Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

TRỌ Ở THIỀN PHÒNG, NGHE NIỆM KINH - Lý Kỳ (Yên Nhiên chuyển ngữ)

 

 
 
 
 
 
 
Thanh thoát tiếng kinh cầu vang vọng
Đêm sương rơi xao động rừng phong
Tường cao khuất ánh trăng trong
Thời gian lặng lẽ một dòng buồn tênh
 
Sớm mai hồn thênh thênh bay bổng
Nghe sáo trời gió lộng vi vu
Lạnh vào cõi vắng mịt mù
Hắt hiu từng giọt mưa thu não nùng
 
Kiếp phù sinh long đong mê lộ
Chốn cửa không giác ngộ tìm về

Yên Nhiên

*

Túc Oánh Công Thiền Phòng Văn Phạn

Hoa cung tiên phạn viễn vi vi
Nguyệt ẩn cao thành chung lậu hy
Dạ động sương lâm kinh lạc diệp
Hiểu văn thiên lại phát thanh ky
 
Tiêu điều dĩ nhập hàn không tĩnh
Táp đạp nhưng tùy thu vũ phi
Thủy giác phù sinh vô trụ trước
Đốn linh tâm địa dục quy y

Lý Kỳ (690 - 751)
 

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

THIÊN ĐƯỜNG NHỎ DẠI - Hoàng Ngọc Tuấn



Năm đó tôi được mười lăm hay mười sáu tuổi. Tóc tai bờm xờm như chổi lông gà, chuyên môn mang đôi giày ba-ta đạp gót kéo lê thê đến trường. Từ một chỗ ngồi gần cửa sổ nhìn ra những cây phượng ven bờ sông Hương trước kia vẫn xanh ngát, nay đã thêm màu đỏ rực của bông hoa.
 
Bông phượng đỏ và tiếng ve kêu trong nắng tươi tắn của mặt trời là hồi chuông báo hiệu niên học sắp hết. Và mùa hè đã đến. 

Đối với những người còn mặc áo trắng học trò, nhất là học trò bé con của một thành phố êm đềm như Huế, mùa hè là mùa thiên đàng.

Đôi mắt cô giáo hơi buồn, cô đứng trên bục gỗ nhìn khắp lớp học như muốn ghi nhớ hết những khuôn mặt của bọn học trò đã làm cô mệt óc trong chín tháng qua. Cô nhìn bâng quơ xấp thông tín bạ ghi điểm hai kỳ thi lục cá nguyệt.

Tôi nghe những lời nói dịu dàng từ đôi môi cô giáo, như một bản nhạc buồn tạm biệt :

- Ngày mai là ngày các em được nghỉ. Cô chúc các em một mùa hè thật vui vẻ bên cạnh gia đình. Sang năm có lẽ cô còn được gặp lại đầy đủ các em, nhưng không dạy các em nữa. Tất cả đều được lên lớp, cô thì vẫn dạy lớp này...

Cô giáo ngừng lại. Bọn học trò ngước mắt hồi hộp chờ đợi cô giáo đọc kết quả kỳ thi cuối năm, xem ai nhất lớp và ai là người đội sổ.

Tôi không quan tâm đến điều đó cho lắm. Tôi biết rõ sức học của mình. Đó là trình độ "tà tà", chuyện đứng nhất hay đứng chót không bao giờ đến với tôi cả. Vị thứ của tôi bao giờ cũng ở giữa, đội đầu vài chục thằng. Tháng nào học hành xuất thần lắm, tôi leo lên đến hạng nhì là hết sức mình. Rồi tháng kế tiếp rớt ào xuống thấp như một chiếc bong bóng xì hơi.
 
Trong khi cô giáo đọc tên và số điểm từng người, tôi chợt chú ý hôm nay lần đầu tiên cô mặc chiếc áo dài đỏ như màu hoa phượng. Điểm đặc biệt này làm tôi lưu ý hơn cả. Trí óc tôi giờ đang lan man mơ tưởng đến sớm mai sẽ ngủ dậy thật muộn, không còn nghe tiếng dục dã gọi đi học của bà ngoại. Những ngày tháng nghỉ ngơi tiếp theo quyến rũ như một giấc mơ, và ngày mai sẽ không còn mơ hồ như giấc mơ nữa.
 
Duy là thằng đứng nhất lớp. Nó được đại diện cho cả lớp, đứng lên đọc bài "diễn văn" từ giã cô giáo. Hai má và lỗ mũi của Duy đỏ au lên như trái ớt chín vì mắc cỡ và cảm động. Cô giáo cũng nói vài lời, cô khuyên học trò nên giúp đỡ cha mẹ trong những ngày nghỉ chứ không phải lo chơi đùa không thôi. Giọng nói của cô dễ thương biết bao. Tôi hơi hối hận vì suốt năm nay tôi thường lơ là với giọng nói quen thuộc ấy trong những khi cô giảng bài. Tuy nhiên, tôi ít thích câu nói cuối cùng của cô :
 
- Thỉnh thoảng các em phải xem lại bài vở, nhờ anh chị chỉ dẫn thêm vì sang năm là các em học lớp thi, chương trình mệt hơn năm nay nhiều...
 
Cô quay sang nhìn vài đứa học trò đặc biệt, loại làm biếng nhất lớp, trong số đó dĩ nhiên có tôi.
 
- ... Em nào thấy mình hơi kém môn nào, nên theo học lớp hè. Sang năm mà còn biếng nhác, trốn học thì khó mà đậu được... Nghe không Tú ? Em đang suy nghĩ chuyện gì vậy ?
 
Tôi giật nẩy mình như bị ai đập mạnh vào vai lúc ngủ gục. Cô giáo hay cắt đứt những lúc mơ mộng của tôi bằng cách bất thần gọi tên như thế. Tôi lúng túng nói :
 
 - Dạ... có nghe.
 
- Nghe gì ?
 
- Nghe cô dặn em chăm học trong năm tới.
 
Nhưng không có điều gì làm tôi mau quên bằng lời dặn dò đó.
 
Sớm mai hôm sau, tôi không dậy muộn như mình tưởng. Hình ảnh của một ngày trời thảnh thơi cứ đầy tràn trong trí óc tôi suốt một đêm làm tôi nôn nao không ngủ được, cứ chong mắt chờ cho trời mau sáng.

Lần đầu tiên tôi là người dậy sớm nhất, hơn cả bà ngoại. Tôi súc miệng đánh răng qua loa rồi chạy vội ra vườn.
 
Khu vườn từ lâu tôi không có dịp chui rúc vào từng bụi cây, nay tôi thèm dược chạy quanh khắp cả. Mùa hạ mặt trời lên sớm, nhưng vẫn còn màn sương lạnh trên những tàu lá chuối xanh mềm. Sự yên tĩnh trong sạch bao bọc trên đám cỏ dại, trên những cây trứng cá rậm rạp với trái chín đang lôi cuốn bầy chim chào mào.
 
Thơm nhất là những đám huệ trắng nằm trong bồn cỏ trước sân. Khu vườn, cây cối như một người bạn thân yêu vừa gặp lại nhau sau nhiều ngày xa cách. Cây ổi có vài trái vừa chín ửng vàng trên cành, những trái mãng cầu trong lòng bàn tay làm tôi chảy nước bọt. Tất cả những thứ trái đó giờ đây như đang chào mừng reo vui bên cạnh tôi, và tôi chứng tỏ cảm tình của tôi đối với chúng vẫn đậm đà như ngày nào, bằng cách làm ngay một bữa điểm tâm trái cây : hai trái mãng cầu ngọt lịm và ba quả ổi xá lỵ chua dòn, nghe rào rạo trong hàm răng nhai ngấu nghiến.
 
Tôi phải ăn vội vàng vì sợ bà ngoại bắt gặp. Bà ngoại không tiếc gì với tôi nhưng mùa này mãng cầu đang hiếm, bà định dùng mấy trái để cúng và ổi chưa chín lắm sẽ làm tôi đau bụng. (Đối với tôi thì ăn trước hay ăn sau khi cúng cũng đều như nhau và trái ổi nào nhai được đều là chín cả).
 
Có tiếng kêu của anh Vui làm tôi quay đầu nhìn ra vườn bắp. Thân hình vạm vỡ nhưng thấp lùn của anh đang lúi húi trên những luống đất cào xới thành một hàng đều nhau.
 
Bà ngoại tôi có một lối đặt tên cho người làm thật đặc biệt và lạc quan. Bất cứ người giúp việc nào, nếu đàn ông thì bà gọi là Vui và nếu đàn bà thì tên là Mừng. Nhà tôi có hai người : anh Vui lo chuyện vườn tược và chị Mừng chuyên về bếp núc nấu nướng.
 
Sáng nào anh Vui cũng dậy sớm vác cuốc ra vườn xới đất, tưới cây, bón phân hay nhổ cỏ dại. Tôi lại gần anh sau khi nhai nốt những miếng ổi cuối cùng trong miệng. Anh Vui nhoẻn miệng cười, điếu thuốc lá Cẩm Lệ dính trên môi anh, đong đưa nhưng không rớt, trông thật tài tình. Anh phang một nhát cuốc thật mạnh ngập sâu xuống đất rồi hất hàm hỏi tôi :
 
- Nghỉ hè rồi phải không ?
 
- Ừ. Nghỉ học ba tháng lận.
 
Anh Vui nhướng mắt, xoa hai tay vào nhau cho bụi đất bay đi.
 
- Sướng quá ta. Sáng mai nhớ ra vườn giúp tôi tưới cây nhổ cỏ nghe .
 
Tôi nhún vai:
 
- Tưới cây thì được, còn nhổ cỏ xin chịu. Mệt lắm.
 
Anh Vui dừng tay. Anh nheo mắt lim dim nhìn tôi, miệng bặm lại ra vẻ trịnh trọng :
 
- Tú sợ tôi không ?
 
- Không. Mắc chi mà sợ ?
 
- Được rồi. Chốc nữa tôi mách với bà ngoại Tú vừa mới trộm mấy trái mãng cầu quý của bà. Tối nay là giỗ ông ngoại , không có trái cây để cúng là Tú chết rồi.
 
Tôi thấy hơi ngài ngại, mặc dù biết anh Vui không bao giờ mách chuyện đó với bà ngoại. Anh ấy với tôi tuy tuổi tác cách xa nhau nhưng là bạn "vong niên" của tôi trong những vụ tát ao bắt cá hay bắn chim.
 
Tôi phải "phản công" ngay vào nhược điểm của anh Vui :
 
-Mách với bà ngoại là tôi trả thù anh liền, tôi không "gà" anh viết thư cho chị Mừng nữa.
 
Thế là anh Vui phải vội cười hề hề giảng hòa. Tôi vốn là "cố vấn" văn chương của anh Vui. Anh ấy và chị Mừng không biết phải lòng nhau từ lúc nào mà mỗi tuần hai anh chị thư từ với nhau tốn cả đống giấy pelure xanh. Bà ngoại tôi rất nghiêm nên hai anh chị ít có dịp tâm sự trực tiếp với nhau. Mỗi lần anh Vui viết thư cho chị Mừng là phải kiếm tôi góp ý kiến.
 
Vì mấy đồng bạc hối lộ của anh, tôi lúc nào cũng cố gắng tưởng tượng ra những câu văn diễm tình hết sức bóng bẩy, rất là cải lương nhưng anh Vui lại khoái ghê lắm.
 
Đại khái như :
 
"Buổi chiều hôm qua tại sao Mừng lỗi hẹn với tôi. Tôi đứng cô đơn trên cầu Bến Ngự, nhìn sông lững lờ trôi mà trong lòng nổi lên cơn bão tố tơi bời. Tại sao Mừng không đến ? Phải chăng những lời nói hôm nào của Mừng chỉ là những lời nói đầu môi chót lưỡi...
 
Ký tên :
 
Vui, một người đang buồn bã."
 
Tôi khoái chí nghe anh Vui nói hứa cuối tháng này sẽ xin bà ngoại dẫn tôi về quê anh chơi, ở dưới làng Sình thường có đấu vật và đua ghe. Tôi cũng hứa với anh tối nay tôi sẽ thảo cho anh một lá thư nữa thật văn hoa.
 
Có tiếng ho nhẹ của bà ngoại từ trong nhà. Bà ngồi trên ghế trường kỷ, mái tóc bạc và gọng kính trắng hiện ra sau khung cửa sổ. Bà đang pha bình trà điểm tâm buổi sớm, khói nhẹ bay vào không khí một mùi thơm dịu dàng quen thuộc. Những cánh bông tường vi lả tả tẩm trong bình trà tàu sôi nóng, làm tách trà thêm phần hương vị.
 
Bà ngoại ngạc nhiên hỏi tôi sao dậy sớm thế, bà quên mất là tôi đã được nghỉ hè. Tôi trả lời bởi vì sáng nay tôi không phải làm điều gì cả. Nếu biết buổi sáng có công việc gì là tự dưng con ma ngủ dìm chết tôi trong giường đến thật trưa.
 
Bà ngoại hút một điếu thuốc lá Mélia vàng nặng kinh khủng. Có lần tôi trộm của bà một điếu hút thử, khói đắng nghét và nóng đốt cháy cả cuống họng, không thấy ngon lành gì cả.
 
Buổi trưa nắng dát đầy sân nhưng trong khu vườn vẫn có nhiều bóng má . Tôi ngồi dưới bóng một cây nhãn già cỗi, nhìn vẩn vơ mấy con ốc sên màu xám như bùn đất, bám trên bờ ao cạn nước.
 
Đợi đến khi nắng bớt gay gắt, tôi đem chiếc xe đạp ra chùi bóng loáng, siết thắng lại thật chắc, cho thêm dầu mỡ vào sên xe để khỏi bị trật sên bất thần giữa đường.
 
Rồi với hai chục đồng của bà ngoại mới cho cất kỹ trong túi áo, tôi vội vàng phóng xe đi tìm mấy thằng bạn thân, trong bụng nôn nao nghĩ đến một buổi chiều rong chơi thú vị.
 
Thuở ấy tôi có ba thằng bạn nối khố thân thiết nhất : Duy, ốm tong, mặt mũi trắng trẻo hiền lành như con gái, thường đứng nhất lớp ; Sơn, thằng chuyên môn sưu tầm được những kiểu áo quần mới lạ ; và Toại, thằng Bắc kỳ duy nhất trong một bọn toàn người Huế.
 
Ở Huế lúc đó mà được vài chục đồng là thấy đời tươi đẹp lắm rồi. Cả bọn bốn thằng nghênh ngang lái xe đạp dàn hàng bốn chật cả đường lang thang khắp cả. Trên con đường ven bờ sông Hương ngợp bóng phượng, qua cầu Trường Tiền tóc tai bay bổng mát rượi nhờ gió thổi từ dòng sông, vào những con đường bóng mát thật êm ả trong Đại Nội.
 
Bọn tôi đạp xe lên ga xe hỏa, chui vào quán trước ga, làm mỗi đứa một ly chè đậu xanh đánh trộn với nước đá bào lạnh ngắt, ngọt lịm và ngon lành tuyệt trần. Xong xuôi cả bọn lại phóng xe ngược về phố ,vào quán kêu bốn ly cà phê đá. Còn dư đồng nào mua vài điếu thuốc lẻ, cũng ngậm điếu thuốc trệ xuống ở môi,  nhả khói um sùm như những tay giang hồ từng trải.
 
Uống gần hết ly cà phê thì Sơn nhắc :
 
- Tụi mình đến trường bây giờ là vừa rồi. "Tụi nó " sắp bãi học rồi.
 
Toại đứng dậy, đồng ý :
 
- Mau lên kẻo hụt. Hôm nay là buổi học cuối cùng của "tụi nó".
 
"Tụi nó" đây là bốn cô nữ sinh đẹp nhất trường tôi. Ở Huế, mọi người đều biết "yêu" rất sớm, và người nào cũng tự cho mình cái quyền được chọn bất cứ cô gái nào xứng đáng nhất để yêu. Mỗi đứa trồng cây si một nàng, và không bỏ sót buổi nào trong cả năm học, đến đứng chực trước cổng trường, ngơ ngẩn nhìn "người yêu" chưa bao giờ dám nói của mình cắp sách ra về.
 
Khi bọn tôi phóng xe đến, trường học đã bãi. Bọn con gái chuyện trò tíu tít đứng chật cả con đường trước mặt trường. Bốn đứa đạp xe đi diễu qua, đứa nào cũng làm bộ lừ đừ nhìn qua những cô gái, mặt mày làm ra vẻ tỉnh bơ. Trong bụng thằng nào cũng đang nghĩ rằng có cả chục nàng đang thán phục nhìn mình.

 
Duy đập mạnh vào vai tôi :
 
- Nga "của mày" kìa !
 
Tôi nhìn theo ngón tay chỉ của Duy và tim đập liên hồi như trống trận.
 
Nga xinh xắn biết bao. Nàng nổi bật hẳn trong đám đông như một ngôi sao băng. Đôi mắt thật to đen, mái tóc buông ngang vai óng ánh cùng với chiếc áo đầm trắng trông nghịch ngợm như một con bướm nhỏ. Giọng nói cũng thật êm ái rộn ràng nữa. Tôi biết được điều này bằng cách nghe lóm nàng nói chuyện với mấy con bạn. Tôi thì chưa bao giờ dám nói với nàng một câu.
 
Tôi vội phóng xe mình khỏi đám bạn, đạp nhanh một quãng khá xa rồi vòng trở lại đối mặt với Nga. Khi chiếc xe đạp của tôi phớt nhanh qua Nga, tôi bắt gặp trong một giây ngắn ngủi đôi mắt của Nga nhìn mình, nhưng ánh mắt ấy thật khó hiểu, không biết có được một chút cảm tình nào chăng.
 
Tôi tin là bộ vó của mình lúc ấy cũng "kẻng" lắm. Áo nyl-france màu xanh rộng thùng thình như áo choàng của hiệp sĩ, quần jean bó với những hàng nút gắn hai bên nẹp quần ("Mốt" thịnh hành nhất ở Huế thời đó). Hai chân đạp xe dang ra khuỳnh khuỳnh. Trông yên hùng như đang phi ngựa. Tôi chỉ hối hận lúc ấy sao mình không dám cười với Nga một phát. Một nụ cười làm quen thật dễ dàng biết bao, thế mà suốt năm nay tôi chưa bao giờ dám thực hiện. Cái miệng của tôi lúc đó nửa làm nghiêm, nửa muốn cười, cứ mấp máy hoài, chắc méo mó trông buồn cười chết được.
 
Tôi quay đầu xe trở lại một lần nữa. Đôi mắt của Nga thoáng ngạc nhiên, môi nàng bặm vào nhau trêu chọc. Lần này tôi nhất định cười chào nàng, nhưng tôi bắt gặp đôi mắt quyến rũ ấy chiếu thẳng vào mình, tôi bỗng luýnh quýnh suýt đâm đầu xe vào gốc cây, và vội vàng phóng thật nhanh qua mặt nàng. Đầu óc tôi quay cuồng loạn xạ. Rồi cái bóng nhỏ nhắn của Nga dần xa, mất hút sau những thân cây trên vỉa hè.
 
Tôi trở lại với tụi bạn. Cả hai thằng xúm vào tôi hỏi "kết quả" cuộc gặp gỡ vừa rồi. Sơn chế giễu :
 
- Sao ? Có phát ngôn được gì không hay là nhắm mắt, câm miệng hến như thường lệ ?
 
Tôi nhìn những bộ mặt tinh quái một cách đáng ghét của tụi bạn. Chắc chắn bọn quỷ ấy sẽ cười chế nhạo tôi tơi bời nếu biết sự nhút nhát của tôi vừa rồi. Và cái tật nói dối lại quyến rũ tôi. Tôi nhún vai :
 
- Lần này thì tao thành công vĩ đại rồ . "Em" cười chào tao, tao đứng nói chuyện với "em" lâu lắm, còn hẹn mai đến nhà chơi nữa.
 
Duy nheo mắt nghi ngờ, nó suy bụng ta ra bụng người :
 
- Xạo hoài cha nội. Mày mà dám nói với con Nga một tiếng là tụi này đi đầu xuống đất hết.
 
Tôi bừng mặt, nổi sùng thách thức :
 
- Được rồi. Đạp xe rượt theo Nga mau, xem tao biểu diễn. Tụi mày dám cá gì không ?
 
Ba thằng bạn vốn biết rõ tính nhát gái của tôi, chúng không ngần ngại xúm nhau cá liền. Toại đề nghị :
 
- Mày cứ trổ tài đi. Nếu mày dám nói với con Nga một câu, tụi tao đãi mày đi xi nê. Rạp Tân Tân đang chiếu phim Rio Bravo, một phim cao bồi thượng hạng. Nếu mày vẫn câm, tụi tao "nghỉ" chơi mày ra.
 
Tôi gật đầu đồng ý và rủ tụi bạn phóng xe rượt theo Nga. Nhà nàng ở gần trường nên chúng tôi phải cố chạy nhanh kẻo nàng vào nhà là mất một dịp đánh cuộc.
 
Tôi nhìn thấy tấm lưng áo trắng của Nga hiện ra gần trước mặt, hai gót chân nàng mềm nhỏ như miếng bánh kem sữa tung tăng trong đôi giày màu vàng. Bỗng dưng tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng vì nghĩ rằng có lẽ mình sẽ thua cuộc, mình sẽ không dám hé răng thốt một lời "phạm thượng" nào trước đôi mắt quá đỗi thiên thần của Nga. Tôi hồi hộp còn hơn là dở tài liệu ra quay trong lớp vào mùa thi. Một thằng quỷ nào đó ở đằng sau bỗng bóp còi xe kêu rổn rảng thật chói tai. Nga giật mình quay đầu lại, nàng ngạc nhiên rồi đôi lông mày hơi nhíu gần nhau tỏ vẻ khó chịu.
 
Nói đại một câu, một câu thật dễ dàng như "Nga nghỉ hè rồi phải không ?" nhưng lưỡi tôi ríu lại như người câm. Bao nhiêu can đảm tan biến như bong bóng nước. Cả một vốn liếng văn chương dồi dào trong người, cả cái thành tích viết thư tình giùm cho người lớn, đều trở thành con số không. Tôi tưởng tượng đến những lời đùa cợt chế nhạo của bạn bè.
 
Và tôi bỗng hét lớn. Tiếng thét làm kinh ngạc hết mọi người, Nga và lũ bạn, cả tôi nữa :
 
- Nga ơi ! Tôi mê Nga kinh khủng !
 
Tôi cúi gằm mặt, bặm môi nhấn mạnh bàn đạp chạy vùn vụt, cho thật nhanh xa nơi mà tôi vừa làm một điều thật bậy bạ, không thể tha thứ được... Cả bốn thằng thi nhau phóng xe chạy trối chết.
 
Tôi không dám quay đầu nhìn lại một giây. Về sau Duy kể lại lúc đó khuôn mặt của Nga đỏ bừng, nàng kêu lên mấy tiếng gì đó thật giận dữ.
 
Thế là "mối tình" thứ nhất của tôi từ đó tan vỡ như một trái khế chua còn xanh, nhưng đã sớm rơi lìa trong một chiều mưa bão.
 
Mùa hè còn có biết bao nhiêu trò vui tuyệt vời khác. Những buổi tắm sông, lội qua bờ bên kia bẻ trộm mía hay đứng trên cành cao lao đầu xuống nước như một Tarzan của rừng thẳm. Ngày leo lên đỉnh núi Ngự Bình để nhìn trọn thành phố Huế nhỏ bé nằm dưới chân, ngày rong ruổi trên con đường đầy tiếng ve kêu xác phượng. Sớm mai săn sóc khóm hoa hồng, buổi chiều vun xới vườn bắp nhỏ. Buổi trưa ngủ mơ màng dưới bóng lá cây xanh, những bài thơ tình vụng về đầu tiên được làm nên vào thời khắc êm ái ấy.
 
Mùa hè rồi cũng đi qua. Nhưng ở Huế, mùa đông mùa xuân mùa thu hay mùa hè, đều là mùa thiên đàng cả.
 
Về sau khi lớn lên, khi đánh mất tuổi thơ của mình hồi nào không hay, những mùa thiên đàng tưởng chừng không bao giờ đến nữa.
 
Rồi tôi bước chân vào lớp tuổi mà người ta gọi là tuổi trẻ, nhưng riêng tôi, cái tuổi trẻ ấy bị đè nặng bởi muôn ngàn lo âu mệt nhọc, chán nản, tham vọng và tuyệt vọng. Tất cả những sản phẩm của trí khôn ấy đáng lẽ chỉ đến với những người già nua, nhưng đã bủa vây tôi quá sớm.
 
Bây giờ, thỉnh thoảng tôi mơ tưởng đến một thiên đàng.
 
Nhưng thiên đàng... chính là lúc mình còn nhỏ dại.


Hoàng Ngọc Tuấn       
 
 (Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 53)
 
 

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

SOI LẠI BÓNG MÌNH - Kiều Giang

 

 Tự nhiên tôi thấy mình bước hụt một bậc thang, chơi vơi, và giật mình thức dậy. Tim còn đập rộn ràng trong lồng ngực. Ghé sát mặt vào cái đồng hồ nhỏ, mới có bốn giờ sáng. Tôi nằm lại nhưng mãi chẳng ngủ được mà còn ê ẩm cả người. Hai mi mắt cứng mỏi, tôi ngồi bó gối nhìn ra cửa sổ, qua màn lưới, trời ngoài kia tối mò. Gió lùa qua khe cửa lạnh hai bàn chân. Tôi dựa vào tủ áo một lúc và chợt thấy bóng mình trong tấm gương lớn, cái bóng trắng mờ buồn xo, tội nghiệp. Hôm qua đang giờ học, Vân Hằng bỗng từ bàn trên quay xuống hỏi tôi: "Tại sao mi gầy đi quá chừng thế? Ốm nhom hà!" Tôi  bật cười vì tiếng ốm nhom của nó, chưa đến nỗi nào đâu nhỏ ơi. Tôi là con bé "tốt tướng", Tâm ưa bẹo má tôi và là lên: "Búp bê ơi, cưng mi quá đi". Hằng hỏi xong, mấy nhỏ bạn nhao nhao xác nhận. Tôi cười cười nói tếu cho qua chuyện. Nhưng rồi Dung ngồi cạnh chợt nắm bàn tay tôi, "có phải tuần này G. lo nghĩ dữ lắm không?" Tôi nhìn vào mắt nó, lòng mềm ra và gật đầu. Còn có gì để giấu nhau không hả Dung? Rằng thì người ta cũng chỉ nhìn ta bằng tia mắt nhìn đứa em tội nghiệp như mi vậy thôi.

Tôi bật ngọn đèn bàn, lôi cái sắc trắng  ra soạn quần áo đi biển. Bữa nay lễ, mấy nhỏ lớp tôi rủ nhau đi Cấp. Tôi chỉ muốn về nhà ôm lấy cuốn nhật ký xấu hơn cuốn vở nháp của mình, viết và đọc. Nhưng Dung trừng mắt với tôi. A, vậy ra nó thương tôi hơn là tôi tưởng. Ông thầy có lần thắc mắc tại sao hai đứa là hai thái cực lại ngồi với nhau được. Mà thầy đâu biết, bao lần tụi con cãi nhau, mỗi tuần mấy bận đấy ạ.

Trời rựng sáng. Tiếng còi tan giới nghiêm văng vẳng. Tôi thay một bộ đồ patte gọn gàng. Lúc đứng cột tóc trước gương, tự thấy mình ốm đi thật và nghĩ thầm, chẳng biết người có nhận ra điều này? Có hay không, thì cũng là muôn ngàn xa cách, hồn ta xao xác lắm rồi cũng phải im hơi!

Má tôi trong bếp, bà dặn phải coi chừng mọi tai nạn... Tôi vâng dạ và xách cái sắc trắng chạy biến. Phải đợi ở đầu ngõ khoảng năm phút mới thấy xe chở cả bọn tới. Loại Toyota chở hàng. Đông quá, lại thêm đồ đạc lỉnh kỉnh. Tôi ném cái sắc trước rồi leo vào ngồi cạnh Dung. Sàn xe chật những túi, sắc, thức ăn, tuy ngồi chen nhau một chút, nhưng vui kinh khủng.

Xe ra khỏi thành phố, qua cầu xa lộ. Trên mặt sông còn mờ hơi sương. Cả bọn nhìn nhau cười thoải mái, chia nhau từng khúc bánh mì. Tiếng nhạc từ Cassette mở hết cỡ gào thi với tiếng gió, nhạc Pháp. Tới bài Le jour le plus long, cả bọn cùng hát theo, giọng của Tâm to nhất, nous irons au coeur du monche, par la poudre et le canon... Tiếng hát buổi sáng làm ấm lòng không ít. Tự dưng giữa sự thân tình ấy, tôi bỗng lạnh đi. Đầu tựa vào thành xe và lòng rưng rưng, người cao ngạo như bóng núi, mắt nhìn thẳm mấy từng xanh. Tôi chợt muốn được ấm đôi lời hỏi han, ơi những lời hỏi han trầm, ngọt, xa vời vợi dù mới nghe hôm qua, hôm kia. Thôi thì còn cả năm, cả đời để buồn, nếu muốn, tội gì ta cứ phải âm u như lá mục giữa đám bạn thế nhỉ? Tôi vùng dậy nghịch ngợm với mấy nhỏ: "Coi kìa, anh chàng lái Mazda đi đàng sau cười duyên với đứa nào kìa?"

Xe chạy dọc bờ biển, mùi muối mặn ngan ngát muốn tung hai buồng phổi. Con đường vòng núi nên thơ. Đứa nào cũng đòi tắm Bãi Sau. Tôi và Dung cãi lại "Lỡ có chuyện gì ai chịu vô đây? Xuống bãi Dứa đi". Ồn ào một lát Loan la to. "Bãi Sau, có gì xác ai nấy chôn, hồn ai nấy liệm..." Câu nói dễ sợ giáng như búa tạ làm cả bọn nghẹt thở trong giây lát. Tội cho Loan ăn nói vội vàng bị vài cái cốc đầu hét om. Riêng tôi chợt thấy lòng dạ hồ đồ, có thể nào đó là lời nói trước, và chính là mình chăng?

Đứa nào thấy biển cũng háo hức, thay đồ thật lẹ. Hôm nay nắng to, máy hình đem ra bấm loạn xạ. Tôi bơi dở không dám ra xa sợ nước xoáy cuốn đi mất như má đã dặn, bơi ngang thì chán ngắt. Tôi thích hít một hơi dài rồi nắm úp mặt xuống nước, buông xoãi tay chân nghe sóng đánh từng đợt  vào người. Một lần tôi đang trong tư thế đó thì bị bọn Dung, Thao nắm tóc kéo lên. Thấy tôi ngỡ ngàng vuốt nước trên mặt, Dung kêu "con khỉ làm ta hết hồn, tưởng mi làm sao rồi chứ". Nó không cho tôi chơi kiểu đó nữa, trông ghê ghê làm sao. Ơ hay, người ta còn yêu đời lắm cơ, Dung ạ.

Bữa trưa trải tấm bạt lên cát và cả bọn quây quần. Bánh mì, xôi giò chả, nước ngọt khuân ra, ăn thế mà lại ngon. Tôi gặm miếng bánh mì kẹp chả, vừa ăn vừa nhìn quanh. Bãi Sau có một loại dây bò lan trên mặt cát, rễ trắng, lá hơi vuông màu xanh. Tôi bứt một dây, đưa Thao: "coi này, loại cây sống trên cát". Thao mân mê cuống lá "lạ đời!"

Thao và tôi ngồi lại trên bãi, nhìn mấy nhỏ bạn tắm biển thôi cũng thấy vui vui. Giấy gói bánh vứt tung. Thao bảo "Ở đây sướng nhỉ, ăn rồi quăng bừa bãi đã có người đi quét". Tôi buột miệng. "Vậy có chỗ nào tim mình không biết xôn xao, không cần yêu thương không?". "Chỗ thì không nhưng tim thì có, tim đá."

Nắng chói lòa trên mặt biển, bãi cát nâu ẩm ướt lún biết bao dấu chân người. Những đợt sóng to lớn thi nhau tấp vào bờ sủi đầy bọt, tiếng bọt nước vỡ hay hay. Mơ hồ trong âm reo của biển có chút gì não nuột như tiếng thở dài. Liệu vó giống tiếng thở dài của con bé mặt to này? Mắt to thì khóc nhiều, lời nhỏ nào tàn ác trêu tôi đấy. Tôi nhất định không thèm khóc, mím môi lại mà chịu, cứng người lên mà chịu. Lỗi tại mình đã vụng về để vướng vào vòng vây không lối thoát chứ. Lỡ nhau một lần, bài hát nào mới nghe đây mà đã nhạt nhòa, đã ngỡ như từ thuở xa thẳm, chỉ nhớ được một câu (cái câu làm đau lòng ta không ít). Thương em thì thương rất nhiều mà duyên kiếp lỡ làng rồi... Ôi tiếng hát người trải đầy khu vườn làm se thắt lòng nhỏ G. ngồi giấu mặt dưới bãi cỏ.

Tôi chạy xuống nước bấm mười đầu ngón chân trên cát lún đưa lưng cho sóng đập. Tự nhủ, mình phải tập vững vàng đi chứ, với người dù là mơ vọng hão huyền vẫn là một điểm tựa cho ngày tháng xưa, nay thì chỉ một mình. Lời hát ấy thay chỗ câu trả lời dứt khoát, như muôn ngàn đợt sóng bạc đầu phủ lên tôi lúc này, làm con bé tối mắt. Thao nhào tới kéo tôi ngã xuống, nước biển thi nhau ùa cái vị mặn đắng vào miệng tôi: "sao mi có những lúc lơ ngơ thật lạ." Tôi nhắm mắt, úp mặt, vùi đầu vào làn sóng, thì chẳng phải là anh Khiêm đã bảo: nhỏ G. lạc loài giữa mọi ồn ào đó sao. Con nhỏ nắm một lọn tóc ướt của tôi: "A, mái tóc mi dài ghê, nhớ hồi đó mi cắt ngắn cơ mà?" Tôi ậm ừ. Bà nội tôi bảo mỗi sợi tóc là một tội. Tóc càng dài tội tình càng nặng, chất lên vai ta muốn oằn, làm sao tụi mi biết được. Không biết thì tụi hắn đoán mò, một thời gây tai tiếng cho tôi. Đi gặp đứa bạn nào cũng bị chất vấn, hỏi han. Ngay đến M. Dung biết rõ mà cũng đến nghi ngờ dọa dẫm vài câu. Nào có cái chi đâu, vì dáng vẻ nồng hậu của tôi đối với Lê, người tôi quí mến như anh, đã làm tôi khốn đốn. Thành thử tấm lòng yêu chuộng vẫn đầy nhưng khuôn mặt lạnh lùng phải được thiết lập để ngăn ngừa khiến Lê ngạc nhiên không ít, vì sự xa lánh này. Ơi bạn bè mà sao cứ đem nhau ra làm cho nhau điếng lịm từng mạch máu vậy nhỉ?

Chán nản, tôi đến bãi trước nhất. Bước chân bị cát níu kéo lúc nào cũng muốn quỵ xuống. Hình như lời hát ấy vẫn quanh quất đâu đây và đôi lúc lồng lộng với gió, in từng chữ từng vần rõ ràng trong óc tôi. Duyên kiếp lỡ làng rồi... chao ơi, danh từ đao to búa lớn hay chỉ là một cách nói, hả người? Bởi vì tuổi tôi chưa được quyền nghĩ những tiếng đó. Lần nào mới đây vùi mặt vào lòng má thở dài, buồn quá má ơi. Mà tôi khẽ đẩy ra, chuyện gì thế? Và bà nghiêng mặt, thôi nhé, các cô chỉ có một chuyện duy nhất đó mới làm cho buồn được. Liệu hồn đấy! Má tôi chỉ đoán thế thôi nhưng vẫn làm tôi sợ. Và nính lặng. Những đêm chợt tỉnh giấc, áp mặt vào tường vôi lạnh, thầm thì cho tường vôi nghe, rằng tôi hối hận ăn năn nhiều. Ôi bức tường vô giác, vô tri một đời cứng cỏi.

Cả bọn lần lượt bỏ sóng lên bờ, huyên náo một góc bãi. Một đứa thấy tôi, ngạc nhiên: "Nhỏ G. làm gì mà ngồi trong xe coi buồn bã vậy?" Nghe có tiếng Dung suỵt khẽ: "Nè, hắn nhớ "chàng tuổi trẻ" con thầy Nguyện dạy Việt văn lớp tôi mà", mấy nhỏ thì tới tấp cật vấn đòi tôi khai lý lịch của "ảnh". Tôi nhìn Dung, hắn lên giọng. "Chàng tên Vĩnh Bảo, được tròn bốn xuân xanh". Tiếng cười của 20 cái miệng ào ra như lốc xoáy cuốn tôi vào giữa. Dại gì cứ u trầm trong những sự chẳng thể thay đổi vậy nhỉ. Thôi ta gửi lại nhờ biển cất giùm nỗi buồn này đó. Tôi cất tiếng với giọng đùa thường nhật: "Tên chi nghe sặc mùi bánh cốm, bánh xu xê hả. Thôi nhường lại nhỏ Dung nuôi giùm, tao không thèm."

Xe ngừng lại ở Thích Ca Phật Đài, bác tài cười dễ dãi: "còn sớm, cho các cô đi dạo thêm một vòng". Cả bọn níu nhau lên các bực thang, lại chụp hình liên hồi. Tôi leo lên một mỏm đá cáo nhìn xuống bờ biển, rừng xanh, nhà cửa xa tít mù phía dưới, gió bay tóc lồng lộng. Dung bấm máy, reo mừng. "Tấm hình này nhất định tuyệt đẹp. Trông mi như ẩn sĩ nhìn xuống cuộc  đời". "Con nhỏ ví von nghe dễ sợ chưa, bữa nào ta thử lên núi một lần nhỉ"? "Được hai ngày, mấy gói ô mai nó giục mi trở về lẹ". Tâm lí lắc với một cành hoa sứ định làm duyên chụp hình, nào ngờ cành cây dòn, gẫy lìa, nhựa trắng chảy có giọt. Tôi tái mặt: "ở đây cấm bẻ hoa, Giáng Hương ơi, đời này hết Từ Thức rồi". Cả bọn chạy ào ào xuống xe dù chẳng ai thấy, Tâm lúp xúp đằng sau nhưng tay vẫn níu cành hoa. Hắn nói để làm kỷ niệm. Cả bọn ôm nhau cười mỏi miệng.

Đường về đứa nào cũng mệt, nằm ngồi nghiêng ngả. Xe vùn vụt băng từng cây số đường đưa tôi về thành phố, nơi giăng mắc những tơ sầu. Nhưng tôi đã hứa bỏ nỗi buồn lại cho biển rồi mà. Ở đó cái khối buồn của tôi sẽ ngày ngày được sóng mang ra khơi một ít, và mất tăm. Tôi tiếp tục ca hát, chọc phá nhau như cả bọn. Ơi lũ bạn vô tư của tôi. Vỏ chôm chôm vứt đầy sàn xe, chai nước ngọt cuối cùng đem ra chia mỗi đứa một ít. Nhìn nhau chợt thấy thương nhau hơn.

Những con đường quen thuộc trước mắt. Đường thành phố chằng chịt xe cộ, khói xăng. Xe ghé nhà Thao trước tiên. Nó xuống và vòng qua hông xe đưa cho tôi mảnh giấy, chẳng biết nó viết những giòng này tự lúc nào... Thì ra cùng với cái bề ngoài mạnh mẽ đó, mi vẫn là đứa dễ xúc cảm. Tại sao cứ lao vào đám đông thế nhỉ? Dù mi che giấu cách nào cũng lộ ra vẻ đơn độc ngơ ngác. Trở về với những ngọn sóng ngầm của mi đi, mi sẽ khám phá được nhiều điều mới lạ...

Có tiếng Dung hỏi cái gì vậy, nhưng tôi lắc đầu vò nát tờ giấy. Thao nó hiểu tôi hơn tôi ư? Nó nói cho tôi biết những điều tôi phân vân. Bây giờ thì tôi rõ, tôi sống khác mọi người (?) Tôi lạ đời như loại dây mọc lan trên cát ở Bãi Sau. Nhưng Thao ác quá mi ạ, khuyên ta chi câu đó, hãy cứ để ta đi tìm con người mình qua các cuộc vui, hầu kéo dài thêm được chuỗi ngày mờ ảo vô tư này, còn hơn là thấy rỏ con đường của mình mà tiến tới.

Hình như tôi sợ trách nhiệm thì phải. Má tôi đứng đón ở cửa, thấy tôi bà hỏi: "Đi chơi vui không con?". Tôi nở nụ cười "Dạ vui lắm!" Nụ cười tôi chắc héo rũ, tôi phải gắng kể chuyện chuyến đi cho bà nghe... Cho đến khi khuya khoắt, tôi nằm chuồi xuống giường úp mặt vào gối cố dỗ dành giấc ngủ. Nhưng hai mắt cứ mở tròn trong bóng tối, một nỗi hoang mang kéo đến làm run cả môi. Tiếng nhạc hòa tấu vẳng nghe rõ âm thanh cửa lòng của violon. Đột nhiên tôi nhận thức được một điều mới và phải trấn tĩnh đôi môi run ấy vài giây mới nghĩ tiếp được. Tôi tung gối ngồi dậy, như nói với má trước mặt: "Dạ vui lắm, nhưng con đã dại dột gửi trả lại niềm vui ấy cho biển rồi, má à!"

Buồn phiền đã mím môi dứt bỏ cho biển. Quanh tôi bây giờ chả còn gì cả, và trong hồn tôi, là một nỗi lạnh căm trong suốt như nước đá, đông hoài không tan.


KIỀU GIANG     
 
 (Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 111, tuần lễ từ 19-7 đến 26-7-1973)
 

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2021

VÀ NGƯỜI VỀ - Tôn Nữ Thu Dung

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
đứng trên con dốc nhỏ
nhìn lui đoạn đường dài
áo trắng về qua đó
phơi tình ta sớm mai

hàng sao xanh lặng lẽ
vẫy cánh tay chiều đưa
có bầy chim se sẻ
hát ru tình xa xưa

ta đứng nhìn nắng lụa
trên vai áo em gầy
(có phải tờ lá úa
nói lời yêu ngất ngây)

thôi ta chào lần cuối
em và thành phố này
biển xanh và cát trắng
dã tràng và áo bay

thôi vẫy tay lần cuối
và cười cho yên tâm
thôi, mùa đang hấp hối
nói chi lời bâng khuâng

                     TÔN NỮ THU DUNG

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 111, tuần lễ từ 19-7 đến 26-7-1973)

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

KHÚC NGÂM CỦA NGƯỜI CON XA NHÀ - Mạnh Giao (Yên Nhiên chuyển ngữ)

 

Tiễn biệt con manh áo mẹ khâu
Đèn khuya vò võ suốt canh thâu
Ngại chừng rong ruổi con về muộn
May nhặt đường kim mẹ gạn sầu
Sợi chỉ từ tâm tay mẹ khíu
Dặm đường lang bạt chạnh lòng đau
Xuân quang tình mẹ bao chan chứa
Nông nổi lòng con há đáp hầu

Yên Nhiên

*

Du Tử Ngâm

Từ mẫu thủ trung tuyến
Du tử thân thượng y
Lâm hành mật mật phùng
Ý khủng trì trì quy
Thùy ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy

Mạnh Giao  (751 - 814)


Trích Từ Điển Thiều Chửu:
"Sợi chỉ trong lòng bàn tay người mẹ hiền giờ đây ở trên áo người con đi chơi xa. Ðó là sợi dây tình mật thiết ràng buộc bước chân người du tử, khiến dù đi xa muôn dặm, cũng không quên lãng gia đình. Lúc người con lên đường, bà mẹ khâu sợi chỉ ấy kỹ càng lên trên vạt áo, ý e ngại rằng con vì vui thú nơi xa mà trễ đường về. Lòng mẹ hiền thương con mới rộng rãi làm sao! Ai dám nói rằng lòng con nhỏ hẹp lại có thể báo đền được tấm lòng bát ngát kia! Cũng như ai nói rằng lòng của một tấc cỏ ngắn ngủi, hẹp hòi lại có thể báo đáp được ánh nắng ba mùa xuân chan hòa đầm ấm. Câu Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân của Nguyễn Du mượn ý hai câu cuối cùng trong bài thơ này."



Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

BUỔI CHIỀU HẠ LAN - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Quán cà phê đặt trong sân trường, cách bực thềm một khoảng ngắn. Khoảng cách vừa đủ để tôi vừa uống một ly cà phê đá lạt lẽo, vừa nhìn rõ bọn con gái với quần áo đủ màu, đủ kiểu đang điệu bộ đi từng bước vào lớp học. Những chiếc jupe ngắn khoe khoang nhiều đôi chân trắng đẹp, nhưng thỉnh thoảng cũng cho thấy những cặp giò bắp chuối như cầu thủ đá banh, hay lêu khêu như ngọn sào.


Buổi chiều có giờ Triết của một giáo sư rất ăn khách, nên bọn sinh viên vội vã chen lấn nhau vào giảng đường như đi xem một phim đoạt cả mấy chục giải Oscar. Các cậu con trai với kính cận thị giả hiệu và thực, từ không độ đến hai chục độ, với một tập sách kềnh càng trong tay đang nói chuyện học hành sôi nổi với nhau làm tôi chán ngán. Các cô con gái thì bận rộn nhiều động tác hơn, phải nói chuyện với cái giọng nghe sao cho ríu rít như chim, mắt long lanh liếc qua liếc lại thật nghệ thuật và tay chân vung vẩy những dáng điệu học thuộc trong phim ảnh.

Giờ này đáng lẽ tôi phải học nếu muốn có hy vọng trong kỳ thi sắp tới. Nhưng đừng hòng bắt tôi phải chun đầu vào cái giảng đường kín mít vào một buổi chiều trời dễ thương lạ lùng như thế này. Chưa hoàng hôn, nắng đã tắt rất sớm. Tôi ngửa mặt nhìn lên cao, khoan khoái nhìn thấy màu xanh mát rượi, đám lá cây lung lay như sắp sửa rơi và tôi hồi hộp đợi chờ một cơn gió mạnh thổi qua. Những chiếc lá xanh nhỏ như hạt sóng sẽ phủ đầy làm cơn mưa trên đầu, trên vai áo, và đôi khi rơi ngay vào ly cà phê đang cầm tay.

Tôi quá nản với cái phòng học đầy đặc người. Những cặp mắt chăm chú thực tình và chăm chú giả vờ của bọn sinh viên. Những bàn tay ghi nhanh nhẹn trên giấy không bỏ sót một lời. Ông giáo đứng trên bục gỗ sau cái micro nhỏ, trịnh trọng sửa cặp mắt kính với một vẻ hãnh diện thật lạ lùng. Ông ta sẽ nhíu vầng trán nghiêm trang thao thao đọc bài giảng mà có lẽ phiên dịch từ một cuốn sách ngoại quốc. Những ngôn từ bóng bẩy thi nhau nổ vang như pháo, cộng thêm với tên tuổi của các tác giả quốc tế, những đoạn ngoại ngữ đọc làu làu theo nguyên văn nhanh như một anh thông ngôn xuất sắc. Tất cả tạo thành một bản nhạc thời trang thịnh hành làm say sưa bọn người trẻ tuổi.

Tôi thì ghét thậm tệ bài hát ấy. Tôi chỉ khoái châm một điếu thuốc cho khói cay nồng nàn trong miệng, nhấp một tí cà phê đậm đặc và nhìn bầu trời, nhìn ra con đường nắng thấp thoáng bóng người, nhìn những cây me xanh ngắt, nhìn những cây phượng đỏ và đất nâu yêu dấu trên lối vào quen thuộc.

Vừa ném bay mẩu tàn thuốc đi xa thì một thằng quen mặt bỗng ngồi xuống bên cạnh tôi thân mật vỗ vai. Hắn mỉm cười đề nghị tôi chơi vài ván xập xám cho đỡ buồn. Ý kiến thật thông minh và hợp thời. Nhưng tiếc là trong túi tôi chỉ còn chừng mười đồng để trả tiền cho chị chủ quán không bao giờ cho mắc chịu này. Thằng bạn nhún vai thất vọng rồi nó đảo mắt nhìn quanh và chỉ một lát nó đã rủ được hai thằng khác. Hình như tất cả những thằng mê cờ bạc đều có vẽ một con xì trên mặt.

Khi ly cà phê và thêm một ly trà nhỏ không tính tiền đã không còn một giọt, tôi cảm thấy thừa thãi. Cô độc thật tốt, nhưng đôi khi cô độc cũng buồn thật. Tôi ném tờ giấy bạc cho bà chủ quán và đứng dậy đi về phía thư viện. Đây cũng là nơi họp mặt của bọn chăm chỉ học hành. Dĩ nhiên tôi cũng chẳng ưa căn phòng này chút nào nhưng đành phải chun vào vì không biết làm gì.

Không khí im lặng lạnh ngắt làm tôi dựng tóc gáy. Cũng vẫn những cái đầu đen tóc ngắn và lòa xòa, vẫn những cặp kính cận thị đủ độ đang cúi gằm xuống trang sách. Một vài đôi mắt vô hồn đờ đẫn ngước lên nhìn tôi một giây rồi lại cúi xuống. Người duy nhất vẫy tay chào tôi là một thằng bạn rất thân, nó có một thân hình với chiều dài ngắn vừa đủ để luôn luôn tự so sánh với Napoléon Bonaparte. Cái thằng bạn dễ thương này đang bận tán tỉnh một con bé mặt mày xinh xắn ngồi bên cạnh. Lão quản thư đưa cặp mắt khó chịu nhìn tôi. Lão quá quen mặt tôi bởi vì hình như tôi là thằng duy nhất vào thư viện mà không đem theo sách vở và cũng không thèm mượn đọc một cuốn sách nào cả. Đôi lúc tôi cũng muốn tìm một vài cuốn sách để đọc nhưng những thứ sách chứa trong thư viện này được tuyển chọn theo một quy tắc thật kỳ lạ. Nghĩa là có tất cả những cuốn sách mà tôi không bao giờ muốn tìm đọc, và bất cứ một cuốn sách nào tôi cần đọc đều không có mặt ở đây. Một lần tôi đã chọc giận lão quản thủ bằng cách mượn một cuốn tiểu thuyết Tam Quốc Chí. Đây là cuốn truyện tuyệt hảo nhưng lão quản thư không bằng lòng chút nào, lão nói đó không phải là sách giáo khoa cần thiết cho sự học. Tôi không thể nào làm lão vui lòng được vì những gì cần thiết cho sự học đều làm tôi chán ngán.

Có lẽ tôi sẽ quay ra khỏi thư viện ngay nếu cặp mắt cận thị thực sự của tôi không nhìn thấy lưng áo màu xanh của Hạ Lan ở cuối phòng. Tôi vội vã đi đến thật nhanh, hình như là chạy về phía nàng, kéo chiếc ghế với một tiếng động lớn nhất làm tất cả những người trong thư viện đều giật mình. Tôi ngồi xuống chiếc ghế trước mặt Hạ Lan, sung sướng mỉm cười với nàng. Nhưng Hạ Lan chỉ hơi nhếch mép, nụ cười xa lạ chưa từng thấy và đôi mắt không tỏ vẻ gì là bằng lòng cả. Điều này làm tôi cụt hứng và muốn chưởi thề được.
Người ta thường nói người miền Nam tính tình đơn giản, thành thật và cởi mở, nhưng cô nàng này quả đã chứng minh ngược lại. Tôi quen cô nàng cách đây đã vài tuần lễ và thỉnh thoảng nàng cũng tâm sự đôi điều với tôi. Đại khái là gia đình nàng ở một tỉnh nhỏ miền Nam, nàng lên Sài Gòn học và hiện ở tại một ngôi thự kín cổng cao tường của gia đình ông chú.

Nàng cũng đã cho tôi biết rõ địa chỉ nàng nhưng lại cấm tôi không bao giờ được đến thăm hay viết thư từ gì cả. Điều này thật mâu thuẫn khiến một người đơn giản như tôi không bao giờ hiểu nổi. Tên thật của cô nàng là Nguyễn Thị Lan, Trần Thị Lan hay Lê Thị Lan gì đó, và tôi cũng khá lãng mạn để đặt cho nàng một cái tên đẹp hơn là Hạ Lan. Tôi cũng đã nhiều lần đưa nàng về nhà bằng chiếc xe máy xộc xệch nhất trường của tôi, nhưng mỗi lần muốn nàng ưng thuận nhảy phóc lên yên xe, tôi phải năn nỉ với tất cả những nước bọt trong miệng, làm như là đi vay nợ.

Cô Hạ Lan này khó chịu và thích làm ra vẻ lạnh nhạt không chịu nổi. Mỗi lần gặp cô nàng, nếu chỉ cười chào là nàng bỏ đi thẳng tỉnh bơ. Ít nhất cũng toét miệng cười cầu tài như người bồi tiệm, miệng tía lia hỏi han niềm nỡ như một tên quảng cáo thuốc đau răng, nàng mới chịu dừng lại nói mấy câu chuyện vớ vẩn với tôi. Điều này làm tôi bực mình hết sức.

Nhưng có điều làm tôi đôi khi quên sự bực mình, là Hạ Lan đẹp lạ lùng. Tuy một thằng bạn của tôi không đồng ý với tôi điều đó nhưng tôi quả quyết rằng chưa có đứa con gái nào làm tôi chết mê chết mệt như nàng. Hôm nay nàng mặc một chiếc áo đầm màu xanh mát rượi như ngọn suối làm lộ rõ tay chân trắng như tuyết. Tóc nàng đẹp, mắt đẹp, mũi đẹp, môi đẹp. Giọng nói nàng rộn rã trong veo như tiếng chim vành khuyên, mặc dầu tôi chưa nghe chim vành khuyên hót bao giờ cả. Tiếng cười của nàng thật tuyệt diệu, như tiếng vỡ vụn của một loại hồng ngọc đắt giá nhất thế giới, nên tôi phải làm cho nàng cười luôn, đôi khi suýt chút xíu nữa thì đã thọc lét nàng. Giá tôi có một tí chất thi sĩ trong người thì thế nào cũng bịa được một bài thơ để ca ngợi Hạ Lan. 
 
Tiếc rằng tôi không phải là thi sĩ. Tôi chỉ có thể nói: "Lan đẹp thấy mẹ", và tôi còn nhớ cái hôm tôi thành thực khen nàng như thế, nàng đã giận dỗi bỏ ra về ngay vì lời lẽ của tôi mà nàng cho rằng rất sống sượng.

Hạ Lan, cũng như những người khác trong phòng này, có trước mặt một tập cours dày cộm đầy những vết mực ghi chú. Nàng tỏ vẻ khó chịu khi thấy tôi với hay tay trống trơn như đang ngồi trong quán rượu. Bàn tay phải của tôi nó lại không được đẹp cho lắm vì hai ngón tay chuyên môn kẹp điếu thuốc vàng ám khói. Bao giờ tôi cũng là người mở đầu câu chuyện, và tôi luôn luôn cố gắng lái câu chuyện của chúng tôi thoát ra khỏi những đề tài học hành, sách vở, thi cử, để hướng đến những mục thú vị hơn.
- Chiều hôm qua đưa Lan về nhà xong thì trời mưa ghê quá. Anh bị ướt mèm, lên cơn sốt cả đêm . . .

Bữa nay tôi bắt đầu bằng một vụ tả oán. Nó cũng không phóng đại lắm đâu. Chiều hôm qua tôi có đưa nàng về nhà thật, nhưng khi tôi đã về đến nhà trọ của tôi rồi thì trời mới mưa. Tôi cùng bị ướt mèm thật đấy nhưng là ướt trong phòng tắm với cục xà bông thơm trên tay. Và tôi thì chẳng bao giờ bị sốt cả, vi trùng luôn luôn chê cái thân thể ốm yếu của tôi.

Hạ Lan có vẻ thích thú, nàng bỉu môi. Không hiểu nàng làm thế nào mà đôi mắt màu nâu của nàng tự dưng tình tứ không chịu được. Đôi mắt nàng ngon như một trái ổi chín, và tôi là thằng rất khoái ăn ổi.
-Tội nghiệp chưa, ai bảo anh cứ đòi đưa Lan về làm gì. Thôi chiều nay để Lan về một mình cũng được.
Tôi hốt hoảng:
 
- Không, để anh đưa Lan về. Chiều nay trời không có mưa đâu, mà có mưa thì anh cũng . . . ráng chịu.

Tôi vẫn thường xưng anh với nàng mặc dầu hình như nàng lớn hơn tôi chừng một tuổi. Hạ Lan im lặng, môi nàng hơi mỉm một chút như chế giễu. Phải có một cuốn sách cả triệu trang mới ghi chép hết những lời tôi năn nỉ đưa nàng mỗi buổi tan học, những lời từ chối của nàng. Lúc nào cũng có một màn giằng co giữa sự bằng lòng và từ chối làm tôi phát nản. Tôi đổi câu chuyện:
 
- Mùa này ở quê của Lan có thứ trái cây gì chín ?
 
- Long An hả ? Mùa này là mùa mận.
 
Tôi la lên:
 
- Trời ơi, mận thì tuyệt quá. Ở Huế mùa này có nhiều thứ . . . nhãn . . . mãng cầu, ổi, mít, cam quýt . . .

Tôi bao giờ cũng say sưa nói về thức ăn không biết mệt. Tôi cũng tả cho Hạ Lan nghe về xứ Huế. Con sông, ngọn núi, cây cầu, những chiều lang thang trên lề đường đầy xác phượng. Hạ Lan hình như không nghe gì cả, nàng dửng dưng làm tôi cụt hứng. Nếu nàng chăm chú nghe, tôi sẽ đưa đẩy câu chuyện đến chỗ tả oán rằng tôi là một thằng con trai giang hồ lãng tử đã lâu, sống một mình ở đây không người quen biết. Tôi là một người cô đơn và bất cứ một người cô đơn nào cùng thích có một người bạn thân, và bạn gái bao giờ cũng khoái hơn bạn trai. Và dĩ nhiên là nếu cô bạn gái ấy trở thành người yêu thì đẹp biết mấy. Cuối cùng tôi sẽ kết luận rằng nếu người yêu ấy là . . . Hạ Lan thì không còn gì đẹp bằng.

Nhưng không bao giờ tôi ăn đến nơi nói đến chốn. Hạ Lan luôn luôn làm tôi cụt hứng. Có khi tôi đang say sưa kể cho nàng nghe thời thơ ấu của tôi, tôi rất hay nói về quá khứ, vì bây giờ tôi không có chuyện gì đáng nói cả, nàng bỗng dưng ngắt lời, trách tôi con trai đã lớn rồi mà không lo chăm chỉ học hành lại không có được một nghề ngỗng gì cả. Và tất cả những ai nói về điều này đều làm tôi buồn hết sức. Tôi là thằng ăn bám gia đình, công việc duy nhất của tôi là mỗi ngày đầu tháng đợi thư bảo đảm có kèm theo ngân phiếu gởi đến.

Có lần tôi và Hạ Lan đứng gần sát bên nhau trên tầng lầu ba không một bóng người. Môi nàng hồng mấp máy như một cánh hoa đào, tôi đã suýt ôm nàng thì nàng bỗng đứng xa ra, miệng toe toét cười và đưa tay vẫy chào một thằng cà chớn nào đó đang đi vào trường. Nàng rất thích tỏ ra là nàng quen biết hết tất cả bọn sinh viên ở trường, và ngoại trừ trường hợp nàng cười với tôi, những nụ cười của nàng đối với người khác trông rất xấu và vô duyên như một chị bán vé số mời khách mua.

Cũng như tôi, Hạ Lan thích nói về chính mình hơn:
 
- Anh có thấy cái áo Lan đang mặc không? Lan tự may ở nhà đó.

Nàng bao giờ cũng cho biết là nàng may vá rất giỏi như một bà tiên hiền thục Á Đông chính truyền. Và chưa hết đâu . . .
 
- Anh có "cours" ông X không? Không hả? Đi mượn giùm Lan đi, năm nay không biết ông nào ra đề thi, ông Y ông R ông L hay ông T? Cours ông L nhiều quá, học hoài không thuộc, còn cours ông M khó quá trời, không hiểu gì cả. Cuốn sách ông N bảo phải đọc, tìm khắp cả các tiệm sách mà không thấy . . .

Dĩ nhiên là bao giờ tôi cũng thờ ơ với những chuyện chán ngắt như thế nầy. 

Nàng tiếp tục:
 
- Gần thi rồi mà không thấy anh học gì cả vậy? Con trai mà thi rớt dở lắm.

Đầu óc tôi thay vì được vuốt ve bằng những lời êm dịu lại bị chất đầy với những tiếng giáo sư, bài học thi cử. Tôi ghét những tiếng ấy kinh khủng.

Tôi gạ nàng chiều nay hay chiều mai đi xem xi nê với tôi. Phim "Ái Tình Kiểu Ý Đại Lợi" do một thằng tài tử đẹp trai, rất đểu đóng. Tôi đã xem phim này hôm qua và khám phá ra suốt cuốn phim có ít nhất là một trăm lần hai vai chính ôm nhau hay hôn nhau. Một trăm lần đủ để nhắc nhở tôi nhớ rằng đưa một cô con gái đi xem xi nê không phải là chỉ để xem xi nê không thôi. Nhưng Hạ Lan nói:
 
- Thứ bảy đông người, Lan không đi được đâu. Còn chiều mai Lan bận nhiều việc ở nhà lắm. Học bài, may mấy cái áo cho thằng em, lại còn đi chợ nấu cơm nữa.

Tôi chán nàng chết đi được. Tôi muốn chưởi thề hết sức, nhưng tôi cố gắng kìm giữ được. Tôi đề nghị với nàng một chiều khác, như thứ hai chẳng hạn. Nàng tỏ vẻ suy nghĩ ngần ngừ một lúc lâu rồi cũng bằng lòng. Nhưng không có điều gì chắc chắn cả và điều chắc chắn nhất là thứ hai tôi sẽ đợi dài người cả buổi chiều cũng không thấy bóng dáng nàng đâu. Nàng sẽ cho tôi leo cây chừng ba lần như thế và nếu tôi đủ kiên nhẫn và hèn hạ chịu đựng được ba lần, lần thứ tư có lẽ nàng đúng hẹn.

Tôi nghĩ đến chuyện gần hơn, tôi đề nghị đưa nàng về chiều nay. Con đường về nhà nàng rất dài và khá thơ mộng nhờ những tàng cây hai bên đường, tôi nhủ thầm là sẽ cho chiếc xe gắn máy của tôi đi với tốc độ chậm nhất, nếu cần tôi sẽ cho nó tắt máy chừng mười lần trên con đường buổi chiều vắng vẻ làm hăng hái những thằng ăn nói nhát gan nhất như tôi. Nhưng Hạ Lan lại lắc đầu nói chiều nay có ông anh của nàng đến đón rồi. Lại thằng anh không biết giả hiệu hay là ruột thịt thực sự này nữa. Hắn rất siêng năng đến đón cô em gái của hắn với một chiếc xe gắn máy thật mới và dĩ nhiên là lúc nào cũng bóng loáng hơn xe tôi. Mặc dầu là người nhân đạo nhất thế giới, có khi tôi phải lạy trời cho xe nhà binh mười bánh cán chết cái thằng anh kỳ đà này đi.
 
- Anh gì mà rảnh dữ vậy? Lan phải nói với ông anh đó thôi đón Lan về nữa, có anh đưa về mỗi ngày rồi mà.
 
- Đừng nói bậy. Anh ấy mà nghe vậy đánh Lan chết, không chừng lại gây sự với anh nữa.

Hạ Lan kể ra cũng có lý, tôi vừa sực nhớ đến bộ mặt hung thần và thân hình lực sĩ đô vật của ông anh nàng.

Nghĩa là rốt cuộc chiều nay không có mục gì đẹp đẽ cả. Tôi chán quả, tôi buồn kinh khủng, tôi muốn lao đầu xuống đất tự tử ngay nhưng tiếc là chiếc ghế tôi đang ngồi rất thấp, nhào xuống không thể chết chóc gì cả mà chỉ làm trò hề cho thiên hạ thôi. Tôi muốn chưởi thề, và lần này tôi không ngăn lại được. Hạ Lan giật mình rồi đỏ mặt giận dữ, nhưng tôi bất cần. Tôi bỗng bắt gặp được gần một triệu tấm bảng treo trên tường đề mấy chữ: "CẤM HÚT THUỐC", điều này chỉ khiến tôi nhớ ra rằng tôi là một thằng chuyên môn chống đối lời cấm kỵ này, và bây giờ tôi đang có một vài điếu thuốc lẻ trong túi áo. Tôi lấy thuốc, châm lửa và hút. Trái với Hạ Lan, khói thuốc bao giờ cũng làm tôi khoan khoái dễ chịu.

Tôi thấy Hạ Lan nhìn điếu thuốc với vẻ mặt khó chịu, bực mình. Tôi bất cần, nhớ ngày đầu tiên quen nhau, khi nàng hơi nhíu mày nhìn điếu thuốc trong tay tôi là tôi đạp đi; lập tức dí mẫu thuốc đang cháy dở mặc dù tiếc đứt ruột. Hai cái thằng ngồi chung bàn ngước lên nhìn tôi nghiêm trang như muốn nhắc nhở một cách rất lịch sự về sự hút thuốc trong thư viện của tôi.

Toi ghét cái bản mặt của chúng. Thằng thứ nhất đang có trước mặt một cuốn sách ngoại ngữ dày cộm, tôi liếc nhìn được cái tựa của nó: L'être et le Néant của J. P. Sartre. Cái thằng hề này, tôi cam đoan là nó không hề hiểu một chữ, cuốn sách như một thứ son môi để nó làm dáng thôi. Thằng thứ hai làm tôi buồn cười chết được. Đầu tóc nó chải rẽ láng mướt, cổ thắt cravate đen, sơ mi trắng tinh, tay manchette cẩn thân, nó đang lục soạn một đống sách vở từ trong cái cặp da ngoại quốc thật tốt và thật lớn mà các nhà chính khách thường dùng. Nếu người ta tuyển chọn giáo sư đại học bằng cái vẻ bệ vệ thì tôi đề nghị chọn thằng này ngay, nó trông oai ghê gớm.

Tôi ghét tất cả những người nào không thích tôi. Tôi chứng tỏ bằng cách hút thuốc đủ kiểu, nhả khói ra bằng lỗ mũi, bằng miệng, thở khói hình tròn vo hay thành một luồng dài như khói xe hỏa. Chỉ một chốc, hai tên học giả non choẹt chuồn gấp với tất cả những sự nhăn nhó trên khuôn mặt của chúng. Hạ Lan cũng có vẻ sắp sửa chuồn. Nàng đứng lên nói với tôi một câu gì đó rồi đi nhanh với dáng điệu giận dỗi. Tôi mặc kệ nàng, nếu muốn, ngày mai tôi sẽ xin lỗi nàng và nàng sẵn sàng quên ngay.

Cuối cùng, tôi cũng chuồn ra khỏi thư viện. Đứng một mình trên hành lang dài vắng lạnh, trời chiều lại rất xám, tôi buồn. Có lẽ tôi yêu Hạ Lan thực tình, nhưng tôi tán gái thật dở. Hình như, nếu tôi có một đầu tóc chải chuốt láng mượt, áo sơ mi luôn luôn trắng tinh sạch sẽ, hai bàn chân có móng dài của tôi chịu khó đút vào một đôi giày da bóng lộn. Hình như, nếu tôi có khá tiền để tặng quà cho nàng đều đều. Hình như nếu tôi cùng làm như phần đông mọi người, vừa nói cười, vừa nịnh hót với nàng như một tên hề hay một gã kép hát thì có lẽ Hạ Lan sẽ chịu tôi gấp. Chẳng mấy chốc mà tôi sẽ được ôm hôn nàng trong vòng tay, và làm những chuyện mà cái thằng Caufield đáng yêu nó gọi là "các thứ".

Bây giờ mới có trận gió lớn như đã mong đợi, lá trên cây rơi xuống thành một tấm lụa mềm. Vài ngọn lá úa vàng báo hiệu mùa thu sắp tới.

Suốt cả mùa hạ, tôi có những buổi chiều như thế. Hạ Lan và những lúc chuyện trò, Hạ Lan và những khi cười duyên, cười tình hay ngậm chặt miệng cương quyết không cười. Cứ một ngày giận dỗi rồi đến một ngày thân mật, rồi lại giận dỗi, như thế mãi làm tôi chán chết đi được.

Năm học kết thúc bằng một kỳ thi cuối mùa hạ. Dĩ nhiên là tôi rớt, điều làm tôi buồn cười hết sức là Hạ Lan cũng rớt. Thật tội nghiệp, chắc chắn nàng cùng không học hành gì được vì phải bận tâm về sự theo đuổi của tôi.

Rồi mùa hạ bỏ đi mất như tất cả bọn sinh viên bỏ trường để về nhà hay đi chơi lang thang khắp các đường phố. Hạ Lan cùng thế. Tôi không còn gặp lại nàng nữa. Có lẽ bây giờ nàng đang ở mái nhà gia đình nơi một miền quê thật xa. Có lẽ nàng đang mặc một chiếc áo bà ba thật dễ thương và bận rộn nấu cơm cho cha mẹ. Đôi khi tôi nghĩ rằng có lẽ nàng hiền thục thật.

Tôi có một cái bật lửa nhỏ, và tôi không ngần ngại bỏ ra mấy chục đồng cho người thợ khắc lên chiếc bật lửa của tôi hai chữ: Hạ Lan. Dầu sao thì Hạ Lan và những buổi chiều mùa hạ cuối năm cũng là một hình ảnh đẹp ít khi bắt gặp được trong đời. 
 

Hoàng Ngọc Tuấn