Thật là khủng khiếp…! Tính
mạng A-La-Đanh sắp kết liễu. Oan ức thay cho chàng phò mã được đức vua mến yêu
bao lâu nay.
Nhưng…
Bỗng đâu có tiếng reo ầm ĩ.
Rồi hàng vạn dân chúng kéo tới ngoài cửa hoàng thành, kẻ đao người búa, đập phá
rầm rầm. Cánh cửa bị phá gần vỡ ra, tường thành bị thủng từng khoảng lớn.
Quan thừa tướng thấy cảnh
bạo động như vậy thì run sợ tâu với vua:
- Xin bệ hạ hãy ra lệnh hoãn
cuộc hành hình phò mã. Vì dân chúng đang công phẫn phá hoàng thành. Nếu bệ hạ
không ra lệnh kịp thời thì hạ thần e trong nước sẽ loạn mất.
Vua nghe tin cũng run sợ, vội
cho lệnh truyền hoãn cuộc hành hình.
Khi đó, đao phủ thủ vừa đưa
lưỡi gươm lên, ánh thép sáng loáng, bỗng
nghe có tiếng loa hồi lệnh, hắn ngạc nhiên ngừng tay lại kịp thời.
Rồi A-La-Đanh được dẫn tới
phục lệnh.
A-La-Đanh rập đầu trước mặt
vua tâu:
- Tâu phụ vương, con nào có
tội chi mà phụ vương nỡ ra lệnh chém đầu?
Vua giận dữ phán:
- Ngươi còn không biết tội
lớn hay sao?
Rồi truyền cho A-La-Đanh
đứng dậy, ra hiệu cho chàng nhìn về phía lâu đài rồi hỏi:
- Lâu đài của ngươi bây giờ
đâu rồi?
A-La-Đanh nhìn ra thấy lâu
đài của mình đã biến mất trên thửa đất trước cung điện thì sửng sốt không biết
nói sao.
Đức vua lại hỏi:
- Ngươi thử nhìn rõ xem, lâu
đài đâu rồi? Còn công chúa ở đâu?
A-La-Đanh cúi đầu tâu:
- Tâu phụ vương, hiện nay
con chưa biết rõ tại sao xẩy ra chuyện kỳ lạ đó. Vậy xin phụ vương cho phép con
tới tận nơi xem xét hư thực.
Vua nổi giận mắng:
- Ta không cần hỏi lâu đài
của ngươi làm gì. Ta chỉ cần hỏi công chúa thôi. Vậy ngươi hãy mang công chúa
về đây ngay. Nếu không, đầu ngươi cũng không đủ đền tội đâu.
A-La-Đanh nói:
- Xin phụ vương cho con một
thời gian là bốn mươi ngày để con đi lùng kiếm. Nếu quá hạn mà con chưa tìm
được công chúa thì sẽ xin về đây chịu tội.
- Được! Ta chấp thuận! Nhưng
ngươi đừng mong thừa dịp này mà trốn thoát. Ta sẽ cho tìm ngươi dù bất cứ chân
trời góc biển nào để mang ngươi về hành tội, nếu ngươi không giữ đúng lời hứa.
A-La-Đanh được lệnh vội cúi
đầu lạy tạ rồi lủi thủi ra về.
Chàng đến khu đất lâu đài
cũ, thấy chỉ còn là nền nhà, lòng chàng như nổi cơn điên.
Chàng lang thang khắp phố
này sang phố nọ, đến đâu, gặp ai chàng cũng ngẩn ngơ hỏi:
- Lâu đài của tôi đâu, ngài
có biết không? Công chúa của tôi đâu?
Ai cũng nhìn chàng thương
hại, cho là chàng mắc bệnh điên.
Dân chúng thương hại, cho
A-La-Đanh ăn uống, giúp đỡ chàng chỗ ngủ.
Đôi khi, ngồi nghĩ đến thân
phận quá nhục nhã, A-La-Đanh bỗng khóc sướt mướt.
Rồi không muốn cho dân chúng
thấy thân hình tàn tạ của mình, A-La-Đanh đi lang thang về các vùng quê. Nhưng
cảnh thôn dã chỉ làm A-La-Đanh buồn chán thêm, chàng có ý nghĩ tự vẫn.
Một ngày kia, A-La-Đanh gặp
một dòng sông. Chàng nghĩ:
- Đây là dòng sông giải
quyết đời ta. Ta còn chờ gì nữa, tất cả mất hết rồi, còn sống làm chi cho thêm
nhục.
Nghĩ rồi A-La-Đanh thực hành
ngay. Chàng tìm một chỗ sông sâu để gieo mình. Đang lần mò bên mé sông, bỗng
A-La-Đanh bị vấp ngã ào một mô đất, chiếc nhẫn đeo ở tay chàng bị chạm mạnh.
Lạ thay, một vị thần hiện
ra. A-La-Đanh chợt nhớ ra đã gặp vị thần này một lần ở dưới hầm bí mật. Chàng
chưa kịp cất tiếng hỏi thì thần đã nói:
- Tôi xin đợi lệnh ngài. Tôi
và các bạn tôi nguyện hầu hạ ngài, người chủ chiếc nhẫn thần.
A-La-Đanh bảo:
- Thần hãy cứu tôi thoát nạn
này. Hiện nay tôi bị mất công chúa và lâu đài, sắp bị vua mang ra xử tử. Vậy
thần hãy chỉ cho tôi chỗ tòa lâu đài và
nơi công chúa ở.
Thần nhẫn trả lời:
- Thưa ngài, tất cả đã bị
một kẻ dùng phép chuyển sang Phi Châu rồi.
A-La-Đanh mừng rỡ nói:
- Vậy thần hãy giúp tôi mang
lâu đài và công chúa về đây.
Thần nhẫn lắc đầu thưa:
- Việc đó xin ngài bảo thần
đèn. Tôi là thần nhẫn không thể giúp ngài việc đó được.
A-La-Đanh lại bảo:
- Vậy nhờ thần hãy đưa tôi
tới lâu đài, đặt tôi vào buồng công chúa.
Thế là chỉ nháy mắt,
A-La-Đanh đã thấy mình đang đứng trước khung cửa sổ của phòng công chúa. Chàng
nhìn ra thấy tòa lâu đài được đặt trên một bãi cỏ rộng của Phi châu.
Khi đó đang tối trời, cảnh
vật vắng lặng không một tiếng động. A-La-Đanh thấy các cửa đều đóng kín, không
thể vào được. Chàng ra vườn cây, tìm một nơi kín đáo nghỉ chân. Dần dần
A-La-Đanh ngủ thiếp đi.
Đến lúc trời sáng, tiếng
chim hót thánh thót trên cây cao, A-La-Đanh mới chợt thức giấc. Chàng vội tiến
tới bên cửa sổ phòng công chúa để xem xét động tĩnh.
Từ khi bị tên phù thủy dùng
phép mang lâu đài về Phi châu, công chúa nhớ A-La-Đanh ngày đêm mất ăn, mất
ngủ. Nàng sợ hãi mỗi khi tên phù thủy vào phòng ve vãn nàng.
Tên phù thủy mỗi ngày thêm
say mê công chúa. Hắn giở mọi thủ đoạn để chiếm đoạt người đẹp. Nhưng rốt cuộc
tên phù thủy vẫn bị công chúa cự tuyệt dữ dội.
Vì vậy, tên phù thủy đành
phải dùng tình cảm để mong chinh phục công chúa. Hắn chắc mẩm rằng trước sau
thế nào công chúa cũng thuộc về hắn. Tên phù thủy vẫn để công chúa sống những ngày
bình yên để hắn mua chuộc cảm tình.
Theo lệ thường mỗi sáng, khi
công chúa thức dậy thì có một con tỳ nữ dâng nước cho nàng rửa mặt.
Sáng hôm đó, con tỳ nữ vừa
mở cửa sổ bỗng thấy A-La-Đanh thì vội vã báo tin cho công chúa hay.
Tuy ngờ vực, công chúa cũng
chạy ra cửa sổ xem cho rõ thực hư. Đúng là A-La-Đanh đang đứng trước mặt nàng.
Công chúa vén cao chiếc màn cửa để nhìn cho rõ. Nàng nói khẽ với A-La-Đanh:
- Phò mã để thiếp sai con nữ
tỳ mở cửa dẫn phò mã lên.
Khi hai người gặp nhau,
A-La-Đanh ôm lấy công chúa mừng mừng tủi tủi, lệ nhỏ hai hàng.
A-La-Đanh hỏi:
- Nàng hãy tìm cây đèn cũ
của tôi giấu ở đầu tường xem có còn hay không?
Công chúa khóc lóc nói:
- Mọi sự là lỗi ở thiếp.
Chàng ơi, thiếp hối hận quá rồi!
A-La-Đanh nghe công chúa nói
vậy thì chưa rõ nguyên do ra sao. Công chúa phải thuật lại câu chuyện từ lúc
đổi cây đèn cũ cho tên lái buôn.
Rồi nàng tiếp:
- Đổi đèn xong thì thiếp
thấy lâu đài chuyển động mạnh, rồi bay vút tới nơi xa xôi này. Thiếp còn thấy
một lão già có bộ mặt khủng khiếp tự bảo rằng có quyền dời chuyển lâu đài về
Phi châu.
A-La-Đanh ôm đầu thất vọng
than:
- Chết rồi! Đó là tên phù
thủy khi trước giả xưng là chú tôi, nay hắn trả thù đây. Thôi, công việc cấp
bách lắm rồi, công chúa hãy cho tôi biết cây đèn đó hiện tên phù thủy để ở đâu?
Công chúa đáp:
- Từ khi chiếm được cây đèn
thần đó thì hắn luôn luôn giữ bên mình. Có một lần lão ta giở ra cho thiếp xem
nên thiếp mới biết rõ.
- Hắn đối xử với nàng thế
nào?
- Hôm nào hắn cũng đến đây,
dùng hết cách dụ dỗ thiếp. Rồi hắn báo tin là chàng đã bị phụ vương xử tử.
Thiếp nghe tin buồn quá nên khóc suốt ngày. Thấy thiếp buồn rầu, hắn luôn luôn
đến dỗ dành. Nhưng hắn chưa dám giở trò đốn mạt gì.
A-La-Đanh an ủi:
- Nàng hãy yên chí, bây giờ
có tôi ở bên cạnh rồi, đừng sợ gì nữa. Tôi cần phải tránh mặt để mưu tính công
việc, trưa nay tôi sẽ trở lại. Khi nào nghe thấy tiếng gõ cửa thì nàng hãy cho
nữ tỳ ra mở ngay. Nàng đừng ngạc nhiên khi thấy tôi thay đổi bộ dạng. Hãy giữ
im lặng để tôi hành động.
Dặn dò cặn kẽ xong,
A-La-Đanh từ biệt công chúa ra đi.
Đang đi trên đường,
A-La-Đanh gặp một người hành khất ăn mặc rách rưới, chàng liền theo bén gót.
Tới một chỗ vắng vẻ,
A-La-Đanh giữ người hành khất đứng lại rồi yêu cầu trao đổi quần áo. Người hành
khất thấy bộ đồ của mình đã cũ mà lại được người khác đề nghị đổi lấy đồ lành
thì bằng lòng ngay. Hai bên liền lột quần áo ra trao đổi cho nhau.
Sau khi đã mặc bộ quần áo
rách rồi, A-La-Đanh liền ra phố mua một gói thuốc bột rồi trở lại lâu đài.
Chàng lần đến phòng công chúa rồi gõ cửa, tức thì, có tỳ nữ ra mở ngay.
A-La-Đanh đến bên công chúa
nói:
- Muốn thoát khỏi tai nạn
này, và trở về sống với phụ hoàng như xưa, nàng hãy giúp tôi thi hành mưu kế
này.
Công chúa nói:
- Xin chàng cứ dặn, thiếp sẽ
cố gắng làm hết sức, dù khó khăn cũng không dám từ nan.
A-La-Đanh dặn:
- Nàng hãy trang điểm cho
sắc mặt tươi vui, mặc xiêm y thật lộng lẫy, rồi chờ tên phù thủy kia tới, vui
mừng ra tiếp đón. Nàng làm sao cố giữ hắn lại dùng cơm với nàng. Khi dâng rượu,
nàng nhớ dặn nữ tỳ bỏ thứ thuốc bột này vào ly của hắn. Nàng nhớ ép hắn uống
hết ly rượu đó.
Dặn dò cặn kẽ rồi A-La-Đanh
lại từ biệt công chúa, ra khỏi lâu đài và nấp vào một chỗ kín đáo chờ đợi.
Chỉ một lát sau, tên phù
thủy lần vào phòng thăm công chúa. Thấy công chúa hôm nay trang điểm lộng lẫy,
vẻ mặt tươi vui thì tên phù thủy mừng rỡ trong lòng.
Rồi công chúa dịu dàng mời
hắn ở lại dùng cơm với nàng. Lẽ tất nhiên tên phù thủy bằng lòng ngay.
Thế là tiệc rượu được dọn
ngay tức khắc. Công chúa và tên phù thủy ngồi bên nhau, cười nói hỉ hả. Công
chúa cố ý mời tên phù thủy uống thật nhiều rượu. Tên phù thủy được lời mời của
người đẹp như cởi mở tấm lòng, hắn liên tiếp uống hết ly này tới ly khác.
Chờ cho tên phù thủy đã say
khướt, không còn biết trời đất là gì nữa, công chúa lúc đó mới ra hiệu cho con
tỳ nữ rót một ly rượu đầy, trong có bỏ gói thuốc bột của A-La-Đanh vào, rồi
dâng lên cho hắn.
Tên phù thủy ngả ngớn nói:
- Chúng ta hãy trao cốc cho
nhau mà uống, như vậy mới tỏ ra yêu thương nhau như tục lệ của nước ta từ trước
tới nay.
Nhưng rồi say quá, tên phù
thủy vừa đỡ ly đã nốc cạn.
Chiếc ly vừa rời khỏi miệng
thì toàn thân tên phù thủy đã rũ ra, rồi lăn đùng xuống đất.
Công chúa vội vã sai tỳ nữ
mời A-La-đanh vào.
A-La-Đanh lẹ làng đến bên
tên phù thủy, móc trong người hắn lấy cây đèn, rồi chàng cọ nhẹ.
Thần đèn lại hiện ra.
A-La-Đanh bảo:
- Thần hãy chuyển cả tòa lâu
đài về chỗ cũ giúp ta.
Thần biến đi và tòa lâu đài
bỗng chuyển mạnh rồi tiếng gió vi vu thổi…
Khi mọi người nhìn ra thì đã
thấy tòa lâu đài nằm ở khu đất trước hoàng cung đúng như khi trước.
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét