Khi đã hoàn hồn, nhà vua mới
trao lại chiếc bánh cho nữ chúa và nói:
- Tôi đã ăn chiếc bánh của
lệnh bà, vậy bây giờ xin lệnh bà vui lòng dùng chiếc bánh của tôi, để tôi được
mãn nguyện.
Không muốn nhà vua nghi ngờ
mình đã toan làm điều ám muội, nữ chúa vội cầm lấy vui vẻ ăn. Cũng đợi cho nữ
chúa nuốt khỏi cổ, nhà vua mới với tay múc nước trong hồ vẩy vào mặt nàng hét
lớn:
- Dâm phụ, mi hãy trút bỏ
hình người, mang lớp con ngựa cái.
Lập tức, nữ chúa biến thành
con ngựa cái rất đẹp, đứng buồn ngơ ngẩn, rồi cất tiếng hí não nề.
Theo lời lão trượng, nhà vua
lập tức tròng yên vào cổ con ngựa rồi dắt đến quán của lão.
Ông già vừa trông thấy, đã
viết ngay là nhà vua đã làm đúng kế của mình, bèn lấy sợi dây cương ra khớp miệng
con ngựa, rồi căn dặn:
- Xin đại vương cứ việc cưỡi
con ngựa này về nước, đừng dùng dằng e nguy hại đến tánh mạng.
Nhà vua e ngại:
- Nhưng tôi không biết đường
thì làm sao đi được?
Ông già chỉ tay nói:
- Ngài cứ đi thẳng, không
biết thì hỏi mọi người, họ sẽ chỉ đường dùm. Nhưng điều quan trọng là không bao
giờ được cởi dây cương ngựa ra. Nếu ngài mà rời nó thì ngài sẽ bị nguy ngay.
Đại Cường Miên còn đang
quyến luyến thì lão trượng đã mang hành lý cùng tiền bạc cho nhà vua, rồi giục
giã lên đường.
Nhà vua ngậm ngùi lên ngựa.
Hành trình được đúng ba ngày,
Đại Cường Miên đến một kinh đô đồ sộ, dân cư tấp nập. Nhà vua bỗng thấy bên kia
đường, một ông già hấp tấp đi tới. Ngài bèn níu lại hỏi thăm đường.
Ông già nhìn nhà vua hỏi:
- Ngài từ đâu đến?
Vua Ba Tư kiếm lời nói dối
để che giấu tông tích của mình.
Hai bên đang nói chuyện, thì
bỗng có một bà già ăn mặc lam lũ đến ngắm con ngựa một lúc rồi ôm mặt khóc nức
nở.
Đại Cường Miên ngạc nhiên
hỏi:
- Tại sao mà bà lại khóc
vậy?
Bà già thổn thức đáp:
- Thưa ngài, tôi có một đứa
con, nó cũng có một con ngựa xinh đẹp như của ngài. Nhưng nó vừa làm mất.
Đã ba hôm nay nó bỏ ăn, bỏ
uống, cố gắng đi tìm, nhưng không gặp. Nay nếu ngài làm ơn bán lại cho tôi thì
tôi mang ơn ngài biết mấy.
Đại Cường Miên nói:
- Không được đâu bà lão ơi.
Rất tiếc tôi không thể nào chiều lòng bà được, vì đường tôi đi còn xa lắm.
Bà lão van nài mãi không
được, khóc nức nở.
Nhưng vua Ba Tư vẫn không
thay đổi ý định. Cuối cùng, ngài thấy không đành tâm. Nhưng ngài nghĩ bụng:
“Bán lại con ngựa này thì không thể được”. Ngài bèn kiếm cách nói cho qua
chuyện:
- Bà lão ôi! Tôi cũng có thể
mua một con ngựa khác về xứ được. Nhưng nếu bà có đủ một ngàn nén vàng thì tôi
trao lại con ngựa này cho bà.
Bà lão đứng phắt dậy:
- Ngài nói thật chứ?
Đại Cường Miên thấy bà lão
nghèo nàn, ăn mặc lại lam lũ, ngài nghĩ bụng làm gì có đủ số tiền ấy nên vững
tâm đáp:
- Tôi nói thật.
Bà lão bèn mở bao lưng, lấy
ra một túi vàng đầy ắp, nói:
- Đây! Ngài hãy xuống mà
nhận lấy đủ số vàng.
Nhà vua sửng sốt vội từ
chối:
- Tôi nói đùa đấy thôi. Có
đời nào tôi lại bán con ngựa này được.
Ông lão qua đường đứng im từ
nãy vội xen vào:
- Thôi đi ngài! Ngài đừng có
quên lời hứa mà cũng chớ có nhiều lời. Có mặt tôi làm chứng. Ngài nên nhớ rằng
ở xứ này, kẻ nào nói dối đều bị xử tử cả. Vậy tôi khuyên ngài đừng có để bại lộ
việc này mà mang họa.
Đại Cường Miên hối hận quá,
nhưng cuối cùng cũng đành phải bước xuống.
Khi chân nhà vua vừa chấm
đất, thì bà lão nhẩy tới chụp lấy dây cương cởi ngay ra, và rút trong túi ra
một chai nước, vẩy vào mặt con ngựa và nói:
- Hỡi đứa con yêu quí của
mẹ, hãy trút bỏ lốt ngựa mà trở lại nguyên hình.
Tức thì, con ngựa biến lại
thành nữ chúa.
Vua Ba Tư tái mặt ngất xỉu
xuống đường. Giữa lúc ấy, ông già kia cũng biến mất dạng.
Bà lão đó chính là mẹ của nữ
chúa, là một tay phù thủy khét tiếng.
Được tin con gặp nạn, bà ta
tính đón đường cướp lại con. Nhưng thấy con mình bị mắc trong dây cương có phù
phép, liệu sức không cứu nổi nên mụ cậy thêm một đồng hành nữa. Đó tức là ông
già mà nhà vua hỏi đường vậy.
Sau khi nữ chúa trở lại
nguyên hình, hai mẹ con ôm nhau mừng rỡ.
Rồi bà lão niệm thần chú.
Một ông thần tướng mạo dị kỳ đến bắt Đại Cường Miên bỏ lên vai, còn một vai
cõng hai mẹ con nữ chúa bay trở về xứ Ma Vương.
Đến nơi, vị thần kia biến
mất. Nữ chúa nét mặt giận dữ nhìn Đại Cường Miên mắng:
- Quân vô ơn! Hai chú cháu
mi đền ơn ta như vậy sao? Phen nầy ta phải làm cho cả hai cùng mang họa mới
nghe.
Nói rồi lấy nước vẩy vào mặt
vua, hét lớn:
- Hãy biến thành một con vẹt
xấu xí!
Đại Cường Miên liền biến ra
thành con vẹt. Nữ chúa bắt vẹt nhốt vào một chiếc lồng sắt rồi sai con tỳ nữ
đem bỏ vào phòng sau cung điện, không cho ăn uống gì cả.
Nàng tỳ nữ này tên là Ngọc
Liên, tuy chịu dưới áp lực sai khiến của nữ chúa, nhưng nàng rất ghét những
hành vi dâm ô của bà ta. Ngọc Liên vẫn cho chim vẹt ăn uống một cách tử tế.
Nàng còn tìm cách cho lão trượng hay câu chuyện đó để đề phòng.
Lão trượng được tin, thầm
nghĩ:
- “Ta đang sống trong hoàn
cảnh cô đơn, nếu không ra tay trước thì thế nào cũng bị hại”.
Nghĩ rồi bèn niệm thần chú
một hồi. Một lúc sau, có một vị thần có bốn cánh như bốn chiếc quạt lông hiện
đến hỏi:
- Thưa sư phụ, người có điều
chi chỉ bảo?
- Này thần Đa-Vân, ta muốn
cứu mạng quốc vương Ba Tư, con trai công chúa Hải Đường. Vậy ta nhờ thần đến
ngay cung nữ chúa, mang nàng tỳ nữ Ngọc Liên đến kinh đô Ba Tư, báo tin cho
công chúa biết là Đại Cường Miên đang lâm nạn nơi xứ Ma Vương.
Thần Đa-Vân cất cánh, bay đi
tìm Ngọc Liên, thuật lại lời dặn của lão trượng, rồi mang Ngọc Liên thẳng đến
kinh đô Ba Tư.
Vừa đến nơi, thần Đa Vân bỏ
nàng tỳ nữ Ngọc Liên trên sân thượng một cung điện rồi biến đi.
Nàng Ngọc Liên lần theo
thang lầu bước xuống, gặp thái hậu Hải Đường đang ngồi ủ rũ nhớ con.
Ngọc Liên bước vào cúi đầu
làm lễ. Đoạn, nàng kể lại đầu đuôi câu chuyện. Thái hậu hải Đường nghe tin mừng
rỡ vô cùng, bèn ôm hôn Ngọc Liên đầy xúc động.
Ngọc Liên vội nói:
- Tâu lệnh bà, đức vua hiện
đang trong tay quyền phép của nữ chúa. Xin lệnh bà lo việc giải cứu kẻo chậm
trễ.
Thái hậu Hải Đường nói:
- Trước đây ta không được
biết nhà vua lưu lạc nơi nào nên lòng lo lắng. Nay đã được rõ chỗ ở, cho dầu mụ
phù thủy đanh ác kia có tài cán gấp mấy cũng không làm gì nổi ta.
Nói xong, bà đốt một lư
trầm. Tức thì, hoàng thái hậu và vua Nam Khê hiện đến. Vua Nam
Khê hỏi:
- Hoàng muội có điều chi cần
gặp anh?
Thái hậu Hải Đường nói:
- Tâu hoàng huynh, Đại Cường
Miên hiện đang mắc nạn nơi xứ Ma Vương và đang bị phù phép của con nữ chúa dâm
ác. Vậy anh em ta phải đi cứu gấp mới được.
Vua Nam Khê nghe nói liền niệm chú. Lập
tức, một đoàn binh hùng từ dưới mặt biển kéo lên, gươm đao sáng loáng.
Vua Nam Khê dẫn đoàn quân bay vút lên
không.
Đằng sau, hai mẹ con hoàng
thái hậu và Hải Đường cũng theo bén gót.
Lúc sau, đến kinh thành Ma
Vương. Vua Nam
Khê kéo quân vây phủ kín hoàng thành.
Thái hậu Hải Đường bảo tỳ nữ
Ngọc Liên xách lồng chim vẹt ra rồi bắt con chim, lấy nước vẩy vào mặt, nói:
- Hỡi con yêu quí, hãy trút
bỏ lốt chim, trở lại nguyên hình vua nước Ba Tư tuấn tú.
Con vẹt biến mất, Đại Cường
Miên uy nghi hiện ra. Giữa lúc ấy, quân lính la ó vang trời.
Mẹ con nữ chúa trở tay không
kịp nên bị tay nhà vua giết chết.
Gia đình hội ngộ trùng
phùng. Mọi người đến chúc mừng nhà vua được thoát nạn.
Nghe Đại Cường Miên kể lể
nỗi niềm, Hoàng thái hậu, Hải Đường cùng vua Nam Khê mừng mừng tủi tủi.
Không quên ơn lão trượng, thái
hậu Hải Đường bèn cho người mời ông đến để chung vui.
Thấy mặt lão trượng, thái
hậu nói:
- Ơn lão rất trọng, ta không
biết lấy gì đền đáp cho xứng. Vậy lão có điều gì mong muốn không?
Lão trượng trầm ngâm một hồi
rồi mỉm cười đáp:
- Tâu lệnh bà, lão phu có
một điều nhưng e nói ra không vừa ý lệnh bà.
- Lão cứ nói.
Ông lão đưa mắt nhìn nàng tỳ
nữ Ngọc Liên, nói:
- Thưa lệnh bà, nếu nàng
Ngọc Liên, người đã có công cứu đức vua, không chê tôi tuổi tác, xin cho tôi
được kết hôn với nàng. Và nếu vua Ba Tư không chê tôi yếu hèn, xin cho tôi được
theo hầu, vì đó là điều tôi toại nguyện nhất.
Thái hậu Hải Đường đưa mắt
nhìn tỳ nữ Ngọc Liên. Thấy nàng không tỏ ý phản đối, bèn cầm tay nàng đặt vào
tay lão trượng.
Vua Ba Tư lại tuyên bố:
- Từ nay vợ chồng lão trượng
sẽ yên hưởng hạnh phúc với hoàng gia.
Rồi nhà vua quay sang thái
hậu Hải Đường:
- Tâu mẫu hậu, mẫu hậu đã
tác thành cho một người, vậy còn một người nữa, xin mẫu hậu không quên.
Hiểu ý nhà vua, thái hậu Hải
Đường trả lời:
- Con muốn nhắc đến nàng
công chúa Mỹ Lệ ư?
Nhà vua gật đầu:
- Thưa mẫu hậu, nếu không có
nàng, chắc con không sống nổi. Mà đời con cũng không có hạnh phúc.
Thái hậu mỉm cười:
- Nếu quả thật trong đời này
chỉ có nàng Mỹ Lệ mới mang đến hạnh phúc cho con thì dẫu khó khăn đến đâu mẹ
cũng không quản.
Rồi bà quay sang bàn bạc với
vua Nam
Khê. Vua Nam
Khê nói:
- Quốc vương Minh Giang tuy
lâu nay bị giam giữ, nhưng không hề bị bạc đãi. Vậy để ta đến dò hỏi ý kiến xem
sao.
Nói rồi, ngài quay sang đốt
lư trầm, miệng niệm chú. Một lúc sau, một đoàn vệ binh dẫn vua Minh Giang lên.
Không đợi vua Nam
Khê kịp nói, Đại Cường Miên quỳ xuống dưới chân quốc vương Minh Giang nói:
- Tâu hoàng thượng, vua Ba
Tư xin cúi đầu dâng lên hoàng thượng chút lòng quý mến. Hoàng thượng nỡ nào để
cho một vị thiên tử Ba Tư hùng mạnh như thế này phải hao mòn long thể vì một
thiên kim của hoàng thượng?
Quốc vương Minh Giang xúc
động trước những lời nói của Đại Cường Miên, liền cúi xuống đỡ dậy và nói:
- Thưa ngài, quả nhân đây
đâu nỡ để ngài vì đứa con gái của quả nhân mà hao mòn long thể. Hôm nay, quả
nhân đã chứng kiến nỗi lòng mong mỏi của ngài, quả nhân còn lòng dạ nào chối từ
được. Nhưng không biết bây giờ công chúa Mỹ Lệ trôi dạt phương nào.
Vua Ba Tư nói:
- Tâu bệ hạ, hiện giờ công
chúa đang trú ngụ trên một hòn đảo cách kinh đô Minh Giang không xa.
Quốc vương Minh Giang truyền
một hoạn quan theo hầu đi tìm công chúa.
Trong lúc ấy thì vua Nam
Khê mở tiệc khoản đãi quốc vương Minh Giang để xóa bỏ những oán hờn vừa qua.
Một lúc sau, họ đã thấy công
chúa Mỹ Lệ theo viên hoạn quan đến.
Quốc vương Minh Giang ôm con
vui mừng nói:
- Con ơi! Bây giờ cha đã lựa
chọn cho con một vị hôn phu xứng đáng. Vị ấy tức là đức vua của xứ Ba Tư. Con
chớ vì những oán cừu nhỏ nhen mà trái lệnh, làm phật ý cha.
Công chúa nhìn vua Ba Tư rồi
quỳ xuống cầm tay cha nói:
- Tâu phụ hoàng, con không
bao giờ dám trái ý phụ hoàng. Chỉ mong vua Ba Tư quên cảnh ngược đãi của con
đối với ngài mà thôi.
Mọi người đều hân hoan khi
nghe công chúa nói.
Rồi lễ thành hôn của vua Ba
Tư với công chúa Mỹ Lệ được tổ chức ngay tại kinh thành của xứ Ma Vương.
Dân chúng nghe tin đều đến,
mang theo lễ vật chúc mừng. Trong số đó có nhiều vị vương tôn công tử rất khôi
ngô, đẹp đẽ.
Vua Ba Tư lấy làm lạ hỏi lão
trượng:
- Khi ta đến đây, đường phố
nghèo nàn, dân chúng lưa thưa năm ba người. Tại sao hôm nay lại đông đảo thế
này?
Lão trượng quì xuống tâu:
- Tâu bệ hạ, trước kia vì mụ
phù thủy dùng phép biến họ thành những súc vật sống lẩn lút trong rừng, bây giờ
mụ phù thủy đã chết, phù phép hết linh nên họ đã hiện nguyên hình trở lại. Một
số người vì sợ nên đã bỏ trốn đi nơi xa làm ăn, nay cũng kéo nhau trở về quê
cũ.
Vua Ba Tư nghe nói mừng rỡ,
vì đã cứu được biết bao sinh mạng đã sống cuộc đời đau khổ, tối tăm.
Hôn lễ cử hành xong, vua Ba
Tư đưa vua Minh Giang về nước trao lại ngôi báu.
Đoạn, ngài chọn trong dân
chúng một người tài đức để cai trị xứ Ma Vương.
Rồi mọi người cũng nhau trở
về xứ Ba Tư với một niềm hân hoan rạng rỡ.
*
Quan thái sư kể đến đây,
dừng lại, đưa mắt nhìn mọi người. Bỗng mọi người cùng nhà vua, ai nấy đều nhìn
viên quan già, từ nãy đứng rót rượu tỏ ý chê là dở.
Quan thái sư đỏ mặt mắng:
- Trước mặt quần thần văn
võ, tại sao ông lại có cử chỉ vô lễ như vậy?
Vị quan già đáp:
- Vì câu chuyện ngài vừa kể
chưa hay bằng câu chuyện của tôi. Nếu bệ
hạ cho phép, thần xin kể một câu chuyện còn lý thú hơn nhiều.
Nhà vua hỏi:
- Chuyện
của khanh như thế nào?
Viên quan già bước vào hậu
cung, lấy ra một chiếc quạt lông, đem đến dâng cho nhà vua và tâu:
- Tâu bệ hạ, thần xin kể câu
chuyện sự tích cây quạt nầy hầu bệ hạ.
Nhà vua cầm cây quạt, thấy
mùi thơm ngào ngạt, cho là lạ bèn hỏi:
- Chiếc quạt này nguồn gốc
ra sao? Khanh cứ kể đi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét