Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

CHUYỆN CHIẾC QUẠT MẦU NHIỆM (I)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Muôn tâu bệ hạ,

Ngày xưa ở nước Ấn Độ, có hai vợ chồng nghèo khổ sống trong một mái nhà lá xác xơ, quanh năm suốt tháng làm nghề chèo đò trên một dòng sông vắng vẻ.

Nhờ trời phật độ nên, tuy nghèo, vợ chồng cũng sinh được một đứa con trai mặt mũi sáng sủa, trông rất thông minh, nhanh nhẹn.

Vợ chồng sung sướng đặt tên con là Phan An.

Năm tháng qua lặng lẽ , bên dòng sông vắng lặng, vợ chồng vẫn gắng nuôi con.

Phan An là một thanh niên có hiếu. Năm chàng mười tám tuổi, chàng muốn tự mình gánh vác công việc chèo đò thay cha.

Nhưng cha chàng là người hiểu đời hơn bao giờ. Ông không muốn con tiếp tục cái nghề buồn nản ấy, bèn cho chàng đến học nghề thợ bạc một cửa tiệm khá lớn ở đầu phố.

Rồi bỗng một hôm, có một ông lão tóc bạc như cước đến trước tiệm bán một ít vàng vụn. Khi chủ tiệm đã cân vàng và trả tiền xong, ông lão còn đứng nán lại ngắm nghía các kiểu mẫu bày ngoài cửa hàng.

Ông lão chờ cho người chủ tiệm bước vào trong mới đến gần Phan An hỏi:

- Này cậu, tôi thấy cậu mặt mũi thông minh sạch sẽ thế kia sao lại đi làm cái nghề tầm thường này. Tướng cậu có thể làm nên việc lớn đấy!

Thấy ông lão tỏ ý khinh khi nghề nghiệp của mình, Phan An vội nói:

- Dạ thưa cụ, cháu thiết tưởng nghề nào cũng là nghề, dù hạ tiện đến đâu cũng nuôi sống được mình. Vì vậy, mình phải quí trọng và bảo thủ nghề của mình mới đáng quí chứ ạ?

Ông lão cười rồi nói:

- Cậu bé nầy ăn nói ra vẻ lắm! Rất tiếc, cậu không biết dùng tài năng của cậu… thật phí!

Nói rồi ông lão bỏ đi.

Phan An lấy làm lạ, đem câu chuyện này về kể cho cha mẹ nghe. Cả hai đều lo ngại, nói:

- Con ơi! Ở đời nầy, những người làm phật ý mình không nguy hiểm bằng những kẻ làm vừa ý mình. Vậy những người đó, con phải đề phòng. Nhà mình sống đạm bạc, hơi đâu mà mơ tưởng đến những chuyện vẩn vơ!

Phan An vâng lời cha mẹ, và hứa sẽ không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.

Đến hôm sau, người chủ tiệm lại đi vắng, giao cửa tiệm cho chàng trông nom.

Ông lão hôm qua lại trở lại. Phan An tuy khó chịu nhưng vẫn phải niềm nở tiếp đón.

Ông lão nhìn chàng thân mến, nói:

- Tôi đã nói là tướng cậu không phải là người nghèo, tại sao cậu cứ khư khư giữ mãi cái nghề này? Cậu không nghĩ cách tiến thủ để đưa địa  vị mình lên cho cao sang sao? Bây giờ cậu có muốn sang Phi Châu buôn bán với tôi không? Tôi cam đoan rằng chuyến đi này, lúc trở về cậu sẽ tha hồ hốt bạc.

Phan An cũng đã nghe nhiều người bàn tán đến cái nước Phi Châu, nay bỗng nhiên nghe ông lão nhắc đến, chàng bèn hỏi:

- Vậy ra cụ mới ở Phi Châu về à?

Ông lão gật đầu:

- Phải, tôi mới ở Phi Châu về độ nửa tháng.

Phan An dò hỏi:

- Cụ đi xa như vậy chắc cụ biết nhiều chuyện lạ và lý thú?

Ông lão cười:

- Chuyện lạ biết bao nhiêu mà kể cho xiết. Tôi đã trải qua những cuộc mạo hiểm rất thú vị. Thật thế, nhiều lúc tôi nghĩ đến phải bỏ mạng dọc đường tôi cũng không hối hận.

Phan An nghe xong ngồi ngơ ngẩn. Ông già lại nói:

- Còn gì sung sướng cho bằng mình được sống những giây phút mà những kẻ khác không được sống. Mình được hưởng những thứ mà kẻ khác không từng hưởng.

Phan An ra chiều thích thú, hỏi:

- Vậy chắc cụ gặp nhiều gian nguy lắm phải không ạ?

Ông lão gật đầu:

- Nhiều khi tôi tưởng tôi chết và cũng nhiều khi tôi ngỡ mình là một vị đế vương đấy!

- Nhưng chắc cụ kiếm được nhiều tiền lắm?

Ông lão nhìn chàng:

- Nếu không kiếm được thì ai hơi đâu mà đi làm những việc gian nguy như vậy.

Nói rồi, ông lão cởi hầu bao cho Phan An xem một túi vàng đỏ ối.

Rồi ông lão lại sửa soạn ra về. Phan An hỏi:

- Thế bao giờ cụ định sang Phi Châu?

Mắt ông già sáng lên:

- Độ cuối tuần này tôi xuống tàu và bắt đầu khởi hành.

Phan An ngần ngại:

- Thú thật với cụ, cháu cũng thích nghe ai  kể những chuyện phiêu lưu lắm. Vậy cụ có thể kể cho cháu nghe thêm được không?

Ông lão đứng dậy:

- Giá có nhiều thì giờ, tôi sẽ kể cho cậu nghe. Nhưng nghe mà không từng mạo hiểm, không từng thấy những sự thật, thì làm sao mà cậu tin được. Vậy bây giờ cậu có theo tôi đi không?

Phan An lưỡng lự:

- Thưa cụ, nhưng cháu còn cha mẹ…

Ông lão ngắt lời chàng:

- Vì vậy cậu sợ gia đình không cho đi chứ gì? Ồ, tuổi trẻ như cậu mà còn nhút nhát thì không bao giờ làm nên sự nghiệp. Như tôi, trước kia còn trẻ tuổi như cậu, thích mạo hiểm phiêu lưu, nhưng cha mẹ ngăn cản. Rồi tôi cũng trốn bỏ gia đình, theo tiếng gọi của tang bồng, đem thân làm một tên tủy thủ lênh đênh khắp mọi nơi, sống một cuộc đời sóng gió dầy dạn. Tôi đã từng đi những nơi mà thiên hạ chỉ nghe tiếng chứ chưa từng có ai đi đến đó cả. Những nơi còn phong tục săn đầu lâu, ăn thịt người v.v… rất dã man. Chao ôi! Tôi đã từng bị giam giữ trong những hang sâu thẳm, quanh năm không có lấy một tia sáng. Thế mà cuối cùng tôi cũng vẫn thoát khỏi, trở về quê hương. Còn biết bao nhiêu những chuyện ly kỳ nữa. Thật đáng tiếc, đầu xanh như cậu, tôi không hiểu lý do tại sao cậu cứ ôm mãi gia đình để mang lấy cuộc sống gò bó lệ thuộc suốt đời được?

Phan An nghe ông lão giảng một hồi, lòng thấy ham muốn, say mê những gì xa lạ. Đến lúc ông lão ra về, chàng mới sực tỉnh nói:

- Thưa cụ, vậy cụ để đến ngày mai, cháu sẽ trả lời cụ…

Thế rồi cả đêm hôm ấy, Phan An không sao ngủ được, trằn trọc với muôn ngàn suy tư.

Chàng sợ ra đi, cha mẹ không ai săn sóc. Mà không đi thì tuổi xanh lại bỏ lỡ một dịp tung hoành.

Cuối cùng, chí phiêu lưu của chàng đã thắng.

Chàng tự nghĩ:

- Mình đi xa làm giầu, kiếm được nhiều tiền về nuôi cha mẹ, như vậy là trọn chữ hiếu. Vả lại, ngoài kia biển cả mênh mông, phù hợp với tuổi xanh của ta, không đi thật uổng.

Và ngay hôm sau, Phan An nhận lời ông lão, hẹn tới cuối tuần nầy sẽ khởi hành sang Phi Châu.

Ông già vui mừng vỗ vai chàng nói:

- Thế mới đúng, con trai trong thời buổi nầy phải dứt khoát như cậu mới hay.

Rồi ông lão móc túi ra mấy đồng tiền vàng trao cho Phan An và bảo chàng đi sắm sửa quần áo để kịp lên đường.

Nước non vời vợi, gió núi mây ngàn, bao la niển cả như bao nỗi hoang mang của một chàng trai trước cuộc sống xa vời.

Ông lão dắt Phan An xuống một chiếc thuyền rồi ra lệnh cho đoàn thủy thủ nhổ neo. Lênh đênh đúng ba ngày, cảnh nước non trùng điệp làm cho Phan an rạo rực bâng khuâng.

Đến ngày thứ tư, ông lão dắt tay Phan An vào một khoang tàu, nét mặt nghiêm khắc nói:

- Từ nay trở đi, cậu thuộc dưới quyền điều khiển của tôi. Cậu phải nghe theo tất cả mệnh lệnh của tôi.

Phan An ngơ ngác, chưa hiểu ông lão định nói gì, thì ông lão đã vói tay nhắc tấm ván lên. Đó là tấm ván của một miệng hầm tối đen, bên dưới có nhiều tiếng xôn xao như ong vỡ tổ. Ông ta chõ miệng xuống nói một hơi bằng một thứ tiếng riêng biệt. Lập tức, bên dưới, một tên mọi da đen, mình mẩy gân guốc, đôi mắt ốc bươu tròn xoe, tóc màu hung đỏ, tay cầm chiếc roi gân bò, nhẩy phóc lên, túm lấy Phan An lôi xuống.

Do quá ngạc nhiên và linh cảm thấy sự chẳng lành xảy ra nên Phan An cố giằng khỏi tay hắn, đồng thời níu kéo ông già:

- Thưa cụ, cháu bị tên mọi này đưa đi đâu thế cụ?

Ông lão cười nham hiểm, không nói gì.

Thấy Phan An bướng bỉnh không chịu đi, tên mọi da đen thẳng tay quất mạnh xuống lưng chàng túi bụi. Đáng thương thay cho tấm thân gầy gò của anh thợ bạc, trong chốc lát đã ngã gục xuống.

Tên mọi kéo chàng vào buồng giam. Ở trong, những chàng trai khác đang lố nhố nhìn ra. Tên mọi đẩy chàng vào phòng rồi khóa lại như cũ.

Phan An cố gắng gượng ngồi dậy, ngỡ ngàng trước những con mắt khó khăn đang nhìn chàng. Chàng ngậm ngùi hỏi:

- Các ông là ai? Tại sao chúng ta lại bị nhốt vào đây?

Một người trong bọn trả lời:

- Chúng tôi là những kẻ chung một số phận như anh. Sự khổ sở của chúng tôi chính là sự khổ sở của anh.

Phan An nghe xong ôm mặt khóc. Mọi người ai cũng không cầm nổi giọt lệ, cùng nhau an ủi chàng.

Tên mọi thấy nhộn nhịp, vác roi mây, mở cửa bước vào vụt lung tung. Tất cả đều im thin thít, lặng lẽ trở về chỗ cũ.

Khi tên mọi đi rồi, một người ngồi xuống bên cạnh Phan An thì thầm:

- Tôi không hiểu tại sao anh lại lọt vào tay lão phù thủy này.

Phan An nức nở kể lại đầu đuôi câu chuyện của mình.

Người kia ngồi gần lại chàng nói:

- Thế ra chúng ta cùng chung một cảnh ngộ. Tôi cũng vậy, từ thuở nhỏ quen sống nơi quê mùa, nhưng lại có cái mộng giang hồ, muốn lênh  đênh trên biển như những viên thủy thủ già đã từng kể lại những chuyện phiêu lưu. Rồi bỗng một hôm, tôi gặp lão già này. Lão dụ tôi bỏ nhà ra đi. Vì tôi quá nông nổi nên mới sa chân vào đây.

Phan An nghẹn ngào hỏi:

- Lão già bắt chúng ta để làm gì thế?

- Bắt để bán cho các nước làm nô lệ chứ làm gì?

Phan An kinh ngạc nhắc lại:

- Làm nô lệ ư?

Người kia gật đầu:

- Thì còn làm gì nữa. Anh mới bị bắt vào đây nên chưa rõ. Lão già này là một tên lái buôn nô lệ quỷ quyệt vô cùng.

Phan An lại khóc làm cho người kia cũng mủi lòng khóc theo và than thở:

- Thôi thì tay trót mang gông. Chỉ khổ cho tôi còn có vài hôm nữa thì lấy vợ, mà bỗng dưng bỏ nhà ra đi, để ngày mai làm đầy tớ cho thiên hạ.

Phan An gạt nước mắt hỏi:

- Thế anh có biết lão già này đinh mang chúng ta đến nơi nào không?

Người kia thở dài:

- Làm sao mà biết được. Chỉ khi nào chúng đem bán thì mới biết chứ.

Rồi cánh cửa lại bật mở. Hai người sợ hãi rời nhau. Tên mọi bước vào ném cho mỗi người một nắm cơm khô với một con cá mắm. Mặc dù đói như cào, Phan An không sao nuốt trôi nổi. Mùi cá hôi tanh làm chàng nhiều lần muốn ói mửa. Chàng lấy làm ngạc nhiên không hiểu sao mọi người lại ăn uống ngon lành được như vậy.

Chàng nhăn mặt hỏi:

- Các bạn ơi, làm sao mà các bạn ăn được những thứ ấy?

Một người nhìn chàng:

- Rồi anh sẽ biết. Người ta không thể sống được nếu không có cơm. Mai đây anh cũng sẽ nhắm mắt và ăn uống như chúng tôi.

Thời gian trôi qua, con tàu bồng bềnh trên biển cả một tháng trời.

Phan An đã làm quen được với tất cả mọi người trong gian phòng đau khổ ấy.

Đôi khi con thuyền ghé vào một bến nào đó, và mỗi lần ghé, thì tên mọi lại mở cửa dẫn đi vài người. Những người đó không bao giờ trở lại nữa.

Phan An rợn người nghĩ đến phiên chàng ra đi.

Cái ngày chàng lo nghĩ đó đến không lâu. Một tháng sau, tên mọi lại vào như thường lệ  và dắt chàng cùng hai người nữa lên cạn.

Đây là một hải cảng nhỏ, dơ dáy, chung quanh có lưa thưa vài quán ăn bên vệ đường. Chàng được hắn dẫn vào một căn nhà, trong đó có vô số đàn bà, con gái, được nhốt tự bao giờ. Người nào người nấy, trên cánh tay đều có in một con dấu.

Phan An biết rằng những kẻ đó đều là nạn nhân của lão già và cùng chung một số phận với mình. Nhưng Phan An không dám chuyện trò gì cả, vì lúc nào tên mọi cũng lầm lì với chiếc roi gân bò dài thườn thượt, chực quất vào người chàng.

Chàng bị chúng giam đúng bốn ngày, cho ăn uống đầy đủ rồi chúng chở tất cả lên một cỗ xe, sau khi đã bịt mắt mọi người lại.

Đi dộ hai ngày thì đến nơi. Mở mắt ra, chàng thấy đó là một đô thị khá đông đảo, đường phố nhộn nhịp.

Lúc họ bắt chàng đi ra ngoài đường, chàng nghe được những lời bàn tán.

Phan An tự biết số phận của mình và những người bạn đồng hành sẽ được quyết định trong một phiên chợ mua bán nô lệ.

Đúng vậy! Ở được mấy hôm, họ dẫn chàng đến một khu chợ đông đảo. Nơi đó, chàng nhận thấy không biết bao nhiêu những người cùng cảnh ngộ.

Họ cũng buồn đau khổ sở như chàng. Và họ nhìn nhau bằng những cặp mắt u buồn.

Số đàn bà con gái thì được đem ra bán nhiều hơn; người nào cũng mang một sắc đẹp mỹ miều che khuất trong một tấm voan với vẻ buồn tha thiết.

Chúng bắt những người đàn bà khốn khổ ấy đứng trên một chiếc thùng và cởi quần áo như một con vật.

Rồi, những người đàn bà ấy vừa khóc vừa van xin mỗi khi có những kẻ đến sờ mó, nắn bóp khắp người.

Họ mặc cả cò kè bớt một thêm hai.

Mỗi khi người ta ngã giá xong xuôi, họ lấy vải bịt mắt và lấy dây cột tay kẻ nô lệ ấy lại rồi giao cho chủ mới sau khi họ nhận đủ một số vàng.

Hết lượt bán đàn bà đến lượt bán đàn ông. Họ cũng lột hết cả quần áo của Phan An ra, để cho những người mua được dễ dàng chọn lựa.

Phan An cắn răng chịu đựng những hình phạt khổ sở đó.

Một gã nhà quê bước lại gần chàng, đưa tay sờ những bắp thịt chàng rồi hỏi lão già.

- Tên nô lệ này định bán bao nhiêu?

Lão già đang bận tiếp chuyện người khác, chưa kịp trả lời, gã nhà quê đã bỏ đi và nói:

- Ối trời ơi! Thịt nhão quá! Không được!

Rồi đến lượt một ông lão điền chủ tiến tới xoa nắm một hồi rồi nói:

- Trắng trẻo, nhưng không được ngon thịt mấy.

Cuối cùng, Phan An về tay một người to lớn vạm vỡ, vẻ mặt hung ác, theo sau có mấy tên nô lệ hầu.

Phan An thở dài, nghĩ đến những ngày mình phải làm nô lệ cho tên đại ác ấy.

Rồi Phan An bị bịt mắt, trói tay, bị dẫn qua những đường phố? Rồi đến một biệt thự khá lớn.

Đến nơi, người gác cổng đưa chàng vào một phòng nhỏ rồi cởi trói cho chàng.

Chàng nhìn ngôi biệt thự đầy vẻ sang trọng ấy, ngạc nhiên, không rõ người chủ của chàng thuộc hạng người gì.

Chàng còn đang ngỡ ngàng thì người gác cổng đã đem đến quăng cho chàng một bộ quần áo và bảo chàng tắm rửa sạch sẽ.

Khi Phan An đã hoàn toàn thành một tên nô lệ sạch sẽ, chàng được đưa đến ra mắt người chủ mới.

Ông ta ngắm nghía Phan an một lúc rồi vui vẻ nói:

- Con ơi! Từ nay con sẽ được sung sướng nhất đời đấy.

Phan An nghe nói lòng run sợ : từ đây chàng sẽ phải làm nô lệ suốt một đời? Chàng đành bỏ cha mẹ để phụng dưỡng tên này ư?

Những giọt nước mắt thi nhau chảy trên gò má Phan An.

_______________________________________________________________________
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét