Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

A-LI-BA-BA VÀ BỐN MƯƠI TÊN CƯỚP (II)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Trời gần về chiều, Cao Vân vẫn ngồi khóc mà không thể nghĩ ra được kế gì để thoát thân.

Bỗng bọn cướp ở đâu kéo về. Tới cửa hang, chúng thấy mười con lừa của ai buộc bên gốc cây thì ngạc nhiên và nghi ngờ.

Tên chúa đảng cẩn thận rút kiếm ra khỏi vỏ, rồi đứng trước cửa hang gọi lớn:

- “Hỡi Thanh-Cần, hãy mở ra!”

Cao Vân đang ngồi im lặng, bỗng nghe thấy tiếng ồn ào như tiếng chân ngựa phía ngoài, rồi lại có tiếng gọi “Thanh-Cần” thì hốt hoảng, than:

- “Thôi, số ta đã tận rồi!”.

Cao Vân định bụng khi cửa hang mở ra là chạy trốn.

Vừa lúc đó tảng đá nứt ra, Cao Vân vội vã lao đầu chạy ra ngoài.

Nhưng rủi thay, hắn ta đâm đầu vào bụng tên cướp đang đứng trước cửa hang khiến hắn té nhào.

Tên chúa đảng ra lệnh:

- Hãy bắt trói nó lại.

Cả bốn mươi tên cướp cùng hè nhau lại trói nghiến Cao Vân vào một gốc cây. Rồi chẳng cần phải hỏi tội, một ánh đao sáng lóe lia đứt cổ Cao Vân, máu phun ra xối xả.

Rồi cả bọn kéo xác Cao Vân vào trong hang. Chúng thấy những bao vải của Cao Vân để ngổn ngang thì thu gọn lại, rồi mở một cuộc họp bất thường.

Tên chúa đảng nghiêm giọng nói:

- Mấy chục năm sanh sống trên đất này, những hành động của ta không hề một ai hay biết. Nay có một thằng vô danh này không hiểu tại sao lại vô được đây?

Bốn mươi tên cướp liền chia nhau đi kiếm khắp các khe, hốc trong hang xem có chỗ nào mà Cao Vân có thể vào được chăng, nhưng tuyệt nhiên chẳng có dấu vết gì. Còn phía hốc đá ở đỉnh núi thì cao chót vót không có ai vào nổi. Chẳng lẽ Cao Vân lại biết được câu thần chú để mở cửa hang hay sao?

Rồi cả bọn bàn tán sôi nổi mà chẳng có đứa nào tìm ra nguyên nhân.

Sau cùng, tên chúa đảng nói:

- Theo đúng điều luật của đảng, khi kẻ nào phạm vào sao huyệt của ta thì sẽ bị xẻ làm bốn. Vậy các bạn hãy thi hành và mang thây ra phơi ngoài cửa hang.

Một tên bàn:

- Nếu chúng ta phơi thây hắn ra cửa hang thì mai kia có thể có người sẽ khám phá ra sào huyệt này. Chi bằng chúng ta cứ bỏ xác ở trong hang còn hơn.

Tên chúa đảng gật đầu:

- Được, nhưng chúng ta phải xa sào huyệt này một thời gian để cho mùi hôi thối bay đi hết rồi hãy trở lại hội họp.

Cả bọn cùng thuận theo lời tên chúa đảng. Chúng chia nhau xẻ xác Cao Vân ra làm bốn mảnh, rồi vùi trong hang trước khi lên đường. Chúng lại tiếp tục những cuộc cướp bóc ở các nơi để lần lần mang vàng bạc, châu báu về cất trong hang.

Buổi tối hôm đó, vợ Cao Vân ngóng đợi chồng ngoài cổng hồi lâu mà không thấy tin tức gì. Đến nửa đêm, chị ta cũng không thấy bóng dáng chồng với mười con lừa đâu cả.

Vợ Cao Vân lo sợ cho tính mạng của chồng, thao thức suốt đêm chờ sáng.

Sáng hôm sau, vợ Cao Vân dậy thật sớm, sang nhà A-Li-Ba-Ba để nhờ chàng đi kiếm anh trai.

A-Li-Ba-Ba vốn tính ngay thẳng, hiền lành, được tin chị dâu báo liền tức tốc dắt lừa vào rừng tìm anh.

Khi tới cửa hang đá, A-Li-Ba-Ba không thấy anh cũng như mười con lừa đâu cả.

A-Li-Ba-Ba để ý nhìn trước cửa hang thấy có vết máu thì nghi ngờ có chuyện chẳng lành xẩy ra cho anh mình.

Chàng liền gọi thần chú để mở cửa hang.

Vừa bước vào trong, A-Li-Ba-Ba chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp: Anh chàng bị chặt làm bốn, máu còn lênh láng trên mặt đất!

Dù trước đây, Cao Vân có đối xử tệ với A-Li-Ba-Ba nhưng giờ đây đứng trước xác anh, A-Li-Ba-Ba cũng không thể nào cầm được nước mắt. Chàng khóc lóc thảm thiết vì mất đi một người thân trong gia đình.

Một lát sau, A-Li-Ba-Ba gạt lệ, thu xác anh cho vào một cái bao, rồi lấy hai cái bao khác chất đầy vàng bỏ lên lưng lừa. A-Li-Ba-Ba cẩn thận phủ một lớp cỏ khô trên lưng lừa cho mọi người không để ý, rồi dắt lừa  ra về.

Tới nhà, A-Li-Ba-Ba giao cho vợ hai bao vàng cất kỹ, rồi chàng mang chiếc bao chứa thi hài Cao Vân sang cho chị dâu.

Vừa tới cổng, A-Li-Ba-Ba gặp con đầy tớ tên là Thanh Lan ra mở cổng. A-Li-Ba-Ba liền dẫn con đầy tớ ra một chỗ vắng, kể lại câu chuyện mà chàng được chứng kiến trong hang. Chàng còn dặn nó phải giữ kín.

Thanh Lan vốn là một đứa đầy tớ tinh khôn và có nghĩa với chủ, vì vậy nó hứa với A-Li-Ba-Ba là sẽ không nói cho ai biết cả.

Rồi Thanh Lan chạy vào thuật lại chuyện xẩy ra cho chủ nghe. Vợ Cao Vân được tin lăn lộn than khóc thảm thiết.

A-Li-Ba-Ba lo sợ chạy vào nói:

- Chị đừng than khóc mà lộ chuyện, lúc đó bọn cướp sẽ đến đây sát hại hết chúng ta. Cũng chỉ vì anh Cao Vân quá hám lợi nên mới xẩy ra thế này. Chị hãy phao tin là anh Cao Vân bị cảm mà mất. Phần tôi và con Thanh Lan sẽ lo liệu chôn cất cho anh Cao Vân được mồ yên mả đẹp. Tôi hứa là sau này sẽ cưới chị làm vợ, tôi sẽ để chị hưởng sự sung sướng như hồi anh ấy còn sống. Còn vợ tôi thì không ghen tuông đâu. Hai người sẽ sống với nhau hòa thuận như chị em ruột vậy.

Vợ Cao Vân trước hoàn cảnh này không biết nói sao. Hơn nữa, chị đang lo sợ không biết phải sống thế nào thì A-Li-Ba-Ba sẵn sàng cưới chị làm vợ, lại cho hưởng sự giàu sang mà khi chồng chị còn sống chị còn chưa được hưởng.

Bàn luận một hồi lâu, A-Li-Ba-Ba sai con Thanh Lan ra hiệu thuốc gọi cửa mua một gói thuốc cảm, nói là Cao Vân đang bị bệnh nặng.

Sáng sớm hôm sau, Thanh Lan lại ra hiệu thuốc với dáng buồn bã, nói với ông chủ hiệu thuốc bán cho một viên thuốc hồi sinh.

Nó còn giả bộ nói:

- Nếu uống viên thuốc này mà không có kết quả thì chủ tôi ắt không qua khỏi.

Những người hàng xóm thấy con Thanh Lan tất tả chạy đi mua thuốc, rồi vợ chồng A-Li-Ba-ba mỗi ngày tới nhà Cao Vân mấy lần, thì họ đều đoán là do bệnh của Cao Vân. Rồi một hôm, người vợ và con đầy tớ bỗng khóc lóc thảm thiết. A-Li-Ba-Ba chạy tới thăm hỏi rồi loan tin cho mọi người biết là Cao Vân đã từ trần.

Sáng sớm ngày hôm sau, con Thanh Lan vội vã chạy tới nhà một ông thợ đóng giầy ngay đầu phố. Nó chào hỏi một cách lễ phép và đặt vào tay ông ta một đồng tiền vàng.

Ông lão nhận được một đồng tiền vàng thì mừng rối rít hỏi Thanh Lan:

- Con muốn đóng giầy ư?

Thanh Lan nhỏ nhẹ nói:

- Cụ ơi! Cháu định mang đôi giầy đến đây nhờ cụ chữa giúp, nhưng lỡ để quên ở nhà rồi. Vậy cụ làm ơn tới nhà cháu khâu giúp có được không?

Ông lão thấy Thanh Lan có nhiều tiền, và tử tế quá nên ông ta sốt sắng mang kim chỉ ra đi ngay.

Đi được một quãng, Thanh Lan nói:

- Cụ ơi! Con mới nghĩ ra một trò chơi này nhờ cụ giúp, chẳng hay cụ có bằng lòng không?

Ông lão hỏi:

- Con muốn bầy trò chơi gì vậy?

Thanh Lan nói:

- Bây giờ cụ giả làm người mù, con bịt mắt cụ lại rồi dắt cụ  về nhà.

Ông lão ngạc nhiên nhìn Thanh Lan vì tưởng nàng điên, xong ông cụ hỏi:

- Sao con lại nghĩ ra trò chơi gì mà kỳ lạ như vậy?

Thanh Lan đáp:

- Tính con thích bầy ra những trò chơi vui như vậy. Nếu cụ bằng lòng chiều con thì con xin biếu cụ một đồng tiền vàng nữa.

Ông lão tuy hay nghi ngờ mọi chuyện, nhưng nghe thấy Thanh Lan hứa tặng một đồng tiền vàng thì tươi mặt lại. Ông ta nghĩ:

- “Chắc là con bé này có nhiều tiền không biết là gì cho hết nên bày ra trò chơi này cho vui đây. Thôi được, ta cứ nhận lời giúp nó để mà lấy tiền. Nó con con nít làm sao mà hại được mình”.

Thế là ông lão bằng lòng. Thanh Lan lấy khăn bịt mắt ông ta rồi dẫn đi.

Về tới nhà, Thanh Lan dẫn ông lão vào buồng, nơi để xác Cao Vân rồi mở khăn ra.

Ông lão thấy một xác chết bị chặt làm bốn mảnh đang nằm trước mặt mình thì kinh hãi muốn hét lên. Thanh Lan thấy thế vội bịt miệng ông ta lại rồi nói:

- Cụ hãy bình tĩnh lại! Hãy lấy kim chỉ ra khâu xác chết này cho liền rồi cháu sẽ trọng thưởng. Nếu cụ mà trái lời thì không thoát nơi đây. Hơn nữa, nếu cụ làm như vậy là đã ban phúc cho một người.

Rồi Thanh Lan móc trong túi ra một đồng tiền vàng nữa trao cho ông lão thợ giày.

Ông lão nhận tiền rồi nghĩ thầm:

- “Ta đã lỡ nghe theo con nhỏ mà tới đây, nếu trái lời thì cũng không xong. Chi bằng cố gắng khâu lại xác chết kia rồi lấy tiền thưởng, như  vậy tánh mạng còn mà lại được ơn nữa”.

Rồi ông lão cố gắng chịu đựng, ngồi xuống vá những miếng thịt liền lại với nhau.

Một lát sau, công việc xong xuôi. Thanh Lan đưa cho ông lão một nắm tiền vàng rồi bịt mắt dẫn đi.

Đi được một quãng, xa nhà chủ rồi Thanh Lan mới cởi chiếc khăn bịt mắt ông lão ra rồi bảo ông ta trở về.

Trời mới mờ sáng, chưa nhà nào mở cửa nên không ai biết chuyện ấy cả.

Sau khi ông lão đi, Thanh Lan lại khôn ngoan, nấp một chỗ chờ ông ta đi khuất hẳn rồi mới trở về nhà. Nó sợ ông ta tò mò theo gót để biết chỗ ở của nó.

Về đến nhà, nó thấy vợ chồng A-Li-Ba-Ba đã đun xong nước thơm rưới lên xác Cao Vân và đặt vào quan tài rồi.

Ngay sáng hôm ấy, đám tang cử hành. Gia đình A-Li-Ba-Ba và vợ Cao Vân tỏ vẻ buồn rầu, khóc lóc thảm thiết. Bạn bè và hàng xóm sang chia buồn và đưa đám rất đông.

Hai ngày sau, A-Li-Ba-Ba dọn sang ở nhà Cao Vân và cho mọi người biết sẽ lấy vợ Cao Vân.

Không ai ngạc nhiên và dị nghị về điều đó vì theo tục lệ nước Đào Sơn, khi anh chết, em lấy chị dâu là chuyện thường.

Thế rồi mỗi đêm, A-Li-Ba-Ba về nhà cũ của mình để chuyển dần vàng bạc sang nhà mới. Chàng chuyển cho đến khi số vàng bạc ở hai nhà bằng nhau. Bây giờ con trai lớn của A-Li-Ba-Ba đã khôn lớn, có thể tập sự buôn bán rồi, chàng trao cho nó trông nom cửa hàng của Cao Vân.

Thời gian trôi qua, A-Li-Ba-Ba sống trên tột đỉnh của hạnh phúc.

Thấm thoát, đã đến ngày bọn cướp trở về hang đá giấu của.

Khi vào hang, bọn cướp đều ngạc nhiên vì không thấy xác của Cao Vân đâu cả và khi kiểm soát, lại thấy các bao chứa vàng bạc đều vơi đi khiến chúng tức giận vô cùng.

Tên chúa đảng hét ầm lên:

- Khốn nạn thật! Đã một đứa biết chỗ giấu của và câu thần chú để mở cửa hang của chúng ta bị giết rồi, nay lại còn đứa khác nữa vào được hang lấy mất bao nhiêu vàng bạc của chúng ta. Chúng ta phải tìm bằng được nó, băm nó thành trăm ngàn mảnh mới được. Công lao mình dành dụm bao nhiêu lâu, nay nó ở đâu đến nẫng tay trên thì tức thật.

Ba mười chín tên kia nhao nhao lên:

- Đại ca nói đúng lắm. Phải tìm giết ngay nó mới giữ được nguyên vẹn kho tàng. Phải thanh toán vụ này trước rồi hãy tiếp tục đi cướp.

Tên chúa đảng đặt kế hoạch:

- Của mất thêm mà xác tên trộm cũ cũng mất, tất tên trộm mới này cũng liên quan đến tên trộm cũ. Các bạn! Chúng ta phải cử người giả dạng lái buôn vào thành phố xem có đám ma nào khả nghi trong mấy ngày vừa qua không. Nếu mà có, phải dò xét cho tường tận rồi trở về báo cáo ngay để ta hoạch định mưu kế!

Một tên cướp bước ra xin đi.

Tên chúa đảng nói:

- Bạn đã biế rằng, theo luật lệ đảng ta, ai không hoàn thành sứ mạng đều bị trừng phạt đấy chứ?

Tên cướp đáp:

- Luật lệ đảng tôi biết rõ! Nếu không hoàn thành việc này, tôi xin chịu chết.

Trả lời xong, tên cướp đi thay quần áo. Trong bộ quần áo mới trông hắn chẳng khác nào người lái buôn giầu có. Khi trời tối hẳn, hắn khởi hành.

Sáng sớm hôm sau, tên cướp đến một đầu phố. Các cửa hiệu còn đóng im ỉm, duy chỉ có một cửa hiệu đã mở cửa. Đó là cửa hiệu của lão thợ giày. Ông ta đang ngồi khâu trong ánh sáng lờ mờ.

Thấy lạ, tên cướp đến gợi chuyện:

- Chào cụ! Sao cụ dậy sớm thế? Mà sao cụ đã già rồi còn khâu được lúc trời chưa sáng rõ như thế này?

Lão thợ giầy ngước mắt nhìn người lạ ăn mặc sang trọng, ngỡ là một phú thương từ xa đến buôn bán nên ân cần mời ngồi rồi trả lời:

- Ấy, tuy tôi già thật nhưng nhờ trời mắt tôi còn tinh lắm. Trong phòng tối tôi còn khâu được nữa là ở đây.

Tên cướp cười chế nhạo:

- Ai điên gì mà khâu trong phòng tối cơ chứ?

Ông lão điềm nhiên trả lời:

- Tôi nói dối làm gì. Mới đây có người dẫn tôi vào một phòng thuê khâu một xác chết bị chặt làm bốn đoạn mà chỉ trong nháy mắt là tôi khâu xong.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét