Đức vua suy nghĩ giây lâu
rồi nói:
- Được, cha sẵn sàng cho con
đi với Đại Nam,
song với điều kiện : con không được ngủ đêm ở ngoài đường, vì sương gió bất
tiện.
Được phép vua cha, hoàng tử
Quách Linh lựa hai con ngựa thật tốt, rồi cùng Đại Nam lên đường. Chẳng bao lâu, người
và ngựa đã tới biên giới, ngoảnh lại thì kinh thành Đa-Lệ-Lan đã mờ dần.
Buổi tối hôm ấy, hai người
dừng chân tại quán trọ, cơm nước và nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau, họ lại tiếp
tục lên đường.
Đi đến một khu rừng rậm có
bốn ngả đường, Đại Nam
bảo hoàng tử Quách Linh đứng ngoài, còn chàng dục ngựa vào bên trong, dùng dao
rạch lấy máu ngực nhuộm đỏ chiếc áo của hoàng tử mới thay rồi xé nát đem bỏ nơi
ngả tư đường.
Thấy thế, hoàng tử Quách
Linh hỏi:
- Tại sao anh phải làm như
vậy?
Đại Nam đáp:
- Thưa hoàng tử, chiều hôm
qua, thấy chúng ta không trở về, thế nào đức vua cũng sai người đi tìm hoàng tử.
Lúc quân lính đuổi theo, thấy vậy tưởng hoàng tử bị tai nạn mà thác sẽ về tâu
với đức vua. Chúng ta sẽ được rộng cánh mà bay, không có ai đuổi nữa.
Thấy nét mặt hoàng tử không
vui, Đại Nam
nói:
- Tôi nghĩ ra kế ấy tuy hơi
nhẫn tâm thật, hoàng thượng sẽ buồn rầu đau đớn, nhưng khi hoàng tử trở về thì
nỗi vui mừng lại gấp bội.
Nghe xong, hoàng tử Quách
Linh vui vẻ nói:
- Anh thật là người đa mưu
túc trí, khó ai bì kịp.
Cả hai lại vội vã tiếp tục
hành trình.
Vì hai người có phòng thân,
mang theo ngọc ngà châu báu, nên đi đường không sợ thiếu thốn gì. Hết đường bộ
lại đến đường thủy, trải qua một thời gian vất vả, hai người đã đến kinh đô của
nước Tàu.
Đại Nam không dẫn hoàng tử về nhà mà
kiếm nhà trọ nghỉ ngơi ba bữa cho hoàn sức.
Mấy ngày sau, Đại Nam
cải trang cho hoàng tử Quách Linh thành một chiêm tinh gia. Rồi chàng trở về
thăm mẹ và mang tin đó cho công chúa Mộng Đào biết trước.
Sáng hôm sau, hoàng tử Quách
Linh theo kế của Đại Nam
đã dặn, đến trước cửa hoàng cung la lớn:
- Tôi là một chiêm tinh gia,
xin đến chữa bệnh cho công chúa Mộng Đào Nếu nàng lành bệnh, tôi lấy nàng làm
vợ, bằng không tôi xin chịu đứt đầu.
Bọn quân lính nghe nói xúm
đến xem. Thấy hoàng tử mặt mày tuấn tú, sáng sủa, dáng điệu vương giả, họ
thương hại bèn nói:
- Thôi đi nhà chiêm tinh
điên rồ kia ơi, đừng có mơ tưởng ngai vàng và sắc đẹp mà uổng cả một đời. Đã
biết bao nhiêu chiếc đầu rơi vì chuyện nực cười đó. Xin ngài hãy quay về đi!
Hoàng tử Quách Linh vẫn một
mực xin đòi vào chữa bệnh cho công chúa.
Bọn quân lính thấy vậy nghĩ
thầm:
- Chắc chàng ta đến ngày tận
số rồi, thượng đế có nhủ lòng thương cũng đã muộn.
Nghĩ rồi, họ chạy vào triều
thông báo.
Nhà vua cho đòi yết kiến.
Hoàng tử Quách Linh phủ phục
trước ngai vàng tung hô vạn tuế.
Thấy dung Mạo Quách Linh, nhà
vua đoán không phải là kẻ tầm thường, bèn cho mời ngồi và phán:
- Khanh ạ! Tuổi khanh còn
trẻ, kinh nghiệm chưa bao nhiêu. Trẫm tin chắc là khanh không tài nào chữa nổi
bệnh cho công chúa. Khanh hãy suy nghĩ kỹ và rút lui. Nếu không, đầu khanh sẽ
rơi. Chừng ấy, trẫm có muốn dung tha cho khanh cũng không được.
Hoàng tử Quách Linh tâu:
- Tâu bệ hạ, hạ thần từ muôn
dặm tới đây, nếu bất tài đâu dám phụng mạng. Xin bệ hạ cho thần được phép thăm
bệnh cho công chúa.
Nhà vua truyền hoạn quan dẫn
hoàng tử đến phòng công chúa.
Vì sắp được gặp mặt người
yêu, người đã làm cho chàng nhiều đau khổ, nên chàng đi rất mau. Viên hoạn quan
già theo không kịp, gọi lại:
- Ngài đi đâu mà vội thế,
vội để vào cõi chết ư? Trước đây đã bao nhiêu người chết như thế! Thế ngài định
chữa cho công chúa bằng cách nào?
Hoàng tử Quách Linh dừng
lại, nói với viên hoạn quan:
- Tôi chữa bệnh không cần
thuốc men gì cả. Mà tôi cũng không cần thấy mặt bệnh nhân.
Đoạn, chàng tháo chiếc nhẫn
và rút trong túi ra một mảnh giấy, viết vài câu thương yêu rồi gói chiếc nhẫn
lại, trao cho viên hoạn quan, bảo mang vào cho công chúa và nói:
- Ông cứ đưa vật nầy cho
công chúa, nàng sẽ khỏi bệnh ngay.
Hoạn quan lãnh lấy, đi vào
phòng, đến trước mặt công chúa nói:
- Thưa công nương, lại có
một chiêm tinh gia đòi đến đây chữa bệnh. Chàng ta bảo, dâng vật nầy cho công
nương, thế nào công nương cũng khỏi bệnh.
Công chúa chẳng nói chẳng
rằng mở ra xem. Vừa trông thấy chiếc nhẫn, nàng rú lên rồi xô cửa chạy ra
ngoài.
Hai bên trông thấy mặt nhau,
nỗi vui mừng không kể xiết. Họ ôm chầm lấy nhau khóc nức nở.
Qua một lúc lâu, hai người
dắt nhau vào phòng. Công chúa trả lại nhẫn cho hoàng tử và nói:
- Xin chàng hãy cầm lấy.
Chúng ta đã gặp nhau, xin nguyện cùng nhau sống trọn đời.
Viên hoạn quan từ lúc trông
thấy cảnh hai người âu yếm nhau, lấy làm kinh ngạc, bèn trở vào nói với đức
vua:
- Tâu bệ hạ, chàng chiêm tinh
này quả có tài. Chàng ta chẳng cần dụng cụ thuốc men gì, chàng chỉ viết mấy
hàng chữ đưa cho công chúa, tự nhiên công chúa khỏi bệnh.
Nhà vua nghe xong mừng rỡ,
vội cùng các quan thân hành đến nơi. Nhìn thấy con mặt tươi như hoa, không còn
bịnh hoạn gì cả, vua bèn cầm tay hoàng tử Quách Linh nói:
- Khanh đã có công cứu được
con trẫm, theo đúng lời hứa, trẫm sẽ gả công chúa cho khanh.
Hoàng tử Quách Linh quỳ mọp
xuống tạ ơn nhà vua rồi tâu:
- Tâu bệ hạ, thần không phải
là chiêm tinh gia chi hết. Thần là hoàng tử, con vua Thái Hòa Minh ở xứ
Đa-Lệ-Lan. Vì thần cảm mến đức hoàng thượng và công chúa nên đến đây.
Nói xong, chàng kể đầu đuôi
câu chuyện của mình, từ lúc ngủ tình cờ tỉnh dậy thấy công chúa Mộng Đào nằm
bên cạnh, cho đến khi chàng mắc bịnh tương tư.
Nhà vua và các quan nghe
xong, cho là câu chuyện ly kỳ huyền hoặc, không ai có thể ngờ được.
Rồi nhà vua mở tiệc ăn mừng,
làm lễ thành hôn cho công chúa và hoàng tử rất trọng thể.
Từ đó, hai vợ chồng sống
chung với nhau rất hạnh phúc.
Thời gian trôi qua, hoàng tử
Quách Linh chạnh nhớ đến vua cha và mẫu hậu, lòng buồn không thiết nói năng gì.
Công chúa Mộng Đào thấy vậy bèn hỏi lý do.
Hoàng tử buồn rầu nói:
- Nàng đâu có biết, trong
lúc chúng ta sung sướng như vầy, thì ở nơi kinh thành Đa-Lệ-Lan xa xôi, vua cha
và mẫu hậu của ta không ngày nào khô lệ. Tuổi già tóc bạc mà phải ôm sầu muộn
vì con, như thế làm sao mà ta vui được.
Công chúa nín lặng một hồi
rồi đáp:
- Nếu vậy xin chàng tâu với
phụ vương thiếp, xin cho thiếp theo chàng về kinh thành Đa-Lệ-Lan để ra mắt phụ
vương và mẫu hậu.
Hoàng tử Quách Linh nghe
vậy, lòng mừng khôn xiết. Chiều hôm ấy, chàng vào tâu với vua Đại Hải:
- Tâu phụ hoàng, con ở đây
cũng đã lâu. Chắc hẳn nơi quê nhà phụ vương con cũng sầu thảm, mong nhớ. Vậy
xin phụ hoàng cho phép vợ chồng con được trở về thăm viếng ít lâu.
Nghe lời hoàng tử cầu xin
tha thiết, vua Đại Hải tuy không muốn xa con, nhưng không nỡ từ chối, bèn
truyền sắm sửa hành trang cho đôi vợ chồng trở về thăm nhà.
Ngày bên nhau vui vẻ bao
nhiêu thì ngày chia tay càng bịn rịn bấy nhiêu. Hoàng tử và công chúa lên đường
trước những giọt lệ thương nhớ của vua Đại Hải.
Vua cha cầm tay công chúa,
thương cảm nói:
- Con ơi, cha không bao giờ
muốn xa con, nhưng vì bổn phận con, cha đành phải để con đi. Vậy con đi mau về
cho cha bớt sầu nhớ.
Vui buồn lẫn lộn, không thốt
nên lời, công chúa Mộng Đào cúi đầu giã biệt vua cha.
Ròng rã hơn một tháng trời,
vợ chồng hoàng tử mới đến một khu rừng thưa. Ở đó rải rác những thân cây cao
vút tỏa bóng mát mẻ, dưới đất mặt cỏ xanh rờn một mầu. Người và ngựa cùng mệt,
hoàng tử truyền cắm trại trên đám cỏ nghỉ ngơi.
Vì xa nhà lâu ngày, đêm ấy
hoàng tử Quách Linh không ngủ được, lòng thấy thấp thỏm, bèn bước ra bờ suối
ngồi hóng gió. Bên trong trại im lìm. Bọn tùy nữ và đoàn tùy tùng ngủ say như
chết. Chàng đoán là công chúa Mộng Đào cũng ngủ mê mệt.
Mãi đến nửa đêm, chàng mới
trở về. Lạ lùng thay, chàng không thấy công chúa Mộng Đào đâu cả.
Tưởng công chúa cũng buồn
nên đi chơi thơ thẩn, chàng chờ mãi, hết ra lại vào, nhưng cũng không thấy công
chúa Mộng Đào trở về.
Quá sợ hãi, chàng gọi bọn
tùy nữ dậy, hỏi, đứa nào cũng không biết. Chàng truyền lệnh cho bọn tùy tùng
phân nhau đi kiếm khắp nơi.
Tìm kiếm hết đêm, đến sáng
cũng không thấy, hoàng tử Quách linh đau đớn đêm nào cũng ra bờ suối khóc buồn
bã. Đêm nay, chàng đang ngồi khóc thì bỗng có một bà lão chống gậy tre bước
đến, đưa cho chàng một chiếc nhẫn, rồi nói:
- Chiếc nhẫn này có phải của
ngài không?
Hoàng tử nhìn qua, nhận ra
chiếc nhẫn của mình đã tặng công chúa Mộng Đào, kinh ngạc hỏi:
- Bà đã tìm thấy chiếc nhẫn
này ở đâu?
Bà lão không đáp, hỏi lại:
- Ngài có muốn gặp người có
chiếc nhẫn này không?
- Tôi van bà, bà hãy chỉ
giùm tôi hiện nay nàng ở đâu. Tôi đang đau đớn vì xa cách nàng.
Bà lão mỉm cười chậm rãi
nói:
- Nhưng hiện giờ nàng đang ở
một nơi xa lắm, ngài có đủ can đảm đến đó không?
Hoàng tử Quách linh nói:
- Nếu biết được nàng đang ở
đâu bây giờ, dù vượt biển băng ngàn, tôi cũng đến.
Bà lão gật đầu nói:
- Nếu thế thì mời ngài sang
Phi Châu, chờ tôi ở vịnh Hoàng Sa.
Hoàng tử Quách Linh hét to:
- Này, bà là ai mà đem lời
dối gạt tôi như vậy? Công chúa Mộng Đào vừa ở đây với tôi cách đây mấy hôm. Tại
sao bây giờ nàng lại có thể đến một nơi xa xôi vạn dặm như vậy?
Bà lão cười bí mật, tiếp:
- Bây giờ chưa tới lúc ngài
hỏi tôi như vậy. Điều mà tôi muốn biết là ngài có muốn được gặp vợ ngài không?
Có đủ can đảm sang Phi Châu không?
Không nén được tức giận,
hoàng tử nói:
- Bà là ai? Bà phải nói cho
tôi biết, nếu không, tôi không dung tha bà.
Bà lão vẫn cười vang, nói:
- Đã không có thiện chí đi
tìm người yêu, còn bất mãn với kẻ định giúp mình sao?
Hoàng tử ngơ ngác trước câu
nói của bà lão. Chàng hỏi:
- Quả thật bà định giúp tôi
sao? Nhưng ít ra bà cũng phải cho tôi biết quý danh của bà chứ?
Bà lão đáp:
- Thì ngài cứ đến đó sẽ rõ.
Đoạn, bà ta đưa cho chàng
hai bức thư và dặn tiếp:
- Đây là thư tôi đã giới
thiệu ngài với hai người bà con của tôi. Một người ở bờ suối Ánh Quang tên là
Bách Tiến, còn một người ở chân núi Phong Linh tên là Thụy An. Cả hai người đó
có thể giúp ngài trong cuộc hành trình nguy hiểm đó.
Nói rồi, bà lão cúi chào
hoàng tử và quay lưng đi thẳng.
Hoàng tử Quách Linh liền cất
hai phong thư cùng chiếc nhẫn vào túi. Sau đó, chàng trở về trại với dáng điệu
bơ phờ.
Ngay sáng hôm sau, hoàng tử
ra lệnh cho đoàn tùy tùng trở lại kinh đô vua Đại Hải. Còn hoàng tử một mình
thay đổi y phục, cải dạng thành một thương gia, lên ngựa dong ruổi tới Yên Kha.
Sau nửa tháng ngày đi đêm
nghỉ, hoàng tử tới bên bờ suối Ánh Quang. Ở đây cây cối um tùm, cây mơ, cây mận
cành lá xum xuê.
Chung quanh bờ suối có những tảng đá lớn dựng san sát và
phủ một lớp rêu xanh ngắt.
Hoàng tử lần theo mấy cây mơ
để tới một động đá. Chàng bỗng thấy một thằng bé đầu chít khăn có hai quả đào.
Hoàng tử đến bên nó và hỏi:
- Em ơi, em làm ơn mách giúp
ta nhà của ông Bách Tiến ở đâu?
Thằng bé nhìn hoàng tử Quách
Linh rồi hỏi lại:
- Có phải ngài là hoàng tử
Quách Linh không?
Hoàng tử sửng sốt giây lâu,
thằng bé đã nói tiếp:
- Nếu phải thì xin mời ngài
vào. Sư phụ tôi chờ ngài đã lâu.
Hoàng tử Quách Linh bỡ ngỡ
buộc ngựa vào một gốc cây, rồi theo đứa bé vào trong động.
Chàng ngạc nhiên làm sao khi
vừa bước chân vào thì tảng đá từ từ khép kín lại.
Đi vào trong, chàng thấy
toàn là những châu báu ngọc ngà sáng chói. Đi tới đâu cũng văng vẳng tiếng nhạc
nghe ríu rít. Chàng hỏi đứa bé:
- Em này, sao lại có tiếng
nhạc lạ lùng như vậy?
Đứa bé mỉm cười:
- Đó là tiếng suối Ánh Quang
reo đấy ông ạ!
Hoàng tử lấy làm sửng sốt vì
từ thuở bé sống trong cung cấm, chàng có bao giờ được ngắm nhìn những kỳ quan ở
chốn núi rừng đâu. Chàng có cảm giác như mình đang sống cách xa cõi tục.
Giữa lúc đang băn khoăn nghĩ
ngợi thì hai người đã ra khỏi động, đến một khu vườn cực kỳ lộng lẫy. Toàn là
những hoa thơm cỏ lạ mà Quách Linh chưa từng thấy. Những bông cúc mầu tím,
hồng, xanh, đỏ, những sắc hoa huyền ảo, thay đổi dưới ánh sáng lạ lùng không tả
nổi.
Trong lúc chàng đang say sưa
ngắm hoa lá, thì đứa bé chạy đến một gian nhà nhỏ ở cuối vườn, đọc một câu thần
chú. Cánh cửa hé mở chỉ đủ một người vào. Hoàng tử ngây người đứng ngoài chờ.
Một lúc lâu, đứa bé chạy ra nói:
- Thưa ngài, sư phụ tôi đang
chờ ngài.
Quách Linh bước theo đứa bé
vào một căn phòng. Không khí trong phòng có vẻ kỳ ảo, khắp phòng phảng phất một
mùi hương nhẹ nhàng thanh thoát.
Ở giữa phòng, một ông già
râu tóc bạc như cước, đang ngồi uống trà.
Hoàng tử Quách Linh đoán là
ông Bách Tiến, người mà chàng muốn gặp, nên vội quỳ xuống thủ lễ.
Đúng như lời bà già nói, đó
là đạo sĩ Bách Tiến, một vị tiên tu luyện lâu năm, còn đứa bé kia là tên tiểu
đồng giữ động.
Đạo sĩ chỉ một chiếc ghế mời
hoàng tử Quách Linh ngồi và hỏi:
- Ngài đến đây có nhờ ai
giới thiệu chăng?
Hoàng tử vội dâng bức thư
lên.
Đạo sĩ xem xong nói:
- Việc này tôi cũng có thể
giúp ngài ít nhiều. Nhưng từ đây đến đó gian nguy hiểm trở, phải nhờ đến anh
tôi ở trên núi Phong Linh mới được.
Nói xong, đạo sĩ tự tay rót
một chén nước trao cho hoàng tử Quách Linh và nói:
- Từ đây đến núi Phong Linh
phải mất nửa tháng trường. Trong thời gian đó, có thể gặp nhiều sự nguy hiểm.
Nếu ngài là người không có chí thì không đến được. Tôi xin biếu ngài một cây
thiết trượng để chống lại những loài yêu quái. Thiết trượng này có in hình Đại
Đế Sa-Lô-Mông, khiến cho ma quỷ phải kinh sợ.
Nói xong, ngài rút cây thiết
trượng trao cho hoàng tử. Chàng cúi đầu tạ ơn rồi nhận lãnh bảo vật.
Ngày hôm sau, hoàng tử từ
giã đạo sĩ lên đường với tất cả nghị lực của một kẻ đang háo hức chờ mong người
yêu.
Đi trong năm ngày, hoàng tử
được bình an vô sự.
Đến ngày thứ sáu, chàng vừa thức
dậy thì trông thấy bên cạnh hiện ra một con quái vật mặt người chân ngựa, hai
tay như hai tay gấu, móng giương ra nhọn hoắt, miệng đỏ loét như chậu máu, răng
trắng và nhọn trông rất kinh sợ.
Mới trông thấy, hoàng tử
hoảng sợ. Nhưng nhớ đến cây thiết trượng của đạo sĩ Bách Tiến, chàng lại bạo
dạn dùng tay đánh con quái vật.
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét