Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

A-LI-BA-BA VÀ BỐN MƯƠI TÊN CƯỚP (IV)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


- Chắc đây chính là bọn cướp bốn mươi tên mà ngài kể trước đây. Nhưng đây mới co ba mươi bảy đứa chết. Như vậy còn tên chúa đảng mới trốn thoát và hai tên nữa không đến đây. Sau vụ thảm bại này, ba tên kia thế nào cũng trở lại trả thù. Vậy xin ngài từ nay đề phòng cẩn thận.

A-Li-Ba-Ba nghe con Thanh Lan nói vừa mừng vì vừa thoát nạn, vừa cảm động vì tấm lòng trung thành của nó. Chàng nói:

- Thanh Lan! Ta rất cảm động vì lòng trung thành của con. Nhờ con mà ta được toàn mạng và của cải còn nguyên vẹn. Tạm thời đây, ta giải phóng con khỏi kiếp nô lệ, con sẽ trở nên một người thân trong nhà. Rồi ra ta sẽ nghĩ cách đền ơn con một cách xứng đáng.

Chợt nhớ ra, chàng nói tiếp:

- Nhưng bây giờ con hãy gọi An Lân lên đây. Chúng ta phải chôn cất ba mươi bảy tên cướp này cho xong đã. Chuyện này mà lọt ra ngoài, tất ta không khỏi rắc rối với pháp luật.

Ba người đào vườn chôn xác bọn cướp rồi lại trồng hoa, cỏ như cũ, người ngoài không thể nhận ra được.

Cảnh sống nhà A-Li-Ba-Ba lại tiếp tục bình thản như thường.

Trong khi ấy, tên chúa đảng cướp thất thểu một mình về trang trại. Ngồi dựa vào vách đá mà long thương xót bạn bè khôn cùng.

Hắn nghĩ thầm:

- Bao nhiêu lần vào sinh ra tử chẳng sao cả. Thế mà bây giờ bị chết như vầy thì nhục nhã gì bằng.

Càng nghĩ càng giận, hắn nghiến răng, trợn mắt, tay nắm chặt chuôi gươm như muốn rút ngay ra, chém kẻ thù thành trăm ngàn mảnh.

Hắn nói khẽ như nói với linh hồn đồng bọn:

- Chúng ta đã bao phen cùng nhau vào sinh ra tử thì trong dịp này tôi phải chết cùng các bạn cho trọn tình. Nhưng còn mối thù kia, tôi đành phải sống, sống để xé xác phanh thây kẻ đã hại các bạn. Lúc đó, chúng ta sẽ gặp lại nhau nơi chín suối.

Nói rồi, tên cướp đứng dậy thu xếp một số vàng bạc vào một bao lớn rồi ra đi, mưu chuyện phục thù.

Mấy hôm sau, người trong phố thấy một người lái buôn có vẻ từ xa tới, ăn mặc cực kỳ sang trọng. Hắn mua một ngôi nhà lộng lẫy ngay đầu phố, sống một cuộc đời trưởng giả, đài các, kẻ hầu người hạ dập dìu.

Cách đối xử lịch thiệp, hào phóng của hắn làm ai cũng quí mến hắn, không nghi ngờ gì cả. Nhưng nếu hiểu rõ hơn, ta biết chính hắn là tên chúa đảng cướp. Hắn đến đây ở để chờ cơ hội trả thù A-Li-Ba-Ba.

Ban ngày hắn sống thật nhàn hạ, đến tối mới ăn mặc thật gọn ghẽ, cưỡi ngựa về trang trại để chuyển vàng bạc về nhà.

Ở được ít lâu, hắn biết được cửa hiệu của đứa con lớn của A-Li-Ba-Ba. Hắn liền bỏ tiền mua một cửa hàng đối diện ngay đấy, trang hoàng thật lộng lẫy và bày những thứ lụa là gấm vóc cực kỳ đẹp đẽ, quý giá. Hắn lấy tên cửa hàng là Vạn Hoa. Vì vậy mọi người gọi hắn là ông Vạn Hoa.

Biết chắc chủ nhà cửa hàng đối diện là con của A-Li-Ba-Ba, Vạn Hoa kết thân ngay. Hắn sang chơi với con trai của A-Li-Ba-ba luôn luôn. Khi thì mời mọc ăn uống, khi thì biếu xén quà cáp, tỏ vẻ thân thiết như bạn tri kỷ.

Trong sự đối đãi nồng hậu của Vạn Hoa, con trai A-Li-Ba-Ba rất cảm động. Hơn nữa, chịu ơn quá nhiều, anh ta chỉ mong có dịp tổ chức yến tiệc mời lại Vạn Hoa.

Nhưng cửa hàng chật hẹp quá, con trai A-Li-Ba-Ba không thết tiệc ngay ở đấy được. Một hôm, anh ta ngỏ ý với cha để làm tiệc tại nhà mời Vạn Hoa ăn uống.

Vốn nghe con ca tụng lòng tốt của Vạn Hoa, A-Li-Ba-Ba vui vẻ nhận lời liền. Chàng nói:

- Việc này cha đã nghĩ từ lâu. Con nói thật hợp ý cha. Tuy nhiên, con phải mời thật khéo để ông ta khỏi từ chối. Đến mai, chủ nhật, con rán mời ông ta, ở nhà cha sẽ bảo Thanh Lan sửa soạn sẵn sàng.

Sáng hôm sau, con trai A-Li-Ba-Ba rủ Vạn Hoa đi dạo phố. Khi đi qua nhà cha, anh ta nói:

- Đây là nhà cha tôi. Tiện qua đây mời ngài vào chơi!

Mặc dầu rất mừng vì cơ hội tốt đẹp đã đến, nhưng Vạn Hoa vẫn ra vẻ ngần ngại, từ chối.

Để cho con trai A-Li-Ba-Ba mời đi mời lại hàng chục lần, Vạn Hoa mới ra vẻ miễn cưỡng nhận lời.

Theo con trai A-Li-Ba-Ba vào nhà, vừa mới trông thấy A-Li-Ba-Ba, Vạn Hoa vồn vã chào hỏi, rồi khen nhà, khen cửa, khen cha con A-Li-Ba-Ba đủ điều.

Trước những lời nịnh hót, tâng bốc của Vạn Hoa, A-Li-Ba-Ba khiêm tốn trả lời:

- Ngài dạy quá lời. Tôi rất hân hạnh được biết ngài và mong ngài dìu dắt, chỉ bảo cho đứa con trai còn nhỏ dại của tôi.

Nói chuyện một lát, Vạn Hoa đứng dậy cáo lui. Cha con A-Li-Ba-Ba hết lời mời hắn ở lại dùng cơm trưa, hắn cứ một mực từ chối.

Hắn nói:

- Được ngài mời dùng cơm tôi lấy làm hân hạnh. Tuy nhiên tôi không thể ở lại vì có một điều bất tiện. Vậy xin ngài lượng tình thứ lỗi.

A-Li-Ba-Ba sốt sắng hỏi:

- Có điều gì ngài cho rằng bất tiện xin ngài dạy bảo cho?

Vạn Hoa ra vẻ lưỡng lự, trả lời:

- Thưa ngài, tính tôi ăn lạt nên không dám nhận lời dùng cơm, sợ làm phiền ngài!

A-Li-Ba-Ba vồn vã nói:

- Ồ, thế thì có gì phiền hà đâu. Xin ngài ở lại chơi, tôi sẽ bảo gia nhân làm thức ăn theo ý ngài.

Nói rồi, A-Li-Ba-Ba chạy ngay xuống bếp bảo Thanh Lan làm món ăn lạt, không cho mắm muối gì cả.

Thanh Lan đã sửa soạn gần xong, thấy ông khách khó tính như thế thì lẩm bẩm:

- Ông khách thật kỳ quặc! Thức ăn mà không cho mắm muối còn ra gì!

Bực mình, nó đâm ra tò mò muốn biết ông khách là người thế nào mà lại có cái tính lạ lùng như thế.

Vì vậy, mặc dầu không phải công việc của nó là tiếp đãi khách, khi nấu nướng xong nó theo chân An Lân, bưng thức ăn lên phòng khách.

Thoạt nhìn người khách quí của chủ, Thanh Lan đã ngờ ngợ biết. Rồi nó nhận ngay ra hắn là tên tướng cướp đã giả dạng lái buôn dầu trước kia. Để ý quan sát, Thanh Lan thấy ở ngực hắn có vật gì cồm cộm lên.

Nó nghĩ thầm:

- Chắc hắn giấu dao để chờ dịp sát hại chủ ta.

Nghĩ vậy, nhưng con Thanh Lan vẫn thản nhiên, hầu  hạ chủ và khách một cách lễ phép hết sức.

Cha con A-Li-Ba-Ba thì không biết gì cả. Cả hai đều có vẻ hài lòng về người khách quí vui tính, bặt thiệp kia. Họ cùng Vạn Hoa ăn uống, nói chuyện tưng bừng.

Khi chủ, khách ăn xong, A-Li-Ba-Ba sai Thanh Lan dọn dẹp.

Vạn Hoa mừng thầm vì lúc đó chỉ còn hắn và cha con A-Li-Ba-Ba. Hắn bèn nài ép hai người kia uống thêm mấy cốc rượu nữa cho thực say để dễ bề hạ thủ.

Con Thanh Lan phải nghe lời chủ, dọn dẹp chén bát mang xuống bếp nhưng lòng nó nôn nao, nó chỉ sợ Vạn Hoa sẵn dịp vắng người ra tay hành động.

Vì thế, nó vội vã mặc bộ quần áo vũ nữ, lưng thắt một chiếc đai vải có gắn mặt đá, ngọc trai lấp lánh, trong đó nó giắt hai lưỡi dao sáng loáng.

Vừa trang điểm, Thanh Lan vừa bảo An Lân:

- Anh hãy sửa soạn quần áo sạch sẽ rồi lấy cây đàn lên đây tôi múa cho mà xem.

An Lân là một tên nô lệ, nhưng cũng biết đánh đàn khá lắm. Thỉnh thoảng rỗi rãi nó thường lấy đàn ra chơi, đệm nhạc cho con Thanh Lan hát. Con Thanh Lan hát rất khá, An Lân biết rồi, nhưng còn múa thì nó chưa thấy Thanh Lan trổ tài lần nào.

Hơn nữa, chén bát còn vứt đó chưa rửa, An Lân rất ngạc nhiên, hỏi:

- Cô cũng biết múa nữa hả? Nhưng sao, hôm nay định trổ tài đấy à?

Thanh Lan giục nó, môi cười, nói:

- Ông quí khách của chủ có vẻ tốt quá, ta phải dành cho ông một cuộc vui bất ngờ mới được.

Rồi sợ An Lân từ chối, nó nói thêm:

- Vả lại, ông chủ ta có vẻ quí khách lắm, mình phải làm cho chủ hài lòng.

An Lân nghe nói không từ chối được, đành nghe lời, lấy đàn theo Thanh Lan lên phòng khách.

Thoạt nhìn cặp tài tử bất đắc dĩ, A-Li-Ba-Ba cười lớn. Chàng không ngờ con Thanh Lan có sáng kiến tuyệt diệu như thế. Sau phút ngạc nhiên, chàng giới thiệu với khách:

- Thưa ngài, để giúp vui cho bữa tiệc hôm nay, hai “tài tử lâm thời” của chúng tôi xin trình diễn chút tài hèn.

Chưa kịp hạ thủ kẻ thù, tên tướng cướp rất khó chịu vì sự có mặt của cặp tài tử này. Tuy nhiên, hắn vẫn làm mặt vui, vỗ tay tán thành.

Thanh Lan và An Lân bắt đầu. Thanh Lan vừa múa vừa hát còn An Lân vừa múa vừa gẩy đàn.

Từ thuở bé đến giờ, An Lân có múa bao giờ đâu. Vì vậy, dáng điệu của nó thật lúng túng, còn Thanh Lan thì đã quen rồi, múa rất lả lướt, thướt tha.

Dáng điệu trái ngược của hai người phối hợp thành một màn vũ lạ lùng chưa từng thấy khiến ba vị khán giả ôm bụng cười rũ rượi.

Hết một màn vũ kỳ lạ ấy, Thanh Lan múa một mình. Nó rút hai lưỡi dao ra múa thật uyển chuyển, đẹp mắt.

Vạn Hoa mới thấy hơi ngại nhưng rồi cho rằng không ai có thể nhận được chân tướng mình nên lại yên lòng ngồi xem.

Theo nhịp múa, con Thanh Lan tiến đến chỗ Vạn Hoa rồi bất chợt đâm mạnh vào đúng ngực hắn.

Tên tướng cướp chết không kịp kêu, máu chảy thành vòi.

Trước sự việc bất ngờ, kinh khủng như thế, cha con A-Li-Ba-Ba sợ hãi kêu lên:

- Thanh Lan! Sao mi hành động điên rồ như thế? Mi định cho cha con ta ở tù về tội âm mưu giết người hay sao đây?

Thanh Lan bình tĩnh nói:

- Xin ngài đừng vội trách mắng con. Con vừa cứu ngài thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù.

Nói xong, Thanh Lan thò tay vào ngực áo ông “quí khách” lấy ra một con dao nhọn hoắt, sáng loáng.

Nó nói tiếp:

- Xin ngài nhìn kỹ lại xem có phải hắn chính là tên lái buôn dầu đến ngủ nhờ nhà ta dạo trước không?

A-Li-Ba-ba nhìn kỹ và thấy lời con Thanh Lan là đúng. Bồi hồi xúc động, A-Li-Ba-Ba nói với Thanh Lan:

- Thanh Lan! Lại một lần nữa con cứu ta khỏi âm mưu ám hại của tên tướng cướp. Ơn này ta biết lấy gì đền đáp cho xứng đây. Ta có ý muốn cho con kết duyên cùng con trai ta. Mong con nhận lời để ta được dịp báo đền ơn kia.

Rồi quay sang con, A-Li-Ba-ba dặn dò:

- Con phải thương yêu Thanh Lan để đền ơn nàng đã cứu sống cha bao nhiêu lần.

Người con A-Li-Ba-Ba từ lâu đã thầm yêu Thanh Lan vì tài sắc, đức hạnh nên nghe cha nói thế thì cúi đầu ưng thuận ngay. Còn Thanh Lan thì e thẹn sung sướng cúi mặt xuống để giấu môi má ửng hồng và đôi mắt rưng rưng lệ vì cảm động.

Xác tên cướp được chôn trong vườn cạnh ba mươi bảy tên đồng đảng của hắn. Thế là cả bọn cướp khét tiếng, chiến thắng trong mọi cuộc xung đột, cướp bóc đã phải chết dưới tay một người con gái, nàng Thanh Lan xinh đẹp, con dâu hiện thời của A-Li-Ba-Ba.

Lễ thành hôn của con trai A-Li-Ba-ba và Thanh Lan được cử hành rất trọng thể ngay mấy hôm sau. Mọi người đều khen tụng cô dâu chú rể xứng đôi vừa lứa.

Thanh Lan giúp chồng trông nom cửa hàng. Nhờ sự khôn ngoan, khéo léo của nàng, cửa hàng mỗi ngày một lớn, khách khứa ra vào tấp nập.

Phần A-Li-Ba-Ba, sau khi thấy bọn cướp chết cả, chàng nghĩ đến số của còn lại của chúng cất giấu trong hang.

Một hôm, chàng dắt vài con lừa đến hang. Cửa hang vẫn đóng, A-Li-Ba-Ba hô thần chú và cửa hang từ từ mở ra. Chàng bước xuống hang. Số vàng bạc trong hang đã vơi đi rất nhiều. Tuy nhiên, số còn lại cũng đủ cho một người sống cả đời một cách đế vương.

A-Li-Ba-Ba xếp một phần vào bao, chất lên lưng lừa mang về nhà.

Rồi cứ vài ngày một lần, A-Li-Ba-Ba mang lừa , mang túi đến chuyển dần vàng bạc về.

Nghiễm nhiên làm chủ một kho tàng, lại nhờ tài buôn bán khéo léo, cha con A-Li-ba-ba trở nên giầu có nổi tiếng trong nước. A-Li-Ba-Ba lại đặt đại lý tại nhiều nơi nên với số vốn to lớn, chàng thâu lời về vô kể.

Sẵn tiền, chàng mua ruộng đất, mua thêm nô lệ, cùng dâu, con sống một cuộc đời vinh hoa, phú quí.

*

Kể đến đây, nàng Mỹ Thanh Loan dừng lại tâu với vua Sa-Hy-A:

- Muôn tâu thánh thượng! Thần thiếp vừa kể dứt chuyện A-Li-Ba-ba và bốn mươi tên cướp.

Rồi nàng làm bộ nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài, màn đêm vẫn phủ kín vạn vật. Nàng nói tiếp:

- Chắc bây giờ còn sớm lắm. Vậy kính xin thánh thượng cho phép thần thiếp kể thêm một chuyện khác không kém phần ly kỳ. Đó là chuyện : “Con ngựa kỳ diệu”.

Nhà vua đã bị lôi cuốn bởi những câu chuyện đầy huyền bí qua giọng nói êm dịu của Mỹ Thanh Loan, nên nghe nàng nói thế thì ưng thuận ngay.

Mỹ Thanh Liên nhìn chị, mỉm cười sung sướng. Và Mỹ Thanh Loan bắt đầu kể:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét