Đột nhiên, vua Nam Khê nói:
- Hoàng muội ơi! Nhà vua
cũng đã lớn rồi, nếu anh không lầm thì cháu cũng đã ngoài hai mươi. Với số tuổi
ấy tại sao em không lo việc vợ con cho nhà vua? Nếu hoàng muội bằng lòng, anh
sẽ tìm cho nhà vua một nàng công chúa nơi thủy quốc.
Hoàng hậu Hải Đường tâu:
- Thưa hoàng huynh, lâu nay
vì buồn rầu em cũng quên cả việc ấy. Bây giờ hoàng huynh nhắc em mới nhớ! Em
cũng đồng ý với hoàng huynh, cần tìm cho vương nhi một công chúa thủy quốc. Nhưng
không biết tìm người nào cho xứng đáng?
Vua Nam Khê nói nhỏ bên tai em:
- Anh biết có nàng tuyệt thế
giai nhân rất xứng với nhà vua. Nhưng em hãy thử xem nhà vua đã ngủ kỹ chưa anh
mới dám nói.
Hoàng hậu bước lại nhìn nhà
vua, thấy ngài nằm im lìm, ngỡ là ngài yên giấc, bèn đáp:
- Anh cứ nói đi, không ngại
gì cả.
Nam Khê nói nhỏ:
- Trước hết, anh muốn tả sắc
đẹp và tánh tình của giai nhân cho em nghe, nhưng sợ lọt vào tai nhà vua. Vì
trong tuổi trẻ có những ý muốn liều lĩnh, thường mang đến những hậu quả không
đẹp.
Hoàng hậu Hải Đường bỡ ngỡ
hỏi:
- Hoàng huynh đã tính việc
đó sao còn e ngại hậu quả?
- Hoàng muội chưa rõ, nơi mà
anh dạm hỏi có nhiều nỗi khó khăn. Khó khăn không phải là do người con gái mà
do ông cha. Nếu chẳng may không thành thì sẽ có tai hại đến sự đính ước của nhà
vua.
- Nàng đó là ai?
Vua Nam Khê nói:
- Đó là công chúa Mỹ Lệ xứ
Minh Giang. Nàng có một sắc đẹp tuyệt vời. Vua xứ Minh Giang lại giầu ức tỷ
nhưng rất kiêu căng. Đã có nhiều nơi đến cầu hôn nhưng đều bị thất bại.
- Nếu vậy thì em nhờ hoàng
huynh lo liệu giùm.
Câu chuyện đến đây thì chấm
dứt. Đêm đã tàn khuya. Hoàng hậu đánh thức nhà vua dậy để về yên giấc nơi long
sàng.
Từ nãy, nhà vua nằm nghe
không bỏ sót một lời nào.
Đến khi về phòng mình, nhà
vua thấy trong lòng bứt rứt khôn nguôi.
Vua Đại Cường Miên trằn trọc
suốt đêm không ngủ được, mơ tưởng đến sắc đẹp nàng Mỹ Lệ và ao ước được gần
gũi.
Sáng hôm sau, vua Nam
Khê từ giã về thủy quốc.
Đại Cường Miên đoán biết cậu
mình trở về để lo chuyện ấy nên có ý đòi theo để khỏi nóng ruột trong khi chờ
đợi. Nhưng ngài lại không muốn cho mẫu hậu hay biết, bèn nghĩ ra một kế là cầm
chân vua Nam
Khê ở lại để dự cuộc săn bắn.
Vua Nam Khê bằng lòng vì muốn chiều ý
cháu.
Thế là ngày hôm sau, cuộc
săn bắn bắt đầu tổ chức. Đại Cường Miên cùng Nam Khê và đoàn ngự lâm quân lên
đường. Đi hết một buổi, nhà vua mong tìm cách để giãi bày tâm sự, nhưng mỗi lần
định nói lại ngại ngùng. Nhân lúc đoàn ngự lâm quân và vua Nam Khê đi qua, Đại Cường Miên bèn
tìm một lối rẽ cương đến một bờ suối, rồi nằm dài trên một tảng đá ôm đầu suy
tư.
Vua Nam Khê quay lại không thấy Đại
Cường Miên, bèn vội vã đi tìm. Trở về bờ suối, ngài thấy vua Ba Tư nằm buồn
rười rượi thì nghĩ thầm:
- “Mấy hôm nay nhà vua thay
đổi tính tình, biếng ăn, ít nói, chắc hẳn vua đã hay biết được câu chuyện hôn
nhân rồi chăng?”
Nghĩ vậy, vua Nam
Khê bèn xuống ngựa đến gần Đại Cường Miên, nhỏ nhẹ:
- Hoàng điệt ôi! Cháu có
chuyện gì buồn, có thể nói cho ta biết được không?
Đại Cường Miên vội vã tâu:
- Thưa cậu, chắc cậu không
biết chứ câu chuyện hôm qua cháu đã nghe hết rồi.
Nói rồi, Đại Cường Miên kể
hết chuyện mình tương tư nàng Mỹ Lệ cho cậu nghe và nói rõ ý muốn của mình.
Vua Nam Khê nói:
- Cháu ơi! Thôi thì cháu hãy
chịu phiền chờ cậu trong ít ngày nữa, chỉ ít lâu nữa thôi, cậu sẽ đem tin mừng
đến cho cháu.
Đại Cường Miên thở dài đáp:
- Cậu không thương cháu sao?
Một việc nhỏ như vậy mà cậu không tận tình giúp cháu thì sao mà cháu còn có thể
sống ở trên đời này được?
Vua Nam Khê vỗ về:
- Có bao giờ cậu làm phật ý
cháu đâu? Nhưng nếu cháu đã nhất định thì cháu hãy về xin phép mẹ cháu đi.
- Trời ơi! Cậu cũng biết
trước rằng mẹ cháu không bao giờ muốn rời cháu. Vậy cậu đừng bắt cháu phải làm
cái việc nan giải đó, nếu cậu thực tình thương cháu.
Nói xong, Đại Cường Miên òa
khóc nức nở. Vua Nam
Khê không ngờ cháu mình lại yếu mềm đến như vậy. Nhưng vì thương cháu, ngài
không nỡ chối từ.
Ngài bèn tháo chiếc nhẫn
đang đeo trong tay, trao cho Đại Cường Miên rồi nói:
- Nếu cháu muốn vậy thì cậu
cũng chiều lòng. Vậy cháu hãy đeo chiếc nhẫn này vào tay rồi theo cậu.
Đại Cường Miên mừng rỡ nhìn Nam
Khê tỏ dấu biết ơn.
Vua Nam Khê làm phép thổi vào mặt Đại
Cường Miên và đọc mấy câu thần chú. Bỗng nhiên hai người bay bổng lên không,
nhắm thẳng biển đông.
Khi đến bờ biển, hai người
nhẩy ùm xuống nước. Chẳng mấy chốc, hai cậu cháu đã đến kinh đô Đại Miên, vào
thẳng hậu cung yết kiến hoàng thái hậu.
Đại Cường Miên quì gối hôn
tay bà.
Hoàng thái hậu đỡ cháu dậy,
nói:
- Gặp cháu bà rất mừng. Cảm
ơn thượng đế đã ban phước lành cho cháu được đầy đủ sức khỏe. Mẹ cháu ở trên
cạn có được bình yên chăng?
Đại Cường Miên giấu chuyện
đi săn, còn các việc khác đều nói hết cho bà nghe.
Hoàng thái hậu để Đại Cường
Miên tiếp chuyện với các vị phu nhân cùng cung nữ, rồi bà sang hậu điện để thăm
vua Nam
Khê.
Vua Nam Khê kể lại ý định cưới công
chúa Mỹ Lệ cho Đại Cường Miên.
Hoàng thái hậu rầy:
- Việc như vậy mà vương nhi
lại để cho Đại Cường Miên biết trước, thật là điều đáng trách. Vương nhi không
biết quốc vương Minh Giang sao? Đã biết bao nhiêu người cầu hôn, nhưng đã ai
tránh khỏi sự từ chối nhục nhã đâu.
- Tâu mẫu hậu, chúng con đã
cố giấu nhưng không biết sao Đại Cường Miên cũng hay được, ngày đêm mơ tưởng
công chúa Mỹ Lệ. Chao ôi! Việc đã dĩ lỡ, mẫu hậu không cho phép thì con cũng tự
đem lễ vật đến đó cầu thân để cho cháu nó được mãn nguyện.
Hoàng thái hậu thở dài:
- Khi đến đó, vương nhi phải
khéo léo, đừng để cho tính khó khăn, tự đắc của vua Minh Giang biến thành điều
chi khiến mang nhục cho quốc thể.
Dặn dò xong đâu đấy, hoàng
thái hậu trở vào cung, tự tay chọn những báu vật quí giá nhất, đựng vào chiếc
quả bằng ngọc bích nạm vàng trao cho Nam Khê.
Sáng hôm sau, vua Nam
Khê dẫn năm tên tùy tùng thẳng đến kinh đô Minh Giang.
Được tin vua Nam
Khê đến, quốc vương Minh Giang ra tận nơi đón rất trọng vọng.
Hai nhà vua vào thẳng Ngân
Lang điện.
Chủ khách cùng ngồi đàm
thoại rất vui vẻ.
Sau những lời hỏi thăm tin
tức láng giềng, quốc vương Minh Giang hỏi:
- Đại vương từ ngàn dặm đến
đây hẳn có chi dạy bảo trẫm chăng?
Vua Nam Khê cúi đầu đáp:
- Tâu Đại vương, quả nhân
đến đây chỉ vì mến đức đại vương, một ông vua nhân từ và bác ái, cường mạnh
nhất thủy quốc. Quả nhân muốn rằng tình huynh đệ giữa hai nước sẽ trường tồn
mãi mãi.
Vua Minh Giang hớn hở nói:
- Trẫm rất lấy làm hãnh diện
được quí quốc chiếu cố đến. Những tặng phẩm quí giá kia chứng tỏ lòng thành của
quí quốc. Nhưng không lẽ đại vương đến đây chỉ có một mục đích như vậy hay sao,
mà không một lời chỉ giáo?
Vua Minh Giang nhìn thẳng
vào mắt vua Nam
Khê đầy vẻ dò hỏi. Nhưng vua Nam
Khê vẫn ngại ngùng.
Vua Minh Giang lại tiếp:
- Đại vương đừng e dè gì cả,
cứ việc bày tỏ. Nếu việc gì thuộc thẩm quyền của quả nhân, quả nhân quyết lòng
không từ chối.
Vua Nam Khê đi thẳng vào vấn đề:
- Tâu đại vương, việc này
ngoài đại vương, tôi biết không ai có quyền quyết định được. Vậy trước hết, tôi
có lời nói trước, nếu có điều gì sơ xuất xin đại vương niệm tình tha thứ cho tôi.
Vua Minh Giang mỉm cười:
- Nếu việc gì trẫm có thể
làm được thì trẫm không nỡ để cho đại vương phải thất vọng.
Vua Nam Khê vững tâm nói:
- Tâu đại vương, mối liên
giao giữa hai cường quốc chúng ta từ lâu nay chưa hề xích mích. Nay tôi muốn
cho sợi dây huynh đệ ấy được trường tồn. Vậy tôi xin mạn phép được cầu hôn công
chúa Mỹ Lệ.
Vua Minh Giang nghe xong
rướn người trên chiếc ghế cẩm đôn, cười ngất.
Một lúc sau, thôi cười, ông
ta nhìn thẳng vào mặt vua Nam
Khê mai mỉa:
- Vua Nam Khê, ta không ngờ
từ bấy lâu nay ta đã lầm! Ta cứ tưởng ông là một ông vua biết điều, bây giờ thì
cũng không hơn gì những kẻ khác. Sao không tự xét mình, lại đến cầu hôn với
công chúa Mỹ Lệ, là một cành vàng lá ngọc của một vị quân vương đại đế của một
nước cường mạnh?
Tuy bị chạm tự ái, nhưng vua
Nam
Khê vì lòng thương cháu, cố nén giận nói:
- Tâu đại vương, tôi rất
ngạc nhiên khi thấy đại vương cho việc cầu hôn của chúng tôi là cuồng vọng.
Theo ý tôi, việc nầy không những làm hãnh diện cho cả hai nước, mà lại còn vinh
dự cho công chúa Mỹ Lệ. Đại vương cũng biết rằng nước Đại Miên của tôi cũng là
một nước phú cường không kém gì quí quốc. Mà trước kia, các vị tiên vương khắp
bốn phương đã từng kính nể. Từ khi tôi lên kế vị, uy thế vẫn không sút kém. Hơn
nữa, tôi đến đây không phải để cầu hôn cho tôi mà để lựa cho công chúa Mỹ Lệ
một người chồng xứng đáng. Người ấy là một vị quân vương xứ ba Tư, một xứ hùng
mạnh nhất trên địa cầu. Công chúa Mỹ Lệ đúng là một trang giai nhân tuyệt thế,
nhưng quốc vương Ba Tư lại là một trang anh tuấn, khắp hoàn cầu không ai sánh
kịp.
Vua Minh Giang không dằn nổi
cơn tức giận, dặp bàn thét lớn:
- Khôn kiếp, loài sâu bọ
dưới hang sao dám múa mép nói nhiều lời lỗ mãng xúc phạm đến thiên tử? Quân
đâu, ta truyền hãy dẫn quân cường khấu này ra pháp trường xử tử cho ta.
Vua vừa nói dứt, tả hữu áp
lại bắt trói vua Nam
Khê.
Vì đã đề phòng trước, hơn
nữa, vua Nam
Khê là một tay võ dõng cao cường, ngài vội rút đại đao ra chống cự lại. Rồi
nhân lúc lộn xộn, ngài vội nhẩy ra sân chầu trốn thoát.
Ra khỏi hoàng thành, vua Nam
Khê trông thấy một đoàn binh tướng dáo mác sáng ngời, hùng dũng kéo đến.
Đạo binh ấy là đạo binh của
hoàng thái hậu Đại Miên.
Nguyên sau khi vua Nam
Khê đi rồi, hoàng thái hậu đoán biết thế nào vua Minh Giang cũng đối xử tệ bạc,
liền sai một viên thượng tướng cùng ba ngàn binh mã đi tiếp viện.
Trông thấy vua Nam
Khê thất thểu chạy ra, viên thượng quan gọi lớn:
- Tâu hoàng thượng, xin
hoàng thượng chớ lo, đã có binh cứu giá. Chúng tôi sẵn sàng nghênh chiến. Xin
hoàng thượng ra lệnh.
Cơn tức giận chưa nguôi, vua
Nam
Khê truyền cho quân kéo thẳng vào cung vua Minh Giang.
Việc không ngờ xẩy ra, vua
Minh Giang trở tay không kịp nên thành bị chiếm, các tướng tá đầu hàng, vua
Minh Giang bị bắt.
Sau khi chỉnh đốn lại các
chỗ hiểm yếu, cắt quân lính trông coi, vua Nam Khê tìm khắp các cung cấm để
kiếm nàng Mỹ Lệ. Nhưng không còn nữa, công chúa Mỹ Lệ nghe tin không lành đã
cùng đoàn tùy nữ tẩu thoát đến một hoang đảo.
Trong khi hai bên đang chiến
tranh, có quân chạy về phi báo với hoàng thái hậu Đại Miên là xin đem quân cứu
viện phòng biến cố.
Vua Đại Cường Miên được tin,
lòng lắng tự khiển trách mình.
- “Cũng tại mình mà sinh ra
rắc rối, làm khổ đến bè, rầy rà đến cậu. Ta còn mặt mũi nào ở đây nữa”
Nghĩ xong, Đại Cường Miên
liền bỏ trốn trong lúc hoàng thái hậu đang lo điều binh tiếp viện.
Vì không thông thuộc đường
lối, Đại Cường Miên lại đến một hoang đảo, nơi mà công chúa cũng đang trú ngụ.
Lòng bâng khuâng nghĩ ngợi,
nhà vua ngồi thừ người dưới gốc cây cổ thụ. Gió bể thổi dạt dào nhưng tâm hồn
chàng trai đôi mươi vẫn trĩu nặng. Bỗng chàng nghe mơ hồ có tiếng ai nói chuyện
thì thầm.
Đại Cường Miên vừa vui mừng
vừa lo sợ. Nhưng bản năng tò mò thúc giục chàng bước tới.
Vừa đến cách đó không mấy
xa, nhà vua thấy trên một khóm cây cao, một giai nhân tuyệt sắc đang ngồi giữa
muôn ngàn hoa thắm. Nhà vua dừng lại ngơ ngẩn:
- “Chao ôi! Người đâu mà đẹp
đến thế? Có phải chăng là công chúa Mỹ Lệ? Ngoài nàng ra thì còn ai mà đẹp được
như vậy?
Nhà vua đứng bất động một
hồi lâu, người đẹp bỗng quay lại, rồi bốn mắt nhìn nhau đã có muôn phần cảm mến.
Vua bước lại gần, cung kính:
- Cám ơn thượng đế đã ban ơn
cho tôi được gặp gỡ một tuyệt thế giai nhân. Nhưng tôi thắc mắc tự hỏi : “Một
người đẹp như nàng tại sao lại ở nơi đây? Nàng có cần sự giúp đỡ chi không, xin
cho tôi được biết?
Người đẹp nghiêng mình chính
là công chúa Mỹ Lệ. Thấy đức vua Đại Cường Miên là một chàng trai chừng ngoài
hai mươi tuổi, vẻ mặt khôi ngô, tiếng nói hết sức quyến rũ, nàng liền thỏ thẻ
đáp:
- Kính ngài, sự nhận xét của
ngài quả không lầm. Người như tôi mà lại ở trên một hoang đảo, kể cũng là một
điều lạ! nhưng tôi xin tự giới thiệu : tôi là công chúa Mỹ Lệ, con vua xứ Minh
Giang. Trong lúc tôi đang sống sung sướng nơi thâm cung, bỗng nhiên vô cớ vua Nam
Khê đem quân đến đánh chiếm thành trì, bắt phụ vương và mẫu hậu của tôi. Trong
lúc hoảng hốt, tôi sợ hãi bỏ chạy ra đây tị nạn.
Đức vua Đại Cường Miên nghĩ
thầm:
- “Nếu ta được biết trước
như vậy, ta đâu có dịa mà bỏ trốn ra đây làm gì.
Nhưng ta cũng mừng rằng vua
Minh Giang đã bị bắt thì thế nào cũng phải gả công chúa Mỹ Lệ để bảo toàn tính
mạng và cơ nghiệp của ngài.”
Nhà vua nghĩ xong liền quay
sang nói với công chúa:
- Mỹ Lệ công nương ơi! Tôi
xin nàng chớ lo buồn làm chi. Tôi chính là quốc vương xứ Ba Tư, tên là Đại
Cường Miên. Tôi gọi vua Nam
Khê bằng cậu. Sở dĩ cậu tôi đến quí quốc, không phải là để gây hấn mà là để cầu
hôn công chúa cho tôi. Tôi hy vọng được mắt xanh cảu công chúa để ý đến vì suốt
đời tôi chỉ mơ tưởng có một mình công chúa mà thôi. Bây giờ thì tôi rất lấy làm
vinh hạnh được đưa công chúa về giới thiệu với cậu tôi, và cha nàng sẽ được trở
lại trị quốc sau khi tác thành cho đôi lứa.
Công chúa tuy đã cảm thấy
yêu thương nhưng sau khi được biết con người đứng trước mặt mình là kẻ đã gây
ra thảm trạng làm cho đất nước nguy vong, phụ vương bị cầm tù, còn nàng phải
lênh đênh trên hoang đảo, thì nổi giận đùng đùng.
Nhưng nàng cũng cố nén giận,
làm bộ vui mừng, nói:
- Tôi cũng rất vinh hạnh
được biết ngài là con bà Hải Đường, một người nhan sắc mỹ miều mà từ lâu tôi đã
từng nghe. Bây giờ được biết, quả là ngài thật xứng là con bà. Có lẽ cha tôi đã
lầm lẫn mà từ hôn! Thật vậy, nếu cha tôi trông thấy ngài, có lẽ người không bao
giờ chối từ.
Nói xong, nàng làm bộ âu yếm
đưa bàn tay ra. Đại Cường Miên lòng đầy sung sướng, vừa cúi xuống hôn tay nàng…
Nhưng, môi chưa kề tay ngọc, nàng đã ngửa mặt ra xô Đại Cường Miên và nhổ một
bãi nước bọt vào mặt chàng, hét lớn:
- Quân khốn kiếp! Hãy trút
bỏ hình người, hóa thành con bạch điểu chân đỏ mỏ hồng ngay!
Vừa dứt lời, nhà vua Đại
Cường Miên đã bị lời nguyền của công chúa mà biến thành con chim.
Công chúa quay sang truyền
cho tên da đen:
- Nhà ngươi hãy đem bỏ hắn
tới đảo Khoang Hạc!
Tên da đen mang chim đi,
lòng tự nghĩ:
- “Đảo Khoang Hạc là một hòn
đảo toàn những núi đá đen, không có cây cối, không có một dòng suối, quanh năm
nắng cháy khô còng. Lòng dạ nào mà đem bỏ một vị quốc vương trẻ đẹp chết một
cách thảm thương ở đó? Chao ơi! Công chúa dịu hiền như thế kia sao lại nỡ đang
tâm làm cái việc tàn nhẫn như vậy? Thôi thì ta cũng làm phúc tìm một nơi cỏ cây
tươi tốt mà bỏ vị quốc vương này, cho dù ngài có chết cũng không đến nỗi khổ sở
lắm.
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét