Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

LÒNG NGHĨA HIỆP_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


48. LÒNG NGHĨA HIỆP
 (Câu chuyện hàng tháng)

Trưa nay, thầy giáo đã dẫn chúng tôi ra dinh ông Quận Trưởng để dự lễ gắn "Công dân giá trị bội tinh" cho một cậu bé đã cứu bạn thoát chết đuối ở sông Bô-Hà (1).

Một lá cờ tam tài lớn bay phất phới ở bao lơn công thự.

Chúng tôi vào sân, trong ấy đã có đông người. Trong cùng tôi trông thấy một cái bàn kê ở giữa phủ thảm đỏ, đằng sau có một dãy ghế bành thiếp vàng là chỗ ông Quận Trưởng và các ông hội viên ngồi. Ngoài sân, một bên là toán lính đứng bồng súng, một bên là ban nhạc. Học trò và thầy giáo các trường đều có mặt. Ngoài ra lại có một số đông các bà, các ông, các sĩ quan, những dân quê và trẻ con đứng quây quần tựa hồ như trong một rạp hát lớn vậy.

Bỗng dưng có tiếng vỗ tay nổ ran từ ngoài cửa vào trong sân. Tôi kiễng chân lên xem thấy mọi người giạt ra nhường lối cho một người đàn bà và một người đàn ông dắt tay một cậu bé tiến vào. Cậu bé ấy là người đã cứu bạn.

Người đàn ông kia là cha cậu, làm thợ nề, ăn mặc như ngày Tết ; người đàn bà mẹ cậu, người nhỏ nhắn vận áo chùng thâm ; còn cậu bé, da trắng tóc vàng, mặc áo mùi tro.

Trông thấy đông người và nghe tiếng vỗ tay rầm rập, cả ba đều bối rối, không bước được nữa và không dám nhìn ai. Một viên thừa phát lại phải chạy đến đưa vào. Cha mẹ cậu đứng nghiêm chỉnh, mắt nhìn vào bàn. Cậu bé đứng cạnh, mũ cầm tay.

Bỗng có tiếng hô lớn :

- Nghiêm !

Hai hàng lính vừa đứng chỉnh tề thì ông Quận Trưởng ngang lưng thắt dải tam tài, đi vào, có nhiều quan chức khác theo sau. Ngài đứng trước bàn, các viên tùy tùng theo ngôi thứ đứng hai bên. Ban nhạc cử hết bài, ông Quận Trưởng ra hiệu mọi người im lặng.

Ông bắt đầu nói. Đoạn đầu tôi không nghe rõ, nhưng đoán là ông kể lại việc làm của cậu bé.

Dần dần ông cất cao giọng, những người ở ngoài sân đều nghe rõ ông nói :

- ... Đứng trên bờ, trông thấy bạn nhấp nhô theo sóng, sắp làm mồi cho Thủy thần, cậu vội vứt quần áo chạy xuống. Người ta kêu :"Sâu đấy ! Xuống thì chết !". Cậu không trả lời. Người ta giữ cậu lại, cậu đẩy mọi người ra. Người ta gọi giật cậu lại, cậu đã nhảy xuống nước rồi. Sông to, sóng cả, nguy hiểm vô cùng ! Người lớn trông thấy cũng phải sờn lòng thế mà cậu đem hết sức của tấm thân bé nhỏ để phấn đấu với tử thần. Cậu bơi theo và nắm kịp nạn nhân bấy giờ đã đuối sức và đành cho ngọn nước cuốn đi. Cậu một tay cắp lấy nạn nhân giơ lên, một tay hăng hái bơi vào. Nước ngược sóng to ! Nhiều lần cậu đã bị chìm rồi lại cố ngoi lên được. Sau bao nhiêu phút hồi hộp và lo lắng của những kẻ đứng trông cậu kéo được nạn nhân vào bờ. Rồi cậu lại hiệp lực cùng mọi người để cứu chữa, không bao lâu nạn nhân được hồi tỉnh.

Xong, cậu im lặng và một mình thong thả về nhà.

Thưa các ngài, cái hào khí của con người ta bao giờ cũng đẹp và đáng kính ; nhưng cái hào khí ấy ở một đứa trẻ chưa có óc hiếu danh hay vụ lợi, ở một đứa trẻ sức yếu mà gan to, ở một đứa trẻ chưa phải bó buộc làm những bổn phận quá cao ấy, ở một đứa trẻ nếu nó chỉ hiểu nghĩa vụ phải hy sinh và không đủ sức thực hành cũng đã đủ khiến ta đáng quí, đáng khen, cái hào khí ở một đứa trẻ như thế, thực là tuyệt đỉnh ! Thưa các ngài ! Tôi không nói thêm gì nữa, vì đối với một việc lớn lao như vậy, bao nhiêu lời khen cũng là thừa.

Cái người có thủ đoạn anh hùng ấy, cái người có lòng nghĩa hiệp ấy, thưa các ngài, đây ! Hỡi các binh sĩ ! Các người hãy chào y như một người em. Hỡi các bà mẹ ! Các bà hãy cầu phúc cho y như một người con. Hỡi các học sinh ! Các con hãy nhớ lấy tên y, hãy ghi lấy cái nghĩa cử ấy vào tim óc các con.

Con ơi! Đứng gần lại đây ! Khâm phụng Hoàng đế nước Ý, ta trao cho con tấm "Công dân giá trị" này !

Tiếng hoan hô vang động một khu trời. Ông Quận Trưởng cầm tấm bội tinh trên bàn đính vào ngực cậu bé, xong hôn cậu ba, bốn lần.

Sau khi bắt tay cha cậu và mẹ cậu, ông Quận Trưởng cầm đạo sắc lệnh về tấm huy chương ấy trao cho mẹ cậu và quay lại nói với cậu :

- Ta mong rằng cái ngày rất vẻ vang cho con, cái ngày rất sung sướng cho cha mẹ con này sẽ duy trì con trên con đường đạo đức và danh dự mãi mãi. Chào con !

Nói xong, ông Quận Trưởng trở ra giữa những tiếng kèn hùng tráng.

Ai cũng tưởng đến đây là hết. Hốt nhiên, đám công chúng ở ngoài đều rẽ ra mở lối cho một cậu bé độ 8, 9 tuổi chạy vào ôm lấy em bé vừa được Bội tinh.

Tiếng vỗ tay và tiếng reo lại nổi lên khắp sân. Mọi người đều hiểu đó là em bé bị nạn vào cảm ơn người đã cứu mình.

Khi hai em dắt nhau ra, một trận mưa hoa ở bao lơn rơi xuống như trăm nghìn con bướm bay mừng !

---------------
(1) Pô.


Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

BÀ MẸ ANH HẠ LONG_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


27. BÀ MẸ ANH HẠ LONG
                                   Thứ sáu, ngày 28

Tôi đã khỏi hẳn và đi học được. Sáng hôm qua, tôi vừa ra trường thì được ngay một tin buồn. Đã hơn tuần lễ nay, anh Long không đi học, vì mẹ anh ốm nặng. Bà đã mất hôm thứ tư. Học trò vào lớp xong, thầy giáo bảo chúng tôi :

- Cái tai họa to lớn nhất đời của một đứa trẻ, vừa mới xảy ra cho anh Long : anh đã mất mẹ. Ngày mai, anh sẽ đi học, vậy thầy khuyên các con nên kính trọng sự thống khổ của anh Long. Khi anh ra trường, các con nên hỏi han một cách ân cần, nhất là phải đứng đắn, đừng cười, đứng nói chơi. Thế mới gọi là người biết lễ.

Sáng nay, chúng tôi vào học được một lúc thì quả nhiên, anh Long đến. Thấy anh xanh xao, mắt đỏ, chân bước không vững, tôi thương tâm quá. Anh trông như người ốm mới dậy, nhiều người không nhận ra, anh ăn mặc toàn đồ thâm, ai trông thấy thế cũng động lòng...

Đến cổng trường, nhìn thấy chỗ mẹ anh đứng đón anh mọi khi, vào trong lớp, trông thấy cái bàn mà mới đây mẹ anh cúi xuống dặn dò anh trước khi làm bài thi, anh lại nức nở khóc.

Cả lớp im lặng như tờ.

Ông Bích Niên kéo tay, ôm anh vào lòng và bảo anh :

- Con ơi ! Cứ khóc, khóc đi, nhưng con phải cố can đảm mới được. Mẹ con tuy không có ở trên đời này nữa, nhưng mẹ con vẫn trông thấy con, vẫn sống bên mình con và một ngày kia, con sẽ lại trông thấy mẹ con vì con có một tâm hồn tử tế và thành thực như mẹ con. Can đảm lên con ạ !

Nói xong, thầy theo anh về ghế, cạnh chỗ tôi. Anh mở sách ra, trúng ngay bài có bức vẽ "người mẹ dắt con" anh lại gục đầu xuống bàn, âm thầm khóc...

Thầy giáo ra hiệu cho chúng tôi để mặc anh và buổi học bắt đầu..

Tôi muốn an ủi anh một vài câu, nhưng không biết nói thế nào, tôi liền vỗ vai anh và nói nhỏ :

- Anh Long ơi ! đừng khóc nữa !

Anh không trả lời và cũng không ngẩng đầu lên, chỉ đưa tay nắm chặt lấy tay tôi.

Lúc tan học, không ai dám nói chuyện với cậu bé đáng thương ấy, mọi người đều lượn quanh cậu im lặng và kính cẩn. Trông thấy mẹ tôi ở cửa trường, tôi chạy ra ôm lấy mẹ tôi thì mẹ tôi gạt tôi ra. Tôi chưa hiểu tại sao thì thấy anh Long nhìn tôi bằng đôi mắt rầu rầu, hình như muốn bảo tôi :

- Anh cùng về với mẹ anh. Còn tôi, từ nay phải thui thủi một mình ! Anh còn mẹ ! Tôi mất mẹ !

Lúc đó tôi mới hiểu tại sao mẹ tôi lại gạt tôi ra và tôi đi một mình không để mẹ tôi dắt tay nữa.


Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

LÒNG SUỐI


Truyện của VŨ HẠNH

Kha-Roát nhất quyết bảo rằng A-Đun là giống ma lai nguy hiểm cho cả dân làng. Nhiều đêm hồn của A-Đun ra nằm trên mộ Mi-Sao, hồn của hắn ta thật đó. Chỉ có hồn ma mới không sợ lạnh, không sợ hùm beo, mới thích đi trong bóng tối.

Kha-Roát còn viện thêm nhiều lý lẽ khác nữa. Ít khi ban ngày người ta gặp mặt A-Đun, chắc rằng lúc ấy hắn đang chun vào một nấm mồ hoang nào đó. Ban đêm hắn ít đốt lửa, người ta có thể gặp hắn cùng một lúc ở nhiều nơi khác nhau. Con gái ông Kay là nàng Bia-Ngo ghé vào nhà hắn, bị hắn nhìn lâu một chút, mà về đau luôn hai con trăng liền. Hắn quả là giống ma lai nguy hiểm, không còn hồ nghi gì nữa. Đáng lẽ dân làng phải giết nó đi, để nó sống sót ngày nào cái buôn không thể làm ăn nên nổi được đâu.

Ban đầu nghe Kha-Roát nói, A-Đun không chịu hé môi. Nhưng sau trông thấy mọi người chăm chắm nhìn mình một cách giận dữ, anh mới chậm rãi trả lời. Anh bảo hồn anh không hề đi đâu một mình, mà vẫn theo anh từ nhỏ đến lớn. Chính ra anh nằm trên mộ Mi-Sao vì anh thương nàng nhiều lắm. Ngày xưa còn là vợ chồng, nàng vẫn nằm cạnh bên anh, bây giờ gió mưa lạnh lẽo nàng nằm trơ trọi trong rừng, tội nghiệp cho nàng quá lắm. Anh ra ôm lấy nấm mồ, khuyên nàng đừng khóc, đừng buồn, mà anh nghe đau cái ruột, chỉ vậy đó thôi. Đêm đến, nhiều khi anh không đốt lửa cho ấm gian nhà sợ nàng giận dỗi vì đang chịu lạnh ngoài trời. Anh vẫn một mình, làm sao có mặt nhiều chỗ một lần cho được? Kẻ nào nói vậy, cũng là một giống ma lai, vì hắn có mặt nhiều nơi ở trong một lúc nên mới thấy anh như thế. Còn nàng Bia-Ngo, nàng đau vì tại anh nhìn đó sao? Anh nhìn dịu dàng như nhìn bông lúa đầu non, không thương không ghét chi nàng. Cái nàng Bia-Ngo lại bảo anh hại nàng à?

Không, Bia-Ngo lắc đầu bảo rằng không hề nói vậy. Nàng đau là tại nàng đau đó thôi. Nàng thích A-Đun nhìn nàng lâu hơn vậy nữa, chẳng sợ đau ốm gì đâu.

A-Đun nhất định cho mình không phải là giống ma lai, Kha-Roát nhất định bảo có, làm sao bây giờ? Ông Chúa làng Ha-Râm nói lớn cho mọi người nghe:

“Kẻ thấy được người có tội và kẻ bị người kêu tội hãy ra đứng trước dân làng!”

Nghe nói, Kha-Roát chống cây dáo xuống, đứng dậy. Gã lừ đôi mắt nhìn quanh, rồi lách đám người bước ra giữa sân. Mặt gã sạm đen, đôi mắt linh hoạt hấp háy dưới nắng, thỉnh thoảng nheo lại ngó về chỗ A-Đun ngồi và phía Bia-Ngo. Hai ống chân gã luôn luôn chuyển động có vẻ đợi chờ. Đôi lúc gã ghì chặt lấy cán dáo, săm soi nhìn cái mũi nhọn như ước lượng trước sức mạnh của sự xuyên thủng bằng hết gân lực đôi tay.

A-Đun chậm rãi đứng lên, tiến ra giữa nền đất đỏ, đôi mắt đăm đăm nhìn mặt Kha-Roát, lộ rõ một nỗi căm thù cố dồn nén lại. Khi cả hai người đã đứng giữa vòng, cách nhau độ ba sải tay, ông già Ha-Râm lại cất tiếng nói:

- Khắp cả dân làng không ai có đủ cái lý để biết trắng đen. Chỉ có Thần Linh mới rõ những điều ta không biết nổi. Kha-Roát muốn cùng A-Đun hụp nước, nhưng suối Na-Leng mùa này đã cạn quá rồi.

Kha-Roát kêu lên:

- Nước suối Nậm-Rui còn đầy lắm đó.

Ông Ha-Râm lắc đầu:

- Nậm-Rui xa lắm, làng ta đang giữa vụ mùa. Ta chọn cách khác để biết ý Thần cũng được.

Kha-Roát hất hàm:

- Cách gì?

Ông Ha-Râm nói lớn:

- Đổ chì!

Kha-Roát tối sầm mặt lại. Bất giác gã xòe bàn tay ra nhìn rồi nắm thật chặt, đưa mắt hớt hải trông ra tứ phía.

Ông Ha-Râm nói tiếp:

- Bây giờ chì chắc đã sôi nhiều đó. Thằng bé Dô-Chan đâu rồi?

Một đứa trẻ ốm nhòng, nhanh nhẩu chạy ra, đôi môi mím chặt giữ một điếu thuốc to tướng.

- Dô-Chan ơi, ra đằng sau bếp nhà làng, bảo Khem đem chì mau hé!

Khi thằng bé lóc thóc đi rồi, ông Ha-Râm mới ngồi xuống đất, rút cái ống điếu giắt ở lưng khố, đặt lên trên đùi, nhồi thuốc. Đoạn, ông bước thong thả lại giữa sân buôn, cúi xuống đống lửa đang còn cháy dở, đốt thuốc và kéo phì phập từng hơi rất dài. Mặt trời lên đã khá cao, nền đất dưới chân mọi người dần nóng rát. Ngoài kia, giữa sườn đá xám, con suối Na-Leng đang chảy buồn thiu, nước cạn như muốn phô bày lớp cát long lanh. Ông Ha-Râm đảo mắt nhìn quanh lớp người già trẻ, gái trai chen chúc đợi chờ ở trước nhà làng. Những bộ mặt im lặng, những cặp mắt đỏ ngầu và những cái nhìn soi mói. Kha-Roát vẫn giữ chặt lấy cán dáo, cúi đầu như bận nghĩ ngợi điều gì. A-Đun vẫn nhìn đăm đăm về trước, mỗi lúc đôi mắt như khô cạn dần tinh lực. Ông Ha-Râm đặt cái ống điếu giữa lòng tay trái, tay phải vuốt mặt cho sạch mồ hôi đọng giữa những nếp nhăn nheo, rồi gọi vào trong nhà làng:

“Khem ơi! Mau lên kẻo trưa quá rồi.”

Lát sau, già Khem khệ nệ bưng ra một nồi đồng lớn đặt xuống trước vị Chúa làng. Ông Ha-Râm cúi nắm chiếc gáo trong nồi, đảo đi đảo lại nhiều vòng rồi giơ cao lên rót xuống từng dòng nước đục, sền sệt, nói to:

“Kha-Roát! A-Đun! Chì đã nấu sôi rồi đó. Hai người hãy chìa tay ra để biết ý Thần.”

Kha-Roát bỗng buông cây dáo và ngồi sụp xuống, chống hai bàn tay lên đất. Gã muốn bấu lấy mặt cát nhưng nền sân buôn chắc cứng, đã được quét sạch từ sáng nay rồi. Gã lại đứng lên, nhích tới từng bước rất ngắn, hàm răng nghiến chặt vào nhau, đôi tay co lại rồi chìa thẳng ra như hai khúc củi khô cằn. A-Đun đã tiến đến gần Kha-Roát, hai tay xòe ra chờ đợi. Mọi người không ai bảo ai cùng đứng cả dậy. Một hơi gió nồng oi ả thổi qua, dồn lớp lá khô xào xạc ngoài xa. Mùi chì nấu sôi đốt cháy da gáo nghe hơi khen khét. Chung quanh hầu như không còn tiếng động, tất cả dồn lại trong phút đợi chờ.

Ông Ha-Râm ra lệnh hai người đến trước mặt mình:

“Ngồi xuống!”

Kha-Roát, A-Đun cùng ngồi một lượt, kê người lên những gót chân nhón thẳng, đôi vế dang ra để chỗ cho hai bàn tay xòe rộng. Mồ hôi tuôn ra dầm dề khắp người, chảy xuống ướt đẫm lưng khố. Tất cả nét mũi, đường môi, khóe mắt của họ như căng thẳng ra, như nhấn mạnh xuống, có vẻ lầm lì gân guốc hơn bao giờ hết.

Ông Ha-Râm chậm rãi khuấy đều chiếc gáo trong nồi. Rồi ông giơ tay đập vào đầu mình vài cái như làm dấu hiệu thiêng liêng, đoạn vục chiếc gáo sâu xuống, múc lên. Cánh tay Kha-Roát như muốn co lại và những kẽ tay chỉ chực dang ra. Ông Ha-Râm rót xuống giữa lòng bàn tay hơi rung chuyển ấy từng dòng nước đục. Và rót tiếp vào giữa tay A-Đun một gáo thứ hai.

Bỗng một tiếng kêu rú lên cố ghìm mạnh lại ở trong cổ họng. Kha-Roát run rẩy vụt lật hai bàn tay lại, đổ chì xuống đất đưa lên ôm chặt đôi vai. Mắt gã như đờ hẳn đi và hai bên má như khô rốc lại chỉ còn lớp da cháy xạm bọc lấy vành xương góc cạnh. Đôi gối khuỵu xuống, người gã gục tới như cố đè nén những tiếng kêu rên uất trong lồng ngực.

A-Đun vẫn cứ im lặng đưa hai bàn tay cong lại giữ lớp chì sôi. Dần dần gã thấy tay mình rung chuyển mỗi lúc một tăng, cố giữ bao nhiêu cũng không thể ghìm lại được. Gã phải ấn cặp cùi chõ vào ngực và mím chặt môi, dồn hết sức lực lên hai bàn tay chịu đựng. Mắt gã mỗi lúc như lộ hẳn ra, đỏ tươi sắc máu. Cuối cùng gã nghe người mình dịu lại và trong bàn tay chì đã quánh lại, khô đặc thành hai mảng tròn. Gã ném từng mảnh đánh cạch xuống nền sân buôn và đứng thẳng dậy, chìa hai bàn tay. Bàn tay tháng ngày cầm rựa, cầm dáo, chai lì, sượng ngắt như vỏ một thân cây cốc lâu đời, không có một vết phỏng nào. Hai bàn tay ấy yên lặng khoa lên trước mặt mọi người, rồi dừng trước ông Chúa làng Ha-Râm.

Ông Ha-Râm nói lớn:

“Thần Linh đã cho ta biết ý rồi. Kha-Roát phỏng tay nhưng tay A-Đun không có hề gì. Theo tục lệ làng, từ đây của cải A-Đun thêm hai con trâu và một con bò.”

*

Năm ngày sau, A-Đun đến rẫy Kha-Roát. Anh thấy gã ngồi thu hình trên một chiếc chòi giữ dưa, miệng ngậm một ống điếu lớn, hai tay ấp lên hai bên lồng ngực. Vẻ mặt của gã già hơn mấy hôm trước quá nhiều. Cặp mắt của gã nhíu lại như đang chìm đắm trong sự suy tính khó khăn. A-Đun đến trước mặt gã khá lâu mà gã không nhìn thấy.

Anh cầm chiếc rựa gõ vào cột chòi:

- Hé! Kha-Roát!

Kha-Roát mở to đôi mắt, nhận ra A-Đun, cau mặt:

- Sao không đến bắt ngay từ hôm đầu? Tao phải giữ trâu, giữ bò cho mày năm ngày rồi đấy.

A-Đun đáp lại:

- Làng định năm hôm trở lại, tao đến hôm nay chưa quá hạn mà!

Kha-Roát gầm gừ:

- Xuống dưới bờ suối đưa trâu bò về. Mày giàu rồi đó…

Rồi gã hằn học nói tiếp:

- Mày cướp của tao nhiều đó, A-Đun!

A-Đun cười lạt, hỏi lại:

- Không phải Thần Linh cho tao đấy à?

Kha-Roát nói như tiếng rít:

- Lâu rồi, tao không đốn củi, phát nương, truốt lúa, không phải dơ như con chó, con gà, nên bàn tay tao mới không chịu được sức nóng. Mày cướp của tao nhiều đó.

A-Đun nín lặng đứng nhìn Kha-Roát giây lâu. Rồi anh chỉ tay xuống đất:

- Đứa nào cướp cái rẫy của lão Min-Pay?

Kha-Roát mím chặt đôi môi, cặp mắt trợn trừng căm giận. A-Đun nói tiếp:

- Trâu của Tha-Nga, bò của Bui-Ngót, đứa nào cướp lấy? Chính mày, Kha-Roát! Mày là quỷ dữ của cái buôn này. Thần Linh bắt họ nhô đầu lên khỏi mặt nước hay là mày từ nhỏ quen sống dưới suối Rơ-Mau! Mày làm hại biết bao người rồi đó, mày tưởng mày sống mãi à?

Kha-Roát đưa tay chỉ một thân cây bên góc trái chòi, khinh khỉnh trả lời:

- Tao có chết sớm cũng sống ngang cây lọ nồi này đấy.

A-Đun rút lấy chiếc rựa giắt ở bên mình và nhanh như cắt dùng hết sức lực phạt ngay một nhát. Cây lọ nồi đứt lìa, ngã xuống trên chòi làm sạt một mái tranh.

A-Đun quát lên:

- Đời sống mày đó, Kha-Roát!

Kha-Roát thong thả bước ra khỏi chòi, mỉm cười một cách nham hiểm:

- A-Đun! Chính mày muốn dứt xong cuộc đời mày.

Nói xong, gã vội đi về phía rừng. Trước khi khuất sau lùm cây, gã còn quay nói vọng lại:

- Lựa những con trâu, con bò thật mập đem về giữ giùm tao nhé.

A-Đun nói như hét lên:

- Mày không cướp lại được đâu!

*

Đợi trăng nhô khỏi rừng gồi rọi sáng sườn non, A-Đun ngồi dậy, rút lấy cây dáo đã mài nhọn sẵn từ mấy hôm nay, gác trên sàn nhà. Ánh lửa long lanh chiếu vào chất thép đỏ như sắc máu khiến cho lòng anh rợn lên những ý hận thù. Anh đưa tay vuốt nhẹ nhiều lần trên những cạnh sắc, cảm thấy được sự bén ngót qua làn da chai sượng ngắt của mình.

Anh vội leo xuống nhà sàn đi về rừng gồi trước mặt. Lá cây ướt đẫm hai bên lối đi, giữa những bóng tối lỗ chỗ đốm trắng, lộp độp sương rơi mỗi lúc một dày.

A-Đun cúi gầm trên những bước chân, nghe rõ tiếng suối Na-Leng cuốn chảy ào ào những ống nước lũ kéo về từ chốn rừng xa. Tiếng suối gợi lên ở trong đầu anh bao nhiêu tiếng khóc, tiếng gào, những tiếng than thở bất tận. Thỉnh thoảng dòng suối tuôn mạnh vào ghềnh dội ầm vang động như nỗi bất bình của chốn rừng khuya.

A-Đun đến nhà Bia-Ngo thì trăng đã xế. Ngọn lửa trên sàn vẫn còn cháy sáng. Anh nhìn thấy rõ bóng dáng cô gái qua lớp phên thưa. Anh kẹp cây dáo, nhón gót leo lên sàn nhà. Nghe động, Bia-Ngo ngơ ngác nhìn ra, nàng không giấu được vui mừng khi thấy khuôn mặt A-Đun hiện nơi khung cửa.

- A-Đun, đến làm gì thế?

A-Đun chậm rãi bước vào và ngồi bên lửa. Anh đưa bàn tay tê lạnh hơ lên than hồng một lát khá lâu, rồi rứt mấy lá thuốc phơi trên giàn vấn hút. Bia-Ngo yên lặng nhìn anh một cách trìu mến. Nàng hỏi:

- Đi thăm mồ của Mi-Sao về đấy phải không?

Anh đáp:

- Không phải. Ở nhà tìm đến Bia-Ngo.

- Đến làm gì thế?

Anh không trả lời, yên lặng thả từng luồng khói đậm đặc rồi quay sang hỏi:

- Tại sao Bia-Ngo không ngủ?

Bia-Ngo cau hẳn mặt lại:

- Tại thằng Kha-Roát ngồi không chịu về. Mới đuổi nó đấy. Giận nó không sao ngủ được. A-Đun đến làm gì vậy?

Anh đáp như đã dự tính từ lâu:

- Đến bảo Bia-Ngo lấy chồng.

Bia-Ngo trố mắt ra nhìn, nhận thấy nét mặt anh có vẻ đăm chiêu lạnh lùng. Nàng nói:

- Không hiểu được đâu. A-Đun muốn nói gì thế?

- Muốn nói Bia-Ngo lấy chồng.

- Bia-Ngo chỉ lấy A-Đun…

- Phải lấy Y-Rít mới được.

Bia-Ngo kêu lên:

- Không đâu! Không ai bảo được tôi đâu!

Giọng A-Đun vẫn ôn tồn:

- Bia-Ngo không thể nào lấy A-Đun.

Bia-Ngo dẫy nẩy:

- Cứ muốn lấy đó.

A-Đun nói tiếp:

- Ở buôn ta đây không ai tốt bằng Y-Rít, khỏe bằng Y-Rít. Chỉ tội Y-Rít nó nghèo. Nhưng ít hôm nữa Y-Rít có thêm nhiều rẫy, nhiều trâu, nhiều bò, Bia-Ngo không khổ gì hết.

Bia-Ngo giận dỗi:

- Không nghe A-Đun nói nữa.

A-Đun nhìn thẳng vào mặt Bia-Ngo một cách dịu dàng rồi bảo:

- Không nghe nói nữa, nhưng có nghe rõ tiếng gì đấy không?

Bia-Ngo cúi đầu, lắng tai nghe ngóng. Ngọn lửa về khuya đốt sôi lèo xèo những đầu củi ướt. Côn trùng râm ran không dứt ở trong lũng thấp, khe sâu. Gió núi rào rạt từng luồng thổi mạnh qua lớp rừng già loáng bạc màu trắng. Những tiếng thú dữ văng vẳng gầm lên, vụt tắt, như nỗi uất hận nghẹn ngào vọng lại giữa cơn mê sảng. Nhưng rõ hơn cả là tiếng rì rầm không dứt, tiếng suối Na-Leng cuồn cuộn tuôn dài.

Bia-Ngo ngẩng lên:

- Chỉ nghe tiếng suối. Tiếng suối Na-Leng cuốn nước lũ về.

A-Đun nhặt lấy cây dáo, từ từ đứng dậy:

- Đi đây, Bia-Ngo… Đêm quá khuya rồi.

Bia-Ngo muốn giữ anh lại nhưng ngỡ ngàng trước thái độ của anh, nàng ngồi ngơ ngẩn trông theo bóng dáng buồn bã, chậm chạp leo xuống sàn nhà. Anh đi lầm lũi trong đêm, không quay đầu nhìn trở lại.

*

A-Đun đến nhà Y-Rít thì trăng đã lặn, bóng tối chan hòa khắp cả núi rừng. Ngọn lửa trên sàn đã tắt, chỉ còn âm ỉ tro tàn. Tiếng chó xồ lên làm cho Y-Rít vụt ngồi xổm dậy.

- A-Đun đây mà.

Y-Rít dụi mắt, ngáp dài, rồi nói bằng giọng buồn ngủ nặng nề:

- Đợi thổi lửa lên cho sáng. Đến làm gì thế?

- Thôi đi, lửa đã tắt rồi. Sao mai đã mọc rồi kìa.

Nói vậy nhưng anh nghe lạnh thấm vào xương tủy. Anh sờ tấm vải che thân ướt đẫm sương đêm và ngồi nép vào sau một tấm liếp để tránh hơi gió tạt vào. Anh tiếp:

- Y-Rít hãy nghe A-Đun nói hết. Có ghét cái thằng Kha-Roát hay không?

Giọng Y-Rít như gầm lên:

- Nó là thằng ác, cướp rẫy Min-Pay, cướp trâu Tha-Nga, cướp bò Bui-Ngót… Nó còn muốn hại A-Đun!

- Nó như một con quỷ sống trong buôn, để nó buôn không sống nổi. Ngày mai A-Đun sẽ nói với ông Chúa làng là nó không kiêng thịt mỡ trước khi đi săn heo rừng mà heo vẫn không tuột ra khỏi lưới, nó không chừa món thịt nai trong ngày con trăng vừa tròn mà nó không hề đau ốm. Nó là kẻ ác có phép thư phù, ếm hại dân buôn. Nó phải ra trước Thần Linh đối chứng.

A-Đun nhìn thấy Y-Rít lắc đầu lia lịa trong tối.

Và Y-Rít nói:

- Không thấy con suối Na-Leng tràn nước đó à?

A-Đun gõ cái cán dáo vào khung cửa gỗ trả lời:

- Thấy rồi.

Giọng của Y-Rít đầy vẻ lo âu:

- Bao nhiêu mạng người đã chết vì thằng Kha-Roát ở trên bờ suối Na-Leng. Nó sống từ nhỏ bên sông Rơ-Mau, nó quen nín thở trong nước, A-Đun không sao hơn nó được đâu.

A-Đun nín lặng một lát rồi nói:

- Chẳng lẽ chịu thua nó mãi? Nó như một con rắn độc ngầm hại mạng người. Bây giớ nó còn muốn hại A-Đun. Rồi nó hại đến Bia-Ngo, hại đến Y-Rít. Không thể để cho kẻ ác sống dai như cây cốc rừng, nó hút hết nhựa của cây cỏ khác, làm cho buôn ta khô héo dần đi. Y-Rít đừng lo, mặc kệ A-Đun. Lệ làng đã định lâu rồi : kẻ nào có tội phải bị giết ngay để khỏi hại làng. A-Đun giao lưỡi dáo này cho Y-Rít đấy. Lưỡi dáo bén lắm, sờ thử mà coi. Khi nào Kha-Roát trồi đầu khỏi nước thì đâm ngay vào ngực nó, đâm trúng vào đây, vào đây nghe không?

Trong bóng tối, A-Đun đưa tay sờ soạng lên ngực Y-Rít và đến chỗ vú bên trái, dừng lại, ấn mạnh một ngón tay vào:

- Đâm cho thật trúng vào đây, Y-Rít. Giết kẻ có tội, đó là phần của A-Đun. Nhưng mà A-Đun nhường dáo cho Y-Rít rồi. Y-Rít được thay A-Đun lấy rẫy, lấy bò, lấy trâu của thằng Kha-Roát.

Y-Rít kêu lên:

- Sao thế? Sao thế? Đừng nói như thế, A-Đun. Kha-Roát hụp nước không ai bì kịp, đừng kể tội nó với làng, đừng gây sự gì với nó. Thôi đi, thôi đi!

A-Đun yên lặng đặt nhẹ cây dáo vào lòng Y-Rít. Rồi đứng thẳng dậy, anh nói:

- Đã nhất quyết rồi. thương cái buôn nhiều lắm đó. Y-Rít đừng quên lời của A-Đun.

Y-Rít thấy bóng của anh im lặng in hình lờ mờ trên khung cửa lớn, mỗi lúc càng rõ thêm ở ngoài nền trời bắt đầu rựng sáng. Lâu lắm A-Đun mới nói, giọng nói buồn rầu:

- Giao cả rẫy nương thuộc về A-Đun cho Y-Rít đấy. Trừ được Kha-Roát phải trả rẫy cho Min-Pay, trâu cho Tha-Nga, bò cho Bui-Ngót. Y-Rít nên cưới Bia-Ngo làm vợ. Bia-Ngo phải có người chồng cho xứng với nàng.

Nói xong, A-Đun chậm rãi xuống sàn, lầm lũi ra về.

*

Sau lời tuyên bố của ông Chúa làng Ha-Râm, Kha-Roát khoan thai lội xuống nước suối đục ngầu rào rạt cuốn đi những lớp rác rều đen bẩn. Gã nhìn bóng mình chập chờn lung linh dưới nước, cảm thấy quen thuộc dễ chịu và không giấu được nụ cười của kẻ tự tin. Chỉ mới cách bờ đôi sải mà nước đã lên đến ngực. Kha-Roát vội dò dẫm đến một tảng đá lớn nhô lên mặt suối và ghé ngồi lại đợi chờ.


A-Đun ngước nhìn Bia-Ngo, Y-Rít, nhìn khắp mọi người, rồi mới thong thả xuống suối. Là kẻ buộc tội, nếu phải thua cuộc, anh sẽ chỉ mất một số trâu bò tùy theo làng định. Tuy vậy, đôi mắt của anh thật là sầu não khiến nàng Bia-Ngo cảm thấy gan ruột xốn xang. Anh lội từ từ xuống một mé bờ cách xa Kha-Roát, lựa nơi có tàng cây si tỏa bóng mát lạnh trên nước. Hai người nhìn nhau lạnh lùng, nhưng đôi cặp mắt cùng nhíu cả lại, nói lên những nỗi oán hận âm thầm.

Sau tiếng cồng đầu, dân làng ồ ạt kéo đến sát bên mép suối và ông Ha-Râm ngồi vào một chỗ bờ cao ở giữa khoảng cách hai người dưới suối. Tiếng cồng thứ hai nhắc nhủ mọi người chuẩn bị và cả Kha-Roát cũng như A-Đun đều ngâm mình xuống nước, chỉ chừa mỗi một cái đầu. Y-Rít nắm chặt cán dáo sắc nhọn, lội đến đứng ở ngang tầm Kha-Roát. Bia-Ngo bấu chặt lấy bụi cỏ dế ven bờ, nín thở, nhìn không chớp mắt vào mặt A-Đun.

Tiếng cồng thứ ba vừa dứt, cả hai cái đầu hụp xuống dưới dòng. Mặt suối đục ngầu vẫn cứ rạt rào cuốn lớp củi khô, rác mục, xoáy tròn quay tít qua những bờ đá nhấp nhô. Ánh nắng mờ nhạt sau lớp mây dày rọi những bóng người lô nhô chen chúc ven bờ, thành những đường nét chập chờn xao động. Vài tiếng bìm bịp nổi lên ở trong bụi rậm gần bờ, và bên kia suối, bầy chim chắc-hoạch lao xao trên khóm bàn-lồ.

Bia-Ngo không còn nghe gì nữa hết, thấy gì nữa hết, ngoài một điểm sáng lờ mờ trên nước, chỗ đã giấu kín A-Đun. Cái nhìn của nàng trở thành nhức mỏi, mờ dần, đầm đìa nước mắt, nàng phải chớp mắt vội vàng để khỏi mất đi từng chút lo âu. Một vài tăm nước sủi lên, hình như có sự cựa quậy chờn vờn dưới đáy. Người ta chờ đợi, chờ đơi, ai cũng cảm thấy quá lâu. Mặt trời đã qua khỏi lớp mây dày rọi sáng cả vùng rừng núi, làm cho mặt nước chói chang.

Ông Chúa làng Ha-Râm ngồi không yên chỗ trên mỏm bờ cao. Đầu ông cúi xuống thấp dần và ông tưởng chừng đôi mắt già nua của mình sẽ không nhìn kịp một sự xuất hiện bất thần. Y-Rít nắm chặt cán dáo, mím chặt đôi môi, chăm chăm đợi chờ Kha-Roát, tuy anh thấy rằng A-Đun khó lòng thắng được kẻ thù.

Cuối cùng, Kha-Roát vụt nhô đầu lên, há hoác vành miệng để hớp vội vào hơi thở, rồi gã vuốt mặt nhìn về phía trước. A-Đun chưa thấy trỗi dậy. Kha-Roát thất sắc, lùi lại, loạng choạng giữa dòng. Nhưng một hồi cồng vang động, gã thoáng thấy một lưỡi dáo bén nhọn lao thẳng vào ngực bên trái của mình. Kha-Roát thét lên, nhào ngửa trên suối, quẫy mạnh giữa dòng nước đục loang từng vòng máu đỏ tươi.

Y-Rít vừa cúi rửa nhanh mũi dáo vừa nhìn về hướng A-Đun. Mặt nước trở thành ngầu đục, sủi tăm, loang loáng qua lớp rác rều. Bia-Ngo vẫn im lìm, tay vẫn bấu vào bụi dế ven bờ, dán chặt đôi mắt xuống chỗ vũng suối phủ rợp bóng cây.

Dần dần mọi người đổi sự chờ đợi thành sự kinh ngạc. Và ông Ha-Râm ra lệnh cho gọi A-Đun.

Y-Rít phóng mạnh lưỡi dáo xuống ven bờ suối, rồi lao người tới giữa dòng, một vài vết đỏ loang ra, lẫn lộn giữa những xác cành củi mục theo nước trôi đi. Khi lặn sâu xuống, anh thấy A-Đun co quắp, cứng đờ, vành môi, khóe mắt máu bầm ri rỉ từng dòng chan hòa nước suối. Anh vội kéo mạnh xác chết, nhưng gặp một sức giằng lại. Y-Rít nhoài tới. Hai chân A-Đun đã bị cột chặt vào một rễ cây to lớn đâm ngang lòng suối. Sợi dây là chiếc khăn chàm cũ rách, xưa kia vẫn thấy Mi-Sao – người vợ yêu dấu của anh – choàng ở trên đầu.

(Trích từ tập truyện ngắn “Vượt Thác”, nxb Cảo Thơm 1965)


Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

BẠN TA LÀ THỢ_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


46. BẠN TA LÀ THỢ
                                                    Thứ hai, ngày 24

An ơi ! Như thế sao lại gọi là "xa cách" ? "Xa cách" hay không là ở như lòng con. Sau khi tốt nghiệp ở trường Tiểu Học con sẽ lên Trung học Bạn con nhiều người sẽ ra làm thợ, nhưng các con sẽ cùng ở một tỉnh với nhau trong nhiều năm nữa, như thế sao lại không có dịp gặp nhau ? Khi con lên trường Trung Học rồi, những ngày nghỉ, con sẽ tìm bạn con trong cửa hàng hay xưởng thợ, con sẽ lấy làm thích thú trông thấy bạn học con đã ra người lớn, đã làm được việc. Đi lại với bạn luôn, con sẽ học thêm được nhiều điều bổ ích về nghệ thuật, về xã hội công nhân, về xứ sở của con mà ngoài bạn con ra không ai có thể chỉ dẫn cho con hơn được. Con nên nhớ rằng lúc bé, con không có tình thân ái vói bạn đồng học thì khi lớn lên con sẽ khó lòng tìm được những bạn giống thế ở ngoài lớp con học ngày xưa. Như thế, con sẽ chỉ sống trong một giai cấp xã hội cũng như một người chỉ chuyên đọc một quyển sách, như thế, đời con sẽ buồn tẻ, kiến văn sẽ hẹp hòi. Con nên giữ tình hữu ái với các bạn con ngay từ bây giờ thì sau này dù có kẻ bắc người nam, tâm tình ấy sẽ không vì thế mà phai nhạt. Con phải biết rằng : người thượng lưu ví như sĩ quan mà thợ thuyền ví như binh lính. Trong xã hội cũng như trong quân gia, người lính cũng đáng quí trọng như cấp chỉ huy vì cái giá trị con người là ở việc làm chứ không phải ở lương bổng ; ở tài năng chú không phải ở giai cấp. Con phải yêu mến và quí trọng những con thợ thuyền tức là những con binh lính trong đạo quân "cần lao" ! Con phải tôn kính chúng vì cha mẹ chúng đã chịu bao nhiêu nỗi khó nhọc bao nhiêu sự hy sinh. Con hãy yêu em Long, em Tư, em Cát và "cậu phó nề" vì trong lòng ngực thợ thuyền của các em ấy đã ẩn những trái tim vàng. Con phải thề rằng sau này dù số phận có đổi thay, con phải giữ vững mối tính hữu ái thuở anh niên. Và 40 năm sau, nếu con qua một ga xe lửa kia lại gặp bạn cũ, như em Long chẳng hạn, trong bộ áo nhọ đen của người tài xế, thì mặc dầu lúc ấy con là một vị Tổng trưởng, cha chắc rằng con sẽ nhảy lên tầu hôn bạn không e lệ gì.

Cha con.

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

KỲ DƯỠNG BỆNH_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


45. KỲ DƯỠNG BỆNH
                                              Thứ năm, ngày 20

 Nào ai biết trước được rằng sau cuộc lữ hành vui vẻ kể trên, bỗng dưng tôi bị cầm giữ ở trong nhà mất mươi hôm không trông thấy trời đất gì cả. Tôi vừa bệnh thoát chết ! Mẹ tôi thất vọng, đã bưng mặt khóc, cha tôi nhìn tôi có vẻ xót thương, các em tôi không dám nói to. Thầy thuốc ngồi luôn bên cạnh tôi nói những câu gì tôi không nhớ. Tôi thực chỉ còn việc vĩnh quyết mọi người.

Ba bốn hôm qua, tôi không nhớ rõ, chỉ biết tôi đã qua một giấc mộng tối tăm và lộn xộn.

Hình như cô giáo lớp một có đến cạnh giường tôi, tay cầm mùi soa che miệng, nín ho. Tôi lại nhớ mang máng rằng thầy giáo tôi đã cúi xuống hôn tôi, râu đâm vào cả vào má. Tôi lại trông thấy nhởn nhơ như ở trong đám sương mù : nào đầu đỏ của anh Xuyên, nào tóc vàng của anh Đỗ, nào bộ áo thâm của cậu học trò xứ Cát-lạp. Sau cùng, anh Long đã đem cho tôi một quả quít còn cả lá rồi anh trốn thẳng vì mẹ anh ở nhà cũng ốm nặng. Như ngủ một giấc dài, hôm nay tôi đã tỉnh thức và biết rằng tôi đã thoát nguy vì tôi thấy cha mẹ tôi tươi cười, em Thúy-Hoa ca hát vang nhà.

Hôm nay tôi đã khá nhiều ! Chú phó nề vừa đến thăm tôi. Chú đã làm tôi bật ra tiếng cười thứ nhất bằng cái "mõm thỏ" của chú nhăn ra ! Anh Tư cũng đến, anh Phi cũng đến.

Hôm qua, anh Cát lại thăm gặp lúc tôi ngủ, anh sẽ hôn tay tôi rồi lui ra. Lúc dậy tôi thấy vết than đen in vào tay áo, tôi rất lấy làm sung sướng và biết ngay là Cát đã đến thăm tôi.

Trong khoảng có mươi hôm mà cây lá đã xanh tốt khác thường !

Cha tôi bế tôi ra cửa sổ; nhìn thấy học trò cắp sách đi học, tôi thèm quá !

Trong mấy hôm nữa, tôi cũng sẽ được đi học, sẽ được trông thấy thầy tôi, bạn tôi, lớp tôi, ghế tôi, thấy vườn và thấy phố. Tôi sẽ biết những sự đã xảy ra trong khi tôi ốm. Tôi sẽ lại được cầm đến sách vở bỏ xó bấy lâu. Nghỉ học mới có mươi hôm mà tôi tưởng tượng như là một năm chưa được trông thấy nhà trường.

Thương hại cho mẹ tôi, lo lắng quá sinh ra xanh xao gầy yếu ! Thương hại cho cha tôi ra vào mệt nhọc ! Cảm lòng cho chúng bạn đã nhớ và đến thăm tôi ! Tôi lại nghĩ đến ngày phải "chia tay" các bạn mà tôi buồn. Chúng tôi còn được sum họp cùng nhau một năm nữa. Sang năm, học hết bậc, nhiều bạn như các anh Long, Cát và Tư sẽ thôi học. Thế là anh em phải xa nhau. Tôi có cái tưởng tượng : một ngày kia rủi mà tôi lại bị đau, có lẽ anh em sẽ không biết mà đến thăm tôi.

Thiệt thòi thay những khi phải "xa cách" các bạn thân yêu !


Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

BÔNG CÚC TRẮNG


Các bạn hãy lắng nghe câu chuyện nhỏ này:

Ở một nơi thôn dã kia, gần ngay đường cái có một ngôi nhà nhỏ bé xinh xắn, nếu các bạn có đi qua, chắc hẳn cũng phải để ý đến ngay.

Phía trước có một vườn hoa nhỏ và một hàng rào xanh tươi. Gần đấy, bên bờ rào, có một cây cúc trắng đang nở hoa giữa đám cỏ rậm. Cũng như muôn hoa to đẹp trong vườn được những tia nắng của vầng dương sưởi ấm, giờ nào hoa cúc trắng cũng nở. Một sớm đẹp giời kia, cúc ta nở tung, xòe rộng bộ cánh nhỏ nhắn, trắng tinh và bóng bẩy nom như một vầng thái dương thu nhỏ đang tỏa ánh hào quang rực rỡ quanh mình. Dù cho người ta có trông thấy nó giữa đám cỏ và xem nó như một bông hoa tồi tàn vô nghĩa lý, nó cũng chẳng quan tâm đến điều ấy.

Nó lấy làm tự mãn, khoái trá tắm mình trong nắng ấm và nghe chim sơn ca hót vang trên trời cao.

Tuy là ngày thứ hai thế mà bông cúc trắng bé nhỏ ấy cũng vui sướng như ngày chủ nhật. Trong khi trẻ con ngồi học bài trên ghế nhà trường thì nó ngồi trên cái cuống xanh xanh của nó. Qua vẻ đẹp của thiên nhiên nó học được rằng Thượng đế rất nhân đức và hình như tất cả những điều nó lặng lẽ cảm thấy chim sơn ca bé nhỏ kia đã diễn đạt lên đầy đủ bằng giọng hót vui tươi. Cũng vì vậy mà nó nhìn chim sơn ca sung sướng đang ca hát bay lượn với một vẻ như kính trọng, nhưng không một mảy may tỏ ra mong muốn làm được như chim. Nó nghĩ thầm:

- Ta được nhìn, được nghe, nắng sưởi ấm ta, gió ôm ấp ta, thế là đủ. Ôi chao! Nếu còn than phiền thì thật là sai lầm.

Phía trong hàng rào có vô số là hoa mọc thẳng đuỗn và kiêu kỳ. Càng không có hương chúng càng vươn cánh vênh váo. Thược dược ráng sức phồng lên để tỏ ra to hơn hoa hồng. Nhưng hoa hồng đâu có đáng quý vì to hay nhỏ! Hoa uất kim hương rạng rỡ, màu sắc đẹp đẽ, vênh vang một cách kiêu kỳ. Chúng chẳng thèm đoái nhìn bông cúc trắng bé tí, trong khi bông hoa nhỏ tội nghiệp ngắm nghía chúng mà nói rằng: “Các chị ấy sang trọng, đẹp đẽ biết bao! Chắc hẳn chàng chim kỳ diệu kia thế nào cũng đến thăm. Ơn Trời, thế nào ta cũng được xem cái cảnh tượng ngoạn mục ấy”. Và ngay lúc ấy, chim sơn ca không bay về phía thược dược và uất kim hương mà lại sà xuống bãi cỏ, đến gần bông cúc trắng tội nghiệp, lúc này vui mừng đến kinh hoàng, chẳng còn biết nghĩ ra làm sao nữa.

Con chim non bèn nhảy nhót quanh bông cúc mà nói rằng:

- Sao cỏ lại êm đến thế nhỉ? Ồ! Bông hoa xinh xắn có trái tim bằng vàng, khoác áo dài bạc đáng yêu quá!

Nỗi vui sướng của bông hoa nhỏ không bút nào tả xiết. Chim hôn hoa lại hót cho hoa nghe, rồi mới bay về bầu trời xanh thẳm. Gần nửa giờ sau hoa còn chưa hết cảm động. Phần thì thẹn thò, phần thì vui mừng ngây ngất tận đáy lòng, nó nhìn tất cả những hoa khác trong vườn. Được mục kích vinh dự của cúc trắng chúng phải cảm thông niềm vui sướng của nó mới phải. Nhưng lũ uất kim hương lại càng thẳng đuỗn ra hơn trước, vẻ mặt đỏ ửng và nhọn hoắt của chúng tỏ vẻ hờn giận. Bọn thược dược thì sưng sỉa mặt mày. Cũng may cho bông cúc trắng đáng thương, chứ như mà chúng biết nói thì thế nào chúng chẳng thở ra biết bao lời chướng tai. Bông hoa bé nhỏ biết vậy nên cũng đâm buồn vì thái độ hằn học của chúng.

Lát sau, một cô gái, tay cầm con dao to, sắc và sáng loáng, vào vườn đến gần khóm uất kim hương, rồi cắt lấy từng bông một.

Bông cúc bé nhỏ thở dài:

- Tội nghiệp! Rõ thật là khủng khiếp! Thôi, thế là xong đời các chị uất kim hương.

Rồi, trong khi cô gái mang bó uất kim hương đi, cúc trắng lấy làm vui mừng vì chỉ là một bông hoa bé nhỏ, tồi tàn, mọc giữa đám cỏ nội. Thấu hiểu lòng nhân từ của Thượng đế, tràn ngập lòng biết ơn người, đến chiều tà, nó khép cánh, ngủ thiếp đi, suốt đêm mơ thấy vầng thái dương và chim sơn ca.

Sáng hôm sau, khi hoa cúc trắng lại xòe cánh đón không khí và ánh sáng, nó nhận ngay ra tiếng chim sơn ca đang hót, nhưng bằng một giọng rất buồn thảm. Sơn ca buồn là phải lắm vì người ta đã bắt được nó và nhốt nó vào một chiếc lồng treo trên cánh cửa sổ.

Chim cất tiếng hót ca ngợi cuộc sống tự do đầy hạnh phúc, vẻ đẹp của những cánh đồng xanh tươi và những cuộc du ngoạn của nó hồi trước, trên những khoảng trời cao.

Bông cúc trắng muốn đến cứu chim lắm, nhưng biết làm sao được? Đó là một chuyện khó. Lòng trắc ẩn của nó đối với con chim đáng thương bị cầm tù làm cho nó quên hẳn cảnh đẹp xung quanh, quên ánh nắng ấm áp và ngay cả những cánh hoa màu trắng chói lọi của chính mình.

Chẳng bao lâu có hai cậu bé đi vào vườn, cậu lớn tuổi hơn cầm một con dao dài và sắc giống như con dao của cô con gái đã cắt uất kim hương. Cúc trắng thấy họ đi về phía mình không hiểu họ định làm gì mình.

- Ta có thể cắt đám cỏ tốt chỗ này đem về cho chim sơn ca.

Một cậu nói vậy, rồi bắt đầu rạch một khoanh vuông quanh gốc cây cúc trắng.

Cậu kia bàn:

- Nhổ cái hoa đi.

Nghe thấy vậy cúc trắng run lên sợ hãi. Bị nhổ đi là xong đời còn gì? Và chưa lúc nào bằng lúc này nó cầu mong được sống và cùng đám cỏ được đặt vào lồng với chim sơn ca đang bị cầm tù.

Cậu bé lớn hơn trả lời:

- Thôi cứ để nó đấy hay hơn.

Thế là cúc trắng thoát nạn và được vào lồng với chim sơn ca.

Con chim đáng thương đập cánh vào nan lồng sắt, than vãn một cách sầu thảm cho số phận tù đầy của mình. Cúc trắng muốn lắm, nhưng cũng chẳng nói được với chim một lời an ủi.

Cả buổi sớm qua đi như thế.

Con chim bị cầm tù kêu lên:

- Ở đây hết cả nước rồi ; người ta đi vắng cả, chẳng để cho tôi lấy một giọt. Họng tôi khô bỏng, người tôi sốt dữ dội, ngạt thở quá! Than ôi! Thế là tôi phải chết, phải xa vầng thái dương sáng chói, xa cây cỏ xanh tươi và xa tất cả cảnh đẹp kỳ diệu của tạo hóa.

Rồi chim rúc mỏ vào đám cỏ ẩm ướt cho dịu mát đôi chút. Chim chợt nhìn thấy bông cúc trắng bèn gật đầu chào thân mật rồi hôn hoa mà bảo rằng:

- Cả em nữa, bông hoa nhỏ nhắn tội nghiệp của anh, em cũng sẽ chết ở đây. Người ta đã đem em và mấy ngọn cỏ vào với anh để đổi lấy cả cuộc đời phóng khoáng của anh. Giờ đây đối với anh mỗi ngọn cỏ là một gốc cây, mỗi cánh trắng muốt của em là một bông hoa thơm ngát. Ôi! Em đã gợi lại cho anh tất cả những gì anh đã mất!

Không nhúc nhích được, cúc trắng nghĩ thầm:

- Giá mà mình an ủi được anh ấy nhỉ?

Thế nhưng hương thơm của nó tỏa ra ngào ngạt khác hẳn mọi khi ; chim sơn ca biết vậy nên, mặc dầu héo hon vì cơn khát dữ dội, phải vặt hết ngọn cỏ này đến ngọn cỏ khác, nhưng nó vẫn gìn giữ không chạm đến bông hoa.

Tối rồi mà cũng chẳng ai về đem cho con chim sơn ca khốn khổ lấy một giọt nước. Thế là nó xả đôi cánh đẹp, vẫy vẫy, giật giật và hót lên một bài buồn thảm. Cái đầu nhỏ nhắn của chim ngả về phía hoa, con tim tan nát vì khát và đau đớn của chim ngừng đập. Trước cảnh tượng đau thương ấy, bông hoa cúc trắng nhỏ bé, cũng như đêm trước, chẳng thể nào khép cánh ngủ nổi. Ốm đau, thương xót, cúc lả xuống đất.

Sáng hôm sau, các cậu bé lại đến ; thấy chim đã chết các cậu nhỏ lệ xót thương và đào hố chôn chim. Xác chim được đặt vào một chiếc hộp đẹp màu đỏ và được chôn cất hết sức long trọng. Rồi các cậu lại đem rắc cánh hoa hồng lên trên nấm mộ.

Tội nghiệp cho chim! Khi chim còn sống và ca hát, người ta đã quên, đã mặc nó chết vì đói khát trong lồng ; chết rồi người ta mới khóc thương, ban cho những nghi lễ đầy vinh dự.

Mảnh cỏ cùng bông hoa cúc trắng bị người ta quẳng vào đám bụi ngoài đường cái ; chẳng ai nghĩ đến kẻ đã tha thiết yêu thương con chim non.

HANS CHRISTIAN ANDERSEN  

 

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

MỘT CHUYỆN CÓ THẬT


- Thật là một câu chuyện rùng rợn! – Mụ gà mái già ở bên làng, nơi diễn ra tấn thảm kịch kêu lên như vậy. – Sân khấu của câu chuyện rùng rợn ấy là một cái chuồng gà. Thật tình là đêm qua tôi sợ chẳng dám ngủ một mình. May sao chúng tôi lại đậu đông cả trên cùng một cầu.

Rồi mụ kể lể sự biến ấy với một giọng làm cho cử tọa, kể cả lão gà sống có bộ mào rủ, cũng phải sợ dựng đứng cả lông lên:

- Việc ấy xảy ra trong chuồng gà, bên cạnh chuồng tôi. Mặt trời lặn, bọn gà mái leo cả lên cầu. Trong bọn có cô ả lông trắng, chân ngắn, đẻ trứng rất đều, và xưa nay chưa từng có điều tiếng gì. Leo lên đến cầu, ả ta bèn lấy mỏ rỉa lông. Một cái lông nhỏ rơi ra, ả lẩm bẩm : thế là mình lại rụng mất lông rồi! Ả có tính hay nói đùa; ngoài ra, như tôi đã nói, chả ai chê trách ả ta được điều gì. Sau đó ả ta ngủ thiếp đi.

Trời tối đen như mực. Bọn gà mái đậu xít vào với nhau. Một đứa, đậu gần ả gà mái trắng vừa nói lúc nãy, không ngủ. Mơ màng nghĩ cách sống sung sướng trên đời này, nó đang muốn chuyện gẫu tí chút với một đứa bạn.

- Này, đằng ấy có nghe người ta nói gì không? Tớ không muốn chỉ đích danh, nhưng một cô ả vừa thú nhận rằng đã chải lông để làm đỏm. Tớ mà là gà sống thì cứ là tớ khinh đứt!

Ngay trên đầu lũ gà có vợ chồng con cái nhà cú mèo. Cả cái gia đình ấy đều rất thính tai và đã nghe thấy hết mọi chuyện. Cú con, mắt trợn tròn xoe, còn cú mẹ thì vỗ cánh phành phạch. Mụ bảo các con:

- Không nên rình mò nghe lỏm chuyện ai cả. Nhưng dẫu sao ta cũng e rằng chúng bay đã nghe thấy cả rồi. Chính ta cũng nghe thấy hết, vì còn đôi tai thì còn vô khối là chuyện phải nghe. Dưới kia có một cô ả gà mái mất giống đến nỗi rỉa lông để chài gà sống.

Cú đực bảo vợ:

- Coi chừng bọn trẻ con đấy. Đừng có để cho chúng nghe những chuyện ấy.

Cú mẹ đáp:

- Ừ, tôi chỉ muốn kể lại cho chị cú mèo ngay bên cạnh đấy thôi. Bạn thân nhất của tôi đấy.

Hu hú! – Cả hai mụ cú mèo vừa bay về phía chuồng chim vừa rúc lên – Hu hú! Có một ả gà mái nhổ tiệt cả lông để làm đỏm với gà sống. Phen này thì cứ gọi là chết rét chứ chẳng chơi.

Đàn bồ câu gù lên:

- Ở đâu thế? Ở đâu thế?

- Trong chuồng gà bên kia kìa! Việc này gần như chính tôi đã được trông thấy. Kể lại thì hơi khó, nhưng chuyện này có thật đấy.

Bồ câu gật gù:

- Bọn tôi tin các bác chứ!

Rồi chúng đem ngay câu chuyện sang chuồng gà bên cạnh. Chúng kể lể rằng:

- Có một mụ gà mái, người thì bảo hai cơ đấy, muốn làm ra vẻ khác thường, nhổ tiệt cả lông đi để chài gà sống. Thật là một trò chơi nguy hiểm. Như thế thì có thể bị cảm lạnh, hoặc lên cơn sốt, thậm chí có thể chết, và quả là cả hai đứa cũng đã chung số phận ấy rồi.

- Dậy đi thôi!

Gà sống vừa bay tót lên mái chuồng vừa gáy vang lên. Lão còn hơi ngái ngủ, nhưng lão vẫn bô bô lên:

- Có ba ả mái tơ… thất tình với một gà sống đã chết vì đau khổ… Các cô ả đã tự vặt tiệt cả lông đi. Thật là khủng khiếp. Tôi thấy cần phải loan báo cho bà con biết chuyện này.

Tất cả quang quác lên:

- Kể tiếp đi! Kể tiếp câu chuyện đi!

Bọn gà sống gáy om lên.

Thế là câu chuyện truyền từ chuồng gà này sang chuồng gà khác và cuối cùng lại trở về nơi xuất phát. Người ta đồn rằng:

- Có năm ả gà mái đã tự vặt tiệt cả lông đi để thi xem đứa nào gầy mòn đi nhất vì tương tư một anh gà sống. Sau đó chúng đánh nhau, máu me đầm đìa rồi chết cả nút. Thật là điếm nhục gia phong và lại còn làm thiệt hại lớn cho nhà chủ nữa.

Ả gà mái lúc đầu đã đánh rụng một cái lông con, bây giờ không nhận ra được đấy là chuyện của chính mình, vốn đứng đắn, ả ta kêu lên:

- Nhục nhã thay cho những mụ gà mái ấy! Cũng may mà cái hạng gà như thế cũng chả có mấy! Phải phổ biến rộng rãi câu chuyện này ra mới được, ta sẽ làm đủ mọi cách để truyền câu chuyện này ra nước ngoài. Thật là đáng kiếp cho những quân khốn nạn ấy!

Thế là câu chuyện được đăng với nhan đề:

“MỘT CHUYỆN CÓ THẬT”

Các bạn đã thấy chưa? Chỉ có một cái lông gà con thôi mà cũng thành ra năm con gà mái được cơ đấy!

HANS CHRISTIAN ANDERSEN  

 

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

THẦY HỌC CŨ CỦA CHA TÔI_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


44. THẦY HỌC CŨ CỦA CHA TÔI
                                             Thứ ba, ngày 11

Hôm kia, cơm trưa xong, cha tôi đang xem nhật báo bỗng kêu lên một tiếng ngạc nhiên rồi bảo chúng tôi:

- Ta cứ tưởng cụ mất đã hơn 20 năm nay rồi : Cụ Kha-Xích-Tiên là cụ giáo khai tâm cho ta ngày xưa hiện còn sống và đúng 80 tuổi. Ta vừa xem báo thấy tin cụ được thưởng "danh dự bội tinh" vì cụ đã tận tâm với chức vụ trên sáu chục năm. Cụ mới về hưu được 2 năm nay. Cụ ở thành Công-đô (1) cách đây độ một giờ xe lửa, tức là quê bác Giục, người làm vườn nhà ta ngày xưa.

Cha tôi nói tiếp :

- An ơi ! Mai ta sẽ đi thăm cụ.

Rồi cả buổi chiều hôm ấy, cha tôi chỉ nói đến chuyện cụ giáo Kha. Cái tên của thầy học "vỡ lòng" đã làm sống lại trong ký ức của cha tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm về thuở thiếu thời, kỷ niệm của các cố hữu và nhất là kỷ niệm của bà cụ thân sinh ra cha tôi.

Cha tôi kể lại rằng:

- Hình ảnh cụ giáo Kha đáng tôn kính ấy vẫn còn in trong óc ta. Khi ta học thì cụ độ 40 tuổi. Cụ người nhỏ nhắn, lưng hơi gù, mắt sáng, không râu, tính hồn hậu và thương yêu học trò như con. Sinh trưởng ở một nhà nông, cụ đã chịu bao nhiêu nỗi thiếu thốn và đã tốn bao nhiêu công phu mới thành được một vị giáo sư. Cha mẹ ta rất quí mến và đãi cụ như một bạn thân trong nhà. Không hiểu sao quê ở Tuy-ranh cụ lại về nghỉ ở Công-đô? Gặp ta, chắc hẳn cụ quên rồi, nhưng không ngại, ta còn nhớ và nhận được cụ. 40 năm ! 40 năm qua rồi ! Chóng thật !... Mai ta sẽ đi thăm cụ.

Hôm sau, độ 9 giờ, chúng tôi đã ra ga Thụy-Gia. Cảnh xuân như vẽ. Chúng tôi qua những cánh đồng xanh tốt và những bờ giậu đương hoa, mùi thơm ngào ngạt. Cha tôi có vẻ khoan khái, vừa ngắm cảnh, vừa nói chuyện với tôi:

- Ngoài cha ta thì cụ giáo Kha là người yêu ta hơn hết và đã làm ơn cho ta nhiều nhất. Ta không bao giờ quên được những lời cụ khuyên và cả đến những câu cụ quở, mặc dầu những câu ấy có khi làm cho ta trở về phải phát khóc. Ta hãy còn nhìn rõ những lúc cụ vào lớp, cụ tựa gậy một góc, treo áo lên mắc rồi ngồi vào bàn, hôm nào cũng như hôm nào chẳng sai. Cụ là người điềm đạm, cẩn thận, chịu khó và hết lòng... buổi nào cụ cũng dạy đầy đủ và cẩn thận như buổi ban đầu.

Ta còn nhớ những lúc cụ gọi ta :

- A-Nhĩ-Bá ! Ngón tay trỏ quắp vào quản bút kia mà !

Xuống ga Công-đô, chúng tôi tìm nhà bác Giục, chỉ có người vợ ở nhà. Chị ta có cái cửa hàng nhỏ trong ngõ. Lúc chúng tôi đến thì chị đang bận trông con. Gặp chủ cũ, chị mừng rỡ quá và kể chuyện rằng chồng chị sang thành Giê-nơ (2) làm thợ đã ba năm nay cũng sắp về và đứa con gái đầu lòng bị bệnh câm điếc đang cho học tại trường Câm điếc ở Tuy-ranh. Sau cùng chị trỏ nhà cụ giáo Kha-Xích-Tiên mà ở làng này không một ai không biết.

Chúng tôi theo một con đường gồ ghề, hai bên giậu hoa đương nở, để đến nhà cụ.

Cha tôi không nói chuyện nữa vì mải ngẫm nghĩ những chuyện ngày xưa ; thỉnh thoảng tôi lại thấy cha tôi mỉm cười hoặc lắc đầu thở dài.

Thình lình, cha tôi đứng dừng lại nói:

- Kia rồi ! Đích cụ rồi ! May quá !

Quả nhiên ở đằng xa, một cụ già lưng còng, râu bạc, đầu đội mũ nỉ, tay chống gậy trúc, đang thủng thỉnh đi về phía chúng tôi.

Cha tôi bước rảo và nhắc lại:

- Chính cụ !

Khi chúng tôi đến gần cụ thì đứng dừng lại. Cụ cũng không bước nữa và ngẩng nhìn cha tôi.

Cha tôi cất mũ hỏi:

- Xin cụ tha lỗi, có phải cụ là cụ giáo Kha-Xích-Tiên không?

Cụ già đáp:

- Sao ngài lại biết tôi? Vâng, chính tôi là Kha-Xích-Tiên.

Cha tôi cầm tay cụ và nói:

- Vậy xin cụ cho phép học trò cũ bắt tay cụ. Tôi ở Tuy-ranh về thăm cụ.

- Tôi hân hạnh quá! Vậy ông học tôi vào hồi nào ? Xin lỗi ông, ông cho tôi biết tên.

Cha tôi xưng danh và nói đã học cụ năm ấy năm nọ. Cụ cúi đầu nghĩ và nhắc đi nhắc lại tên cha tôi đến 3, 4 lần. Bỗng cụ sực nhớ ra, ngẩng lên hỏi :

- A-Nhĩ-Bá! A-Nhĩ-Bá có phải là con cụ kỹ sư Bội-Tiên ở phố Lã-Đại không?

Cha tôi giơ hai tay ra, nói :

- Thưa cụ, phải đấy !

- Quí hóa quá !

Cụ vừa nói vừa ôm lấy cha tôi. Xong cụ nói tiếp :

- Mời ông về nhà tôi chơi.

Chúng tôi theo cụ về nhà. Một lát sau, chúng tôi đến một cái vườn rộng, trong có ngôi nhà ba gian. Cụ mở cửa gian đầu mời chúng tôi vào một cái buồng chung quanh quét vôi trắng. Góc phòng kê một cái sập trên có cái mền bọc vải kẻ xanh và trắng, bên cạnh là cái bàn giấy có ngăn chứa sách, giữa kê cái bàn con và 4 cái ghế tựa, trên tường treo một tấm bản đồ cũ : đó là tất cả đồ đạc trong phòng.

Chúng tôi ngồi. Cha tôi và cụ giáo nhìn nhau một lúc, không nói gì.

Trong phòng, nền lát gạch vuông, mặt trời rọi vào như một cái bàn cờ lớn. Cụ đăm đăm nhìn xuống nghĩ ngợi rồi hình như sực nhớ ra, cụ nói to:

- A-Nhĩ-Bá ! Thôi ! Tôi nhớ ra rồi ! Bà cụ thân sinh ra ông là người tử tế lắm. Năm đầu ông ngồi bàn nhất bên trái, cạnh cửa sổ.

Cụ nghĩ một lúc như để lục lại những ký ức năm xưa, xong cụ lại nói:

- Ngày xưa ông là một cậu bé lanh lợi lắm ! Năm thứ nhì, ông bị chứng yết hầu suýt nguy, sau khi được lành mạnh, bà cụ lại đưa ông ra trường, người trông hãy còn còm gầy và đầu trùm một cái khăn vuông to tướng. Từ bấy đến nay, đã 40 năm rồi, phải không ? Nay ông có lòng tốt đến thăm thầy cũ thực là quí hóa ! Mấy năm trước cũng có nhiều học trò cũ đến thăm tôi, kẻ làm Linh mục, người làm Đại tá và nhiều người nữa đều có địa vị khá cả.

Cụ giáo nhân hỏi cha tôi nay làm nghề nghiệp gì, cha tôi đáp xong, cụ vui vẻ nói to :

- Một chức nghiệp tự do (3) có ích cho quốc dân ! Tôi rất vui lòng.

Xong cụ bùi ngùi nói:

- Đã đến gần một năm nay, tôi không được tiếp ai cả. Có lẽ ông là người khách cuối cùng của tôi, ông ạ.

Cha tôi vội nói :

- Cụ đừng nói thế. Trông cụ còn khỏe mạnh nhiều.

Giáo sư giơ bàn tay cho cha tôi xem và nói :

- Ông không trông thấy tay tôi run à? Đó là một triệu chứng dở... Tôi bị chứng này đã ba năm, khi tôi còn đang dạy học. Trước tôi tưởng không can gì, sau bệnh ấy một ngày một tăng làm cho tay tôi không thể viết được nữa. Tôi phải xin nghỉ. Sau 60 năm vui trong cõi học, bỗng dưng phải từ biệt học trò và bỏ công việc, lòng tôi không khỏi đau đớn ngậm ngùi. Sau buổi học cuối cùng, tất cả học trò theo về nhà tôi và ăn mừng. Tuy nhiên tôi vẫn thấy buồn, vì tôi nghĩ thế là cái đời của tôi đã tàn... Năm ngoái bà giáo nhà tôi tạ thế, kế đến đứa con một cũng qua đời. Hiện giờ tôi chỉ còn hai đứa cháu trai thôi. Ruộng, vườn không có, tôi sống với số lương hưu trí vài trăm lira, tần tiện cũng đủ. Ngồi không thấy ngày dài quá. Cái thú tiêu khiển độc nhất của tôi là cái thú xem sách cũ, đọc học-báo và các pho sách truyện mà người ta biếu tôi. Đằng kia... (Cụ trỏ vào ngăn sách trên bàn)... đằng kia đã xếp tất cả những kỷ niệm, những quá khứ của đời tôi. Ngoài những tập ấy ra, tôi không còn có gì là của báu trên đời này nữa.

Nghỉ một lúc, bỗng cụ vui vẻ bảo cha tôi :

- Ông Bá ơi ! Ông có muốn tôi đem lại cho ông một sự ngạc nhiên không?

Nói xong, cụ chạy lại bàn viết, mở ngăn kéo ra, trong có vô số những buộc giấy bên ngoài đánh ghi cẩn thận.

Cụ bới tìm một lúc lấy một buộc tháo ra giở vài tờ rồi rút một mảnh giấy cũ đưa cho cha tôi. Đó là một bài "luận" của cha tôi làm đã bốn mươi năm nay.

Trên đầu, tôi thấy mấy giòng chữ này:

"A-Nhĩ-Bá                                       Thứ hai, ngày 3 tháng 4 năm 1838

Luận



Nhận ngay ra nét chữ nguệch ngoạc hồi còn nhỏ, cha tôi cầm đọc và mỉm cười. Đang xem, cha tôi bỗng dân dấn nước mắt. Tôi hỏi tại sao thì cha tôi ôm chặt tôi vào lòng và bảo:

- Con ơi ! Con hãy xem trang này. Con nhìn kỹ những chữ L và T mà chính tay bà nội con đã dạm lại cho ngay ngắn, dòng cuối cùng, hoàn toàn do tay bà viết vì thuở ấy bà tập viết giống chữ ta để mỗi khi ta mệt hay buồn ngủ không làm hết bài thì bà lại làm nốt cho ta. Mẹ ta thực đã thương ta vô cùng !

Nói xong, cha tôi kính cẩn nâng trang giấy lên miệng hôn.

Cụ giáo trỏ vào các buộc giấy còn lại nói:

- Đó là những cuốn sổ tay của tôi. Mỗi năm tôi lấy một bài của mỗi người học trò cất đi, xếp thứ tự và đánh số. Đôi khi giở ra xem lại : chỗ này một câu, chỗ kia một câu thì muôn điều lại hiển hiện ra trong óc tôi và tựa hồ như tôi sống lại cuộc đời dĩ vãng.

Ông Bá ơi ! Từ ngày tôi đi dạy đến giờ, kể biết bao nhiêu học trò ! Nhắm mắt lại, tôi nhìn thấy một đám đầu xanh của trăm nghìn đứa trẻ, lớp nọ kế tiếp lớp kia. Trong số ấy, biết đâu lại không có kẻ thành ra người thiên cổ rồi ! Tôi nhớ dai nhất là những học trò tốt nhất và những học trò xấu nhất, những người đã làm cho tôi vui và những người đã làm cho tôi buồn bực. Nhưng tôi bây giờ cũng như người đã sang bên kia thế giới rồi, tôi yêu tất cả, ai cũng như ai.

Cha tôi mỉm cười hỏi cụ:

- Còn tôi, ngày xưa có nghịch lắm không? Thưa cụ !

- Về phần ông à. Không, ngày ấy tuy còn nhỏ tuổi, nhưng ông đã tỏ ra một đứa trẻ đứng đắn và có nết. Tôi còn nhớ bà cụ nhà là người rất hiền hậu và yêu dấu ông vô cùng... Thế nào? Ông bỏ cả công việc để về thăm một nhà giáo thanh bần, tuổi tác ?

- Thưa cụ, cụ nhắc đến mẹ tôi, tôi lại nhớ đến buổi học đầu tiên của tôi. Mẹ tôi dẫn tôi đến trường. Hôm ấy là lần thứ nhất mà mẹ tôi phải rời tôi trong hai tiếng đồng hồ và giao tôi trong tay người lạ. Đối với mẹ tôi, việc đi học coi như một việc ra đời, một bước đầu trong những kỳ ly biệt liên tiếp nhau sau này không thể tránh được và sẽ làm cho mẹ tôi thương nhớ. Xã hội sẽ lôi kéo con bà ra và không bao giờ giả lại nguyên vẹn. Vì thế, mẹ tôi rất cảm động, kêu xin với thầy để thầy chăm chút cho. Ra về, mẹ tôi còn nhìn qua khe cửa, mỉm cười với tôi, hai mắt long lanh giọt lệ. Cụ ra hiệu cho mẹ tôi về và có ý bảo mẹ tôi cứ yên tâm. Cái nét mặt khoan từ ấy,cái cử chỉ hòa nhã ấy, cảm tình thân ái ấy đã ghi sâu vào trong cõi lòng, khiến tôi không bao giờ quên được. Ngày nay, chính vì mối kỷ niệm ấy mà tôi phải rời Tuy-ranh lại đây để thưa với cụ, sau một kỳ xa cách hơn 40 năm trời, rằng :"Cảm ơn thầy đã dạy dỗ con !"

Cụ không nói gì, chỉ lấy bàn tay run vuốt ve đầu tôi và trán tôi.

Trong khi ấy, cha tôi đưa mắt nhìn bốn bức tường trơn, chiếc giường gỗ tạp, một miếng bánh tây để cạnh chai dầu ở bệ cửa sổ, rồi có vẻ nghĩ ngợi.

- Sau 60 năm tận tụy với nghề, phải chăng đó là tất cả những phần thưởng của thầy ?

Gặp người cũ, xem chừng cụ hài lòng lắm. Cụ nói chuyện về gia đình chúng tôi, về các cụ giáo đồng thời và những bạn học của cha tôi.

Cha tôi ngắt chuyện và ân cần mời cụ ra thành phố Công-đô xơi cơm hiệu với chúng tôi:

Cụ đáp :

- Cảm ơn ông, tôi không đi được.

Cha tôi liền cầm lấy hai tay cụ mời tha thiết. Cụ nói :

- Tay tôi run thế này, ăn làm sao được. Như thế sẽ là cái "tội" cho tôi và cho cả mọi người nữa.

Cha tôi nói:

- Thưa thầy, lúc ăn, con sẽ hầu thầy, không ngại.

Cụ bất đắc dĩ phải nhận lời, vừa đóng cửa vừa nói:

- Ông Bá ơi ! Hôm nay thực là một ngày vui vẻ cho tôi ! Tôi quả quyết với ông rằng tôi sẽ ghi nhớ mãi cho đến khi tôi không còn sống nữa.

Cha tôi dắt cụ giáo theo đường cũ trở ra.

Đến hàng cơm thì vừa đúng 12 giờ. Chúng tôi vào bàn. Cụ giáo ngồi giữa cha tôi và tôi. Tiệc ăn bắt đầu.

Cụ giáo tay đã run lại bị xúc động nên không thể lấy được đồ ăn. Cha tôi cắt thịt, cắt bánh, và lấy muối bỏ vào đĩa cho cụ. Uống rượu, cụ phải dùng cả hai tay cầm cốc mà vẫn còn run, làm cho rượu đổ xuống áo gi-lê. Cha tôi đứng dậy cầm khăn chực lau, cụ gạt ra, bảo:

- Không được. Tôi kiêng...

Rồi cụ cười và đọc một câu dài bằng tiếng La Tinh.

Cuối bữa, cụ nâng cốc, trịnh trọng nói :

- Ông A-Nhĩ Bá thân qui của tôi ơi ! Tôi uống cốc này để chúc cho ông, cho các cháu được mạnh giỏi và để tưởng niệm cụ nhà !

Cha tôi liền bắt tay cụ và nói :

- Thưa thầy, cảm ơn thầy, con cũng xin chúc thầy được trường thọ.

Ở cuối phòng, chủ tiệm và người nhà xúm xít đứng nhìn, hình như họ lấy làm sung sướng thấy vị giáo sư thân yêu của họ được ưu đãi.

Hai giờ, chúng tôi ra ga. Cụ giáo tỏ ý muốn tiễn chân. Cha tôi lại khoác tay cụ, còn tôi thì dắt tay và vác gậy cho cụ. Những khách qua đường đều đứng lại trông vì ở đây ai cũng biết cụ và kính cụ như cha.

Qua một ngõ kia, nghe có tiếng trẻ con đánh vần và đọc sách. Cụ đứng lại, nét mặt rầu rầu, bảo cha tôi :

- Ông Bá ơi ! Tôi buồn quá ! Nghe tiếng trẻ học, tôi lại nhớ đến trường cũ , nơi 60 năm ròng, tôi đã quen bén thứ âm nhạc bằng tiếng trẻ thơ ấy... Than ôi ! Bây giờ tôi không có gia đình, tôi không có học trò nữa !

Cha tôi đáp :

- Thưa thầy, xin lỗi thầy, có lẽ thầy lầm rồi ! Thầy còn có biết bao nhiêu là học trò hiện ở rải rác trong cõi đời này ! Chúng vẫn nhớ tới thầy cũng như con không bao giờ quên được thầy.

Cụ già buồn rầu nói :

- Không, không. Tôi không có trường học nữa. Tôi không có học trò nữa. Mà không có học trò thì tôi không có cái thú sống ở đời !

- Thầy đừng nói thế. Giáo trạch của thầy đã đầm thấm khắp nơi. Thầy đã hy sinh đời thầy một cách rất cao thượng.

Cụ giáo không nói gì, gục đầu vào vai cha tôi.

Khi chúng tôi đến ga thì xe lửa sắp chạy. Cha tôi vội vàng hôn cụ và nói :

- Thôi ! Chào thầy ở lại, con về.

Cụ nắm tay cha tôi ép vào ngực cụ, dân dấn nước mắt nói :

- Thầy chào con và cảm ơn con.

Trước khi lên xe, cha tôi đỡ lấy cái gậy trúc của cụ đưa cái gậy cán bạc có khắc tên tắt của cha tôi cho cụ và nói :

- Xin thầy giữ lấy cái gậy này, gọi là chút kỷ niệm của người học trò cũ.

Cụ không chịu nhận, nhưng cha tôi đã nhảy lên xe và quay ra nói :

- Kính thầy ở lại.

Cụ đáp :

- Con ơi, đi đường thận trọng nhé ! Ta cầu trời phù hộ cho con đã có lòng quí hóa đối với thầy cũ.

Cha tôi cảm động, chào cụ lần nữa.

- Thôi ! Lạy thầy ! Con mong lại có ngày được gặp thầy !

Xe chuyển bánh, chúng tôi trông thấy cụ lắc đầu như có ý bảo :

- Thầy trò ta, có lẽ không bao giờ gặp nhau nữa !

Cha tôi thấy vậy liền nói thêm :

- Xin thầy đừng ngại, thầy trò ta còn nhiều dịp gặp nhau.

Xe chạy, cụ giơ bàn tay run lên để chào và để trả lời.

----------------------
Chú thích1) Condove 2) Gênes 3) Đọc bài "Chú hề con" ta nhận thấy cha cậu An-Di làm nghề viết báo.