Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

CÓ LẼ... - Nhã Uyên













Có lẽ quên chăng  những   tiếng động

Thành phố ồn ào  tiếng còi xe

Cuộc đời mênh mông những khoảng trống

Bước chân xa  dần vẫn  còn nghe  ?


Có lẽ quên cười và quên nói

Đường rầy xe lửa cứ song song

Trên kia mặt trời thêm chói lọi

Bóng mát cây xanh mỏi mắt mong


Có  lẽ  là hương  xưa yêu dấu

Trong những ngày  xanh lúc bé thơ

Thành phố rộn ràng   bao tà áo

Người đi người ở chẳng tình cờ


Xa cách đã lâu  lòng vẫn đợi

Có  lẽ  đâu  còn  xưa  áo  bay

Thành phố buồn vui  thay đổi mới

Cuộc đời đôi ngã vẫn chia hai


                                               Nhã Uyên

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

MÙA THI TRONG TRÍ NHỚ - Thương Vũ Minh


Năm nay tôi mới sửa soạn để thi Tú tài một. Nên mùa thi coi như gần mà xa nhất còn lại trong trí nhớ tôi là mùa thi Đệ thất. Năm tôi học Đệ tứ, người ta đã bỏ thi trung học, tôi lên Đệ tam dễ dàng với cái vị thứ mang số 13 cuối năm. Thi Đệ thất, tôi nhớ, cậu bé tí 11, 12 tuổi mang giấy bút, phiếu báo danh đến trường thi, thật sự không biết gì cả. Tôi cứ ngỡ mình đi thi để cho vui vậy thôi. Tôi đi thi chung với bà chị năm trước rớt và hai chị em trên đường đến trường thi, cười đùa với nhau tự nhiên coi như không có chuyện gì xảy ra. Trong khi đó, tôi biết, có những đứa đã biết sợ, mặt mày trĩu nặng âu lo.

Trước hôm thi một ngày, ông thầy dạy tôi lớp nhất đến nhà chơi. Ông dặn dò tôi đủ thứ, nhưng tuổi trẻ mau quên, tôi quên liền. Buổi tối ba tôi dò bài lại cho hai chị em lần nữa, ông khen tôi và tin chắc là tôi sẽ đậu. Tôi cũng tin thế, trong lớp tôi tuy không xuất sắc nhưng thuộc hạng khá, cuối năm xếp hạng 6 và một phần thưởng hạnh kiểm toàn trường. Sự tin tưởng của ba tôi và ngay của tôi gây cho tôi một chút tự đắc, ỷ y. Tôi đi thi với một tâm hồn cởi mở nhất, thanh thản nhất mà tôi biết là trong những mùa thi sau này tôi sẽ không bao giờ được như thế nữa. Cái hồn nhiên của tuổi nhỏ đã vụt bay mất rồi. Sáng đó tôi dậy như thường lệ, nghĩa là gần 7giờ30 mới tung chăn ra khỏi giường, không ai đánh thức tôi sớm hơn. Rồi vội vã thay đồ, cái áo trắng mang bảng hiệu trường tiểu học Nam Phan Thiết, cái quần short xanh, không kịp ăn uống. Ba tôi đi xe Jeep, đòi chở hai chị em tới trường. Hai chị em tôi thì chung một trường Phan Bội Châu. Tôi không chịu đòi đi bộ. Hai chị em ra khỏi nhà với những ánh mắt lo ngại trông theo, tôi biết thế. Nhưng tôi, tôi không lo lắng gì cả.

Dọc đường, tôi gặp K.B. cô bạn nhỏ con ông hiệu trưởng trường Tiến Đức, đối diện với nhà tôi. Bây giờ chắc chắn K.B. đã lớn và chắc là không bao giờ còn nhớ tôi nữa dù nhiều lần K.B. sang nhà tôi chơi bị hai bà chị tôi chọc với tôi tơi bời. Cả ba chung làm một, cười vang động cả hè đường Trần Hưng Đạo. Cả ba đều tin tưởng đậu cả, nên cười đùa rất ung dung, rất tự nhiên. Đến trường thì vừa vào lớp chia tay nhau. Tôi rẽ sang hướng trái, tìm phòng mình, tôi nhớ số ký danh của tôi là 1006, lúc vào phòng nhìn xung quanh toàn mặt lạ, tôi thấy hơi lạc lõng, nhưng không sao, vẫn bình tĩnh như thường. Thi câu hỏi thường thức trước, tôi trúng tủ sử ký và vệ sinh, làm mau như chớp, lòng càng tự tin hơn nữa. Đến giờ, nghĩ lại sao tôi thấy tôi ngây ngô quá làm xong tôi không cần xem lại gì cả, tôi quên béng mất lời dặn dò ân cần của thầy, của ba của má, tính háo thắng, tôi nghĩ tôi phải hơn hai người kia, bà chị và cô bạn, tôi phăng phăng lên nộp. Giờ sau, thi luận, người ta cho cái đề "Thuật lại một buổi đi chơi thôn quê của em". Môn luận hồi đó là môn ruột của tôi, tôi làm nháp cái đầu đề, rồi làm ngay vào giấy thi, ra về, tôi không chờ ai cả một mạch về nhà trước, khoe rối rít, trong khi bà chị tôi ỉu xìu vì làm sai một câu Địa lý. Buổi chiều thi toán, cái môn quan trọng, tôi ngồi cắn bút bài toán thứ hai, bài toán vòi nước tôi sợ nhất, cả phòng thi hầu như bí, chỉ có vài đứa làm ra câu đầu. Chiều về, cái hăng hái tiêu tan, nhưng tôi vẫn nghĩ là tôi sẽ đậu, tôi không biết thi Đệ thất là thi tuyển chứ không như thi Tú tài, đủ điểm thì đậu. Những ngày sau đó tôi đi chơi dữ, tôi bỏ rơi cô bạn K.B., bỏ rơi hết, đi chơi một mình, vào trường nam, len lén vào leo cầu tuột, chiều mát tuốt như tắm.

Năm đó người đậu cuối cùng là một thằng bạn trong lớp học thua tôi. 42 điểm. Tên tôi không có trên bảng vàng, cả tên bà chị, tên cô bạn nhỏ K.B. Ba tôi nhờ người vào xem điểm giùm, tôi 39 điểm rưỡi, bà chị 31 điểm và cô bạn nhỏ 29 điểm. Cả ba rớt không ai la mắng chúng tôi hết, và tôi cũng không thấy buồn, tôi coi như một sự rủi ro.

Tôi học nửa năm ở trường Bán Công, học Đệ Thất, trường ngó xéo qua Phan Bội Châu, thì ba tôi đổi đi Nha Trang. Tôi học nửa năm Đệ thất còn lại ở Nha Trang, rồi vào Cam Ranh ba tôi bắt tôi thi lại Đệ thất, vì thế năm nay tôi coi như học trễ một năm, thi Tú tài một xong đậu hay rớt gì cũng lên đường. Ba tôi đích thân đi nộp đơn thi cho tôi, và tôi bị học lại lớp nhất cấp tốc. Trường thi lần thứ hai này của tôi là trường tiểu học Ba Ngòi, thi 250, lấy 45 vừa đủ một lớp. Trường trung học Cam Ranh hồi đó bé lắm, có một dãy 4 phòng, 4 lớp, đệ thất đến đệ tứ. Kỳ này tôi thi một mình, cái tự tin năm trước tan vỡ, nên tôi đi thi rất dè dặt vậy mà đậu. Hai bài toán tôi làm không sót lấy một chữ. Thi xong tôi về Thành ăn giỗ ông Nội, lúc vào thì biết tôi đậu hạng 6 trên 45 đứa, cũng vẻ vang chán. Lần thứ hai này, có một điều lạ là cô nhỏ ngồi cạnh tôi tên H tôi còn nhớ, tôi cho chép đủ hết lại rớt. Cái đậu bất ngờ làm tôi vui dữ. Ông anh họ rủ đi tắm biển tôi đi ngay, suýt chết đuối vì ra quá xa, phao bị xì, lúc về, mặt tôi không còn hột máu nhỏ, tái ngắt.

Coi như tường thuật lại, kể lại những kỷ niệm đã qua đã mất dấu, còn lờ mờ trong trí nhớ. Kỷ niệm thuở nhỏ, Bây giờ nghĩ lại vẫn còn vui. Bây giờ tôi đã lớn, sửa soạn một mùa thi quan trọng khác, sao tôi không còn được cái hồn nhiên ngày cũ nữa.

K.B. thân mến,

Cô bạn cùng tuổi ngày xưa của tôi tôi nghĩ rằng bây giờ cô đã đậu tú tài một và đang sửa soạn thi tú tài hai mặc dù chúng ta xa nhau đã hơn 5 năm. Bây giờ chắc hẳn cô vẫn ở Phan Thiết, chốn cũ, ngôi trường Tiến Đức đó. Và chắc đã quên mất mùa thi xa lắc thuở nào. Với tôi nó vẫn là một kỷ niệm, dù nhỏ nhoi trong trí tưởng, nhưng nồng đậm chút tình bạn hồn nhiên. Ngày gặp lại, biết còn nhận ra tôi, đứa bạn trai ngày xưa cũ, đã từng chơi chung với mình suốt mùa thi thơ ấu, từng cãi vã nhau, giận hờn nhau.

Tôi cám ơn tất cả, lá me rơi trường Nam tiểu học, phút ngập ngừng bỡ ngỡ sân trường Phan Bội Châu, một mùa thơ ấu ở 38 Trần Hưng Đạo P.T. cũ. Và tôi cám ơn cô, K.B.


THƯƠNG VŨ MINH    

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 59, tuần lễ từ 13 -7 đến 20-7-1972)

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

MÙA HẠ HAI MƯƠI - Nhã Uyên



























Mùa  hạ  hai  mươi của năm nay

Tưởng như  êm đẹp  phiến mây bay

Hạ về hoa nở cười trong nắng

Lưu luyến  mùi hương thơm  gió bay


Nhưng không... mùa hạ lạ làm sao

Gió lộng ngoài khơi  biển thét gào

Buồn lên cao ngất như  tim vỡ

Phượng tím  hồn ta  tím lao xao


Dấu  chân  xưa  cũ  vẫn  còn đây

Của người chưa trọn  tuổi chưa đầy

Mấy  mươi mà đã  xa trần thế

Để  lại  tâm tư  nỗi  sầu đầy


Lá rụng  rơi  rồi  ôi  lá xanh 

Tươi vui sao lại  phải lìa cành

Ngày vui sao bỏ  đi biền biệt

Đứt sợi  tơ vàng  trong nắng hanh


Kỷ  niệm  nào  xa  chắp cánh bay

Con  đường  phượng  tím  vẫn  ngủ  say

Riêng   ta  thao  thức từng canh  vắng

Buốt  giá  trong lòng  chẳng ai hay


                   Tưởng Niệm Những Người 
                        Ra Đi Năm 2020

                            Nhã  Uyên

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

PHAN THIẾT VÀ MÂY - Trần văn Nghĩa


 










tháng bảy tôi về trên đường cũ
hình như trời đã sắp vào thu
ngày lá vàng rơi đầy cố xứ
nhớ mắt người xanh buổi giã từ

trước cổng nhà ai nhiều hoa nở
ngỡ áo năm nào ngoan rất ngoan
tháng bảy tôi về thương với nhớ
gửi chút sầu bay gió thu buồn

tôi có những lời thơm áo mới
một thuở bên người rộn yến oanh
có nghĩ đời đâu như mây nổi
như lá vàng, thu đến lìa cành

tháng bảy tôi về trên lối nhỏ
lòng mơ người thả tóc đuôi gà
tàu đi để lại niềm nhung nhớ
với những đau buồn buốt sân ga

tháng bảy, có nghe mùa mưa tới
trên đường vừa rét ngọn heo may
thả thuyền mơ ước về phương ấy
biết nước sông xưa nước có đầy

tháng bảy tôi về buồn não nuột
đường phai màu áo phượng hết hồng
chút đau ngày cũ người có khóc
có biết trong lòng đổ máu không?

                                  TRẦN VĂN NGHĨA

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 74, tuần lễ từ 26-10 đến 2-11-1972)