Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

CHÚT THOÁNG DÂN GIAN_TRƯƠNG CHI



Trương Chi - Tranh : Trần văn Thọ

Dẫu cuộc đời vô thường, tình yêu và nghệ thuật là không thể mất



Mị Nương say mê tiếng hát Trương Chi, tiếng hát dẫn đến tình yêu, nhưng thực tế cuộc đời mạnh hơn lòng yêu nghệ thuật, hơn cả khát vọng lứa đôi. Con người “hát thì thậm hay” vừa nghèo khó, khố rách áo ôm mà lại “người thì thậm xấu” thì không thể có một lĩnh vực nào của nghệ thuật có thể bù đắp, cứu chữa được.

Mị Nương dù có say mê tiếng đàn câu hát cũng không thể lấy một người như Trương Chi. Dân gian rất thực tế, nhưng cũng rất hữu ý, không để cho Trương Chi có một vẻ bề ngoài hấp dẫn. Nếu Mị Nương khước từ một Trương Chi vừa hát hay, vừa đẹp mã, nghĩa là một Trương Chi hoàn thiện cả về nội dung – tiếng hát, vừa về hình thức – vẻ đẹp bên ngoài thì cô ta chỉ là một nhi nữ thường tình, chẳng có gì đáng nói ngoài mơ ước có được đức lang quân môn đăng hộ đối. Sự tỉnh ngộ của Mị Nương còn có thể hiểu như ước mơ bị gãy cánh, như sự va chạm phũ phàng giữa hiện thực và khát vọng con người. Đương nhiên mâu thuẫn xã hội, sự chênh lệch, cái hố sâu thẳm giữa Mị Nương quyền quí cao sang và Trương Chi dưới đáy xã hội là không gì có thể san bằng được. Đó là mặt xã hội của vấn đề. Nhưng không kém quan trọng là mặt con người và chính mặt này làm nên chất nhân bản, chất văn học của câu chuyện. Nghệ thuật vốn tuyệt đối, và tình yêu cũng tuyệt đối như nhau. Nghệ thuật bị cắt rời tình yêu trở thành vô nghĩa : nghĩa là Trương Chi phải chết. Cái chết của Trương Chi là một tiếng kêu than cho số phận của nghệ thuật, của tình yêu. Trái tim của Trương Chi biến thành khối ngọc được đem tạc thành chén, rót nước vào thấy long lanh hình ảnh người dân chài trong đó. Cầm chén uống, Mị Nương nhớ lại chuyện xưa, nước mắt nhỏ xuống thì hình ảnh ấy cũng tan đi theo mối oan tình.

Lỗi không ở riêng ai : Ở Mị Nương vì đã không đi đến tận cùng đam mê cao quí của mình. Ở Trương Chi vì không được trời phú cho cái hình hài tương xứng với tài năng và tâm hồn của mình. Mà lỗi ở cái không hoàn thiện của cuộc đời, của chính thân phận con người.

Giọt nước mắt của Mị Nương có ý nghĩa gì? Nhỏ lên kẻ đã vì mình mà phải thiệt mạng, như thoạt đầu ta có thể nghĩ? Nhưng Mị Nương có hay biết gì về nguyên nhân cái chết của Trương Chi đâu? Mị Nương khóc cho số phận của Trương Chi, cũng là khóc thương cho số phận của tiếng hát, cho cái đẹp đã bị đánh mất trên đời, khóc thương cho cái dở dang, bất cập của chính mình đã tự đánh mất cái phần trong sáng, tốt đẹp nhất của tâm hồn mình.

Ai đó có thể đổ tất cả trách nhiệm về cái chết của Trương Chi cho Mị Nương, nên không bằng lòng nói cái kết thúc “ban ơn”, “xoa dịu” xóa nhòa mọi ranh giới kia? Nhưng biết đâu như thế là nhân danh Trương Chi mà phản lại Trương Chi? Điều không thể chối cãi là khó có cái kết thúc nào hay hơn, sáng tạo hơn, phù hợp với qui luật của cái đẹp hơn, mà chỉ có thiên tài, trí tuệ  và tấm lòng của dân gian mới nghĩ ra được.

Nước mắt của Mị Nương nhỏ tới thì hình ảnh của Trương Chi cũng tàn. Tan theo nhưng còn lại mãi. Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan : nghệ thuật, tình yêu là không thể mất, bất chấp cuộc đời vô thường, dẫu lỗi lầm khiếm khuyết.


GS LÊ ĐÌNH KỴ   

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét