- Công chúa yêu dấu, việc
nàng kể làm trẫm cảm thấy ly kỳ lắm. Trẫm không còn gì sung sướng hơn là được
ấp ủ mối tình. Vậy kể từ nay khanh đừng nghĩ và cho mình là kẻ nô vong, mà hãy
tự hào là một vị hoàng hậu của xứ Ba Tư cường mạnh. Trẫm nguyện yêu khanh cho
đến chết.
Công chúa thủy vương đáp:
- Tâu thánh thượng, thần
thiếp đã rõ lòng bệ hạ rồi.
Nhà vua lại nói tiếp:
- Thôi bây giờ khanh hãy kể
lại cho trẫm nghe chuyện nơi Thủy quốc. Trẫm đã từng nghe người ta nói về người
dưới biển, nhưng trẫm không tin. Trẫm cho là chuyện hoang đường. Vì xuống dưới
nước trong giây phút, người ta chết ngộp thì làm sao mà có thể sống đời kiếp
được ở dưới đó.
Công chúa Thủy vương nói:
- Tâu bệ hạ, ở dưới nước đối
với người thủy tộc không có hại gì cả. Chúng tôi có thể sống trong nước và đi
lại như những người ở trên mặt đất. Vầng kim ô vẫn hàng ngày soi sáng xuống tận
đáy biển. Ánh trăng sáng tỏ và lung linh trên mặt biển in trên nền trời xanh
thẳm đêm đêm. Biển rộng hơn đất liền, dưới đó chúng tôi cũng chia ra từng tiểu
quốc. Mỗi tiểu quốc có một vị đại đế ngự trị, dân cư nhộn nhịp, kinh thành
tráng lệ, phố xá tưng bừng không khác gì trên bộ. Mỗi dân tộc có một phong tục,
ngôn ngữ khác hẳn nhau. Riêng về xứ sở của thiếp thì chữ viết dựa theo dấu chữ
khắc trên ấn của đức Sa-Lô-Mông, đấng tiên tri của con vua Đa-Vít.
Vua Ba Tư ngồi chăm chú
nghe. Công chúa Hải Đường vẫn tiếp tục:
- Tâu hoàng thượng, xứ của
thần thiếp gọi là xứ Đại Miên. Cũng như các đế quốc khác dưới thủy cung, dân cư
đông đúc gấp mấy lần các đế quốc khác trên thế gian, còn cung điện thì không có
cung điện nào trên mặt đất có thể sánh kịp. Toàn thể trần thiết bằng ngọc thủy
tinh, cột kèo bằng san hô, cẩm thạch, ngói lợp bằng vàng, xà cừ, đồ trang trí
toàn bằng ngọc bích, kim cương. Những vật ấy không phải là hiếm hoi ở dưới
biển. Có nhiều nơi mọc từng dãy núi vàng, núi bạc, núi ngọc đủ màu sắc, đủ
loại. Đó là chưa kể những thứ ngọc trai hằng hà sa số ít ai dùng đến. về ban
đêm, những thứ ngọc ấy phản chiếu ánh sáng như ban ngày. Vì vậy, chúng tôi đã
dùng những viên ngọc khổng lồ để làm đèn vì nó chứa đủ màu sắc…
Công chúa Hải Đường kể đến
đây, vua Ba Tư bỗng hỏi:
- Vậy chứ các giống tôm cá
thì sao?
Công chúa đáp:
- Tâu bệ hạ, những giống ấy
cũng như súc vật trên mặt đấty : có giống nuôi trong nhà, có giống sống tự do
ngoài rừng núi.
Nhà vua ngắt lời:
- Vậy chứ dưới biển cũng có
núi rừng sao?
- Cũng có cây đủ loại sống
trong rừng và có nhiều thú như trên cạn.
Đức vua lại hỏi:
- Nhưng trẫm vẫn còn thắc
mắc là đường đi có dùng đến ngựa xe chăng?
Công chúa mỉm cười đáp:
- Tâu hoàng thượng, công
việc giao thông ở trong nước đối với chúng tôi rất là lẹ làng, không phải cầu
kỳ. Dù xa đến đâu cũng chỉ đi một lúc là đến nơi. Vì vậy, không bao giờ chúng
tôi dùng xe cộ. Nhưng các bậc đế vương thường mua những giống hải mã về luyện
tập cho thuần thục dùng để kéo xe đi du lịch trong thành phố. Các bậc đế vương
còn dùng hải mã để kéo xe đi kinh lý. Xe này làm bằng ngọc xà cừ, khảm minh
châu, bánh bằng vàng, gọng bằng ngọc, không có mui. Vua ngồi lên xe có quân
lính chung quanh theo quạt hầu. Nhưng xe này chỉ dùng những khi đi kinh lý
trong thành phố, còn nếu đi xa như mọi người thì không cần dùng chi cả.
Vua lại hỏi:
- Còn những cái gì lạ nữa,
ái khanh hãy nói cho trẫm biết?
Công chúa Hải Đường tâu:
- Tâu hoàng thượng, nếu kể
ra nữa thì còn muôn vạn điều lạ. Nhưng thần thiếp hứa sẽ lần lượt kể cho bệ hạ
rõ. Bây giờ, vì xa cách lâu ngày, cúi xin bệ hạ cho thiếp được mời mẫu hậu và
hoàng huynh của thiếp tới đây, trước là để thăm viếng, sau là để xóa những hiềm
khích ngày xưa.
Nhà vua hớn hở đáp:
- Ái khanh ơi! Cung điện này
là của khanh, vậy khanh cứ tự do làm theo ý muốn. Trẫm sẽ tiếp đón quí khách trọng
thể theo nghi lễ Ba Tư. Vậy khanh có cần trẫm giúp đỡ chi không?
Công chúa Hải Đường cảm
động:
- Thần thiếp muôn vàn đội ơn
thánh thể, nhưng thiếp tự nghĩ như vậy là đủ lắm rồi. Bây giờ xin bệ hạ sang
phòng bên cạnh, vì một lát nữa đây, mẫu hậu và hoàng huynh thiếp sẽ đến.
Vua nghe lời bước ra khỏi
cung điện. Công chúa truyền bọn tỳ nữ mang chiếc lư vàng và mấy cục than đỏ
đến. Rồi nàng đuổi hết chúng ra ngoài, tự tay lấy nắp hộp nhỏ, đổ hai miếng
trầm vào lư. Khi ngửi thấy mùi trầm, khói hương đã bắt đầu nghi ngút, nàng lẩm
bẩm mấy câu thần chú. Rồi bỗng dưng biển cả sóng dậy, bọt nổi lên trắng xóa.
Một lát sau, mặt biển nứt làm đôi và xuất hiện một thanh niên ăn mặc uy nghi,
thân hình cường tráng, với đôi mắt sáng, bộ râu mầu rong biển.
Tiếp đến là một bà già ăn
mặc theo nghi lễ triều đình, theo sau có năm nàng tùy nữ nhan sắc tuyệt trần.
Đấy là hoàng thái hậu và vua
Nam
Khê, cùng năm vị công nương của thủy quốc.
Mọi người đều lướt sóng nhẹ
nhàng như nương mây, lướt gió.
Đến trước mặt thành, họ bơi
vào cửa cung như những người có cánh vậy.
Thoạt gặp nhau, mẹ con, anh
em ôm choàng lấy nhau, vừa khóc vừa kể lể. Người mẹ nói:
- Con ơi! Mấy năm trời cách
biệt, nỗi nhớ nhung chồng chất không nguôi. Ngày con ra đi mẹ hối hận nhiều vì
đã làm con buồn ý. Nhưng, Hải Đường con ơi! Quyết ý của anh con không ngoài mục
đích mong cho con được một cuộc sống êm đềm và hạnh phúc.Nếu con không bằng
lòng thì thôi, sao con lại bỏ đi như vậy? Thôi thì chuyện xưa bây giờ gác lại,
con khá kể cho mẹ nghe rõ hoàn cảnh của con trong khi xa cách mấy năm trời.
Công chúa Hải Đường giọt
châu lã chã, hôn lấy tay mẹ rồi nói:
- Mẫu hậu ơi! Con đã đắc tội
nhiều cùng mẫu hậu và hoàng huynh, xin người hãy tha thứ. Ở đời có câu : chạy
trời không khỏi số. Con đã không tuân lời hoàng huynh, cố tránh lấy chồng mặt
đất, nhưng trớ trêu thay, số mệnh đã buộc con vào…
Rồi công chúa Hải Đường lần
lượt kể lại từ lúc nương tựa trên đảo Thủy Tiên cho đến khi gặp nhà vua đức độ
của xứ Ba Tư, không quên ca ngợi những đức tính cao quý của nhà vua suốt mấy
năm trời chung sống.
Hoàng thái hậu cùng vua Nam
Khê nghe xong cùng bồi hồi cảm động.
Công chúa Hải Đường truyền
cho bọn thị nữ dọn tiệc thết đãi. Khi tiệc dọn xong, tất cả cùng ngồi vào bàn,
kể cả năm vị công nương.
Nhưng bỗng nhiên, cả bảy người cùng đứng dậy,
nét mặt từ từ đỏ ửng. Rồi khi họ ngồi xuống thì mắt, mũi, miệng đều phun ra
những ngọn lửa.
Vua Ba Tư đang nấp ở phòng
bên, trông thấy thế sợ quá chưa biết tính sao thì bỗng cửa phòng bật mở và công
chúa Hải Đường bước vào quì xuống tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, để bệ hạ
chờ đợi, thần thiếp muôn vàn đắc tội.
Nhà vua cầm tay công chúa,
nói:
- Không có chi, ái khanh cứ
bình thân.
Công chúa cảm động:
- Tâu bệ hạ, bệ hạ đã ban ơn
cho thế này, thiếp chẳng biết lấy gì đền đáp.
Nhà vua nói:
- Ái khanh đừng nói thế.
Chính trẫm mới phải mang ơn ái khanh.
- Muôn tâu bệ hạ, bây giờ
thì xin bệ hạ qua đây, mẫu hậu và hoàng huynh đang chờ được ra mắt bệ hạ.
Nhà vua ngần ngừ đáp:
- Khanh ơi! Trẫm nói thế này
mong khanh đừng giận. Từ trước đến giờ chưa bao giờ trẫm trái ý khanh. Nhưng
những ngọn lửa nơi miệng, mắt của các quốc khách thủy cung làm trẫm khiếp hãi
vô cùng.
Công chúa Hải Đường phì
cười:
- Tâu bệ hạ, bệ hạ đừng lo.
Những ngọn lửa ấy không có gì đáng ngại. Bởi vì mẫu hậu và hoàng huynh vào cung
cấm của một đức vua nhân đức như bệ hạ mà chưa được phép, nên tự cho đó đó là
một điều xấu hổ. Đối với người thủy quốc, những ngọn lửa ấy là biểu hiện cho sự
ngượng ngập, e ấp mà thôi.
Vua lại hỏi:
- Ngày trước trẫm nghe ái
khanh nói rằng xứ Đại Miên của hoàng huynh bị chiếm, vậy bây giờ ra sao?
- Tâu bệ hạ, hoàng huynh
thiếp đã thu hồi được giang san, đang có ý định đưa thiếp về nước viếng thăm..
Nhà vua sợ hãi:
- Thôi khanh, trẫm không thể
nào sống xa ái khanh được!
Công chúa Hải Đường âu yếm:
- Tâu bệ hạ, bây giờ thiếp
đang thai nghén, lại là vợ của bệ hạ, thiếp không bao giờ dám làm phật ý bệ hạ.
Nhà vua vui mừng cầm tay
công chúa Hải Đường bước sang cung dự tiệc.
Hoàng thái hậu, vua Nam
Khê cùng các cung nương đều quỳ xuống đất. Vua vội vã đỡ từng người dậy và vui
mừng đáp lễ.
Mọi người đều hoan hỉ. Bữa tiệc
thâm tình tưng bừng kéo dài đến khuya mới tan. Trước khi chia tay, nhà vua còn
dẫn hoàng thái hậu, vua Nam
Khê và năm vị công nương đi dạo qua xem thung thổ đất liền. Rồi hẹn đến kỳ công
chúa lâm bồn sẽ thăm viếng.
Thấm thoát…
Chẳng bao lâu, công chúa hạ
sinh được một vị hoàng tử giữa sự sung sướng reo hò của toàn dân.
Đức vua càng mãn nguyện hơn
khi thấy hoàng tử khôi ngô tuấn tú, diện mạo thông minh. Ngài bèn đặt tên cho
con là Đại Cường Miên.
Vua lại truyền xuất thóc gạo
và thực phẩm trong kho phát cho dân chúng, đồng thời thả các tội phạm và nô lệ
về xứ sở.
Dân chúng kinh đô được mở
tiệc đãi đằng hết ngày này sang ngày khác.
Đã đầy một năm sau ngày
hoàng hậu Hải Đường sinh nở, hoàng thái hậu và vua Nam Khê đến thăm.
Vua Ba Tư tiếp đón rất niềm
nở. Khi mọi người đang vui vẻ thì người bảo mẫu bồng hoàng tử Đại Cường Miên
ra.
Vua Nam Khê vội đứng lên bồng cháu, đi
lại trong phòng. Bỗng cửa sổ mở, gió bể thổi vào lồng lộng. Rồi đột nhiên vua Nam
Khê ôm cháu nhảy qua cửa sổ lao xuống biển biến mất.
Mặt vua Ba Tư tái đi. Ngài
cho là hoàng tử Đại Cường Miên đã bị chết ngộp rồi nên rú lên thất thanh:
- Trời ôi! Con của tôi chết
rồi!!!
Hoàng hậu Hải Đường vội giải
thích:
- Xin bệ hạ đừng lo, hoàng
tử là con bệ hạ, cũng là con của thần thiếp. Không lẽ bệ hạ quý mà thiếp không
thương sao? Không hề gì, một lát nữa đây cả hai sẽ trở về vô sự.
Hoàng thái hậu và các vị
công nương cũng trấn an nhà vua. Nhưng vua Ba Tư không còn lòng dạ nào nữa,
nước mắt ngài thi nhau chảy dầm dề ướt cả hai vạt áo bào.
Một lúc sau, mặt biển lại
nổi sóng. Vua Nam
Khê nổi lên, tay bồng hoàng tử Đại Cường Miên bay vào cửa sổ.
Nhà vua nhìn thấy hoàng tử
bình an mới thở phào nhẹ nhõm.
Vua nói:
- Hoàng huynh ơi! Hoàng
huynh làm trò gì khiến trẫm lo sợ thế?
Vua Nam Khê mỉm cười:
- Đó là tôi luyện cho cháu.
Vì hoàng tử là mối liên kết giữa bệ hạ và công chúa Hải Đường, nên trong người
hoàng tử có hai dòng máu và những bản lĩnh khác thường. Hoàng tử có thể sống
dưới nước được, ngài đừng lo. Trước khi đem hoàng tử xuống nước, tôi đã niệm
thần chú nhờ đức Sa-Lô-Mông hộ trợ. Kể từ bây giờ, hoàng tử sẽ được tự do đi
lại khắp đại dương.
Rồi vua Nam Khê trao hoàng tử cho người bảo
mẫu và rút trong túi ra một chiếc hộp nhỏ bằng xà cừ đặt lên bàn.
Chiếc hộp vừa được mở nắp
thì bên trong, muôn vạn ánh hào quang chói sáng ngập cả hoàng cung.
Vua Nam Khê sắp các món bảo vật theo
thứ tự, như sau:
- Ba trăm viên kim cương lớn
bằng quả táo, ba trăm viên hồng ngọc, mỗi viên lớn bằng quả trứng vịt, ba chục
xâu chuỗi ngọc trai, mỗi xâu gồm có mười hạt lớn như quả táo, ba trăm viên ngọc
bích, mỗi viên to bằng nắm tay.
Thấy chiếc hộp nhỏ đựng
nhiều vật quá, món nào cũng quí giá chưa từng có, nhà vua cho là lạ, chưa kịp
nói thì vua Nam
Khê đã thành kính tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, vì được
lời mời quá gấp rút của bệ hạ nên không đem được lễ vật gì cho xứng đáng để
mừng. Vậy ước mong bệ hạ nhận lấy những món quà nhỏ này.
Vua Ba Tư xúc động:
- Thưa hoàng huynh, hoàng
huynh cùng hoàng thái hậu đến đây, trẫm đã mang ơn rất nhiều. Nay còn đem bảo
vật nhiều như thế này, trẫm biết lấy gì đền đáp cho xứng đáng.
Đoạn, quay sang nói với
hoàng hậu:
- Ái khanh ơi! Việc này quả
nhân thật khó giải quyết. Nếu từ chối e hoàng huynh và mẫu hậu không hài lòng.
Bằng nhận số tặng phẩm lớn lao này, trẫm thật áy náy vô cùng.
Vua Nam Khê ngắt lời:
- Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ trông
thấy kho tàng dưới biển của chúng tôi, bệ hạ sẽ cho rằng món quà nhỏ mọn này
không đáng kể. Nhưng bệ hạ đừng nghĩ đến chuyện ít nhiều, mà hãy nghĩ đến tấm
lòng thành kính của tôi đối với bệ hạ.
Không thể từ chối được, vua
Ba Tư đành nhận tặng phẩm.
Ngày hôm sau, hoàng thái hậu
và vua Nam
Khê giã từ về thủy điện.
Vua Ba Tư nói:
- Trẫm tiếc rằng không có
quyền phép để được sang quí quốc viếng thăm. Vì vậy, trẫm ước ao hoàng thái hậu
và hoàng huynh đến chơi luôn, thật lòng trẫm rất lấy làm vinh dự.
Hai bên từ biệt.
Lá rụng hoa tàn, thời gian
thấm thoát trôi…
Hoàng tử lớn lên như thổi,
tướng mạo càng phương phi lẫm liệt.
Mười lăm tuổi, chàng đã
thông thạo các môn văn hóa. Đã vậy, tính tình lại cao quí, hiếm có trong các
bậc vương tôn công tử. Dân chúng ai ai cũng kính phục.
Hai năm sau, vua Ba Tư băng
hà, hoàng tử Đại Cường Miên mới lên kế vị.
Hoàng thái hậu và vua Nam
Khê nghe tin, đến chia buồn cùng tân vương và hoàng hậu Hải Đường.
Vì thương nhớ cha, hoàng tử
Đại Cường Miên ngày đêm buồn bã, bỏ bê cả việc sách vở, quên cả việc triều
chính.
Quan tổng trấn đại thần thấy
vậy, mấy lần vào tâu:
- Tâu bệ hạ, tiên đế băng hà
thì ngài cũng đã hưởng rất nhiều lộc phước của thượng đế ban cho. Nay bệ hạ cứ
buồn rầu không lo việc nước để kế nghiệp tiên vương, đã không làm cho tiên
vương được vui lòng nơi chín suối, lại còn hại đến bản thân. Sự buồn thương đó
chỉ dành cho hạng đàn bà nhiều nước mắt. Tâu bệ hạ, tiên vương tuy mất đi nhưng
ngài vẫn sống trong lòng dân và hoàng tộc. Dám mong bệ hạ nghĩ lại.
Hoàng hậu Hải Đường cũng hết
lòng khuyên nhủ. Đại Cường Miên lúc đó mới tỉnh ngộ. Ngài bèn tắm rửa, thay đổi
y quan, lâm triều chăm lo việc nước.
Nhờ ơn thánh đế, đức vua
cũng được lòng muôn dân.
Chẳng bao lâu, ai ai cũng ca
tụng công đức của tân vương, cũng như tiên vương ngày trước.
Năm sau, vua Nam
Khê lại đến thăm. Vua Đại Cường Miên và thái hậu Hải Đường vui mừng ra tận
ngoài thành nghênh đón.
Anh em, cậu cháu hội ngộ vui
vẻ.
Sau đó là tiệc tùng suốt
ngày, rồi đàn ca múa hát thâu đêm tưởng không bao giờ dứt.
Đêm tàn, bọn nô tỳ đã đi
nghỉ, chỉ còn lại vua Nam
Khê, thái hậu và Đại Cường Miên ngồi lại để chuyện trò.
Vua Nam Khê hết lời khen ngợi vua Đại
Cường Miên cả về dung mạo lẫn tài đức.
Vua Đại Cường Miên thấy cậu
quá khen thì lấy làm bẽn lẽn. Ngài bèn ngả mình trên ghế cẩm đôn giả đò ngủ
say.
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét