Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

ÔNG GIÀ NOEL - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Tôi vẫn thường sợ những dịp lễ và hội hè. Ngày Tết Trung Thu, Noel... những cuộc vui hàng năm ấy chỉ làm tôi buồn thêm, lạc loài giữa cả thế giới nhộn nhịp tưng bừng của những con người có một gia đình quây quần hay một người yêu thân ái.

Tôi không có những thứ ấy. Mặc dầu tôi có thể tìm thấy niềm an ủi đó được nếu chịu khó một chút, dễ tính hơn chút nữa đối với người chung quanh, nhất  là vài cô gái láng giềng lúc nào cũng có vẻ sẵn sàng chịu đàn ông làm quen và tán tỉnh. Nhưng tôi thấy nản họ quá, thói quen của tôi là sống yên ổn tĩnh mịch một mình, nên rốt cuộc tôi là người cô độc.

Cô độc, tình cảnh đẹp đẽ và cao quý thật. Nhưng cứ mỗi lần đến đêm Giáng Sinh, cô độc làm người ta đau đớn lặng người đi.

Tôi còn là một sinh viên tập tễnh trong những năm đầu tiên ở Đại Học, tôi xa nhà, hay bỏ nhà cũng thế. Tìm được một chỗ trọ cũng gần với trung tâm Sài Gòn, như thế cũng tiện cho tôi lắm rồi. Tôi tạm bằng lòng với căn gác xếp nhỏ trên lầu, dưới nhà là chỗ ở của bà chủ nhà với một cô con gái nhỏ. Đây là một gia đình sung túc êm ấm mặc dầu tôi không thấy bóng dáng của người chồng.

Vào khoảng hơn sáu giờ chiều, tôi ra ngồi ngoài bao lơn một mình, tiếng nhạc từ máy phát thanh ở dưới nhà vọng lên vang vang những bài hát Thánh Ca Giáng Sinh nghe rộn ràng làm tôi nao lòng quá. Đêm nay là đêm Giáng Sinh rồi, phố xá chắc sẽ ngập người và đèn đuốc lộng lẫy, ánh sáng lung linh rực rỡ của những ngọn đèn ngôi sao và cành thông lấm tấm giăng đầy bóng đèn, áo quần mới sặc sỡ của đàn bà con gái đi nhà thờ về, lượn phố thêm một vài vòng cho thiên hạ nhìn ngắm...

Tôi lui vào căn phòng vắng tanh, ngọn đèn vàng mù mờ ; không có dấu hiệu gì của một đêm Giáng Sinh trong căn phòng này cả. Không bánh ngọt, không cây Noel, không máng cỏ với Chúa Hài Đồng, một thiệp mừng Noel cũng không có nốt.

Thế này thì tôi phải dạo phố một vòng cho đỡ buồn mới được, dầu có thể lại càng buồn hơn trong cảnh ồn ào đêm nay. Tôi dụi tắt điếu thuốc, thay quần áo. Trời bên ngoài tối dần, xa xa ánh sáng mù mờ của ngọn tháp một ngôi giáo đường nào đó.

Khi tôi vừa xuống hết những bực thang gỗ, trong nhà dưới hôm nay có vẻ gì khác lạ làm tôi tò mò liếc nhìn vào, cô bé con đang ngồi bệt dưới nhà, thừ người nhìn vào cái máng cỏ xem cũng có vẻ đã tốn nhiều công phu và khéo tay lắm mới làm được, cô bé khoảng tám tuổi, thỉnh thoảng cứ đưa tay vào sửa đổi vị trí của ba ông vua nhỏ.

Bà Phương, người chủ nhà đang cột những gói giấy bóng vào cành thông trên cây Noel. Bà giật mình khi nhìn thấy tôi đứng quan sát cảnh tượng gia đình ấm cúng đó. Tôi mỉm cười chào, nói một câu xã giao lấy lệ:

- Chà... Bà với cháu nhỏ năm nay ăn Noel lớn quá nhỉ.

Bà Phương cúi xuống vuốt tóc cô con gái, trả lời:

- Thì tôi phải bày vẽ thêm một chút cho nó vui. Không biết mấy "xơ" trên trường nói gì mà nó cứ đòi phải có cây Noel và máng cỏ cho bằng được.

Cô bé ngửng đầu lên:

- Còn ông già Noel nữa chớ má. Thiếu "ổng" đâu có được.

Bà Phương mỉm cười với tôi rồi khẽ cốc đầu cô con gái:

- Thiệt là đòi đủ thứ hết. Ông già Noel đến nửa đêm mới có được.

Tôi đứng nhìn một chút những bóng điện xanh đỏ cháy lập lòe trên cành thông, rồi chào bà Phương, ra khỏi nhà. Tôi ngạc nhiên nghe tiếng gọi hơi ngập ngừng của bà Phương:

- Cậu... Tối nay cậu về sớm ăn mừng đêm Noel với mẹ con tôi nhé.
 
Đề nghị đó quả làm tôi lúng túng. Từ khi đến đây ở trọ khoảng ba tháng nay, ít khi có dịp, và tôi cũng không muốn chuyện trò thân mật gì với gia đình bà chủ nhà. Đi đâu về, gặp bà Phương tôi khẽ chào một cái rồi đi lên gác trên ngay, mỗi đầu tháng đóng đủ tiền trọ kèm theo đôi ba câu chuyện lấy lệ, ngay cả cô con gái của bà tôi cũng không biết tên gì.
 
Tôi lúng túng nói:
 
- Cám ơn bà. Nhưng sợ phiền...
 
- Đâu có... Tôi mời cậu mà.
 
Cô bé ngước mắt nhìn tôi chờ đợi, tôi mỉm cười xoa má nó, và nói:
 
- Sợ có thêm người lạ làm cháu nhỏ ăn mất ngon.
 
Bà Phương bật cười:
 
- Nó vui thêm thì có. Chẳng mấy khi có khách, mẹ con cứ lủi thủi với nhau mãi. 

Cô bé nắm lấy tay tôi:

- Chú nhớ về ăn Noel với cháu nha chú. Đêm nay có gà quay, bánh kem, đủ thứ hết đó chú... Còn gì nữa không má?

Bà Phương trả lời con gái, nhưng nhìn tôi:

- Có rượu vang, nhưng để cho chú uống, con chưa uống được đâu.

Tôi cảm thấy ấm lòng lạ thường, tự nhủ thôi cũng nên vui vẻ trong cảnh gia đình này một đêm, còn hơn là ngủ vùi trong căn phòng tối om để quên đi tiếng chuông nhà thờ kêu réo bên ngoài.

Tôi gật đầu với cô bé, nói rằng tôi sẽ đi một vòng phố chơi cho biết đêm nay có gì lạ, đến khuya tôi sẽ trở về trước mười hai giờ để cùng đón mừng giờ Chúa Hài Đồng ra đời.

Khi tôi bước ra khỏi nhà, lầm lũi đi trên con đường tối đen nhưng đang lố nhố bóng người lũ lượt kéo nhau vào trung tâm thành phố, tự dưng tôi cảm thấy một niềm vui êm ấm dịu dàng len vào trong người.
 
 
Lần đầu tiên từ ba tháng nay, ngôi nhà này không phải chỉ là chỗ tạm trú nghỉ lưng khi tôi đã mỏi gót chân lang thang suốt ngày nữa. Lần đầu tiên, khi vừa bước ra khỏi căn nhà để xuống phố, tôi nao nức trở về mau chóng, gõ những tiếng vội vã nôn nóng trên cánh cửa để được mời vào.

Bên trong, biết có thứ ánh sáng nồng nàn nào chào đón...

*

Đêm nay đúng như tôi đoán trước, phố phường kẹt cứng người và xe cộ. Thiên hạ nhởn nhơ lượn qua lượn lại trên một vài con đường chính, chen lấn nói cười với nhau thật vui vẻ. Nhưng không biết trong bụng những người đàn ông đàn bà nét mặt rạng rỡ kia nghĩ thế nào, chứ tôi thì chán nản quá. Tôi hiện không có được một người tình nào để dắt tay nhau dung dăng dung dẻ dưới hàng cây vệ đường âm u đầy những bóng tối thuận lợi. Một mối tình kiểu học đường của tôi vừa tan vỡ cách đây một tuần, bây giờ tôi thấy hối hận đã không cố kéo dài nó thêm một tuần nữa cho qua khỏi đêm Giáng Sinh trống trải này.

Tôi phải chật vật lắm mới tìm được ghế ngồi trong quán Pagode, cùng bàn với một lũ bạn gặp tình cờ ngoài đường. Quán đầy đặc hơi người và khói thuốc ngột ngạt, những cửa kính đều được mở rộng ra cho thoáng khí, như thế ngồi ngay ở bàn bên ngoài, tôi có thể ngắm nghía mọi người đi trên hè phố gần sát hơn.

Quán nằm trên con đường chính của thành phố, lại gần Nhà Thờ Đức Bà nên tất cả những đứa con trai cô đơn vất vưởng trong đêm này đều chen chúc lấy một chỗ ngồi ở đây, hút thuốc lá phì phà, vừa tán chuyện gẫu vừa ngắm nhìn phê phán những người đẹp đi nhà thờ về. Có thể nói tất cả những người đàn bà đẹp hay có một chút nhan sắc đêm nay thế nào cũng đi ngang qua đây một lần.

- Thật là một cuộc thi Hoa Hậu không mất tiền mua vé xem.

Một gã bạn thích thú nói, sau hớp la de. Ly nước của tôi đã cạn nhưng tôi không tài nào kêu thêm một cái gì uống được, mấy người bồi biến đâu mất trong đám khách như rừng rậm, viên quản lý thì cứ đứng nơi cửa đàng xa, mắt dáo dác xem chừng có ông khách quý nào thừa dịp đông đảo quỵt tiền nước dông mất.

Chuông nhà thơ reo vui gióng giả từng hồi, những bóng đèn đủ màu giăng trên cao sáng nhấp nháy cả một góc trời. Mấy cô cậu nhỏ đeo râu giả và mang mặt nạ thằng hề đầu đội nón chóp nhọn màu mè, thi nhau tung hoa giấy vung vãi vào bất cứ người  nào, vài người lớn tuổi quỷ quái nào đó thừa nước đục thả câu, giấu mặt mình sau tấm mặt nạ để chọc gái. Mấy cô gái bị thiên hạ cố tình chen lấn và thỉnh thoảng bị một bàn tay bí mật nào đó thò ra từ đám đông múa may gỡ gạc, làm mấy cô cứ kêu thét lên oai oái.

Tôi cảm thấy đỡ buồn một chút ít khi ngắm cái hoạt cảnh hỗn độn ấy diễn ra trước mắt.

Về khuya, đường vẫn chưa ngớt người, phố phường ồn ào âm thanh quay cuồng của gót chân và tiếng cười nói thay thế cho những nốt nhạc và tiếng hát ngợi ca đêm kỷ niệm này. Máy nhạc trong quán chạy một bản kích động thời trang như mọi khi, nhưng không còn ai nghe được giữa bầu không khí huyên náo.

Tôi cảm thấy mệt mỏi, thời gian như chậm lại và kéo dài ra, làm sao mà tôi có thể lắng nghe từng khoảnh khắc trôi qua trong suốt một đêm, như nhiều người vẫn thao thức đợi từng giây phút trong đêm nay.

Đám bạn bè ồ ạt kéo ghế, đứng dậy. Một gã vỗ vào vai tôi:

- Đi với bọn tao, mày. Tha hồ vui suốt đêm.

Tôi ngần ngừ một chút rồi lắc đầu từ chối, viện ra một lý do mơ hồ nào đó. Người bạn ngạc nhiên, rồi cười lớn:

- Chà. Có hẹn với "em" nào hả? Thôi, bọn tao đi chơi đây. Chúc mày đêm nay du dương thỏa mãn.

Tôi cười cải chính nhưng không ai tin, kỳ cục thật, sao tôi không theo bọn bạn này vui chơi một đêm. Đi với tụi nó là yên trí có đủ cả... gái, rượu, âm nhạc, khói thuốc, tiếng cười say sưa cả đêm, mỗi năm có một lần thôi.

Và tôi chờ đợi gì trong căn nhà mà lát nữa tôi sẽ quay về đúng hẹn. Một người đàn bà không xa lạ hẳn nhưng cũng không có gì thân thiết, trẻ con và cành thông thơ mộng của tuổi thơ...Không có hạnh phúc nào hứa hẹn trong ngôi nhà nhỏ bé đó cả, nhưng tôi biết tôi sẽ quay về, dầu phải bỏ rơi những thú vui thường lệ với bạn hữu.

Cuối cùng, kim đồng hồ mù mờ nóc Giáo Đường chỉ đúng mười một giờ, tôi về nhà.

Cũng giống như lúc ra phố, như tất cả mọi lúc, tôi đi một mình lầm lũi, xa cách với lớp sóng người hân hoan. Bây giờ chỉ có một điều nhỏ nhoi khác lạ, tôi cảm thấy vui sướng khi bước chân vội trở về.

Tôi chưa mở cửa vội, bên trong cánh cửa, ánh đèn vây kín sau lớp kính thủy tinh, trông cũng có vẻ hồng hào thân ái lắm.

Cô bé miệng khe khẽ hát theo một bản nhạc từ chiếc máy đĩa cũ, áo quần của cô mới rực rỡ. Bà Phương dựa người trên chiếc ghế bành, đầu tóc bà ngửa ra đằng sau, chân đong đưa nhẹ theo tiếng hát của cô con gái.

Tự dưng tôi không muốn vào ngay, tôi bỗng thấy muốn đứng lặng lẽ như thế này hoài, ngắm nhìn bà Phương thêm chút nữa.

Tôi không phải là kẻ tò mò, nhưng thỉnh thoảng đôi ba câu chuyện ở quán cà phê trong xóm do những láng giềng kể lại, tôi cũng biết chút ít về bà Phương. Vợ chồng bà ly dị đã mấy năm nay, người chồng đem theo đứa con trai ở một xứ xa, để lại cho bà căn nhà này với đứa con gái. Chỉ có thế, và tôi cũng không thắc mắc tìm hiểu thêm làm gì. Điều đó thật vô ích, mối liên quan duy nhất giữa người chủ nhà và kẻ ở trọ, có lẽ là việc đóng tiền nhà mỗi tháng đầy đủ, và mỗi người nên sống yên với chính mình, đừng làm rộn gì đến kẻ khác.

Nhưng đêm nay, hình ảnh bà Phương bên sau cánh cửa, cánh cửa đã ngăn cản mọi tiếng động trong nhà, hình ảnh người đàn bà ấy hiện ra trông thật cô đơn, mảnh mai và cũng... mang một vẻ đẹp quyến rũ bí mật nào.

Đây là lần đầu tiên từ nhiều tháng nay, tôi nhìn bà Phương với đôi mắt khác vẻ xã giao thông thường. Bà có lẽ mới đến cái tuổi ba mươi, quá khứ là một thiếu nữ xinh đẹp yêu đời, và giờ đây, nàng thiếu phụ ít khi thấy được niềm vui tươi tắn trên khuôn mặt, nhưng nhờ thế vẻ mệt mỏi đơn lẻ lại trở nên diễm ảo.

Bà Phương nghiêng đầu nhìn ra cánh cửa, và tôi không thể đứng im như thế nữa, tôi mở cửa bước vào nhà.

Cô bé reo lên:

- Trời ơi, tưởng chú không về rồi.

Tôi nói:

- Như thế khỏi chia phần bánh của cháu chứ.

Cô bé bĩu môi:

- Chú coi bánh nè, to như vầy sợ ba người ăn hoài cũng không hết à.

Cái chữ "ba người" có vẻ thân mật quá làm tôi lúng túng liếc nhìn về bà Phương, bà chỉ cười âu yếm nhìn con, và khi bà cười với tôi, vẻ âu yếm trên đôi mắt sâu ấy chưa kịp tan đi mất.

Chúng tôi ngồi vào bàn, Bà Phương xé cho cô con gái một chiếc đùi gà quay, hàm răng cô nhỏ nhai ngon lành với mẩu bánh mì dòn tan. Ly của tôi được rót đầy rượu, bà Phương mỉm cười:

- Không có sâm banh đâu, cậu uống tạm thứ này nhé.

Tôi nói thành thật:

- Ngon lắm rồi:

Rượu chát đỏ quả thật ngọt dịu, đựng trong chiếc chậu nhỏ, trộn lẫn với nho, cam, táo. Tôi uống một hớp, sau tiếng cụng ly rộn ràng vui tai với bà Phương. Chất rượu đỏ sẫm lóng lánh, một chút thơm ngọt, một chút cay nồng nhẹ nhàng. Tôi chợt thấy đêm nay dầu trời Saigon chưa lạnh theo đúng kiểu của một đêm Giáng Sinh, hai mẹ con bà Phương vẫn khoác chiếc áo len mỏng, của cô bé màu vàng, và người mẹ màu đỏ rượu chát.

Tôi và bà Phương nói vài câu chuyện vẩn vơ, hầu hết là những chuyện học hành của cô con gái. Bà không hỏi gì về tôi, và tôi cũng thế, tôi chỉ muốn hỏi đêm nay bà có xức nước hoa gì không mà sao mùi thơm bao trùm lấy căn phòng, nhưng dầu đã ngà ngà tôi cũng không dám hỏi một câu như thế.

Bỗng chốc, bàn ăn như rơi vào im lặng. Bà Phương cũng ngồi yên không nói gì, bà chỉ thoáng nhìn tôi và tôi bắt gặp khuôn mặt bà ửng chín màu rượu. Mặt của tôi bây giờ chắc cũng đang đỏ kè vì tôi là người máu tốt, một chút rượu cũng làm đỏ mặt huống hồ tôi đã uống gần cạn hũ. 
 
Cô bé bỏ nhiều đồ ăn trên dĩa như đã no nê, cô cầm lấy một miếng bánh ngọt rồi rời bàn ăn, ngồi dưới nhà nhìn chăm bẳm vào trong máng cỏ, co ro mình như là đang ở trong trời mưa tuyết.

Tôi định nói một câu gì để phá tan sự im lặng nhưng cô bé đã lên tiếng:

- Ăn no rồi làm gì nữa má?

- Con sửa soạn đi ngủ.

- Nhưng ông Già Noel chừng nào mới đến, má?

- Ông phải đợi lúc con ngủ say đã. Con nhớ treo đôi vớ trên thành giường để ổng bỏ quà vào.

Cô bé bỗng hỏi tôi:

- Ông Già Noel có thật không chú?

Bà Phương liếc nhìn tôi mỉm cười như thầm bảo tôi thuyết phục cho cô bé. Tôi đành cố nặn óc nhớ lại về hình ảnh ông Già Noel mà đã lâu tôi không để ý gì nữa từ lúc qua hết tuổi thơ. May mà men rượu làm tôi hứng chí ba hoa một hồi:

- Có chứ. Ông Già Noel khoảng chừng... chín mươi tuổi gì đó. Râu tóc ổng bạc phơ. Mỗi đêm Giáng Sinh, ổng mang một chiếc gùi sau lưng đựng đầy nhóc đồ chơi rồi tìm đến nhà những đứa trẻ con ngoan ngoãn, như... cháu.

Tôi dùng lại. Bà Phương nhìn tôi và bỗng cả hai cùng cười. Tôi tiếp tục sau một hớp rượu:

- ... Rồi đợi đến nửa khuya, ông già Noel sẽ tuột máng xối vào trong phòng cháu, ông sẽ bỏ đồ chơi vào đầy hai ống tất của cháu rồi lặng lẽ trèo lên nóc nhà leo qua nhà một đứa trẻ khác.

Cô bé im lặng suy nghĩ một chút rồi do dự hỏi:

- Có bao giờ ông Già Noel già thêm rồi chết không chú?

- Không... đời nào ổng chết được. Cả mấy trăm năm nay rồi ông đâu có già thêm tí nào. Đến ngày Noel ổng lớn thêm một tuổi nhưng đến ngày Tết thì ổng lại nhỏ bớt đi  một tuổi, cứ như thế hoài nên ổng sống dai số một, lúc nào cũng xấp xỉ ở chặng chín mươi thôi.

Tôi không ngờ lời giải thích của tôi lại phóng đại đến như thế, nhưng cố bé có vẻ tạm hài lòng, cô đứng dậy ôm theo con búp bê, chạy lại đưa má cho mẹ hôn và nói:

- Thôi, con đi ngủ, má nhớ nhắc ông Già Noel nha.

Bà Phương gật đầu. Căn phòng khách chỉ còn lại hai người, những người lớn đáng thương không biết làm gì cho qua hết đêm, đâu còn sung sướng hồi hộp đợi chờ một ông Già Noel đến tặng quà nữa. Giọng bà Phương nhẹ nhàng bông đùa:

- Cậu có vẻ quen biết với ông Già Noel quá nhỉ.

- Hồi nhỏ tôi cũng đợi háo hức không kém.

Bà Phương bỗng tiến sát đến tôi, thì thầm nói nhỏ:

- Đêm nay tôi phải đóng vai ông Già Noel đó.

Tôi cười thú vị:

- Thế à... Bà định cho cháu nhỏ cái gì?

- Một con vịt nhồi bông, chỉ sợ con nhỏ nó thức giấc rình thấy tôi là hỏng hết.

- Thì nó sẽ thấy một Bà Noel chứ gì, còn xinh đẹp hơn nhiều.

Tôi kịp dừng lại vì lỡ lời nhưng bà Phương chỉ cúi đầu. Nếu bà không uống rượu, tôi có thể biết được đôi má bà có phải đỏ bừng trước lời khen tặng tầm thường của tôi không. Bà Phương có vẻ lúng túng, bà đi lục trong cánh tủ đóng kín, một con vịt nhồi bông trắng tinh lông xù, cổ thắt chiếc nơ đỏ. Bà nhẹ nhàng trông chừng vào phòng ngủ, rồi ngồi xuống ghế trước mặt.

- Tôi phải đợi một chút cho con bé nó ngủ say đã.

Có lẽ bây giờ cũng đã khuya rồi. Tôi uống cạn ly, tiếc nuối nhìn quanh căn phòng đang chập chờn ánh sáng êm ái. Tôi đứng dậy nói với bà Phương lời cám ơn về bữa ăn ngon lành thú vị trước khi lên gác đi ngủ.

Đôi mắt bà Phương sâu thẳm một nét buồn mơ màng nào đó. Tôi ấp úng nói:

- Đêm nay tôi cũng ráng thức để chờ một ông già Noel, nhưng chắc không bao giờ có cả.

Giọng nói của bà Phương mềm lại, ngại ngần và nhỏ như hơi thở:

- Biết đâu...

Tôi lặng người nhìn sâu vào mắt người thiếu phụ. Đôi môi bà run run như thì thầm điều gì. Nhưng có lẽ không có điều gì cả. Tôi tự nhủ không nên chờ đợi những chuyện thần tiên huyền hoặc nào. Tôi tránh đôi mắt bà và bỏ lên phòng. Quá nửa khuya, rượu thấm trong người đã giã ra hết làm tôi thao thức không ngủ được. Và có lẽ dầu không có lý do gì hết tôi vẫn khó ngủ, mắt nhắm lại, nằm lặng yên nhưng thỉnh thoảng tiếng chuông đồng hồ đánh bong bong ở dưới vẫn vang trong tai rõ mồn một.

Dĩ nhiên tôi không chỉ chú ý đến chiếc đồng hồ kiểu xưa đó thôi. Ở dưới nhà có một cái gì khác hơn nữa đáng làm tôi băn khoăn hơn nhiều. Đó là bà Phương. Đầu óc của tôi trong đêm nay có lẽ đi quá xa thật, nhưng biết làm sao, hình ảnh bà Phương đã nhẹ nhàng như một mũi kim đan vào người tôi, chiếc áo ấm tưởng tượng màu đỏ ấm áp.

Tôi vói tay lên đầu giường lấy một điếu thuốc lá, không biết là điếu thứ mười mấy trong hơn một giờ nằm rã rời này. Nhưng điếu thuốc vừa nằm trên môi tôi bỗng rơi xuống, tôi biết không bao giờ tôi có thể châm lửa điếu thuốc đó được nữa. Người ta chỉ có thể hút thuốc nhiều trong những lúc trống trải vô vị, nhưng căn phòng của tôi bây giờ đột nhiên tràn ngập mùi vị, như xông bằng khói thơm, tẩm ướt mùi hương hoa lạ lùng kỳ bí. 

Bởi vì cửa phòng đã mở, bà Phương đi nhẹ vào không một tiếng động. Trong bóng tối chật hẹp đen đặc, tôi chỉ thấy lờ mờ cái bóng của bà Phương như một bóng ảo chập chờn hư thực, nhưng hơi thở, hay là mùi hương của người đàn bà có trong phòng này, làm người tôi như những sợi dây căng lên, nhận rõ.

Bà gần lại tôi hơn, đứng bất động cạnh giường, không ai nhìn thấy nhau gì cả. Tôi nằm yên chờ đợi, giây phút dằng dặc như bước chân của người vũ công trong một cuốn phim quay chậm. Tôi nghe rõ tiếng thở của cả hai người dồn dập một lúc lâu cho đến khi hình như có vài sợi tóc của bà Phương rũ xuống chạm mơ hồ vào mặt tôi. Rồi giọng bà thì thầm, nhưng tôi nghe vang dội như nhịp trống đập mạnh:

- Vớ của anh để đâu. Tôi đem quà Noel đến đây...

Tôi mỉm cười bí mật trong bóng tối, trả lời nhỏ như chỉ để một mình tôi nghe:

- Tôi không thích những con búp bê nhồi bông gì đâu. Tôi... cần một người bằng xương bằng thịt.

Bà Phương sẽ không kịp nói thêm gì nữa. Tôi đã đưa cánh tay ôm lấy cổ bà, kéo xuống trên mặt mình, mái tóc ươn ướt như vừa mới gội của bà xõa tung che khắp mặt mũi tôi, mát êm và đầy hương bao la thơm ngát của một hạnh phúc sâu thẳm nào, bao dung và che chở.

Tôi hôn môi bà đầu tiên ngắn và ngỡ ngàng. Bà Phương kêu lên:

- Đừng làm vậy với Ông Già Noel chứ...

Tôi say sưa thì thào trong đầu: tôi hết tuổi để tin có ông Noel rồi... Tôi chỉ tin vào những gì sống thực...

Tôi và bà Phương hôn nhau những cái hôn dài, môi bà ấm nóng, mạnh bạo, đầy hân hoan rạo rực. Và đêm đó, bà Phương đem đến cho tôi một món quá Noel vĩ đại nhất trên đời. Da thịt nồng nàn rộng lượng của người thiếu phụ, như được gói trong giấy bóng màu có cột dây sơ sài. Tôi đã lần mở rút thắt đó một cách nhẹ nhàng, vì món quà đầy tình nhân ái, đã sẵn sàng trao tặng.

Tôi thầm cám ơn một người nào đó mang tên là Chúa Giê Su, đã sinh ra cách đây gần hai nghìn năm, mà mỗi năm đều sống lại trong tâm hồn của hàng triệu người. Và đêm nay, cuộc phục sinh ý nghĩa nhất đã nở ra trong lòng tôi. Tôi cũng cám ơn những huyền thoại về ông già Noel, người âm thầm đem đồ chơi cho những trẻ con dễ thương.

Đêm nay, thay vì "ổng" nhét búp bê vào đôi tất nhỏ của tôi (như thế thì ít quà quá), sứ giả yêu kiều nhất của "ổng" đã rót vào lòng tôi ân sủng quí giá nhất mà một người có thể hưởng. Không phải chỉ cho những lời chúc mừng suông không nuốt được, những món đồ chơi tầm thường bán đầy ngoài cửa tiệm, mà là dâng hiến tất cả xương da run rẩy.

... Bây giờ, khi đêm sắp tàn... tôi chỉ mong người đóng vai ông già Noel tuyệt vời ấy, sẽ ở lại hoài với tôi chứ không lặng lẽ bỏ đi mất theo đúng như truyền thống.


HOÀNG NGỌC TUẤN     

(Trích từ tập truyện ngắn Chuyện Hai Người, nhà xuất bản An Tiêm 1974) 
 

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

SÁNG LÊN, NHỮNG QUẢ CẦU - Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh

 

Như một trận sóng thần, ào ạt kéo đến rồi rút đi. Không biết bao giờ lại kéo vào nữa. Chỉ thấy những gì để lại thật khôn lường. Nhưng con người vốn có bản năng sinh tồn nên đứng dậy rất nhanh. Họ hối hả chạy đua với dòng sống mới. Ai cũng vui vì được sống. Trận dịch, và những gì kèm theo, là như thế.

Ngoại trừ những em nhỏ, quá nhỏ, như bé Hoan. Em chỉ mới bốn tuổi, vừa qua mấy lớp mẫu giáo. Em không biết gì hết. Ai bảo làm sao thì em làm vậy. Em biết khóc khi buồn, và biết cười khi có ai bày trò chơi thú vị. Nhưng có một điều em biết nhiều hơn ai khác, là từ nay em không thấy ba và má của em về nhà nữa! Và đó là em nhỏ đầu tiên mà Nhiên gặp, khi tiếp nhận công việc mới của mình.

Ai khiến xui chi, Nhiên về Việt Nam khi dịch chưa đến Mỹ. Khi dịch bùng mạnh ở Mỹ, Nhiên ở lại Việt Nam. Đến khi Việt Nam bị dịch hoành hành, Nhiên chọn ở lại. Cũng như những người bạn trong cùng hội thiện nguyện của mình, Nhiên chạy vào những vùng mà từ đó người ta chạy ra. Lần này, Nhiên phụ với Chị Cả nhận làm “mẹ” của đàn con mười đứa, tuổi từ bốn đến mười hai. Hoan là bé nhỏ nhất.

Em mở to đôi mắt nhìn Nhiên. Đôi mắt long lanh, ngây thơ nhưng đầy vẻ chịu đựng. Chị Cả nói bé Hoan là đứa trẻ ít nói nhất trong số các em được nhận về. Ngay sau khi ba má em mất, cuộc sống của em đã bị đảo lộn hoàn toàn. Em không còn người thân nào ở thành phố này.

Nhìn bé Hoan, Nhiên nghe lòng quặn thắt. Kỷ niệm những ngày sống trong viện cô nhi trở về. Nhưng Trời đã ban cho Nhiên một bà mẹ quý. Bà vào viện cô nhi, ôm từng đứa, từng đứa về nhà. Đám con mười đứa của bà, trắng có, đen có, vàng có. Nhà của bà là một hợp chủng quốc, bà nói vui như vậy. Những đứa con của bà lớn lên dần, được đi học đàng hoàng, lại còn được tiếp nhận kho kiến thức của bà mẹ-nhà giáo. Bây giờ bà đã mất, Chị Cả, một trong những con nuôi của bà, tiếp nối tấm gương của mẹ, mở một mái nhà tình thương và nhận nuôi một số cô nhi trong đại dịch.

Và như thế, dòng đời, cứ như theo một kịch bản đã được viết sẵn!

  *

“Em bé, cô tên là Nhiên, còn bé?”

Bé Hoan lí nhí đáp:

“Con tên là Hoan.”

Rồi bé cúi đầu xuống, im lặng, nửa gương mặt giấu sau chiếc khẩu trang, chỉ nhìn thấy ánh mắt lẩn trốn. Nhiên gợi chuyện:

“Bé với cô cùng chơi trò chơi lớp học nhé!”

Đôi mắt hơi liếc nhìn lên, tỏ vẻ muốn hỏi. Nhiên tiếp luôn:

“Bé muốn làm cô giáo hay làm học trò nào?”

Lần này thì ánh mắt hơi vui lên một chút. Chắc bé thấy câu hỏi của Nhiên hơi lạ. Lại lặng im, không trả lời. Nhiên đề nghị luôn:

“Bé Hoan làm cô giáo đi! Cô thì làm học trò. Cô thích làm học trò lắm!”

Ánh mắt sáng lên. Nhiên gọi mấy em khác đến cùng làm học trò. Hình như trò chơi này thời nào, ở đâu, các bạn nhỏ cũng đã từng có lần chơi. Nhưng lớp học này thì có điểm khác thường, học trò không có bàn ghế ngay ngắn, mà mỗi trò ngồi một góc, cách xa nhau, mang khẩu trang. Và cô giáo nhỏ nhít của lớp học, bắt đầu tiếng nói ngập ngừng:

“Chào các bạn.”

Chao ôi, thật là lịch sự! Cả lớp chào lại:

“Chào cô ạ!”

Và như vậy, giờ học diễn ra. Cô giáo Hoan xin một xấp giấy, phát cho mỗi trò một tờ. Cả lớp chờ đợi cô giáo ra lệnh. Cô giáo hơi suy nghĩ, rồi nói:

“Bạn nào muốn làm gì cũng được.”

Cả lớp “ồ” lên, thích thú. Cô giáo nói tiếp:

“Nhưng bạn nào vẽ hình thì sẽ được nhiều điểm.”

Chẳng là cô giáo chưa học lên lớp Một!

Nhiên chọn vẽ. Từ thuở còn bé, tuy không xuất sắc với môn Vẽ, nhưng Nhiên lại rất thích vẽ, như một cách giải trí. Nhà mẹ nuôi có đầy đủ bút màu, thuốc vẽ, giấy vẽ các loại, nên các con của bà cũng tạm thấy thoải mái. Lớn lên, Nhiên không có thì giờ để vẽ tranh, nhưng khi buồn thì cũng nguệch ngoạc vài nét, như một cách để bày tỏ điều gì đó với chính mình. Nhiên qua Mỹ, được đi nhiều nơi có phong cảnh đẹp, cũng phác họa vài nét khi có cảm xúc với thiên nhiên. Rồi như một duyên nợ, khi tốt nghiệp đại học, Nhiên đã chọn đi làm việc thiện nguyện. Môi trường làm việc khiến Nhiên cảm nhận được nhiều nét đặc biệt của cuộc sống con người. Nhưng không có thì giờ để vẽ nữa. Mỗi cảm xúc đều được ghi vào tâm khảm, bằng hai con mắt. Một em bé Somalia ốm trơ xương. Một bà mẹ Kenya đau đớn trong khi sinh con. Một gia đình Haiti chia nhau bữa cơm hẩm. Một người lính Afghanistan sau chiến tranh, trở về nhà trên chân nạng. Một di dân Trung Mỹ bơi qua dòng sông chảy xiết, tìm chân trời mới…

Nhiên xin “cô giáo Hoan” cho chọn vẽ, thế mà lại ngồi thừ ra trước trang giấy trắng. Coi vậy mà khó dữ! Nhìn quanh, thấy có vài bạn nhỏ đang cúi mình vẽ gần xong. Có bạn vẽ cây, lá, bông hoa. Có bạn vẽ ngôi nhà. Có bạn vẽ người. Ôi, đây là những bạn nhỏ mồ côi! Tim Nhiên nhói lên. Bỗng Nhiên nhớ đến một bức ảnh, các bạn của Nhiên truyền nhau từ internet: Một bé gái nhỏ tại Iraq vẽ hình mẹ mình lên nền nhà trong cô nhi viện của bé, sau đó cẩn thận cởi giày, nằm xuống trên ngực mẹ rồi thiếp đi… Bức ảnh, vâng, bức ảnh, được chia sẻ khắp nơi, nhanh và rộng như một cơn bão.

Cuối cùng thì “trò Nhiên” cũng nộp bài. Không thể nộp giấy trắng, Nhiên vẽ lên góc trên bên trái của trang giấy, một trái tim nhỏ xíu. “Cô giáo Hoan” hơi có vẻ cười nhẹ qua đôi mắt khi nhìn thấy bức tranh. Cô giáo thu bài của cả lớp.

*

Buổi trưa, căn nhà nóng, ngột, tuy đã được gắn vài cây quạt máy. Sài Gòn như không còn mùa đông! Thật vậy sao? Nếu so sánh với cùng thời gian này vài mươi năm trước, thì quả đúng như vậy. Thuở đó, Nhiên là cô học trò nhỏ, những ngày mùa đông còn co ro trong chiếc áo ấm mỗi buổi sáng đến trường, đêm ngủ còn đắp chăn đến tận cổ. Thật ra thì không lạnh nhiều lắm đâu, nhưng cũng là món quà tặng cuối năm Trời cho người của thành phố này, và cũng là dịp để người ta mặc áo ấm, gọi là se sua một chút. Còn bây giờ, với lượng người và nhà cửa ngày một nhiều, cây cối ngày một thưa đi vì bị đốn bỏ, Sài Gòn không có nhiều không khí để thở, mùa đông như cũng không còn.

Đã từng đi đây đi đó, nếm trải nhiều loại khí hậu khác nhau, Nhiên vẫn thương cái lạnh nhè nhẹ của mùa đông Sài Gòn xưa. Bây giờ thì mùa nào người ta cũng phải ra đường với mũ bảo hộ, kính đeo mắt, khẩu trang và áo khoác ngoài kín mít. Thời dịch bệnh, những vật dụng này lại càng kiên cố hơn, cộng thêm tấm chắn trong suốt che mặt. Thấy thương người dân của mình quá!

Tội nghiệp Chị Cả, chị lo các bé nóng không ngủ được, cứ đi thăm chừng hoài. Chị tập cho các bé theo nề nếp như một lớp học bán trú, buổi trưa phải có một giấc ngủ ngắn. Nhưng cái lớp học này phải gọi là lớp học nội trú rồi! Các học trò chỉ còn đây là nhà.

Nhiên cũng tìm cho mình một góc, tự bắt mình lim dim như thể làm gương cho các bé. Tâm trí lan man nghĩ đến những vùng đất xa xôi. Rồi cũng nhớ về xứ Mỹ. Mình đã không về Mỹ gần hai năm rồi! Thấy nhớ. Giờ này bên Mỹ cũng khá rộn ràng mùa lễ cuối năm. Năm ngoái dịch bùng nặng, người ta hầu như bỏ qua hết chuyện vui chơi. Năm nay có vaccine rồi, “chiến trận” lắng xuống phần nào, mọi sinh hoạt được phục hồi. Đọc tin, thấy người ta than năm nay khan hiếm các Ông Già Noel. Chẳng là Ông Già Noel thường có mặt ở các trung tâm mua sắm, trên những đường phố, cho trẻ con đến làm quen và chụp hình. “Đóng vai Ông Già Noel” trở thành một cái nghề. Tuy năm nay mức lương được trả cao hơn bình thường, nhưng có nhiều Ông Già Noel sợ bị lây bệnh nên đã bỏ nghề.

Ngày xưa trẻ con tin có Ông Già Noel do không bao giờ gặp được ông, chỉ thấy ông qua những tấm thiệp, truyện tranh hay phim ảnh. Trong mỗi gia đình, cha hoặc mẹ, thậm chí một anh hay chị, làm Ông Già Noel đi phát quà, mà thường thì bí mật lắm, chẳng cho ai thấy. Mà không phải gia đình nào cũng có Ông Già Noel. Với nhiều gia đình Việt Nam, đó là một xa xí phẩm!

Có một ai đó đang khe khẽ ngồi dậy. Nhiên hé mắt nhìn. Một cái bóng nhỏ xíu. Là bé Hoan! Nhiên định tới giúp bé, nhưng thôi, vì thấy bé đang mở trang giấy để trước mặt. Với một cây bút chì, bé vẽ. Nhiên mỉm cười thú vị. Hóa ra cô bé cũng thích vẽ, giống như mình ngày xưa. Vẽ xong, bé Hoan rón rén, thật nhẹ nhàng, đặt tờ giấy xuống bên dưới xấp bài đã thu của lớp.

  *

Hôm nay lớp học trở lại, với Nhiên là cô giáo. Các bé có những môn học thật sự. Nhưng đây chỉ là trường lớp tạm, mà các bé lại ở những lứa tuổi khác nhau. Các bé cần được đến trường thật, học với thầy cô thật. Dịch bệnh khiến môi trường học tập thu lại thành thế giới ảo, càng khó khăn hơn nhiều với hoàn cảnh của các bé.

Nhiên cầm xấp bài tập hôm qua, hỏi bé Hoan:

“Cô giáo có chấm điểm chưa?”

Bé Hoan lắc đầu, chỉ vào Nhiên. Nhiên bật cười:

“Vậy hôm nay cô được làm cô giáo, cô sẽ chấm điểm cho các con nhé!’

Lướt nhanh các tờ bên trên, Nhiên nói:

“Thật ra mình chỉ là lớp học làm quen thôi, cô xin chấm bài nào cũng mười điểm, nhé các con! Các con giỏi lắm, viết chữ ngay ngắn, vẽ tranh đẹp. Cô khen tất cả các con. Các con bây giờ là anh chị em trong cùng một mái nhà. Cô mong rằng các con sẽ thương yêu nhau, giúp đỡ nhau.”

Các bé “dạ” rân, tỏ vẻ vui mừng. Nhiên xem từng bài, và đến tờ giấy nằm dưới cùng, đúng như Nhiên nghĩ, đó là một bức vẽ. Tờ giấy này chính là bức vẽ Nhiên vẽ trái tim nhỏ xíu ở góc trên bên trái. Phần còn trống đã được lấp đầy bằng nét vẽ non nớt, nhưng rõ ràng. Là hai cái bình, trong mỗi bình bé vẽ một người đứng, rất đơn giản, nhưng nhìn là biết bé muốn vẽ ai. Nhiên lặng người, nghe quặn thắt tận tâm can.

Trưa, Nhiên trốn vào phòng với Chị Cả. Nhiên kể cho Chị Cả nghe rồi khóc nức nở, khóc đau đớn. Nhiên tưởng như thấy lại hình ảnh của chính mình ngày xưa. Nhưng ngày xưa, con bé Nhiên không biết diễn tả tâm trạng của mình như vậy. Nhiên lớn lên, ray rứt với nỗi buồn không biết mặt cha, còn mẹ thì mất trong loạn lạc. Nhiên tưởng chỉ có chiến tranh là kẻ hủy diệt ghê gớm nhất trên đời. Nhưng bây giờ, trận đại dịch như sóng thần quét qua, đã biến hàng ngàn trẻ em Việt Nam và hàng triệu trẻ em trên thế giới trở thành trẻ mồ côi trong chớp mắt.

Thì ra bé Hoan, cô bé chỉ mới bốn tuổi, lại là người bước ra nhận di hài của cha mẹ bé!

  *

Sài Gòn nay như không có mùa đông. Nhưng Chị Cả và Nhiên muốn mang mùa đông trở về. Là một mùa đông ấm áp cho các bé. Hai chị em khệ nệ bưng cây thông xin được từ Nhà Thờ, đặt ở góc phòng học. Là cây thông giả, không sợ gây dị ứng cho các bé. Các bé được gọi xúm vào giúp trang trí cho cây thông. Bên cạnh những sợi gòn dùng làm tuyết, Nhiên cho treo những quả cầu đủ màu. Các bé ngoan sẽ được Ông Già Noel cho quà. Mà chắc chắn là tất cả các bé đều ngoan. Các bé vui, nói chuyện rộn ràng.

Nhiên kéo bé Hoan lại gần, hỏi nhỏ:

“Con có vui không?’

Bé Hoan gật đầu nhè nhẹ. Nhiên chỉ lên hai quả cầu, nói:

“Ba ở trong một quả cầu, Má ở trong một quả cầu. Đó là những ngôi sao sáng, như sao trên trời vậy, con thấy không?”

Bé Hoan gật đầu, ánh mắt tươi lên. Chị Cả nói lớn:

“Nào, trang trí đã xong. Mình thắp đèn lên nhé các con!”

Các bé đồng loạt đếm một, hai, ba. Đèn đã được thắp lên! Những quả cầu rực sáng, chớp tắt, lấp lánh như những vì sao.

 

Tháng 12/2021                  

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh 

Nguồn : http://www.camlinguyenthimythanh.com