Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

A-LA-ĐANH VÀ CÂY ĐÈN THẦN (VI)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


- Hai hôm nay khanh có gặp phò mã không?

Thừa tướng tâu:

- Tâu bệ hạ, hạ thần vẫn gặp phò mã hàng ngày. Nhưng từ đêm tân hôn tới nay, hạ thần thấy phò mã không được vui trong lòng.

Vua gạn hỏi:

- Khanh có biết tại sao không?

Quan thừa tướng cúi đầu đáp:

- Tâu bệ hạ, hạ thần cũng không hiểu rõ vì cớ gì. Nhưng hạ thần chắc rằng không phải phò mã không vui vì chuyện nhân duyên. Vì con hạ thần được bệ hạ thương mà cho hưởng đặc ân đó thì lẽ nào lại buồn như vậy.

Vua liền kể câu chuyện mà công chúa nói lúc sáng cho thừa tướng nghe.

Quan thừa tướng nghe xong vội vã xin nhà vua lui gót về dinh, rồi gọi con ra hỏi:

Phò mã thưa:

- Thưa thân phụ, câu chuyện mà công chúa kể rất đúng. Hơn thế nữa là khi nàng ngủ bên cạnh anh chàng lạ mặt kia thì con phải đứng ở một góc bếp rất khổ sở. Hắn làm phép khiến tay chân con rũ liệt không cử động được. Thật là chưa bao giờ con phải chịu cực hình như vậy.

Quan thừa tướng nghe con nói xong thì suy nghĩ lao lung.

Phò mã buồn rầu thưa với cha:

- Thưa thân phụ, ngôi phò mã là cao quí lắm nhưng con không dám mơ tưởng nữa. Xin cha thương con mà tâu với hoàng thượng cho con được sống yên ổn, không bị phiền lụy như những đêm trước.

Quan thừa tướng thương con vô cùng. Ông không muốn cho con phải khổ nên vội vào triều yết kiến vua.

Đức vua hỏi:

- Khanh đã nghe phò mã nói những gì?

Quan thừa tướng quì xuống tâu cho nhà vua rõ tất cả những chuyện mà phò mã thuật lại. Rồi ông ta xin vua bãi bỏ cuộc hôn nhân. Ông nói:

- Tâu bệ hạ, công chúa là bậc thiên kim tiểu thơ, nay vì cuộc nhân duyên này mà khổ như vậy. Xin bệ hạ cho phép con trai hạ thần trả lại chức phò mã để công chúa khỏi mang họa.

Nhà vua cũng vì thương con nên chấp thuận ngay lời xin của quan thừa tướng.

Thế là nhà vua truyền cho dân chúng ngừng các cuộc vui trình diễn ngoài phố.

Không ai hiểu được là có chuyện gì xẩy ra bất ngờ. Họ đều xì xào bàn tán, người nọ hỏi người kia với nỗi hoang mang trong lòng.

Nhưng đối với A-La-Đanh thì chàng không ngạc nhiên về chuyện đó. Chàng nằm khểnh ở nhà, nhìn những đám mây ngoài khung cửa sổ, nhìn cánh chim bay, nhìn cây cối, rồi chàng mỉm cười nói với mẹ:

- Hiện nay con lão thừa tướng đã xin bãi việc hôn nhân với công chúa rồi. Chắc thế nào nhà vua cũng gả công chúa cho con. Vậy mẹ hãy sửa soạn vào triều tâu vua xin cưới công chúa cho con.

Mẹ A-La-Đanh lắc đầu nói:

- Đức vua đã gả công chúa cho con thừa tướng tức là ngài không bằng lòng con. Vậy nếu mẹ tới xin cầu hôn thì cũng vô ích mà có khi ngài lại nổi giận bắt tội mẹ con ta nữa.

A-La-Đanh nói:

- Không đâu, mẹ ạ. Công chúa nay đã trở thành người không có chồng. Hơn nữa, mẹ cứ tới nhắc lại lời hứa cũ của nhà vua xem ngài nói sao?

- Nếu vậy thì chúng ta đợi đúng ba tháng hãy vào yết kiến vua như lời ngài đã hứa.

A-La-Đanh thấy mẹ nói có lý đành ngồi nhà chờ đợi cho đủ kỳ hạn ba tháng.

Qua thời gian đó…

A-La-Đanh một bữa kia nói với mẹ:

- Hôm nay là đúng ba tháng qua rồi, mẹ hãy vào triều xin yết kiến vua đi.

Mẹ A-La-Đanh không thể từ chối công việc đó, dù bà nghĩ rằng rất nguy hiểm. Thôi thì bà cũng đành nhắm mắt chiều đứa con duy nhất mà bà yêu thương. Bà thay đổi quần áo cho sạch sẽ rồi ra đi.

Mẹ A-La-Đanh vào tới cung thì lúc đó đang buổi chầu. Nhà vua đang cùng văn võ bá quan họp bàn việc nước.

Mẹ A-La-Đanh sụp lạy dưới bệ rồng. Nhà vua thấy vậy thì chợt nhớ ra lời hứa cũ, bèn nghĩ bụng:

- “Ta có ý hẹn ba tháng để cho qua câu chuyện. Không ngờ mụ ta lại đến nữa, thật là rầy rà…”

Rồi ngài quay sang hỏi quan thừa tướng:

- Ba tháng trước trẫm có hứa với bà lão này về việc cầu hôn với công chúa. Vậy nay phải làm sao?

Quan thừa tướng tâu lên:

- Xin bệ hạ nhận lời cầu hôn, nhưng bắt mụ ta phải dâng đủ những lễ vật hiếm có nhất trên đời thì mụ ta tất phải thất vọng mà thôi ngay chuyện điên rồ đó.

Vua gật đầu khen phải rồi quay lại phán bảo mẹ A-La-Đanh:

- Ta dòng dõi đế vương nên luôn luôn giữ lời đã hứa. Ta chấp thuận lời cầu hôn của con trai bà với công chúa con ta. Nhưng sính lễ bà phải có đủ bốn mươi mâm chất đầy châu báu quí và do bốn mươi tên mọi da đen đội. Theo sau mỗi mâm phải có một lực sĩ khôi ngô để dâng sính lễ. Tất cả đều phải ăn mặc quốc phục đại lễ.

Mẹ A-La-Đanh cúi đầu lạy tạ nhà vua rồi lui gót.

Ra tới đường, bà nghĩ thầm:

- “Cưới con vua thật là phiền! Sính lễ toàn những thứ hiếm có thì lấy đâu ra bây giờ. Thật là xấu hổ cho con ta!”

Vừa thấy bà về tới cửa, A-La-Đanh đã chạy  ra săn đón, hỏi mẹ:

- Công việc ra sao hả mẹ?

Mẹ A-La-Đanh thở dài nói:

- Con ơi! Thôi đừng mơ chuyện cầu hôn với công chúa nữa. Nhà mình nghèo làm sao mà động tới con vua được. Mẹ vào chầu vua, ngài bằng lòng nhưng đòi đủ sính lễ mới được.

- Thế là việc đáng mừng chớ sao mẹ lại buồn mà than thở như vậy?

- Nhưng sính lễ nhà vua đòi làm sao mẹ con ta lo được. Mà bắt phải bốn mươi mâm đầy châu báu do bốn mươi tên da đen mặc quốc phục đại lễ đội, theo sau mỗi mâm phải có một tên da đen lực sĩ khôi ngô.

A-La-Đanh vui vẻ nói:

- Những đồ sính lễ đó đâu có khó khăn gì. Xin mẹ đừng lo gì hết. Mọi việc mẹ cứ để con lo. Bây giờ mẹ hãy đi chợ mua thức ăn làm cơm kẻo con đói lắm rồi.

Mẹ A-La-Đanh thấy con nói chắc chắn như vậy thì cũng tạm yên lòng, thu xếp đi chợ.

Còn một mình ở nhà, A-La-Đanh vào buồng lấy cây đèn thần ra, xát vào. Tức thì thần đèn hiện ra đợi lệnh.

A-La-Đanh nói:

- Hiện nay nhà vua đã chấp thuận lời cầu hôn của tôi rồi. Vậy xin thần hãy giúp tôi việc này.

Rồi A-La-Đanh kể hết những lễ vật mà nhà vua đòi hỏi cho thần đèn nghe.

Chỉ nháy mắt sau, thần đèn đã hiện ra với bốn mươi tên mọi da đen và lực sĩ, cùng bốn mươi mâm vàng ở trên xếp đầy ắp kim cương, ngọc thạch quí giá. Ngoài ra, mỗi mâm lại phủ một cái lá mỏng bằng nhung xanh có hoa vàng rất đẹp.

Tất cả đoàn mọi da đen và lực sĩ mang lễ vật kéo vào căn nhà của A-La-Đanh chật ních.

Mẹ A-La-Đanh đi chợ về, thấy nhà đầy những người thì ngạc nhiên quá, gọi con ra hỏi:

- Khách nào tới đây mà đông thế con?

A-La-Đanh đáp:

- Đây là đám người đội bốn mươi mâm lễ vật theo đúng sự đòi hỏi của nhà vua. Vậy đã đủ cả rồi, xin mẹ dẫn họ vào ra mắt vua cho kịp buổi chầu.

Mẹ A-La-Đanh không kịp hỏi thêm thì A-La-Đanh đã hối đoàn người ra đi.

Đoàn người nối đuôi nhau đi dài suốt dãy phố. Cứ mỗi tên da đen đội mâm lễ vật lại có một lực sĩ mặt mũi khôi ngô theo sau. Quần áo họ bận theo kiểu quốc phục, làm bằng gấm thượng hạng, đầu mang chiếc cào có đính kim cương óng ánh, lưng thắt đai vàng đính hạt ngọc. Tất cả mọi vẻ mặt đều nghiêm nghị khiến dân chúng hiếu kỳ đứng hai bên đường chỉ trỏ bàn tán không ngớt.

Đến trước cửa hoàng cung, đám lính gác cổng trông thấy đoàn người dâng lễ vật đông đảo như vậy thì tưởng là một vị quốc vương nào tới chơi, vội sụp lạy kính cẩn.

Một người thấy vậy vội bảo bọn lính:

- Các bạn ơi! Chúng tôi chỉ là gia nhân mang lễ vật, còn chủ tôi chưa tới.

Bọn lính nhìn nhau dò hỏi.

Quái lạ! Gia nhân của ai mà ăn mặc sang như vậy? Những bộ quần áo kia đắt tiền và hiếm có trên đời này lại để cho lũ gia nhân mặc thì chắc vị chủ nhân phải giàu có lắm lắm.

Rồi bọn lính vội chạy vào tâu vua. Nhà vua được tin bèn ra lệnh cho vào.

Chao ơi! Những bộ quần áo của những tên mọi da đen đã làm lu mờ cả vàng bạc, mũ mãng của các quan trong triều.

Bọn gia nhân của A-La-Đanh tiến vào tới cung điện rồi vây thành một vòng bán nguyệt trước ngai vàng của nhà vua.

Rồi bốn mươi mâm vàng được đặt xuống trang trọng, những chiếc lá nhung xanh phủ phía trên được mở ra để lộ châu ngọc quí giá. Rồi bốn mươi lời chúc tụng cùng nổi lên vang rân.

Sau đó, mẹ A-La-Đanh mới bước ra, quì tâu trước ngai vàng.

- Muôn tâu thánh thượng, kẻ tiện tì này có chút ít vật mọn xin dâng lên thánh thượng để làm sính lễ cầu hôn cho con trai. Xin thánh thượng thương tình mà thu nạp cho.

Lời nói của mẹ A-La-Đanh dù có vụng về hay khéo léo cũng không làm nhà vua để ý. Ngài đang chăm chú nhìn những chiếc mâm vàng đầy ắp kim cương và ngọc thạch sáng chói. Rồi ngài nhìn tới những bộ quần áo của đám gia nhân mà cũng còn sang trọng hơn các văn võ bá quan trong triều, khiến ngài ngạc nhiên và sửng sốt.

Còn quan thừa tướng có mặt lúc đó cũng ngạc nhiên không kém. Ông ta suy nghĩ mãi không hiểu tại sao bà lão kia lại có nhiều sính lễ quí giá như vậy.

Bỗng vua cất tiếng phán bảo quan thừa tướng:

- Những bảo vật kia xứng đáng lắm. Nhưng không hiểu người có bảo vật ra sao? Liệu có xứng đáng kết hôn với công chúa không?

Quan thừa tướng biết rõ ý vua đã bằng lòng lắm nên cũng phải lựa lời tâu lên:

- Tâu bệ hạ, những lễ vật kia hiếm có nhất trên đời này, khó ai mà bì kịp. Còn giá trị của công chúa thì cũng khó ai mà dám sánh ngang. Xin bệ hạ định liệu.

Rồi các quan đồng một lượt tán thành lời nói của quan thừa tướng.

Nhà vua thấy ai nấy đều vui vẻ thì ngài cũng hài lòng.

Nhà vua nghĩ:

- “Kẻ mà có những đồ sính lễ như thế kia, lại theo đúng như lời phán của vua tức là người anh hùng trong thiên hạ, ta nỡ nào lại từ chối.”

Rồi vua quay ra, phán bảo mẹ A-La-Đanh:

- Bà hãy về bảo con bà là ta bằng lòng lễ thành hôn giữa con trai bà và con gái ta. Vậy ta chờ con trai bà tới yết kiến.

Mẹ A-La-Đanh vội quì lạy tạ ơn rồi lui gót. Sau đó, nhà vua truyền bãi chầu.

Rồi nhà vua sai quân hầu bưng bốn mươi mâm sính vật vào nội cung cho công chúa xem.

Hai cha con cùng đứng ngó sững những mâm sính vật, lòng say mê vô cùng. Vì trên cõi đời này, lần đầu tiên nhà vua có được những thứ báu vật quí hiếm nhất trần gian.

Còn mẹ A-La-Đanh khi ra khỏi cung vua thì vội vã chạy về nhà.

Bà gọi A-La-Đanh thật lớn:

- Con ơi! Con đã đạt được ước nguyện rồi. Mẹ cũng không ngờ ý nghĩ liều lĩnh của con lại thành sự thật. Hiện nhà vua và các quan trong triều đang chờ con tới yết kiến để cử hành hôn lễ đó. Con hãy mau sửa soạn đi.

A-La-Đanh sung sướng chẩy nước mắt… Không ngờ con lão thợ may Mạch Nha xưa kia là một thằng bé nghịch ngợm, lười học, đến khi trưởng thành lại kết hôn với công chúa.

Chàng nhẩy vào phòng, ôm cây đèn ngợi khen rồi xát nhẹ tay. Tức thì thần lại hiện ra.

A-La-Đanh bảo:

- Thần hãy tắm gội  và thay quần áo đẹp cho ta vào yết kiến vua.

A-La-Đanh bỗng thấy mình đang đứng trong một phòng tắm lát toàn bằng đá ngũ sắc.

Thần đèn dùng chiếc gáo bạc dội cho A-La-Đanh một gáo nước ngào ngạt hương thơm. Rồi chàng trai bỗng cảm thấy mình khỏe khoắn trong người, da thịt hồng hào, vẻ mặt trở nên tươi tắn.

Tắm xong, thần mặc cho A-La-Đanh một bộ quần áo lộng lẫy và sang trọng mà các bậc vương tôn, công tử ít ai có.

A-La-Đanh bảo:

- Hãy cho tôi một con ngựa đẹp nhất trên đời. Lựa cho tôi bốn mươi chàng trai khỏe mạnh, sáu nữ tỳ xinh tươi để hầu mẹ tôi. Chọn thêm cho mẹ tôi sáu bộ triều phục của hoàng hậu. Sau hết, mang cho tôi mười túi tiền, mỗi túi đựng một ngàn đồng vàng. Thần hãy làm ngay đi.

Chỉ một phút sau, thần đã mang lại một con thần mã, yên cương dát  vàng, bốn mươi chàng trai khỏe mạnh, mười túi nặng những đồng tiền vàng, và sáu con tỳ nữ, mỗi con đội trên đầu một bộ quần áo gói trong tấm mạng mỏng.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

 

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

THU











 đời đã thu rồi ta đã hay
mưa nhiều xanh lạnh ướt màu cây
khói sương phơ phất ngùi trong mắt
ta chẳng chờ ai ở cuối ngày

thôi thì biển cứ xanh màu biển
vầng trăng đã khuyết dáng con thuyền
trái tim thong thả trong lồng ngực
để những mùa hoa xưa ngủ yên

soi gương lẫn đếm đôi dòng bạc
ân tình rơi rớt qua kẽ tay
còn mấy vần thơ không thể hát
chợt buồn nhìn một cánh chim bay

áo vàng chớp mắt chiều qua phố
nhớ về bông cúc cuối trời xa
rồi mùa thu sẽ rồi thu sẽ
sẽ có một ngày thu đi qua

                           NGUYỄN TRỌNG TÍN


Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

CHÚ CUỘI


(TẶNG CHỊ HẰNG)




Nghe bài hát "Chú Cuội", xin mời bấm dưới đây :

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

A-LA-ĐANH VÀ CÂY ĐÈN THẦN (V)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


- Khanh hãy xét xem lễ cầu hôn bằng báu vật này có xứng đáng không? Thật là một lễ cầu hôn sang trọng nhất trần đời.

Quan thừa tướng thấy nhà vua hỏi vậy thì biết ngay là vua đã có ý bằng lòng. Ông ta đau đớn khi nghĩ rằng nhà vua đã bỏ ý định gả công chúa cho con trai ông ta. Mọi việc cũng chỉ tại mâm lễ vật đó.

Quan thừa tướng tâu:

- Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ muốn có những báu vật quí giá nhất trần gian để làm lễ cầu hôn với công chúa thì hạ thần xin bệ hạ cho chậm lại ba tháng nữa, lúc đó sẽ có rất nhiều những báu vật quí giá hơn để con trai hạ thần mang dâng bệ hạ làm lễ cầu hôn với công chúa.

Tuy không hài lòng lời tâu đó, nhưng vua cũng đành chiều quan thừa tướng.

Đức vua phán bảo mẹ A-La-Đanh:

- Trẫm chấp nhận lời cầu hôn của con bà. Nhưng bà hãy đợi ba tháng nữa, lúc đó trẫm sẽ cho biết thêm ý kiến. Vậy bà hãy về cho con trai bà biết tin.

Mẹ A-La-Đanh để mâm lễ vật lại rồi lạy tạ nhà vua, lui bước.

Trái với lệ thường, A-La-Đanh thấy mẹ về sớm quá, lại thấy mẹ không cầm gói và mâm bạc trong tay thì mừng rỡ ra mặt. Chàng chạy ra đón rồi hỏi:

- Mẹ ơi! Hãy cho con biết tin ngay đi. Con sẽ được sống trong hạnh phúc hay chết trong buồn rầu?

Mẹ A-La-Đanh cảm động ôm con rồi nói:

- Con không còn phải lo nghĩ gì cả. Nhà vua đã bằng lòng nhận lễ vật cầu hôn rồi.

A-La-Đanh nghe thấy mẹ nói vậy thì lòng sung sướng quá. Trái tim chàng đập liên hồi trong lồng ngực. Chàng muốn làm cánh chim bay lên trời cao để tận hưởng niềm sung sướng lúc này. Chàng muốn bay ngay vào với công chúa.

Sau đó, mẹ A-La-Đanh ngồi thuật lại cặn kẽ mọi chuyện cho con nghe.

Rồi bà nói:

- Nhưng mẹ hơi ngại là không hiểu có chuyện gì mà quan thừa tướng tâu nhỏ với vua. Mẹ sợ rằng ông ta biết rõ gia cảnh nhà ta mà tâu vua xin từ hôn chăng? Nhưng dầu sao, đức vua đã nhận lời rồi, lẽ nào lại từ chối. Con cứ chịu khó đợi hết ba tháng rồi đến chầu đức vua, ngài sẽ dạy bảo.

A-La-Đanh hồi hộp chờ đợi trong ba tháng. Thời gian đó chàng mong cho qua đi từng phút.

A-La-Đanh đêm đêm nằm dệt mộng đẹp. Chàng tưởng tượng như có công chúa ở bên mình.

Rồi hai tháng qua đi!... Thời gian thật là chậm chạp. Một hôm, mẹ A-La-Đanh ra phố mua dầu về đốt đèn.

Nhưng khi bà ra tới phố thì ngạc nhiên vô cùng. Đường phố rộn rịp hẳn lên, hai dãy nhà chăng đèn, kết hoa sặc sỡ như một ngày hội. Rồi bà thấy các võ quan ngồi trên mình ngựa, dong cương từ đầu phố đến cuối phố như sắp sửa  đón tiếp ai vậy.

Mẹ A-La-Đanh tò mò hỏi những người chung quanh thì được biết rằng đó là ngày con trai quan thừa tướng đi cưới công chúa. Theo lệ triều đình, trước ngày thành hôn, công chúa phải tắm gội nước thiêng. Vì vậy mà có cuộc  đón rước này.

Mẹ A-La-Đanh biết chuyện như vậy thì tái mặt. Bà vội vàng chạy về gọi A-La-Đanh:

- Con ơi! Mẹ con ta tuyệt vọng rồi.

A-La-Đanh thấy vậy hỏi dồn:

- Mẹ nói việc gì đó?

Bà vừa thở hổn hển vừa nói:

- Thôi! Thế là việc cầu hôn của con hỏng rồi. Bao nhiêu tháng trời chờ đợi của mẹ con ta  nay thành ra công dã tràng. Hôm nay vua cho làm lễ để công chúa kết hôn với con trai quan thừa tướng. Mẹ vừa ra phố được tin như vậy, ai ai cũng nô nức treo đèn kết hoa ngoài cửa.

A-La-Đanh đau đớn quá, muốn té xỉu nhưng vội trấn tĩnh ngay được. Mọi việc chỉ tại quan thừa tướng mới ra nông nỗi này. Chàng căm giận quan thừa tướng vô cùng nhưng biết là mình thấp kém, chàng nằm trên giường, ôm lấy đầu, khổ sở!

Bỗng A-La-Đanh nghĩ đến cây đèn thần. Chàng gọi mẹ và nói:

- Con nhất định không để cho họ kết hôn được. Mẹ hãy xuống bếp để con vào phòng suy nghĩ việc này.

Mẹ A-La-Đanh đoán là con bà định dùng cây đèn thần nên lẩn ngay xuống bếp.

A-La-Đanh vào phòng, lấy cây đèn thần ra, xát tay vào.

Vị thần hiện lên hỏi:

- Ngài cần sai bảo tôi chuyện gì? Chúng tôi sẵn sàng làm đầy tớ ngài.

A-La-Đanh nói:

- Từ trước tới nay tôi chỉ nhờ thần cung cấp thực phẩm hàng ngày. Nay có một việc hệ trọng, mong thần hết sức giúp cho. Nguyên trước đây đức vua có hứa gả công chúa cho tôi, ngài đã nhận lễ vật cầu hôn rồi. Nay đức vua lại bội ước, ngài đang cho cử hành lễ thành hôn của công chúa với con trai quan thừa tướng. Vậy thần hãy vào cung chờ đến lúc đôi tân hôn làm lễ hợp cẩn, hãy mang cả chiếc giường về đây.

Thần cúi đầu vâng lệnh rồi biến mất.

Trong khi đó, tại cung điện nhà vua, tiếng đàn ca, hát xướng tưng bừng nhộn  nhịp. Đó là lúc đang cử hành lễ hợp hôn. Các quan trong triều đều có mặt đông đủ. Ai nấy trên nét mặt đều biểu lộ nỗi vui mừng. Rượu uống đầy ly, tiếng chúc tụng đôi tân hôn rộn rã.

Khi đêm đã khuya, bữa tiệc tàn, viên nội giám đưa mắt ra hiệu, chú rể liền theo chân bước vào phòng công chúa. Rồi viên nội giám  quay gót, để lại  một mình chú rể lại trong phòng.

Một lát sau thì hoàng hậu và các tỳ nữ dắt công chúa vào.

Công chúa lúc đó ngượng ngùng, e thẹn. Nét mặt nàng đỏ hồng nhưng tươi như đóa hoa ban mai.

Hoàng hậu giúp công chúa cởi áo ngoài, rồi lui gót cùng đoàn tỳ nữ.

Lúc đó chỉ còn có chú rể và cô dâu. Chung quanh không có một tiếng động. Nếu có, chỉ là đôi tim đập cùng một nhịp thở với tất cả nỗi hồi hộp.

Nhưng khi đôi tân hôn vừa cùng nhau ngả lưng xuống giường thì bỗng chiếc giường rung chuyển rồi bay lên.

Chỉ một nháy mắt sau, chiếc giường đó ở ngay trước mặt A-La-Đanh.

A-La-Đanh truyền lệnh cho thần đèn:

- Thần hãy mang chàng trai này giam vào một nơi. Rồi đến mờ sáng ngày mai, thần hãy đến đây giúp tôi.

Thần đèn vâng lệnh, tóm lấy cổ chú rể, dựng thẳng ở một xó bếp rồi thổi một hơi vào mặt, tức thì tay chân chàng trai không cử động được. Và suốt đêm đó, chú rể phải đứng như một khúc gỗ.

A-La-Đanh nhẹ nhàng tiến đến bên giường công chúa.

Chàng dịu dàng nói:

- Xin công chúa đừng khiếp sợ. Tôi đã say mê nhan sắc nàng từ lâu. Nhưng tôi nguyện là hết sức giữ lịch  sự với nàng. Vì tôi không muốn chàng trai trẻ kia chiếm mất nàng nên mới hành động như vậy.

Công chúa vì sợ hãi quá nên thiếp đi. A-La-Đanh thấy vậy bèn leo lên giường với công chúa, nhưng ngăn một chiếc gối ở giữa.

Tuy là đêm tân hôn của con quan thừa tướng, và không được âu yếm công chúa, nhưng A-La-Đanh vẫn sung sướng trong lòng. Chàng thỏa mãn vì đã chiến thắng con quan thừa tướng, người có thế lực hơn chàng. Rồi A-La-Đanh ngủ vùi.

Có hai người không ngủ được trong đêm ấy: đó là công chúa, vì lo sợ mà mắt mở thao láo. Nàng suy nghĩ lao lung, không biết phải đối phó ra sao. Và công tử con quan thừa tướng  bị đứng ngay đơ như khúc gỗ, tay chân mỏi mệt mà không thể nào cử động được. Chàng căm hận vì bị cướp đoạt người yêu.

Mới mờ sáng hôm sau, thần đèn đã hiện ra.

A-La-Đanh bảo:

- Thần hãy mang chàng trai kia đặt vào giường rồi mang về chỗ cũ.

Khi trời sáng rõ, đức vua vào phòng thăm con gái. Vị phò mã vì quá mệt mỏi không kịp thay đổi y phục để ra tiếp đón nhà vua nên vội tránh sang phòng bên, sợ mắc tội vô lễ.

Vua bước vào phòng thấy công chúa còn nằm thiêm thiếp trên giường thì trìu mến hỏi thăm.

Nhưng kỳ lạ thay! Không có gì chứng tỏ là công chúa e thẹn, dù qua một đêm tân hôn. Lúc đó, mặt nàng xanh tái. Nàng nằm im không thốt một lời.

Vua thấy vậy kinh hoảng, vội sang phòng hoàng hậu hỏi rõ căn nguyên.

Hoàng hậu tâu:

- Tâu thánh thượng, sau đêm tân hôn, thường thường con gái hay e thẹn, ngượng ngùng. Để thần thiếp vào thăm xem nội tình ra sao.

Rồi hoàng hậu sửa soạn xiêm y vào thăm công chúa.

Khi vào tới phòng, hoàng hậu thấy công chúa vẫn nằm im trên giường, vẻ mặt ngơ ngác như mất hồn.

Sợ hãi quá, hoàng hậu ôm lấy công chúa và hỏi:

- Con ơi! Tại sao nét mặt con lại phờ phạc như vậy? Hãy nói thật cho mẹ biết để mẹ đỡ lo.

Công chúa lúc đó mới thở dài, nói:

- Thưa mẫu hậu, xin mẫu hậu tha tội bất kính cho con. Vì con mệt quá nên không trở dậy được. Đêm qua, con phải chứng kiến một chuyện xảy ra quá đột ngột và kinh sợ.

Rồi công chúa thuật lại cho hoàng hậu nghe tất cả những chuyện mà nàng trông thấy trong đêm trước.

Nàng nói thêm:

- Khi chiếc giường này bay về đây được một lát thì có lẽ phụ vương thấy con không trở dậy nghênh đón mà giận con chăng? Xin mẫu  hậu hãy nói với phụ vương tha tội cho con.

Thấy công chúa kể chuyện như vậy, hoàng hậu cho là nàng nằm mơ. Hoàng hậu không tin rằng ở trên đời này lại xẩy ra  câu chuyện quái dị như vậy.

Hoàng hậu nói:

- Con ơi! Con đừng kể chuyện này cho phụ vương biết. Hơn nữa, con cũng đừng kể cho ai hay. Vì nếu họ nghe chuyện này, họ sẽ bảo là con loạn trí.

Công chúa thất vọng nói:

- Thưa mẫu hậu, con không dám nói dối mẫu hậu đâu. Đó chính là câu chuyện thực mà đêm qua con đã chứng kiến.

Hoàng hậu nói:

- Dù sao thì mẹ cũng không muốn con suy nghĩ đến câu chuyện huyền hoặc đó nữa. Con hãy vui lên. Ngoài phố trăm họ đang say sưa ca hát chúc mừng cuộc hôn nhân của con đó. Con đừng bận tâm lo nghĩ mà tổn hao sức khỏe.

Rồi hoàng hậu ra hiệu cho đám thị tỳ nâng công chúa trở dậy, thay xiêm y cho nàng rồi trang điểm như mọi sáng.

Sau đó, hoàng hậu ra tâu với nhà vua là không có chuyện gì lạ lùng cả.

Hoàng hậu còn cẩn thận, cho mời phò mã tới, hỏi:

- Đêm qua chẳng hay phò mã có yên vui chăng?

Phò mã không dám tiết lộ sự thật đã xảy ra đêm trước, sợ mọi người sẽ đàm tiếu và cho rằng chàng không có duyên với công chúa. Vì vậy nên phò mã đáp:

- Thưa mẫu hậu, đêm qua con được yên vui lắm!

Hoàng hậu thấy phò mã trả lời bình thản như vậy thì cũng yên lòng. Hoàng hậu cho là trong đêm tân hôn, công chúa mơ mộng mà nghĩ ra những chuyện vẩn vơ đó thôi.

Ngày hôm đó, khắp trong hoàng thành, dân chúng tổ chức những cuộc vui thật là tưng bừng, nhộn nhịp. Nào là trò múa rối, hát xiệc, trò hề… đâu đâu cũng hoan hỉ như tết.

Hoàng hậu muốn công chúa được hưởng tất cả những cuộc vui công cộng nên dắt nàng ra phố ngắm cảnh. Tuy nhiên, cảnh phố xá rộn rịp cũng không làm cho công chúa vui lên một chút nào.

Còn phò mã tuy buồn rầu tím gan tím ruột nhưng trước một đám đông dân chúng tại các cuộc vui, chàng vẫn phải giả bộ tươi cười như đang sống trong hạnh phúc.

A-La-Đanh sau một đêm ngủ chung giường với công chúa thì đã thỏa mãn được tự ái. Tuy vậy, chàng vẫn theo dõi cặp tân hôn.

Đêm hôm sau, A-La-Đanh biết chắc là cặp tân hôn lại ngủ chung giường, nên chàng lại làm y kế cũ.

Thế là đêm đó, chàng phò mã khốn khổ kia lại phải đứng ngay đơ như cái cột nhà ở một xó bếp. Còn A-La-Đanh thì vẫn ngủ chung giường với công chúa như đêm trước, ngăn cách bởi một cái gối.

Rồi mới mờ sáng hôm sau, thần đèn lại hiện ra, mang trả chiếc giường về chỗ cũ nơi cung điện như trước.

Vua lại vào thăm con gái như mọi sáng. Phò mã lúc đó quá mệt mỏi vì lại trải qua một đêm thức trắng, nghe tin vua vào thăm thì vội lánh sang phòng bên cạnh.

Vua âu yếm hỏi công chúa:

- Đêm qua con có được ngon giấc không?

Công chúa vừa qua hai đêm sợ hãi và suy nghĩ nhiều nên thẫn thờ không đáp lời.

Nhà vua tức giận vì thấy con vẫn giữ thái độ như trước. Ngài sẵng giọng:

- Vì cớ gì mà con lại có thái độ như thế? Có chuyện gì hãy nói ta nghe?

Công chúa thấy vua nổi giận thì cũng sợ hãi. Nàng không dám giấu vua cha nữa nên đành phải thuật lại những chuyện lạ hai đêm trước.

Vua nghe xong thì ngạc nhiên và sững sờ không thốt nên lời.

Một lát sau, vua bực bội nói:

- Con dại quá, việc quan trọng như thế mà không cho cha biết ngay để định liệu. Từ trước đến nay, cha vẫn mong cho đời con được hạnh phúc chứ đâu muốn con sống trong sự hãi hùng đó. Thôi, con hãy rán ngủ để giữ gìn sức khỏe kẻo mang bệnh.

Rồi vua vội vã trở về cung. Ngài cho gọi quan thừa tướng đến và hỏi:

_______________________________________________________________
Còn tiếp

 

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

A-LA-ĐANH VÀ CÂY ĐÈN THẦN (IV)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Về tới nhà, mẹ A-La-Đanh thấy con mặt mày ủ dột thì hỏi:

- Sao hôm nay trông con buồn rầu quá vậy?

A-La-Đanh như người mất hồn, không buồn đáp lời mẹ.

Thấy vậy, mẹ A-La-Đanh liền tới bàn con, dịu dàng hỏi:

- Sao mẹ hỏi mà con không trả lời? Có điều chi làm con buồn như vậy?

A-La-Đanh sẵn đang buồn bực trong lòng, sẵng giọng nói:

- Mẹ mặc kệ con. Có gì đâu mà buồn!

- Con ơi! Đừng giấu mẹ làm gì. Hãy nói cho mẹ biết để mẹ yên lòng.

A-La-Đanh lắc đầu thở dài:

- Con nói ra cũng không có ích gì cả. Mẹ hãy để con buồn. Có như vậy mới nguôi phần nào.

Mẹ A-La-Đanh ngạc nhiên hỏi:

- Con loạn trí rồi sao mà nói lạ vậy?

- Không! Con không làm sao cả. Xin mẹ đừng hỏi nhiều làm phiền đến con.

Mẹ A-La-Đanh thấy con nói vậy thì không hỏi nữa.

Đêm hôm đó, A-La-Đanh đắm mình trong mộng mị. Những giấc mơ của chàng rất là kỳ ảo, vui buồn lẫn lộn. Rồi thì A-La-Đanh nói mớ vài câu rồi lại thiêm thiếp ngủ.

Sáng hôm sau, A-La-Đanh trở dậy muộn. Khi chàng mở mắt ra nhìn đã thấy mẹ ngồi bên cạnh. Bà nhìn con với vẻ buồn rầu, trên gò má còn đọng lại hai giọt lệ.

A-La-Đanh hỏi:

- Đêm qua mẹ có ngủ được không?

Mẹ A-La-Đanh lắc đầu:

- Mẹ làm sao mà ngủ được khi thấy con buồn!

A-La-Đanh thấy mẹ buồn rầu như vậy thì cũng không yên lòng. Sau một hồi suy nghĩ, chàng nói:

- Hôm qua con gặp công chúa đến tắm nơi nhà Thủy Tạ. Vì con được chiêm ngưỡng sắc đẹp của công chúa mà đến khi về nhà con vẫn còn mê mẩn và buồn rầu.

Con buồn vì muốn cưới công chúa làm vợ mà không có cách nào giải quyết được.

Mẹ A-La-Đanh đang buồn rầu vì con, thấy con nói vậy thì cũng bật cười mà nói:

- Con ơi! Sao con lại liều lĩnh như vậy? Có đời nào con trai một lão thợ may lại kết duyên với công chúa đệ nhứt đương kim tiểu thư của một nước bao giờ. Thôi con ơi! Đừng nghĩ chuyện đó chỉ buồn thêm chớ không được ích gì đâu.

Chàng A-La-Đanh ngây thơ hỏi mẹ:

- Như vậy thì ai mới có quyền lấy công chúa?

- Lẽ tất nhiên chồng công chúa phải là những ông hoàng ở xứ khác chứ không có người con trai nào ở nước ta mà cưới được cả.

A-La-Đanh say mê nói:

- Nhưng con có kém gì các ông hoàng ở xứ khác đâu. Bây giờ con là người giàu có nhất trái đất này, vì có cây đèn thần phò hộ, như vậy thì con muốn quần áo, nhà cửa, thứ gì mà chả có.

- Nhưng khốn nỗi con lại là con của lão thợ may. Nếu con muốn cưới con gái anh thợ cạo ở đầu phố thì mẹ sẵn sàng chiều ý con ngay.

A-La-Đanh cả quyết:

- Con đã nhất quyết lấy công chúa làm vợ. Mẹ hãy chiều con mà vào yết kiến vua tâu rõ chuyện này.

Mẹ A-La-Đanh hoảng sợ can ngăn con:

- Con ơi! Nếu mà mẹ làm như vậy là mang tội khi quân. Mẹ không thể chiều con như vậy được.

A-La-Đanh thấy mẹ can ngăn như vậy thì tủi thân, úp mặt vào vách tường khóc lóc.

Rồi A-La-Đanh lẩm bẩm:

- Nếu ước vọng của con không thành thì con còn sống ở trên đời này làm gì nữa?

Mẹ A-La-Đanh thấy con phẫn chí thì cũng động mối thương tâm. Bà an ủi:

- Mẹ muốn chiều ý con lắm. Nhưng làm cách nào mà mẹ có thể vào xin yết kiến vua được bây giờ?

A-La-Đanh cứ khóc hoài mà không đáp lời mẹ. Thấy con như vậy, mẹ A-La-Đanh lại càng lo sợ. Bà nói liền:

- Thôi được, mẹ sẽ chiều con, dù mẹ có bị kết tội khi quân cũng đành chịu. Nhưng mẹ vẫn không biết cách nào có thể tới xin yết kiến vua được?

A-La-Đanh chợt nẩy ra ý nghĩ, bảo mẹ:

- Mẹ cứ ra ngoài phố, hỏi thăm người ta xem có cách nào vào được trong triều không?

Mẹ A-La-Đanh đành phải chiều con ra đi. Một lát sau, bà trở về bảo A-La-Đanh rằng:

- Nhà vua sắp mở các phiên tòa để xét án, luôn thể thi ân cho mọi người. Dịp này có thể ra mắt vua được, nhưng phải có lễ vật quí giá dâng lên.

A-La-Đanh mỉm cười nói:

- Điều đó mẹ không lo. Mẹ còn nhớ những trái cây mầu sặc sỡ và sáng chói mà con mang ở hầm bí mật về không? Đó là những viên ngọc quí giá nhất trên đời này. Nếu mang tất cả dâng vua thì chắc ngài vui lòng.

Vừa nói, A-La-Đanh vừa nhẩy tới bên góc nhà, bốc tất cả những viên ngọc quí tới cho mẹ coi.

Những viên ngọc đó, quả thật quí giá vô ngần, vì giữa ban ngày mà ánh sáng nó chiếu tỏa ra khắp nhà.

Mẹ A-La-Đanh thắc mắc nói:

- Nhưng còn phải có cái gì đựng mới được sang trọng chứ không lẽ lại để trong túi vải mà dâng vua hay sao?

A-La-Đanh nói:

- Mẹ hãy lấy chiếc mâm bạc mà đựng những viên ngọc này dâng vua, như vậy cũng sang trọng lắm rồi!

Rồi A-La-Đanh đi lấy chiếc mâm bạc mang ra, bầy những viên ngọc vào giữa. Chao ôi! Chưa bao giờ hai mẹ con A-La-Đanh lại được nhìn thứ gì mầu sắc lộng lẫy và tuyệt đẹp như cái mâm bày ngọc đó.

A-La-Đanh sung sướng nói:

- Mẹ thấy như vậy có tuyệt đẹp không?

Tuy thấy đã ổn rồi, nhưng mẹ A-La-Đanh vẫn lưỡng lự và hỏi con:

- Lỡ đức vua hỏi về gia sản, điền địa của con thì mẹ trả lời thế nào?

A-La-Đanh an ủi mẹ:

- Mẹ đừng lo lắng chuyện đó. Chiếc đèn thần đã giúp ta sống bao nhiêu năm rồi. Nay lẽ nào nó lại không giúp ta được việc này. Mẹ hãy chờ xem nhà vua đối xử ra sao rồi con sẽ đối phó.

Nghe con nói tới cây đèn thần, mẹ A-La-Đanh cũng nghĩ:

- “Phải rồi! Cây đèn thần nầy có lẽ sẽ giúp được ta nhiều hơn những bữa cơm thường ngày”.

A-La-Đanh thấy mẹ ngồi suy nghĩ giây lâu thì nói:

- Mẹ cứ yên trí vào xin yết kiến vua. Thế nào cây đèn cũng giúp con thành công.

Tối hôm đó, A-La-Đanh thao thức suốt đêm. Chàng nghĩ đến hình bóng diễm kiều của công chúa khi nàng ở nhà thủy tạ. Chàng tưởng tượng như đâu đây còn thoang thoảng mùi hương ngào ngạt của người đẹp tỏa ra.

Đến khi trời vừa hừng sáng, A-La-Đanh vội thức giấc thúc mẹ mau mau sửa soạn đến chầu tại điện vua.

Mẹ A-La-Đanh bọc những viên ngọc vào một tấm lụa trắng rồi xách mâm ra đi.

Khi tới nơi, bà thấy các quan văn võ kéo nhau vào điện, rồi tới dân chúng kéo theo sau. Mẹ A-La-Đanh cũng nhập vào đám dân chúng đó mà đi.

Tới hành cung thì đoàn người dừng lại. Đó là một ngôi nhà rộng lớn, những cột sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi. Ở giữa có một chiếc ngai vàng trải đệm nhung, chung quanh có các quan hầu cận dàn thành hai hàng, tay cầm hốt, chân mang hia thật là nghiêm chỉnh.

Sau ba hồi trống điểm chững chạc, đức vua xuất hiện. Ngài thong thả tới ngự trên ngai, nhìn bá quan  và quần chúng rồi mỉm một nụ cười độ lượng.

Mẹ A-La-Đanh đang đứng phía dưới. Lòng bà lúc đó rối như tơ vò. Khi nghe thấy tiếng trống nổi lên, bà cảm thấy như con tim bị bóp nghẹn.

Nhưng khi bà thấy đức vua mỉm cười hiền hậu thì bà cũng trấn tĩnh được phần nào. Bà cố gắng đứng gần dưới ngai vàng của đức vua.

Bắt đầu cuộc nghị án, đức vua cho gọi dân chúng lên hầu theo thứ tự trước sau vì ngài xét xử rất nhiều, rất công minh.

Xét xử đến gần trưa thì một hồi chuông buông ra, đức vua xếp hồ sơ lại và khoan thai trở về cung. Các quan cũng lần lượt theo nhau ra về.

Mẹ A-La-Đanh cũng phải theo dân chúng mà về nhà.

Khi thấy mẹ trở về mà tay còn cầm bọc bảo vật, vẻ mặt buồn xo, A-La-Đanh không dám hỏi một lời.

Mẹ A-La-Đanh nói:

- Con ơi! Mẹ đã trông thấy đức vua rồi. Nhưng ngài bận xét xử nên không có thì giờ rảnh rỗi. Đến mai ngài hết công việc, mẹ sẽ lựa lời tâu việc của con mới được.

A-La-Đanh nghe mẹ nói thở phào nhẹ nhõm, vì chàng còn hy vọng ngày mai mẹ chàng sẽ tâu rõ cùng đức vua chuyện cầu hôn, và chắc chắn chàng sẽ thành công.

Nhưng qua một ngày chờ đợi, A-La-Đanh cũng phải sống trong cảnh nôn nao khó chịu.

Sáng hôm sau, A-La-Đanh lại giục mẹ sửa soạn ra đi.

Nhưng khi mẹ A-La-Đanh tới cửa ngọ môn thì thấy cửa đóng chặt, hỏi thăm người ta bảo là cứ hai hôm đức vua mới ra nghị án một lần.

Thế là bà lại lủi thủi xách gói bảo vật ra về.

Một lần nữa, A-La-Đanh lại nuôi hy vọng trong sự chờ đợi.

Qua ngày hôm sau, rồi đến hôm sau nữa… rồi hôm sau nữa… Cứ như vậy qua đi sáu phiên ngự án của đức vua. Mẹ A-La-Đanh ngày ngày vẫn mang bảo vật và xách  chiếc mâm bạc tới chầu, đứng chờ đức vua nghị án suốt buổi, rồi tan chầu lại lủi thủi ra về. Bà đã sống trong cảnh hồi hộp, lo sợ và hy vọng từ lúc hồi trống điểm cho tới khi tiếng chiêng bãi chầu. A-La-Đanh ngồi ở nhà chờ đợi cũng mòn mỏi hy vọng không kém. Chàng đã mơ mộng nghĩ đến giây phút được hội kiến với công chúa. Lúc đó muôn vật chung quanh chàng đều  tươi vui như mùa xuân. Rồi tới khi mẹ chàng xách chiếc mâm bạc và gói bảo vật trở về thì lòng chàng băng lạnh như một mùa đông tê tái và u buồn.

Tuy như vậy, nhưng hai mẹ con A-La-Đanh vẫn ấp ủ nhiều hy vọng.

Một buổi chiều kia, trước khi lui gót về cung, đức vua quay lại hỏi quan thừa tướng:

- Từ mấy buổi chiều nay, trẫm thấy một người đàn bà ôm một cái gói và cứ nhìn trẫm suốt buổi chầu. Chẳng hay bà ta  cần việc gì, các khanh có biết chăng?

Quan thừa tướng tâu:

- Tâu bệ hạ, hạ thần chắc mụ ta có việc kiện tụng gì về thóc lúa hay gia tài nên đứng chờ để bệ hạ xét xử đó thôi.

Nhà vua chau mày nói:

- Bà ta đứng đợi đã lâu lắm rồi, từ phiên xử thứ nhất đến nay. Phiên sau, khanh cho gọi bà ta lên cho trẫm hỏi chuyện.

Đến phiên xử sau, mẹ A-La-Đanh lại đến chầu rất sớm. Bà ôm khư khư gói bảo vật trong tay và đứng trước mặt vua như mọi lần.

Nhà vua vốn đã để ý, thấy mẹ A-La-Đanh có mặt thì quay sang bảo quan thừa tướng.

- Khanh hãy gọi bà ta lên đây!

Mẹ A-La-Đanh được lệnh truyền vội lách khỏi đám đông tiến lên. Tới trước mặt đức vua, bà sụp lạy.

Đức vua cho phép mẹ A-La-Đanh đứng dậy rồi hỏi:

- Ta thấy ngươi tới đây và đứng chờ đã mấy buổi chầu. Vậy chẳng hay có chuyện gì cứ tâu ta rõ.

Mẹ A-La-Đanh rập đầu tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, kẻ ngu dân này có một chuyện muốn tâu lên nhưng lại sợ phạm thượng. Nếu bệ hạ tha tội chết cho, thì kẻ ngu dân này mới dám tâu lên.

Đức vua nhịn cười không nổi, liền phá lên cười thật lớn.

Rồi sợ bà lão không dám nói, đức vua liền truyền cho dân chúng lui ra hết, chỉ còn lại mẹ A-La-Đanh.

Vua phán:

- Ngươi cứ thực tình kể ta rõ chuyện đó. Nếu có phạm thượng ta sẽ tha tội cho.

Mẹ A-La-Đanh tuy được vua khoan hồng như vậy những vẫn không dám nói. Bà như bị chết đứng vì sợ câu chuyện bà nói sẽ làm vua nổi giận..

Vua lại phán:

- Ta đã phán như vậy rồi, sao ngươi còn chần chừ gì nữa?

Mẹ A-La-Đanh lúc đó mới thấy yên tâm. Bà liền kể mọi chuyện mà A-La-Đanh dặn bà khi ở nhà.

Rồi mẹ A-La-Đanh sụp lạy dưới ngai vàng, nói tiếp:

- Tâu bệ hạ, kẻ ngu dân này vì thương con quá nên liều lĩnh đến đây. Thật là phạm thượng đến bệ hạ vô cùng. Chỉ xin bệ hạ xét xử mà tha tội cho, chứ kẻ ngu dân nầy không dám mơ tưởng gì đến chuyện đó cả.

Vì đã hứa trước nên nhà vua không tỏ thái độ gì cả. Ngài vẫn giữ nét mặt bình thản rồi hỏi:

- Thế chiếc mâm bạc và bọc gì mà ngươi ôm bên mình đó?

Mẹ A-La-Đanh thấy vua nhắc như vậy mới chợt nhớ ra, vội cởi bọc báu vật ra, bày lên mâm bạc rồi dâng lên.

Ôi chao! Bao nhiêu con mắt đều trố lên nhìn. Ai nấy đều ngạc nhiên sửng sốt. Những đồ châu báu bầy trên chiếc mâm đều là ngọc quí, sáng lấp lánh muôn mầu.

Đức vua bị những viên ngọc thu hút nên ngắm nhìn không biết chán.

Một hồi sau, vua cất tiếng ngợi khen:

- Thật là những đồ  châu ngọc quí nhất trên đời, có một không hai. Suốt quãng đời cai trị muôn dân, ta chưa được thấy những thứ báu ngọc nào quí hơn thế.

Rồi nhà vua lấy tay mân mê từng viên mà không biết chán.

Sau đó, nhà vua quay sang hỏi quan thừa tướng:

_______________________________________________________________________
Còn tiếp

 

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

A-LA-ĐANH VÀ CÂY ĐÈN THẦN (III)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


- Nhờ thượng đế đã cứu giúp con qua tai nạn này, nếu không thì con sẽ chết oan ức. Thôi, con cứ tĩnh dưỡng cho đỡ mệt. Mẹ phải đi lo kiếm gạo kẻo ngày mai lại nhịn đói.

Rồi mẹ A-La-Đanh vội vã ra đi làm việc.

A-La-Đanh thu dọn đống ngọc và chiếc đèn để vào một xó nhà rồi đi ngủ.

Sáng hôm sau, A-La-Đanh vừa ngủ dậy đã thấy đói bụng. Cậu tìm mẹ đòi ăn.

Mẹ A-La-Đanh bảo con:

- Con ôi! Nhà ta đã hết gạo rồi. Con hãy cố chờ mẹ kéo xong chỗ tơ này, mang ra phố bán rồi sẽ mua quà về cho con.

A-La-Đanh nhăn nhó nói:

- Con chờ đến bao giờ mới được ăn? Hay là có chiếc đèn con mới lấy được ở dưới hầm, hãy mang bán đi mua đỡ gạo cũng được.

Nói rồi, A-La-Đanh vội chạy vào xó nhà tìm chiếc đèn mang ra.

Mẹ A-La-Đanh bảo:

- Chiếc đèn này bẩn quá. Để mẹ chùi rửa đi thì mới bán được.

A-La-Đanh đưa cho mẹ chiếc đèn. Bà ta mang xuống bếp, lấy cát và tro đánh đèn cho bóng.

Nhưng vừa mới chạm vào đèn, thì bỗng nhiên hiện ra một vị thần to lớn, hình thù xấu xí, sang sảng nói với mẹ A-La-Đanh rằng:

- Thưa bà, xin đợi lệnh bà sai khiến. Tôi và các bạn tôi sẵn sàng phục lệnh và làm đầy tớ bà, người chủ của cây đèn!

Mẹ A-La-Đanh khiếp đảm ngất xỉu.

A-La-Đanh vì đã quen gặp vị thần khi trước nên bình tĩnh cầm cây đèn và ra lệnh:

- Ngươi hãy cho ta một bữa cơm. Ta đang đói!

Tức thì vị thần biến mất. Một lát sau, vị thần lại hiện ra, trên đầu mang một chiếc mâm bằng bạc, trong đầy những thức ăn, khói bốc lên nghi ngút.

Sau khi dâng mâm bạc đến trước mặt A-La-Đanh, vị thần lại biến mất.

A-La-Đanh nâng mẹ trở dậy, cứu tỉnh rồi nói:

- Thưa mẹ, xin mẹ hãy tỉnh lại. Không có gì đáng sợ cả. Mẹ hãy ngồi ăn cơm với con.

Một lát sau, mẹ A-La-Đanh mới tỉnh hẳn. Bà ngước sang nhìn thấy mâm cơm bằng bạc bầy trên bàn thì sửng sốt ngạc nhiên. Bà không ngạc nhiên sao được, khi thấy toàn là những vật dụng quí giá, chỉ có ở nhà các vị vua chúa.

Bà mê mẩn nói:

- Có phải mẹ đang nằm mơ đây không? Tại sao có chuyện lạ này?

A-La-Đanh nói:

- Mẹ không nằm mơ đâu. Chính mâm cơm kia của vị thần mà mẹ trông thấy lúc nãy đó.

- Chao ơi! Sao mẹ con ta lại có diễm phúc thế!

- Không cần biết làm gì mẹ ạ. Chúng ta cứ vào ăn cho đỡ đói đã.

Cả một mâm đồ ăn đầy ắp như vậy, hai mẹ con A-La-Đanh ăn mãi cũng không hết. Bữa đó, gia đình A-La-Đanh được hưởng những của ngon vật lạ mà từ trước đến giờ họ chưa bao giờ được thấy.

Thấy mâm còn dư một nửa, mẹ A-La-Đanh nói:

- Những đồ ăn dư này để đến bữa chiều ăn cũng được.

Rồi bà sung sướng nhìn những chiếc bát, đĩa bằng ngọc bầy trên mâm bạc với vẻ mãn nguyện.

Bà hỏi con:

- Có phải vị thần cho chúng ta bữa ăn này là thần cứu con trong hầm bí mật không?

A-La-Đanh nói:

- Không phải đâu mẹ! Vị thần này cao lớn hơn vị trước, mặt mũi lại dữ tợn hơn. Hơn nữa, vị trước xưng là đầy tớ của chiếc nhẫn, còn vị nầy xưng là đầy tớ của cây đèn. Chắc chắn là hai vị khác nhau.

Mẹ A-La-Đanh nói:

- Con ơi! Con hãy mang bán chiếc nhẫn và cây đèn đi. Mẹ không muốn những chuyện khủng khiếp xẩy ra cho chúng ta. Mẹ con ta đủ sống rồi, không cần phải nhờ ai cả.

 A-La-Đanh can mẹ:

- Không nên bán mẹ ạ! Cây đèn này quí giá lắm, nếu bán đi thì uổng quá. Mẹ con ta cứ nhờ cây đèn cũng đủ sống ngày hai bữa. Biết đâu nhờ nó mà sau này chúng ta còn được nhiều việc hay nữa chăng. Vì nếu nó không quí thì tại sao lão phù thủy lại mất công từ Phi Châu sang đây tìm kiếm. Mà trong hầm bí mật kia, còn nhiều vàng bạc quí giá mà ông ta không thèm, chỉ cần lấy cây đèn thôi. Như vậy chứng tỏ nó có giá trị biết là chừng nào. Bây giờ nó đã về tay mẹ con ta rồi, sao mẹ lại muốn bán đi?

Mẹ A-La-Đanh nói:

- Mẹ không muốn trông thấy vị thần đó nữa.

A-La-Đanh vui mừng nói:

- Nếu vậy thì mẹ để con giữ cây đèn. Khi nào mẹ vắng mặt con mới gọi vị thần đó.

- Còn chiếc nhẫn thì sao? Con không muốn bán ư?

- Không, mẹ ạ. Chiếc nhẫn  này đã cứu sống con trong hầm bí mật. Suốt đời con sẽ giữ nó làm kỷ niệm. Biết đâu mai kia lại chẳng cần đến.

Thấy con muốn như vậy, mẹ A-La-Đanh đành phải chiều ý.

Buổi chiều, những thức ăn còn thừa trong mâm được mẹ con A-La-Đanh mang ra ăn rất ngon lành.

Hôm sau, đồ ăn không còn gì, A-La-Đanh định mang chiếc đèn ra gọi vị thần tới, nhưng cậu chợt nghĩ rằng:

- “Mình hãy đem bán những chiếc đĩa bạc này đi cũng được khối tiền”.

Thế là A-La-Đanh lấy một chiếc đĩa, gói kín trong áo rồi ra phố.

Đi được một quãng, A-La-Đanh gặp một người Do Thái. Cậu bé mang chiếc đĩa ra hỏi:

- Tôi muốn bán chiếc đĩa này, xin ngài mua giùm.

Người Do Thái ngắm nghía chiếc đĩa một lát, thấy đĩa chính là thứ bạc thật nên hỏi:

- Cậu định bán bao nhiêu?

A-La-Đanh từ bé đến nay chưa bao giờ mua bán gì, nữa là đồ dùng bằng bạc nên không biết nói giá, đành bảo người Do Thái:

- Ông muốn trả bao nhiêu cũng được, tùy ông định giá trị của nó.

Người Do Thái suy nghĩ một lát, rồi hắn ta móc trong túi ra một đồng vàng.

A-La-Đanh chưa bao giờ cầm tiền nên thấy một đồng vàng cũng đã quí lắm rồi, vội nhận liền. Rồi A-La-Đanh trao chiếc đĩa bạc cho người Do Thái.

Sự thật chiếc đĩa đó đáng giá hai mươi bảy đồng vàng. Vì A-La-Đanh không biết giá trị nên bị người Do Thái đánh lừa.

Còn A-La-Đanh sau khi nhận tiền rồi thì vội chạy đi mua thức ăn và gạo mang về.

Bữa cơm hôm ấy, hai mẹ con A-La-Đanh ăn uống ngon lành.

Ngày hôm sau, A-La-Đanh lại mang một chiếc đĩa bằng bạc khác ra phố tìm người Do Thái bán rồi cậu lại mua thức ăn mang về cho mẹ làm cơm.

Mười hai ngày sau thì A-La-Đanh không còn một chiếc đĩa nào nữa. Cậu nghĩ đến chiếc mâm bằng bạc còn lại, thế là A-La-Đanh gọi người Do Thái tới bán nốt. Hắn ta trả cho A-La-Đanh mười đồng vàng.

Từ đó trở đi, hai mẹ con A-La-Đanh sống đầy đủ. Mẹ A-La-Đanh không còn vất vả, đầu tắt mặt tối lo kiếm gạo như trước. Còn A-La-Đanh cũng đứng đắn hơn, không chơi đùa như ngày xưa nữa.

A-La-Đanh thường vào phố xem người ta buôn bán, rồi học hỏi, nên mỗi ngày một hiểu biết rộng.

Ít lâu sau, tiền trong nhà A-La-Đanh đã chi dùng hết. Cậu nghĩ đến cây đèn thần.

Rồi thừa lúc mẹ đi vắng, A-La-Đanh mang cây đèn ra xát nhẹ. Tức thì vị thần lại hiện ra.

Vì A-La-Đanh xát nhẹ nên vị thần cũng nhỏ nhẹ hỏi:

- Thưa ngài, tôi sẵn sàng đợi lệnh ngài.

A-La-Đanh ra lệnh:

- Ngươi hãy dọn cho ta một bữa cơm ra đây. Ta đói lắm rồi.

Thần đèn biến đi, một lát sau, mang theo một mâm cơm cũng giống như lần trước. Sau đó, thần đèn biến mất.

Lúc mẹ A-La-Đanh trở về, nhìn thấy mâm cơm đã dọn sẵn thì mừng rỡ quá. Dù bà biết là mâm cơm do thần đèn dâng, nhưng bà vẫn không khỏi ngạc nhiên và sửng sốt.

Rồi hai mẹ con A-La-Đanh ăn uống ngon lành.

Ngày hôm sau, A-La-Đanh lại mang chiếc đĩa đầu tiên của mâm cơm đi bán.

Nhưng lần này, khi A-La-Đanh vừa ra đến đầu phố thì gặp người chủ hiệu kim hoàn gọi lại. Ông ta bảo:

- Cháu ơi! Mấy bữa trước ta thấy cháu hay gặp tên Do Thái nọ, chắc là cháu bán cho hắn vật gì chăng? Vậy cháu có cần bán, cứ giao dịch với ta thì hơn. Vì tên Do Thái đó rất quỉ quyệt, đến mức không ai ưa hắn ta cả. Nếu cháu tin ta thì cứ việc mang đồ gì cần bán ra đây, ta sẽ trả đúng giá cho cháu, kẻo bị người khác lừa mà thiệt thòi.

A-La-Đanh liền rút ở trong áo ra chiếc đĩa  bạc. Người chủ tiệm kim hoàn nhìn ngắm chiếc đĩa một lúc rồi hỏi:

- Hôm trước cháu bán cho tên Do Thái đó bao nhiêu?

A-La-Đanh thật thà kể lại giá cả đã bán cho tên Do Thái khi trước.

A-La-Đanh nói:

- Cháu chỉ bán cho người Do Thái đó có một đồng vàng mà thôi. Vì cháu cho như vậy là đúng giá rồi.

Người chủ tiêm kim hoàn hỏi:

- Chao ôi! Cháu đã bán cho hắn ta bao nhiêu chiếc với giá đó rồi?

- Tất cả cháu bán có mười hai chiếc đĩa và một chiếc mâm lớn.

- Thôi rồi! Con đã bị tên xảo trá đó lừa rồi. Món hàng của con có giá trị mà hắn trả giá rẻ mạt.

Rồi người chủ tiệm kim hoàn bỏ chiếc đĩa bạc lên cân. Xong, ông ta nói:

- Giá chiếc đĩa này là hai mươi bảy đồng  vàng. Con có bằng lòng giá đó thì bán cho ta. Vì ta mua để phá ra đánh thành đồ khác, lấy công làm lời chứ không ăn lãi của con đâu.

A-La-Đanh thấy giá cao như vậy thì bằng lòng ngay. Cậu cúi đầu cảm ơn người chủ tiệm.

Người chủ tiệm thấy A-La-Đanh đã bằng lòng giá ấy thì vui mừng, vội mở tủ lấy tiền ra trả.

A-La-Đanh nhận đủ tiền rồi về nhà.

Những lần sau, A-La-Đanh đều mang bán những chiếc đĩa bạc cho người chủ tiệm kim hoàn đó.

Dù biết rằng có thể lấy rất nhiều tiền do thần đèn cung cấp, A-La-Đanh và mẹ vẫn tiêu pha dè sẻn. Thỉnh thoảng A-La-Đanh mới dùng tới cây đèn.

Rồi hai năm qua đi, A-La-Đanh vẫn sống cuộc sống bình dị. Hàng ngày, cậu chịu khó len lỏi vào các giới buôn bán vàng ngọc để học hỏi.

Khi A-La-Đanh biết rõ mọi mánh lới về nghề buôn ngọc thì cậu hiểu rõ ngay giá trị của những trái cây mà cậu mang về. Đó chính là những viên ngọc vô giá và quí nhất.

Một bữa kia, A-La-Đanh đang đi dạo ngoài phố thì bỗng có lệnh vua ban ra bắt dân chúng phải trở về nhà và đóng cửa lại để công chúa ngự ra nhà Thủy Tạ tắm mát.

A-La-Đanh thầm nghĩ:

- Tại sao công chúa mỗi khi đi đâu lại cấm dân chúng nhìn? Ta phải tìm cách trông thấy công chúa mới được.

Nghĩ rồi, A-La-Đanh định trốn vào nhà một người bạn gần đó để ngắm công chúa.

Đứng sau tấm mành  mành, A-La-Đanh thầm nghĩ:

- “Chắc con gái bậc quí tộc khi ra ngoài phải che mạng ở mặt, ta khó lòng trông thấy được. Nếu vậy thì nấp ở đây cũng uổng công quá”.

Rồi tính hiếu kỳ và thích nghịch ngợm khiến A-La-Đanh có ý nghĩ liều lĩnh. Cậu vội chạy đến nhà Thủy Tạ, lựa một chỗ kín đáo để nấp.

Chỉ một lát sau, chiếc kiệu của công chúa đã hiện ra. Hai bên dãy phố lúc đó  vắng teo không một bóng người. Theo chung quanh kiệu của công chúa là một bọn nữ tỳ và nữ nô. Chúng ăn mặc quần áo sặc sỡ. Hương thơm từ kiệu tỏa ra ngào ngạt.

Trên kiệu, dáng công chúa thướt tha sau tấm màn nhung. Nàng trang sức thật lộng lẫy, đáng là một vì thiên kim tiểu thư.

Khi kiệu tới nhà Thủy Tạ, công chúa khoan thai bước xuống. Nàng đưa tay gỡ tấm mạng che mặt ra rồi mỉm cười với bọn tỳ nữ.

A-La-Đanh núp ở một xó rất kín, tự nhủ lòng sẽ rất bình tĩnh. Vậy mà khi nhìn thấy sắc đẹp tuyệt trần của công chúa, A-La-Đanh vẫn thảng thốt cả tâm hồn.

Chao ôi! Sắc đẹp của công chúa kiếm khắp trên trái đất này làm gì có hai!

A-La-Đanh thầm nghĩ:

- Ta chưa bao giờ thấy ai có một sắc đẹp quyến rũ như vậy!

Rồi A-La-Đanh ngây người đứng suy nghĩ. Bây giờ A-La-Đanh đã lớn tuổi, không còn bé như ngày xưa rong chơi ngoài đường phố.  Cậu biết rung động trước sắc đẹp của một người con gái, điều đó chứng  tỏ A-La-Đanh đã trưởng thành.

Nhưng thương thay cho chàng A-La-Đanh khi biết yêu đã vội say mê công chúa, một bậc đệ nhất thiên kim của triều đình.

Mải say mê, A-La-Đanh đứng ngây người ra một lúc lâu. Khi chàng quay lại thì công chúa đã vào nhà Thủy Tạ rồi. Thoảng đâu đây còn vương vấn hương thơm ngào ngạt. A-La-Đanh buồn rầu lủi thủi ra về.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp