Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

BÔNG HỒNG CÀI ÁO - Nhất Hạnh


Để dâng mẹ, và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ
Medford, tháng tám 1962.

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn.

Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: tại nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi.

Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ hát, cũng hay. Người viết, dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ, đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu… sợ sệt, lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến:

“Năm xưa tôi còn nhỏ
mẹ tôi đã qua đời!
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
để dòng nước mắt chảy
là bớt khổ đi rồi…

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời.”

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách giản dị vừa đúng mức:

“Mẹ già như chuối Ba Hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.”

Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay trên trán nóng ta và than thở “khổ chưa, con tôi”, ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy, không bao giờ cùng tận.

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quán Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền, làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, Thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa, chỉ mấy bước.

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân, tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong giỏ xách một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc, khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước, áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi, mới nói: “Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào ‘nhìn kỹ’ được mặt mẹ”. Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời, lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ: thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ.

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ hỏi em, vừa cười vừa hỏi: “Biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi, cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát nước thì uống. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ “phải” đây không phải là luân lý, là bổn phận. “Phải” đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên đi tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. Con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ, là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa, thầy giáo hỏi rằng: “Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?” Tôi trả lời: “Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi”. Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải “làm thế nào” gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi làm thế nào nữa!

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: “Đời ta không còn gì cả”. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng lẽ chị tôi không nên đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu; người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: “Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác”. Chị tôi gục đầu xuống mâm cơm, khóc. Chị nói: “Thôi con không lấy chồng nữa”. Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. “Các ái từ sở thân”, là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào là không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu, nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi, nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng quí báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ. Tôi đã nói là tôi không khuyên răn ai hết, tôi không giảng luân lý đạo đức rồi mà. Tôi chỉ nhắc anh: mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương. Để anh đừng quên. Để chị đừng quên. Để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn. Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, vô tình mà bị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “Biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi thì cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt . Và ngày mai, mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.


Nhất Hạnh     
1962         


Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

BÔNG HỒNG NÀO CHO MẸ? - Nhật Tiến


Giang sơn của cụ Giáo Thìn bây giờ chỉ thu vào đúng hai khoảnh nhỏ: một dẻo đất hẹp chạy dọc theo bờ tường của cái garage và một vùng trí nhớ lãng đãng với một mớ kỷ niệm xô bồ, không thứ tự, dấu hiệu của sự tàn phai trước tuổi già.

Về cái dẻo đất hẹp thì phải nói rằng đó là kết quả của một công trình chăm sóc tuyệt hảo. Bề ngang đâu được thước hai, bề dọc cỡ độ bẩy thước, cụ Thìn đã đổ gần như tất cả thời giờ trong một ngày của mình vào đó để vun sới. Có ba cây ớt, một khoảnh ngò, một khoảnh hẹ, răm bẩy gốc tía tô, chừng mươi gốc húng và một nhúm hành ta. Đủ lệ bộ cho một đĩa rau thơm vào cái hôm mà cả nhà muốn ăn món bò nhúng giấm hay món gỏi cuốn chấm mắm nêm. Đó là những dịp duy nhất  mà cả nhà lên tiếng khen bà cụ do công trình tưới bón, chăm sóc của bà. Tuấn nói :

– Tụi  bay còn cứ chê “mom” trồng trọt lẩm cẩm làm gì nữa đi. Sao bảo mấy thứ đó chạy ào ra chợ là có, đâu có thấy đứa nào vác xác ra chợ đâu !

Thúy nhìn anh bĩu môi :

– Tụi này đã không đi thì sao anh không đi đi, ở đó mà nói.

Thu họa theo:

– Nói cho hay, anh mà không chuẩn bị cơm nước chợ búa trước, tới chừng lấy chị Hương xong rồi ở đó mà chờ cái cảnh cơm bưng nước rót.

Tuấn cãi lại :

– Tao chờ chứ sao không ? Tao lấy vợ Việt Nam chớ đâu có phải lấy vợ Mỹ !

Thu trợn mắt nhìn anh :

– À, thế ra cứ lấy vợ việt Nam là bắt vợ làm “mọi” cho mình đấy có phải không ? Xí ! Còn lâu !

– Thì mày hỏi mẹ coi. Tứ đức tam tòng, công dung ngôn hạnh là những thứ hàng đầu của con gái, phải không mẹ ?

Bà cụ nhìn mấy đứa con không trả lời. Bà chẳng còn cái thói quen lên tiếng phát biểu ý kiến  riêng của mình từ ngày qua đây. Mọi thứ chung quanh đối với bà  đều trở nên choáng ngợp, vuột tầm tay, bứt rời mọi thứ kinh nghiệm sống mà bà đã thu lượm được trong suốt gần cả một đời người. Nghĩa là đứng trước điều gì ở đây bà cũng đều bỡ ngỡ, rụt rè, nói ra cái gì là sai lầm cái đó, rút cục lại bà chỉ như một thứ trẻ nít trong nhà đi đâu cũng phải có người dẫn đi, làm gì cũng phải hỏi ý kiến con cái mà có những điều cả lũ đã xúm lại giải thích nhưng bà vẫn ù ù cạc cạc, chẳng hiểu mô tê gì hết ráo.

Từ ngày thằng Tuấn  kiếm được việc làm, nó đổi cái ti-vi cũ để thay bằng một cái mới tinh. Tuấn dặn mẹ :

– Cái này có remote control. Mẹ muốn coi thì đừng có rờ mó gì vào những cái nút ở ti-vi cả. Họ đã set up đầy đủ hết rồi. Chỉ cần ngồi ở salon mà nhấn vào những cái nút ở trên cái này thôi.

Tuấn ấn vào tay bà  cụ cái remote control. Bà miễn cưỡng đón lấy nó bằng tất cả sự rụt rè, tưởng như bàn tay của mình mà đụng vào đâu lầm chỗ thì nó sẽ giở chứng hư ngay lập tức. Tuấn tiếp tục giảng giải :

– Cái này là nút on, cái này là nút off, cái này là volume tiếng to nhỏ, cái channel này là để đổi đài, cái mute này lúc đang xem mà có điện thoại, mình muốn cho âm thanh nó tạm im đi thì chỉ nhấn khẽ vào…

Đầu óc của bà Thìn cứ bấn loạn cả lên và cuối cùng bà dúi trả vào tay Tuấn:

– Thôi ! Rắc rối quá, tao chịu !

Rồi bà tần ngần :

– Mấy lại tao đâu có thiết gì ti-vi. Nó nói nhăng nói cuội, tao có hiểu ất giáp gì đâu !

Tuấn nằn nì :

– Thì mẹ nghe nhạc.

– Ôi ! Cái thứ nhạc cứ như đấm vào tai, càng nghe càng nhức đầu.

Rút cục, thú giải trí của bà chỉ còn là mấy cuộn băng cải lương mà bà đã nghe đi nghe lại nhiều lần trên cái máy cassette tuy cũ sì nhưng được cái nó đơn giản, dễ sử dụng. Chỉ có điều không phải lúc nào bà muốn nghe thì nghe. Con Thúy còn đỡ, chớ con Thu mà thấy mẹ vặn cải lương khi có mặt nó thì bao giờ nó cũng nhằn :

– Thôi tắt đi bớt đi một chút cho đỡ nhức đầu. Nhạc lải nhải thế  mà mẹ nghe mãi được.

Có lúc Tuấn cảm thấy bất nhẫn, phải gắt lên :

– Thì mẹ có mỗi cái thú nghe cải lương mày phải để cho mẹ nghe chứ.

Thu cãi lại :

– Thiếu gì lúc  mẹ có thể nghe được. Chờ cả nhà đi học đã, rồi mẹ tha hồ nghe.

Dĩ nhiên rằng bà Thìn chẳng bao giờ muốn chính mình trở thành cái duyên cớ để anh em nó hục hặc với nhau, nên bà thò tay nhấn cái nút trên máy để cho cuộn băng ngưng lại. Bà nhìn các con bằng đôi mắt buồn thảm rồi mở cửa ra đứng ở phía sau. Qua một cái sân cỏ nhỏ là một dẫy bờ tường chắn ngang tầm mắt. Dẫy tường quét bằng mầu vôi hồng sậm, dưới ánh nắng chói chang của mặt trời tháng Sáu, bà thấy nhức mắt. Bà lại nghĩ đến cái giang sơn nhỏ bé của mình. Khu vườn nhỏ, một thước hai bề ngang, bẩy thước bề dài có hẹ, có húng, có ngò, có tía tô. Mấy tuần lễ trước  gặp cụ Cả Phong ở ngoài chợ. Cụ có hứa sẽ bứng cho bà mấy rễ rau rớp cá khi nào bà tới chơi. Bà hoan hỉ báo tin cho lũ con ở nhà với lời đề nghị rụt rè :

– Bữa nào rảnh có đứa nào lái xe chở mẹ tới lấy rau rớp cá về trồng.

Thúy nhún vai, lè lưỡi :

– Eo ơi ! Rau rớp cá thì con chào thua. Chỉ nghĩ tới là đã muốn sỉu rồi !

Thu nói :

Me too ! Rau gì mà mùi tanh thấy ớn !

Lại đến lượt Tuấn phải can thiệp vào :

– Tuỳ goût mỗi người chứ. Rau rớp cá có biết bao nhiêu người thích ăn. Tụi bay không ăn nhưng mẹ ăn. Cứ lái xe đưa mẹ tới xin về để mẹ trồng.

Thúy nói :

– Tuần này em có hẹn ! Thứ Bẩy phải tới phụ đằng con Liên làm sinh nhật của nó. Chủ nhật thì bạn của anh có party, mời cả em đấy thôi.

Tuấn quay sang Thu :

– Vậy con Thu đưa mẹ đi. Weekend này mày làm gì ?

Thu hỏi ngay lại :

– Thế còn anh làm gì ?

Tuấn trừng mắt nhìn em thì mặt con nhỏ cũng vênh đáp lại. Thế là bà giáo Thìn lại vội vã xen vào hòa giải :

– Chẳng tuần này thì tuần sau. Đâu có vội.

Nhưng cái tuần sau đó đã trôi qua cả tháng nay rồi mà bà thì vẫn chưa có dịp ghé lại được đằng cụ Cả Phong. Câu chuyện rau rớp cá chỉ thoáng qua trong giây lát rồi mọi người đã quên đi, trừ bà Giáo.

Hồi còn ở quê nhà, bà là người nghiện ăn trầu, xỉa thuốc vào hạng nặng. Khi còn sinh thời, ông Giáo ưu ái trồng riêng ở vườn sau trong căn nhà khang trang ở Sài Gòn cho bà một giàn trầu không leo kín cả  một mái liếp. Có lẽ trong cái vùng trí nhớ lãng đãng của bà, hình ảnh sâu đậm nhất đối với bà  không chỉ là kỷ niệm của một thời còn nghiện trầu và được ăn trầu mà còn là sự gợi nhớ lại tất cả tấm lòng yêu thương mà ông Giáo đã dành cho bà. Khi ông Giáo mất đi, giàn trầu vẫn xanh tốt, nhiều hôm ra hái trầu bà đã đứng nép ở sau giàn cây mà khóc sụt sùi một mình. Đó là một trong những giây phút bà nhớ ông nhất. Đến lúc vô nhà, mắt của bà còn đỏ hoe.

Hồi đó Thu mới lên năm, cái Thúy lên tám và thằng Tuấn thì mười hai. Tất cả còn bé dại và bà đã dành tất cả quãng đời còn lại của mình để yêu thương và chăm sóc chúng nó. Khi lớn lên được một tí, cái Thu và cái Thúy tranh nhau học têm trầu cho mẹ. Nhìn những bàn tay xinh xinh bụ bẫm của hai đứa trịnh trọng xếp từng nếp trên lá trầu để hoàn tất những miếng trầu méo mó, xô lệch bà cảm thấy lòng hết sức thoải mái và yên vui.

Nhưng từ ngày qua tới đây, cả hai đứa đều đồng thanh đề nghị mẹ phải bỏ cái thói quen nhai trầu. Thu giải thích :

– Ăn trầu ở bên này không được đâu. Mồm miệng đỏ lòm, người ta cho mình là savage !

Thúy phụ thêm :

– Đấy, mẹ coi đàn bà cả nước Mỹ này đâu có ai nhai trầu. Mẹ mà ra phố nhai trầu, cả bàn dân thiên hạ sẽ xúm lại ngó mẹ cho mà coi !

Tuấn tuy cảm thông với mẹ hơn nhưng cũng phải đồng tình với các em :

– Thôi để chúng nó mua chewing-gum cho mẹ nhai đỡ buồn mồm. Cái Thu chiều nay đi học về tạt qua đâu đó mua cho mẹ loại chewing-gum có quế đó, mẹ dễ ăn.

Lần đầu tiên Thu không phản đối gì ông anh về đề nghị đó cả. Có lẽ vì nhiệm vụ tiêu diệt cái thói quen nhai trầu của bà giáo là một nhiệm vụ trọng đại mà tất cả mọi người trong nhà đều phải xúm lại, góp công sức vào để quật ngã nó. Cho nên Thu sốt sắng khuân về đủ loại kẹo cao su, thứ dẹp và dài có, thứ viên vuông vuông mầu trắng có và dĩ nhiên có cả loại Dentyl mùi quế mà Tuấn đã đề nghị nữa. Bà giáo thấy con mua tốn tiền đã dẫy nẩy lên :

– Làm gì mà mày khuân về lắm như thế. Bỏ thì bỏ chớ việc gì phải nhai kẹo cao su.

Rồi bà nói tiếp, giọng buồn buồn :

– Nhập gia cũng phải tùy tục chứ.

Quả nhiên bà Giáo bỏ đứt cái thói quen ăn trầu. Bà cũng chẳng cần dùng đến một chiếc kẹo nào do Thu mua về. Thói quen ấy của bà có thể đã bị tiêu diệt nhưng giàn trầu không xanh um trong trí nhớ của bà thì chẳng bao giờ bà có thể quên. Những hôm cả nhà đi vắng hết, bà ngồi thu lu trên bộ salon ở phòng khách nhìn ra khung cửa kính sáng lòa. Thân hình còm cõi của bà co gọn trên chiếc sofa rộng thênh thang trông lạc lõng và cô đơn như một con mèo già. Mái tóc của bà mới đó có vài năm đã bạc trắng ra. Bà giương cặp mắt hấp háy nhìn ra sân sau, lòng thì  nghĩ như mình đang ngồi trong căn phòng khách nhỏ bé ở Sài Gòn nhìn ra khoảnh vườn có giàn trầu không leo lên những tấm nan tre do chính bàn tay của ông Giáo đã dựng lên. Bà nghe như ở phía bên kia bờ tường có tiếng động cơ xích lô máy chạy qua con đường bên hông chợ. Bà cũng như nghe thấy cả tiếng ồn ào ồn ào từ cái máy nước công cộng, tiếng hàng quà rong rao lảnh lót, có cả tiếng con tầu từ Biên Hòa  chạy qua cổng xe lửa vang lên xậm xịch. Quê hương thật đã xa tít mù và chỉ còn tồn tại trong cái khoảng trí nhớ lãng đãng của bà.

Những ngày mới qua Mỹ, lúc bốn mẹ con ngồi ăn cơm với nhau, mỗi người thi nhau nhắc chuyện dĩ vãng. Kỷ niệm cũ với ông Giáo. Kỷ niệm cũ với Sài Gòn, trường học, đường phố, bà con, bạn bè. Lâu dần, rút cục chỉ còn có mỗi bà giáo là thích nghe và thích kể về chuyện quê nhà. Mà những dịp này thì cũng hiếm hoi dần đi. Bữa cơm trong nhà không còn là một cái gì gọi là sinh hoạt thường nhật. Buổi trưa, lũ trẻ ăn ở trong trường. Đến chiều, mỗi đứa về một giờ giấc. Thu về sớm nhất, háu ăn nhất, lao vào bếp nấu một tô súp rau ( loại súp bán sẵn trong những cái túi bằng nhựa) và một vài lát sandwiches. Bà giáo kêu ca :

– Ăn cái gì nhẹ thôi. Để đến tối cả nhà cùng ngồi ăn đông đủ.

Cùng ngồi ăn đông đủ ! Đó là niềm hạnh phúc và ước mơ nhỏ bé cuối cùng của bà trong căn nhà này. Nhưng trong thực tế, thật khó mà kiếm được dịp cả nhà ngồi chung với nhau, trừ một hai bữa trong những ngày cuối tuần. Khi Tuấn về đến nhà thì Thu và Thúy đã rút vô phòng riêng, đóng kín cửa lại. Bà giáo thì ngồi thiu thiu trên ghế chờ con về. Mâm cơm nguội lạnh đã bầy sẵn. Có dưa muối. Có thịt kho. Có canh cải hay nước rau rền. Tuấn ngồi vào bàn, nể mẹ sới được lưng bát cơm. Sau đó, chàng ăn tiếp một tô mì gói. Tuấn có thể ăn mì gói kinh niên mà không bao giờ ngán. Những hôm ăn một mình, Tuấn bưng nguyên cả tô mì ra ngồi ở salon, vừa ăn vừa coi ti-vi. Thành ra nồi cơm trắng phau, tuy sốt rẻo  như thế mà bao giờ cũng ế. Cơm ế, không đời nào bà giáo đem đổ đi. Bà đem cất tủ lạnh để sáng hôm sau hâm lại làm bữa trưa cho mình. Nhiều hôm bà đổ thêm nước vào để nấu thành cháo. Riết rồi bà cũng mặc nhiên trở thành một người kinh niên ăn cháo, âu nó cũng thích hợp với hai hàn răng cũng đã bắt đầu lung lay của bà.Trong cuộc đời của bà Giáo, bà sợ hãi  nhất là hai tiếng “đổ đi” ngay cả khi còn ở Sài Gòn vào thời kỳ bà đang giầu có, sung túc nhất. Các con của bà luôn luôn được nghe câu nói : “Phí của giời, mười đời không có”, bà làm như  lúc nào cũng có con mắt của Trời, Phật ngó vào khi bà lỡ đánh rơi  vài hạt cơm hay rúm gạo. Cho nên cái gì dư thừa, bao giờ bà cũng cất vô tủ lạnh, từ một chén ăn giở cho đến đĩa đầu tôm rang mặn hay những mẩu vụn vặt của một nồi cá kho. Có lần Thúy phải kêu lên:

– Mẹ suốt đời ăn đồ thiu. Coi chừng mắc bệnh, kính chả bõ phiền. Mà ở bên này đồ ăn thiếu gì !

Bà Giáo cãi lại :

– Mẹ mày ! Thiu đâu mà thiu !

Thu cũng bực bội chen vào :

– Không thiu thì cũng đun đi đun lại cả tuần. Mẹ không đổ đi thì con đổ cho mà coi.

Và Thu làm thật. Chờ lúc bà Giáo lúi húi ở vườn sau, Thu dọn sạch banh cái tủ lạnh. Ít lắm thì Thu cũng lôi  ra được nửa xoong cháo, một tô cơm nguội, một đĩa cải sào, một chén mắm ruốc kho và một lưng niêu nhỏ chứa cái gì “đen sì sì’ thịt không ra thịt, mỡ không ra mỡ lại lẫn lộn  cả mấy cọng râu tôm.

Nhưng rồi chỉ tuần lễ sau, mọi sự đâu lại vào đấy. Chán rồi, tất cả đều để mặc cho bà tự  do ăn uống theo ý mình, giống như Thu thì thích súp rau, Thúy thì thích bún thịt nướng, còn Tuấn thì  thích ôm  tô mì mì gói ra ngồi ở salon trước ti-vi. Ăn xong, đứa nào về phòng của đứa đó.

Trong căn nhà của xã hội Mỹ có những cánh cửa phòng khi đóng lại thì kín như bưng đã là cái hình ảnh khủng khiếp nhất đối với tâm trạng của bà Giáo. Khi bầy con của bà rút vô phòng rồi thì bà không biết chúng nó đang làm gì ở trong đó, hay nhỡ có chuyện gì không may xẩy ra đối với chúng nó ? Đứng ở ngoài hành lang thấp thoáng ánh đèn vàng vọt héo úa, bà với chúng nó tuy thật gần nhau về khoảng cách nhưng tâm tình thì thật đã xa cách nghìn trùng, đến nỗi bà nhiều khi có cảm giác như những cánh cửa phòng vô tri kia đã cắt lìa bà ra khỏi cuộc đời của chúng nó. Nào chúng nó có biết rằng rất nhiều hôm mủi lòng, bà đã tựa đầu vào vách gỗ để sùi sụt khóc mùi.

Hồi ngày xưa, bà có thể nắm vững tình hình sinh hoạt hằng ngày của từng đứa. Về quần áo, mỗi đứa có bộ nào, chiếc quần nào của Tuấn có vết mạng, cái áo nào của Thúy hay Thu sứt chỉ hay được đơm lại khuy, vết sước trên tay Thu khởi sự từ bao giờ và nó đã được chữa trị ra sao, hôm nào thì liền da, bong vẩy, thậm chí đến từng cái răng lược bị gẫy, cái quai dép bong keo hay chiếc khăn tay bị ố mầu mực tím, nhất nhất bà Giáo đều nắm vững như tất cả những thứ đó nằm trên đường chỉ tay của bà.

Bây giờ thì bà rất hiếm hoi có dịp được bước chân vô phòng của cả mấy đứa. Muốn kêu đứa nào, bà phải đứng ngoài gõ cửa. Nhiều hôm cái Thu hay Thúy chỉ hé  một chút xíu cánh cửa gỗ rồi thò đầu ra, trao đổi vài câu ngắn ngủi với bà rồi lại khép sập lại. Bà thấy rõ các con đã vượt  xa tầm tay của bà. Mỗi đứa đều có thế giới riêng của mình kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Một lần Tuấn bị đau nằm liệt trên giường ba ngày liền.

Ôi thôi, bà Giáo thấy mình linh hoạt hẳn lên. Bà lăng xăng nấu cháo nóng, thái củ hành, vắt nước cam, giặt khăn nước lạnh, pha sữa hộp, quơ đồ cũ của Tuấn mang giặt và đem phơi. Bà tự do ra vô căn phòng của Tuấn mà không cần gõ cửa. Bà lại có thể ngồi hàng giờ ở cuối chân giường của Tuấn, lâu lâu lại sờ đầu, sờ chân, kéo mép chăn, căng mép vạt trải giường và nghe ngóng từng hơi thở khó khăn nặng nề của Tuấn.

Nhưng sự bận rộn đầy yêu thương và hạnh phúc đó của bà cũng chỉ kéo dài được ba ngày. Sau hôm Tuấn khỏi bệnh và đã đi làm được ngày đầu, buổi tối bà Giáo tiến lại cánh cửa của phòng Tuấn với dáng điệu rụt rè. Rồi bà ngập ngừng gõ nhẹ lên phiến gỗ. Tuấn hỏi vọng ra:

– Ai đó ?

– Mẹ đây !

– Có việc gì không hả mẹ?

– Không ! Mẹ hỏi thăm xem hôm nay con khá hơn chưa?

Giọng Tuấn đáp to : “Khỏe như voi rồi, mẹ khỏi lo!”

Bà Giáo đứng tần ngần một lát rồi quay ra. Trong lòng bà dâng lên một niềm vui nghe con khỏi bệnh nhưng đồng thời cũng xen vào đó là cảm giác tiếc nuối, nôn nao như bà vừa bị đánh mất một cái gì thân thương khó tả.
Bà lại ra ngồi ở trên ghế salon, thu mình lại như một con mèo già ốm yếu, già nua. Phía bên kia cánh cửa kính là khoảng trời sâu hun hút  điểm mấy vì sao thưa. Bà nghe văng vẳng  hình như có âm thanh của những bản nhạc vọng lại từ rất xa phát ra từ những cánh cửa phòng đóng kín mít của các con bà.

Bà chợt thấy hối hận ngay với ý nghĩ điên rồ vừa chợt nẩy ra trong đầu :

“ Con Thu, con Thúy sao chẳng bao giờ thấy chúng nó ốm đau cả !”


NHẬT TIẾN                 
(California, Mùa Vu Lan – 1983) 

 

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2020

CÔ BẮC KỲ NHO NHỎ - Phạm Duy - Nguyễn Tất Nhiên


 CÔ BẮC KỲ NHO NHỎ

Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô đã nhìn anh rất... Bắc Kỳ
Anh vái trời cho cô dễ dạy
Để anh đừng uổng mớ tình si

Anh vái trời cho cô thích mộng
Để anh ngồi kể chuyện nằm mơ
"Đêm qua có một chàng bươm bướm
Nguyện chết khô trên giấy học trò"

Anh chắc rằng cô sinh trong Nam
Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng?
Khi nghe ai luyến thương Hà Nội
Chắc cô nghe bằng tim dửng dưng

Anh vái trời cho cô dửng dưng
Coi như Hà Nội - xứ hoang đường
Để anh còn dắt cô đi dạo
Còn rủ cô vào rạp cải lương

Anh vái trời cô thích cải lương
"Thích kẻ anh hùng diệt bạo tàn"
Mốt mai thê thảm quanh đời sống
Cô sẽ còn đôi chút lạc quan

Đôi mắt tròn, đen, như búp bê
Cô chớ nhìn thiên hạ lận lường
Mà hãy nhìn anh cây lắm chuyện
Nhưng còn con trẻ chuyện yêu đương

1973



ĐÁM ĐÔNG

1.
cô Bắc Kỳ nho nhỏ
tóc “demi-garçon
chiều vui thương đón gió
có thương thầm anh không?

cô Bắc Kỳ nho nhỏ
tóc “demi-garçon”
cười ngày thơ hết nụ
tình cờ thấy anh trông

khi không đường nín gió
bụi hết thời bay rong
khi không đường nín gió
anh lấy gì lang thang?

cô Bắc Kỳ nho nhỏ
tóc “demi-garçon”
chiều đạp xe vô chợ
mắt như trời bao dung

anh vì mê mải ngó
nên quên thù đám đông!

2.
đời chia muôn nhánh khổ
anh tận gốc gian nan
cửa chùa tuy rộng mở
tà đạo khó nương thân

anh đành xưng quỷ sứ
lãnh đủ ngọn dao trần!
qua giáo đường kiếm Chúa
xin được làm chiên ngoan

Chúa cười rung thánh giá
bảo: đầu ngươi có sừng!
đời chia muôn nhánh khổ
anh tận gốc gian nan

cô Bắc Kỳ nho nhỏ
mắt như trời bao dung
hãy nhìn anh thật rõ
trước khi nhìn đám đông

hãy nhìn sâu chút nữa
trước khi vào đám đông!

1973



Nghe bài hát Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, mời bấm dưới đây:



Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

CA KHÚC - Tôn Nữ Thu Dung













tháng tám như dòng sông
trôi về trên tay dại
Chừng nghe nhớ vô cùng
mở lời còn ngần ngại

tháng tám chim phiêu bồng
bay về đâu? - cánh mỏi!
chút tình còn mông lung
lời chim nghe khắc khoải

tháng tám cơn mưa hồng
bay qua thành phố nhỏ
run run làn phấn thông
rời cành về với cỏ

tháng tám cho nụ cười
tàn phai mùa hạ cũ
hình như có một người
đường xa về ủ rũ

tháng tám vui không cùng
bầy chim về trường học
cổng trường đã mở tung
nhìn ghế bàn em khóc

tháng tám như dòng sông
về theo cơn mưa hồng
tình xa yên giấc ngủ
một cánh chim phiêu bồng

                       TÔN NỮ THU DUNG

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 62, tuần lễ từ 3 đến 19-8-1972)

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

CÔ HÀNG CÀ PHÊ - Canh Thân


Cùng một mô tuýp như “Cô hàng nước”, năm 1954 nhạc sĩ Canh Thân có tác phẩm “Cô hàng cà phê” cũng vui và ngộ nghĩnh không kém:

“Ở chợ Dầu có hàng cà phê
Có một cô nàng be bé xinh xinh
Cô hay cười hồn xuân phơi phới
Cứ xem dáng người mới chừng đôi mươi
Làn thu ba cô liếc nghiêng thành
Mùi hương lan thơm ngát vương bên mình
Làm say mê bao gã thiếu niên đa tình
Mấy anh nho nhỏ thường hay đến ngồi cười với cô…”

Và chắc rằng trong “mấy anh nho nhỏ” ấy không thể thiếu được kẻ si tình kia. Chỉ lạ một điều anh không si tình cô nàng bởi “làn thu ba” hay “hồn xuân phơi phới” mà chỉ vì một “cánh tay ngà” dưới ánh trăng đêm muộn:

“…Hôm nao dưới bóng trăng mờ
Tôi mơ ngắm cánh tay ngà
Nhẹ nâng ly trà ướp sen ngạt ngào
Trông cô rón rén ra vào
Đôi môi thắm cánh hoa đào
Lòng tôi dạt dào muốn xiêu…”

Bài hát còn trở nên dí dỏm hơn ở lời 2, khi người nhạc sĩ cho thêm vào một nhân vật si tình khác:

“…Một chàng trai dáng người hiên ngang
Đến từ phương nào trong gió đông sang…
Chàng yêu cô vô bến vô bờ
Mà sao cô, cô vẫn cứ hững hờ
Buồn cho anh yêu quá hóa như điên rồ
Chiếc thân bơ phờ dường như muốn chờ một kiếp ma…”

Ở đây cái sự si tình đã trở thành cực đại và hóa ra nỗi thất tình. Con người hiên ngang ngày nào bỗng “ốm la liệt”. Nhưng dù sao cũng còn một chút an ủi:

“…Thương thay lữ khách bên đường
Cô mang thuốc đến cho chàng
Ngờ đâu con người trước bao hiên ngang
Lim dim khóe mắt hoe vàng
Anh đi sắp đến thiên đàng
Vừa lúc cô nàng biết yêu…”

Người nhạc sĩ không nói gì thêm về chàng trai thất tình kia và mối lương duyên của hai người. Cũng có thể chính anh là chàng trai thất tình “ốm la liệt” ấy. Nhưng dù đó là ai đi nữa ta cũng có thể hiểu được mối tình ấy không thể viên thành. Thời gian trôi đi, kẻ si tình năm xưa đôi khi lại nhớ. Và “cánh tay ngà” với “đêm trăng tà” lại hiện ra như là một điểm nhấn trong ký ức tình yêu:

“…Giờ đây đã mấy năm qua
Có lúc mơ về đường xa
Tôi nhớ những đêm trăng tà
Cô hàng với bàn tay ngà”…

(Lê Phú Hải)


Nghe bài hát Cô Hàng Cà Phê, mời bấm dưới đây:


Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

NGƯỜI ĐIÊN DƯỚI CHÂN SƯỜN TAM ĐẢO - Mai Thảo




Thế là, giữa một buổi sáng Sài Gòn rực rỡ, tin dữ mà gia đình tôi chờ đợi thấp thỏm suốt mười năm ở bên này vĩ tuyến, đã từ bên kia vĩ tuyến mười bảy bay sang. Bà ngoại tôi, người cuối cùng của dòng họ Nguyễn còn ở lại miền Bắc đã tạ thế.

Hung tin thu gom trong mấy dòng bưu thiếp lời lẽ mơ hồ, ngày giờ và chi tiết cái chết nghìn trùng cách trở không được nói đến tường tận, nhưng tôi, tôi biết bà ngoại đã nằm xuống ở đâu, cặp mắt nhân hậu một đời nhỏ lệ xót thương kẻ khác ấy đã khép lại dưới vòm trời nào, thước đất nào đã được bà lựa chọn gửi nắm xương tàn của một tuổi già cô độc.

Thửa ruộng nhỏ nằm dưới chân một sườn đồi trọc. Đất đỏ rờ rỡ màu máu. Thửa ruộng có một thân cây lớn nghiêng bóng, kế liền với một con đường sỏi đá và cỏ bồng hoang vu, trên đầu là những đám mây trung du và đám mây của một vòm trời trung du trắng xốp như bông nõn ấy nổi chìm ở bên này và bên kia một vùng rậm rì xanh đặc là hai sườn Tam Đảo.

Từ đỉnh núi, đổ xuống một ngọn thác trắng phau nhìn xa như một sợi chỉ bạc. Từ cuối con đường hoang, vang lên tiếng vó ngựa lộc cộc về chiều. Từ những xóm xa lọt vọng vào thị xã tiếng chầy giã gạo ba trăng. Tự miền cao phả về cái hơi thở âm u của núi rừng Việt Bắc. Tự miền dưới thổi lên cái hương thơm đầm ấm của lúa mạ đồng bằng. Người ta khiêng quan tài bà từ căn nhà rêu phong cổ cũ đi ra, cách hàng nghìn cây số tôi cũng hình dung thấy rõ ràng như vậy, đám táng kéo dài trên con đường lả lay cỏ bồng, chiếc quan tài in lên nền trời Tam Đảo, và nó được hạ huyệt trong thửa ruộng đó, không thể trên một thức đất nghĩa địa nào khác. Bởi vì bà tôi, nếu đã ở lại, nếu đã chối từ vượt tuyến cũng chỉ để được nằm xuống bên cạnh đứa con xấu số của bà là bác Cả Đoàn. Bác Cả được chôn ở thửa ruộng ấy, mấy giờ sau khi bác chết, cái thân thể trần truồng lỗ chỗ vừa đúng 17 vết đạn liên thanh.


 
*


Câu chuyện xảy ra cách đây đã mười lăm năm. Nhưng thảm kịch của người bác điên loạn, còn xảy ra lâu hơn nữa về trước, từ khi tôi còn nhỏ dại. Tôi kể lại dưới đây. Vì cái chết của người bác điên rồ là một trong những hiện tượng lạ lùng không bao giờ tôi giải thích được.

Mãi mãi tôi còn nhớ tới những chuyến về thăm quê ngoại đó, chuyến xe hàng cũ kỹ nổ máy từ tối đất nơi chân sóng rì rào của một xóm đạo vùng biển ỳ ạch chuyển mình trên những con đường liên tỉnh trải đá xanh hun hút. Những dốc đò rồi những bến phà. Dưới vành trời hắt hiu của mùa đông miền Bắc, chiếc xe cũ kiên nhẫn nuốt dần từng cây số trắng, thả lùi những xóm làng chài lưới về sau, tiến dần vào một vùng rừng núi cằn cỗi. Ngọn Tam Đảo hiện ra trong sương chiều, đỉnh núi chìm nhòe trong lớp mây xám loãng như một chiếc khăn choàng đánh đai lấy nó. Rồi là niềm vui náo nức tràn trề trong gió rừng đổ xuống khi chiếc xe trườn vào thị xã Vĩnh Yên le lói ánh đèn. Chiếc xe kéo thả mẹ con tôi xuống một căn nhà cuối tỉnh lỵ.

Cha tôi đánh điện tín từ hôm trước. Và bà tôi ngồi đó, trước thềm cửa, chờ đón chúng tôi. Bà chít khăn mỏ quạ, mặc áo bông ngắn. Mỗi năm bà mỗi già, nhưng ánh vui mừng cảm động của đôi mắt vẫn ngời lên, lấp lánh, khi tôi tự xe nhảy cẫng xuống, và mặc mẹ tôi quát mắng không được lôi bà như thế, tôi kéo bà sềnh sệch vào nhà. Bữa cơm, tôi ngồi chồm chỗm trên lòng bà, vòi quấy đủ thứ. Bà nấu chè và làm mứt dừa ngon vô cùng. Chè bà cốt, màu mật đặc quánh, mùi gừng thơm cay phảng phất trong mùi hương gạo nếp bùi ngậy. Dừa mật Vĩnh Yên nổi tiếng miền Bắc, bà nấu thành một thứ mứt dẻo quyện, trong suốt, đỏ thắm, đựng đầy trong một vò thủy tinh lớn. Những ngày về thăm bà ngoại, dạ dày tôi căng phình, đuôi mép lúc nào cũng nhuếch nhoáng màu đường màu mật. Vui thú không bút nào tả xiết. Thức dậy sau một đêm ngủ vùi vì chuyến đi mệt nhọc, buổi sáng tôi chạy ra đầu nhà, và cặp mắt của đứa nhỏ chỉ quen nhìn bãi cát và sóng biển trong tôi đã ngó nhìn đến độ bàng hoàng ngây ngất ngọn Tam Đảo hiện hình chất ngất trong buổi sáng trung du yên tĩnh, ngọn núi đứng đó, sừng sững trước mắt như một hình ảnh thần linh hoang đường, với cả một thế giới kỳ lạ, bí mật của nó ẩn kín ở sườn núi bên kia.


 
*


Chính là một trong những chuyến về Vĩnh Yên thăm ông bà ngoại mà tôi biết đến sự hiện hữu của bác Cả Đoàn. Lần thứ nhất ngó thấy bác, tôi đứng đờ người, mặt tái nhợt vì khiếp hãi. Đang nhảy nhót chung quanh cái bể non bộ ở khoảng sân sau, tiếng gõ loong coong làm nhịp cho một giọng hát ê a lạ tai ở căn buồng sát hông nhà bếp làm tôi ngừng nhảy, tò mò tiến lại.

Qua khung cửa khép hờ, tôi nhìn thấy một người đàn ông. Râu ria và đầu tóc người ấy xồm xoàm như một con thú. Người ấy khoác một tấm bao bố trên vai, đóng khố ngồi khoanh chân trên nền đất nhớp nhúa của căn buồng không có đồ đạc gì ngoài một tấm phản mộc. Hai chân người ấy bị xích chặt. Cái xích quấn nhiều vòng chung quanh mắt cá, đầu xích cột chặt vào một cái cọc gỗ chôn nghiêng.

Cảnh tượng người đàn ông gần như lõa thể bị cùm xích đột ngột hiện ra làm tôi rợn người, nín thở, trái tim đậm thình thình trong lồng ngực. Người đàn ông chưa nhìn thấy tôi. Hắn vẫn ngồi nguyên trong dáng điệu cũ, mắt nhắm nghiền, hai tay cầm hai mảnh que nhỏ gõ loong coong lên đít một cái ống bơ sữa bò lật úp, miệng ê a như một thầy bùa đang tụng niệm.

Hắn cứ ê a và cứ nhắm nghiền mắt mà gõ loong coong không ngừng trên nắp ống bơ như thế một hồi lâu, thần trí như đắm chìm hoàn toàn vào một thế giới mơ hồ nào đó. Tôi tròn xoe mắt, nhìn ngắm không chớp. Tôi không biết người đàn ông cởi trần bị xích chân và đang ê a hát nhảm ấy là ai. Tại sao hắn ở trong nhà bà ngoại tôi? Tại sao hắn bị cùm xích như thế? Ông tôi, bà tôi, mẹ tôi, không một ai nói chuyện cho tôi về hắn, về sự hiện hữu của hắn trong căn nhà này, dù chỉ một lần.

Bỗng dưng, một tiếng động làm người đàn ông bừng tỉnh. Hắn mở choàng mắt, ngừng hát ngừng gõ. Thấy tôi đứng đó, hắn trợn mắt nhìn rồi thình lình hắn chỉ thẳng chiếc que vào mặt tôi, và cười nhe hàm răng trắng ởn. Tôi chỉ kịp rú lên khiếp hãi rồi quay đầu, cắm cổ chạy bay lên nhà trên.

Tôi còn nhớ khi tôi vừa thở vừa kể chuyện cho bà tôi về người đàn ông nhìn thấy dưới căn buồng hông bếp, bà tôi và mẹ tôi đã đưa mắt nhìn nhau, cái nhìn trao đổi ấy cực kỳ buồn rầu và chua xót.

Tôi níu áo bà, hỏi dồn:

“Ai thế, bà ngoại?”

Mẹ tôi trừng mắt mắng át:

“Trẻ con biết gì mà hỏi. Cấm mày không được xuống đó nữa, nghe không?”

Thấy tôi phụng phịu sắp khóc, bà ngoại kéo tôi vào lòng, vuốt tóc. Bà nói, giọng nghẹn ngào nước mắt lưng tròng:

“Cháu nó biết gì mà mắng nó! Bác Cả Đoàn đấy cháu ạ! Mẹ bảo cháu phải nghe, cháu đừng lảng vảng xuống gần chỗ bác Cả nữa nhé!”

“Tại sao thế bà ngoại?”

Bà tôi ngập ngừng nói:

“Vì bác ấy điên”.

Mãi mấy năm về sau, khi lớn khôn hơn, tôi mới được mẹ tôi nói chuyện về bác Cả Đoàn. Bác là con trưởng và là người con trai độc nhất của ông bà tôi. Theo lời mẹ tôi thuật lại, bác thông minh và hiền từ vô cùng. Ông bà tôi cho bác ra Hà Nội học, đến khi đỗ bằng cao đẳng tiểu học, bác Cả ở luôn ngoài Hà Nội, làm thư ký cho một hãng buôn lớn, thỉnh thoảng mới về Vĩnh Yên thăm ông bà tôi, thường thường là vào cuối mùa gặt để làm giúp ông tôi sổ sách về thóc lúa thu hoạch được. Gia sản của ông tôi ước chừng vài ba chục mẫu ruộng ở các miền kế cận thị xã, những thửa ruộng nằm rải rác trong những thung lũng, những chân đồi trước mặt ngọn Tam Đảo. Đường sá miền trung du gập ghềnh núi đồi cheo leo, đó chỉ là một hệ thống thiên nhiên của những lối mòn đổ xuống thung này vắt qua lũng khác, xe cộ không thể đi tới, nên mỗi lần đi thăm ruộng ông tôi vẫn phải dùng ngựa. Ông tôi có một con ngựa hồng, khi nào không cưỡi vẫn thả rông cho ăn cỏ ở khoảng đồi thấp sau nhà.

Năm đó – năm xảy ra bất hạnh – bác Cả từ Hà Nội về giữa lúc ông tôi bị đau nặng. Thế là bác Cả sáng sáng cưỡi ngựa đi thăm ruộng thay cha. Buổi sáng hôm đó, bác cũng cưỡi ngựa phóng nước kiệu ra khỏi nhà đi thăm mấy thửa ruộng gặt dở trong thung như thường lệ.

Đến nơi, bác thả ngựa cho ăn cỏ ở một bóng cây, chạy xuống chuyện trò vui vẻ với đám thợ gặt. Sự tình cờ tai hại là thửa ruộng ấy sát liền với thửa ruộng của một điền chủ khác, người này hôm ấy cũng cưỡi ngựa đến thăm ruộng mình và cũng thả ngựa cho ăn cỏ dưới cùng một bóng cây. Một lát sau, những tiếng hí vang lên. Tiếng móng đập loạn xạ. Hai con ngựa đá nhau dữ dội. Hoặc là bác Cả không biết khi hai con ngựa đá nhau như thế là cực kỳ nguy hiểm, hoặc là bác sợ con ngựa của ông bị thương – không biết – chỉ biết bác chạy lao tới, kéo con ngựa của ông tôi ra, và liền bị nó đá hậu một đá trúng giữa khoảng bụng dưới. Bác thét lên một tiếng đau đớn rồi ngã vật xuống, ngất đi.

Khi đám thợ gặt khiêng bác về nhà, ai cũng tưởng bác bị ngựa đá chết. Rờ tim, còn đập thoi thóp, nhưng bác vẫn mê man không hồi tỉnh lại được. Bà ngoại tôi cuống cuồng, kêu thóc thảm thiết. Phương kế nào cũng không làm bác tỉnh lại. Cho đến khi một người hàng xóm mách bà tôi cho bác uống mật gấu. Chất mật gấu có một tác dụng kích thích cực kỳ mãnh liệt. Chỉ mười lăm phút sau, bác Cả cựa mình và mở mắt.

Có điều là thương con quá độ, muốn cứu con mau chóng, bà tôi đã đổ vào miệng bác quá nhiều mật gấu. Sau tai nạn, bác khỏe mạnh như người thường. Nhưng một năm sau, chất mật gấu bắt đầu phá phách cơ thể và thần trí: bác Cả Đoàn phát điên. Bà tôi đau đớn ra tận Hà Nội đón đứa con điên loại về Vĩnh Yên, nhất định không chịu để người ta đưa bác vào nhà thương Vôi, là nhà thương người điên ở miền Bắc thời bấy giờ.

Sự buồn thảm như một đám mây đen tối đổ dồn vào mái nhà êm ấm, biến nó thành địa ngục và nhà mồ. Ông tôi giết con ngựa phản chủ, suốt ngày ngồi lặng lẽ trên góc phản, khuôn mặt u uất rắn lạnh như chưa thôi đau đớn trước một thất đức tiền kiếp nào đó, bây giờ hiện thân thành trừng phạt mà người phải gánh chịu qua chứng điên loạn của người con. Bà tôi thì cả ngày vật vã khóc lóc. Nhà có người điên nên bạn bè thân thuộc cũng xa lánh dần dần. Sự thật là ông tôi đóng kín cửa không chịu tiếp ai, trong nỗi đau âm thầm có pha lẫn một niềm tủi hổ mà sống người để bụng, chết người mang theo, vĩnh viễn không bao giờ xóa bỏ được.

Căn nhà chứa lúa dưới hông bếp không dùng làm gì nữa – ông tôi đã bán rẻ hết ruộng đất sau tai họa – biến thành cái thế giới lưu đầy bé nhỏ cho bác Cả sống với những hình ảnh quái dị nhảy múa trước mắt, nơi sự tỉnh táo sáng suốt chỉ còn là những vùng thư thái thu hẹp như những giọt nắng thoi thóp cuối cùng của một vòm trời bão giông. Căn bệnh không thuyên giảm, ngày một trầm trọng thêm mãi cho đến khi mọi phương sách cứu chữa tuyệt vọng đều uổng công.

Mấy tháng đầu, cơn điên chập chờn trong một trạng thái mất trí hiền lành. Bác Cả cười khóc rồi lăn ra ngủ. Bác ngủ suốt ngày suốt đêm, đầu ghếch lên một góc tường, tay chân co quắp, như một con chó ốm. Sau, chứng bệnh nặng dần. Cái thế giới bệnh hoạn ngột ngạt nung nấu biến con vật hiền lành thiêm thiếp thành một con thú dữ tợn, mỗi lần nổi cơn là một lần đập phá gào thét khủng khiếp. Tóc bạc mọc dài ra, râu ria xồm xoàm. Rớt rãi sùi trắng hai bên mép. Con mắt trợn trừng đỏ rực màu máu. Đêm đêm tiếng gầm rú của người điên vang động khắp khu phố, như lan xa tới vách Tam Đảo và vang trở lại, gợi trong nó cái âm thanh rùng rợn của một con hổ vằn tử thương tru rống từ một đáy rừng sương.

Một buổi chiều nóng nực, bác Cả phát cơn điên đã chạy lên nhà đập phá loạn xạ. Rồi vớ được một gióng cửa gỗ lim, bác thẳng cánh quất xuống đầu ông tôi máu chảy lênh láng. Từ đó, mặc dù bà tôi phản đối, ông tôi cho xích bác lại. Người điên khỏe lạ lùng. Cái dây xích lớn thế, cái cọc đóng sâu vào nền đất như thế mà nhiều lần bác thét rồi vươn tay nhổ phăng cọc, cứ trần truồng ôm xích mà chạy túa ra đường. Bác vừa chạy vừa hò hét, cứ nhắm hướng Tam Đảo tiến vào. Phải hàng chục người trai tráng trong phố mới chế ngự được bác sau một cuộc vật lộn dữ dội.

Người độc nhất mà bác còn nể sợ là bà tôi. Đang gào thét, chửi rủa, đập phá, chỉ cần bà tôi đến ngó bác bằng cái nhìn đẫm lệ và dịu dàng nói: “Cả, làm gì thế con?” là bác im ngay, bác từ từ ngồi xuống, cái nhìn nem nép cúi gằm như một đứa nhỏ phạm tội. Tình thương đó của bà tôi là dòng ánh sáng duy nhất còn chiếu soi được vào vùng tối đặc mê mẩn, là trận mưa duy nhất còn đổ xuống và thấm lắng được vào thần trí bác như một vùng đất đai khô cằn, làm nở lên những bông hoa. Nhưng tình thương đó chỉ là một liều thuốc an thần chốc lát. Căn buồng chứa thóc ngày trước ở hông bếp là một địa ngục vĩnh viễn giam cầm bác Cả tôi trong cái thế giới cô độc của kẻ mất trí, cái thế giới rùng rợn của người điên.


 
*


Từ ngày biết rõ chuyện bác Cả như thế, tôi vẫn được mẹ tôi hằng năm cho về thăm bà ngoại. Tôi sợ, nên chỉ quanh quẩn trên nhà, đôi khi lảng vảng xuống khoảng sân sau cũng chỉ dám đứng ngó bác thấp thoáng trong căn buồng mờ tối từ xa. Cho đến khi cuộc chiến tranh đột ngột bùng nổ, cắt đứt đường về thăm quê ngoại. Hai năm trôi qua như thế, rồi là một tin buồn từ ngọn Tam Đảo vượt qua nghìn trùng cách trở xuống với gia đình tôi ở dưới biển: ông ngoại tôi tạ thế. Mẹ tôi khóc ngất, thương cha chết một phần, thương người mẹ già một thân một mình lủi thủi kéo lê cái tuổi già buồn thảm dưới bóng núi xa đến mười phần.

Tôi còn nhớ năm đó là một mùa đông cực kỳ buốt lạnh. Sau một đêm bàn bạc, cha tôi bằng lòng để mẹ tôi tìm đường lên Vĩnh Yên đón bà ngoại xuống ở với gia đình tôi. Mọi đường giao thông trên bộ đã bị gián đoạn hết, phải chuyển vận bằng thuyền. Vì chuyến đi nguy hiểm gian lao, tôi phải năn nỉ vòi vĩnh mãi mới được mẹ tôi cho phép đi theo. Ngày đi đêm nghỉ, chiếc thuyền nan ngược dòng, vượt nhánh sông này tới nhánh sông khác, len lỏi qua các mặt trận, tránh xa những vùng súng đạn, ròng rã đúng vào nửa tháng mới tới được cái bến đá hẻo lánh dưới chân ngọn Tam Đảo.

Bấy giờ, từ mạn cầu Đuống tràn ngược lên qua Hương Canh, Phúc Yên, cánh quân mở đường của Pháp đã tiến dần đến thị xã. Chúng tôi đặt chân vào căn nhà rêu phong cổ cũ đúng ngày bà ngoại tôi đang sửa soạn tản cư vào núi. Đứa trẻ đã lớn, đã biết nhận xét ở tôi, chuyến cuối cùng về thăm quê ngoại đó, thu vào tầm mắt nó những hình ảnh cực kỳ buồn thảm. Bà tôi đã già, già lắm. Bà vẫn đội cái khăn mỏ quạ, mặc cái áo bông ngắn như cũ, nhưng ánh lửa nhân hậu sưởi ấm những tháng ngày thơ dại của tôi đã tắt trong cặp mắt nhòe mờ, khuôn mặt tươi cười thuở nào chỉ còn là một vùng héo hon đầy những nếp nhăn, in hằn những đường rãnh nước mắt không thôi chảy ròng từ ngày đứa con trai độc nhất bị ngựa đá thành điên. Cùng với tiếng súng của một thời loạn lạc ầm ĩ dội tới từ đầu thị xã, buổi tối mùa đông dầy đặc khí núi thổi lùa từng đợt lạnh căm căm vào căn nhà le lói ánh đèn, nơi mẹ tôi và bà tôi ngồi thao thức bên đống hành lý gói buộc sẵn sàng trong đêm dài kinh hoàng, chờ buổi sáng tới để chạy ẩn vào hang núi. Những tiếng thở dài não nuột phát ra từ hai cái bóng âm thầm. Bỗng mẹ tôi hỏi:

“Còn bác Cả”.

“Mẹ cũng chưa biết tính sao đây, bà ngoại vừa khóc vừa nói. Nó điên loạn như thế cùm xích bao nhiêu năm rồi, bây giờ tháo xích đưa nó đi theo, biết nó chịu đi không? Nó nổi cơn lên thì làm thế nào chứ! Mà để nó ở lại thì thà mẹ ở lại đây cho lính Tây nó bắn chết còn hơn”.

“Hồi này bệnh tình anh con ra sao? Mẹ tôi hỏi”.

Bà tôi gạt nước mắt nhìn xuống phía nhà bếp:

“Mỗi ngày một nặng thêm. Trước nó còn chịu nghe mẹ, bây giờ mê loạn hoàn toàn rồi, bảo gì cũng không chịu nghe nữa”.

Tôi cứ nằm nghe tiếng đại bác ầm ì và tiếng nói chuyện rì rầm như thế rồi ngủ đi trên gối bà lúc nào không hay. Khi mẹ tôi lay vai đánh thức dậy, trời đã tảng sáng. Tiếng súng lớn vọng tới trong đêm giờ đã biến thành tiếng liên thanh tặc tặc réo réo từng hồi, thật gần, rõ mồn một, tưởng như đã nghe thấy tiếng giầy đinh, tiếng sì sồ của quân Pháp ở ngay đầu phố.

Mẹ tôi và bà đeo khăn gói lên vai hấp tấp đi xuống căn buồng bên hông nhà bếp. Phút quyết liệt đã tới. Bà tôi mở cánh cửa gỗ, mẹ tôi rón rén đi theo, cùng tiến vào chỗ bác Cả Đoàn nằm. Tôi nín thở, đứng nép sau lưng bà. Cái bao bố rách tơi tả phủ lên một thân hình gầy đét đến xương, bác Cả nằm nghiêng, quay mặt vào tường, sợi dây xích đen nhảy căng thẳng từ cổ chân bác tới đầu cọc. Mùi cứt đái xông lên nồng nặc khiến tôi nôn ọe bịt vội mũi lại. Cái ống bơ và hai thanh tre, thú tiêu khiển và cũng là bạn bè độc nhất suốt một đời của người điên – tôi nhìn thấy ở nguyên chỗ cũ, dưới chân bác. Bác nằm, nhưng không ngủ. Tiếng nôn ọe của tôi làm bác bất thần quay ra và ngồi vụt dậy. Tôi hoảng hốt không giữ được tiếng thét sợ hãi. Mọi người chờ đợi những tràng dài quát tháo nguyền rủa nổi lên. Nhưng không, bác lùi vội lại một bước như con thú dữ thu mình, tròn xoe mắt, nhìn bà tôi không chớp. Mẹ tôi gạt nước mắt đứng yên. Bà tôi ngồi xuống. Bằng một giọng nói hết sức dịu dàng, rành rọt từng tiếng một, bà tôi cắt nghĩa cho bác là quân Pháp đã tràn vào thị xã, chúng tôi phải bỏ nhà tản cư vào núi và xuống đây đem bác đi theo.

“Con bằng lòng đi theo mẹ không?”

Bác Cả nín thinh, rồi cái nhìn vụt chuyển thẳng từ bà tôi tới tôi khiến tôi thất thần lạnh toát người đi.

“Con giai em con đó, mẹ con nó lặn lội từ dưới bể lên thăm con đó”.

Bà ngoại quay lại tôi:

“Cháu chào bác Cả đi. Bác yêu cháu lắm. Cháu chào bác đi”.

Tôi nhợt người, ấp úng mãi mới nói được với người điên:

“Lạy bác ạ!”

Bác vẫn nín thinh trong dáng điệu thủ thế cũ. Bà tôi ngồi xích lại gần bác, nghẹn ngào:

“Con thế này, sống cũng như chết rồi, mẹ chẳng muốn đưa con ra khỏi chỗ này làm gì, nhưng Tây nó đến, mẹ bỏ con lại không đành, con nghe lời mẹ, con đừng giận dữ, con đi theo mẹ nhé!”

Bác vẫn nín thinh và nhìn ngó trừng trừng. Bà tôi ngọt ngào dỗ:

“Bây giờ mẹ cởi xích cho con”.

Miệng nói bà tôi thò tay vào chân bác. Bác Cả rút phắt chân lại. Dây xích căng thẳng, tiếng kêu loảng xoảng trong căn buồng tối nhờ nhờ. Nhưng tình thế nguy ngập không thể chùng chình được nữa.

“Mẹ cứ cởi xích cho con rồi con có giết chết mẹ, giết chết em, giết chết ngay lập tức, mẹ cũng đành, nhưng mẹ không thể bỏ con ở lại một mình được, mẹ phải cứu con, mẹ phải đưa con đi, mẹ con ta sống chết phải có nhau”.

Bà tôi vừa khóc sướt mướt, vừa mếu máo tra cái chìa vào ổ khóa. Rồi mẹ tôi và tôi cũng ôm mặt khóc theo. Tiếng khóc vang đầy căn buồng hòa lẫn với tiếng đạn liên thanh tặc tặc nổi dậy, mỗi phút một gần thêm mãi. Vòng xích cuối cùng đã tháo hết, bác Cả như một con thú dữ bị gông cùm bao nhiêu năm qua vừa được thả lỏng. Giây phút cực kỳ căng thẳng. Chúng tôi cứng người, chờ bác chồm dậy, thét lớn, vung xích quật xuống.

Nhưng lạ lùng, nhưng kinh ngạc xiết bao! Bác Cả từ từ đứng dậy. Và trong một dáng điệu hết sức từ tốn, đĩnh đạc, bác tiến lại trước mẹ tôi, giơ cánh tay trần khẳng khiu đặt lên vai mẹ tôi, cử chỉ thân mật âu yếm của một người anh đối với người em gái lâu ngày mới gặp:

“Cô Hai đấy ư? Bây giờ cô chú xuống làm ăn dưới biển ư? Chú ấy vẫn mạnh đấy chứ?”

Sự kinh ngạc làm mẹ tôi mãi mãi mới trả lời được hai tiếng ngắn cộc:

“Vâng ạ”.

Mà không riêng gì người, bà tôi và tôi đều cùng sững sờ trong kinh ngạc tột điểm. Bao nhiêu năm điên loạn, thốt nhiên, trong giây phút thập tử nhất sinh này, bác Cả đã tỉnh dậy, như tỉnh dậy sau một giấc ngủ bằn bặt, như sống lại sau một cái chết dài.

“Ông mất rồi, tôi bệnh hoạn như thế này, bà già yếu không còn ai nương tựa, chỉ còn mình cô chú. Cô chú thay tôi chăm sóc bà nhé!”

Mẹ tôi giàn giụa nước mắt gật đầu.

Bác Cả quay lại, mỉm cười tiến đến trước mặt tôi, cái bao bố kéo lệt xệt trên nền đất.

“Tên cháu là gì?”

Phút đó tôi vẫn khiếp hãi, nhưng sự khiếp hãi không còn như trước nữa. Tôi nhìn cái khuôn mặt râu ria xồm xoàm, nhớp nhúa, tiều tụy nhưng đầy những nét đẹp cân đối, tôi nhìn cái thân hình giơ xương, cái mái tóc màu tro phủ xuống kín gáy, rồi tôi nuốt nước bọt, cố gắng chế ngự sự hồi hộp, dõng dạc trả lời bác:

“Thưa bác, tên cháu là Đăng”.

Bác Cả nhoẻn miệng cười, xoa đầu tôi, nhắc đi nhắc lại:

“Tốt lắm, tốt lắm, tốt lắm”.

Cuối cùng, bác quay sang bà ngoại mà nỗi mừng vui xúc động mãnh liệt vừa bật thành tiếng khóc nức nở.

“Con không điên nữa đâu. Bây giờ con không điên đâu. Mẹ đừng sợ, mẹ đừng khóc nữa”.

Qua khung cửa, trời bật sáng rõ. Cùng với ngày vừa lên, tiếng giầy đinh rầm rập, tiếng xì xồ quát tháo lạ tai của toán lính Pháp hung dữ nhất tề nổi lên ở đầu phố.

Bác Cả lắng tai nghe ngóng. Mắt bác sáng quắc. Bác nhảy vọt một bước ra sân, vơ lấy cái gióng cửa dựng ở bên thành bể non bộ, cái gậy mà trong một cơn điên ngày nào bác đã đánh ông tôi chết ngất. Theo tiếng gọi của bác chúng tôi líu ríu ra khỏi nhà, lếch thếch chạy ngược về phía chân núi. Ngọn Tam Đảo mờ mờ trong sương sớm. Ra đến đầu tỉnh chúng tôi đặt chân vào con đường dẫn lên đồi còn ướt đẫm sương. Chúng tôi vừa chạy vừa thở hổn hển, chân cẳng run bắn muốn ríu lại, muốn té quỵ, vì ở phía sau lưng những tiếng đạn, tiếng giầy, tiếng xì xồ vẫn đuổi theo rất gấp. Những đám người chạy cùng với chúng tôi khi nhìn thấy bác Cả, mình đeo khố tải, tay cầm gậy lớn, đều kêu lên thất thanh: “Người điên! Người điên!” và chạy tán loạn về phía khác. Tôi chạy tưởng chừng sắp muốn đứt hơi. Bà tôi mấy lần lảo đảo chỉ muốn ngã sấp xuống. Bác Cả đi tập hậu, cứ kéo lết bết cái bao tải như thế, vừa chạy vừa ngoái cổ lại. Trên con đường vắng tanh, lởm chởm, chỉ còn bốn bà cháu chúng tôi cuống cuồng, lếch thếch trước những tràng đạn đuổi theo veo véo trên đầu.

Bỗng tiếng bác Cả cất lên:

“Chúng nó! Chúng nó!”

Chúng tôi rú lên, cùng ngoái cổ nhìn lại. Thấp thoáng ở xa xa, đầu con đường đầu tỉnh, những đầu lưỡi lê nhấp nhổm, sáng loáng. Cùng lúc đó, bà tôi kiệt sức, ngã vật xuống. Bác Cả chạy đến, xốc bà ngoại dậy. Bà tôi vừa khóc vừa thở:

“Thôi đành là mẹ con ta chết ở đây. Mẹ không chạy nổi nữa, con ơi!”

Tôi thấy bác Cả đẩy bà ngoại cho mẹ tôi đỡ lấy, bác nghển cổ nhìn tứ phía, rồi bác chỉ tay cho mẹ tôi nhìn thấy một con đường nhỏ chạy tắt xuống thung lũng um tùm.

“Cô đưa bà và cháu chạy xuống dưới kia”.

Mẹ tôi còn ngơ ngác do dự bác đã giục hối hả:

“Mau lên. Chạy xuống ẩn dưới đó đi”.

“Còn bác?”

Bác Cả lần lượt nhìn cả ba chúng tôi bằng một cái nhìn lạ lùng, một cái nhìn chứa chan, nồng nàn, như gửi vào đó tất cả những thương yêu một đời, rồi bác mỉm cười nói:

“Tôi chạy theo sau mà. Mau lên, trời ơi, mau lên”.

Mẹ tôi quẳng vội khăn gói, một tay dìu bà, một tay dắt con, cắm đầu chạy xuống con đường nhỏ. Đạn nổ đinh tai nhức óc. Chạy tới một vùng cỏ dại cao ngang tầm người, mẹ tôi vấp kéo theo bà tôi và tôi cùng ngã xuống.

Nhìn lên, mẹ tôi kêu lên một tiếng sợ hãi. Thì ra bác Cả không chạy theo chúng tôi, mà từ con đường cao, bác chạy sang phía bên kia, bác chạy thẳng lên đỉnh đồi.

Suốt đời, tôi còn nhớ thân đến cái cảnh tượng lạ lùng, kinh dị đó. Thân hình bác Cả nổi lên nền núi xanh thấp thoáng nắng sớm, cái khố tải lất phất như một cánh bướm, như không phải là bác đang chạy mà đang là là bay. Điều kỳ dị là bác chạy dềnh dàng, chuệnh choạng, chân nam đá chân xiêu, như người sau rượu. Điều kỳ dị nữa là bác vừa chạy như thế, vừa vung tít cái gậy trên đầu, vừa ngoái cổ lại, gật gù như vẫy như gọi bọn lính đuổi theo, miệng thì ca hát ê a, tiếng ca hát ê a tôi đã từng nghe thấy trong những cơn điên của bác.

Bà tôi và mẹ tôi cùng thét lên:

“Trời ơi! Lại nổi cơn điên rồi”.

Nhưng không phải thế đâu. Bác Cả không điên. Bác Cả chỉ đang cứu chúng tôi thoát khỏi ba cái chết thảm khốc. Sau này, càng nghĩ càng nhớ đến cái nhìn cuối cùng của bác, cái nhìn chan chứa yêu thương không nói, tôi càng tin là đúng, là chỉ có thể như thế, là lần duy nhất trong đời, điên đã tỉnh rồi, đã giả bộ múa hát điên điên dại dại, để dụ quân Pháp về một hướng khác, đánh lạc đường chúng đuổi theo chúng tôi.

Và bác đã thành công, toán lính đuổi tới chỗ bà tôi ngã, đứng khựng lại trước cảnh tượng kỳ quái đang diễn ra trước mắt chúng trên ngọn đồi trọc. Tới đỉnh đồi, bác Cả quay lại, hoa chân múa tay, miệng vẫn hò hát, như thách thức đám lính đuổi theo. Một tràng đạn xé tan không khí. Từ đám cỏ hồng, tôi thấy bác Cả lảo đảo, cái gậy trong tay bác hạ xuống, bác loạng choạng đi trở xuống, tay ôm ngực. Một tràng đạn thứ hai nổi lên. Bác Cả ngã vật xuống. Quân Pháp chụm đầu bàn tán, ý chừng còn thảng thốt trước sự xuất hiện quái đản của người khùng. Rồi chúng quay trở lại, kéo nhau về thị xã.

Chúng tôi thoát chết.

Khi bà tôi lên tới đỉnh đồi và nức nở quỳ xuống, bác Cả đã tắt thở từ lâu. Con mắt một nửa đời người vẩn đục màu máu điên loạn chỉ còn là một khối đồng tử bất động. Cái bao tải phủ ngang thân thể bác như một màn vải liệm. Chiếc gậy lớn vẫn cầm lăm lăm trong tay. Bác Cả nằm nghiêng nghiêng, nét mặt hiền hòa, cái nhìn ngước lên như hướng tới đỉnh núi Tam Đảo cao ngất bây giờ đã rực rỡ dưới nắng.

Bà tôi vuốt mắt cho bác. Buổi trưa hôm đó bà tôi xõa tóc, đi theo xác con đến tận bờ huyệt đào ngay trong thửa ruộng chân đồi, dưới bóng cây, nơi khi xưa, bác Cả Đoàn đã bị con ngựa hồng của ông tôi đá một phát vào bụng dưới thành điên.



Trở về căn nhà rêu phong cũ, bà tôi quét dọn lại căn buồng chứa lúa ngang hông nhà bếp, dọn giường chiếu xuống đó, sống những ngày già yếu cuối cùng của đời bà ngay trên thước đất nơi bác Cả bị xiềng xích ngày trước. Chỉ còn một thân một mình nhưng bà tôi nhất định ở lại nơi này, trong căn buồng của người con điên, và bỏ luôn ý định xuống miền biển, sống với gia đình chúng tôi, mẹ tôi năn nỉ thế nào, khóc xin đến mấy cũng không lay chuyển được. Ngày sắp di cư vào Nam, cả thầy mẹ tôi cùng lên Vĩnh Yên, đón bà cùng đi. Nhưng bà tôi không chịu. Và bà đã ở lại. Bà bảo mẹ tôi:

“Mẹ già rồi, không đi đâu nữa. Mẹ ở lại chờ chết trong căn buồng này là nơi thằng Cả nó đã sống, đêm đêm mẹ vẫn mơ thấy nó hiện hồn về”.

Trên cái bàn thờ nhỏ của bác Cả Đoàn được thiết lập ở một góc buồng, bà tôi dựng cái gậy bác Cả còn cầm ở trong tay cho đến lúc chết. Và trên bàn thờ, dưới ánh khói hương, là cái ống bơ sắt cũ và đôi gậy tre là những dấu tích cuối cùng của một cuộc đời điên loạn.


 
*


Bây giờ bà tôi đã chết. Tấm bưu thiếp ngắn ngủi từ bên kia vĩ tuyến không nói rõ bà tôi nằm xuống ở đâu, trút hơi thở cuối cùng trên thước đất nào. Nhưng tôi, tôi nhìn thấy rõ ràng cái chết nghìn trùng cách trở ấy. Người bà ngoại nhân hậu vì quá thương con, cho con uống quá nhiều mật gấu đến nỗi thành điên, đã khép mắt trong căn buồng ấy, nơi mãi mãi phảng phất tiếng ê a lạ tai và tiếng đũa gõ loong coong đêm ngày trên nắp cái ống bơ lật úp của người điên đã chết cho những người thân yêu được sống. Phải, bà ngoại tôi chỉ có thể chết trong căn buồng ấy. Không thể chỗ khác. Và người ta cũng chỉ có thể chôn cất bà ở chỗ ấy, cho người mẹ già được ngủ giấc ngủ nghìn đời với người con điên trong thửa ruộng dưới chân đồi nhìn lên một sườn Tam Đảo. Không thể ở chỗ khác.

Có một điều là: sau bao nhiêu năm, tôi vẫn ngạc nhiên và vẫn tự hỏi về cái hiện tượng lạ lùng là sự thức tỉnh sáng suốt cuối cùng và đột ngột của bác Cả Đoàn. Tiếng súng đạn đinh tai nhức óc đã làm bác chợt tỉnh cơn điên loạn triền miên? Hay là vì những giọt nước mắt hãi hùng của chúng tôi trong buổi sáng thập tử nhất sinh đó? Hay vì tôi, vì cái khuôn mặt thơ dại của đứa cháu vô tội? Không biết. Có thể là vì những nguyên nhân huyền bí, siêu hình nào đó đã cấu tạo thành linh hồn và sự thật dị thường không khám phá nổi, niềm bí mật nghìn đời ẩn giấu của thế giới người điên.

Chỉ biết rằng, buổi sáng hôm đó, trước cái chết đến gần, bác Cả Đoàn đã tỉnh dậy. Và nhờ sự sáng suốt độc nhất, chốc lát, của cuộc đời điên loạn ấy mà tôi còn được sống đến ngày nay.


MAI THẢO     

(Trích từ tập truyện Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời, nhà xuất bản Sáng Tạo, 1963)