Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

CHUYỆN ÔNG HOÀNG NƯỚC BA TƯ... (IV)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Nghĩ xong, hắn bèn tìm tới một hòn đảo dân cư sầm uất và vội thả con chim bay ra trong cánh đồng rộng mênh mông, cây cỏ và nước suối đầy ăm ắp.

Nói về vua Đại Cường Miên, khi hóa thành chim, suốt ngày bay chuyền trên các ngọn cây. Còn vua Nam Khê , sau một thời gian tìm kiếm khắp nơi mà chẳng thấy công chúa Mỹ Lệ đâu, ngài bèn ra lệnh cho giam vua Minh Giang lại, sai người canh gác cẩn mật, việc cai trị trong nước thì giao cho một vị đại thần trông coi. Sau đó, vua Nam Khê trở về Đại Miên tâu trình mọi sự cùng hoàng thái hậu.

Về tới cung, vua Nam Khê không thấy Đại Cường Miên đâu thì hốt hoảng hỏi:

- Tâu mẫu hậu, cháu con đi đâu mà tìm khắp trong cung không thấy?

Hoàng thái hậu trả lời:

- Trong khi nghe con đem binh phá thành, mẹ sợ có điều chi trở ngại nên điểm thêm quân tiếp viện. Lúc trở về không thấy Đại Cường Miên đâu cả.

Vua Nam Khê sốt ruột, ân hận là đã quá chiều chuộng cháu để mẹ phải buồn phiền.

Nhà vua bèn sai người đi kiếm Đại Cường Miên khắp nơi.

Trong khi chờ đợi tin tức vua Đại Cường Miên, vua Nam Khê bèn ký thác cho hoàng thái hậu trông coi việc nước, còn mình lập tức sang xứ Minh Giang để lo việc cai trị.

Vua Nam Khê ra đi không bao lâu thì hoàng thái hậu nghe tin, hoàng hậu Hải Đường xuống tìm con. Hai mẹ con ôm nhau vui mừng.

Hoàng hậu Hải Đường nói:

- Kính mẫu hậu, con không hiểu vì sao hoàng huynh cùng vương nhi đi săn bắn đến bây giờ vẫn chưa về. Con đã cho người đi kiếm hết khu rừng cũng không thấy bóng. Nóng ruột quá, con nghĩ rằng chắc vương nhi đã theo hoàng huynh về đây chăng?

Hoàng thái hậu u buồn thuật lại đầu đuôi câu chuyện vua Nam Khê sang xứ Minh Giang cầu hôn cho đến việc chiếm được xứ Minh Giang, rồi tiếp đến Đại Cường Miên bị mất tích.

Hoàng hậu Hải Đường nghe xong sững sỡ, nước mắt ràn rụa, ngồi im không biết nói gì.

Hoàng thái hậu tìm lời trấn an:

- Con ạ! Lẽ ra việc cầu hôn cùng vua Minh Giang con không được cho cháu biết. Nhưng nay đã xẩy ra việc như thế này, anh con đã cho người đi tìm khắp nơi, dưới nước cũng như trên bờ, nhưng chưa có tin tức gì về Đại Cường Miên cả. Thôi con chớ nên sầu thảm, hãy trở về thay vua lo gìn giữ ngai vàng. Đó là một việc hệ trọng.

Hoàng hậu Hải Đường nghe mẹ nói có lý bèn từ biệt trở về.

Về đến kinh đô Ba Tư, hoàng hậu Hải Đường phải kiếm lời nói dối với triều thần rằng : Vua ba Tư theo vua Nam Khê sang xứ Đại Miên chơi một thời gian. Công việc triều đình ngài phó thác cho các vị quốc lão gánh vác.

Nhờ vậy mà trong nước ai nấy đều chăm lo nhiệm vụ. Đất nước không bị rối loạn.

Còn vua Đại Cường Miên, khi bị bỏ rơi nơi cánh đồng hoang vu, cảm thấy thân phận bé nhỏ và bơ vơ nên buồn khổ vô cùng. Ngài muốn khóc to lên để cho bớt nỗi buồn trong lòng, nhưng không sao khóc được vì nhà vua đang là loài chim. Dù ngài muốn kêu to lên nhưng cũng chỉ là tiếng chim bé nhỏ, bị át đi bởi tiếng gió hú, núi non trùng điệp.

Ngài muốn dùng đôi cánh bé nhỏ để bay tít tận trời xanh xem đâu là xứ sở. Nhưng bốn phương xa tít mà đôi cánh bé nhỏ của ngài làm sao vượt nổi gió núi mây ngàn.

Sau một thời gian bỡ ngỡ, Đại Cường Miên mới làm quen được với cuộc sống của loài chim. Ngài để ý đến một đoàn vành khuyên đang múa hát trong bụi rậm gần đó. Không biết chúng có mang cùng một số phận như ngài chăng? Biết đâu đấy? Ở đời lắm chuyện éo le mà! Suy nghĩ một hồi rồi ngài cũng đành nhập bọn với lũ vành khuyên, bắt chước chúng dùng bữa bằng trái chín, uống nước suối, tối thì ngủ trên cây cao.

Được ít lâu, có một chàng chuyên môn bắt chim đi ngang qua đó. Hắn thấy con Bạch Điểu thì ngạc nhiên đứng lại nhìn.

Hắn nghĩ thầm:

- “Chao ôi! Loại chim này sao mà đẹp thế? Từ trước tới nay ta chưa bao giờ trông thấy. Ta phải bắt được mới xong.”

Rồi chàng ta xắn tay áo làm liền. Vì đức vua Đại Cường Miên mới nhập lớp chim nên chưa được tinh khôn. Còn chàng bắt chim thì chuyên môn, lanh lẹ. Chỉ một lát sau, con Bạch Điểu đã bị chàng ta nhốt vào chiếc bẫy lồng.

Sau khi bắt được chim, chàng ta mừng rỡ mang chim ra chợ bán.

Nhưng  anh ta mới mang ra tới đầu phố thì gặp một người lái buôn hỏi mua.

Anh ta hỏi người lái buôn:

- Bác trông con chim này có đẹp không?

Người lái buôn đáp:

- Đẹp chứ, vì vậy mà tôi mới mua.

- Thế bác mua để làm gì?

- Anh hỏi mới lạ chứ, tôi mua để nhổ lông, làm thịt nướng chả chứ còn để làm gì nữa.

Anh bán chim từ chối:

- Nếu vậy thì tôi không thể nào bán cho bác được đâu.

Người lái buôn ngạc nhiên hỏi:

- Sao vậy?

- Vì nếu bác mua để làm thịt, bất quá bác trả cho tôi vài đồng bạc là cùng! Tội nghiệp, nếu bác cho vào lò lửa con chim tuyệt đẹp này thì thật là uổng! Bác có thích mà trả tôi một đồng vàng tôi cũng không bán được.

Người lái buôn lại hỏi:

- Thế anh định giữ chim làm gì?

Anh ta trả lời:

- Con chim này rất có giá trị và quý nhất đời. Tôi sẽ mang vào cung biếu nhà vua.

Nói rồi, anh bán chim liền xách lồng chim vào triều. Trong lúc đó, nhà vua đang ngồi ở chính điện, ngó ra cửa sổ thấy anh bán chim thì sai quan thái giám ra hỏi mua.

Chàng bán chim trả lời:

- Nếu nhà vua muốn mua thì tôi không dám bán đâu! Xin ngài màng chim vào cung nói là tôi dâng biếu vua.

Quan thái giám liền mang chim vào chính điện cho vua coi. Sau một hồi ngắm nghía và rất lấy làm thích thú, ngài liền sai quan thái giám mang mười đồng vàng ra thưởng cho anh bán chim.

Anh bán chim sung sướng vì được một số tiền quá lớn, vội cúi đầu cảm tạ rồi ra về.

Vua được chim quý thì rất chiều chuộng, sai nhốt Bạch Điểu trong chiếc lồng vàng, cho ăn bằng khay ngọc, uống nước bằng chén pha lê.

Tuy được hậu đãi như vậy, chim vẫn buồn rầu không thiết ăn uống.

Thấy vậy, nhà vua liền mở lồng cho chim được tự do, rồi chọn những hạt gạo quý cho chim ăn. Nhưng chim vẫn đứng ngơ ngác.

Đến chiều, quan nội giám dọn đồ Ngự Thiên lên để vua dùng. Nhưng khi đồ ăn vừa dọn ra thì chim liền vỗ cánh bay tới, mổ ăn hết mọi đĩa.

Vua thấy như vậy thì kinh ngạc vô cùng, sai bọn tùy nữ vào cung mời hoàng hậu ra xem.

Hoàng hậu vừa bước ra, thấy chim thì kéo voan che kín mặt rồi quay trở vào hậu cung.

Vua lấy làm lạ hỏi:

- Sao hôm nay gặp trẫm mà ái khanh lại khách sáo như vậy?

Hoàng hậu nói:

- Tâu bệ hạ, con chim kia chính là người chứ không phải là chim.

Vua ngạc nhiên hỏi:

- Sao ái khanh lại nói như vậy?

- Tâu bệ hạ, khi trước thiếp có học được phép cải biến, vì vậy nên trông thấy con chim này mới biết rõ được như vậy.

Khi vua và hoàng hậu đang nói chuyện thì chim đứng yên nhìn, đôi khi gật đầu tỏ vẻ đồng ý với hoàng hậu.

Nhà vua hỏi hoàng hậu:

- Có cách nào để cứu được con chim này trở về hình người được không?

Hoàng hậu thưa:

- Tâu bệ hạ, để thần thiếp đưa chim vào hậu cung rồi sẽ cho trở lại hình người.

Vua truyền cho quan thái giám mang chim vào hậu cung.

Hoàng hậu bắt đầu làm phép, sai múc một tách nước, vẽ bùa niệm chú rồi vẩy nước vào mình chim, miệng hú:

- Ta nhân danh thượng đế, đấng toàn năng, truyền lệnh cho ngươi thoát khỏi lốt chim để trở lại hình người như trước.

Lời truyền vừa dứt, bỗng nhiên chim Bạch Điểu biến lại thành hình người, là một vương tử phong nhã, mặt mũi hồng hào, thân hình cường tráng.

Hoàng hậu vội lui vào sau.

Vua Đại Cường Miên vội quỳ xuống nâng tay nhà vua lên hôn để tỏ vẻ biết ơn.

Nhà vua ôm Đại Cường Miên vào lòng rồi hỏi:

- Tại sao ngươi lại bị hoàn cảnh đó?

Vua Đại Cường Miên kể lại đầu đuôi câu chuyện cho nhà vua nghe.

Được biết vị thiên tử nước Ba Tư, nhà vua cúi đầu thi lễ rồi mời ngồi trên ghế cẩm đôn:

- Kể ra việc này thật đáng buồn và cũng đáng giận. Công chúa Mỹ Lệ nghe cha bị hại mà trả thù một cách tàn nhẫn, không cao thượng tí nào. Nhưng dù sao nàng cũng là đàn bà, không đáng trách. Bây giờ thì trẫm đã biết đại vương rồi, đại vương có muốn trẫm làm gì để giúp ngài chăng?

Vua Đại Cường Miên nói:

- Tôi mang ơn đại vương quá nhiều, dù cho có phải làm kiếp vật  trả ơn cũng không hết. Biết lòng đại vương cao cả, nhưng tôi chỉ xin đại vương được trở về cố quốc, mai sau có dịp hội ngộ sẽ xin trả nghĩa biển trời.

Nhà vua ái ngại:

- Nhưng đại vương muốn trẫm giúp bằng cách nào?

Vua Ba Tư trầm ngâm một lúc lâu rồi đáp:

- Tôi là con của hoàng hậu Hải Đường, người ở dưới nước, có thể đi lại được dưới biển khơi. Nhưng từ lâu đã không đi xa nên thung thổ chưa thạo. Vậy nếu không phiền, xin ngài cấp cho tôi một chiếc tàu và đoàn thủy thủ hỗ trợ tôi về nước để tránh những nguy hiểm.

Nhà vua sốt sắng ưng thuận. Chỉ một lát sau, một chiếc tàu to lớn đã sẵn sàng cùng đoàn thủy binh trang bị đầy đủ lương thực chuẩn bị rời bến. Đại Cường Miên cảm tạ nhà vua rồi lên đường.

Thuận buồm xuôi gió, tàu lênh đênh đúng mười hai ngày. Sang đến ngày thứ mười ba thì trời bỗng dưng trở gió, giông bão mỗi lúc một mạnh. Các thủy thủ cố gắng giữ vững tay chèo, nhưng không sao chống lại nổi sức của trời đất. Cuối cùng, tàu đâm vào một tảng đá, cột kèo gãy nát.

Đoàn thủy binh đều chết chìm cả. Vua Đại Cường Miên nhờ có tài đi trong nước nên thoát chết, nhưng không biết đường về.

Vua lạc vào một hòn đảo nhấp nhô những ngôi nhà cao vút.

Vua mừng rỡ định rảo nhanh đến nơi. Nhưng vừa đi được mấy bước thì trâu, bò, ngựa, lạc đà… từ trong các bụi rậm chạy ra cản đường.

Ban đầu nhà vua rất kinh hãi, nhưng lần lần thấy những con vật đó hiền lành, không có cử chỉ hung dữ nên vua lấy lại bình tĩnh, tìm cách thoát ra, nhưng phải khó nhọc lắm ngài mới thoát khỏi hàng rào của chúng.

Vào đến trung tâm thành phố, đường sá quang đãng, vua đưa mắt nhìn chỉ thấy lưa thưa vài ba dãy phố có người đứng buôn bán, còn bao nhiêu đều bỏ trống cả.

Đại Cường Miên ghé vào một tiệm trái cây. Chủ quán là một ông già tóc bạc như cước, nhưng gương mặt vẫn hồng hào, khí phách như trai tráng.

Thấy Đại Cường Miên bước vào, ông lão ngỡ ngàng hỏi:

- Ngài từ đâu đến đây?

Đại Cường Miên thuật lại câu chuyện đắm tàu vừa qua.

Ông lão hỏi:

- Lúc ngài vào đây ngài có gặp ai ở ngoài đường không?

Đại Cường Miên đáp:

- Thưa không! Lão trượng là người tôi gặp đầu tiên. Tôi rất lấy làm thắc mắc vì chẳng biết tại sao một thành phố mỹ lệ như thế này mà lại có ít người ở thế?

Ông già chỉ cho nhà vua ngồi xuống một chiếc ghế rồi nói:

- Ngài hãy ngồi xuống, kẻo ngoài đường nhìn vào bất tiện. Lão sẽ kể cho ngài biết đầu đuôi sự tích.

Vua Đại Cường Miên nghe nói trong lòng rất hoang mang, bèn kéo ghế ngồi gần ông lão.

Ông già biết Đại Cường Miên bị đắm tàu, chắc đang đói khác, bèn sai đầy tớ đem thức ăn đến mời nhà vua.

Khi Đại Cường Miên ăn xong, ông già bắt đầu kể:

- Ngài nên biết rằng xứ này là một xứ yêu quái, tục gọi là xứ Ma Vương. Quyền cai trị ở đây không phải do một vị quân vương, mà là do một nữ chúa. Người con gái ấy có một sắc đẹp yêu ma, trên đời này không ai sánh kịp, gần ai sẽ làm cho người ấy mê mệt. Nhưng tiếc rằng con người đẹp đẽ ấy lại có một dòng máu dâm đãng. Ngoài ra, mụ ta còn là một phủ thủy đanh ác nhất trần đời.

Những con vật như lừa, ngựa, trâu, bò v.v… mà ngài vừa mới gặp đó, chính là người trước kia, cũng khôi ngô như ngài, rồi bị phép thuật biến hình.

Đại Cường Miên ngơ ngẩn hỏi:

- Tại sao lại có chuyện lạ lùng như vậy?

Ông già nhắp một ngụm trà, đáp:

- Trước đây cũng có bao chàng trai như ngài, khi vào đến kinh đô Ma Vương, liền bị đoàn lính canh của nữ chúa bắt đem vào cung. Thoạt tiên, nữ chúa tiếp đón rất niềm nở, rồi đi đến giai đoạn yêu đương. Không một chàng trai nào mà không say mê nàng, mong muốn được hưởng ân ái với nàng. Nhưng oái oăm thay, họ chỉ được thỏa mãn như ý muốn một thời gian ngắn. Qua bốn mươi ngày ái ân say đắm, họ sẽ bị biến thành con vật và bị bỏ rơi ngoài bãi biển. Đến nay, đoàn thú vật đã rất nhiều, sống chật cả khu rừng. Vậy mà nữ chúa vẫn chưa thỏa mãn, vẫn tánh nào tật nấy. Lúc nãy, mấy con vật đứng cản đường ngài là vì có ý muốn cho ngài đừng mang thân tới nộp cho nàng nữ chúa ác độc ấy.

Đại Cường Miên nghe xong câu chuyện kỳ lạ đó thì bỗng run rẩy, lo sợ:

- Chao ôi! Tôi vừa thoát khỏi yêu thuật, bây giờ lại sắp bị biến hình nữa! Trời ơi! Thân tôi bao giờ mới hết chịu cảnh đày ải đây?

Nhận thấy ông lão chưa thấu hiểu được lời than thở của mình, Đại Cường Miên bèn kể rõ gốc tích của mình và thuật lại đầu đuôi, từ khi lìa xa  xứ sở để theo đuổi mối tình tuyệt vọng với công chúa Mỹ Lệ.

Rồi Đại Cường Miên kết luận:

- Dám thưa lão trượng, vậy lão trượng có cách nào giúp tôi về nước được không?

Ông già nghe nói hết sự tình, xúc động nói:

- Tuy nữ chúa đa tình thật, nhưng ngài đến đây với lão thì cũng không sao. Vì lão là một người được dân chúng ở đây quí mến. Ngay cả đến nữ chúa cũng kính vì. Vậy ngài cứ ở đây, chờ có cơ hội, lão sẽ giúp ngài về nước.

Đại Cường Miên quì xuống lạy tạ. Cũng từ buổi đó trở đi, ngài không hề rời ông lão một bước. Khi thì ngồi bán hàng, khi thì ngồi tính toán tiền nong, sổ sách.

______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

 

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

CHUYỆN ÔNG HOÀNG NƯỚC BA TƯ... (III)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Đột nhiên, vua Nam Khê nói:

- Hoàng muội ơi! Nhà vua cũng đã lớn rồi, nếu anh không lầm thì cháu cũng đã ngoài hai mươi. Với số tuổi ấy tại sao em không lo việc vợ con cho nhà vua? Nếu hoàng muội bằng lòng, anh sẽ tìm cho nhà vua một nàng công chúa nơi thủy quốc.

Hoàng hậu Hải Đường tâu:

- Thưa hoàng huynh, lâu nay vì buồn rầu em cũng quên cả việc ấy. Bây giờ hoàng huynh nhắc em mới nhớ! Em cũng đồng ý với hoàng huynh, cần tìm cho vương nhi một công chúa thủy quốc. Nhưng không biết tìm người nào cho xứng đáng?

Vua Nam Khê nói nhỏ bên tai em:

- Anh biết có nàng tuyệt thế giai nhân rất xứng với nhà vua. Nhưng em hãy thử xem nhà vua đã ngủ kỹ chưa anh mới dám nói.

Hoàng hậu bước lại nhìn nhà vua, thấy ngài nằm im lìm, ngỡ là ngài yên giấc, bèn đáp:

- Anh cứ nói đi, không ngại gì cả.

Nam Khê nói nhỏ:

- Trước hết, anh muốn tả sắc đẹp và tánh tình của giai nhân cho em nghe, nhưng sợ lọt vào tai nhà vua. Vì trong tuổi trẻ có những ý muốn liều lĩnh, thường mang đến những hậu quả không đẹp.

Hoàng hậu Hải Đường bỡ ngỡ hỏi:

- Hoàng huynh đã tính việc đó sao còn e ngại hậu quả?

- Hoàng muội chưa rõ, nơi mà anh dạm hỏi có nhiều nỗi khó khăn. Khó khăn không phải là do người con gái mà do ông cha. Nếu chẳng may không thành thì sẽ có tai hại đến sự đính ước của nhà vua.

- Nàng đó là ai?

Vua Nam Khê nói:

- Đó là công chúa Mỹ Lệ xứ Minh Giang. Nàng có một sắc đẹp tuyệt vời. Vua xứ Minh Giang lại giầu ức tỷ nhưng rất kiêu căng. Đã có nhiều nơi đến cầu hôn nhưng đều bị thất bại.

- Nếu vậy thì em nhờ hoàng huynh lo liệu giùm.

Câu chuyện đến đây thì chấm dứt. Đêm đã tàn khuya. Hoàng hậu đánh thức nhà vua dậy để về yên giấc nơi long sàng.

Từ nãy, nhà vua nằm nghe không bỏ sót một lời nào.

Đến khi về phòng mình, nhà vua thấy trong lòng bứt rứt khôn nguôi.

Vua Đại Cường Miên trằn trọc suốt đêm không ngủ được, mơ tưởng đến sắc đẹp nàng Mỹ Lệ và ao ước được gần gũi.

Sáng hôm sau, vua Nam Khê từ giã về thủy quốc.

Đại Cường Miên đoán biết cậu mình trở về để lo chuyện ấy nên có ý đòi theo để khỏi nóng ruột trong khi chờ đợi. Nhưng ngài lại không muốn cho mẫu hậu hay biết, bèn nghĩ ra một kế là cầm chân vua Nam Khê ở lại để dự cuộc săn bắn.

Vua Nam Khê bằng lòng vì muốn chiều ý cháu.

Thế là ngày hôm sau, cuộc săn bắn bắt đầu tổ chức. Đại Cường Miên cùng Nam Khê và đoàn ngự lâm quân lên đường. Đi hết một buổi, nhà vua mong tìm cách để giãi bày tâm sự, nhưng mỗi lần định nói lại ngại ngùng. Nhân lúc đoàn ngự lâm quân và vua Nam Khê đi qua, Đại Cường Miên bèn tìm một lối rẽ cương đến một bờ suối, rồi nằm dài trên một tảng đá ôm đầu suy tư.

Vua Nam Khê quay lại không thấy Đại Cường Miên, bèn vội vã đi tìm. Trở về bờ suối, ngài thấy vua Ba Tư nằm buồn rười rượi thì nghĩ thầm:

- “Mấy hôm nay nhà vua thay đổi tính tình, biếng ăn, ít nói, chắc hẳn vua đã hay biết được câu chuyện hôn nhân rồi chăng?”

Nghĩ vậy, vua Nam Khê bèn xuống ngựa đến gần Đại Cường Miên, nhỏ nhẹ:

- Hoàng điệt ôi! Cháu có chuyện gì buồn, có thể nói cho ta biết được không?

Đại Cường Miên vội vã tâu:

- Thưa cậu, chắc cậu không biết chứ câu chuyện hôm qua cháu đã nghe hết rồi.

Nói rồi, Đại Cường Miên kể hết chuyện mình tương tư nàng Mỹ Lệ cho cậu nghe và nói rõ ý muốn của mình.

Vua Nam Khê nói:

- Cháu ơi! Thôi thì cháu hãy chịu phiền chờ cậu trong ít ngày nữa, chỉ ít lâu nữa thôi, cậu sẽ đem tin mừng đến cho cháu.

Đại Cường Miên thở dài đáp:

- Cậu không thương cháu sao? Một việc nhỏ như vậy mà cậu không tận tình giúp cháu thì sao mà cháu còn có thể sống ở trên đời này được?

Vua Nam Khê vỗ về:

- Có bao giờ cậu làm phật ý cháu đâu? Nhưng nếu cháu đã nhất định thì cháu hãy về xin phép mẹ cháu đi.

- Trời ơi! Cậu cũng biết trước rằng mẹ cháu không bao giờ muốn rời cháu. Vậy cậu đừng bắt cháu phải làm cái việc nan giải đó, nếu cậu thực tình thương cháu.

Nói xong, Đại Cường Miên òa khóc nức nở. Vua Nam Khê không ngờ cháu mình lại yếu mềm đến như vậy. Nhưng vì thương cháu, ngài không nỡ chối từ.

Ngài bèn tháo chiếc nhẫn đang đeo trong tay, trao cho Đại Cường Miên rồi nói:

- Nếu cháu muốn vậy thì cậu cũng chiều lòng. Vậy cháu hãy đeo chiếc nhẫn này vào tay rồi theo cậu.

Đại Cường Miên mừng rỡ nhìn Nam Khê tỏ dấu biết ơn.

Vua Nam Khê làm phép thổi vào mặt Đại Cường Miên và đọc mấy câu thần chú. Bỗng nhiên hai người bay bổng lên không, nhắm thẳng biển đông.

Khi đến bờ biển, hai người nhẩy ùm xuống nước. Chẳng mấy chốc, hai cậu cháu đã đến kinh đô Đại Miên, vào thẳng hậu cung yết kiến hoàng thái hậu.

Đại Cường Miên quì gối hôn tay bà.

Hoàng thái hậu đỡ cháu dậy, nói:

- Gặp cháu bà rất mừng. Cảm ơn thượng đế đã ban phước lành cho cháu được đầy đủ sức khỏe. Mẹ cháu ở trên cạn có được bình yên chăng?

Đại Cường Miên giấu chuyện đi săn, còn các việc khác đều nói hết cho bà nghe.

Hoàng thái hậu để Đại Cường Miên tiếp chuyện với các vị phu nhân cùng cung nữ, rồi bà sang hậu điện để thăm vua Nam Khê.

Vua Nam Khê kể lại ý định cưới công chúa Mỹ Lệ cho Đại Cường Miên.

Hoàng thái hậu rầy:

- Việc như vậy mà vương nhi lại để cho Đại Cường Miên biết trước, thật là điều đáng trách. Vương nhi không biết quốc vương Minh Giang sao? Đã biết bao nhiêu người cầu hôn, nhưng đã ai tránh khỏi sự từ chối nhục nhã đâu.

- Tâu mẫu hậu, chúng con đã cố giấu nhưng không biết sao Đại Cường Miên cũng hay được, ngày đêm mơ tưởng công chúa Mỹ Lệ. Chao ôi! Việc đã dĩ lỡ, mẫu hậu không cho phép thì con cũng tự đem lễ vật đến đó cầu thân để cho cháu nó được mãn nguyện.

Hoàng thái hậu thở dài:

- Khi đến đó, vương nhi phải khéo léo, đừng để cho tính khó khăn, tự đắc của vua Minh Giang biến thành điều chi khiến mang nhục cho quốc thể.

Dặn dò xong đâu đấy, hoàng thái hậu trở vào cung, tự tay chọn những báu vật quí giá nhất, đựng vào chiếc quả bằng ngọc bích nạm vàng trao cho Nam Khê.

Sáng hôm sau, vua Nam Khê dẫn năm tên tùy tùng thẳng đến kinh đô Minh Giang.

Được tin vua Nam Khê đến, quốc vương Minh Giang ra tận nơi đón rất trọng vọng.

Hai nhà vua vào thẳng Ngân Lang điện.

Chủ khách cùng ngồi đàm thoại rất vui vẻ.

Sau những lời hỏi thăm tin tức láng giềng, quốc vương Minh Giang hỏi:

- Đại vương từ ngàn dặm đến đây hẳn có chi dạy bảo trẫm chăng?

Vua Nam Khê cúi đầu đáp:

- Tâu Đại vương, quả nhân đến đây chỉ vì mến đức đại vương, một ông vua nhân từ và bác ái, cường mạnh nhất thủy quốc. Quả nhân muốn rằng tình huynh đệ giữa hai nước sẽ trường tồn mãi mãi.

Vua Minh Giang hớn hở nói:

- Trẫm rất lấy làm hãnh diện được quí quốc chiếu cố đến. Những tặng phẩm quí giá kia chứng tỏ lòng thành của quí quốc. Nhưng không lẽ đại vương đến đây chỉ có một mục đích như vậy hay sao, mà không một lời chỉ giáo?

Vua Minh Giang nhìn thẳng vào mắt vua Nam Khê đầy vẻ dò hỏi. Nhưng vua Nam Khê vẫn ngại ngùng.

Vua Minh Giang lại tiếp:

- Đại vương đừng e dè gì cả, cứ việc bày tỏ. Nếu việc gì thuộc thẩm quyền của quả nhân, quả nhân quyết lòng không từ chối.

Vua Nam Khê đi thẳng vào vấn đề:

- Tâu đại vương, việc này ngoài đại vương, tôi biết không ai có quyền quyết định được. Vậy trước hết, tôi có lời nói trước, nếu có điều gì sơ xuất xin đại vương niệm tình tha thứ cho tôi.

Vua Minh Giang mỉm cười:

- Nếu việc gì trẫm có thể làm được thì trẫm không nỡ để cho đại vương phải thất vọng.

Vua Nam Khê vững tâm nói:

- Tâu đại vương, mối liên giao giữa hai cường quốc chúng ta từ lâu nay chưa hề xích mích. Nay tôi muốn cho sợi dây huynh đệ ấy được trường tồn. Vậy tôi xin mạn phép được cầu hôn công chúa Mỹ Lệ.

Vua Minh Giang nghe xong rướn người trên chiếc ghế cẩm đôn, cười ngất.

Một lúc sau, thôi cười, ông ta nhìn thẳng vào mặt vua Nam Khê mai mỉa:

- Vua Nam Khê, ta không ngờ từ bấy lâu nay ta đã lầm! Ta cứ tưởng ông là một ông vua biết điều, bây giờ thì cũng không hơn gì những kẻ khác. Sao không tự xét mình, lại đến cầu hôn với công chúa Mỹ Lệ, là một cành vàng lá ngọc của một vị quân vương đại đế của một nước cường mạnh?

Tuy bị chạm tự ái, nhưng vua Nam Khê vì lòng thương cháu, cố nén giận nói:

- Tâu đại vương, tôi rất ngạc nhiên khi thấy đại vương cho việc cầu hôn của chúng tôi là cuồng vọng. Theo ý tôi, việc nầy không những làm hãnh diện cho cả hai nước, mà lại còn vinh dự cho công chúa Mỹ Lệ. Đại vương cũng biết rằng nước Đại Miên của tôi cũng là một nước phú cường không kém gì quí quốc. Mà trước kia, các vị tiên vương khắp bốn phương đã từng kính nể. Từ khi tôi lên kế vị, uy thế vẫn không sút kém. Hơn nữa, tôi đến đây không phải để cầu hôn cho tôi mà để lựa cho công chúa Mỹ Lệ một người chồng xứng đáng. Người ấy là một vị quân vương xứ ba Tư, một xứ hùng mạnh nhất trên địa cầu. Công chúa Mỹ Lệ đúng là một trang giai nhân tuyệt thế, nhưng quốc vương Ba Tư lại là một trang anh tuấn, khắp hoàn cầu không ai sánh kịp.

Vua Minh Giang không dằn nổi cơn tức giận, dặp bàn thét lớn:

- Khôn kiếp, loài sâu bọ dưới hang sao dám múa mép nói nhiều lời lỗ mãng xúc phạm đến thiên tử? Quân đâu, ta truyền hãy dẫn quân cường khấu này ra pháp trường xử tử cho ta.

Vua vừa nói dứt, tả hữu áp lại bắt trói vua Nam Khê.

Vì đã đề phòng trước, hơn nữa, vua Nam Khê là một tay võ dõng cao cường, ngài vội rút đại đao ra chống cự lại. Rồi nhân lúc lộn xộn, ngài vội nhẩy ra sân chầu trốn thoát.

Ra khỏi hoàng thành, vua Nam Khê trông thấy một đoàn binh tướng dáo mác sáng ngời, hùng dũng kéo đến.

Đạo binh ấy là đạo binh của hoàng thái hậu Đại Miên.

Nguyên sau khi vua Nam Khê đi rồi, hoàng thái hậu đoán biết thế nào vua Minh Giang cũng đối xử tệ bạc, liền sai một viên thượng tướng cùng ba ngàn binh mã đi tiếp viện.

Trông thấy vua Nam Khê thất thểu chạy ra, viên thượng quan gọi lớn:

- Tâu hoàng thượng, xin hoàng thượng chớ lo, đã có binh cứu giá. Chúng tôi sẵn sàng nghênh chiến. Xin hoàng thượng ra lệnh.

Cơn tức giận chưa nguôi, vua Nam Khê truyền cho quân kéo thẳng vào cung vua Minh Giang.

Việc không ngờ xẩy ra, vua Minh Giang trở tay không kịp nên thành bị chiếm, các tướng tá đầu hàng, vua Minh Giang bị bắt.

Sau khi chỉnh đốn lại các chỗ hiểm yếu, cắt quân lính trông coi, vua Nam Khê tìm khắp các cung cấm để kiếm nàng Mỹ Lệ. Nhưng không còn nữa, công chúa Mỹ Lệ nghe tin không lành đã cùng đoàn tùy nữ tẩu thoát đến một hoang đảo.

Trong khi hai bên đang chiến tranh, có quân chạy về phi báo với hoàng thái hậu Đại Miên là xin đem quân cứu viện phòng biến cố.

Vua Đại Cường Miên được tin, lòng lắng tự khiển trách mình.

- “Cũng tại mình mà sinh ra rắc rối, làm khổ đến bè, rầy rà đến cậu. Ta còn mặt mũi nào ở đây nữa”

Nghĩ xong, Đại Cường Miên liền bỏ trốn trong lúc hoàng thái hậu đang lo điều binh tiếp viện.

Vì không thông thuộc đường lối, Đại Cường Miên lại đến một hoang đảo, nơi mà công chúa cũng đang trú ngụ.

Lòng bâng khuâng nghĩ ngợi, nhà vua ngồi thừ người dưới gốc cây cổ thụ. Gió bể thổi dạt dào nhưng tâm hồn chàng trai đôi mươi vẫn trĩu nặng. Bỗng chàng nghe mơ hồ có tiếng ai nói chuyện thì thầm.

Đại Cường Miên vừa vui mừng vừa lo sợ. Nhưng bản năng tò mò thúc giục chàng bước tới.

Vừa đến cách đó không mấy xa, nhà vua thấy trên một khóm cây cao, một giai nhân tuyệt sắc đang ngồi giữa muôn ngàn hoa thắm. Nhà vua dừng lại ngơ ngẩn:

- “Chao ôi! Người đâu mà đẹp đến thế? Có phải chăng là công chúa Mỹ Lệ? Ngoài nàng ra thì còn ai mà đẹp được như vậy?

Nhà vua đứng bất động một hồi lâu, người đẹp bỗng quay lại, rồi bốn mắt nhìn nhau đã có muôn phần cảm mến.

Vua bước lại gần, cung kính:

- Cám ơn thượng đế đã ban ơn cho tôi được gặp gỡ một tuyệt thế giai nhân. Nhưng tôi thắc mắc tự hỏi : “Một người đẹp như nàng tại sao lại ở nơi đây? Nàng có cần sự giúp đỡ chi không, xin cho tôi được biết?

Người đẹp nghiêng mình chính là công chúa Mỹ Lệ. Thấy đức vua Đại Cường Miên là một chàng trai chừng ngoài hai mươi tuổi, vẻ mặt khôi ngô, tiếng nói hết sức quyến rũ, nàng liền thỏ thẻ đáp:

- Kính ngài, sự nhận xét của ngài quả không lầm. Người như tôi mà lại ở trên một hoang đảo, kể cũng là một điều lạ! nhưng tôi xin tự giới thiệu : tôi là công chúa Mỹ Lệ, con vua xứ Minh Giang. Trong lúc tôi đang sống sung sướng nơi thâm cung, bỗng nhiên vô cớ vua Nam Khê đem quân đến đánh chiếm thành trì, bắt phụ vương và mẫu hậu của tôi. Trong lúc hoảng hốt, tôi sợ hãi bỏ chạy ra đây tị nạn.

Đức vua Đại Cường Miên nghĩ thầm:

- “Nếu ta được biết trước như vậy, ta đâu có dịa mà bỏ trốn ra đây làm gì.

Nhưng ta cũng mừng rằng vua Minh Giang đã bị bắt thì thế nào cũng phải gả công chúa Mỹ Lệ để bảo toàn tính mạng và cơ nghiệp của ngài.”

Nhà vua nghĩ xong liền quay sang nói với công chúa:

- Mỹ Lệ công nương ơi! Tôi xin nàng chớ lo buồn làm chi. Tôi chính là quốc vương xứ Ba Tư, tên là Đại Cường Miên. Tôi gọi vua Nam Khê bằng cậu. Sở dĩ cậu tôi đến quí quốc, không phải là để gây hấn mà là để cầu hôn công chúa cho tôi. Tôi hy vọng được mắt xanh cảu công chúa để ý đến vì suốt đời tôi chỉ mơ tưởng có một mình công chúa mà thôi. Bây giờ thì tôi rất lấy làm vinh hạnh được đưa công chúa về giới thiệu với cậu tôi, và cha nàng sẽ được trở lại trị quốc sau khi tác thành cho đôi lứa.

Công chúa tuy đã cảm thấy yêu thương nhưng sau khi được biết con người đứng trước mặt mình là kẻ đã gây ra thảm trạng làm cho đất nước nguy vong, phụ vương bị cầm tù, còn nàng phải lênh đênh trên hoang đảo, thì nổi giận đùng đùng.

Nhưng nàng cũng cố nén giận, làm bộ vui mừng, nói:

- Tôi cũng rất vinh hạnh được biết ngài là con bà Hải Đường, một người nhan sắc mỹ miều mà từ lâu tôi đã từng nghe. Bây giờ được biết, quả là ngài thật xứng là con bà. Có lẽ cha tôi đã lầm lẫn mà từ hôn! Thật vậy, nếu cha tôi trông thấy ngài, có lẽ người không bao giờ chối từ.

Nói xong, nàng làm bộ âu yếm đưa bàn tay ra. Đại Cường Miên lòng đầy sung sướng, vừa cúi xuống hôn tay nàng… Nhưng, môi chưa kề tay ngọc, nàng đã ngửa mặt ra xô Đại Cường Miên và nhổ một bãi nước bọt vào mặt chàng, hét lớn:

- Quân khốn kiếp! Hãy trút bỏ hình người, hóa thành con bạch điểu chân đỏ mỏ hồng ngay!

Vừa dứt lời, nhà vua Đại Cường Miên đã bị lời nguyền của công chúa mà biến thành con chim.

Công chúa quay sang truyền cho tên da đen:

- Nhà ngươi hãy đem bỏ hắn tới đảo Khoang Hạc!

Tên da đen mang chim đi, lòng tự nghĩ:

- “Đảo Khoang Hạc là một hòn đảo toàn những núi đá đen, không có cây cối, không có một dòng suối, quanh năm nắng cháy khô còng. Lòng dạ nào mà đem bỏ một vị quốc vương trẻ đẹp chết một cách thảm thương ở đó? Chao ơi! Công chúa dịu hiền như thế kia sao lại nỡ đang tâm làm cái việc tàn nhẫn như vậy? Thôi thì ta cũng làm phúc tìm một nơi cỏ cây tươi tốt mà bỏ vị quốc vương này, cho dù ngài có chết cũng không đến nỗi khổ sở lắm.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

CHUYỆN ÔNG HOÀNG NƯỚC BA TƯ... (II)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


- Công chúa yêu dấu, việc nàng kể làm trẫm cảm thấy ly kỳ lắm. Trẫm không còn gì sung sướng hơn là được ấp ủ mối tình. Vậy kể từ nay khanh đừng nghĩ và cho mình là kẻ nô vong, mà hãy tự hào là một vị hoàng hậu của xứ Ba Tư cường mạnh. Trẫm nguyện yêu khanh cho đến chết.

Công chúa thủy vương đáp:

- Tâu thánh thượng, thần thiếp đã rõ lòng bệ hạ rồi.

Nhà vua lại nói tiếp:

- Thôi bây giờ khanh hãy kể lại cho trẫm nghe chuyện nơi Thủy quốc. Trẫm đã từng nghe người ta nói về người dưới biển, nhưng trẫm không tin. Trẫm cho là chuyện hoang đường. Vì xuống dưới nước trong giây phút, người ta chết ngộp thì làm sao mà có thể sống đời kiếp được ở dưới đó.

Công chúa Thủy vương nói:

- Tâu bệ hạ, ở dưới nước đối với người thủy tộc không có hại gì cả. Chúng tôi có thể sống trong nước và đi lại như những người ở trên mặt đất. Vầng kim ô vẫn hàng ngày soi sáng xuống tận đáy biển. Ánh trăng sáng tỏ và lung linh trên mặt biển in trên nền trời xanh thẳm đêm đêm. Biển rộng hơn đất liền, dưới đó chúng tôi cũng chia ra từng tiểu quốc. Mỗi tiểu quốc có một vị đại đế ngự trị, dân cư nhộn nhịp, kinh thành tráng lệ, phố xá tưng bừng không khác gì trên bộ. Mỗi dân tộc có một phong tục, ngôn ngữ khác hẳn nhau. Riêng về xứ sở của thiếp thì chữ viết dựa theo dấu chữ khắc trên ấn của đức Sa-Lô-Mông, đấng tiên tri của con vua Đa-Vít.

Vua Ba Tư ngồi chăm chú nghe. Công chúa Hải Đường vẫn tiếp tục:

- Tâu hoàng thượng, xứ của thần thiếp gọi là xứ Đại Miên. Cũng như các đế quốc khác dưới thủy cung, dân cư đông đúc gấp mấy lần các đế quốc khác trên thế gian, còn cung điện thì không có cung điện nào trên mặt đất có thể sánh kịp. Toàn thể trần thiết bằng ngọc thủy tinh, cột kèo bằng san hô, cẩm thạch, ngói lợp bằng vàng, xà cừ, đồ trang trí toàn bằng ngọc bích, kim cương. Những vật ấy không phải là hiếm hoi ở dưới biển. Có nhiều nơi mọc từng dãy núi vàng, núi bạc, núi ngọc đủ màu sắc, đủ loại. Đó là chưa kể những thứ ngọc trai hằng hà sa số ít ai dùng đến. về ban đêm, những thứ ngọc ấy phản chiếu ánh sáng như ban ngày. Vì vậy, chúng tôi đã dùng những viên ngọc khổng lồ để làm đèn vì nó chứa đủ màu sắc…

Công chúa Hải Đường kể đến đây, vua Ba Tư bỗng hỏi:

- Vậy chứ các giống tôm cá thì sao?

Công chúa đáp:

- Tâu bệ hạ, những giống ấy cũng như súc vật trên mặt đấty : có giống nuôi trong nhà, có giống sống tự do ngoài rừng núi.

Nhà vua ngắt lời:

- Vậy chứ dưới biển cũng có núi rừng sao?

- Cũng có cây đủ loại sống trong rừng và có nhiều thú như trên cạn.

Đức vua lại hỏi:

- Nhưng trẫm vẫn còn thắc mắc là đường đi có dùng đến ngựa xe chăng?

Công chúa mỉm cười đáp:

- Tâu hoàng thượng, công việc giao thông ở trong nước đối với chúng tôi rất là lẹ làng, không phải cầu kỳ. Dù xa đến đâu cũng chỉ đi một lúc là đến nơi. Vì vậy, không bao giờ chúng tôi dùng xe cộ. Nhưng các bậc đế vương thường mua những giống hải mã về luyện tập cho thuần thục dùng để kéo xe đi du lịch trong thành phố. Các bậc đế vương còn dùng hải mã để kéo xe đi kinh lý. Xe này làm bằng ngọc xà cừ, khảm minh châu, bánh bằng vàng, gọng bằng ngọc, không có mui. Vua ngồi lên xe có quân lính chung quanh theo quạt hầu. Nhưng xe này chỉ dùng những khi đi kinh lý trong thành phố, còn nếu đi xa như mọi người thì không cần dùng chi cả.

Vua lại hỏi:

- Còn những cái gì lạ nữa, ái khanh hãy nói cho trẫm biết?

Công chúa Hải Đường tâu:

- Tâu hoàng thượng, nếu kể ra nữa thì còn muôn vạn điều lạ. Nhưng thần thiếp hứa sẽ lần lượt kể cho bệ hạ rõ. Bây giờ, vì xa cách lâu ngày, cúi xin bệ hạ cho thiếp được mời mẫu hậu và hoàng huynh của thiếp tới đây, trước là để thăm viếng, sau là để xóa những hiềm khích ngày xưa.

Nhà vua hớn hở đáp:

- Ái khanh ơi! Cung điện này là của khanh, vậy khanh cứ tự do làm theo ý muốn. Trẫm sẽ tiếp đón quí khách trọng thể theo nghi lễ Ba Tư. Vậy khanh có cần trẫm giúp đỡ chi không?

Công chúa Hải Đường cảm động:

- Thần thiếp muôn vàn đội ơn thánh thể, nhưng thiếp tự nghĩ như vậy là đủ lắm rồi. Bây giờ xin bệ hạ sang phòng bên cạnh, vì một lát nữa đây, mẫu hậu và hoàng huynh thiếp sẽ đến.

Vua nghe lời bước ra khỏi cung điện. Công chúa truyền bọn tỳ nữ mang chiếc lư vàng và mấy cục than đỏ đến. Rồi nàng đuổi hết chúng ra ngoài, tự tay lấy nắp hộp nhỏ, đổ hai miếng trầm vào lư. Khi ngửi thấy mùi trầm, khói hương đã bắt đầu nghi ngút, nàng lẩm bẩm mấy câu thần chú. Rồi bỗng dưng biển cả sóng dậy, bọt nổi lên trắng xóa. Một lát sau, mặt biển nứt làm đôi và xuất hiện một thanh niên ăn mặc uy nghi, thân hình cường tráng, với đôi mắt sáng, bộ râu mầu rong biển.

Tiếp đến là một bà già ăn mặc theo nghi lễ triều đình, theo sau có năm nàng tùy nữ nhan sắc tuyệt trần.

Đấy là hoàng thái hậu và vua Nam Khê, cùng năm vị công nương của thủy quốc.

Mọi người đều lướt sóng nhẹ nhàng như nương mây, lướt gió.

Đến trước mặt thành, họ bơi vào cửa cung như những người có cánh vậy.

Thoạt gặp nhau, mẹ con, anh em ôm choàng lấy nhau, vừa khóc vừa kể lể. Người mẹ nói:

- Con ơi! Mấy năm trời cách biệt, nỗi nhớ nhung chồng chất không nguôi. Ngày con ra đi mẹ hối hận nhiều vì đã làm con buồn ý. Nhưng, Hải Đường con ơi! Quyết ý của anh con không ngoài mục đích mong cho con được một cuộc sống êm đềm và hạnh phúc.Nếu con không bằng lòng thì thôi, sao con lại bỏ đi như vậy? Thôi thì chuyện xưa bây giờ gác lại, con khá kể cho mẹ nghe rõ hoàn cảnh của con trong khi xa cách mấy năm trời.

Công chúa Hải Đường giọt châu lã chã, hôn lấy tay mẹ rồi nói:

- Mẫu hậu ơi! Con đã đắc tội nhiều cùng mẫu hậu và hoàng huynh, xin người hãy tha thứ. Ở đời có câu : chạy trời không khỏi số. Con đã không tuân lời hoàng huynh, cố tránh lấy chồng mặt đất, nhưng trớ trêu thay, số mệnh đã buộc con vào…

Rồi công chúa Hải Đường lần lượt kể lại từ lúc nương tựa trên đảo Thủy Tiên cho đến khi gặp nhà vua đức độ của xứ Ba Tư, không quên ca ngợi những đức tính cao quý của nhà vua suốt mấy năm trời chung sống.

Hoàng thái hậu cùng vua Nam Khê nghe xong cùng bồi hồi cảm động.

Công chúa Hải Đường truyền cho bọn thị nữ dọn tiệc thết đãi. Khi tiệc dọn xong, tất cả cùng ngồi vào bàn, kể cả năm vị công nương.

 Nhưng bỗng nhiên, cả bảy người cùng đứng dậy, nét mặt từ từ đỏ ửng. Rồi khi họ ngồi xuống thì mắt, mũi, miệng đều phun ra những ngọn lửa.

Vua Ba Tư đang nấp ở phòng bên, trông thấy thế sợ quá chưa biết tính sao thì bỗng cửa phòng bật mở và công chúa Hải Đường bước vào quì xuống tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, để bệ hạ chờ đợi, thần thiếp muôn vàn đắc tội.

Nhà vua cầm tay công chúa, nói:

- Không có chi, ái khanh cứ bình thân.

Công chúa cảm động:

- Tâu bệ hạ, bệ hạ đã ban ơn cho thế này, thiếp chẳng biết lấy gì đền đáp.

Nhà vua nói:

- Ái khanh đừng nói thế. Chính trẫm mới phải mang ơn ái khanh.

- Muôn tâu bệ hạ, bây giờ thì xin bệ hạ qua đây, mẫu hậu và hoàng huynh đang chờ được ra mắt bệ hạ.

Nhà vua ngần ngừ đáp:

- Khanh ơi! Trẫm nói thế này mong khanh đừng giận. Từ trước đến giờ chưa bao giờ trẫm trái ý khanh. Nhưng những ngọn lửa nơi miệng, mắt của các quốc khách thủy cung làm trẫm khiếp hãi vô cùng.

Công chúa Hải Đường phì cười:

- Tâu bệ hạ, bệ hạ đừng lo. Những ngọn lửa ấy không có gì đáng ngại. Bởi vì mẫu hậu và hoàng huynh vào cung cấm của một đức vua nhân đức như bệ hạ mà chưa được phép, nên tự cho đó đó là một điều xấu hổ. Đối với người thủy quốc, những ngọn lửa ấy là biểu hiện cho sự ngượng ngập, e ấp mà thôi.

Vua lại hỏi:

- Ngày trước trẫm nghe ái khanh nói rằng xứ Đại Miên của hoàng huynh bị chiếm, vậy bây giờ ra sao?

- Tâu bệ hạ, hoàng huynh thiếp đã thu hồi được giang san, đang có ý định đưa thiếp về nước viếng thăm..

Nhà vua sợ hãi:

- Thôi khanh, trẫm không thể nào sống xa ái khanh được!

Công chúa Hải Đường âu yếm:

- Tâu bệ hạ, bây giờ thiếp đang thai nghén, lại là vợ của bệ hạ, thiếp không bao giờ dám làm phật ý bệ hạ.

Nhà vua vui mừng cầm tay công chúa Hải Đường bước sang cung dự tiệc.

Hoàng thái hậu, vua Nam Khê cùng các cung nương đều quỳ xuống đất. Vua vội vã đỡ từng người dậy và vui mừng đáp lễ.

Mọi người đều hoan hỉ. Bữa tiệc thâm tình tưng bừng kéo dài đến khuya mới tan. Trước khi chia tay, nhà vua còn dẫn hoàng thái hậu, vua Nam Khê và năm vị công nương đi dạo qua xem thung thổ đất liền. Rồi hẹn đến kỳ công chúa lâm bồn sẽ thăm viếng.

Thấm thoát…

Chẳng bao lâu, công chúa hạ sinh được một vị hoàng tử giữa sự sung sướng reo hò của toàn dân.

Đức vua càng mãn nguyện hơn khi thấy hoàng tử khôi ngô tuấn tú, diện mạo thông minh. Ngài bèn đặt tên cho con là Đại Cường Miên.

Vua lại truyền xuất thóc gạo và thực phẩm trong kho phát cho dân chúng, đồng thời thả các tội phạm và nô lệ về xứ sở.

Dân chúng kinh đô được mở tiệc đãi đằng hết ngày này sang ngày khác.

Đã đầy một năm sau ngày hoàng hậu Hải Đường sinh nở, hoàng thái hậu và vua Nam Khê đến thăm.

Vua Ba Tư tiếp đón rất niềm nở. Khi mọi người đang vui vẻ thì người bảo mẫu bồng hoàng tử Đại Cường Miên ra.

Vua Nam Khê vội đứng lên bồng cháu, đi lại trong phòng. Bỗng cửa sổ mở, gió bể thổi vào lồng lộng. Rồi đột nhiên vua Nam Khê ôm cháu nhảy qua cửa sổ lao xuống biển biến mất.

Mặt vua Ba Tư tái đi. Ngài cho là hoàng tử Đại Cường Miên đã bị chết ngộp rồi nên rú lên thất thanh:

- Trời ôi! Con của tôi chết rồi!!!

Hoàng hậu Hải Đường vội giải thích:

- Xin bệ hạ đừng lo, hoàng tử là con bệ hạ, cũng là con của thần thiếp. Không lẽ bệ hạ quý mà thiếp không thương sao? Không hề gì, một lát nữa đây cả hai sẽ trở về vô sự.

Hoàng thái hậu và các vị công nương cũng trấn an nhà vua. Nhưng vua Ba Tư không còn lòng dạ nào nữa, nước mắt ngài thi nhau chảy dầm dề ướt cả hai vạt áo bào.

Một lúc sau, mặt biển lại nổi sóng. Vua Nam Khê nổi lên, tay bồng hoàng tử Đại Cường Miên bay vào cửa sổ.

Nhà vua nhìn thấy hoàng tử bình an mới thở phào nhẹ nhõm.

Vua nói:

- Hoàng huynh ơi! Hoàng huynh làm trò gì khiến trẫm lo sợ thế?

Vua Nam Khê mỉm cười:

- Đó là tôi luyện cho cháu. Vì hoàng tử là mối liên kết giữa bệ hạ và công chúa Hải Đường, nên trong người hoàng tử có hai dòng máu và những bản lĩnh khác thường. Hoàng tử có thể sống dưới nước được, ngài đừng lo. Trước khi đem hoàng tử xuống nước, tôi đã niệm thần chú nhờ đức Sa-Lô-Mông hộ trợ. Kể từ bây giờ, hoàng tử sẽ được tự do đi lại khắp đại dương.

Rồi vua Nam Khê trao hoàng tử cho người bảo mẫu và rút trong túi ra một chiếc hộp nhỏ bằng xà cừ đặt lên bàn.

Chiếc hộp vừa được mở nắp thì bên trong, muôn vạn ánh hào quang chói sáng ngập cả hoàng cung.

Vua Nam Khê sắp các món bảo vật theo thứ tự, như sau:

- Ba trăm viên kim cương lớn bằng quả táo, ba trăm viên hồng ngọc, mỗi viên lớn bằng quả trứng vịt, ba chục xâu chuỗi ngọc trai, mỗi xâu gồm có mười hạt lớn như quả táo, ba trăm viên ngọc bích, mỗi viên to bằng nắm tay.

Thấy chiếc hộp nhỏ đựng nhiều vật quá, món nào cũng quí giá chưa từng có, nhà vua cho là lạ, chưa kịp nói thì vua Nam Khê đã thành kính tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, vì được lời mời quá gấp rút của bệ hạ nên không đem được lễ vật gì cho xứng đáng để mừng. Vậy ước mong bệ hạ nhận lấy những món quà nhỏ này.

Vua Ba Tư xúc động:

- Thưa hoàng huynh, hoàng huynh cùng hoàng thái hậu đến đây, trẫm đã mang ơn rất nhiều. Nay còn đem bảo vật nhiều như thế này, trẫm biết lấy gì đền đáp cho xứng đáng.

Đoạn, quay sang nói với hoàng hậu:

- Ái khanh ơi! Việc này quả nhân thật khó giải quyết. Nếu từ chối e hoàng huynh và mẫu hậu không hài lòng. Bằng nhận số tặng phẩm lớn lao này, trẫm thật áy náy vô cùng.

Vua Nam Khê ngắt lời:

- Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ trông thấy kho tàng dưới biển của chúng tôi, bệ hạ sẽ cho rằng món quà nhỏ mọn này không đáng kể. Nhưng bệ hạ đừng nghĩ đến chuyện ít nhiều, mà hãy nghĩ đến tấm lòng thành kính của tôi đối với bệ hạ.

Không thể từ chối được, vua Ba Tư đành nhận tặng phẩm.

Ngày hôm sau, hoàng thái hậu và vua Nam Khê giã từ về thủy điện.

Vua Ba Tư nói:

- Trẫm tiếc rằng không có quyền phép để được sang quí quốc viếng thăm. Vì vậy, trẫm ước ao hoàng thái hậu và hoàng huynh đến chơi luôn, thật lòng trẫm rất lấy làm vinh dự.

Hai bên từ biệt.

Lá rụng hoa tàn, thời gian thấm thoát trôi…

Hoàng tử lớn lên như thổi, tướng mạo càng phương phi lẫm liệt.

Mười lăm tuổi, chàng đã thông thạo các môn văn hóa. Đã vậy, tính tình lại cao quí, hiếm có trong các bậc vương tôn công tử. Dân chúng ai ai cũng kính phục.

Hai năm sau, vua Ba Tư băng hà, hoàng tử Đại Cường Miên mới lên kế vị.

Hoàng thái hậu và vua Nam Khê nghe tin, đến chia buồn cùng tân vương và hoàng hậu Hải Đường.

Vì thương nhớ cha, hoàng tử Đại Cường Miên ngày đêm buồn bã, bỏ bê cả việc sách vở, quên cả việc triều chính.

Quan tổng trấn đại thần thấy vậy, mấy lần vào tâu:

- Tâu bệ hạ, tiên đế băng hà thì ngài cũng đã hưởng rất nhiều lộc phước của thượng đế ban cho. Nay bệ hạ cứ buồn rầu không lo việc nước để kế nghiệp tiên vương, đã không làm cho tiên vương được vui lòng nơi chín suối, lại còn hại đến bản thân. Sự buồn thương đó chỉ dành cho hạng đàn bà nhiều nước mắt. Tâu bệ hạ, tiên vương tuy mất đi nhưng ngài vẫn sống trong lòng dân và hoàng tộc. Dám mong bệ hạ nghĩ lại.

Hoàng hậu Hải Đường cũng hết lòng khuyên nhủ. Đại Cường Miên lúc đó mới tỉnh ngộ. Ngài bèn tắm rửa, thay đổi y quan, lâm triều chăm lo việc nước.

Nhờ ơn thánh đế, đức vua cũng được lòng muôn dân.

Chẳng bao lâu, ai ai cũng ca tụng công đức của tân vương, cũng như tiên vương ngày trước.

Năm sau, vua Nam Khê lại đến thăm. Vua Đại Cường Miên và thái hậu Hải Đường vui mừng ra tận ngoài thành nghênh đón.

Anh em, cậu cháu hội ngộ vui vẻ.

Sau đó là tiệc tùng suốt ngày, rồi đàn ca múa hát thâu đêm tưởng không bao giờ dứt.

Đêm tàn, bọn nô tỳ đã đi nghỉ, chỉ còn lại vua Nam Khê, thái hậu và Đại Cường Miên ngồi lại để chuyện trò.

Vua Nam Khê hết lời khen ngợi vua Đại Cường Miên cả về dung mạo lẫn tài đức.

Vua Đại Cường Miên thấy cậu quá khen thì lấy làm bẽn lẽn. Ngài bèn ngả mình trên ghế cẩm đôn giả đò ngủ say.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp