Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

KIM


Kim người Hoa. Thoạt nhìn là biết liền. Kim vào lớp tôi với cái dáng chậm rãi, uể oải của James Dean, mà lúc đầu ai cũng tưởng là một gã khờ.

Lớp có mười hai đứa, lớn nhất là Kim. Chiều chiều, đứng trên balcon nhìn xe chạy hối hả về thành phố, đứa nào cũng nhớ nhà. “Chiếc xe đó màu gì, ông già?” cả bọn hỏi. Kim lau cặp kính cận, “Màu len (đen)”. Kim cười, không bao giờ giận cái lối trêu chọc xóc hông, dễ động chạm đến tự ái dân tộc đó.

Mỗi buổi, đến giờ ăn, Kim lê đôi dép lào xuống phòng con gái, gõ chiếc muỗng vào cửa. “Li (đi) ăn li”. Cả bọn ào ra, xôn xao…

Kim hát rất hay, và chạy ngón cũng rất tuyệt. Buổi tối, ôm cây đàn ra ngoài hiên, Kim solo bài Hotel California, nghe rào rạt. Tôi thòng dây xuống tầng dưới, nơi các cô gái kéo ra ngong ngóng, đứng ngồi, và kéo lên cả một cửa hàng tạp phẩm bánh, kẹo,,, sứt mẻ, đủ cả.

Tắm chung, đứng chờ nước rỉ vào chiếc bể cạn xanh rì rêu, nhìn cái ngực lõm vô như bị thiếu xương, tôi cứ tự hỏi, làm sao mà Kim có thể hát hay như vậy. Kim chỉ cười. Kim nói tiếng Việt không chuẩn bằng tiếng Hoa, tiếng Anh. Viết còn sai tợn hơn, tập vở viết bằng đủ thứ ngôn ngữ và ký hiệu. Nhưng mọi người đều đã chấp nhận điều đó.

*

Những ngày đó, chúng tôi mới mười tám tuổi. Vào tuổi đó, dường như người sống chỉ mà để yêu nhau, ngây thơ và liều lĩnh.

Tối tối, dắt díu nhau đến trường học thêm, qua những lối mòn, chúng tôi hôn nhau và để quên sách vở.

Kim ở nhà, nấu cơm và nướng lạp xưởng. Người Hoa lúc nào cũng có sẵn lạp xưởng. cả bọn kéo về, hít hà với những miếng cơm cháy cuộn lấy những miếng mỡ đỏ hồng. Rồi đổ cờ cá ngựa, la hét, cãi lộn. Kim vẫn thế, chỉ cười.

Nga nói: “Ông già sống bao đồng quá”.

- Là sao? – Kim hỏi.

- Là làm vừa lòng tất cả mọi người – Nga buột miệng.

Kim lặng lẽ ra ngoài. Kim buồn. Nga khóc. “Vì sao phải khóc – Kim nói – Tại mình mà”. Cả bọn lặng thinh. Không, không phải, rõ ràng là thế. Người ta đã quen với đời sống luôn cạnh tranh, vùi dập lẫn nhau, và khi xuất hiện một người hoàn toàn thờ ơ với những tị hiềm đó, người ta lạ. Vậy thôi.

Dẫu sao đã có lúc chúng tôi biết buồn. Những lúc đó cũng tuyệt.

*

Tập quân sự xong, đứa nào cũng héo như tàu lá úa. Kim rủ: “Đi đạp vịt đi”. Vịt là những chiếc phao lềnh bềnh với chiếc ghế gỗ bắc ngang. Chúng tôi vừa đạp vừa run. Hồ rộng mênh mông. Kim cười: “Có gì đâu mà sợ, cạn hều à”. Về, Kim làm bản tự kiểm vì bỏ tiết bảo quản, lau chùi vũ khí.

- Không sao, miễn lớp mình vui là được rồi. Kim quăng cái nón móc vào chiếc cọc treo mùng y như một tên cao bồi, và lượn một vòng: “Tập nhảy nghen”.

Bắt đầu là cha-cha-cha, rồi chỉ được có thế. Các cô gái hãy còn ngượng nghịu với cái trò mới này.

Tối chín tháng giêng, sau khi no nê với dĩa cơm được ban quản lý hào phóng cho thêm miếng thịt mỡ to bằng nắm tay, chúng tôi khiêu vũ đến ba giờ sáng. Và sau đó ngủ đến chín giờ, toàn thân mỏi nhừ. Sáng, làm kiểm điểm, lần này tất cả đều viết, vì trốn học.

*

Tháng tư, thực tập ở Duyên Hải. Chúng tôi ngồi vắt vẻo trên thành tàu, nhai củ sắn, nghe mấy bà hàng chợ bàn tán về thanh sắc của mấy anh chị nghệ sĩ cải lương tình tứ, điệu đàng hết cỡ cùng đi. Ai ai cũng dõi mắt về phía cửa văn phòng nhỏ dành riêng cho siêu sao. Im lìm. Không trông mong gì được coi mặt vị nghệ sĩ tài danh, Kim tuyên bố: “Siêu sao chắc bị ngộp trong đó rồi”. Cả bọn thích chí cười ồ.

Tới trưa, tàu mắc cạn ở gần một nông trường, lắc lư qua lại. Nga chịu không nổi, nôn thốc, nôn tháo. Không có chỗ nghỉ, Kim đỡ Nga dựa vào cột, mắt cứ nhìn cánh cửa đóng kín bưng. Lần đó, chúng tôi thấy rõ ràng Kim thua kém người ta.

… Tụi con nít, tưởng chúng tôi cũng hát cải lương, cứ bám theo mấy anh chị mang giày Bata trắng bóc mà nhìn lom lom. Cảnh vật thì xơ xác, mùi cá tanh tanh, gió thì mặn. Chúng tôi lê bước trên con đường gồ ghề bụi đất, lòng chán nản, bực bội.

Buổi tối nơi đây như xuống nhanh hơn. Mấy ngọn đèn dầu chỉ rọi đủ để nhận diện người trước mặt. Lúc đi ngang hồ nuôi cá, gió thổi mạnh, quăng mất chiếc nón của tôi xuống hồ. Cái nón mà Kim tặng tôi hôm sinh nhật, loại một ngàn rưỡi một chiếc. Nhìn chiếc nón trôi phom phom như chiếc thuyền, tôi chậc lưỡi, thôi bỏ.

Ăn uống, tắm táp xong, thầy yêu cầu viết tường trình về chuyến đi trong ngày. Không ai viết nổi. Đành phải kéo đi lang thang rồi quay về đàn hát những bài ẽo uột. Kim đi đâu về, vai vác chiếc sào dài, đến bên tôi đưa chiếc nón ướt sũng: “Cất đi, mai trời nắng lắm”. Tôi nhận lại cái quà tặng, không nói được tiếng nào. Tối đó, tôi không ngủ được.

*

Tôi như muốn chết vì Th. Suốt chuyến đi, nàng cứ thờ ơ mãi. Tôi không thể nào hiểu được nàng. Con đường vòng vèo theo bờ đá lồi lõm khiến đôi giày cao gót của nàng chốc chốc lại sút quai. Tôi lẽo đẽo theo Th., chăm sóc nàng từng chút. Th. Vùng vẫy, quát ầm lên. Bạn bè ái ngại, còn tôi thì ngượng chín người. Kim tới: “Thôi đi”. Tôi đi theo Kim, bỏ lại Th. Với đôi giày phiền toái của nàng.

… Tôi ra ngoài hiên ngóng Th. Về, lo âu. Đường vắng vẻ, tối om. Trăng rỉ xuống từng giọt.

Kim lê dép lệt sệt ra: “Đi ngủ”

Tôi không quay lại: “Ngủ trước đi”

Kim lê dép vào: “Th. Về lâu rồi”

Tôi gầm lên, đuổi theo: “Vậy là sao?”

- Đừng mê muội quá mức vào một điều gì cả. Th. Không cần ông đâu – Kim ôn tồn – Th. Có người yêu rồi.

Tôi thẫn thờ. Có lẽ nào như vậy được, nàng đã có lúc tỏ ra chủ động mà. Kim đến bên cạnh, như một người anh: “Buồn thì cứ buồn. Nhưng chẳng có gì là ghê gớm cả, phải không?”. Tôi không muốn nghe gì nữa, thấy tất cả như vô nghĩa, và thấy cô đơn.

*

Những ngày giáp tết. Mỗi người về nhà mình. Tối, Nga và Kim tới, rủ đi xem pháo bông. Không đứa nào có tiền. Kim móc túi lấy ra một xấp dày: “Xả láng nghen”. Cả ba đứa ném lon, câu pháo suốt đêm, đem về được một gói mì tôm.

Kim nắn túi: “Còn đủ tiền ăn phở”. Ngồi bên hè phố tối tăm, Kim ngắm nhìn mãi các cô gái chân trần rảo bước tới lui, đợi khách. Nga khó chịu: “Thôi đi ông già”. Kim nói: “Nga không thấy họ đẹp sao?”.

- Không. Nga thở dài.

- Mình sắp đi rồi – Kim khó nhọc – bây giờ mới thấy cái gì của Sài Gòn cũng đẹp, cái gì cũng có thể làm mình nhớ được.

Chúng tôi sững sờ. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày thiếu vắng Kim, chưa bao giờ. Và những ngày tháng qua nay cứ hiện lại rõ ràng, chậm rãi như một cuốn phim, không thiếu tình tiết nào. Kim vẫn đến lớp cùng mọi người nhưng ai cũng cảm thấy thiếu, thấy bị hụt hẫng.

Kim thì nhún vai: “Tui đã đi đâu”.

*

Tiền để sắm cây đàn mang theo, Kim đem ra thết đãi bạn bè. Chúng tôi liên tục gặp gỡ, tiệc tùng ở những quán cóc bên đường như phải sống vội vậy, nhưng vẫn cứ thấy buồn.

Ngày đi, Kim ôm hôn từng người, không nói được một lời. Mặt mày chúng tôi bết bát nước mắt của nhau. Nga nói: “Nhớ viết thư về, đừng quên tiếng Việt nghe ông già”. Kim nghe, khóc.

Cả bọn mua vé lên lầu tiễn. Kim ra, như một cái chấm giữa sân bay, chúng tôi vẫy tay loạn xạ. Và khi máy bay đã mất hút sau mây, chúng tôi ngồi bệt, mệt mỏi nghĩ: “Vậy là hết rồi chăng?”.

Tuổi hai mươi – vẫn còn non nớt lắm. Suốt cả tháng sau, chúng tôi học như ngủ, mơ màng, phó mặc. Nhưng liệu tình cảm dành cho nhau có bao giờ là non nớt không?

*

Kim gửi thư về. Một tháng hai lá, cả lớp đọc chung. Sinh nhật mỗi người được nhận thêm một tấm card lớn, bên trong xếp khéo léo hai tờ giấy bạc, đủ để ăn một chầu kem dĩa. Hai năm trôi qua như vậy, thư từ thưa vắng dần.

Rồi Nga, Th. Đi… Ra trường, mỗi người mỗi việc, và thời gian bắt đầu bày phép: Lãng quên.

Chúng tôi lao vào kiếm tiền, không còn ăn kem những quán bên đường nữa. Bạn bè nhiều hơn. Sự bấp bênh trong đời sống cũng rõ ràng hơn. Những lo âu cùng những cuộc tình cũng khiến người ta thêm  mau già nua.

Thư của Kim đến thật bất ngờ, lúc tôi đang ảo não vì lo kiếm việc làm, không nhớ nổi sinh nhật của mình.

Nhưng Kim thì nhớ. Thiệp đầy kín chữ. Kim viết bằng tiếng Anh, nhưng giọng điệu vẫn là Kim ngày nào, khó khăn trong diễn đạt:

… Mình nhớ bạn bè quá. Nơi đây không có người Việt, mình không biết nói chuyện với ai. Mình chưa quên hết tiếng Việt đâu, nhưng viết tiếng Anh thì thấy dễ dàng hơn nhiều. Không biết rồi mình còn nhớ được chữ nào nữa không, tha lỗi cho mình…

Tôi ngồi ngay trên bậc thềm cửa. Sinh nhật, không một bó hoa, không một người bạn, những tuổi hai mươi đang theo nhau qua hết. Chỉ còn mỗi lá thư ngắn ngủi. Kim đâu có lỗi gì. Có những điều tôi tưởng chừng sẽ theo tôi mãi mãi, nhưng rồi cũng không còn. Tuổi trẻ, trí tuệ, sự sắc sảo, sự rung động… tất cả theo thời gian mà phai nhạt, mà đi mất rồi. Kim có gì mà phải buồn. cái tình còn lại ở mỗi người há chẳng nhiều ư? Há chẳng đủ cho người ta có thể đi suốt cuộc đời ư?

Tôi cầm cái tình đó trong tay và khóc như hãy còn mười tám tuổi.


PHAN TRIỀU HẢI    


Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

ÔNG ĐỒ BỂ (II)


Rồi ghé sát tai ông đồ, ông thần thì thào:

- Chẳng nói giấu gì bác, nhờ trời, nhà tôi giầu có. Tôi đã đem theo đây bốn nén vàng để phòng phải ông chánh chủ khảo có máu tham đồng, đổi trắng thay đen, thì sẽ tùy cơ ứng biến. Đây bác cầm hai nén rồi ngay đêm nay chúng ta cùng nhau tìm vào nhà riêng của ông đốc học.

Ông đồ Bể từ chối, nói thà rằng không đỗ, chứ nhất định không chịu đút lót, lễ lạt để mất cả phẩm giá con người.

Đến đây ông thần mới tỉnh ngộ và hiểu rằng không có cách gì, không thể dùng mưu thần chước quỷ nào hại nổi một người chính trực, quang minh như ông đồ Bể được.

Lòng thù ghét của ông thần đối với ông đồ vụt đổi ra lòng cảm phục. Từ nay ông sẽ cứ ở luôn bên mình ông đồ như trước để ủng hộ chứ không phải hãm hại nữa.

Vì thế ông đồ Bể lọt vào được bốn kỳ cũng là nhờ ở sức giúp đỡ của ông thần. Kỳ nào chấm đến bài của ông đồ Bể, ông chánh chủ khảo cũng nhận thấy văn chương lỗi lạc đáng được phê ưu. Nhưng ông nghĩ thầm : “Thằng này cậy có tài không thèm biết đến ta. Vậy ta thử phê cho nó hỏng tuột xem nó còn chỉ cậy ở văn tài và học lực nữa không”. Và ông mỉm cười thong thả viết chữ “liệt” đỏ rất to, rồi khinh bỉ vứt quyển thi sang một bên. Điều ông không ngờ là chữ liệt của ông chỉ là chữ “ưu”. Ông thần đã đưa tay viết chữ nọ hóa chữ kia mà ông vẫn không biết.

Thế rồi, xong bốn kỳ thi, ông đồ Bể đậu thủ khoa.

Thành thử cái người mà ông chánh chủ khảo định để đỗ đầu phải tụt xuống thứ hai. Chính ông cũng không hiểu tại sao. Ông đành thở dài trả lại người ấy hai mươi nén bạc, trong số năm mươi nén mà được người ấy đã khấn ông để mua cho bằng được cái hương khôi.

Ông đồ Bể thẳng thắn tự nhủ : “Đấy, ta đã bảo các quan trường công chính! Quả có sai đâu!”.

Hôm xướng danh, thiên hạ nô nức đi xem. Các cô thiếu nữ Long thành chen vai thích cánh để được thấy mặt ông thủ khoa. Nhưng ông này chẳng buồn để ý tới một cô gái nào, tiến thẳng lại các quan trường, vái dài rồi vội vàng lĩnh lấy mũ áo vua ban ra đi.

Sợ món tiền lộ phí thiếu hụt, nếu ông còn dềnh dàng ở lại xem các nơi danh thắng chốn đế đô, ngay hôm ấy, ông tân khoa trở về làng.

Khi qua miếu cũ, ông thần ra đón tiếp:

- Chào ông cống mới.

Ông thủ khoa đoán chừng người bạn cùng đường đã lạc đề nên lủi mất ngay từ khi nghe tìn mình trúng cử, liền an ủi mấy câu:

- Thi cử chẳng qua ăn nhau về số mệnh. Thôi thì khoa này chẳng đậu, bác chờ khoa sau… Có tài như bác, lo gì!

Ông thần cười nói:

- Lần đầu tiên bác nói dối đấy nhé. Bác thừa biết rằng phải có tài lỗi lạc như bác mới đáng đỗ sao bác còn đem câu khách sáo về số mệnh ra an ủi tôi.

Ông thủ khoa cũng cười. Ông thần lại nói:

- Nhưng nay dù bác có nói dối một câu vô tội với người hỏng thi để người ấy khỏi buồn lòng tôi cũng không tìm cách trị tội bác đâu. Vì nay bác đã trở nên bạn chí thân của tôi rồi.

Ông thủ khoa ngơ ngác không hiểu. Ông thần liền đem chuyện thực ra kể, từ hôm ông đồ qua miếu không ngả nón cúi đầu cho tới hôm ông trúng cử.

Nói xong ông thần biến mất.

Ông thủ khoa buồn rầu thầm nghĩ : “Thì ra nhờ có thần mình mới đỗ! Như thế cái thủ khoa của mình không giá trị gì!”.

Ý nghĩ ấy vẫn lẩn quẩn trong óc, ông lủi thủi về tới đầu làng. Vì thế, thấy dân làng tấp nập mang cờ, mang lọng ra đón rước, ông xua tay nói:

- Xin mời các ông về cho. Tôi chẳng đỗ đạt gì cả mà rước xách. Tôi vẫn là ông đồ Bể như xưa thôi các ông ạ.

Ai nấy kinh ngạc không hiểu và nhất định ép ông tân khoa ngồi lên võng. Xem chừng không từ chối nổi, ông thủ khoa đành phân trần:

- Tôi đỗ là nhờ sự may mắn, một sự bất công, nên thế nào rồi tôi cũng phải dâng sớ tâu lên đức hoàng thượng để xin ngài đánh hỏng tuột cái thủ khoa của tôi đi để tránh khỏi mọi sự gian trá do một hung thần bày ra. Vậy xin các ông có yêu tôi mà cho tôi ngồi võng để khiêng tôi về thì tôi xin vâng. Còn nói to tát rằng đón rước một ông thủ khoa thì quả thực tôi không dám nhận.

Dân làng cho là tân khoa quá nhún nhường nên cũng tuân theo mà hạ cờ im trống, rước ông về nơi nhà tranh chật hẹp.

Mẹ già ông nghe tin ông đỗ đã đi vay tiền bà con mua một con bò, hai con lợn, chục thúng gạo tẻ, dăm thúng gạo nếp, chờ con về thì làm tiệc ăn khao. Nhưng ông thủ khoa khóc, lạy mẹ xin hãy để cho thong thả.

Rồi lập tức ông lấy giấy bút thảo một tờ sớ tâu thiên tử, kể hết đầu đuôi việc gặp thần và được thần giúp. Sau cùng ông xin hoàng thượng xuống chiếu tiêu hủy cái thủ khoa gian lận của ông.

Nhận được sớ của ông, vua và các quan trong triều đều kinh ngạc. Vua cho là một sự rất lạ, rất hiếm ở chốn nhân gian : một người đã được chấm đỗ đầu rồi còn dâng sớ khiếu oan, kêu rằng mình thực không đáng đỗ mà bỗng được người ta cho đỗ oan. Một quan ngự sử quỳ tâu:

- Kẻ hạ thần đồ rằng viên thủ khoa mắc chứng điên.

Vua cười phán:

- Hơn hết là đem các bài thi của hắn ra duyệt lại.

Khi một viên hàn lâm tốt giọng đã lần lượt đọc hết bốn bài văn, kinh nghĩa thơ, phú và văn sách của thủ khoa thì hoàng thượng trầm trồ khen ngợi:

- Văn bài quả thực đáng phê ưu.

Ngài bèn cầm các bài văn đọc lại một lượt nữa.

Và vì thế ngài thấy bốn chữ “ưu” của viên chánh chủ khảo, phúc khảo. Ngài cảm động nghĩ thầm: “Viên đốc học Sơn Nam thực là một người tôi hiền. Không có hắn thì mất một vị thủ khoa có học vấn uyên thâm” Ngài liền xuống chiếu cất viên đốc học Sơn Nam lên chức học bộ thượng thư và ban lệnh cho đòi viên thủ khoa Bể đến triều bệ kiến.

Mười hôm sau, một người quần áo nâu, đi đất tiến đến cửa Ngọ môn. Nghe người ấy xung danh là ông đồ Bể vừa nhận được chiếu chỉ mời vào triều bệ kiến, quân lính không tin và đến trình các quan để các quan tâu lên thiên tử. Thiên tử nghe tâu cười ngất, truyền cho dẫn người kỳ dị vào hầu.

Ngắm vẻ mặt khôi ngô và nghe lời biện bạch thâm thúy, vua biết ngay rằng đó là một bậc chân tài.

Ngài liền phán:

- Sao mũ áo trẫm ban cho, ngươi không dùng?

- Dạ kẻ hạ thần tự xét không xứng đáng với phẩm phục của triều đình.

Dứt lời liền mở khăn gói lấy mũ áo kính cẩn dâng lên.

Vua cười:

- Trẫm đã xét lại văn bài của ngươi rồi, ngươi thật đáng đậu thủ khoa. Vậy trẫm cho phép nhà ngươi hãy vào trong sửa sang mũ áo chỉnh tề rồi ra đợi lệnh.

Đại danh của ông thủ khoa đồn khắp kinh thành và đến tận tai hoàng hậu ; hoàng hậu liền vời vào nội cung để xem mặt. Rồi sau khi ban thưởng một chén rượu thọ, ngài truyền thủ khoa thuật lại câu chuyện gặp thần mà thủ khoa nói sơ trong bản văn dâng lên thiên tử.

Thủ khoa không quen uống rượu nên mới nhấp một chén đã chếnh choáng nóng bừng mặt. Vì thế ông không còn đủ sáng suốt để giữ gìn, đem hết sự thực ra kể. Tới đoạn viên chủ khảo định hạ bút phê liệt, chữ “liệt” lại hóa ra chữ “ưu”, hoàng hậu chau mày nói:

- Tên chủ khảo gian trá đến bực ấy mà sao thiên tử lại cất hắn lên chức học bộ thượng thư?

Hoàng hậu bèn truyền thủ khoa theo đến trước mặt thiên tử và kể lại câu chuyện thi cử để ngài nghe. Lúc bấy giờ ông thủ khoa đã tỉnh rượu, nhưng không dám giấu giếm một điều gì, vì đã trót một lần thuật hết sự thực.

Vua nổi cơn thịnh nộ, lập tức xuống chiếu đòi viên thượng thư học bộ đến trước ngai rồng mà mắng rằng:

- Trẫm giao cho nhà ngươi cái trọng trách kén chọn nhân tài, ai ngờ ngươi chỉ tưởng đến ăn lễ chứ không nghĩ gì đến sự phó thác ân cần của trẫm. Như những bài thơ của viên thủ khoa đây mà ngươi định phê “liệt” thật không còn coi ai ra gì nữa. Tội khi quân này đáng lẽ phải xử trảm, nay trẫm hãy tạm giáng ngươi xuống chức huấn đạo cho ngươi ăn năn sửa mình.

Viên thượng thư sợ hãi mướt mồ hôi cúi đầu đứng im thin thít vì không hiểu sao hoàng thượng lại đoán biết được ý nghĩ thầm kín của mình.

*

Mùa thu năm sau ông thủ khoa Bể lại tới kinh đô thi hội và thi đình. Lần này ông y phục chỉnh tề, ung dung cưỡi ngựa trắng vua ban, và không phải khệ nệ mang theo lều chiếu như ngày đi thi hương nữa. Nhưng cái khăn gói nâu cũ ông vẫn khoác bên vai, vì ông vẫn nghèo như xưa, tuy đã đậu thủ khoa, mà vẫn không tiền mượn tiểu đồng. Hôm ông vào bệ kiến, thiên tử ban vàng, ban lụa ông đều từ chối, nói chưa có công trạng gì, ông không dám nhận của nhà vua.

Đến trước tòa miếu cổ, ông thủ khoa xuống ngựa cho đúng với chữ “hạ mã” đề trên mốc đá, vả lại ông đã có lòng kính mến ông thần. Ông kính mến ông thần không phải vì nếu không có ông thần giúp mà viên chủ khảo ăn lễ đút lót thì ông chẳng thể nào đỗ được! Ông kính mến ông thần là vì ông phục lòng hào hiệp của một kẻ thù quân tử: thù ghét, ông thần đã không vật chết ông ngay mà còn chờ khi ông phạm tội mới dám hạ thủ. Như thế, kể cũng là một ông thần anh hùng.

Ông vừa xuống ngựa định vào miếu thì ông thần đã hiện lên chắp tay vái ông:

- Kính chào ông hai lần thủ khoa.

Ông thủ khoa Bể đáp lễ rồi ngạc nhiên hỏi:

- Sao lại hai lần thủ khoa?

- Vì đỗ đầu rồi, bác lại còn lai kinh ứng thí nữa mà vẫn đỗ đầu.

Cả hai cùng cười. Ông thần chắp tay nói:

- Thôi chúc bác thượng lộ bình an. Khi nào đỗ trạng, tôi sẽ đem lễ đến mừng.

Dứt lời, thần lại biến đi.

Ông thủ khoa Bể tới kinh đô thi hội xong thi đình, quả nhiên đỗ trạng nguyên.

Hoàng thượng ban yến. Lúc các quan tân khoa đang ngồi dự tiệc bỗng một người đến trước Ngọ môn xin vào bệ kiến, nói việc rất quan trọng. Vua cho vào.

Người ấy đến nơi, ông trạng Bể sửng sốt đứng quỳ tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, người này chính là thần miếu cổ trong câu chuyện “liệt, ưu”.

Vua cười phán hỏi ông thần:

- Ngươi xin bệ kiến có mục đích gì?

- Muôn tâu bệ hạ, kẻ hạ thần đến dâng lời kính mừng bệ hạ đã kén chọn được những vị tân khoa có chân tài. Hạ thần xin bệ hạ cho phép hạ thần được tặng ông bạn trạng nguyên một vật kỷ niệm.

Vừa nói vừa giơ ra một cái nhẫn kim cương nạm trong bạch kim, rồi lại nói:

- Muôn tâu bệ hạ, nhẫn này có một đức tính rất lạ, là đeo vào ngón tay thì không ai nói dối mình được một câu. Vì hễ ai nói dối thì mình thấy viên kim cương trong sáng này vẩn đục ngay như tro. Còn nếu mình mà cố ý nói dối thì nhẫn sẽ bay đi không trở về nữa.

Vua đỡ lấy chiếc nhẫn kỳ dị ngắm nghía. Lúc ngài ngẩng lên thì ông thần đã biến mất. Ngài liền thân đeo nhẫn vào ngón tay út trạng nguyên vì nhẫn rất nhỏ.

Rồi ngài phán hỏi:

- Cớ sao thần miếu cổ lại tặng khanh cái nhẫn ấy?

- Muôn tâu bệ hạ, thần suốt đời chưa từng nói dối một câu. Nguyên trước thần miếu cổ là kẻ thù của hạ thần, chỉ rình thần nói dối một câu là vật chết.

Vua cười nói tiếp:

- Nhưng vì khanh không nói dối nên hắn không làm gì nổi phải không?

- Muôn tâu bệ hạ.

Muốn thử phép thiêng của nhẫn thần, vua hỏi một vị tiến sĩ trẻ tuổi:

- Khanh có vợ chưa?

Ông tiến sĩ biết rằng công chúa Liên Hương tài sắc hoàn toàn và ông ta lại đương có dã tâm bỏ vợ tào khang, liền sung sướng quì tâu:

- Muôn tâu thánh thượng, kẻ hạ thần vì nhà nghèo nên chưa dám nghĩ đến đàng gia thất.

Vua quay sang phía trạng nguyên cười phán:

- Khanh giở nhẫn ra xem.

Quả nhiên mặt kim cương đang sáng bỗng xạm lại như màu tro. Vua phá lên cười. Và các ông tân khoa đã chếnh choáng hơi men cũng cất tiếng cười theo.

- Thế là khanh nói dối rồi nhé!

Ông tân khoa bẽn lẽn, mặt đỏ lên, rồi tái đi, rồi cũng xạm theo màu tro như mặt nhẫn.

Vua lại hỏi trạng nguyên:

- Còn trạng nguyên thì hẳn cũng đã có vợ rồi?

Trạng thẳng thắn đáp:

- Muôn tâu bệ hạ chưa ạ.

Vừa nói vừa giơ nhẫn ra, mặt nhẫn đã trở lại trong sáng như trước. Vua cười:

- Khanh làm thế là thừa, vì nếu khanh nói dối ta nhẫn đã bay mất rồi còn đâu.

Buổi chiều, các ông tân khoa lại được hoàng thượng và hoàng hậu vời vào dự yến trong nội cung một lần nữa. Trong tiệc yến này có cả công chúa Liên Hương và các nàng công chúa khác. Để các công chúa ngồi dự tiệc với các ông tân khoa, đó là một điều hiếm có ở các triều đình Á-đông. Nhưng trong truyện này, hoàng hậu và hoàng thượng ưa những sự giản dị, thẳng thắn, không bắt các công chúa xinh đẹp phải cấm cung.

Đương khi yến ẩm, các nàng công chúa tâu với hoàng hậu truyền trạng nguyên đưa cho xem chiếc nhẫn thần. Hoàng thượng phán:

- Các con muốn xem nhẫn thần phải tuyên bố câu này : “Trong đời con, con chưa từng nói dối bao giờ”.

Các nàng công chúa lần lượt vâng lệnh. Nhưng sau mỗi câu tuyên bố, hoàng thượng và hoàng hậu lại phá lên cười vì thấy mặt nhẫn của trạng nguyên vẩn đục.

Đến lượt công chúa Liên Hương, nàng khép nép tâu rằng:

- Muôn tâu phụ vương, vương mẫu, con xin phép đổi và thêm bớt vài chữ trong câu tuyên bố có được không ạ?

Hoàng thượng mỉm cười đáp:

- Được.

Công chúa liền tâu:

- Trong đời con một đôi khi con cũng nói dối nhưng là những câu nói dối vô hại, hoặc vì phép xã giao, hoặc vì lòng nhân đạo.

Sau khi nhận thấy mặt nhẫn vẫn sáng, hoàng hậu ban lời khen ngợi lòng thành thực và tính ngay thẳng của công chúa Liên Hương. Rồi hoàng thượng truyền trạng nguyên đưa nhẫn cho công chúa xem.

Ông trạng Bể tâu:

- Muôn tâu thánh thượng và hoàng hậu, câu tuyên bố của công chúa Liên Hương tỏ rằng công chúa là một thiếu nữ thông minh, lịch thiệp và nhân từ. Vậy hạ thần xin phép thánh thượng và hoàng hậu kính tặng công chúa cái nhẫn thần này.

Vừa nói vừa tháo nhẫn dâng lên vua. Vua trao cho hoàng hậu, hoàng hậu mỉm cười đeo vừa khít vào ngón tay giữa của công chúa Liên Hương vì bàn tay của công chúa rất bé nhỏ xinh xắn.

Công chúa Liên Hương sung sướng đỏ mặt đứng dậy bẽn lẽn nói:

- Tôi xin cám ơn ông trạng nguyên.

Hoàng thượng cười nhìn công chúa:

- Con nên tặng lại trạng nguyên một vật kỷ niệm chứ?

Công chúa Liên Hương liền lấy chiếc khăn hồng nhờ vua cha trao cho ông trạng Bể mà nói rằng:

- Chiếc khăn này tự tay tôi thêu lấy, xin kính tặng ông trạng nguyên.

Chẳng nói các bạn độc giả của tôi cũng đoán biết rằng ông trạng Bể sẽ lấy công chúa Liên Hương và công chúa Liên Hương sẽ là người vợ hiền, vì suốt đời không dám nói dối chồng một câu, sợ nhẫn bay đi mất.


KHÁI HƯNG 

  

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

ÔNG ĐỒ BỂ (I)


TẶNG EM TRIỆU


Ngày xưa ở vùng Bể có một ông đồ tục danh là ông đồ Bể.

Đừng tưởng cái tên Đồ Bể ấy chỉ có nghĩa là một ông Đồ ở vùng bể. Bể đây là rộng như bể, ý nói tâm và trí ông đồ rộng như biển cả. Hồi còn nhỏ, đó là một cậu học trò chăm chỉ thông minh và ngay thẳng, rất được thầy yêu mến và anh em bạn kính phục. Năm hăm bốn tuổi, ông vác lều chiếu đeo khăn gói ra Thăng Long thi hương. Kể thì ông đã đủ tài từ hai khoa trước rồi. Hiềm nỗi nhà nghèo không xoay được tiền ăn đường, ông đành phải ở nhà dạy học, cố để dành lấy vài chục quan làm khoản lộ phí. Vì thế, mãi năm nay ông mới ra thi.

Một hôm, ông vào nghỉ chân uống nước ở cái quán cạnh một tòa miếu cổ. Bà hàng dặn ông khi qua miếu phải bỏ nón, cúi đầu  vì đức Thánh thiêng lắm. Ông mỉm cười đáp:

- Trời nắng chang chang thế này mà bỏ nón ra nhỡ bị cảm thì khốn!

Bà hàng lấm lét nhìn ông:

- Chả khốn bằng bị ngài vật chết.

Ông đồ thản nhiên hỏi lại:

- Vậy ngài đã vật chết ai chưa?

Bà hàng hạ giọng thì thầm kể cho ông đồ nghe những phép riêng của ông thần, rồi nói tiếp:

- Chừng thầy khóa mang lều chiếu để đi thi. Vậy thầy nên mua vàng hương vào miếu lạy Thánh mà cầu phúc, thì thế nào cũng được vào chiếm bảng vàng.

Ông đồ Bể nghiêm sắc mặt, khẳng khái đáp:

- Học thành tài rồi tất thi đậu, mà chưa thành tài thì đợi đến khoa sau thi lại. Người quân tử không bao giờ chịu đi cầu khẩn, lạy lục ai để được đỗ.

Dứ lời, trả tiền nước đứng dậy đi liền.

Tới miếu, ông đồ ngừng lại ngắm nghía cây đa cỗi, cành lá rườm ra che gần kín cái miếu rêu phong. Hai bên cửa miếu hai pho tượng đắp bằng đất mặt đỏ, mắt trợn tròn như nhìn tròng trọc khách qua đường, và tay cầm thanh gươm giơ lên như lăm le muốn chém ai. Bên đường một cái miếu đá với hai chữ “Hạ mã”, nét khắc đã mờ.

Ông đồ Bể nghĩ thầm:

“Biển đề hạ mã, nhưng ta có cỡi ngựa đâu mà bảo xuống ngựa. Còn như ngả nón cúi đầu thì không thấy có yết thị. Vậy ta cứ đàng hoàng dõng dạc mà đi. Người quân tử đầu đội trời, chân đạp đất không kiêu ngạo với ai, nhưng không khúm núm sợ hãi”.

Và ông đồ ung dung tiến qua miếu.

Vừa đi khỏi mươi bước, nghe tiếng động sau lưng, ông đồ quay lại. Một người từa tựa như ông và cũng vai mang lều chiếu, tay xách khăn gói. Ông ngạc nhiên hỏi:

- Tiên sinh ra kinh kỳ ứng thí?

Người kia đáp:

- Thưa vâng.

- Tiên sinh đi đường nào tới mà vừa giờ tôi không gặp tiên sinh ở quán?

- Tôi ở miếu ra.

Người đó nói thực. Vì đó chính là ông thần hiện thành hình một thầy khóa đi thi. Ông đồ hỏi:

- Tiên sinh vào miếu làm gì thế?

- Tôi vào lễ đức Thánh để cầu khẩn ngài phù hộ cho được đỗ… cao. Vì ngài thiêng lắm, ai cầu gì cũng được nấy, mà ai vô lễ với ngài thì thế nào cũng bị ngài vật chết.

Đó là lời đe dọa của ông thần. Nhưng ông đồ ngay thẳng vô tình không lưu ý tới. Ông còn thật thà hỏi một câu mà thần cho là có ý nghĩa khiêu khích:

- Âm dương cách biệt, ngài làm thế nào mà vật chết được người trần?

- Ngài đã có phép chứ.

Rôi ông thần ngập ngừng nói tiếp:

- Ban nẫy tôi đứng trong miếu nhìn ra thấy tiên sinh hình như đi qua miếu không bỏ nón cúi đầu.

- Vâng, chính thế. Tôi tưởng thế cũng không phải là khiếm lễ với thần. Trời nắng thì phải đội nón. Còn như cái đầu nó đương thẳng thắn ở trên cái cổ can chi lại nghiêng nó đi, lại cúi nó xuống. Chỉ những kẻ hèn hạ không biết tự trọng hay không chính trực, quang minh mới khúm núm sợ hãi mà thôi.

Ông thần mỉm cười mỉa mai:

- Vậy hẳn là ngài chính trực quang minh?

Nhưng ông đồ không tức giận và thản nhiên đáp:

- Tôi chỉ biết bình sinh không nói dối một câu, chưa bao giờ làm một việc phi pháp, còn như có chính trực quang minh hay không thì quả tôi không dám khoe rằng tôi chính trực quang minh.

Ông thần thầm nhủ : “Được rồi! Mi bảo rằng mi không từng nói dối, không bao giờ làm việc phi pháp. Vậy ta sẽ theo mi để chờ cho mi nói dối một câu, hay làm một việc phi pháp, bấy giờ ta sẽ trị mi, ta sẽ vật chết tươi, cho hồn mi không còn oán hận ta được nữa”.

Ông thần nghĩ thế rồi thân mật bảo ông đồ:

- Bác tính ở đời ai mà không nhỡ có khi nói dối một câu… vô hại.

- Có lẽ vì không biết hay vì vô tình mà sai lầm chứ người quân tử không bao giờ lại có ý nói dối, dù câu nói dối của mình không có hại hay chỉ là một câu đùa giỡn để làm cho vui chúng bạn.

Ông thần đổi chuyện hỏi:

- Chắc hẳn bác đã học thuộc hết bộ tứ thư và kinh, sử.

Ông đồ thành thực nhún nhường đáp:

- Người học giả nào dám tự phụ rằng mình đã học hết tứ thư, kinh, sử. Vì trong đó còn biết bao nhiêu điển tích mình không hiểu, còn có biết bao nhiêu ý nghĩ tinh vi mình chưa nhận xét được.

Ông thần ngầm phục tính thẳng thắn của kẻ thù nhưng ông còn căm tức. Lúc ấy ông đồ kêu khát nước và rướn nhìn phía xa xem bên đường có cái hàng quán nào không. Ông thần cười nói:

- Giá bây giờ có mía ăn vài tấm nhỉ?

- Thôi còn phải nói.

Giữa lúc ấy vừa đi khỏi rặng tre, hai người thấy một vườn mía hiện ra. Đó là một phép lạ của ông thần, nhưng ông đồ vô tình biết đâu mà đề phòng lòng nham hiểm của bạn cùng đường. Vì thế ông thần vừa rủ rẽ xuống vườn mía, ông đồ nghe theo ngay.

Nhưng ông không theo ông thần rút dao chặt mía. Ông chỉ cất tiếng hai ba lần gọi to:

- Ông chủ vườn mía!... Có ai đấy không, ra bán mía.

Ông thần cười hỏi:

- Bác gọi người ta làm gì thế?

- Để mua mía.

- Vẽ! Ăn một vài cây cho khỏi khát rồi đi, ai biết đấy là đâu. Vả trong vườn mía có tới hàng nghìn, hàng vạn cây, mình ăn một vài cây có thấm thía gì.

Ông đồ ôn tồn đáp:

- Lấy của người khác tức là điều phi pháp. Không ai trông thấy nhưng lương tâm mình biết và không để mình yên. Còn như bác bảo vườn mía có nhiều gốc, thì được thế là ở công trồng trọt của người ta, chớ có phải tự nhiên nó mọc lên như cỏ đâu.

Ngẫm nghĩ một lát ông lại nói:

- Nhưng chúng ta cứ việc ăn, tôi có cách.

Ông thần nửa mừng nửa lo, mừng vì thấy kẻ thù đã trúng kế mình, lo vì thấy hắn bảo đã có cách.

Ông tự nhủ : “Thử xem cách ấy là cách gì?”

Ăn xong hai cây mía, ông đồ mở khăn gói lấy mười sáu đồng tiền buộc vào cái cọc và nói như phân bua:

- Bản nãy tôi mua sáu đồng một cây. Bây giờ tôi trả quá lên tám đồng, sợ ở đây người ta bán đắt hơn chăng.

Nghe nói, ông thần tái mặt đi, đành cũng lặng thinh lấy tiền làm theo bạn đồng hành. Nhưng ông bày ngay ra một mưu khác và nghĩ thầm : “Nó đã muốn thế thì ta cho nó hết tiền. Chắc anh đồ ngông nghênh và kiết xác này chả có được bao nả. Cái kế của ta, nhà binh gọi là “tương kế tựu kế”.

Liền hóa phép ra một vườn dưa bở chín và thơm tho rồi rủ ông đồ xuống ăn. Nhưng ông kia từ chối:

- Xin mời bác cứ tự nhiên. Còn tôi, tôi chỉ có một số tiền nhỏ mọn đủ để ăn trọ ở kinh đô trong một tháng, tôi không dám phung phí quá độ.

Thế là mưu kế ông thần lại hỏng.

Trời chiều. Đường vắng. Tiếng chuông chùa buồn gieo trong yên lặng, ông thần vờ lo lắng bảo ông đồ:

- Trời gần tối rồi mà quanh đây không có làng mạc hàng quán, chúng ta biết sao đây?

Ông đồ bình tĩnh trả lời:

- Ta cứ đi một quãng nữa xem có nơi nào chúng ta xin vào ngủ trọ. Bằng không thì chúng ta dựng lều bên đường ngủ tạm một đêm phỏng đã sao?

Vừa nói dứt lời, ở xa xa đã thấy lập lòe một tia lửa đỏ. Ông thần nói:

- Có lẽ đó là cái quán.

Quả thực đó là một cái quán mà ông thần đã dùng phép thiêng dựng lên trong khoảnh khắc. Hai người đến gõ cửa. Hai thiếu nữ xinh đẹp ra đón tiếp. Ông thần mỉm cười nói trêu ghẹo:

- Chào hai cô mình! Hai cô mình ở đây có một mình thôi ư?

Cô chị nhí nhảnh đáp:

- Chả hai mình là gì?

Bọn họ làm thế cốt nhử cho ông đồ chính trực quang minh cùng chớt nhả làm theo. Nhưng ông đồ chỉ lễ phép hỏi:

- Thưa hai cô, bà chủ hay ông chủ quán đâu? Chúng tôi muốn ngủ trọ một đêm.

Cô em liếc mắt đưa tình:

- Chính chúng em là hai cô chủ quán. Thầy chúng em mất rồi. Còn mẹ chúng em bỏ chúng em đây để đi tái giá.

Ông đồ buồn rầu nói:

- Thế thì chúng tôi lấy làm tiếc rằng không thể ngủ trọ hàng hai cô được.

- Tại sao?

- Vì không là vợ chồng thì một người đàn ông trẻ không thể ngủ cùng nhà với một người con gái xinh đẹp được.

Nói đoạn, ông đồ giương lều nằm ngủ ở trước cổng, để mặc ông thần vào trong quán trọ của hai người thiếu nữ.

Sáng hôm sau, ông đồ dậy sớm thu xếp lều chiếu gói lại. Ông vui sướng nghe chim muông  ca ríu rít trên cành cây tươi xanh. Và tức cảnh ông vịnh một bài thơ tứ tuyệt. Lòng ông lâng lâng thanh thoát không gợn chút hình ảnh hai người gái đẹp tối hôm qua. Trả tiền cơm nước xong, hai người lên đường. Ông thần tức vì nỗi không sao đưa được kẻ thù vào tròng. Nhưng ông càng niềm nở thân mật.

Và ông xoay kế khác : “Ta không giết được nó về tội nói dối hay về tội làm điều phi pháp thì ta sẽ giết nó về cái tính bất cẩn và hấp tấp không chịu suy nghĩ vậy”.

Thần liền hóa phép ra một cái giếng thơi. Giữa trưa trời nắng, ai cũng khát nước và gặp giếng mát nước trong ai chẳng vui thích muốn uống. Nhưng giếng sâu quá mà miệng giếng lại nhỏ quá không sao thò tay múc nước được.

Dù thế mặc lòng, ông thần cũng lấy bát gỗ ra rồi theo thành giếng leo xuống. Uống xong, ông ta lại leo lên một cách dễ dàng nhanh nhẹn, vì ông ta là thần có nhiều phép lạ, nên không thể trượt chân ngã được.

Đến lượt ông đồ Bể. Ông đứng từ thành giếng ngó xuống đáy nước và ông nói:

- Bác thực có tài! Chứ giếng sâu thế này thì tôi xin chịu không thể nào xuống được.

Gần đấy, hai người lực điền đang tát nước bằng chiếc gầu dây. Ông đồ liền chạy lại mượn rồi thả gầu xuống múc nước uống. Lúc hết khát ông đồ mới nhận thấy ở trong gầu có một nén vàng, tia sáng chiếu lên chói lòa cả mắt. Ông giơ lên hỏi:

- Cái gì thế này?

Ông thần ghé lại nhìn:

- Dễ vàng! Phải đích vàng rồi. Số bác được của! Trời cho bác đấy! Nên gói vào khăn để khi nào thi đỗ xong mà dùng làm tiệc ăn mừng.

Ông đồ lắc đầu:

- Vàng này không phải của tôi, khi nào tôi lại lấy như thế!

- Vàng ấy tuy không phải của bác, nhưng bác bắt được thì nó là của bác.

- Biết đâu rằng không phải vàng của thần giếng. Vì vàng nặng tất chìm. Thế mà đây là vàng nổi trên mặt nước đủ tỏ rằng đó không phải là vàng của người dương thế.

Nói đoạn, ông đồ cất tiếng hô lớn:

- Ngươi là vật sở hữu của ai, bản thân ngươi là gì, phải hiện nguyên hình mà về với chủ ngươi.

Tức thì một con rắn vàng quẫy mạnh nhảy từ lòng gầu xuống giếng. Nén vàng biến mất.

Chiều hôm ấy hai người tới kinh đô. Ông thần rủ ông đồ đến trọ ở một hàng cơm phố hàng Trống, cho được gần trường thi. Về mùa thi cử, ở phố nào cũng có hàng cơm và nhiều nhà thường đổi thành khách sạn.

Vừa đến nơi, ông đồ đã nghe thấy hai thầy khóa bàn tán:

- Năm nay lão đốc Sơn Nam chủ khảo.

- Thế thì nguy to rồi.

- Thôi anh em mình đành mang hận trở về.

Lão làm chủ khảo thì tôi nhất định không thèm thi.

Ông đồ Bể hỏi:

- Sao quan đốc học Sơn Nam làm chánh chủ khảo tiên sinh lại bỏ thi?

Người kia giọng gắt gỏng:

- Vì lão ta ăn tiền dữ lắm. Đút lót lão thì đỗ, không đút lót lão thì dẫu có tài cũng bằng thừa. Như thế còn thi với cử làm gì?

- Thiết tưởng thánh thượng đã định kén chọn nhân tài thì tất phải giao việc ấy cho bầy tôi xứng đáng. Tôi sợ tiên sinh ngờ oan cho quan chánh chủ khảo chăng?

- Oan gì? Còn lạ gì cái đức tính xiểm nịnh và ăn hối lộ của lão đốc học già ấy. Lão ta đỗ trạng đấy. Nhưng lão ta lại trạng cả về khoa đục khoét nữa.

Câu nói khôi hài làm gian phòng trọ vang động tiếng cười. Không còn ai thèm giấu giếm, kiêng nể nữa. Lòng công phẫn của các thí sinh đã nghiễm nhiên trở nên ầm ĩ và ồn ào.

Cơm nước xong, ông thần rủ ông đồ tới kinh đô, song những thứ được xem, ông đã đọc qua trong các pho sách Tàu mà mấy người bạn giàu có cho ông mượn nên ông không lấy làm kỳ dị lắm và không trầm trồ khen ngợi như nhiều người nhà quê mới tới thành thị náo nhiệt lộng lẫy. Thấy thế, ông thần liền hỏi một câu để được bắt quả tang ông đồ nói dối:

- Chắc bác đã nhiều lần đến kinh đô.

- Không, lần này là lần đầu tiên tôi lai kinh ứng thí.

- Nhưng các hàng hóa bày bán ở các phố chắc bác đã được coi nhiều lần rồi?

- Không, lần này là lần thứ nhất tôi nhìn thấy. Nhưng tôi được thấy tả trong các pho sách Tàu mà người ta cho mượn.

Tới một phố vắng, ông thần ghé gần lại thì thầm bảo ông đồ:

- Tôi có một câu chuyện tâm sự muốn ngỏ cùng bác.

Ông đồ nhún nhường đáp:

- Vậy xin bác cho nghe, may ra tôi sẽ được một bài học về khoa xử thế.

- Chỉ sợ bác cho là quá đường đột.

- Thưa bác, tôi đâu dám, xin bác chỉ giáo cho.

Giọng nói của ông thần càng nhỏ hơn:

- Tôi thấy bác là người có tài lỗi lạc mà càng ngày càng thêm kính mến. Có học, có thông minh như bác thì phải đỗ, mà phải đỗ cao, nếu không đỗ đầu. Nhưng xem tình hình khoa này và nghe những lời bình phẩm viên chánh chủ khảo thì dẫu làm văn hay như rồng bay phượng múa mà không đút lót cũng khó lòng đỗ được.

Ông đồ ngắt lời nói gạt đi:

- Đó là họ phỏng đoán cả, chứ đấng thiên tử là bậc minh quân thì các quan tất phải là các bậc lương quan thanh liêm và chính trực. Đâu lại có chuyện ăn tiền ăn lễ như họ nói được.

Ông thần mỉm cười:

- Bác ạ, thế gian chẳng ít thì nhiều, không dưng ai dễ đặt điều cho ai. Lão đốc ấy tôi xem ra có vẻ gian giảo thực đấy.

Ông đồ buồn rầu đáp:

- Nếu quả có thế thì đành chờ khoa sau vậy, chứ biết sao?

Ông thần lắc đầu:

- Tôi thì tôi nghĩ khác. Tuổi trẻ của người ta chỉ có một thời. Rồi người ta già yếu, trí tuệ mòn mỏi dần dần. Bác vì nhà nghèo mà khoa này mới ứng thí được, kể đã muộn lắm rồi. Đáng lẽ bác phải chiếm bảng vàng ngay từ một, hai khóa trước đây. Chẳng lẽ vì một sự bất công của một viên chánh chủ khảo thiếu lương tâm mà mình chịu để mai một đại danh của mình, mà chịu bỏ phí mất cái tuổi trẻ quý báu của mình ư?

__________________________________________________________________

 

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

VỊ VƯƠNG THẦN VÀ HOÀNG TỬ BA ĐÌNH MẠNH (II)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Vừa nói xong, thiếu vương đã trông thấy một con thuyền bằng gỗ lương sơn đỏ, cột buồm mầu long não, cánh buồm bằng vải sa tanh mầu xanh từ từ tiến vào bờ chỗ thiếu vương và Bách Đạt đang đứng. Trong thuyền chỉ có một tay chèo, mà kẻ cầm mái chèo chính là một quái vật đầu voi mình ngựa.

Trước hiện tượng quái đản ấy, thiếu vương Ba Đình Mạnh cố giữ vẻ bình thản để khỏi phải kinh dị.

Lúc con thuyền cặp bến, con vật đưa đò đến chỗ họ, dùng vòi quấn vào hai người, đưa xuống thuyền rồi xuôi mái sang sông.

Bách Đạt đưa mắt nhìn thiếu vương, trong lòng lo lắng. Tuy vậy, thiếu vương vẫn giữ đúng lời hứa không thốt ra lời nào.

Thuyền ghé bến. Con quái vật lại dùng vòi đưa hai người lên bờ rồi biến mất.

Bách Đạt nói với thiếu vương:

- Tâu hoàng thượng, bây giờ chúng ta có thể nói chuyện với nhau được rồi. Nơi đây là hòn đảo của vị vương thần. Trong đất liền không có một thắng cảnh nào đẹp như vậy. Bệ hạ hãy xem, bốn bề cây cỏ tốt tươi, hương thơm ngào ngạt. Những nơi trần tục không sao sánh kịp.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh đưa mắt nhìn một hồi. Trước mặt hai người là một tòa lâu đài xây toàn bằng ngọc bích, xung quanh có hào sâu, thung lũng, cứ một khoảng cách lại có một cây cổ thụ lá cành rườm rà. Cửa lâu đài bằng vàng khối nối liền với một chiếc cầu bằng vẩy cá, dài hơn sáu trượng. Nơi đầu cầu lố nhố những vị thần to tướng, tay cầm giáo mác sáng lòa, đứng canh cửa.

Bách Đạt nói:

- Tâu bệ hạ, chúng ta đành chịu không thể đi được nữa. Những vị thần sẽ không để chúng ta được lại gần họ.

- Vậy bây giờ khanh nghĩ sao?

- Tâu bệ hạ, tôi đã nghĩ ra một cách.

Rồi, Bách Đạt rút trong lưng ra một cái túi, trong đựng bốn mảnh vải bằng vàng. Ông ta lấy ra một mảnh cột ngang lưng, một mảnh cột trên cổ, rồi đưa cho thiếu vương hai vuông bảo làm y như vậy.

Tiếp theo đó, ông lấy hai chiếc chiếu có mang sẵn trong người, trải ra bên mé đường và nói:

- Xin bệ hạ hãy ngồi. Tôi sẽ đốt hương cầu vị vương thần đến. Điều này rất quan trọng. Nếu vương thần bằng lòng cho chúng ta lấy pho tượng thì vương thần sẽ đến đây với vẻ hiền lành. Trái lại, nếu vương thần hiện đến trong hình thù quái gở, thì chúng ta khó tránh nổi tai nạn.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh nét mặt vẫn bình tĩnh, không chút lo âu, nhìn Bách Đạt nói:

- Khanh có cần cho ta biết việc tiếp đón vương thần phải như thế nào không?

Tâu bệ hạ, nếu vương thần đến, bệ hạ đứng dậy chào hỏi, nhưng không được bước ra khỏi chiếu. Và bệ hạ sẽ nói với vương thần như thế này:

- “Thưa vị chúa tể Thiên Thần. Xin hãy phù trợ cho tôi cũng như ngài đã phù hộ phụ vương tôi vậy”.

Nói xong, Bách Đạt đốt một thẻ trầm, khấn vái lâm râm. Tức thì một tiếng sấm nổ vang, bốn bề gió thổi ầm ầm, không gian cơ hồ như long trời lở đất.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh lòng lo sợ nghĩ bụng vương thần sẽ đến với lòng phẫn uất nên đưa mắt nhìn Bách Đạt.

Bách Đạt điềm nhiên nói:

- Tâu bệ hạ, xin cứ an tâm, không có gì đáng ngại cả.

Thực vậy, Bách Đạt nói dứt lời, vương thần hiện đến, nét mặt vui tươi, kêu thiếu vương nói:

- Hỡi vị thiên tử đáng mến kia ơi! Vương phụ của ngài đã ủy thác cho chúng ta gìn giữ pho tượng thứ chín và gởi gấm ngài cho ta phù trợ. Ta hứa sẽ hết lòng giúp đỡ ngài. Chính ta là kẻ đã giả hình ông già, mấy lần báo mộng cốt giúp cho ngài đến đây để trả lại pho tượng quí giá đó… Tuy nhiên, trước khi trao trả bức tượng quí giá kia lại cho ngài, xin ngài hãy vui vẻ giúp ta một việc.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh cúi đầu cảm tạ, và hỏi:

- Thưa vương thần, xin ngài chỉ dạy, kẻ hèn mọn này bao giờ cũng tận tâm.

Vương thần nói:

- Ngài hãy tìm và dẫn đến đây cho ta một cô gái mười sáu tuổi, sắc đẹp tuyệt vời. Nhưng cần nhất là phải còn trinh tiết từ thể chất đến tinh thần. Về thể chất, chưa có một bàn tay tình nhân nào mó đến. Về tâm hồn, cô gái đó chưa hề mơ tưởng đến một hình bóng nào.

Thiếu vương còn đang phân vân, vương thần tiếp:

- Ngài cho đó là những điều kiện khó khăn hay sao? Ta thiết tưởng những điều kiện đó tuy khó nhưng cũng không bằng điều kiện sau đây:

Suốt trong thời gian ngài tìm được cô gái ấy dẫn đến đây, ngài phải thề với ta là không động đến trinh tiết của nàng và không được để tâm hồn nàng vương vấn nhớ ngài.

Ba Đình Mạnh nói:

- Nhưng thưa ngài, điều mà tôi lo ngại là làm sao mà biết được có gái đó còn trinh bạch?

- Không khó gì. Ta sẽ đưa cho ngài một tấm gương thần. Khi cô gái nào còn trinh tiết, tấm gương đó sẽ trong sáng. Ngược lại, hễ cô gái nào không còn trinh trắng, tấm gương đó sẽ mờ đi, và ngài sẽ thấy trong tấm gương đó lẩn quẩn một bóng hình.

Ba Đình Mạnh vui vẻ nhận tấm gương rồi cúi lạy bái từ.

Nhà vua cùng lão Bách Đạt dắt nhau xuống sông. Chiếc thuyền của quái vật đầu voi mình ngựa đã chực sẵn ở đấy.

Quái vật lại đưa hai người sang sông như trước. Sang khỏi sông, Bách Đạt và nhà vua lại gặp lại đoàn quân của mình, bèn vội vã lên ngựa trở về Ai Cập.

Khi đến nơi, nhà vua nói với Bách Đạt:

- Chúng ta hãy đến Bá Đa ngay để tìm người con gái đem dâng vương thần để lấy pho tượng kẻo ta sốt ruột lắm.

Bách Đạt nói:

- Tâu bệ hạ, chúng ta hiện đang ở trong kinh thành Ai cập, một kinh thành tráng lệ mỹ miều, liệu không tìm ra được một nàng trinh nữ hay sao?

Nhà vua như chợt tỉnh:

- Ờ nhỉ, nhưng không biết chúng ta sẽ tìm bằng cách nào? Khanh thử nghĩ xem?

Bách Đạt nghĩ một lúc rồi nói:

- Tâu bệ hạ, tôi có quen một mụ đàn bà chuyên làm mối lái. Nếu bà ta chịu giúp đỡ thì chúng ta sẽ có kết quả nhanh chóng hơn, vì bà ta có rất nhiều gái đẹp.

Nói rồi, Bách Đạt thân chinh đến nhà bà lão thương lượng.

Bà lão ưng thuận, dẫn đến không biết bao nhiêu là gái đẹp, người nào người nấy đẹp cực kỳ, tuổi độ mười lăm mười sáu.

Vua Ba Đình Mạnh mang gương thần ra chiếu từng người.

Đáng buồn thay! Bóng người nào trong gương cũng mờ dần.

Trải qua hai ngày làm công việc mệt nhọc đó, nhà vua tỏ ra thất vọng ra mặt. Ngài than với Bách Đạt:

- Trời ơi, cả một kinh thành sang trọng thế này mà không tìm ra một nàng trinh nữ hay sao? Có lẽ tấm gương kia không linh nghiệm chăng? Lý đâu những cô gái đào tơ mơn mởn thế kia mà lại mất trinh tiết quá sớm như vậy?

Bách Đạt an ủi:

- Tâu bệ hạ, bề ngoài không thể nào minh chứng cho ta rõ được sự trong trắng bên trong. Vậy thần xin bệ hạ hãy cố gắng đến Bá Đa thử thách một lần nữa xem sao?

Nhà vua ưng thuận. Hai người lại sửa soạn lên đường. Khi đến kinh đô Bá Đa, Bách Đạt thuê một biệt thự rất sang ở đầu phố, mở một nhà hàng rất tân kỳ để đãi các quý khách. Dân trong kinh thành được tự do lui tới.

Sự giầu sang ấy làm cho anh chàng Bảo Minh, một kẻ ở trong thành phố ghen ghét.

Bảo Minh vốn dĩ là một người kiêu căng, hay ganh ghét, nhất là những người giầu có, mà anh ta thì nghèo nàn.

Nhân một buổi, Bảo Minh đi lễ ở nhà thờ nghe dân chúng bàn tán đến sự giầu sang đức độ của vua Ba Đình Mạnh, anh ta giận lắm bèn nói:

- Các bạn ạ, một người lạ tự nhiên đến ở trong địa phận chúng ta mà lại mang tiền đi vung vãi, biết đâu họ chẳng là những quân trộm cướp, bề ngoài tỏ vẻ nhân đức. Vậy chúng ta phải đề phòng. Các bạn hãy cùng tôi đi tố cáo, kẻo một ngày kia nhà vua hay, lúc đó chúng ta càng bị tội nặng hơn thì sao?

Dân chúng nghe xong kinh hãi nói:

- Vậy chúng tôi muốn anh thay mặt chúng tôi đi tố cáo với nhà vua.

Bảo Minh thích chí. Sáng hôm sau định bàn tính câu chuyện này với quan tổng trấn kỹ càng hơn.

Nhưng, ý định của chàng ta chưa thực hiện thì đã lọt vào tai Bách Đạt.

Bách Đạt nghĩ bụng:

“Những người như Bảo Minh cần phải hối lộ để dùng vào việc sau này”.

Rồi Bách Đạt bèn gởi năm ngàn đồng tiền vàng vào một chiếc khăn, lại cho thêm một kiện hàng gồm đầy đủ gấm vóc lụa là sang trọng đến biếu Bảo Minh.

Bảo Minh ngạc nhiên hỏi:

- Nhưng thưa ngài, ngài biếu tôi với mục đích gì?

Bách Đạt đặt gói vàng vào tay Bảo Minh rồi mới ôn tồn nói:

- Thưa ngài, tôi đến đây thể theo lời quốc vương Ba Đình Mạnh, vì ngài nghe tiếng ngài từ lâu nên muốn làm quen. Trước khi hội đàm, quốc vương tôi sai mang chút vật mọn này đến biếu ngài.

Đã được tiền, lại được nịnh bợ, Bảo Minh vui mừng cúi đầu đáp lễ rồi nói:

- Thưa ngài, được quốc vương Ba Đình Mạnh chiếu cố, thì còn vinh dự nào bằng. Lý ra tôi phải đến yết kiến quốc vương trước mới phải đạo, vậy xin ngài hãy về nói với quốc vương là kẻ hèn hạ này ngày mai sẽ đến phục mệnh.

Bách Đạt từ giã ra về. Sáng hôm sau, Bảo Minh đến nhà thờ rất sớm rồi nói với dân chúng trong vùng:

- Các bạn ơi, chúng ta không nên gây với người ngoài. Hơn nữa, vị khách chúng ta đang bàn tán đó chẳng phải ai xa lạ, chính là vị quốc vương đức độ. Chúng ta hãy cẩn thận, tố cáo vô lý, chúng ta sẽ không tránh khỏi tôi khi quân.

Chiếu đến, Bảo Minh ăn mặc tươm tất thẳng đến biệt thự ra mắt nhà vua.

Chàng ta được nhà vua tiếp đón rát niềm nở.

- Tâu bệ hạ, chẳng hay ngài ngự giá tới đây có lâu không?

Nhà vua đáp:

- Trẫm còn ở đây cho đến khi tìm được một nàng trinh nữ mười lăm, có nhan sắc tuyệt trần mà tâm hồn chưa bợn tình yêu.

Bảo Minh cười:

- Tâu hoàng thượng, điều đó quả là hiếm. Một nàng trinh nữ mười lăm không mơ tưởng đến tình yêu! Nhưng tôi cũng có thể dâng một người con gái để quốc vương coi mắt.

Nhà vua hỏi:

- Nàng đó là ai?

- Tâu hoàng thượng, nàng đó là con một vị đại thần, hiện đang ở một vùng xa xôi, không từng tiếp xúc với một người nào. Nàng được giáo dục đầy đủ. Còn về sắc đẹp, tôi dám quả quyết là không ai bì sánh nổi.

Nhà vua nói:

- Nhưng khanh phải cho trẫm biết mặt nàng thì mới chắc được chứ.

Bảo Minh thưa:

- Điều đó không mấy khó khăn đối với một vị quân vương như ngài. Tôi biết thế nào quan đại thần cũng nể vì, và để ngài hội ngộ mỹ nhân một lần. Vậy xin quốc vương hãy cùng tôi đến đó.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh bèn theo Bảo Minh.

Sau khi nghe Bảo Minh nói rõ mục đích, quan đại thần bằng lòng cho mỹ nhân hội diện.

Khi nàng vừa mở tấm voan che mặt, vị thiếu vương cảm thấy bàng hoàng cả người! Thật thế, một trang quốc sắc thiên hương, tưởng chừng như trên thế gian không ai sánh kịp.

Cao quý hơn, khi nhà vua đem chiếc gương thần ra chiếu thì thấy trong suốt, chứng tỏ nàng còn trinh tiết từ thể chất lẫn tinh thần, điều mà trong thế gian rất hiếm có.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh xao xuyến cả tâm hồn, tỏ ý xin vị đại thần cho phép được lấy nàng làm vợ.

Quan đại thần ưng thuận, cho mời pháp quan đến lập hôn thú và tổ chức lễ cưới thật long trọng.

Qua mấy ngày tiệc tùng, thiếu vương Ba Đình mạnh đưa mỹ nhân về biệt thự.

Bách Đạt lúc nào cũng hầu cận đức vua và nhắc nhở:

- Tâu bệ hạ, nếu muốn lấy pho tượng quý kia, xin bệ hạ gãy giữ lời hứa với vương thần.

Lòng thiếu vương lúc bấy giờ ngây ngất trước sắc đẹp của mỹ nhân. Nhưng rồi ngài cũng phải nén lòng trong những đêm tân hôn.

Còn gì đau khổ cho bằng khi ngồi vào một bàn tiệc đầy cao lương mỹ vị, trong khi bụng đói cồn cào mà đành phải nén lòng gác bỏ. Thật đáng thương cho nhà vua Ba Đình Mạnh! Ngài đang ở trong địa vị người thực khách ấy. Do đó, ngày đêm nhà vua buồn bã khôn nguôi.

Bách Đạt hiểu ý tâu:

- Tâu bệ hạ, chúng ta không nên nấn ná ở Bá Đa lâu ngày e không lợi. Hãy về Ai Cập cho sớm đúng theo lời vương thần.

Thiếu vương ngậm ngùi nói:

- Khanh ạ, nếu không vì quyền phép của vương thần, chắc ta không thể làm được việc này. Lòng ta thấy yêu nàng say đắm. Ta ước ao làm sao đem được nàng về Bách Đại Gia để chung sống với nàng.

Bách Đạt thở dài:

- Bệ hạ hãy làm sao thắng nổi lòng mình. Thần sợ nếu trái lời hứa e không thoát khỏi tai nạn.

Nhà vua đành âm thầm nuối tiếc nghe theo. Bách Đạt vội vàng sắm sửa hành lý rồi từ giã kinh thành để trở về Ai Cập.

Đến nơi, Bách Đạt lại hối thúc nhà vua lên đường để cống hiến mỹ nhân cho vương thần.

Từ ngày rời khỏi Bá Đa cho tới nay, thiếu vương không còn đủ can đảm để gặp mỹ nhân. Nhà vua cố lánh mặt để khỏi gặp phải cảnh ngộ đau đớn.

Không thấy mặt nhà vua, mỹ nhân hỏi:

- Chúng ta đến đâu rồi, từ đây đến kinh đô Bách Đại Gia còn bao nhiêu?

Bách Đạt đáp:

- Thưa tiểu thư, bây giờ tôi không còn lý do để giấu tiểu thư. Quốc vương không cưới nàng làm vợ, mà cưới nàng để cống hiến vương thần. Vì chỉ có nàng mới có đủ điều kiện với vương thần.

Mỹ nhân nghe xong lặng người đi. Nàng ngồi yên một lúc rồi bật khóc nức nở.

- Hỡi ơi! Trời đất như nổi cơn giông tố và đang vùi dập một đóa phù dung mơn mởn dưới làn mưa bão cay nghiệt.

Nàng khóc thê thảm, gọi tên đức vua đầy oán hờn:

- Trời ơi, tôi làm gì nên tội mà ngài nỡ đang tay bắt tôi cống hiến cho vương thần, không chút từ tâm.

Mặc dù nhà vua có đau lòng cách mấy cũng không biết làm sao. Người đẹp có đổ ra nước mắt gấp mấy cũng vô ích, ván đã đóng thuyền còn làm sao quay trở lại.

Mọi người bàn định xong đem nàng dâng vương thần ngày.

Vương thần ngắm nhìn mỹ nữ coi bộ mãn nguyện. Ngài nói với vua Ba Đình Mạnh:

- Ta hài lòng khi biết ngài là vị thiên tử còn trẻ mà đã có đủ sức thắng nhục dục, bảo tồn lời hứa và danh dự. Bây giờ ngài hãy trở về Bách Đại Gia. Ta sẽ sai thần linh đem pho tượng thứ chín về Thái Miếu.

Nhà vua cùng Bách Đạt trở về kinh thành Ai Cập. Dọc đường, ngài không nói năng gì, mặc dù sắp đạt được nguyện vọng, lòng luôn mơ tưởng đến hình bóng giai nhân. Một người con gái hoàn toàn trong sạch như vậy mà ngài nỡ đang tâm cống hiến cho vương thần, làm hại cả một đời trinh nữ. Đau đớn thay!

Rồi nhà vua đâm ra hối hận. Ngài không còn mơ ước gì pho tượng thứ chín kia nữa.

Về đến Bách Đại Gia, thiếu vương đem câu chuyện trình bày với mẫu hậu.

Hoàng thái hậu nói:

- Vương thần nói đúng, con không nên làm sai lời hứa. Vậy chúng ta hãy đến Thái Miếu xem pho tượng quý kia.

Hai mẹ con không nói gì, cùng nhau đến nhà Thái Miếu, rồi hồi hộp bước xuống hầm.

Chao ôi! Pho tượng thứ chín không bằng ngọc thạch mà bằng xương bằng thịt.

Nhà vua nhận ra đúng là nàng mỹ nữ mà mình đã đem dâng hiến cho thần linh.

Mỹ nữ nhìn nhà vua, mỉm cười:

- Tâu bệ hạ, có lẽ bệ hạ ngạc nhiên khi thấy thần thiếp ở đây. Bệ hạ ôi, thiếp chính là pho tượng thứ chín, một pho tượng khác hẳn những pho tượng kia, biết yêu quí bệ hạ, biết phụng thờ bệ hạ, trong khi các pho tượng khác dù quí đến đâu cũng không làm bệ hạ hài lòng về điểm đó.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh mừng rỡ vô hạn, liền gọi:

- Ái khanh ơi! Lòng ta có thượng đế chứng giám. Dù các pho tượng kia có quý gấp mấy cũng không bằng ái khanh. Lý do ta phải mang cống hiến ái khanh cũng chỉ vì ta coi trọng lời hứa và danh dự.

Thiếu vương vừa nói xong, bỗng một tiếng sấm nổ vang trời, rồi vương thần hiện đến, nói với hoàng thái hậu:

- Từ đây tôi đã thấu rõ lòng can đảm của thiếu vương. Vậy tôi sẽ xin phù trợ ngài. Giữ lời hứa, tôi đã đem pho tượng thứ chín đến cho ngài.

Nói xong, vương thần quay nhìn thiếu vương Ba Đình Mạnh mỉm cười:

- Ngài hãy vui vẻ tiếp nhận đặc ân ấy cho đến khi chết. Vì nàng sẽ là người vợ hiền mang lại hạnh phúc cho ngài suốt đời.

Nói rồi, vương thần biến mất.

Nỗi mừng vui không sao tả nổi, nhà vua truyền mở tiệc khắp mọi nơi, và cử hành hôn lễ thật trọng đại.

Cũng từ ngày đó, mỹ nhân trở thành hoàng hậu xứ Bách Đại Gia, và chung sống với vua trong niềm hạnh phúc trọn đời.

Mỹ Thanh Loan kể đến đây, trời vẫn chưa sáng. Vua Sa Hy A nghe xong ngơ ngẩn bàng hoàng. Ngài nhìn khuôn mặt diễm kiều dưới ánh hoa đăng như tiên nữ đang lả lướt trong thiên thai.

Nhà vua nghĩ thầm:

 “Không lẽ người con gái ngồi trước mặt ta lại có sức quyến rũ ta đến trọn đời hay sao?”

Có lẽ, vì Mỹ Thanh Loan đã làm thay đổi nội tâm ông vua sầu vọng ấy qua những men tình ngây ngất nhất, cho nên nhà vua vẫn còn muốn để nàng sống để quên đi cái buồn vạn cổ.

Trong lúc vua đang thả hồn vào cõi mộng, thì Mỹ Thanh Liên nói với chị:

- Chuyện chị kể làm em say mê quá!

Mỹ Thanh Loan cười buồn nhìn nhà vua:

- Nếu bệ hạ cho phép chị kể tiếp những câu chuyện sau đây, thì em sẽ thấy còn say sưa hơn.

Nhà vua cầm tay nàng cười:

- Ái khanh cứ kể tiếp đi, ta cho phép.

Mỹ Thanh Loan lại bắt đầu vào chuyện: