4. CẬU BÉ MIỀN NAM
Thứ bảy, ngày 22
Chiều hôm qua, trong khi thày giáo đang cho chúng tôi biết tin tức anh Dư-Biên và nói anh sẽ phải chống nạng trong ít lâu thì ông hiệu trưởng đưa một người học trò mới vào lớp. Cậu bé, da nâu, tóc đen, mắt to, mày giao, mặc quần áo màu sẫm, ngoài nịt dây da. Sau khi nói nhỏ với ông Bích-Niên mấy câu, ông hiệu trưởng để cậu bé ở lại rồi ra. Anh học trò mới trố mắt nhìn chúng tôi, có vẻ sợ sệt. Thầy giáo liền dắt anh lại trước mặt chúng tôi và bảo rằng:
- Các con ơi! Các con hẳn được vui lòng vì hôm nay trường ta mới vào một trò em, quê ở xứ Cát-Lạp (1) cách đây xa lắm, ở mãi tận miền cực nam nước ta. Các con hãy niềm nở tiếp người bạn mới này. Em là dân một địa phương có tiếng, địa phương ấy đã sinh ra những bậc danh nhân, những tay thợ khéo và những quân nhân dũng cảm. Xứ của em là một xứ vào bậc thanh tú nhất nước, có bao nhiêu là núi lớn rừng xanh, dân cư rất thông minh và can đảm. Các con ơi! Các con hãy yêu quý bạn con cho bạn con khuây nỗi nhớ quê. Các con hãy tỏ cho bạn con biết rằng một đứa trẻ nước Ý đi đến trường nào trong nước là cũng gặp được bè bạn, gặp được anh em ở trường ấy.
Nói xong, ông Bích-Niên lại chỗ treo bản đồ Ý-đại-lợi, trỏ vị trí xứ Cát-Lạp cho chúng tôi coi. Xong thày dõng dạc gọi:
- Đỗ-Sinh!
Đỗ-Sinh – anh học trò bao giờ cũng chiếm phần thưởng thứ nhất – đứng dậy.
- Con lên đây.
Đỗ-Sinh ra ghế, lên bàn giấy, đứng cách anh học trò mới độ hai bước.
- Con là người đầu lớp, lấy tư cách ấy, thay mặt anh em, con hãy đem dấu thân ái của một người dân xứ Bắc tỏ cùng một người dân xứ Nam.
Đỗ-Sinh lại gần anh học trò miền Nam nói rất êm ái và rõ ràng:
- Chúng tôi mừng anh!...
Rồi Đỗ-Sinh hôn hai má người bạn mới một cách rất nồng nàn. Chúng tôi vỗ tay rầm rập.
Thầy quát:
- Im! Không được reo cười trong lớp!
Tuy nhiên, thày tỏ ý rất bằng lòng về mối nhiệt tình của chúng tôi. Cậu bé miền Nam cũng ra dáng vui sướng.
Ông Bích-Niên đưa cậu bé đến chỗ ngồi và nói thêm:
- Cho được cái kết quả nói trên, nghĩa là làm cho một đứa trẻ xứ Nam ra ở xứ Bắc cũng như ở nhà mình và đứa xứ Bắc vào xứ Nam cũng tựa như về quê mình, nước ta đã phải chiến đấu trong 50 năm trời và đã hy sinh trên ba vạn người Ý mới khôi phục được quyền tự do ấy. Vậy các con hãy coi nhau như con một nhà, yêu nhau như anh em ruột thịt. Kẻ nào thấy người bạn mới không phải là người xứ mình mà đem lòng khinh rẻ, kẻ ấy sẽ không đáng ngẩng mặt nhìn ngọn quốc kỳ đi qua.
Cậu học trò miền Nam vừa ngồi vào chỗ thì các bạn chung quanh tíu tít, kẻ đưa ngòi bút, người cho bút chì và tranh ảnh, một bạn ngồi ghế sau gửi lên cho cậu một cái tem Thụy Sĩ để tỏ tình thân ái.
--------------------
(1) Calabres
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét