổng khổ sở, bu lại còn không để cho anh ấy yên thân.

Người đàn bà vẫn chưa thôi:

- Ừ thì việc đã nhỡ ra như thế, nó cũng phải chịu nhẫn nhục mà quên đi, chứ có đâu cứ như ăn vạ tao thì mày bảo tao biết làm thế nào.

Bà ngừng lại nghĩ vơ nghĩ vẩn một lát rồi bưng mặt ngồi khóc thút thít.

Bà lấy làm tủi nhục cho cái đời sống túng bẩn vất vả của bà. Là con một ông cử, bà lấy chồng con nhà nho, cũng như chị bà. Nhưng hai người anh em đồng hao ấy đã bỏ xa nhau trên con đường tiến thủ: một người đỗ đạt ra làm quan, một người suốt đời là một ông Đồ nghèo kiết. Chị bà cũng có giúp đỡ bà nhiều phen và lại nhận nuôi cả Sinh cho cùng đi học với con mình. Rồi chồng bà chết, rồi chị bà chết. Bà thấy đời bà bơ vơ không nơi nương tựa, với một cái gia sản hèn mọn không đủ nuôi sống một gia đình bốn mẹ con, nhất từ khi Sinh không chịu nổi sự bạc đãi của nhà ông Thượng, bỏ về ở với bà.

Bấy giờ Sinh đã hai mươi tuổi nhưng vì ham thích chơi bời lêu lổng nên chỉ mới đậu được cái bằng Tốt nghiệp. Không một nghề trong tay, lại đam mê rượu chè cờ bạc, chẳng bao lâu hắn trở nên cái mầm nguy vong cho gia đình. Bà Đồ và Hà đội vải đi bán chợ xa chợ gần vẫn không sao đánh thăng bằng được cái quỹ chi thu thường nhật, Vì thế số nợ một ngày một chồng chất thêm mãi lên.

Bà Đồ chỉ biết than thân trách phận, và đổ tại số mình không ra gì. Nhưng Sinh thì hắn quy hết oán thù vào cả cái gia đình ông Thượng. Hắn không thể quên được cái thời kỳ sung sướng, vô tư vô lự của hắn khi chị mẹ hắn còn tại thế. Những người anh họ hắn có thứ gì hắn đều có thứ ấy. Hắn thấy đời sống dễ dàng và đẹp đẽ bên những người thân thích đáng yêu, bên những người chị họ xinh tươi và âu yếm.

Ngày nay tình thế đã đổi thay, và sự đổi thay chỉ do hai mẹ con Nhung đã gây nên. Nhung mà xưa kia hắn cho là một lẽ sống của đời hắn, là nguồn ánh sáng chiếu rọi vào tâm hồn hắn, nay hắn chỉ thấy là một kè thù đã phá hoại hạnh phúc của hắn. Từ hai người đàn bà, lòng oán ghét của hắn lan rộng ra tới toàn thể cái gia đình ông Thượng rồi tới tất cả cái xã hội cao quý của bọn quan lại và phú hào, một xã hội trưởng giả mà hắn tìm ra đủ các tội lỗi, đủ các điều đê tiện xấu xa.

Hắn bắt đầu có một quan niệm về xã hội, về loài người. Loài người chỉ chia ra làm hai giai cấp: giai cấp được hưởng đủ các quyền lợi và giai cấp không được hưởng một chút quyền lợi gì. "Sao lại có mãi sự bất công ấy được? ". Sinh hằn học tự hỏi thế. Rồi câu hỏi dần dần mất cái tính cách hằn học, mà chỉ còn là một vấn đề nhân sinh. Sinh thấy một ngày một rõ rệt rằng vấn đề ấy cần phải được giải quyết ngay do những người ở cái giai cấp bị thua thiệt, và giải quyết bằng đủ mọi cách với đủ mọi phương pháp. Hắn vốn nhu nhược và lười biếng, thế mà chỉ vì sốt sắng muốn cải tạo xã hội, hắn bổng trở nên cương quyết và mẫn cán trong công việc theo đuổi để phá hoại phe địch. Hắn không ở đảng phái nào, và cũng chẳng đọc qua một lý thuyết xã hội nào.

Nhưng hắn cần gì phải có lý thuyết vững vàng mới đánh đổ được đối phương: Hắn sẽ đi tuyên truyền nói xấu bọn phú hào. Họ không thiếu gì hành vi nhơ nhớp. Mà có bịa đặt thêm ra cũng chẳng sao ! Bắt đầu, hắn hãy thu hẹp phạm vi công kích của hắn vào trong một làng, làng hắn, và đứng đầu cái bảng đen là nhà ông Thượng, cái gia đình đã nuôi hắn, cho hắn biết mùi phú quý để rồi ném hắn xuống đất đen cho hắn thấy thấm thía cái chênh lệch bất công giữa hai giai cấp.

Trong khi việc tuyên truyền có phương pháp đương tiến hành để hạ cái gia đình cao quý kia xuống, để gây lòng phẫn uất của người làng đối với bọn đã xây hạnh phúc trên mồ hôi xương máu của quần chúng, thì xảy ra vụ cướp nhà ông thượng Nguyễn. Vì thế người ta đoán chắc Sinh có dính líu vào việc ấy. Người ta đồ rằng cái dinh cơ rộng rãi, và kiên cố kia nếu không có một người thông thuộc đường đi, lối lại như Sinh làm dẫn đạo thì cướp khó lòng vào lọt được. Tới khi Sinh bị bắt, hết thẩy người làng cùng vui cười. Họ vui cười không phải vì ghét gì hắn, hay thương hại gì ông Thượng, nhưng vì họ thấy họ đoán đúng: thủ phạm vụ cướp không thể là ai được, mà chỉ là kẻ thù ghê gớm của cái gia đình quý phái ấy.

Vận mệnh của sinh hoàn toàn ở trong tay người đến huyện nhận diện các tên hung đồ. Người ấy là Nhung, vì hôm mất cướp, ông Thượng bà Thượng đi Hà nội vắng, và người nhà đều chạy trốn thoát cả, duy có Nhung là bị bắt. Và nàng đã nhận diện hết mọi tên ; trừ một mình sinh ra.

Thế là dư luận dân làng Bắc lại xoay chiều. Người ta bảo nhau: " Dầu sao thì nó cũng là cháu chẳng lẽ cháu lại dắt cướp vào nhà bác? ". "Chẳng gì nó cũng là con nhà gia giáo, đâu nó có thể trụy lạc quá đến thế!" Nhưng vẫn có người còn ngờ vực và nói: " Cô Nhung, cô ấy thương hại một người em họ nên cô ấy không nhận diện đấy, chứ chính cướp nó đã cung khai ra thì có mà chệch đi đằng giời ! ".

Vụ cướp rồi cũng bị người ta quên đi. Khi nó không còn làm đầu để cho câu chuyện mua vui trong các xóm nữa thì bỗng xảy ra một việc khiến người ta lại quay trở lại bàn tán đến nó. Đó là cái chết của Sinh: Sinh tự thắt cổ ở trong buồng kín, dưới chân hắn có bức thư sau này gửi cho Nhung:

B... ngày... . 1940.

Em Nhung,

Chị cho phép tôi, một lần cuối cùng, kêu chị bằng em. Kể tôi hơn chị những ba tuổi thì tôi có xưng hô như thế cũng không đến nổi quá đáng. Còn bảo tôi là em họ chị thì điều đó có đâu, mẹ tôi là em ruột bà thượng cả, chứ có là dì chị đâu. Tóm lại chị với tôi không có dính họ hàng gì cả và ví như tôi lấy chị làm vợ cũng không có tội kia mà.

Chị thấy lời lẽ tôi bình tĩnh lắm phải không? Từ hôm tôi được tha về bao giờ trí tôi cũng rối ren, loạn xạ, mà vì sao hẵn chị cũng hiểu. Nhưng nay thì lòng tôi tự nhiên dẹp hẳn xuống: Tôi đã quả quyết chết, mà khi người ta đã quả quyết chết thì người ta tiếc gì ở đời nữa mà còn phải băn khoăn. Vậy khi Nhung đọc bức thư này thì Sinh đã là cái xác không hồn.

Chắc chị muốn an ủi tôi, chị muốn khuyên tôi không nên tự hủy hoại thân thể phải không? Nhưng chị thì thử bình tĩnh lại mà xem, chỉ sợ thấy tôi đã bị xô đẩy tới con đường cùng rồi.

Vậy lời thứ nhứt và lời cuối cùng của người sắp vĩnh biệt đời này là một lời tạ tội. Em xin lỗi chị, anh xin lỗi em, vì đã xúc phạm tới em trong cái đêm lịch sử ấy.

Sau nữa, và đó là điều độc nhất đáng kể, em sẽ lợi dụng cái chết của em để thú tội với chị, như kẻ mộ đạo Thiên Chúa thú tội với nhà giáo sĩ để mong trút được gánh nặng trong lòng trước khi thênh thang lên đường giải thoát.

Chị đừng tưởng là cái tội đã dắt cướp vào nhà chị, hay cái tội đã dám có dã tâm định làm điếm nhục một người thiếu nữ. Hai tội ấy có đáng kể chi bên cái tội tầy trời mà em đã phạm. Nhưng xin hãy nghe em đây:

Ngay từ thuở nhỏ em được hai bác nuôi nâng dạy dỗ, coi chẳng khác gì con đẻ. Lớn lên trong cảnh giàu sang đầy đủ em có bao giờ nghĩ đến thương hại những người lăn lóc trong đám bình dân nghèo nàn thiếu thốn đâu. Cả mẹ em làm ăn tần tảo để kiếm tiền nuôi gia dinh, em cũng không hề để ý đến một cách thiết tha. Mẹ em thì chịu nhịn đủ thứ, chỉ nuôi trong lòng cái hy vọng mai sau em học thành tài làm nên vẻ vang cho nhà cho họ.

Đời tôi, lọ là tôi phải thuật lại với chị. Như anh em trong một nhà, còn một điều gì về tôi mà chị không biết ! Nhưng có một điều mà chị không ngờ, mà chị không thể ngờ được, là tôi yêu chị, là anh yêu em.

Em Nhung, bao tội lỗi gây nên bởi mỗi ái tình ngăn cấm. Trong bao lâu anh yêu trộm thương thầm... Rồi có ngày anh trông rõ rằng em chỉ đáp lại anh bằng sự lãnh đạm và mẹ em chỉ đối đãi anh bằng sự khinh nhờn, thì anh không chịu nổi vì anh bỏ đi cho khuất mắt cái gia đình mà anh thù ghét thấy đáng thù ghét. Anh tìm ra, cố moi ra đủ các lý do để mà thù ghét, những lý do chính đáng nữa. Rồi lòng thù ghét cá nhân đối với cá nhân, lòng tư thù biến đi để nhường chỗ cho lòng thù chung của một xã hội bị bóc lột, lòng công phẫn của đại chúng. Anh thấy bác Thượng là một người đáng bị, và anh lấy làm thẹn rằng anh là cháu bác.

Lòng uất ức của anh một ngày một lớn dần, cho tới khi anh thấy cần phải trả thù bằng việc làm. Hình ảnh em cũng đã bị xóa hẳn trong ký ức anh rồi. Một dục vọng mãnh liệt hơn đã đến chiếm hẳn chỗ tình yêu: Đó là sự trả thù, trả thù cho anh bị hất hủi, và anh rất thành thực ít ra cũng thành thực trong thời ấy, anh rất thành thực mà thêm rằng: trả thù cho cái giai cấp bị hất hủi trong đó có anh.

Thế rồi như em đã biết đó, anh dắt cướp vào nhà em. Chủ ý anh là định giết hai bác, và làm ô nhục em mà anh đã thù ghét đến cực điểm rồi. Vì thế anh cũng chẳng thèm giữ gìn giấu diếm nữa, anh đã đến trước mặt em, ngạo nghễ tỏ cho em biết rằng anh có đủ sức mạnh để chiếm đoạt được em, rằng em đủ tự phụ cao quý đến đâu cũng có thể bị bôi nhọ đi như trở bàn tay được.

Nhưng có một điều anh không ngờ là ái tình mà anh tưởng đã chết hẳn, sự thực nó vẫn còn sống dù đó chỉ sống âm ỉ trong tiềm giác anh. Hình ảnh em trong một giây đã đánh thức nó dậy và đã khiến anh trở nên "hèn nhát" (xin tha thứ cho chữ ấy) và không dám đụng chạm tới em. Anh đã dám hối hận điều ấy ở trong nhà giam trước khi gặp mặt em đến nhận diện.

Em Nhung, sao em không để anh yên thân với tội lỗi của anh, sao em không để anh yên thân với những hình phạt đương chờ đợi anh, sao em lại đến cứu vớt anh ra khỏi ngục thất và tù đầy? Trời ơi! Nay đối với mọi người, anh đã vô tội. Nhưng anh cần gì điều ấy. Riêng đối với em, anh vẫn đời đời kiếp kiếp là một thằng khốn nạn, mà vì điều ấy, anh đã quả quyết tự khép anh vào tử hình.

Thôi chào em ở lại.

SINH

Bức thư ấy đến tay Nhung, và nàng đọc từ đầu đến cuối với một tâm hồn bình thản. Nhưng từ đó nàng trở nên ngẩn ngơ trong ít lâu...

 
KHÁI HƯNG      
 

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2023

HỔ!

 

Co ro trong chiếc áo tơi dài, mũ nhọn trùm đầu. Bảy-hai đứng canh trên chòi cao, nép mình sau cái cột bương để cố tránh luồng gió bấc thổi đến từng cơn. Y vừa ở trong chăn ra thay phiên gác một giờ. Mắt y ngủ còn giở giấc chỉ muốn nhíu lại. Đêm hôm trước, y đã thức suốt sáng đánh bạc ở bên phố Trào. Cả ngày hôm nay, ông đội Giới lại cắt y vào việc cưa củi ở trong đồn, nên y chỉ chợp được có nửa tiếng đồng hồ vào khoảng giữa trưa, " Giá nó để mình coi tù đi làm cỏ như mọi hôm thì làm gì minh không đánh được hai giấc ngon lành !" Y nghĩ đến cái ổ kín đáo, khuất gió, ấm áp, ở giữa khóm sim dại mà y lại oán lão đội. "Hừ ! thằng cha nó thù mình vì cái tiếng bạc ngửa từ tối hôm nọ ! " và Bảy-hai vui thú cười lên tiếng. Y như còn trông thấy cái cảnh tượng mở bát chạy làng hôm ấy của đội Giới, mà y đã làm mất thể diện trước mặt dân phố. "Hèn chi mà nó chẳng để tâm thù vặt ! "

Đã hai lần Bảy-hai đánh mõ tre đáp lại tiếng khánh sắt cầm canh bên đồn. Y chỉ muốn nằm xuống một lát cho đỡ mỏi mệt, nhưng y lại sợ ngủ thiếp đi mất. Y tự nhủ: "Đêm hôm nay mà mình bỏ một tiếng mõ thì cứ là chết với nó. Thế nào nó chả thức ngồi chờ kết quả ! Không, nhất định không chịu để nó phạt !" Y can đảm lấy gân, cứng bắp thịt lại, thò đầu ra hẳn ngoài bức phên nứa vây che bốn mặt chòi và chỉ cao tới ngực người lính gác. Luồng gió lạnh làm cho y đỡ buồn ngủ. Nhưng chỉ được dăm phút, rồi mắt y lại nhắm nghiền, và y như nghe thấy tiếng ngáy của mình. Cái thói ngủ đứng đã quen thuộc với y lắm; nhiều khi đưa tù xuống đồi làm việc, y cũng vừa đi vừa chập chờn được.

Chợt nhớ đến cái mưu vẫn thì thố, y hướng vào trại cất tiếng gọi:

- "Tài! Tài !" Mọi lần khi biết chắc không sao tránh được cái giấc ngủ có tội, y đã nhờ Tài giúp việc này ; là hể không nghe thấy tiếng mõ của y đáp lại tiếng khánh thứ hai thì nhặt một viên gạch mà ném lên chòi để đánh thức y dậy. Như thế, y có thể bình tĩnh mà ngủ được để cứ mười lăm phút lại thức giấc đánh mõ. Nhưng lần này y gọi mãi mà vẫn không thấy có tiếng Tài trả lời.

- "Rét thế này, anh chàng nằm ngủ chăn trùm kín đầu thì còn biết giời đất gì nữa !" Gọi một tên khác, lại một tên khác, vẫn không ai thưa.

" Liều ! Y nghĩ thầm, có bị phạt nữa thì đã chết đâu. Hãy làm một giấc cho thỏa vong linh đã !" Và y định ngả lưng xuống cái ổ rơm mà y đã ngầm giải từ lâu. Nhưng lòng tự ái của y phản kháng lại liền: " Không ! không thể thế được. Bị phạt vẫn biết chẳng sao, nhưng bị lão đội Giới phạt để trả thù thì nhục lắm. Đã có được nửa giờ rồi làm gì không có nốt được một giờ rưỡi nữa !" Y quả quyết trong ý chí, và lại đưa cả nửa người ra phía ngoài để tắm thể chất và tinh thần trong sương đêm giá buốt.

Bổng y rùng rợn quay lại, một tia sáng lạnh vừa chiếu xiên qua vai. Đó là trăng hạ tuần mời mọc, lơ lửng trên nóc đồi bình phong, và nhợt nhạt, ủ rũ, mệt mỏi như tâm hồn mệt mỏi của y. Dưới làn ánh sáng lờ mờ, con sông Vành lấp lánh hiện ra từng khúc, và những lùm cây trên sườn đồi in rõ hình đen. Y lưu ý ngắm cảnh vật để cố quên cái giấc ngủ vẫn luôn luôn ám ảnh.

Một lần chợp đi trong vài phút, y giật mình choàng thức dậy. Tâm linh y như vừa báo cho trực giác y biết sắp xảy ra một sự gì kinh dị huyền bí. Và y chú ý nhìn xuống chân đồi. "Ta mê ngủ à?" Y nghĩ thầm đưa tay lên dụi mắt, và nhìn kỹ lại. Không, y không mê ngủ, quả thực một lùm cây đương từ phía ruộng thắp theo giốc đồi thong thả tiến đến phía y. Y nghĩ tiếp liên: " Không, không phải cây. Một con vật... con bò...Cũng không phải bò... Hay là ma?" Cái ý ma làm y mềm cả chân tay, và ngừng cả tư tưởng. Vùng này đã nổi tiếng là xứ ma thiêng nước độc và những chuyện ma hiện hồn trêu lính canh đêm không phải là ít.

Cái vật đen vẫn thong thả, êm lặng tiến.Thỉnh thoảng một tiếng răng rắc cành khô gẫy lại báo cho Bảy-hai biết rằng đó không phải là một cái bóng mà đó là một vật có hình có chất.

Đến lưng chừng đồi, nó dừng lại một phút rồi rẽ sang phía Nam, khuất sau hàng giậu nứa. Tự nhiên Bảy-hai thấy vững dạ và như thoát khỏi một tai nạn, tuy vẫn chưa biết rõ đó là con vật gì hay là ma quỷ. Bỗng một lát sau, tiếng lao xao se sẽ trên con đường cát sỏi vòng quanh trại giam khiến y cứ nhìn xuống. Y toan kêu thét lên. Nhưng tiếng kêu mắc lại ở cổ họng và miệng y há hốc, mắt y mở to, chân tay y không nhúc nhích: Chỉ cách chòi y chừng vài chục thước, một con hổ to lớn, lực lưỡng đương ung dung nhẹ nhàng đặt từng bước và tiến về phía y. Mặt nó cúi xuống nhìn đất và luôn luôn nó hướng vào trại hít mạnh đánh hơi. Có lúc nó tò mò ghé gần mắt vào hàng giây thép gai chăng ở hai bên lối đi và dừng lại vài giây như để mưu tính một kế hoạch gì.

Bảy-hai im thin thít và không cử động. Hồn vía y như đã tán loạn hay trốn biệt nơi nào và y chỉ còn như cái xác với những trực giác quan thụ động. Nhưng dần dần y hoàn hồn và cảm thấy lo lắng sợ hãi. Y nghe rõ tiếng thở mạnh của y, mà y cố kìm lại, nhìn hắn. Và vì thế y thấy đêm khuya, càng mênh mông, tiếng gió khô khan càng rít mạnh, và âm nhạc hàng sáo nứa càng thê thảm, rùng rợn.

Con mãnh thú vẫn chậm rãi bước lại gần, dáng bộ suy nghĩ, nghe ngóng, tìm tòi. Khi tới chân thang chòi, nó dừng lại một lát rồi uể oải nằm xuống, mũi không rời phía trại giam, Bảy-hai đã bắt đầu luận lý có trật tự. Y hết sức giữ gìn, không cựa cạy, yên trí rằng chỉ một tiếng cạch, cũng đủ vang lên trong đêm vắng và làm cho con hổ giật mình vùng dậy, chồm lên đạp đổ mấy cái cột bương chân chòi cao ngất nghểu. Vì quá lưu ý, y tưởng tượng cái chòi lảo đảo, lắc lư, mỗi khi có luồng gió mạnh.

Nhưng một lát sau, y thấy mắt quen đi, tim trấn tĩnh lại và trí sáng suốt hơn. Và y nhớ đến cây súng cầm trong tay, nghỉ đến bắn vào đầu con vật một phát. Y dương súng ngắm, ngón tay đặt vào cò, run run, do dự không dám bấm tuy đã chợt nhận ra rằng chưa kéo " qui-lát " để đẩy đạn lên nòng. Rồi y lại rón rén chống súng xuống, mắt dán vào cái khối đen ở ngay dưới chân và cách y không đầy mười thước. Câu chuyện huyền bí về hổ mà một người lính Thổ đã kể cho y nghe như vụt hiện ra và lần lần tự bày ra trước mắt y. Y tưởng trông thấy người đi săn tự buộc thân vào cành cây cao, chĩa súng bắn xuống con vật thần, rồi nước ở đâu té vọt lên như mưa làm cho kẻ xúc phạm mờ cả mắt không nhìn thấy gì nữa trong khi ấy thì con hổ nói thành tiếng người mà mắng nhiếc ầm ỹ: " Mày định giết ông mày, mày định giết cha mày à?" Câu chuyện đã làm cho Bảy-hai và anh em trong hàng đội cười lăn cười lóc. Nhưng lần này ôn lại, y không dám cười nữa dù chỉ mỉm cười thầm. Ngắm nghía cái hàm oai nghiêm, hai chân trước duỗi ra bệ vệ, cái đuôi hách dịch đập bên sườn, y cảm thấy tôn kính, khiếp sợ tràn ngập trong lòng và không còn ngờ vực một sự hoang đường gì về cái sức mạnh phi thường ấy.

Bây giờ y đã hoàn hồn hẳn, và mũi y đã ngửi thấy mùi hôi nồng như mùi phân bò ú. Hắn lợm giọng và chỉ chực nhổ bọt nhưng vẫn cố giữ lại được. Y tự nhủ: " Nó mà nghe tháy tiếng nhổ tất sẽ ngửng đầu nhìn lên. Và nếu nó biết trên này có người thì nó rất có thể rung chuyển cái chòi ọp ẹp này để mình rơi xuống mà ăn thịt. Các ngài mà bụng đói thì phải biết các ngài liều " Ý nghĩ ấy lại càng làm cho Bảy-hai lo lắng, mất bình tĩnh. Nhưng chỉ trong vài phút. Rồi những câu chuyện hiền lành về hổ dần dần nhớ lại khiến y trở nên vững tâm và can đảm nữa. Theo lời nhiều người Mường y quen biết thì con hổ chỉ là một con chó lớn nhút nhát và không dám gần người: Nó cũng giống như loài chó, hể chạy thì đuổi, hể sấn lại thì nó lùi. Điều nhận xét ấy đã được chứng thực: cách đây mới chừng một tháng, một con hổ - có lẽ chính con này cũng chưa biết chừng - đến rình ở sân nhà ông giáo Quý bên phố. Nửa đêm bà giáo thức giấc, dậy ra hiên trông thấy nó và sợ hãi chết ngất đi. Nhưng con hổ cũng sợ hãi chạy trốn.

"Phải, cái giống này chỉ chống lại người khi nào người định giết nó" Bảy-hai nghĩ thế và lấy làm mừng rằng ban nẫy đã không lên đạn bắn nó. Bắn mà trượt hoặc làm nó bị thương thì cứ mà chết với nó thôi. Trong lúc hồi hộp mình có thể run tay bắn chệch đích. Có phải bắn bia đâu mà bình tĩnh ngắm kỹ được !" Ý nghĩ bắn bia làm y mỉm cười quên bẵng con hổ để nhờ đến anh Mười - bốn kỳ vừa rồi, bắn tám phát không những không trúng đích mà không trúng cả cái liếp mang đích...

Y giật mình như chợt tỉnh một giấc chiêm bao: Tiếng khánh sắt bên đồn và tiếng mõ tre các chòi canh vừa đánh thức y dậy, kéo y về với thực tế, với nhiệm vụ, với bổn phận. Thì ra mới qua chưa đầy mười lăm phút thế mà y tưởng đã sống trong hàng giờ dài đằng đẵng. Y vội cằm dùi dơ lên nhưng lại rón rén đặt xuống không dám đánh. Tiếng khánh và tiếng mõ nhắc lại một lần nữa. Y vẫn im lìm không đáp lại.

"Được, mai ta sẽ trình vì sao thiếu tiếng mõ ở chòi này. Mà có bị phạt nữa thì đã sao ! "

Một lát sau, ở trước cổng đồn, một tia ánh sáng thoáng rạch một vệt dài lên tấm sương đêm. Bảy-hai mỉm cười nghĩ thầm:" Đích đèn pin của lão đội rồi! Được cứ đến đây mà bắt... hổ! " Thực vậy, đội Giới vẫn thức để rình. Khi thấy thiếu tiếng mõ ở chòi gác Đông Bắc trại giam, y đoán ngay rằng Bảy-hai đã ngủ. Y liền sang đi " rông " để bắt quả tang kẻ thù phạm tội.

Ánh sáng kín đáo lập lòe, khi chúc xuống đất, khi vọt lên trời, thong thả tiến lại gần trại giam. Bảy-hai cúi xuống nhìn. Con hổ vẫn nằm yên một chỗ, không nhúc nhích. Y bắt đầu lo sợ cho tính mạng người kia. Mối thù, y vụt quên để chỉ nghĩ tới tai nạn xảy đến cho kẻ đồng loại do một loài khác, một loài tàn ác gây nên. Lòng trắc ẩn, tình nhân đạo đến với y một cách tự nhiên, một cách ngẫu nhiên. Y không luận lý nữa, không cân nhắc nữa, chỉ tìm cách cứu sống một con người, thoát khỏi nanh vuốt một con vật. Ánh sáng đã xuống hết giốc và sắp rẽ vào con đường vòng quanh trại, để đi thẳng tới chòi canh của y. Ở chân thang, con hổ vẫn nằm im, đuôi se sẽ đập sườn như báo cho biết rằng nó không ngủ vì có lẽ đã sửa soạn để vồ cái mồi ngon lành đương tiến lại gần. Bị hàng giậu nứa cao che khuất. Bảy-hai không nhìn thấy lửa sáng đèn bấm nữa, nhưng y đã thoáng nghe rõ tiếng lạo xạo xa xa của bước chân trên sỏi và cát. Chỉ vài phút nữa... Y hoảng hốt vội thét:

- Đứng lại ! có hổ đấy !

Rồi vừa rướn mình nhìn qua ngọn hàng rào nứa, y vừa tiếp luôn:

- Có Hổ ! Hổ !Hổ !

Lúc cúi nhìn xuống thì con hổ đã biến đâu mất. Đằng xa tiếng chân chạy mau và nặng. Ngay lúc ấy, cả trại giam xôn xao huyên náo.

- Cái gì thế !

- Hổ ! - lời đáp của Bảy-hai từ trên chồi ném xuống,

- Hổ à ! Hổ các anh ạ !

- Hổ đâu?  Nó đâu ?

Anh em nhốn nháo chạy cả ra sân, lại gần chỗ canh góc Đông Bắc.

- Có hổ thực à Bảy-hai ? Tài hỏi, vì đã nhận được tiếng người lính quen. -

- Lại chà thực !

- Nó đâu?

- Nó đi rồi! Nó nằm gần nửa tiếng đồng hồ ở ngay chân thang

- Nó rình bắt lợn của căng rồi, vì chỗ ấy sát ngay bên chuồng lợn.

- Thế sao không bắn? Súng không có đạn à?

- Có nhưng không dám bắn vì sợ tiếng nổ làm náo động cả trại bị tù thì có mà bỏ mẹ !

- Bị gì thì bị chứ mấy khi gặp mồi ngon thế, mà đi bỏ lỡ. Rõ đáng tiếc !

- Tiếc à I Cu cậu sợ co rúm cả chân tay lại rồi còn bắn với biếc gì,

Câu khôi hài của Hải làm ai nấy phá lên cười và Bảy-hai đáp lại tức tối:

- Xừ nào sỏ siên moa thế hử?

- Không phải tôi sỏ siên anh đâu, anh Bảy-hai ạ. Nhưng sự thực là thế. Tôi đi bắn đã nhiều, giết có tới vài chục hươu nai mà tôi cũng xin thú thực rằng giá có gặp hổ vị tất tôi đã dám bắn. Nói vụng các ngài chứ các ngài oai linh lắm! Đến rào vườn Bách thú nhìn các ngài đi đi, lại lại trong chuồng, cũng đã thấy rờn rợn rồi còn nói chi bắn ngài nữa.

Ai nấy lại cất tiếng cười, và lần này cả Bảy-hai cũng góp vui.

- Thực thế đấy, các anh ạ, Hải kể tiếp. Tôi có người bạn ngồi rình hổ ở trong một gian nhà, qua cái cửa sổ có chắn song sắt kiên cố. Lúc hổ đến anh ta dương súng ngắm bắn, nhưng thấy nó đi đi lại lại oai nghiêm dưới ánh trăng mờ, anh ta sợ hãi mướt mồ hôi, rồi ngất đi, đái cả ra quần.Tỉnh dậy thì con hổ đã đi mất. Các anh thấy chưa, ở trong một nơi vững chắc như thế, và dù có bắn hụt cũng không nguy đến tính mạng thế mà còn không đủ can đảm mổ cò đấy, huống hồ là đứng trên cái chòi mỏng mảnh, ọp ẹp kia.

Cười lại nối, làm ầm ỹ cả đêm khuya thanh vắng và giá lạnh.

- Ông đội có vào trong căng không, các anh?

- Không. Sao? Anh em ngơ ngác không hiểu vì sao Bảy-hai lại hỏi một câu lạ lùng như thế.

Nhưng Bảy Hai chỉ đáp lại sự ngơ ngác của anh em bằng một nụ cười bất tuyệt.


KHÁI HƯNG      

(Trích từ tập truyện ngắn Lời Nguyền)

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

TÌNH NGHĨA GIÁO KHOA THƯ - Sơn Nam

 
 
-Từ đây tới nhà ông Trần Văn Có gần hay xa vậy thầy?

Thầy xã trưởng đáp:

- Ở xóm Cà Bây Ngọp lận! Ðể tôi ra lịnh cho phó hương ấp đòi tên đó tới công sở...

Thầy phái viên nhà báo “Chim Trời” giựt mình.

- Tôi là phái viên, đâu có quyền hạn đó đối với quý độc giả thân mến gần xa.

Thầy xã hỏi:

- Phái viên là gì vậy thầy?

- Là người thay mặt cho tờ báo đi cổ động và thâu tiền.

- À! Bây giờ tôi mới biết cái thằng Tư Có. Nó thiếu tiền của nhà báo hả? Hèn chi nó bơi xuồng lên công sở lãnh báo, đúng bảy bữa là có mặt nó. Nghèo không biết thân lại còn bày đặt làm sang mua báo không trả tiền!

Thầy phái viên cố nén sự bực tức khi nghe người độc giả thân mến của mình bị thầy xã khinh khi; thầy hút thuốc suy nghĩ rồi lại hơi buồn buồn mà nhớ đến sự thất bại về tài chánh.

Ông độc giả Trần Văn Có thiếu sáu tháng tiền báo tức là hai đồng sáu cắc rưỡi. Từ chợ Rạch Giá vô đây, thầy đã tốn gần ba cắc rưỡi tiền tàu, tiền thuốc hút. Chuyến về lại phải xuất thêm ba cắc nữa... Ông độc giả nghèo nàn này chắc gì trả được một đồng trong số tiền thiếu chịu nhà báo!

Nhưng đã tới đây rồi mà trở về thì uổng cuộc viễn du Hậu Giang này quá! Thầy phái viên quyết tình binh vực thể diện của người độc giả nọ:

- Không phải tôi đi đòi tiền! Tôi đi dò hỏi ý kiến bạn đọc đối với tờ báo. Tiền bạc là quý... Nhưng ý kiến của bạn đọc lại quý hơn. Ðộc giả ở tới đâu, chúng tôi đi tới đó.

Sau vài phút đi tới đi lui, thầy xã gật đầu:

- Ðược. Ðể tôi biểu thằng “Trạo” chèo tam bản đưa thầy. Thầy nên dè chừng. Tên Trần Văn Có nói mười, thầy tin một là vừa. Anh ta công kích tờ Lục Tỉnh Tân Văn của nhà nước Lang Sa gởi xuống công sở; đi ăn giỗ thì nói chuyện Hít Le, chuyện nước Ý đánh nước Á, chừng hỏi kỹ mấy nước đó ở đâu, anh ta bí lối nói lảng qua chuyện Tàu...

Thầy phái viên tò mò:

- Vậy thì ông độc giả của chúng tôi rành chữ nho?

- Ai biết rõ được. Anh ta nói có dây có nhợ, tích người học trò nghèo tên là người Thừa Cung gì đó... chăn heo; ông quan đại thần Lý Tích đích thân nấu cháo cho chị ăn dè đâu bị lửa táp cháy râu. Chưa hết đâu, thầy phái viên ơi! Hễ gặp ai say rượu anh ta nói một hơi như thầy chùa tụng kinh, có ca có kệ. Cái gì mà các anh hãy trông người kia đi ngoài đường, mặt đỏ gay, mắt lờ đờ...

Thầy phái viên cười lớn, nhịp mạnh tay xuống bàn ba bốn lần như đánh trống chầu hát bội, đôi mắt sáng ngời, chân nhảy nhót như con nít:

- Hay quá! Hay quá! Tôi thăm ông độc giả đó mới được. Ổng làm thầy giáo hả thầy? Nhờ thầy đưa tôi đi tới gặp mặt. Ngộ quá hen! Ừ! Ừ!

Bực mình quá chừng, thầy xã nghĩ: “Ông phái viên này kêu mình bằng thầy mà lại tưng bốc kêu Tư Có bằng ông. Hay là ổng chê mình không dám xuất tiền mua báo như Tư Có. Chừng bận về, mình mua vài năm báo chơi cho biết mặt”.

Thầy xã hối thúc cho chú trạo sửa soạn quai chèo đưa thầy phái viên đến ấp Cà Bây Ngọp. Thầy phái viên cám ơn một tiếng nhỏ rồi cúi đầu xuống nói rù rì như xa như gần, trong cuống họng:

- Ờ! Ðể coi các anh hãy trông người kia đi ngoài đường, mắt đỏ gay, mắt lờ đờ, quần áo xốc xếch, chân đi xiêu bên nọ vẹo bên kia, múa chân múa tay, mồm nói lảm nhảm... Lũ trẻ theo sau reo cười chế nhạo... Ðúng vậy, QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ lớp sơ đẳng, Việt Nam Tiểu học tùng thư... Sách này do Nha Học Chính đã giao cho ông Trần Trọng Kim, ông Ðặng Ðình Phúc và ông Ðỗ Thận soạn... Eo ơi! Cái buổi thơ ấy đó nay còn đau.

Ðường đi ấp Cà Bây Ngọp quá xa vời! Chiếc tam bản nhún xuống một cái “ồ” rồi nhảy tới một cái “sạt” theo nhịp chèo hai chèo. Nắng chang chang rắc vàng trên thảm cỏ hoang xanh ngắt. Vài nhánh bình bát gie ra, quất vào bụi sột soạt. Xế chiều, cò trắng phất cờ như đón người khách lạ. Trích, cúm núm kêu ré lên. Con rạch thâu hẹp lại. Chiếc tam bản lắc nghiêng như trái dừa khô trên mặt nước đầu sóng gió. Ánh trạo chèo một chèo, nghiêng mình bên hữu. Rồi bỗng nhiên anh chụp mỗi tay một cây chèo mà chèo trên đất khô bên bờ rạch. Chiếc tam bản lại lướt nhanh trong lòng nước quá hẹp, vừa đủ lọt bề ngang.

Anh trạo mỉm cười:

- Chèo như vậy đi lẹ hơn. Mọi lần mùa hạn, nước cạn queo, dưới sông đầy bùn non, tôi cưỡi trâu trên bờ mà kéo. Chiếc tam bản đi như cộ kéo lúa...

- Chú trạo biết rành nhà Tư Có không?

- Dạ, biết. Tư Có ở một mình, nuôi heo, giăng câu, ăn ong, nghe nói y ở xứ Vãng Long xuống đây tính bề dạy học mà xin phép chưa được...


Buổi cơm chiều ngon lành làm sao! Ăn cá lóc nướng trui, uống rượu “ông cọp”. Anh trạo đã về, Tư Có kềm thầy phái viên ở lại ngủ một đêm, chú hứa sáng mai bơi xuồng đưa thầy trở lại công sở mà đón tàu đò. Thếp đèn dầu cá kéo thêm một tim thứ nhì nữa, cháy khá sáng. Bếp un dưới đất tỏa lên cuồn cuộn, tỏ rõ từng sợi khói mịn màng như mành lưới tơ giăng bủa khắp căn chòi nhỏ hẹp.

Tư Có bỏ mùng xuống, chun vô tấn ba phía rồi mời:

- Thầy Hai vô trong này ngồi nói chuyện cho vui. Ở ngoài muỗi cắn. Khói như vậy mà muỗi cứ bu lại rớt lềnh trong thếp đèn dầu cá đó.

Ngượng nghịu, thầy phái viên nhà báo Chim Trời rón rén dở mí mùng, chun lẹ vào ngồi kế bên:

- Xứ gì lạ quá! Anh Tư ở đây hoài sanh bịnh chết.

Tư Có đáp:

- Xứ Cà Bây Ngọp, tiếng Khơ Me nghĩa là trâu chết. Hồi đó nghe nói trâu “len” tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỷ niệm luôn... Bởi vậy dân tình bịnh hoạn, thưa thớt, làng này chưa cất nổi cái trường học.

Thầy phái viên trố mắt:

- Vậy à? Còn mấy làng khác?

- Ðông Thái, Ðông Hoà, Ðông Hưng, Vân Khánh Ðông... không làng nào có trường hết. Thầy nghĩ coi...

- Hèn chi miệt này chỉ một mình anh Tư là độc giả báo Chim Trời của chúng tôi... Báo có thích hợp không anh Tư?

- Nói chí tình, đó là của người bà con ở Sài Gòn “đăng” dùm tôi, ban đầu tưởng nói chơi dè đâu nhà báo gởi xuống thiệt, xem cũng đỡ buồn. Phần nhiều bài vở của mấy ông viết cao quá. Tôi thường đọc cái trương Văn Uyển, có bài thơ bát cú vủa cô Bích Lý vịnh cảnh sông Hương. Hay quá lẽ! về sau, ông Trần Bất Diệt ở Cầu Kè họa vận...

Thầy phái viên gật đầu, ừ lấy lệ, thật ra hồi nào tới giờ đi cổ động cho báo Chim Trời mà ít khi thầy đọc kỹ báo nhà. Tư Có hỏi tiếp:

- Nhà báo Chim Trời đông người không thầy? Chắc là lớn lắm? Làm sao mà thành chữ được.

- Có thợ chuyên môn ráp từ chữ a, chữ b.

- Trời thần ơi! Biết tới chừng nào mới xong, chắc là thợ đông lắm... Còn mấy ông chủ nhiệm, chủ bút, phóng viên... Chắc làm việc rần rộ ngày đêm.

thầy phái viên sực nhớ đến tình trạng loe hoe của tòa soạn, gật đầu lần nữa.

- Làm báo thì cần nhiều trí óc lắm phải không thầy phái viên? Tiếc là hồi nhỏ cha tôi chết sớm. Hồi đó, ổng làm thầy giáo cũng đặt thơ bát cú, từ cú. Cha tôi chết, má tôi giữ mấy pho sách, dạy lại tôi. Ðó là sách Quốc Văn giáo khoa thư, thầy còn nhớ không?

Thầy phái viên cười:

- Nhớ chớ. Làm sao mà quên được! Hồi nhỏ tôi hớt “ca rê”, tay xách tòn ten bình mực đi học ở trường làng. Hồi đó, trí óc minh sáng suốt, nhớ dai lắm. Bây giờ lớn tuổi, đầu bạc hoa râm, đi làm ăn rày đây mai đó, nhớ nhà, nhớ trường học, nhớ làng xưa.

Tư Có nói:

- Chắc là thầy muốn nói bài “chốn quê hương đẹp hơn cả” chớ gì?

Rồi chú đọc một hơi:

- Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: ông đi du sơn du thủy...

- Ðó đa! Ðó đa! Anh Tư nhớ kỹ quá... Người du lịch mới trả lời: ở chốn quê hương... từ cái bụi tre ở xó vườn cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi cho tôi những mối cảm tình chứa chan... Bài đó có hình ông già mang kiếng, chống gậy nói chuyện với mấy người khăn đống áo dài.

- Thì hình nào cũng khăn đống áo dài. Trừ ra cái hình thằng nhỏ chăn trâu cầm roi: ai bảo chăn trâu là khổ... Không, chăn trâu sướng lắm chứ.

Thầy phái viên phụ họa theo như cùng hợp xướng:

- Ðầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tôi nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ...

Rồi thầy kéo qua những đoạn khác mà thầy nhớ:

- Hay quá! Nhà báo bây giờ không ai bằng. Văn chương như vậy là cảm động lòng người... Như cái hình ông già đẩy xe bò lên dốc, có hai đứa học trò kéo dây tiếp sức. Trời nắng to. Ðường thì dốc. Một ông lão đẩy cái xe lợn. Trên xe có ba bốn con lợn to, chân trói bụng phơi và mồm kêu eng éc...

Tư Có vỗ trán:

- Còn ông già khuân tảng đá nữa, thấy mà thương: Trời nhá nhem, chạng vạng tối, tôi thấy một ông cụ già hì hục khuân tảng đá. Ông cụ nhắc lên để xuống đến bốn năm lần mới đem được từ giữa đường đến chỗ bụi cây mà bỏ đấy... Lão đi lỡ vấp phải tảng đá này, sầy cả chân đau lắm nên khuân bỏ vào đây, sợ có người vấp nữa chăng.

Thầy phái viên lại không chịu rằng mình kém trí nhớ:

- Ngang hình ông già đó, trương phía tay trái có bài chọn bạn mà chơi, thói thường gần mực thì đen. Cha chỉ ngón tay, con đứng khoanh tay cúi đầu mà nghe. Dưới chót lại có hàng chữ: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.

Tu Có gật đầu:

- Ðó là ngụ ý răn đe gương tốt thói xấu. Phải siêng năng như Sửu chăm học, ngồi bên đèn mà đọc sách; đừng lười biếng như thằng Bình đánh vòng. Phải bền chí học hành. Ờ thầy phái viên chắc nhớ cái hình con kiến tha mồi! Văn chương nghe như đờn Nam Xuân: Nước mềm, đá rắn thế mà nước chảy mãi đá cũng phải mòn. Sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn, vậy và dây cưa mãi cũng đứt. Con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ. Người ta cũng vậy...


Không ai bảo ai, hai người lại nằm xuống lim dim. Tuổi của họ đã quá ba mươi! Nước chảy mãi mà sao đá không thấy mòn? Sợi dây cưa mãi, gỗ chưa đứt mà sợi dây sắp đứt trước. Sự nghiệp của họ nào đã có gì: Kẻ mến cái thú ở nhà quê, người lận đận với cái thú ở kẻ chợ.

Nằm mãi không ngủ được, thầy phái viên lắng nghe những tiếng động trong nhà, giữa tiếng mọt nghiến gỗ kèn kẹt như người đưa võng, bất chấp tiếng chuột chạy sột soạt và nhất là tiếng muỗi rừng lộng hành kêu vo vo, thầy mơ lại những ngày năm nay tôi lên bảy, tôi đã lớn, tôi không... lêu lổng nữa. Còn đâu mùi hương của những quyển sách mới bao bìa kỹ lưỡng nhưng vài ngày sau đã rách bìa! Làm sao nghe được tiếng phập phồng trong ngực của đứa bé khi trời mưa to, đi học trễ, run rẩy bước vào trường rồi cổi áo phơi ngay trong lớp... Ðây, thầy giáo mặc đồ bà ba, lâu lâu bước ra khỏi lớp để chào hỏi khi thầy xã, thầy cai tổng đi ngang qua. Một đôi lúc, thầy giáo quá cay nghiệt đã dùng thước đánh vào những đầu ngón tay non yếu, hoặc hươi cây thước bảng...

Dầu sao đi nữa, những kỷ niệm xa xưa vẫn vui, vui như một lũ học trò giành nhau chụp cho được cây dùi trống, đánh thùng thùng báo hiệu giờ vào lớp.

Giọng Tư Có nói nhỏ:

- Ngủ chưa, thầy phái viên?

Thầy phái viên yên lặng, trời mới mưa, các chỗ trũng đầy nước cả nên cóc và nhái kêu ính ỏi. Vài giọt mưa rớt nhẹ xuống đất... Và rơi trên rạch Cà Bây Ngọp trước nhà. Hồi năm nào, thầy là giọt nước trong lành đó, bây giờ nó đã trôi xa, ra sông, chứa đựng rác rến, chảy hăng ra biển. Ừ, họa chăng đó là con đường hiệu quả nhất là được sớm bốc thành hơi, đầu thai trở lại nguồn... Nghĩ vậy, thầy khoan khoái mỉm cười ngồi dậy hỏi:

- Ngủ chưa anh Tư?

- Chưa!

- Tôi nãy giờ cũng vậy, muốn ngủ sớm để mai về nhà, mà không thấy mệt.

Im lặng một hồi lâu, rất lâu, Tư Có nói ngậm ngùi sau một tiếng thở dài:

- Biết lấy gì làm sở phí cho thầy. Thầy nói thiệt tình nghe coi... Chắc thầy tới đây thâu tiền.

- Ðâu có! Ðâu có! Mình là bạn đời với nhau...

- Thầy hiểu cảnh tôi. Không lẽ gởi cá lóc, rùa, mật ong... nhờ thầy đem về Sài Gòn gọi là tiền của tôi trả cho nhà báo. Tôi “đăng” là vì ái mộ báo Chim Trời chớ ít đọc lắm. Mấy thầy viết cao quá. Tôi mua để dành về sau cho đủ bộ.

- Anh Tư đừng ngại chuyện đó. Cứ tiếp tục đọc. Lâu lâu dò nơi mục Thư tính không chừng có lời của tôi thăm hỏi anh Tư. Nếu thấy báo đăng đòi tiền các độc giả, xin anh Tư hiểu rằng đó là nhắc nhở các người khác. Tôi hứa nói lại với ông chủ nhiệm mỗi kỳ gởi tặng anh Tư một số báo, hoài hoài cho tới số chót.

Chú Tư Có vô cùng cảm động:

- Thôi thầy ngủ lấy sức để mai về bình yên. Khuya nghe chồn cáo cộc kêu, thầy đừng giựt mình: Ở đây miệt rừng, không có... xa xa thì nghe tiếng chó sủa trăng.

Thầy phái viên cười dòn, tưởng tượng cái cảnh biệt ly ngày mai “Ôi! Cái cảnh biệt ly ở xóm Cà Bây Ngọp sao mà buồn vậy!” Vĩnh biệt thì đúng hơn. Nghe nó buồn như một giọng hò, một câu rao Vọng Cổ, nhưng thầy chưa muốn nói ra, giờ này.

 

SƠN NAM    
 
    (Trích trong tập những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta)
 

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

VIẾT TRONG NGÀY KHAI GIẢNG - Lê Phước Dạ Đăng















CHO SÂN TRƯỜNG

xin vẫy chào hàng cây giá tỵ
có gió trên cành đang khẽ reo
ngươi cũng mừng à - vui quá nhỉ?
(tháng năm ngươi cũng đã già theo).

CHO LỚP HỌC

Bàn ghế chẳng đổi thay
Kỷ niệm còn vương đó
mở cửa phòng hôm nay
lại bắt đầu gắn bó.

TẶNG THẦY CÔ

Thầy già thêm một chút
Mái tóc bớt màu đen
cô cười hồng đôi má
như vầng trăng mới lên.

CHO BẠN BÈ

nụ cười và nụ cười
ru nhau trong lịm ngọt
có bao chuyện buồn vui
Đều đem ra chia sớt.

CHO NGƯỜI YÊU

gió hong mái tóc của nàng
nắng đan võng lụa kết vàng trên ngai
mắt em chừ đã căng đầy
nhớ thương đếm đủ những ngày xa nhau.

                                          LÊ PHƯỚC DẠ ĐĂNG

(Trích tạp chí Tuổi Ngọc số 119)