Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

KIM


Kim người Hoa. Thoạt nhìn là biết liền. Kim vào lớp tôi với cái dáng chậm rãi, uể oải của James Dean, mà lúc đầu ai cũng tưởng là một gã khờ.

Lớp có mười hai đứa, lớn nhất là Kim. Chiều chiều, đứng trên balcon nhìn xe chạy hối hả về thành phố, đứa nào cũng nhớ nhà. “Chiếc xe đó màu gì, ông già?” cả bọn hỏi. Kim lau cặp kính cận, “Màu len (đen)”. Kim cười, không bao giờ giận cái lối trêu chọc xóc hông, dễ động chạm đến tự ái dân tộc đó.

Mỗi buổi, đến giờ ăn, Kim lê đôi dép lào xuống phòng con gái, gõ chiếc muỗng vào cửa. “Li (đi) ăn li”. Cả bọn ào ra, xôn xao…

Kim hát rất hay, và chạy ngón cũng rất tuyệt. Buổi tối, ôm cây đàn ra ngoài hiên, Kim solo bài Hotel California, nghe rào rạt. Tôi thòng dây xuống tầng dưới, nơi các cô gái kéo ra ngong ngóng, đứng ngồi, và kéo lên cả một cửa hàng tạp phẩm bánh, kẹo,,, sứt mẻ, đủ cả.

Tắm chung, đứng chờ nước rỉ vào chiếc bể cạn xanh rì rêu, nhìn cái ngực lõm vô như bị thiếu xương, tôi cứ tự hỏi, làm sao mà Kim có thể hát hay như vậy. Kim chỉ cười. Kim nói tiếng Việt không chuẩn bằng tiếng Hoa, tiếng Anh. Viết còn sai tợn hơn, tập vở viết bằng đủ thứ ngôn ngữ và ký hiệu. Nhưng mọi người đều đã chấp nhận điều đó.

*

Những ngày đó, chúng tôi mới mười tám tuổi. Vào tuổi đó, dường như người sống chỉ mà để yêu nhau, ngây thơ và liều lĩnh.

Tối tối, dắt díu nhau đến trường học thêm, qua những lối mòn, chúng tôi hôn nhau và để quên sách vở.

Kim ở nhà, nấu cơm và nướng lạp xưởng. Người Hoa lúc nào cũng có sẵn lạp xưởng. cả bọn kéo về, hít hà với những miếng cơm cháy cuộn lấy những miếng mỡ đỏ hồng. Rồi đổ cờ cá ngựa, la hét, cãi lộn. Kim vẫn thế, chỉ cười.

Nga nói: “Ông già sống bao đồng quá”.

- Là sao? – Kim hỏi.

- Là làm vừa lòng tất cả mọi người – Nga buột miệng.

Kim lặng lẽ ra ngoài. Kim buồn. Nga khóc. “Vì sao phải khóc – Kim nói – Tại mình mà”. Cả bọn lặng thinh. Không, không phải, rõ ràng là thế. Người ta đã quen với đời sống luôn cạnh tranh, vùi dập lẫn nhau, và khi xuất hiện một người hoàn toàn thờ ơ với những tị hiềm đó, người ta lạ. Vậy thôi.

Dẫu sao đã có lúc chúng tôi biết buồn. Những lúc đó cũng tuyệt.

*

Tập quân sự xong, đứa nào cũng héo như tàu lá úa. Kim rủ: “Đi đạp vịt đi”. Vịt là những chiếc phao lềnh bềnh với chiếc ghế gỗ bắc ngang. Chúng tôi vừa đạp vừa run. Hồ rộng mênh mông. Kim cười: “Có gì đâu mà sợ, cạn hều à”. Về, Kim làm bản tự kiểm vì bỏ tiết bảo quản, lau chùi vũ khí.

- Không sao, miễn lớp mình vui là được rồi. Kim quăng cái nón móc vào chiếc cọc treo mùng y như một tên cao bồi, và lượn một vòng: “Tập nhảy nghen”.

Bắt đầu là cha-cha-cha, rồi chỉ được có thế. Các cô gái hãy còn ngượng nghịu với cái trò mới này.

Tối chín tháng giêng, sau khi no nê với dĩa cơm được ban quản lý hào phóng cho thêm miếng thịt mỡ to bằng nắm tay, chúng tôi khiêu vũ đến ba giờ sáng. Và sau đó ngủ đến chín giờ, toàn thân mỏi nhừ. Sáng, làm kiểm điểm, lần này tất cả đều viết, vì trốn học.

*

Tháng tư, thực tập ở Duyên Hải. Chúng tôi ngồi vắt vẻo trên thành tàu, nhai củ sắn, nghe mấy bà hàng chợ bàn tán về thanh sắc của mấy anh chị nghệ sĩ cải lương tình tứ, điệu đàng hết cỡ cùng đi. Ai ai cũng dõi mắt về phía cửa văn phòng nhỏ dành riêng cho siêu sao. Im lìm. Không trông mong gì được coi mặt vị nghệ sĩ tài danh, Kim tuyên bố: “Siêu sao chắc bị ngộp trong đó rồi”. Cả bọn thích chí cười ồ.

Tới trưa, tàu mắc cạn ở gần một nông trường, lắc lư qua lại. Nga chịu không nổi, nôn thốc, nôn tháo. Không có chỗ nghỉ, Kim đỡ Nga dựa vào cột, mắt cứ nhìn cánh cửa đóng kín bưng. Lần đó, chúng tôi thấy rõ ràng Kim thua kém người ta.

… Tụi con nít, tưởng chúng tôi cũng hát cải lương, cứ bám theo mấy anh chị mang giày Bata trắng bóc mà nhìn lom lom. Cảnh vật thì xơ xác, mùi cá tanh tanh, gió thì mặn. Chúng tôi lê bước trên con đường gồ ghề bụi đất, lòng chán nản, bực bội.

Buổi tối nơi đây như xuống nhanh hơn. Mấy ngọn đèn dầu chỉ rọi đủ để nhận diện người trước mặt. Lúc đi ngang hồ nuôi cá, gió thổi mạnh, quăng mất chiếc nón của tôi xuống hồ. Cái nón mà Kim tặng tôi hôm sinh nhật, loại một ngàn rưỡi một chiếc. Nhìn chiếc nón trôi phom phom như chiếc thuyền, tôi chậc lưỡi, thôi bỏ.

Ăn uống, tắm táp xong, thầy yêu cầu viết tường trình về chuyến đi trong ngày. Không ai viết nổi. Đành phải kéo đi lang thang rồi quay về đàn hát những bài ẽo uột. Kim đi đâu về, vai vác chiếc sào dài, đến bên tôi đưa chiếc nón ướt sũng: “Cất đi, mai trời nắng lắm”. Tôi nhận lại cái quà tặng, không nói được tiếng nào. Tối đó, tôi không ngủ được.

*

Tôi như muốn chết vì Th. Suốt chuyến đi, nàng cứ thờ ơ mãi. Tôi không thể nào hiểu được nàng. Con đường vòng vèo theo bờ đá lồi lõm khiến đôi giày cao gót của nàng chốc chốc lại sút quai. Tôi lẽo đẽo theo Th., chăm sóc nàng từng chút. Th. Vùng vẫy, quát ầm lên. Bạn bè ái ngại, còn tôi thì ngượng chín người. Kim tới: “Thôi đi”. Tôi đi theo Kim, bỏ lại Th. Với đôi giày phiền toái của nàng.

… Tôi ra ngoài hiên ngóng Th. Về, lo âu. Đường vắng vẻ, tối om. Trăng rỉ xuống từng giọt.

Kim lê dép lệt sệt ra: “Đi ngủ”

Tôi không quay lại: “Ngủ trước đi”

Kim lê dép vào: “Th. Về lâu rồi”

Tôi gầm lên, đuổi theo: “Vậy là sao?”

- Đừng mê muội quá mức vào một điều gì cả. Th. Không cần ông đâu – Kim ôn tồn – Th. Có người yêu rồi.

Tôi thẫn thờ. Có lẽ nào như vậy được, nàng đã có lúc tỏ ra chủ động mà. Kim đến bên cạnh, như một người anh: “Buồn thì cứ buồn. Nhưng chẳng có gì là ghê gớm cả, phải không?”. Tôi không muốn nghe gì nữa, thấy tất cả như vô nghĩa, và thấy cô đơn.

*

Những ngày giáp tết. Mỗi người về nhà mình. Tối, Nga và Kim tới, rủ đi xem pháo bông. Không đứa nào có tiền. Kim móc túi lấy ra một xấp dày: “Xả láng nghen”. Cả ba đứa ném lon, câu pháo suốt đêm, đem về được một gói mì tôm.

Kim nắn túi: “Còn đủ tiền ăn phở”. Ngồi bên hè phố tối tăm, Kim ngắm nhìn mãi các cô gái chân trần rảo bước tới lui, đợi khách. Nga khó chịu: “Thôi đi ông già”. Kim nói: “Nga không thấy họ đẹp sao?”.

- Không. Nga thở dài.

- Mình sắp đi rồi – Kim khó nhọc – bây giờ mới thấy cái gì của Sài Gòn cũng đẹp, cái gì cũng có thể làm mình nhớ được.

Chúng tôi sững sờ. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày thiếu vắng Kim, chưa bao giờ. Và những ngày tháng qua nay cứ hiện lại rõ ràng, chậm rãi như một cuốn phim, không thiếu tình tiết nào. Kim vẫn đến lớp cùng mọi người nhưng ai cũng cảm thấy thiếu, thấy bị hụt hẫng.

Kim thì nhún vai: “Tui đã đi đâu”.

*

Tiền để sắm cây đàn mang theo, Kim đem ra thết đãi bạn bè. Chúng tôi liên tục gặp gỡ, tiệc tùng ở những quán cóc bên đường như phải sống vội vậy, nhưng vẫn cứ thấy buồn.

Ngày đi, Kim ôm hôn từng người, không nói được một lời. Mặt mày chúng tôi bết bát nước mắt của nhau. Nga nói: “Nhớ viết thư về, đừng quên tiếng Việt nghe ông già”. Kim nghe, khóc.

Cả bọn mua vé lên lầu tiễn. Kim ra, như một cái chấm giữa sân bay, chúng tôi vẫy tay loạn xạ. Và khi máy bay đã mất hút sau mây, chúng tôi ngồi bệt, mệt mỏi nghĩ: “Vậy là hết rồi chăng?”.

Tuổi hai mươi – vẫn còn non nớt lắm. Suốt cả tháng sau, chúng tôi học như ngủ, mơ màng, phó mặc. Nhưng liệu tình cảm dành cho nhau có bao giờ là non nớt không?

*

Kim gửi thư về. Một tháng hai lá, cả lớp đọc chung. Sinh nhật mỗi người được nhận thêm một tấm card lớn, bên trong xếp khéo léo hai tờ giấy bạc, đủ để ăn một chầu kem dĩa. Hai năm trôi qua như vậy, thư từ thưa vắng dần.

Rồi Nga, Th. Đi… Ra trường, mỗi người mỗi việc, và thời gian bắt đầu bày phép: Lãng quên.

Chúng tôi lao vào kiếm tiền, không còn ăn kem những quán bên đường nữa. Bạn bè nhiều hơn. Sự bấp bênh trong đời sống cũng rõ ràng hơn. Những lo âu cùng những cuộc tình cũng khiến người ta thêm  mau già nua.

Thư của Kim đến thật bất ngờ, lúc tôi đang ảo não vì lo kiếm việc làm, không nhớ nổi sinh nhật của mình.

Nhưng Kim thì nhớ. Thiệp đầy kín chữ. Kim viết bằng tiếng Anh, nhưng giọng điệu vẫn là Kim ngày nào, khó khăn trong diễn đạt:

… Mình nhớ bạn bè quá. Nơi đây không có người Việt, mình không biết nói chuyện với ai. Mình chưa quên hết tiếng Việt đâu, nhưng viết tiếng Anh thì thấy dễ dàng hơn nhiều. Không biết rồi mình còn nhớ được chữ nào nữa không, tha lỗi cho mình…

Tôi ngồi ngay trên bậc thềm cửa. Sinh nhật, không một bó hoa, không một người bạn, những tuổi hai mươi đang theo nhau qua hết. Chỉ còn mỗi lá thư ngắn ngủi. Kim đâu có lỗi gì. Có những điều tôi tưởng chừng sẽ theo tôi mãi mãi, nhưng rồi cũng không còn. Tuổi trẻ, trí tuệ, sự sắc sảo, sự rung động… tất cả theo thời gian mà phai nhạt, mà đi mất rồi. Kim có gì mà phải buồn. cái tình còn lại ở mỗi người há chẳng nhiều ư? Há chẳng đủ cho người ta có thể đi suốt cuộc đời ư?

Tôi cầm cái tình đó trong tay và khóc như hãy còn mười tám tuổi.


PHAN TRIỀU HẢI    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét