Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

ÔNG ĐỒ BỂ (I)


TẶNG EM TRIỆU


Ngày xưa ở vùng Bể có một ông đồ tục danh là ông đồ Bể.

Đừng tưởng cái tên Đồ Bể ấy chỉ có nghĩa là một ông Đồ ở vùng bể. Bể đây là rộng như bể, ý nói tâm và trí ông đồ rộng như biển cả. Hồi còn nhỏ, đó là một cậu học trò chăm chỉ thông minh và ngay thẳng, rất được thầy yêu mến và anh em bạn kính phục. Năm hăm bốn tuổi, ông vác lều chiếu đeo khăn gói ra Thăng Long thi hương. Kể thì ông đã đủ tài từ hai khoa trước rồi. Hiềm nỗi nhà nghèo không xoay được tiền ăn đường, ông đành phải ở nhà dạy học, cố để dành lấy vài chục quan làm khoản lộ phí. Vì thế, mãi năm nay ông mới ra thi.

Một hôm, ông vào nghỉ chân uống nước ở cái quán cạnh một tòa miếu cổ. Bà hàng dặn ông khi qua miếu phải bỏ nón, cúi đầu  vì đức Thánh thiêng lắm. Ông mỉm cười đáp:

- Trời nắng chang chang thế này mà bỏ nón ra nhỡ bị cảm thì khốn!

Bà hàng lấm lét nhìn ông:

- Chả khốn bằng bị ngài vật chết.

Ông đồ thản nhiên hỏi lại:

- Vậy ngài đã vật chết ai chưa?

Bà hàng hạ giọng thì thầm kể cho ông đồ nghe những phép riêng của ông thần, rồi nói tiếp:

- Chừng thầy khóa mang lều chiếu để đi thi. Vậy thầy nên mua vàng hương vào miếu lạy Thánh mà cầu phúc, thì thế nào cũng được vào chiếm bảng vàng.

Ông đồ Bể nghiêm sắc mặt, khẳng khái đáp:

- Học thành tài rồi tất thi đậu, mà chưa thành tài thì đợi đến khoa sau thi lại. Người quân tử không bao giờ chịu đi cầu khẩn, lạy lục ai để được đỗ.

Dứ lời, trả tiền nước đứng dậy đi liền.

Tới miếu, ông đồ ngừng lại ngắm nghía cây đa cỗi, cành lá rườm ra che gần kín cái miếu rêu phong. Hai bên cửa miếu hai pho tượng đắp bằng đất mặt đỏ, mắt trợn tròn như nhìn tròng trọc khách qua đường, và tay cầm thanh gươm giơ lên như lăm le muốn chém ai. Bên đường một cái miếu đá với hai chữ “Hạ mã”, nét khắc đã mờ.

Ông đồ Bể nghĩ thầm:

“Biển đề hạ mã, nhưng ta có cỡi ngựa đâu mà bảo xuống ngựa. Còn như ngả nón cúi đầu thì không thấy có yết thị. Vậy ta cứ đàng hoàng dõng dạc mà đi. Người quân tử đầu đội trời, chân đạp đất không kiêu ngạo với ai, nhưng không khúm núm sợ hãi”.

Và ông đồ ung dung tiến qua miếu.

Vừa đi khỏi mươi bước, nghe tiếng động sau lưng, ông đồ quay lại. Một người từa tựa như ông và cũng vai mang lều chiếu, tay xách khăn gói. Ông ngạc nhiên hỏi:

- Tiên sinh ra kinh kỳ ứng thí?

Người kia đáp:

- Thưa vâng.

- Tiên sinh đi đường nào tới mà vừa giờ tôi không gặp tiên sinh ở quán?

- Tôi ở miếu ra.

Người đó nói thực. Vì đó chính là ông thần hiện thành hình một thầy khóa đi thi. Ông đồ hỏi:

- Tiên sinh vào miếu làm gì thế?

- Tôi vào lễ đức Thánh để cầu khẩn ngài phù hộ cho được đỗ… cao. Vì ngài thiêng lắm, ai cầu gì cũng được nấy, mà ai vô lễ với ngài thì thế nào cũng bị ngài vật chết.

Đó là lời đe dọa của ông thần. Nhưng ông đồ ngay thẳng vô tình không lưu ý tới. Ông còn thật thà hỏi một câu mà thần cho là có ý nghĩa khiêu khích:

- Âm dương cách biệt, ngài làm thế nào mà vật chết được người trần?

- Ngài đã có phép chứ.

Rôi ông thần ngập ngừng nói tiếp:

- Ban nẫy tôi đứng trong miếu nhìn ra thấy tiên sinh hình như đi qua miếu không bỏ nón cúi đầu.

- Vâng, chính thế. Tôi tưởng thế cũng không phải là khiếm lễ với thần. Trời nắng thì phải đội nón. Còn như cái đầu nó đương thẳng thắn ở trên cái cổ can chi lại nghiêng nó đi, lại cúi nó xuống. Chỉ những kẻ hèn hạ không biết tự trọng hay không chính trực, quang minh mới khúm núm sợ hãi mà thôi.

Ông thần mỉm cười mỉa mai:

- Vậy hẳn là ngài chính trực quang minh?

Nhưng ông đồ không tức giận và thản nhiên đáp:

- Tôi chỉ biết bình sinh không nói dối một câu, chưa bao giờ làm một việc phi pháp, còn như có chính trực quang minh hay không thì quả tôi không dám khoe rằng tôi chính trực quang minh.

Ông thần thầm nhủ : “Được rồi! Mi bảo rằng mi không từng nói dối, không bao giờ làm việc phi pháp. Vậy ta sẽ theo mi để chờ cho mi nói dối một câu, hay làm một việc phi pháp, bấy giờ ta sẽ trị mi, ta sẽ vật chết tươi, cho hồn mi không còn oán hận ta được nữa”.

Ông thần nghĩ thế rồi thân mật bảo ông đồ:

- Bác tính ở đời ai mà không nhỡ có khi nói dối một câu… vô hại.

- Có lẽ vì không biết hay vì vô tình mà sai lầm chứ người quân tử không bao giờ lại có ý nói dối, dù câu nói dối của mình không có hại hay chỉ là một câu đùa giỡn để làm cho vui chúng bạn.

Ông thần đổi chuyện hỏi:

- Chắc hẳn bác đã học thuộc hết bộ tứ thư và kinh, sử.

Ông đồ thành thực nhún nhường đáp:

- Người học giả nào dám tự phụ rằng mình đã học hết tứ thư, kinh, sử. Vì trong đó còn biết bao nhiêu điển tích mình không hiểu, còn có biết bao nhiêu ý nghĩ tinh vi mình chưa nhận xét được.

Ông thần ngầm phục tính thẳng thắn của kẻ thù nhưng ông còn căm tức. Lúc ấy ông đồ kêu khát nước và rướn nhìn phía xa xem bên đường có cái hàng quán nào không. Ông thần cười nói:

- Giá bây giờ có mía ăn vài tấm nhỉ?

- Thôi còn phải nói.

Giữa lúc ấy vừa đi khỏi rặng tre, hai người thấy một vườn mía hiện ra. Đó là một phép lạ của ông thần, nhưng ông đồ vô tình biết đâu mà đề phòng lòng nham hiểm của bạn cùng đường. Vì thế ông thần vừa rủ rẽ xuống vườn mía, ông đồ nghe theo ngay.

Nhưng ông không theo ông thần rút dao chặt mía. Ông chỉ cất tiếng hai ba lần gọi to:

- Ông chủ vườn mía!... Có ai đấy không, ra bán mía.

Ông thần cười hỏi:

- Bác gọi người ta làm gì thế?

- Để mua mía.

- Vẽ! Ăn một vài cây cho khỏi khát rồi đi, ai biết đấy là đâu. Vả trong vườn mía có tới hàng nghìn, hàng vạn cây, mình ăn một vài cây có thấm thía gì.

Ông đồ ôn tồn đáp:

- Lấy của người khác tức là điều phi pháp. Không ai trông thấy nhưng lương tâm mình biết và không để mình yên. Còn như bác bảo vườn mía có nhiều gốc, thì được thế là ở công trồng trọt của người ta, chớ có phải tự nhiên nó mọc lên như cỏ đâu.

Ngẫm nghĩ một lát ông lại nói:

- Nhưng chúng ta cứ việc ăn, tôi có cách.

Ông thần nửa mừng nửa lo, mừng vì thấy kẻ thù đã trúng kế mình, lo vì thấy hắn bảo đã có cách.

Ông tự nhủ : “Thử xem cách ấy là cách gì?”

Ăn xong hai cây mía, ông đồ mở khăn gói lấy mười sáu đồng tiền buộc vào cái cọc và nói như phân bua:

- Bản nãy tôi mua sáu đồng một cây. Bây giờ tôi trả quá lên tám đồng, sợ ở đây người ta bán đắt hơn chăng.

Nghe nói, ông thần tái mặt đi, đành cũng lặng thinh lấy tiền làm theo bạn đồng hành. Nhưng ông bày ngay ra một mưu khác và nghĩ thầm : “Nó đã muốn thế thì ta cho nó hết tiền. Chắc anh đồ ngông nghênh và kiết xác này chả có được bao nả. Cái kế của ta, nhà binh gọi là “tương kế tựu kế”.

Liền hóa phép ra một vườn dưa bở chín và thơm tho rồi rủ ông đồ xuống ăn. Nhưng ông kia từ chối:

- Xin mời bác cứ tự nhiên. Còn tôi, tôi chỉ có một số tiền nhỏ mọn đủ để ăn trọ ở kinh đô trong một tháng, tôi không dám phung phí quá độ.

Thế là mưu kế ông thần lại hỏng.

Trời chiều. Đường vắng. Tiếng chuông chùa buồn gieo trong yên lặng, ông thần vờ lo lắng bảo ông đồ:

- Trời gần tối rồi mà quanh đây không có làng mạc hàng quán, chúng ta biết sao đây?

Ông đồ bình tĩnh trả lời:

- Ta cứ đi một quãng nữa xem có nơi nào chúng ta xin vào ngủ trọ. Bằng không thì chúng ta dựng lều bên đường ngủ tạm một đêm phỏng đã sao?

Vừa nói dứt lời, ở xa xa đã thấy lập lòe một tia lửa đỏ. Ông thần nói:

- Có lẽ đó là cái quán.

Quả thực đó là một cái quán mà ông thần đã dùng phép thiêng dựng lên trong khoảnh khắc. Hai người đến gõ cửa. Hai thiếu nữ xinh đẹp ra đón tiếp. Ông thần mỉm cười nói trêu ghẹo:

- Chào hai cô mình! Hai cô mình ở đây có một mình thôi ư?

Cô chị nhí nhảnh đáp:

- Chả hai mình là gì?

Bọn họ làm thế cốt nhử cho ông đồ chính trực quang minh cùng chớt nhả làm theo. Nhưng ông đồ chỉ lễ phép hỏi:

- Thưa hai cô, bà chủ hay ông chủ quán đâu? Chúng tôi muốn ngủ trọ một đêm.

Cô em liếc mắt đưa tình:

- Chính chúng em là hai cô chủ quán. Thầy chúng em mất rồi. Còn mẹ chúng em bỏ chúng em đây để đi tái giá.

Ông đồ buồn rầu nói:

- Thế thì chúng tôi lấy làm tiếc rằng không thể ngủ trọ hàng hai cô được.

- Tại sao?

- Vì không là vợ chồng thì một người đàn ông trẻ không thể ngủ cùng nhà với một người con gái xinh đẹp được.

Nói đoạn, ông đồ giương lều nằm ngủ ở trước cổng, để mặc ông thần vào trong quán trọ của hai người thiếu nữ.

Sáng hôm sau, ông đồ dậy sớm thu xếp lều chiếu gói lại. Ông vui sướng nghe chim muông  ca ríu rít trên cành cây tươi xanh. Và tức cảnh ông vịnh một bài thơ tứ tuyệt. Lòng ông lâng lâng thanh thoát không gợn chút hình ảnh hai người gái đẹp tối hôm qua. Trả tiền cơm nước xong, hai người lên đường. Ông thần tức vì nỗi không sao đưa được kẻ thù vào tròng. Nhưng ông càng niềm nở thân mật.

Và ông xoay kế khác : “Ta không giết được nó về tội nói dối hay về tội làm điều phi pháp thì ta sẽ giết nó về cái tính bất cẩn và hấp tấp không chịu suy nghĩ vậy”.

Thần liền hóa phép ra một cái giếng thơi. Giữa trưa trời nắng, ai cũng khát nước và gặp giếng mát nước trong ai chẳng vui thích muốn uống. Nhưng giếng sâu quá mà miệng giếng lại nhỏ quá không sao thò tay múc nước được.

Dù thế mặc lòng, ông thần cũng lấy bát gỗ ra rồi theo thành giếng leo xuống. Uống xong, ông ta lại leo lên một cách dễ dàng nhanh nhẹn, vì ông ta là thần có nhiều phép lạ, nên không thể trượt chân ngã được.

Đến lượt ông đồ Bể. Ông đứng từ thành giếng ngó xuống đáy nước và ông nói:

- Bác thực có tài! Chứ giếng sâu thế này thì tôi xin chịu không thể nào xuống được.

Gần đấy, hai người lực điền đang tát nước bằng chiếc gầu dây. Ông đồ liền chạy lại mượn rồi thả gầu xuống múc nước uống. Lúc hết khát ông đồ mới nhận thấy ở trong gầu có một nén vàng, tia sáng chiếu lên chói lòa cả mắt. Ông giơ lên hỏi:

- Cái gì thế này?

Ông thần ghé lại nhìn:

- Dễ vàng! Phải đích vàng rồi. Số bác được của! Trời cho bác đấy! Nên gói vào khăn để khi nào thi đỗ xong mà dùng làm tiệc ăn mừng.

Ông đồ lắc đầu:

- Vàng này không phải của tôi, khi nào tôi lại lấy như thế!

- Vàng ấy tuy không phải của bác, nhưng bác bắt được thì nó là của bác.

- Biết đâu rằng không phải vàng của thần giếng. Vì vàng nặng tất chìm. Thế mà đây là vàng nổi trên mặt nước đủ tỏ rằng đó không phải là vàng của người dương thế.

Nói đoạn, ông đồ cất tiếng hô lớn:

- Ngươi là vật sở hữu của ai, bản thân ngươi là gì, phải hiện nguyên hình mà về với chủ ngươi.

Tức thì một con rắn vàng quẫy mạnh nhảy từ lòng gầu xuống giếng. Nén vàng biến mất.

Chiều hôm ấy hai người tới kinh đô. Ông thần rủ ông đồ đến trọ ở một hàng cơm phố hàng Trống, cho được gần trường thi. Về mùa thi cử, ở phố nào cũng có hàng cơm và nhiều nhà thường đổi thành khách sạn.

Vừa đến nơi, ông đồ đã nghe thấy hai thầy khóa bàn tán:

- Năm nay lão đốc Sơn Nam chủ khảo.

- Thế thì nguy to rồi.

- Thôi anh em mình đành mang hận trở về.

Lão làm chủ khảo thì tôi nhất định không thèm thi.

Ông đồ Bể hỏi:

- Sao quan đốc học Sơn Nam làm chánh chủ khảo tiên sinh lại bỏ thi?

Người kia giọng gắt gỏng:

- Vì lão ta ăn tiền dữ lắm. Đút lót lão thì đỗ, không đút lót lão thì dẫu có tài cũng bằng thừa. Như thế còn thi với cử làm gì?

- Thiết tưởng thánh thượng đã định kén chọn nhân tài thì tất phải giao việc ấy cho bầy tôi xứng đáng. Tôi sợ tiên sinh ngờ oan cho quan chánh chủ khảo chăng?

- Oan gì? Còn lạ gì cái đức tính xiểm nịnh và ăn hối lộ của lão đốc học già ấy. Lão ta đỗ trạng đấy. Nhưng lão ta lại trạng cả về khoa đục khoét nữa.

Câu nói khôi hài làm gian phòng trọ vang động tiếng cười. Không còn ai thèm giấu giếm, kiêng nể nữa. Lòng công phẫn của các thí sinh đã nghiễm nhiên trở nên ầm ĩ và ồn ào.

Cơm nước xong, ông thần rủ ông đồ tới kinh đô, song những thứ được xem, ông đã đọc qua trong các pho sách Tàu mà mấy người bạn giàu có cho ông mượn nên ông không lấy làm kỳ dị lắm và không trầm trồ khen ngợi như nhiều người nhà quê mới tới thành thị náo nhiệt lộng lẫy. Thấy thế, ông thần liền hỏi một câu để được bắt quả tang ông đồ nói dối:

- Chắc bác đã nhiều lần đến kinh đô.

- Không, lần này là lần đầu tiên tôi lai kinh ứng thí.

- Nhưng các hàng hóa bày bán ở các phố chắc bác đã được coi nhiều lần rồi?

- Không, lần này là lần thứ nhất tôi nhìn thấy. Nhưng tôi được thấy tả trong các pho sách Tàu mà người ta cho mượn.

Tới một phố vắng, ông thần ghé gần lại thì thầm bảo ông đồ:

- Tôi có một câu chuyện tâm sự muốn ngỏ cùng bác.

Ông đồ nhún nhường đáp:

- Vậy xin bác cho nghe, may ra tôi sẽ được một bài học về khoa xử thế.

- Chỉ sợ bác cho là quá đường đột.

- Thưa bác, tôi đâu dám, xin bác chỉ giáo cho.

Giọng nói của ông thần càng nhỏ hơn:

- Tôi thấy bác là người có tài lỗi lạc mà càng ngày càng thêm kính mến. Có học, có thông minh như bác thì phải đỗ, mà phải đỗ cao, nếu không đỗ đầu. Nhưng xem tình hình khoa này và nghe những lời bình phẩm viên chánh chủ khảo thì dẫu làm văn hay như rồng bay phượng múa mà không đút lót cũng khó lòng đỗ được.

Ông đồ ngắt lời nói gạt đi:

- Đó là họ phỏng đoán cả, chứ đấng thiên tử là bậc minh quân thì các quan tất phải là các bậc lương quan thanh liêm và chính trực. Đâu lại có chuyện ăn tiền ăn lễ như họ nói được.

Ông thần mỉm cười:

- Bác ạ, thế gian chẳng ít thì nhiều, không dưng ai dễ đặt điều cho ai. Lão đốc ấy tôi xem ra có vẻ gian giảo thực đấy.

Ông đồ buồn rầu đáp:

- Nếu quả có thế thì đành chờ khoa sau vậy, chứ biết sao?

Ông thần lắc đầu:

- Tôi thì tôi nghĩ khác. Tuổi trẻ của người ta chỉ có một thời. Rồi người ta già yếu, trí tuệ mòn mỏi dần dần. Bác vì nhà nghèo mà khoa này mới ứng thí được, kể đã muộn lắm rồi. Đáng lẽ bác phải chiếm bảng vàng ngay từ một, hai khóa trước đây. Chẳng lẽ vì một sự bất công của một viên chánh chủ khảo thiếu lương tâm mà mình chịu để mai một đại danh của mình, mà chịu bỏ phí mất cái tuổi trẻ quý báu của mình ư?

__________________________________________________________________

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét