Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

BA MƯƠI THÁNG TƯ - Nhã Uyên

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ba mươi tháng tư  đã bao năm

Ai là lữ khách ghé về thăm

Con đường đất đỏ ngày xưa ấy

Mang vết chân người đã xa xăm


Câu hát điệu hò ru nắng mưa 

Kẽo kẹt đâu đây tiếng võng đưa

Trên sông sóng nước con thuyền nhỏ

Rợp mát nghiêng nghiêng những bóng dừa


Đầm ấm yêu thương những tháng năm

Làm người nhỏ lệ khóc âm thầm

Ngày đó ra đi nào giã biệt

Bỏ  tuổi ngây thơ bỏ chỗ nằm


Ánh mắt khi về vẫn thiết tha

Bên hàng dâm bụt đỏ màu hoa

Còn chút tình  xưa  nên hàn gắn

Để chẳng giận hờn, chỉ xót xa...

                                Nhã Uyên
 

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

NHỚ NGÀY GIỖ TỔ - Xuân Quỳ

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 “Dù ai đi ngược về xuôi 
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”

Một vùng công đức Mẹ Cha 
Khơi sông mở cõi giao hòa bốn phương. 

Ai về Cổ Tích, Hy Cương 
Lâm Thao, Phú Thọ rừng bương đồi chè 

Đêm nằm như vẫn còn nghe 
Trống đồng vang vọng suối khe ruộng đồng… 

Mây bay vẫn dáng Tiên Rồng 
Âu Cơ lưng địu, tay bồng, vai mang. 

Vua Hùng dựng nước Văn Lang 
Núi sông voi ngựa hàng hàng uy nghi. 

Vương triều khi thịnh, khi suy 
Lửa hồng son sắt chẳng khi nào tàn 

Một vùng nắng dội, mưa chan 
Mồ hôi đổ xuống, bản làng mọc lên.

Cháu con nghìn thuở không quên 
Ngày giỗ Tổ, bao hồn thiêng hội về.
 
                                             XUÂN QUỲ 
 

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

KỶ NIỆM ĐOẠN ĐƯỜNG CAM LỘ - HUẾ - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Không còn nhớ là mùa thu hay mùa đông. Nhưng mưa dằng dai trắng mướt trên những tháp canh, ngập giao thông hào, những hàng rào kẽm gai lủng lẳng lựu đạn và mìn ứa rỉ rả từng giọt nước.

Đó là tiền đồn Mai Lộc, trên đỉnh núi Cùa, ngọn đồi quan sát trông suốt vùng rừng núi Ba Lòng miền giới tuyến. Gần bên là Carol, Khe Sanh.

Người lính đóng quân ở đó. Anh được mang từ Saigon về đây. Chuyến bay Tân Sơn Nhất - Ái Tử chất ứ mùi mồ hôi và súng đạn ba lô chồng chất lên nhau như cá hộp.

Sáng sớm, người lính chun ra khỏi căn hầm nước lên đến chân. Anh leo lên tháp canh, châm điếu thuốc, nhìn ra thung lũng bao la trông thật bình yên với lác đác xóm nhà người Thượng trong sương mù. Nhưng đó chỉ là một hình ảnh có vẻ tĩnh mịch trong bình minh mưa lạnh. Đêm qua, nhiều ngày qua, thung lũng đã thấm đầy máu của lính và núi đồi bị cào xới lỗ chỗ bởi bom đạn như da chó ghẻ lở.

Hôm nay là một ngày rảnh rang. Vì hai ngày hôm qua, toán của người lính gồm 8 người đã hoạt động trên một ngọn đồi trong vùng địch, cách đơn vị bạn 10 cây số rừng dày, những giây phút căng thẳng, lặng câm, rình rập, rét mướt đó đã chấm dứt khi một chiếc trực thăng bốc toán trả lại đồn Mai Lộc.

Ngày nay đến phiên toán khác nhảy vào trong núi. Người lính thầm nghĩ mình phải lợi dụng thời gian nghỉ này để "dù" về Huế thăm nhà. Trời vẫn còn mưa, đường bùn lầy trơn trợt, nhưng kể gì những thứ đó. Trùm vội poncho vào người, anh cắn môi gục đầu tránh bớt gió lạnh, lội bộ ra khỏi đồn.

*

Làng xóm nghèo nàn tiêu điều trên núi Cùa bỗng chốc trở thành chợ búa náo nhiệt khi một Lữ Đoàn đóng quân ở đây. Hàng quán mọc lên san sát, luộm thuộm nhưng cũng có đủ cả, cà phê, la de, đồ nhậu, bún bò điểm tâm. Ở nơi chó ăn đá gà ăn muối này cái gì thấy cũng ngon miệng dầu giá tiền tự động nhảy vọt vào mỗi cuối tháng có máy bay của Ban Quân Lương đến phát lương cho lính. Cờ bạc và ăn nhậu, ở đây chỉ có hai thứ đó. Có thằng sạch túi nợ nần lung tung, có tin chiến thắng sau một cuộc hành quân, người ngợm nặng chịch không phải vì huy chương, mà vì hai ba cái đồng hồ, cà rá đeo đầy.

Người lính đã đi từ đồn đến chợ. Anh vào một quán quen thuộc. Quán do một lão già râu tóc bạc phơ làm chủ, đông khách nhất trong vùng này không kém gì Pagode ở Saigon. Quán luôn luôn đầy đặc lính, mỗi sáng trước khi đi đâu, đi chở đạn hay nhận đồ tiếp tế, những chiếc GMC đều dừng lại một lát, vài người lính ào xuống vô làm một ly cà phê đen, tô cháo gà hay một ngụm đế cho ấm bụng. Quán trở thành số một trên đỉnh núi, có lẽ là nhờ có con gái của lão chủ, một cô bé khoảng 15 tuổi dễ thương xinh xắn vẫn lướt thoăn thoắt từ bàn này sang bàn khác với khay cà phê bốc khói. Cô bé rừng xanh này chưa một lần đến trường học, chưa  bao giờ nhìn thấy một thành phố, đôi mắt long lanh của cô chỉ biết mấy mái nhà tranh lụp xụp vì cảnh tượng ồn ào của những vụ chuyển quân, giết chóc từ năm này sang năm khác.

Cô bé pha cho người lính một ly cà phê đen nhỏ. Anh cảm thấy đói bụng nhưng chỉ còn vài chục đồng cho ly cà phê. Nếu là tuần trước thì anh đã ăn sáng một bữa no kềnh bụng, cái ngày đem gạo sấy, đồ hộp xuống bán bớt cho dân làng để lấy tiền mua thuốc hút.

Anh mỉm cười nhìn cô bé, nói rằng mình sắp về Huế và cô có muốn chiếc nón lá bài thơ không.

Mắt cô bé mơ màng, nhưng cô lắc đầu dầu đôi má ướm hồng đôi chút. Anh tức mình đã không có nhiều dịp thân mật thêm với cô, để có thể đọc cho cô nghe vài câu thơ trữ tình của Quang Dũng:

"Bao giờ ta gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Em có bao giờ nhớ đến ta".

Thật tình cờ. Quang Dũng làm thơ cho Bộ Đội kháng chiến chống Pháp nhưng ngày nay thơ ông có vẻ thích hợp và gần gũi cho những người lính miền Nam hơn. Lính mặc đồ rằn ri của TQLC, BĐQ, NQ hẳn vẫn nhớ đến câu:

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

*

Qua mấy cây số đường đèo bằng hai chân mỏi run mới xuống đến chân núi Cùa. Bọn lính Mỹ bần tiện hay cẩn thận quá, mình vẩy tay xin nhờ quá giang mà xe nó vẫn làm lơ chạy thẳng.

Cam Lộ. Cái tên ướt át ngọt ngào cho một nơi khô cằn rách mướp. Hầu hết dân cư đều là người Thượng, những nhà của dân tạm cư mảnh mai yếu ớt, cứ một đêm là có vài cái tan tành cháy nát vì bị pháo kích.

Người lính đón xe chở củi ra Đông Hà. Từ bến này mới có xe đò về Huế.

Đến Đông Hà nhưng chưa đi được. Anh gặp một vài đứa bạn cũ, thằng thì Pháo Binh thằng Thiết Giáp, đủ thứ. Chúng kéo anh vào một quán bên cạnh bến xe.

Lại nhậu. Trời ơi, mình đói bụng muốn chết, thầm mong chúng kêu cho mình một tô bún bò Huế mà chúng chỉ kêu rượu. Rượu rẻ tiền: Ruhm Manila, đắng nghét và nóng như lửa, bụng trống uống vô vài ly thấy cồn cào chuếnh choáng. Mãi lúc sau mới có thêm vài miếng lòng heo lót dạ, dạ dày sôi sục lợn cợn thêm.

Gặp một ông nhà văn từ Saigon về đây làm phóng sự chiến trường. Ông đeo bảng tên và chữ PRESS to tướng trên áo, vai mang máy thâu băng máy hình đủ cả. Tụi bạn có người biết tên ông, chạy ra lôi kéo vào nhậu cho bằng được, người lính phải can khéo lắm ông mới thoát được cuộc rượu mệt người ấy (ông D.N.M, không có tôi bữa thì ông cũng say sưa nằm lăn quay ở bến xe như tôi rồi).

Đến trưa, cả bọn lăn lóc trong quán, lè nhè toàn những tiếng chửi thề, nhắc đến tên người chết một cách thương xót cũng bắt đầu bằng hai tiếng Đ.M.

Anh lạng quạng ra khỏi quán, đi tiểu, nôn thốc tháo rồi nằm dài người mê mệt ở bến xe đò. Trẻ nít bu quanh chỉ trỏ cười cợt. Thằng bạn Pháo Binh tỉnh hơn, lôi anh lên ngồi sau yên xe Honda của hắn, rồi rú ga chạy vùn vụt về Huế. Anh mệt nhoài ôm hông hắn, xe phóng ào ào như ngựa điên một vài lần suýt bay xuống ruộng.

Đến Huế vào buổi chiều, đường bờ sông Hương vẫn êm êm rơi đầy bóng lá, sông nước lung linh như mầu áo trắng thanh thoát qua mấy nhịp cầu. Thế là đủ. Chỉ cần một chút mái ngói đỏ hồng mình tưởng như mầu môi cười chào đón, một chút trắng của những tấm lòng thiếu nữ.

Hạnh phúc cho người lính. Trở lại quê nhà dầu không còn gặp một người ruột thịt, nhưng dòng sông, cầu nhỏ, đò ngang, nội thành rêu phủ đã là ruột thịt của anh rồi. Anh trở lại làm một cậu bé con lang thang lội nước trên vỉa hè. Áo quần dơ bẩn đầy bụi đỏ, râu tóc đầy mùi rượu, nhưng nhai hết một trái me non trong răng, là thấy hồn chan chứa thời thanh xuân thơ dại.

Người lính ghé nhà một người quen ở chân cầu Nhà Thờ Phú Cam. Trong căn phòng ấm áp, anh uống cà phê nóng thơm phức, hút thuốc ngon liền tay, nghe vài ca khúc tình lãng mạn. Người nhạc sĩ cũng hát cho anh nghe tiếng ca nồng nàn tình người, kêu gọi một ngày mai thanh bình cho đất nước.

T.C.S, ông cứ tiếp tục hát. Dầu cho trên mặt trận có biết bao tiếng nổ ầm ĩ của vũ khí ngày đêm chát chúa bên tai, nhưng chẳng có ai muốn nghe âm thanh sấm sét ấy đâu, ngay cả những người lính Pháo Binh dày dạn cũng phải bịt tai lại mỗi khi tác xạ.

Mọi người đều chỉ thèm khát nghe Tiếng Người.

*

Một năm nay người lính sống lây lất ở Saigon. Làm một kẻ thường dân ngồi qua ngày trong những quán nước. Chiến thuật, bản đồ, địa bàn, vũ khí... anh đã quên tuốt, vì anh không còn muốn nhớ đến nữa.

Saigon mùa hè 72, tin tức đẫm máu từ mặt trận tới tấp bay về, hình ảnh chiến trường chiếm hết trang nhật báo, trang tám Cáo Phó Chia Buồn.

Vẫn là mặt trận cũ. Nhưng khốc liệt bi thảm gấp trăm lần. Mai Lộc, Cam Lộ, Đông Hà, Quảng Trị tan tành, Huế nghẹt thở lao đao. Một người bạn cùng đơn vị ngày trước, vừa ra khỏi quân y viện, tình cờ gặp anh ngoài quán nước. Hắn què tay, nhưng trí nhớ vẫn còn lành lặn để kể cho anh nghe về cảnh sống chết của bạn bè ngoài đó. Chết, bị thương, mất tích, bị bắt sống, trốn thoát chạy về được, bị bắn bỏ v.v... Cô bé mười lăm tuổi của hàng cà phê đã lấy chồng đi lính nghĩa quân, vài ngày sau cô trở thành một góa phụ mặt mày già cỗi.

Anh lặng yên nghe chuyện rất thông thường trong thời buổi này, nhưng sao vẫn thấy bàng hoàng.

*

Người lính đó có thể là bất cứ người lính nào khác, lính nhà nghề hoặc lính tài tử, lình tình nguyện hoặc lính bị Cảnh sát tuyển mộ, lính Bộ Binh hoặc lính Thủy Quân Lục Chiến v.v... Như nhiều người khác, người lính đó chỉ muốn có một ngày vứt bớt chữ LÍNH luộm thuộm đằng sau. Chỉ còn một chữ NGƯỜI là đủ. Nhưng ngày mai mơ ước ấy vẫn còn xa.

Bây giờ, có lẽ anh phải Vĩnh Biệt phố thêm một lần nữa.

Vĩnh biệt thiếu nữ ngậm hoa Sơn Cúc trên môi, em chẳng thể tìm kiếm thấy chuyện thần tiên ở đời anh đâu, con búp bê kết bằng vỏ sò và ly cà phê trong quán vắng có đủ cho em một kỷ niệm? Vĩnh biệt người nữ của muôn đời, vĩnh cửu, vĩnh thúy, có nở những nụ cười điểm cho cả nhân gian mà chẳng bao giờ cho riêng anh cả. Vĩnh biệt cô bé treo mùng, tâm hồn cô bình yên trong nắng quá, chẳng bao giờ cô hiểu được lời anh. Vĩnh biệt người đàn bà giờ đây đang gần anh nhất, xin cám ơn những điều săn sóc chiều chuộng và nhiệt tình rộng lượng trên căn gác nóng.

Buồn thay cho một xứ sở mà có hai tiếng luôn luôn sẵn sàng ở đầu môi:

Vĩnh biệt.

HOÀNG NGỌC TUẤN      

(Trích tuần báo Khởi Hành số 155, ra ngày 1-6-1972)

Nguồn : blog Trần Hoài Thư

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

QUÁN NHỎ DƯỚI CHÂN NÚI - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Vào mùa đông, nắng tắt thật nhanh khi chiều xuống. Bầu trời xám đen và dãy núi bao quanh cũng chìm trong một tấm màn mờ mịt. Dưới chân núi, chợ búa lưa thưa người mua bán, hầu hết là vợ lính tráng hay những người đồng bào Thượng.

Chỉ có thế. Không có gì ngoài một con đường đỏ chạy băng qua giữa xóm và lên thẳng trên núi. Ở đỉnh núi là một nơi người ta gọi là Cùa, vùng đóng quân của vài đơn vị bộ binh quanh năm chịu đựng cảnh mưa rừng giá lạnh, để quan sát những con đường xâm nhập của địch gần vùng giới tuyến 17.

Người lính quá giang xe đò từ Huế ra Đông Hà, và từ Đông Hà đến chân núi Cùa. Lúc này trời đã gần tối hẳn, dân cư đều đóng kín cửa nhà, xem lại những hầm trú ẩn để sẵn sàng nhảy xuống mỗi khi có pháo kích, và cách đôi ba đêm một lần, chuyện những trận mưa trái phá nổ tung trên đầu xóm này là một điều thông thường.

Từ chân núi lên đỉnh, còn hơn 10 km đường đèo đầy sình lầy trơn trợt, địch quân ẩn nấp trong những cánh rừng rậm hai bên đường đèo. Chỉ có xe nhà binh với đầy đủ súng ống hộ tống mới dám đi trên con đường này, và cũng chỉ di chuyển ban ngày. Ban đêm, xe thiết giáp đóng trên những đồi cao sẵn sàng nhả đạn vào tất cả những cái gì chuyển động trên đường, vì đó chỉ có thể là quân địch.

Người lính mệt nhọc nhìn lên đỉnh núi xa vời vợi, nơi đơn vị của anh đang trú đóng. Anh vừa "dù" đi vào Huế chơi, định trở về chân núi khoảng bốn giờ chiều để đón xe nhà binh Mỹ lên núi. Nhưng bây giờ đã trễ, hơn sáu giờ chiều, cái xóm làng nhỏ bé này biến thành một nghĩa địa chết. Xe đò cũng đã chấm dứt chuyến xe chót, nên anh không thể đón xe trở ra Đông Hà ngủ lại một đêm ở cái quận tương đối an ninh này được.

Một cái quán bên đường, gần với chợ không người, đang lục tục đóng cửa. Người lính bước nhanh vào, quán không có bảng hiệu gì, chưng lõng chõng một bộ bàn ghế gỗ thô sơ, vài chai bia, xị đế cho những ông lính địa phương vẫn thường ra đây nhậu.

Người lính gọi một chai bia lớn và một bao Ruby Quân tiếp vụ. Anh uể oải đặt bọc đồ trên bàn, chỉ gồm mấy gói mè xửng mua ở Huế. Lão chủ quán đang thu xếp đồ đạc, nhíu mày có vẻ không bằng lòng vì người khách đến quá muộn này, nhưng cũng lững thững ra sau bếp, đem lên một chai bia và chiếc ly thủy tinh dơ bẩn, bám đầy bụi.

- Hết đá rồi. Cậu uống không tạm nghe.

Người lính gật đầu, đưa bàn tay nắm vào chai bia, thấy cũng còn hơi lành lạnh. Lão chủ quay đi, khó nhọc kéo kín những cánh cửa gỗ, lão đã già yếu rồi, mặt nhăn nheo bạc thếch như lớp vảy cá và tóc lưa thưa trong khi râu xồm xoàm quanh miệng.

Người lính xé bao thuốc lá, một điếu ơ hờ nằm giữa môi.

- Cho tôi xin một chút lửa.

Lão già nhìn quanh quất:

- Hết hộp diêm rồi cậu à. Cậu lấy đèn dầu trên tủ mồi cũng được.

Người lính rít hơi khói, nhìn bâng quơ hai ngón tay vàng ám khói của mình.

- Giờ chắc hết xe lên Cùa rồi phải không cụ?

Lão già đưa hai tay lên trời, liếc một cái nhìn ra ngoài khung cửa sổ, trời đã tối đen.

- Trời ơi. Cậu định lên núi bây giờ, làm gì có xe nữa. Cậu mới đi Huế vô à?

Người lính gật đầu, dí nát đầu điếu thuốc vào trong lon sữa bò, chiếc gạt tàn thuốc thông dụng ở miền quê.

- Kẹt thật, lên núi cũng không được mà trở ra phố cũng chịu. Biết vậy tôi ngủ lại thêm một đêm ở Huế cho rồi.

Lão già đứng nhìn người lính một hồi rồi lụm cụm vào sau bếp, những tiếng động lỉnh kỉnh nổi lên cho biết lão đang dọn dẹp bếp núc. Người lính châm thêm một điếu thuốc theo thói quen, cơn gió núi chợt lọt vào quán từ kẽ hở của cánh cửa làm anh rùng mình. Cái xứ khí hậu quái đản này làm anh chán hết sức. Nắng thì như đốt cháy da người thành mỡ. Mưa đã hơn tuần nay, chỗ đơn vị anh đóng toàn là những vùng sình lầy, khi thì như muốn níu chặt lấy đôi giày "bốt đờ sô", khi thì trơn tuột như những tảng băng làm người ta té nhào vào trong những vùng nước đã dơ bẩn.

Người lính kéo cao áo che kín lấy cổ, tới đứng bên cửa sổ và nhìn ra ngoài. Những mái nhà lụp xụp giờ đây mất hút đi đâu hết trong bóng tối, xa xa có một vài ánh sao sáng nhỏ nhoi lập lòe, chắc là đồn của địa phương quân hay thiết giáp. Dãy núi âm u đen thẫm, một đôi chỗ nền trời bật sáng lấp lánh vì những ngọn hỏa pháo từ dưới bắn lên. Tiếng rầm rì của trực thăng bay nghe mơ hồ không biết ở vùng nào, và đại bác của pháo binh Mỹ thỉnh thoảng nổ từng loạt rời rạc, có cái âm thanh buồn nản đập thình thịch vào bụng.

Lão già lại từ dưới bếp xuất hiện, mang theo ánh lửa vàng lập lòe từ cây đèn cầy trên tay lão. Người lính trở về ngồi trên ghế.

- Thôi, ăn cho chắc bụng rồi tính sau. Quán còn cái gì ăn không cụ?

Giọng lão già lè nhè:

- Bây giờ đâu còn gì nữa. Sáng sớm thì có bún gà, cháo huyết...

- Sáng thì nói làm gì...

Lão già nói:

- Bây giờ chỉ còn vài bao mì Đại Hàn...

Người lính mỉm cười:

- Được rồi. Lính tráng mà được ăn món đó cũng ngon quá rồi. Cụ lấy nước sôi nấu cho tôi hai gói.

Lão già lắc đầu mệt nhọc, chậm chạp quay lại.

- Nước sôi cũng hết trơn rồi. Cậu đợi tôi bắc lửa nấu lại.

Người lính nhắc một cái ghế kê chân, anh ngồi duỗi dài lưng dựa vào vách, tay gõ gõ đánh nhịp trên bàn theo một điệu tân nhạc nào đó xa xa vẳng lại, từ máy ra-dô của một nhà ai.

Lát sau, anh hì hụp ăn tô mì nóng bỏng, hơi lạt lẽo vì thiếu thịt nhưng nhờ có thêm xì dầu nên cũng khá ngon miệng. Bỗng có tiếng gõ cửa làm anh giựt mình, lấy tay áo chùi miệng và ngửng đầu lên.

Lão già đến bên cánh cửa, cẩn thận dí mắt vào khe hở nhìn ra ngoài rồi kéo thanh gỗ chận cửa qua một bên. Lão càu nhàu la lên:

- Đồ quỷ, mày đi đâu giờ mới thò đầu về?

Cô gái lách mình vào, ngạc nhiên nhìn người lính đang chăm chú nhìn mình, rồi quay sang lão già.

- Con đi lại nhà chị Tư, may nhờ cái áo.

Lão già kéo kín cánh cửa, tiếp tục cằn nhằn:

- Cứ áo với quần mãi. Con gái lớn mà cứ nhông nhông giữa đêm hôm, có ngày...

Cô gái bĩu môi:

- Ở đây mình rành đường quá xá mà ba. Lính tráng họ cũng quen biết hết chứ bộ.

Người lính vừa ăn xong tô mì, anh rót miếng nước trà nguội ngắt từ chiếc bình nhôm. Anh bỗng gọi lão già, ấp úng nói:

- Cụ à, kẹt quá... cụ cho tôi ngủ đỡ đêm nay ở đây đi.

Lão giật mình, ngần ngại nhìn người lính. Lão lo âu nhìn bộ mặt đen sạm với râu tóc bù xù của người lính. Nhất là bộ áo quần rằn ri bạc màu, nó chứng tỏ anh không phải là lính địa phương trong làng này. Anh thuộc vào một thứ lính tráng lang bạt kỳ hồ, đi hành quân khắp bốn vùng, nơi đâu cũng chỉ đóng quân vài tháng rồi lại đi, và thứ lính này lại có tiếng là phá phách dữ dằn lắm.

Lão già ậm ự nói:

- Cậu đến trụ sở Nhân Dân Tự Vệ hay Nghĩa quân ngủ tạm thì tiện hơn... tôi ở đây một mình già cả, nhà lại có... con gái.

Lão già vừa nghĩ đến trận đập lộn chiều qua ở chợ giữa mấy ông lính rằn ri này với địa phương quân vì nhậu say hay giành gái gì đó.

Người lính bật cười:

- Cụ đừng lo, tôi là người đàng hoàng, tôi là...

Anh lúng túng chỉ vào chiếc lon khâu ở vai áo. Cô gái nhanh chóng tiếp lời:

- Người ta là Trung Sĩ đó ba. Trung Sĩ thì không làm gì bậy đâu.

Lão già có vẻ khó xử, lão liếc nhìn cô gái và những tút thuốc lá Mỹ, vài chai rượu trong tủ, xem chừng như đó là gia tài cuối cùng của lão. Người lính tiếp tục:

- Chỉ ngủ đỡ một đêm thôi, mai tôi đón xe lên núi sớm.

Cuối củng lão già cũng bằng lòng, vì lão khó từ chối cho được. Lão bảo cô con gái lấy chiếu trải cho người lính ngủ ngay ở giữa quán. Lão thì vẫn thường trực nằm trên chiếc ghế bố nhà binh dưới bếp, và cô con gái đổi chỗ vào trong phòng xép chứa đồ đạc.

Người lính duỗi hai tay có vẻ dễ chịu, anh lại ngậm một điếu thuốc lá, cô gái đưa cho anh ngọn đèn dầu để anh châm lửa. Anh bây giờ mới nhìn rõ cô gái, không đẹp, hơi đen, tóc dài và thân hình có vẻ rắn chắc khỏe mạnh... bộ đùi bó sát trong làn vải đen bóng. Anh nuốt nước miếng, mới đêm qua anh vừa "ngủ đò" ở Huế, lăn lóc với một gái điếm, nhưng bây giờ... anh cố tránh không nhìn bộ ngực đầy vun trong chiếc áo mỏng lấm tấm hoa đỏ của cô gái. Anh nói cho có chuyện:

- Áo của cô đẹp lắm.

Cô gái có vẻ thích thú, mỉm cười duyên:

- Em phải nhờ người quen ra Huế mua, hàng "xoa" đó anh.

Cô gái tự nhiên ngồi xuống, tay vặn cho ngọn đèn dầu khơi sáng lên.

- Anh hành quân ở vùng này lâu chưa anh?

- Cũng hơn hai tháng, chắc sắp về rồi.

Cô gái liếc nhìn ông bố đang lui hui sau bếp, rồi bắt chuyện:

- Người ta nói thứ lính nầy đi đây đi đó dữ lắm phải không anh?

- Cũng lung tung khắp cả.

- Vậy anh đi Saigon chưa?

Người lính mỉm cười, một thoáng mơ màng:

- Thì Saigon là hậu cứ của tụi tôi mà, mỗi lần hành quân xong là về đó.

Cô gái nhìn người lính có vẻ thán phục, nàng lẩm bẩm:

- Saigon... chắc lớn lắm, đẹp lắm hả anh?

- Cô chưa vào đó sao?

- Chưa. Xa quá mà, em cũng ưa đi một chuyến cho biết nhưng không có ai quen ở đó. Ở đây đi Huế là tốn tiền lắm rồi.

Người lính ngáp một cái mệt mỏi, anh nói:

- Huế cũng đẹp chán lắm rồi. Tôi mới biết lần đầu.

Cô gái đứng dậy, kiễng chân vói tìm cây đèn cầy trên cao, tấm thân nàng căng lên, nàng bỗng quay mình lại và bắt gặp người lính đang trộm nhìn nàng.

- Anh cứ đi hành quân quanh năm, chắc vợ con ở nhà nhớ lắm hả.

- Chưa vợ.

- Thì bồ, bồ càng nhớ hơn nữa.

- Cũng không có bồ.

Cô gái bĩu môi, mắt tinh nghịch:

- Xạo. Mấy ông lính như anh không có đàn bà làm sao chịu nổi.

- Thỉnh thoảng cũng có chứ. Xuống "xóm" là có ngay.

Cô gái đỏ mặt nguýt dài một cái, dưới ánh lửa hồng của ngọn đèn dầu, người lính thấy ấm lòng, vì đuôi mắt cô gái có một vẻ gì lẳng lơ không chịu được. Anh nuốt nước bọt một lần nữa.

Lão già lại lù lù lên, nắm tay gõ lên đầu cô gái một cái cộp:

- Trải chiếu cho người ta rồi thì vô buồng ngủ đi. Con gái gì mà cứ bẹo mày bẹo mặt hoài.

Cô gái hứ một tiếng với lão già rồi xách cây đèn dâu vào phòng trong. Người lính hớp miếng bia còn lại trong ly, lấy tiền ra trả cho lão già. Anh nhìn thấy trong bóp mình chỉ còn vài trăm bạc và chợt nhớ mới lãnh lương ngày hôm kia. Lão già cũng bớt cái vẻ cau có của lão.

- Hầm ở vườn sau nhà. Đêm hôm có pháo kích nhớ chạy ra đó. Lạy trời cho mấy "ông" du kích đêm nay không mò về, về mà gặp được cậu thì hết nước nói.

Người lính bật cười:

- Cái gì chứ pháo kích thì tụi tôi ăn như cơm bữa. Nhảy vào trong núi, nào mìn nào đạn bắn tơi bời mà chưa chết. Mấy anh du kích kể làm gì cụ.

Lão già nhún vai:

- Biết đâu ấy.

Lão để lại cho người lính một cây đèn nhỏ, rồi xuống bếp đi ngủ.

Người lính nằm ngửa trên chiếu, duỗi thân mình thẳng ra một cách khoan khoái, anh lấy chiếc "bê rê" kê dưới đầu làm gối, rồi ngồi dậy cởi đôi giày đầy bùn. Lát sau, anh co duỗi mười ngón chân kêu lên vài tiếng lách cách. Có tiếng động gì đó vẳng ra từ phòng của cô gái. Anh chép miệng, nghe ngóng tiếng đại bác nổ rền xa xa, nhưng những thứ đó không làm anh chú ý nữa, anh đã nghe đều đều vào mỗi đêm như lời ru con của mẹ hồi anh còn bé.

Người lính thổi tắt ngọn lửa leo lét của cây đèn cầy. Một ngụm khói bay ra có mùi khó chịu nhưng anh không nhìn thấy gì hết. Ngoài trời, đêm đã đen đặc, nhưng trong cái quán rất nhỏ dưới chân núi này, đêm đen cùng tận.

*

Vào giữa đêm, người lính giật mình nửa mê nửa tỉnh, anh nghe mơ màng một mùi thơm êm dịu phủ khắp mặt mình. Mái tóc dài của cô gái che kín mắt anh nhưng anh vẫn thấy rõ đôi mắt đờ đẫn mê man của nàng. Một bàn tay cô gái đặt trên ngực anh và anh nghe rõ ràng bên hông mình, được ép chắc nịch bởi da thịt nóng hổi của cô gái. Mặt của nàng dụi vào cổ anh nhột nhạt, anh mỉm cười thầm nghĩ may mà mình mới tắm ngày hôm qua ở Huế, chứ gặp lúc cả tháng lội trong rừng, nước chỉ dùng để uống và nấu ăn chứ đừng nói đến rửa ráy. Anh nằm yên, thấy khoái cảm chạy như một luồng điện rần rật khắp thân người. Bàn tay anh đè chặt lưng cô gái vào người anh, và gỡ những sợi tóc của nàng qua một bên để tìm miệng nàng. Nhưng cô gái tránh miệng anh, nàng chồm lên úp môi vào ngực anh, hơi thở cố nén lại vẫn nghe rõ dồn dập. Anh mỉm cười, lẩm bẩm... chắc gái quê không thích hôn môi, bàn tay nhám sù sì của anh nắm lấy cổ cô gái, kéo sát trên da nàng chạy xuống ngực, và hàng nút áo của nàng bật tung ra. Một tay kia anh vuốt ve trên mông nàng, mềm và nóng hổi.

Cô gái kêu lên vài tiếng nhỏ rời rạc trong cổ họng. Người lính trở thành một chiến sĩ sung sướng nhất trong cảnh thiên đàng. Không còn tiếng súng, không còn mìn bẫy và lựu đạn, không còn ngủ ướt lạnh buốt trong núi sâu hay khát nước rã cuống họng ở những vùng nắng cháy. Không còn máu, không còn huy chương, không còn tiếng kèn xung phong hay điệu kèn truy niệm tử sĩ. Không còn đội nón sắt nhảy xuống hầm nghe tiếng đạn đại bác réo trên đầu. Không còn dùng poncho gói lại gấp rút những xác người ngay trên trận địa...

Đây là đêm bình yên hiếm có trong suốt năm năm làm lính của anh.

*

Lúc gần sáng toán lính nghĩa quân đi kích trở về nói chuyện lao xao làm lão già giật mình thức dậy. Lão càu nhàu chửi thề trong miệng, giờ thì lão tỉnh táo như sáo, khó lòng mà dỗ giấc ngủ đến lại được. Lão mở mắt nhìn vào bóng tối mông lung, và lão vụt nghĩ đến người lính xa lạ đang nằm trong nhà mình. Lão hơi lo ngại, vùng dậy lúi húi đánh quẹt thắp cây đèn cầy, rồi rón rén ra khỏi bếp, mò mẫm tiến đến chỗ nằm của người lính.

Lão già bỗng sững người, suýt đánh rơi cây đèn cầy. Người lính và cô con gái lão đang quấn chặt vào nhau trên nền đất, thân thể cả hai trần truồng trắng loáng trong bóng tối, một tấm chăn mỏng đắp hờ trên bụng họ.

Lão muốn dụi cây đèn cầy đang cháy vào ngực cô con gái quá, nhưng lão dừng lại. Dưới ánh sáng, cả hai đang ôm nhau như một cặp vợ chồng mới cưới ngủ mê man, khuôn mặt bình yên thỏa mãn như những đứa trẻ vừa no sữa. Cái miệng của cô con gái lại hình như đang mỉm cười.

Lão chửi thầm trong bụng. Mẹ, cái con trời đánh thánh đâm này phải cho ngựa dày mới xứng. Tháng trước người ta đồn đại nó với viên xã trưởng, tuần trước mình bắt gặp nó với ông cảnh sát làng và mới hôm qua trong xóm nhỏ to rằng nó ngủ suốt đêm ở trụ sở mấy tên Nhân dân tự vệ... Rồi bây giờ nữa.

Một tiếng ầm khủng khiếp như sét đánh làm lão giật mình đánh rớt cây đèn cầy. Rồi liên tiếp những tiếng nổ ghê rợn như đâm vào tai lão, san sát chung quanh và khắp cả. Lão la lên: pháo kích! pháo kích!... và bỏ chạy xuống bếp, đạp tung cánh cửa, sợ hãi làm lão lết nhanh ra vườn và cuối cùng cũng chun được vào hầm trú ẩn ở gần cầu tiêu. Tiếng đạn bay réo như chuông kêu trên đầu và xóm làng nhỏ bé như nhảy múa trong những ngọn lửa đỏ cháy tung lên.

Một lúc sau có từng tràng đạn pháo binh phản pháo nổ ầm ĩ, hỏa châu thả sáng rực trời ở những đồn trại. Trên trời đen, trực thăng bay rầm rầm chúc đầu xuống, họng súng đại liên phun những lằn sáng đỏ rực, uốn cong lượn như con rồng lửa.

Đến sáng trận pháo kích chấm dứt. Một nửa nhà cửa dưới chân núi bị thiêu hủy. Nặng nhất là ở chợ và dãy nhà sát bên, trong đó có quán của lão già. Tất cả chỉ còn là những ngọn khói ngùn ngụt cháy trên những thanh gỗ bị thui đen như củi bếp.

Lão già nhanh chân xuống hầm nên chỉ bị trầy trụa qua loa ở đầu gối và trên trán. Quán nhỏ của lão lãnh trọn một quả trái phá.

Người lính và cô gái vì phải luống cuống mặc áo quần, không kịp chạy ra hầm nên đều bị thiêu cháy đen. Cô gái còn lại chiếc vòng vàng nơi cổ tay dập nát.

Cũng may là người lính đã tiêu hết tiền lương. Anh chỉ còn lại chiếc thẻ bài.


HOÀNG NGỌC TUẤN    

(Trích từ tập truyện ngắn Nhà Có Hoa Mimosa Vàng, nxb An Tiêm 1972)
 

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

HÓT ĐI CHIM MÙA XUÂN - Tuyết Oanh

 

mầm chán nản chớ len vào niên thiếu
Chớ len vào sớm quá tội em mà!
em nghe như ngày ấy hãy còn xa
em chầm chậm để mong còn xa mãi
hãy là hoa xin hãy khoan là trái
hoa nồng hương mà trái lắm khi chua.
 
TÔN NỮ THU HỒNG

Sa thuộc lòng mấy câu thơ dễ thương của T.N.T.H. như một bài kinh nhật tụng, tuổi của Sa đang vỗ cánh bay đi và Sa đang ngước nhìn theo, chới với. Sa vẫn nghe có một chút gì đổ vỡ trong hồn, mình mười bảy tuổi rưỡi rồi sao? Sa có còn là Sa năm nào? Sa có còn là Sa thuở ấy? Sa yêu dĩ vãng như yêu mắt Sa. Sa yêu quá khứ vàng son như nụ cười Sa tươi tỉnh. Triều vẫn thường hét vào tai Sa, tuổi của Sa đẹp nhất đời người, Sa còn rầu rĩ râu ria làm chi nữa. Không, Sa không buồn, Sa không rầu nhưng Sa hụt hẫng, hụt hẫng như người đang đi trên con đường bằng phẳng, bỗng dưng vấp một hòn đá, chúi nhũi.

Sa là một cô bé ngang tàng và đầy mâu thuẫn. Huyên rên lên như thế. Đúng, tất nhiên, Sa có chối cãi bao giờ đâu, Huyên. Sa mong mình mãi là con chim Oanh đậu trên cành trung học nhưng cũng có lúc Sa thèm bay đi, xa thật xa, quên mất mình, quên mất người. Nhìn thiên hạ lìa trường, ôm hành lý, Sàigòn, Singapore, Newyork... Sa thèm nhỏ dãi, Sa hay nghĩ quẩn nghĩ quanh trên con đường từ nhà đến trường, Sa dệt tương lai, Sa mơ quá khứ, trường cách nhà mấy trăm bước cũng chẳng cần biết. (Mà bước của Sa đâu có đều nhau, khi chậm, khi nhanh, khi chùng, khi tiến). Con đường nắng đổ, thiếu vắng bóng cây, Sa đơn độc một mình với nhiều ý nghĩ quái gở. Huyên nhiều lúc bắt gặp, anh nhìn Sa thương hại: "Ai biểu Sa đi chậm chi, bạn bè bỏ quên Sa... dọc đường nắng bụi. Tội nghiệp Sa!". Sa nghinh mặt lên, bướng bỉnh: - Tại Sa thích đi một mình. Sa thích, anh biết chưa? Đừng lừa mình dối người, cô nhỏ. Sa dậm chân, Sa thích thế mà. Sa chẳng thèm lừa dối ai cả. Ừ, thì Sa thích. Bướng vừa thôi, nhóc ạ.

Những cô nhỏ trán cao thường bướng bỉnh, cứng cổ, rắn đầu. Thiên Dung bảo vậy. Hôm chở cô nhỏ bằng cady, con đường Nha Trang - Diên Khánh dài ngút mắt. Sa mệt mỏi hét lên, tê tay quá, mi muốn té một chút cho đời lên hương không? - Bằng cách nào? Sa mỉm cười buông hai tay - Bằng cách này êm đẹp nhất! Kết quả cả hai ngã lăn trên đường nhựa, trầy chân trụa tay. Thiên Dung cười nhe chiếc răng khểnh. May quá, đường vắng hoe. Dung sợ thiên hạ bảo mình khùng. Sa ngơ mặt: - Người khùng có quyền hành động như vậy sao? Thật sung sướng thay cho những kẻ khùng! Dung bảo đáng lẽ Sa chẳng nên mang chữ "Thị" vào cái mỹ danh của mình. Sa cũng nghĩ thế. Ba má đặt tên chẳng chịu... hỏi ý kiến Sa. Gì mà Trần thị Sa, quê quê làm sao ấy. Sa không xứng đáng mang hai chữ Trần Thái... như anh Lộc, anh Huyên sao? Dòng Trần Thái bỏ quên mất tên Sa. Buồn buồn muốn mua chai xá xị uống... tự tử quá ba à.

Huyên hỏi Sa có Love story chưa? Kể Huyên nghe với, Sa lắc đầu thật tình. Sa yêu thơ Tôn Nữ Thu Hồng. Sa yêu tuổi thơ và Sa rất sợ mất nó. Thế sao thiên hạ khen Sa viết chuyện tình thơ mộng? Ông nhà văn nào đó chưa có chuyện tình thì viết chuyện tình mới thơ mộng. Sa nhầm trường hợp đó chăng? Sa lắc đầu. Thiên hạ cao hứng khen thế thôi. Truyện của Sa viết chả ra cái quái quỉ chi hết.

Huyên làm Sa nhớ tới Thiều, tên con trai tóc dài như tóc người tiền sử, mắt to như mắt con gái, má lúm đồng tiền, mũi thanh tú. Hắn y chang như con gái. Hắn bạn thân của Thiên Dung và hình như tính tình hắn giống hệt Thiên Dung. Ngông nghênh và kiêu hãnh. Thiên Dung quảng cáo, hắn đàn giỏi, hát hay, vẽ đẹp, chụp ảnh rất tài và biết trùm mền rửa phim, hắn hỏi Sa nghĩ thế nào về hắn. Sa bảo hắn in hệt mấy cô gái trong tranh hắn vẽ. Hắn bậm môi cố nuốt "căm hờn".

- Nhưng tôi có một vài "cái tài đặc biệt" làm vui lòng kẻ khác.

- Rất bình thường. Bởi con trai không có biệt tài là con trai vứt đi biết chưa?

Hắn im lặng. Không hiểu sao hắn nói ra câu nào Sa cũng muốn "kê" hắn câu nấy.

- Sa làm thơ nhiều không?

- Tôi không biết làm thơ.

- Sa chỉ biết viết văn?

- Viết văn thì ai viết không được. Chỉ có viết hay và viết dở mới là đáng nói.

Hắn "kê" lại Sa:

- Và Sa viết dở?

- Dĩ nhiên. Bởi thế nên chưa bao giờ tôi khoe tôi có biệt tài múa bút làm vui lòng kẻ khác cả.

Sa kể lại cho Huyên nghe chuyện Thiều, hai anh em đủ thân thiết để Sa trút những ý nghĩ của mình vào tai Huyên. Huyên cười dễ dãi:

- Bây giờ anh hỏi, Sa đừng kê anh nữa nhé?

- Dạ, Sa hứa.

- Tại sao Sa lấy bút hiệu Tiểu Oanh. Tên gì quê rùm.

- Quê kệ Sa, ai mượn anh bận tâm.

- Đừng nóng. Trả lời câu hỏi của anh đi.

- Câu hỏi gì? Sa quên mất.

- Tại sao Sa lấy bút hiệu Tiểu Oanh?

- Anh biết con chim Oanh không, một loài chim đặc biệt, hót rất hay, về mùa xuân. Nên chim Oanh là chim của mùa xuân. Sa sẽ không bao giờ lớn lên, để thấy hoài mùa xuân.

- Đừng quá tương tư tuổi nhỏ, nhóc ạ. Tuổi chớm lớn của Sa không đẹp sao?

- Đẹp. Nhưng Sa không thích.

- Tuy nhiên, Sa vẫn yêu nó chứ?

- Dạ. Bởi vì nó chính là Sa. Sa không yêu Sa thì còn ai yêu Sa nữa?

- Sa yêu Sa, tốt lắm. Nhưng đừng yêu mình thái quá để trở thành ích kỷ, nhỏ nhen.

- Sa biết, nên đôi lúc Sa bỏ quên Sa, quên những lời nhỏ to của thiên hạ.

- Rồi thiên hạ sẽ hiểu Sa.

Sa ngước lên:

- Sa không cần ai hiểu Sa cả. Một mình Sa hiểu Sa, đủ rồi.

- Sa sống cho riêng mình, chỉ một mình?

- Sa có đang ở trên hoang đảo đâu anh. Sa cũng như mọi người, không ai sống hoàn toàn đời mình, Sa đang sống cho và sống vì kẻ khác. Nhưng Sa không cần họ biết Sa đang sống cho và sống vì họ, bị ràng buộc bởi họ, những người chung quanh Sa.

- Anh hiểu Sa.

Và Huyên vuốt tóc Sa, nụ cười độ lượng.

- Sa đang còn là con chim Oanh đậu trên cành trung học. Đừng quá ưu tư về đời sống. Hãy nghĩ rằng đời sống vẫn rất dễ thương. Và Sa hãy hót đi, con chim mùa xuân thân yêu của mọi người.


TUYẾT OANH     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Ngọc số 157, ra ngày 5-4-1975)

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

CHUYỆN HAI NGƯỜI - Hoàng Ngọc Tuấn

 

MỌI chuyện xảy ra vào những ngày cuối năm. Nhân vật chính là đàn bà. Và đây là một câu chuyện tình, bởi vì đối với một người đàn bà, họ còn cái gì đáng kể ngoài tình yêu?

Chúng tôi quen nhau ở sân trường Văn khoa lúc trời gần tối, bọn sinh viên tan học đã bỏ về gần hết, ngoại trừ những kẻ chăm học đang chen lấn nhau mua ‘‘cours’’, giành giựt còn hơn là mua vé Đại nhạc hội. Đông Lan là một trong đám người hăng hái mua chữ nghĩa ấy. Còn tôi thì không, tôi đã bỏ trường này sau vài kỳ thi rớt và không còn đủ điều kiện để tiếp tục học nữa.

Đông Lan là một cô gái rất đẹp, đối với riêng tôi thì có lẽ không nên tiết kiệm lời tán tụng gì nữa, nàng tuyệt diệu nhất trong đám sinh viên của suốt buổi chiều nay. Giữa những màu áo sặc sỡ trông đến chóng mặt, chiếc áo dài màu nâu của nàng thật mất hút, chìm xuống nhưng cũng nỗi bật nhất trong đám đông.

Tôi hơi ốm và nhỏ con, nhưng dù sao chen lấn để lấy giùm cours cũng hiệu quả hơn nàng nên tôi quen nàng thật dễ dàng. Đôi ba câu chuyện thích thú mở đầu liền, đầu óc lờ mờ của tôi cũng vẫn còn nói đến một vài chuyện dính dấp đến sách vở nên chẳng mấy chốc chúng tôi trở nên thân thiết ngay.

Nàng nói nàng học Việt văn, đã có một chứng chỉ ‘‘văn chương quốc âm’’ gì đó. Nàng lại thuộc loại học gạo, có thể đọc cho tôi nghe vài câu thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du, còn tôi thì chẳng thuộc lấy một đoạn thơ Kiều nào ngoại trừ một câu mở đầu ‘‘trăm năm trong cõi người ta’’ mà tôi thường ngâm nga khi chán đời.

Khi sân trường chỉ còn lại có hai đứa và lão già gác dan, tôi đưa nàng ra cổng trường. Nàng hỏi:

- Anh làm nghề gì ?

- Cựu sinh viên.

Nàng mỉm cười:

- Đó cũng là một nghề nghiệp sao ?

- Vậy nếu cô muốn tôi là gì, tôi sẽ là thứ ấy. Tính tôi rất uyển chuyển.

Nàng tỏ vẻ không tin.

- Anh tài tình quá nhỉ. Nhưng nếu Lan muốn anh là thầy giáo được không ?

- Được chứ. Nhưng sao lại chọn cho tôi nghề đó?

Nàng có vẻ ngần ngại, thoáng quan sát tôi một chút thật nhanh với đôi mắt trong của nàng như muốn biết tôi có phải là kẻ đáng tin cậy không. Rồi nàng nói :

- Vì nếu như thế, anh sẽ là đồng nghiệp của Lan.

Tôi hơi ngạc nhiên. Nàng có vẻ tươi tắn và dịu dàng quá, tôi vẫn in trong đầu óc hình ảnh của bà giáo lớp mẫu giáo đầu tiên của tôi, đó là một bà sœur mặt nhăn nheo, kính cận thị dầy cộm.

Nhưng thời thế có lẽ đã đổi thay một cách vui vẻ hơn rồi, tôi đành nghiêng mình thán phục:

- Rất hân hạnh được quen với một cô giáo xinh đẹp và lỗi lạc nhất trên đời.

- Trời ơi nói gì ghê thế ? Lan chỉ dạy lớp 6 ở cái trường nhỏ tí xíu dưới tận Bình Long cơ mà.

Bình Long là tên một tỉnh lỵ nghe thật xa lạ với tôi, có lẽ nó ở gần biên giới Việt Miên là ít. Nàng gật đầu xác nhận điều đó nhưng nói thêm rằng ở đấy khá an ninh và chỉ cách Saigon nửa ngày xe đò thôi. Rồi nàng hỏi tôi dạy ở trường nào. Đối với một cô giáo như nàng tôi biết mình không thể nói dối quanh co được.

Tôi đành thú thật:

- Tôi là ‘‘gia sư’’ môn Anh Văn cho một cậu nhỏ con nhà giầu, nhưng trước kia thôi, tôi bị cho nghỉ việc.

- Sao thế ?

- Giản dị lắm. Tôi học English For Today book 2 trong lúc dạy Book 1 cho học trò. Cậu bé ấy lại thông minh ghê gớm, nó học nhanh như chớp sang đến cuốn thứ hai mà tôi thì không kịp học cuốn ba. Thế là thầy trò bằng nhau. Thầy đương nhiên bị tống cổ.

Nàng bật cười, hàm răng nàng trắng đều trông thật hấp dẫn, nhất là khi răng nàng khẽ cắn vào môi, tôi mường tượng như nàng đang cắn lấy môi tôi. Nhưng dĩ nhiên điều thú vị đó đâu có xảy đến quá nhanh chóng như vậy được.

Nàng và tôi đều không có xe, hai đứa tự động tản bộ trên lề đường về phía thành phố. Tôi thầm mong nàng đừng nhớ gì đến con đường dẫn về nhà nữa, cũng như tôi đã quên nó mất rồi, quên tất cả mọi thứ khi bên cạnh nàng.

Trời tối hẳn, điện đường bật lên nhưng cũng không đủ thắp sáng đại lộ rộng lớn đầy hàng cây tàn lá âm u. Tôi hỏi nàng vài chuyện thông thường, nàng nói nàng chỉ thỉnh thoảng mỗi tuần một lần lên Saigon lấy ‘‘cours’’, ngày thường nàng ở dưới Bình Long với một người cô, nàng có một chỗ dạy tại trường Trung Học tỉnh lỵ với số lương tháng vừa phải. Và nàng không hỏi gì về tôi hết, điều nàng làm tôi thấy dễ chịu hết sức vì đỡ phải nói dối thêm.

Khi đến phố, tôi mời nàng vào tiệm nước ở góc đường phố chính. Nàng nhận lời không một chút khách sáo.

Nàng và tôi, cả hai đều đến cái tuổi không còn chờ đợi gì ở nhau những lời mời mọc tán tỉnh giả dối. Đôi mắt nàng thật trong, to, có những ánh sáng say đắm nhưng cũng hết sức thẳng thắn khiến tôi sung sướng. Tôi đã đóng kịch quá mệt trong đời rồi, giờ đây tôi muốn có một người bạn thông minh đến nỗi có thể lột mặt nạ của tôi, như thế tôi sẽ sợ hãi mà để nguyên bộ mặt thật của tôi. Dầu là một khuôn mặt tệ hại đến thế nào chăng nữa, như râu ria lởm chởm và nhiều mụn, thì ít ra nó cũng xuất hiện trước nàng một cách thoải mải dễ dàng. Không hề phải khổ công làm cho méo mó gì cả.

Tôi uống bia và gọi cho nàng kem dâu, vì tôi muốn thấy đôi môi hồng của nàng ướt mọng phớt trên miếng kem lạnh, những cái mát êm ngon lành nên đặt bên cạnh nhau. Dầu đây là một quán nước có gắn máy lạnh, có bồi già thắt nơ đen trịnh trọng và những con số ghi trên giấy tính tiền thường khi vẫn nhảy vọt rất đáng ngán nhưng hôm nay thì tôi có đủ tiền. Tôi không phải lo gì cả, tôi uống thêm bia để hơi men có thể làm cho tôi ăn nói hoạt bát thêm một chút. Tôi cũng vui thích khi thấy nàng ăn một chiếc bánh ngọt có một quả mứt trái cây đỏ.

Thật kỳ lạ, khi đêm xuống với đám người dạo phố nhởn nhơ ngoài kia, bên trong quán chỉ có lẻ tẻ vài người khách, dường như tôi cảm thấy rằng chỉ có nàng và tôi là hai người duy nhất sung sướng trong thành phố rộng lớn này, còn tất cả mọi người đều mang một vẻ mặt đưa đám buồn bã dầu họ có cười toét miệng đi nữa.

Tôi nói với nàng điều đó và nàng khẽ động đậy đôi môi, chưa thành một nụ cười nhưng có vẻ chế diễu, đôi mắt nàng lóng lánh cho biết nàng cũng đang đầy ắp niềm vui như tôi. Tuy nhiên, tất cả những thứ đó đều chỉ là vấn đề dự đoán và tưởng tượng. Tôi không biết chắc được, tôi phải từ tốn đi theo con đường dẫn đến thân ái một cách chậm chạp.

Tôi nói:

- Cái chữ ‘‘cô Lan’’ nghe dài dòng quá, tôi bỏ bớt một tiếng, chỉ gọi bằng Lan được không?

- Có ai cấm anh đâu.

- Nhưng mà... chữ ‘‘Lan’’ cũng hơi dài. Gọi tắt bằng ‘‘em’’ thôi nhé.

Bàn tay đang cầm thìa gõ long cong vào ly của nàng bỗng dừng lại. Má nàng hơi đỏ hồng nhất định không phải vì ngọn đèn trong quán. Nàng nhìn thẳng vào mắt tôi dò hỏi như muốn biết tận đáy tim đen của tôi. Tôi không cần che dấu điều gì, tôi nhìn nàng âu yếm như muốn bộc lộ hết cảm tình của tôi dành cho nàng.

Nàng trả lời nhỏ:

- Tùy anh, nhưng những cách xưng hô có thể đem lại điều gì đâu.

- Chưa đến cái gì cả, chỉ mới bắt đầu...

Nàng hơi nheo mắt tinh nghịch :

- Bắt đầu điều gì ?

Tôi uống thêm một hớp bia, người tôi nóng bừng nhưng chắc chắn không phải vì men rượu. Tôi châm một điếu thuốc lá nhưng lóng cóng làm đánh rơi hộp diêm. Rồi tôi quả quyết nói với nàng rằng tôi yêu nàng. Có lẽ hơi vội vã nhưng tôi biết ‘‘chắc chắn’’ là tôi yêu nàng.

Tôi không có nhiều thì giờ để thắc mắc, phân tách về tình yêu, cho đến nay đã hơn hai mươi tuổi tôi cũng không hiểu tình yêu là cái quái gì. Nhưng giờ đây, ngay trong quán nước, máy hát đang chạy bản Limelight trình tấu bằng dương cầm, trong khói thuốc lá mờ mịt làm mắt tôi cay đỏ, trong lúc người bồi mặt cau có chờ tính tiền, trong tiếng ly rơi vỡ toang của một người khách say rượu ở bàn bên cạnh… Trong tất cả những thứ đáng chán đó, tôi biết tôi yêu nàng.

Chỉ có thế. Rất dễ, đơn giản vì chỉ có một chữ. Nhưng cái tiếng thô sơ ngắn nhất ấy đã chạy qua biết bao nhiêu con đường dài dằng dặc trong những mạch máu quanh co của tôi mới đến trái tim, rồi nó phải chạy nước rút một cách hăng hái đến cửa miệng, và bây giờ đã say sưa phát ra thành lời nói.

Đông Lan lúng túng lặng thinh, nàng có vẻ ngạc nhiên nhưng không kinh ngạc, thế là cũng được rồi. Chiếc bánh ngọt bỏ dở trên bàn, cả ly kem tan lần ra thành nước. Tôi thèm một hớp bia nhưng vẫn không hề cử động một chút gì. Thật là chỉ có những kẻ quá phàm phu tục tử mới còn bụng dạ nghĩ đến chuyện ăn uống trong giây phút linh thiêng này.

Sự yên lặng kéo dài thật đáng kính nhưng cũng làm ngột ngạt quá. Tôi phải nhắc lại lời nói của tôi và sẵn sàng nhắc đi nhắc lại cả triệu lần cái câu nói kỳ diệu đó.

Lời yêu thương, nó đóng lại những hàng rào lạnh lùng ngăn cách, đột ngột mở tung ra cả một thế giới tuyệt đẹp, say sưa và đầy ý nghĩa dành cho chúng ta.

Nhưng nàng hình như không còn nghe được một lời nào. Nàng dùng ngón tay nhúng vào nước vẽ những hình thù mơ hồ tan loãng trên mặt bàn. Máy hát bỗng thay một dĩa mới, ồn ào chói tai thật khó chịu và những lời của tôi tưởng chừng như biệt tăm tan biến trong bầu âm thanh hỗn độn ấy.

Tôi phải gọi người bồi đưa giấy tính tiền. Trong lúc gã đứng chờ đợi, tưởng chừng tôi sẽ nhanh chóng lấy tiền ra trả, tôi mượn mảnh giấy dễ ghét chằng chịt những con số đó để viết lên mấy chữ to tướng ANH YÊU EM. Nàng cắn môi, đọc ba chữ ấy một cách chậm chạp như thuở lên năm mới đánh vần chữ quốc ngữ đầu tiên.

Người bồi đằng hắng giọng khó chịu. Mặt gã dài ra chờ đợi tiền nước và thêm tiền ‘‘buộc boa’’. Gã thật tệ, gã không biết thưởng thức những câu chuyện tình gì cả.

Tôi đành trả tiền và đưa nàng ra khỏi quán. Người thâu ngân viên lấy lại giấy tính tiền để làm sổ sách, trên đó cả ba chữ ‘‘anh yêu em’’ cũng bị gã lấy mất đi. Nhưng đâu hề gì, tôi biết những chữ ấy đã thuộc về tôi và nàng mãi mãi rồi, nó đã nằm sâu trong da thịt, chẳng bao giờ phai nhạt được.

Đêm đó chúng tôi nắm tay nhau đi qua biết bao nhiêu con đường không còn nhớ tên, dần dần rời bỏ trung tâm thành phố quá đông đảo người dạo chơi và những hàng quán đầy người ngồi chen chúc. Về khuya, gió hơi thoáng lành lạnh mặc dầu Saigon là một xứ nhiệt đới, nhưng dù sao, mùa xuân cũng sắp đến rồi.

Tôi không biết phải nói điều gì cả. Bàn tay tôi siết chặt lấy tay nàng nhỏ nhắn và ấm áp, thân hình mảnh khảnh của nàng dựa sát vào vai tôi. Hình như chúng tôi cùng nhận thấy rằng không cần phải ba hoa thêm một lời nào nữa. Chỉ một tiếng là đủ, và giờ đây im lặng trong mùi hương từ tóc nàng làm tôi bàng hoàng sung sướng.

Cả hai lặng lẽ tìm những con đường nhiều bóng tối và tàng cây khuất hơn. Một công viên có bồn nước bắn những tia lòa xòa trên trời, vài chiếc ghế đã đặt gần bên nhưng đã có những cặp nhân tình nhanh chân chiếm chỗ.

Tôi đưa nàng rẽ vào một con đường nhỏ, khúc đường có lẽ bị cúp điện, như thế thật tốt, ánh sáng huy hoàng của văn minh đôi lúc thật dư thừa. Tôi cần bóng tối, tôi yêu mến bóng tối.

Thật tuyệt diệu khi tôi và nàng không nhìn thấy rõ mặt nhau, nhưng thật ra tôi thấy nàng hiện ra trọn vẹn bao phủ lấy người tôi. Không cần đôi mắt, chỉ cần một tâm hồn lặng yên nghe ngóng, bàn tay run, mũi hít thở hương đàn bà nồng nàn, nàng như tan vào lòng tôi rồi.

Dừng lại sau một góc cây, mái tóc nàng ngã vào vai tôi, thân hình mềm nóng tựa sát vào tôi. Tôi siết chặt nàng như muốn kết hợp cả hai trở thành một hạt bụi vào thời nguyên thủy. Tóc nàng thơm ngát trong bóng đêm mùi bồ kếp. Tôi thì thào :

- Cho anh hôn tóc em.

- Chỉ tóc thôi nhé...

Tôi vùi đầu trong tóc nàng, rồi môi lướt qua chiếc cổ và đôi má. Nàng kêu lên:

- Anh nói chỉ hôn tóc thôi mà...

- Bởi vì tóc em ở gần má quá.

Sau cùng, vì má nàng chẳng xa đôi môi nàng là bao nhiêu nên tôi không thể dừng lại nữa. Tôi hôn môi nàng. Nàng không còn thì giờ để nói, để cười cho tôi nhìn. Đôi môi nàng đã ngập sâu trong môi tôi, mềm mướt, ngọt ngào, chan chứa nước... Tôi chưa bao giờ biết ai có nụ hôn môi sung sướng đến ngất người như thế. Mắt nàng nhắm nghiền như phần đông phụ nữ khác, tôi cố gắng mở hé mắt để muốn biết nàng đón nhận nụ hôn một cách thật tình hay miễn cưỡng. Và tôi cảm thấy ấm lòng khi biết chắc nàng đã trao trọn mình cho cái hôn gắn bó, thân thể và khuôn mặt nàng vươn lên rạng rỡ, tràn đầy hoan lạc run rẩy như một đóa hoa quỳnh mãn khai trong đêm... Môi hai người không muốn rời xa nhau nữa, những chiếc lưỡi đã quen biết thân thuộc mải miết vuốt ve quấn quýt lấy nhau, trao, đổi, cho, nhận, nuốt hết... những giọt nước đắm đuối đậm đà.

Một ngọn đèn pha của xe cảnh sát tuần tiểu bỗng quét loang loáng đàng xa làm tôi giật mình. Tôi đành gỡ tay nàng ra khỏi vòng lưng tôi, dìu nàng ra khỏi đám cỏ và chỉ còn được nắm tay nàng. Cảnh sát, cũng thật giống như gã bồi quán lúc nãy, họ không thông cảm với những người yêu nhau.

Nàng cúi đầu lặng lẽ, mắt nàng long lanh hơn một chút. Tôi ôm siết lấy vai nàng, và muốn hét lên trong đêm tối vắng lặng này, tiếng hét tuôn trào của hạnh phúc. Tôi rộn ràng muốn la lên thật lớn, rằng tôi sung sướng quá. Tình yêu bừng bừng đập trong lòng tôi, như muốn xẻ vỡ toang da thịt. Dĩ nhiên nàng không hăng hái điên dại như tôi, thỉnh thoảng nàng chỉ ngước mắt nhìn tôi, đôi mắt sâu thẳm hun hút không nói lên lời nào, nhưng chất chứa biết bao nhiêu là tình tứ.

Rồi tôi đưa nàng về nhà, xe taxi phải chạy thật lâu mới ra đến ngoại ô, nơi nhà một người bà con của nàng mà nàng sẽ ngủ lại trong đêm nay. Sáng mai là nàng phải trở lại Bình Long, sẵn sàng với một bài Việt văn gì đó giảng cho học trò.

Tôi đã bẻ kính chiếu hậu đàng trước xe lệch sang một bên để có thể hôn nàng thêm một lần nữa trong băng ghế sau. Nhưng nàng cúi thấp đầu xuống dụi vào ngực áo tôi, tôi cảm thấy áo tôi thấm ướt nước mắt.

Nàng thì thào nhỏ, giọng nói có vẻ rời rạc buồn bã:

- Sáng mai em phải đón xe đò về tỉnh sớm.

- Anh sẽ đi với em.

Nàng lắc đầu, miệng như mỉm cười :

- Rồi sẽ đi đến đâu...

Tôi định nói một câu thật hào hùng: rồi sẽ đi đến bất cứ nơi nào, bất cứ đâu, bất cứ điều gì... Nhưng tôi kịp dừng lại vì nhận thấy câu nói đó thật lố bịch. Nhất là đối với nàng. Mỗi người đàn bà đều muốn chỉ đi trên một con đường êm đẹp bình yên mà thôi, chứ đâu dám lông bông lạc lối trên trăm ngả đường như tôi được.

Khi xe dừng lại trước nhà nàng, một con đường tối tăm không biết nằm ở chặng nào trong xóm này, tôi ôm hôn nàng; lần này nàng không tránh tôi nữa, móng tay của nàng bấu víu nhè nhẹ trên vai tôi. Người tài xế châm thuốc lá kiên nhẫn ngồi đợi. À, đến bây giờ mới gặp một kẻ có tâm hồn!

Rồi Đông Lan mất biệt trong bóng tối và căn nhà nhỏ khuất lấp sau hàng rào cây. Tôi hối hận đã quên hỏi địa chỉ dưới tỉnh của nàng, vì tôi biết chắc chắn tôi sẽ tìm lại nàng, cố tình tìm gặp chớ không thể chờ đợi một cuộc gặp gỡ tình cờ như lần này được.

Áo tôi còn thắm đầy hương thơm, từ mái tóc và da thịt của Đông Lan. Mỗi đêm tôi đều đi tắm trước khi ngủ, nhưng lần này, dầu cho xà phòng Dove cũng không làm mất nổi mùi thơm của nàng đã lắng đọng trong tôi mãi mãi.

*

Tôi yêu Đông Lan quá đi. ‘‘Chắc chắn’’ chứ không còn là ‘‘ hình như’’ gì nữa. Nhờ hình ảnh nàng mà tôi quên được cảnh thiên hạ đang đón xuân nôn nả bên ngoài.

Tôi không còn thấy gì hết những hoạt cảnh chung quanh, thành phố, ánh đèn màu, bạn bè... tất cả đều tan rã, trốn chạy mất tích hết. Tôi chỉ nhìn thấy có nàng, mặc dầu nàng đang ở một nơi xa, dưới tỉnh lỵ nhỏ bé nào đó.

Không có nàng, tôi quay cuồng bồn chồn như một con ngựa rừng. Tôi chui đầu vào những rạp chớp bóng, quán nước, vùi đầu vào đống sách báo, tôi lê la suốt ngày trên vỉa hè, thẫn thờ ngồi dai dẳng trong những quán về đêm... Tôi trở thành lừ đừ ngơ ngáo, suýt bị xe cán mấy lần khi băng qua đường lúc đèn đỏ. Tóm lại, tôi chỉ sống với Đông Lan. Nàng là một thời đại, một xã hội mới đã thâu hút tôi đắm chìm trong đó rồi. Ngoài ra tôi không còn liên lạc gì với thế giới loài người này nữa.

Nếu ở thế kỷ văn minh này, người ta không tin là còn có những ‘‘ cú sét ái tình’’ thì riêng tôi, khi vừa chia tay với Đông Lan, tôi biết chắc là mình đã lãnh đủ ít nhất là năm bảy nhát búa tạ tình yêu hạng nặng đến ngất ngư cả người.

Không cần chần chờ gì nữa, tôi chạy lại hai ba bến xe đò để hỏi thăm đường về tỉnh nàng ở. Cuối cùng, một chiếc xe đò chất đầy hành khách đã khởi hành từ sáng sớm, mang theo tôi ra khỏi Sàigòn, xa dần bụi bặm và tiếng còi xe, tiếng người inh ỏi suốt ngày đêm.

Thị trấn đó nằm bên những đồn điền cao su, không lớn bằng đồn điền ở cao nguyên nhưng cũng khá trùng điệp một màu xanh hoang dã. Không khí cũng êm mát hơn là ở thủ đô. Rời khỏi chiếc xe từ bến gần bên chợ, cả cái tỉnh tôi mới nhìn thấy lần đầu tiên này xác xơ và heo hút như trong phim cao bồi miền viễn Tây. Đất đỏ, chỉ có xe nhà binh thỉnh thoảng chạy qua lại. Trời ban trưa im vắng, dãy phố nhà lẻ tẻ nằm trên con đường cao nhất, từ đó tôi có thể nhìn bao quát hết thị trấn, ở giữa lõm xuống như một thung lũng, nhà cửa lác đác và một công viên trơ trọi chẳng ai buồn ngồi.

Tôi chẳng mang theo hành lý hay kịp sửa soạn một thứ gì hết. Người tôi chỉ có một bộ áo quần đang mặc đã lấm đầy bụi đỏ, trong túi còn được hai ba ngàn bạc, tay cầm một tờ nhật báo xếp tư để che nắng. Chỉ có thế, và tôi loay hoay một hồi trong thành phố lạ mà chẳng biết mình đang đi đến đâu.

Tôi hỏi thăm tìm đến trường Trung học khá dễ dàng vì đây là trường độc nhất trong tỉnh này. Một cô gái nhỏ chừng mười hai tuổi đang cặp sách đi qua tôi, cô bé đánh rơi sách và tôi bèn lượm giùm, cố cười thật tươi cho cô khỏi sợ để hỏi địa chỉ Đông Lan.

Cô bé nói rụt rè :

- Cô giáo Lan mới về nhà rồi.

- Nhà cô ở đâu em biết không ?

Cô bé giương đôi mắt tò mò nhìn tôi :

- Biết. Ông hỏi nhà làm gì ?

- Tại vì tôi là... người quen của cô Lan.

- Quen tại sao không biết nhà ?

Trời ơi, tôi chắc rằng cô bé này là đứa học trò dốt nhất lớp của Đông Lan. Nàng có hay thắc mắc vặn hỏi như thế này bao giờ đâu.

Tôi phải nói láo lếu một hồi để lấy cảm tình cô bé, rồi cuối cùng cũng có một địa chỉ nhưng cái tên đường nghe lạ hoắc. Cô bé phải kéo tôi lên một mô đất cao nhất, đưa tay chỉ vẽ loạn xạ về phía trước, may mà tỉnh này chắc chỉ có ba bốn con đường thôi nên tôi hy vọng sẽ tìm nhà nàng ra được.

Cuối cùng, khi trời đã chiều, tôi cũng đến được trước căn nhà nhỏ ghi đúng theo địa chỉ. Và Đông Lan ra mở cánh cửa, nhìn tôi ngạc nhiên không nói. Trong bộ áo ngắn mặc ở nhà nàng có vẻ mảnh mai dễ thương hơn và chỉ cần chừng đó cũng làm cho tôi không hối tiếc một điều gì cả.

Nàng giới thiệu tôi với người cô của nàng, chỉ có hai người trong căn nhà nhỏ này, trên chiếc bàn con chất đầy xấp bài làm của học trò. Người cô của nàng cũng dễ tính, không tỏ ra thắc mắc hỏi han gì nhiều về tôi. Nhưng tôi cũng kịp nói tôi học cùng trường với Đông Lan, phải về đây lấy gấp giấy tờ còn thiếu của nàng để bổ túc hồ sơ ghi danh cho kịp. Khi người cô của nàng bỏ ra sau bếp, căn phòng nhỏ đằng trước chỉ còn tôi với Đông Lan. Tôi nắm lấy tay nàng, nhưng nàng đã vội tránh kịp.

Nàng hỏi nhỏ :

- Anh về đây làm gì ?

Tôi không biết trả lời làm sao được cả. Tôi cần một ngày trời và một giọng nói to tướng mới có thể trả lời cho nàng được. Nhưng ở đây thì không thể, phải nhớ bà cô của nàng luôn luôn lấp ló sau tấm màn ngăn phòng khách và bếp.

Tôi ấp úng hỏi :

- Em không thích ?

Nhưng nàng đã mỉm cười, cho tôi nhìn thấy cùng một lúc, sự e ngại và hài lòng trong mắt nàng, sau đó chỉ còn là màu mắt âu yếm của nàng mở lớn chan hòa khắp cả. Nàng đứng dậy để lấy chiếc gạt tàn thuốc đẩy về phía tôi, và như thế tôi có thể quàng tay ôm lấy người nàng. Mái tóc nàng còn ướt, hình như mới tắm gội sau một ngày dạy học mệt nhọc, chảy trên mặt tôi. Tôi hôn môi nàng, say sưa và vội vàng, chỉ được nhắm nghiền một mắt đắm đuối, còn mắt kia tôi phải liếc chừng bà cô của nàng ở phòng trong.

Nàng gỡ tay tôi ra, khẽ dí một ngón tay trên trán tôi, và nói :

- Em phải đi đến nhà thờ bây giờ.

- Tối rồi, đâu có ai xưng tội vào giờ này.

Nàng véo tôi một cái đau điếng :

- Anh nghĩ như thế là có tội à...

Nàng nhìn bâng quơ ra đường, nói tiếp với giọng mơ màng :

- Không đâu... Chẳng có tội lỗi gì hết.

Và nàng bỏ vào phòng trong thay áo quần. Nàng mặc một chiếc áo dài màu đỏ sẫm làm tôi ngạc nhiên, nàng cũng trở nên quyến rũ quá khiến tôi nhất định phải đi theo nàng đến nhà thờ mới được. Chúa rất đáng kính nhưng còn những đệ tử của Chúa, như mấy ông linh mục trẻ tuổi, tôi không dám tin cho lắm.

Nàng dặn dò gì đó với bà cô của nàng rồi trở ra ngay, bảo tôi :

- Anh đi với em.

- Dĩ nhiên rồi, anh đâu dám ngồi lại một mình với bà cô em, bà sẽ hỏi chừng hai câu là anh khai thật hết, kể hết mọi chuyện.

Nàng đỏ mặt, có vẽ giận dỗi :

- Chuyện gì ?

- Anh không thể không có em được.

- Thế thì có gì đáng dấu diếm đâu. Anh có dám nói điều đó ra không ?

Tôi buồn buồn trả lời :

- Anh chỉ dám nói với một mình em.

Khuôn mặt nàng trở nên buồn bã, nàng trầm ngâm một lát rồi đi cùng tôi ra khỏi nhà. Nàng cười có vẻ mơ hồ, nhưng lần này tôi biết nụ cười không phải là biểu lộ niềm vui. Nàng ngước mắt nhìn tôi, đôi mắt nàng xa xăm lắm :

- Như thế thì chẳng đi đến đâu cả... Nhưng thôi, đi nhanh lên kẻo người ta đợi em.

Tôi tò mò :

- Em làm cái quái gì ở nhà thờ vào tối nay, chờ Đức Mẹ hiển thánh ?

Nàng nhìn tôi với đôi mắt trách móc làm tôi hối hận xin lỗi nàng. Và nàng giải thích :

- Em ở trong ban Hợp Ca Thánh Đường. Tối nào cũng phải tập dượt để sửa soạn một đêm văn nghệ nhân ngày tất niên.

Nàng làm tôi thán phục quá. Sinh viên học gạo, cô giáo nhiều lương tâm nghề nghiệp, rồi bây giờ là ca sĩ và còn gì gì nữa...

Con đường của thị trấn này ban đêm còn tối hơn bất cứ con đường nào ở Saigon. Ở đây hoàn toàn không có những cột điện đường, xa xa ánh sáng mập mờ từ những mái nhà nào, thỉnh thoảng có vài cặp đèn xe lòa sáng nhỏ nhoi rồi mất hút. Tôi không biết trời trăng gì cả, tôi đi theo sự chỉ đường của nàng. Khi đi băng qua công viên tôi đã thấy hồi chiều, nàng nói đó là công viên Hoàng Hôn, cái tên nghe cũng thơ mộng lắm.

Hai đứa đi chậm rãi, ngả người vào nhau. Chỉ có hai người trong bầu trời tối đen như mực này. Tôi vừa đi vừa hôn nàng, chỉ muốn mọc được những bàn chân rùa. Tấm thân nàng âu yếm trao phó lả người cho tôi. Tôi nói :

- Anh muốn sống chung với em. Bỏ dạy học, bỏ cái tỉnh xỏ xỉnh này, bỏ tất cả đi...

Nàng trả lời tôi bằng một bàn tay siết chặt nóng ran. Tôi hỏi :

- Em có muốn vậy không ?

Nàng gật đầu. Cùng một lúc, tình yêu không một đắn đo của nàng làm tôi sung sướng lẫn đau đớn. Rồi sẽ đi đến đâu ? Yêu nhau, điều này khó lắm nhưng chúng tôi đã vượt qua rồi. Nhưng rồi còn gì nữa?

Một đời êm ấm hạnh phúc, một mái nhà, một khoản tiền đều đặn đủ sống, sự cắt đứt dứt khoát những tham vọng rồ dại... làm sao tôi có thể đối phó với những điều đó được. Thay vì phải nói cái câu đứng đắn cần thiết. Anh muốn cưới em, anh muốn chúng ta là vợ chồng. Tôi chỉ có thể thành thật nói : Anh muốn sống chung với em, muốn yêu em. Tôi biết tôi đủ khả năng về mọi chuyện trong tình yêu, nhưng hôn nhân, vợ chồng, những tiếng ấy không có trong tự điển của tôi.

Tôi ôm nàng trong tay, người nàng như vừa là hơi thở của tôi, vừa xa vời bay biến như một làn hương đêm chẳng biết tỏa ra từ một cánh hoa nào.

Tôi không nói thêm lời nào nữa trên đường đến nhà thờ. Nhưng nàng bỗng hỏi Tết này tôi có về nhà không. Tôi lắc đầu. Nàng nói nàng cũng thế, mẹ nàng tận ngoài Huế, nàng chỉ được nghỉ dạy có mấy ngày và một tháng tiền lương cũng không mua nổi một chiếc vé máy bay khứ hồi.

Nàng đưa tôi vào sân nhà thờ, vườn đất trống trải không một bóng người. Nàng tiến đến một căn nhà nhỏ ở phía sau nhà thờ, ánh đèn sáng trưng và tiếng hát những bài thánh ca vọng ra. Nàng nói:

- Anh vào chơi luôn.

- Thôi, anh ngồi ngoài đây chờ em.

Nàng ngần ngừ một lát rồi bỗng nhiên hôn tôi, cái hôn nóng hổi dưới bóng Thánh Giá trên nóc giáo đường. Rồi nàng bỏ tôi, chạy vào trong phòng tập hát.

Tôi tìm một mô đất cao, chung quanh là những lùm cây và cỏ dại. Tôi ngồi xuống, trong bóng tối có lẽ trông tôi cũng không khác gì một gốc cây mới bị đốn, chẳng ai nhận ra được. Mắt tôi đăm đăm nhìn về phía khung cửa đầy ánh sáng.

Trong chốc lát, tiếng hợp ca bỗng bừng lên ào ạt từ căn phòng nhỏ. Giọng thanh thoát của bầy thiếu nữ chen lẫn trong tiếng ồm oàm của một người đàn ông, chắc là của vị linh mục trưởng ban văn nghệ. Tôi nhận ra được tiếng hát nhỏ nhoi của nàng trong đó, những nét nhạc rộn ràng tươi tắn của mùa xuân vang lên reo vui trong bóng tối lặng thinh.

Tôi muốn khóc. Tôi biết chờ đợi những gì ở mùa xuân... Nàng biết chờ đợi những gì ở tôi. Không có điều gì cả, không ai cho nhau được gì cả. Tôi đã đánh mất những đêm giao thừa ấm cúng trong cảnh gia đình, nôn nao nhìn nồi bánh chưng bốc khói. Rồi nàng cũng sẽ mất tôi vì tôi là người chỉ biết nói những tiếng vội vàng, ngắn hạn, chỉ có thể hoạch đinh cho một ngày, một đêm chứ chưa bao giờ dám hứa, dám vẽ ra cả một ngày mai, một đời trước mặt.

Tôi thương nàng và tôi quá. Chúng tôi mới ngoài hai mươi, đang ở cái tuổi thường được gọi là tuổi xanh tươi đẹp nhất, cái tuổi trong sách nói là ngập tràn hoa bướm mộng mơ. Nhưng chúng tôi có được những gì ? Nàng phải dạy học bù đầu sáu ngày trong một tuần, số lương chỉ đủ mua vài cuốn sách và gởi về một ít cho mẹ nàng.

Còn tôi ? Nha Động Viên đang réo gọi bên tai mỗi ngày. Chỉ còn được một tháng nữa là tôi phải đi lính. Mang ba lô súng đạn nặng nề và bị đẩy đến một đồn trại, một mặt trận xa xôi nào. Bắn vào ai và bao giờ thì bị bắn, bao giờ trở về và đến lúc nào thì chẳng bao giờ trở về nữa.

Nếu tôi không chịu đi lính, một người trốn tránh có thể nào sống giữa thành thị đầy cảnh sát và những đòi hỏi tiền bạc này. Có văn phòng, có sở làm nào thâu nhận một người thiếu giấy tờ hợp lệ quân dịch. Dĩ nhiên là tôi cũng có nghề riêng để kiếm ít tiền, đó là thỉnh thoảng viết một vài bài lảm nhảm đăng báo, và sau đó chạy mệt phờ người khắp các tòa soạn để lấy tí tiền. Những ông chủ nhiệm mặt mũi trịnh trọng khó khăn, những ông thơ ký tòa soạn đáng yêu khi ẩn khi hiện không tài nào bắt gặp được, những bà quản lý luôn luôn quên bóp tiền ở nhà... vân vân...

Tôi bỗng bật cười sặc sụa. Cười ra nước mắt, thật đấy... không phải là sáo ngữ gì đâu. Tính tôi thích bông đùa cho vui nhưng lần này tôi nói thật đấy. Nước mắt chảy mặn xuống trên môi đang mở miệng cười của tôi.

Tiếng hát trong nhà vẫn vang lên trầm bỗng dìu dặt, âm thanh cao quí như thoát lên trên những ràng buộc phiền muộn của trần gian. Nhưng cuộc đời đâu phải chỉ toàn là những nhạc khúc êm đềm. Tôi biết, thế nào cũng có một đêm khuya khoắt Đông Lan sẽ hát khe khẽ cho một mình nàng nghe với giọt nước mắt trên gối.

Tôi bỗng len lén đi đến bên cánh cửa sở, suy nghĩ một lúc rồi đột nhiên hét lớn vào căn phòng :

- ANH YÊU EM !

Tiếng hợp ca dừng lại lập tức như một chiếc xe thắng gấp. Có tiếng người trong nhà lao xao kinh hoàng, tôi đoán vị Linh Mục đang làm dấu thánh giá để quên đi lời tỏ tình man dại ấy giữa một nơi thiêng liêng như thế này.

Trước khi có ai mở kịp cánh cửa, tôi đã bỏ thoát chạy mất hút trong bóng tối, ra khỏi nhà thờ, không ai nhìn thấy tôi cả.

Và Đông Lan, nàng cũng không bao giờ nhìn thấy tôi được nữa, nhưng cần gì một cuộc gặp gỡ nào khác.

Những gì tôi muốn nói với nàng, tôi đã nói hết rồi. Nhưng những gì tôi muốn đem đến cho nàng, tôi không đủ điều kiện làm được.

Những câu chuyện tình bao giờ cũng đẹp, trừ đoạn cuối. Bởi thế tôi phải bỏ đi nửa chừng trước khi đến hồi kết cuộc. (1)

--------------------------------

(1) Sau những ngày chiến tranh đẫm máu tại An Lộc (Bình Long) trong năm 72, ai biết tin tức gì về cô N. T. N. Lan, giáo sư trường Trung học Bình Long, xin làm ơn cho chúng tôi biết gấp. Đa tạ. (H-N.Tuấn).