Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

CHUYỆN VỊ THẦN TƠ HỒNG (I)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


CHUYỆN VỊ THẦN TƠ HỒNG


Tâu hoàng thượng:

Tại xứ Ai Cập huyền bí ngày xưa có một vị vua rất công minh và nhân từ, tiếng tốt vang khắp nơi.

Trong triều của ngài toàn những bậc nhân tài xuất chúng.

Có một quan cận thần rất được vua yêu mến tên là Mộ Hùng tài đức song toàn, sức học uyên thâm, thường giúp vua đắc lực trong việc trị dân.

Quan cận thần Mộ Hùng có hai con trai sanh đôi : người anh tên Mộ Hoàng Mai và người em, Mộ Hoàng Phương.

Mộ Hoàng Phương tuy là em nhưng lại tài giỏi hơn anh về mọi mặt nên được cha yêu quí hơn. Tuy thế, họ vẫn sống êm ấm bên nhau từ thuở bé.

Khi quan cận thần thất lộc, đức vua liền cho vời hai anh em đến ban cho cả hai một chức giống nhau, làm quan cận thần để kế nghiệp cha.

Hai anh em nhận chức quan đều bái tạ ơn vua rồi về nhà đóng cửa cư tang cha theo tục lệ trong nước.

Một tháng sau, thời hạn cư tang chấm dứt, hai chàng tân quan mặc triều phục vào bái yết nhà vua.

Đức vua liền chia cho hai anh em tân quan họ Mộ một việc là theo hộ giá ngài những lúc đi săn, cứ mỗi hôm một người.

Một hôm, cả hai dùng cơm chung thì Mộ Hoàng Mai vui vẻ nói đùa:

- Này em, anh có ý định là khi nào mãn tang cha, chúng ta sẽ tìm hai chị em một nhà để kết hôn và hôn lễ sẽ cử hành trong một ngày. Ý kiến đó thật là vui. Vậy em nghĩ thế nào, có đồng ý không?

Mộ Hoàng Phương nói:

- Thưa anh, còn gì quý hơn hai anh em ta cùng lấy được hai chị em một nhà như anh nghĩ. Và em còn nghĩ như thế này : nếu vợ chúng ta cùng sanh trong một năm, anh con gái, em con trai, rồi gả cho nhau thì còn gì bằng anh nhỉ?

Mộ Hoàng Mai nói:

- Như thế thì tuyệt quá. Nhưng chú sẽ cho con gái ta bao nhiêu thứ khi về nhà chồng?

Mộ Hoàng Phương nói:

- Tôi đã không đòi anh thì thôi, sao anh lại bắt con tôi phải đem của theo về? Bộ anh cho con gái anh quý lắm sao?

Hoàng Mai nói có vẻ giận dữ:

- Nghịch tử, mày sẽ bị chết treo như con trai mày. Bộ mày nghĩ con gái ta là đồ bỏ sao? Ta không hoài công mà gả con cho đứa con cũng cứng cổ như mày.

Hoàng Phương cũng nói:

- Tôi cũng không cần con trai tôi có người cha vợ nghịch lý như anh.

Hai anh em tức giận bỏ cơm, rút gươm đứng lên định cùng nhau so kiếm thì có quan thái giám trong triều vào đòi Mộ Hoàng Mai vào chầu.

Hoàng mai phải bỏ dở cuộc trừng trị đưa em thì rất tức tối, vừa đi theo quan thái giám còn nhìn lại nói:

- Nếu ta không bận hầu xa giá hôm nay thì mày sẽ xem ta trừng trị đứa em nghịch mạng. Nhưng ta để tội cho mày đó, đến lúc ta về mày sẽ biết.

Mộ Hoàng Phương còn lại một mình, suy nghĩ đến sự cố chấp của anh trong câu nói đùa thì rất buồn lòng, nghĩ thầm:

- Nếu ta ở đây, thế nào cũng có việc xảy ra và cha ta sẽ buồn nơi chín suối. Chi bằng ta cứ ra đi, chờ khi nào anh ta nguôi giận thì sẽ trở về cũng không muộn.

Nghĩ xong, Hoàng Phương liền gom góp tư trang của mình rồi lủi thủi ra đi qua xứ khác.

Mộ Hoàng Mai trong lúc hộ giá cũng nghĩ:

- Ta quá nóng giận mắng em, chắc nó buồn lắm. Vậy để khi nào xong việc, ta sẽ về an ủi nó vì nhà chỉ còn có hai anh em, gây việc bất hòa không hay chỉ làm trò cười cho người.

Lúc quốc vương truyền bãi buổi săn, Hoàng Mai vội vã về với ý nghĩ làm hòa với em thì mới hay em mình đã ra đi.

Lòng hối hận dày vò, chàng liền trở lại triều xin nghỉ, để đi tìm đứa em hiền hậu.

Đức vua nghe rõ hoàn cảnh cũng vui lòng cho Hoàng Mai nghỉ một tháng khỏi chầu để đi tìm Hoàng Phương.

Hoàng Mai đi tìm đúng một tháng không gặp, cũng như không nghe nói về tung tích của em mình, đến lúc phải vào chầu nên không còn biết làm gì hơn.

Còn Hoàng Phương thì ra đi khỏi hoàng thành với một con la, tiến về phía Á-Rập, quả khỏi bãi sa mạc mênh mông.

Đi được nửa đường, con la mệt mỏi đuối sức không đi nổi, chàng đành phải bỏ nó lại ở đó, đi một mình.

Giữa bữa trưa trời nắng như thiêu đốt của sa mạc hoang vu, Mộ Hoàng Phương vô cùng buồn bã về nỗi cô đơn của mình.

May thay mấy hôm sau, chàng gặp những người phu cùng đi về một hướng trên những con lạc đà.

Hoàng Phương tỏ ý muốn đi nhờ. Những người phu thấy thế thương tình , cho chàng cùng theo.

Đến Băng-Sô-Ra thì Hoàng Phương thấy thành phố rất nhộn nhịp, xôn xao vì đón nhà vua.

Chàng liền xin phép mọi người cho mình tách ra đi xem.

Khi xa giá đã đi qua thì đến xe quan cận thần tiếp đến, Hoàng Phương đứng bên đường mải mê ngó nên không tránh cho xe qua.

Quân lính đến nơi định đánh đuổi thì quan cận thần thấy Hoàng Phương dung mạo khôi ngô liền gọi đến hỏi:

- Ngươi là ai mà ta xem có vẻ lạ mặt?

Hoàng Phương lễ phép cúi chào, nói:

- Thưa ngài, tôi là người xứ Ai Cập, nhưng vì có chuyện bất hòa với huynh trưởng nên ra đi, thề không bao giờ trở lại.

Quan đại thần vốn là người giàu lòng nhân đạo, nghe thế liền nói:

- Con ơi! Ta cũng có một người con trai, nếu còn sống thì cũng đã bằng con rồi. Ngày nay ta chỉ còn có một đứa con gái, nên nhìn thấy con ta lại nhớ con ta. Vậy nếu con cũng không có ai để nương tựa ở đây thì nên theo ta về nhà, may ra con sẽ nguôi ngoài phần nào nỗi buồn thương.

Hoàng Phương cám ơn quan đại thần rồi theo ông về tư dinh.

Sau một năm chung sống, quan đại thần hiểu được tánh tình chân thật và tài năng của Hoàng Phương nên có lòng yêu. Một hôm, ngài gọi chàng đến nói:

- Con ạ! Nay ta tuổi cũng đã cao mà chỉ có một chút con gái, nhà ta cũng không đến nỗi nào nên ta không cần chọn một nơi môn đăng hộ đối, chỉ mong gả con ta cho một kẻ tài ba. Vậy nếu con bằng lòng thì ta sẽ gả nó cho con rồi vào triều xin với quốc vương cho con làm chức đại thần thay ta.

Hoàng Phương quỳ xuống tỏ vẻ biết ơn

Quan đại thần liền cho mở tiệc mừng hôn lễ, đồng thời mời các quan trong triều đến dự rất đông đủ.

Để cho mọi người khỏi tị hiềm, giữa bữa tiệc, ông đứng lên nói với mọi người:

- Thưa quý vị, cháu nó đây chính là cháu ruột con của huynh trưởng tôi ở bên Ai Cập. Nay cha mẹ nó gửi thư đến bảo tôi phải gả con cho nó nên để vâng lời huynh trưởng, tôi có cuộc vui này mừng cho đôi trẻ.

Các quan khách nghe nói đều mừng cho quan cận thần và chúc cho chàng rể được hạnh phúc với giai nhân.

Hôm sau, quan đại thần dẫn Hoàng Phương vào triều tâu với đức vua:

- Tâu hoàng thượng, hạ thần xin giới thiệu với hoàng thượng, đây là đứa cháu ruột của hạ thần, con của quan tể tướng ở Ai Cập xin tiến dẫn cùng bệ hạ.

Nhìn dung mạo của Hoàng Phương, nhà vua bằng lòng ngay, và phong cho chàng làm quan đại thần, nhưng không thay thế cho quan đại thần mà vẫn để cho ông giữ chức cũ.

Thấy mình được hạnh phúc ngày nay như thế là nhờ ở cha vợ nên tối hôm ấy, sau khi dùng bữa, chàng liền mời quan đại thần ra phòng khách để kể cho ngài nghe về lai lịch của mình. Chàng nói:

- Thưa cha, từ lâu nay sở dĩ con không dám thưa cùng cha về lai lịch của con, chẳng qua con xấu hổ vì đã làm nhục gia phong với cảnh ăn nhờ ở đậu. Nhưng hôm nay, nhờ có cha mà con được vinh dự như ngày xưa, với chức đại thần mà vua Ai Cập đã ban cho con, con xin thưa cùng cha tất cả sự thật.

Thưa cha, chức tể tướng mà cha phong cho cha con không phải là tưởng tượng mà chính là sự thật. Cha con là quan tể tướng của quốc vương Ai Cập. Chính khi qua đời thì con và huynh trưởng cùng được thay thế cha, nhưng vì có một việc bất đồng ý kiến nên con mới bỏ nhà ra đi, thề không bao giờ trở lại nữa.

Quan đại thần hỏi:

- Nhưng việc gì mà con giữ kín như thế?

Hoàng Phương kể rõ cho quan đại thần nghe về chuyện xảy ra giữa mình và anh. Nghe xong, ngài mỉm cười nói:

- Thật rõ là chuyện trẻ con. Nhưng có lẽ đó là định mệnh vì nếu không có chuyện đó thì làm sao ta có thể gặp được người tài ba như con.

Trong lúc Hoàng Phương cưới con gái quan đại thần ở đây thì bên Ai Cập, Hoàng Mai cũng lấy con gái một nhà quý tộc, hôn lễ cùng cử hành trùng một ngày với Hoàng Phương.

Và càng lạ lùng hơn là sau hơn chín tháng, cả hai người vợ cùng sinh con một ngày, con Hoàng Phương là trai, còn con Hoàng Mai là gái đúng như lời cam kết trước kia của họ.

Hai đứa bé lớn lên và cùng có một sắc đẹp tuyệt trần, đúng là tiên đồng ngọc nữ.

Con trai của Hoàng Phương tên là Mạnh Hùng và con gái Hoàng Mai thì tên là Tuyết Trinh.

Khi Mạnh Hùng vừa lớn khôn, Hoàng Phương liền cho con theo đuổi bút nghiên để nối nghiệp ông cha.

Mạnh Hùng được kết tinh bởi giòng máu tài hoa nên cũng hết sức thông minh, phong nhã.

Muốn cho con mau giỏi, Hoàng Phương liền tìm nhiều vị giáo sư tài giỏi đến dạy cho Mạnh Hùng.

Hai năm sau, khi Mạnh Hùng được chín tuổi thì đã làu thông cả kinh sử, thêm nét khôi ngô tuấn tú nên ai nhìn qua cũng phải yêu mến.

Mỗi khi Hoàng Phương vào triều bệ kiến, chàng thường dẫn Mạnh Hùng theo.

Cậu bé rất khôn ngoan nên đức vua rất yêu mến.

Khi Mạnh Hùng đến tuổi trưởng thành thì Hoàng Phương đã già yếu. Một hôm, biết mình không thể sống nổi, ông gọi con đến bên, nói:

- Mạnh Hùng con, khi cha mãn phần thì con cũng nên tìm cách về quê nội ở Ai Cập, ở đó còn có một người bác ruột tên là Hoàng Mai. Con cũng nên nghe theo những lời giáo huấn từ trước đến nay của cha mẹ mà xử sự với đời. Những việc của cha rất dài dòng, cha không thể kể hết cho con nghe, nhưng cha sẽ trao cho con một quyển sách ghi rõ gia phả của nhà ta, con cứ xem thì hiểu rõ mọi việc.

Nói xong, Hoàng Phương giở gối lên lấy trao cho con một quyển sách dầy rồi tắt thở.

Mạnh Hùng ôm lấy thây cha khóc nức nở.

Đám táng được cử hành rất trọng thể với đủ mặt các quan trong triều cùng những người yêu mến quan đại thần.

Theo tục lệ, Mạnh Hùng đóng cửa cư tang trong một tháng, nhưng vì mối sầu chưa nguôi nên Mạnh Hùng đóng cửa đến hai tháng, quên cả việc vào chầu nhà vua theo lễ.

Đức vua không suy nghĩ nên cho chàng có ý khinh mạn mình, nên truyền cho quan cận thần đến bắt Mạnh Hùng về triều để trị tội.

Quan cận thần tuân lịnh, chuẩn bị ra đi thì một tên nô lệ của Mạnh Hùng nghe tin vội vàng chạy đến, nói:

- Công tử ôi! Đã đến lúc nguy rồi, hãy liệu trốn đi mau, nếu không sẽ mang họa.

Mạnh Hùng đang ngồi buồn bã bên cạnh bài vị của cha, nghe nói thất kinh, hỏi:

- Việc gì mà mi kinh hãi thế?

Tên nô lệ tâu:

- Thưa công tử, nhà vua đang sai quan cận thần đến đây tịch thu cả tài sản và bắt công tử về trị tội.

Mạnh Hùng hoảng hốt đứng lên:

- Ngươi hãy liệu thu xếp cho ta ít châu báu, lương thực để ta còn đi từ giã mẫu thân ta.

Tên nô lệ nói:

- Thưa, công tử hãy mau lên vì quan cận thần đã lên đường và sắp đến đây.

Mạnh Hùng chỉ kịp từ giã mẹ thì quan cận thần đã đến cửa nên không kịp lấy đồ đạc, vội vã che vạt áo lên mắt rồi theo ngõ hậu trốn đi.

Chàng lần mò đi tìm cửa thành nhưng không biết nơi nào vì tối, mà chàng thì không quen đường lối nên cứ lang thang mãi.

Đang lúc bối rối, bỗng chàng gặp một người phú thương Do Thái chận lại, hỏi:

- Thưa công tử, ngài đi đâu giữa đêm khuya thế này?

Mạnh Hùng nhanh trí nói:

- Tôi đang ngủ thì cảm thấy nóng nảy nên đi hóng mát.

Người Do Thái nói:

- Chà, công tử đi hóng mát xa quá, gần đến cửa hoàng thành. Nhưng thôi, gặp công tử nơi đây thật là may mắn. Tôi có chuyện muốn thương lượng cùng công tử.

Mạnh Hùng chỉ lo sợ quân lính canh gặp mình ở đây nên vội tìm lời, nói:

- Ông có biết gần đây có hàng quán gì hãy dẫn ta đến đó ăn uống, nói chuyện, vì ta cũng đã mỏi chân lắm rồi.

Tên Do Thái mau mắn nói:

- Thưa công tử, gần đây có một quán nước ở cửa hoàng thành phía bên ngoài, hay là ta đến đó.

Nghe nói ra khỏi hoàng thành, Mạnh Hùng vui vẻ nhận lời theo phú thương đi đến quán.

Gọi nước giải khát xong, ông ta nói:

- Trước đây, quan đại thần có để lại cho công tử nhiều phần hàng ở một chuyến tàu, nhưng tôi hiểu công tử không thích việc thương trường nên xin ngài nhường lại cho tôi, tôi xin đặt tiền trước để làm tin.

Mạnh Hùng không hiểu gì về tàu buôn của cha vợ mình, nhưng nghe nói sắp có tiền giữa lúc nguy ngập mà túi lại không tiền, Mạnh Hùng bằng lòng ngay, nhưng vẫn giả vờ hỏi:

- Thế ông muốn tôi nhường bao lâu?

Tên Do Thái nói:

- Xin công tử cho tôi được giữ luôn việc ấy. Đây, tôi xin đặt cho công tử một ngàn đồng vàng. Với lòng tin của tôi, và cũng để tỏ lòng kính trọng đối với quan đại thần ngày xưa, tôi không đòi công tử chứng nhận gì về một ngàn đồng vàng này hết.

Mạnh Hùng mừng thầm, nghĩ:

- Có lẽ trời đã giúp ta nên mới xui khiến cho gặp tên Do Thái này. Âu là ta cứ giữ lấy làm lộ phí đi đường, khi nào về được nơi đây ta sẽ hoàn lại cho hắn vậy.

Nghĩ xong, chàng lấy tiền trong túi tên Do Thái trao, trả bữa tiệc rồi từ giã hắn.

Không muốn cho hắn nghi ngờ, chàng giả vờ đi vào thành lững thững như người nhàn du. Chờ cho hắn đi khuất, chàng mới trở lại cửa thành, tìm đến hiên một ngôi nhà đồ sộ, nằm ngủ để chờ sáng mai tiếp tục lên đường.

Lúc Mạnh Hùng đang ngủ mê man, thì trên không có một vị thần bay ngang qua, thấy có người nằm ngủ trước hiên liền hiếu kỳ đáp xuống nhìn.

Chăm chú một lúc, vị thần nói:

- Chao ơi! Sao trên đời lại có người đẹp trai đến thế, ăn mặc lại sang trọng quá. Chắc hắn là con nhà quyền quí, gặp điều không may nên mới ra nông nỗi ngủ ở hiên nhà. Ta sống ở đây mấy ngàn năm mà chưa bao giờ nhìn thấy một vẻ đẹp như thế, dù trên mặt một mỹ nữ.

Nói xong, ông ngửa mặt lên trời cười khoái trá.

Cũng vừa lúc đó, trên không cũng có một vị tiên nữ bay ngang qua, nghe tiếng cười của vị thần liền đáp xuống hỏi:

- Việc gì mà ngài cười có vẻ thích thú thế?

Vị thần nói:

- Tiên nương ơi! Người hãy đến xem một nét điểm tô của thượng đế.

Tiên nữ đến gần xem rồi mỉm cười.

Vị thần hỏi:

- Tiên nương thấy thế nào? Có phải đẹp nhất trần gian không?

Tiên nữ nói:

- Có đẹp thật, nhưng không đẹp nhất trần gian như lời ngài nói, mà chỉ nhất xứ này thôi.

Vị thần hỏi:

- Tại sao bà lại nói thế?

Tiên nữ đáp:

- Vì tôi có nhìn thấy tại một tỉnh ở Ai Cập, một nàng con gái đẹp hơn người này.

Vị thần không tin, nói:

- Không bao giờ tôi tin được có người đẹp hơn chàng này. Nếu bà không tin thì tôi xin đánh cá.

Tiên nữ nói:

- Thưa ngài, tôi chắc là ngài sẽ thua vì nàng con gái tuyệt sắc hiện đang gặp hoàn cảnh không may kia chính ở nước Ai Cập, tại thành Cai. Nếu ngài muốn thì tôi xin kể về chuyện nàng con gái đáng thương đó.

Vị thần nói:

- Xin bà kể cho tôi nghe.

Tiên nữ liền kể:

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét