Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

HAI QUÍ ÔNG HÀO HIỆP TRONG NGÀY LỄ TẠ ƠN - O' Henry

 

 Đó là ngày của chúng ta, ngày mà tất cả những người Mỹ đều trở về ngôi nhà thân thuộc của mình để cùng nhau dự một bữa tối long trọng. Ngày Chúa ban phước lành hàng năm, Tổng thống cho phép mọi người được nghỉ việc.
 
Đôi khi, Tổng thống có nói về những người đã đặt ra ngày Lễ Tạ ơn đầu tiên. Họ là một nhóm người Thanh giáo đổ bộ lên vùng bờ biển Đại Tây Dương thuộc nước Mỹ. Còn chúng ta, thực tình cũng chẳng nhớ rõ về lai lịch của họ. Có điều bởi những người tiền bối đã dùng một loại lông vũ lớn có tên là gà tây trong bữa ăn ngày Lễ Tạ ơn, nên chúng ta cũng buộc phải mua một chú gà tây để ăn vào ngày đó – nếu như chúng ta còn đủ tiền để mua. Đó là một truyền thống.
 
Nói đúng ra, ngày Lễ Tạ ơn là Ngày của những người Mỹ nghèo. Và giờ đây là một câu chuyện minh chứng để bạn thấy rằng, chúng ta có những truyền thống lâu đời ngay trong một đất nước còn non trẻ. Những truyền thống ấy trở nên xưa cũ rất nhanh, còn nhanh hơn cả những truyền thống trong các quốc gia có từ lâu đời. Bởi lẽ đất nước chúng ta rất trẻ và đầy sức sống đã mau lẹ tiếp nhận đủ mọi thứ.
 
Stuffy Pete đã ngồi định vị trong công viên thành phố New York. Nếu từ Quảng trường Liên bang bạn đi vào từ hướng đông thì đó là ghế thứ 3 về bên phải. Đã chín năm qua, cứ vào buổi chiều ngày Lễ Tạ ơn bao giờ anh ta cũng ngồi ở đó. Và lần nào cũng vậy, mọi điều đến với anh ta bao giờ cũng tuyệt vời. Những điều dễ chịu đã làm cho trái tim anh ta tràn ngập niềm vui; đồng thời cũng đổ đầy sự sung sướng vào một bộ phận cơ thể nằm ở phía dưới trái tim anh ta.

Vào ngày Lễ Tạ ơn những năm trước, anh ta rất đói. (Thật lạ lùng! Những người giàu đều có mong muốn được giúp đỡ người nghèo. Nhưng đa phần trong số họ cứ nghĩ rằng, dường như người nghèo chỉ đói khát vào ngày Lễ Tạ ơn). Còn vào Lễ Tạ ơn năm nay thì Pete không đói. Anh ta vừa xơi một bữa tối sang trọng đến nỗi không có một ma lực nào có thể đẩy anh ta rời khỏi bàn ăn. Bộ mặt của anh ta đã xám ngoét bởi ăn quá no, nhưng ánh mắt thì vẫn lóe lên nỗi tiếc nuối chút thức ăn còn sót lại trên bàn. Anh ta thở ậm ạch, cơ thể bỗng nở ra quá lớn so với cỡ áo quần như muốn xé tung bộ đồ đang mặc. Mà đúng là chúng đã rách thật. Bạn có thể nhìn thấy da của anh ta qua khe rách áo sơ mi trước ngực. Cơn gió lạnh kèm theo mưa tuyết đối với anh ta xem chừng chỉ mang lại cảm giác mát mẻ? Bởi nhiệt lượng phát ra từ những đồ ăn làm cơ thể anh ta quá nóng bức.
 
Một bữa ăn quá nhiều thức ăn – với Stuffy – dường như gồm tất cả gà tây và những thứ thực phẩm có được trên trái đất này. Thật là một bữa tối không dám trông đợi.

Pete đã đi ngang một ngôi nhà rộng gần đầu một đường phố rất lớn có tên là Đại lộ thứ 5. Đó là một ngôi nhà của hai người đàn bà đã già nua thuộc một dòng họ lâu đời. Hai con người già cả ấy có một tình yêu sâu nặng với truyền thống. Vào buổi trưa ngày Lễ Tạ ơn, họ thường sai người hầu đứng đón ngoài cửa ra vào. Người hầu chờ kẻ lang thang đói khát đầu tiên đi qua để dẫn vào nhà, rồi cho người đó ăn một bữa thỏa thuê đến nỗi không thể nhồi nhét thêm một chút đồ ăn nào thêm nữa. Trên đường đi tới công viên, Pete cũng đã được mời vào nhà. Truyền thống đó vẫn được tiếp tục duy trì.

*
 
Pete ngồi ngay đuỗn trong công viên nhìn thẳng về phía trước đã chừng mươi phút. Anh ta gắng sức từ từ xoay cổ sang hướng khác một cách mệt mỏi. Đôi mắt dần trở nên man dại và hơi thở như tắc nghẹn. Bàn chân xỏ trong đôi giày rách toác tới cẳng chân quờ quạng trên mặt đất.
 
Cùng lúc đó có một người đàn ông già đang cắt đường vượt qua Đại lộ thứ 4 đi về phía Pete ngồi. Đã chín năm nay, vào ngày Lễ Tạ ơn, ông ta đều đến tìm Pete ở chỗ này. Đó là việc làm mà người đàn ông già cố gắng thực hiện theo truyền thống. Sau phút gặp gỡ ban đầu, bao giờ ông cũng dẫn Pete đến một tiệm ăn và sung sướng ngắm nhìn anh ta ăn một bữa thỏa thuê.
 
Những người Mỹ yêu truyền thống tự nguyện làm những việc như thế còn dễ dàng hơn người sống trong những quốc gia già đời giống như nước Anh. Họ làm vô tư mà chẳng hề nghĩ ngợi về những việc mình làm. Thế nhưng, trong một quốc gia còn trẻ, chúng ta buộc phải suy nghĩ về điều đó. Ấy là khi quyết định tạo lập một truyền thống cho mình, chúng ta phải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian lâu dài. Người đàn ông yêu đất nước của mình. Ông tin rằng chính ông đã góp phần tạo dựng nên truyền thống Mỹ cao cả, và ông đã thực hiện điều đó thật tuyệt vời. Chín năm liền ông làm điều đó là một quãng thời gian đâu ngắn của một đời người!
 
Người đàn ông già tiến bước, đầu ngẩng lên một cách tự hào hướng tới cái truyền thống mà ông đã và đang xây dựng. Thực ra mỗi năm cho Stuffy ăn một lần cũng chẳng phải là một truyền thống gì quan trọng. Ở xứ này, nó chỉ mới bắt đầu xây dựng. Điều đó chỉ chứng tỏ rằng, một truyền thống ít nhất cũng có thể có ở nước Mỹ.
 
Ông già ấy 60 tuổi, người cao và gầy gò. Ông mặc bộ đồ đen và đeo kính lão. Năm nay tóc ông đã bạc và thưa hơn, bước đi cũng dường như không nhanh nhẹn như năm trước.
 
Khi người đàn ông tốt bụng đến gần Stuffy cũng là lúc anh chàng ngắc ngoải và nhịp thở trở nên ngắn hơn. Anh ta ước gì có thể vụt bay biến đi lúc này, nhưng thực tế anh ta không thể nhúc nhích nổi thân xác.
 
“Xin chào”. Người đàn ông già đã lên tiếng. “Tôi rất vui sướng khi thấy những buồn phiền của năm tháng đã không làm tổn thương đến anh. Anh vẫn sống khỏe mạnh bởi được Chúa ban phước, chúng ta sẽ cùng tỏ lời cảm ơn Người trong ngày Lễ Tạ ơn. Nếu anh đi cùng ta, con trai ta ạ, ta sẽ đãi con một bữa tối mà chắc chắn đấy là dịp để thể xác và tinh thần con cảm nhận đã được Chúa ban ơn”. Đã chín năm nay, ông đều nói những lời như vậy. Tự thân những lời nói ấy hầu như đã là truyền thống.
 
Những năm trước, lời nói của ông luôn là khúc nhạc êm ái trong tai Pete. Nhưng bữa nay anh ngước mắt nhìn trực diện vào mặt ông, và nhận thấy hai dòng nước mắt trào ra từ khóe mắt ông. Những bông tuyết đậu trên da mặt nóng bừng của ông nhanh chóng tan ra thành nước. Ông rùng mình vì lạnh, rồi xoay lưng về phía gió thổi. Và dường như muốn tránh ánh mắt của Stuffy.
 
Stuffy luôn phân vân: Tại sao người đàn ông già kia dường như buồn bã mỗi khi anh hỏi chuyện. Anh đâu có biết ông luôn ao ước có được một đứa con trai. Để khi ông từ giã thế gian này, nó sẽ đến bên ông để vĩnh biệt. Nó sẽ đứng thẳng trang nghiêm nói lời tưởng nhớ người cha yêu quý của mình. Đó mới đích thực là truyền thống.
 
Người đàn ông già không có gia đình. Ông sống trong một căn phòng của một trong những chiếc nhà cũ kỹ nằm gần công viên. Vào mùa đông, ông trồng một vài khóm hoa cạnh phòng ở. Mùa xuân, ông dạo bộ trên Đại lộ thứ 5. Mùa hè, ông sống trong lều trại trên những ngọn đồi ngoại ô New York. Ông hay kể về một loài sâu lạ lùng phá rau màu mà ông hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm ra chúng. Vào tiết cuối thu, ông mời Stuffy đi ăn một bữa tối. Những việc đó phần nào lấp đi nỗi cô đơn trống trải trong cuộc đời ông.
 
Pete ngước nhìn ông chốc lát và không cầm lòng nổi, anh ta cảm thấy hối hận, vì đã có ý nghĩ khước từ lời mời của ông già. Và đôi mắt người đàn ông già sáng lên tỏ vẻ hài lòng. Nét mặt ông già đi nhiều so với những năm trước, nhưng quần áo rất sạch và còn mới tinh. Rồi Pete cũng đã gắng sức phát ra được một âm thanh thều thào rất lạ. Tuy vậy, cũng như chín năm đã qua, ông đã quen nghe và ông hiểu. Ông biết rằng Stuff đã chấp nhận lời đề nghị của mình.
 
“Cảm ơn ông! Tôi đang rất đói”.
 
Thực ra, Stuffy đã no cứng bụng, nhưng anh ta hiểu rằng mình là một bộ phận của truyền thống. Sự thèm khát ăn uống vào ngày Lễ Tạ ơn không phải là anh ăn vì mình mà là vì người đàn ông tốt bụng kia. Nước Mỹ quả là tự do. Nhưng ở đó cũng có những điều nhạy cảm bắt buộc lương tâm phải làm.
 
Ông già dẫn Suffy tới một nhà hàng, tiến lại chiếc bàn quen thuộc mà cả hai đều biết rõ qua những lần họ đã từng đến.
 
“Ông già đã đến kia rồi – cái ông thường mua những đồ ăn để thết đãi anh chàng vô tích sự một bữa vào ngày Lễ Tạ ơn hàng năm ấy!”. Một người hầu bàn thông báo.
 
Người đàn ông già ngồi xuống cạnh bàn và quan sát. Những người hầu bàn đã mang ra vô số các đồ ăn. Và Suffy bắt đầu ăn.

Chưa bao giờ có một người lính chiến vĩ đại và nổi tiếng nào chiến đấu dũng mãnh đến như thế với kẻ thù. Gà tây và tất cả mọi thực phẩm biến khỏi mặt bàn nhanh chóng như chúng vừa xuất hiện. Suffy đã nhìn thấy vẻ hạnh phúc trên gương mặt ông già. Anh ta quyết định tiếp tục giữ vững tốc độ ăn.

Một giờ trôi qua và trận đánh đã kết thúc.
 
“Cảm ơn ông! Cảm ơn vì đã cho ăn bữa tối Lễ Tạ ơn”. Suffy lắp bắp. Rồi anh ta nặng nề đứng dậy loạng choạng bước chệch hướng cửa ra vào. Một người hầu bàn giúp xoay người anh ta cho đúng hướng.

Ông già cẩn thận đếm tiền trả, và bo cho người hầu bàn 15 xu. 

Cũng như những năm trước, họ nói lời tạm biệt và chia tay cạnh cửa ra vào. Ông già đi về phía nam còn Pete đi về hướng bắc.
 
Stuffy loanh quanh mãi ở góc phố đầu tiên. Sau đó đứng sững lại chừng một phút rồi đổ gục xuống. Người ta đã tìm thấy anh ta và đưa tới một bệnh viện. Họ đặt anh ta lên giường bắt tay vào việc chẩn đoán nhằm cố gắng phát hiện căn bệnh kỳ lạ nào đã quật anh ta gục ngã. 
 
Một giờ sau, ông già cũng được đưa tới cùng bệnh viện với Stuff. Họ đặt ông lên một giường bệnh khác và cố gắng tìm xem căn bệnh của ông là gì.
 
Sau chừng ít phút, một bác sĩ của nhóm hội chẩn gặp một bác sĩ khác vừa tới và họ trao đổi với nhau:
 
“Đằng kia có một ông già thật tốt bụng, tử tế”. Người bác sĩ nói. “Anh có biết ông ta mắc sai lầm gì không? Ông ấy đã suýt chết vì nhịn đói. Một người già rất đáng kính trọng, tôi nghĩ thế. Ông ấy kể với tôi rằng đã ba ngày nay ông ấy không hề ăn một tí gì”.
 

Truyện ngắn. O.Henry (Mỹ)     

Đinh Đức Cần (dịch)          

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

CỎ HOANG - Lê Tất Điều

 

Như một con sâu nhỏ bé có thể tự bảo vệ bằng bề ngoài kinh khiếp của nó, như một cô gái, thiếu sắc đẹp, hấp dẫn kẻ khác phái bằng một thứ duyên thầm, bằng chính sự không may của mình, ngôi trường của tôi càng ngày càng trở nên dễ thương đối với những người đã từng chán ghét nó trong buổi gặp gỡ đầu tiên. Tất cả những điều đáng ghét, đáng sợ của ngôi trường này dần dần trở thành những sự khôi hài. Rồi sau này, khi những sự kỳ quái của ngôi trường đã hoàn toàn biến mất thì chúng tôi vẫn muốn nhắc nhở lại chuyện cũ như nói đến những kỷ niệm êm đềm, khó quên.

Hồi mới được xây lên, trường chỉ có hai lớp nhỏ bé, thấp và sơ sài như những căn nhà nghèo. Mái tôn thấp và nung nóng đến nỗi tôi có cảm tưởng thà vứt bỏ mái đi ngồi ngay dưới ánh nắng mặt trời còn thoải mái, dễ chịu hơn. Trong những ngày nắng to, nhìn lũ trẻ vừa vuốt mồ hôi vừa cặm cụi làm toán, thỉnh thoảng lại ngừng bút cầm vở quạt phành phạch, tôi nghĩ rằng nếu nhà trường không cho chúng được một số vốn kiến thức thì ít nhất cũng đã dạy chúng một bài học kiên nhẫn và chịu đựng. Ngày mưa thì còn tệ hơn, nước dội ào ào xuống mái tôn, tôi có gân cổ gào to đến mấy chúng cũng chẳng nghe thấy gì, tốt hơn hết là cho chúng ngồi xúm vào một chỗ không bị dột, để chờ mưa ngớt. Và như thế tôi lại còn có thì giờ để lo bảo vệ sổ sách khỏi bị ướt sũng.

Ngày đầu được gửi đến làm việc ở đây tôi đã đi hàng giờ để kiếm cái bảng tên trường mà mãi ba năm sau mới có. Rồi tôi mất nửa giờ nữa để đứng lặng nhìn ngôi trường, tồi tàn quá sức tưởng tượng, cứ phân vân chẳng hiểu kẻ chỉ đường có chủ tâm chơi xỏ hay đánh lừa mình không.

Một cái hàng rào để định ranh giới của ngôi trường cũng không có. Trường nằm chung trên một phần đất rộng với trạm y tế độc nhất của vùng ngoại ô, và một cái chợ nhỏ. Sân trường đầy cỏ hoang và những cây gai um tùm, đó là nơi tụ họp của các loài ngan, ngỗng, vịt, gà, chó, heo. Người lao công trông coi ở đây già yếu đến nỗi không ai nỡ nặng lời với ông ta. Ông ta chỉ cầm nổi cái chổi khi đã tỉnh rượu, và thường thường ông ta chỉ tỉnh rượu khi đã lên giường ngủ được một vài giờ, thời gian độc nhất có thể khiến ông ta tạm xa chai rượu.

Những ngày làm việc sau đó tôi phải đối phó với đủ thứ chuyện bất ngờ. Có nhiều lúc tôi ngẩn ra không biết phải phản ứng như thế nào cho hợp. Trong tất cả những sách vở viết về khoa sư phạm mà tôi đã được đọc, tôi chưa thấy một tác giả nào nêu ra trường hợp một ông thầy đang hăng hái giảng bài phải giật mình vì thấy một con heo đùng đùng chạy vào lớp mình. Con heo to lớn, dẫn theo một bầy con lít nhít, kêu eng éc, chẳng coi ai ra gì. Lớp tôi có hai cửa nên đã trở thành con đường giao thông ngắn nhất từ sân trường về chuồng của lũ heo, ở trong một căn nhà hàng xóm của nhà trường. Thấy tôi vô tình đứng cản đường đi của mẹ con nó, con heo đứng lại kêu to phản đối, mấy con heo con nhân dịp đó, bỏ hàng ngũ chạy đại vào những khoảng trống giữa hai dãy ghế học trò ngồi. Ấy thế là cái trật tự của lớp mà tôi đã mất bao công lao mới tạo được đột nhiên bị phá vỡ. Lũ trẻ nhao nhao nhảy ra khỏi chỗ để chống lại sự xâm lăng của bầy heo, dĩ nhiên, tôi cũng phải ngừng giảng bài để hợp tác với lũ học trò. Lớp học tràn đầy một không khí kỳ quái với tiếng trẻ la hét, dậm dọa, xen lẫn tiếng heo kêu. Mấy con chó cũng thi nhau chạy vùn vụt qua lớp luôn luôn. Về sau tôi không dám mở to cửa lớp ra nữa và lúc nào cũng phải để ý canh chừng để xua đuổi kịp thời những sự bất ngờ này.

Cái chợ ở ven trường thì lúc nào cũng ồn ào và có nhiều vụ cãi nhau hơn cả các chợ khác. Khi có vài bà bán tôm bán cá đùng đùng nổi giận mà chia làm hai phe đấu khẩu, chửi rủa nhau thì khó mà ngăn những câu nói của họ khỏi bay vào lớp học, dù tôi có đóng hết các cửa lại. Tôi bắt lũ học trò ngồi thật nghiêm trang, và cố gắng giảng cho chúng nghe những điều thật đặc biệt, nhưng vô ích, một vài câu chửi gợi lên những hình ảnh quá tục tĩu vẫn làm cho vài đứa bật ra khúc khích cười.

Phải mất hàng hai ba tháng trời tôi mới triệt được cái bệnh văng tục, bệnh ở bẩn của lũ học trò. Nhưng đó chỉ là những điều vụn vặt, khiến tôi bực mình, không gây nên sự chán nản.

Cái việc gây nhiều khó khăn, cản trở cho công việc của tôi, chính là đời sống của người dân ở đây. Ngoài một số rất hiếm người khá giả, thì người dân ở đây đều nghèo khổ. Họ không có một cơ sở hay việc làm vững chắc như người thành phố hay có một việc làm hiền lành như người miền quê. Họ như từ bốn phương tụ lại, đại diện cho khắp nơi và sống bằng đủ các thứ nghề, lương thiện có mà không lương thiện cũng có. Như những cây cối mọc chen chúc trong một khu vườn hoang họ vươn lên, tìm sống bằng các phương tiện hợp với khả năng họ, trong tầm tay họ. Và họ đã tạo nên được cái vẻ muôn mặt, hỗn độn, bí mật của một vùng ngoại ô cằn cỗi.

Vì thế, tôi không thể giảng một bài đức dục nào mà lại hoàn toàn không động chạm đến nghề nghiệp, tật xấu, hay quá khứ của một ông chủ gia đình. Khi tôi nêu ra một điều tệ hại cần tránh và thấy lũ học trò quay cả về phía một đứa đang cúi đầu ngượng nghịu thì tôi biết ngay rằng ba thằng bé này làm nghề gì. Có lần, sau một hồi hăng hái giảng về sự tai hại của tính mê tín dị đoan và sự láo khoét của mấy ông thầy pháp, tôi phải ngẩn người vì một thằng học trò bỗng đứng bật dậy, chỉ vào một đứa khác tố cáo:

- Thưa thầy, tía anh nầy cũng là thầy pháp, tối nào tía anh ấy cũng đi cúng.

Ðứa học trò có người cha bị tố cáo ngượng ngùng lấm lét nhìn tôi, miệng cười gượng, tay cấu mãi vào một góc vở, đôi mắt nó nhìn tôi để lộ những tia sợ hãi, tuyệt vọng, khổ sở. Thì ra ba nó chính là cái ông thầy pháp đã từng làm tôi mất ngủ, khó chịu. Ðêm đêm, khi cúng bái cho một nhà nào ông ta thường mặc bộ quần áo màu sặc sỡ, khua chiêng đánh mõ om sòm và thỉnh thoảng lại thổi một tiếng kèn ngắn ngủi, quái đản, nghe thật ghê sợ. Tôi vội vàng mắng át đứa kia và quả thực, sau đó, phải chật vật lắm tôi mới có thể làm cho lũ học trò, vừa biết rõ sự bịp bợm của mấy ông thầy pháp, lại vừa tin rằng ba của đứa học trò kia, dù thế nào cũng vẫn phải được kính yêu. Chúng chưa đủ trí khôn để tìm thấy sự mâu thuẫn trong cách giải thích của tôi. Nhưng thế nào mà chả có đứa phân vân. Thành ra tôi đã mở mắt cho chúng để chúng nhìn thấy những sai lầm trên các người sinh thành ra chúng.

Lũ trẻ thường bị rơi vào giữa gọng kìm của một cuộc đời thực tế và một cuộc đời tốt đẹp trong sách vở. Chúng trở nên hiền lành, sợ hãi một cách thật đáng thương.

Nhưng càng mến yêu lũ học trò thì tôi càng tỏ ra nghiêm khắc với chúng. Tôi đã làm ngược lại những điều mà lớp người trước căn dặn tôi: phải tạo một không khí thân mật giữa thầy và trò, phải cho học trò thấy rõ là mình rất thương mến chúng. Nếu tôi cố gắng tạo cho lớp học một không khí quá vui tươi, cởi mở thì sẽ có nhiều đứa học trò của tôi nhìn thấy gia đình chúng là một nơi thật đáng ghét, đáng sợ, đôi khi mang dấu vết xấu xa, tối tăm của địa ngục. Có đứa coi những giờ đến trường là những giờ được nghỉ ngơi sung sướng nhất, bởi vì khi trở về nhà nó phải làm việc quần quật suốt ngày. Khi được giao công việc nhẹ nhàng nhất là việc bế em thì lập tức chúng lại tìm đến sân trường, chơi đùa với lũ học trò ở đây, sung sướng như đang sống trong một thiên đường nhỏ. Tôi cố giả vờ tạo một bộ mặt nghiêm khắc đến thế nào thì cũng không thể làm cho chúng sợ hãi bằng nét mặt cau có của một người cha say rượu khi ông ta cầm trong tay một thanh củi lớn và hung hăng đập lên người chúng như đập lên một kẻ tử thù. Phải thấy cha mẹ mình lầm lỗi và bị hàng xóm khinh ghét một đứa học trò cảm thấy đau đớn, tủi hổ gấp trăm, ngàn lần những khi nó bị phạt ở nhà trường. Có những đứa trẻ quen chịu đựng sự cực khổ đến nỗi lúc nào nó cũng giữ được vẻ thản nhiên, ấy thế mà khi bị ốm nằm nhà, thấy thầy và bạn đến thăm nó lại đâm sững sờ rồi bật khóc nức nở. Tình thương, sự săn sóc đến bất ngờ quá khiến nó ngẩn ngơ, kinh ngạc.

Ðối với những đứa trẻ không được đi học tới năm năm trời thì sự sung sướng của thế giới học trò thường làm chúng khổ sở khi phải rời khỏi học đường. Trường hợp của trò Dũng đã khiến tôi thấy rõ điều này. Ðã có nhiều đứa đang học thình lình phải bỏ ngang để đi học nghề. Nhưng chỉ có cái buồn rầu của trò Dũng trong lần cuối cùng nó rời khỏi lớp học là được ghi đậm trong ký ức tôi.

Cho đến bây giờ, ngôi trường đã được kiến thiết đẹp đẽ, sân trường không còn một sợi cỏ, thế mà mỗi lần nhìn thấy những luồng gió lốc tung cát, chạy quanh trong sân trường, tôi tưởng như vẫn thấy bóng trò Dũng ngập ngừng bước bên đám cỏ hoang, đôi bàn chân đen đủi của nó còn ghi vết trên con đường nhỏ.

Trong buổi học của ngày đầu niên học tôi đã chú ý ngay đến nó. Ngồi ở dãy bàn cuối lớp, Dũng cao hơn các bạn nó hẳn một đầu. Nét mặt nó lúc nào cũng tươi tỉnh, làn da đen xạm khiến nó càng có vẻ láu lỉnh, khôn ngoan. Nó quay sang bên phải nhe răng cười rồi lại quay sang bên trái nháy mắt như có điều gì thú vị lắm. Ðầu tiên tôi tưởng nó thuộc loại những đứa trẻ lớn đầu và ngỗ nghịch. Nhưng khi tôi gọi đến nó thì nó lại tỏ ra là một đứa trẻ hết sức lễ phép và ngoan ngoãn. Tôi chưa thấy đứa trẻ nào tha thiết, sốt sắng với công việc của lớp học như trò Dũng. Tính sốt sắng ấy nhiều khi trở nên quá đáng. Tôi vừa hỏi có trò nào viết trên bảng được không thì lập tức Dũng nhỏm ngay dậy. Ngoài cánh tay giơ cao nhất lớp nó còn át các bạn của nó bằng cách nói lia lịa:
 
- Con viết được, con viết được, thầy cho con viết.

Và tôi vừa gật đầu là nó đã hấp tấp chạy lên bảng để rồi viết ra những hàng chữ ngả nghiêng, leo dốc xuống đèo làm cho cả lớp kêu ầm ĩ vì không đọc nổi. Trong những ngày sau đó Dũng trở thành nguồn vui của lớp học. Trước câu hỏi của tôi, dù khó khăn đến đâu nó cũng giơ tay xin trả lời, và trả lời mười lần sai hết chín. Dũng viết những chữ rất xấu, nhưng nó có tài giữ gìn sách vở. Nó thường chỉ nổi giận khi có một đứa bạn làm dây mực vào sách vở của nó. Thỉnh thoảng nó lại đem tặng lớp học một món quà nhỏ. Và lớp học dần dần có vẻ tươi mát với những cây leo trồng trong một cái bóng đèn điện chứa đầy nước, hay trong một con ốc nhiều màu.

Thỉnh thoảng Dũng lại đem đến lớp một cái búa và mấy cái đinh để sửa lại những bàn ghế quá ọp ẹp, mà bọn học trò nhỏ của tôi thường vin vào đó để lấy cớ cãi nhau.

Dần dần bọn học trò tôi cũng khám phá ra cái tính sốt sắng của Dũng và bắt đầu lợi dụng nó. Chúng giao cho thằng Dũng đủ các việc lặt vặt, nhất là những việc có liên can đến mục vệ sinh của lớp. Dũng nhận làm hết. Ðứa nào có đồ chơi hay một vật dụng gì hư hỏng đều có thể nhờ đến bàn tay sửa sang của thằng Dũng. Có lần nó sửa được cả bộ máy của một chiếc xe hơi nhỏ chạy dây cót, khá rắc rối mà nó mới được mở xem lần đầu. Chủ nhân của chiếc xe khoái quá thưởng công Dũng bằng cách cho nó mượn về chơi hẳn một ngày.

Nhờ cái tài khéo tay này mà Dũng vẫn đứng đầu về môn thủ công. Trong kỳ chấm bài lũ trẻ thường hồi hộp chờ xem tác phẩm của nó. Ðể cho những món nó làm ra thêm phần giá trị, Dũng thường có một lối giấu giếm và pha trò rất khôn khéo. Một lần nó nặn được một quả chuối, tô màu giống hệt như quả chuối thật, nó gói kỹ trong một tờ giấy, và mặc cho mấy đứa trẻ khác chạy theo gạ gẫm, năn nỉ, nó không cho đứa nào xem cả. Gần tới giờ thủ công Dũng mới giở quả chuối ra giơ lên rồi, miệng há tròn, nó giả vờ như sắp đớp quả chuối làm cho những đứa khác cùng ồ lên, phục lăn.

Vì học hành thất thường nên Dũng chỉ đứng hạng trung bình trong lớp, nhưng nó khá thông minh và chăm nên không mấy khi tôi phải trách nó về tội lười. Vẻ tha thiết với việc học của nó hiện rõ nhất khi nó làm một bài làm chậm hơn các bạn, nó cuống quít lên và dù hay dù dở nó cũng cố gắng xin tôi cho điểm. Nếu chỉ vì chậm chân mà nó không được phê điểm thì nó tỏ ra khổ sở, bực bội lắm. Vào những ngày trả bài luận, Dũng có vẻ hồi hộp, lo lắng của một con bạc trước khi biết kết quả tiếng bạc của mình. Cầm cuốn vở luận trong tay, Dũng ngửa mặt lên, đôi mắt nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm như khấn khứa, rồi thình lình nó mở bung quyển vở ra để xem điểm. Nếu thấy được điểm khá nụ cười liền cũng bật tung ra, tràn lan trên khuôn mặt đen xạm của nó, làm cho đôi mắt long lanh sáng. Nhấp nhổm trên chỗ ngồi, hai tay nó hích phải hích trái, nó có vẻ muốn cười phá lên, vỗ tay mà rồi không dám. Nó cười với đứa bên phải, khẽ "hì hì" vào tận tai đứa bên trái, và kéo cả cổ áo của đứa ngồi trước mặt để cho thằng kia rõ sự thành công của nó. Có lần tôi phải mắng nó về cái tội đã dám đóng khung, tô màu và vẽ hoa lá xung quanh con số mười điểm mà nó kiếm được nhờ một bài chính tả không có lỗi.

Ðiều đáng tiếc nhất là Dũng làm luận rất dở, bao giờ nó cũng ba hoa đến độ thành lạc đề và chẳng mấy khi được điểm cao. Trong suốt năm học nó chỉ có mỗi một bài thật khá mà lại không được điểm, đó là bài tả một đám cãi nhau. Nó viết kín ba trang giấy, nhắc lại rất trung thành lời nói của hai địch thủ tặng cho nhau. Tuy nó cũng biết loại bỏ những câu quá đáng, nhưng bài ấy vẫn bị tôi kiểm duyệt, giống như những bài văn tả chân thường gặp bước không may.

Quả thực, chưa bao giờ tôi thấy trò Dũng nói chuyện trong lúc tôi giảng bài. Mỗi lần tôi lên tiếng là nó khoanh tay, chăm chú ngước nhìn, chờ đợi. Những lần có một con heo hay con chó nhào vào phá đám giữa lúc tôi đang nói thì Dũng thường nổi giận, nó kêu với vẻ vừa thất vọng vừa tức tối:

- Trời đất ơi!...

Và nó tự động nhảy ra khỏi chỗ, vừa hò hét vừa đuổi theo con vật cho đến cuối sân trường.

Vì là đứa lớn tuổi nhất lớp nên nó cũng thường tỏ ra khôn ngoan, dễ biết ý tôi hơn các trẻ khác. Khi ở các nhà bên cạnh trường có những vụ cãi vả, những vụ đánh nhau, trong lúc những đứa khác đứng dậy, nhìn qua cửa sổ thì thằng Dũng cau có xin phép tôi cho đóng các cửa sổ lại. Nó đã biết những lời thô tục làm vẩn đục cả không khí của học đường. Nó mến thầy, mến bạn, mến lớp học và lúc nào cũng chỉ muốn bảo vệ, che chở cho cái lớp học của nó.

Nhưng học đều đặn được chừng ba tháng thì thằng Dũng bắt đầu đến lớp thất thường, bỏ bê việc học hành. Tôi đã quen với những vụ nghỉ học trường kỳ của lũ học trò. Vào những ngày cuối năm, khi một người Tàu già đội chiếc mũ cói rộng vành bắt đầu bón nhiều phân lên một vườn rau cải nhỏ của ông ta ở gần trường, thì lớp học của tôi bắt đầu thưa thớt. Chẳng phải lũ trẻ không chịu đựng nổi mùi phân bón bốc lên nồng nặc, làm chúng phải vừa bịt mũi vừa học, mà chính vì trong thời gian này, chúng phải đem cái sức nhỏ bé ra để giúp đỡ cha mẹ chúng. Có đứa vừa phải coi nhà vừa giữ em cho cha chúng đem hoa đi bán. Có đứa phải phụ với cha mẹ trong công việc gánh hàng ra chợ. Có đứa phải gạt hết sách vở để suốt ngày cưa sừng làm lược, hay cặm cụi đánh từng con suốt chỉ cho bà mẹ dệt vải. Buổi tối, trong lúc ngồi hóng gió trước nhà, tôi thường thấy hai đứa học trò ngoan nhất của tôi đi bán bánh trên con đường dài, không có ánh đèn, dẫn vào các xóm nhà nghèo. Chúng là con một người đàn bà gốc Trung Hoa sống bằng nghề bán hoa quả lặt vặt. Ðồ đạc của hai đứa trẻ này là một cái thúng có đựng những miếng bánh bò màu trắng, hoặc vàng úa đã cắt sẵn, để thành từng lớp có thứ tự. Mỗi đứa khiêng một đầu đòn gánh, lồng qua quang gánh mang cái thúng. Thằng em đi trước cầm chiếc đèn bão soi đường thỉnh thoảng lại cất tiếng rao. Thằng anh đi sau giữ tiền. Hai đứa giống nhau từ mái tóc, nét mặt đến bộ quần áo. Khi có người gọi lại, chúng vội vàng đặt gánh xuống. Thằng em nhấc ngay cái lồng bàn che bánh lên, thằng anh ngồi thụp xuống, dùng một cái xiên sắt lấy bánh ra, gói vào giấy, trao hàng và nhận tiền. Chúng đã chia nhau từng cử chỉ lặt vặt ấy. Ánh đèn bão mập mờ soi hai nét mặt trẻ lúc nào cũng bình thản, không còn dấu vết tinh quái, nghịch ngợm của những đứa trẻ bình thường.

Có khi lên giường nằm rồi tôi còn nghe tiếng rao của chúng vang lên đột ngột, cô đơn như một tiếng động vừa rơi lơ lửng vào giữa bầu trời mênh mông của miền ngoại ô. Ánh đèn của chúng hắt qua khe cửa nhà tôi tạo thành những vệt sáng dài, vừa run rẩy vừa di chuyển chậm chạp trên tường. Nếu trong buổi học ngày hôm sau đó chúng có không thuộc bài tôi cũng gắng cho chúng điểm trung bình.

Nhưng bọn trẻ này nghỉ học bận việc có định kỳ, một năm chúng chỉ nghỉ một lần thật lâu rồi lại đi học đều đặn. Trái lại, trò Dũng nghỉ vài ngày rồi lại đi, rồi lại nghỉ vài ngày. Mỗi lần đến trường nó vẫn tỏ ra sung sướng, vui vẻ say mê với việc học. Cuối buổi học, trong giờ hoạt động thanh niên nó vẫn hăng hái cộng tác với các bạn để làm vui cho cả lớp. Hoặc nó ca vài câu, kể một câu chuyện, hoặc nó xắn quần ống cao ống thấp, bôi phấn vào mặt, vẽ râu để làm anh hề trong một kịch vui, làm cho cả lớp cười bò. Từ sau bảng bước ra, nó mới nheo mắt, nhe răng, đi khệnh khạng, chưa kịp nói câu gì, là lũ bạn nhỏ của nó đã không nín cười được. Thành ra, những hôm vắng thằng Dũng tự nhiên lũ trẻ mất vui, cảm thấy nhớ. Có đứa tức quá đứng lên tố cáo:

- Thưa thầy, anh Dũng bỏ học đi chơi đấy ạ.

Vài đứa khác lại nhao lên bênh vực:

- Thưa thầy anh ấy ở nhà bế em cho má anh ấy đi chợ.

- Anh ấy phải trông nhà.

Dũng cũng nêu những lý do đó để xin nghỉ học. Tôi đành phải tin nó vì cha mẹ nó chẳng bao giờ chịu đến trường xin phép nghỉ cho con. Một lần gặp thằng Dũng đang loay hoay phụ giúp với một người đàn ông sửa một chiếc xe trong một căn nhà nhỏ, mái tranh, lập chênh vênh ven bờ ruộng, trên con đường vào thành phố, tôi mới biết người đàn ông đó chính là cha Dũng. Ông ta làm nghề sửa xe đạp, xe gắn máy chứ không phải "buôn bán" như ông ta đã ghi trong lý lịch của con. Hai cha con đều mặc những bộ quần áo ka-ki đen đặc dầu mỡ, chắc trước kia màu vàng. Thấy tôi, thằng Dũng vội vàng vứt cả kìm, búa đứng dậy khoanh tay chào, nét mặt hân hoan. Cha Dũng cũng gật đầu chào tôi, mấy sợi tóc uốn quăn xõa xuống cái trán cao có một vết sẹo ngang của ông ta làm cho khuôn mặt ông ta vừa có vẻ dày dạn lại vừa có vẻ phong lưu của một công tử giàu tiền. Ông ta trẻ hơn tôi tưởng. Ông nói với tôi:

- Nhà tôi độ này bận quá, thành ra phải xin thầy cho cháu Dũng nghỉ ít bữa.

Tôi chỉ gặp ông ta một lần ấy thôi. Từ đấy về sau mỗi lần đi qua đây tôi chỉ thấy một mình thằng Dũng đang loay hoay làm việc. Thằng bé khéo léo này đã có thể thay thế cha nó trong công việc sửa xe, vá những lỗ thủng trên ruột xe. Hỏi thăm về cha nó thì nó cho tôi biết là ông ta đi vắng.

Càng ngày nó càng đến trường ít hơn, và mỗi lần đến là một lần nó cuống quít đi mượn vở chép bài. Sách vở của nó bắt đầu mất cả sự sạch sẽ, quần áo của nó cũng không còn gọn gàng như trước. Nhưng nó vẫn vui vẻ, sốt sắng, vẫn ca hát và làm hề cho cả lớp cười, vẫn nhảy nhót khi được điểm cao. Ngoài giờ học, nó lại mặc bộ quần áo đầy dầu mỡ, làm bạn với kìm, búa, với những chiếc xe hỏng.

Buổi trưa, thỉnh thoảng có dịp đi qua căn lều nhỏ của gia đình Dũng, tôi thường thấy nó ngồi trên chiếc chiếu nhỏ, dựa lưng vào một chân cột, dáng điệu nửa thức nửa ngủ. Ðồ đạc, dụng cụ sửa xe xếp ngổn ngang quanh nó. Nó không nhìn thấy tôi vì ngồi quay lưng về phía con đường nhựa mềm ánh nắng buổi trưa, có lẽ nó đang thả tầm mắt mơ hồ qua cánh đồng không, tới những ống khói cao ngất trong thành phố. Những luồng gió nóng như hơi nước trong một nồi nước sôi thổi phần phật vào mái lá, hoặc xoay tròn, bốc cát bụi mù trên con đường đất đỏ chạy ngang cánh đồng. Tôi tưởng như thằng bé ngồi bất động, cô đơn kia không thể nào là thằng Dũng, một đứa trẻ láu táu, vui tính nhất lớp tôi. Bầu không khí, phong cảnh cằn cỗi ở vùng ngoại ô này có thể nung khô tất cả những tâm hồn dịu dàng, vui tươi, và đốt cháy những nguồn hy vọng nhỏ bé. Quả thực tôi không như những người dạy học khác, mong mỏi nhìn thấy sự thành công trong tương lai của đám học trò mình, tôi chỉ muốn lũ trẻ được ngồi học yên ổn và đều đặn trong lớp tôi cho đến cuối năm.

Tôi không đoán nổi trong lúc ngồi cô đơn như thế bé Dũng đã nghĩ gì, mơ đến những điều gì. Nhưng một trong những sự mơ ước của nó, đột nhiên hiện ra trước mắt tôi vào một buổi học, khi nó bị tôi phạt về tội nói chuyện trong lớp. Và ngay sau đó tôi nhìn thấy tất cả nỗi tuyệt vọng của nó. Sự vùng vẫy, phấn đấu, để thoát ra khỏi ngõ bí của nó đầy tính cách mong manh, khờ dại khiến ta xúc động, xao xuyến như khi ta nhìn thấy một con chim non lạc tổ sắp chết vì một trận mưa.

Dũng để một vật gì dưới ngăn bàn, hai đứa bên cạnh nó cùng chụm đầu lại để nhìn. Vừa nói, Dũng vừa cười có vẻ thích thú và hai đứa bên cạnh nó cũng cười theo. Bị gọi tên thình lình, Dũng giật mình đứng dậy, luống cuống khoanh tay. Nó chưa kịp trả lời câu hỏi của tôi thì một trong hai đứa bên cạnh nó đã nói:

- Thưa thầy, anh Dũng khoe cái xổ số anh ấy mới mua.

Rồi nó cố nín cười để giữ giọng tự nhiên:

- Anh ấy nói nếu trúng độc đắc anh ấy sẽ mua cái xe hơi chở cả thầy và hết cả lớp đi chơi và đi coi hát bóng.

Cả lớp cười, vài đứa xì xào:

- Xe hơi nào mà chở được cả lớp...

Dũng có vẻ ngượng, nó mỉm cười và cúi đầu. Nhìn vẻ tiều tụy của nó tôi không nỡ mắng, bao giờ cũng thế, khi biết sắp bị mắng nó thường buồn rầu và lo sợ. Tôi bảo:

- Thôi cất xổ số đi... bao giờ trúng hãy đem khoe.

Dũng tươi tỉnh hẳn lại, đôi mắt nó long lanh tin tưởng, nó đã trở lại vẻ nhanh nhẩu bình thường:

- Thưa thầy, mấy người nghèo hết tiền mua giấy số hay trúng lắm thầy.

- Vậy hả. Ờ, thầy cũng hy vọng sẽ được đi xe hơi của trò Dũng. Bao giờ mở số đấy?

- Chiều nay ạ.

Nó ngồi xuống, trịnh trọng nhét tấm xổ số vào cặp. Tôi vội giảng bài tiếp để chặn đứng cuộc bàn về xổ số đang lan tràn trong lớp. Hình như có tấm vé xổ số trong cặp, Dũng vững tin ở cuộc đời hơn. Suốt giờ học tôi không nhận thấy vẻ buồn rầu thoáng qua mặt nó như mấy buổi học trước. Nó chịu đặt cả hai tay lên bàn nhưng không ngồi yên, thỉnh thoảng lại quay nhìn phải, nhìn trái, môi lúc nào cũng hé như sẵn sàng cười thật to. Cuối giờ, trước khi về học nó còn đi quanh lớp để ngắt lá úa trên những dây vạn niên thanh và siết lại những đầu dây thép gắn vài con ốc vào đầu đinh trên tường. Niềm vui, sự hân hoan của trẻ con thường tràn ra thành các cử chỉ như thế.

Buổi chiều, khi nghe máy thu thanh, tôi nhớ đến tấm xổ số của trò Dũng và ý nghĩ của tôi, tôi mỉm cười như những lần tôi nhớ đến một kỷ niệm ngộ nghĩnh về đám học trò.

Sáng hôm sau, bầu không khí có vẻ oi bức khiến tôi cảm thấy khó chịu. Những đám mây đen mờ che khuất mặt trời báo hiệu một ngày không có nắng. Vùng ngoại ô quá rộng để ta có thể cảm thấy tất cả sự khó chịu của một bầu trời nặng nề. Sức nóng không tỏa từ ánh nắng một cách tự nhiên mà như xuất hiện bất cứ chỗ nào. Sự bình thản, vui vẻ trong tâm hồn tôi hình như bị sự oi bức làm rạn nứt và đã trở thành một cái gì mong manh dễ vỡ.

Buổi học lại bắt đầu bằng vài chuyện lộn xộn. Hai đứa nhỏ ở cạnh nhau, đến lớp còn cãi vả om sòm vì một chuyện đã xảy ra giữa hai gia đình trong ngày hôm trước. Ðứa này bảo bố đứa kia là đồ ăn cắp gỗ và đứa kia tố cáo việc anh đứa này bị người ta đánh vì dám cướp tiền một đám bạc. Một thằng học trò khác thì đem lên bàn tôi một quyển vở chỉ còn độ bốn năm tờ giấy trắng, nó kêu rằng nó không hề xé vở mà chính ba nó đã lấy giấy gói hàng. Tôi không thể nén sự bực mình, tôi đã gửi một bức thư cho ông ta về việc này và ông ta chưa trả lời. Tôi thở dài nhìn đứa trẻ, nó chớp mắt sợ hãi, cả nó và tôi đều lọt vào cái thế đáng chán. Tôi vừa lấy giấy ra định biên thêm cho ba đứa trẻ mấy dòng thì cuối lớp, một đứa đứng dậy báo cáo:

- Thưa thầy, hôm nay anh Dũng lại nghỉ.

- Lại nghỉ. Nó học hành thế thì còn ra làm sao...

Ðứa bé cọ bàn tay phải vào cạnh bàn rồi nói rất nhanh, có vẻ kiêu hãnh vì những điều nó biết:

- Con thấy mấy người lối xóm nói: ba trò Dũng bị tù rồi. Hồi trước ổng mua vỏ ruột xe hơi của mấy người ăn cắp, bị tù mười lăm ngày mới được tha ra. Giờ không biết sao lại bị bắt nữa...

Một đứa khác đứng phắt dậy, vừa xếch lại quần vừa nói như sợ đứa khác nói tranh mất:

- Ba trò Dũng ăn cắp xe gắn máy, thầy. Cả những người khác cũng bị bắt hết, mấy bữa nay rồi thầy.

Sự bất ngờ làm tôi bất động, chỉ biết chăm nhìn vào mắt những đứa trẻ vừa đứng lên nói, những lời nói vừa mở tung bức màn che giấu một thảm kịch. Lớp học hình như không bị xao động một chút nào. Vài đứa định đứng lên nói thêm nhưng tôi ra hiệu bắt chúng ngồi xuống. Chúng yên lặng, khoanh tay, mở mắt chăm chú nhìn tôi, hình như chờ đợi tôi nói một điều gì về việc ba trò Dũng. Tôi nói gì được? Cái sự làm tôi khó chịu, bực bội nhất là nét thản nhiên trên mặt lũ học trò. Chúng đã quen với những sự này đến thế cơ ư?

Ðưa tờ giấy viết thư lên ngang tầm mắt, tôi nhìn chăm chú vào đó để tránh những đôi mắt ngây thơ, khờ dại và bình thản. Tờ giấy chưa có một chữ nào, đang mở dần thành một khoảng trời trắng, rỗng và xa vời. Tôi lấy lại sự thản nhiên bằng một ý nghĩ tàn nhẫn.

Giữa buổi học thì trò Dũng đến. Nó lững thững đi qua cổng trường, hai vai co lên một chút như bị lạnh. Nó không đá chân vào đám cỏ hoang cho những con châu chấu bay vụt lên như mọi lần, trong bộ quần áo đẹp nhất của nó, Dũng có vẻ trịnh trọng. Nó bước vào lớp và nói với tôi:

- Thưa thầy, con xin thôi học.

Dũng đưa ra một cái đơn, chữ viết nghiêng ngả.

- Con phải về tỉnh ở với bà nội.

- Ở đó có trường công không mà về?

- Dạ, thưa thầy, khỏi cần. Con không đi học nữa. Bà nội con ở làng, trồng khoai với bắp.

Tôi cúi xuống đọc lại tờ đơn, phân vân. Dũng nhìn tôi thật lâu rồi chợt quay xuống với các bạn nó, nó đi qua các dãy bàn để thanh toán mọi việc. Trả đứa này món nợ một đồng, cho đứa kia mấy viên bi, trao lại đứa khác chiếc xe hơi hỏng nhờ nó chữa. Công việc đó diễn ra không gây một tiếng ồn nhỏ nào. Lũ trẻ đã giữ được một sự yên lặng lạ lùng.

Dũng trở lại bàn cúi đầu thật thấp chào tôi rồi đi ra, lên phòng hiệu trưởng. Suýt nữa thì tôi mở miệng khuyên nó nên cố gắng chăm học.

Mười phút sau nó trở lại đứng ở cửa lớp học, hai tay nắm vào một bên khung cửa, tần ngần nhìn lũ bạn đang ngồi học, những ngón tay nhỏ của nó cong lại, vuốt nhẹ lên mặt gỗ.

Tôi hỏi:

- Lấy hồ sơ rồi chưa?

- Thưa thầy, lấy rồi, con chờ thầy trả bài thi.

- Bài thi?... à, bài thi toán ấy hả.

Tôi ra hiệu cho nó vào lớp và giở tập bài thi ra. Dũng hớn hở đứng cạnh tôi, chăm chú chờ đợi.

- Thưa thầy, hôm đó con làm đúng hết...

Và chợt nó reo khẽ:

- Ðây rồi... trời! mười tám điểm!

Bài thi nó làm hoàn toàn, chỉ hơi bẩn một chút.

Dũng nắm tờ giấy trong hai tay, nhìn chăm chú vào con số mười tám màu đỏ. Miệng nó, đôi má nó, đôi mắt nó đều chan hòa một nụ cười. Nó giương đôi mắt long lanh nhìn tôi rồi lại nhìn vào bài thi của mình. Rồi chợt nó nghiêng tờ giấy và nháy mắt với mấy đứa bạn ngồi ở bàn cuối cùng, kiêu hãnh mỉm cười với chúng. Nó cứ đứng lặng như thế để tỏ lộ tất cả sự hân hoan của mình. Tôi buột miệng nói:

- Bài này trò làm khá lắm.

Có lẽ chính câu khen của tôi đã làm cho trò Dũng phập phồng muốn khóc khi nó chậm chạp để bài thi xuống bàn. Tôi không đủ can đảm để nói một lời thân mến với nó.

Khi chào tôi lần cuối, Dũng cúi đầu thật thấp như muốn giấu tất cả sự thê thảm trên mặt nó vào đôi tay khoanh lại. Nó trở ra rất nhanh, đá bung mấy viên gạch trên sân trường, nhìn mấy cây nhỏ, mới được trồng ở đầu sân để cho lũ trẻ có bóng mát sau này. Rồi nó cúi đầu, ra khỏi cổng trường.

Dũng là đứa học trò độc nhất mà tôi mong cho nó chóng quên thầy, quên bạn...

 
LÊ TẤT ĐIỀU       

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

ĐỨA HỌC SINH "KHÔNG DẠY NỔI"

 

 Tôi là một học sinh… không dạy nổi. Tất cả các thầy cô giáo đã dạy tôi đều nhận xét như vậy với ba mẹ tôi. Chưa có lớp học nào chịu thu nhận tôi quá một tháng. Mẹ tôi khóc. Bố thở dài: thằng này vậy là coi như xong...

Chuyển qua trường mới. Nhìn sơ qua học bạ, thầy hiệu trưởng đã muốn đuổi tôi đi nhưng nể tiếng ngoại tôi là giám đốc ty giáo dục cũ, thầy đành nhận. “Tôi sẽ xếp em vào lớp thầy Tiến”.

Thầy dạy lớp tập hợp toàn học sinh cá biệt của trường. Ngày đầu tiên vào lớp, bố đích thân dẫn tôi đến “trao tận tay thầy”. Tôi lén quan sát “đối thủ” của mình. Thầy gầy gò, mang cặp kính gọng đen nặng trịch, mắt nhướng lên nhìn sát mặt tôi “A, con trai, để xem thầy làm được gì cho con không, khá đây”. Thầy xếp tôi ngồi với một con nhóc tóc tém mặt mũi lanh lẹ. Nó khẽ hích vào vai tôi giành chỗ ngồi rộng hơn. Tôi đành chịu vậy, chưa bao giờ tôi đánh con gái cả. Thầy thắng tôi 1-0 rồi.

“Thầy biết tại sao em dây mực vào áo bạn”, thầy nói với tôi khi Tú còm mếu máo mách chuyện. Sao ông ấy lại biết nhỉ? Mình đã khai gì đâu. Trước đây, mỗi lần tôi dây mực vào hầu hết các trò trong lớp các cô đều hỏi tại sao, các thầy thì ngay lập tức thi hành hình phạt. Bao giờ tôi cũng bịa ra một chuyện mà mình là nạn nhân. Tôi mặc sức bịa dù chẳng ai tin. Tôi cũng chẳng quan tâm hình phạt là gì và có ai tin hay không. Vậy mà hôm nay thầy bảo là thầy biết. Ngạc nhiên hơn là thầy chẳng phạt tôi gì cả. Thầy chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi: “Lần sau em nhớ cẩn thận hơn”. Mấy hôm sau nữa tôi lại vẩy mực lên áo 3 nạn nhân nữa. Thầy vẫn bảo biết rồi và không phạt. Tôi đâm chán trò vẩy mực cũ rích chẳng ấn tượng này.

Thời ấy chúng tôi đứa nào cũng mang kè kè tấm bảng và mấy mẩu phấn. Ra chơi, tôi gom hết phấn ném vào lũ con gái nhảy dây trước sân. Hết buổi học tôi xô lũ bạn ngã dúi dụi, chạy ngay ra cổng trước. Đứa nào xấu số đi qua chỗ tôi đều bị tịch thu hết phấn thừa. Hôm sau thầy gọi tôi lên phòng họp. Thầy mở tủ ra, ấn vào tay tôi hộp phấn to đùng mà không nói gì. Tôi xấu hổ quay mặt đi tránh ánh nhìn của thầy. Tôi nhớ mình đã lì mặt ra như thế nào khi cô giáo cũ mắng tôi, hôm sau tôi càng lấy phấn nhiều hơn nữa. Vậy mà khi cầm hộp phấn thầy cho trong tay, tôi thấy xấu hổ quá chừng. Ôm hộp phấn lên trả cho thầy, tôi lí nhí: “Lần sau em không làm thế nữa”. Thầy mỉm cười bảo: “Em ngoan lắm!”.

Lần đầu tiên tôi được người lớn khen ngoan. Tôi nằm nghĩ cả đêm. Từ nay mình sẽ ngoan mãi, để không ai mắng mình nữa.

Nhưng ngoan chưa chắc đã giỏi. Quả thật tôi đúng với trường hợp ấy. Tôi có thể bắn bi, chơi bắn bàng cả ngày không chán. Nhưng hễ cứ ngồi vào bàn học là tôi chán ngay. Ba mẹ có đánh, có mắng thế nào cũng chịu. Môn toán còn đỡ, có tí gì dính đến văn chương là tôi mù tịt.

Vào học được một tháng, tôi thấy thầy đạp xe qua nhà. Chiếc xe của thầy chẳng biết trước đây sơn màu gì, giờ chỉ còn trơ ra màu gỉ sét xấu xí. Thầy vào nhà, ba mẹ tôi đều đi vắng cả. Ngó qua căn nhà tồi tàn của tôi, thầy hẹn ngày mai quay lại. Tôi lo hết cả một ngày. Chẳng biết mình làm gì sai. Hôm sau thầy đến. Thầy đứng luôn ngoài sân “bàn chuyện” với ba tôi.

Thầy bảo cần một người đọc và ghi chép lại tài liệu giúp thầy. Nhất thiết phải là chữ trẻ con. Thầy đang nghiên cứu gì đó. Ba mẹ tôi mừng rỡ vì không phải khản cổ quản tôi nửa ngày không đến trường. Tôi vùng vằng mãi mới chịu đến nhà thầy. Thầy ở một mình. Ngoài giá sách ra cũng chẳng có gì đáng giá. Mỗi ngày một buổi, tôi gò lưng ghi chép lại những gì đọc được.

Thầy bắt tôi viết những dòng cảm nhận ngắn sau mỗi tác phẩm. Sau đó tôi đọc to lên và thầy chỉnh sửa những điều tôi nghĩ lệch lạc, thêm vào một số ý. Thỉnh thoảng thầy bảo tôi dừng ghi, chuyển qua tính toán giúp thầy vài việc. Tôi về nhà cố luyện cách tính toán sao cho nhanh nhất để không bị mất mặt trước thầy. Dần dần, kiến thức “tự nhiên” đến với tôi lúc nào không biết. Lần đầu tiên cầm tờ giấy khen của tôi trên tay, mẹ tôi đã khóc, khóc to hơn lúc tôi bị đuổi học. Ba tôi thì chẳng nói gì, chỉ gật gù cười.

Năm học qua đi nhanh chóng. Tôi nghỉ hè vẫn không quên đọc và ghi chép lại một chồng sách cao ngất ngưởng thầy giao trước khi nghỉ học. Ngày khai trường, tôi tìm mãi vẫn không thấy thầy đâu. Linh tính điều không hay, tôi bỏ cả buổi lễ chạy đến nhà thầy. Căn nhà trống hoác. Bác hàng xóm nghe chó sủa ran chạy sang xem xét. “Cậu là Phong hử?”. “Dạ”. “Thầy Tiến gửi cái này cho cậu. Thầy ấy bảo chuyển vào Nam ở với con trai”. Tôi vội vàng mở ra, bức thư rất ngắn. “Thầy mong em cố gắng học thật tốt. Em luôn là học trò ngoan của thầy”.

Mười năm qua đi, tôi mới hiểu hết những gì thầy muốn nhắn. Có những điều không hay nhưng không thể thay đổi bằng sự giận dữ. Tình yêu thương và sự sáng tạo mới là thứ giúp bạn thay đổi mình, thay đổi mọi người.

Cảm ơn thầy với phương pháp dạy đặc biệt đã giúp em trưởng thành. Cám ơn Thầy của em!

 

 ("Lượm lặt" trên Internet)

 

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2020

TÌNH XƯA - Tôn Nữ Thu Nga

 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Chim buồn chim ngẩn ngơ bay
Hoa buồn trông đợi một ngày gần xuân
 
Ta buồn tựa cửa bâng khuâng
Thẫn thờ ngóng đợi một vòng tay xưa
 
Trông vời một bóng chim xa
Bờ cây tóc xõa lệ nhòa quanh mi
 
Liễu dương buồn cánh tiểu di
Bay đi bay mãi nhớ gì tình xưa
 
Quên đi tất cả tình thơ
Cho xanh đời lá thu chưa héo mòn
 
Chiều nay hương phấn hoa phai
Nghiêng nghiêng dáng lụa gót hài em sang
 
Rơi trên áo cả thu vàng
Ôm trong lòng một chiều mênh mang tình
 
                                            TÔN NỮ THU NGA 

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 76, tuần lễ từ 9-11 đến 16-11-1972)
 

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

BIỂN NHỎ - Duy Nguyên

 

Biển có đôi mắt rất đẹp. Như những vì sao anh thấy, hằng đêm, nhấp nháy. Mắt tròn đen như hai hạt nhãn. Hai hạt nhãn ấy liếng thoắng đong đưa tươi cười. Một lần Biển hờn, hai hạt nhãn nằm yên dưới lớp mi cong. Và anh thấy Biển có đôi mi cong chơm chớp cũng dễ thương nữa.

Nhà Biển có cây mận sai trái! Anh lại rất thích ăn mận. Trưa nhìn sang, ôi chao những trái mận ửng đỏ như màu da Biển, chắc là ngọt lịm. Nó treo lủng lẳng giữa đám lá xanh ngọt mắt. Anh xin, Biển đứng vói tay, nhón chân hái nhưng không tới. Mắt Biển ngước cao, môi hồng nhỏ nhắn chúm lại. Tóc Biển dài thả lỏng như dòng nước chảy. Anh phải leo rào nhảy qua trước đôi mắt ngạc nhiên và cái lưỡi le ra của Biển. Mấy con kiến vàng tấn công anh quá, nhưng phải cắn răng để hái những chùm mận đẹp nhất. Anh và Biển ngồi ăn mận với muối ớt. Biển nhăn mặt, ớt anh đâm cay quá. Anh nói cay thì khóc sẽ hết. Biển hỏi thật không? Anh bảo thật chứ, cứ khóc thì biết. Vậy mà Biển ngoan ngoãn tin, ngây thơ thật.

Mà Biển ngây thơ thật tình. Anh hay bịa nhiều chuyện cho vui, Biển mở mắt ngơ ngác say mê theo dõi. Và tin là có thật. Anh nói Biển khờ quá học lớp tám rồi chớ bộ. Đi học bị bạn bắt nạt cho mà xem. Biển nhăn mặt, cô bé hay nhăn mặt (Mà nhăn mặt trông đẹp như Tây Thi vậy đó) mỗi khi không bằng lòng điều chi. Biển nói Biển như vầy mà bảo là khờ à, không tin anh hỏi cô giáo xem. Anh phải chịu thua: vì lối phản đối rất dễ thương của Biển. Ừ, thì Biển ngây thơ như cô bé quàng khăn đỏ vậy. Biển nói: Còn anh ngây thơ như con sói giả bộ làm bà ngoại, đó! Anh nghĩ, khi đã lớn, đời mình đã lăn lóc nhiều nơi, chắc không còn ai trong sáng như Biển đâu. Đời đã mang tặng những chiếc mặt nạ, ta giả hình với cái mặt nạ đó mà thôi, anh không nói điều này với Biển đâu.

Tháng này nghỉ hè. Biển được ở nhà. Thích ghê, được ngủ dậy trễ nè, được ăn trái cây đã, được đi chơi dưới bãi nè. Chà, cô bé ham ăn và ham chơi dữ. Anh mà làm thầy giáo thì cô bé chết với anh. Biển bĩu môi, anh tham ăn còn hơn Biển mà làm bộ, nãy giờ ăn hết mấy trái mận rồi. Anh cười. Nhà dì anh và nhà Biển cách nhau bằng một hàng rào dâm bụt. Trên đó tơ hồng mắc đầy cả. Hàng rào anh đứng tới ngực, anh hay nhảy băng qua mỗi khi muốn gặp Biển mỗi buổi trưa vắng nhà. Trước nhà Biển có tấm biển chó dữ nhe răng đe dọa. Con chó ngăn anh đường hoàng vào, cũng như đời sống có nhiều thú dữ hăm he. Nhưng nhờ đó anh được dịp phóng qua hàng rào tơ hồng đó, như thuở nhỏ.

Biển có mấy xâu vỏ ốc rất đẹp của cô bé làm lấy, đeo trước ngực. Biển hỏi anh thích ốc không? Thích, anh thích ăn ốc lắm. Biển nguýt, anh tham ăn thí mồ mà làm bộ. Anh chỉ cười, thích thú mà cười trước những cử chỉ ấy. Biển không ngớt hít hà trông ngộ nghĩnh như mấy con thỏ trắng chạy loăng quăng trong vườn. Anh ưa loài thỏ trắng, mắt đỏ trong như ngọc. Nhất là khi thỏ gặm thức ăn, dễ thương tệ. Nhưng chắc chắn là thua Biển khi ăn mận.

Lát sau, Biển hỏi anh thích nghe tiếng sóng vỗ vào đá dưới kia không? Anh thích nghe tiếng Biển hát thôi. Biển mà cũng biết hát à. Ừ, Biển hay hát bài gì có câu "Ngày mai em đi, biển nhớ tên anh gọi về" đấy. Biển đỏ mặt, anh ngạo hoài không nói chuyện với anh à! Anh cười, chứ không phải vậy à. Biển kia cũng biết hát chứ. Hát cho vỏ ốc, cho ghềnh đá nghe đấy. Hát cho cả Biển này với anh nghe bây giờ đó. Nhưng anh thích nghe Biển này hát, biển kia hát buồn ngủ thấy mồ. Biển lắc lắc mớ tóc đen, tóc che cả mặt mũi xoay xoay trông hay là. Biển bảo anh nói gì nhức đầu quá. Nhức đầu à, đi tắm hết ngay. Biển tròn mắt, tắm hết thật à? Trời ơi, Biển ngu ngơ quá. Vô tư quá làm anh chỉ muốn cốc cho mấy cái.

Anh đề nghị đặt cái tên cho Biển để khỏi lộn với biển thật dưới kia. Thế là Biển lại xịa qua chuyện khác, anh biết không mẹ nói sanh Biển ở vùng biển nên mới đặt tên này. Anh bật cười. Vậy Biển nói ba mẹ dọn nhà đi, để mai mốt Biển có em tên Núi, tên Suối, tên Đồi. Biển cười. Hàm răng trắng nhỏ nhỏ như răng thỏ. Anh nói, đặt cho Biển cái tên: Biển Nhỏ nhé. Biển chớp chớp mắt, biển sao lại nhỏ được anh. Có chứ, đại dương mới lớn, biển phải nhỏ hơn. Như biển trước mặt nè, đâu có lớn. Biển le lưỡi, thế mà anh bảo không lớn, nhìn chẳng thấy gì hết. Biển lại hỏi, anh có đi đến bờ bên kia chưa? Anh vờ gật đầu. Biển chưa đi bao giờ sao? Chưa. Khi lớn Biển Nhỏ sẽ đi. Biển lại nói, khi lớn sao anh còn gọi Biển Nhỏ! Anh hỏi. Chẳng lẽ gọi là Biển Lớn sao, nghe kỳ cục quá! Biển cãi lại, nhưng mà Biển cũng phải lớn chứ anh. Anh gật đầu. Ừ thì lớn. Nhưng lúc đó anh không gọi Biển Nhỏ - Biển Lớn gì cả, mà gọi là Biển nhớ. Biển ngạc nhiên, hỏi sao kỳ vậy anh? Anh cười buồn. Thì tại vậy đó. Biển gạn hỏi, nằng nặc đòi anh trả lời cái tên kỳ khôi đó. Anh khất, để mai mốt đã, Biển Nhỏ.

Biển Nhỏ hỏi, anh có yêu nhạc không? Anh trả lời, có chứ, anh yêu nhạc như yêu biển đó (Anh muốn viết hoa chữ B quá đi). Biển hỏi, tại sao vậy. Anh nói, tại vì nhạc làm quên đi những nỗi buồn, quên đi thực tế để lắng hồn trong cõi thiên đàng mơ ước. Biển cũng vậy, biển trong sáng như trời xanh, biển ru ta tươi mát êm ái làm yêu đời hơn. Anh yêu cả nhạc và biển (luôn cả Biển nhỏ chứ, anh nghĩ thầm). Biển hỏi anh thích nhạc gì. Thích tất cả những bản nhạc êm dịu, nhạc classique. Anh thích bài Biển nhớ lắm. Còn Biển nhỏ, thích bài nào? Biển đáp nhẹ, Biển thích hết bài nào Biển biết.

Anh sẽ đặt nhạc. Bài hát sẽ êm ái, dịu dàng, trong sáng... vân vân và vân vân. Biển cười tươi. Anh biết đặt nhạc à, bài gì vậy? Bài hát tên là "Biển nhỏ".

Một hôm, anh và Biển ra bãi. Nơi đây gần nhà, bãi với nhiều hòn đá to. Nơi đây không có ai tắm cả. Có lẽ vì bãi hẹp ngắn ngủn, đá lờm chởm. Biển thích những nơi êm như đây, cô bé hay ngồi trên đá đọc sách, thò chân để sóng đổ vào ướt chân. Anh nói, Biển nhỏ mơ mộng ghê đi. Chắc Biển làm thơ hay lắm nhỉ. Biển lắc đầu, anh ngạo Biển hoài.

Biển xuống bãi trước, cô bé leo vách đá thoăn thoắt như sóc. Quăng đôi dép trên đá, Biển đi chân trần từ từ xuống nước. Chân Biển trắng hồng nhỏ nhắn làm anh liên tưởng đến cô tiên nhỏ nhắn. Biển đi dần xuống nước, vén quần lên đến khi nước lên đầu gối. Sóng đánh vào, Biển nhảy nhảy tránh sóng. Nhanh nhẹn như khi nhảy lò cò, cười to lúc tránh được một đợt sóng to. Anh ngồi trên đá, hút thuốc nhìn. Buổi chiều đang xuống, nắng rực rỡ trên mặt nước xanh. Từng đợt nắng trên biển, trông như những mảnh màu nhảy múa. Anh xuống ngồi dưới một hòn đá thấp, nhìn thấy màu vàng chói lọi một đường. Biển nhảy, chân tung tăng giữa sóng vàng. Tóc Biển bay dạt ra sau, cũng lóng lánh vàng.

Mệt, Biển lại đi xung quanh các hòn đá bắt dã tràng. Chân trần Biển đi giữa vùng cát vàng để lại trên cát các dấu chân nhỏ. Sóng lại tràn lên cuốn mất, bãi cát phẳng như cũ. Anh nói, Biển nhỏ trông nhỏ nhắn như thiên thần vậy. Biển cũng không vừa, anh ngồi như mấy ông tiên đánh cờ vậy đó! Anh cãi, anh vầy mà Biển nói già tóc bạc à? Biển chu môi. Ai biểu anh nói Biển còn nhỏ hoài, Biển lớn rồi chứ bộ. Tôi cười. Thì Biển lớn hơn cây tăm tí xíu. Biển nghe tôi ví von lạ quá, cười. Cười nghe vui như tiếng sóng trong một ngày nắng ấm.

Anh và Biển đi lang thang. Trèo qua các hòn đá, các đợt sóng. Biển nhỏ nói chư con chim. Anh nói. Biển ngước nhìn hỏi lại. Chim gì? Chim sâu. Biển lại rùn vai, anh nhìn mái tóc Biển bay bay, à, Biển làm trông ngộ nghĩnh lạ. Eo ơi, Biển sợ sâu lắm. Anh nói, không phải, chim sâu hay đến ăn trứng cá đó, đẹp lắm. Biển gật đầu. Mấy con chim kêu um sùm bên nhà anh chứ gì? Rồi liền nói, Biển không thích làm chim đâu, làm người kia. Anh cười nhỏ, làm Biển nhỏ phải không? Chợt Biển hỏi, làm anh ngỡ ngàng. Anh tên gì. Ối dào, quen nhau lâu rồi mà Biển vẫn chưa biết tên, dễ cũng gần tháng rồi chứ ít gì. Anh nói với Biển. Gọi anh là Mây đi. Biển cười khúc khích. Sao vậy? Anh đáp. Vì mây bay hoài, như anh vậy đó. Biển nói. Vậy kêu Mây bay hay hơn anh nhỉ. Ừ, Mây bay trên Biển nhỏ.

Biển để ý tìm nhặt những vỏ ốc nhỏ đủ màu bỏ đầy bọc. Ít ra, cô bé có đến chục vòng vỏ ốc. Bỗng Biển thấy mấy vỏ ốc to, sóng đánh dạt vào dưới góc hòn đá. Biển mừng rỡ thò tay lôi đống vỏ ốc ra. Anh nhìn vẻ mặt của Biển mà bắt vui lây. Đó là những con ốc to, có con to hơn bàn tay, hình thù kỳ quặc, bẻ cong như bàn tay với các kẽ hở nhỏ. Anh nói, vỏ ốc đẹp quá. Chắc tận dưới lòng biển xa phiêu bạt nào, Biển may lắm đấy nhé! Biển cười sung sướng, hỏi. Anh lấy không, cái này để gạt tàn thuốc được đấy. Anh đón vỏ ốc từ tay Biển. Còn Biển định làm gì với mấy vỏ ốc to, định xỏ xâu đeo à? Biển lắc đầu thực dễ thương. Đâu có, Biển để cắm hoa với lại để trên bàn cho đẹp. Anh nhớ bức tranh phòng của nàng có những vỏ ốc chênh vênh trên mặt bàn, gió thổi bức màn lung lay, từ biển cả.

Anh đọc cho Biển nhỏ đoạn thơ của Nguyễn Xuân Hoàng:

Hãy im lặng như biển
Biển, nghe không?
Biển có nói gì đâu.
Nhưng biến thấy hết, nghe hết, hiểu hết, biết hết.
Biển, nghe không?

Biển nhỏ nhíu mày nói, thơ gì kỳ vậy? Anh nói, hay đấy chứ, Biển giỏi thế mà không thích à? Biển im lặng. Anh tiếp. Có lẽ tại Biển còn bé, mai mốt lớn lên... Biển đột ngột hét to. Anh ăn hiếp hoài. Biển đâu có bé nữa, Mây bay ạ.

Sao mà Biển nhỏ dễ thương quá vậy! Cứ như những vỏ ốc màu nằm ngoan hiền bên cát vàng.

Vài ngày sau, anh đi. Không có dịp nào về thăm. Biển nhỏ chắc giờ cũng đã lớn rồi. Hẳn đã mơ mộng khi ngồi trên bãi, vào chiều. Anh không biết Biển nhỏ còn nhớ Mây bay chăng?

Anh nhớ chưa giải thích cho Biển nghe về tên anh đặt khi Biển nhỏ lớn lên: Biển nhớ. Bởi vì, anh biết, mai mốt rồi anh sẽ gọi Biển trong nỗi nhớ. Nhớ Biển nhỏ.

Một ngày, tình cờ nghe lại bài hát Trịnh Công Sơn. Chợt nhớ, bãi cát vàng, sóng vàng và những vỏ ốc dễ thương. Bây giờ anh xa bãi biển. Và nhớ Biển. Biển nhỏ của Mây bay thời nào...


DUY NGUYÊN    

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 76, tuần lễ từ 9-11 đến 16-11-1972)

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

TIẾNG CƯỜI HÔM QUA _ Bùi Hữu Miên

 

Người thanh niên kéo cao cổ áo manteau nâu của hắn lên, quay sang nhìn Đông: 

- Tôi có cảm tưởng, cô nhanh nhẹn như một con còng.

- Con gì ông?

- Con còng.

Đông ngạc nhiên nhắc lại, pha một chút ngây thơ:

- Con còng hở ông?

- Vâng.

Đông cười, nàng bước gần đến đám cỏ chỗ hắn đứng. Giọng Đông khẽ nhưng reo vui ngạc nhiên:

- Tôi chưa nghe ai so sánh lạ tai như vậy bao giờ. Mà con còng nó ra sao ông?

Người thanh niên nhìn bâng quơ qua bên kia hồ. Ở đó, trên những ngọn thông hẩm hiu buồn tẻ, trăng rằm đang lên. Trăng to, tròn, ngà ngà vàng ảo diệu. Người thanh niên loay hoay, hình như hắn đang tìm gì đó trong túi áo. Giọng hắn bỗng trầm và đều:

- Thì ra cô chưa bao giờ ra biển hay đến một thành phố biển nào sao?

Tôi đã đến, đã ra biển nhiều lần trong những dịp... đọc sách. Đông định đùa hắn một câu nhưng nàng giữ kịp. Đâu dễ dàng thân mật với một kẻ lạ. Đông thốt:

- Chưa ông!

Hắn à nhỏ không chút ngạc nhiên nào, gật gật đầu và lấy ra một gói thuốc lá, vân vê. Đông nhận thấy hắn hút thuốc cùng hiệu với H. thường hút. Hắn im lặng lơ mơ rồi gắn một điếu lên môi. Tiếng nói thoát ra giữa những khe hở của hai bờ môi và dụi thuốc lá, khó nghe và lạnh lẽo:

- Những con còng, chúng sống trong thế giới hồn nhiên của chúng ngoài bãi cát miền biển. Chúng nhỏ, vô tư và chính là nguồn vui thú của tôi, hay của mọi người (?) thời trẻ dại và còn luyến lưu đến bây giờ ở những thành phố biển. - Hắn dừng lại đột ngột, bật diêm đốt sáng điếu thuốc, nhả ngụm khói nom vẻ thong thả rồi tiếp tục qua hơi thuốc - Nếu cô ở miền biển, tôi chắc cô sẽ tìm thấy ở đó nỗi vui thú thích hợp hơn là ở trong thành phố sương mù này...

Đông thích nghe hắn nói. Và buổi tối này nàng vừa tìm lại được một chút niềm vui mơ hồ nào. Người thanh niên vẫn tự nhiên với những lời lẽ chủ quan của mình. Cho dù thế nào đi nữa, thì nàng cũng đã sống vui buồn, say mê, cuốn lốc theo... trong thành phố thân yêu này và chưa bao giờ thấy cần thay đổi, hay muốn rời xa. Sống trong thành phố nuôi dưỡng và trưởng thành này nàng có và cần tình yêu của ba mẹ, anh em, tình nhân, bè bạn... Như thế đủ quá rồi. Đông không muốn thổ lộ điều đó cho người thanh niên  biết. Điều đó có thể sẽ làm cho hắn phật lòng. Ơ, hay nhỉ, việc gì lại ngại hắn sẽ phật lòng hay không.

- Ông này.

Người thanh niên quay nhìn Đông. Hai hàng lông mày của hắn nhíu lại gần nhau thành hình chữ V rộng ngang, trông như hai con sâu róm đang châu đầu vào nhau cọ quậy. Đôi mắt của hắn rõ ràng đang chờ câu nói của Đông. Tuy nhiên, hình như việc gì cũng vậy, vẫn không làm cho hắn có vẻ chờ đợi hay ý nào cả.

- Chắc ông đã đi và biết nhiều nơi lắm rồi thì phải?

Người thanh niên nhìn đăm đăm xuống mặt hồ, lặng lẽ hút thuốc. Điếu thuốc cháy hết nửa tự hồi nào. Gió thổi loáng thoáng trên mặt nước, lóng lánh. Trăng dưới hồ đẹp và ảo hơn trăng trên trời, trăng còn to và ánh trăng còn vàng vì trăng chưa lên cao. Nhưng gió đã lạnh đi nhiều. Đêm đang về sâu. Người thanh niên vẫn im lặng. Đông có cảm tường tiếng nói đó không phải của chính nàng và bị cuốn theo với gió đêm về một nơi chốn nào quá xa xôi. Nàng di di những ngọn cỏ dưới chân và ngoái đầu ra sau nhìn chiếc bóng của mình, chiếc bóng của người thanh niên to và dài hơn chiếc bóng của Đông dưới ánh trăng. Có lẽ hắn to và cao bằng H. hay hơn thế nữa. Hắn nói giọng tâm sự như không phải là đang trả lời câu hỏi của Đông:

- Có lẽ tôi đã đi lại nhiều nơi. Và hình như tôi không muốn nhớ đến một chỗ nào, kể cả thành phố mang nhiều kỷ niệm và có hơi thở của người yêu nhưng nàng đã chết, nàng không thông cảm cho tôi, nên kỷ niệm rồi tự nó cũng phải mờ phai liệm chết. Từ đó tôi chưa hề trở lại nơi chốn đó một lần. Dĩ nhiên, với những thành phố khác làm sao tôi nhớ nổi những dấu chân không dự tính của mình. Tôi cố gắng trở về thành phố cũ một lần, thăm mộ người yêu. Nhưng chưa bao giờ về được, không lẽ tôi sợ dĩ vãng hoặc chạy trốn kỷ niệm. Quá khứ là một hành trình tuyệt vời, nên từ lâu tôi ân hận và tự dằn vặt lấy mình...

Người thanh niên say sưa nói. Xong, hắn ngừng lại buồn buồn. Và Đông cũng nhận thấy nàng xúc động ít nhiều. Chỗ hai người đứng đêm đang lạnh và không còn gì vang động ngoài âm hưởng những lời nói của hắn. Đông thấy lạnh. Gió thổi hai tà áo dài của nàng bay về phía người thanh niên và cả khăn foulard đỏ của nàng cũng gần chạm vào mặt hắn. Đông bước xa hắn ra một chút, khoanh tay nhìn xuống những ngọn cỏ lấp lánh ánh trăng. Bỗng dưng hắn cười lớn, và búng mẩu thuốc thừa ra hồ. Đông muốn lắng nghe tiếng động phát ra khi đốm lửa chạm vào mặt nước, nhưng nàng không nghe thấy gì ngoài những vòng tròn nhỏ tự nó lan ra không âm thanh. Tiếng cười của người thanh niên chưa yếu đi nhưng dừng lại đột ngột. Hắn nhìn Đông ngần ngại:

- Xin lỗi cô, bỗng dưng bắt cô nghe nhiều quá.

- Không đâu ông. Thú thật tôi thích nghe ông nói hơn là lúc ông im lặng.

Người thanh niên cười nhỏ:

- Sao vậy?

Đông bối rối:

- Ơ... không biết nữa ông. Tôi cảm thấy như thế và chẳng hiểu tại sao. Tôi rất ngại giải thích, dù bất cứ chuyện gì. Nhưng bây giờ, có lẽ tôi đang sợ sự im lặng.

Người thanh niên đốt điếu thuốc mới. Khi đầu thuốc chớm đỏ, hắn nói:

- Hình như cô đi... trốn nỗi buồn.

Đông giật mình. Nàng mím môi cười đùa:

- Ông không định làm thầy bói đó chứ?

Người thanh niên cười. Đông cười. Tiếng cười của hai người quyện vào nhau bay xa.

- Khuya rồi. Cô chưa có ý định trở về sao?

- Chưa đâu ông. Tôi chờ cho trăng lên cao hơn nữa, lúc đó ánh trăng trắng hơn và đẹp hơn, tôi mới trở về - Nàng lấy tay vén tóc ngược ra sau - Ông đã định về rồi đó sao? Người quen của ông sao giờ này chưa ra nhỉ?

- Có lẽ họ đã quên. Và tôi cũng không có ý chờ.

Đông nghiêng đầu, nhìn thẳng vào mắt người thanh niên:

- Hỏi, ông đừng cho là tò mò nhé. Có phải ông đang chờ một người bạn gái, đúng không?

Người thanh niên cười, hắn lục lọi trong túi áo manteau và nhìn loanh quanh xuống chỗ hắn và Đông đang đứng:

- Bây giờ đến lượt cô đòi làm thầy bói hay sao đây?

Nàng cười. Hắn cười. Một lần nữa tiếng cười của họ quyện vào nhau và bay xa. Xa hơn.

Người thanh niên vẫn còn quanh quẩn tìm kiếm vật gì đó. Đông nhìn về phía xa, bên kia hồ. Trăng đang lên cao, và nàng  bỗng thấy sợ hãi thời gian sắp đến của một đêm. Nàng thấy niềm vui chạy quanh réo gọi mơ hồ, phải chăng chúng sắp bay xa? Vĩnh viễn từ giọng cười huyền hoặc của nàng. Người thanh niên thôi tìm kiếm. Hắn hít vào, làm đầu điếu thuốc đỏ rực. Hắn nói lùng bùng:

- Khi đi, tôi nhớ có mang theo cuốn sách. Không biết đã bỏ ở đâu. Có lẽ tôi để quên trên xe Lam hay một chỗ ngồi nào rồi.

- Ông không nhớ đã đọc ở chỗ nào sao?

- Vâng. Và cuốn sách cũng chẳng lấy gì làm quý. Nó là một cuốn tiểu thuyết.

Đông cười, nàng kéo cho bâu áo len bắt chéo vào nhau:

- Dù sao, khi rời xa, ông cũng còn tự hào rằng đã để lại một kỷ vật cho thành phố này.

- Nghe cô nói, bỗng nhiên cuốn sách có giá quá. Thôi, chào cô. Tôi về trước nhé. Tôi phải đến một quán café nào đó, bây giờ. Chúc cô được nhìn thấy trăng sáng và đẹp nhất lần đầu tiên trong đời.

Hắn nói xong, cười tươi bỏ đi. Bất ngờ và tự nhiên không kém lúc đến.

Đông nói với theo:

- Cám ơn và chúc lành cho ông.

Người thanh niên giơ tay chào và không quay đầu lại. Đông đứng đó nhìn theo hắn.

Một lúc sau, hình như là lâu lắm. Khi trăng đã lên đến đỉnh đầu, Đông mới trở về. Nàng đi ngược lại con đường mà người thanh niên đã đi. Tiếng giày của nàng gõ đều trong đêm vắng.

Khi ngang qua công viên và cái ghế đá gần mặt lộ, nàng nhìn thấy cuốn sách ướt đẫm vì sương trên mặt ghế lạnh, lẻ loi. Cuốn sách là một tiểu thuyết tên tuổi, không được bao và ở trong có một cái tên người cùng địa danh của một thành phố biển.

Đông thấy đêm nay hình như có gì đổi khác trong nàng.

Hôm sau. Vin vào cuốn sách, Đông lấy cớ trở lại vườn cỏ hôm trước. Nàng đứng đó chờ chàng như có sẵn một lời hẹn hò. Khi trăng đã lên cao và nghiêng về phía lưng nàng, chàng vẫn không trở lại, Đông mới trở về với nỗi nhớ quay quắt trong tiếng cười trầm ấm của chàng. Tiếng cười mới gặp nhau đêm qua mà nàng ngỡ đã thiên thu. Tôi có cảm tưởng, cô nhanh nhẹn như một con còng.

Những đêm sau nữa nàng vẫn đến chỗ cũ, chờ trăng lên với cuốn tiểu thuyết trên tay. Chàng vẫn không trở lại, có lẽ, chàng đã trở về với những con còng của chàng trong một thành phố biển nào đó.


BÙI HỮU MIÊN      
 
 
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 75, tuần lễ từ 2-11 đến 9-11-1972)