Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

VUA ĐẠI NGUYÊN HÃN VỚI CUỘC CHU DU (I)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM



Tâu bệ hạ,

Một buổi kia, không hiểu sao mà vua Đại Nguyên Hãn ngồi trong cung với vẻ mặt buồn rầu khôn tả.

Quan đại thần Ngọc Phách vào triều, thấy vẻ mặt của vua như vậy thì tâu:

- Muôn tâu, chẳng hay vì lẽ gì mà hạ thần thấy bệ hạ không được vui?

- Trẫm thấy buồn đã mấy hôm nay. Các trò giải trí đối với trẫm đã chán quá rồi. Vậy khanh có trò gì giúp trẫm tiêu khiển không?

Quan đại thần Ngọc Phách cũng không biết có trò gì để tâu lên vua Đại Nguyên Hãn.

Sau một lúc suy nghĩ, ông ta tâu:

- Muôn tâu, theo hạ thần nghĩ thì chỉ còn có cách giải trí lạ mắt nhất là bệ hạ hãy xếp việc triều chính, đi chu du thiên hạ cho biết non nước hữu tình.

Vua vỗ tay đồng ý lời bàn của quan đại thần. Chỉ một lát sau, nhà vua đã cùng với Ngọc Phách ra đi.

Qua các phố xá đông đúc, nhà vua cũng không thấy gì khuây khỏa được nỗi buồn, ngài liền đi về mé sông có chiếc cầu bắc ngang.

Ở đây, nhà vua gặp một ông lão mù lòa ngồi ngửa tay xin tiền.

Vua liền móc trong túi ra một đồng tiền đặt vào tay ông lão. Ông ta không nhận, nói rằng:

- Hỡi ân nhân! Hãy tát vào má tôi một cái thật mạnh thì tôi mới nhận của bố thí này.

Nhà vua ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao ngươi lại nói lạ thế?

Lão hành khất giải thích:

- Tôi đã thề với thượng đế là nhận hình phạt đó trước khi được bố thí. Vậy xin ngài vui lòng tát tôi một cái đi.

Nhà vua muốn lão hành khất nhận tiền cho rồi nên đưa tay tát nhẹ nào má lão một cái.

Lão hành khất được như ý nguyện nên cúi xuống cảm tạ rồi nhận tiền.

Rồi vua và quan đại thần quay gót. Nhưng đi được một quãng, vua bỗng nẩy ra một ý nghĩ, bèn bảo quan đại thần:

- Khanh hãy trở lại hỏi xem lão hành khất đó tên gì, ở đâu, ra lệnh cho lão ngày mai vào triều để ta hỏi vài câu chuyện.

Quan đại thần vâng mệnh quay lại. Tới nơi, ông ta cho lão già một đồng và tát vào má lão một cái. Sau đó, ông ta mới hỏi tên họ và địa chỉ rồi trở lại gặp nhà vua.

Cuộc du ngoạn lại tiếp tục. Trên một bãi cát rộng, đám đông bu quanh một chàng trai cưỡi một con ngựa chạy quanh bãi. Tuy con ngựa đã phi nước đại nhưng hầu như chàng trai chưa bằng lòng, vẫn luôn tay quất mạnh roi vào mông ngựa. Khốn nạn thay cho con vật, bị ngọn roi quất mạnh quá đến nỗi lông rụng lả tả, lưng đẫm máu mà vẫn bị hành  hạ.

Nhà vua mục kích cảnh ấy thì động lòng thương, bèn đến gần hỏi mọi người xem tại sao lại xẩy ra chuyện lạ đó.

Một người nói:

- Chúng tôi không hiểu tại sao mà mỗi buổi chiều chàng trai kia lại mang con vật ra hành hạ như vậy.

Nhà vua nói nhỏ với quan đại thần:

- Ngày mai khanh hãy gọi hắn vào triều cho ta hỏi chuyện.

Quan đại thần cúi đầu tuân mệnh.

Rồi nhà vua trở về cung. Khi đi qua phố nọ, nhà vua thấy một tòa lâu đài lộng lẫy, uy nghi.

Nhà vua liền hỏi quan đại thần:

- Lâu đài kia là của ai đó?

Quan đại thần Ngọc Phách cũng không biết rõ, liền chạy đi hỏi những người chung quanh. Có một người cho biết đó là lâu đài của một anh thợ giầy, trước kia rất nghèo khổ, rồi không hiểu anh ta đã làm gì khiến giầu có như thế.

Vua truyền bảo quan đại thần Ngọc Phc1h:

- Khanh hãy cho gọi chủ nhân lâu đài ấy tới hầu trẫm vào sáng mai để trẫm hỏi chuyện.

Quan đại thần lại vâng mệnh.

Sáng hôm sau, quan đại thần dẫn ba người mà hôm trước vua đòi vào triều.

Trước bệ rồng, cả ba đều quì mọp tung hô vạn tuế.

Vua liếc nhìn qua rồi chỉ vào lão hành khất, hỏi:

- Trẫm muốn biết tại sao ngươi bắt người ta phải tát vào má ngươi trước khi nhận của bố thí?

Lão hành khất tâu:

- Muôn tâu, nếu bệ hạ muốn biết thì kẻ hèn mọn này xin kể hầu bệ hạ câu chuyện ly kỳ đó.

Và lão hành khất kể:


LÒNG THAM CỦA LÃO ĂN MÀY BẢO ĐẠT


Tâu bệ hạ,

Tên tôi là Bảo Đạt, sinh quán tại Bá Đa. Cha mẹ tôi mất sớm, để lại cho tôi một gia tài đủ để sống. Khi tôi lớn lên, đã dùng số tiền sẵn có để khuếch trương công việc. Tôi đã mua tám mươi con lạc đà để chở hàng thuê và do đó, kiếm được khá tiền.

Một bữa kia, sau chuyến chở hàng tới Hoàng Thành Xương, tôi dắt đoàn lạc đà trở về. Tới một bãi cỏ lớn và vắng vẻ, tôi liền cho lạc đà dừng lại ăn cỏ.

Bỗng có một vị tu sĩ đi ngang, thấy tôi đang ngồi thì cũng dừng lại nghỉ chân và hỏi chuyện. Chúng tôi đã chuyện trò vui như tết. Sau đó, chúng tôi dở đồ ăn ra cùng ăn.

Trong bữa ăn, vị tu sĩ hỏi tôi:

- Tất cả lạc đà của ngài có bao nhiêu?

Tôi trả lời:

- Cả thảy tám mươi con. Dù có một vị thương gia nào có nhiều đồ đạc đến đâu chăng nữa cũng không đủ để lạc đà tôi chở.

Vị tu sĩ có vẻ châm biếm hỏi:

- Tám mươi con thôi ư?

Tôi gật đầu:

- Vâng! Như vậy là nhiều nhất rồi đó. Mấy ai mà có nổi như tôi.

Vị tu sĩ không nói gì, nhưng hình như ông ta nói thầm thì:

- “Số lạc đà ấy chỉ chở được chút ít bảo vật, không đáng…”

Tôi nghe vị tu sĩ thầm thì như vậy thì cũng nghĩ trong bụng:

- “Tám mươi con lạc đà mà không chở hết bảo vật thì của cải của ông ta nhiều đến thế nào?”

Tôi sốt ruột muốn hỏi vị tu sĩ nhưng thấy ông ta có vẻ mặt nghiêm trang nên không dám.

Sau cùng, tôi đành phải hỏi:

- Xin ngài cho tôi biết ai có tài sản lớn lao như vậy?

Vị tu sĩ nói:

- Có một kho tàng gần đây mà không ai là chủ. Nhưng tôi thấy số lạc đà của ngài ít quá, không chở nổi một phần kho tàng. Chỉ sợ ngài đi mất công.

Tôi nghe nói bỗng dựng tóc gáy và kinh ngạc. Trong lòng tôi bỗng nẩy ra ý nghĩ tham lam, liền hỏi vị tu sĩ:

- Thưa ngài, mong ngài làm ơn chỉ giùm tôi nơi đó. Tôi chắc rằng một người tu hành như ngài không lẽ nào ham lợi. Hơn nữa, theo lời ngài nói thì của cải ở kho tàng chắc hẳn là nhiều vô kể. Vậy tôi có tám mươi con lạc đà đây, xin mang tới đó chở báu vật, rồi chúng ta sẽ chia nhau.

Vị tu sĩ thấy tôi nói vậy không có ý mất lòng. Ông ta nói:

- Như vậy làm sao chúng ta có thể chia nhau đều được. Nếu tôi không là người tu hành thì ông bạn làm sao biết được kho tàng đó. Nhưng tôi muốn ban ơn cho kẻ khác, vì vậy nên sẵn lòng chỉ cho ông bạn chỗ đó. Khi ông bạn chất dư tám mươi con lạc đà đầy của cải rồi, ông bạn sẽ chia cho tôi bốn mươi con, rồi đường ai nấy đi. Như vậy ông bạn cũng giầu nhất thiên hạ rồi.

Tôi thầm nghĩ:

- “Hắn đòi bốn mươi con lạc đà thì tham quá!”

Tôi liền nói với vị tu sĩ, bớt đi một số lạc đà. Ông ta không bằng lòng, nói:

- Ông bạn không công bằng một chút nào cả. Nếu vậy chúng ta sẽ cùng không có gì. Sau này, ngài sẽ hối hận vì đã bỏ lỡ một dịp làm giầu và muốn kiếm tôi cũng không bao giờ thấy nữa.

Tôi sợ nếu găng quá sẽ mất cả nên đành nghe theo lời vị tu sĩ.

Tôi dắt lạc đà đi theo con đường lớn, hai bên có núi đá. Tới nơi, vị tu sĩ ra lệnh ngừng lại và nói:

- Đã tới kho tàng. Vậy ngươi hãy cho lạc đà nằm xuống để chờ xếp hàng.

Tôi liền làm theo lời vị tu sĩ. Trong khi đó thì ông ta lấy một ít cành khô châm lửa đốt. Khi ngọn lửa cháy lớn, ông ta lấy một chai nước ở trong túi ra vẩy vào lửa và miệng lẫm bẩm.

Rồi bỗng một làn khói đen cuộn tròn tỏa lên cao. Từ vách núi nứt ra một đường lớn như miệng hang.

Vị tu sĩ liền bước vào trong đó rồi ra hiệu cho tôi theo sau.

Vừa qua miệng hang, tôi sửng sốt khi thấy một khoảng đất rộng và tòa lâu đài đứng sừng sững trông rất đồ sộ.

Bước vào trong lâu đài, tôi thấy toàn những tiền vàng đầy nhóc và những viên ngọc quí.

Tôi vội vàng chất đầy vàng ngọc vào túi vải rồi buộc lên lưng lạc đà. Nhưng tiếc thay, tôi chỉ được dùng có bốn mươi con lạc đà nên số vàng ngọc để lại rất nhiều.

Còn bốn mươi con lạc đà kia, vị tu sĩ chỉ chất đầy ngọc quí.

Sau khi đã buộc kỹ càng bốn mươi con lạc đà rồi, tôi thấy vị tu sĩ còn quay vào trong hang lấy ra được một cái hộp bằng gỗ nhỏ tuyệt đẹp.

Tôi tò mò hỏi:

- Cái hộp đó ở trong có gì mà đẹp như thế?

Vị tu sĩ liền nở ra cho tôi coi, bên trong toàn là một loại mỡ đặc.

Rồi ông ta cất hộp gỗ vào túi. Tôi thấy nó tầm thường nên không hề lưu ý.

Trước khi ra về, vị tu sĩ lại làm phép đóng cửa hang như cũ.

Sau đó, chúng tôi ra về. Tới một con đường rẽ, vị tu sĩ dẫn bốn mươi con lạc đà về phía Hoàng Thành Xương. Còn tôi thì dẫn bốn mươi con lạc đà về thành Bá Đa.

Đi một đoạn đường, tôi chợt nghĩ:

- “Vị tu sĩ kia lẽ nào lại cần của cải nhiều như thế. Hơn nữa, ông ta đã biết chỗ giấu kho tàng thì muốn lấy bao nhiêu mà không được”.

Tôi nghĩ vậy nên hối hận đã chia cho ông ta quá nhiều của.

Và lòng tham nổi lên, tôi liền giữ đoàn lạc đà đứng lại, rồi chạy về phía vị tu sĩ, nói:

- Ông bạn ơi! Hãy dừng lại tôi nói câu chuyện này. Vì sợ ông bạn tu hành nên điều khiển bốn mươi con lạc đà sẽ khó khăn và mất mát chăng? Tôi nghĩ rằng ông bạn nên cho bớt tôi mười con thì hay hơn.

Vị tu sĩ gật đầu nói:

- Phải đấy! Ông bạn hãy lựa chọn lấy mười con tùy  ý thích.

Tôi thấy vị tu sĩ dễ dãi như vậy thì đòi hỏi thêm:

- Ông bạn hãy cho thêm tôi mười con nữa kẻo ông bạn điều khiển vẫn còn mệt nhọc.

Vị tu sĩ vẫn vui vẻ nói:

- Nếu ông bạn thích thì cứ lấy thêm mười con nữa đi.

Thế là tôi đã có được sáu mươi con lạc đà chất đầy vàng ngọc. Có thể nói rằng lúc đó tôi giàu hơn những vị vua chúa trên đời. Tuy nhiên, lúc đó lòng tôi tham lam tột độ, tôi muốn chiếm nốt hai mươi con lạc đà còn lại của vị tu sĩ nên nói:

- Ngài ơi! Ngài là nhà tu hành đầy phúc đức. Của cải đối với ngài không phải là thiếu, vì ngài muốn lấy lúc nào cũng được. Vậy ngài hãy rộng lượng ban nốt cho tôi hai mươi con lạc đà nầy để tôi mang về bố thí cho kẻ nghèo.

Vị tu sĩ gật đầu ưng thuận. Tôi mừng rỡ toan dồn cả đám lạc đà về nhưng chợt nhớ ra cái hộp gỗ quí mà vị tu sĩ giắt trong áo nên nói:

- Còn chiếc hộp gỗ nữa, chẳng hay ngài có thể cho tôi biết cách sử dụng nó chăng?

Vị tu sĩ nói:

- Tôi đã đưa cho ngài xem lúc trước rồi.

- Vâng. Nhưng nếu tôi đoán không lầm thì trong hộp đó đựng một loại thuốc quí. Mà ngài là người tu hành, lẽ nào giữ thuốc đó làm gì. Rủi có chết ngài cũng được lên cõi Niết bàn sung sướng hơn nhiều.

Vị tu sĩ chưa đáp ngay mà có vẻ suy nghĩ. Tôi định bụng rằng nếu ông ta không đưa cho chiếc hộp gỗ thì tôi cũng dùng sức đoạt lấy.

Nhưng trái lại, vị tu sĩ vui vẻ lấy chiếc hộp trong túi ra đưa cho tôi và nói:

- Đây là chiếc hộp đựng một thứ thuốc lạ. Nếu ngài bôi vào mi mắt bên trái rồi bịt mắt bên phải, ngài sẽ nhìn thấy những mỏ vàng, bạc, châu báu của cả trái đất này. Tôi dặn một điều là ngài nhớ đừng bôi mi mắt bên phải mà bị mù đó.

Tôi thấy vị tu sĩ giải thích như vậy thì cho là chuyện lạ, tự nghĩ:

- “Không ngờ ở trên đời này lại có chuyện lạ như vậy. Nếu đúng như lời ông ta nói thì thứ thuốc này còn quí gấp trăm lần những con lạc đà vàng ngọc kia”.

Nhưng tôi vẫn hồ nghi, hỏi:

- Ông bạn ơi! Có đúng như lời ông bạn nói không?

Vị tu sĩ có vẻ không bằng lòng, nói:

- Nếu ông bạn không tin thì cứ cất đi, lúc nào mang ra dùng sẽ thấy nó công hiệu hay không.

Tôi tò mò muốn biết ngay nên nói:

- Xin ông bạn hãy bôi giùm tôi một chút vào mắt xem sao.

Vị tu sĩ liền mở hộp gỗ, lấy một chút thuốc bôi vào mi mắt bên trái của tôi. Rồi ông ta bảo tôi bịt mắt bên phải lại.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét