Chàng nghĩ:
- Dù là mộng hay thực thì ta
hãy hưởng những lạc thú hiện tại đã. Ta là thiên tử hay không thì những lệnh
truyền ra đều được thi hành răm rắp kém chi vua Đại Nguyên Hãn!
Vào tới phòng dự tiệc, Thanh
Lam thấy trên bàn yến tiệc đã bày sẵn. Chàng khoan khoái hít thở mùi thơm của
các món ăn, rồi nhìn ngắm căn phòng trang hoàng lộng lẫy.
Để ý nhìn trên bàn ăn, Thanh
Lam thấy bày chung quanh bẩy chiếc đĩa bằng vàng và bẩy nàng cung phi đứng
chung quanh bàn, trang sức lộng lẫy để chờ đợi được hầu hạ.
Thanh Lam chẳng chịu ngồi,
đi quanh phòng nhìn ngắm đồ vật và thầm khen trong bụng những sự quí giá mà chàng
đang được hưởng.
Sau đó, Thanh Lam ngồi vào
bàn ăn. Tức thì, bẩy nàng cung phi vây lại quạt phe phẩy cho chàng trai.
Thanh Lam nói trong sự thỏa
mãn:
- Các nàng hãy ngừng tay
quạt, ngồi xuống dự tiệc với trẫm cho vui, để một nàng quạt cũng đủ.
Các cung nữ cúi đầu phục
lệnh, rồi cùng chia nhau ngồi hai bên vua, mỗi bên ba người. Vì bàn tiệc tròn
nên Thanh Lam nhìn thấy cả sáu nàng tươi vui bên chàng. Nhưng các cung nữ không
dám động đũa vì giữ lễ của triều đình. Thanh Lam thấy thế liền mời mọc niềm nở.
Rồi chàng vui vẻ hỏi tên
từng cung nữ. Các nàng tên là Bích Liên, Bích Nga, Bích Hằng, Bích Vân, Bích
Thu, Bích Loan; còn nàng đứng quạt hầu là Bích Mai.
Thanh Lam khen ngợi:
- Tên các nàng đều đẹp cả!
Ngự yến xong, một cung nữ
tâu lên:
- Xin bệ hạ rửa tay và sang
dùng đồ tráng miệng tại phòng bên.
Rồi một nàng dâng lên một
cái thau bằng vàng, một nàng dâng chiếc khăn mặt để Thanh Lam rửa tay.
Xong xuôi, quan nội giám Mặc
Đỗ dẫn Thanh Lam sang phòng kế cận. Ở đây, chàng thấy những bức họa tuyệt đẹp
treo trên tường. Một tủ bằng bạc bày ly tách ở góc phòng, kế đó là chiếc lò
dùng để sưởi mỗi mùa đông, dưới nền gạch, một tấm thảm nhung mầu huyết dụ.
Một đoàn vũ nữ khác đã đợi
sẵn trong phòng. Khi Thanh Lam xuất hiện, họ cùng tấu một khúc nhạc êm dịu để
tiêu khiển cho nhà vua sau bữa ăn.
Đồ tráng miệng toàn là những
hoa quả trái mùa và hiếm có. Rồi bảy nàng cung nữ khác tiến tới quạt phe phẩy
cho vua. Thanh Lam ngắm các nàng một hồi rồi bảo các nàng bỏ quạt ra và ngồi
xuống dùng đồ tráng miệng với chàng.
Bảy nàng cung nữ ngoan ngoãn
làm theo lời nhà vua. Thanh Lam lấy hoa quả chia đều cho các nàng.
Sau đó, Mặc Đỗ tâu lên:
- Xin bệ hạ dời gót sang
phòng bên dùng nước.
Thanh Lam lại dời bước theo
Mặc Đỗ.
Phòng uống nước cũng có đoàn
vũ nữ hòa nhạc và bẩy nàng đứng quạt. Trên bàn, những chiếc ly ngọc xanh trong
suốt và những đĩa mứt khô.
Thanh Lam để ý nhìn bẩy cung
nữ cầm quạt, thấy sắc đẹp các nàng này còn trội hơn những nàng trước. Chàng lại
cho phép các nàng cùng ngồi uống nước và hỏi thăm tên họ rất vui vẻ.
Ngày lúc đó đã gần tàn, ánh
sáng chỉ chiếu yếu ớt ngoài khung cửa sổ. Thanh Lam được Mặc Đỗ đưa sang phòng
thứ tư. Căn phòng này trang hoàng còn lộng lẫy hơn các phòng khác. Đó là phòng uống
rượu.
Theo tục lệ ở kinh thành Bá
Đa, kể từ vua cho đến dân chúng, giờ uống rượu
vào buổi tối, vì vậy mà ban ngày không có ai say rượu ngoài đường cả.
Thanh Lam được dẫn tới ngồi
bên chiếc bàn có bầy bẩy chiếc ly bằng vàng. Thanh Lam ra hiệu cho nhạc ngừng.
Tức thì, bẩy cung nữ đến dâng rượu cho chàng.
Thanh Lam cầm tay một cung
nữ hỏi:
- Tên nàng là chi?
Cung nữ đáp:
- Tâu bệ hạ, tiện tỳ tên là
Mỹ Loan.
Thanh Lam say đắm nhìn Mỹ
Loan rồi nói:
- Mỹ Loan! Chao ôi! Thượng
đế đã gây dựng ra trời đất và đã ban cho nàng sắc đẹp tuyệt vời như thế này.
Nàng hãy rót cho trẫm một ly rượu để trẫm được say trong ánh mắt của nàng.
Mỹ Loan tìm tới tủ rượu rót
một ly rượu dâng đến cho vua. Thanh Lam vừa uống vừa say sưa vì sắc đẹp của
giai nhân.
Rồi tiếp đến một cung nữ
khác, Thanh Lam cũng hỏi tên.
Nàng đáp:
- Tâu bệ hạ, tiện tỳ tên là
Ánh Tuyết.
Thanh Lam say sưa nói:
- Chao ôi! Làn da của nàng
trắng như tuyết, thật phù hợp với tên nàng! Hãy rót cho ta một ly rượu.
Ánh Tuyết rót một ly rượu
dâng lên.
Tiếp theo là đến nàng cung
nữ thứ ba, rồi thứ tư, năm, sáu. Tới nàng thứ bảy cũng được Thanh Lam khen tặng
và bảo rót rượu dâng lên.
Sau đó, Mỹ Loan lại dâng
tiếp một ly rượu có bỏ một chút thuốc mê.
Nàng tâu:
- Tâu bệ hạ, để đêm nay được
ngon giấc, xin bệ hạ dùng tiếp ly rượu này.
Thanh Lam say sưa vì sắc đẹp
giai nhân nên chàng tiếp lấy ly rượu uống cạn một hơi.
Vừa buông ly, đôi mắt chàng
đã nhíp lại rồi dựa đầu vào thành ghế ngủ thiếp đi.
Lúc đó, vua Đại Nguyên Hãn
mới tiến ra khỏi chỗ nấp, mặt rồng hớn hở vì ngài vừa được hưởng một cuộc vui
trọn vẹn từ sáng cho tới tối. Nhà vua truyền cho nội giám cởi long bào của
Thanh Lam ra, rồi mặc cho chàng bộ quần áo cũ như khi mới vào cung. Tên nô lệ
mà đã đi theo vua khi trước được lệnh mang Thanh Lam trở về nhà cũ, đặt trên
chiếc ghế tràng kỷ.
Tên nô lệ mang Thanh Lam ra
đi, lát sau trở về phục mệnh.
Còn Thanh Lam thì ngủ li bì
vì rượu có pha thuốc mê của Mỹ Loan dâng, mãi tới trưa hôm sau mới tỉnh dậy.
Vừa mở mắt ra, Thanh Lam
đã cất tiếng gọi:
- Mỹ Loan, Ánh Tuyết, Mai
Linh, Thùy Vân, hãy tới đây với trẫm.
Chàng gọi một lát mà chẳng
thấy cung nữ nào lên tiếng.
Mẹ Thanh Lam từ nhà sau chạy
lên, hỏi:
- Con gọi ai đó?
Thanh Lam ngạc nhiên ngó ra,
thấy mẹ hỏi vậy thì khinh khỉnh hỏi:
- Sao bà lại gọi trẫm bằng
con?
Mẹ chàng đáp:
- Sao con nói lạ vậy? Nhà
này ngoài con và mẹ ra còn ai nữa mà con hỏi thế?
Thanh Lam nổi giận vỗ bàn
quát:
- Ta mẹ con gì với bà. Bà đã
phạm thượng tới thiên tử mà không biết sao?
Mẹ Thanh Lam ngạc nhiên ngó
sững con rồi bảo:
- Mày có điên không mà nói
láo như vậy?
Thanh Lam hét lớn:
- Bà mới chính là người
điên. Ta là thiên tử, cớ sao bà dám hỗn láo gọi ta bằng con?
- Không! Con lầm rồi! Lẽ nào
ngủ một giấc dậy mà con lại điên dại xưng là thiên tử và nói những lời hách
dịch như thế? Con là Thanh Lam chứ thiên tử nào mà bảo là mẹ phạm thượng. Con
không nhớ đang ở trong nhà mà mẹ con ta đã sống bao nhiêu năm hay sao? Con hãy
nhớ lại xem có đúng thế không?
Thanh Lam im lặng không la
hét nữa. Chàng ôm đầu suy nghĩ, rồi nhìn chung quanh nhà và nói:
- Hình như ta là Thanh Lam.
Có lẽ bà là mẹ ta.
Chàng bỗng bừng tỉnh hẳn,
nói lớn với mẹ:
- Đúng rồi! Nhưng tại sao
lại lạ lùng thế? Có chuyện gì xẩy ra chăng?... Ta là Thanh Lam…
Mẹ Thanh Lam lại gần con,
dịu dàng nói:
- Con ơi! Mẹ mừng vì thấy
con đã bình tĩnh, không mê man như lúc trước. Con đừng nói đến thiên tử nữa, vì
ngày hôm qua nhà vua đã sai quan nội giám Mặc Đỗ tới bắt bốn lão già và vị tu
sĩ mang ra đánh bằng roi gân bò, cũng chỉ vì họ mang tội nói xàm, kể xấu.
Thanh Lam bỗng vùng dậy lớn
tiếng:
- Đúng rồi! Ta chính là
thiên tử. Chính ta đã truyền lệnh cho Mặc Đỗ trừng trị bốn lão già và tên tu sĩ
khốn nạn. Bà không phải là mẹ ta. Hãy cho ta biết ai mang ta tới đây?
Thấy con lúc mê lúc tỉnh như
vậy, mẹ Thanh Lam buồn rầu nói:
- Chẳng có thiên tử nào
trong nhà này cả. Chính con đã mê sảng mà nghĩ bậy đó thôi. Hãy tỉnh lại kẻo vạ
mồm vạ miệng mà mang tội vào thân như bốn lão già kia…
Thanh Lam cắt ngang lời mẹ:
- Bà hãy im mồm! Ta là con
cái gì của bà đâu mà dám nói hỗn như thế? Ta là thiên tử, bà không tin ta sao?
Mẹ chàng khổ sở khóc lóc rồi
năn nỉ con:
- Con ơi! Đừng điên rồ mà
xúc phạm đến đức vua. Hôm qua ngài mới sai quan đại thần Ngọc Phách tới ban cho
mẹ một ngàn đồng vàng. Nếu con mà xúc phạm thì thần thánh không để mẹ con ta
yên đâu. Vả lại, mẹ đã mang nặng đẻ đau để nuôi con khôn lớn thế này, mà còn
lầm lẫn hay sao?
Thanh Lam giơ tay lên trời,
phân bua:
- Chính ta đã sai quan đại
thần Ngọc Phách mang tiền đến đây ban thưởng cho bà, lẽ nào ta lại lầm. Ta là
thiên tử! Chính bà phạm thượng đến thiên tử mà không biết tội, lại còn lẻo mép
nỗi gì?
Rồi tiện tay có cây gậy gần
đấy, Thanh Lam vớ lấy đập mạnh vào lưng mẹ.
Bà mẹ già thấy con tàn nhẫn
như vậy thì kêu cứu ầm ỹ. Thanh Lam vừa đập mẹ vừa hỏi:
- Bà hãy nói xem ta có phải
là thiên tử không?
Mẹ Thanh Lam tức giận cũng
hét lớn:
- Mầy là con tao đứt ruột đẻ
ra! Đồ vô ơn!
Lúc đó, hàng xóm nghe tiếng
kêu cứu, chạy đến đông nghẹt cả nhà. Họ giằng chiếc gậy ở tay Thanh lam ra
không cho chàng đánh mẹ nữa.
Có người nói:
- Thanh Lam! Anh không được
hành hạ mẹ anh như vậy. Làm con như anh là bất hiếu, không nhớ ơn người sanh ra
mình.
Thanh Lam quay lại cãi nhau
với đám đông:
- Các người cút đi! Sao lại
gọi ta là Thanh Lam?
Mọi người ngạc nhiên hỏi:
- Anh không nhận là Thanh
Lam và là con bà lão này hay sao?
Thanh Lam hầm hừ:
- Ta không phải là Thanh
Lam. Các người đã phạm thượng tới thiên tử mà không biết, lại còn đặt điều nói
láo! Ta sẽ cho các người biết sự thật.
Mọi người nghĩ là Thanh Lam
loạn óc nên cùng hè nhau áp lại trói chàng. Rồi họ đi báo tin cho nhà thương
điên biết.
Chỉ một lát sau, người gác
cửa nhà thương điên mang một sợi dây xích và chiếc roi gân bò tới nhà Thanh
Lam.
Thấy người lạ định bắt mình
đi, Thanh Lam giẫy giụa chống cự. Nhưng vô ích, người gác cửa quật chàng năm
chục roi gân bò khiến chàng đau đớn phải nằm im chịu trói.
Họ dẫn Thanh Lam qua các
phố. Đi tới đâu chàng cũng bị mọi người chế giễu, trêu ghẹo. Còn có kẻ biết
chuyện đã áp tới đấm đá túi bụi.
Thanh Lam tủi hổ cúi đầu,
thầm nghĩ:
- “Thật là oan ức cho ta
quá. Ta nói sự thật họ không tin mà lại bảo là điên. Hỡi thượng đế! Hãy thấu
hiểu hoàn cảnh của con và cứu giúp con trong cơn hoạn nạn này”.
Thanh Lam bị dẫn tới nhà
thương điên và bị người gác cổng nhốt vào chiếc cũi sắt thật lớn. Hằng ngày,
hắn ta mang roi gân bò vào thăm Thanh Lam, rồi quất chàng năm mươi roi và chế
giễu:
- Thiên tử ơi! Có biết đau
không? Hãy tỉnh ngộ đi kẻo ta đánh đau thêm.
Tuy bị cực khổ như vậy,
Thanh Lam vẫn chịu đựng và nói:
- Trẫm sẽ tha tội phạm
thượng cho ngươi, vì ngươi mù quáng không biết trẫm là ai. Dù trẫm có điên,
ngươi cũng không được hành hạ như thế.
Người gác cổng nghe thế chỉ
cười rộ lên rồi bỏ đi. Hắn cho rằng Thanh Lam vẫn còn đang bị loạn óc.
Mẹ Thanh Lam ngày nào cũng
vào thăm con. Bà thấy mỗi ngày Thanh Lam một gầy còm thì thương xót vô cùng,
nhưng không biết cách nào cứu con.
Có lúc thấy mẹ vỗ về, an ủi,
Thanh Lam lại nổi giận la hét. Chàng vẫn nhận là thiên tử chứ không phải là
Thanh Lam.
Một hôm, Thanh Lam ngồi suy
nghĩ về những chuyện đã xảy ra trong đời chàng. Chàng thấy mình vẫn còn là
thiên tử, đã truyền lệnh cho bá quan tuân theo.
Thanh Lam nghĩ:
- Không lẽ câu chuyện trừng
phạt bốn lão già và tên tu sĩ lại là chuyện trong mơ? Chính ta đã truyền lệnh
đó cho quan nội giám Mặc Đỗ thi hành. Rồi ta còn sai quan đại thần Ngọc Phách
mang một ngàn đồng vàng tới cho bà già kia. Nhưng tại sao khi ta trở dậy lại
thấy đang nằm trong căn nhà tồi tàn, không có các quan tới chầu, không có cả
một con cung nữ nào để sai bảo cả. Mà ai đã cởi áo long bào của ta ra? Như vậy
thì là giấc mơ thật. Nhưng ai thi hành hai lệnh kia đúng như ý ta muốn?
Đang ngồi suy nghĩ miên man
thì Thanh Lam thấy mẹ đến thăm. Bà thấy Thanh Lam mắt chưa ráo lệ thì cũng xúc
động sụt sùi.
Bà dịu dàng hỏi:
- Con ơi! Bữa nay con đã
thấy sáng suốt chưa?
Thanh Lam cảm động nhỏ nhẹ
nói với mẹ:
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét