Im lặng và cằn cỗi giả vờ. Đến hẹn, bừng thức, đỏ hết mình rồi phụt tắt như lửa… Mỗi năm mùa hạ đến, lại chói chang trong tôi ấn tượng rực rỡ về những con đường phượng bay…
Ở
quê tôi không có phượng. Cái vùng đất trung du ấy có thể tiếp nhận mọi loài cây
trái của thiên nhiên để làm giàu có và trang trí cho mình, trừ phượng.
Chúng
tôi lớn lên dưới những tán bàng rộng rãi, hào phóng. Bóng mát tiếp nhận được,
tỏa ra trên từng trang sách, trong từng kỷ niệm bạn bè, cho đến một ngày gặp
phượng!
Nếu
chưa đúng mùa qui định, phượng tự giấu mình vào thế giới loài cây. Lá phượng
mảnh, rập rờn sóng, nhẹ nhõm vi vu một tấu khúc xa xăm. Không ai phát hiện ra
phượng có gì đặc sắc giữa ngày thường. Đúng hạn mùa, bài hát màu đỏ độc đáo
phượng rải dọc những con đường, đánh bại những đơn ca tẻ nhạt của các loài hoa
mệnh yểu. Phượng không hát từng nhánh một. Phượng không hát từng cây một. Có
một nhạc trưởng mặc áo đuôi tôm may bằng tơ trời – chính là con ve chúa đẻ ra
loài ve – đứng trên cái bục cao bên cạnh những tiên nữ trong thần thoại, đưa
chiếc đũa chỉ huy lên quá tầm cho tất cả mọi cây phượng đều trông thấy được. Và
mùa hợp tấu phượng vang lên. Ánh ỏi, lấp loáng, rực rỡ và đều khắp… Tôi từ biệt
ngôi trường làng, bước vào trường huyện trên những con đường như thế. Những con
đường phượng bay.
Sau
khi gặp phượng, tôi bắt đầu đổi khác. Phượng nói với tôi bao nhiêu tình ý bằng
ngôn ngữ mãnh liệt của màu đỏ. Rằng cậu bé ơi, cây dương liễu lá li ti kim
khâu, cây bàng lá phong phanh cánh quạt, cho cậu những ý niệm bé nhỏ và tinh
tế, hào phóng và hồn nhiên… đã hoàn toàn thuộc về quá khứ. Ta bắt đầu hé mở một
bầu trời khác bằng màu đỏ của chính ta. Ta khơi gợi ánh lửa mỗi bếp nhà. Ta lộ
ra bề ngoài khát vọng của trái tim chói ngời đam mê trong ngực trẻ.
Nghệ
thuật tạo hình của mỗi chùm hoa phượng thật là tuyệt vời. Hãy nâng lên từng
cánh mà xem, đâu có khác gì một vài loại hoa phong lan! Nhưng tại sao phượng
không được trân trọng? Vì phượng dân dã và dễ tính. Phượng nở rực rỡ suốt một
mùa, không dè sẻn. Phượng hào phóng một cách thừa thãi và phượng lâu tàn. Tôi
chưa từng thấy có ai tìm kiếm hoa phượng để làm một việc gì. Đám cưới, đám ma,
lễ Tết, giỗ chạp… không ai đụng đến phượng. Có loại bông phượng dùng để cúng,
không phải là phượng học trò. Hóa ra phượng chỉ đẹp vì tạo ra một tổng thể,
nhưng không ai quí phượng ở sự đơn chiếc, lẻ loi. Phượng hòa nhập với nền trời,
mái ngói, tạo ra cảnh sắc hùng vĩ cho một tầm nhìn.
Có
nhũng ngày đầy buồn phiền của tuổi trung niên, tôi đạp xe ra bờ sông, ngồi tựa
lưng vào một gốc cây phượng già. Cây phượng trái mùa, không còn hoa, không còn
quả, lặng im và nhẫn nhục trong một nỗi tàn tạ. Nhưng tôi biết rằng cái màu đỏ
bẫm sinh đang thầm thì trong từng thớ gỗ. Rồi những mùa hoa chói chang ánh lửa
sẽ trở về. Qua những con đường phượng bay, thoáng hiện trong hồi ức, những mái
tóc thề xõa trên vai áo trắng nữ sinh. Dòng sông trắng trôi dưới lửa phượng đã
thắp lên trong tôi ngọn nến sinh nhật tình yêu. Những mùa học thi, màu đỏ âu lo
trùm lên trang sách. Những mùa đấu tranh, phượng chia với tuổi trẻ cái hồng hào
sung sức Phù Đổng. Và những ngày làm giám khảo các kỳ thi, trong cái oi ngạt
của mùa hè thành phố, tôi cuộn tròn bài chấm trong tay, tì người nhìn xuống sân
trường từ một ô cửa sổ hình bán nguyệt. Những tán lá phượng hình đuôi công
chồng xếp lên nhau theo cái trật tự thiên nhiên, óng ả và mà mượt, gợn lên từng
đợt sóng nhấp nhô, nâng đỡ và ru nôi. Tâm hồn tôi non tơ trở lại, có cảm giác
được phục sinh, đưa đẩy theo nhịp điệu của những tàn lá cánh võng… Phượng đấy
à? Im lặng để tự hoàn thiện cái biểu tượng phong phú và sinh động của tuổi hoa
niên, phượng không trả lời.
Những
con đường phượng bay… Xin chào!
ĐÔNG TRÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét