Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

BẠN TÔI NHÀ VÔ ĐỊCH


Năm ấy, thần tượng của tôi là Buồn Xo. Đó là một thằng bạn người Thượng học cùng lớp, tên thật của nó có lẽ phải viết là B.Sor mới đúng, nhưng mọi người trong trường đứa thì kêu là Bờ-Xờ, đứa kêu Bê S… lung tung cả. Cuối cùng, không ai bảo ai, tất cả đều quyết định gọi tên thằng này là Buồn Xo cho tiện, nhất là có vẻ Việt Nam một chút.

Thằng Buồn Xo thật trái với cái tên bi quan ấy. Nó chẳng bao giờ biết buồn là gì, miệng luôn luôn toét ra cười khoe hàm răng trắng nhởn như hình ông Chà-và trên hộp kem đánh răng, Buồn Xo đen như gỗ cháy vì nó thuộc một bộ lạc “Gia-Rai” hay “Ê-Đê” gì đó, nói tiếng Việt nhanh như gió vì nó đã học đến lớp Đệ Tứ trường Lasan. Có lẽ trong “buôn” nó, Buồn Xo là thằng “trí thức” nhất và rất nhiều hy vọng sau này sẽ là tù trưởng.

Nhưng dĩ nhiên nếu Buồn Xo chỉ có vài đặc điểm đó thì làm sao mà thành thần tượng của tôi được. Điểm xuất sắc của nó ở chỗ khác: Ở sân vận động. To con nhất trong lớp, khỏe như cọp, lanh lẹ như một con báo, dai sức như con voi, Buồn Xo là vô địch luôn mấy môn trong những cuộc tranh tài thể thao.
Nhất là vào dịp Tết, ở xứ Ban Mê Thuột buồn tẻ này người ta tổ chức rất long trọng nhiều cuộc đấu sôi nổi giữa các tuyển thủ của các trường Trung học trong tỉnh, thằng Buồn Xo lại càng chói sáng hơn nữa. Trường Lasan nhờ có Buồn Xo mà năm nào cũng đem về bày ở văn phòng Hiệu trưởng vô số “cúp” vô địch.

Năm nay cũng thế. Vô địch học sinh về môn bơi lội: Buồn Xo. Vô địch chạy bộ: Buồn Xo. Vô địch nhảy cao, nhảy dài: cũng Buồn Xo. Bọn tôi chỉ mất chức vô địch môn bóng chuyền và bóng tròn về tay đội cầu trường Công Lập. Còn cái môn gay go nhất và được bọn học trò hâm mộ nhất là bóng rổ thì vài ngày nữa mới biết kết quả.

Chung kết bóng rổ, Lasan đụng đầu với một địch thủ đáng ngại nhất là trường người Hoa Tinh Văn. Có lẽ tỉnh nào cũng thế, trường người Hoa luôn luôn vô địch về môn bóng rổ, vì học trò trường người Hoa được huấn luyện đều đặn và có phương pháp về môn này, bóng rổ là môn thể thao “Vua” của các trường người Hoa. Năm ngoái ở Ban Mê Thuột trường Tinh Văn đoạt giải vô địch như mọi người đã đoán trước, trường Lasan đứng hạng nhì. Năm nay, bọn tôi quyết định phục hận. Nhất là thằng Buồn Xo, nó đã lớn thêm một tuổi, cao thêm vài phân, mắt ốc bươu của nó sáng hơn một chút và đôi tay dài ra như vượn, Buồn Xo uống rượu cần thề với tôi là năm nay, nó sẽ thả vào lưới dễ như đi chợ mua trứng đặt vào rổ.

Vì tất cả những điều kể trên, mỗi năm cứ đến gần Tết là thằng Buồn Xo càng được trường o bế chiều chuộng. Nó là “hạt ngọc đen” vô giá của trường. Môn hạnh kiểm trong sổ Thông Tín Bạ của nó được điểm tối đa. Môn giáo lý 19/20 mặc dầu thằng này không bao giờ thuộc hết một bài kinh Kính Mừng, và làm dấu thánh giá luôn luôn lộn vai trái với vai phải. Nhưng mấy giáo sư được “mật lệnh” của “Frère” hiệu trưởng, theo lời đề nghị của “Frère” Bernard,nhà dìu dắt thể thao của trường, là phải làm mọi cách để thằng Buồn Xo lên tinh thần trong những ngày quan trọng này. Tháng này Buồn Xo sẽ được xếp hạng từ mười đến hạng nhất mặc dù mới tháng trước nó đứng thứ 59/60 (thằng đứng thứ 60 nằm bệnh viện vì sốt rét rừng).

Vào những ngày cuối năm, các giờ học buổi chiều được bãi sớm hơn thường lệ một giờ. Tiếng chuông tan học vừa reo là cả bọn trong lớp đồng loạt ồ lên nheo nhéo như ong vỡ tổ:

– Buồn Xo ! Buồn Xo !

– Mau ra xem Buồn Xo biểu diễn!

Buồn Xo chỉ nhe răng ra cười. Nó xếp sách vở vào cặp một cách chậm rãi với dáng điệu lừ đừ của một nhà vô địch chính cống. Cả bọn, trong đó dĩ nhiên có cả tôi nữa, xúm lại công kênh Buồn Xo ra khỏi lớp. Lát sau bọn tôi vây kín sân bóng rổ xem Buồn Xo tập dượt. Thôi thì đủ kiểu. Nào là chạy một mạch từ xa đến rồi nhảy lên thẩy bóng vào lưới, nào chạy theo sát góc sân, nhảy lên, không cần nhìn rổ, ném bóng một tay bay xiên tà tà vào lưới, nào là ném “vòng cầu”, dội mạnh xuống sân rồi dội ngược lên rơi vào rổ. Cú sở trường và đẹp mắt nhất của Buồn Xo là xoay lưng lại với lưới, nhảy dợm như đưa bóng cho ai rồi xoay mình vòng lên cao tung banh vào lưới nghe một cái “rột”. Không biết đến lúc đấu ra sao, chứ bây giờ xem Buồn Xo biểu diễn, thật ngon lành như đặt trứng vào rổ.

Sau buổi tập dượt, cả bọn lại vây thằng Buồn Xo bắt nó thề lại sẽ phá lưới đối thủ nát như giẻ rách. Có thằng còn lau mồ hôi cho Buồn Xo, tôi thì đãi nó một ly “xirô” và đậu xanh bánh lọt.

Trận chung kết quyết định cuối năm làm tôi mất ăn mất ngủ.

Một ngày trước khi có trận đấu, Buồn Xo đến nhà tôi. Nó đứng ngoài cổng, kêu tên tôi thật nhỏ nhưng ở trong nhà vẫn nghe rõ như tiếng trống:

– Tí Rừng, ra đi tắm với tao!

Trời mùa xuân ở miền núi rét lạnh thật khó chịu mặc dù tôi đã quen thuộc với khí hậu này nhiều năm rồi. Thế mà bây giờ Buồn Xo lại hứng rủ đi bơi. Tôi cảm thấy ớn lạnh, cái mục này không hấp dẫn và thích hợp chút nào cả.

Tuy thế, tôi vẫn phóng nhanh ra với Buồn Xo. Đã bảo nó là thần tượng số một của tôi mà. Và là bạn thân thiết nữa, trong lớp tôi “gà” cho nó bài luận văn và toán, ngoài sân nó làm huấn luyện viên chỉ dẫn cho tôi chơi tất cả những môn thể thao.

Trong khi Buồn Xo nắm tay tôi lôi đi, tôi càu nhàu:

– Trời lạnh như vậy mà đi tắm “pít-xin” mày điên à.

Nó bĩu môi:

– Tao không thấy lạnh. Ở nhà sáng nào tao cũng nhảy xuống suối lặn xuống tận đáy.

– Nhưng hôm nay mày phải giữ sức. Mai là đấu rồi. Đi bơi rủi mày bị vọp bẻ hay mệt ngày mai làm sao chơi lại!

Buồn Xo đưa cánh tay hộ pháp của nó lên gồng một cái, lắc đầu:

– Tao là vô địch bơi lội mà. Mày đừng lo.

Đi chơi kể ra bao giờ cũng thú hơn ở nhà. Tôi vội vào lấy chiếc xe đạp của tôi đèo Buồn Xo đi đến “pít-xin”.

Cái hồ tắm duy nhất ở tỉnh này cũng thật độc đáo. Không cần có hệ thống bơm nước riêng gì cả, hồ tắm xây ở một nơi thấp, ngay dưới con suối, thác nước từ trên cao chảy xuống tự động chảy vào hồ, chỉ có một tấm rào sơ sài chắn lá cây, gỗ mục. Người ta lợi dụng nước suối chảy đầy quanh năm để cho vào hồ, bởi thế mỗi khi trời mưa, nước suối đỏ đục ngầu trông thật dơ bẩn và nước trong hồ tắm cũng dơ y hệt như thế. Ở cuối hồ tắm, có một chỗ tháo nước ra cho mấy người đàn bà Thượng làm nơi giặt quần áo. Thật tiện lợi.

Mình trần trùng trục, chỉ mặc một chiếc quần ngắn, tôi khom mình đứng trên bờ hồ run lập cập, gió núi thổi mạnh làm tôi nổi da gà. Cho tiền tôi cũng không dám nhảy xuống nước. Nhưng Buồn Xo đã từ sau lưng tôi len lén đẩy tôi ngã nhào xuống nước. Nó cười hì hì thật đáng ghét trong khi tôi phải cắn răng cố cử động chân tay thật mạnh để chống cái lạnh.

Rồi Buồn Xo phóng mình xuống hồ thật đẹp mắt. Nó khoát nước vào mặt tôi ào ào, rồi bỗng nói:

– Đố mày ngày mai tụi mình thắng không ?

Tôi hăng hái đáp :

– Chắc chắn. Ăn thua ở nơi mày, Buồn Xo. Mày phải nhớ năm ngoái trường mình bị thua.

– Tại tụi nó chơi xấu tao quá. Tụi nó cho hai thằng lỳ nhất đeo dính tao như đỉa, nhưng năm ngoái mình cũng thua có một trái.

Tôi lên mặt “Ông bầu”:

– Ngày mai tụi nó cũng đeo dính để chơi xấu mày, không chừng có đến ba đứa “lo” riêng cho mày. Nhưng mày phải cố thoát đi mới chì chứ. Thúc cùi chỏ vào bụng tụi nó cho tao.

Buồn Xo gật đầu, nó hỏi tôi:

– Mai mày có được thi đấu không?

Tôi hãnh diện gật đầu:

– Được. Frère Bernard ghi tên vào danh sách đội tuyển rồi, nhưng tao ở toán “xơ cua” phòng hờ.

– Lo gì. Chơi bóng rổ hay đổi người lắm. Đợi vài phút là có thằng mệt đừ hay bị thương, mày sẽ được thay.

Tôi bơi vào bờ, mơ màng thích thú. Tôi là thằng rất mê chơi thể thao nhưng môn nào cũng dở cả. Năm nay là lần đầu tiên Frère Bernard xếp tôi vào danh sách tuyển thủ bóng rổ cho trường, dầu tôi là thằng kém nhất đội và chắc cùng lắm người ta mới cho tôi vào thi đấu. Nhưng tôi chỉ muốn có thế, chỉ cần được có thế, chỉ được chơi vài phút trong trận chung kết quan trọng này, chỉ cần toát mồ hôi ướt áo một chút cho ra vẻ, chỉ mong thằng Buồn Xo đem chiến thắng về cho đội nhà là tôi cũng được thơm lây.

Buồn Xo mách kế cho tôi :

– Nếu mày có chơi chung với tao thì tốt. Tao với mày hợp “giơ” hơn. Khi nào tao đem banh xuống, mày cứ lén một mình chạy đứng gần rổ. Tụi nó sẽ ào lại vây tao, không ai để ý đến mày đâu! Lúc đó tao sẽ làm bộ cố xông vào thẩy banh vô lưới, nhưng rồi tao sẽ giao bóng cho mày. Chắc không còn thằng nào cản mày hết, mày chỉ việc nhắm cho trúng và bình tĩnh thẩy banh vào lưới. Dễ như ăn cắp trứng gà.

Tôi sung sướng gật đầu. Tôi mường tượng đến trận đấu ngày mai, chiến thuật của Buồn Xo thế mà có lý, biết chừng đâu tôi sẽ là thằng ghi điểm nhiều nhất cho đội nhà.

Tôi leo lên bờ, kêu Buồn Xo:

– Thôi về là vừa. Hôm nay tao phải giữ sức. Tao đâu có “dai phông” như mày.

Buồn Xo cũng nhanh nhẹn bay lên, nhưng nó nói:

– Khoan về nhà đã. Tao với mày lên trường.

– Giờ này đâu có ai ở đó. Chiều nay trường mình nghỉ mà.

Buồn Xo có vẻ lúng túng, nó ngập ngừng nói:

– Không phải trường mình. Tao muốn đến trường bà “xơ”.

Trường bà “xơ” là trường sát bên cạnh trường tôi, có nhiều nữ sinh đẹp nhất tỉnh. Tôi ngạc nhiên:

– Đến đó làm gì?

Bộ mặt đen như nhọ chảo của Buồn Xo hơi ửng đỏ trông thật kỳ lạ. Nó cúi đầu không dám nhìn tôi, lí nhí nói:

– Tao muốn… ngắm… bọn con gái một chút.

Tôi như vừa từ trên cung trăng rơi xuống. Thằng Buồn Xo hôm nay làm tôi ngạc nhiên hết sức. Mặc dầu nó là thằng lớn tuổi nhất trong lớp, theo phong tục người Thượng ở tuổi đó là có vợ đến hỏi cưới rồi, nhưng lâu nay tôi có bao giờ thấy Buồn Xo để ý gì đến chuyện con gái đâu, hắn chỉ suốt ngày say mê với mấy quả bóng chứ đâu thèm liếc mắt tới bọn con gái lần nào.

Có lần tôi chỉ cho nó xem một đứa con gái có mái tóc kiểu “búp bê” rất xinh xắn, nó nói: cái đầu con đó nhỏ hơn trái bóng rổ một chút. Khi tôi trầm trồ người nàng thật dịu dàng mỏng manh, Buồn Xo phê bình: Chân gì như ống tre, chạy không hết nổi cái sân banh đâu…

Thế mà, bây giờ…

– Đi với tao một lần đi… Tí Rừng! Đi một mình tao sợ lắm.

Buồn Xo lại xuống giọng năn nỉ.

Tôi nhún vai, không thèm thắc mắc gì thêm cho mệt và gật đầu. Buồn Xo hí hửng ra mặt. Nó hăng hái dành lấy “ghi đông” xe đạp, đèo tôi phóng nhanh không biết mệt, mặc dù đường đi từ hồ tắm đến trường toàn là lên dốc cao khúc khuỷu.

Lát sau, đến trước trường bà “xơ”, bọn tôi dựa xe đạp vào gốc cây ngồi lên chờ giờ tan trường. Tôi liếc sang Buồn Xo nhưng nó quay mặt tránh đi.

Chuông reo vang, bầy nữ sinh ùa ra, áo sơ mi trắng với “jupe” xanh tụi nó tung tăng đầy đường trông đến hoa cả mắt. Trái với Buồn Xo, những vụ ngắm con gái như thế này đối với tôi rất thường, tôi không phải chỉ mê thể thao không thôi. Nhất là trường bà “xơ”, tôi có mê một “đứa” tên Mai Ly, nó là con một ông thầu khoán ở cạnh nhà tôi. Láng giềng với nhau bao giờ cũng có lợi, ngày nào Mai Ly cũng thấy tôi phóng chiếc xe đạp láng bóng hiệu Dura nên dần dần nó cũng quen mặt tôi, thỉnh thoảng nó còn bĩu môi cười với tôi chỉ một thoáng nhanh như làn chớp bỏ chạy vào nhà.

Tôi mặc kệ Buồn Xo đang thẫn thờ chiêm ngưỡng nàng tiên nào của nó. Tôi chăm chú tìm Mai Ly trong cả hàng trăm đứa con gái mặc đồng phục giống nhau. Mãi lúc chỉ còn thưa thớt người, tôi mới thấy Mai Ly, nó ôm cặp trước ngực lững thững băng qua đường, đến chỗ chiếc xe jeep màu nâu của ông bố đang đợi sẵn. Trước khi Mai Ly lên xe tôi đành phải huýt gió một tiếng nho nhỏ. Mai Ly quay đầu lại, nó đã nhận ra tôi và mỉm cười thật nhanh rồi chiếc xe jeep rồ máy chạy với một tốc độ mà không có tay đua xe đạp nào theo kịp. Tôi chỉ kịp nhìn thấy lọn tóc cột bằng dây cao su của Mai Ly lắc qua lắc lại như vẫy tay chào tôi. Đối với tôi, một cuộc “gặp gỡ” như thế là quá đủ rồi, đủ sung sướng và hãnh diện quá rồi, tôi cảm thấy khoái chí giống như thủ môn bắt được một quả “pê-nan-ti” mạnh như búa bổ giữa tiếng vỗ tay vang dội.

Tôi quay sang thằng Buồn Xo, kiêu hãnh nói:

– Mày thấy “con nhỏ” vừa cười với tao không?

– Thấy.

– Tên nó là Mai Ly, ở sát bên nhà tao đó. Đẹp không?

– Quá đẹp.

Tôi nhếch mép cười theo dáng điệu của một người đào hoa chính hiệu, rồi thì thầm bí mật với Buồn Xo:

– “Của” tao đó.

Buồn Xo im lặng không nói gì. Nó hình như không thấy vui sướng gì trong chuyện đi ngắm con gái này, mặc dù trước đó chính nó là người rủ rê tôi… Mấy ngày nay, cứ hồi hộp lo lắng về trận đấu chung kết, tôi quên bẵng đi hết mọi chuyện, quên cả những buổi chờ Mai Ly tan trường về.

Buồn Xo trầm ngâm nói nhỏ:

– Thôi tao về. Mai gặp lại.

– Ừ đêm nay mày nhớ đi ngủ sớm lấy sức. Cấm không được uống rượu cần hay nhảy múa hát hò gì hết.

Tôi bỗng nhớ ra một chuyện liền hỏi Buồn Xo:

– Trong “buôn” mày còn có bà phù thủy nào không?

– Hết rồi. Tụi tao “văn minh” rồi mày. Mày hỏi làm gì?

– Nếu còn bà nào thì nhờ bà làm phép cho tụi mình ngày mai thắng trận. Hay làm phép mấy hình nộm giả làm bọn đối thủ, rồi cắm vào giò mỗi đứa một mũi tên, mai tụi nó sẽ đi cà nhắc mà tranh giải.

Buồn Xo chê tôi:

– Mày dị đoan quá. Thôi tao về.

Tôi chào tạm biệt Buồn Xo bằng hai ngón tay chẻ hình chữ V, nghĩa là Victory: chiến thắng.

Đúng bốn giờ chiều ngày tất niên, trận chung kết bóng rổ học sinh Ban Mê Thuột diễn ra tại sân trường Tinh Văn.

Tôi đứng ngồi không yên trong bộ đồ đồng phục tuyển thủ, áo “may-ô” màu xanh nước biển với Lasan màu trắng trước ngực, sau lưng đeo số 7, số thứ tự đó ai cũng biết chỉ là đấu thủ phòng hờ. Nhưng mặc được bộ đồ mới tinh rực rỡ trong những ngày tranh giải vô địch này không phải dễ. Tôi sung sướng lắm rồi.

Khán giả ngồi đầy kín ở những hàng ghế gỗ làm theo kiểu bậc thang.

Trên chỗ ngồi danh dự, tôi liếc thấy Frère Hiệu trưởng đang lau kính cận thị. Đa số khán giả là tất cả nam nữ học sinh trường Tinh Văn đang cười nói vui vẻ vì tin chắc đội nhà sẽ thắng như năm trước. Số khán giả còn lại là học sinh các trường tư thục và dĩ nhiên đông nhất là trường bọn tôi.

Đoàn tuyển thủ trường Tinh Văn đã xếp hàng đều đặn chạy ra sân, đứng theo hình vòng tròn cúi đầu chào khán giả một cách điệu nghệ. Tiếng vỗ tay vang lên đôm đốp từ một nửa số khán giả.

Lát sau, năm tuyển thủ Lasan hăng hái chạy ra, trong đó dĩ nhiên có Buồn Xo, mang số 2. Trong bộ áo tuyển thủ, nhưng trong hiệp đầu tôi sẽ là khán giả, một “ủng hộ viên” to miệng nhất của đội nhà. Tôi kêu tên Buồn Xo thật lớn rồi đưa tay vẫy nó nhưng nó không nhìn thấy. Hai đội bí mật quan sát “xem giò xem cẳng” địch thủ của mình. Tôi thấy đối phương chụm lại bàn tán có vẻ bí mật, chắc tụi nó đang tính kế kềm chặt thằng Buồn Xo.

Sau những thủ tục thông thường diễn ra, như các đấu thủ bắt tay nhau và trao cờ lưu niệm, trận đấu mở màn. Trọng tài tung bóng lên cao kèm theo tiếng còi ré lên, những tuyển thủ trong chớp mắt cử động tay nhanh vùn vụt, màu áo xanh của trường Lasan loang loáng với màu áo đỏ của trường Tinh Văn trông đến hoa mắt.

Tôi trố mắt chờ xem thằng Buồn Xo tung hoành. Trận đấu mới khởi đi, đối phương tấn công tới tấp. Phải công nhận tụi nó có kỹ thuật cao cường, chơi có đấu pháp đàng hoàng và toàn đội linh động nhịp nhàng. Bọn nó mở tỉ số trước, một trái thẩy lọt được hai điểm. Tiếng vỗ tay vang rần. Rồi thêm một trái, thêm một trái, một trái nữa… tiếng hoan hô inh ỏi, mồ hôi tôi đã bắt đầu nhỏ giọt. Tấm bảng ghi số điểm to tướng trước mắt: Tinh Văn: 10, Lasan: 0.

Tôi nóng ruột đứng bật dậy la lên:

– Buồn Xo! Làm bàn đi.

Bọn bạn tôi cũng đồng loạt kêu tên “người hùng” của chúng:

– Buồn Xo! Buồn Xo! Gỡ huề đi.

Trận đấu lại tiếp diễn ào ạt. Đội Lasan ghi được hai điểm đầu tiên, nhưng không phải do thằng Buồn Xo làm bàn. Đối phương vẫn tấn công như sóng tràn, “quân” tụi nó vây chặt thường trực phần đất bọn tôi, thi nhau làm bàn. Lại thêm một trái, một trái…

Mười phút đã trôi qua, số điểm đối thủ bỏ xa bọn tôi: 20 so với 4.

Và cái điều mà tôi không bao giờ ngờ tới đã xảy ra trong chiều nay. Thật bom nguyên tử có nổ trong lúc này cũng không làm tôi kinh ngạc hơn. Nãy giờ Buồn Xo như một cái bóng mờ trên sân, nó chưa thẩy lọt một quả nào cả.

Buồn Xo, “hạt ngọc đen” của đội bóng rổ Lasan, vua phá lưới, thần tượng của trường nhà, con báo gấm của miền cao nguyên v..v… giờ đây bỗng như một đứa trẻ nít ngơ ngác giữa bầy thú dữ. Buồn Xo trông như người thất thần, hồn vía để trên mây, chạy chậm chạy uể oải, vụng về để mất bóng nhiều lần, phạm đủ thứ lỗi sơ đẳng như ôm banh chạy, để bóng trúng vào chân… Nó như không muốn đấu, mặt lừ đừ ngái ngủ, thẩy bóng trật ra ngoài lưới quá xa. Tóm lại hôm nay Buồn Xo chơi dở chưa từng thấy. Tôi nhỏ giọt mồ hôi, kinh ngạc lẫn lo lắng vì Buồn Xo. Đã có tiếng la phản đối từ đám khán giả trường nhà, tất cả đều nhắm vào Buồn X . Frère dìu dắt Bernard như gà mắc đẻ, đứng ngồi không yên.

Đối phương cũng có vẻ ngạc nhiên, vì không ngờ Buồn Xo như người nộm. Chúng không để lỡ cơ hội bằng vàng này, tha hồ tấn công và ghi điểm.

Thủ quân của đội nhà đưa tay lên cao , dí mũi tay phải vào lòng bàn tay trái ra dấu xin trọng tài tạm ngừng trận đấu. Rồi cả bọn bực tức và lo âu vây lấy Buồn Xo hỏi thăm.

Tôi cũng định chạy xuống nhưng một đám học sinh trường tôi đã ùa ra bao kín tò mò nhìn thằng Buồn Xo. Từ xa, tôi trông thấy Frère Bernard nói gì đó với Buồn Xo bằng dáng điệu giận dữ. Mặt nó cứ cúi gằm xuống có vẻ xấu hổ, nó lầm lì lí nhí nói với Frère Bernard những gì tôi cũng không biết.

Bên tôi thay thế một người, nhưng tất cả vẫn còn tin tưởng vào Buồn Xo, nó vẫn có mặt trên sân. Rồi trận đấu tiếp tục. Giữa những tiếng la hét cổ vũ, thúc hối, lẫn la ó phản đối của đám người ủng hộ, thằng Buồn Xo vẫn không khá hơn tí nào. Nó vẫn ngẩn ngẩn ngơ ngơ như một người bị phù thủy “ếm”. Và một khi Buồn Xo không hoạt động hữu hiệu, các đối thủ khác của đội tôi lúng túng như rắn mất đầu, thỉnh thoảng may mắn lắm mới thảy lọt một quả. Đối phương tha hồ đàn áp bọn tôi tơi bời, chúng đã tin là chắc chắn thắng, vừa đấu vừa biểu diễn những pha đẹp mắt giữa tiếng vỗ tay tán thưởng. Hai mươi phút trôi qua, trọng tài thổi còi chấm dứt hiệp đầu. Bảng kết quả ghi Tinh Văn: 44 – Lasan: 20. Xem như mộng vô địch của trường tôi đã tan tành. Nãy giờ tôi hét đến khan cả cổ, bây giờ hình như tôi ứa nước mắt đau đớn.

Đám tuyển thủ mình đầm đìa mồ hôi, uể oải ngồi dài ở một góc sân nghỉ giải lao, nước cam được đem ra nhưng thằng Buồn Xo không buồn uống. Nó ngồi im như tượng đá giữa bọn học trò ủng hộ giờ đây vây quanh thì thào bàn tán và “lên án” nó thật nặng nề:

– Sao bữa nay mày chơi tồi quá vậy Buồn Xo?

– Mày hết gân rồi hả Buồn Xo?

– Buồn Xo ! Mày hết thời rồi.

Bỗng một thằng nào đó hét lên:

– Thằng Buồn Xo làm “điệp viên”! Nó ăn tiền hối lộ của bên kia rồi!

Buồn Xo đứng phắt dậy, nắm cổ họng thằng vừa nói nhưng Frère Bernard đã giằng ra kịp. Vừa lúc thấy tôi chen lấn đi tới, Frère Bernard nói:

– Tí Rừng, hiệp sau em thay cho Buồn Xo.

Tôi cương quyết lắc đầu:

– Không. Thay thằng số 3. Không có Buồn Xo thà chịu đầu hàng trước cho rồi.

Frère Bernard giơ tay lên trời tỏ vẻ chán nản hết sức. Tôi nói:

– Không đâu, Frère. Hiệp sau nó sẽ phục thù cho coi.

Tôi vẫn còn tin tưởng vào thằng bạn quý Buồn Xo của tôi. Tôi đoán chắc là nó vừa bị một chuyện gì xuống tinh thần lắm rồi, có chuyện gì kỳ lạ thế, chứ tài nghệ vô địch của nó đâu phải sa sút dễ dàng như vậy.

Đám khán giả ồn ào đã bị đuổi hết ra khỏi sân. Tôi ngồi xuống bên cạnh Buồn Xo nắm lấy vai nó.

– Sao bữa nay mày kỳ quá vậy Buồn Xo?

Nó cúi đầu không đáp, tôi sốt ruột:

– Sao vậy?

Nó ngước nhìn tôi thật nhanh rồi lại cúi gằm xuống, tôi vừa kịp thấy đôi mắt đỏ au gần như khóc. Nó bỗng nói nhỏ:

– Tao …nhớ quá …

Tôi nổi cáu hét lên:

– Mày nhớ gì ? Mày phải nhớ đến trận đấu một chút chớ. Mày nhớ Frère Hiệu trưởng hứa cho bọn mình cái gì nếu thắng không? Mày có nhớ nếu thua đậm tơi bời như vầy ra Tết bọn mình còn mặt mũi nào đi học lại nữa. Tụi trong lớp sẽ thủ sẵn cà chua phục kích mày cho coi. Tụi nó đã nghi mày “phản bội ” rồi.

Buồn Xo lắc đầu :

– Tao không phản. Nhưng tao không chơi nổi nữa… Tao nhớ quá…

– Nhớ ai ?

Buồn Xo chớp mắt có vẻ ngượng, nó quay đầu đi tránh mặt tôi nhưng rồi cũng trả lời nhỏ:

– Mai Ly.

Hai tiếng mềm mại ấy thốt ra từ cái miệng méo xệch của Buồn Xo như sét đánh vào đầu tôi. Hôm nay không biết là thứ ngày quái lạ gì mà thằng Buồn Xo cứ làm tôi hết kinh ngạc về chuyện này đến chuyện khác.

Tôi nói với vẻ nghi ngờ:

– Tao không tin. Mày mới thấy Mai Ly một lần thôi mà, đâu nhớ dễ dàng như vậy được.

Buồn Xo lặng lẽ lắc đầu, vẻ buồn bã của nó bây giờ làm tôi chợt nhớ lại thái độ trầm ngâm hơi kỳ lạ của nó vào chiều hôm qua, khi thấy Mai Ly cười với tôi. Tôi lặng người trong khi giọng Buồn Xo đều đều bên tai tôi:

– Không …tao biết con đó lâu rồi, chắc trước cả mày, nhưng tao chưa bao giờ được nó cười với tao cả. Hôm tao rủ mày đến trường bà “xơ”, là cốt để nhìn nó một cái.

Tôi cắn môi phân vân, không ngờ thằng Buồn Xo đáng thương này trồng cây si Mai Ly trước cả tôi. Và theo cái câu tôi thường đọc trong tiểu thuyết, thì đây có vẻ là một “mối tình ngang trái”. Hai thằng bạn chơi thân với nhau nhất lại cùng “thương ” một đứa con gái.

Tôi không biết nên nói gì trong lúc này cả. Bộ mặt Buồn Xo giờ đây mới trông thật Buồn Xo… rất hợp với cái tên của nó. Nó bỗng cầm tay tôi, nói như van lơn:

– Mày “cho” tao con Mai Ly “của” mày đi. Rồi tao đổi lại cho mày một cái nỏ với bộ tên quý lắm. Mày là người “Kinh”, mày thiếu gì mấy đứa con gái da trắng khác. Cho tao đi, tao kiếm thêm cho mày một cặp ngà voi nữa…

Tôi bực bội la lên:

– Tao cóc cần cung tên ngà voi gì của mày hết. Tao chỉ cần mình đoạt giải vô địch…

Tôi bỗng nảy ra một ý kiến. Tôi nói nhanh với Buồn Xo trong lúc người nhói đau nhè nhẹ:

– Được rồi, tao sẽ “cho” mày Mai Ly. Với điều kiện vào hiệp sau, mày phải vùng lên đè bẹp đối phương. Trận này nếu tụi mình thắng thì mày sẽ được Mai Ly, tao đi “kiếm” một đứa con gái khác. Nếu thua thì mày đừng hòng…

Mắt Buồn Xo sáng lên, nó nắm chặt tay tôi:

– Mày nói thật không? Mày thề đi!

Tao thề. Thắng trận thì mày sẽ được “vợ”!

Buồn Xo hăng hái:

– Được rồi, tao sẽ phá nát lưới tụi nó trong hiệp nhì cho mày coi. Nhưng mày tìm cách nào cho tao làm quen với Mai Ly…

– Khó gì, tao viết giúp cho mày một bức thư, mày chỉ việc đưa cho nó đọc là nó mê tít mày.

Buồn Xo khoái trá ra mặt, nó đứng dậy vươn vai hú lên một tiếng như người rừng làm cho mọi người đều ngạc nhiên. Bây giờ chính tôi mới mang bộ mặt buồn xo hơn ai hết, nhưng tôi đã nhất quyết “hy sinh”.

Trận đấu tiếp tục, tôi thay thằng số 3, chạy kèm với Buồn Xo. Và khán giả lại thêm một phen kinh ngạc vì Buồn Xo, chỉ có tôi thì không. Buồn Xo như vừa được ban phép lạ hồi sinh, nó biến thành một con cọp dữ không ai ngăn lại nổi. Dẫn banh chạy thoăn thoắt như một con rắn, tấn công chớp nhoáng và làm bài liên tiếp, bóng thẩy vào lưới nghe ngon lành như tiếng pháo. Thằng giữ bảng điểm làm việc không ngừng tay, số điểm của Lasan tăng lên vùn vụt: 20 – 22 – 24 – 26 – 28 – 30… Tiếng vỗ tay của học trò trường nhà vang lên như sấm. Frère Bernard cũng đứng dậy nhảy nhót. Frère Hiệu Trưởng vội vàng làm dấu thánh giá cảm tạ Chúa. Đối phương kinh hoàng nhìn nhau, chúng kêu nhau ơi ới và nói những tràng tiếng bí mật, rồi hai thằng lập tức kèm sát Buồn Xo không rời một phút. Nhưng vô ích, Buồn Xo như vừa được tiêm một mũi thần dược, mỗi trái banh lọt lưới là một bực thang dẫn đến người yêu xinh đẹp của nó. Cái bóng đen của Buồn Xo bao trùm hết sân đấu. Trông nó chạy như gió, tung mình lên cao như một con sư tử, uốn lượn mình trên không như một con đại bàng, và thẩy bóng vào lưới chính xác như nhắm mắt đút ổi vào miệng.

Lasan : 32 – 34 – 36 – 38 – 40! Tất cả đều do thằng Buồn Xo làm bàn.

Bọn đấu thủ trường nhà, trong đó có cả tôi nữa, lên tinh thần kéo rốc tấn công toàn lực.

Bọn tôi chặn được hết những đường giao banh, mỗi khi bắt được bóng, tụi tôi giao nhanh lập tức cho Buồn Xo, nó vẽ vời vài pha ngoạn mục trông cứ như là đấu thủ Harlem rồi lại làm bàn.

Đối phương lùi về thế thủ, và bắt đầu chơi xấu. Trong những lúc tới sát lưới và nhảy lên cào, Buồn Xo đều bị vài thằng địch thủ cùng nhảy lên một lượt, khéo léo thúc cùi chỏ và đầu gối vào bụng nó. Nhưng da thịt Buồn Xo dày cứng như da heo rừng, nó chỉ gồng mình chịu đựng và chỉ chú ý đến vòng lưới. Trọng tài thổi phạt đối phương nhiều lần nhưng thà bị phạt còn hơn để thằng Buồn Xo rảnh tay tung hoành, chúng vây lấy Buồn Xo như đỉa. Nhân cơ hội này, áp dụng đúng chiến thuật “ăn cắp trứng gà” chính tôi cũng được thong thả thẩy lọt hai trái.

Dầu sao , bên “địch” cũng ghi thêm được vài điểm. Tinh Văn: 48 – Lasan: 42… còn mười phút nữa là mãn trận đấu, Buồn Xo lồng lộn như con thú dữ, nó gần như chơi một mình trên sân… Lasan: 44 – 46 – 48… Khán đài vang dậy tiếng vỗ tay, tiếng đập chân và tiếng reo hò đồng loạt:

– Buồn Xo , Buồn Xo. Gỡ huề đi!

Còn một phút, Buồn Xo chơi cú sở trường, xoay lưng vào địch thủ, nhảy lên dợm bóng như đưa cho tôi rồi quay ngược mình lại trên không, quả bóng từ tay nó bắn thẳng đụng vào tấm gỗ vuông, dội chúc xuống lọt lưới…

Buồn Xo! Huề rồi! Thêm một trái nữa, thắng đi!

Tinh Văn: 48 – Lasan: 48… còn chừng 30 giây đồng hồ là mãn cuộc. Buồn Xo lại được bóng, đối phương lại vây không một kẽ hở. Buồn Xo xoay mình như một con chong chóng để tránh những bàn tay địch thủ chực đánh rớt banh, Buồn Xo không thể nào thoát khỏi vòng vây được, nó ném mạnh bóng chui qua háng một đối thủ giao cho tôi, tôi bắt được banh, tim tôi đập thình thịch, mồ hôi tuôn ra và mắt tôi như mờ đi, không thấy vòng lưới của phe địch đâu cả… tiếng Buồn Xo hét lên:

– Làm bàn đi, Tí Rừng!

Tôi sực tỉnh, nhảy người lên tung bóng… nhưng tôi hồi hộp luống cuống quá, quả bóng chậm chạp bay đến trúng vào… vòng sắt miệng lưới dội ngược ra… có tiếng khán giả ồ tiếc rẻ, Buồn Xo nhảy lên cao nhất đoạt được bóng, nó vùng vẫy làm hai đối thủ bám sát phải té ngửa ra sân. Hai thằng khác lại húc vào Buồn Xo, một thằng nóng mặt lì lợm nhảy lên chặt “karatê” vào cánh tay Buồn Xo… Trọng tài đưa còi lên miệng chưa kịp thổi phạt thì Buồn Xo đã tung bóng trước khi ngã xuống sân. “Rột’, bóng đã lọt lưới, cú làm bàn gay go để quyết định chiến thắng đã thành công… Trọng tài thổi còi tan trận đấu, Tinh Văn: 48 – Lasan: 50, bọn tôi chỉ thắng hơn được một trái, phục được “thù” năm ngoái.

Học sinh trường nhà la ó hoan hô chạy tràn vào sân, Buồn Xo được công kênh như một vị thần, “diễu hành” khắp sân… Sau đó đoàn tuyển thủ Lasan được cả trăm học trò trường bảo vệ “hộ tống” cẩn mật dể tránh thêm một trận đấu… võ Thiếu Lâm đáng tiếc có thể xảy ra do con cháu của Đạt Ma Sư Tổ gây ra.

… Niềm vui chiến thắng rồi cũng qua đi, người tôi nhễ nhại mồ hôi, tôi lầm lũi câm lặng chở Buồn Xo về làng nó.

Khi đến trước căn nhà sàn của Buồn Xo, tôi đưa cho nó lá thư tình của tôi viết cho Mai Ly như đã hứa, trong túi tôi lúc nào cũng có sẵn bức thư đó mà chưa lúc nào dám gửi.

Tôi buồn buồn dặn Buồn Xo:

– Mày chỉ việc “tẩy: tên tao ở cuối và điền tên mày vào là xong.

– Mày đợi tao vào lấy cho mày cái nỏ bắn tên hay lắm.

Tôi lắc đầu, gượng cười:

– Tao không thích trò đó. Nhà mày còn… chút rượu cần nào không?

Buồn Xo ngạc nhiên:

– Còn chớ. Nhưng mày lấy làm gì, mày đâu biết uống rượu.
Tôi nói lúng túng:

– Thôi … hỏi cho biết chứ tao sợ rượu lắm. Thôi tao về…

Đêm đó, tôi lén mua một chai bia đem về phòng, ráng nốc hết và say mèm buồn bã, tôi ngủ mê mệt đến trưa mới dậy nổi. Đó là chai bia đầu tiên trong cuộc đời học sinh thể thao lành mạnh của tôi.

Hai ba ngày Tết trôi qua một cách im lìm, đối với riêng tôi. Tôi đến trường một mình, còn nghỉ học nên trong sân trường chẳng còn bóng người, ngoại trừ lão gác dan. Lão biết mặt tôi nên không ngần ngại mở cửa phòng lớp lấy cho tôi mượn quả bóng rổ.

Tôi thẫn thờ nhồi bóng một mình trên sân, tiếng động vang một cách buồn tẻ. Tôi thẩy bóng hai ba lần đều trật ra ngoài lưới. Đầu óc tôi như để tận đâu đâu, hay có lẽ chỉ nghĩ đến Mai Ly và Buồn Xo.

Không biết thằng đó đã trao thư tỏ tình cho Mai Ly chưa. “Tụi nó” đã gặp nhau chưa, và “có gì” vui vẻ trong mấy ngày Tết… Không biết Mai Ly có hợp với Buồn Xo hay không, điểm xuất sắc của thằng này là thể thao mà Mai Ly chỉ biết môn thể thao duy nhất là chơi lò cò…

Tôi thẩy bóng nhưng trật một lần nữa. Quả bóng dội vào thành gỗ văng đi xa, tôi cũng không buồn nhặt, bỗng sau lưng tôi, có tiếng nhồi bóng mạnh mẽ trên sân và tiếng chân chạy, rồi quả bóng bay xẹt vào lưới thật tài tình. Tôi ngạc nhiên quay đầu lại.

Chính là Buồn Xo, nó đưa tay chào tôi và nhăn răng ra cười. Tôi nói với giọng hơi hờn giận:

– Sao mày không đi chơi với Mai Ly mà còn đến đây làm gì ?

Buồn Xo lắc đầu. Nó lượm bóng, thẩy lọt thêm một trái nữa. Tôi như một anh chàng khổ sở:

– Mày đưa thư cho Mai Ly chưa ? “Hai người” vui vẻ trong mấy ngày Tết chứ?

Buồn Xo tiến lại gần tôi, nó móc trong túi quần lấy ra “bức thư tình” giờ đây bị làm giấy gói kẹo, nó bỏ một viên vào mồm, một viên đưa cho tôi rồi vò nát bức thư vứt xuống đất. Tôi ngạc nhiên chưa kịp hỏi, nó đã nói:

– Tao không đưa thư, cũng không gặp gì cả. Tao không nhớ, không thích Mai Ly gì nữa, tao không thích con gái (!)

Nói xong, Buồn Xo nhặt lấy bóng ném cho tôi. Tôi nhảy lên thẩy, và lần này lọt được vào lưới. Nó cười nhìn tôi, tôi cũng cảm thấy vui thích lâng lâng trong lòng, tôi nói với nó:

– Mày thấy chưa, rốt cuộc rồi mày cũng quay về với sân bóng rổ. Mày sẽ thích chơi banh hơn là bọn con gái , hơn cả Mai Ly…

Buồn Xo mỉm cười quàng vai tôi, nó lắc đầu rồi nói chậm từng tiếng:

– Không… Tao thích mày hơn cả.

Nếu Buồn Xo có khiếu về văn chương, sau này tôi tưởng nó có thể viết một cuốn sách dày về câu nói ngắn ngủi đó. Nhưng thằng này dốt luận Việt văn nhất lớp nên nó chỉ có thể nói có thế là hết ý.

Và chỉ chừng ấy là quá đủ.

HOÀNG NGỌC TUẤN

Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005)


(Trích từ tạp chí Tuổi Ngọc, giai phẩm Xuân Hồng, 1973) 
 


Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

BẦY THIÊN NGA


nơi xa, xa đây lắm, nơi chim nhạn bay đến vào mùa thu, có một nhà vua có mười một con trai và một con gái tên là Liza. Mười một con trai trẻ tuổi ấy đều đeo thánh giá trên ngực và gươm bên mình. Ở trường, họ viết trên những tấm bảng bằng vàng với những con dao nhọn bằng kim cương, họ đọc thông và rất thuộc bài. Họ thật xứng đáng là những hoàng tử. Cô em út, nàng Liza, thường ngồi trên một chiếc ghế bằng thủy tinh, tay cầm một cuốn sách có nhiều tranh vẽ, riêng cuốn sách ấy cũng đáng giá bằng nửa giang sơn của bất cứ một vua chúa nào.

Họ sống rất sung sướng, nhưng chẳng được bao lâu.

Vua cha góa vợ. Ngài tục huyền với một bà hoàng hậu độc ác, bà chẳng yêu những đứa trẻ đáng thương kia chút nào, ngay từ ngày đầu, lũ trẻ đã cảm thấy như vậy.

Hôm ấy, ở lâu đài mở hội và lũ trẻ được tham dự. Nhưng thay vì bánh ngọt và táo nấu chín mà các hoàng tử và công chúa thường được ăn, hoàng hậu chỉ cho họ ăn cát và bảo rằng đối với họ như vậy là tốt lắm rồi

Tuần sau, mụ sai người dẫn cô bé đến ở trong một gia đình nông dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, mụ đã tìm cách làm cho vua cha hết thương con và chẳng lưu ý gì đến họ nữa. Mụ ấy chính là một tay phù thủy.

Một hôm, mụ nói với mười một hoàng tử:

- Chúng mày hãy cút khỏi nơi đây, đi khắp thế gian mà kiếm ăn như những con chim đã đủ lông đủ cánh.

Nhưng mụ không thể làm hại họ như mụ mong ước vì họ đã biến thành một bầy thiên nga lộng lẫy, vừa bay qua vườn thượng uyển và cánh rừng gần đấy vừa cất lên những tiếng kỳ quái.

Đến sáng, bầy thiên nga bay qua túp lều, nơi công chúa Liza đang ngủ trên chiếc giường xinh xắn. Bầy thiên nga lượn trên mái nhà, vươn cổ ra và vỗ cánh ầm lên, nhưng chẳng ai nhìn thấy và nghe thấy gì cả. Bầy thiên nga tiếp tục bay, bay tít trên cao giữa các tầng mây, mỗi lúc một xa.

Cả bầy bay về phía khu rừng âm u dọc bờ biển.

Cô bé Liza ở lại túp lều tranh. Chẳng có trò chơi gì khác, cô chơi với mấy chiếc lá xanh. Cô lấy kim chọc vào một lá và nhìn qua lỗ lên mặt trời. Cô tưởng tượng thấy những cặp mắt sáng ngời của các anh và mỗi lần ánh nắng rọi vào má, cô tưởng đó là những chiếc hôn nồng cháy của các anh cô.

Những ngày buồn bã lần lượt trôi qua. Khi gió thổi qua bụi hồng trước nhà, gió hỏi hồng:

- Còn ai đẹp hơn các bạn nữa không?

Cả khóm hồng vừa lắc lư vừa nói:

- Có chứ, có nàng Liza!

Chủ nhật, khi bà cụ nông dân ngồi đọc kinh trên ngưỡng cửa, gió đến giở các trang sách và hỏi:

- Còn có ai ngoan đạo hơn sách không?

- Có chứ, có nàng Liza! - Quyển sách đáp và hoa hồng cũng bảo là đúng như thế.

Khi lên mười lăm tuổi Liza được trở về cung vua. Nhưng khi hoàng hậu thấy nàng đã trở nên muôn phần xinh đẹp, mụ lại không nén nổi lòng tức giận. Mụ muốn biến nàng thành thiên nga, nhưng mụ không dám, vì đức vua muốn gặp mặt công chúa.

Sáng sớm hôm sau, hoàng hậu vào phòng tắm làm toàn bằng đá hoa, có nệm êm và thảm rực rỡ phủ khắp phòng. Mụ bắt ba con cóc, hôn chúng và bảo con thứ nhất:

- Cóc hãy nhảy lên đầu con Liza lúc nó vào tắm làm cho nó cũng sẽ đần độn như cóc.

Rồi mụ dặn con thứ hai:

- Cóc hãy bám vào trán nó, làm cho nó xấu xí như cóc để cha nó không nhận ra nó nữa.

Sau cùng, mụ nói với con thứ ba:

- Cóc hãy bám vào tim nó, gợi cho nó những ý nghĩ xấu để cho nó và những kẻ khác phải khổ sở.

Nói rồi, mụ thả ba con cóc vào nước làm nước biến ngay thành màu xanh ngắt, mụ gọi nàng Liza vào, cởi quần áo cho nàng và bắt nàng phải tắm. Khi Liza vừa bước vào bồn nước thì con cóc thứ nhất bám vào tóc nàng, con thứ hai bám vào trán nàng và con thứ ba bám vào ngực nàng.

Hình như Liza không biết gì cả và khi nàng bước ra khỏi bồn nước thì ba đóa hoa anh túc nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nếu cóc không có nọc độc và mụ phù thủy không ôm hôn chúng thì chúng đã biến thành ba bông hồng. Tuy nhiên, chúng cũng đã biến thành hoa vì chúng đã bám vào đầu và tim nàng Liza. Vì nàng rất ngoan đạo và tâm hồn rất trong trắng nên ma thuật không thể làm gì được nàng.

Khi mụ hoàng hậu độc ác thấy thế mụ bèn lấy nhựa vỏ trái hồ đào sát vào người Liza làm cho nàng đen thui đi, mụ còn xoa thuốc mỡ thối vào mặt nàng và làm rối bù bộ tóc dài và đẹp của nàng. Không còn có thể nhận ra nàng Liza xinh đẹp nữa.

Khi vua cha nhìn thấy nàng, ngài khiếp sợ và tuyên bố rằng nàng không phải là con gái mình. Chẳng ai muốn nhận nàng, ngoài con chó giữ nhà và đàn chim nhạn, nhưng chúng chỉ là những con vật khốn nạn, có nói cũng chẳng ai thèm nghe.

Nàng Liza đáng thương khóc sướt mướt và nghĩ đến các anh nàng. Nàng buồn bã trốn khỏi cung vua, lang thang suốt ngày ngoài đồng và cuối cùng nàng đi tới một khu rừng lớn. Nàng chẳng biết rồi sẽ đi đến đâu nữa. Tuy nhiên, trong lúc buồn nản, nàng vẫn luôn luôn muốn đi tìm các anh nàng, giờ đây chắc hẳn cũng đang lang thang khắp thiên hạ như nàng.

Nàng vừa đi được vài bước trong rừng thì trời sắp tối. Nàng bị lạc và chẳng còn có thể tìm thấy đường nữa. Nàng nằm xuống đám rêu, cầu kinh xong thì gối đầu lên một rễ cây.

Mọi vật im lìm. Không khí êm dịu. Quanh nàng, trong vòm lá, hàng trăm đom đóm lấp lánh nom như những đốm lửa xanh. Khi nàng lắc một cành cây thì trông thật giống như một trận mưa sao rơi xuống.

Suốt cả đêm nàng mơ tưởng đến các anh. Nàng mơ thấy nàng và các anh nàng đang chơi đùa lúc còn ấu thơ, viết lên những tấm bảng bằng vàng với những con dao nhọn bằng kim cương và xem cuốn sách có nhiều tranh vẽ đáng giá bằng nửa giang sơn của bất kỳ một vị vua chúa nào.

Nhưng trên bảng, họ không những chỉ viết những con số không hoặc gạch dưới những nét cổ mà còn viết những thành công của họ và tất cả những gì họ đã trông thấy hoặc đã xảy ra trong quãng đời phiêu bạt của họ.

Trong cuốn sách tất cả người và vật vẽ trong các tranh đều cử động. Chim ca hát. Người bước ra khỏi tranh để nói chuyện với Liza và các anh nàng. Mỗi lần người xem giở sang trang khác, người và vật trong tranh không bị xáo trộn.

Khi Liza tỉnh dậy, mặt trời đã lên cao quá chân trời. Nàng không nhìn rõ mặt trời, vì những gốc cây lớn tỏa cành rậm rạp xuống đến tận đầu nàng. Nhưng những tia nắng cũng xuyên kẽ lá và lấp lánh như những đóa hoa bằng vàng.

Không khí ngát hương thơm. Chim ca hót và bay đến đậu trên vai nàng công chúa. Nàng nghe thấy tiếng nước róc rách, trên các dòng suối và đổ vào một cái đầm, cây lá xanh rờn bao quanh. Quanh đầm toàn là bụi cây rậm, nhưng có một quãng, hươu nai đi lại thành lõng nên Liza có thể theo đấy mà đến tận bờ đầm.

Nàng nhìn xuống. Nước trong vắt và từng chiếc lá in hình rất rõ trên mặt nước đến nỗi, nếu gió không làm rung cây, người ta có cảm tưởng như cành lá được họa lên trên đáy ao.

Chợt nhìn thấy bóng mình trong nước, nàng ghê sợ vì thấy mặt mày đen thui xấu quá đi mất. Nàng lấy bàn thay xinh xắn vốc nước vuốt lên mắt và lên trán, da dẻ nàng trở lại trắng trẻo như cũ. Nàng cởi quần áo lội xuống nước. Chưa bao giờ có một nàng công chúa đẹp đến thế.

Sau khi mặc quần áo xong, nàng uống một ngụm nước suối, rồi đi sâu vào rừng thẳm, cũng chả biết là sẽ đi đến đâu cả.

Nàng tưởng nhớ đến các anh, đến Thượng Đế chí nhân. Chắc chắn là người sẽ không bao giờ bỏ rơi nàng. Người sinh ra những cây táo dại dành cho kẻ đói và nàng đã run rủi tìm được một cây trĩu quả. Nàng dừng lại ăn táo rồi lại lên đường.

Cảnh vật im phăng phắc đến nỗi nàng nghe thấy cả bước chân nàng đi và tiếng lá rào rạo dưới chân nàng.

Không có lấy một bóng chim. Không có lấy một tia sáng xuyên qua những cành cây to lớn rạm rạp. Nhìn xa những cây cao mọc sít vào nhau, như một hàng rào sắt.

Chưa bao giờ Liza thấy một cảnh tĩnh mịch như vậy.

Đêm đến, nàng càng lo ngại. Trong rêu chẳng có lấy một con đom đóm nào.

Nàng nấp vào một nơi để ngủ. Nàng mơ thấy vòm lá rẽ ra và Thượng Đế chí nhân đang nhìn nàng, các tiên đồng xinh xắn đáng yêu đang bay lượn trên đầu nàng.

Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, nàng chẳng còn biết rằng đã nằm mơ hay đã chứng kiến một cảnh thật.

Nàng lại lên đường.

Đi được mấy phút nàng gặp một bà lão tay mang một giỏ đầy mận. Bà cho Liza mấy quả, nàng hỏi bà có thấy mười một hoàng tử qua cánh rừng không?

- Không - Bà cụ trả lời - Nhưng hôm qua ta đã trông thấy mười một con thiên nga, mỗi con đội một chiếc mũ miện bằng vàng, đỗ xuống bơi lội trên dòng suối gần đấy.

Bà đưa Liza đến một bờ suối. Những cành cây dài rậm lá hai bên bờ suối giao nhau thành một cái nôi trên mặt nước.

Liza chia tay bà cụ và đi men suối tới tận quãng suối đổ ra đại dương. Trước mắt nàng là biển cả mênh mông, xanh ngắt, không một cánh buồm, một bóng thuyền. Làm thế nào mà đi xa hơn nữa bây giờ?

Nàng ngắm những hòn đá cuội trên bờ bể, nhiều vô kể, nước biển đã mài tròn đi. Thủy tinh, sắt, đá, tất cả những vật gì trôi dạt đến đấy đều bị nước mài nhẵn thín, mịn như bàn tay của nàng công chúa.

- Đại dương - Nàng nghĩ thầm - đã đẩy mọi vật lăn không ngừng và cuối cùng trở nên trơn tru. Ta cũng muốn không bao giờ mệt mỏi. Làn sóng trong vắt! Ta hiểu sóng muốn dạy ta điều gì rồi. Một ngày kia nhất định ta sẽ tìm thấy các anh ta.

Nàng nhìn thấy giữa đám rong bể mười một chiếc lông thiên nga. Nàng lượm lấy, chắp thành một bó. Nhiều giọt nước lấp lánh trên lông. Chẳng hay đó là nước biển, hay là nước mắt?

Nàng đứng một mình trên bờ biển, nhưng không để ý đến điều đó, nàng mê mải ngắm nhìn cảnh biến đổi không ngừng của biển cả. Khi có một đám mây đen bay tới, biển như muốn bảo nàng:

- Coi chừng, ta sắp bực mình đây.

Khi gió nổi, sóng biển ngầu bọt lên. Khi mây đỏ sẫm lại, gió lặng xuống thì biển trông như một khối đá hoa màu hồng. Nước biển khi xanh, khi trắng, nhưng dù biển lặng đến đâu, lúc nào cũng có tiếng nước vỗ nhè nhẹ bên bờ. Nước nhẹ nhàng dâng lên hạ xuống như lồng ngực của một đứa trẻ đang ngủ.

Khi mặt trời lặn, Liza nhìn thấy ở chân trời hiện ra mười một con thiên nga lớn, lông trắng, đầu đội mũ miện bằng vàng, đang bay về phía đất liền.

Chúng bay nối đuôi nhau thành hình một dải trắng dài.

Nàng chạy đến một quãng bờ cao và nấp sau một bụi cây. Đàn thiên nga sà xuống gần nơi nàng và vỗ những bộ cánh rộng và trắng.

Khi mặt trời vừa lặn, bỗng lông chim rụng hết và Liza thấy hiện ra mười một hoàng tử xinh đẹp, các anh nàng. Nàng reo to lên, mặc dù họ đã biến đổi nhiều, nhưng nàng cảm thấy ngay đấy chính là các anh nàng.

Nàng chạy lại ôm chầm lấy họ và tíu tít gọi tên từng người.

Khi họ nhận ra cô em út, giờ đã lớn và xinh đẹp hơn xưa, họ mừng quýnh lên. Họ vừa cười vừa khóc và thuật lại sự độc ác của mụ dì ghẻ.

Hoàng tử cả nói:

- Các anh bắt buộc phải bay lượn suốt ngày, chỉ được trở lại thành người khi mặt trời lặn, do đó các anh phải bay sát đất liền vào lúc gần tối. Nếu lúc ấy các anh còn bay trên cao thì các anh sẽ rơi xuống đất.

Đây không phải là nơi mà các anh ở, các anh ở bên kia biển có trong một xứ sở cũng đẹp như xứ sở này. Đường sang nơi ấy rất xa, phải vượt qua đại dương và nửa đường không có hòn đảo nào để có thể ngủ đỗ lại được. Ở chính giữa đại dương chỉ có một tảng đá mà các anh có thể chen chúc nhau mà nghỉ chân. Khi có thủy triều, nước dâng lên tận chỗ các anh đậu, tuy thế các anh vẫn đội ơn Thượng Đế đã đặt ở đấy một tảng đá để các anh có chỗ nghỉ đêm khi trở lại thành người. Không có tảng đá ấy, các anh không thể nào trở lại Tổ quốc, vì muốn vượt đại dương, mỗi năm các anh phải bay trong hai ngày, hai ngày dài nhất trong một năm. Mỗi năm một lần các anh được phép về đây và nghỉ lại mười một ngày. Lúc đó các anh bay lượn trên khu rừng lớn, các anh nhìn tòa lâu đài nơi chôn rau cắt rốn của chúng ta và nơi cha chúng ta đang ở, nhìn vào gác chuông nhà thờ cao vút, gần đấy là nơi mẹ thân yêu của chúng ta đang yên nghỉ. Nơi đây cây cối và bờ bụi đều là những người đốt than hát lên những bài hát cổ đã giúp cho chúng ta nhảy múa khi chúng ta còn bé. Hình như có cái gì thu hút các anh về chốn này, và cuối cùng các anh lại tìm thấy em, em gái bé nhỏ của các anh! Các anh còn ở đây hai ngày, rồi lại phải vượt biển để quay về xứ sở xinh đẹp, xa lạ kia. Hay là các anh đưa cả em đi. Nhưng các anh chẳng có tàu bè gì cả, biết làm thế nào?

- Em có thể làm cách nào cứu được các anh không? - Nàng Liza hỏi.

Và họ chuyện trò gần suốt đêm. Họ chỉ ngủ được trong giây lát. Bỗng có tiếng cánh chim đập trên đầu làm Liza tỉnh giấc. Đó là mười một hoàng tử lại biến thành thiên nga đang bay lượn vòng trên đầu nàng. Họ bay lên, bay cao mãi, rồi bay xa.

Nhưng một hoàng tử, cậu út, ở lại một mình bên em gái. Cậu rúc đầu vào lòng nàng, còn nàng thì vuốt ve bộ lông thiên nga của cậu. Họ ở bên nhau suốt cả ngày hôm ấy. Đến chiều các anh khác bay về và khi mặt trời vừa lặn, họ lại trở thành người.

Người anh cả nói:

- Ngày mai các anh phải đi và một năm nữa mới quay trở lại đây. Nhưng các anh không thể để em ở lại đây được. Em có can đảm đi theo các anh không? Cánh tay anh đã từng ẵm em qua rừng, cánh của tất cả các anh chắp lại chẳng lẽ lại không đủ sức để chở em qua bên kia biển cả hay sao?

Nàng út nói:

- Vâng, các anh đem em đi với.

Suốt đêm họ tết được một tấm lưới chắc chắn bằng cói và dây liễu. Liza nằm ngủ trên tấm lưới ấy và, khi mặt trời vừa hiện ra, các anh nàng đã biến thành thiên nga, dùng mỏ kéo lưới bay lên mây, mang theo nàng em gái đang ngủ rất bình thản.

Tia nắng rọi vào mắt nàng, một con thiên nga vội bay ngay lên phía trên, lấy bộ cánh rộng để che cho nàng ngủ. Khi Liza tỉnh giấc thì họ đã bay rất xa khỏi đất liền. Bay cao trên mặt biển như thế, nàng cảm thấy đang sống một giấc mơ kì diệu.

Bên cạnh nàng có một cành cây có quả và một bó rễ cây ăn được. Đó là hoàng tử út đã chăm lo đến việc ấy cho nàng. Nàng mỉm cười như để cảm ơn anh. Nàng nhận ra anh rất rõ, chính hoàng tử út lúc nãy đã bay trên lưới che nắng.

Lúc này họ bay cao đến nỗi chiếc tàu đầu tiên mà họ trông thấy giống như một con chim hải âu đậu trên mặt nước. Đằng sau họ có một đám mây lớn tựa như trái núi, nàng nom thấy bóng nàng và các hoàng tử rọi vào đám mây. Chưa bao giờ nàng thấy cảnh đẹp như vậy. Nhưng mặt trời càng lên cao, mây càng xa đi thì bóng cũng biến theo.

Họ bay suốt ngày không ngừng, như một mũi tên rít trong không gian. Nhưng họ bay chậm hơn thường ngày một chút vì còn phải khiêng cô em gái. Thời tiết bỗng xấu đi và trời đã sắp tối. Liza lo lắng thấy vầng thái dương lặn xuống chân trời mà không hề thấy tảng đá nào nhô lên mặt biển. Nàng cảm thấy đàn thiên nga vỗ cánh mạnh hơn.

Trời! Nàng thầm nghĩ, nếu các anh ta không bay kịp đến nơi! Chính là lỗi tại ta rồi. Khi mặt trời lặn, các anh sẽ biến thành người và sẽ rơi tõm xuống biển chết đuối mất.

Tự đáy lòng nàng cầu khẩn xin Thượng Đế cứu giúp. Nhưng họ vẫn chưa nhìn thấy tảng đá. Mây đen kéo đến, gió thổi mạnh báo hiệu một con giống tố. Mây tụ thành một đám xám xịt như chì. Chớp lóe liên hồi.

Mặt trời đã xuống tới mặt biển. Nàng Liza cảm thấy trái tim tan vỡ. Có lúc đàn thiên nga chao xuống rất nhanh làm nàng tưởng như đang rơi xuống biển. Nhưng không, đàn thiên nga đã lượn lên. Mặt trời chìm một nửa xuống nước thì nàng thấy ngay hòn đảo bên dưới. Trông nó không lớn hơn một con hải cẩu đang thò đầu lên trên mặt nước.

Mặt trời lặn nhanh, chỉ còn lại một dải sáng và mỏng ở phía chân trời khi nàng đặt chân lên tảng đá. Rồi ánh mặt trời vụt tắt như mảnh giấy cháy rụi.

Mười một hoàng tử và Liza chen chúc nhau trên tảng đá, chỉ vừa đủ chỗ cho họ đặt chân. Sóng biển cao, vượt qua cả đầu họ. Trời sáng lóe lên như rực cháy và sấm sét nổ ran không ngớt. Nhưng mười hai anh em cầm tay nhau và hát những bài kinh nguyện để lòng thêm can đảm.

Sáng ra, không khí trong sạch và mát mẻ. Mặt trời vừa ló lên, đàn thiên nga lại cùng nàng Liza bay đi. Biển vẫn còn động. Từ trên cao nhìn xuống ngọn sóng xanh sẫm ngầu bọt họ cảm thấy như hàng triệu con thiên nga đang rập rờn trên mặt nước.

Khi mặt trời lên cao hơn nữa, nàng Liza nhìn ra phía trước thấy trong không gian một dải đất toàn là núi non với những tảng băng lóng lánh. Nàng trông thấy một tòa lâu đài vĩ đại có những hàng cột chồng chất lên nhau bao quanh. Phía sau là một khu rừng sồi và rất nhiều vườn hoa. Liza hỏi các anh có phải đấy là nơi mà các anh định đến không, nhưng đàn thiên nga lắc đầu.

Cảnh vật mà nàng trông thấy là tòa lâu đài tráng lệ, hình dáng luôn luôn thay đổi của bà tiên Morgan. Không một người nào có thể vào đấy được. Liza mải ngắm phong cảnh tuyệt vời ấy, bỗng núi non, lâu đài, cây cối biến đi tất cả, và thay vào đó là hai mươi tòa nhà thờ hiên ngang, giống nhau như hệt, tòa nhà nào cũng có chòi cao và gác chuông tráng lệ.

Liza tưởng như nghe thấy tiếng đại phong cầm, nhưng đó chỉ là tiếng thì thầm của biển cả. Nàng đang bay sát vào các nhà thờ bỗng các công trình ấy biến ngay thành một đoàn thuyền vĩ đại căng buồm lướt sóng rất nhanh rồi biến mất.

Những cảnh huyền ảo cứ như thế hiện ra suốt cuộc hành trình cho đến lúc họ nhìn thấy dải đất họ định bay tới. Nơi đó sừng sững những ngọn núi xanh lam cao ngất với những khu rừng đầy cây bá hương, những tòa lâu đài và nhiều thành phố. Trước khi mặt trời lặn rất lâu, Liza đã được đặt xuống một tảng đá, ngay cửa một cái hang, nền đất phủ đầy dây leo như một tấm thảm tuyệt đẹp.

- Đêm nay em ước sẽ mơ thấy gì? - Hoàng tử út vừa hỏi vừa chỉ cho cô em gái phòng ngủ của nàng.

- Em cầu xin Thượng Đế cho em mơ thấy phép giải thoát cho các anh - Liza đáp.

Ý nghĩ ấy không phút nào rời nàng cả. Nàng cầu xin Thượng Đế cứu giúp nàng. Khi đã ngủ thiếp đi, nàng vẫn cầu nguyện. Nàng mơ thấy như lại bay qua trong không gian, tới lâu đài bà tiên Morgan và bà ta tiến đến trước mặt nàng, đẹp một cách lộng lẫy, giống hệt như bà tiên đã cho nàng mấy quả mận và kể chuyện đàn thiên nga đội mũ miện cho nàng nghe khi nàng đi tới khu rừng.

- Các anh con có thể giải thoát được - Bà tiên nói - Nhưng liệu con có đủ can đảm và bền gan để cứu các anh con không? Nước còn mềm hơn đôi bàn tay thanh nhã của con, nhưng nước chảy đá cứng nhất cũng phải mòn. Có điều là nước sẽ không cảm thấy đau đớn như đôi bàn tay con sẽ phải chịu đựng. Nước không có tim nên không biết đau đớn như con. Con sẽ gặp nhiều nỗi gian nguy, con có thấy cành tầm ma ta cầm trong tay không? Quanh cái hang con đang ngủ, tầm ma mọc nhiều lắm. Nhưng chỉ có loài tầm ma này và loài tầm ma mọc ở nghĩa địa mới dùng được, con chớ nên quên điều đó. Con phải đi hái cây ấy về và con sẽ bị phồng tay lên, đau đớn vô cùng. Con hãy lấy chân giẫm nát cây ra và sẽ được một loại sợi gai mà con sẽ dùng để dệt mười một chiếc áo dài tay. Dệt xong con quàng áo lên mười một con thiên nga, và như vậy là phép ma sẽ tiêu tan. Nhưng con phải nhớ rằng từ lúc bắt đầu dệt cho đến khi dệt xong con không được nói một câu. Dù phải dệt bao nhiêu năm con cũng không được nói. Nếu con chỉ nói một tiếng thôi thì tiếng nói đó sẽ như một nhát dao đâm xuyên tim các anh con. Như vậy là tính mạng các anh con treo ở đầu lưỡi của con đó.

Bà tiên đặt cành tầm ma vào tay nàng Liza và bàn tay nàng đau như bị bỏng. Nàng bừng tỉnh. Trời đã sáng rõ, bên nàng là cành tầm ma nàng đã mơ thấy. Nàng quỳ xuống tạ ơn Thượng Đế và ra khỏi hang, bắt đầu làm việc để cứu các anh.

Nàng hăm hở bẻ cây tầm ma, tay nàng cháy bỏng lên. Chẳng mấy lúc hai cánh tay nàng bị phồng cả lên. Nhưng nàng thản nhiên chịu đựng đau đớn, miễn là giải thoát cho các anh. Nàng lấy chân không giẫm nát cây tầm ma và bắt đầu dệt những chiếc áo xanh thẫm.

Khi mặt trời bắt đầu lặn, các anh nàng trở về. Họ rất sợ hãi khi thấy nàng bị câm. Lúc đầu họ tưởng rằng đó lại là phép ma mới của mụ dì ghẻ độc ác, nhưng khi trông thấy hai bàn tay cô em, họ hiểu ngay rằng nàng đang làm việc cho họ. Người anh trẻ nhất òa lên khóc, nước mắt nhỏ xuống làm mất ngay những chỗ phồng da và Liza không thấy đau đớn gì nữa.

Nàng thức suốt đêm để dệt áo, nàng không muốn nghỉ ngơi trước khi giải thoát được cho các anh nàng. Cả ngày hôm sau nàng ngồi một mình trong lúc đàn thiên nga bay đi, nhưng nàng chẳng hề thấy ngày dài nữa, nàng dệt xong một cái áo và bắt đầu dệt sang tấm thứ hai.

Bỗng có tiếng tù và của người đi săn vang lên trong núi. Tiếng tù và nghe càng gần, nàng càng lo sợ. Nàng chợt nghe thấy tiếng chó sủa, nàng hốt hoảng trốn vào trong hoang. Nàng quấn chiếc áo đã dệt thành một bọc và ngồi lên trên. Bỗng một con chó to chạy đến, theo sau cả đàn chó săn. Một lát sau, tất cả những người đi săn đã tụ tập ở cửa hang.

Đây là một cuộc săn bắn của nhà vua trị vì xứ này. Nhà vua tiến thẳng về phía nàng Liza. Chưa bao giờ ngài thấy một thiếu nữ xinh đẹp như thế. Ngài hỏi nàng:

- Làm sao mà nàng lại tới chốn này, hỡi cô bé kiều diễm kia?

Liza chỉ lắc đầu, vì cần phải giữ miệng để cứu lấy tính mạng của các anh nàng. Cùng lúc ấy nàng giấu đôi tay xuống dưới vạt áo để nhà vua không nhìn thấy đôi tay bị phồng lên.

- Nàng hãy đi theo ta - nhà vua phán - Nàng không thể ở đây được. Nếu nàng vừa đẹp người lại đẹp nết, nàng sẽ bận xiêm y may toàn bằng nhung lụa và ta sẽ ban cho nàng một chiếc mũ miện bằng vàng. Nàng sẽ ở lại trong cung điện.

Rồi nhà vua đặt nàng lên yên ngựa. Nàng chắp đôi tay lại, khóc lóc, nhưng nhà vua khẽ bảo nàng:

- Ta không muốn làm hại nàng đâu, một ngày kia nàng sẽ cảm ơn ta.

Nói rồi nhà vua ôm nàng ngồi phía trước, phóng ngựa qua núi, cả đoàn người đi săn theo sau.

Đến sẩm tối họ về đến kinh thành. Nhà vua đưa nàng Liza vào cung.

Trong những gian phòng rộng bằng đá hoa có những vòi nước chảy rất kỳ diệu, tường nhà treo đầy chân dung. Nhưng nàng chẳng chú ý đến vật gì cả, nàng chỉ than vãn, khóc lóc. Nàng lơ đãng, kệ cho các cung nữ mặc cho nàng những bộ quần áo lộng lẫy, đính ngọc trai vào mái tóc nàng và đeo găng vào đôi tay cháy xém của nàng.

Phục sức như vậy nàng lại càng xinh đẹp bội phần đến nỗi cả triều đình phải cúi rạp trước sắc đẹp của nàng.

Mặc cho vị giáo chủ lắc đầu phản đối và quả quyết rằng cô gái người rừng này hẳn là một mụ phù thủy, có đôi mắt đốt cháy và làm đảo điên trái tim của nhà vua, ngài vẫn tuyên bố rằng nàng là vị hôn thê của ngài.

Một đại hội được tổ chức, các cô thiếu nữ diễm lệ nhất trong nước nhảy múa những bản vũ đẹp nhất. Nhưng trong ánh mắt và đôi môi của nàng Liza không thấy hiện ra lấy một nụ cười và chỉ thấy vẻ đau đớn buồn phiền.

Nhà vua mở cả một phòng ngủ dành cho nàng. Phòng được căng toàn thảm xanh biếc, loại rất quý, trông hệt như khung cảnh cái động trong đó nhà vua đã gặp nàng. Trên sàn nhà là bó cây tầm ma nàng dùng để dệt áo và trên trần nhà treo chiếc áo đã dệt xong. Một người trong đoàn đi săn thấy lạ đã mang các thứ đó về.

Nhà vua nói:

- Ở như thế này em sẽ có thể tưởng tượng như đang ở chốn cũ của em. Có cả những thứ em trìu mến hoặc thường dùng trước đây. Với những vật ấy, giữa cảnh xa hoa em vẫn có thể sống bằng trí tưởng tượng cuộc đời trước đây.

Khi nàng Liza nhìn thấy những thứ mà trái tim nàng tha thiết mong muốn thấy, môi nàng nở một nụ cười và da mặt lại hồng hào tươi tắn lên.

Nàng nghĩ đến tính mạng của các anh và cúi xuống hôn tay nhà vua. Ngài ôm nàng vào ngực và truyền lệnh rung chuông nhà thờ liên hồi để báo tin ngài làm lễ thành hôn. Thế là cô gái câm trở thành hoàng hậu.

Giáo chủ thầm thì vào tai nhà vua không biết bao nhiêu lời sàm tấu, nhưng những lời đó không lay chuyển nổi ý định của nhà vua và lễ cưới vẫn cứ bắt đầu. Giáo chủ phải đích thân đặt mũ miện lên đầu nàng Liza. Lão ta độc ác, ấn sụp mũ miện xuống trán nàng, làm cho nàng bị đau ở đầu. Nhưng nàng vẫn cứ trơ ra, không còn thấy đau đớn về thể xác nữa, tim nàng còn đau hơn thế vì chưa giải thoát được các anh nàng.

Nàng vẫn câm, vì chỉ một lời thôi cũng có thể giết chết các anh nàng. Nàng chỉ biết dùng đôi mắt để tỏ lòng biết ơn nhà vua nhân đức đã tìm hết cách để an ủi nàng. Càng ngày nàng càng yêu nhà vua và trong thâm tâm nàng cũng muốn gửi gắm nhà vua nỗi đau khổ của nàng, nhưng nàng không thể nói lên được. Đêm nào cũng vậy nàng lại vào trong gian phòng xinh xắn, trang hoàng hệt như hang đá cũ, và tiếp tục dệt hết chiếc áo này sang chiếc khác. Dệt đến chiếc thứ 7 thì hết sợi gai tầm ma.

Nàng biết rằng giống tầm ma chỉ mọc ở nghĩa địa thôi và phải đích thân nàng đi hái mới được.

- Làm sao mà ra nghĩa địa được bây giờ? - Nàng nghĩ thầm - Ôi! Tay ta có đau đớn đến mấy cũng không thể so sánh với nỗi đau đang đè nặng tim ta! Ta muốn hy sinh tất cả cho các anh ta. Thượng Đế sẽ phù hộ cho ta.

Run rẩy như đang làm một việc xấu xa, một đem sáng trăng, nàng xuống vườn, đi theo con đường lớn, qua các phố vắng ngắt tới gần nghĩa địa. Ở đấy nàng thấy những mụ phù thủy già khọm và kinh tởm đang ngồi quây tròn trên nấm mồ lớn nhất. Chúng quẳng tất cả quần áo đi như sắp sửa tắm và dùng những ngón tay gầy guộc, dài ngoẵng để bới những ngôi mộ mới. Liza phải đi ngang qua chỗ chúng và chúng quằm quặm nhìn nàng. Nhưng nàng vẫn lẩm nhẩm đọc kinh. Nàng hái ít cây tầm ma, rồi trở về cung vua.

Chỉ có một người nom thấy nàng ra nghĩa địa. Đó là lão giáo chủ. Trong lúc mọi người đã ngủ, chỉ có lão còn thức. Lão cho rằng lão đã đoán rất đúng về những hành vi khả nghi của hoàng hậu. Theo lão, chính hoàng hậu là một mụ phù thủy đã mê hoặc nhà vua và toàn thể thần dân.

Hôm sau, lão kể với đức vua chuyện xảy ra đêm trước. Nhưng trong lúc lão kể, những pho tượng quanh đó đều lắc đầu như muốn nói: “Nàng Liza vô tội!” Lão giáo chủ lại xuyên tạc ngụ ý của những cái lắc đầu ấy và nói rằng các pho tượng đang kết tội hoàng hậu. Thế là hai giọt nước mắt lăn dài trên má nhà vua và ngài trở về cung, mang theo một mối nghi ngờ khinh khủng trong lòng. Đêm sau, ngài giả vờ ngủ và trông thấy nàng Liza đi ra như vậy và lần nào nhà vua cũng theo dõi nàng cho đến khi nàng trở về cung.

Càng ngày nhà vua càng trở nên lầm lì, nàng Liza cũng không hiểu vì sao. Đó lại thêm một nỗi buồn cho nàng, nhưng mối lo âu lớn nhất vẫn là việc giải thoát cho các anh nàng. Những hạt lệ của nàng tuôn trên nệm gấm, chăn nhung của hoàng gia như những hạt kim cương lóng lánh, tuy thế ai thấy nàng cũng vẫn ganh tỵ về sắc đẹp của nàng.

Công việc của nàng cũng đã gần xong. Nàng chỉ còn phải dệt một chiếc áo nữa thôi, nhưng sợi cây tầm ma lại hết. Nàng lại phải ra ngoài một lần nữa để hái vài nắm. Nghĩ đến việc đi đêm hôm và những mụ phù thủy ghê tởm, nàng rùng mình nhưng ý muốn của nàng không gì lay chuyển được và nàng cũng rất mực tin tưởng vào Thượng Đế. Nàng lại ra nghĩa địa. Nhà vua và giáo chủ theo gót nàng, họ thấy nàng đi vào cửa nghĩa địa rồi biến mất. Vào gần tới nơi họ mới nhìn thấy lũ phù thủy ngồi trên một ngôi mộ. Nhà vua chạy về, ngài đã tưởng tượng trong đám phù thủy ấy có con người mà tối tối ngài ấp đầu vào ngực.

- Dân chúng sẽ xét xử - Ngài phán quyết như vậy.

Dân chúng kết tội hoàng hậu phải chết thiêu.

Từ gian phòng huy hoàng, nàng bị dong đến ngục kín, gió rít qua những chấn song cửa sổ bằng sắt. Thay vào nhung lụa, người ta cho nàng bó tầm ma nàng đã hái về, để gối đầu. Những tấm áo thô, còn đầy gai, dệt bằng sợi tầm ma, được trải làm giường nằm. Gai đâm vào người nàng bỏng ran, nhưng nàng lại lấy làm thích thú. Nàng lại bắt tay ngay vào việc và tạ ơn Thượng Đế. Ngoài phố, trẻ con hát những bài hát nguyền rủa nàng. Chẳng có ai an ủi nàng lấy một câu.

Chiều đến một con thiên nga bay đến đậu vào cửa sổ.

Đó là hoàng tử út đã tìm thấy tung tích của nàng. Nàng thấy sung sướng vô cùng, mặc dù nàng biết rằng mai sẽ là đêm cuối của đời nàng. Chả là công việc của nàng đã gần xong và các anh nàng cũng không xa nàng mấy. Giáo chủ đến để làm phép rửa tội cho nàng, nhà vua đã lệnh cho lão làm việc ấy. Liza lắc đầu và làm hiệu bảo lão hãy để cho nàng yên. Ngay đêm ấy nàng phải hoàn thành công việc của nàng, nếu không bao nhiêu đau buồn, nước mắt và bao đêm mất ngủ cũng trở thành vô ích.

Giáo chủ vừa đi ra vừa càu nhàu, nhưng nàng biết mình vô tội.

Đàn chuột nhắt lon ton trên sàn nhà và gỡ sợi tầm ma giúp nàng. Một con họa mi đậu trên cửa sổ hót suốt đêm để khuyến khích nàng.

Trước khi mặt trời mọc mười một hoàng tử anh nàng vào cung xin được yết kiến nhà vua. Người ta bảo họ rằng không được, vì trời chưa sáng và không thể đánh thức nhà vua dậy lúc này được. Các hoàng tử van nài chán rồi dọa dẫm. Đội cấm binh kéo đến, nhà vua cũng thân chinh ra hỏi tại sao lại làm ầm ĩ lên như vậy. Vừa lúc ấy mặt trời ló lên, các hoàng tử chẳng còn đấy nữa, người ta chỉ thấy mười một con thiên nga đội mũ miện vàng đang bay lượn trên hoàng cung.

Nhân dân kéo đến ngoài cổng thành để xem thiêu mụ phù thủy. Người ra đã bắt nàng Liza mặc áo vải thô. Bộ tóc dài xõa xuống khuôn mặt xinh đẹp của nàng, đôi má nàng tái nhợt như da người chết, đôi môi nàng như cầu nguyện trong lúc đôi tay vẫn tiếp tục may vá. Ngay trên đường đi đến chỗ chết thiêu, nàng vẫn không ngừng may áo vì nàng đã dệt và may xong mười chiếc, chỉ còn chiếc thứ mười một nữa, nên nàng ráng hết sức may cho xong trước giờ chết thiêu.

- Kìa, trông mụ phù thủy kìa! Nhìn xem nó đang lẩm nhẩm cái gì trong mồm kia! Nó chẳng có lấy một cuốn thánh kinh trong tay! Phải xé tan làm muôn mảnh cái bọc quái quỷ nó cặp kè bên mình kia!

Mọi người xô đẩy nhau và sắp sửa giành lấy bọc áo, bỗng mười một con thiên nga bay tới.

Chúng đậu xung quanh nàng và vỗ những bộ cánh dài và rộng.

Đám đông kinh ngạc, lùi lại:

- Đó là điềm trời đấy, chắc hẳn cô ta vô tội - Nhiều người thì thào.

Đao phủ đã nắm lấy tay Liza. Nàng vội vã tung mười một chiếc áo lên đàn thiên nga, chúng biến ngay thành mười một hoàng tử trẻ măng. Riêng hoàng tử út còn lại một cánh thiên nga thay cánh tay, vì một chiếc áo chưa may xong, còn thiếu một tay.

- Giờ thì tôi đã nói được rồi! - Liza reo lên - Tôi vô tội!

Nhân dân thấy thế vội quỳ xuống trước mặt nàng như trước một nữ thánh. Nhưng nàng đã ngã lăn ra, ngất đi trong tay các anh nàng, vì làm việc nhiều, lo lắng nhiều và đau đớn nhiều, nàng đã kiệt sức.

- Đúng thế, em chúng tôi vô tội! - Hoàng tử tuyên bố.

Và hoàng tử kể lại đầu đuôi câu chuyện. Trong khi hoàng tử kể chuyện, một mùi hương tỏa ra như có hàng triệu đóa hoa hồng ở đâu đấy. Đó là những thanh củi trên giàn thiêu đã bén rễ mọc thành hoa lá.

Lúc này, giàn thiêu đã biến thành một khóm hoa hồng, trên cùng là một đóa hồng bạch, lóng lánh như một ngôi sao. Nhà vua hái lấy bông hoa cài vào ngực Liza, nàng tỉnh dậy, lòng đầy vui sướng và hạnh phúc. Bỗng nhiên, tất cả chuông nhà thờ không ai giật đều rung lên cả. Chim chóc kéo tới hàng đàn và trong cung vua mở một ngày hội lớn, chưa từng có từ trước tới nay.

 
HANS CHRISTIAN ANDERSEN   
 
 

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

CÔ HÀNG XÉN


Chợ huyện một tháng sáu phiên
Gặp cô hàng xén kết duyên châu trần
Ca dao
Cô Tâm bớt mệt hẳn đi khi nhìn thấy cây đa và cái quán gạch lộ ra trong sương mù. Cùng một lúc, dãy tre đầu làng gần hẳn lại, cành tre nghiêng ngả dưới gió thổi và nghe thấy tiếng lá rào rào và tiếng thân tre cót két. Cô sắp về đến nhà rồi, gánh hàng trên vai nhẹ đi, và những cái uốn cong của đòn gánh bây giờ nhịp với chân cô bước mau. Cô thấy chắc dạ và ấm cúng trong lòng, bỏ hẳn nỗi lo sợ từ nãy vẫn quanh quẩn trong trí khi cô qua quãng đồng rộng, trơ gốc rạ dưới gió bấc vi vút từng cơn.
Qua cái cổng gạch cũ, cô vào hẳn trong làng. Ngõ tối hơn, đất mấp mô vì trâu bước, nhưng cô thuộc đường lối lắm. Chân cô dẫm lên lá tre khô và tai nghe tiếng xao xác đã quen; mùi bèo ở dưới ao và mùi rạ ướt đưa lên ẩm ướt. Ði ngang các nhà quen, cô thấy ánh sáng đèn chiếu qua rào, và tiếng những người quen thuộc ở trong đưa ra. – “À, bác cả Sĩ đã về rồi”. Lần nào hàng bác cũng bán hết sớm, bác cũng ra về trước vì nhà có con mọn. Còn cô, cô cũng có thể về sớm được vì chợ chiều cũng vắng người mua. Nhưng cô còn cứ vui chị vui em, lần khần ở lại. “Chỉ tại con Liên nó cứ giữ mình để về một thể. Bây giờ nó đã về đến nhà chưa ?”
Cô Tâm lại nghĩ đến mình, mẹ già đang mong đợi và các em đang nóng ruột vì quà. Gói kẹo bỏng cô đã gói cẩn thận để ở dưới thúng, mỗi đứa sẽ được hai cái. Chắc hẳn chúng sẽ vui mừng lắm.
Tâm vội vã bước mau. Trước đình, sân gạch rộng đầy bóng tối và yên lặng; con sấu đá vẫn phục yên trên bệ ở ngoài, hình dáng quen thuôc quá. Bỗng cô dừng lại; cô suýt va phải một người ở ngõ rẽ ra. Người kia cũng tránh sang bên, sát vào hàng rào. Nhưng Tâm nhận ra ngay:
– Bác Mỹ đấy ư ? Ði đâu mà tối thế ?
Người kia tiến một bước, nhìn tận mặt: “Ai ? A, cô Tâm, cô đi chợ về.”
Tâm đã bước xa rồi, hàng tre vi vút thêm, trời lại lấm tấm mưa lạnh rơi xuống mặt. Cô đi qua nhà bà cụ Nhiêu rồi về đến ngõ. Cánh cửa gỗ chưa đóng. Cô xoay đầu đòn gánh đẩy cửa rồi bước vào. Tất cả cái tối tăm rét mướt, và cánh đồng hoang vắng cô để lại ở ngoài. Ðây là nhà rồi. Mùi phân trâu nồng ấm sặc ngay vào cổ; thoáng qua, cô nghe tiếng chân trâu đập trong chuồng. Con vá thấy động sủa lên, rồi chạy lại vấp vào chân quấn quít. Trong nhà mấy đứa em reo:
– A, á. Chị Tâm đã về.
Tâm đặt gánh ở trên thềm. Ánh đèn chiếu ra, cô thấy quần áo lấm tấm ướt vì mưa bụi. Thằng Lân chạy ra trước nhất, xuýt nữa vấp vào cửa bực bàn. Rồi thằng Ái, con Bé cũng theo ra.
– Quà của chúng em đâu, chị ?
Nó cúi xuống định lục vào gánh hàng, Tâm vội bảo em:
– Ấy chớ, để chị lấy cho, không khéo vỡ cả kính.
Cô nhìn xuống ô hàng; mưa chỉ hơi phớt trên kính, chưa việc gì. Hàng không có cái gì ướt.
– Kẹo đây, mỗi đứa hai chiếc.
Chúng nó xúm cả chung quanh chị.
– Em bé ngoan ngoãn quá, đây phần riêng chị dành em đây này.
Bỗng tiếng dịu dàng của bà Tú ở dưới nhà đưa lên:
– Tâm con đã về đấy ư ?
– Thưa u, vâng ạ.
Bà Tú đến dắt lũ con, khẽ bảo:
– Chúng mày háu ăn quá, không để cho chị vào đến nhà nữạ Rồi quay lại Tâm:
– Con rửa chân tay rồi đi ăn cơm kẻo đói. Sao về muộn thế, con ?
– Thưa u, hôm nay con ngồi chợ Son ạ. Con Gái từ nãy ở dưới bếp lên cứ đứng mải góp chuyện ở trên thềm. Bà Tú quay ra bảo:
– Kia không cất hàng vào cho cô, còn đứng làm gì ở đấy ?
Trong nhà ấm cúng, khác hẳn ở ngoài. Ngọn đèn thân mật chiếu trên án thư, những nét vàng đã cũ của câu đối hoành phi lờ mờ ánh trong bóng tối. Mâm cơm đậy lồng bàn còn để ở giữa phản.
– Con ngồi đây rồi ăn cơm. Trời rét thế này thì mai nghỉ chọ thôi con ạ. Di làm gì cho nó khổ ?
Em bé nói theo:
– Chị ở nhà với chúng em chị ạ. Mai chủ nhật chúng em được nghỉ.
Tâm mỉm cười xoa đầu em. Cô sung sướng vì thấy mẹ săn sóc, các em mến yêu. Bao nhiêu nỗi mệt nhọc cô thấy tiêu tán cả. Những lúc này khiến cô quên hết cả bao nhiêu nỗi e ngại khó khăn. Cô thấy vui vẻ và nẩy nở trong thâm tâm những ý muốn tốt đẹp cho gia đình. Bà Tú lại âu yếm giục:
– Con ăn cơm đi, không đói. Thôi, hãy để đấy rồi bảo con sen nó cất cho có được không.
Tâm đáp: “vâng”; nhưng cô vẫn chưa lại ngồi ăn ngay. Cô còn thu xếp hàng đã; hai cái hộp gỗ vuông đựng các thức hàng, và những gói buộc kỹ trong thúng. Tất cả vốn liếng quý báu, bởi nhờ nó, cô kiếm lời nuôi các em, giúp đỡ cha mẹ từ ngày trong nhà sút đi và ông Tú ở trên tỉnh dọn về đã ba bốn năm nay rồi. Ruộng nương chỉ còn hơn mẫu, cấy đủ thóc ăn, và căn nhà gạch cũ này là nhà thờ, chung cả họ. Ông Tú độ mắt kém cũng thôi không dạy học nữa. Tâm hỏi mẹ:
– Thầy con chưa về cơ, u ?
Bà Tú chậm rãi đáp lời con, an phận:
-Thầy sang chơi bên ông chánh từ hôm qua, dễ thường còn ở vài ngày mới về.
Hai mẹ con biết rằng, có về nhà ông Tú cũng buồn chả biết làm gì, rồi lại đến đi chơi quanh quẩn các người trong làng.
Bữa cơm ngon lành quá, Tâm ngồi ăn dưới con mắt hiền từ và thương mến của mẹ. Các em cô quây quần cả chung quanh, hỏi chuyện chợ búa của chị. Tâm ngắm nghía các nét mặt xinh xẻo, những con mắt ngây thơ lóng lánh dưới mái tóc tơ của các em: cô thấy lòng đầm ấm và tự kiêu, lòng người chị chịu khó nhọc để kiếm tiền nuôi các em ăn học. Cô hỏi han sách vở của thằng Lân và thằng Ái, học lớp ba ở trường làng. Ngày trước, thời còn sung túc, cô cũng đã cắp sách đi học và về nhà lại được ông Tú dạy thêm chữ nho. Nhưng đã lâu, cô rời bỏ quyển sách, để bước chân vào cuộc đời rộng rãi hơn, khó khăn và chặt chẽ. Buôn bán bây giờ mỗi ngày một chật vật, bởi cô vốn ít. Tất cả gánh hàng của Tâm chỉ đáng giá hai chục bạc. Giá nàng có nhiều tiền để buôn vải bán các chợ như Liên.
– Thôi, các em đi ngủ đi, mai còn dậy sớm mà đi học chứ.
Lân cười, trả lời chị:
– Mai chủ nhật cơ mà, chị quên rồi à ? Tối nay em thức rõ khuya để nói chuyện với chị.
Nhưng một lát sau, trong căn nhà yên tĩnh, chỉ còn Tâm và bà Tú ngồi trên phản: cô kiểm điểm và xếp đặt lại các thức hàng để mai đi phiên chợ Bằng chính. Những thứ hàng nho nhỏ, khác nhau và xinh xắn: cuộn chỉ, bao kim, hộp bút, cúc áo, giấy lơ, một trăm thức lặt vặt qua lại trên ngón tay nhỏ của thiếu nữ, vừa quý báu lại vừa ít ỏi. Mỗi thứ đối với Tâm có một linh hồn riêng, và cô hàng lờ mờ đoán hiểu trong thâm tâm những khó nhọc và công của đã làm thành chúng. Tâm đã thêm vào vài thức hàng mới bắt đầu bán được ở chợ: phấn xoa mặt, dầu bôi tóc và son thoa môi. Cô ngắm nghía trên tay cái ống sáp con bằng đồng, hào rưỡi một cái – đựng một chất đỏ thơm làm thắm tươi môi các thiếu nữ ở trên tỉnh. Ðôi khi trong buổi chợ Tâm đã được thấy một vài cô gái tỉnh về quê, da trắng, môi đỏ, lịch sự và sang trọng. Có lần, một đêm khuya, Tâm đã lấy sáp bôi lên môi mình và ngắm trộm bóng trong chiếc gương tròn nhỏ. Cô Ba. Cô hơi thẹn thấy bóng mình trong đó, với đôi môi đỏ như sẫm máu…
– Ðộ này, hàng có bán được không con ?
– Thưa u, cũng khá ạ.
Chị Liên bán vải cũng chẳng đẹp bằng. Tâm biết mình xinh nhất chợ. Bọn con trai cứ hay quanh quẩn chỗ cô ngồi và buông lời tròng ghẹo. Nhưng cô không để ý: Tâm thấy vững vàng ở giá trị và lòng cao quý của mình.
Nàng đã đảm đang nuôi cả một nhà, với lại, trừ phi là cô gái hư không kể, còn ai ở địa vị nàng cũng phải tảo tần buôn bán như thế. Làm việc, đối với Tâm, là lệ chung của người ta. Cô thấy chung quanh toàn những đàn bà chịu khó làm ăn vất vả để nuôi chồng, nuôi con. Không bao giờ Tâm nghĩ cho mình, cho cuộc đời riêng của cô.
Nhưng Tâm cũng không khỏi thắc mắc vẩn vơ cho thân thế; Tâm ngửng lên nhìn nét mặt hiền từ của bà Tú, rồi quay đi, hơi e thẹn. Vì nàng có tâm sự kín riêng. Hình ảnh một người con trai lanh lợi, miệng tươi như hoa, ăn nói mềm mỏng dễ nghe. Những ngày phiên chợ Bằng, Tâm thường thấy người ấy ra hàng Tâm mua kim chỉ. Nàng mặt xuống hàng thấy cái nhìn âu yếm của người con trai ấy đè nặng trên người. Má Tâm phơn phớt đỏ. Câu chuyện ngượng nghịu và gióng một nhưng nàng thấy tâm hồn say sưa như nhấp rượu.
Người ta bảo đó là cậu giáo trường làng. Vẻ người đúng đắn, có tư cách, chứ không chớt nhả như những anh trai làng khác. Nhưng nhìn cái áo lương cũ, Tâm cũng đoán là cậu giáo nghèo thì phải. Cũng như nàng.
Lúc lên giường nằm, dưới tấm chăn mỏng và lạnh. Tâm còn tơ tưởng mãi đến con người xinh trai ấy. Trong nhà đã ngủ yên tĩnh cả rồi. Trên án thư, bên ngọn đèn hoa kỳ, chồng sách và cái ống bút của Lân, Ái che khuất ánh sáng. Các em nàng – những đứa em thông minh và ngoan ngoãn quá – không biết nàng có tảo tần mãi được để kiếm tiền mua giấy bút cho chúng ăn học không ? Tâm mơ màng nghĩ đến sự thành công của các em sau này: đỗ đạt rồi làm trên tỉnh giúp thầy mẹ. Nhà nàng lại sung túc và mát mặt như xưa.
Người chị mộc mạc và âu yếm ấy nghĩ ngợi trong đêm yên lặng. Tiếng trống cầm canh đã qua nửa đêm, nàng mới khẽ thở dài, nhắm mắt ngủ.
Tất cả những nỗi lo lắng lui đi và tâm hồn giản dị của thiếu nữ được nghỉ yên tĩnh.
Sáng sớm hôm sau, trong gió bấc lạnh, Tâm đã mở cổng gánh hàng lên chợ. Sương trắng còn đầy ở các ngõ trong làng; mùi rơm rác và cỏ ướt thoang thoảng bốc lên, mùi quen của quê hương và của đất mầu khiến Tâm thấy dễ chịu và thêm can đảm. Nàng rảo bước cho mau chóng đến chợ.
Cái đòn gánh cong xuống vì hàng nặng, kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp điệu của bước đi. Chịu khó, chịu khó từng tí một, hết bước nọ sang bước kia, cứ thế mà đi không nghĩ ngợi. Tâm thấy ngày nay cũng như mọi ngày, ngày mai cũng thế nữa; tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức, như tấm vải thô dệt đều nhau. Có phải đâu chỉ một mình cô; trong những lũy tre xanh kia, bao nhiêu người cũng như cô, cũng phải chịu khó và nhọc nhằn, để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi các em. Tâm không chán nản cũng không tự kiêu, chỉ thấy yên tâm chắc chắn, như nhiều người khác cũng làm việc, cũng sống như nàng.
Tâm cứ bước đều chân và đến chợ vẫn còn sớm. Nàng bày hàng trên khoảng đất nàng vẫn ngồi xưa nay. Ánh sáng đầu tiên của mặt trời lấp lánh trên mặt kính các ô hàng. Các màu đua nhau thắm tươi dưới ngón tay xinh xắn của Tâm: những cuộn chỉ mượt, những cái cúc xà cừ, những gương lược sáng loáng. Cái gì cũng sạch sẽ ngăn nắp, nhỏ nhắn như công việc, như ý nghĩ của cô hàng xén.
Không khí giá và trong của buổi sáng làm hồng da dẻ và khiến máu chạy mạnh. Tâm thấy vui vẻ nhanh nhẹn trong người. Chị Liên với thằng nhỏ gánh vải cũng đã đến rồi. Hai chị em cười nói chuyện trò như đôi chim sẻ:
– Hôm qua mày bán được bao nhiêu ? Tao ngồi mãi chỉ bán cho bà lý có một tấm lụa.
Tâm đáp:
– Thế còn gì nữa; bằng cả ngày lãi của tao kiếm.
Chợ mỗi lúc một ồn ào. Ngưòi đến họp đã đông. Cái đông đúc và ồn ào ấy khiến cho Tâm như lịm đi. Tiếng nói, tiếng cười đùa, chửi rủa tràn đầy cả mấy gian hàng. Sự hoạt động rực rỡ và nhiều màu. Các hàng quà bánh, các thức hàng rẻ tiền và vụn vặt ở thôn quê, những hoa quả chua chát hái xanh trong vườn nhà, và bên kia đường, mùi thơm nồi cháo nóng của chị Tư bay ra ngào ngạt.
Tâm không nghĩ ngợi, lo lắng gì nữa. Sự buôn bán, mặc cả bao bọc lấy nàng như một hơi gió nóng.
Tất cả hàng tổng trong buổi phiên này. Từ những người đàn bà nghèo ăn mặc rách rưới, cho đến các bà tổng, bà lý, váy sồi, thắt lưng đũi và áo bông mềm, túi nặng những tiền. Một hai cô trên tỉnh, chừng con gái ông thừa hay ông chủ ty ở huyện, vui đùa đi lại trong chợ, răng trắng và môi đỏ. Tâm thấy họ hình như vô tâm và sung sướng lắm thì phải: các cô bá vai nhau mua hết thức này, thức nọ không tiếc tiền, ngây thơ như con trẻ. Tâm và Liên nhìn nhau mỉm cười.
Gần trưa, cậu giáo ra. Vẫn con người mảnh rẻ và nho nhã trong chiếc áo lương cũ. Bốn mắt nhìn nhau: Tâm má đỏ bừng, tay không biết làm gì. Cậu giáo ngượng nghịu, nửa muốn ngồi xuống bên hàng, nửa không dám. Chỉ có Liên là tinh nghịch, sống sượng lại hay nói đùa:
– Kìa ông giáo, mời ông mua hàng của em nó đi.
Rồi cô ngả đầu ra sau cười ngặt nghẽo, trong lúc Tâm đưa mắt trách và cậu giáo khẽ mỉm cười.
Vụ gặt hái xong, cậu giáo Bài nhờ người mối lái đến hỏi Tâm. Bà mối là người cô trong họ như bà Tú. Sai khi khen ngợi cậu giáo là người chí thú nết na, bà mối bảo:
– Tôi cũng vì tình chị em nói giúp cho cháu nó nên vợ chồng. Cậu giáo tuy nghèo nhưng là con nhà thế gia, ông cụ trước cũng có đi dạy học. Cháu Tâm nó mà về làm dâu nhà ấy thì không còn phải quản ngại điều gì nữa.
Bà Tú cảm ơn và đáp:
– Vâng, bà để cho rồi tôi hỏi cháu xem thế nào đã.
Bà mối cười, vừa đứng dậy vừa trả lời:
– Ðược nơi xứng đáng, mình bằng lòng thì gả, chứ còn cần gì phải hỏi nó nữa.
Sau khi bà mối về, bà Tú đem câu chuyện hỏi ông Tú; ông bảo:
– Bà xem chỗ nào nên gả thì gả, không phải hỏi tôi làm gì.
Rồi ông lại xách ô đi chơi sang làng khác. Bà nhìn theo ông, thở dài. Từ ngày trong nhà kém sút đến giờ, ông Tú như người mất hồn, chẳng còn để ý đến công việc gì nữa. Việc trong nhà ông để bà trông nom. Bà nghĩ đến Tâm âu yếm, Nếu không có nó sớm hôm buôn bán thì bà cũng không biết xoay sở vào đâu. Nhà năm, sáu miệng ăn, lại hai con đi học, hơn mẫu ruộng cấy chỉ đủ thóc dùng. Bà lại chợt nghĩ: nếu Tâm đi lấy chồng thì làm thế nào ?
Tuy vậy, buổi chiều hôm ấy bà gọi Tâm vào buồng và nói cho Tâm biết. Tâm yên lặng nghe, rồi thưa:
– Con mà đi lấy chồng thì ai kiếm tiền cho các em ăn học ? Thôi u cứ để con ở nhà buôn bán và trông nom nhà cửa cho thầy u.
Bà Tú nhìn con, thương mến:
– Không được, con gái đến tuổi phải đi lấy chồng, chứ con ở nhà mãi hay sao ? U sẽ làm hàng sáo để kiếm thêm chi tiêu trong nhà. Con cứ nghe u đi.
Bà thêm:
– Với lại không đám nào hơn đám này nữa. Bà cụ đằng ấy cũng hiền lành và cậu Bài là người nết hạnh đứng đắn. Con về nhà ấy thì u mừng lắm.
Tâm cúi mặt thẹn đỏ hai gò má; nàng tưởng đến cậu giáo, con người xinh trai và nhã nhặn, mà mới buổi gặp lần đầu, nàng đã mến yêu ngay. Nhưng bỏ nhà đi lấy chồng ? Thằng Lân và thằng Ái lấy tiền đâu mà mua sách vở học ? Nghĩ đến mẹ già phải làm lụng vất vả lòng Tâm lại không nỡ. Nàng khóc nói:
– Thôi, u cứ để con ở nhà hầu hạ thầy và săn sóc các em. Chúng nó còn bé dại cả, nếu con đi thì ai là người trông nom nhà cửa.
Nhưng thương con, bà Tú không ngần ngại chút nào. Bà bằng lòng cho Tâm và nhắn tin cho bà mối biết. Bên nhà trai xin cưới ngay trước Tết.
Ngày về nhà chồng, Tâm buồn rầu không thiết gì trang điểm. Nàng gọi các em vào trong buồng để từ biệt: Lân và Ái níu lấy cổ Tâm quấn quít, không muốn rời ra. Nàng âu yếm dặn dò:
– Các em ở nhà chịu khó ăn, học nhé đừng để cho thầy u phải phiền lòng. Rồi tháng tháng chị sẽ gửi tiền về cho các em tiêu.
Tâm ngừng lại, ứa nước mắt không nói được nữa. Nàng xốc em bé lên hôn rồi ra ngoài lễ tạ cha mẹ.
Ðám rước dâu theo con đường nhỏ trong làng đi ra cánh đồng. Hai bên ngõ, người trong làng đứng xem cô dâu và chú rể mới.
Buổi chiều hôm ấy, trong nhà bà Tú trở nên lạnh lẽo và vắng không. Bữa cơm chỉ có mấy mẹ con ngồi ăn. Lúc thắp đèn, bà tú gọi con sen lên bàn nói chuyện về Tâm cho đỡ buồn. Thằng Lân và Ái cũng ngẩn ngơ nhớ chị. Không còn những buổi tối chờ đợi chị Tâm gánh hàng về, nghe tiếng cười nói vui vẻ của chị và mong đợi chia quà nữa. Chúng ngồi nghe chuyện bà tú mãi tới khuya rồi gục trên sách ngủ.
Về nhà chồng được vài hôm, Tâm lại phải đi bán hàng ngay để khỏi mất mấy phiên chợ Tết. Nhà chồng nàng cũng nghèo, nhà cửa không có gì. Cậu Bài dạy học trong làng được dăm bẩy bồng bạc lương. Bao nhiêu việc chi tiêu trong nhà lại trông cả vào mình nàng.
Bây giờ gánh hàng trở nên nặng quá trên đôi vai nhỏ bé. Chiếc đòn gánh càng cong xuống và rên rỉ. Ngoài giang sơn nhà chồng nàng phải gánh vác, Tâm lại còn lo sao kiếm được đủ tiền để thêm cho cho các em ăn học. Trong sương muối sớm rét và giá lạnh, nàng đã phải bước ra ngõ để đi chợ rồi. Trên con đường mấp mô và đất rắn, Tâm bước những bước nhỏ và mau. Ðời nàng lại khó nhọc và cố sức kế tiếp nhau. Có khi Tâm tưởng nàng vẫn còn ở nhà, vẫn còn con gái và buổi chiều nàng sẽ gánh hàng về căn nhà cũ, thấy các em ra đón và nghe tiếng mẹ nàng dịu dàng săn hỏi. Nhưng không, bây giờ nàng không được về nhà mẹ luôn nữa. Gia đình của chồng là gia đình của nàng: nàng phải lo tiền cho chồng vụ thuế. Những lúc giỗ Tết, phải may vá cho Bài: chiếc áo lương mới chàng sắm ngày cưới bây giờ đã bắt đầu bạc và rách rồi.
Ngày phiên chợ đối với nàng cũng kém vui. Má nàng hồng hơn, môi nàng thắm thêm, người ta bảo nàng bây giờ đẹp ra hơn trước. Nhưng nàng cần gì những cái đó nữa. Bọn trai làng không còn chòng ghẹo nàng, và trong lòng nàng cũng không còn cái thời con gái duyên thắm và chờ mong đã hết rồi. Nàng chỉ còn là một người đàn bà tảo tần hôm sớm để nuôi chồng. Buổi phiên chợ Bằng, Liên ngồi cạnh nàng nhí nhảnh khoe:
– Này Tâm xem, tôi mới sắm được cái này đẹp lắm.
Liên đưa ra một đôi khuyên vàng cô mới gửi đánh ở trên tỉnh. Tâm cầm lấy ngắm nghía trên tay. Mắt nàng sáng lên, Tâm nghĩ đến những buổi nói chuyện với Liên khi nàng chưa lấy chồng. Hai chị em bàn về những đồ trang sức, và đôi khuyên là cái ước vọng tuyệt đích của hai cô gái quê. Hai người buổi vào cũng nhắc đến, và cùng hẹn nhau dành dụm để sắm một đôi đeo Tết.
– Ðẹp quá nhỉ. Chị mua hết bao nhiêu ?
Nàng ngẩn ngơ đưa trả lại Liên, yên lặng nhìn bạn mắc vào tai. Tâm nghĩ không bao giờ nàng có thứ ấy nữa. Làm sao dành dụm được chừng ấy tiền, mà nếu có số tiền ấy nữa nàng cũng còn phải để tiêu việc nhà, hay gửi cho các em. Lân đã lên học trường tỉnh, sự tốn kém lại tăng thêm. Dạo hè năm ngoái nó đã lấy của nàng hơn chục bạc. Hôm qua, bà Tú lại nhắn người bảo gửi thêm cho nó để nộp giấy đi thi. Nàng lo quá. Những số tiền nàng cho em là tiền dành dụm riêng của nàng; Tâm phải đưa giấu, sợ mẹ chồng và chồng nàng biết. Nhiều lần Bài đã gắt với nàng, vì Tâm không còn tiền đưa. Và những lời của mẹ chồng nàng đã bắt đầu có vẻ đay nghiến và nghi ngờ.
Hai năm sau, Tâm đẻ đứa con trai. Ở cữ được nửa tháng, nàng phải để con cho mẹ chồng trông nom, rồi lại gánh hàng đi chợ. Mấy năm khó nhọc đã thay hẳn người nàng. Tâm bây giờ không còn là cô gái xinh xắn hồi trước. Nàng già đi nhiều lắm. Ðã lâu nàng không còn chú ý đến sắc đẹp của mình và cũng không biết nó tàn lúc nào. Sắc đẹp cũng vô ích cho nàng khi đã có chồng rồi. Tâm thấy mình già và yên tâm trong sự đứng tuổi. Những ngày chợ phiên, nàng nhìn các cô gái với ý nghĩ an phận của người đã qua tuổi trẻ rồi. Bây giờ nàng còn thì giờ đâu trang điểm nữa. Cái cô hàng xén xinh đẹp trước kia nổi tiếng cả một vùng, bây giờ không còn ai nhớ đến nữa. Ðã có những cô con gái khác mới lớn lên, rực rỡ và tươi tắn, cười nói có duyên với những cậu con trai khác. Nhiều khi nhìn vẻ hân hoan sung sướng của họ, Tâm lại nghĩ đến ngày trước kia, hình như đã lâu lắm, nàng còn là cô hàng xén má hồng môi đỏ, e lệ cúi mặt dưới cái nhìn âu yếm của cậu giáo Bài nho nhã và đứng đắn trong tấm áo lương. Thời ấy bây giờ đâu ? Chị Liên may mắn đã lấy được chồng giàu, lên buôn trên tỉnh, chị ấy vẫn trẻ đẹp chư xưa. Tâm khẽ thở dài, bây giờ các chị em bạn cũ không còn ai ở lại để cùng chia sẻ những nỗi khó nhọc với nàng.
Tâm rảo bước đi qua cánh đồng nghĩ ngợi. Ðã lâu, nàng không có dịp sang thăm nhà vì bận con mọn và buôn bán. Chiều nay Lân ở trên tỉnh về, nên nàng đến để gặp em và hỏi thăm ông tú, mệt đã mấy tháng nay.
Cây đa cỗi và cái quán gạch vẫn đứng đợi nàng ở đầu làng. Ðường ngõ vẫn lồi lõm vì trâu đi, hai bên vệ vẫn mùi bèo và mùi rạ ướt. Trong làng chẳng có gì thay đổi.
Khi nghe thấy tiếng bà Tú âu yếm đón hỏi trên thềm, tiếng thằng Ái và em bé reo mừng chị, lòng Tâm dịu lại như ngày nàng còn gánh hàng về. Tâm bước vào ngồi trên phản bên cạnh mẹ; căn nhà đối với nàng hình như rộng rãi và lặng lẽ hơn trước nhiều.
– Em Lân đâu ?
Nó vừa mới chạy đâu sang hàng xóm. Chả biết cần gì mà nó còn đợi con để xin tiền.
Tâm thở dài:
– Con chả có đồng nào để ra cả.
Bà Tú nhìn con ái ngại:
– Cậu giáo lại thôi dạy học, thì nhà con túng thiếu thật.
Hai mẹ con yên lặng không nói nữa. Tâm thấy mẹ già đi quá, hai mái tóc đã bạc phơ. Bỗng nhiên, nàng đau xót trong lòng, thương mẹ và buồn cho cảnh nhà nghèo.
– Kia, chị đã đến. Em chờ chị mãi từ sáng đến giờ.
Lân ở ngoài bước vào, nhanh nhẹn. Cậu lớn hẳn lên, dáng điệu mạnh mẻ và hơi xấc lấc, rõ ra một cậu học trò lanh lợi trên trường tỉnh. Tâm nhìn em mừng rỡ. Mắt nàng sáng lên vì kiêu hãnh có người em như thế:
– Em chơi đâu về ? Bao giờ lại lên tỉnh học ?
Nàng ân cần săn sóc, hỏi em. Lân trả lời chị qua loa, hơi bực mình về những câu hỏi lẩn thẩn của chị. Cậu nói ngay đến chuyện cần:
– Em xin chị một chục bạc để mua sách học.
Tâm hoảng sợ:
-Sao nhiều thế, chị lấy đâu ra. Ðộ này buôn bán khó khău lắm, một ngày vài hào chỉ lãi, em bảo chị làm thế nào được ?
Thấy Lân có vẻ không bằng lòng, Tâm vội đáp:
– Hãy để thong thả chị lo rồi gửi chị Liên cho em.
– Thế thì lấy tiền đâu mà nộp đơn và mua sách bây giờ ? Không có thà rằng ở nhà cho xong.
Lân vùng vằng đứng gậy bước ra ngoài thềm. Bà Tú ngước mắt trông theo, rồi vội vã bước ra gọi em lại. Nàng dịu giọng ngọt ngào:
– Gớm, chưa chi em đã giận. Có phải chị tiếc em đâu, vì chị chưa có thật.
Lân yên lặng rồi không nói gì, quay mặt đi chỗ khác. Lòng chị lại không nỡ thấy em buồn:
-Thì đây, chị có chục bạc này là tiền lấy hộ cho anh ấy đây. Em cầm lấy rồi chị liệu vay sau cũng được.
Tâm lần ruột tượng lấy ra gói bạc giấy cuộn tròn. Số tiền nàng vừa lấy định trang trải các công nợ và lo sưu thuế cho Bài. Nhưng thấy vẻ mặt vui mừng của em, nàng quên mất cả những nỗi lo sợ đang chờ nàng.
Lúc Tâm ra về, trời đã tối. Nàng vội vã bước mau để về cho con bú. Sương mù xuống phủ cả cánh đồng, và gió lạnh nổi lên: Tâm thu vạt áo lại cho đỡ rét, lần theo bờ cỏ đi. Lòng nàng mệt nhọc và e ngại: lấy đâu mà bù vào chỗ tiền đưa cho em ? Tâm nhớ lại những lời dằn của mẹ chồng và những câu giận dữ của Bài mỗi khi hỏi nàng không có tiền. Nàng nghĩ đến những ngày buôn bán được, ngày không, Tâm dấn bước. Cái vòng đen của rặng tre làng Bàng bỗng vụt hiện lên trước mặt, tối tăm và dầy đặc. Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ, ngày kia như tấm vải thô sơ. Nàng cúi đầu đi mau nào trong ngõ tối.
  Thạch Lam