Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

HOÀNG ĐẾ MỘT NGÀY (I)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Tâu bệ hạ,

Dưới triều vua Đại Nguyên Hãn, tại kinh thành Bá Đa có hai vợ chồng người kia đã già mà chỉ có một đứa con trai, đặt tên là Thanh Lam.

Tuy giầu nhưng hai vợ chồng không bao giờ hoang phí, cả đến việc dạy con cũng rất nghiêm ngặt.

Khi Thanh Lam ba mươi tuổi thì người phú thương chết để lại cho một gia sản khá đồ sộ.

Trái hẳn với tính cha, Thanh Lam không lo giữ của mà bao nhiêu tiền bạc quyết đem ra ăn chơi một lần cho bõ.

Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ một hồi, chàng quyết định chia gia tài ra làm hai : Một phần là ruộng đất, nhà cửa, hàng năm thu lợi tức đủ tiêu. Một phần tiền mặt của chàng để dành từ lâu.

Thanh Lam quyết định chỉ ăn tiêu chỗ tiền ấy. Lúc đầu bạn bè còn ít, sau nghe mức sống phong lưu công tử của Thanh Lam, bạn bè tìm đến ngày nào cũng đông như hội. Thôi thì đủ trò vui, rượu say túy lúy, do các tài tử nhà nghề ở thành Bá Đa tụ họp giúp vui.

Thanh Lam sống thác loạn đúng một năm trời thì số tiền dành dụm đã cạn.

Chàng làm đúng như lời đã định, không dám tiêu vào số tiền huê lợi do ông cha để lại.

Cũng từ đó, bạn bè thân thuộc của chàng xa lánh dần, có gặp chàng thì họ lại tìm cách trốn tránh.

Quá thất vọng cho nhân tình thế thái, Thanh Lam cả ngày buồn bã.

Mẹ chàng thấy như vậy vội an ủi:

- Con ạ, tuy con đã phí phạm một số tiền vô ích, nhưng tiền đã mất đi rồi, thì con còn tiếc làm chi. Dù sao mẹ con ta cũng còn một số vốn liếng và ruộng vườn có thể nuôi sống chúng ta suốt đời, vậy con cứ yên lòng đừng nghĩ ngợi gì cả. Mẹ rất vui mừng vì con đã tỉnh ngộ, không sống bừa bãi, hoang phí như trước nữa. Dù mẹ có chết đi cũng an tâm dưới suối vàng là con đã tu tỉnh rồi.

Thanh Lam bất giác thấy thương mẹ. Chàng nói:

- Thưa mẹ, ngẫm nghĩ những ngày sống vừa qua, con thấy thói đời đổi trắng thay đen không biết đâu mà lường. Khi con còn tiền bạc thì tiệc tùng, hát xướng mở ra suốt đêm ngày, bạn bè do đó kéo đến đầy nhà, ra vào tấp nập, giao tiếp như chỗ thân tình ruột thịt. Nay tiền đã cạn, nào thấy ai tới chơi hỏi han đôi lời. Nhưng cũng may là con chia gia tài ra làm hai phần, và còn giữ lại được một nửa để phòng thân, nếu không thì bây giờ biết nương tựa vào ai mà tránh khỏi họ xua đuổi.

Mẹ Thanh Lam muốn con trút bỏ hết những nỗi buồn rầu u uất trong lòng nên bà dịu dàng nói:

- Con ơi! Ở đời mấy khi tìm được nhiều bạn tốt mà ít bạn xấu bao giờ. Con muốn thử xem lời mẹ nói có đúng hay không thì hãy tìm gặp lại những người bạn cũ đó, kể lại hoàn cảnh đói khổ của mình, xem những ai còn thương hại cho con hay họ xua đuổi con như gặp một tên ăn mày.

Thanh Lam gật đầu, nói:

- Mẹ dạy rất phải. Con sẽ đi tìm gặp từng người bạn cũ và nói đúng những lời mẹ dặn xem họ đối xử với con ra sao.

Mẹ Thanh Lam nói:

- Được, con hãy làm như lời mẹ dặn. Nhưng mẹ chắc chắn rằng con sẽ không tìm thấy những gì khác ngoài ý nghĩ con đâu.

Thanh Lam tuy vâng lời mẹ nhưng không tin rằng sự đời lại lắm nỗi ngang trái, éo le như vậy. Chàng mặc quần áo rồi đi thong thả ra phố.

Tới một tửu điếm, Thanh Lam gặp một số bạn cũ. Chàng bước vào hỏi han từng người. Nhưng lạ thay, ai cũng coi chàng như kẻ xa lạ chưa bao giờ quen biết.

Thanh Lam vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Chàng cho rằng như thế là thường tình. Thanh Lam ngồi nói chuyện với từng người một, nhắc lại thuở mình còn hào hoa khi xưa, rồi nói đến hoàn cảnh nghèo đói hiện tại và hỏi vay họ ít tiền, hứa ít lâu sẽ trả lại đủ số.

Nhưng mỉa may thay, chẳng ai đáp lại lời chàng. Họ cũng không tỏ vẻ gì ái ngại hay xúc động trước hoàn cảnh sa sút của chàng.

Trước sự thật phũ phàng đó, Thanh Lam lủi thủi ra về, nói với mẹ:

- Mẹ ơi! Con đã tìm gặp mặt các bạn bè cũ, làm đúng như lời mẹ dặn nhưng họ chẳng đáp lời con và cũng không thương hại chút nào cả. Thật là những kẻ vô ơn bạc nghĩa, không có lòng nhân từ. Từ nay con hứa với mẹ là không bao giờ kết bạn với ai nữa.

Sợ con mình quá thất vọng mà đâm ra phẫn uất, mẹ Thanh lam bảo con:

- Con ơi! Không phải trên đời này toàn là những kẻ vô ơn bạc nghĩa cả đâu. Mẹ chỉ khuyên con không nên có nhiều bạn bè, vì như vậy khó lựa chọn được ai tốt ai xấu. Chứ mẹ không cấm con tuyệt giao với tất cả mọi người.

Thanh Lam cúi đầu nói:

- Mẹ dạy thì con xin vâng lời. Nhưng từ nay con thề rằng không thể kết thân với bất cứ người bạn nào, để sau này khỏi ân hận. Mỗi tối, con sẽ tiếp một người khách lạ. Người đó không sống ở thành Bá Đa này. Con sẽ mời họ ăn bữa cơm tối và ngủ lại một đêm. Nhưng sáng hôm sau, người đó sẽ ra đi và sẽ không bao giờ con gặp lại nữa.

Bà mẹ thấy Thanh Lam cương quyết như vậy thì gật đầu ưng thuận.

Kể từ hôm ấy, mẹ Thanh lam luôn luôn để dành phần ăn tối cho con tiếp khách phương xa.

Và mỗi buổi chiều, khi ánh nắng gần tắt, Thanh lam ra ngồi ở đầu cầu ngay cửa ra vào thành phố. Chàng thấy bất cứ ai trông lạ mặt từ đâu lại cũng niềm nở mời về nhà ăn cơm tối và nghỉ đỡ một đêm.

Bữa cơm được dọn ra dưới ánh đèn sáng choang tuy không sang trọng nhưng tinh khiết và ngon lành. Nhất là khách lạ sẽ được thưởng thức đủ mọi thứ rượu, không thiếu một thứ nào.

Ăn xong, Thanh Lam mời khách uống trà và nói chuyện. Thoạt đầu, chàng kể cho khách nghe về cách đối xử bạc bẽo của bạn bè. Rồi chàng chuyển qua những câu chuyện vui. Chàng có biệt tài về lối kể chuyện nên người nghe không bao giờ chán tai.

Buổi sáng hôm sau, khi khách từ giã Thanh Lam ra đi, chàng ân cần nói:

- Thưa ngài, theo lệ mà tôi đã đặt ra từ trước, tôi chỉ có thể tiếp ngài một đêm thôi. Vậy ngài vui lòng tha thứ và đừng trách tôi là đã không giữ ngài lại một đêm nữa. Kính chúc ngài thượng lộ bình an, dù tôi không biết ngài sẽ đi đâu.

Một buổi chiều kia, khi Thanh Lam đang ngồi đợi khách lạ ở đầu cầu như mọi khi thì gặp vua Đại Nguyên Hãn đi tới. Lúc đó, vua đang cải trang thành thường dân nên khó ai có thể nhận ra.

Hôm đó, vua muốn đi thăm để biết rõ sự tình dân chúng ra sao, mặc dầu ngài có bầy tôi thân tín và chân thật.

Mỗi tháng, vua Đại Nguyên Hãn cải trang đi thăm dân một lần. Ngài chịu cực khổ dấn thân vào những nơi bùn lầy nước đọng để biết rõ cuộc sống của dân, và nghe dư luận xem có gì cần sửa đổi trong việc cai trị của ngài.

Bữa đó, vua Đại Nguyên Hãn cải dạng thành người lái buôn tên Quốc Anh, đang đi tản bộ phía đầu cầu, theo sau ngài là một tên đầy tớ khỏe mạnh.

Thanh Lam tưởng vua cũng như mọi người lái buôn bình thường khác mới từ xa tới, liền đứng dậy cúi đầu chào rồi nói:

- Kính chào ngài, tôi trân trọng kính mời ngài ghé qua tệ xá của tôi nghỉ đỡ một đêm cho bớt mệt nhọc. Chúng tôi lấy làm hân hoan nếu ngài chấp nhận lời mời.

Và sợ khách từ chối vì bỡ ngỡ không hiểu rõ căn nguyên, Thanh Lam bèn kể lại các lệ mà chàng đặt ra để tiếp khách lạ một đêm, và chỉ một đêm thôi.

Vua Đại Nguyên Hãn thấy người lạ nói vậy thì ngạc nhiên và tò mò, liền theo gót Thanh Lam ra về.

Vì Thanh Lam không biết Quốc Anh là vua Đại Nguyên Hãn cải dạng nên cười nói tự nhiên và coi khách ngang hàng với mình như trong giới bạn bè.

Về tới nhà, Thanh Lam mời khách ngồi chơi rồi xuống bếp hối mẹ làm cơm.

Bữa ăn được dọn ra bàn, gồm ba món đặc biệt : vịt tiềm, gà quay, chim rán. Mẹ Thanh Lam vốn rất giỏi về gia chánh nên bà làm món ăn rất ngon miệng.

Thanh Lam trịnh trọng mời khách lạ:

- Xin mời ngài vui lòng dùng bữa, nâng chén mừng cuộc hội ngộ của chúng ta hôm nay và đàm luận thế sự.

Khách ngồi ăn vui vẻ. và theo thông lệ, Thanh Lam lại kể chuyện bạc bẽo của bạn bè.

Rồi chàng nâng chén mời khách dùng thêm rượu và chuyển câu chuyện sang khôi hài.

Bữa ăn đó thật đặc biệt vì tính tình ưa chọc cười của Thanh Lam và tâm sự muốn mua vui của vua Đại Nguyên hãn làm cho cuộc đàm luận mỗi lúc một hào hứng.

Rồi đến lúc bưng đồ tráng miệng lên, toàn là những trái cây tươi mát, ngon ngọt.

Đến lúc trời tối, đám gia nhân thắp đèn sáng trưng khắp nhà. Cuộc vui lúc đó vẫn chưa vãn, Thanh Lam còn gọi bưng rượu lên để thết khách.

Chàng nói:

- Ngài thử nghĩ xem, ở đời này nếu kẻ nào không biết uống rượu thì ngu xuẩn như con bò. Nhưng ai ngu kệ ai, chúng ta hãy nâng chén vui buổi hội ngộ đêm nay. Nếu có say ta mới tìm thấy cái hứng bất ngờ, và mơ màng thoát tục…

Vua Đại Nguyên hãn cũng cười nói vui vẻ. Ngài đáp lời chủ nhân:

- Ông bạn là người tốt nhất trên đời, đã dùng tình thân mà tiếp một người khách lạ như tôi.

Tức thì Thanh Lam rót tiếp chén rượu khác thù tạc cùng nhà vua và nói:

- Ngài hãy tiếp tục nâng chén đi. Chúng ta cần phải say để nhìn thấy thế thái nhân tình.

Vua tuy chưa say nhưng cũng cười giả lả và nói:

- Đúng vậy thay, tôi cũng muốn say đêm nay để tìm thấy con người thực của mình ra sao.

Vua muốn khuyến khích Thanh lam uống say để ngài dò hỏi về đời tư và tâm sự bí ẩn của chàng.

Rồi chén nọ tiếp chén kia, Thanh Lam trong cơn say bí tỉ đã thổ lộ hết gia thế của chàng và những u uẩn buồn phiền.

Nghe xong, vua Đại Nguyên Hãn ân cần nói:

- Câu chuyện ông bạn thuật vừa rồi làm tôi xúc động về đức tánh tốt của ông bạn. Ngày mai tôi sẽ từ giã ông bạn để lên đường. Nhưng nếu cần tôi giúp đỡ điều gì, xin ông bạn cứ tự nhiên nói ra. Tôi sẽ cố gắng giúp dù tôi chỉ là anh lái buôn tầm thường.

Thanh Lam nói:

- Tôi cám ơn ngài đã tới dự bữa cơm đạm bạc này và cùng nhau đàm luận bên ly rượu nhạt. Còn về cuộc sống của tôi, xét ra không có gì cần phải nhờ vả ai cả. Tôi muốn sống trong cuộc sống thanh thản không bận rộn và chẳng có ước vọng, đó là điều quan trọng nhất mà tôi cần giữ.

Rồi Thanh Lam ngừng nói, nhíu lông mày tỏ vẻ bất mãn và nói tiếp:

- Tuy vậy, tôi vẫn bị những cảnh ngoài đời làm rắc rối đời sống riêng tư, làm tâm hồn ít khi được thanh thản.

Vua Đại Nguyên Hãn muốn thông cảm hơn tình cảnh của chàng chủ nhân nên hỏi:

- Ông bạn có thể cho tôi biết rõ hơn được không?

Thanh Lam buồn rầu nói:

- Đáng lẽ tôi không nói ra, vì như vậy là kể xấu người khác. Nhưng hôm nay tôi không dừng được nên phải nói để ngài rõ là ở kinh thành Bá Đa này có bốn nhà thờ và chia làm bốn khu. Có một vị tu sĩ già ngày đêm đọc kinh cầu nguyện. Nhưng có một điều tệ hại là hắn liên kết với bốn lão già bên cạnh nhà tôi, rồi ngày nào cũng họp nhau lại để bàn luận và phê bình về những người khác. Tôi thấy họ là kẻ tu hành mà nói chuyện ngoài đời có tính cách chê bai, bới móc và tò mò nên mỗi khi nghe thấy tôi khổ tâm lắm. Như vậy đối với giáo lý, họ đã làm trái lẽ đạo.

Nhà vua dò hỏi:

- Ông bạn có cách nào để cảnh cáo họ không?

Thanh Lam sốt sắng trả lời:

- Tôi muốn làm vua thay đức vua Đại Nguyên hãn một ngày, để trị tội bọn chúng cho chừa thói hư, nết xấu đó đi, kẻo họ làm gương xấu cho kẻ ngoại đạo.

Vua lại hỏi:

- Nhưng ông bạn định trừng phạt chúng bằng cách nào, nếu ông bạn được thay thế vua Đại Nguyên hãn?

Thanh Lam nhắm mắt lại, mơ màng nói:

- Nếu được vậy tôi sẽ ra lệnh trói bốn lão già kia lại, rồi đánh cho mỗi lão một trăm roi. Sau đó, đánh tới vị tu sĩ kia bốn trăm roi để răn dạy cho kẻ khác khỏi noi gương xấu.

Vua Đại Nguyên hãn đang ngồi nghe ước muốn của Thanh Lam, bỗng chợt nẩy ra một sáng kiến hay hay. Ngài mỉm cười nói:

- Nghe ông bạn kể ước muốn đó ra làm tôi cũng thấy vui sướng trong lòng. Nếu vua Đại Nguyên Hãn mà nghe được chắc ngài sẽ vui vẻ nhường ngôi cho ông bạn hai mươi bốn tiếng đồng hồ để ông bạn toàn quyền xử tội bọn tu hành kia. Tôi cầu chúc ông bạn được toại nguyện.

Thanh Lam nhún vai tỏ vẻ thất vọng, nói:

- Đó là tôi nói trong lúc vui chuyện với ngài, chớ đời nào lại có chuyện lạ đó. Nếu mà tới tai đức vua Đại Nguyên Hãn thì tôi sẽ mang tội khi quân. Tôi chỉ ước rằng đức vua biết rõ chuyện này mà ra lệnh trừng phạt họ thì cũng là thỏa nguyện lắm rồi.

Vua vẫn mỉm cười nói:

- Tôi chắc rằng vua nghe thấy chuyện này cũng không trừng phạt ông bạn đâu. Nhưng thôi, đêm đã khuya, chúng ta đi nghỉ chứ?

Thanh Lam vội vàng nói:

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét