Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

PHỎNG VẤN NHÀ VĂN NHẬT TIẾN VỀ ÔNG NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG - Đinh Quang Anh Thái


ĐQAT: Ông có thể cho biết trong hoàn cảnh nào khiến ông Khai Trí cho xuất bản báo Thiếu Nhi mà ông làm chủ bút ? 

 

NT: Tôi nhận thấy gần như trong suốt cuộc đời, một trong những nỗi ưu tư hàng đầu của ông Khai Trí là sự quan tâm đến vấn đề giáo dục con trẻ. Chẳng thế mà ông vẫn thường nhắc đi nhắc lại câu nói sau đây mỗi khi có dịp và đặc biệt ông đã dùng làm câu mở đầu cho loại sách Tuổi Thơ do chính ông chủ trương : “ Tương lai nước Việt Nam sau này hay hay dở đều do sự giáo dục hiện tại của lứa tuổi thiếu nhi, mầm non của đất nước”. 

 

Vào thời điểm khởi đầu của thập niên 70, (khi ông quyết định cho ấn hành tuần báo Thiếu Nhi), tình hình giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục dành cho tuổi thơ có vẻ như đang trên đà suy sụp. Lý do một phần là vì ảnh hưởng của chiến tranh với nếp sống ngoài xã hội ngày càng sa đọa do sự có mặt của trên nửa triệu lính Mỹ cư ngụ tràn ngập trên các tỉnh và đô thị; một phần khác, lãnh vực sách báo dành cho tuổi thơ hầu như đã bị tràn ngập bởi rất nhiều loại thiếu lành mạnh đến nỗi ông Khai Trí đã từng phải kêu lên xót xa: “ Chúng ta đang chứng kiến cái thảm cảnh đám trẻ thơ ngây ngày đêm cứ say mê tìm đọc các loại sách nhảm nhí chú Thoòng, hay sách trinh thám và kiếm hiệp rẻ tiền, kể cả những loại sách khiêu dâm, ma quỷ quái đản đầy tính cách đầu độc trí óc non nớt của con em chúng ta”. 

 

Như thế, việc ông quyết định cho xuất bản một tạp chí lành mạnh dành cho lứa tuổi thiếu nhi là điều dễ hiểu, nó vừa phù hợp với ngành nghề sách báo của ông vừa thỏa mãn phần nào tâm tư và nguyện vọng mà ông từng ấp ủ. 

 

ĐQAT: Báo Thiếu Nhi hiện diện trong sinh hoạt văn hóa của miền Nam đúng vào giai đoạn của cuộc chiến lên đến mức cao độ, vậy tờ báo có giúp độc giả trẻ em thoát khỏi nỗi ám ảnh của chiến tranh hay không ? Và các em có tìm được sự an bình đối với tuổi thơ của mình không ? 

 

NT: Tờ Thiếu Nhi tuy được phát hành rộng rãi trên toàn quốc nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, nên nó cũng chỉ tới được hầu hết giới trẻ em sinh sống tại các tỉnh hay đô thị, còn ở các vùng nông thôn, xa thành phố thì không. Do đó, ảnh hưởng của tờ Thiếu Nhi đối với độc giả cũng kể như bị giới hạn rất nhiều, mặc dù vào thời điểm mà tờ báo có điều kiện hoạt động mạnh mẽ nhất thì cũng có đông độc giả và tòa soạn cũng thành lập được Chi Nhánh Gia Đình Thiếu Nhi tại hầu hết các tỉnh và đô thị thuộc V.N.C.H. Chính nhờ cung cách tổ chức Gia Đình Thiếu Nhi như vậy, và qua các báo cáo sinh hoạt hoạt hàng tháng của mỗi chi nhánh , tòa soạn được biết các em đã tự quy tụ thành nhiều nhóm với sự trợ giúp của các thầy cô giáo địa phương để cùng nhau tham dự những sinh hoạt lành mạnh như tổ chức thư viện Thiếu Nhi, sinh hoạt tập thể ngoài trời, tổ chức các buổi cùng nhau đọc sách báo lành mạnh., góp phần tham dự vào những cuộc thi sáng tác văn chương hay đố vui do Gia Đình Trung Ương tổ chức v.v... Theo tôi nghĩ, có lẽ nhờ thế mà cũng có một số em đã có thể tìm thấy sự an bình trong tuổi thơ của mình và những nỗi ám ảnh về chiến tranh vốn đè nặng lên tâm hồn của các em do đó cũng giảm thiểu được rất nhiều. 

 

ĐQAT: Trong suốt thời gian làm bạn, làm việc với ông Khai Trí, ông nhận xét ra sao về những đóng góp của ông Khai Trí trên phương diện văn hóa và về đời thường của ông ấy ? 

 

NT: Một cách vắn tắt, có thể nói rằng miền Nam kể từ năm 1954 đến năm 1975 đã hình thành một nền nếp sinh hoạt văn hóa hết sức đa dạng và phong phú do công lao và sự đóng góp bền bỉ của nhiều khuôn mặt văn hóa nổi tiếng hay của nhiều ngòi bút tài năng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện hỗ trợ cho sinh hoạt văn hóa nghệ thuật ấy được phát triển, ta không thể quên những nỗ lực không kém phần phong phú của các nhà xuất bản, các cơ sở phát hành văn hóa phẩm. Trên phương diện này, nhà sách Khai Trí phải được kể là một trong những cơ sở văn hóa hàng đầu của miền Nam. Nhiều thế hệ tuổi trẻ đã được nuôi dưỡng và trưởng thành trong môi trường sinh hoạt văn hóa với rất nhiều loại sách báo giá trị do chính nhà sách Khai Trí cung ứng. Ông Khai Trí vừa là một người say mê với nghề nghiệp với một cung cách hầu như không bao giờ biết mệt mỏi, ông lại cũng vừa là con người hết lòng với văn hóa, với tương lai của thế hệ trẻ. Nhờ nguồn tài chính thu được dồi dào qua sách báo, ông cũng đã trao tặng rất nhiều phần thưởng cho các học sinh xuất sắc và cung ứng nhiều học bổng giá trị cho những học sinh nghèo. Riêng trong giới viết lách, nhờ khả năng đánh giá nhậy bén và sự hỗ trợ tận tình của ông mà rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo đã có cơ hội ấn hành tác phẩm của mình, cho dù có khi chỉ là tác phẩm đầu tay hay tác phẩm thuộc loại kén độc giả, giầu giá trị nội dung nhưng yếu kém về mặt thương mại.  

 

ĐQAT: Theo nhận xét của ông, với những đóng góp và hy hiến của ông Khai Trí như vậy thì thông điệp mà ông Khai Trí để lại là gì ? 

 

NT: Nhìn lại chặng đường gian khổ mà ông Khai Trí đã từng trải qua kể từ sau năm 1975, như ở trong nước thì bị tịch thu gia sản, và chịu đựng bệnh tật triền miên , dòng dã trên 5 năm trong trại tù, khi ra hải ngoại thì lại phải đối diện với sự thực phũ phàng, nhiều công trình sách vở của ông đã bị gian thương cướp trắng bằng cách cho in lại vô tội vạ tủ sách Khai Trí của ông, vậy mà tôi nhận thấy ông vẫn cắn răng chịu đựng, chỉ họa hoằn mới buông lời than thở. Hình như ông không muốn đem chuyện buồn khổ riêng tư để làm mất vui người chung quanh. Hình như ông chấp nhận số phận không may, coi như một thứ đã được an bài và qua đó ông học hỏi thêm được tính kiên nhẫn, chịu đựng để xây đắp cho tình yêu tha nhân, yêu đời. Có lẽ vì thế mà vào mùa xuân năm 1981, ông đã viết những dòng như : “ Nhiều khi cảnh khổ đối với tôi là điều hay, có ích cho tôi. Biết đâu, nó lại giúp cho tôi trở nên tốt hơn và yêu đời hơn. Tôi cố thương yêu nhiều hơn nữa những người chung quanh tôi, mọi người trên trái đất này, yêu thương cả loài vật và cây cỏ” 

 

Dưới mắt tôi, đây là một thông điệp của một con người đầy lòng nhân ái, đáng để cho thế hệ đi sau suy ngẫm.

 

 

Nguồn :  https://nhavannhattien.wordpress.com

 

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

CUNG ĐÀN THU - Trần thị Phương Lan


Thế là mùa thu lại về rồi! Thu có lẽ là mùa được yêu thích nhất  của giới nghệ sĩ, vì phong cảnh buồn mơ huyền ảo khi thu sang (như đại thi hào Nguyễn Du đã mô tả trong truyện Kiều: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” chẳng hạn) dễ khiến họ tức cảnh mà sinh tình rồi làm thơ, viết văn, vẽ tranh, hay sáng tác nhạc để ngợi ca. (Đúng là một quy trình  khép kín tuy luẩn quẩn nhưng lại hữu ích  cho người trần mắt thịt chúng ta, vì  cứ việc ngồi không thưởng thức công trình của họ rồi mặc tình khen chê tùy thích!) Chả trách có hằng hà sa số những ca khúc  ca tụng vẻ đẹp mùa thu từ cổ chí kim. Vốn tính tò mò xen lẫn hoài cổ, tôi thường hay lục tìm trên Youtube, khi có thời giờ, và nhờ đó sưu tầm được một số bài hát hay cũng có, mà không hay lắm cũng có, viết về mùa thu.

Các nhạc sĩ càng về sau này, theo thiển ý cá nhân, càng thực tế hơn nhiều, nên ít mơ mộng viển vông! Những bậc tiền bối của họ thì trái ngược hẳn: vô cùng nhẹ nhàng và lãng mạn không ngờ: 

Lòng thầm mơ một tà áo xanh
Nuôi ý  thơ trao về duyên  lành
Thương tóc em như một hàng liễu rũ
Lời hát êm như thu gợi  lòng thêm luyến  lưu.
Rồi chiều nay ngồi nhìn lá rơi
Trông cánh  chim bay về cuối trời
Nghe xuyến xao khơi nguồn vào nuối tiếc
Lời ái ân ban  đầu giờ tình xưa thấy  đâu.

ĐK: Thu nay vắng người rồi lòng  thêm băng giá thôi
Bao nhung nhớ cho mỗi  một mình tôi
Niềm  thương yêu còn đó dù  xa nhau còn nhớ
Người xưa  ơi thấu chăng tình  tôi
Lời thề xưa quyện vào gió  mây
Mang luyến  thương cô đọng tim này
Xin cố nhân đưa hồn về dĩ vãng
Cho mỗi khi thu sang tình mình thôi dở  dang…
(Mùa thương cũ, Bảo Thu)

Hay Tiếc một người của nhạc sĩ Thanh Bình: 

Nghe như mùi hương xưa từ quá khứ đưa về 
Lâng lâng hồn bay đi, lùi về xa dĩ vãng 
Hay người xưa trong nắng thấy thu vàng mênh mông 
Lá đò qua sông vắng mây mù trong mắt trong ...

Hoặc một bài hát còn xưa hơn nữa nhưng không kém phần da diết của Lam Phương, bài Chiều thu ấy: 

Chiều thu ấy, ngồi bên em dưới ánh trăng vai kề vai 
Nhìn mây bay, hồn lâng lâng theo gió lay hương mùa say. 
Chiều thu ấy, nhìn nhau tay nắm tay, mắt hoen lệ tràn. 
Buồn ngao ngán, nàng xa cách, duyên tình ta ôi bẽ bàng…

Văn nhân, thi sĩ thường sở hữu óc tưởng tượng vô cùng phong phú, nghĩa là họ có biệt tài ít xít ra nhiều, hoặc ngay cả không cũng biến thành có, thêm mắm giặm muối để xào nấu thành món ăn tinh thần cho chúng ta thưởng ngoạn.  Vì vậy có người chỉ ngồi trong tháp ngà mà cũng có thể kể  tường tận chuyện xảy ra tận đâu đâu. Nhưng nhạc sĩ Ngọc Bích trong nhạc phẩm Giấc mơ ngàn (nhạc sĩ Phạm Duy đồng sáng tác), thì đúng là ông đang tả chân, vì họ đang kháng chiến chống Pháp trong rừng: 

Chiều nay nắng thu chìm trong rừng, 
Ngừng đây nghe gió heo may về 
Lãng du lên mấy cung đàn 
Thời chinh chiến trôi ngày tháng bên suối ngàn 
Ngày thu ánh sương chiêu buông mờ
Lòng khách say sầu muôn kiếp nhớ
Nhớ ai cười trong nắng vàng 
Bao ngày xuân tươi thắm nay đã phai tàn…

Nhạc phẩm Trăng mờ bên suối của Lê Mộng Nguyên: 

Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối 
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu 
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách 
Rồi đây hai ngả biết tới phương nào? 
Mịt mùng ngàn thâu suối mơ trầm lắng 
Lòng buồn từ ly nhớ nhung chiều vắng 
Người ơi nhớ khúc nhạc lòng đêm ấy? 
Ngàn đời vang nhắc bên suối trăng tà... 
Suối mơ... lời hẹn ước ven bờ suối xưa 
Nhớ chăng... người phương xa trong khói điêu tàn? 
Suối ơi... vờn theo bóng trăng vàng ngày xanh, 
Nào những lúc trên thuyền say sưa 
Nhìn trăng vừa lên, ai hay chia lìa 
Sương khói biên thùy hiu hắt người đi sa trường xa…

Thôi thì mặc cho các nghệ sĩ tha hồ tưởng tượng, miễn là họ để lại cho hậu thế những kiệt tác bất hủ!

Nhân tiện đề cập tới nhạc sĩ Ngọc Bích, xin được chép thêm đôi giòng lời của một sáng tác tuyệt vời khác của ông mang tên Chiều tàn trong mắt em ở đây, nên tuy lạc đề, nhưng bỏ qua rất uổng:

Ngày nào em đến giấc mơ vàng 
Dạt dào nghe gió xuân vừa sang 
Ngoài vườn chim hót ca chào đón 
Hoa bướm vui trên cành 
Như chúc câu duyên lành 
Buồn vì chưa nói nên ngại ngùng 
Mà lòng tha thiết trong chờ mong 
Chiều tàn vương mắt em sầu lắng 
Em nói đi đôi lời 
E nhạt tình lứa đôi 
Bâng khuâng nhớ nhung bao đêm 
Tôi mơ như dáng em bên thềm 
Nhưng im lìm không âm thanh 
Sao em câm nín đời vô tình 
Để mùa xuân ấy qua hững hờ 
Tìm lại đâu thấy em ngày xưa 
Dòng đời trôi mất theo hình bóng 
Thương nhớ trong âm thầm 
Ôm hận sầu chứa chan….

Nhạc viết cho mùa thu thường để tả cảnh: 

Bầy chim tha tới 
Mùa thu sương khói 
Nỗi buồn lãng quên 
Mây thành phố đêm 
Mắt đèn thắp lên… thắp lên . 
Từng cây lá ướt 
Rụng đầy chân bước 
Rêu mòn dấu đau 
Ngăn hồn mãi đau 
Sao trời dấu sâu… nỗi sầu 
Ôi ! nắng trăng thêu vàng đường hoa 
Phấn gương bao mùa phai nhòa 
Người từ xa thôi hết rồi 
Tình yêu mong nhớ người 
Nở thành hoa lẻ loi 
Khi gió mây mang buồn… tuổi thơ 
Mắt xanh đã mươi sương mù 
Lòng càng lạnh theo gió mùa 
Và rêu phong đã chờ 
Chợt héo hon tình xưa 
Vàng bay lang thang 
Chờ hồn phiêu lãng 
Cây dài bóng im 
Gọi buồn gối êm 
Ru mềm tóc đêm… khóc thầm. 
Ngàn mây lang thang 
Chờ hồn phiêu lãng 
Cây dài bóng im 
Gọi buồn gối êm 
Ru mềm tóc đêm… khóc thầm...
(Sương khuya, Nguyễn Đình Nghĩa)

Chiều hôm qua lang thang trên đường, 
hoàng hôn xuống chiều thắm muôn phương 
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng 
có mùa thu về tơ vàng vương vương 
Một mình đi lang thang trên đường 
buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng 
Lòng xa xôi và sầu mênh mông, 
có nghe lá vàng não nề rơi không? 
 (Thu vàng, Cung Tiến)

Nhưng tức cảnh sẽ sinh tình, thiếu tình thì cảnh cũng nhạt (Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!):
Lá rơi bên thềm gợi nhớ thương 
Tìm trong lá thu vàng trên lối đi về dĩ vãng 
Ngày thơ đã qua rồi sao vấn vương 
Mỗi khi sương chiều xuống 
Tìm bâng khuâng hình bóng năm nào
Lá rơi cho lòng hoài cố nhân 
Tìm trong lá thu vàng bao phút xưa đầm ấm 
Niềm thương khó phai mờ theo tháng năm 
Lá rơi bên thềm vắng 
Yêu mãi dáng thu... về... bên... song... 
(Lá rơi bên thềm, Lê Trọng Nguyễn)

Hay ca khúc Về mái nhà xưa của Nguyễn Văn Đông: 

Về đây đâu phút vui xưa xum vầy 
Thềm hoang thêu nắng, phượng thắm rơi đầy 
Anh có nghe trong lòng thu chết 
Bao lá khô phai nhạt hương đêm 
Tan tác bay phiêu bạt giữa trời quên…

Hoặc Điệu buồn của Đào Duy: 

Dòng thời gian, cuốn xoay trong hồn... người ơi 
Từng thu chết, lá xanh thay màu, vàng úa tả tơi 
Từ miền xa xôi, bỗng dưng tơ sầu, gọi thương nhớ 
Lối cũ bơ vơ, tình đã xa xưa, hay còn trong mơ 
Còn gì đâu anh, tóc xanh phai màu thời gian 
Tìm đâu nữa, giấc mê trong đời, từng bước đi hoang 
Và còn gì đâu, dáng xưa êm đềm, mùa xanh đó 
Gió cuốn tả tơi, sầu đắng lên môi, mộng vỡ tan rồi…

Vì có một tâm hồn lãng mạn, những nhạc sĩ tiền chiến thường hay sử dụng đề tài mùa thu khi sáng tác, ví dụ như nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh có Lời thề xưa:  

Chiều về thu chiều buồn 
Chiều về thu chiều ơi chiều ta chạnh lòng 
Nhìn trời bao la ta vương thương nhớ 
Nhạc thu dâng nhẹ nhàng 
Tràn ý thu lòng ta buồn mơ lạnh lùng 
Cảnh còn người xưa vắng bóng đâu đây …

Nguyễn Văn Khánh cũng viết một tác phẩm khác tên Thu để ngợi ca mùa lá rụng: 

Chiều thu lướt thướt bao đám mây thu vàng 
Lờ lững trôi về rừng núi xa xăm 
Chiều thu lớt phớt trên cô thôn êm đềm 
Cùng bầy trâu đoàn mục tử trở về 
Đây đàn chim loáng thoáng bay 
Trên ngành cây gió phất lay 
Trong tiếng gió đưa hắt hiu 
Vang theo trầm ngân tiếng tiêu 
Hồ biếc lắng nhìn đàn cò trắng trắng ngà 
cùng nhau tung cánh trong sương khói 
Tơ liễu hững hờ nhìn nước ngắm dịu dàng 
Đêm êm êm xuống xóa muôn mầu 
Ngày đi bóng dáng đêm thu rơi trên cành 
Dừng chân đây người nghệ sĩ xa nhà ...

 Hai nhạc sĩ  Văn an và Vũ nhân thì có nhạc khúc Thu tàn do Mai Hương đơn ca: 

Thu đã qua lòng ta nhớ hoài
Thu đã qua chiều buông sương rơi
Chiều dừng chân nơi đây bâng khuâng
Đi về đâu hỡi ai giang hồ?
Về đâu khi tàn thu dâng nhớ thương
Về nơi quê nhà bóng tre xanh rờn
Diều âm vi vu hoàng hôn chếch bóng
Đời sống đầy thơ…

Nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng góp mặt với bài Lá rụng: 

Ôi mỗi khi thu về nhớ mong 
Bao lá rơi rơi đầy ngoài song 
Mùa thu ơi sầu dâng khắp nơi 
Muôn kiếp tiêu điều xa vời hình bóng 
Ta khóc thương cho cành lá rơi 
Bên suối hay bên hồ nhẹ trôi 
Mùa thu ơi buồn dâng khắp trời 
Muôn kiếp lá thu rơi rụng tơi bời. 

Hay bài Nhặt lá vàng: 

Mùa thu mây trắng lững lờ, không gian mờ mờ 
Người đẹp đi trong mơ 
Nhẹ nâng tà áo dịu dàng 
Nhặt lá thu vàng, dệt mộng đón thu sang 
Thẫn thờ môi khép không lời 
Vì mơ một người, một người yêu xa xôi 
Người đi một sớm đẹp trời, dệt thắm hoa đời 
Hẹn về giữa ngày vui 
Lặng trầm gió trút lá, bỗng dưng sầu 
Nhặt từng chiếc lá úa, nhớ thu nào 
chia ly muôn kiếp vẫn sầu 
Ðể nhớ cho nhau nào ai có thấu ….

Nguyễn Thiện Tơ lại có Nhắn gió chiều: 

Chiều nay sớm về.. với sắc thu đắm u buồn 
Cùng.. gió ngàn.. với sương thu mờ buông... 
Ai... có về... nẻo xa...
Cho... nhắn cùng... người xưa...
Nhớ khi hoàng hôn... cùng ai dưới... màn sương 
Bước dần trên đường... lòng réo rắt... yêu đương 
Mây... cùng với gió, lòng ta nhắn với... đôi câu 
Tới phương trời cũ cho người nhớ nhau...

Tô Vũ có Tiếng chuông chiều thu: 

Lá thu nhẹ rơi rơi. 
Nắng thu vàng phai phai 
Ai về âm thầm nẻo cũ bâng khuâng tình xưa? 
Hiu hiu luồng hơi may, Du du làn mây bay 
Ai nhắn theo mây miền quê vấn vương xa đó ngàn dâu thưa? 
Từ miền xa tiếng chuông ngân. 
Hồi buông lớp lớp theo gió vàng. 
Từng cơn sóng mờ xóa dần trong sương lắng. ..

Rồi Nhật Bằng cũng không chịu thua bạn kém bè trong bài Một chiều thu, làm tôi chợt nhớ tới hai câu thơ “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu” và thấy hình như hai câu thơ này có gì nghe sai sai, vì nãy giờ không biết bao nhiêu là nhạc sĩ tài hoa đã được xướng danh,  vậy mà hình như danh sách vẫn còn dài lắm! 

Chiều nay sương rơi ướt vai người khách giang-hồ, 
Trời thu hiu-hắt lá rơi nhẹ cuốn theo giòng. 
Rồi còn tìm đâu? những năm xưa ngày ấy, 
Bên nhau tiếng đàn êm-đềm nhẹ lá vàng rơi. 
Đàn còn vang nhịp theo tiếng xưa 
Dưới trăng bên thềm vai kề ta xây ước mơ. 
Chiều về lòng nhớ tới những phút ấy 
Ngày nào đầy vui thơ nay khuất xa rồi….

Vào dịp tết trung thu, chúng ta thường hay được nghe lại nhạc phẩm Khúc nhạc dưới trăng của Dương Thiệu Tước, ca ngợi ánh trăng tuổi thơ dịp rằm tháng tám mùa thu: 

Dưới ánh vầng trăng bóng ngà, 
một trời mát êm trong sáng 
dưới bóng ngàn sao sáng ngời, 
chập chờn bóng đêm. 
Thấp thoáng ngàn cây bóng lồng. 
Một bầy thiếu niên ca múa, 
khúc hát nhịp theo tiếng đàn 
chập chờn dưới trăng. 
Vui một đêm vui. Nhạc đầy vơi. Ca múa chơi.. 
Ta cùng say trăng. Khúc ca mơ màng…..

Đó là chưa nhắc đến những nhạc sĩ tre trẻ  thuộc hàng hậu duệ sau này, như Minh Kỳ và Hoài Linh trong nhạc phẩm Mấy độ thu về: 

Có những chiều thu vương nắng cuối thôn
Tiêng tiêu ai vong đến thiết tha buồn
Man mác niềm vương vấn tình cố hương
Mối u hoài trầm tư khi chiều xuống
Mây lững lờ bay bay đến chốn xa
Gió thu lay cành liễu uốn la đà
Đôi bướm vàng tung cánh vờn khóm hoa
Nhớ bao ngày thơ ấu đã dần qua…

Rồi Nguyễn Văn Đông có Sắc hoa màu nhớ: 

Hoa phượng rơi đón mùa Thu tới. 
Màu lưu luyến nhớ quá Thu ơi! 
Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi. 
Xác tươi màu pháo vui 
tiễn em chiều năm ấy…

Từ Công Phụng cũng đã lưu lại tên mình trong vườn hoa âm nhạc nước nhà bằng ca khúc trữ tình Mùa thu mây ngàn: 

Thu nay mây ngàn còn giăng mãi bên trời 
Mùa thu lưu luyến bóng dáng ai đi 
Đêm nay bên thềm cầm tay anh khẽ nói 
Ngày mai anh đi rồi 
Em có buồn gì không 
Buồn không hỡi người đã đi rồi 
Tìm đâu những ngày qua êm ấm 
Người đi theo năm tháng không cùng 
Thương mắt em hay buồn 
Nhìn mùa thu chết bên song…

Nhạc sĩ Vũ Thành sau này cũng sáng tác một nhạc phẩm mang ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây Phương tên là Thụy khúc, một ca khúc trác tuyệt đã được Kim Tước trình bày: 

Hè tàn úa, vấn vương tia nắng cuối mùa, hấp hối bên đồi 
Trời vừa chớm thu, ố hoen mây chiều, gió vàng hắt hiu 
Chiều dần xuống, tâm tư chan chứa mối sầu cô lữ u hoài 
Ngàn thông bóng nghiêng, khẽ ru triền miên 
Hương chiều nhạt phai màu, sương dần lan đêm về, man mác nhẹ khép cánh mi dài 
Ru hồn vào mơ, ru lòng say sưa, quên thề đã lỡ tình đã sớm phai, chiều đã chiều  rồi…

Ca sĩ trẻ Tâm Hảo  đã thể hiện ca khúc Lá rơi trong chiều của nhạc sĩ Thanh Trang khá thành công: 

Lá rơi trong chiều, lại ngày chớm thu 
Như mới hôm nào sương khói mịt mù 
Như mới hôm nào mình còn quyến luyến 
Tay tròn vòng tay thương mến 
Giờ đã xa rồi đành quên! 

Nhạc sĩ Huỳnh Anh cũng góp mặt với nhạc phẩm Tìm đâu phút ban đầu nghe thật lãng đãng nhưng không kém phần nên thơ: 

Nhìn áng mây chiều, nhạt mầu như sắp tàn
In theo bóng hoàng hôn
Hoa rơi từng cánh bên thềm
Mơ màng nghe lá thu, lạnh lùng rụng tả tơi
Ngày ấy đâu còn, thuyền tình neo bến mộng
Bơ vơ biết về đâu
Ta nương nhờ gió mây ngàn
Thầm ghi mấy cung đàn gửi người em cách xa
Nhớ chiều nào bên bến xưa, ngồi kề ta ước mơ
Giữa mùa hoa lá rơi
Men tình ôi chưa đắm say, mà đò ngang lạc lối
Cách xa nhau luyến thương
Rồi mấy thu tàn, thời gian đã mấy lần
Trôi qua đếm sầu thương
Thu nay về với u buồn, tìm đâu phút ban đầu
Tàn rồi một giấc mơ...

Phạm Mạnh Cương cũng cho ra đời tác phẩm Có những chiều thu,  phần nhạc thật du dương và dìu dặt, và phần lời thì vô cùng lãng mạn, đầy chất thơ: 

Màn sương buông kín mòn lối đi
Nhẹ nhàng rơi lá vàng biệt ly
Đại lộ vắng bóng chiều lặng lẽ
Cùng dìu bước phố chiều lộng gió
Sánh vai tròn giấc mơ
Thời gian ơi hãy dừng hước trôi
Để chiều thu có người bên tôi
Cùng ngồi đếm lá vàng chiều úa…

Vẫn còn vô số bài hát vô cùng quen thuộc với chúng ta,  được vang lên khi mùa thu tới, như Mùa thu cho em, Thu hát trên ngàn của Ngô Thụy Miên, Mùa thu chết và Thu ca điệu ru đơn của Phạm Duy (phổ thơ Apolinaire và Verlaine), Nhìn những mùa thu đi của Trịnh Công Sơn, Thu về trong mắt em của Phạm Mạnh Cương, Hoài Thu của Văn Trí, Mái tóc dạ hương của Nguyễn Hiền phổ thơ Đinh Hùng, Trưng Vương khung cửa mùa thu (Tell Laura I love her, lời Việt của Nam Lộc), Như ngọn buồn rơi của Từ Công Phụng…

Thu lại sang, lá thu lại nhuốm vàng, trời thu lại buồn hắt hiu như muôn thuở. Hãy để Cung Đàn Thu mang đến cho lòng ta những cảm giác buồn mênh mang diệu vợi, để hồn mình được đắm chìm vào những giai điệu mùa thu đầy xao xuyến, man mác, bâng khuâng, trong khi ngoài song, bước mùa thu đang trở về, các bạn nhé!

Trần Thị Phương Lan    
(Bút nhóm Hoa Nắng)