Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Ở MỘT NƠI AI CŨNG QUEN NHAU - Hoàng Ngọc Tuấn

 
Phố cũ_Tranh Thanh Châu

Những sớm mai cả bọn ngủ lăn lóc trong căn phòng bỗng bị đánh thức dậy, không phải vì tiếng động náo nhiệt của xe cộ ngoài đường phố. Cô gái đứng gần cánh cửa, thân người ở ngoài, chỉ có khuôn mặt hiện ra với một cái răng khểnh, nụ cười và đôi mắt tinh nghịch. Cô gái kêu lên một vài tiếng trong vắt, gọi mọi người thức dậy rồi lắc đầu đứng nhìn những người nằm co quắp, đôi mắt người nào cũng chỉ mở một chút ra rồi nhắm lại. Cô gái tiếp tục kêu tên từng người, trong cơn chập chờn giữa ánh sáng ban ngày và bóng tối mê mệt của giấc ngủ, tiếng gọi đập vào tai mỗi người vang dội như tiếng chuông nhà thờ trong đêm Giáng-sinh. Cũng trong cơn chập chờn đó, có người nghe thấy một tiếng con gái nào gọi tên mình thật êm ái như tiếng đàn hay tiếng hát. Cái bọn người tuổi trẻ này, suốt ngày đã nghe âm nhạc từ sáng sớm cho đến khuya, và bây giờ tưởng là có một thằng siêng năng nào thức dậy sớm hơn cả, đang ngồi ôm đờn dạo một nhạc khúc gì đó . Nhưng rồi họ biết không phải như thế, họ dần dần nhận ra được khuôn mặt quen thuộc của cô gái và uể oải ngồi dậy từng người một, vì họ thấy nằm dài người ra trước mặt của một thiếu nữ thật bất lịch sự, dầu thiếu nữ ấy thân thiết với họ còn hơn một cô em gái. Một vài người đứng dậy dụi mắt, càu nhàu trong miệng, lưỡi đắng nghét và nhạt nhẽo cho đến khi thắp một hơi thuốc lá đầu tiên mới thấy dễ chịu. Một thằng bần tiện nào đó đá vào bụng những đứa đang còn ngủ say vì không muốn có người nào được ngủ nhiều hơn mình .

Có một gã con trai nằm ở góc phòng, hắn tung hết những đống quần áo mà suốt đêm hắn dùng làm chăn bao kín lấy người, rồi la lên một tiếng thật lớn như một võ sĩ ngay trước khi lâm trận, để lấy can đảm đứng dậy. Vừa mở mắt là miệng hắn hát ngay, không phải hát đàng hoàng những bản nhạc gì đó mà lảm nhảm hát bất cứ chỗ nào vừa đến trong đầu hắn, vì hắn có biệt tài biến thành nhạc điệu tất cả những lời nào tầm thường nhất, ví dụ như tin mừng đám cưới, cáo phó, quảng cáo xe hơi hay rao vặt bán nhà cửa trong nhật báo hắn cũng “phổ nhạc” được như thường. Cái gã ưa làm khổ lỗ tai người khác đó giờ đây nhăn mặt chào cô gái, hắn nói những lời thường lệ như những người bạn nói với nhau khi gặp gỡ vào buổi sáng . Hắn thầm mong ước sáng nay mái tóc đen của cô gái đó có gắn một bông hồng đỏ, sáng nào hắn cũng mong như thế nhưng chưa bao giờ hắn toại nguyện cả, cô gái không khi nào làm cái trò trang điểm rẻ tiền ấy, tóc nàng thường bó lại ở phía sau bằng một chiếc kẹp tầm thường, như thế cũng xinh xắn lắm rồi vì ai cũng khen nàng thật xinh, chỉ có hắn hơi buồn. Hắn lại thầm mong sáng nay cô gái ấy sẽ mặc một chiếc áo dài lụa màu xanh, nhưng nàng lại mặc áo màu đỏ làm hắn buồn chán chết được và nghĩ rằng ngày hôm nay thật là một ngày bất hạnh nhất của hắn .

Cô gái vừa đánh thức mọi người dậy như thường lệ, ngày nào cũng đến sớm để làm cái công việc của chiếc đồng hồ reo, reo một cách êm ái như màu hồng chói lọi của mặt trời, đôi khi có người nịnh rằng nàng giống như mặt trời, mỗi sáng chiếu những tia nắng thật đẹp và ấm áp làm con người tươi tỉnh. Mỗi khi nghe ai nói như thế, cô gái đều e thẹn hoặc làm bộ e thẹn cúi đầu cười một cách duyên dáng, nàng hay cười để khoe chiếc răng khểnh ngộ nghĩnh của nàng, dĩ nhiên nàng không nói cho ai biết điều đó.

Có điều ai cũng biết là tên của nàng giống như tên của một giòng sông nhỏ: Sông Nhuệ
Giọng nói của Nhuệ có vẻ trách móc:

– Con trai gì mà làm biếng quá trời, sáng nào cũng phải đợi người ta đến đánh thức mới thèm dậy. Thôi dậy hết đi mấy ông anh, sáng nay mình có cả khối công việc phải làm .

Một người vừa cầm lấy chiếc bàn chải đánh răng, mặc dù vừa ngủ dậy mới một phút, trong hắn có vẻ tươm tất nhất trong bọn, mái tóc đã chải năm sát trên đầu. Hút xong điếu thuốc, hắn mới gật đầu đồng ý với Nhuệ:

– Nào dậy hết đi anh em, ngày hôm nay tụi mình có quá nhiều công việc . Trước tiên là đi kiếm một tô phở với một ly cà phê dằn bụng, xong rồi ra quán nào ở góc phố, ngồi nhìn thiên hạ đi qua đi lại, trưa lên nhà người quen ăn cơm, ăn xong chui vô một rạp xi-nê vừa xem vừa ngủ trưa, chiều lại ra ngồi ở quán nào đó nữa. Đêm có rảnh được phút nào đâu, lại ngồi uống cà phê, nói dóc, nghe hát cho đến khuya.

Mọi người đều có vẻ ngộp thở vì nghe quá nhiều công việc phải làm trong một ngày, và gần như ngày nào họ cũng bận rộn từ sáng đến khuya với những trò quen thuộc đó.
Buổi sáng đã ồn ào, ánh nắng và tiếng động của một thành phố thức giấc nổi lên như thường lệ. Thỉnh thoảng có người dậy sớm lắm, vào khoảng bốn năm giờ sáng, mới nhìn thật thực sự vẻ vắng lặng tuyệt đẹp của thành phố, khu vườn cỏ, hàng cây xanh, những ngọn đèn đường còn thắp đỏ. Thành phố sớm mai không bóng người có dáng dấp âm thầm và trong sạch như một gái trinh mười ba tuổi.

*

Nếu có một gã tuổi trẻ nào trạc chừng hai mươi, một ngày mặc thay đổi hai chiếc sơ mi ủi thẳng tắp tay gài manchette đàng hoàng, giày màu nâu bóng loáng đóng theo kiểu mới nhất, quần màu xám tro lịch sự. Nếu có một gã nào luôn luôn diện bảnh như một nhà quý tộc mặc dù đôi lúc không có một đồng. Nếu có một gã nào bụng đói kinh khủng vì cả ngày không có cơm ăn, vẫn cứ bỏ hai tay vào túi quần thảnh thơi dạo phố, hay ngồi nhà ôm đàn tây-ban-cầm khẽ hát một bài tình ca lãng mạn, dù bụng trống không âm thanh vẫn cất lên cao mạnh mẽ. Nếu có một gã nào như thế trên trái đất này, chắc chắn gã ấy chỉ có thể là Xuân .

Xuân là người kê khai dài dòng những công việc trong ngày cho cả bọn nghe, miệng hắn ngậm một điếu thuốc, tay ôm đàn dạo một khúc nhạc nhưng chưa dứt hắn đã bỏ đàn xuống lục hộc bàn lấy ra một tờ giấy trắng và cây viết, và bởi vì hắn là một thi sĩ nên khi có những vật trong tay như thế dĩ nhiên là hắn làm thơ, thơ tình yêu hay thơ chí hiếu có nhắc đến công ơn cha mẹ như hắn vẫn thường làm. Xuân học ban Triết ở Đại-học, nhưng không phải đó là khía cạnh đáng chú ý của hắn và ngay chính hắn cũng ít khi quan tâm đến nhà trường cả. Xuân chỉ hãnh diện và cố gắng trau dồi những tài vặt đặc biệt của mình, hắn thật là một người có nhiều thiên tài về mọi mặt: thi sĩ ca tụng tình yêu, cha mẹ và quê hương; cố vấn về thời trang; chuyên môn đàn đệm thật tài tình cho ca sĩ hát mặc dầu trong bụng không có lấy một chữ nhạc lý; kịch sĩ hài hước xuất sắc; người kể về những chuyện dâm dục dự tưởng rất kinh khủng; họa sĩ viết chữ đẹp  v.v…

Sáng nay Xuân đang làm một bài thơ lục bát, hắn cố gắng mới xua đuổi được hình ảnh của những tô phở, hủ tiếu, cà phê trong trí óc để tưởng tượng đến một cánh đồng lúa xanh ngày thanh bình . Nhưng rồi hắn vứt bút, đứng dậy mặc bộ quần áo bảnh bao vào, nói với lũ bạn một câu không dính dáng gì đến thi ca cả:

– Thằng nào còn tiền dẫn đi ăn sáng mau, đói quá rồi mà cứ chậm chạp như rùa bò .

Có một người nào đó gật đầu, chỉ tay vào túi quần ra dấu là có tiền làm Xuân hài lòng, hắn cảm thấy vui vẻ hơn đôi chút, và những khi vui vẻ là hắn cố nặn óc để nghĩ ra một câu chuyện khôi hài gì đó . Xuân quan sát một thằng mập nhất trong bọn, thằng này có bộ mặt mà các bà thầy bói xem tướng rất khoái, nghĩa mặt no tròn, mắt to, mũi lớn, trong tương lai có vẻ rực rỡ lắm, nhưng chiều dài của thân hình hắn hơi ngắn. Xuân mở to mắt kinh ngạc kêu lên:

– Ê Thạch, sáng nay trên đầu mày có mọc những cái gì dính chùm với nhau kinh khủng vậy ?

Ảnh hưởng của câu chuyện anh chàng Samba hóa thân thành con bọ hung làm Thạch nghĩ rằng mình dám bị cái điều bất hạnh đó lắm, hắn kinh hoảng chụp lấy chiếc gương soi mặt, lắp bắp kêu lên:

– Đâu? Có gì trên đầu tao đâu?

Xuân đáp bình thản:

– Có tóc chứ gì nữa. Mày không thấy sáng nay tóc mày tự dưng dính sát nhau sao .

Thạch định ném chiếc gương soi mặt vào bộ mặt khoái trá của Xuân nhưng hắn chợt dừng lại, kịp nghĩ là cả bọn chỉ còn một tấm gương soi này thôi, nếu làm vỡ là mỗi sáng phải soi gương chãi đầu bằng cách nhìn vào chiếc bật lửa Zippo nhỏ xíu, hay là phải tìm một đôi mắt nào mở to và trong sáng nhất để soi mặt mình trong đó, thông thường phải nhờ đến đôi mắt của cô em gái Sông Nhuệ, Thạch đành cười theo trong những tiếng cười của lũ bạn, hắn nói:

– Thằng Xuân mới mở mắt là đã biết làm hề rồi. Mẹ nó kể với tao nó mới lọt lòng mẹ đã biết thọt lét mấy cô y tá.

Thạch có vẻ tạm bằng lòng với lời nói của mình, hắn xếp những đống giấy tờ vào một chiếc cặp da đen, rồi hắn lấy sổ tay có ghi chi chít những số điện thoại và giờ hẹn gì đó với dáng nghiêm trọng. Hắn nói với lũ bạn là ăn điểm tâm xong hắn có rất nhiều công việc phải làm, nào là lên trường để bàn luận với bọn sinh viên về một vụ tranh cử gay go sắp đến, dự một cuộc hội thảo về thanh niên, tìm gặp và “nói chuyện” với mấy ông nào đó để vận động tổ-chức thành lập đoàn thể này nọ hay xuất bản một tờ báo gì đó. Thạch học cùng lớp với Xuân và hai chơi thân với nhau từ nhỏ nhưng tính tình Thạch trái ngược với Xuân, nghĩa là Thạch sống khá ngăn nắp, siêng năng, làm đủ mọi công chuyện, hăng hái hoạt động và bây giờ có chân ở trong hầu hết các hội đoàn sinh viên, thanh niên .

Thạch ôm chiếc cặp da trong tay, hắn hăng hái nói với lũ bạn:

– Năm nay tao nhất định đắc cử Chủ-tịch sinh viên ở trường, đã thảo một kế hoạch tranh cử vĩ đại và khoa học lắm. Rồi từ đó nhảy ra nắm ghế Chủ-tịch sinh viên toàn quốc luôn, lúc ấy tha hồ có phương tiện làm báo, in sách, tổ chức hội thảo, văn nghệ đủ thứ . Học xong ở Đại-học là mình trở thành quen thuộc với người và kinh nghiệm dồi dào rồi lần hồi có thể làm Dân-biểu, Bộ-trưởng và cuối cùng là làm Tổng-thống. Tụi mày thấy tao tính trước tương lai như thế được không ?

Một thằng nào đó trong bọn vừa ngáp vừa trả lời:

– Thạch à, mày là cái thằng chỉ trong năm phút đã nói hết những điều mà có khi mày phải bỏ hai ba cuộc đời của mày mới làm hết được. Như vậy không phải là chính trị nữa, mà là làm thơ, làm thơ là một việc đáng khuyến khích lắm. Nhưng mày lại đâu có muốn làm thi sĩ phải không?

Nhưng Thạch không nghe câu trả lời đó, hắn đang mải mê với những dự định, kế hoạch tốt đẹp trong đầu óc.

Khi Sông Nhuệ bước ra khỏi phòng, cả bọn khoảng năm sáu người lần lượt đi theo nàng. Họ đứng lại một lát trong khu vườn, nhìn cả một đám cỏ dại xanh ngắt bao kín quanh bàn chân của họ như một dòng suối chôn kín những viên sỏi trắng. Trong khu vườn đầy cỏ dại ấy, một quán cà phê lợp tôn và một dãy nhà thấp lụp xụp làm bằng những vật liệu thô sơ như gỗ rơm, cát-tông nằm gần bên nhau. Căn phòng mà bọn người vừa mới rời khỏi nằm trong dãy nhà đó.

Khu vườn là một mô đất cao, nên đứng ở đây họ có thể nhìn thấy hoàn toàn một đoạn đường phố trước mặt, những mái nhà, xe cộ, hình người có những màu đỏ, nâu, hay xám di động như một khúc phim quen thuộc. Cả bọn không ai bảo ai nhưng tất cả đều tự động bước đi hướng về một quán cà phê quen thuộc năm trên vỉa hè của một con đường ngắn thường thường có nhiều bụi xe, nhưng thỉnh thoảng, sớm mai và buổi trưa, yên tỉnh cho người ta nhìn thấy con đường hơi đổ dốc về phía trung tâm thành phố.

Khi ra ngoài đường, ngoại trừ Sông Nhuệ vì nàng là cô gái duy nhất trong bọn, còn tất cả mọi người đều đùa cợt hay ngắm nghía kỹ càng những người đàn bà xấu hay đẹp đi qua trước mặt họ.

*

Căn gác của Lệ-Mai thật nhỏ, vừa đủ để đặt chiếc giường ngủ, tủ gương và còn lại một khoảng trống, nên việc bếp núc phải làm ở nhà dưới. Khi nàng ôm tô canh bốc khói thật lớn và cẩn thận đi từng bước một trên bục thang gỗ, nàng suýt chút nữa đụng phải một thằng đang múa tay múa chân ở trên gác, cái thằng suýt chút nữa làm cho cả bọn hụt thưởng thức tô canh chua cá lóc ngon lành đó là Thạch, hắn đang biểu diễn cho bạn bè xem một kiểu đọc diễn văn theo điệu của Hitler. Lệ Mai ngồi gần nồi cơm, xới cơm cho từng người, trước mặt nàng là những món anh thật hấp dẫn đối với một lũ háu ăn ngồi chờ cơm nãy giờ: canh chua rau muống luộc, mắm cà, cá lóc nướng, bữa cơm thật dễ chịu, vì cả bọn không khách sáo gì cả, cười nói ồn ào và thi nhau ăn thả cửa. Mà muốn có những bữa ăn như thế này cũng không khó khăn gì, chỉ cần cử một thằng bạo miệng nhất thú thật: “Mai à, bọn này hết tiền ăn cơm rồi, trưa lên nhà Mai ăn cơm nghe”. Thế là xong, Lệ-Mai chỉ cần chịu khó nấu nướng thêm vài món và mời cả bọn đến, bà ngoại của nàng ở tầng dưới cũng không than phiền gì về những vụ họp mặt đông đảo ở tầng gác trên của nàng cả.

Xuân tự dưng đề nghị nàng hát một bài, hắn nói có đem đàn theo và sẽ đàn đệm cho nàng, nhưng Lệ-Mai lắc đầu cười:

– Thôi mấy bạn khôn vừa vừa thôi chứ. Định bắt tôi hát để làm rượu khai vị cho ngon miệng sao? Giờ này là giờ cơm, tôi cũng đói lắm rồi, để đến tối tụi mình còn cả đêm tha hồ hát.

Cái thằng chuyên môn phổ nhạc một cách bừa bải bây giờ mới lên tiếng, vì từ lúc đầu đến giờ hắn đang bận rộn với dĩa mắm cà, món ăn mà hắn khoái nhất. Đại khái hắn nói đồng ý với Lệ-Mai là bây giờ lo ăn cho no đi đã, cái gì cũng gác qua một bên, hắn lại còn nói dong dài thêm là hắn thích nhìn Lệ-Mai hát dưới ánh đèn sân khấu lắm. Nhưng thực tính hắn khoái nàng như bây giờ hơn, nghĩa là mặc một chiếc quần đen với chiếc áo bà ba vải thô màu trắng thật giản dị, trên má lấm tấm những giọt mồ hôi vì lửa bếp dễ thương như một người vợ hiền. Càng lúc càng hứng, hắn nói thêm rằng hắn rất khoái loại đàn bà tầm thường, suốt ngày đi chợ, nấu ăn và quanh quẩn hoài trong gia đình. Dĩ nhiên quan niệm của hắn thật cổ hủ ít ai đồng ý được, nhưng dầu cho có ai cãi lại hắn cũng không thèm nghe gì, nói xong là hắn quay trở lại nhanh chóng với bữa cơm. Hắn ăn cho mau xong để được hút ngon lành một điếu thuốc, vì hắn khoái hút một thứ thuốc lá hiệu Lạc-đà nên bạn bè đặt tên cho hắn là Lạc-đà, cái tên cũng không đến nỗi tệ lắm.

Sau bữa cơm, họ chia tay và hẹn đến tối sẽ gặp lại nhau như thường lệ tại quán cà-phê. Lệ-Mai dặn một người nào đó trong bọn nhớ đem xe đến chở nàng đi, vì có lẽ tối nay nàng không còn một đồng để đi xe tắc-xi, và nàng vẩy tay chào tất cả, thỉnh thoảng có một thằng sung sướng nào đó được nàng đưa bàn tay đùa nghịch xoa lên mái tóc. Bực thang gỗ rung rinh dưới những bước chân nặng trĩu của một bọn người mới no nê. Cuối cùng không còn ai đi trên bục thang nữa, chỉ một mình Lệ-Mai đứng trên cao, môi nàng cũng như môi bọn họ, có gắn một điếu thuốc lá. Một màn khói màu xanh che phủ khuôn mặt của nàng. Thằng Lạc-đà quay đầu trở lên với hy vọng bắt gặp một nụ cười của nàng, nhưng hắn không thấy gì cả.

*

Đối với bọn người sống trong khu vườn cỏ dại, đêm là thời khắc của một thứ hạnh phúc dễ chịu, đêm sống động và tràn đầy. Không một phút trống rỗng, không một phút thừa thải. Từ khi trời bắt đầu tối cho đến khoảng mười hai giờ khuya, đêm được nối tiếp với nhau bằng những tiếng người nồng nàn quen thuộc giọng nói và giọng cười ồn ào của bạn bè hay của chính mình. Những câu chuyện lý thú hay vô duyên nhất thi nhau phát ra không ngừng nghỉ như một đĩa hát khổng lồ. Thỉnh thoảng có vài tiếng đờn chậm rãi, tiếng hát khe khẽ, và đêm nào cũng thế, cứ đến khuya, khi những người khách lạ trong quán đã bỏ về, chỉ còn lại trong đêm tối và ánh sáng nhỏ của ngọn đèn mờ một ít người quen biết nhau thân thiết. Lệ-Mai sẽ hát cho họ nghe một vài bài hát.

Bây giờ trời chưa khuya, quán vẫn còn một ít khách, bàn ghế nhỏ đặt vương vãi trên mặt đất và đám cỏ dại. Trên đầu họ không có một vật gì ngăn cản đôi mắt nhìn, bầu trời đêm trọn vẹn trên cao trông thật xa vắng, có những điểm sáng từ những ngôi sao thắp mờ như ngọn đèn.

Sông Nhuệ đang ngồi ở quầy quán, hai tay nàng nhanh nhẹn bận rộn với những tờ giấy bạc từ tay khách hàng, nhưng nàng vẫn không quên cười thật tươi đối với tất cả mọi người, kể cả những anh chàng vô duyên nhất. Cho nên đêm nào cũng có vài anh tưởng mình đẹp trai hay duyên dáng lắm, đứng nói chuyện với nàng dai dẳng. Nhuệ quay sang một gã thanh niên đứng bên cạnh, gã đang bận rộn với một đống ly tách nghiêng ngả bừa bộn trong quầy.

– Giang pha cho mấy ông này ba ly ca phê đi, họ đứng đợi nãy giờ lâu lắm rồi đó.

Giọng càu nhàu làm điếu thuốc lá rơi khỏi miệng hắn.

– Ráng đợi thêm chút nữa. Từ chiều đến giờ làm luôn tay không thấy sao? Đi xách nước, pha chế đủ thứ, không kịp nghỉ vài phút để ăn tối, khuya lại còn phải rửa ly tách. Sao Nhuệ không kêu bọn thằng Thạch, thằng Tự vào giúp một tay? Tụi hắn đang ngồi nói dóc phè phỡn ngoài kia kìa.

– Đêm này là phiên của Giang mà, có phải phiên của mấy ông đó đâu?

Giang cau mày tỏ ra bực theo thói quen, rồi hắn cúi xuống tiếp tục pha ba ly cà phê. Giang là em ruột của Xuân nhưng người lạ ít ai biết được điều đó vì hắn và Xuân không có vẻ gì giống nhau cả. Giang tính tình xuề xòa, ăn to nói lớn, hắn có thân hình với những bắp thịt của một lực sĩ to gấp đôi ông anh, hắn chỉ giống Xuân ở chỗ thỉnh thoảng cũng biết đàn hát với cái giọng rất tốt của hắn. Ngoài những đặc tính đó ra, hắn còn có tài pha cà phê thật khéo nên được giữ chức đầu bếp cho quán.

Khi Giang vừa đưa những ly cà phê cho khách, lại thêm một thằng có cái tên kỳ cục là Lạc-đà chạy vào:

– Làm cho tao một tách cà phê đen. Tao uống chịu, mai sáng trả tiền liền.

Giang cương quyết lắc đầu:

– Có tiền cũng không bán, bây giờ tao mệt lắm rồi, đang sửa soạn thu dọn rồi đóng cửa quán đây.

– Vậy thôi. Nhưng Lệ-Mai ngoài kia nói với mày là cô nàng muốn uống một ly cà phê đá, mày có chịu pha cho cô ấy không ?

Giang tưởng Lạc-đà đánh lừa nhưng khi hắn liếc mắt nhìn ra ngoài sân, hắn bắt gặp khuôn mặt của Lệ-Mai quay vào nhìn hắn, nàng cười và đưa một ngón tay ra dấu. Dĩ nhiên Giang không từ chối với nàng được, cả bọn ở đây ai cũng mến nàng hết. Giang lại mò mẫm trong quầy để tìm một cái ly, hắn nói:

– Được rồi mày ra nói với Mai lát nữa tao sẽ mang ra cho.

Lạc-đà mỉm cười, chọc ghẹo Giang một câu gì đó làm hắn đỏ mặt. Lạc-đà chợt thấy Nhuệ đang nhìn mình, hắn móc túi lấy chiếc chìa khóa xe gắn máy cà tàng của hắn đưa cho Nhuệ, và nói:

– Bọn này tối nay chắc ở lại hết cả đây nhậu say tới sáng. Nhuệ nói thằng Lai lấy xe đưa về nhà trước đi, thằng đó chỉ chờ có thế.

*

Giang đưa ly cà phê cho Lệ-Mai rồi hắn cũng ngồi xuống cùng với lũ bạn đang ngồi sát cạnh nhau, hắn lấy ở bao thuốc lá của Lệ-Mai một điếu và châm lửa. Thứ thuốc nhẹ dành cho đàn bà tỏa ra một luồng khói thơm cay dìu dịu. Lệ-Mai nhấp một tí cà phê, nàng dụi mẩu tàn thuốc trên đám cỏ, lắc đầu cho mái tóc của nàng tung qua tung lại ngộ nghĩnh như cánh bướm, rồi mỉm cười:

– Anh Trịnh đàn cho em hát bài Hạ Trắng này đi, kẻo cái ông mặt mày nhăn nhó ngồi nì nài từ chiều đến giờ kìa. Em đã bảo là em không thuộc bài này.

Lạc-đà là người vừa bị gọi là có bộ mặt nhăn nhó, hắn vội vàng nhe răng cười để chứng tỏ là nếu muốn hắn cũng có bộ mặt tươi tỉnh như người khác được. Trịnh cầm lấy cây đàn Xuân vừa đưa, những ngón tay ốm dài của anh bấm nhịp nhàng vào những sợi dây đàn, anh có hai ngón tay đặc biệt màu vàng vì bám đầy khói thuốc lá, Lệ-Mai sắp sửa hát một bài của anh, bài này anh làm đã lâu, vào một tuổi hai mươi mơ mộng gì đó, và đến bây giờ đã gần mười năm rồi nên anh cũng không còn nhớ rõ lời.

Nếu có một cô con gái nào chăm chú nhìn Trịnh khi anh hát, cô nàng chỉ thấy lờ mờ trong đêm tối, cái trán cao và cặp kính trắng to tướng che kín hết khuôn mặt của anh, hàm râu lởm chởm ít khi cạo bao quanh trên mép và dưới cằm, đôi mắt nhắm nghiền, thân hình ốm trong chiếc áo rộng thùng thình, trông Trịnh giống như một gã lãng tử người Mễ-Tây-Cơ. Mà anh có vẻ là một gã lãng tử thật sự, anh rời gia đình đi giang hồ gần mười năm rồi, đã gần mười năm toàn là những ngày rong chơi, những đêm một mình thức trắng để viết nhạc hay những đêm ồn ào như thế này, đông đảo một bọn người trẻ tuổi nghe anh hát, một đôi khi nghe Lệ-Mai nàng bây giờ là người đàn bà hát những ca khúc của mình nhiều nhất.

Khi tất cả đều im lặng. Chỉ còn hơi thở của người, hơi khói thuốc lá và hình như có một chút hơi lạnh của sương đêm, tiếng nhạc nổ bùng từ những ngón tay bấu víu vào cây đàn, âm thanh hoang đường lạ lùng cũng vừa bật ra từ một đôi môi đàn bà. Những đoạn cất lên cao, Lệ-Mai đứng dậy, gói chân trần trụi thoát ra khỏi đôi giày chật, tay vịn vào vai của một người bên cạnh, tiếng hát cất vút cao nhưng vẫn nghèn nghẹn một giọng trầm buồn bã. Người ta không thể vừa nhậu nhẹt vừa nghe nàng hát. Đó là một tiếng hát làm thân thể sựng bất động, và tâm hồn mở ra mọi cánh cửa khép kín nhất để ôm ấp những lời hát như ôm ấp tình nhân. Khi những lời đó kêu gọi điều gì, một giọt nước tưởng chừng an phận trong đời sông hồ bỗng nhiên ao ước bay về trời lắm mây trở lại.

Đêm đã khuya, tất cả vào trong căn phòng quen thuộc tối tăm vì không có điện, khi ngọn lửa từ cây nến thắp bùng lên, ai cũng có thể nhìn thấy trên nền nhà chiếu mền vứt lăn lóc, một chiếc bàn đặt bề bộn mọi thứ ở trên, khắp căn phòng đầy dẫy sách báo và tàn thuốc lá. Nếu có thêm một chút ánh sáng, mọi người có thể nhìn thấy vách tường dơ bẩn đầy ắp những chữ viết nguệch ngoạc, những lời nhắn tin hằng ngày xen lẫn với những câu danh ngôn của các nhà tư tưởng: Cô đơn tuyệt đối ta sẽ nắm được chân-lý ở đời: Simone Weil. Yêu cầu các bạn đừng mượn bất cứ cuốn sách nào của tôi, bạn nào muốn đọc sách xin chịu khó ra tiệm mà mua: Lạc đà . Hãy là ông thầy vì thầy là nhà điêu khắc của chính mình …Bổn phận của con người là trở nên chính mình: Nietzche. Xin bạn nào mượn đôi tất màu rượu chát của tôi làm ơn trả lại cho tôi gấp, cám ơn nhiều: Xuân. Khi tôi nói rằng tôi yêu em, có nghĩa là em bất tử: G. Marcel  v.v…

Bọn con trai nằm ngủ trên chiếu, chiếc ghế bố duy nhất trong căn phòng được dành cho Lệ-Mai, nàng mặc một bộ áo pyjama đàn ông rộng thùng thình. Và khi cái gáy của nàng đã đặt trên gối, mái tóc xổ tung, khuôn mặt không son phấn, đôi môi và đôi mắt bình yên khép lại. Nàng nằm đó, nhỏ nhoi và bình thường như một thiếu nữ còn êm ấm với mẹ cha trong gia đình, nhưng trên vầng trán của nàng đã hằn rõ một vài nếp nhăn phiền muộn, dấu hiệu của những người cô độc bước vào cuộc đời. Khi giấc ngủ đối với nàng, con người đã nhìn thấy tiếng cười thơ dại và những nếp nhăn trên vầng trán của nàng cùng một lúc chan hòa với nhau thành một hình ảnh đẹp. Có người đã nghĩ rằng nàng như một nữ thánh .

Ban ngày Lệ-Mai nghịch ngợm như một con chim rừng xanh, nhưng đêm, đôi khi nàng có những giọt lệ âm thầm.

*

Trong khu vườn cỏ hoang ấy, bọn người họ đã sống với nhau trong một khoảng thời gian dài, suốt trong biết bao mùa mưa và mùa nắng hạ. Họ còn trẻ, mỗi người có một quá khứ ngắn ngủi riêng và đã quen mau đi rồi. Họ đến đây từ những thành phố xa xôi khác nhau, từ những mái nhà tiện nghi ấm cúng của tuổi thơ mà bây giờ thỉnh thoảng họ về một lần, rồi thế nào cũng quay trở lại khu vườn cỏ. Bởi vì ở đây đời sống là âm nhạc, tiếng cười, vui chơi, tình cảm thân mật của bạn bè, tình thương không tên gọi đối với một vài cô em nhỏ. Tất cả dần dần thấm vào mạch máu bọn người trẻ tuổi này như một một liều nha phiến quyến rũ. Khu vườn ở ngay trong thành phố nhưng quay mặt với thành phố, bọn người hầu như hoàn toàn xa lạ với cái thành phố quay cuồng của công việc, bận rộn, tiền bạc, áp phe và không khí sôi nóng của tình hình chính trị. Học muốn suốt ngày được thắp những hơi thuốc ngon, được chuyện trò như pháo nổ, được cười đùa sặc sụa như trẻ thơ, được tiêu pha vui chơi tơi bời và thỉnh thoảng được đói để thèm thuồng những bữa cơm tầm thường nhất. Họ muốn thời cuộc như một giấc mơ xấu không thực, chỉ có trên những trang nhật báo như một loại tiểu thuyết dài đăng từng kỳ, xem xong rồi vứt bỏ không chút bận. Nhưng thời cuộc dần dần xòe những móng tay dài quái ác chụp bắt những người từ chối nó. Đời sống không làm ai toại nguyện cả, đời sống dầu đã tống cổ mỗi người ra khỏi chiếc vỏ hồn nhiên đẹp đẽ của mình. Đời sống xô đẩy họ vào những con đường mà trước đây họ không bao giờ mơ mộng đến.

Những Xuân, Thạch, Giang, Nhuệ, Trịnh, Mai và biết bao người nữa sẽ không thoát khỏi bàn tay xô đẩy tàn bạo ấy .

*

Nhưng có một người, bây giờ sống chán kinh khủng nên thường hay nhớ tên quãng đời ngắn và đẹp trong khu vườn cỏ. Có một người, trong những khi thoát ra khỏi sự ào ạt của cuộc sống, muốn chụp lại nguyên vẹn hay một phần nào quá khứ của hắn, những kỷ niệm tươi đẹp hay buồn bã. Một người mà trí nhớ khốn khổ của hắn rất lờ mờ đến nỗi mỗi khi muốn nhớ lại điều gì, hắn chỉ nhớ được những chi tiết vô vị nhất, còn bao nhiêu chuyện quan trọng hắn điều quên hết cả. Thế mà lúc nào hắn cũng ao ước được tìm lại hình ảnh của bọn người thân thiết với hắn, của chính hắn trong những ngày ở khu vườn cỏ dại. Người ấy là tôi .

Tôi là một người mà hồi đó nếu có ai muốn tìm gặp, xin cứ đi vào khu vườn cỏ, đến quán cà phê vào lúc ban đêm và hỏi bất cứ một người nào ở đó:

– Anh có thấy một thằng người Huế, hơi gầy, tóc dài không chải, áo quần bê bối, miệng hay hát những câu kỳ cục, thường hút một thứ thuốc lá hiệu Lạc đà, hay bó gối ngồi một mình với dáng cô độc buồn bã. Nhưng thật ra hắn không có gì buồn bã đâu, đôi khi hắn sung sướng kinh khủng mà vẫn cứ mang bộ mặt thảm hại ấy như thường. Anh có biết thằng đó không? chắc chắn là người nào cũng sẽ trả lời bằng một cái gật đầu, vì họ đều quen biết hắn, cũng như ở đây mọi người đều quen biết nhau .

 
Hoàng Ngọc Tuấn
 
 

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

HÃY TƯỞNG TƯỢNG... CÙNG HOÀNG NGỌC TUẤN - Trần Trung Sáng

 Hoàng Ngọc Tuấn sinh năm 1947 tại TP Huế. Từ năm 1967, ông phiêu bạt vào Nam sinh sống, theo học Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, và bắt đầu bước vào nghề cầm bút từ thời gian này. Ông được giới trẻ miền Nam đặc biệt yêu thích, đón nhận như một “hiện tượng văn học” từ trước 1975 với các tác phẩm: "Hình như là tình yêu”, “Cô bé treo mùng”, “Ở một nơi ai cũng quen nhau”, “Tôi và em”,... 

Từ năm 1989 - 2005, các tác phẩm Hoàng Ngọc Tuấn được NXB Trẻ tái bản nhiều lần qua các tựa sách: Tuyển tập Hoàng Ngọc Tuấn (3 tập), Lời cầu hôn, Hình như là tình yêu... Thế nhưng, Hoàng Ngọc Tuấn vẫn ít được công chúng biết, bởi ông có đời sống riêng khá lập dị, kín đáo và lặng lẽ và hầu như không có sáng tác nào mới cho đến khi qua đời, do lâm bạo bệnh vào tháng 7-2005.

Từ những cơn mưa rả rích của mùa đông xứ Huế, chàng trai ấy đã lớn lên “đi trên con đường vắng, một bên là hàng cây nặng trĩu me chua, một bên là con sông nhỏ”, và trong lòng không ngừng âm ỉ cháy bỏng giấc mộng giang hồ... Để rồi một ngày kia, sau những năm tháng phiêu bạt trên những con phố nhộn nhàng của Sài Gòn là sự xuất hiện cái tên tác giả Hoàng Ngọc Tuấn với hàng loạt truyện ngắn tuyệt vời, như những khúc hát ngân nga một thời bật từ trái tim tuổi trẻ: Nhà có hoa Mimosa vàng, Thư gởi Đường sơn cúc, Cô bé treo mùng, Buổi chiều Hạ Lan...

Chân dung nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn  
qua nét vẽ Hoàng Đặng.

Khác với những nhà văn đi trước, có nhiều ảnh hưởng với thế hệ trẻ tại miền Nam thời trước 1975 như: Duyên Anh, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn..., Hoàng Ngọc Tuấn đến với bạn đọc bằng một thế giới hiền hòa, chẳng mảy may thù hận, chừng như nơi đó, ông nỗ lực xây dựng một không gian trú ngụ cho những khát vọng thương yêu, bình an và thơ mộng bên cạnh thực tại cuộc chiến tranh tàn khốc.

Với giọng văn trong sáng, giàu tình cảm và đầy tinh tế, những trang văn của Hoàng Ngọc Tuấn thường say sưa dẫn dắt độc giả về mảnh  đất thần kinh mơ mộng – nơi những nữ sinh yêu kiều chập chờn tà áo trắng bên dòng sông Hương – nơi có những khu vườn thanh vắng xào xạc tiếng những tàu lá chuối xanh mềm tựa lời ca dao – nơi luôn gợi nhớ đến những gương mặt yêu thương: bà ngoại, bà mợ, bà dì, người chị họ... cùng biết bao kỷ niệm thần tiên suốt quãng đời thơ ấu. Bởi theo Hoàng Ngọc Tuấn: “Huế không chỉ đơn thuần là quê hương mà Huế là kết tinh của những gì đã từng gắn bó thân thương máu thịt. Huế là tất cả tuổi thơ và một phần tuổi trẻ”.

Dù khi chính thức bước vào con đường văn chương, Hoàng Ngọc Tuấn đã rời xa Huế, song những ký ức về miền quê hương này vẫn không ngừng âm ỉ hiện diện trên từng trang viết của ông: “Người ta không yêu Huế vì mùa hạ. Mùa hạ nắng cháy trên da người như đè nặng cả một khung trời lửa. Tôi yêu Huế vì mùa đông mặc dầu mùa thu là mùa dễ thương nhất, mùa thu lá vàng rụng nhiều làm buồn lòng người phu quét đường còm cõi. Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh mơ màng của mùa đông ở Huế” (Mưa Huế). Ở một đoạn khác: “Anh đã ăn năm cái Tết xa nhà, điều ấy thật buồn. Ở những thành phố xa lạ, những thành phố không phải Huế của anh, cái tết thật vô duyên và trống rỗng” (Thuở ấy có nhà).

Bên cạnh đó, ngoài Huế và trong Huế, dĩ nhiên đậm nét trong những trang văn Hoàng Ngọc Tuấn là chân dung những thiếu nữ. Đó là Hạ Lan, Sao Mây, Bích Câu, Tiểu Muội, Út, Ngâu, Lục... mà tác giả thường gọi nôm na là “nàng”. Những “nàng” ấy, có lúc làm cho nhà văn vùi dập trong đớn đau và nước mắt, có lúc lại đem đến cho ông đỉnh cao hạnh phúc, như ánh hào quang rạng rỡ, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc đời. Nhưng chung quy, bao giờ ông cũng viết về họ bằng những lời lẽ dịu dàng, êm đềm nhất, bởi với ông “họ là những người đã tô điểm, đã làm thanh khiết lại cõi trần gian vốn có nhiều tục lụy này”.

Lần đầu tiên, tôi biết đến Hoàng Ngọc Tuấn qua một truyện dài mang tên “Tuổi trẻ hư không” in nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa (không rõ vì sao truyện này sau đó không in thành sách). Nội dung truyện chỉ quanh quẩn nói về tâm trạng một chàng trai trẻ vừa rời bỏ lục tỉnh đến Sài Gòn mưu tính chuyện tương lai.

Mỗi ngày chàng trai đứng bên cột đèn, miệng nhai những hạt bắp rang và trố mắt nhìn cuộc sống nhộn nhịp diễn ra trên đường phố, lòng ngập tràn háo hức... nhưng cũng đầy lo sợ, chẳng biết bước về đâu trước muôn nẻo đường định mệnh. Tôi nhận ra, đó là một câu chuyện chẳng hề có cốt chuyện, đề tài cũng chẳng có gì mới lạ, nhưng lời văn thật hồn nhiên, phóng túng, thu hút đến ma mị từng câu, từng chữ.

Về sau, đọc kỹ các tập truyện của Hoàng Ngọc Tuấn được ấn hành, ấn tượng lần đầu của tôi về ông lại càng rõ ràng hơn: có lẽ nếu không viết văn, chắc hẳn Hoàng Ngọc Tuấn phải là người làm thơ. Bởi vì những truyện ngắn của ông chỉ là những câu chuyện êm ái, mong manh, cứ bềnh bồng như những tản văn hoặc những dòng thơ xuôi trau chuốt.

Trước 1975, Hoàng Ngọc Tuấn từng được bình chọn là 1 trong 5 nhà văn được yêu thích nhất của tuổi trẻ miền Nam, do tuần báo Khởi Hành (nhà thơ Viên Linh làm chủ biên) trưng cầu ý kiến bạn đọc. Có lẽ, ông là nhà văn hiếm hoi đã bắt trúng ngôn ngữ và tâm trạng của lớp trẻ vào thời điểm ấy. 

Những tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn luôn  khẳng định một phong cách rất riêng: dí dỏm, yêu đời, bay bổng trí tưởng tượng... Nơi đó, người đọc thường xuyên gặp những câu văn: “Hình như là...”, “chỉ có trong tưởng tượng của anh”, “Thí dụ 1: Hôn... Thí dụ 2: Viết thư tình... Thí dụ 3: đám cưới..”, “Hãy tưởng tượng, và chỉ là tưởng tượng...”... Trong một lần như thế, ông kể lại câu chuyện: sau một cuộc hẹn hò với người bạn gái thân yêu tại một quán cà phê để vẽ vời một tương lai tươi sáng, chàng trai cầm theo một tờ báo đọc qua loa cho đỡ buồn, và “anh sẽ thích thú ghê lắm nếu bất ngờ đọc thấy tên anh trang trọng trong một khung cáo phó viền đen:

Đau đớn báo tin: Ông Nguyễn - Văn – X
Nghề nghiệp: thỉnh thoảng là sinh viên
Đã từ trần tại Sài Gòn ngày...
Vì bệnh tê liệt ở quán cà- phê. Hưởng thọ 23 tuổi (tính theo trong căn cước thì trẻ hơn một chút).
Nhưng dĩ nhiên là không thấy tên anh. Anh vẫn còn yêu đời chán vì còn có nàng...”.

 
Cái khung cáo phó viền đen đã xuất hiện trong truyện ngắn Vĩnh biệt phố của Ngọc Tuấn cách đây đã 40 năm (1970), ai ngờ vào 5 năm trước đây nó đã tái hiện trên nhiều trang báo với nội dung tương tự (chỉ điều chỉnh lại danh tánh: Hoàng Ngọc Tuấn và độ tuổi: gần 60).

Nhưng liệu bạn đọc có nên tin vào điều ấy không? Đến giờ này, tôi vẫn mong muốn, điều ấy chỉ “hãy tưởng tượng, và chỉ là tưởng tượng”. Bởi tận đáy tim tôi, Hoàng Ngọc Tuấn vẫn mãi là nhà văn số một của tuổi trẻ và tình yêu.

Trần Trung Sáng   
    

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

THUỞ ẤY CÓ NHÀ - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Đã năm năm nay anh không về Huế phải không ?

Điều đó thật là tệ và không thể nào giải thích dễ dàng được. Huế là miền đất sinh trưởng, có biết bao sợi dây quấn chặt những đứa con của nó, dầu là đứa bạc tình nhất. Ít ra mỗi năm một lần, anh cũng phải tìm lại ngôi nhà đã sống suốt một quãng đời dài, chịu đựng hay thưởng thức tận cùng hơi thở của gia đình. Dầu nồng nàn làm anh say, hay đắng cay làm anh khó chịu.

Thế mà năm năm nay anh đã không nhìn mặt nó. Anh đã gần quên nó đi rồi phải không ? Năm mùa đông, năm mùa thu, năm mùa xuân, năm mùa hạ. Khoảng thời gian thật lâu đủ cho anh quên đi con đường vắng, một bên là hàng cây trĩu nặng me chua, một bên là con sông nhỏ. Con sông cứ thỉnh thoảng lại có một cây cầu ngắn nối hai bên bờ. Chỉ một con đò chở đầy gạch ngói hay rong xanh cũng làm dợn sóng. Buổi chiều có thật nhiều trẻ con lặn ngụp vui đùa.

Ngôi nhà của bà ngoại anh ở gần bờ sông, quay mặt ra đường Trần Thúc Nhẫn. Suốt cả con đường toàn là nhà người bà con, quen biết thân mật. Anh say mê ngôi nhà đó lắm. Khu vườn rộng với nhiều cây nhãn lồng, hai hàng dừa xiêm thấp bên bờ ao, một vườn bắp nhỏ, biết bao thứ hoa leo kín mái hiên và rực rỡ trước ngõ, biết bao thứ trái cây anh đã ăn no nê suốt bốn mùa.

Anh không có tình yêu ở thành phố này ? Không, anh không có người yêu thì đúng hơn. Anh có nhiều tình yêu ở đây lắm nhưng hầu hết là những mối tình chưa bắt đầu phải không ? Anh biết tên tuổi nàng. Anh siêng năng đứng đón ở cổng trường đi ra, áo dài thấp thoáng như một cánh chim trắng. Có thể nói anh đã mỉm cười chào nàng, nhưng anh chưa bao giờ nói với nàng một lời, nàng thì hình như không hề biết mặt anh. Và chấm hết. Ở xứ Huế có chừng một triệu mối tình như thế.

Thế còn người con gái vẫn ngồi với anh bên bờ ao trong vườn ? Anh và nàng nói chuyện với nhau rất nhiều và hai người có vẻ quyến luyến nhau lắm. Nàng thường hay săn sóc đến anh và nàng có một cái gáy mềm như sẵn sàng vỡ tan trong một bàn tay nắm nhẹ. Anh chưa bao giờ nắm mây trời trong tay bao giờ, nhưng anh quả quyết rằng tóc nàng là một thứ tóc mây thực sự. Đôi mắt nàng đen to và có cảm giác. Anh phải nhớ rõ chi tiết đó để phân biệt với vô số đàn bà bây giờ, có những đôi mắt vô cảm giác, đần độn và lạnh ngắt.

Nàng gần như toàn hảo. Ngoại trừ một điều thật đáng tiếc : Nàng là người chị bà con của anh. Nàng có một cái tên tuyệt hay nhưng thật khó nhớ, và chắc chắn là anh đã quên nó rồi vì anh là tên đãng trí số một. Bây giờ chỉ việc đặt cho nàng một cái tên. Sao Mây chẳng hạn.
 
Mỗi sáng Sao Mây đi chợ mua thức ăn, rồi về phụ giúp bà ngoại anh nấu nướng. Vào mùa những cây ổi trong vườn chưa có trái chín, bao giờ nàng cũng bớt tiền chợ để mua về cho anh một hai quả ổi xá lị thật lớn. Và anh bao giờ cũng ăn hết, không để dành cho nàng một miếng nào. Cái thói ăn của anh hồi đó rất nổi tiếng. Anh vẫn thường lén xuống bếp, đứng cạnh và nhìn khuôn mặt đỏ hồng lấm tấm mồ hôi vì lửa bếp của Sao Mây, anh dặn dò nhớ bỏ thêm vài trái ớt xanh nghe. Nhưng anh cẩn thận cũng bằng thừa, nàng lúc nào cũng cho thật nhiều ớt tươi vào soong cá nục kho. Khi chín, những trái ớt xanh đỏ này sẽ mềm nuột, mặn mùi cá thơm phức, cay dìu dịu, ngon không thể nào tả nổi.

Buổi trưa trong khu vườn sau nhà, dưới bóng mát của cây nhãn tuổi già hơn mười năm, anh và Sao Mây nói với nhau thật nhiều chuyện. Lời lẽ của nàng rất dễ thương. Nàng và anh trao đổi biết bao câu đối thoại ý nhị và duyên dáng, tưởng có thể nhờ một ông nhà văn nào đó cho vào tiểu thuyết được. Nhưng đáng tiếc là anh quên hết tất cả rồi, anh chỉ nhớ một vài câu rất vặt vãnh và tẻ nhạt. Như :
 
- Ăn cơm chưa ?
 
- Ăn rồi.

- Ngon không ?

- Ngon lắm. Bữa nay ăn đến hơn mười chén mới hơi no.

- Trưa mai thích ăn canh gì ? Canh măng chua nấu cá ngạnh hay cá hồng nấu với thơm ?

- Thích canh cá ngạnh hơn. Sao Mây nhớ mua mấy con cá có bọc trứng ở cổ nghe, trứng cá ăn ngon kinh khủng.

Và dĩ nhiên những câu nói như thế không có gì hay ho cả. Chúng tầm thường và dở ẹt. Nhưng không hiểu sao anh lại nhớ chúng rất dai, cũng bởi cái trí nhớ của anh nó làm việc chẳng có quy tắc gì hết.

Trong nhà anh cũng có một người bạn thân khác. Đó là một thằng nhỏ có mười một ngón tay và nhỏ hơn anh vài tuổi. Mặt mũi tay chân của nó đầy ghẻ ruồi nên anh chẳng ngần ngại ghép tên thật của nó với bệnh tật thành một tên gọi thông thường. Hình như là Hùng-ghẻ-ruồi thì phải. Đáng lẽ phải gọi nó là Hùng-mười-một-ngón thì hợp lý hơn, nhưng anh sợ nó tủi thân. Dầu sao thì nó cũng bị cái tật trời cho từ lúc lọt lòng mẹ rồi, chứ ai lại muốn bàn tay mình có thêm một ngón kỳ cục như thế. Còn ghẻ ruồi là vì nó ở bẩn, làm biếng tắm rửa nên mới bị, không có lý do gì để tủi thân được nữa.

Ban đêm anh và thằng Hùng nằm ngủ trong một nhà chứa xe hơi bỏ trống ở góc vườn. Anh nằm một mình hút thuốc lá bên cạnh ngọn nến, còn thằng Hùng đi một vòng suốt con đường trong xóm. Nó là một tên trộm chúa, nhà nào có chó dữ, có thứ trái cây gì mới chín là nó thuộc cả. Chỉ một lát là nó về êm ái như bóng ma, khệ nệ trên vai một bao bố đầy nhóc những ổi, mãng cầu, bưởi, cam quít, vú sữa. Anh và nó thi nhau ăn thả cửa mặc dầu buổi cơm tối vừa làm đầy bụng.

Đêm nào cũng như thế nên hồi đó anh béo mập và khỏe mạnh lắm, ăn toàn là trái cây có nhiều sinh tố. Đó là chưa kể đôi lúc nghe lời khuyên nhủ của anh thằng Hùng còn xách ná cao su bắn trộm bồ câu nhà hàng xóm, chim bồ câu mà nấu cháo đậu xanh thì phải biết, ngon lành và bổ khỏe biết bao nhiêu.

Đôi khi có vụ ăn trộm bị lộ, bà ngoại đánh thằng Hùng một trận mê tơi, còn anh thì bị nhốt trong phòng, bắt ngủ sớm.

Bên cạnh giường anh nằm là một cái cửa sổ đóng kín nhưng then gài ở trong, như thế là đêm khuya anh nhẹ nhàng bò ra khỏi cửa sổ, khép lại cẩn thận và không quên dùng mền cuốn chiếc gối dài để giả làm hình người.

Anh một mình kéo kín cổ áo cho bớt lạnh, đi ra phía chợ còn sáng đèn, anh đứng trên cầu Bến Ngự, hút một điếu thuốc nồng ấm và nhìn đốm sáng của ngọn đèn đường lóng lánh dưới dòng sông. Anh nhìn những con thuyền nhỏ trôi sát bên bờ lau, người săn cá mình trần, mặc dù gió đêm rất lạnh, tay trái cầm ngọn đèn dầu soi sáng mặt nước, tay phải lăm lăm một ngọn dài sắc nhọn, sẵn sàng phóng xuyên qua mình những chú cá ngái ngủ và ngơ ngác trước ánh đèn. Anh nhoài đầu ra khỏi thành cầu nhổ bãi nước bọt xuống sông để nhìn mặt nước chao động nhẹ thật vui mắt. Anh làm như thế cho đến khi nào miệng khô ran vì đã mất bết bao nhiêu nước bọt, anh lủi thủi trở về. Những đêm lang thang ngoài đường không có thằng Hùng thật buồn bã.

Đến mùa vườn trong nhà không có trái chín, và nhà hàng xóm cũng thế thì anh phải cẩn thận một chút. Thằng Hùng nó buồn vì không có việc gì làm mỗi đêm, nó chẳng ngần ngại xoay qua ăn trộm đồ lặt vặt của anh... Tiền bạc, bút máy, sách vở và tất cả những thứ gì đáng giá một đồng bạc trở lên là bị nó chiếu cố ngay nếu anh không cẩn thận gìn giữ, và anh là cái thằng chẳng bao giờ cẩn thận được cả.

Bây giờ thằng Hùng đã đi giang hồ biệt tích ở một phương trời nào rồi. Cũng như anh, nó đã bỏ ngôi nhà và xứ Huế thật đột ngột vào một ngày nào đó. Từ lâu, anh không có liên lạc gì về nó cả, chỉ nghe nói hình như thằng Hùng bây giờ đang ở một tỉnh nhỏ miền biển. Mỗi đêm nó súng sính trong bộ lễ phục màu đỏ, cà vạt và mũ sặc sỡ, đứng gác cửa cho một quán rượu có nhiều khách ngoại quốc. Nó bây giờ chắc đã có nhiều tiền để có thể mua trái cây một cách đàng hoàng ở chợ. Nhưng không biết thỉnh thoảng nó còn nhớ đến kỷ niệm, những ngày xưa chun qua hàng rào dây thép gai người ta không ? Anh mong ước nó nhớ lại kỷ niệm, và như thế anh cũng phải cầu trời phù hộ cho những cái túi quần đầy giấy bạc của khách trong quán.

Mùa đông xứ này trời lạnh ghê gớm, những cơn mưa khi ào ạt, khi tí tách kéo dài suốt tháng. Thật đau khổ cho anh biết bao, mỗi sáng sớm anh phải giấu kín sách vở trong ngực áo, run lẩy bẩy trong chiếc áo đi mưa, những giọt nước và hơi gió lạnh ngắt như thấm vào mạch máu của anh, thế mà phải nghiến chặt hàm răng đánh vào nhau để đi một mình trên con đường dài đến trường. Khi đi ngang thửa ruộng bao la, anh muốn chết ngay vì buồn và lạnh. Anh dại gì siêng học như vậy, chẳng qua là vì bà ngoại bắt anh phải chăm chỉ học hành. Nhưng anh tìm cách được ở trong ngôi nhà ấm áp, bên cạnh lò than rực nóng lửa hồng quyến rũ. Anh khám phá được sân nhà anh rất trơn khi trời mưa, người nào không đi cẩn thận là trượt chân té nhào ngay. Anh rất thích làm người không cẩn thận trong trường hợp này, anh cố tình té nhào xuống đất, áo quần ướt đầy bùn dơ bẩn. Như vậy là anh chỉ việc trở vào nhà trình diện cho bà ngoại thấy tai nạn, rồi anh thay bộ đồ ngủ, leo lên giường trùm chăn kín mít, chỉ chừa có đôi mắt nhìn ra ngoài trời mưa trắng xóa và xanh mướt trên đám lá cây. Anh biết chỉ còn một bộ quần áo bận đi học, giặt và phơi trong khi trời không có một ánh nắng như thế này phải mất một tuần mới khô. Một tuần ở nhà xách cần câu ra ao câu cá rô, cá bống hay co rút mình trong chăn đọc tiểu thuyết thật sung sướng biết bao nhiêu.

Anh say mê biết bao tủ sách trong nhà, chứa đầy những sách báo thật xưa của ông ngoại anh để lại. Những bộ truyện Tàu. Nào là Tam Quốc Chí, Nhạc Phi diễn nghĩa, Bao Công kỳ án... mỗi truyện anh đọc trên năm sáu lần nên thuộc lòng từng chi tiết, từng khuôn mặt của nhân vật... Ông Bao Công mặt đen như nhựa đường mà rất thanh liêm... Ông Quan Công mặt đỏ, râu ba chòm, tung hoành giữa trận tiền thật oai hùng với cây Thanh Long Đao nặng đến 72 cân xanh ngắt màu thép quý.

Khi bà ngoại đã ngủ anh phóng ra khỏi nhà bằng lối cửa sổ, leo lên một nhánh cây nhãn cao kín đáo để ngồi vắt vẻo trong tầng lá rậm rạp và mơ mộng. Anh mơ mình sẽ trở thành một ông Hoàng đế ngồi trên bệ rồng thật cao như nhánh cây anh đang ngồi, và đám lá vàng úa rụng dưới đất như thần dân đang cúi đầu kính phục. Về sau để thích hợp với thời cuộc hơn, anh mơ mình làm Tổng Thống. Ở Huế mỗi thằng nhóc tì hay người lớn đều có trong mình một ông lãnh tụ con cả.

Ngoài Sao Mây ra, hình như anh còn có quen với một người con gái nữa. Nàng là một hình ảnh quyến rũ dai dẳng trong trí não của anh. Môi mọng ướt như giọt nước mưa đọng trên một bông hoa hồng, thân hình đầy đặn da thịt và tóc xõa rối tung như những cô gái liêu trai.
 
 Một hôm... một buổi trưa mùa thu, vườn nhà nàng đầy những chiếc lá chết và vườn nhà anh cũng thế. Anh dẫm hai bàn chân lên lớp lá gãy vụn dòn tan và nhìn thấy nàng bên kia, cách một hàng tre thưa, tay đang cầm chổi quét. Anh gợi chuyện :

- Thúy quét bỏ những chiếc lá đó uổng lắm, để cho chúng nằm trên sân đẹp hơn.

Nàng nhìn anh mỉm cười, anh bắt đầu không còn nghe được tiếng chim hót trên cây cao vì tất cả những âm thanh nào, dù ngọt ngào đến đâu cũng tắt đi trước giọng nói của nàng : 

- Em cũng thấy thế, nhưng mẹ bảo quét sân cho sạch sẽ.

Suýt chút nữa thì anh buộc miệng nói một nhận xét rất thành thực của anh là : mẹ Thúy ngu quá trời. Nhưng anh ngậm miệng kịp ngay, anh tiếp tục :

- Chiều nay Thúy không đi học à ?

- Đi chứ. Ba giờ mới vô lớp, bây giờ sớm mà.

Anh hăng hái :

- Lát nữa để anh đưa Thúy đi học nghe .

Nàng cười với anh. Anh cam đoan là đôi mắt nâu lóng lánh của nàng tỏ vẻ gật đầu, nhưng nàng lại lắc đầu. Đối với anh, đưa nàng đi có nghĩa là lẽo đẽo đi bên cạnh hay theo sau một quãng, anh không có được một chiếc xe đạp, dầu là một chiếc xe cà tàng nhất.

Anh hơi ấp úng một chút :

- Hôm trước Thúy có đọc cái thư của anh gửi cho Thúy chưa ?

Nàng ngước mắt nhìn anh, mặt đỏ bừng thẹn thùng rồi gật đầu nhẹ, anh thèm đôi má ửng hồng như buổi sớm hừng đông của nàng biết bao. Anh hồi hộp :

- Thúy nghĩ thế nào về những điều anh viết cho Thúy ?

Giọng nàng lí nhí, và chim họa mi lí nhí được những âm thanh rộn ràng như thế là cùng :
 
- Thì anh muốn em nghĩ thế nào... Em nghĩ như thế.

Anh bây giờ mới thấy cảm phục tài viết thư tình của mình, thế mà trước đây anh vẫn đần độn nghi ngờ khả năng văn chương của anh. Bỗng trở nên một người được yêu và có quyền hành ghê gớm với người yêu. Anh ghen tuông :

- Hồi sáng có " thằng " nào đi xe Vespa đến gặp Thúy đó ? Anh rình ở bên này, anh thấy hết mà.

Đôi mắt nàng buồn bã thật tội nghiệp trước lý sự nghi ngờ của anh, nàng ấp úng biện hộ :

- Anh ấy là bà con của em đó, em có quen với ai ngoài anh đâu.

Anh khoan khoái vô cùng như được ngâm mình trong giòng sông Hương mát rượi vào một buổi trưa hè. Anh nếm thứ trái cây hạnh phúc dần dần thấm ngọt trên lưỡi và ngập tràn trong cơ thể. Nhưng anh vẫn làm bộ giận hờn :

- Anh bà con gì mà đến gặp em mỗi ngày vậy ? "Hắn" không biết em đang bận học thi sao ?

Nàng nói :

- Anh ấy kèm em học Toán đó.

Thế thì quá rồi. Tại sao nàng không nhờ anh kèm học ? Bộ khinh anh dốt Toán lắm sao ? Thứ đồ mấy con tính cộng trừ nhân chia từ xưa đến nay anh có làm trật bao giờ đâu ? Anh quát lên :

- Không kèm học gì cả ! "Thằng" ấy nó kiếm cớ để tán tỉnh em đó. Anh cấm em không được gặp nó nữa.

Nàng nhìn anh bằng đôi mắt rướm lệ đỏ mọng xót xa, rồi nàng òa khóc và chạy vào nhà, dáng chạy của nàng cũng nhẹ nhàng như một cánh bướm. Anh hả dạ khi thấy những giọt nước mắt đã rơi, con gái thật dễ yêu, nhất là khi khóc vì mình. Nhưng anh hối tiếc vì nàng đã mất hút sau cánh cửa ,trả lại cho anh sự vắng vẻ hoàn toàn của khu vườn rộng.

Nàng thật tuyệt vời. Anh yêu nàng với mối tình duy nhất, mãnh liệt và không điều kiện. Nhưng lại vẫn có một điều thật đáng tiếc : anh chưa bao giờ dám nói với nàng một câu. Những lời đối thoại âu yếm trên đây chỉ có trong trí tưởng tượng của anh, và trong nỗi ước ao thực hiện mà anh ôm ấp mỗi đêm. Thường ngày, khi nhìn trộm nàng và bị nàng bắt gặp, anh vẫn luống cuống cụp mắt xuống để tránh cái nhìn nghiêm nghị của nàng. Anh hơi sợ nàng, vì dầu sao thì nàng cũng lớn hơn anh chừng sáu bảy tuổi và là bạn của dì anh. Lần duy nhất nàng tỏ ra có cảm tình với anh là một lần nàng qua nhà anh chơi, nàng đứng nói chuyện với những bà dì của anh và mỉm cười xoa nhẹ mái tóc lòa xòa của anh.


*
 
Anh nhớ làm chi câu thơ : "Đưa người ta chỉ đưa người ấy", chàng lãng tử của Thâm Tâm thật được sưởi ấm lòng trước khi qua sông. Còn anh, sáng sớm anh đi không một ai tiễn đưa. Trời chưa sáng tỏ, ngôi nhà và khu vườn mê ngủ im lìm, hình như có một bông hoa công chúa màu tím nào đó vừa thức giấc trên mái hiên. Anh nhìn thân hình co quắp ngủ mê mệt của thằng Hùng. Anh rất tôn trọng giấc ngủ của người khác, nhưng đặc biệt sáng hôm nay, anh giã từ mái nhà này vĩnh viễn, giây phút quan trọng ấy cũng đáng để phá giấc ngủ của thằng Hùng bằng một cú đá vào bụng. Và anh đá nó hơi mạnh, chỉ có cách ấy mới làm cho nó tỉnh giấc.

- Làm gì chướng vậy ? Để cho người ta ngủ...

- Dậy đi mày, bắt tay chào tao một cái. Hôm nay tao bỏ nhà ra đi, chắc không khi nào còn gặp lại mày nữa.

- Thôi đừng nói dóc.

- Mày nhìn cái va ly tao đang cầm đây. nhìn mấy ngàn đồng trên túi áo này, tiền má tao mới gửi cho tao. Tao đi thật mà, mày tin chưa ?

Cặp mắt ngái ngủ của thằng Hùng mở ra ngơ ngác, nó lồm cồm ngồi dậy.

- Tin rồi. Anh điên hả ? Đi đâu ?

- Không biết. Tao đi... giang hồ, đi lung tung khắp cả. Đi vô Saigon coi xe chạy đầy đường, coi đèn xanh đèn đỏ, mày thấy cột đèn ở ngã tư đường thay đổi ba màu xanh đỏ vàng chưa ? Chắc tao sẽ xuống đến Cà Mau, lại còn sông Tiền Giang, Hậu Giang nữa, cá ở đó to và nhiều phải biết, trôi từ Biển Hồ về cả đàn tha hồ câu. Chán mấy con cá rô nhỏ xíu trong ao nhà mình rồi.

- Anh điên quá rồi, ở nhà sướng quá trời. Mấy cái thằng bỏ đi hoang vì ở nhà chúng khổ quá, anh đang sướng như vậy mà lại... Thôi, tui đi với anh nữa nghe ?

- Không được. Đi như thế này dễ chết đói giữa đường lắm, thân tao tao còn nuôi không nổi, lại còn thêm mày.

Mặt thằng Hùng bơ phờ như người đưa đám ma.

- Thôi mày nằm xuống ngủ lại. Bà ngoại về quê chắc sáng mai mới về nhà, mày nói với bà là tao sẽ nhớ bà ghê lắm, tao thương bà cũng như thương má tao, nhưng tao...

Anh vùng chạy ra khỏi nhà, anh phải cố gắng chạy thật nhanh vì anh đã nghe nước mắt mình ràn rụa trên má, và cố làm như không nghe tiếng kêu lạc giọng của thằng Hùng sau lưng.

Tiếng còi xe hỏa giục giã xa xa bên kia sông. Qua một cây cầu ngắn là đến ga tàu, con tàu sắt khói phun cuồn cuộn từng luồng dài trên cao, tiếng máy kêu như nhịp trái tim đập mạnh bồi hồi

Sao anh không đợi mẹ anh về thăm. Mỗi năm, anh gặp mẹ hai lần, vào kỳ nghỉ hè và dịp Tết. Bà từ một tỉnh nào đó thật xa trên cao nguyên, hiện ra trước mắt anh với khuôn mặt không bao giờ thay đổi, hay là anh không thấy sự đổi thay, vì đêm nào anh cũng nhìn thấy bà trong giấc mơ, cùng hình ảnh bầy em nhỏ.

Tại sao anh đi đột ngột và điên rồ như vậy ? Anh tìm kiếm những gì trên con đường mà anh chỉ tưởng tượng mơ hồ trong trí não ? Lạc thú hay nỗi khốn cùng của một đứa con đi hoang ? Sung sướng gần gũi bên cạnh những người thân hay cô đơn của kẻ đứng bên ngoài tất cả ? Anh không biết.

Hồi đó anh chưa đọc Gide, anh chưa nghe đứa con hoang của Gide nói thật ngang tàng : "Tôi cảm thấy mái nhà không phải là tất cả vũ trụ... Tôi không đi tìm hạnh phúc..." Không ! Anh không có tham vọng lê chân khắp cả vũ trụ. Anh cũng không phải là thần thánh hay siêu nhân để chối từ hay khinh bỉ hạnh phúc. Anh suốt đời thèm thuồng hạnh phúc, ao ước được ôm hạnh phúc trong lòng, như Moise ao ước được về Đất Hứa.

Vậy tại sao anh ra đi ? Anh tìm kiếm gì trên những con đường lang thang đầy bất ngờ lạ lùng ? Anh cũng không biết nữa. Chỉ biết từ lâu trong tâm hồn vẫn âm ỉ cháy một cái gì không thể gọi tên, như đốm than hồng trong lò lửa sưởi ấm mùa đông, thật nhỏ nhoi nhưng hình như không thể tắt.


*
 
Anh đã ăn năm cái Tết xa nhà, điều ấy thật buồn. Ở những thành phố xa lạ, những thành phố không phải Huế của anh, cái Tết thật vô duyên và trống rỗng.

Ở Huế những nhày gần mùng một Tết, anh chờ đợi và hồi hộp đếm từng ngày như một chuyên viên chờ bấm nút cho hỏa tiễn phóng lên cung trăng. Còn tám ngày... Còn bảy ngày... Còn sáu ngày...

Trên tấm "phản" rộng, bà ngoại anh và những bà dì bà mợ bận rộn gói những đòn bánh chưng bánh tét. Những bàn tay thoăn thoắt và đôi mắt chăm chú xen lẫn trong xấp lá chuối xanh ngắt xếp từng đống cao và những đậu xanh, thịt mỡ thật gợi cảm. Anh bao giờ cũng ngồi bên cạnh bà ngoại anh, hứa sẽ đọc cho bà nghe trọn bộ truyện Thuyết Đường với điều kiện là bà phải gói riêng cho một đòn bánh tét thật nhỏ nhắn nhét đầy nhân thịt, có đánh dấu cẩn thận để anh dễ dàng tìm ra khi cả nồi bánh đã chín, bốc khói, nằm lăn lóc bên nhau

Đêm đến, cả nhà quây quần trên chiếc chiếu ở dưới bếp để đánh bài "tới", một thứ bài ăn thua thật ít và rất mất thì giờ, cốt cho tỉnh ngủ mà canh nồi bánh, lửa um đầy khói.

... Còn hai ngày... Còn một ngày... Đêm giao thừa, trời lạnh giá nên anh phải tắm bằng nước nóng. Anh không tài nào ngủ được, và có lẽ tất cả mọi người trong nhà cũng thế. Anh chiêm ngưỡng thành kính bàn thờ tổ tiên với những ngọn nến đỏ hồng và biết bao xôi chè, đùi gà luộc, cu, trứng... Đến 12 giờ đêm, giờ cuối cùng của năm cũ và đầu tiên của năm mới, anh run rẩy châm lửa phong pháo treo trên mái hiên trước nhà.

Tiếng nổ dòn vang dội làm anh nao nao và sung sướng vô cùng. Những viên pháo đó được đốt lên khắp nơi, trong ngôi biệt thự lớn, dưới những mái ngói nhỏ, trong những mái nhà tranh nghèo nàn và trên những con đò đêm nay đang bỏ neo trên bến nước.

Rồi sáng mùng một Tết. Anh vội vã mở tung cánh cửa sổ từ phòng anh để xem cây hoa mai trước nhà năm nay có nở đúng kỳ hẹn không. Cây mai vàng thân thuộc, có khi nở sớm một ngày hay muộn một ngày, có khi nở đúng vào ngày đầu xuân, kỳ diệu không thể nào giải thích được.

Đã lâu, anh không có một ngôi nhà. Anh sống vất vưởng bập bềnh lang thang. Nhưng đời sống anh không phải lang thang một cách thú vị như chàng lãng tử, mà lang thang như một con chó đói. Anh sống nhiều tháng ngày dằng dặc ở những miền đất tẻ nhạt, những thành phố xa lạ có một quá khứ ngắn ngủi bằng gang tay. Anh cũng có một chỗ ở, nhưng bốn vách tường một mái ngói chưa phải là mái nhà. Ở đây không có bộ bàn ghế mà ngày xưa ông ngoại anh đã ngồi, không có chiếc tủ đầy sách mà ông bà anh đã miệt mài hồi trẻ tuổi, cho đến bây giờ là anh. Ở đây không có khu vườn mà anh thuộc lòng từng gốc cây, từng trái chín, từng bóng mát. Ở đây anh chỉ có một nơi tạm trú, nơi mà người ta kéo dài đời sống của mình. Và ngôi nhà rõ ràng khác hẳn nơi tạm trú.

Tất cả những đứa con hoang một ngày nào đó đều trở về mái nhà xưa. Có đứa trở về và tìm được điều nó muốn tìm, có đứa trở về nhưng không tìm lại được. Còn anh , anh không ở trong trường hợp nào cả, anh chưa bao giờ trở về.

Bà ngoại, những người thân, Sao Mây, Thúy, thằng mười một ngón tay, ngôi nhà, vườn cây, chim chóc. Tất cả những thứ đó đã bao bọc anh êm đềm trong một thời niên thiếu, rồi mất hút. Dầu anh có trở lại cũng vô ích. Tất cả những hạnh phúc đó đều bị nhét đầy trong một chiếc hộp đóng kín mà người ta thường gọi là quá khứ rồi ném mất nó xuống vực sâu.

Anh có thể nhảy xuống vực sâu để tìm lại chiếc hộp quá khứ vàng ngọc đó. Nhưng anh không dám, anh rất nhát gan, anh không thể nào chịu nổi cái cảm giác khi da thịt va chạm mạnh vào những phiến đá cứng, đau đớn vỡ toang. Cho nên suốt đời anh là đứa con hoang không bao giờ trở về.

Hôm qua trời mưa suốt đêm, như cơn mưa rơi trên mái nhà thuở ấy. Có làm anh nhớ đến ai không ?


Hoàng Ngọc Tuấn       

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

NHÀ CÓ HOA MIMOSA VÀNG - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Khách chưa bao giờ biết Đà Lạt, buổi chiều xanh nhờ những rừng cây, nắng một chút hồng trên tàn lá đỏ úa. Thị trấn cao nguyên này nhỏ bé ngộ nghĩnh như một món đồ chơi, êm đẹp và lặng lẽ khi khách đến.

Chiếc xe đò tắt máy ở bến, sau một ngày đường hun hút bơ phờ. Khách ra khỏi xe, tóc tai bám đầy bụi đỏ, chiếc áo trắng đã trở thành một miếng giẻ dơ bẩn. Đứng lặng yên một chút ở thành phố lạ, khách nhìn bâng quơ những cảnh tượng quanh mình. Nhà cửa nhấp nhô như những chiếc hộp giấy, con đường dốc lên cao mất hút sau những khúc rẽ xa lạ, bên hàng cây mướt. 
 
Hình như đây là một phố hồng, lấm tấm điểm những bông hoa khách còn chưa biết tên, tím và đỏ như một giấc mộng sâu thẳm.

Chuyến xe khởi hành từ Sài Gòn, một nơi đầy nắng lửa và bụi chen chúc đổ mồ hôi, tiếng động ầm ĩ suốt ngày. Ở đây là một nơi chốn khác, thong thả những bước chân tản bộ, đường mềm như một dải lụa mời gọi dấu giày dạo chơi. Không khí lạnh rung động trong túi quần, môi phì phà điếu thuốc ấm. Bấy giờ là chiều cuối mùa đông, nắng tắt vội vàng và mây xuống thấp. Có lẽ mọi người đều nao nức về nhà hưởng thú ấm cúng bên lò sưởi. Phố dần dần vắng người, vì phố đã hoàng hôn. Khách thấy lạnh hơn mình tưởng, da thịt se thắt trong làn vải áo mỏng, môi đã khô nhờ khói thuốc nóng nhưng vẫn còn run run vì gió. Khách chợt buồn trước bóng tối quạnh hiu như một màn lưới vây phủ quanh người. Tâm hồn khách mơ tưởng đến một mái nhà ấm, một chiếc giường êm và ngọn nến hồng vui mắt. Khách đã vứt bỏ những thứ ấy từ nhiều năm nay, tưởng chừng mình như một cây xương rồng kiên gan mọc trên sa mạc. Nhưng đôi khi, như chiều hôm nay, bên đường ghé lại một miền đất xa lạ, khách thấy cuối cùng mình cũng chỉ là một cây lau sậy mềm yếu. Một chiếc xe taxi màu đen trờ đến dừng lại mời khách. Mặc dầu khách muốn leo lên một chiếc xe ngựa hơn nhưng rồi khách cũng bước vào. Người tài xế co rút mình trong nhiều lớp áo dạ, quay đầu chờ đợi. Khách tìm một địa chỉ viết tháu vội vàng trên hộp quẹt giấy. 
 
- Cho tôi đến đường Thi Sách. 
 
Xe chạy êm êm theo những đường lạ, bỏ dần con đường tráng nhựa của thành phố, lên những con dốc cao rồi đổ xuống theo triền đất thấp, con đường mòn đất đỏ. Đồi thông chập chờn bên ngoài cửa xe như cùng chạy bộ ngược chiều với khách. Có cây thông xa mất hút ở góc đồi nào, trời đã tối nên không còn nhìn thấy những trái thông khô, chắc là rơi rớt nhiều lắm ở đâu đó.
 
 *
 
 Một cô bé cho khách biết chủ nhân đi vắng. Khi khách bước vào nhà, không khí ấm và cô đọng bỗng chốc tràn đầy trong người, đánh tan bớt gió chiều giá lạnh bên ngoài. Phòng khách trang nhã và dễ thương dưới ngọn đèn hồng. Những nhánh anh đào xanh lá có những bông hoa màu hồng nhạt mỏng, cắm trong chiếc bình sứ. Bức tranh sơn dầu trên vách tường thêm một vẻ đẹp hòa hợp cho căn phòng. Những con búp bê trên kệ tủ, lò sưởi còn đám tro than trên những cây củi cháy. Người vợ của chủ nhân, bà T. ra nói chuyện với khách. Người thiếu phụ có vẻ vừa mới đi đâu về, áo manteau và chân đi giày da kiểu thể thao khá đẹp. Bà T. cầm lá thư giới thiệu từ tay khách, đọc xong và nói vài câu thăm hỏi thường lệ, nhắc đến tên một vài người quen biết. Giọng nói theo cung cách lịch thiệp vừa phải, vì khách là một người hoàn toàn xa lạ. Khách theo chân bà T. lên căn phòng nhỏ trên lầu. Đây là căn phòng mà khách sẽ nghỉ tạm trong một vài ngày, hay có lẽ chỉ trong một ngày. Khách chào và nói cảm ơn với bà T. khi bà trở xuống nhà dưới. Khách thay áo quần, mở cánh cửa sổ để nhìn ra ngoài trời. Vì ngôi nhà nằm trên một triền đồi cao, nên từ đây, khách có thể nhìn thấy hơn một nửa thị trấn. Nhà cửa nhấp nhô, bé nhỏ, một vài tòa nhà màu trắng cổ kính đàng xa xa, có lẽ là trường học hay tu viện. Chuông nhà thờ đâu đó rời rạc đổ, âm thanh nghe reo vui như hát nhưng thỉnh thoảng cũng có vẻ cô tịch lạ thường. Khách đóng kín cửa, trở vào phòng, tủ sách đẹp với một vài tấm thiệp Giáng sinh nằm trên ngăn. Một bức tranh nhỏ chưa treo lên vách, dựng hờ hững trên bàn. Khách hút một điếu thuốc, thấy ngon miệng hơn thường lệ, chắc nhờ một cảm giác thân thuộc của ngôi nhà vừa đến với mình. 
 
 Đến tối, chủ nhân về với tiếng xe Jeep nổ máy ngoài sân. Bà T. giới thiệu khách với chồng. Ông T. trạc tứ tuần, chững chạc và rắn rỏi, bắt tay khách một cách lịch thiệp. Rồi lần lượt khách được biết đến những người trong nhà. Mấy chị em xinh xắn, bắt đầu với cô bé Quỳnh T. khoảng mười bảy tuổi, mặc chiếc jupe xanh, áo len đen và khăn quàng cổ màu tím, và lần lượt đến ba cô bé nữa và một cậu bé út. Mỗi cô cậu đều có thêm một cái tên thân mật trong nhà, vị chi tất cả gồm mười tên làm khách lúng túng không nhớ nổi. Và nếu có quyền đặt tên, khách sẽ gọi mỗi người bằng một cái tên khác nữa. Ví dụ như cô bé Quỳnh T. là hoa anh đào. Quỳnh Th., hoa huệ trắng. Quỳnh Thơ, con sóc rừng. Cô bé Ái, hươu cao cổ và cậu bé út thì quả thật là một chú nai tơ. Như thế tổng cộng năm chị em có tất cả mười lăm cái tên. Cái trí nhớ yếu kém của khách đành chịu không nhớ hết được. Trong bữa ăn, mỗi người uống một chút rượu vang đỏ. Khách để ý thấy mấy cô bé cùng nì nài cha mẹ được nhấp một tí rượu, những má hồng hào như màu ánh nến. Ông T. phải vào trại trực ban đêm, vì ông là một sĩ quan giữ chức vụ quan trọng trong tỉnh. Những cô bé kiễng chân hôn ba tạm biệt. Khách cũng tạm biệt mọi người để trở lên phòng. Ngoài trời tối đen, rất lạnh và đường sá đều là âm u xa lạ nên khách cũng ngại xuống phố dạo một vòng. Dưới ngọn đèn ngủ, khách tìm thấy một tập truyện của A. Daudet, và khi đọc đến đoạn chú dê con bị thú dữ ăn thịt vào lúc trời tảng sáng, khách cảm thấy buồn ngủ. Mặt trời dần dần thắp đỏ trong câu chuyện, nhưng ở Đà Lạt bây giờ, trời chưa đến nửa đêm. Ngoài sân, người lão bộc đi đóng cổng, khua lên những tiếng động nhỏ. 
 
Khách dậy sớm, mặc dầu rất muốn kéo dài giấc ngủ ngon trong lớp chăn ấm. Hừng đông ở cao nguyên đem hơi lạnh vào tận trong da thịt, cho dù có ở trong phòng kín. Khách cẩn thận đi những bước nhẹ trên bực thang để xuống nhà dưới, mọi người có lẽ còn nằm trong cơn ngủ muộn êm dịu tảng sáng.
 
Nhưng đã có một cô bé ở trong phòng khách, đang đổ nước vào chiếc bình sứ con và cắm những bông hồng đỏ tươi tắn, cô bé đừng nghiêng đầu ngắm khóm hoa của mình.

- Đẹp lắm!

Cô bé giật mình quay đầu lại. Có lẽ là cô thứ nhì, Quỳnh Th.. Chiếc răng khểnh trẻ thơ trên khuôn mặt tròn trĩnh, mái tóc cắt ngắn đen nhánh.

- Cháu mới hái ngoài vườn, chú thích hoa này không?

- Thích tất cả. Anh đào, hồng, glaieul, huệ, lan, pensée và tất cả những thứ hoa dịa chú chưa biết tên.

Cô bé mỉm cười nhìn đâu đâu.

- Thế thì chú hợp với Đà Lạt lắm rồi.

Khách mở cánh cửa phòng, vừa nói:

- Tiếc là chú không ở đây lâu được.

- Chú đi đâu thế? Mới sáng sớm mà đã đi chơi phố rồi.

- Không, chú đi mua bao thuốc lá... Này Th., gần đây có sạp bán thuốc lá nào không cháu?

Cô bé theo khách ra đứng dưới mái hiên nhà, ngón tay chỉ ra đường chỉ dẫn cho khách lối đi.

- Hơi xa chú à. Chú đi theo đường này một khoảng, rồi rẽ theo con đường mòn phía tay mặt, xuống hết đường mòn, lại rẽ tay trái đi khoảng một trăm thước... có một cái quán nhỏ bán đồ tạp hóa, nhưng không biết giờ này quán họ mở cửa chưa.

Khách làm bộ e ngại:

- Có vẻ lôi thôi quá nhỉ. Không chừng chú sẽ bị lạc đường khi trở về.

Cô bé kéo kín chiếc áo len xanh che lấp chiếc áo trắng ở trong cho bớt lạnh.

- Nhà cháu dễ thấy lắm. Nếu lạc đường chú cứ tìm nhà nào có hai cây mimosa vàng là đúng rồi.

Khách nói cảm ơn cô bé rồi đi ra khỏi cổng, đầu khách phải cúi thấp xuống như để tránh cái lạnh, nhưng thật vô ích, không khí đã thổi những ngọn rét căm căm vào trong từng chân tóc. Cho dù ở phía chân trời phương đông kia, nhiều tia nắng mỏng đã đổ vàng óng ánh trên mái ngói.

Khi khách về lại nhà, bà T. và mấy cô bé dường như đang sửa soạn đi đâu.

- Anh có đi dạo phố một chút cho biết không?

Khách gật đầu trả lời với bà T., khi bà cùng các con vào ngồi trong xe hơi. Người tài xế có chiếc nón sụp vành, thành thạo qua những con đường có lẽ đã quá quen thuộc với gã. Bà T. nói:

- Tiếc quá, tôi phải lên phi trường đón người bà con. Anh có đi chơi đâu, nói anh tài đưa đi.

- Cũng chẳng biết đi đâu, có lẽ nên đến cái quán bên bờ hồ uống chút cà phê.

Một cô bé nào đó xen vào:

- Giờ này ở đó lạnh và vắng lắm, chú.

- Còn gì bằng nữa. Nóng và đông người thì ở đâu cũng có.

Xe dừng lại. Vì mọi người đều bận việc nên khách bước xuống một mình, thích thú nhìn con đường sỏi nhỏ dẫn xuống quán. Khách hỏi mấy cô bé:

- Có ai đi uống cà phê với chú không?

Mấy cô bé có vẻ chỉ muốn đi với mẹ.

- Quỳnh Th.?

Nụ cười của bé Quỳnh Th. rực rỡ lắm, nhưng cô bé cũng lắc đầu. Khách thở dài.

- Chắc chú còn lạ, phải mất một thời gian làm quen mới được.

Lát sau, khách thấy mình là người duy nhất trong quán. Những người bồi đang ngái ngủ sửa soạn bàn ghế và ly tách, trên một chiếc bàn con đặt ngoài bao lơn, mắt nước hồ lóng lánh thật gần bên người.. Giọt cà phê nhỏ chậm rãi từ chiếc filtre, khói thuốc bay tan loãng mất đi trong trời.

Uống chút cà phê cho tỉnh táo như thói quen, hút thuốc lá liên tiếp và nhìn xuống mặt hồ, khách thấy mình sung sướng quá. Sương trắng mỏng như những đám mây từ giã trời cao để xuống trần, trôi bềnh bồng trên mặt nước hồ. Không phải màu xanh thẳm như biển, hồ dịu dàng và lặng lẽ hơn, trong màu xám của những trời chiều mùa đông sắp đổ mưa. Màu xám của những đôi môi tê lạnh, vì giá buốt hay là vì lẽ bóng.

Chiếc máy hát vang lên rè rè những nhạc phẩm tình cảm, nghe thật tồi và chán ngắt. Cần gì âm nhạc ở đây, cho dù là những nốt sầu muộn nhất của Chopin cũng sẽ trở nên thừa thãi và thua kém. Ở đây, vẻ đẹp của cảnh tượng bên ngoài diễm lệ không gì bằng được, làm lu mờ tất cả những điều đẹp đẽ khác. Có gì hơn ngọn đồi xanh thoai thoải bên kia bờ hồ, lác đác những cây thông như những đốm màu vô tình trên một bức tranh tuyệt tác. Hình như có con đường mòn nào đó dẫn lên đến đỉnh đồi. Xa xa, những chiếc xe trông nhỏ xíu như đồ chơi trẻ em, chậm chạp di chuyển dưới chân đồi, có vẻ không lo ngại gì về một vụ kẹt xe thường thấy ở những đô thị ồn ào.

... Khách trở về nhà khi trời đã tối. Bà T. đang ngồi đan một chiếc áo len trong phòng trước. Mấy chị em quây quần chung quanh. Khách mỉm cười chào mọi người rồi ngồi xuống chiếc ghế nệm dài, cậu bé út đang nằm trên đó với thứ đồ chơi ngộ nghĩnh: nhà cửa, cây cối, súc vật và hình người làm bằng những mảnh giấy cắt nhỏ. Bà T. ngước mắt lên.

- Sao? Anh thấy Đà Lạt thế nào? Chắc là buồn vì đi có một mình?

- Tuyệt đẹp. Như một thành phố nằm trên mây, chẳng dính dấp gì đến những cái phiền toái ở dưới đất cả.

Khách thở một hơi thuốc lá thật nhỏ để tránh cho những cô bé khó chịu vì mùi khói. Quỳnh Th. ôm những thanh củi chất vào lò sưởi và rải thêm vài nắm diêm bào.

- Chú cho cháu mượn hộp quẹt.

Cây quẹt cháy một đốm lửa nhỏ từ bàn tay của cô bé. Lửa bắt vào diêm bào, trong phút chốc những thanh củi đã cháy ngon lành. Lò sưởi rực rỡ ánh lửa nổ bùng nhấp nhánh như một bó hoa màu đỏ thẳm linh động.

Khách thú vị chôn đôi mắt đăm đăm nhìn vào lò sưởi. Ánh lửa sống động quyến rũ như muốn nuốt lấy người khách, khuôn mặt dần dần ấm áp, rồi nóng rực. Đèn nhà đã tắt, lò sưởi như trở nên một mặt trời hiếm có ở những vùng băng tuyết.

Hạnh phúc vô cùng cho một ai giữa chặng đường đời đen tối, đã vô tình khám phá ra những cảm giác nồng nàn say sưa mà mầu lửa đỏ dâng hiến cho mình. Và đêm nay, khách là một người hạnh phúc.

Các cô bé tranh nhau để ngồi thật gần lò sưởi. Ánh lửa phản chiếu làm khuôn mặt bé Quỳnh Th. đỏ hồng hơn bao giờ hết, đôi mắt lung linh như thắp những ngọn nến sinh nhật.

Với tờ giấy và cây bút, bốn cô bé chia làm hai phe chơi đố chữ, trò chơi có lẽ do những ông giáo Pháp văn bày ra. Quỳnh T. đố:

- Một chữ gồm có 5 vần. Khởi đầu bằng vần C và tận cùng bằng vần R, đố là chữ gì?

Hai cô bé thuộc phe bên kia chụm đầu bàn tán, rồi rốt cuộc cũng tìm ra được kết quả: Coeur. Rồi đến một chữ khác, lần này bên kia chịu thua. Quỳnh T. giải đáp: Yseult. Cô bé nhỏ nhất không chịu, cho rằng chữ đó không có trong sách học ở lớp. Yseult, làm sao mà có được trong sách học được, đó là tên người tình duy nhất của Tristan, anh chàng giang hồ lãng mạn của một câu chuyện tình dang dở muôn thuở.

Khách là người lạ nên không được dự vào trò chơi. Khách dần câm lặng và bất động như một gốc thông.

Bé Quỳnh Th. phải gợi chuyện:

- Chú còn định sẽ đi đâu nữa?

- Huế.

- Chú từ đâu lên đây?

- Sài Gòn.

- Chú làm gì ở dưới đó?

Khách dụi tắt mẩu tàn thuốc trong chiếc gạt tàn:

- Đố cháu biết chú làm nghề ngỗng gì?

Quỳnh Th. quan sát khách, suy nghĩ rồi trả lời:

- Cháu chắc chú đang... trốn lính.

Khách giật mình rồi bật cười:

- Cháu đoán tài lắm nhưng chỉ trúng một nửa. Bỏ bớt đi một chữ. Nghề đẹp lắm nhưng chú không đủ sức tiếp tục nữa. Chú kẹt vô lính rồi.

Quỳnh Th. cũng cười rồi định trở lại với trò chơi của mấy chị em. Khách nói tiếp:

- Thế nào chú cũng trở lại đây để học.

Mắt cô bé mở lớn ngạc nhiên:

- Chú định học gì ở đây?

- Chú còn nhiều điều chưa biết.

Khách không muốn giải thích rõ ràng cho cô bé hiểu, nhưng trong thâm tâm khách buồn bã vì thấy mình là một kẻ dốt nát. Từ lâu, khách đã học cách sử dụng súng đạn thế nào để bắn cho trúng . Khách đã biết cách gài lựu đạn và mìn để ngăn chặn những vụ đột kích vào ban đêm. Khách đã biết cách gọi pháo binh hay phi cơ dội bom đạn (...). Khách cũng biết những thế đánh lưỡi lê khi xáp lá cà, những đội hình xung phong tấn công, những cách thức rình rập phục kích.

Nhưng khách đã biết gì về nhịp tim của một thế giới bình yên?

Khách chưa biết gì hết về tên của những loài hoa dại lấm tấm trong rừng cây, trước sân nhà. Khách chưa biết gì về tiếng hát ríu rít của những loài chim, tiếng nhạc của gió lùa trong lá, tiếng rung động của lá khi đổi từ màu xanh sang màu đỏ úa. Khách biết gì về dòng chuyển động xôn xao của mặt hồ? Tiếng chuông đánh dấu của trời khi chuyển mùa, từ bóng anh đào tràn ngập khắp nơi, rồi tán cho nắng đổ, nắng tắt cho lá vàng lìa cành, và những cây trơ trụi đón chờ mưa mùa đông đổ nhòa theo gió. Khách chưa biết gì hết. Khách mù tịt lối vào cửa ngõ của mầm sống, nhưng lại học rành rẽ bực thang dẫn vào huyệt đạo.

Lửa yếu ớt rồi tắt dần. Đêm khuya đem lại cơn buồn ngủ trên mí mắt của những cô bé. Khói mỏng lan đi mất hút từ những cành củi cháy mòn, những khúc cây đã hy sinh phiến gỗ thô sơ của nó cho một đêm quây quần bên lò sưởi.

*

Buổi sáng, kh1ch đi sớm khi mấy cô bé còn say ngủ. Bà T. tiễn chân khách ra đến cổng. Khách thành thật nói lời cảm ơn với bà và gởi những lời chúc đẹp nhất đến cho cả gia đình.

Khách chỉ tạm biệt Đà Lạt và tự nhủ sẽ trở lại nơi này để học thêm những điều êm đẹp. Chợt nhớ đến lời dặn của Quỳnh Th., khách quay đầu lại để thấy rõ hai cây mimosa đang nở hoa vàng trong sân.

Hình ảnh cuối cùng đó, biết đâu sẽ là dòng nước ngọt an ủi cho khách, trên những chuyến lữ hành khổ nhọc dưới ánh nắng mặt trời.


HOÀNG NGỌC TUẤN       

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

MỘT CƠN GIẬN - Thạch Lam

 
 
Một buổi tối mùa đông, chúng tôi ngồi trước lò sưởi, trong một căn buồng ấm áp. Tự nhiên trong câu chuyện, một người nói đến những cơn giận tự nhiên đến tràn ngập cả tâm hồn ta và có khi gây nên nhiều cái kết quả không hay. Rồi mỗi người đều bày tỏ ý kiến riêng của mình.
 
Anh Thanh, từ nãy đến giờ vẫn lặng yên có vẻ trầm ngâm, cất tiếng nói:

- Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ. Tôi biết hơn ai hết, vì chính tôi đã trải qua sự đó. Tôi sẽ kể các anh nghe một câu chuyện mà cái kỷ niệm còn in sâu trong trí nhớ tôi.

 Cũng một buổi chiều mùa đông như hôm nay, tôi ở tòa báo ra về, trong lòng chán nản và buồn bực. Có những ngày mà tự nhiên không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu, và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì. Tôi đang ở vào một ngày như thế mà chiều trời hôm ấy lại ảm đạm và rét mướt càng khiến cho cảm giác đó rõ rệt hơn.

 Tôi đi vài bước trên con đường phố vắng người. Một cái xe tay dằng xa đi lại, anh phu xe co ro vì rét, hai tay giấu dưới manh áo tơi tàn. Theo lệ như mọi khi, tôi mặc cả:

 - Xe đi không? Bốn xu về gần nhà bò Yên Phụ.

 - Thầy cho sáu xu.

 - Không, bốn xu là đúng giá rồi.

 Tôi vừa nói vừa bước đi. Người phu xe đã có tuổi, cứ kéo cái xe theo sau tôi mà lẩm bẩm: "Bốn đồng xu từ đây về nhà bò". Cái tiếng nhà bò anh ta nhắc đi nhắc lại làm cho tôi khó chịu. Tôi biết đó là một cách của các phu xe cứ đi theo sau khách để làm cho người ta bực tức, tôi lại càng ghét và quay lại gắt: 

- Có đi hay không thì thôi! Đừng có theo sau người ta mà lải nhải.
 

 Thấy tôi gắt, người phu xe đứng lại, không dám theo nữa. Nhưng để tôi đi một quãng xa, anh ta ới gọi:

  - Lại đây đi mà.

 Rồi anh ta hạ càng xe xuống, cứ đứng yên chỗ ấy đợi chứ không kéo lại phía tôi. Cái cử chỉ ấy làm tôi sinh ghét thêm, đã toan không đi, nhưng lúc ấy không có cái xe nào khác. Tôi giận dữ bước mạnh lên xe, vừa mắng:

 - Anh thật là lắm chuyện, không đi ngay lại còn vẽ.

 Anh xe cãi lại:

 - Từ đây về đấy thầy cho được bốn đồng xu thật rẻ quá!

 - Thì ai bảo anh đi? Không có tôi đã gọi xe khác.
 
Người phu xe khẽ thở dài, yên lặng nhấc xe lên. Lúc bấy giờ tôi mới ngả mình ra phía sau, nhưng thấy cái đệm cứng như gỗ đập vào lưng, tôi cúi xuống bên nhìn cái tay xe.

 Tôi đoán không sai, chính là một cái xe hiệu "con lợn" cái tên hiệu cũng xứng đáng một hạng xe tàng ở ngoại ô mà tôi vẫn phải đi. Anh xe này đã vào đây kéo trộm, vì xe ngoại ô không được phép vào thành phố đón khách, nếu không tuân lệnh thì bị phạt từ ba đến bốn đồng bạc. Sự tồi tàn của cái xe làm tôi càng ghét anh xe nữa.

 - Xe khổ thế này mà anh lại còn đòi cao giá.

 - Xe thế mà thầy chê thì còn thế nào nữa!

 Anh xe bướng bỉnh cũng không chịu kém. Tôi nói câu gì là anh ta đối lại liền. Sau cùng, giận quá, tôi dẫm mạnh chân xuống sàn xe, gắt:

 - Thôi, câm họng đi, đừng lải nhải nữa.

 
Sự giận dữ làm cho tôi quên rằng anh xe cũng chỉ có trả lời những câu mắng của tôi mà thôi, và chính tại tôi gắt với anh ta nhiều quá. Nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ thấy tức người xe ấy đến cực điểm, vì hắn dám cãi lại tôi mà không sợ.

 Xe đi khỏi nhà máy nước thì gặp một người đội xếp tây đi xe đạp lại, theo sau một người đội xếp ta. Tôi nhận thấy anh xe kéo tôi có ý luống cuống và sợ hãi. Có lẽ vì thế mà người cảnh sát để ý, đi giáp vào cái xe kéo để xem dấu hiệu.

 - Ê! Đứng lại!

 Người kéo xe dừng chân... Anh ta quay lại tôi hớt hải van xin:

 - Lạy thầy... thầy nói giúp con... thầy làm ơn...

 Dưới ánh đèn tôi thấy mặt anh xe tái mét. Những vết răn in sâu xuống trên mặt già nua hốc hác, chân tay người khốn nạn ấy run bật lên và tôi thấy cái rung động chuyển cả vào chiếc thân xe.

 Người cảnh sát tây đến, nói bằng tiếng ta hơi sõi:

 - Mày chết nhé! Mày sẽ bị phạt!

 Người phu xe ấp úng nói thì ông ta khoát tay bảo im, rồi quay lại tôi hỏi, lần này bằng tiếng Pháp.

 - Người này kéo ông từ trong phố ra hay ông đi khứ hồi?

 
Tôi liếc mắt nhìn anh kéo xe. Trong bóng tối của vành nón qua ngang mặt, tôi thấy hai mắt anh ta long lanh nhìn tôi, như khẩn cầu van xin yên lặng. Tôi biết lời nói của tôi sẽ làm anh ta bị bắt hay không. Những khi nói chuyện với các phu xe khác, tôi được biết rằng nếu người khách nói là đi khứ hồi từ ngoại ô, thì người xe không việc gì. Nhưng lúc ấy, lời van xin của anh xe kia không làm cho tôi động lòng, mà lại làm cho tôi ghét anh thêm. Tôi trả lời người đội xếp:

 - Tôi đi từ phố hàng Bún.

 - Vậy phiền ông xuống xe.

 Rồi anh ta nhìn anh phu xe, cười một cách tinh quái:

 - Allez! Đi về bót!

 Khi anh phu xe run sợ và hai người cảnh sát đã khuất đầu phố, tôi mới quay đi thong thả trên bờ hè. Cơn giận của tôi đã hết rồi. Sự hối hận dần thấm thía vào lòng tôi, tôi thấy một cái chán nản bực tức rung động trong người.

 Tôi rung mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cai xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ, đánh đập vì thù hằn?

 Tôi càng nghĩ đến bao nhiêu lại càng khinh bỉ tôi bấy nhiêu. Qua ô Yên Phụ, nhìn thấy những thợ thuyền tấp nập làm việc dưới ánh đèn trong những căn nhà lá lụp xụp, tôi rảo bước đi mau, hình như trông thấy tôi họ sẽ biết cái hành vi khốn nạn và nhỏ nhen đáng bỉ của tôi ban nãy.

 Những ngày hôm sau thực là những ngày khổ cho tôi. Lòng hối hận không để tôi yên. Hình như có một cái gì nặng nề đè nén trên ngực làm cho tôi khó thở, và lúc nào hình ảnh anh phu xe cũng hiển hiện ra trước mắt.

 Tôi nhất định đem tiền đến cho người xe kia để chuộc tội lỗi của mình. Đến phố hàng Bột hỏi dò những người chung quanh xưởng xe, tôi biết được anh xe bị phạt đêm hôm ấy là tên Dư, và ở trong một dãy nhà quá ngã tư Khâm Thiên.

 Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà. Trong cái hang tối tăm bẩn thỉu ấy, sống một đời khốn nạn những người gầy gò, rách rưới như những người trong một cơn mê.

 Người phu xe Dư ở trong ấy. Một bà cụ già gầy giơ xương ngồi cắn chấy ở vệ hè chỉ cho tôi một cái cửa thấp bé ở đầu nhà. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình. Có tiếng người đàn bà khẽ hỏi:

 - Bẩm thầy muốn gì?

 Khi mắt mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai cùng ngước mắt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà.

 - Bác Dư có nhà không?

 - Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.

 Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ cho tôi biết họ không nói thật, tôi giảng giải:

 - Không, cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác.

 Bà cụ nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:

 - Thế thầy đã biết việc chú nó bị bắt xe hôm nọ?

 
Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói:

 - Hôm ấy cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó lột quần áo đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không được nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.

 Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:

 - Nó còn bảo hễ không trả nó sẽ bắt lấy thẻ.

 - Thế bây giờ bác ta đâu?

 Bà cụ trả lời:

- Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ, nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chứ không cũng chẳng việc gì.

 Tôi yên lặng, trong lòng náo nức.

 Bà cụ chép miệng, chỉ người đàn bà ngồi sau:

 - Tội cho vợ con chú đây, ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không?

 Tôi đứng lại gần xem. Trên cánh tay người mẹ, chỉ còn là một dúm thịt con đã nhăn nheo: đứa bé há hốc miệng thở ra, mặt xám nhợt. Người mẹ thỉnh thoảng lấy cái lông gà dúng vào chén mật ong để bên cạnh, phết lên lưỡi của đứa bé.

 - Cháu nó sài đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được.

Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở khóc. Bà cụ già lê nhích lại gần, cúi xuống khe khẽ kéo lại những cái tã rách như xơ mướp.

Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rơm rớm nước mắt. Một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bước ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực.

 Qua ngưỡng cửa, tôi va phải một người đàn ông ốm yếu tay cắp một cái áo quan con bằng gỗ mới. Đến bên đường, tôi nghe thấy trong căn nhà lụp xụp đưa ra tiếng khóc của hai người đàn bà.

 Đứa bé con đã chết.

  Anh Thanh lặng yên một lát như nghĩ ngợi, rồi nói tiếp:

 - Cái kỷ niệm buồn rầu ấy cứ theo đuổi tôi mãi mãi đến bây giờ, rõ rệt như các việc mới xảy ra hôm qua. Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, lại thấy đau đớn trong lòng, như có một vết thương chưa khỏi.

 

Thạch Lam.