Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

KẺ KHÓ_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


16. KẺ KHÓ
                                           Thứ ba, ngày 29

" Hy sinh cho tổ quốc như em bé xứ Lom-bác-đi, là một đức tính siêu việt đã đành, nhưng cũng còn nhiều nết hay khác mà con không nên xao lãng, con ơi !

Như sáng nay, lúc đi học về, con đi trước mẹ, con đã gặp một người đàn bà nghèo bế một đứa con nhỏ xanh xao yếu đuối và chìa tay xin con. Con nhìn người ta bằng cặp mắt lạnh lùng, con chẳng cho gì cả mà chính lúc ấy túi con có tiền. Nghe mẹ, con ơi ! Con đừng tập thói làm ngơ trước kẻ nghèo khó ngửa tay xin con ; hơn nữa con lại càng không nên bước qua một người mẹ xin ăn cho con. Con hãy nghĩ đến bụng đói của đứa trẻ thơ, nghĩ đến sự đau khổ của người mẹ.

Mỗi khi mẹ bố thí cho kẻ nghèo thì bao giờ họ cũng cảm ơn và chúc cho mẹ, cho cả nhà ta được mọi sự lành. Những lời chúc tụng ấy nghe êm ái biết là dường nào ! Và lòng ta ơn họ không biết là bao nhiêu! Những lời cầu nguyện ấy sẽ thấu đến đấng Thượng đế để ngài phù hộ cho tất cả những người thân yêu của ta. Vì thế, khi trở về mẹ rất vui và tự nhủ :

- Người ấy đã cho ta nhiều hơn là ta đãi họ !

An ơi ! Con hãy nghe mẹ : thỉnh thoảng nên bớt một vài đồng trong túi tiền của con để cho người già không chốn nương thân, người mẹ không gạo, đứa trẻ không mẹ không cha. Những kẻ khó thích xin trẻ con vì như thế họ không nhục, vì trẻ con cũng như họ, phải cần đến mọi người. Con có nhận thấy ở quanh trường thường có nhiều kẻ ăn xin không ? Sự bố thí của người lớn là một việc làm phúc, nhưng sự bố thí của trẻ con không những là một việc làm phúc mà còn là một sự vỗ về nữa, vì mỗi lần đứa trẻ đem cho thì hình như đồng tiền kèm với bông hoa ở trong tay nó rơi ra.

Con ơi ! Con phải biết con có đủ cả, chứ kẻ khó thì thiếu hết. Khi con mong được sung sướng thì người nghèo chỉ cầu sao cho khỏi chết. Trong một khu có biết bao nhiêu là nhà giàu, trong một phố có bao nhiêu người sang trọng qua lại, có bao nhiêu đứa trẻ ăn mặc xa hoa, thế mà vẫn còn thấy nhiều đàn bà và trẻ con đói khát, rách rưới ! Thực đáng buồn thay !

Muốn cho người ta khỏi chê con là một kẻ vô tình thì từ sau, con đừng bước qua một kẻ khó mà không cho gì".

Mẹ con            


Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

EM BÉ TRINH THÁM_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


15. EM BÉ TRINH THÁM
(Câu chuyện hàng tháng)
                                         Thứ bảy, ngày 26  

 Năm 1859, trong cuộc chiến tranh để giải phóng cho xứ Lom-bác-đi (1), quân Pháp (4) và quân Ý đã đại thắng quân Áo ở trận Son-phê-ri-nô (2) và trận Mạc-ti-nô (3). Sau những trận này được mấy hôm, vào khoảng cuối tháng sáu, một đội kỵ mã nhỏ đi thong thả trong con đường hẻm về phía địch để dò xét hai bên cánh đồng. Đội kỵ này có một sĩ quan và một viên đội chỉ huy ; hai người đều yên lặng, cố nhìn những tên lính xung phong bên địch vận đồ trắng thấp thoáng ở đằng xa.

Đội kỵ mã cứ thế đi tới một cái nhà tranh, chung quanh trồng những cây tần bì cao lớn. Trước nhà có một đứa con trai độ 12 tuổi đang cầm dao róc vỏ một cành tần bì để làm gậy. Trên cửa sổ nhà này có treo một lá cờ tam tài (5) lớn, bên trong chẳng có ai cả. Khi thấy quân kỵ mã đến, bé vứt que và cất mũ chào. Đó là em bé tóc đỏ, mắt xanh, vẻ mặt quả quyết. Em vận áo sơ mi, hở ngực.

Sĩ quan dừng ngựa hỏi :

- Em làm gì ở đây ? Sao không đi lánh nạn với gia quyến ?

Em bé trả lời :

- Em không có gia quyến. Em là một đứa trẻ bơ vơ. Em chỉ làm việc cho những người muốn tìm cách sinh sống cho em. Em ở đây để xem đánh trận.

- Em có thấy quân Áo qua đây không ?

- Không, đã ba hôm nay em không nom thấy.

Sĩ quan nghĩ một lúc rồi xuống ngựa, trèo lên mái nhà tranh nhìn xét nhưng chỉ trông thấy một khu đồng hẹp vì nhà này thấp quá.

Sĩ quan vừa tụt xuống vừa nói :

- Phải leo lên cây mới nhìn thấy được.

Ngay trước nhà có một cây tần bì cao lắm, ngọn mềm phe phẩy trong đám mây xanh. Sĩ quan đứng ngẫm nghĩ, nhìn cây rồi lại nhìn lính, nhìn lính rồi lại nhìn cây, sau đột nhiên hỏi em bé :

- Em trông có tinh không ?

- Em à ? Mắt em có thể nhìn rõ một con chim cách xa nghìn thước.

- Em có thể trèo được cây này không ?

- Lên ngọn cây này ? Chỉ là công việc trong nháy mắt.

- Em thử lên nhìn xem ở đằng xa, về phía địch có quân lính, cát bụi bay, ngựa đi hay súng ống gì không ?

- Vâng.

- Em cố giúp ta và em có muốn gì không ?

Em bé cười nhạt đáp :

- Không, em chả muốn gì cả. Nếu làm việc cho quân Áo thì các vàng em cũng không giúp. Nhưng cho quân ta... em là người Lom-bác-đi...

- Thế thì tốt lắm. Trèo đi !

- Khoan! Để em cởi giầy đã.

Em bé tháo giầy, thắt chặt dây lưng, vứt mũ xuống cỏ rồi bám cây, leo thoăn thoắt như một con mèo.

Một lát sau, em bé đã lên tít ngọn cây, lá che kín thân, chỉ trông thấy ngực. Ánh nắng chiếu vào tóc cậu lóng lánh như nhuộm vàng. Sĩ quan bảo to:

- Nhìn thẳng trước mặt và đằng xa xem!

Em víu một tay, còn một tay giơ lên ngang trán để nhìn cho rõ :

Sĩ quan hỏi :

- Có thấy gì không ?

Em cúi xuống lấy tay làm loa và trả lời :

- Có hai người cưỡi ngựa trên đường.

- Gần hay xa ?

- Độ nghìn hay hơn nghìn thước.

- Họ tiến về phía này ?

- Không, họ đứng.

Im lặng một lúc, sĩ quan lại hỏi :

Em còn trông thấy gì nữa không ? Thử quay sang bên phải xem.

Cậu bé nhìn về bên phải rồi đáp :

- Gần nghĩa địa, qua khe cây thấy lấp lánh. có lẽ là lưỡi lê.

- Có trông thấy người không ?

- Không. Họ nấp cả trong ruộng lúa.

Ngay lúc ấy, một viên đạn bay vút trong không và rơi xuống sau nhà.

Sĩ quan kêu :

- Em ơi xuống đi ! Họ nhìn thấy em rồi. Ta không muốn dò thêm gì nữa. Xuống ngay đi !

Em bé đáp :

- Em không sợ.

- Xuống ! Ta bảo xuống kia mà !

- Thong thả đã... Đằng kia, ở bên trái em trông thấy...

Một viên đạn nữa vút qua tai làm ngắt lời em. Em rùng mình kêu :

- Lũ quái định "truy" mình đây.

Sĩ quan phát tức, thét :

- Xuống lập tức !

Em đáp :

- Vâng, em xuống. Xin Thiếu úy yên tâm, đã có cây che cho em. Nhưng Thiếu úy cònmuốn biết bên trái có gì nữa không ?

- Không! Không! Xuống đi!

Em nghiêng mình về bên trái vừa nhìn vừa nói to :

- Bên trái, gần nhà thờ, hình như có ...

Viên đạn thứ ba trúng ngọn cây, ta thấy em lộn nhào, trước còn bám vào cây, vào cành, sau buông tay và rơi lộn đầu xuống đất.

Sĩ quan vừa nguyền rủa quân thù vừa chạy lại .

Em bé nằm sõng sượt trên đất, hai tay dang ra. Một dòng máu đỏ ở ngực chảy ra. Viên đội và hai người lính xuống ngựa chạy lại. Sĩ quan mở áo sơ mi em xem thì viên đạn thấu phổi bên trái. Sĩ quan kêu :

- Tội nghiệp ! Em bé chết rồi !

Viên đội nói tiếp :

- Không, em còn sống.

Sĩ quan gọi em bé :

- Em ơi ! Đứa bé khốn nạn và can đảm của ta ơi ! Tỉnh lên ! Tỉnh lên !

Sĩ quan vừa nói vừa cầm khăn mùi soa lau vết thương cho em, em mở bừng mắt rồi ngả đầu ra chết.

Sĩ quan tái lợt, nhìn em bé hồi lâu, đứng dậy rồi lại nhìn hình như không nỡ dứt...

Sĩ quan buồn rầu nhắc lại :

- Thương thay ! Em bé can đảm !

Nói xong, sĩ quan với lá cờ treo ở trước cửa nhà kia phủ lên mình em bé như chiếc khâm và để hở đầu. Viên đội nhặt giầy , mũ, dao và gậy gọt dở để bên mình em.

Sĩ quan đứng im lặng một lát rồi quay lại bảo viên đội :

- Ta sẽ cho xe hồng thập tự lại rước em. Cái chết này có ý nghĩa quân nhân. Nhà binh sẽ chôn cất cho tử tế.

Nói xong, sĩ quan giơ tay chào em bé lần cuối cùng.

Rồi, mọi người lên ngựa thẳng tiến.

Vài giờ sau, thi hài em bé được táng theo tang lễ nhà binh.

Khi đạo quân kỵ đi khỏi một lúc thì có một đại đội pháo binh đi đến. Chính đội này, mấy hôm trước đây đã đổ máu một cách rất dũng cảm trong trận Mạc-ti-nô.

Tin cậu bé can đảm kia đã bay tới các hàng quân một cách rất nhanh chóng. Vì thế, khi qua chỗ thi hài em bé nằm dưới gốc cây tần bì, các sĩ quan đều giơ gươm chào, một viên cúi xuống bờ suối gần đấy rứt nắm hoa, ném trên mình em. Thế rồi theo gương ấy, tất cả đội pháo binh ai cũng nhặt hoa ném vào. Trong vài phút đồng hồ, hoa phủ đầy thi thể em bé.

Quan, lính lúc diễu qua, ai cũng nói :

- Can đảm thay cậu bé xứ Lom-bác-đi !

- Vĩnh biệt em

- Chào em tóc đỏ!

- Em thực là người dũng cảm !

- Vinh dự thay cho em !

- Chúc em yên giấc nghìn năm !

Một sĩ quan tháo tấm Quân công bội tinh của mình đặt lên ngực em. Tức thì, lại một trận mưa hoa phơi phới rơi xuống ngực máu đào, đầu tóc đỏ của em bé yên nghỉ dưới lá cờ tam tài đắp ngang. Nét mặt em bé như tươi cười ! Phải chăng lòng em sung sướng và tự hào vì đã bỏ mình cho quê hương của em ?

------------------------
(1) Lombardie. (2) Solferino. (3) Martino. (4) Trận này (24 juin 1859) kết thúc bằng một hòa ước gọi là hòa ước Villafranca, do tờ nầy vua nước Áo nhượng xứ Lom-bác-đi cho Nã-Phá Luân Đệ tam nước Pháp ; sau vua này lại nhường lại cho nước Ý. (5) cờ nước Ý gồm ba sắc : đỏ, trắng và xanh lá cây.

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

ÂN NHÂN CỦA BẠN NIÊN-LY


14. ÂN NHÂN CỦA BẠN NIÊN-LY
                                   Thứ tư, ngày 23

Hôm qua, Niên-Ly đi xem điểm binh. Cậu bé gù lưng này nhìn lính diễn qua bằng cặp mắt buồn rầu và than rằng :

- Như thân tôi, thì không bao giờ tôi được ra lính.

Cậu bé khốn nạn ấy chăm học lắm ; người còm và xanh, động học là thở hơi tai. Mẹ cậu là một bà tóc đỏ, áo thâm, cứ tan học là đến đón cậu để khỏi bị anh em xô đẩy. Ta hãy trông mẹ cậu vuốt ve và yêu dấu cậu biết là dường nào ! Mấy ngày đầu, học trò cứ chế giễu cậu và lấy cặp thích vào lưng cậu, nhưng không bao giờ cậu kháng cự và mách mẹ cả, vì cậu giấu không cho mẹ biết mình hay bị bắt nạt để mẹ lo buồn. Họ chòng ghẹo quá, lắm lúc cậu phải gục đầu xuống bàn khóc thầm.

Một hôm, thấy thế, anh Long can thiệp và bảo bọn học trò :

- Ai còn động đến Niên-Ly nữa sẽ biết tay ta. Ta sẽ đá cho một trận để nhớ đời !

Phan-Tín chẳng coi lời dọa ấy vào đâu, cứ chế giễu hoài, liền bị anh Long đá cho một cái lộn ba vòng. Từ đó không ai dám động đến Niên-Ly nữa. Thày giáo cho anh Long ngồi cạnh anh Ly, hai cậu thành đôi bạn thân.

Việc này, chắc anh Ly về thuật với mẹ, nên mới có câu chuyện sáng nay .

Còn độ nửa giờ nữa thì tan học, thày giáo sai tôi mang bản khóa trình lên bàn giấy ông hiệu trưởng. Tôi vừa vào phòng thì gặp mẹ anh Ly đến hỏi ông hiệu trưởng :

- Thưa ngài, ở đây có cậu nào tên Long không ?

- Thưa bà, có.

- Xin ngài làm ơn cho gọi em Long lên đây để tôi hỏi chút việc, có được không ?

Ông hiệu trưởng bấm chuông gọi người gác cổng bảo đi gọi anh Long. Một phút sau thì anh tới, có vẻ ngạc nhiên vì không hiểu bị gọi về việc gì.

Vừa trông thấy cậu, bà Niên-Ly chạy luôn lại cầm tay và xoa đầu cậu một cách rất quí hóa.

- Em Long đây à ? Em là bạn của em Ly và vẫn bênh vực cho em phải không ?

Nói xong, bà tháo chuỗi dây "Thánh giá" bằng vàng đeo vào cổ anh Long và nói :

- Em Long yêu quí của ta ! Em hãy nhận chút kỷ niệm này, kỷ niệm của một người mẹ vẫn cầu nguyện cho em và hết lòng cảm ơn em.


Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

CHUYỆN NÀNG NÔ LỆ XỨ DUY-ĐAN (V)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM



Lúc đó, hoàng tử đang ngồi trên gác, nhìn chăm chăm xuống đường chờ đợi nhưng không nhận ra Tuyết Nga trong lớp y phục lạ đó.

Chủ quán lên nói:

- Thưa ngài, có một nàng nô lệ da đen muốn gặp ngài đứng đợi dưới kia.

Hoàng tử cau mặt nghĩ thầm:

- Ta có quen biết nàng nô lệ da đen nào đâu. Hay Tuyết Nga không trốn được, sai nô lệ trong dinh ra báo cho mình biết?

Chàng hỏi lại:

- Một nàng nô lệ da đen hỏi tôi à?

- Thưa ngài đúng vậy.

Hoàng tử Huy Anh vội chạy xuống. Đến cửa, chàng thấy quả có một nàng hắc nô đang chờ. Chàng sốt ruột hỏi:

- Tuyết Nga sai nàng đến tìm ta, phải không?

Rồi không đợi nghe trả lời, chàng bảo nàng ta theo lên gác vì sợ lộ chuyện.

Lên đến nơi, hoàng tử hỏi lại:

- Chủ mày dặn thế nào? Nói cho ta nghe ngay đi!

Thấy hoàng tử không nhận ra mình, Tuyết Nga muốn trêu chàng, bèn ngồi mỉm cười, không trả lời.

Hoàng tử Huy Anh sốt ruột giục:

- Nàng dặn thế nào thì nói ngay đi chứ! Ta đang nóng lòng muốn biết.

Lúc đó, Tuyết Nga mới thỏ thẻ nói:

- Thưa hoàng tử, chủ tôi bảo tôi đến đây để cùng ngài đi trốn.

Nghe giọng nói, hoàng tử nhận ngay ra Tuyết Nga. Chàng sung sướng ôm chặt lấy nàng, nói:

- Nàng làm ta nóng ruột muốn điên lên. Nàng cải dạng giỏi quá, nếu không nghe tiếng nói, ta không sao nhận ra được. Nhưng thôi, chúng ta hãy mau trốn khỏi nơi đây kẻo quan tể tướng đuổi theo kịp thì khốn!

Nói rồi, hoàng tử dẫn Tuyết Nga xuống nhà, trả tiền trọ rồi hai người lên ngựa nhắm hướng kinh thành Bá-Đa thẳng tiến.

Ngày đi đêm nghỉ, biết bao khó khăn vất vả dọc đường, nhưng hoàng tử Huy Anh và Tuyết Nga vẫn cảm thấy sung sướng vì được ở bên nhau.

Một hôm, hai người đến nơi thì trời đã sẩm tối. Không may cho họ là tìm mãi không thấy quán trọ. Đang phân vân thì chợt thấy ánh đèn thấp thoáng đằng xa, hai người vội phi ngựa đến.

Đến nơi, hoàng tử và Tuyết Nga thấy một tòa lâu đài rất to lớn, rộng rãi nhưng đã cũ, rêu bám đầy tường và mái nhà.

Hoàng tử ngần ngại, nhưng trời đã tối mà không tìm được quán trọ, chàng đành đưa tay gõ cửa.

Mấy phút sau, cửa mở, một bà lão cầm đèn ló đầu ra hỏi:

- Ngài là ai? Muốn gì?

Hoàng tử nói:

- Thưa cụ, chúng tôi từ xa đến đây, trời tối mà không tìm được quán trọ nên muốn xin cụ cho ngủ nhờ một đêm.

Bà cụ hỏi:

- Mấy người tất cả?

- Thưa cụ, chỉ có cháu và vợ cháu thôi.

Bà cụ gật đầu nói:

- Ông bà đứng chờ đây, để tôi vào thưa với gia chủ đã.

Nói xong, bà lão trở vào. Tuyết Nga lo lắng nói với hoàng tử:

- Thiếp có linh cảm nơi đây không phải chỗ lương thiện!

Hoàng tử cười trấn tĩnh vợ, vỗ tay vào bao gươm, nói:

- Đêm hôm, kiếm được chỗ trú là tốt rồi, còn nếu có chuyện gì xảy ra thì lưỡi gươm này đủ bảo đảm cho chúng ta.

Tuyết Nga nói:

- Thiếp rất tin tài sức của chàng nhưng lỡ chúng đông người thì chàng đối phó làm sao? Nhất hổ khôn địch quần hồ.

Tuyết Nga đang nói thì bà lão trở ra:

- Chủ tôi xin mời quí ngài vào.

Hai người theo chân bà lão. Hoàng tử nắm chặt tay Tuyết Nga cho nàng khỏi sợ.

Bà lão dẫn hai người qua nhiều căn phòng rộng thênh thang, đến một căn trang hoàng lộng lẫy không khác cung vua. Trên tấm thảm trải giữa phòng, một lão già đang nằm giữa bầy con gái khỏa thân.

Trước khung cảnh ấy, hoàng tử Huy Anh đoán ngay chủ nhà thuộc hạng người nào. Chàng vội giấu gươm vào vạt áo rồi mới đến cúi chào lão già.

Lão già hỏi:

- Các ngươi từ đâu đến đây?

Hoàng tử điềm tĩnh trả lời:

- Chúng tôi ở Bá Đa, đi thăm người quen trở về không kịp, qua đây xin nghỉ nhờ. Ngài vui lòng cho tá túc đêm nay.

Lão già cười đáp:

- Ồ! Được lắm!

Nói xong, lão vỗ tay ba tiếng. Lập tức, từ trong hai tên nô lệ bước ra, khoanh tay đợi lệnh. Lão già nói với hai tên này một hồi bằng tiếng mọi, chúng không nói chỉ gật đầu vâng lệnh.

Rồi quay sang hoàng tử và Tuyết Nga, lão nói:

- Các người hãy theo hai tên này, chúng sẽ đưa đến phòng riêng mà nghỉ ngơi, ngủ tạm.

Hoàng tử và Tuyết Nga cúi đầu cảm tạ lão già rồi theo hai tên nô lệ đến một phòng khác.

Phòng này trang hoàng cũng lộng lẫy như cung vua, đồ đạc đều bằng bạc, đồng hoặc gỗ quí khảm ngọc, xà cừ.

Hai tên nô lệ ra rồi, hoàng tử nói với Tuyết Nga:

- Thật kỳ lạ! Trông bên ngoài tòa nhà hoang phế, rêu phong như thế, ai ngờ bên trong trần thiết sang trọng thế này. Không hiểu chủ nhà thuộc hạng người nào?

Tuyết Nga e ngại nói:

- Trông cử chỉ, cách thức của lão chủ nhà, thiếp sợ quá chàng ạ!

Hoàng tử đặt gươm lên bàn nói:

- Dù sao, bây giờ cũng hãy ngủ đã. Đi suốt ngày mệt quá rồi!

Rồi chàng cởi bớt quần áo ngoài, đóng cửa cài then cẩn thận rồi lên giường nằm. Tuyết Nga đành làm theo.

Nằm một lát thì Tuyết Nga ngủ say mê mệt. Hoàng tử nhẹ nhàng dậy mặc quần áo, đeo gươm rồi theo lối cũ đến phòng lão già định dò xét.

Đến nơi, hoàng tử ghé mắt, lắng tai nghe ngóng nhưng không thấy gì. Trong phòng đèn đã tắt và không có một tiếng động nào. Chàng rón rén đi dọc theo hành lang.

Đi được mấy bước, hoàng tử bỗng nghe thấy tiếng thì thào từ một căn phòng cạnh đấy. Chàng bước nhẹ đến ghé mắt nhìn vào. Trong phòng, dưới ánh đèn mấy người đang ngồi bàn luận với nhau. Người ngồi giữa chính là lão già, ngoài ra còn có bốn tên mọi nô lệ rất to lớn, lực lưỡng ngồi xung quanh, tên nào cũng cầm một thanh gươm sáng loáng.

Năm người nói chuyện bằng tiếng mọi nên hoàng tử không hiểu gì cả. Tuy vậy, chàng đoán ngay họ đang bàn tính mưu hại vợ chồng chàng. Lập tức, chàng quay về phòng với Tuyết Nga.

Lúc đó, Tuyết Nga cũng đã tỉnh dậy. Nàng lo lắng không biết chồng đi đâu nhưng chưa dám đi tìm vì còn chờ động tĩnh. Thấy hoàng tử, nàng vui mừng hỏi chàng về những điều chàng vừa dò xét được. Chàng nhất nhất kể lại.

Từ lúc đó, hai người lo sợ khôn tả, không dám ngủ nữa, ngồi sát nhau, chỉ mong cho chóng đến sáng.

Nhưng chỉ một lát sau, hai người nghe thấy có tiếng động bên ngoài.

Hoàng tử Huy Anh cầm gươm sẵn sàng, mắt hướng về phía cửa ra vào. Nhưng kẻ thù không đi bằng lối ấy. Chợt ở bức tường bên phải, một khung cửa bí mật xịch mở, hai tên mọi đen xông vào, hoa gươm chém.

Hoàng tử vung gươm tấn công hai tên mọi dữ dội khiến chúng đỡ không kịp. Thấy địch không lại người khách lạ, hai tên mọi vội quay đầu bỏ chạy. Nhưng hoàng tử không chịu tha bọn bất lương ấy, phóng mình đuổi theo.

Trong lúc đó, Tuyết Nga ngồi run rẩy trong phòng, lo sợ cho tánh mạng hoàng tử. Mặc dầu nàng tin ở tài năng siêu việt của hoàng tử nhưng giữa chốn lạ, trong đêm tối như thế này, liệu chàng xoay sở, đối phó làm sao.

Chợt Tuyết Nga giật mình. Từ khung cửa bí mật, lão già buổi tối hiện ra. Lão bước vào phòng thì cánh cửa tự nhiên khép lại.

Lão già từ từ tiến về phía Tuyết Nga, cất giọng ồm ồm hỏi:

- Nàng là vợ chàng thanh niên kia, phải không?

Tuyết Nga kinh hoàng, trố mắt nhìn lão già không nói được lời nào.

Lão già cười thật khả ố, nói tiếp:

- Dù sao đi nữa, đêm nay nàng phải thuộc về ta.

Nói rồi, lão xông tới nắm chặt lấy tay Tuyết Nga.

Tuyết Nga hết sức vùng vẫy nhưng không sao thoát khỏi tay lão già.

Lão già vòng tay ôm chặt lấy Tuyết Nga, vòng tay cứng rắn như một chiếc còng sắt. Lão nói:

- Nàng đừng vùng vẫy làm gì, vô ích lắm. Đã bao nhiêu kẻ vào chốn này nhưng có kẻ nào thoát được đâu.

Thương thay, thân sức Tuyết Nga làm sao chống lại nổi lão già. Giẫy giụa một lát, nàng mệt lả trong tay lão, Lão thích chí, cười hềnh hệch, đưa tay sờ soạng khắp thân hình Tuyết Nga.

Trong khi ấy, ngoài hành lang, hoàng tử Huy Anh đang phải đánh nhau với bốn tên mọi đen. Mặc dầu bốn tên này tài nghệ thua kém chàng xa, nhưng chúng có sức khỏe lạ thường nên cố gắng mãi hoàng tử cũng không hạ được.

Chàng nghĩ thầm:

- Bọn này khỏe quá, hạ được chúng còn phải mất nhiều thì giờ. Trong khi đó, Tuyết Nga ở lại phòng một mình, có chuyện xẩy ra làm sao nàng đối phó được.

Nghĩ thế, chàng đột nhiên chém mạnh mấy nhát làm bốn tên mọi giạt cả đi rồi quay đầu chạy về phòng. Thấy địch thủ võ nghệ lợi hại, vả lại đã mệt đừ, bốn tên mọi không dám đuổi theo.

Hoàng tử về phòng thì cửa vẫn đóng mà khung cửa bí mật khép lại mất rồi. Từ bên trong, tiếng la hét của Tuyết Nga khiến chàng hiểu ngay chuyện gì đã xảy đến cho vợ mình.

Tức giận, chàng vung gươm chém loạn xạ vào tường, miệng la hét ầm ĩ. Nhưng vô ích, bức tường đá vẫn trơ trơ, trong khi đó tiếng kêu của Tuyết Nga vẫn vọng ra khiến chàng như lên cơn sốt.

Bên trong, lão già không có vẻ gì lo sợ. Lão cười lớn nói vọng ra:

- Cứ đứng yên ngoài đó chờ ta, đừng phá phách gì vô ích. Dầu ngươi có lấy búa sắt bổ cũng không ăn thua gì đâu. Đợi ta vui thú với vợ ngươi một lát thôi rồi sẽ ra cho ngươi “lãnh đủ”.

Phần Tuyết Nga, thấy có hoàng tử đứng bên ngoài, nàng đỡ lo. Chợt nghĩ ra một kế, nàng vùng vẫy, la hét yếu dần đi rồi chợt thôi luôn, lả người ra, mắt nhắm nghiền như bị ngất.

Lão già khoan khoái đặt nàng xuống giường toan hãm hiếp. Lão vừa lom khom cúi xuống thì Tuyết Nga dùng hết sức bình sinh đạp mạnh khiến lão văng xuống đất.

Tuyết Nga vội vàng vùng dậy chạy ra cửa kéo then ngang, mở cửa cho chồng vào.

Hoàng tử Huy Anh xông vào. Lão già còn đang lồm cồm đứng dậy thì bị chàng vung gươm chém mạnh một nhát, đứt làm hai đoạn.

Chàng cúi xuống, lục soát trong túi lão già thì thấy một viên ngọc rất đẹp, sáng long lanh.

Hoàng tử ngắm nghía viên ngọc rồi đưa cho Tuyết Nga, nói:

- Viên ngọc thật là đẹp! Không hiểu lão già bất lương nay ăn cắp ở đâu được.

Tuyết Nga đỡ viên ngọc, nhưng viên ngọc trơn quá nên rơi tuột xuống đất. Lạ lùng thay, ngay lúc ấy một vị nữ thần hiện ra, cung kính nói:

- Thưa lệnh bà, tôi là thần ngọc, và là nô lệ của bất cứ ai giữ viên ngọc này. Vậy nay tôi là nô lệ của lệnh bà, xin lệnh bà tùy ý sai khiến.

Mới đầu cả hoàng tử Huy Anh và Tuyết Nga đều sợ hãi, sau thấy nữ thần nói thế thì trấn tĩnh lại và mừng rỡ vô cùng.

Hoàng tử bảo Tuyết Nga:

- Nàng hãy bảo nữ thần bắt bốn tên mọi canh giữ lâu đài này đến đây.

Tuyết Nga nói lại với nữ thần.

Nữ thần cúi đầu tuân lệnh, và trong nháy mắt, bốn tên mọi đã ở trước mặt hai người, chân tay bị trói như bốn con heo.

Nữ thần lại hỏi:

- Lệnh bà còn muốn sai khiến điều gì nữa không?

Tuyết Nga nói:

- Nữ thần chuyển lâu đài đến kinh thành Bá-Đa cho ta.

Nữ thần cúi đầu tuân lệnh. Và bỗng nhiên, lâu đài rung chuyển rồi bay lên. Có lẽ lâu đài bay rất nhanh, nên hoàng tử và Tuyết Nga nghe tiếng gió vù vù rất mạnh bên ngoài.

Rồi tiếng gió ngừng, lâu đài không còn rung chuyển nữa. Hoàng tử đưa Tuyết Nga ra bao lơn xem thì thấy mình đang đứng ở giữa kinh thành Bá-Đa.

Lúc đó trời đã bắt đầu sáng. Dân chúng sống gần đấy rất ngạc nhiên vì thấy trên khoảng đất còn bỏ hoang tối hôm trước, sáng hôm nay bỗng có một tòa lâu đài tuy cũ nhưng rất đồ sộ.

Tin này bay đi rất nhanh khiến dân chúng Bá-Đa kéo nhau đến xem rất đông. Nhưng không ai dám lại gần cả, chỉ đứng xa xa nhìn và bàn tán sôi nổi.

Có người đến báo cho quốc vương Bá-Đa biết, nhà vua bèn cùng một toán cận vệ đến xem.

Hoàng tử Huy Anh thấy vua cha đến vội chạy xuống nghênh tiếp.

Quốc vương Bá-đa nhận ra hoàng tử thì rất mừng rỡ, hỏi đầu đuôi mọi chuyện. Hoàng tử nhất nhất kể lại nào trường hợp gặp lại Tuyết Nga, nào chuyện không may vừa gặp.

Nhà vua lắng nghe và rất lấy làm lạ trước những chuyện huyền bí ấy. Ngài bèn theo hoàng tử vào thăm viếng lâu đài.

Sau đó, hoàng tử đưa Tuyết Nga đến yết kiến nhà vua. Trước sắc đẹp và ngôn ngữ, cử chỉ dịu dàng lễ phép của nàng, nhà vua có cảm tình với nàng ngay. Nhà vua thấy rằng cả về sắc lẫn đức, công chúa Minh Hà đều không bằng nàng được.

Nhà vua ngỏ lời khen tặng nàng rồi quay sang hoàng tử, hỏi:

- Còn bọn bất lương trong lâu đài này đâu rồi?

Huy Anh bèn dẫn bốn tên mọi đen đến. Nhà vua trợn mắt nói:

- Hừ! Ra chính tụi này, thật trời có mắt. Ta đã ra lệnh truy nã tụi này nhưng không gặp thì hoàng tử lại bắt được. Mấy hôm trước đây, một lão già và bốn tên này đã cả gan về kinh thành bắt hơn hai mươi thiếu nữ mang đi.

Nói rồi, nhà vua truyền mang bốn tên mọi giam vào ngục chờ ngày đền tội.

Hoàng tử Huy Anh hỏi:

- Thưa bệ hạ, còn công chúa Minh Hà bấy lâu nay vẫn khỏe mạnh và vui vẻ như thường chứ ạ?

Nhà vua cười, nói:

- Khỏe thì nó vẫn khỏe, nhưng không được vui và vẫn chờ đợi ngày về của con.

Cuối cùng, nhà vua cùng hoàng tử Huy Anh và Tuyết Nga trở về hoàng cung.

Được tin người yêu về, công chúa Minh Hà mừng rỡ khôn tả, vội sửa soạn ra đón.

Công chúa Minh Hà và Tuyết Nga gặp nhau không những không tỏ vẻ ghen tuông mà còn vui vẻ yêu quí nhau như đôi bạn cố tri khiến nhà vua và hoàng tử Huy Anh đều sung sướng vô cùng.

Nhà vua bèn truyền mở hội ăn mừng. Khắp kinh thành dân chúng giăng đèn kết hoa, tổ chức hội hè vui chơi suốt mấy ngày.

Sau mấy hôm nghỉ ngơi, hoàng tử Huy Anh xin quốc vương Bá-đa cho mượn binh mã về diệt gian thần, phục quốc.

Quốc vương Bá-đa ưng thuận, và ngay sáng sớm hôm sau, hoàng tử cùng đoàn quân lên đường.

Sau vài trận giao tranh, hoàng tử giết được quan tể tướng Lễ Phát, giành lại được ngai vàng và cứu được vua cha từ lâu bị gian thần giam giữ trong ngục.

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

CHUYỆN NÀNG NÔ LỆ XỨ DUY-ĐAN (IV)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Sáng hôm sau, hoàng tử lại lên đường đến một nơi vô định để tìm Tuyết Nga.

Ròng rã hơn một tháng mà bóng nàng vẫn biệt tăm, nhưng hoàng tử không nản lòng.

Một buổi chiều kia, hoàng tử dừng ngựa tại một kinh thành tráng lệ của vị hoàng đế trẻ tuổi An-Lệ-Hưng.

Hôm đó, vào dịp hội thường niên trong xứ, khắp kinh thành dân chúng nghỉ việc, tổ chức tiệc tùng, hát xướng tưng bừng.

Hoàng tử Huy-Anh tìm một quán trọ rẻ tiền ở góc đường để tạm trú qua đêm.

Đến tối, sau khi hoàng tử ăn uống xong, định lên lầu để ngủ thì một toán người bước vào cười nói ầm ĩ.

Họ đã uống ở đâu rồi nên mặt mũi đỏ như gấc. Tình cờ họ kéo đến ngồi ngay cạnh bàn của hoàng tử, kêu chủ quán mang rượu và đồ nhắm đến.

Rượu vào lời ra, họ cười nói ồn ào không đếm xỉa đến ai cả. Hoàng tử rất khó chịu về thái độ của họ nhưng chì ngồi nhìn một cách khinh bỉ, không thèm trách móc.

Một người trong bọn, lớn tuổi, râu ria xồm xoàm xé một chiếc đùi gà ngồi gặm, vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói:

- Ngày mai ở hoàng cung có một cuộc vui đặc biệt lắm, các bạn có biết không?

Một gã trẻ tuổi ngửa cổ tu một ngụm rượu rồi nói:

- Ai còn lạ gì! Cuộc tranh giải vô địch đô vật năm nào chẳng có.

Lão già cười khà khà rồi vỗ vai gã trẻ tuổi, nói:

- Trời ơi! Đặc biệt năm nay có cuộc thi nô lệ, chú là thanh niên mà không biết thì lỗi thật.

Gã thanh niên nhắc lại:

- Thi nô lệ?

Lão già gật gù ra điều hiểu biết:

- Tuyệt lắm! Những nàng nô lệ được đem ra thi đều đẹp tuyệt trần, giá toàn một vạn đồng trở lên.

- Thi thế làm gì?

Lão già lắc đầu ra điều kẻ cả:

- Câu hỏi thật là ngây thơ! Người ta tổ chức để chọn những nàng nô lệ hoàn toàn nhất để lãnh thưởng chứ làm gì. Ai có nô lệ vừa đẹp vừa có tài đàn hát hay nhất sẽ được giải thưởng.

Gã trẻ tuổi lại hỏi:

- Thế ai đứng ra tổ chức cuộc thi này, ông biết không?

- Chính quan tể tướng Khánh Long chứ ai! Tôi có người bạn làm trong dinh tể tướng. Hôm qua, hắn lại chơi cho tôi biết quan tể tướng mới mua được một nàng nô lệ đẹp tuyệt trần. Hơn nữa, nàng còn có biệt tài đàn hát. Vì thế, quan tể tướng thích lắm, dám bỏ ra gần hai vạn đồng để mua nàng từ một bọn lái buôn.

- Chắc quan tể tướng tổ chức cuộc thi để có dịp khoe người nô lệ xinh đẹp của mình?

- Đúng thế. Từ trước, quan tổng trấn là người có nhiều nô lệ xinh đẹp nhất nước. Vì thế, bây giờ quan tể tướng muốn tổ chức cuộc thi để qua mặt ông ta cái chơi. Hơn nữa, phải bỏ ra số tiền quá lớn, quan tể tướng xót ruột, nên tổ chức cuộc thi có lãnh thưởng để kiếm chác ít tiền gỡ lại.

- Chắc nhà vua là giám khảo cuộc thi này?

- Chuyện đó dĩ nhiên rồi, vì đây là cuộc thi giữa các quan đại thần, còn ai khác hơn là nhà vua có thể chấm thi.

Câu chuyện cứ thế tiếp tục, kể ra cũng có nhiều chi tiết kỳ thú, nhưng phần vì buồn rầu, phần vì mệt mỏi, hoàng tử Huy-Anh đứng dậy, lên lầu nghỉ ngơi.

Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời ló dạng sau rặng núi phía xa, kinh thành đã bừng tỉnh với tiếng bước chân, tiếng cười nói của người đi trẩy hội.

Hoàng tử Huy-Anh cũng không ngủ được lâu hơn vì sự ồn ào ấy. Chàng dậy trả tiền nhà trọ rồi nhờ chủ quán thuê hộ một chiếc thuyền để qua sông, tiếp tục cuộc hành trình vô định.

Người chủ quán lắc đầu nói:

- Tôi rất tiếc vì không giúp ngài được việc này. Hôm nay ngài trả bao nhiêu tiền cũng không thuê được ai cả.

Hoàng tử ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao thế?

- Theo tục lệ ở xứ tôi, hôm nay dù giầu dù nghèo, ai cũng nghỉ việc để vui chơi.

Hoàng tử buồn bực hỏi:

- Liệu mấy hôm nữa tôi mới sang sông được?

Chủ quán đáp:

- Ngài ở lại dự hội hôm nay. Sáng mai sẽ có đò qua sông sớm.

Hoàng tử thở dài:

- Thôi, đành vậy chứ làm sao bây giờ. Nhưng biết làm gì cho hết hôm nay đây!

Người chủ quán ân cần nói:

- Ồ! Hôm nay kinh thành thiếu gì cuộc vui. Nếu ngài muốn, chúng ta sẽ cùng đi coi cho có bạn.

Chợt nhớ đến câu chuyện của bọn khách hôm qua, hoàng tử hỏi:

- Ông có biết mấy giờ bắt đầu cuộc thi nô lệ không?

Người chủ quán định hỏi vợ thì từ trong đã có tiếng mụ vọng ra:

- Công việc bề bộn ra thế này mà ông chỉ lo đi chơi thì tệ thật. Người chủ quán cười xòa, phân bua:

- Đấy ngài coi! Vợ với con gì mà ngày lễ mình đi chơi nó cũng càu nhàu.


Rồi quay vào trong, ông ta nói lớn với vợ:

- Mặc kệ công việc! Ngày nào cũng làm rồi, hôm nay ngày lễ phải nghỉ ngơi giải trí chứ.

Nói xong, ông ta rủ hoàng tử đi. Hai người bước ra cửa , hòa mình vào làn sóng người tới nơi tập trung các trò vui hay nhất.

Khi hai người đến dinh tể tướng thì cuộc thi nô lệ đã bắt đầu, trong sân đã đông nghẹt người xem, nhiều người phải đứng cả bên ngoài nhìn vào. Quan tể tướng cùng các vị đại thần khác của triều đình đang ngồi chấm điểm ở cuối sân, nơi khán đài danh dự.

Lần lượt, từng nàng nô lệ yểu điệu bước ra, đi qua khán đài danh dự để được chấm về nhan sắc rồi tiến ra giữa sân múa hát để được chấm về tài ca vũ.

Dân chúng chăm chú nhìn các nàng múa. Chốc chốc, xiêm y lại tung bay làm lộ những khoảng da thịt trắng nuột. Thỉnh thoảng, mọi người lại vỗ tay, reo hò ầm ỹ khi thấy một nàng nô lệ đẹp bước ra dự cuộc thi.

Nhưng đó chỉ là sự tráo trở nhất thời. Thật ra, mọi người đều đang nóng lòng chờ một người mà sắc đẹp đã được đồn vang mấy ngày nay. Đó là nàng nô lệ của quan tể tướng.

- Sau đây là nàng nô lệ của quan tể tướng!

Vừa mới nghe thấy, mọi người reo hò mừng rỡ. Nhưng nàng chưa ra ngay. Mọi người nín thở chờ đợi, không ai nói một lời, mắt cùng hướng về phía cửa phòng.

Rồi mọi người chợt reo hò vang dậy tưởng như có thể làm sụp dinh tể tướng khi nàng vén tấm màn, uyển chuyển bước ra trong tiếng nhạc dập dìu.

Phút sôi nổi qua, tiếng ồn bớt dần, người ta không nói nữa vì còn đang sững sờ trước sắc đẹp mê hồn của giai nhân. Người ta ngắm từ đôi mắt bồ câu long lanh, đôi môi xinh đẹp đỏ mọng… của nàng. Người ta theo dõi từng bước chân nhịp nhàng, từng cử chỉ thướt tha của nàng.

Nhưng trong đám khán giả có một người có tâm trạng khác hẳn. Đó là hoàng tử Huy-Anh.

Thoạt nhìn nàng nô lệ của quan tể tướng, chàng thấy choáng váng mặt mày. Rồi càng nhìn, niềm đau đớn càng dâng lên. Vì nàng nô lệ xinh đẹp kia chính là Tuyết Nga, người vợ yêu quí mà hoàng tử đang tìm kiếm.

Và như có linh tính, đang uốn éo theo cặp mắt sai khiến của quan tể tướng, Tuyết Nga chợt đưa mắt về phía hoàng tử. Trông thấy chàng, nàng giật mình rồi quỵ xuống nằm bất tỉnh vì xúc động mạnh quá.

Đang dương dương tự đắc với ý tưởng nắm chắc phần thắng trong tay, thấy thế, quan tể tướng sững sờ, vừa thất vọng vừa lo lắng vội truyền gia nhân vực Tuyết Nga về phòng riêng.

Cuộc thi bị gián đoạn. Mọi người tản mác ra về, lòng đầy luyến tiếc và ái ngại cho nàng nô lệ tuyệt sắc.

Riêng hoàng tử Huy-Anh bàng hoàng, đứng ngây người ra, người chủ quán phải giục mấy lần mới thất thểu ra về.

Suốt buổi ấy hoàng tử thờ thẫn như người mất hồn. Chàng muốn tìm cách để gặp vợ nhưng đầu óc rối bời không suy tính gì được.

Mãi đến đêm, sự đau buồn lắng dịu phần nào, nằm thao thức mãi chàng mới nghĩ ra một cách. Rồi vừa mừng rỡ vừa nóng lòng, chàng không sao chợp mắt được, chỉ mong cho chóng đến sáng để thi hành dự tính.

Sáng sớm hôm sau, hoàng tử đã vùng dậy. Chàng vội vã ra phố tìm mua một bộ quần áo đạo sĩ.

Sau khi hóa trang xong, chàng lục hành lý, lấy chai thuốc nhỏ mang theo rồi đến dinh quan tể tướng.

Đến nơi, chàng xin vào yết kiến quan tể tướng, nhưng bọn lính gác nhất định không cho vào. Chàng phải lấy tiền cho chúng, mỗi đứa một đồng vàng, rồi nói:

- Các bạn làm ơn vào thưa với tể tướng rằng có một đạo sĩ từ xa đến xin vào yết kiến.

Được tiền, bọn lính gác mới cho chàng vào và chạy vào trước, báo cho quan tể tướng biết.

Đang bối rối trước bệnh tình của người nô lệ xinh đẹp đáng giá ngàn vàng, thấy lính canh vào báo có một đạo sĩ muốn vào yết kiến, quan tể tướng khấp khởi hy vọng vội sai mời vào.

Trong lớp y phục đạo sĩ, vừa trông thấy quan tể tướng, hoàng tử Huy-Anh nói ngay:

- Thưa thượng quan, theo sự nhận xét nông cạn của bần đạo thì ngài đang có điều bối rối trong lòng.

Quan tể tướng ngạc nhiên hỏi:

- Đúng rồi. Nhưng sao đạo nhân biết được?

- Nhìn qua sắc diện ngài không được tươi tỉnh, bần đạo đoán ra ngay.

- Đạo nhân quả có mắt tinh đời. Nhưng đạo nhân vào đây hẳn có điều chi chỉ giáo?

Hoàng tử Huy-Anh giả vờ lẫm nhẩm tính toán một lúc, rồi mới nói:

- Thưa ngài, thực ra bần đạo đi qua đây, nghe danh ngài là người nhân đức, nên nhân tiện ghé vào thăm thôi. Không ngờ đúng lúc ngài đang gặp điều phiền muộn. Theo như bần đạo đoán thì hiện giờ ngài đang bị nhiều kẻ đồng liêu ghen ghét.

Quan tể tướng gật đầu:

- Quả thật vậy, nhiều kẻ ganh với tôi vì tôi mới mua được một người nô lệ kiều diễm nhất xứ.

- Và ngài đã thắng họ một cách vẻ vang trong một cuộc thi?

Quan tể tướng đắc ý gật đầu cười.

Hoàng tử Huy-Anh tiếp tục gợi chuyện:

- Nhưng ngay sau phút đắc thắng, một việc không may đã xảy ra làm ngài lo lắng rất nhiều?

- Đúng như thế. Đang khi biểu diễn và được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt thì người nô lệ kiều diễm của tôi bỗng ngất đi.

- Nếu ngài không cho rằng bần đạo quá tò mò thì xin cho bần đạo hỏi, ngài đã mua nàng nô lệ đó bao nhiêu?

Quan tể tướng tự đắc đáp:

- Hai vạn đồng vàng!

Hoàng tử Huy-Anh giật mình nhắc lại:

- Hai vạn đồng vàng! Trời! Ngài mua một người nô lệ với giá hai vạn đồng vàng?

Quan tể tướng cười nói:

- Tuy món tiền lớn thật, nhưng nếu đạo nhân trông thấy nàng thì tất sẽ phải nói giá ấy còn rẻ.

Hoàng tử chép miệng nói:

- Thật đáng tiếc, nàng bị bệnh bất ngờ!

- Vâng, thật đúng thế. Đáng lẽ không việc gì xảy ra thì sau cuộc thi tôi có thể dâng nàng cho đức vua để lĩnh thưởng.

Hoàng tử Huy-Anh hỏi:

- Thượng quan có thể cho bần đạo vào thăm bệnh của nàng, may ra bần đạo có thể chữa được. Trước kia bần đạo có được một danh y truyền lại cho vài phương thuốc bí truyền rất linh nghiệm.

Quan tể tướng mừng rỡ nói:

- Ồ! Thật là thượng đế giúp tôi! Xin đạo nhân ra tay cứu giúp, ơn này tôi không dám quên.

Hoàng tử ra vẻ khiêm nhượng:

- Thượng quan dạy quá lời. Trái lại, được giúp đỡ ngài bần đạo rất lấy làm sung sướng.

Quan tể tướng dẫn hoàng tử Huy-Anh vào phòng Tuyết Nga, đến bên giường nàng, vén màn cho chàng coi rồi nói:

- Xin đạo nhân xem xét căn bệnh của nàng thế nào rồi cho tôi được biết?

Nói rồi, quan tể tướng đi ra, để một mình Huy-Anh ở lại trong phòng xem bệnh cho nàng nô lệ.

Khi quan tể tướng đã ra ngoài, hoàng tử Huy-Anh cầm tay Tuyết Nga gọi:

- Tuyết Nga!

Tuyết Nga giật mình, mở mắt nhìn. Nhận ra hoàng tử Huy-Anh, nàng quay mặt đi nói:

- Huy-Anh! Chàng đã tệ bạc quá, nay còn đến đây làm gì?

Tuyết Nga chỉ nói được thế rồi bật lên khóc nức nở.

Hoàng tử Huy-Anh ngồi xuống giường nắm vai nàng, xin lỗi rồi kể lể đầu đuôi mọi chuyện đã khiến chàng phải lấy công chúa Minh Hà.

Tuyết Nga mới đầu còn giận dỗi, sau càng nghe càng nguôi. Nàng nhìn hoàng tử có vẻ ái ngại, và sau khi hoàng tử dỗ dành, xin lỗi, nàng hết giận ngay, hỏi:

- Thật không may cho chúng ta! Nhưng thôi, chuyện đó đã qua, hoàng tử tính thế nào trước tình trạng hiện tại?

Hoàng tử Huy Anh ngập ngừng nói:

- Chỉ có cách chuộc nàng. Nhưng quan tể tướng đã mua nàng với giá cao quá: đến hai vạn đồng, thì ta làm sao có tiền chuộc được?

Tuyết Nga suy nghĩ một lát rồi nói:

- Nếu thế, chỉ có cách này thiếp mới thoát được cảnh nô lệ trở về với chàng.

Hoàng tử Huy Anh mừng rỡ hỏi:

- Nàng định thế nào?

Tuyết Nga ghé vào tai chồng nói nhỏ:

- Chàng hãy đợi thiếp ở quán trọ. Tối nay thiếp sẽ trốn ra, đến đấy rồi chúng ta cùng đi. Chàng phải sửa soạn sẵn sàng, thiếp đến thì đi ngay mới thoát.

Hoàng tử hân hoan gật đầu, hôn lên trán Tuyết Nga rồi trở ra ngoài.

Từ nãy giờ quan tể tướng sốt ruột, đi đi lại lại chờ để biết bịnh tình của Tuyết Nga, thấy hoàng tử ra vội hỏi ngay:

- Đạo nhân thấy bịnh tình của nàng ra sao?

Hoàng tử đáp:

- Thưa đại quan, thật ra bịnh của nàng không có gì nguy ngập, chỉ cần đi dạo chơi hóng mát mấy ngày là khỏi ngay.

Quan tể tướng vui mừng hỏi:

- Thế có cần cho nàng uống thuốc gì không?

- Có, tôi đã mang sẵn thuốc và cho nàng uống rồi. Hiện giờ nàng đã khỏe khoắn hơn.

Quan tể tướng mở cửa phòng nhìn vào, thấy Tuyết Nga đã ngồi dậy được thì mừng rỡ vô cùng, cầm hai tay hoàng tử nói:

- Đạo nhân quả thật tài giỏi. Ơn này tôi không biết lấy gì đền đáp.

Hoàng tử Huy Anh đáp:

- Ngài dạy quá lời. Được giúp đỡ ngài, bần đạo lấy làm hân hạnh.

Quan tể tướng mời hoàng tử ở lại, sai gia nhân làm tiệc thết đãi nồng hậu.

Tàn tiệc, hoàng tử đứng dậy cáo lui. Quan tể tướng giữ mãi không được đành lấy một ngàn đồng vàng tạ ơn. Từ chối không được, hoàng tử nhận tiền, cám ơn tể tướng rồi xin đi.

Có tiền, hoàng tử bèn mua một con ngựa thật tốt rồi về nhà trọ đợi Tuyết Nga.

Tối hôm đó, Tuyết Nga ăn mặc giả như nữ tỳ, lấy lọ chảo bôi đen khắp mặt rồi cầm đèn ra phố. Tưởng là một nô lệ da đen trong dinh ra phố mua sắm gì, bọn lính canh nói đùa mấy câu rồi để nàng đi.

Tuyết Nga đến quán trọ thì quán đã đóng cửa, nàng phải gọi chủ quán.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

 

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

CHUYỆN NÀNG NÔ LỆ XỨ DUY-ĐAN (III)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


- Đời còn dài, ta còn nhiều thời gian sống với nàng, còn cơ hội cứu quốc, cứu cha. Thật tình nếu ta bỏ dịp này thì khó lòng gặp được dịp khác. Hơn nữa, tuy xa xôi vạn dặm, lòng ta có bao giờ đổi dời.

Thật vậy, mặc dầu xa Tuyết Nga, tình yêu của chàng đối với nàng chẳng suy giảm tí nào.

Nhưng chàng có ngờ đâu quốc vương Bá-Đa lưu chàng lại là để có thì giờ lập kế mà mê hoặc chàng, khiến chàng dù có vợ cũng vì xa cách mà quên đi và xiêu lòng ưng thuận lấy công chúa Minh Hà.

Mới đầu, trước diện mạo tuấn tú, tài năng siêu việt của hoàng tử, nhà vua đã quí mến. Rồi công chúa khi gặp người trai hào hoa đó cũng thương yêu hết lòng. Và đó mới chính là nguyên nhân khiến nhà vua quyết tâm chinh phục hoàng tử. Ngài không muốn con gái phải đau khổ vì thất tình.

Một hôm, nhà vua gọi một viên quan hầu đến hỏi ý kiến:

- Ý ta muốn gả công chúa cho hoàng tử Huy Anh nên lưu chàng lại đây. Thế mà từ bấy lâu nay hoàng tử vẫn không tỏ vẻ lưu luyến, xiêu lòng. Vậy theo khanh, phải làm sao?

Viên quan hầu tâu:

- Tâu hoàng thượng, hạ thần trộm nghĩ hoàng tử dù sao cũng còn trẻ tuổi, tâm hồn chưa đến độ sắt đá thì chỉ một mưu nhỏ cũng thành công.

Nhà vua mừng rỡ hỏi:

- Mưu ấy ra sao?

Viên quan hầu ghé sát tai nhà vua nói nhỏ những gì chẳng biết, nhưng nghe xong, nhà vua gật đầu mỉm cười ra vẻ đắc ý lắm.

Tối hôm ấy, nhà vua truyền quân hầu bày tiệc trong vườn thượng uyển và cho mời hoàng tử Huy Anh đến dự.

Hoàng tử Huy Anh đang buồn bã, được nhà vua cho mời dự tiệc, ngắm trăng thì vui vẻ nhận lời ngay. Lúc đó, trăng đã bắt đầu ló dạng.

Trong vườn thượng uyển, giữa muôn hoa tỏa hương thơm ngát, dưới ánh trăng bàng bạc, quốc vương Bá-Đa cùng hoàng tử đối ẩm. Mải vui chuyện trò, hai người chén tạc chén thù. Đến lúc chếnh choáng say, nhà vua nói:

- Giữa cảnh trời huyền ảo nầy mà được nghe một tiếng đàn thì thật là tuyệt diệu. Phải không hoàng tử?

- Tâu bệ hạ, bệ hạ truyền rất phải. Từ lúc nãy tôi cũng cảm thấy như thiếu một thứ gì.

Nhà vua mừng thầm, đưa mắt ra hiệu cho một nữ tỳ vào gọi công chúa Minh Hà.

Vài phút sau, công chúa lả lướt bước ra. Dưới ánh trăng, trông nàng đẹp một cách huyền ảo, tha thướt. Đến trước nhà vua và hoàng tử, nàng khẽ cúi đầu chào.

Hơi men chếnh choáng, trước vẻ đẹp của công chúa lúc ấy, hoàng tử thấy lòng rạo rực lạ thường. Chàng nâng bàn tay công chúa lên môi, hôn say đắm rồi nói:

- Xin công nương cho nghe lại khúc đàn tuyệt diệu ngày trước.

Được lời như cởi tấm lòng, công chúa khẽ gật đầu nhận lời rồi truyền nữ tỳ vào lấy đàn.

Nữ tỳ mang đàn ra. Công chúa vén xiêm y  ngồi xuống, bắt đầu gẩy.

Trong đêm trăng, tiếng đàn tuyệt diệu của công chúa vang lên, lúc ngân nga, lúc dìu dặt, khi dồn dập, khúc mắc, khi thanh thoát, chơi vơi như tâm tình người con gái đang độ yêu đương.

Hoàng tử Huy Anh nương hồn theo tiếng nhạc quên hết mọi sự vật chung quanh, đến nỗi khi tiếng nhạc ngưng chàng cũng không biết.

Cho đến khi nhà vua vỗ tay khen thưởng, hoàng tử mới sực tỉnh mộng, bàng hoàng nói:

- Ôi, tiếng đàn thật là tuyệt diệu!

Công chúa Minh hà sung sướng vô cùng, cúi đầu để giấu cảm xúc của mình, nói

- Hoàng tử quá khen! Tài cán thiếp nào có ra gì. Chẳng qua để giúp cho cuộc rượu thêm vui, thiếp mới mạo muội thi thố đó thôi.

Lúc nãy đã say mê tiếng đàn, bây giờ hoàng tử Huy Anh lại ngây ngất vì dáng điệu, giọng nói dịu ngọt của giai nhân.

Say vì cả men rượu lẫn men tình, hoàng tử không tiếc lời khen tụng sắc đẹp và tài nghệ của công chúa.

Vừa nói, hoàng tử vừa uống cho đến lúc say khướt, gục đầu xuống bàn, khiến bọn cung nữ phải dìu về phòng.

Nhà vua theo dõi cử chỉ của hoàng tử, mừng lắm vì thấy mưu kế của mình sắp thành công. Ngài mỉm cười nói nhỏ một mình:

- Cá cắn câu rồi!

Thế rồi từ đêm đó, tâm hồn hoàng tử lúc nào cũng vương vấn bóng dáng yêu kiều và điệu đàn tuyệt kỹ của công chúa Minh hà. Ngoài ra chàng quên hết. Quên cả việc phản nghịch của lão tể tướng nơi quê nhà, quên luôn nàng Tuyết Nga chung tình đang chờ đợi nơi căn nhà nhỏ bé trong khu rừng vắng.

Quốc vương Bá-Đa biết hết vì ngài đã cắt người luôn luôn theo dõi từng cử chỉ của hoàng tử. Tuy nhiên, nhà vua chưa cho hoàng tử gặp lại công chúa ngay. Ngài định đến lúc hoàng tử phải ngỏ lời mới cho gặp lại.

Nhà vua có thể đợi được, nhưng có một người không thể đợi được lâu hơn nữa. Đó là công chúa Minh Hà, người con gái đang độ xuân thì mơn mởn, lửa tình nồng cháy.

Và một đêm trăng, nằm thao thức mãi không ngủ được, công chúa không nén được lòng, lẻn sang phòng hoàng tử Huy Anh.

Đến cửa, công chúa nhòm qua lỗ khóa thấy hoàng tử cũng còn ngồi bên ngọn đèn vặn nhỏ, dáng điệu buồn rầu, thỉnh thoảng lại gọi khẽ : “Minh Hà! Minh Hà! Em yêu quí”. Phần thương, phần yêu, công chúa không tự chủ được nữa, đẩy cửa bước chậm vào.

Hoàng tử giật mình nhìn ra. Trông thấy công chúa, chàng bàng hoàng reo lên:

- Công chúa Minh Hà!

Công chúa đặt ngón tay lên môi, ra hiệu cho hoàng tử nói khẽ.

Hoàng tử Huy Anh đứng dậy ôm chặt công chúa Minh Hà vào lòng, thì thào qua hơi thở:

- Nàng hãy nói cho tôi biết tôi đang tỉnh hay đang mơ!

Công chúa tình tứ trả lời:

- Chúng ta cùng đang sống trong mộng cả. Giấc mộng của chúng ta bấy lâu nay.

Rồi hai người kể cho nhau nghe những nhớ nhung, những ước vọng của mình.

Bao nhiêu nhớ nhung, bao nhiêu khao khát bị dồn ép bấy lâu được bộc lộ qua lời nói, qua cử chỉ âu yếm của hai người.

Hoàng tử ôm chặt lấy công chúa như sợ nàng biến đi. Hình ảnh của Tuyết Nga tưởng không còn dịp nào trở lại trong tâm trí chàng trai si tình ấy nữa.

Rồi từ đấy, đêm nào công chúa Minh Hà cũng lẻn sang tình tự cùng hoàng tử Huy Anh.

Câu chuyện đến tai quốc vương. Ngài không báo cho hai người biết, truyền dân chúng mở tiệc ăn mừng lễ thành hôn của hoàng tử và công chúa.

Thấy chuyện bị lộ, hai người bừng tỉnh mộng, sợ hãi đến thú tội cùng nhà vua.

Nhà vua vui vẻ tha lỗi nhưng bắt hai người phải làm lễ cưới và khuyên hoàng tử chung thủy với công chúa.

Tay đã nhúng chàm, hoàng tử Huy Anh đành vâng lệnh cưới công chúa.

Lúc ấy, chàng mới nghĩ đến nàng Tuyết Nga đáng thương đang vò võ mong chờ chàng về. Chàng thương vợ và hối hận vì đã không nghe lời khuyên của nàng lúc ra đi.

Quốc vương truyền sửa soạn một bữa tiệc cưới linh đình và sai tuyển một số nữ nô lệ thật đẹp có tài đàn hát để giúp vui.

Rồi ngày cưới đến, khắp kinh thành Bá-Đa dân chúng ăn uống, hát xướng vui vẻ.

Nhất là trong hoàng cung, một bữa tiệc lớn được tổ chức với đủ mặt quốc vương, cô dâu, chú rể và bá quan trong triều.

Sau vài tuần rượu, nhà vua truyền gọi bọn nô lệ mới tuyển ra giúp vui.

Lập tức từ sau bức màn cửa, một đoàn nô lệ nối gót nhau vào. Họ vừa múa hát vừa tiến đến trước hoàng tử và công chúa để chúc mừng.

Từng người, từng người lướt qua trước mặt hoàng tử và công chúa. Bỗng hoàng tử đánh rơi chén rượu đang đưa lên môi rồi gục đầu xuống bàn ngất đi.

Mọi người đều kinh ngạc. Nhà vua cho hoàng tử về. Bữa tiệc đành bỏ dở và đoàn nữ nô lệ được lệnh giải tán.

Một nàng nô lệ tiến đến hỏi viên thái giám:

- Thưa ngài, vị phò mã mới bị ngất là ai vậy?

Viên thái giám trả lời:

- Phò mã là hoàng tử Huy-Anh, con của quốc vương một nước gần đây.

Nghe nói, nét mặt nàng nô lệ thoáng vẻ đau đớn. Nàng thấy trời đất đảo lộn, phải vịn vào tường một lát để trấn tĩnh rồi lặng lẽ bước ra.

Mọi người trong triều không ai để ý đến nàng. Nhưng chúng ta có thể nhận ra nàng là Tuyết Nga, người vợ cũ của hoàng tử.

Nhưng tại sao nàng lại vào hoàng cung? Chúng ta tiếp tục theo dõi hoàng tử sẽ được biết.

Phần hoàng tử Huy-Anh, sau bữa tiệc đó tâm thần bị rối loạn. Những ngày hoa mộng bên công chúa Minh Hà và cuộc gặp lại Tuyết Nga quay cuồng trong trí óc hoàng tử làm chàng bàng hoàng như sống giữa thực và mộng, không phân biệt được. Chàng đâm ra lúc vui, lúc buồn bất thường như người mất trí.

Công chúa Minh Hà vừa ngạc nhiên vừa lo lắng. Nhiều khi nàng đang ngồi, hoàng tử quì xuống trước mặt nàng, úp mặt vào đùi nàng khóc nức nở, xin thứ lỗi, miệng luôn gọi tên Tuyết Nga..

Công chúa nói lại chuyện ấy cho quốc vương Bá-Đa biết. Nhà vua cau mày nghĩ thầm:

- Có lẽ trước kia chàng nói thật : Chàng đã có vợ, và hôm đám cưới, vợ chàng đã vào cung cùng đoàn nô lệ kia. Tuyết Nga hẳn là tên nàng!

Nghĩ thế, nhà vua hối hận vì đã ép duyên hoàng tử khiến cuộc đời ba người phải dở dang.

Để cho rõ ràng, nhà vua gọi viên quan tuyển nô lệ hôm nọ đến hỏi:

- Trong đám nô lệ ngươi tuyển hôm đám cưới công chúa có người nào tên là Tuyết Nga không?

Viên quan tâu:

- Tâu hoàng thượng, trong bọn quả có một nàng tên là Tuyết Nga, nhưng không phải do thần tuyển. Chính nàng tình nguyện nhập đoàn để ca hát nên ngay sau buổi ấy nàng đã đi rồi.

Mọi việc đã quá rõ ràng, nhà vua buồn rầu gọi con gái vào, hỏi:

- Quả thật hoàng tử Huy-Anh có vợ rồi con ạ! Như thế con còn yêu chàng nữa không?

Công chúa Minh Hà ngạc nhiên hỏi lại cha:

- Tâu phụ vương, trước hoàng tử đã có nói thế nhưng biết có chắc hay không?

- Chắc lắm rồi!

Trả lời xong, nhà vua nói cho công chúa nhận xét của mình.

Công chúa nghe xong choáng váng, lặng người đi một lúc mới nghẹn ngào nói:

- Cơ sự đã thế con biết tính làm sao bây giờ, tâu phụ vương?

Nhà vua nhìn con ái ngại nói:

- Biết làm sao bây giờ! Con có can đảm để chàng trở về với vợ cũ hay không?

Công chúa lắc đầu:

- Thưa phụ vương không được. Con yêu chàng vô cùng, không thể sống xa chàng được. Phụ vương thử nghĩ xem có cách nào tốt hơn không?

- Cha có ý này ổn hơn. Nhưng đón vợ chàng về, con phải làm thứ thiếp, con có chịu không?

Công chúa gật đầu nói:

- Tâu phụ vương, giải quyết như thế êm đẹp lắm. Con bằng lòng làm thứ thiếp, miễn là không phải xa chàng.

Nhà vua nhìn con thương xót nói:

- Con đã muốn thế cha không dám ngăn. Ngày mai cha sẽ cho gọi hoàng tử trở về thăm vợ cũ, nhưng bắt chàng phải hứa sẽ trở về đây.

Công chúa Minh Hà gạt lệ, xin lui về phòng riêng.

Hôm sau, như thường lệ, các ngự y vào thăm bệnh cho hoàng tử Huy-Anh. Khám xong, họ thất vọng nói với công chúa:

- Bệnh phò mã ngày càng nặng.

Công chúa lo lắng hỏi:

- Liệu các ngài có cứu được chàng khỏi chết không?

Một viên ngự y nói:

- Bệnh của phò mã là tâm bệnh, thuốc thường khó lòng chữa được lắm.

Công chúa sợ hãi òa lên khóc:

- Thế các ngài đành khoanh tay nhìn hoàng tử chết sao? Xin các ngài gắng đem hết tài năng chữa cho chàng. Nếu chàng qua khỏi ta sẽ trọng thưởng.

Chợt một viên ngự y nghĩ ra, hỏi:

- Trước kia công chúa cũng đã lâm vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh này. Chẳng hay phò mã dùng thuốc gì chữa khỏi?

Nghe nói, mắt công chúa Minh Hà sáng lên. Nàng chợt nhớ lọ thuốc nhỏ hoàng tử vẫn cất trong gói hành lý, bèn lấy ra đưa cho các viên ngự y.

Các viên ngự y xem xét xong, bảo công chúa cho hoàng tử uống theo phân lượng, cách thức mà hoàng tử đã cho nàng uống trước kia.

Công chúa mừng rỡ pha thuốc cho hoàng tử.

Lúc đó, hoàng tử đang mê man, miệng luôn gọi tên Tuyết Nga. Trông chàng gầy ốm, thiểu não, chẳng còn vẻ gi uy nghi, hùng dũng như trước nữa.

Công chúa nhìn chồng thương cảm, vội đỡ chàng dậy đổ thuốc cho chàng.

Mầu nhiệm thay! Những nét đau đớn trên mặt chàng biến đi, thay vào đó là vẻ tỉnh táo. Rồi cuối cùng, chàng mở mắt nhìn công chúa.

- Tôi làm sao thế này?

Công chúa mừng rỡ, nước mắt rưng rưng, nói:

- Mấy hôm nay chàng bị mệt. Nhưng hôm nay, nhờ ơn thượng đế, chàng đã khỏi rồi!

Hoàng tử chợt nhớ lại những việc đã qua. Chàng cầm tay công chúa, nói:

- Công chúa Minh Hà! Nàng thứ lỗi cho ta!

Nói đến đây, chàng nghẹn ngào không nói được nữa. Công chúa lắc đầu lia lịa, nức nở nói:

- Không! Chàng không có lỗi gì. Muôn sự đều do thiếp gây ra. Thiếp rất hối hận. Vì thiếp mà vợ chồng chàng chia lìa. Bây giờ chàng hãy trở về với Tuyết Nga cho trọn tình phu phụ, thiếp không dám can ngăn. Và nếu hoàng tử còn nghĩ đến thiếp thì hãy trở về đây, thiếp xin cam phận làm thứ thiếp.

Chỉ nói được đến đấy, công chúa Minh Hà òa lên khóc. Hoàng tử Huy-Anh nâng mặt vợ lên, lấy tay quệt những dòng nước mắt trên má vợ. Hai người nhìn nhau và cùng cảm thấy không thể sống thiếu nhau được.

Lúc đó, quốc vương Bá-Đa nghe tin hoàng tử hồi tỉnh vội đến thăm. Nhà vua cũng khuyên hoàng tử trở về tìm nàng Tuyết Nga vì nhà vua biết chàng còn thương yêu nàng rất nhiều.

Mấy hôm sau, khi đã bình phục hẳn, hoàng tử Huy Anh sửa soạn hành trang để lên đường về chốn cũ gặp lại người vợ yêu dấu.

Lúc chia tay, nhà vua trao cho chàng hai nén vàng làm lộ phí. Còn công chúa Minh Hà thì buồn rầu vì phải xa người yêu, nghẹn ngào không nói nên lời, chỉ tha thiết nhìn hoàng tử. Mãi sau nàng mới buồn rầu nói:

- Đi đường xin chàng bảo trọng, và khi xong việc chàng nhớ về ngay đừng để thiếp mong chờ.

Hoàng tử gật đầu hứa hẹn, hôn lên trán vợ rồi lên đường.

Ngày đi, đêm nghỉ, vượt rừng , qua suối, gần nửa tháng sau chàng về tới thôn xưa.

Nhưng về đến nơi, hoàng tử Huy Anh thất vọng tràn trề: căn nhà xưa vẫn đấy nhưng người xưa không còn nữa. Có lẽ nàng bỏ đi đã lâu, căn nhà bỏ trống trông hoang phế tiêu điều.

Hoàng tử hỏi thăm những người gần đấy, được họ cho biết Tuyết Nga đã bỏ đi được ba tháng nay từ khi được tin hoàng tử lấy công chúa Minh Hà.

Buồn rầu, chàng trở về ngôi nhà cũ tạm nghỉ để sáng hôm sau đi sớm. Bao nhiêu kỷ niệm sống động trong lòng chàng. Góc sân, bể nước, ngưỡng cửa… nhất nhất đều gợi lại những hình ảnh êm đẹp ngày xưa bên cạnh người vợ hiền.
_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp