Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

GIĂNG GIĂNG TƠ NHỆN


1
 - Nhảy! Bố tôi gào lên – Thằng khốn kiếp, nhảy đi chứ, sao mày hèn thế! – Mặt ông đỏ bừng, các mạch máu như dồn về tụ tập trên lớp da đen tái của ông. Đôi tay vung vẩy trong không khí, mắt ông lồi lên.
 
- Đồ hèn! Nếu mày không nhảy thì đừng bao giờ nhìn mặt tao!
 
Từ trên cao, ngoài nhánh bìa của cây đa tôi nhìn xuống dòng sông, nước trôi thăm thẳm bên dưới đến hoa mắt. Khoảng cách cũng phải đến mười mét là ít, chưa kể những ngọn gió độc địa lâu lâu lại thổi hắt lên khiến nhánh cây đong đưa bần bật.
 
- Nhảy – Bố tôi lại gào lên.
 
Tôi rơi vào không trung. Gió thổi vù qua hai mang tai lạnh ngắt. Buổi chiều tối sầm lại. Tôi có cảm giác như mình vừa chạm đáy sông và uống vào bụng đúng một lít nước. Ông cười ha hả, bế tấm thân run rẩy mềm oặt của tôi về nhà.
 
- Can đảm lắm, can đảm lắm, con trai! – Ông thì thào.
 
 
2
Ngày giỗ. Tôi ra đồng hái bông cỏ may. Đó là một định lệ, năm nào cũng vậy, vào ngày mười ba tháng chạp, cái ngày cách đó một chục năm, ông ngoại đã từ giã chúng tôi ; và cũng từ đó cứ đến ngày mười ba tháng chạp tôi lại ra đồng hái bông cỏ may. Đã mười năm rồi, tôi quen, như thói quen ăn thở, không hề thắc mắc, cho đến lúc tôi có trở thành ông già đi nữa thì nó vẫn là một bí mật không bao giờ biết rõ. Ngoài đồng, vào mùa gió, bông cỏ may nằm rạp, chúng khoe những tơ nõn mềm mại, thích mắt. Tôi lặng ngắm chúng. Công việc này sẽ được kéo dài cho đến giữa trưa, khi mùi xào nấu trong nhà bay ra, tôi mới vội vã hái chúng và chạy vù về nhà. Trên tay cầm bó cỏ may đẹp nhất cánh đồng, tôi lặng lẽ cắm vào chiếc lọ đất. Chiếc lọ cũng xa xưa, không biết từ lúc nào đã có trong nhà tôi. Tôi không thắc mắc, cũng như không hề thắc mắc về bông cỏ may luôn hiện diện trên bàn thờ ông tôi vào ngày giỗ.
 
- Bố ơi, ngày giỗ thứ mười ba của bố đây! – Mẹ tôi khóc rưng rức trước bàn thờ.
 
Tôi lại đi ra cánh đồng, lao mình trong gió, chạy vụt qua hai con kênh, một đầm đầy sen để rước ông  Bảy Gụ. Ông là người thân duy nhất của ngoại tôi đang còn sống, lớp người xưa, lớp người đầy bụi bặm thời gian phủ kín như tách biệt khỏi những con người lân cận. Thời xa lắc, thời của những áo thâm khăn đóng, trẩy hội và hát những bài tình ca. Con gái tóc đuôi gà, cũng hát những bài tình ca, mắt lá răm, đưa đẩy đẩy đưa với những nón những lụa là. Con gái đa tình và con trai cũng vậy. Những đêm trăng sáng, ông ngoại tôi, ông Bảy Gụ và những cô gái kia tụ tập ngoài cổng làng. Tất nhiên tôi biết chuyện cũng qua mẹ tôi thôi, trẻ con biết gì. Bây giờ chỉ còn ông Bảy Gụ và cây đàn cò của ông. Cây đàn được treo trên vách. Mỗi tối, ông lấy xuống một lần và treo lên một lần. Tiếng đàn nỉ non buồn thảm. Riêng ngày giỗ ông tôi, ông lấy xuống lau chùi cẩn thận rồi đeo lên vai. Tôi có nằng nặc đòi mang dùm, ông cũng không chịu. Có lẽ nó cũng như bông cỏ may, như chiếc lọ đất không bao giờ biết tại sao nó hiện diện, vì lẽ gì, nó được sự kính trọng, trân trọng tuyệt đối như thế. Một báu vật.
 
Lần mò lấy cây gậy, ông theo tôi ra đồng. Khăn đóng áo dài, tay nải và đàn cò, bộ sậu không hề thay đổi trong ngày mười ba tháng chạp hàng năm. Và cũng như thường lệ, mẹ tôi đứng chờ trước cổng khi thấy ông từ xa:
 
- Chào ông Bảy!
 
Rồi nhẹ nhàng đỡ những đồ vật lỉnh kỉnh trên vai ông, đưa ông vào nhà. Nơi tấm phản trải chiếu hoa đã bày sẵn một mâm dành riêng cho ông. Ông sẽ ngồi nơi đó cho đến chiều tối, sau khi đã thắp hương trên bàn thờ ông tôi, vừa thắp hương vừa khóc. Trong tiếng khóc rấm rứt có lời lẽ nói về một con người hào hoa đã không còn.
 
- Ông Bảy cũng là một người hào hoa. – Bố tôi bảo vậy.
 
- Hóa ra làng mình có hai người hào hoa? – Tôi hỏi mẹ khi bà đi ra nhà sau. Bà gật đầu: – Những người hào hoa cuối cùng.
 
 
3
Tôi đi học. Trên đường từ nhà tới trường, có một thằng bé luôn đánh tôi khi tôi đi ngang ruộng lúa trước nhà nó. Bảo là thằng bé vì nó nhỏ hơn tôi một tuổi nhưng nó to con hơn tôi nhiều. Mắt xếch, hàm bạnh, cái loại hàm chỉ người lớn mới có. Răng vẩu, tóc dựng ngược. Nó luôn đứng chắn ngang đường tôi đi vào mỗi buổi sáng. Tôi né qua, nó xích qua. Tôi né lại, nó xích lại.
 
- Á à! Mày dám đụng tao! – Nó gây sự. Rồi đá vào mông tôi. Xong việc, nó chạy vù vào nhà. Hôm sau lại đứng khệnh khạng trước lối đi. Mặt nó vênh lên, chiếc cằm như bạnh hơn, rộng toác. Mỗi đêm, tôi đều mơ thấy nó dưới trạng thái như vậy, trạng thái của một con rắn hổ mang. Nó lại đá vào mông tôi một cái nữa:
 
- Hôm qua, mày dám chửi tao à!
 
Tôi không chửi, nhưng mặc, nó vẫn cứ đá. Nếu tôi cãi lại, hôm sau nó lại có cớ đánh tiếp. Đánh vào mông. Một hôm tôi độn vở vào quần thì nó lại không đá mà bợp tai tôi. Số phận xui xẻo của tôi nó vậy, theo bố thì bị bố bắt trèo cây nhảy xuống sông, đi học thì bị nó đánh. Nhưng tôi không khóc. Một lần khóc về méc bố bị ông mắng “đồ hèn”, thế là im luôn. Tôi âm thầm chịu đựng, vì nếu không đi ngang nhà nó sẽ không đến trường được, đành chịu đựng, cay đắng chịu đựng.
 
Đó là một trường hợp vô duyên nhất trong đời tôi, vô duyên như khuôn mặt tôi. Mặt tôi đầy mụn trứng cá ở tuổi dậy thì. Nhưng đó chỉ là chuyện về sau. Còn lúc ấy tôi phải đi học, phải đối diện với một thực tế đầy lố bịch, là nó.
 
Có một lần duy nhất, trong sáu năm trời ròng rã, tôi đi ngang nhà nó không bị đánh. Tôi lưỡng lự rất lâu trước cổng, không biết có nên đi hay không? Nó cũng chẳng thấy đâu. Cả ngày hôm đó tôi vui sướng lạ lùng, như vừa thoát được một món nợ, như vừa chiến thắng ai đó. Nhưng sự kiện ấy chỉ có một lần duy nhất trong sáu năm. Còn lại, ngày nào nó cũng đánh tôi, chặn đường tôi đi, hoạch họe. Những tức giận lúc đầu khi gặp chuyện vô lý như vậy dần dần cũng nguôi, và tệ hại hơn, nó đã trở thành một thói quen. Tôi không còn thắc mắc vì sao nó đánh tôi nữa. Tôi chấp nhận, chấp nhận sự vô lý ấy như sự bất công luôn luôn tồn tại. Không có nó, một ngày của tôi bỗng thiếu thốn kỳ lạ. Tôi thấy mình chưa làm xong một việc gì đó, kèm theo là những hoang mang. Tôi bắt đầu mỉm cười khi nó đá tôi. Tôi khinh bỉ nó trong bụng vì nó không hề biết rằng việc làm đó đã thúc đẩy sức chịu đựng của tôi lên cao. Tôi đã quen với những cú đá, quen những đòn roi mà nó bồi cho tôi, mông tôi cứng lại. Tôi cũng không còn sợ nó nữa. Thời gian đã cho tôi một thói quen không biết sợ hãi. Một hôm tôi chặn đường nó lại, thay vì công việc này nó vẫn làm, đá liền vào mông nó năm cái như trời giáng lúc nó chưa hết ngạc nhiên về tôi. Năm cái bằng hết sức lực của sáu năm dồn lại. Nó ù té chạy vào nhà. Và từ đó, nó không còn tấn công tôi nữa. Nhiều năm về sau, tôi muốn làm hòa với nó, muốn nói một lời xin lỗi nhưng nó cứ tránh mặt tôi. Một chục năm sau nữa, tôi không còn gặp nó, chẳng biết nó đã đi đâu về đâu. Có lẽ bài học từ ấu thơ sẽ dạy cho nó sự trân trọng về con người.
 
 
4
 Từ nhà tôi chỉ cần chạy vù một chốc là ra đến sông. Gần lắm! Những buổi chiều tôi hay theo lũ bạn ra đó. Tôi đã từng nhảy từ cây đa xuống, từng đánh một thằng sáu năm liền đánh tôi nên tôi chẳng sợ gì. Tôi ngụp lặn thỏa thích trong ráng chiều đỏ. Cũng dòng sông ấy tôi đã từng cứu hai đứa trẻ khi chúng bị trôi ra giữa dòng. Mẹ chúng luôn đem quà đến cho tôi mỗi khi Tết về. Khi thì hộp bánh, khi thì cuốn tập. Mẹ tôi cản nhưng bố tôi nhận. Đó là phần thưởng đẹp đẽ nhất cho cuộc đời này, cho kiếp sống này, ông bảo vậy. Tôi yêu mến ông. Tôi không thể nào hình dung nổi nếu cuộc sống này thiếu đi những con sông, thiếu đi những con người biết trao tặng nhau những món quà. Tôi vẫn đều đặn ra sông vào những buổi chiều. Cũng có khi không tắm, chỉ ngồi chơi nhưng cứ phải ra. Nó đã trở thành một thói quen trong tôi liền lặn da thịt. Tôi thích mặt trời từ từ lặn trên khúc sông lô nhô những người. Lúc ấy, tôi thấy tâm hồn mình như nhẹ nhõm hơn, cuộc sống nhẹ nhàng hơn và đáng yêu gấp bội.
 
Cũng có lần tôi ra sông với ông Bảy Gụ khi ông đến nhà tôi vào ngày mười ba tháng chạp. Tất nhiên lúc ra sông ông cũng mang theo chiếc đàn cò. Báu vật mà, nó luôn luôn theo ông khắp mọi nơi. Ngồi trên bờ ông kéo đàn. Tôi thả trôi theo dòng nước, chặc lưỡi nói như người lớn vẫn nói: Ôi! Con người hào hoa!
 
 
5
 Ngày giỗ ông ngoại tôi lần thứ mười một, ông Bảy Gụ không còn nữa. Tôi chạy ra đồng hái bông cỏ may cảm thấy thiếu thiếu một cái gì. Hiu hiu trong gió, tôi không hiểu đó có phải là nỗi buồn không, cảm giác vuột mất lần đầu tiên nhìn thấy. Không phải bằng mắt, sâu trong tôi, tôi như bị phá sản những gì mình có. Cũng như tôi vô tình có được một ông ngoại hào hoa. Đó là lộc trời – Mẹ tôi bảo vậy. Trời thả xuống một vài người đẹp đẽ kia, một vài người thôi.
 
Bước chân tôi cứ tự động đưa đẩy qua hai con kênh và một đầm đầy sen rồi dừng lại nơi căn nhà lá thấp bé. Lưỡng lự, tôi không dám bước vào trong. Tôi sợ cây đàn trên vách sẽ tự động ngân lên khúc nhạc về nỗi cô đơn. Tôi sợ đôi tay của tôi sẽ làm rơi rụng những hạt bụi bám trên nó, những hạt bụi của thời xa xăm còn thấm đẫm trong từng thớ gỗ kia.
 
Người hào hoa cuối cùng đã chết, hay thời hào hoa chói lọi của nó đã mất? Nhẹ nhàng, tôi cài lên vách một bó cỏ may, thứ cỏ tôi dành cho ông tôi, thứ cỏ mà cho dù tôi có trở thành một ông già tôi vẫn không hiểu nó đã mang vác điều gì. Và từ đó, tôi có hai bó cỏ may cho ngày mười ba tháng chạp.
 
 
6
 Mùa hè năm đó, lũ chim kéo về đông lắm. Trên cánh đồng, chúng lượm lặt những hạt thóc vương vãi, chúng sục sạo trên bờ đê rồi đồng loạt cất cánh khi tôi đi ngang. Con đường tôi đi bây giờ rộng lắm nhưng buồn tẻ. Tôi cảm thấy tiêng tiếc những ngày qua. Giá như tôi đừng đánh thằng bé có lẽ tôi sẽ còn cái gì đó bên ngoài tác động vào mình, một mối lo ngại nho nhỏ. Bây giờ không ai chạm tôi. Không ai gây sự với tôi. Bọn chúng truyền miệng với nhau, tung tin cho nhau, và bọn chúng nhìn tôi e dè. Tôi đau xót khi thấy rằng, giữa tôi và chúng có những khoảng cách. Chúng không xem tôi là người bạn, không cùng đi học vì đang là mùa hè đã đành, chúng không ra sông với tôi. Những buổi chiều bên bờ sông, tôi ngồi một mình, ngồi xem chúng nô đùa với nhau, tôi chạnh lòng. Nỗi chạnh lòng của kẻ bị bỏ rơi. Cô đơn và buồn thảm luôn vây kín tôi những lúc như thế.
 
Tôi nhớ ông Bảy Gụ, người đã đàn cho tôi nghe năm nào. Cũng vào buổi chiều như thế này, cũng khúc sông như thế này, nhưng hôm nay đã không còn. Tôi đã thành một chàng trai như lời mẹ tôi bảo. Giật mình, mỗi khi nhớ lại tôi đều giật mình muốn khóc. Chẳng lẽ thế giới của những gì lớn lao là thế này! Những suy tư dằn vặt sẽ hoành hành trong người tôi?
 
Buồn bã, tôi ra đồng hái bông cỏ may nhưng cảm thấy vô vị. Chẳng có ý nghĩa gì khi nó không phải là ngày mười ba tháng chạp, ngày của những ý nghĩ tuyệt đối trong tôi. Tôi tập loại bỏ dần những ý nghĩ không thuộc về công việc, không thuộc về những vật tôi thấy, không đi hoang đàng trong những giấc mơ ngờ nghệch ngày xưa. Cũng có đôi lần tôi đi ngang nhà thằng bé hay đánh tôi. Tôi muốn được gặp nó, tôi muốn chào nó một câu ngắn, nhưng nó vĩnh viễn không bao giờ nhìn tôi nữa. Nó thu mình lại, không tiếp xúc. Tôi cảm nhận, hình như, chỉ là hình như những ngày qua tôi sống không bằng những gì của mình, toàn vay mượn ai đó, mượn cuộc vui, mượn con đường để đi đến những con đường khác, không phải của tôi. Tôi chán phèo, tôi luôn bị tác động và tôi đề phòng, tôi chuẩn bị ngăn chặn, chuẩn bị đối phó, chuẩn bị chờ sai bảo thế này thế kia.
 
Khi tôi một mình, đứng lên một mình, tôi rỗng không. Tôi không có gì hết. Tôi phá sản. Tôi bào mòn mình. Mỗi ngày tôi bào một chút, bào đến độ nhẵn trơ không còn gì bào. Tôi thấy mình sắp ốm.
 
Mùa hè năm đó thật khủng khiếp trong tôi. Mặt tôi nổi đầy mụn trứng cá. Tôi trở nên xấu xí từ bên trong lẫn bên ngoài, từ tâm hồn tôi, từ tay, từ chân, từ tóc. Răng tôi trở nên xấu xí hơn, vàng và lung lay. Những con sâu từ kẹo mạch nha đục khoét chúng. Và tôi biết, tôi sẽ mang những chiếc răng bệnh tật ấy đến cuối đời mình. Cho đến lúc tôi già như ông Bảy Gụ. Tất nhiên thằng bé hay đánh tôi cũng sẽ già như thế. Trong chừng mực nào đó, tuổi già sẽ đến với tôi trong lúc tôi chẳng hề có cây đàn nào để giải khuây. Tôi đánh răng thường xuyên hơn, ngày ba lần.
 
Bước chân tôi lại lang thang qua hai con kênh và một đầm đầy sen. Tôi muốn được nhìn thấy cây đàn, vật biết run rẩy khi có ai đó chạm đến, vật biết ta thán về nỗi cô đơn. Căn nhà lá xiêu vẹo đóng kín. Tôi đi loanh quanh và suy nghĩ lung tung. Một đêm khuya nào đó, có thể lắm, trên bức tường kia lại rung lên lần nữa về những nỗi lòng.
 
Mùa hè năm sau, tôi có ghé lại, thấy nó vẫn còn đó nhưng tàn tạ khủng khiếp. Trên nóc, mái tranh sạt lở nhiều chỗ, những chỗ sạt lở bị nước mưa làm vẹt đi. Tôi lờ mờ hiểu về thời gian, hiểu những gì đi qua tôi, những gì không thuộc về tôi, những gì tôi không cầm nắm được.
 
Tôi đẩy cửa bước vào. Tôi biết, tôi đã làm được cái việc mà bấy lâu nay tôi thèm muốn. Tự trong thâm tâm tôi thèm muốn và chưa bao giờ sự tự tin lại đầy ắp trong tôi đến vậy. Nó tràn lên những bước chân của tôi, lấp những hố rỗng trong tim tôi, chảy ngược lên mắt, lên tóc, lên môi. Môi tôi hồng lên như táo chín.
 
Tôi bước vào không phải để nhìn thấy cái gì, để muốn gì! Đơn giản chỉ là câu trả lời về thế giới dồn nén trong tôi, đã từng gầy dựng cậu bé trong tôi sự kính trọng thuần khiết.
 
Căn nhà trống trơn. Vài tờ giấy cuộn tròn đã nhòe hết chữ nằm lăn lóc. Gió đi vào rồi lặng lẽ đi ra. Trên vách, nơi cây đàn vẫn treo lúc trước, còn lại dấu khuyên tròn. Chỉ có thế, đơn giản chỉ có thế. Nơi đây, đúng vậy, tôi muốn nói thế, nơi đây đã từng có một cây đàn, tôi muốn viết thế. Có thể, ai đó khi đi lạc vào căn nhà này sẽ cho đó là dòng chữ vô nghĩa thì cũng mặc, vì đó là khu vườn của riêng tôi, của tôi. Dù cây đàn không còn nữa thì nó vẫn còn, tôi vẫn thấy, vẫn nghĩ về nó nguyên vẹn. Lặng lẽ, tôi khẽ chạm vào vách. Cái vách trống trơn, cái vách chỉ một mùa mưa nữa thôi là đổ ập xuống, vĩnh viễn vắng mặt. Đôi tay tôi tự dưng ấm hẳn, nóng bừng rồi đau buốt như chạm phải lửa. Không lẽ nào, đừng tin, tôi tự nhủ. Xin vĩnh biệt con người hào hoa.
 
 
7
Mười hai giờ trưa, giờ của cánh đồng nóng sôi, tôi đi tìm bóng râm. Ở đồng, mặt trời luôn trực tiếp và sức nóng mãnh liệt. Những hàng cây ốm yếu thêm khô vàng. Tóc tôi cũng khô vàng. Cả bố tôi nữa.
 
Từ dạo mất mùa liên tiếp ông trở nên trầm tĩnh, dịu dàng hơn và ít la rầy. Ông có lẽ là chỗ dựa vững chắc êm ả nhất trong cuộc đời tôi. Sau này, khi gặp những trắc trở, tôi đều nghĩ về ông như vậy. Nhớ về những giai đoạn bi thảm nhất có ông bên cạnh, những lúc vui nhất có ông bên cạnh, cả tuổi thơ tôi đều có ông. Không có điều gì ấm áp sâu sắc hơn mà tôi không dành cho ông, dành cho tôi, dành cho những người có liên hệ mật thiết.
 
Những năm tháng mất mùa, ông trồng khoai trên rẫy. Rẫy xa lắm, khi đi phải đùm cơm theo. Ông biết điều đó sẽ xảy ra khi những cơn mưa mùa trước ngắt quãng từng chập một như mắc nghẹn, ông đã phát quang một mảnh đất hoang và gieo xuống những hạt mầm đầu tiên. Lúc cánh đồng khô cháy, ông đi thu hoạch về. Nào khoai, bắp, nào lúa, mì và cả một luống hoa cúc. Đường về xa hoa héo khô nhưng ông mỉm cười tin cậy. Nụ cười ấy len lỏi vào đời tôi đúng một chục năm sau, một chục năm sau nữa tôi nhớ về ông là những nghị lực cần có, và một chục năm sau nữa tôi chưa biết.
 
Mười hai giờ trưa, cánh đồng luôn hắt hơi. Tôi đi qua nhiều cánh đồng với cảm nhận như vậy. Tất nhiên, cảm nhận của tôi không đúng lắm đâu, luôn có sự nhầm lẫn nào đó. Tôi đã nhầm lẫn nhiều, rất nhiều, cả giây phút đi qua cánh đồng tuổi thơ tôi và những lúc sau này. Sự nhầm lẫn của tôi đơn thuần là vì tôi muốn, tôi thích, nó gây cho tôi nhiều thú vị cần thiết.
 
Mười hai giờ trưa nằm dựa đầu vào gò mối, mắt bố tôi như mơ màng, nheo nheo, khác hẳn tôi nếu tôi cũng nằm như vậy. Đó là lần đầu tiên quan sát lâu, tôi nhận ra. Lúc trước tôi chỉ cảm nhận về ông, linh tính về ông, huyễn hoặc về ông dù ông luôn luôn hiển hiện trước mắt tôi, tôi cũng chỉ cảm nhận về ông, linh tính về ông. Bây giờ thì tôi nhìn, tôi cân đo, ước lượng.
 
Tôi cũng đã hiểu vì sao đôi mắt bố như thế. Tôi biết từ lâu, từ lúc ông còn chở tôi đi học trên chiếc xe sườn đầm được cột thêm mẩu tre vắt ngang phía trước cho tôi ngồi. Ông đã đưa tôi đi qua tất cả mọi con đường tôi biết, mọi chiếc cầu tôi biết, cả chiếc cầu lỏng lẻo chỉ có một tấm ván, ông cũng cứ chở tôi qua. Tôi sợ hãi nép vào người ông, thích thú.
 
Tôi đã biết tại sao khi cả hai bố con rơi tõm xuống cầu lần nọ. Bố tôi cười vang, tôi cũng cười vang. Nó chỉ giản đơn như câu chuyện vui nhộn thuần túy, không bó buộc gì cả, hôm nào đó, ta hóa thành viên sỏi trong gót giày của người đi đường và họ đã đánh rơi ta, rơi xuống cầu hay vực thẳm nào đó sâu hơn thì cũng vậy thôi. Vì ta là viên sỏi. Cha ta cũng là viên sỏi. Cha chở ta đi. Và câu chuyện sơ sẩy rất bình thường, không gì ngạc nhiên cả. Cha ta đã cười vang thì ta cũng cười vang.
 
Lần thứ hai rơi xuống cầu. Bố tôi không cười. Tôi cũng không cười. Suốt dọc đường còn lại ông lặng thinh. Đã nhiều lần tôi định nói nhưng rồi tôi cũng không nói. Tôi lặng thinh. Câu nói ấy dồn lại tích tụ trong đầu tôi đến hai ngày sau. Rồi buổi chiều nọ, tôi buột miệng:
 
- Mắt bố đã mờ rồi!
 
Ông gạt phăng. Ông không tin. Ông bảo rằng sức lực ông vẫn còn nhiều. Ông đi rẫy, ôm lúa bằng năm lần tôi. Ông vẫn chở tôi đi học, chạy phăng phăng qua chiếc cầu chỉ có một tấm ván, sợ còn nhanh hơn bình thường nữa kia. Nhưng tôi biết, trong sâu xa, những linh cảm mách bảo sẽ dẫn dắt ông qua đươc bao nhiêu lần nữa. Không, xung quanh tôi không thể chỉ bằng cảm giác, cảm giác dòng sông, cảm giác chiếc cầu, cảm giác những con đường, không thể như thế được. Phải thấy. Thấy con đường để đi trọn vẹn con đường.
 
Và lần thứ ba rơi xuống cầu như một dự báo. Đó cũng là lần cuối cùng ông chở tôi.
 
Bây giờ đến lượt con chở bố. Bố tôi ngồi im. Cũng chiếc xe sườn đầm, cũng thanh tre ấy nhưng được gia cố thêm. Lần gia cố trước, ông vẫn còn chở tôi, sức khỏe dồi dào và nụ cười luôn túc trực. Rồi một hôm, khi đi ngang khúc quanh thanh tre bỗng gãy đôi. Tôi té nhào đau đớn đến muốn khóc nhưng ông thì cười, cười sung sướng mãn nguyện. Chỉ là riêng tư của ông thôi nhưng đó là nỗi riêng tư luôn ám ảnh.
 
- Con trai! Con đã lớn rồi, con trai!
 
Và ông đã vỗ vào vai tôi với tư cách những đàn ông. Tôi bùi ngùi. Phải chăng, một phần ba tươi đẹp nhất của cuộc đời tôi đã trôi qua!
 
Bây giờ đến lượt tôi chở bố. Bố không nói và tôi cũng không nói. Tôi đã không nói từ lúc nhìn thấy sự cằn cỗi trên khuôn mặt ông những rẻo nhăn nhúm. Những đêm mưa chập choạng, ông đã dùng lời lẽ bất lực nói với tôi. Nói vào lúc tối đã đành. Nói vào buổi chiều. Tệ hơn, nói vào giữa trưa, lúc bầu trời ngập ngụa, lúc mọi vật phô trương vẻ đẹp rực rỡ hơn bao giờ hết.
 
- Mắt sáng! Hãy nhìn dùm bố, có phải đang chiều không?
 
- Mắt sáng! Hãy nhìn dùm bố, có phải mẹ con đang đứng ngoài cổng?
 
- Ai đó mắt sáng, hãy nhìn dùm!
 
Tôi đứng lặng thinh trước mặt ông. Nhưng ông chỉ gọi tôi bằng “mắt sáng”. Mẹ tôi ông cũng gọi thế. Và, những con người xung quanh, những con người mắt sáng.
 
Đối nghịch lại là bóng tối trong đôi mắt ông. Có nhiều lúc thật buồn cười. Ông nói chuyện với con chó khi nó tinh nghịch nhảy lên giường của tôi nằm.
 
- Mắt sáng! Hãy nhìn dùm bố gói thuốc để đâu rồi.
 
Con chó vẫn nằm im. Ông chầm chậm tới chạm vào người nó rồi bật cười: – Mày đấy à?
 
Rồi ông cứ ôm nó vào lòng, cười mãi.
 
- Sao mày lại nằm ở đây? Chỗ mày là ở ngoài sân kia!
 
 
8
 Rồi tôi cũng xa nhà khi đến tuổi vào đại học. Nhiều giá trị tinh thần được tăng lên cũng như bị triệt tiêu trong tôi. Tôi có nhiều bạn và điều đó đã làm cho một ngày của tôi đầy ắp sự kiện. Tôi không còn khoảng hở nào dành riêng cho mình. Có nhiều hôm tôi phải trốn đám đông, chạy tới chạy lui tìm căn phòng trống nào đó, hoặc là khu vườn trong những quán cà phê tôi thường lui tới. Tôi nghiện ngập những khung cảnh mà ở đó chỉ có mình tôi, nghiện luôn những con đường nhỏ trong các hẻm vắng.
 
Mười hai giờ đêm là giờ khắc tôi thích thú nhất. Tôi được sống một mình, được hít thở, được mơ mộng trọn vẹn mà không ai quấy rầy. Tôi nghĩ về tôi. Nghĩ về quê mình. Đó cũng là cái tôi của riêng tôi.
 
Ngược lại, Tịnh nằm kế tôi, không có bạn bè. Nó sống côi cút như con gà con lạc bầy. Đó là hậu quả của những lỗi lầm nho nhỏ, những cố tật như mượn tiền không trả, hay chôm vặt đồ đạc của mọi người trong phòng. Chỉ là vặt vãnh thôi, cuốn tập, cây viết, vài tờ giấy hoặc dăm đồng bạc lẻ bỏ lăn lóc nhưng cũng đủ cho mọi người căm ghét, tẩy chay.
 
Trong tuần, luôn luôn có ai đó mất cái gì và họ cũng thừa biết kẻ nào nhúng tay vào chuyện, nhưng món đồ quá nhỏ không đáng tạo nên một cuộc họp ở phòng đào tạo. Đành thôi. Đã thôi nhưng mọi người ấm ức bực bội và họ đợi một cơ hội lớn hơn.
 
Vì không ai chơi, Tịnh có vẻ thân thiện với tôi. Đôi lần mời đi uống cà phê – điều này lạ là vì nó nổi tiếng là kẻ bủn xỉn – và tâm sự với tôi về nỗi hoài nghi ; hoài nghi về cuộc sống, về tương lai “ngày sao ra sao”, và cả những phàn nàn về sự chật hẹp của đô thị.
 
- Quê tao, đi đâu cũng là cánh đồng, nhìn đâu cũng là màu xanh và mỗi buổi sáng gió từ sông thổi vào lạnh ngắt.
 
Tôi phải công nhận nó có nhiều sở thích giống tôi: Yêu thiên nhiên và dám nói về những mơ mộng. Cái này tôi chỉ dám viết trong nhật ký thôi.
 
Sau nhiều lần đi uống cà phê tự dưng tôi nảy ra ý định sẽ cảm hóa nó. Tôi nghĩ, mình cũng như mọi người, chưa hiểu về nó nhiều, bởi tâm hồn như thế không thể sinh ra kẻ tầm thường được. Tôi bào chữa rồi tự tha thứ. Ai cười, mặc, ai khuyên nhủ tôi cũng mặc, càng củng cố lòng tin trong tôi hơn. Tôi mơ màng thấy nó trở thành người tốt, giàu lòng vị tha và đáng yêu. Tôi cũng mơ thấy nó biết ơn tôi “nhờ mày mà tao được như ngày hôm nay”. Vừa nói nó vừa khóc. Rồi tôi bảo: – Ơn nghĩa gì mày ơi! Được như thế là vui lắm rồi!
 
Dầu vậy, nó vẫn tiếp tục chôm vặt. Tôi giận vì cảm thấy mình bị xúc phạm, vì những gì tốt đẹp mình dành cho nó đổ sông đổ biển ; nhưng rồi chẳng hiểu vì sao tôi lại làm lành. Lại đi uống cà phê với nó, lại khuyên nhủ. Nó chối, bảo không hề lấy, mọi người ghét nên gán cho nó. Nói mãi, tôi đâm ra bán tín bán nghi, lỡ không phải nó thì sao, lỡ nghĩ oan cho nó thì sao?
 
Từ lúc chơi với nó, tôi suy nghĩ nhiều hơn về mọi vấn đề, lòng tin, sự tha thứ, lầm lỗi và sự khắc phục mọi lỗi lầm. Tôi biết ngờ vực.
 
Ký túc xa luôn nhộn nhịp. Vào khoảng mười hai giờ đêm thì bắt đầu vắng dần. Những kẻ thèm thuồng thời gian ráng cố thêm chút nữa điểm mặt cũng chỉ có tôi và Tịnh. Nó ngồi ôm đàn hát. Giọng rất hay. Tôi luôn quan sát nó những lúc như thế. Có lẽ đó là giây phút thành thật nhất. Tôi nghĩ vậy. Bởi có ai gian dối với mình bao giờ.
 
Rồi tôi ngủ vùi. Sau này, khi không còn nó nữa, lúc nó bị đuổi ra khỏi ký túc xá tôi mới chợt nhận ra mình đã nô lệ tiếng hát ấy. Những đêm không có nó, tôi không sao ngủ được, chẳng phải nhớ thương gì, đơn giản chỉ là thói quen. Nó đã tập cho tôi một thói quen và thói quen đó đã thay đổi trong tôi ít nhiều.
 
Hôm chia tay, tôi có đưa nó ra bến xe. Hai đứa lặng thinh cho đến lúc xe chạy. Đáng lý tôi nói nhiều lắm nhưng chẳng hiểu sao không thốt ra được, thế là thôi. Tạm biệt hay vĩnh biệt? Tất cả đều vô nghĩa. Càng vô nghĩa hơn khi nó đã trở thành một thằng ăn cắp như mọi người vẫn nghĩ.
 
Bỏ học về quê hay làm cái gì khác hơn? Tôi đã lang thang suốt buổi chiều để tìm câu hỏi trả lời thay nó nhưng cũng đành thua. Mọi việc quá rõ rồi. Người ta đã tìm thấy một xấp tiền không phải của nó nằm ở đáy rương. Những tờ bạc nhàu nát như cười cợt, lại có vẻ như hài lòng phần uẩn khúc trong họ khiến họ phải thốt lên câu nói ấp ủ bấy lâu nay:
 
- Đồ ăn cắp!
 
Chỉ ngắn gọn nhưng có sức chứa của nhiều người, của tập thể, của xã hội nho nhỏ và luôn luôn cô đơn với nhau. Cô đơn cả khi sống chung, chan hòa chia sẻ. Mọi người cười cợt với nhau nhưng vẫn cứ là những hành tinh riêng biệt. Một trăm con người, một trăm hành tinh, một vũ trụ hỗn loạn. Trong quá trình di chuyển và va chạm đã để lại trong tôi vài vết sẹo không lành.
 
Lần đầu tiên sau hai năm chơi với nó, tôi đi uống cà phê một mình. Quán vắng và nhạc rất buồn. Tôi cũng buồn theo. Tuy vậy, tôi vẫn mong được gặp nó lần nữa như lời nó đã hứa “tao sẽ quay lại” lúc mượn tôi một trăm nghìn để về quê. Tôi bảo “không cần đâu” nhưng nó cứ nằng nặc “nhất định tao sẽ trả cho mày”. Và tôi chờ. Tôi chờ không phải để được tiền mà vì sự thay đổi trong nó chăng? Cũng có thể vì chút kiêu ngạo trong tôi: “ – Không ai cho mượn, tao cho mượn!”. Mà cũng có thể vì cái khác. Dám lắm chứ! Trong lúc nguy kịch, người ta dễ mang ơn mình, và tôi muốn chứng minh lòng tốt của riêng tôi.
 
Ngồi nhìn những giọt cà phê, tôi suy nghĩ lung tung. Tôi cũng không thể nào đánh giá được hành động của mình tốt hay xấu, có thật là tốt không hay chỉ là sự đánh đố vì biết chắc thế nào nó cũng quay lại khi có một người chơi đẹp như thế!
 
Rồi tôi chờ. Cho đến cả những năm về sau, khi biết chắc nó không quay lại, tôi cũng cứ chờ. Bởi tôi không tin, hay tôi không muốn tin sự việc như vậy? Tôi không biết! Nó đã mãi mãi trở thành điều bí mật trong tôi. Cũng như bó cỏ may, cái lọ đất và nhiều thứ khác trong tương lai.
 
 
9
 Lại một lần nữa ngày mười ba tháng chạp, tôi về quê. Từ lúc đi học xa, mỗi năm tôi chỉ về hai lần, giỗ ông tôi và tết. Bố tôi bây giờ già lắm, mắt mờ chẳng thấy gì. Từ cửa bước vào giường, ông phải lần đi. Đôi bàn tay chỉ còn lại những mấu xương, khúc khuỷu như tre trúc. Trong gian buồng tối om, ông thu mình lắng nghe tiếng những con muỗi bay. Những tiếng động bên ngoài vọng vào qua vách đất khi đến chỗ ông ngồi cũng chỉ còn lại những tiếng trầm đục buồn bã, như tiếng những con muỗi kia rồi lặng dần tan ra.
 
Uuuu… uuu… uuu…
 
Tôi rón rén bước nhẹ rồi ngừng lại nơi ngưỡng cửa, nơi ngăn vách những cuồng nhiệt sôi động bên ngoài và sự tĩnh lặng bên trong. Nơi mà ngày xưa tôi không thể nào cảm nhận nổi nó lại có một giá trị to lớn đến thế, rào cản đến thế, khi tôi vẫn còn sức lực đi qua đi lại như một con thoi. Mọi ngưỡng cửa không có trong tôi, thế giới là một tòa nhà lớn tôi tự nguyện ăn ngủ nằm ngồi không cột mốc, không đường biên.
 
Bây giờ thì tôi hiểu hơn, có những thế giới nằm ngay ngưỡng cửa và nó chờ đợi tôi cũng như sắp đón bố tôi đi trên chiếc giường kia, nếu như tôi không giành giật với nó.
 
- Con đấy à? – Bố tôi lên tiếng. Ông là người duy nhất vẫn nhận ra tiếng chân tôi sau nhiều năm vắng mặt. Dầu tôi có biến đổi khác đi, to lớn ra hay thu nhỏ lại thì vẫn một tín hiệu duy nhất xuyên suốt trong ký ức của ông.
 
- Vâng, con đây, bố ạ!
 
- Sao hôm nay con có vẻ buồn thế?
 
- Mẹ đâu rồi, bố?
 
- Đi thắp hương cho ông Bảy rồi. Nhưng mà có chuyện gì vậy?
 
- Chẳng có gì, bố ạ!
 
Tôi liếc nhìn lên phía bàn thờ. Nhang cháy leo lét. Vài sợi khói cuốn vòng. Chiếc bình đất nằm im, không cỏ may.
 
- Ngày mai người ta sẽ san bằng khu đất ông Bảy – Sau một hồi im lặng, bố tôi lên tiếng – Nghe đâu định xây một khu chợ!
 
- Rồi sao nữa bố? – Tôi giật mình.
 
- Cũng hợp lẽ thôi! Ngày xưa nó là khu đất bỏ hoang, đầy sình. Bây giờ ông Bảy chết rồi, nó cũng bị bỏ hoang. Có ai héo lánh tới đâu. Có ngôi chợ, cũng vui. Chỉ tội, muốn tìm ngôi nhà cũ sẽ không còn thấy nữa. Mẹ con qua bển thả giấy vàng, cho ổng về nhà mình.
 
Tôi băng đồng sang bên ấy. Ngày xưa, con đường xa vời vợi nhưng giờ ngắn hẳn. Có lẽ đối với ông Bảy cũng vậy, ấu thơ và về già con đường trở nên dài hơn. Bãi đất đã trống, vài toán thợ tụ tập cười nói. Người ta dành cho mẹ tôi một khoảng rộng đủ bày hoa quả với bát nhang. Tôi quì mọp xuống cạnh mẹ. Mẹ tôi bảo: – Con về đấy à? Tôi không nói gì, mải suy nghĩ lung tung. Nếu một trăm năm sau khi quay lại nơi này, tôi sẽ nói với con trẻ rằng: Ngày xưa, xưa lắm, nơi đây có một người đàn ông tên là Bảy Gụ, ông là người hào hoa, người hào hoa cuối cùng, người đã đến và người đã ra đi, bỏ lại một dĩ vãng tốt đẹp…
 
Đến chiều, những người hàng xóm bảo toán thợ đào nền nhà bắt gặp cây đàn cò. Bố tôi giật mình:
 
- Hỏng rồi! Ngày ông Bảy chết, bố chôn nhưng quên mất!
 
Sang đến ngày hôm sau, tôi mới lùng đem được cây đàn trở về. Suốt đêm, bọn trẻ con đã tha hồ kéo làm trò vui. Chúng vừa nhảy nhót trên ụ rơm vừa hát bông phèng.
 
Bố tôi nhẹ nhõm đem cây đàn đặt lên bàn thờ, mảnh đất chung cuối cùng cho hai con người hào hoa.
 
 
10
Xong ngày giỗ, tôi về trường. Lúc đi, bố nắm chặt tay tôi rất lâu, không nói gì, cứ vừa nắm vừa bóp nhè nhẹ. Sau một lúc, ông bảo:
 
- Dạo này mày ốm quá! – trông ông già hẳn – Mày có đủ ăn không?
 
Tôi im lặng. Ông lại hỏi tiếp:
 
- Mày có khổ không? Có ai ăn hiếp mày không?
 
Mẹ tôi khóc òa. Ông như không nghe thấy:
 
- Sao mày im lặng thế? Mày có giận bố không?
 
- Giận bố cái gì ạ?
 
- Ngày xưa, lúc bố bảo mày nhảy từ ngọn cây đa xuống sông!
 
- Bố còn nhớ à?
 
- Từ lúc nằm đây không còn làm được gì tự nhiên bố nhớ. Bố định hỏi mày từ ngày hôm qua.
 
- Bố lẩm cẩm mất rồi!
 
- Không! Bố còn minh mẫn lắm. Bố còn nhớ đã đánh rơi con xuống cầu đến ba lần. Thật buồn cười! Cho đến bây giờ bố vẫn không tin mắt mình đã mờ. Bố vẫn còn nhìn thấy con lớn lên và hơi ốm đi!
 
- Bố còn nhìn thấy gì nữa không?
 
- Không! Chỉ thấy một mình mày!
 
Thế là tôi đi. Xe chạy. Mỗi một dặm đường, nỗi nhớ càng nhân lên, trùng điệp. Và cảm giác tôi như một con ruồi bay ra từ vùng trời đầy tơ lại đến với tôi. Mỗi một sợi tơ chạm cánh làm tôi chùng lại, chùng lại dần… Cuối đường bay, tôi trở thành mềm yếu.
 
 
NGUYỄN NGỌC THUẦN

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét