Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

CHUYỆN ANH CHÀNG SI TÌNH GIA THUẬN


Tâu bệ hạ,

Khi trước ở thành Trúc Mai có một vị thương gia tên là Lâm Thao.

Ông ta rất giàu có, sanh được hai đứa con. Gã con trai tên Gia Thuận mặt mũi sạch sẽ, thông minh đĩnh ngộ, học giỏi, nhưng oái oăm thay, gã lại có bệnh si tình. Còn cô con gái tên là Kiều Mi, có một sắc đẹp tuyệt vời, ai trông thấy cũng phải say đắm.

Khi hai người con đó trưởng thành thì vị thương gia đó chết, để lại một gia tài kếch sù. Không kể những vàng bạc châu báu chất đầy rương, phần gia tài còn có một kiện hàng gồm cả triệu tấm gấm vóc, thật là tuyệt đẹp.

Một bữa kia, Gia Thuận kiểm điểm lại gia tài. Khi trông kiện hàng đó thì thấy đề : “Gởi đi Bá Đa” , Gia Thuận liền nẩy ra ý định mang số hàng đó đến bán tại Bá Đa.

Chàng liền trở về bàn chuyện đó với mẹ.

Mẹ chàng bảo:

- Con ơi! Cha con vừa mới mất, gia đình ta chỉ còn có con là trai. Vả lại, con còn trẻ tuổi và chưa đi xa lần nào. Nếu con mang hàng từ đây đến Bá Đa thì mệt nhọc lắm. Vậy con hãy mang ra chợ Trúc Mai bán có hơn không.

Gia Thuận không bằng lòng, nhất định làm theo ý riêng của mình. Chàng ra chợ mua mấy chục tên nô lệ mạnh mẽ, thuê một trăm con lạc đà để chở hàng hóa, sắp các món hành trang cần thiết, rồi dẫn bọn nô lệ lên đường.

Qua một thời gian, gian lao khổ sở, anh chàng Gia Thuận si tình kia gặp may, tới được kinh thành tráng lệ Bá Đa theo như ước nguyện.

Đến nơi, Gia Thuận thuê một ngôi nhà sang trọng, đắt tiền, có vườn hoa, sân rộng rãi và những vựa thóc chứa đầy ắp.

Chàng sai mấy tên nô lệ đem hàng hóa xuống chất vào các vựa đâu đấy rồi mới ở đó nghỉ ngơi mấy ngày cho lại sức.

Ba hôm sau, Gia Thuận ăn mặc chỉnh tề, sai một tên nô lệ vác kiện hàng, trong có những món hàng tốt nhất, đem ra phố.

Các khách thương ở kinh đô đón chàng rất niềm nở. Sau khi xem hàng xong, các khách thương đều công nhận là hàng tốt nhất nên mua rất cao giá. Gia Thuận mừng rỡ bán hết kiện hàng đó rồi cứ mỗi ngày lại mang ra phố bán. Bỗng một hôm chàng ngạc nhiên vì hàng phố hai bên đường đều đóng cửa. Chàng hỏi thăm mới biết trong giới buôn bán vừa có người tạ thế.

Tuy Gia Thuận không quen biết gì với họ nhưng muốn lấy tình thân thiện, chàng bèn sai tên nô lệ vác kiện hàng về và chàng theo các khách thương đến chia buồn cùng gia quyến kẻ bạc mệnh.

Gia Thuận đến nơi đúng lúc tang chế cử hành rất trọng thể. Chàng bước vào theo các bạn bè đọc kinh cầu nguyện cùng ngỏ lời phân ưu.

Cuộc lễ cử hành đến nửa đêm, chàng được mời một bữa cơm đáp nghĩa, theo tục lệ xứ Bá Đa.

Thấy trời đã khuya, mà tang lễ có lẽ sẽ cử hành đến sáng, chàng sốt ruột vô cùng. Chàng nghĩ bụng:

- “Ta là một khách phương xa, lại là một thương gia giầu có, biết đâu những tên trộm bất lương, thừa lúc ta vắng nhà chẳng đến cạy cửa? Trời ơi! Còn những tên nô lệ kia nữa, chúng biết ta vắng nhà, tha hồ mà khuân vác vàng bạc của ta trong đêm nay.

Những ý nghĩ hắc ám đó cứ ám ảnh trong óc chàng trẻ tuổi hoài, khiến chàng ăn không ngon, lòng lo lắng bồn chồn vô cùng.

Cuối cùng, không kiên nhẫn nổi, Gia Thuận đứng dậy lẻn ra về.

Chàng tìm một con đường tắt, len lỏi về đến cổng thành thì hỡi ơi! Cổng thành đã đóng chặt, không sao qua được. Chàng đành phải tìm cách trú ngụ qua đêm.

Chàng ngơ ngác đi mãi dưới trời khuya dầy đặc, hết đường này qua đường khác, nhà nào cũng cửa đóng then cài, im phăng phắc, không tìm đâu ra một mái nhà lá để trú ẩn. Bước lần vào một con đường hẹp, Gia Thuận tìm được một nghĩa trang, cửa để trống. Chàng bước vào định ngủ một đêm trong đó, vì trong nghĩa trang có những ngôi nhà mồ cao ráo, xung quanh lại có cây cối um tùm.

Chàng ngả lưng trên một phiến đá, nhưng vì quá nóng ruột nên chàng không sao ngủ được. Chàng đứng dậy đi ra đi vào cho chóng tới sáng.

Bỗng nhiên chàng thấy từ đằng xa có một đốm lửa lập lòe, tiến về phía nghĩa trang mỗi lúc một gần.

Vì quá sợ hãi, Gia Thuận bèn nhẩy tót lên một lùm cây dừa gần đấy để trốn đồng thời được xem rõ hơn.

Ánh lửa mỗi lúc một đến gần. Chàng nhận ra đó là ba tên nô lệ, những nô lệ giầu sang.

Tên đi trước cầm đuốc, hai tên đi sau khiêng một cái hòm nặng trĩu. Tới nghĩa trang, cả ba dừng lại. Tên cầm đuốc nói:

- Các bạn ơi, trời khuya lạnh lẽo, chi bằng ta liệng quách cái hòm xuống đây cho xong.

Tên đi sau phản đối:

- Không được, chủ nhân đã dặn phải chôn cất cho tử tế, chúng ta phải làm cho đúng.

Tên thứ ba xen vào:

- Phải đấy! Như vậy mới đầy đủ nhiệm vụ chứ!

Cả ba xúm nhau lại đào đất. Chỉ trong phút chốc, họ đã chôn xong chiếc hòm, lấp đất lại rồi bỏ ra về.

Gia Thuận ngồi núp trên cây dừa, không bỏ sót một cử chỉ nào của chúng.

Chàng nghĩ bụng:

- Chẳng biết chúng chôn cái gì. Nếu là người chết mà mang vào nghĩa trang này phải là bậc vương giả, tang lễ long trọng chứ đâu bê bối như vậy. Chúng chôn giấu vàng bạc, châu báu hay sao? Xem cử chỉ bọn này coi bộ bất lương lắm, chắc là do một người có quyền lực sai khiến.

Gia Thuận đợi cho chúng đi khá xa, và biết chắc chúng không còn quay lại nữa, mới dám lần mò xuống.

Vừa lúc đó trời sáng, vừng kim ô vừa ló dạng. Chàng thu hết can đảm tiến đến chỗ chúng vừa chôn chiếc hòm.

Chàng nhặt lấy cây đòn mà chúng vừa mới liệng xuống đó, ra sức đào. Nhờ đất xốp nên chẳng mấy chốc, chàng đã đào tới nơi. Chàng rán sức cậy nắp. Thật không ngờ, một sự thật làm chàng bàng hoàng đến độ ngơ ngẩn cả người.

Không phải vàng bạc châu báu ngọc ngà mà là một giai nhân sắc nước hương trời, trang phục toàn bằng những vật quý giá như một vị hoàng hậu của một quốc vương.

Gia Thuận đỡ nàng dậy, đưa ra khỏi chiếc hòm, đặt nằm trên bệ đá cạnh nhà mồ gần đấy.

Nhưng nàng bị ngất đi nên hơi thở rất yếu ớt. Chàng vội chạy ra cổng nghĩa trang đóng chặt cửa lại rồi trở vào lay nàng dậy…

Sau một lúc lâu, nàng tỉnh dậy, môi mấp máy và hơi thở mạnh dần. Trong hơi thở, chàng có cảm tương như có mùi vị vương giả.

Bỗng nàng mở choàng mắt hỏi:

- Mai Linh, Sao Băng, Tuyết Lê! Chúng bây ở đâu cả rồi?

Gia Thuận biết đó là những con tỳ nữ hầu nàng. Có lẽ nàng tưởng mình đang ngủ ở trong phòng mình.

Không thấy tiếng trả lời, giai nhân mở to đôi mắt, dáo dác nhìn chung quanh. Khi biết mình đang nằm trong nghĩa trang, nàng run lên lẩy bẩy vì sợ hãi, hỏi:

- Trời đất ơi! Sao thế này, ta đang sống hay chết? Tại sao lại có sự thay đổi kỳ dị này?

Không muốn nàng lo sợ thêm, Gia Thuận nói:

- Thưa bà, bà yên tâm, tôi vừa cứu bà ra khỏi cơn ác mộng.

Giai nhân ngơ ngác hỏi:

- Người có phải là ân nhân của tôi chăng?

Gia Thuận kể lại cho nàng nghe câu chuyện từ đầu, lúc chàng leo lên cây cho tới lúc thấy ba tên nô lệ mang chôn nàng ngoài nghĩa địa.

Giai nhân chợt nhíu mày như nghĩ đến một chuyện gì xa xôi. Nàng ngồi nghĩ ngợi một hồi, sau cùng, nàng mới nói với Gia Thuận:

- Thiếp thành thật cảm ơn trời đã cho ngài đến đây cứu thiếp qua khỏi tai nạn. Ơn này thiếp không bao giờ dám quên.

Vốn dĩ si tình nên khi đứng trước mặt người đẹp, Gia Thuận bao giờ cũng mơ mộng như đang ở trên mây xanh. Nay lại đang được chiêm ngưỡng sắc đẹp tuyệt trần này thì hỏi rằng làm sao mà chàng không rung động cho được.

Tuy vậy, Gia Thuận chưa biết rõ giai nhân ra sao nên còn thắc mắc. Chàng hỏi:

- Thưa bà, xin bà hãy cho tôi biết bà là ai và vì duyên cớ nào mà bà bị hoạn nạn như vậy?

Nàng trả lời:

- Câu chuyện này rất dài dòng. Hiên nay thiếp chưa tiện kể. Nếu ngài có lòng tốt giúp đỡ thiếp thì xin giúp cho tới cùng.

Gia Thuận hỏi:

- Thế bây giờ tôi phải giúp bà việc gì nữa?

- Nay trời đã sáng rồi, thiếp không thể lộ diện được. Nếu có ai mà trông thấy mặt thiếp thì rất nguy hiểm…

Gia Thuận ngạc nhiên vô cùng vì lời nói của giai nhân. Chàng hỏi:

- Thưa bà, bà định ở trong nghĩa địa này hay sao?

- Thưa ngài, xin ngài hãy cho thiếp rõ là nhà ngài có gần đây không?

- Nhà tôi thuê ở ngoài phố.

Giai nhân sau một hồi ngẫm nghĩ, nói với Gia Thuận:

- Xin ngài hãy bỏ thiếp vào chiếc hòm này rồi thuê mã phu chở thiếp về nhà ngài. Như vậy có được chăng?

Gia Thuận bằng lòng ngay. Chàng vội đặt giai nhân vào chiếc xe hòm rồi đi ra phố.

Một lát sau, Gia Thuận thuê được hai người mã phu và chiếc xe ngựa. Họ phụ với chàng khiêng chiếc hòm để lên xe.

Ngồi trên xe trở về nhà, Gia Thuận suy nghĩ miên man. Chàng tưởng như mình đang sống trong giấc mơ êm dịu.

Khi xe về tới nhà, Gia Thuận sai bọn nô lệ ra khiêng chiếc hòm vào nhà, mang lên gác rồi đóng chặt cửa lại.

Gia Thuận vốn tính cẩn thận, chàng còn kiểm soát lại các cửa xem đã đóng kín chưa rồi mới mở hòm để người đẹp chui ra.

Rồi chàng cẩn thận đặt giai nhân nằm trên một chiếc đệm nhung cho nàng nghỉ và chàng dễ bề ngắm nghía.

Quả thật, sắc đẹp của nàng làm cho Gia Thuận say mê. Chàng ngắm nàng đắm đuối hồi lâu mà không biết chán.

Chàng nhủ thầm:

- “Chắc thượng đế đã thương ta mà cho kết duyên cùng người đẹp chăng?”

Chàng cảm thấy sung sướng trong lòng. Lúc đó, giai nhân đang thiêm thiếp trên  giường nên không biết gì.

Một lát sau, có lẽ nàng đã thấy khỏe nên ngồi dậy.

Gia Thuận nhẹ nhàng đến bên nàng và hỏi:

- Thưa quí nương, xin quí nương cho tôi được cái hân hạnh mời quí nương một bữa cơm?

Người đẹp mỉm cười. Nhìn vẻ mặt và cử chỉ của Gia Thuận, nàng thấy chàng thành thật và đáng yêu. Nàng dịu dàng nói:

- Ngài săn sóc thiếp như vậy, thật thiếp vô vàn cảm tạ ơn ngài.

Gia Thuận giục bọn nô lệ dọn cơm lên. Hai người cùng ngồi vào bàn ăn uống. Vì nóng ruột muốn biết nguồn gốc giai nhân nên Gia Thuận hỏi:

- Thưa quý nương, bây giờ quý nương có thể nói cho tôi được biết quý nương là ai?

Người đẹp không đáp, thò tay vào túi rút ra một tấm mạng che mặt, trên tấm mạng có thêu mấy dòng chữ.

“Ái khanh của trẫm.”.

Bên dưới có đóng dấu của nhà vua. Đọc xong, Gia Thuận thất sắc, trao trả tấm mạng cho giai nhân, miệng run lẩy bẩy:

- Trời ơi! Vậy ra kẻ hèn này đã cứu được lệnh bà? Tâu lệnh bà, xin lệnh bà tha thứ cho tội phạm thượng đến ngọc thể. Xin lệnh bà hãy an tâm, kẻ tiểu dân này xin hết dạ cung kính lệnh bà như một tên nô lệ hầu hạ chủ nhân. Nhưng mà hỡi ôi, sao số mệnh lại tàn ác đến thế? Trái tim của kẻ tiểu dân này những tưởng được mắt xanh ngó đến, nào ngờ kẻ đó là một bậc cung phi cành vàng lá ngọc, và những dòng chữ quái ác kia đã giết chết cõi lòng kẻ hèn mọn này rồi… Xin lệnh bà hãy cho kẻ tiểu dân được biết rõ sự tình.

Thấy cử chỉ của Gia Thuận vừa đau đớn vừa trang trọng, nàng cũng xúc động nói:

- Thưa ngài, dẫu sao ngài cũng là vị ân nhân của thiếp, đã cứu thiếp khỏi về thế giới bên kia. Thiếp tên là Phi Loan, thứ phi của hoàng thượng Đại Nguyên Hãn. Hoàng thượng yêu thương thiếp say đắm khiến cho hoàng hậu Mai Lan Anh phải ghen hờn. Thiếp đoán thế nào cũng có ngày bị hoàng hậu tìm cách hãm hại. Đúng như vậy. Cho đến một hôm, hoàng thượng phải thân chinh dẹp giặc phương xa, không còn gần gũi để mà che chở cho thần thiếp. Bà ta dùng độc kế làm cho thiếp mê man rồi nhốt thiếp vào trong một chiếc hòm. Rồi bà sai ba tên nô lệ thân tín nhất đem chôn thiếp. May nhờ có ngài đã cứu được… Vậy việc này xin ngài khá giữ bí mật, để lộ khó tránh khỏi tai biến cho ngài.

Gia Thuận buồn rầu đáp:

- Xin lệnh bà cứ yên chí. Từ bây giờ trở đi, kẻ tiểu dân chỉ làm tôi tớ cho lệnh bà.

Thứ hậu Phi Loan nghe nói cảm động đáp:

- Thưa ngài, thiếp đâu dám nghĩ như vậy. Hiện giờ thiếp là kẻ mang ơn ngài. Xin ngài đừng nói vậy, thiếp không bao giờ muốn để cho ân nhân phải mang một mối sầu tuyệt vọng!

Gia Thuận nghe nói cảm động vô cùng. Chàng không ngờ và cũng không dám nghĩ đến chuyện khi quân phạm thượng như vậy. Chàng chỉ thở dài thầm thương tiếc định mệnh đã quá khắt khe, bắt chàng phải ôm mối tuyệt vọng cho đến khi chết.

Buổi tối, Gia Thuận gọi bọn nô lệ đến, dọn dẹp buồng ngủ, rồi xếp đặt cho chúng hầu hạ nàng Phi Loan. Nghĩa cử ấy làm cho Phi Loan phải khen thầm.

Rồi cuộc sống cứ kéo dài, trôi trên tâm hồn buồn lặng u hoài của kẻ ôm mối tuyệt tình.

Ngày nào Gia Thuận cũng dọn riêng cho Phi Loan một mâm cơm. Khi nàng ăn, chàng đứng bên cạnh hầu đến mãn bữa.

Đêm nào chàng cũng vào săn sóc buồng ngủ cho Phi Loan rồi mới trở về phòng mình yên giấc.

Đôi bạn cứ sống chung trong cảnh đầm ấm đó, nhưng bị cách biệt trong mối tình vương giả.

Vì vậy, không sao tránh khỏi những đêm sầu mộng.

Đang lúc đó thì tại hoàng cung, hoàng hậu Mai Lan Anh rất sung sướng, sau khi ra lệnh cho ba tên nô lệ giấu kín chuyện đó.

Nhưng lòng ác tâm bao giờ cũng đem lại cho mình những ám ảnh lo lắng sợ hãi.

Và chẳng bao lâu, nhà vua Đại Nguyên Hãn thắng trận, sắp sửa hồi trào.

Hoàng hậu Mai Lan Anh nghĩ bụng:

- “Trong lúc ghen tương ta không hề nghĩ đến hậu quả. Một mai hoàng thượng trở về, ta biết trả lời ra sao?”

Nghĩ mãi không ra kế, hoàng hậu Mai Lan Anh bèn kêu viên hoạn quan thân tín vào hỏi ý kiến.

Được rõ sự tình, viên hoạn quan tâu:

- Tâu lệnh bà, thần có kế này khả dĩ dùng được, nhưng phải thi hành nhanh mới được.

Hoàng hậu hỏi:

- Kế gì?

Hoạn quan đáp:

- Xin lệnh bà cho đóng một cỗ quan tài đem vào cung rồi giả các nghi lễ tang điếu một vị cung tần của hoàng thượng. Trong cỗ quan tài, lệnh bà cho đẽo một thân cây thật nặng, nhét vào đấy, giả làm xác nàng Phi Loan. Rồi sai bày bàn thờ, để ảnh Phi Loan ở chính giữa. Coi như Phi Loan bị bệnh mà chết đi vậy. Khi hoàng thượng trở về, lệnh bà phải làm bộ than khóc, thương xót. Làm như thế hoàng thượng sẽ không nghi ngờ mà còn cho lệnh bà là một kẻ nhân đức nhất đời nữa…

Hoàng hậu nghe lời làm theo kế.

Quả nhiên, trong ngoài bưng bít kín miệng, không một ai nghi ngờ. Mọi người đều tỏ vẻ thương xót một đóa hoa sớm lìa cành.

Rồi một chiều, muôn chim đua hót, thành phố Bá Đa tưng bùng dựng khải hoàn môn để chào đón vị minh quân chiến thắng trở về.

Nhưng khi về tới hậu điện, nhà vua vô cùng khinh ngạc khi thấy vắng bóng giai nhân. Không một tiếng chim hót nơi cung vàng điện ngọc mà chỉ thấy trong cung phảng phất màu tang chế thảm sầu.

Nhà vua quay hỏi hoàng hậu Mai Lan Anh:

- Hoàng phi Phi Loan đâu, tại sao không thấy ra đón trẫm?

Hoàng hậu khóc lóc và kể rõ sự tình.

Nghe tin người yêu quí nhứt của mình từ trần, nhà vua choáng váng cả người, ngất đi.

Khi tỉnh dậy, nhà vua ôm linh cữu khóc một hồi lâu rồi truyền lập đàn tế lễ hết một tháng. Ngày nào cũng vậy, nhà vua ngồi buồn rầu tưởng nhớ đến bóng dáng người yêu.

Cho mãi đến một hôm, sau những đêm thức trắng vì mệt mỏi, tưởng nhớ, vua Đại Nguyên Hãn mơ màng ngả người trên long sàng, thả hồn về bến mộng. Chợt có hai con tỳ nữ của Phi Loan trước, đang hầu vua là Sao Băng và Tuyết Lê, tưởng nhà vua ngủ say nên thì thầm.

Tuyết Lê vừa nói với Sao Băng:

- Này, Sao Băng, tao được tin chắc chắn là hoàng phi còn sống.

Sao Băng tròn mắt ngạc nhiên:

- Hoàng phi nào?

- Phi Loan chứ còn ai…

- Trời đất ơi, mày không giỡn chứ? Phi Loan mà còn sống? Thật không? Sao mày biết?

Tuyết Lê xuỵt:

- Nói khẽ chứ, hoàng thượng nghe thấy thì chết. Mày không tin tao ư?

Vua Đại Nguyên Hãn nghe được có bấy nhiêu, đã nhảy chồm lên, túm hai con tỳ nữ, hét:

- Chúng mày vừa nói gì?

Tuyết Lê vội vàng quỳ xuống:

- Tâu hoàng thượng, con vừa được tin hoàng phi Phi Loan còn sống.

Vua sững sờ hỏi:

- Mấy lấy bằng chứng đâu mà dám nói vậy?

Tuyết Lê run cầm cập:

- Tâu hoàng thượng, lúc sáng có một người lạ mặt, lén vào ngọ môn đưa cho con một bức thư.

Quá nóng ruột, nhà vua hét lên:

- Thư gì? Hãy đưa đây nhanh lên.

Tuyết Lê mò vào túi lấy thư, nhưng vì quá run, không lấy được.

Nhà vua liền giật lấy túi áo Tuyết Lê, lấy ra một mảnh giấy, có ghi mấy hàng như sau:

“Nàng Phi Loan hiện nay còn sống, đang ở tại nhà một người lái buôn trẻ tuổi tên Gia Thuận, tại đầu phố".

_______________________________________________________________
 Còn tiếp

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét