Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

CHUYỆN ÔNG HOÀNG NƯỚC BA TƯ... (IV)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Nghĩ xong, hắn bèn tìm tới một hòn đảo dân cư sầm uất và vội thả con chim bay ra trong cánh đồng rộng mênh mông, cây cỏ và nước suối đầy ăm ắp.

Nói về vua Đại Cường Miên, khi hóa thành chim, suốt ngày bay chuyền trên các ngọn cây. Còn vua Nam Khê , sau một thời gian tìm kiếm khắp nơi mà chẳng thấy công chúa Mỹ Lệ đâu, ngài bèn ra lệnh cho giam vua Minh Giang lại, sai người canh gác cẩn mật, việc cai trị trong nước thì giao cho một vị đại thần trông coi. Sau đó, vua Nam Khê trở về Đại Miên tâu trình mọi sự cùng hoàng thái hậu.

Về tới cung, vua Nam Khê không thấy Đại Cường Miên đâu thì hốt hoảng hỏi:

- Tâu mẫu hậu, cháu con đi đâu mà tìm khắp trong cung không thấy?

Hoàng thái hậu trả lời:

- Trong khi nghe con đem binh phá thành, mẹ sợ có điều chi trở ngại nên điểm thêm quân tiếp viện. Lúc trở về không thấy Đại Cường Miên đâu cả.

Vua Nam Khê sốt ruột, ân hận là đã quá chiều chuộng cháu để mẹ phải buồn phiền.

Nhà vua bèn sai người đi kiếm Đại Cường Miên khắp nơi.

Trong khi chờ đợi tin tức vua Đại Cường Miên, vua Nam Khê bèn ký thác cho hoàng thái hậu trông coi việc nước, còn mình lập tức sang xứ Minh Giang để lo việc cai trị.

Vua Nam Khê ra đi không bao lâu thì hoàng thái hậu nghe tin, hoàng hậu Hải Đường xuống tìm con. Hai mẹ con ôm nhau vui mừng.

Hoàng hậu Hải Đường nói:

- Kính mẫu hậu, con không hiểu vì sao hoàng huynh cùng vương nhi đi săn bắn đến bây giờ vẫn chưa về. Con đã cho người đi kiếm hết khu rừng cũng không thấy bóng. Nóng ruột quá, con nghĩ rằng chắc vương nhi đã theo hoàng huynh về đây chăng?

Hoàng thái hậu u buồn thuật lại đầu đuôi câu chuyện vua Nam Khê sang xứ Minh Giang cầu hôn cho đến việc chiếm được xứ Minh Giang, rồi tiếp đến Đại Cường Miên bị mất tích.

Hoàng hậu Hải Đường nghe xong sững sỡ, nước mắt ràn rụa, ngồi im không biết nói gì.

Hoàng thái hậu tìm lời trấn an:

- Con ạ! Lẽ ra việc cầu hôn cùng vua Minh Giang con không được cho cháu biết. Nhưng nay đã xẩy ra việc như thế này, anh con đã cho người đi tìm khắp nơi, dưới nước cũng như trên bờ, nhưng chưa có tin tức gì về Đại Cường Miên cả. Thôi con chớ nên sầu thảm, hãy trở về thay vua lo gìn giữ ngai vàng. Đó là một việc hệ trọng.

Hoàng hậu Hải Đường nghe mẹ nói có lý bèn từ biệt trở về.

Về đến kinh đô Ba Tư, hoàng hậu Hải Đường phải kiếm lời nói dối với triều thần rằng : Vua ba Tư theo vua Nam Khê sang xứ Đại Miên chơi một thời gian. Công việc triều đình ngài phó thác cho các vị quốc lão gánh vác.

Nhờ vậy mà trong nước ai nấy đều chăm lo nhiệm vụ. Đất nước không bị rối loạn.

Còn vua Đại Cường Miên, khi bị bỏ rơi nơi cánh đồng hoang vu, cảm thấy thân phận bé nhỏ và bơ vơ nên buồn khổ vô cùng. Ngài muốn khóc to lên để cho bớt nỗi buồn trong lòng, nhưng không sao khóc được vì nhà vua đang là loài chim. Dù ngài muốn kêu to lên nhưng cũng chỉ là tiếng chim bé nhỏ, bị át đi bởi tiếng gió hú, núi non trùng điệp.

Ngài muốn dùng đôi cánh bé nhỏ để bay tít tận trời xanh xem đâu là xứ sở. Nhưng bốn phương xa tít mà đôi cánh bé nhỏ của ngài làm sao vượt nổi gió núi mây ngàn.

Sau một thời gian bỡ ngỡ, Đại Cường Miên mới làm quen được với cuộc sống của loài chim. Ngài để ý đến một đoàn vành khuyên đang múa hát trong bụi rậm gần đó. Không biết chúng có mang cùng một số phận như ngài chăng? Biết đâu đấy? Ở đời lắm chuyện éo le mà! Suy nghĩ một hồi rồi ngài cũng đành nhập bọn với lũ vành khuyên, bắt chước chúng dùng bữa bằng trái chín, uống nước suối, tối thì ngủ trên cây cao.

Được ít lâu, có một chàng chuyên môn bắt chim đi ngang qua đó. Hắn thấy con Bạch Điểu thì ngạc nhiên đứng lại nhìn.

Hắn nghĩ thầm:

- “Chao ôi! Loại chim này sao mà đẹp thế? Từ trước tới nay ta chưa bao giờ trông thấy. Ta phải bắt được mới xong.”

Rồi chàng ta xắn tay áo làm liền. Vì đức vua Đại Cường Miên mới nhập lớp chim nên chưa được tinh khôn. Còn chàng bắt chim thì chuyên môn, lanh lẹ. Chỉ một lát sau, con Bạch Điểu đã bị chàng ta nhốt vào chiếc bẫy lồng.

Sau khi bắt được chim, chàng ta mừng rỡ mang chim ra chợ bán.

Nhưng  anh ta mới mang ra tới đầu phố thì gặp một người lái buôn hỏi mua.

Anh ta hỏi người lái buôn:

- Bác trông con chim này có đẹp không?

Người lái buôn đáp:

- Đẹp chứ, vì vậy mà tôi mới mua.

- Thế bác mua để làm gì?

- Anh hỏi mới lạ chứ, tôi mua để nhổ lông, làm thịt nướng chả chứ còn để làm gì nữa.

Anh bán chim từ chối:

- Nếu vậy thì tôi không thể nào bán cho bác được đâu.

Người lái buôn ngạc nhiên hỏi:

- Sao vậy?

- Vì nếu bác mua để làm thịt, bất quá bác trả cho tôi vài đồng bạc là cùng! Tội nghiệp, nếu bác cho vào lò lửa con chim tuyệt đẹp này thì thật là uổng! Bác có thích mà trả tôi một đồng vàng tôi cũng không bán được.

Người lái buôn lại hỏi:

- Thế anh định giữ chim làm gì?

Anh ta trả lời:

- Con chim này rất có giá trị và quý nhất đời. Tôi sẽ mang vào cung biếu nhà vua.

Nói rồi, anh bán chim liền xách lồng chim vào triều. Trong lúc đó, nhà vua đang ngồi ở chính điện, ngó ra cửa sổ thấy anh bán chim thì sai quan thái giám ra hỏi mua.

Chàng bán chim trả lời:

- Nếu nhà vua muốn mua thì tôi không dám bán đâu! Xin ngài màng chim vào cung nói là tôi dâng biếu vua.

Quan thái giám liền mang chim vào chính điện cho vua coi. Sau một hồi ngắm nghía và rất lấy làm thích thú, ngài liền sai quan thái giám mang mười đồng vàng ra thưởng cho anh bán chim.

Anh bán chim sung sướng vì được một số tiền quá lớn, vội cúi đầu cảm tạ rồi ra về.

Vua được chim quý thì rất chiều chuộng, sai nhốt Bạch Điểu trong chiếc lồng vàng, cho ăn bằng khay ngọc, uống nước bằng chén pha lê.

Tuy được hậu đãi như vậy, chim vẫn buồn rầu không thiết ăn uống.

Thấy vậy, nhà vua liền mở lồng cho chim được tự do, rồi chọn những hạt gạo quý cho chim ăn. Nhưng chim vẫn đứng ngơ ngác.

Đến chiều, quan nội giám dọn đồ Ngự Thiên lên để vua dùng. Nhưng khi đồ ăn vừa dọn ra thì chim liền vỗ cánh bay tới, mổ ăn hết mọi đĩa.

Vua thấy như vậy thì kinh ngạc vô cùng, sai bọn tùy nữ vào cung mời hoàng hậu ra xem.

Hoàng hậu vừa bước ra, thấy chim thì kéo voan che kín mặt rồi quay trở vào hậu cung.

Vua lấy làm lạ hỏi:

- Sao hôm nay gặp trẫm mà ái khanh lại khách sáo như vậy?

Hoàng hậu nói:

- Tâu bệ hạ, con chim kia chính là người chứ không phải là chim.

Vua ngạc nhiên hỏi:

- Sao ái khanh lại nói như vậy?

- Tâu bệ hạ, khi trước thiếp có học được phép cải biến, vì vậy nên trông thấy con chim này mới biết rõ được như vậy.

Khi vua và hoàng hậu đang nói chuyện thì chim đứng yên nhìn, đôi khi gật đầu tỏ vẻ đồng ý với hoàng hậu.

Nhà vua hỏi hoàng hậu:

- Có cách nào để cứu được con chim này trở về hình người được không?

Hoàng hậu thưa:

- Tâu bệ hạ, để thần thiếp đưa chim vào hậu cung rồi sẽ cho trở lại hình người.

Vua truyền cho quan thái giám mang chim vào hậu cung.

Hoàng hậu bắt đầu làm phép, sai múc một tách nước, vẽ bùa niệm chú rồi vẩy nước vào mình chim, miệng hú:

- Ta nhân danh thượng đế, đấng toàn năng, truyền lệnh cho ngươi thoát khỏi lốt chim để trở lại hình người như trước.

Lời truyền vừa dứt, bỗng nhiên chim Bạch Điểu biến lại thành hình người, là một vương tử phong nhã, mặt mũi hồng hào, thân hình cường tráng.

Hoàng hậu vội lui vào sau.

Vua Đại Cường Miên vội quỳ xuống nâng tay nhà vua lên hôn để tỏ vẻ biết ơn.

Nhà vua ôm Đại Cường Miên vào lòng rồi hỏi:

- Tại sao ngươi lại bị hoàn cảnh đó?

Vua Đại Cường Miên kể lại đầu đuôi câu chuyện cho nhà vua nghe.

Được biết vị thiên tử nước Ba Tư, nhà vua cúi đầu thi lễ rồi mời ngồi trên ghế cẩm đôn:

- Kể ra việc này thật đáng buồn và cũng đáng giận. Công chúa Mỹ Lệ nghe cha bị hại mà trả thù một cách tàn nhẫn, không cao thượng tí nào. Nhưng dù sao nàng cũng là đàn bà, không đáng trách. Bây giờ thì trẫm đã biết đại vương rồi, đại vương có muốn trẫm làm gì để giúp ngài chăng?

Vua Đại Cường Miên nói:

- Tôi mang ơn đại vương quá nhiều, dù cho có phải làm kiếp vật  trả ơn cũng không hết. Biết lòng đại vương cao cả, nhưng tôi chỉ xin đại vương được trở về cố quốc, mai sau có dịp hội ngộ sẽ xin trả nghĩa biển trời.

Nhà vua ái ngại:

- Nhưng đại vương muốn trẫm giúp bằng cách nào?

Vua Ba Tư trầm ngâm một lúc lâu rồi đáp:

- Tôi là con của hoàng hậu Hải Đường, người ở dưới nước, có thể đi lại được dưới biển khơi. Nhưng từ lâu đã không đi xa nên thung thổ chưa thạo. Vậy nếu không phiền, xin ngài cấp cho tôi một chiếc tàu và đoàn thủy thủ hỗ trợ tôi về nước để tránh những nguy hiểm.

Nhà vua sốt sắng ưng thuận. Chỉ một lát sau, một chiếc tàu to lớn đã sẵn sàng cùng đoàn thủy binh trang bị đầy đủ lương thực chuẩn bị rời bến. Đại Cường Miên cảm tạ nhà vua rồi lên đường.

Thuận buồm xuôi gió, tàu lênh đênh đúng mười hai ngày. Sang đến ngày thứ mười ba thì trời bỗng dưng trở gió, giông bão mỗi lúc một mạnh. Các thủy thủ cố gắng giữ vững tay chèo, nhưng không sao chống lại nổi sức của trời đất. Cuối cùng, tàu đâm vào một tảng đá, cột kèo gãy nát.

Đoàn thủy binh đều chết chìm cả. Vua Đại Cường Miên nhờ có tài đi trong nước nên thoát chết, nhưng không biết đường về.

Vua lạc vào một hòn đảo nhấp nhô những ngôi nhà cao vút.

Vua mừng rỡ định rảo nhanh đến nơi. Nhưng vừa đi được mấy bước thì trâu, bò, ngựa, lạc đà… từ trong các bụi rậm chạy ra cản đường.

Ban đầu nhà vua rất kinh hãi, nhưng lần lần thấy những con vật đó hiền lành, không có cử chỉ hung dữ nên vua lấy lại bình tĩnh, tìm cách thoát ra, nhưng phải khó nhọc lắm ngài mới thoát khỏi hàng rào của chúng.

Vào đến trung tâm thành phố, đường sá quang đãng, vua đưa mắt nhìn chỉ thấy lưa thưa vài ba dãy phố có người đứng buôn bán, còn bao nhiêu đều bỏ trống cả.

Đại Cường Miên ghé vào một tiệm trái cây. Chủ quán là một ông già tóc bạc như cước, nhưng gương mặt vẫn hồng hào, khí phách như trai tráng.

Thấy Đại Cường Miên bước vào, ông lão ngỡ ngàng hỏi:

- Ngài từ đâu đến đây?

Đại Cường Miên thuật lại câu chuyện đắm tàu vừa qua.

Ông lão hỏi:

- Lúc ngài vào đây ngài có gặp ai ở ngoài đường không?

Đại Cường Miên đáp:

- Thưa không! Lão trượng là người tôi gặp đầu tiên. Tôi rất lấy làm thắc mắc vì chẳng biết tại sao một thành phố mỹ lệ như thế này mà lại có ít người ở thế?

Ông già chỉ cho nhà vua ngồi xuống một chiếc ghế rồi nói:

- Ngài hãy ngồi xuống, kẻo ngoài đường nhìn vào bất tiện. Lão sẽ kể cho ngài biết đầu đuôi sự tích.

Vua Đại Cường Miên nghe nói trong lòng rất hoang mang, bèn kéo ghế ngồi gần ông lão.

Ông già biết Đại Cường Miên bị đắm tàu, chắc đang đói khác, bèn sai đầy tớ đem thức ăn đến mời nhà vua.

Khi Đại Cường Miên ăn xong, ông già bắt đầu kể:

- Ngài nên biết rằng xứ này là một xứ yêu quái, tục gọi là xứ Ma Vương. Quyền cai trị ở đây không phải do một vị quân vương, mà là do một nữ chúa. Người con gái ấy có một sắc đẹp yêu ma, trên đời này không ai sánh kịp, gần ai sẽ làm cho người ấy mê mệt. Nhưng tiếc rằng con người đẹp đẽ ấy lại có một dòng máu dâm đãng. Ngoài ra, mụ ta còn là một phủ thủy đanh ác nhất trần đời.

Những con vật như lừa, ngựa, trâu, bò v.v… mà ngài vừa mới gặp đó, chính là người trước kia, cũng khôi ngô như ngài, rồi bị phép thuật biến hình.

Đại Cường Miên ngơ ngẩn hỏi:

- Tại sao lại có chuyện lạ lùng như vậy?

Ông già nhắp một ngụm trà, đáp:

- Trước đây cũng có bao chàng trai như ngài, khi vào đến kinh đô Ma Vương, liền bị đoàn lính canh của nữ chúa bắt đem vào cung. Thoạt tiên, nữ chúa tiếp đón rất niềm nở, rồi đi đến giai đoạn yêu đương. Không một chàng trai nào mà không say mê nàng, mong muốn được hưởng ân ái với nàng. Nhưng oái oăm thay, họ chỉ được thỏa mãn như ý muốn một thời gian ngắn. Qua bốn mươi ngày ái ân say đắm, họ sẽ bị biến thành con vật và bị bỏ rơi ngoài bãi biển. Đến nay, đoàn thú vật đã rất nhiều, sống chật cả khu rừng. Vậy mà nữ chúa vẫn chưa thỏa mãn, vẫn tánh nào tật nấy. Lúc nãy, mấy con vật đứng cản đường ngài là vì có ý muốn cho ngài đừng mang thân tới nộp cho nàng nữ chúa ác độc ấy.

Đại Cường Miên nghe xong câu chuyện kỳ lạ đó thì bỗng run rẩy, lo sợ:

- Chao ôi! Tôi vừa thoát khỏi yêu thuật, bây giờ lại sắp bị biến hình nữa! Trời ơi! Thân tôi bao giờ mới hết chịu cảnh đày ải đây?

Nhận thấy ông lão chưa thấu hiểu được lời than thở của mình, Đại Cường Miên bèn kể rõ gốc tích của mình và thuật lại đầu đuôi, từ khi lìa xa  xứ sở để theo đuổi mối tình tuyệt vọng với công chúa Mỹ Lệ.

Rồi Đại Cường Miên kết luận:

- Dám thưa lão trượng, vậy lão trượng có cách nào giúp tôi về nước được không?

Ông già nghe nói hết sự tình, xúc động nói:

- Tuy nữ chúa đa tình thật, nhưng ngài đến đây với lão thì cũng không sao. Vì lão là một người được dân chúng ở đây quí mến. Ngay cả đến nữ chúa cũng kính vì. Vậy ngài cứ ở đây, chờ có cơ hội, lão sẽ giúp ngài về nước.

Đại Cường Miên quì xuống lạy tạ. Cũng từ buổi đó trở đi, ngài không hề rời ông lão một bước. Khi thì ngồi bán hàng, khi thì ngồi tính toán tiền nong, sổ sách.

______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét