Tâu bệ hạ,
Ngày xưa, tại xứ Bách Đại
Gia, có một vị quốc vương rất giàu có. Không những giàu tiền, ông còn giàu lòng
nhân đạo, rất thương dân chúng.
Nhưng triều thần ai nấy đều
lo lắng vì nhà vua đã già mà vẫn chưa có một hoàng nam để kế vị.
Trước lòng mong mỏi của dân
chúng, nhà vua đem lễ vật đến các đền thờ trong nước để dâng lễ cầu con.
Quả nhiên, vài tháng sau,
hoàng hậu thọ thai rồi sanh một hoàng nam rất khôi ngô tuấn tú.
Nhà vua vui mừng loan báo khắp
kinh thành khiến cho dân chúng rất hân hoan. Rồi ngài đặt tên con là Ba Đình
Mạnh, lại truyền cho các chiêm tinh gia trong nước họp mặt trước sân rồng để
tiên đoán số mạng và tương lai hoàng tử xem thế nào.
Sau khi nói đủ mọi phương
diện về tài đức hoàng tử, các chiêm tinh gia đều đoán rằng : “Mai đây hoàng tử
sẽ là người can đảm, và cũng nhờ đức tính can đảm đó, hoàng tử sẽ chiến thắng
tất cả những nguy hiểm, để dựng lên một sự nghiệp huy hoàng”.
Những lời tiên đoán ấy chỉ
làm cho đức vua lo lắng, cảm thấy con mình sẽ gặp nhiều điều không may sau này.
Tuy vậy, càng lo cho con,
nhà vua càng chăm sóc và dạy dỗ con cho tới khi trưởng thành để hoàng tử có đủ
tài năng mà đương đầu với mọi gian khó.
Khi hoàng tử mười chín tuổi
thì đức vua lâm trọng bệnh.
Trước khi mất, ngài gọi con
đến giường bệnh, dặn dò:
- Vương nhi con ôi! Trên đời
không ai có thể sống mãi được, nhưng tiếng khen, chê thì muôn đời vẫn sống. Sự
nghiệp của cha bấy lâu nay gầy dựng, bây giờ sẽ về tay con. Con phải cố gắng
làm sao cho đầy đủ bổn phận. Đối với dân chúng, con nên thu phục lòng dân, làm
cho họ thương mình, đừng làm cho họ sợ mình. Đối với những kẻ dâm tà nịnh bợ,
con hãy nên trừng phạt bằng cách ra ân cho họ dù họ mắc phải lỗi nặng đến đâu.
Đó là hai bí quyết cuối cùng căn bản mà cha cần phải lưu ý để cho con ra đời
sau này.
Hoàng tử cúi đầu phụng mạng
. Rồi đức vua băng hà. Sau một tuần lo cho đám táng của vua cha, hoàng tử Ba
Đình Mạnh lên ngôi trị nước.
Vì còn trẻ tuổi và thiếu
kinh nghiệm, vị thiếu vương này chỉ biết hưởng những lạc thú và quyền hành.
Ngài không hề nhìn thấy nhiệm vụ nặng nề của mình đối với triều thần, dân
chúng.
Qua một thời gian trị nước,
nhà vua phung phí của kho đến nỗi hoàng thái hậu phải can gián, khuyên ngài
đừng ham mê tửu sắc. Rồi một hôm, kiểm điểm lại ngân khố, thấy hết sạch mà
chẳng làm được việc gì ích lợi cho nước cho dân, ngài hối hận vô cùng.
Thiếu vương nghĩ thầm:
- Phụ vương ta lúc sanh thời
hết lòng vì nước, xây dựng cơ đồ, để lại một sự nghiệp đồ sộ, lúc lâm chung lại
trăn trối hết lời. Thế mà ta không nghe, lại phung phí hết tiền bạc thật đáng
giận biết bao.
Rồi cũng kể từ ngày hôm đó,
thiếu vương buồn rầu khôn nguôi. Nhưng than ôi! Hối hận thì đã muộn.
Hoàng thái hậu hiểu ý, tìm
đủ mọi cách để an ủi vỗ về ngài. Nhưng nhà vua vẫn buồn.
Một đêm kia, vị vương đang
ngả mình trên long sàng, thiêm thiếp giấc nồng, thì bỗng một ông lão từ ngoài
bước vào mỉm cười nói:
- Vua Ba Đình Mạnh ôi! Sự
buồn rầu thường đến sau những nguồn vui khôn tả. Và những kẻ như ngài vẫn có cơ
may tìm thấy hạnh phúc. Vậy nếu ngài muốn trút bỏ sầu tư, hãy mau qua xứ Ai
Cập. Một kho tàng lớn đang chờ đợi ngài.
Vua tỉnh giấc, biết mình vừa
nằm chiêm bao. Ngài vội vã đem câu chuyện ấy thuật cho hoàng thái hậu nghe.
Hoàng thái hậu mỉm cười nói:
- Mộng mị đâu hẳn là sự thật!
Chẳng lẽ vương nhi lại tin nhảm như vậy sao?
Thiếu vương đáp:
- Tâu mẫu hậu, theo sách vở
con đã học, hầu hết các giấc mộng đều linh ứng. Hơn nữa, ông già mà con vừa gặp
không phải là ông già tầm thường mà là một bậc tiên nhơn đạo cốt. Nếu mẫu hậu
muốn cho con giải cơn phiền muộn, hãy cho con sang đó coi sao.
Hoàng thái hậu cho là lời dị
đoan, tìm lời ngăn cản, nhưng thiếu vương nhất quyết không nghe. Rồi một đêm,
ngài lẻn ra khỏi hoàng thành, thẳng đường sang Ai Cập không một ai hay biết.
Trải qua biết bao nhiêu gian
lao, khổ cực, thiếu vương đến một kinh thành.
Khác với kinh thành Bách Đại
Gia, ở đây người nào cũng cao lớn, vạm vỡ, ăm mặc sang trọng, làm cho nhà vua
trông thấy cũng phải hài lòng.
Ngài đi lần theo các phố,
đâu đâu cũng thấy buôn bán tấp nập. Nhà vua không tìm thấy chỗ nghỉ chân, bèn
lần vào một cái miếu hoang nằm nghỉ, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Bỗng nhiên, ông già hôm nọ
hiện đến nói:
- Thiếu vương ôi, tôi rất
hài lòng thấy ngài đã tin lời tôi. Ngài đã đi đến đây với bao nhiêu cực nhọc.
Nhưng tôi muốn thử xem ngài có đủ can đảm không mà thôi. Bây giờ ngài đáng được
hưởng sự giàu sang kia. Vậy ngài hãy trở về xứ Bách Đại Gia. Ở đấy, kho vàng
đang chờ ngài.
Nhà vua thức tỉnh, mặt mày buồn
xo, bụng nghĩ:
- Chao ôi! Ta quả tin vớ vẩn
rồi. Tưởng ông già kia là một vị thần linh báo mộng, nào ngờ đâu ta mơ tưởng
hão huyền. Mẫu hậu nói quả đúng. May mà câu chuyện này chỉ có một mình mẫu hậu
biết, nếu cả triều biết được sẽ chê cười ta dường nào!
Rồi nhà vua lại trở về Bách
Đại Gia.
Hoàng thái hậu vội vã đến
hỏi thăm con. Thiếu vương Ba Đình Mạnh buồn rầu thuật lại câu chuyện vừa qua
với bao nhiêu niềm hối hận.
Hoàng thái hậu không phiền
trách còn tìm lời an ủi:
- Vương nhi à, con chớ nên vì
vậy mà phiền muộn. Nếu thượng đế cho con giàu sang thì sớm muộn gì con cũng đạt
được, không cần phải mệt nhọc suy tính. Bây giờ con nên để tâm lo đến việc
triều chính và bàn tính với các quan đại thần chăm lo việc nước. Miễn sao con
trở nên một vị vua đức độ thì chăng bao lâu, tài sản và sự nghiệp sẽ trở về với
con. Con đừng buồn phiền nữa, mẹ không bao giờ giận con đâu.
Vua Ba Đình Mạnh cúi đầu
nghe lời mẹ. Ngài lại sửa soạn mũ áo lâm triều chăm lo việc nước và hứa sẽ cố
gắng làm tròn phận sự.
Nhưng tối hôm sau, nhà vua
lại nằm mộng thấy ông già đến nữa.
- Ồ! Thiếu Vương Ba Đình
Mạnh, cái kho tàng khổng lồ kia đã đến lúc về tay ngài rồi đấy. Sáng mai, khi
ngủ dậy, ngài cầm cuốc vào nhà Thái Miếu đào đất lên, lập tức ngài sẽ thấy.
Nhà vua thức giấc nửa mừng
nữa lo, hốt hoảng chạy vào hậu cung thuật cho mẫu hậu nghe. Hoàng thái hậu nhìn
con lắc đầu:
- Con ơi, con đã bị ông già
đó gạt hai lần mà vẫn còn tin sao?
Thiếu vương lắc đầu:
- Thưa mẫu hậu, dù con không
muốn tin lời ông già đó, nhưng con cũng muốn quan sát nhà Thái Miếu một lần cho
biết.
Hoàng thái hậu nhìn con
thương hại:
- Nếu con muốn, con cứ đến
đó. Dù sao cũng không đến nỗi khó nhọc như con sang Ai Cập.
Nói xong, hoàng thái hậu
nhìn con mỉm cười. Nhà vua ngượng ngùng tâu:
- Tâu mẫu hậu, giấc mộng vừa
rồi làm cho con rất tin tưởng, vì nó có liên quan đến giấc mộng trước. Ban đầu
ông già bảo con sang Ai Cập để thử thách con, rồi lại bảo con trở về Bách Đại
Gia sẽ tìm thấy kho vàng. Và lần này ông ấy lại chỉ chỗ. Thế mà mẫu hậu bảo con
không tin sao được?
Nói xong, thiếu vương bước
ra hậu cung đi tìm một cây cuốc, rồi một mình đi thẳng đến Thái Miếu.
Đến nơi, thiếu vương đào xới
khắp nơi. Những vuông đất bị đào bật tung lên, nhưng sức người đã mệt mà kho
tàng vẫn không thấy đâu cả.
Nhà vua buông cuốc, ngồi
xuống trước bệ thờ nghỉ mệt rồi thầm nghĩ bụng:
- “Chuyện
này có lẽ mẫu hậu lại chê cười ta không ít”.
Nghĩ vậy, nhưng rồi nhà vua
lại tiếp tục đào xới một lúc nữa, thầm nhủ có thất bại cũng cam lòng.
Bỗng ngài bổ phải một tảng
đá trắng. Tảng đá vừa tróc ra thì bên dưới, một đường hầm tối om, đóng kín bằng
một cánh cửa trầm hương thơm ngát.
Nhà vua thử mở ra xem thì
thấy cửa hầm ăn thông xuống, với các nấc thang
bằng cẩm thạch.
Không chần chờ, nhà vua liền
thắp một cây nến và bước lần xuống tận đáy hầm.
Đó là một căn phòng vuông
vắn, cẩn bằng đá hoa. Giữa khoảng trống có kê ba bốn cái kệ. Trên những cái kệ
có những cái lọ độc bình lớn.
Nhà vua nghĩ ngợi:
- “Có lẽ đây là những hũ
rượu cổ chăng?”
Nếu là rượu, thì những thứ
rượu này phải là những thứ rượu quý từ vì được ủ từ rất lâu rồi.
Nghĩ rồi, nhà vua bước tới
xem.
Vừa mở nắp, nhà vua kinh
ngạc la lên một tiếng: trong đó đầy nhóc những tiền vàng.
Lần này đến các lọ khác, nhà
vua trông thấy cái lọ nào cũng đầy vàng như vậy. Vua vui mừng vội bốc một nắm
mang về cho hoàng thái hậu xem rồi thuật lại đầu đuôi.
Hoàng thái hậu cũng ngạc
nhiên không kém, nhìn con rồi nói:
- Con ơi, thượng đế đã cho
con một gia tài khá lớn, chưa có vị vương nào sánh kịp. Vậy con hãy giữ gìn cẩn
thận, đừng phung phí như trước.
Thiếu vương Ba Đình Mạnh
tâu:
- Tâu mẫu hậu, từ nay con sẽ
cố gắng làm vừa lòng mẫu hậu.
Hoàng thái hậu nói:
- Bây giờ vương nhi hãy dẫn
ta đến nhà Thái Miếu xem. Tài sản ấy có lẽ của tiên vương chôn giấu. Nhưng ta
chưa hề được nghe nói đến bao giờ.
Nhà vua dẫn hoàng thái hậu đến
Thái Miếu. Cả hai mẹ con cùng chui xuống căn hầm bí mật. Hoàng thái hậu đưa mắt
nhìn khắp nơi. Bỗng bà trông thấy trong góc có một cái lọ nhỏ, mà nhà vua chưa
nhìn thấy. Bà bèn kêu nhà vua hỏi:
- Vương nhi hãy thử xem
trong chiếc lọ ấy đựng gì.
Nhà vua mở ra chỉ thấy một
cái chìa khóa bằng vàng. Hoàng thái hậu nói:
- Vậy chắc hẳn còn một kho
tàng quí giá hơn. Con hãy cố gắng tìm chắc sẽ thấy.
Hai mẹ con lại kiểm soát
khắp phòng. Cuối cùng họ thấy một lỗ khóa ẩn dưới lớp thạch cao dưới chân tường.
Nhà vua tra chìa khóa vào.
Vừa xoay hai vòng, vách tường sụt xuống để lộ một ô vuông mỗi bề rộng hơn một
thước. Bên kia vách tường là một căn phòng cũng rộng như căn phòng đã tìm thấy.
Nhà vua dắt tay hoàng thái
hậu bước sang phòng đó.
Ánh sáng ngọn nến chập chờn
soi rõ trong gian nhà có chín chiếc tượng đúc toàn bằng vàng. Trên tám bức
tượng ấy có tám bức tượng nhỏ bằng kim cương, tỏa muôn ngàn ánh sáng rực rỡ.
Vua Ba Đình Mạnh chóa mắt,
la to:
- Chao ôi! Có phải phụ vương
tôi đã bí mật chôn những của cải này cho tôi chăng?
Rồi nhà vua lại gần xem xét
những pho tượng tuyệt đẹp, vuốt ve chúng thật trìu mến.
Tuy ngạc nhiên trước những
đồ vật lạ, nhưng chiếc kệ thứ chín làm nhà vua để ý hơn cả. Kệ này không đặt
pho tượng mà lại trùm một tấm lụa dài, phía trên có những hàng chữ như sau.
- “Hỡi con yêu dấu! Tám pho
tượng mà con được xem tuy quí giá nhưng không có giá trị bằng pho tượng thứ
chín. Con hãy tìm đến kinh đô Ai Cập, con sẽ được pho tượng thứ chín đó. Con sẽ
tìm lão Bách Đạt là người nô lệ của cha
khi trước, con trình bày rõ mọi chuyện, hắn sẽ dẫn con đi lấy pho tượng đó.
Đọc xong những hàng chữ đó,
nhà vua liền nói với hoàng thái hậu:
- Tâu mẫu hậu, xin mẫu hậu
cho phép con được sang Ai Cập tìm pho tượng thứ chín. Vì đó là một pho tượng
quí giá nhất trên đời này, con không thể nào bỏ qua được.
Hoàng thái hậu phán:
- Con đã nhất quyết như vậy
thì mẹ nỡ nào cản trở. Mẹ cầu mong cho con được các vị thần thánh che chở. Việc
triều chính để mẹ và các vị lão thần trông coi. Con hãy sửa soạn mà đi cho sớm.
Thiếu vương được mẹ cho phép
thì vội vã sửa soạn hành trang, rồi dẫn vài tên tùy tùng lên đường.
Suốt cuộc hành trình họ không
gặp gì trở ngại.
Khi đến Ai cập, nhà vua tìm
gặp lão Bách Đạt, người nô lệ cũ của tiên vương. Dân chúng địa phương cho biết
lão Bách Đạt hiện nay là một nhân vật tiếng tăm giầu có nhất trong thành phố.
Ông ta ở một biệt thự lộng lẫy và lúc nào cũng sẵn sàng tiếp đón khách thập
phương.
Nhà vua tìm đến nơi, gõ cửa.
Một tên nô lệ bước ra hỏi:
- Thưa ngài, ngài là ai,
muốn hỏi chi?
Thiếu vương đáp:
- Ta là khách viễn phương,
được nghe lòng cao quý của chủ nhân nên đến đây để thăm viếng.
Tên nô lệ chạy vào trong,
một lát sau trở ra:
- Chủ nhân tôi mời ngài vào
chơi.
Quả nhiên, lão Bách Đạt đang
ngồi chờ nhà vua ở trong nhà. Khi nhìn thấy thiếu vương Ba Đình Mạnh với phong
độ đế vương, ông ta đứng dậy chào và nói:
- Tôi rất vinh dự được tiếp
đón quý khách. Chẳng hay quý khách có điều chi dạy bảo?
Thiếu vương Ba Đình Mạnh đáp
lễ rồi nói ngay:
- Ta là con của đức vua xứ
Bách Đại Gia.
Lão Bách Đạt nghe nói, kinh
ngạc nhìn nhà vua một lúc rồi nói:
- Tôi là nô lệ của hoàng
thượng ngày trước nhưng tôi không hề được biết hoàng thượng đã có con. Thưa
ngài, bây giờ ngài được bao nhiêu tuổi?
Vua đáp:
- Ta năm nay hai mươi hai.
Còn khanh, từ ngày khanh rời bỏ triều đình đã bao nhiêu năm rồi?
Bách Đạt thưa:
- Đã hai mươi năm rồi. Nhưng
vì vậy, thưa ngài, làm sao tôi có thể tin được ngài là con của đức hoàng
thượng?
Đức vua Ba Đình Mạnh chậm
rãi:
- Trong nhà Thái Miếu của
phụ vương ta có một cái hầm. Trong hầm có bốn mươi cái hũ đựng tiền vàng.
Lão Bách Đạt hồi hộp vội
ngắt lời:
- Và… còn có những gì nữa?
- Có chín cái bệ bằng vàng,
trên chín cái bệ có tám pho tượng vàng, còn cái bệ thứ chín thì không có tượng
mà chỉ có một khung lụa ghi lại những lời dặn của phụ vương ta cách thức đi tìm
pho tượng thứ chín.
Thiếu vương nói xong, lão
Bách Đạt quỳ xuống đất hôn chân thiếu vương rồi rối rít nói:
- Thôi đúng rồi, thượng đế
đã ban ơn cho hạ thần được tiếp đón bệ hạ nơi đây, thật là một vinh dự cho hạ
thần. Bây giờ nếu bệ hạ muốn tìm pho tượng ấy, hạ thần sẽ đưa bệ hạ đến nơi.
Ước mong bệ hạ lưu lại vài ngày để thần mở tiệc khoản đãi trước khi chúng ta
làm công việc gian nguy đó.
Nhà vua bằng lòng. Lão Bách
Đạt vội vàng hối thúc gia nhân bày yến tiệc và sai mời các vị vương giả ở kinh
đô đến dự.
Bách Đạt ngồi dưới thêm hầu
hạ nhà vua từ đầu đến cuối bữa tiệc làm ai nấy đều ngạc nhiên nghĩ bụng:
- “Lạ làm sao! Người khách
lạ ấy là ai mà lão Bách Đạt lại có thể kính cẩn như vậy?”
Rồi họ đưa mắt nhìn nhau.
Xong bữa ăn, Bách Đạt nói
với mọi người:
- Thưa các bạn, xin các bạn
đừng ngạc nhiên khi thấy một kẻ giàu có và sang trọng nhất ở Ai cập như tôi mà
phải đi hầu hạ người khách lạ này. Thưa các bạn, đây là một vị thiếu vương,
hoàng tử của vua Bách Đại Gia, vị vua đã ủy thác cho tôi coi giữ gia sản này.
Tôi là kẻ nô lệ của nhà vua, nên phải giữ tròn bổn phận.
Bách Đạt nói đến đây, nhà
vua Ba Đình Mạnh ngắt lời:
- Và bây giờ ta thay phụ
vương ta, tuyên bố từ nay khanh không phải là nô lệ của ta nữa. Vậy tất cả
những tài sản này là của khanh, khanh được toàn quyền chi dụng.
Tất cả quan khách đều vỗ tay
hoan hô nhiệt liệt lòng đại độ của thiếu vương Ba Đình Mạnh. Trong khi ấy, lão
Bách Đạt rập đầu xuống đất lạy vị quân vương trẻ tuổi ấy.
Rồi bọn gia nhân mang rượu
lên. Quan khách lại ngồi chung vui đối ẩm cho tới khuya mới từ giã ra về.
Sáng hôm sau, nhà vua thức
dậy sớm. Khi đã tắm rửa và ăn uống xong, ngài gọi Bách Đạt đến nói:
- Hôm nay trong người ta đã
thấy khỏe, vậy hãy đưa ta đến nơi tìm pho tượng thứ chín.
Bách Đạt nói:
- Tâu bệ hạ, tôi xin nói
trước để bệ hạ rõ, công việc này không phải là dễ. Có thể xảy ra nhiều nguy
hại, mình không ngờ trước được.
Đức vua Ba Đình Mạnh nói:
- Dù nguy hiểm đến đâu, ta
cũng không nản. Khanh chớ ngại ngần làm gì, miễn là khanh cũng can đảm như ta.
Bách Đạt thấy nhà vua cương
quyết, bèn gọi bọn nô lệ đến sửa soạn hành trang để lên đường.
Qua mấy ngày cực nhọc, đoàn
lữ hành đến một nơi vắng vẻ, nhưng phong cảnh rất đẹp mắt. Bách Đạt xuống ngựa
nói với bọn tùy tùng:
- Chúng bây hãy ở lại đây,
giữ gìn đoàn ngựa và trông coi hành trang cho cẩn thận.
Đoạn, quay sang nói với
thiếu vương:
- Tâu bệ hạ, đây cũng gần
đến chỗ để bức tượng quý ấy, xin bệ hạ hãy chịu khó đi bộ cùng tôi. Điều cần
nhất là bệ hạ phải bạo dạn mới được.
Thiếu vương mỉm cười nối gót
theo Bách Đạt. Hai người đi một lát đến một con sông rộng, dòng sông sâu thẳm,
bốn bề hiu quạnh, không có một bóng con thuyền.
Bách Đạt nói:
- Chúng ta phải qua con sông
này.
Thiếu vương hỏi:
- Chúng ta làm sao qua được?
Ở đây không có một con thuyền.
Bách Đạt nói:
- Tâu bệ hạ, lát nữa đây,
con thuyền của vị vương thần sẽ đến đây đón rước. Nhưng có một điều tôi cần
phải dặn kỹ bệ hạ, bệ hạ phải nhớ lời tôi, dù có thấy cái gì lạ cũng đừng mở
miệng. Vì một tiếng nói của bệ hạ, con thuyền sẽ chìm ngay xuống nước.
Thiếu vương nói:
- Khanh cứ an tâm, ta sẽ làm
đúng như lời khanh đã dặn.
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét