- Bệ hạ nói Lệ Lan chết ư?
Nhà vua nói:
- Đúng vậy. Trẫm tưởng ái
khanh đang buồn rầu về chuyện đó?
Hoàng hậu tâu:
- Tâu bệ hạ, thần thiếp có
biết chuyện nhưng mà Thanh Lam chết chứ không phải Lệ Lan. Nó vừa vào đây khóc
lóc thảm thiết thuật lại cái chết của chồng nó, thật bất ngờ và đau đớn…
Vua cãi:
- Không phải vậy, hoàng hậu
đã nghe lầm đó, chính Thanh Lam tới tâu với ta là Lệ Lan chết. Ta đã ban cho nó
một trăm đồng tiền vàng về mai táng vợ nó.
Hoàng hậu lắc đầu:
- Xin bệ hạ chớ đùa mà chạm
đến vong linh người đã chết. Thiếp cam kết là Thanh Lam chết chớ không phải Lệ
Lan. Thiếp xin chia buồn cùng bệ hạ.
Nhà vua không tin lời cam
kết của hoàng hậu, vì chính ngài đã chứng kiến cảnh Thanh Lam quì mọp khóc lóc
dưới bệ rồng.
Nhà vua nói:
- Chẳng lẽ trẫm lại lầm
Thanh Lam với người khác hay sao? Chính trẫm thấy nó đau đớn khóc ngất đi trước
mắt trẫm chứ có phải chuyện hoang đường đâu mà bịa đặt?
Hoàng hậu vẫn một mực giữ lẽ
phải:
- Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ không
tin, hãy hỏi bọn nữ tỳ kia sẽ rõ. Sau khi nghe Lệ Lan kể về cái chết của chồng
nó, thiếp đã ra lệnh xuất kho ra một trăm đồng vàng và mấy tấm nhiễu cho nó
mang về mai táng chồng.
Vua và hoàng hậu không ai
chịu thua ai, cùng cho là mình phải.
Chợt vua nghĩ ra một kế, cho
gọi Mặc Đỗ tới và truyền:
- Khanh hãy tới nhà vợ chồng
Thanh Lam xem trong hai đứa, đứa nào chết, đứa nào sống, rồi hãy về đây tâu cho
trẫm rõ.
Quan nội giám Mặc Đỗ ra đi.
Tuy sai quan nội giám đi xem
xét rồi mà nhà vua vẫn còn tức bực. Ngài nói với hoàng hậu:
- Chờ Mặc Đỗ về đây báo rõ
mọi chuyện xem hoàng hậu còn cãi nữa hay không.
Hoàng hậu bình tĩnh trả lời:
- Tâu bệ hạ, bệ hạ có sai
đến trăm người tới dò xét cũng hoài công, vì người chết vẫn là Thanh Lam.
Nhà vua nổi giận nói:
- Nếu hoàng hậu đã chắc chắn
như vậy thì hãy cùng ta đánh cuộc xem ai phải.
- Xin chiều lòng bệ hạ ngay.
Thần thiếp đang ngồi ở vườn thượng uyển để cuộc với lâu đài bát giác của bệ hạ.
Vua chấp thuận liền. Cả hai
người đều nóng lòng chờ tin Mặc Đỗ.
Nói về Mặc Đỗ, khi được lệnh
vua truyền phải tới dò xét gia đình Thanh Lam thì bươn bả ra đi.
Khi đó, Thanh Lam đang ngồi
chuyện trò với vợ trên lầu, bỗng ngó thấy Mặc Đỗ hấp tấp đi tới thì sợ hãi nói:
- Nàng ơi! Quan nội giám tới
đây chắc xem chúng ta có chết thật không? Nàng hãy nằm xuống để ta liệm lại kẻo
lộ chuyện.
Lệ Lan vội vàng nằm xuống để
Thanh lam quấn vải quanh mình. Xong, chàng ngồi khóc lóc thảm thiết.
Khi Mặc Đỗ bước vào trong
nhà, Thanh Lam còn nức nở khóc, cúi chào quan nội giám rồi nói:
- Tôi cảm ơn lòng tốt của
ngài đã tới đây thăm viếng. Thật là đau đớn cho đời tôi quá, từ nay sống cảnh
độc thân, biết lấy ai tỏ tâm sự sớm hôm.
Mặc Đỗ thấy sự việc rành rành
là Lệ Lan từ trần nên bước đến trước xác chết, cúi đầu chào rồi ra về.
Khi nhà vua thấy Mặc Đỗ ra
mắt thì nóng lòng hỏi:
- Khanh hãy cho trẫm biết
kết quả ngay. Đứa nào chết?
Mặc Đỗ tâu:
- Tâu bệ hạ, khi hạ thần tới
nơi, Thanh Lam đang ngồi bên xác vợ khóc lóc thảm thiết lắm. Như vậy chính là
Lệ Lan chết.
Nhà vua thấy mình đắc thắng
thì vỗ tay bảo hoàng hậu:
- Đó, ái khanh đã biết rõ sự
thực chưa. Vườn thượng uyển đã thuộc về trẫm rồi nhé.
Hoàng hậu vẫn chưa chịu
thua, gọi bọn nữ tỳ tới rồi hỏi:
- Lúc nãy, chúng bay thấy Lệ
Lan tới đây có việc gì, hãy kể lại ta nghe?
Bọn nữ tỳ tâu:
- Muôn tâu, Lệ Lan tới khóc
lóc báo tin chồng chết. Hoàng hậu đã ban cho nhiều vải vóc và một trăm đồng
tiền vàng để đem về lo ma chay cho chồng.
Hoàng hậu nhìn vua rồi nói:
- Đó là sự thật, có các nữ
tỳ tâu rõ ràng. Chắc bệ hạ và Mặc Đỗ muốn bày trò giải trí đó chăng?
Nhà vua cãi lại:
- Chỉ có ái khanh lầm chứ ta
trêu cợt làm chi. Ta sẵn sàng chờ ái khanh sai nữ tỳ tới dò xét cho chắc chắn
rồi lầy vườn thượng uyển cũng không muộn.
Hoàng hậu tức thì sai một
người bảo mẫu tới nhà Thanh Lam.
Người bảo mẫu hấp tấp ra đi.
Thanh Lam lúc đó đang ngồi
bên cửa sổ với vợ, bỗng thấy bóng bà bảo mẫu thì lo sợ nói:
- Nguy cho chúng ta rồi.
Chắc là trong cung hoàng hậu và nhà vua đang bàn luận về chuyện của chúng ta
nên lúc trước sai Mặc Đỗ, nay lại sai tới bà bảo mẫu đi thăm dò.
Lệ Lan cuống quít nói:
- Chúng ta phải làm sao bây
giờ?
Thanh Lam bàn:
- Lúc trước là nhà vua sai
Mặc Đỗ. Còn bây giờ chắc hoàng hậu sai bà bảo mẫu đi. Vậy tôi phải giả chết mới
được.
Nói rồi, Thanh Lam vội nằm
lên giường để cho Lệ Lan lấy vải quấn lại.
Vừa lúc đó thì bà bảo mẫu
tới nơi. Thấy Lệ Lan ngồi khóc lóc tỉ tê trông thật buồn thảm, bà bảo mẫu liền
bước tới đỡ nàng dậy và dịu dàng nói:
- Trước cảnh bi ai này ta
không dám tới làm rộn con. Nhưng phiền một nỗi là Mặc Đỗ về tâu với vua là con
chết, vì vậy mà hoàng hậu sai ta tới xem cho rõ sự tình.
Lệ Lan vờ giận dữ nói:
- Thằng cha nội giám ấy đầu
hai thứ tóc rồi mà dám rủa tôi chết, lại mang thêm tội khi vua. Lão ấy đến đây
thấy chồng tôi chết nằm đó mà dám đặt điều.
Người bảo mẫu lại bên giường
đặt xác Thanh Lam rồi làm lễ vĩnh biệt.
Về tới cung, bà bảo mẫu cứ
sự thật mắt thấy tai nghe tâu trình.
Mặc Đỗ giận dữ cãi lại:
- Bà đã đặt điều nói dối,
chính ta trông thấy Lệ Lan nằm chết trên giường, lẽ nào lại có chuyện Thanh Lam
chết ngay được?
Bà bảo mẫu cũng cãi:
- Chính ông mới đặt điều nói
dối. Khi tôi tới nơi thấy Lệ Lan đang ngồi bên xác chồng khóc lóc thảm thiết,
vậy thế nào mới là đúng sự thật?
Hai bên cùng tranh nhau cãi
lấy lẽ phải, cuối cùng chẳng ai tin được là đúng. Vua và hoàng hậu cũng bối rối
không biết sự thật ra sao mà khiến cả hai người đi dò xét đều nói một khác.
Vua chợt nghĩ ra một kế, bèn
nói:
- Chúng ta cứ ngồi đây vô
ích. Bây giờ cả bốn người cùng tới xem tận mắt sẽ biết ai đúng ai sai.
Thế là cả bốn người cùng nối
gót theo nhau tới tận nhà Thanh Lam.
Sau khi bà bảo mẫu về rồi,
vợ chồng Thanh Lam tưởng thoát nạn, nhưng nào ngờ chưa kịp mừng đã thấy vua,
hoàng hậu với Mặc Đỗ và bà bảo mẫu đi tới.
Thanh Lam toát mồ hôi gọi
vợ:
- Nàng ơi! Chúng ta chết đến
nơi rồi!
Lệ Lan cũng thấy rõ nỗi nguy
hiểm nên vô cùng bối rối. Đoàn người đã đi gần tới nơi.
Thanh Lam chợt nghĩ ra, bảo
vợ:
- Chúng ta phải chết cả hai
mới xong.
Hai vợ chồng cho như vậy là
diệu kế nên cùng hấp tấp nằm xuống giường, đắp vải chung quanh mình.
Vừa lúc đó, vua và hoàng hậu
bước vào.
Tất cả đều ngạc nhiên tột độ
vì thấy hai vợ chồng Thanh Lam cùng nằm chết.
Quan nội giám phân trần:
- Khi tôi tới thì thấy Lệ
Lan chết và Thanh Lam ngồi bên khóc lóc. Bây giờ hai người cùng chết thì có lẽ
là Thanh Lam tự tử theo vợ cho trọn nghĩa chăng?
Vua gật gù nói:
- Ta cũng chắc vậy.
Riêng bà bảo mẫu thì cãi:
- Chính Thanh Lam chết
trước, khi tôi tới còn thấy Lệ Lan ngồi khóc thảm thiết.
Hoàng hậu tỏ vẻ hài lòng:
- Đúng như vậy. Vì con Lệ
Lan thương chồng quá nên chết theo đó.
Vua thấy hoàng hậu bàn như
vậy thì không chịu. Hai bên cãi nhau dữ dội một hồi lâu.
Nhà vua không biết phải trái
ra sao, cứ đi đi lại lại trong phòng mà không nghĩ được ra kế gì.
Rồi nhà vua ngồi xuống ôm
đầu bên cạnh hai xác chết để suy nghĩ tìm sự thật.
Sau cùng, nhà vua thất vọng
nói:
- Ta sẽ thưởng một ngàn đồng
vàng cho ai chứng minh được trong hai xác chết, kẻ nào chết trước, kẻ nào sau.
Nhà vua vừa nói đến đó thì
có tiếng ồm ồm nói:
- Muôn tâu, xin bệ hạ cho hạ
thần hưởng số tiền trước, hạ thần sẽ có chứng cớ rõ ràng.
Rồi từ đống vải liệm xác
chết, Thanh Lam vùng dậy rập đầu xuống đất bái mệnh vua. Còn Lệ Lan cũng theo
chồng tung mình ngồi dậy và ôm chân hoàng hậu.
Mới đầu nhà vua, hoàng hậu
cùng bà bảo mẫu và quan nội giám đều thất kinh chạy trốn.
Nhưng sau thấy vợ chồng
Thanh Lam còn sống nhăn thì cả bốn người đều ôm bụng cười.
Thanh Lam tâu xin vua ban
cho số tiền thưởng đã hứa.
Nhà vua ngạc nhiên hỏi:
- Ngươi lại còn dám đòi tiền
thưởng ư? Hãy kể đầu đuôi câu chuyện cho trẫm nghe đã.
Thanh Lam cúi đầu phục mệnh.
Chàng kể từ đầu câu chuyện
hai vợ chồng ăn tiêu quá trớn cho tới lúc nghĩ ra mưu kế làm tiền vua và hoàng
hậu, rồi phải đóng trò để che mắt dò xét của quan nội giám và bà bảo mẫu.
Vua và hoàng hậu nghe xong
đều cười mãi.
Sau đó, vua sai quan nội
giám lấy trong kho ra một ngàn đồng vàng để thưởng cho vợ chồng Thanh Lam.
Còn hoàng hậu thì vui mừng khi
thấy Lệ Lan còn sống. Hoàng hậu nói:
- Ngươi làm ta lo sợ quá,
lần sau đừng làm vậy nghe không? Bây giờ ta cho ngươi một ngàn đồng vàng để hai
vợ chồng làm vốn buôn bán.
Thế là hai vợ chồng Thanh
Lam, nhờ được số tiền vua và hoàng hậu ban cho nhiều như vậy nên không còn lo
đói khổ nữa.
*
Khi Mỹ Thanh Loan kể tới đây
thì trời hãy còn tối.
Vua Sa-hy-A còn đang mơ màng
với câu chuyện lý thú của người đẹp nên một lát sau mới chợt tỉnh.
Nha vua nói:
- Ái khanh hãy kể cho ta
nghe thêm câu chuyện của Đại Nguyên Hãn có được chăng?
Mỹ Thanh Loan tâu:
- Muôn tâu, thiếp còn biết
rất nhiều câu chuyện về vua Đại Nguyên hãn hay hơn nữa. Nếu bệ hạ chưa muốn
giết thiếp thì tối mai thiếp xin kể hầu bệ hạ một câu chuyện về “Vua Đại Nguyên
Hãn với cuộc chu du”. Nghe xong, chắc bệ hạ sẽ cho hay gấp trăm lần những câu
chuyện trước.
Vua Sa-hy-A bằng lòng.
Thế là mạng sống của Mỹ
Thanh Loan vẫn còn.
Đêm sau, nàng kể về:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét