Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

CHUYỆN ANH CHÀNG SI TÌNH GIA THUẬN (II)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Chao ôi! Làm sao nhà vua có thể dằn được cơn tức giận trong trường hợp kinh ngạc này.

Mặt vua tái đi vì cơn giận, không nghĩ đến tại sao hoàng hậu Mai Lan Anh lại tống táng một người còn sống, mà nhà vua chỉ nghĩ đến Phi Loan, người yêu duy nhất mình đang chiều chuộng như trứng mỏng lại đi ở với một tên phú thương trẻ tuổi hèn hạ nào đó.

Vua hét lên:

- Tên Gia Thuận, mi là một tên ti tiện, dám giữ một vị vương phi ở trong nhà. Mi phải chết!

Nói dứt, nhà vua chệnh choạng bước ra khỏi phòng, truyền cho quan cận thần đến phán:

- Khanh hãy y lệnh ta, đem bốn trăm dũng sĩ đến vây nhà tên lái buôn Gia Thuận và bắt nàng Phi Loan hiện đang chung sống với hắn về đây cho ta trị tội.

Quan cận thần cúi đầu tuân lệnh ra khỏi cung điện, điểm bốn trăm binh sĩ, gươm giáo sáng loáng, kéo đến đầu phố tìm nhà Gia Thuận.

Trong lúc ấy, tại nhà Gia Thuận, Phi Loan đang ngồi ăn cơm, có Gia Thuận đứng hầu. Chợt nàng đưa mắt nhìn xuống đường thấy quan cận thần đang dẫn một toán cận vệ đến.

Nàng hốt hoảng nói với Gia Thuận:

- Trời ôi, nhà vua đang lùng bắt chúng ta kìa.

Gia Thuận nhìn xuống đường, quả nhiên thấy quân lính đã vây tứ phía. Chàng đứng ngây người nhìn nàng, không biết tính toán ra sao.

Phi Loan nức nở nói:

- Gia Thuận chàng ơi, thiếp biết chàng yêu mến thiếp. Nhưng xin chàng chớ nên nán lại, hãy mau tìm cách thoát thân. Giờ phút nầy thiếp đã hiểu rõ được lòng chàng, thiếp không bao giờ để chàng thất vọng.

Gia Thuận quỳ xuống cầm tay Phi Loan nói:

- Chao ôi, đến phút này tôi mới hiểu được lòng nàng thì đã muộn. Giờ chúng ta phải tuyệt mạng sao?

Phi Loan giục giã:

- Xin chàng hãy đi ngay kẻo muộn.

Gia Thuận vừa khóc vừa ngậm ngùi:

- Phi Loan ơi, nàng chỉ nghĩ đến tôi sao? Tôi đi còn nàng sẽ ra sao?

Phi Loan nóng ruột lôi Gia Thuận đứng dậy nói:

- Nếu chàng yêu thiếp, chàng phải làm theo lời thiếp. Chàng mau mau lấy áo quần của tên nô lệ mặc vào, bôi đen mặt mày rồi lẻn ra cổng mà trốn đi.

Gia Thuận làm theo. Trước khi giã biệt, chàng trai si tình kia đã ôm Phi Loan vào lòng. Hai người lần đầu tiên cùng rung cảm trước cuộc chia ly não lòng.

Rồi chàng cố ngăn nước mắt, đỡ chiếc mâm cơm đội lên đầu, lững thững xuống thang gác.

Quả nhên, quan cận thần không ngờ được âm mưu nên chàng chạy tuốt được ra ngoài cổng.

Quan cận thần lên gác đụng ngay nàng Phi Loan. Ông ta kính cẩn thưa:

- Thưa lệnh bà, hạ thần vâng lệnh hoàng thượng đến rước lệnh bà về cung.

Phi Loan mỉm cười:

- Ta chờ lệnh vua đã lâu rồi quan đại thần ạ!

Nói đoạn, nàng ung dung bước xuống thang theo quân lính về cung.

Còn quan cận thần tìm kiếm khắp mọi nơi không thấy bóng dáng Gia Thuận đâu, nên bực tức đốt nhà rồi trở về tâu với vua.

Nhà vua nổi giận, sai nhốt nàng Phi Loan vào lãnh cung, rồi một mặt nhà vua thảo chiếu gởi cho quốc vương xứ Hăng-Ri, vua một nước chư hầu, đang trị vì tại xứ sở của Gia Thuận.

Bức thư đại khái như sau:

Đại vương Đại Nguyên Hãn gởi quốc vương xứ Hăng Ri.

Vương đệ hãy tuân lệnh, lùng bắt tên Gia Thuận, con trai mụ Lâm Thao, vì kẻ đó đã dám tư thông với hoàng phi Phi Loan, một người yêu quý nhất đời của ta.

Bắt được tội phạm, vương đệ hãy áp tải lập tức đến ngay thành Bá Đa để ta xử tội.

Đúng trong ba ngày, không thấy tội phạm trong nước, vương đệ hãy ra lệnh bắt hết cả bà con họ hàng, bất kể già trẻ đánh cho một trận, lột hết quần áo, cho đi diễn hành qua các phố rồi đuổi ra khỏi xứ.

Khẩn cấp,    

Đại vương : ĐẠI NGUYÊN HÃN

Viết xong, nhà vua truyền cho một sứ giả mang sang cho quốc vương Hăng Ri gấp.

Sứ giả tuân lệnh thẳng đến kinh thành Trúc Mai, vào triều yết kiến.

Quốc vương Hăng Ri nhận được thư, không dám chậm trễ, truyền cho quân lính đến nhà Gia Thuận vây bắt.

Kiếm mãi không thấy bóng dáng Gia Thuận đâu, nhà vua truyền gọi bà Lâm Thao ra hỏi:

- Con bà đã về chưa?

Bà lão nhận ra là đức vua, sợ hãi quỳ xuống đất tâu:

- Tâu bệ hạ, con tôi đi Bá Đa đã mấy tháng rồi chẳng nhận được tin tức gì cả, không biết còn hay mất. Cũng vì con mà già này phải long đong khổ sở.

Nói rồi, bà lão ôm mặt khóc.

Nhà vua là kẻ nhân đức, nghe nói cũng động lòng. Nhưng không thể trái lệnh vua Đại Nguyên Hãn được. Ngài bèn đem câu chuyện thuật lại cho bà lão nghe, rồi đành phải cho quân đi tàn phá nhà cửa của Gia Thuận.

Khổ thay, ách giữa đàng mang vào cổ, Lâm Thao và nàng Kiều My xinh như mộng đành ôm nhau khóc như mưa.

Dẫu cho quốc vương Hăng Ri có thương xót cũng không biết làm thế nào!

Vừa đúng ba ngày, lệnh truy nã gắt gao truyền khắp nước, nhưng vẫn không tìm thấy bóng dáng anh chàng si tình Gia Thuận đâu…

Quốc vương Hăng Ri đành thi hành mệnh lệnh cuối cùng là lột quần áo mẹ con nàng Kiều My đi riễu khắp thành phố rồi đuổi ra khỏi xứ.

Dân chúng ai ai cũng ngậm ngùi thương xót vì từ trước đến nay mẹ con bà Lâm Thao nổi tiếng là hiền lành phúc hậu.

Bà lão Lâm Thao dắt nàng Kiều My ra đi. Hai mẹ con ngậm đắng nuốt cay trong thảm cảnh không thốt được nên lời.

Nàng Kiều My buồn rầu nói với mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ con ta dẫu nhà vua không đuổi, cũng nên tìm xứ khác làm ăn chứ ở đây tủi hổ con chịu không nổi, còn mặt mũi nào nhìn thấy xóm làng nữa.

Từ đêm đó, hai mẹ con thơ thẩn khắp ngoại ô. Khốn khổ! Trời mùa đông, đêm khuya lạnh như đồng, hai mẹ con lần mò ra đi, bơ vơ như một con thuyền giạt sóng, không biết đâu là bến bờ.

Tờ mờ sáng hôm sau, hai mẹ con đến một làng nhỏ, dân cư thưa thớt, nghèo nàn. Tuy nhiên, họ rất có tình nhân loại. Sau khi nghe kể rõ hoàn cảnh, kẻ cho món này, người biếu món kia, giúp đỡ đủ thứ. Nhờ đó, hai mẹ con có đủ tiền bạc để lần đến địa hạt Hồng Liên.

Chao ôi! Vì một lời phán của nhà vua, mà bao nhiêu mảnh đời bị tan nát.

Trong lúc đó thì nàng Phi Loan bị giam trong lãnh thất cũng không kém buồn khổ.

Ngày đêm nằm trong gian nhà tối đen mù mịt, nàng hồi tưởng đến mối tình cao thượng của Gia Thuận. Nàng buồn thân trách phận hồng nhan sao lắm truân chuyên. Rồi nàng lại lo lắng cho Gia Thuận, không biết chàng có thoát khỏi sự trừng phạt của đức vua hay không? Hỡi ôi! Mối tình của nàng và Gia Thuận trong sáng tựa trăng rằm. Biết bao giờ người ta mới hiểu rõ được tư cách và phẩm giá của một chàng trai như Gia Thuận.

Một đêm kia, vua Đại Nguyên Hãn buồn rầu dạo gót nơi hành lang, chợt nghe từ xa có tiếng văng vẳng khóc não nề và bi ai nơi phía cung cấm.

Nhà vua đi lần đến nơi, nghe rõ giọng nói nức nở của nàng Phi Loan:

- Gia Thuận chàng ơi, có bao giờ chàng nghĩ đến ân nghĩa của chàng đã cứu thiếp không? Nuôi thiếp trong nhà một cách rất cao tượng để rồi phải tan cửa nát nhà, thân trôi giạt bơ vơ bốn phương trời! Vua Đại Nguyên Hãn từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là một vị minh quân, giầu lòng nhân đạo, thế mà không hiểu thấu chuyện này, nỡ đang tâm đầy đọa kẻ vô tội vào vòng lao lý. Thiếp nằm đây mà bên tai còn nghe như văng vẳng đâu đây có giọng nói thanh tao và trang nghiêm của chàng. Chao ôi! Những lời lẽ quí giá đó có bao giờ mà thiếp quên được. Hỡi vua Đại Nguyên Hãn! Người nỡ nào lại xử tội một vị ân nhân đã cứu người tình của mình được chăng?

Phi Loan than thở một hồi lâu đến nỗi nghẹn ngào không thốt ra tiếng. Nhà vua chỉ còn nghe thấy tiếng khóc sụt sùi đầy bi thiết của người đẹp vọng ra.

Rồi vua Đại Nguyên Hãn bỗng nhíu mày. Có lẽ ngài đã tỉnh giấc mộng.

Ngài nghĩ thầm:

- “Việc này thế nào cũng có nhiều bí mật. Thế nào ta cũng phải điều tra cho rõ”.

Thế rồi sáng hôm sau, nhà vua sai viên quan thái giám giữ ngục mang Phi Loan đến.

Nhà vua nhìn Phi Loan rồi hỏi:

- Đêm qua trẫm đã nghe những lời oán than của nàng. Tại sao nàng trách trẫm là người vô nhân đạo? Trẫm xử tội thằng Gia Thuận là một thằng phạm thượng khi quân chứ đâu có làm điều gì vô đạo?

Nghe nhà vua hỏi, Phi Loan chỉ gục mặt khóc mà không nói.

Nhà vua lại hỏi:

- Việc ấy rành rẽ ra sao, nàng hãy bình tĩnh thuật lại cho trẫm nghe.

Phi Loan lau nước mắt rồi tâu:

- Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ đã phán quyết thần thiếp là kẻ có tội, thì dù thần thiếp có tỏ nỗi oan, bệ hạ cũng không còn tin được.

Nhà vua truyền:

- Nàng đừng ngại điều đó. Sự thật thế nào trình bầy cho trẫm rõ. Nếu có điều gì trái lẽ trẫm sẽ bỏ qua cho.

Phi Loan được nhà vua rộng lượng cho như vậy thì cảm phục, vội quì xuống ôm chân vua mà kể lể sự tình. Từ câu chuyện bị hoàng hậu ám hại tới lúc được Gia Thuận cứu thoát và nuôi ở nhà.

Nhà vua nghe xong thì tái mặt. Ngài ngồi chết trân mà không nói được lời nào.

Phi Loan kể tiếp:

- Gia Thuận chính là vị ân nhân mà thánh thượng lại đối xử như vậy thì thật là oan uổng cho chàng quá. Chàng thật là một kẻ đáng thương hơn là đáng ghét.

Một lát sau, nhà vua buồn rầu cất tiếng hỏi:

- Vậy thì ai đã gởi lá thư cho tỳ nữ Tuyết Lê?

- Tâu bệ hạ, đó là bức thư nặc danh chính Gia Thuận viết để trình bày cùng bệ hạ về hoàn cảnh của thần thiếp. Đâu có ngờ được vì vậy mà chàng bị hàm oan, ân thành oán, cửa nhà tan hoang…

Nhà vua nghe xong biết là mình có lỗi lớn. Ngài liền ra lệnh bắt giam hoàng hậu vào lãnh thất.

Rồi ngài hỏi Phi Loan:

- Bây giờ xảy ra như vậy, ái khanh có điều gì cần tâu nữa không? Để trẫm có thể làm phai nỗi hàm oan và đau đớn ấy?

Phi Loan tâu:

- Tâu thánh thượng, Gia Thuận vì thần thiếp mà chịu bao khổ sở điêu đứng. Thiếp đã hứa với lòng, dù sống chết sẽ mãi làm kẻ nô lệ của chàng. Nếu thánh thượng là một vị vua nhân từ, đại độ thì cho phép thiếp được đền ơn ấy.

Nhà vua thở một hơi dài tỏ vẻ hối hận, đôi mắt rướm lệ. Lòng ghen ghét không còn nữa mà chỉ thấy lỗi lầm mình đã làm cho kẻ hiền lương phải khổ sở. Ngài bèn phán:

- Trẫm hứa sẽ làm vui lòng khanh, cho phép ái khanh được kết hôn với Gia Thuận.

Đoạn, nhà vua truyền cho một hoạn quan đi khắp mọi nơi, tìm bằng được Gia Thuận về triều.

Nhưng viên hoạn quan đi suốt mấy ngày vẫn chưa tìm thấy tin tức Gia Thuận, bèn về cung phục chỉ.

Phi Loan nóng ruột, xin nhà vua cho phép nàng được đích thân đi kiếm.

Nhà vua nhận lời. Ngài lại ban cho nàng một trăm đồng tiền vàng để làm lộ phí.

Phi Loan cúi đầu cảm tạ tấm lòng cao quý của nhà vua rồi vào cung sắm sửa lên đường.

Trời vừa sáng, sương buồn phủ kín không gian, Phi Loan từ biệt nhà vua, lầm lũi ra đi.

Qua những vùng thâm sơn vắng vẻ, đi tới đâu nàng cũng đem tiền bạc dành dụm được bấy lâu phân phát cho dân nghèo.

Một hôm, nàng bước chân vào thành phố Hồng Liên. Trời vừa sẩm tối, trên vỉa hè còn vài ba người nghèo khổ. Trong số đó có một bà lão và một cô gái, tuy nghèo nhưng vóc dáng đoan thục, xinh đẹp.

Phi Loan đoán không phải là người bản xứ liền bước lại gần hỏi:

- Thưa bà, xin lỗi bà có thể cho tôi hỏi thăm bà được không?

Bà lão quay lại nhìn Phi Loan, thấy nàng là một cô gái trẻ đẹp, giầu sang nên vội cúi đầu đáp:

- Thưa công nương, có điều chi muốn hỏi xin công nương cứ dạy bảo.

Phi Loan hỏi:

- Bà là người ở vùng nào, tại sao lại lạc đến đây?

Bà lão buồn rầu nói:

- Thưa công nương, tôi là vợ một thương gia ở thành phố Trúc Mai. Người ta vẫn thường gọi tôi là bà Lâm Thao. Tôi có một đứa con tên Gia Thuận. Mấy tháng trước đây nó có chở hàng sang Bá Đa bán, rồi nghe đâu lại có tư tình gì với hoàng phi Phi Loan, khiến đức vua Đại Nguyên Hãn nổi giận ra lệnh cho quốc vương Hăng Ri đập phá nhà cửa, đày mẹ con ra khỏi xứ.

Chao ôi! Chúng tôi nào có tội tình gì. Từ trước đến nay Gia Thuận là đứa con nghiêm trang mẫu mực, sao lại có thể làm được những chuyện đó? Chẳng biết bây giờ nó lưu lạc phương nào, còn sống hay đã thác?

Phi Loan nghe xong biết chắc bà lão là thân mẫu của người yêu mình, vội vàng quỳ xuống hôn chân bà lão rồi thưa:

- Cụ ôi, chính con là kẻ đã gây ra thảm trạng trong gia đình cụ. Chính con đã làm cho Gia Thuận phải long đong phiêu dạt phương trời. Nhưng con xin cụ đừng phiền muộn, vì thượng đế đã ban ơn cho quốc vương cho phép con đi tìm chàng. Ngài đã bồi thường tiền bạc để chúng con gầy dựng lại cơ nghiệp đã đổ vỡ. Bây giờ xin cụ cứ coi con như con cụ…

Nàng Kiều My từ nãy giờ nghe rõ đầu đuôi, quá xúc động, bước đến đỡ Phi Loan dậy. Hai đóa hoa tươi sau bao ngày bị bão táp cùng nhìn nhau rồi khóc nức nở.

Kiều My nói:

- Thưa công nương, nếu công nương không chê chúng tôi là nghèo khổ, xin mời công nương lui gót ngọc vào tệ xá để mẹ tôi được hầu chuyện.

Phi Loan chưa kịp đáp, thì bỗng có một chàng trai từ đâu hớt hải chạy đến vấp phải bà Lâm Thao ngã chúi xuống đất.

Nàng Kiều My vội chạy đến đỡ mẹ dậy và nhìn chàng nọ với vẻ bực tức.

Chàng trai kia vừa thở vừa nói:

- Tôi xin lỗi đã vấp phải bà cụ. Nhưng nếu cô hiểu là tôi đang có chuyện gấp chắc cô không nỡ giận tôi.

Phi Loan hỏi:

- Anh có chuyện gì mà gấp thế?

Chàng trai đáp:

- Vừa rồi có một chàng trai cỡi lạc đà đi tới trước nhà thương, hình như anh đến để chữa bệnh thì phải. Không may vừa đến cửa thì anh ta ngất xỉu.

Tôi là người gác cổng, có nhiệm vụ đi báo cho thầy thuốc biết.

Phi Loan thấy hơi nghi ngờ, liền dắt bà Lâm Thao và nàng Kiều My đến đó xem.

Vừa đến nơi, cả ba đều nhận ra đó là anh chàng Gia Thuận.

Bà Lâm Thao chạy lại ôm chầm lấy con:

- Gia Thuận ôi, mẹ và em con đây này. Lạy thượng đế đã ban phước cho chúng tôi.

Kiều My và nàng Phi Loan cũng vội chạy đến, nhưng chàng mê man không còn biết gì nữa. Sau một hồi cứu chữa, chàng dần dần tỉnh dậy, cơn buồn nản còn đọng trên  môi, mắt nhắm nghiền chịu đựng.

Vừa mở mắt, trông thấy Phi Loan, chàng hét lên:

- Phi Loan! Trời ơi! Có phải nàng là Phi Loan không? Hãy nói cho ta biết đây là mộng hay thực? Có lý đâu Phi Loan lại ngồi bên một kẻ cùng túng như thế này?

Viên thầy thuốc đặt Gia Thuận nằm xuống:

- Ông cần phải tịnh dưỡng, không nên nói nhiều.

Gia Thuận vùng lên:

- Không, tôi không đau ốm gì cả. Xin ngài đừng bắt tôi phải làm những công việc vô ích đó làm gì.

Rồi Gia Thuận ngước mắt nhìn lên. Chàng thấy nào mẹ, nào em đang xúm chung quanh mình, vẻ mặt buồn vui lẫn lộn. Chàng mừng rỡ cúi xuống hôn chân mẹ mà không thốt được nên lời.

Sau đó, ba người ngồi quanh Gia Thuận nghe chàng kể lại những ngày cay đắng.

Phi Loan kể cho chàng nghe câu chuyện nhà vua đã ân xá cho mình rồi cho đi tìm chàng. Gia Thuận nghe xong lòng mừng vô hạn, những niềm sầu tủi lập tức trôi đi.

Ngày hôm sau, Phi Loan về triều tâu với nhà vua nàng đã tìm được Gia Thuận và mẹ con bà Lâm Thao.

Vua Đại Nguyên Hãn rộng lượng phán:

- Trẫm giữ đúng lời hứa cho nàng được chung sống với Gia Thuận. Kể từ nay nàng không còn thuộc quyền của trẫm nữa. Trẫm sẽ đứng làm chủ hôn cho hai người. Ngày mai, nàng hãy dẫn Gia Thuận và mẹ, em hắn đến để trẫm an ủi đôi lời.

Phi Loan cảm tạ lui gót, lòng tràn ngập hân hoan.

Thế là sáng hôm sau, mẹ con Gia Thuận theo Phi Loan vào cung bệ kiến đức vua.

Khi vua Đại Nguyên hãn thấy Gia Thuận có vẻ mặt khôi ngô, lại mạnh khỏe thì rất vui lòng. Ngài liền phân trần về những lầm lỗi của mình.

Gia Thuận thấy nhà vua nói như vậy thì cũng thành thật tỏ bày là mình không dám oán nhà vua.

Đang lúc đó, nhà vua bỗng nhìn thấy sau lưng bà lão Lâm Thao có một người con gái tuyệt đẹp đang đứng khép nép.

Nhà vua liền quay sang hỏi Phi Loan. Nàng nói đó là Kiều My, em gái của Gia Thuận.

Nhà vua liền đòi Kiều My ra mắt.

Sau một hồi nhìn ngắm sắc đẹp của Kiều My, nhà vua như bị thu hồn, say đắm như sống trong mộng, bèn phán:

- Vì thấy chánh hậu Mai Lan Anh tâm tính hiểm độc, theo phép nước, trẫm ra lệnh hành hình. Và trẫm muốn tạ lỗi với người đã bị hàm oan, vậy phán cho nàng Kiều My thay thế ngôi chánh hậu đang bỏ trống.

Gia Thuận và bà lão Lâm Thao đều tỏ vẻ sung sướng, cúi đầu phục mạng. Riêng Phi Loan thì lại cảm thấy sung sướng hơn, vì từ nay nàng được chung sống với người yêu trọn đời.

Còn Kiều My ra sao?

Không ai hiểu nổi lòng nàng thế nào, chỉ thấy đôi má nàng ửng đỏ, và trên đôi mắt huyền không còn long lanh ngấn lệ.

Câu chuyện chàng si tình Gia Thuận đã chấm dứt.

Nàng Mỹ Thanh Loan tâu xin vua cho phép được kể câu chuyện kế tiếp.

Rồi đêm sau, Mỹ Thanh Liên đánh thức Mỹ Thanh Loan dậy để kể câu chuyện kế tiếp cho vua nghe trước khi trời hừng sáng.

Mỹ Thanh Loan kể tiếp:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét