Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

VỊ VƯƠNG THẦN VÀ HOÀNG TỬ BA ĐÌNH MẠNH (II)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Vừa nói xong, thiếu vương đã trông thấy một con thuyền bằng gỗ lương sơn đỏ, cột buồm mầu long não, cánh buồm bằng vải sa tanh mầu xanh từ từ tiến vào bờ chỗ thiếu vương và Bách Đạt đang đứng. Trong thuyền chỉ có một tay chèo, mà kẻ cầm mái chèo chính là một quái vật đầu voi mình ngựa.

Trước hiện tượng quái đản ấy, thiếu vương Ba Đình Mạnh cố giữ vẻ bình thản để khỏi phải kinh dị.

Lúc con thuyền cặp bến, con vật đưa đò đến chỗ họ, dùng vòi quấn vào hai người, đưa xuống thuyền rồi xuôi mái sang sông.

Bách Đạt đưa mắt nhìn thiếu vương, trong lòng lo lắng. Tuy vậy, thiếu vương vẫn giữ đúng lời hứa không thốt ra lời nào.

Thuyền ghé bến. Con quái vật lại dùng vòi đưa hai người lên bờ rồi biến mất.

Bách Đạt nói với thiếu vương:

- Tâu hoàng thượng, bây giờ chúng ta có thể nói chuyện với nhau được rồi. Nơi đây là hòn đảo của vị vương thần. Trong đất liền không có một thắng cảnh nào đẹp như vậy. Bệ hạ hãy xem, bốn bề cây cỏ tốt tươi, hương thơm ngào ngạt. Những nơi trần tục không sao sánh kịp.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh đưa mắt nhìn một hồi. Trước mặt hai người là một tòa lâu đài xây toàn bằng ngọc bích, xung quanh có hào sâu, thung lũng, cứ một khoảng cách lại có một cây cổ thụ lá cành rườm rà. Cửa lâu đài bằng vàng khối nối liền với một chiếc cầu bằng vẩy cá, dài hơn sáu trượng. Nơi đầu cầu lố nhố những vị thần to tướng, tay cầm giáo mác sáng lòa, đứng canh cửa.

Bách Đạt nói:

- Tâu bệ hạ, chúng ta đành chịu không thể đi được nữa. Những vị thần sẽ không để chúng ta được lại gần họ.

- Vậy bây giờ khanh nghĩ sao?

- Tâu bệ hạ, tôi đã nghĩ ra một cách.

Rồi, Bách Đạt rút trong lưng ra một cái túi, trong đựng bốn mảnh vải bằng vàng. Ông ta lấy ra một mảnh cột ngang lưng, một mảnh cột trên cổ, rồi đưa cho thiếu vương hai vuông bảo làm y như vậy.

Tiếp theo đó, ông lấy hai chiếc chiếu có mang sẵn trong người, trải ra bên mé đường và nói:

- Xin bệ hạ hãy ngồi. Tôi sẽ đốt hương cầu vị vương thần đến. Điều này rất quan trọng. Nếu vương thần bằng lòng cho chúng ta lấy pho tượng thì vương thần sẽ đến đây với vẻ hiền lành. Trái lại, nếu vương thần hiện đến trong hình thù quái gở, thì chúng ta khó tránh nổi tai nạn.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh nét mặt vẫn bình tĩnh, không chút lo âu, nhìn Bách Đạt nói:

- Khanh có cần cho ta biết việc tiếp đón vương thần phải như thế nào không?

Tâu bệ hạ, nếu vương thần đến, bệ hạ đứng dậy chào hỏi, nhưng không được bước ra khỏi chiếu. Và bệ hạ sẽ nói với vương thần như thế này:

- “Thưa vị chúa tể Thiên Thần. Xin hãy phù trợ cho tôi cũng như ngài đã phù hộ phụ vương tôi vậy”.

Nói xong, Bách Đạt đốt một thẻ trầm, khấn vái lâm râm. Tức thì một tiếng sấm nổ vang, bốn bề gió thổi ầm ầm, không gian cơ hồ như long trời lở đất.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh lòng lo sợ nghĩ bụng vương thần sẽ đến với lòng phẫn uất nên đưa mắt nhìn Bách Đạt.

Bách Đạt điềm nhiên nói:

- Tâu bệ hạ, xin cứ an tâm, không có gì đáng ngại cả.

Thực vậy, Bách Đạt nói dứt lời, vương thần hiện đến, nét mặt vui tươi, kêu thiếu vương nói:

- Hỡi vị thiên tử đáng mến kia ơi! Vương phụ của ngài đã ủy thác cho chúng ta gìn giữ pho tượng thứ chín và gởi gấm ngài cho ta phù trợ. Ta hứa sẽ hết lòng giúp đỡ ngài. Chính ta là kẻ đã giả hình ông già, mấy lần báo mộng cốt giúp cho ngài đến đây để trả lại pho tượng quí giá đó… Tuy nhiên, trước khi trao trả bức tượng quí giá kia lại cho ngài, xin ngài hãy vui vẻ giúp ta một việc.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh cúi đầu cảm tạ, và hỏi:

- Thưa vương thần, xin ngài chỉ dạy, kẻ hèn mọn này bao giờ cũng tận tâm.

Vương thần nói:

- Ngài hãy tìm và dẫn đến đây cho ta một cô gái mười sáu tuổi, sắc đẹp tuyệt vời. Nhưng cần nhất là phải còn trinh tiết từ thể chất đến tinh thần. Về thể chất, chưa có một bàn tay tình nhân nào mó đến. Về tâm hồn, cô gái đó chưa hề mơ tưởng đến một hình bóng nào.

Thiếu vương còn đang phân vân, vương thần tiếp:

- Ngài cho đó là những điều kiện khó khăn hay sao? Ta thiết tưởng những điều kiện đó tuy khó nhưng cũng không bằng điều kiện sau đây:

Suốt trong thời gian ngài tìm được cô gái ấy dẫn đến đây, ngài phải thề với ta là không động đến trinh tiết của nàng và không được để tâm hồn nàng vương vấn nhớ ngài.

Ba Đình Mạnh nói:

- Nhưng thưa ngài, điều mà tôi lo ngại là làm sao mà biết được có gái đó còn trinh bạch?

- Không khó gì. Ta sẽ đưa cho ngài một tấm gương thần. Khi cô gái nào còn trinh tiết, tấm gương đó sẽ trong sáng. Ngược lại, hễ cô gái nào không còn trinh trắng, tấm gương đó sẽ mờ đi, và ngài sẽ thấy trong tấm gương đó lẩn quẩn một bóng hình.

Ba Đình Mạnh vui vẻ nhận tấm gương rồi cúi lạy bái từ.

Nhà vua cùng lão Bách Đạt dắt nhau xuống sông. Chiếc thuyền của quái vật đầu voi mình ngựa đã chực sẵn ở đấy.

Quái vật lại đưa hai người sang sông như trước. Sang khỏi sông, Bách Đạt và nhà vua lại gặp lại đoàn quân của mình, bèn vội vã lên ngựa trở về Ai Cập.

Khi đến nơi, nhà vua nói với Bách Đạt:

- Chúng ta hãy đến Bá Đa ngay để tìm người con gái đem dâng vương thần để lấy pho tượng kẻo ta sốt ruột lắm.

Bách Đạt nói:

- Tâu bệ hạ, chúng ta hiện đang ở trong kinh thành Ai cập, một kinh thành tráng lệ mỹ miều, liệu không tìm ra được một nàng trinh nữ hay sao?

Nhà vua như chợt tỉnh:

- Ờ nhỉ, nhưng không biết chúng ta sẽ tìm bằng cách nào? Khanh thử nghĩ xem?

Bách Đạt nghĩ một lúc rồi nói:

- Tâu bệ hạ, tôi có quen một mụ đàn bà chuyên làm mối lái. Nếu bà ta chịu giúp đỡ thì chúng ta sẽ có kết quả nhanh chóng hơn, vì bà ta có rất nhiều gái đẹp.

Nói rồi, Bách Đạt thân chinh đến nhà bà lão thương lượng.

Bà lão ưng thuận, dẫn đến không biết bao nhiêu là gái đẹp, người nào người nấy đẹp cực kỳ, tuổi độ mười lăm mười sáu.

Vua Ba Đình Mạnh mang gương thần ra chiếu từng người.

Đáng buồn thay! Bóng người nào trong gương cũng mờ dần.

Trải qua hai ngày làm công việc mệt nhọc đó, nhà vua tỏ ra thất vọng ra mặt. Ngài than với Bách Đạt:

- Trời ơi, cả một kinh thành sang trọng thế này mà không tìm ra một nàng trinh nữ hay sao? Có lẽ tấm gương kia không linh nghiệm chăng? Lý đâu những cô gái đào tơ mơn mởn thế kia mà lại mất trinh tiết quá sớm như vậy?

Bách Đạt an ủi:

- Tâu bệ hạ, bề ngoài không thể nào minh chứng cho ta rõ được sự trong trắng bên trong. Vậy thần xin bệ hạ hãy cố gắng đến Bá Đa thử thách một lần nữa xem sao?

Nhà vua ưng thuận. Hai người lại sửa soạn lên đường. Khi đến kinh đô Bá Đa, Bách Đạt thuê một biệt thự rất sang ở đầu phố, mở một nhà hàng rất tân kỳ để đãi các quý khách. Dân trong kinh thành được tự do lui tới.

Sự giầu sang ấy làm cho anh chàng Bảo Minh, một kẻ ở trong thành phố ghen ghét.

Bảo Minh vốn dĩ là một người kiêu căng, hay ganh ghét, nhất là những người giầu có, mà anh ta thì nghèo nàn.

Nhân một buổi, Bảo Minh đi lễ ở nhà thờ nghe dân chúng bàn tán đến sự giầu sang đức độ của vua Ba Đình Mạnh, anh ta giận lắm bèn nói:

- Các bạn ạ, một người lạ tự nhiên đến ở trong địa phận chúng ta mà lại mang tiền đi vung vãi, biết đâu họ chẳng là những quân trộm cướp, bề ngoài tỏ vẻ nhân đức. Vậy chúng ta phải đề phòng. Các bạn hãy cùng tôi đi tố cáo, kẻo một ngày kia nhà vua hay, lúc đó chúng ta càng bị tội nặng hơn thì sao?

Dân chúng nghe xong kinh hãi nói:

- Vậy chúng tôi muốn anh thay mặt chúng tôi đi tố cáo với nhà vua.

Bảo Minh thích chí. Sáng hôm sau định bàn tính câu chuyện này với quan tổng trấn kỹ càng hơn.

Nhưng, ý định của chàng ta chưa thực hiện thì đã lọt vào tai Bách Đạt.

Bách Đạt nghĩ bụng:

“Những người như Bảo Minh cần phải hối lộ để dùng vào việc sau này”.

Rồi Bách Đạt bèn gởi năm ngàn đồng tiền vàng vào một chiếc khăn, lại cho thêm một kiện hàng gồm đầy đủ gấm vóc lụa là sang trọng đến biếu Bảo Minh.

Bảo Minh ngạc nhiên hỏi:

- Nhưng thưa ngài, ngài biếu tôi với mục đích gì?

Bách Đạt đặt gói vàng vào tay Bảo Minh rồi mới ôn tồn nói:

- Thưa ngài, tôi đến đây thể theo lời quốc vương Ba Đình Mạnh, vì ngài nghe tiếng ngài từ lâu nên muốn làm quen. Trước khi hội đàm, quốc vương tôi sai mang chút vật mọn này đến biếu ngài.

Đã được tiền, lại được nịnh bợ, Bảo Minh vui mừng cúi đầu đáp lễ rồi nói:

- Thưa ngài, được quốc vương Ba Đình Mạnh chiếu cố, thì còn vinh dự nào bằng. Lý ra tôi phải đến yết kiến quốc vương trước mới phải đạo, vậy xin ngài hãy về nói với quốc vương là kẻ hèn hạ này ngày mai sẽ đến phục mệnh.

Bách Đạt từ giã ra về. Sáng hôm sau, Bảo Minh đến nhà thờ rất sớm rồi nói với dân chúng trong vùng:

- Các bạn ơi, chúng ta không nên gây với người ngoài. Hơn nữa, vị khách chúng ta đang bàn tán đó chẳng phải ai xa lạ, chính là vị quốc vương đức độ. Chúng ta hãy cẩn thận, tố cáo vô lý, chúng ta sẽ không tránh khỏi tôi khi quân.

Chiếu đến, Bảo Minh ăn mặc tươm tất thẳng đến biệt thự ra mắt nhà vua.

Chàng ta được nhà vua tiếp đón rát niềm nở.

- Tâu bệ hạ, chẳng hay ngài ngự giá tới đây có lâu không?

Nhà vua đáp:

- Trẫm còn ở đây cho đến khi tìm được một nàng trinh nữ mười lăm, có nhan sắc tuyệt trần mà tâm hồn chưa bợn tình yêu.

Bảo Minh cười:

- Tâu hoàng thượng, điều đó quả là hiếm. Một nàng trinh nữ mười lăm không mơ tưởng đến tình yêu! Nhưng tôi cũng có thể dâng một người con gái để quốc vương coi mắt.

Nhà vua hỏi:

- Nàng đó là ai?

- Tâu hoàng thượng, nàng đó là con một vị đại thần, hiện đang ở một vùng xa xôi, không từng tiếp xúc với một người nào. Nàng được giáo dục đầy đủ. Còn về sắc đẹp, tôi dám quả quyết là không ai bì sánh nổi.

Nhà vua nói:

- Nhưng khanh phải cho trẫm biết mặt nàng thì mới chắc được chứ.

Bảo Minh thưa:

- Điều đó không mấy khó khăn đối với một vị quân vương như ngài. Tôi biết thế nào quan đại thần cũng nể vì, và để ngài hội ngộ mỹ nhân một lần. Vậy xin quốc vương hãy cùng tôi đến đó.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh bèn theo Bảo Minh.

Sau khi nghe Bảo Minh nói rõ mục đích, quan đại thần bằng lòng cho mỹ nhân hội diện.

Khi nàng vừa mở tấm voan che mặt, vị thiếu vương cảm thấy bàng hoàng cả người! Thật thế, một trang quốc sắc thiên hương, tưởng chừng như trên thế gian không ai sánh kịp.

Cao quý hơn, khi nhà vua đem chiếc gương thần ra chiếu thì thấy trong suốt, chứng tỏ nàng còn trinh tiết từ thể chất lẫn tinh thần, điều mà trong thế gian rất hiếm có.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh xao xuyến cả tâm hồn, tỏ ý xin vị đại thần cho phép được lấy nàng làm vợ.

Quan đại thần ưng thuận, cho mời pháp quan đến lập hôn thú và tổ chức lễ cưới thật long trọng.

Qua mấy ngày tiệc tùng, thiếu vương Ba Đình mạnh đưa mỹ nhân về biệt thự.

Bách Đạt lúc nào cũng hầu cận đức vua và nhắc nhở:

- Tâu bệ hạ, nếu muốn lấy pho tượng quý kia, xin bệ hạ gãy giữ lời hứa với vương thần.

Lòng thiếu vương lúc bấy giờ ngây ngất trước sắc đẹp của mỹ nhân. Nhưng rồi ngài cũng phải nén lòng trong những đêm tân hôn.

Còn gì đau khổ cho bằng khi ngồi vào một bàn tiệc đầy cao lương mỹ vị, trong khi bụng đói cồn cào mà đành phải nén lòng gác bỏ. Thật đáng thương cho nhà vua Ba Đình Mạnh! Ngài đang ở trong địa vị người thực khách ấy. Do đó, ngày đêm nhà vua buồn bã khôn nguôi.

Bách Đạt hiểu ý tâu:

- Tâu bệ hạ, chúng ta không nên nấn ná ở Bá Đa lâu ngày e không lợi. Hãy về Ai Cập cho sớm đúng theo lời vương thần.

Thiếu vương ngậm ngùi nói:

- Khanh ạ, nếu không vì quyền phép của vương thần, chắc ta không thể làm được việc này. Lòng ta thấy yêu nàng say đắm. Ta ước ao làm sao đem được nàng về Bách Đại Gia để chung sống với nàng.

Bách Đạt thở dài:

- Bệ hạ hãy làm sao thắng nổi lòng mình. Thần sợ nếu trái lời hứa e không thoát khỏi tai nạn.

Nhà vua đành âm thầm nuối tiếc nghe theo. Bách Đạt vội vàng sắm sửa hành lý rồi từ giã kinh thành để trở về Ai Cập.

Đến nơi, Bách Đạt lại hối thúc nhà vua lên đường để cống hiến mỹ nhân cho vương thần.

Từ ngày rời khỏi Bá Đa cho tới nay, thiếu vương không còn đủ can đảm để gặp mỹ nhân. Nhà vua cố lánh mặt để khỏi gặp phải cảnh ngộ đau đớn.

Không thấy mặt nhà vua, mỹ nhân hỏi:

- Chúng ta đến đâu rồi, từ đây đến kinh đô Bách Đại Gia còn bao nhiêu?

Bách Đạt đáp:

- Thưa tiểu thư, bây giờ tôi không còn lý do để giấu tiểu thư. Quốc vương không cưới nàng làm vợ, mà cưới nàng để cống hiến vương thần. Vì chỉ có nàng mới có đủ điều kiện với vương thần.

Mỹ nhân nghe xong lặng người đi. Nàng ngồi yên một lúc rồi bật khóc nức nở.

- Hỡi ơi! Trời đất như nổi cơn giông tố và đang vùi dập một đóa phù dung mơn mởn dưới làn mưa bão cay nghiệt.

Nàng khóc thê thảm, gọi tên đức vua đầy oán hờn:

- Trời ơi, tôi làm gì nên tội mà ngài nỡ đang tay bắt tôi cống hiến cho vương thần, không chút từ tâm.

Mặc dù nhà vua có đau lòng cách mấy cũng không biết làm sao. Người đẹp có đổ ra nước mắt gấp mấy cũng vô ích, ván đã đóng thuyền còn làm sao quay trở lại.

Mọi người bàn định xong đem nàng dâng vương thần ngày.

Vương thần ngắm nhìn mỹ nữ coi bộ mãn nguyện. Ngài nói với vua Ba Đình Mạnh:

- Ta hài lòng khi biết ngài là vị thiên tử còn trẻ mà đã có đủ sức thắng nhục dục, bảo tồn lời hứa và danh dự. Bây giờ ngài hãy trở về Bách Đại Gia. Ta sẽ sai thần linh đem pho tượng thứ chín về Thái Miếu.

Nhà vua cùng Bách Đạt trở về kinh thành Ai Cập. Dọc đường, ngài không nói năng gì, mặc dù sắp đạt được nguyện vọng, lòng luôn mơ tưởng đến hình bóng giai nhân. Một người con gái hoàn toàn trong sạch như vậy mà ngài nỡ đang tâm cống hiến cho vương thần, làm hại cả một đời trinh nữ. Đau đớn thay!

Rồi nhà vua đâm ra hối hận. Ngài không còn mơ ước gì pho tượng thứ chín kia nữa.

Về đến Bách Đại Gia, thiếu vương đem câu chuyện trình bày với mẫu hậu.

Hoàng thái hậu nói:

- Vương thần nói đúng, con không nên làm sai lời hứa. Vậy chúng ta hãy đến Thái Miếu xem pho tượng quý kia.

Hai mẹ con không nói gì, cùng nhau đến nhà Thái Miếu, rồi hồi hộp bước xuống hầm.

Chao ôi! Pho tượng thứ chín không bằng ngọc thạch mà bằng xương bằng thịt.

Nhà vua nhận ra đúng là nàng mỹ nữ mà mình đã đem dâng hiến cho thần linh.

Mỹ nữ nhìn nhà vua, mỉm cười:

- Tâu bệ hạ, có lẽ bệ hạ ngạc nhiên khi thấy thần thiếp ở đây. Bệ hạ ôi, thiếp chính là pho tượng thứ chín, một pho tượng khác hẳn những pho tượng kia, biết yêu quí bệ hạ, biết phụng thờ bệ hạ, trong khi các pho tượng khác dù quí đến đâu cũng không làm bệ hạ hài lòng về điểm đó.

Thiếu vương Ba Đình Mạnh mừng rỡ vô hạn, liền gọi:

- Ái khanh ơi! Lòng ta có thượng đế chứng giám. Dù các pho tượng kia có quý gấp mấy cũng không bằng ái khanh. Lý do ta phải mang cống hiến ái khanh cũng chỉ vì ta coi trọng lời hứa và danh dự.

Thiếu vương vừa nói xong, bỗng một tiếng sấm nổ vang trời, rồi vương thần hiện đến, nói với hoàng thái hậu:

- Từ đây tôi đã thấu rõ lòng can đảm của thiếu vương. Vậy tôi sẽ xin phù trợ ngài. Giữ lời hứa, tôi đã đem pho tượng thứ chín đến cho ngài.

Nói xong, vương thần quay nhìn thiếu vương Ba Đình Mạnh mỉm cười:

- Ngài hãy vui vẻ tiếp nhận đặc ân ấy cho đến khi chết. Vì nàng sẽ là người vợ hiền mang lại hạnh phúc cho ngài suốt đời.

Nói rồi, vương thần biến mất.

Nỗi mừng vui không sao tả nổi, nhà vua truyền mở tiệc khắp mọi nơi, và cử hành hôn lễ thật trọng đại.

Cũng từ ngày đó, mỹ nhân trở thành hoàng hậu xứ Bách Đại Gia, và chung sống với vua trong niềm hạnh phúc trọn đời.

Mỹ Thanh Loan kể đến đây, trời vẫn chưa sáng. Vua Sa Hy A nghe xong ngơ ngẩn bàng hoàng. Ngài nhìn khuôn mặt diễm kiều dưới ánh hoa đăng như tiên nữ đang lả lướt trong thiên thai.

Nhà vua nghĩ thầm:

 “Không lẽ người con gái ngồi trước mặt ta lại có sức quyến rũ ta đến trọn đời hay sao?”

Có lẽ, vì Mỹ Thanh Loan đã làm thay đổi nội tâm ông vua sầu vọng ấy qua những men tình ngây ngất nhất, cho nên nhà vua vẫn còn muốn để nàng sống để quên đi cái buồn vạn cổ.

Trong lúc vua đang thả hồn vào cõi mộng, thì Mỹ Thanh Liên nói với chị:

- Chuyện chị kể làm em say mê quá!

Mỹ Thanh Loan cười buồn nhìn nhà vua:

- Nếu bệ hạ cho phép chị kể tiếp những câu chuyện sau đây, thì em sẽ thấy còn say sưa hơn.

Nhà vua cầm tay nàng cười:

- Ái khanh cứ kể tiếp đi, ta cho phép.

Mỹ Thanh Loan lại bắt đầu vào chuyện:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét