Chị tôi tủi thân khóc nức nở
nói:
- Em ạ! Chị khổ lắm. Anh rể
em đã xài hết tiền của chị, lúc chị hết tiền thì lại rẻ khinh, đối xử rất tàn
nhẫn, lại còn đuổi chị đi.
Tôi cảm thương hoàn cảnh của
chị mình nên ôm lấy chị khóc rồi an ủi chị:
- Thôi chị cũng đừng buồn,
đừng nghĩ đến con người tệ bạc đó nữa. Nhờ trời em cũng khá với mấy năm làm
việc. Chị cứ ở đây với em, của em là của chị. Cha mẹ đã mất, chúng ta phải
thương yêu nhau hơn.
Chị tôi rất cảm động, cũng
ôm lấy tôi khóc.
Chúng tôi sống với nhau rất
êm ấm trong một thời gian khá lâu. Rồi chị hai tôi cũng trở về với tình cảnh cơ
hàn như chị cả tôi khi trước. Chị cho biết cũng bị chồng bạc đãi và đuổi đi như chị cả
tôi.
Chúng tôi ôm nhau khóc. Tôi
cũng an ủi chị và cùng nhau sống trong tình thân thiết êm đềm.
Tôi rất vui mừng thấy các
chị rất thương yêu tôi, nên hy vọng sẽ sống gần nhau mãi trong hạnh phúc sum
vầy.
Nhưng chỉ hơn một năm thì
hai chị lại tính lập gia đình với hai anh em kia, viện cớ là không muốn ăn bám
tôi mãi.
Tôi như linh tính trước việc
sắp xảy ra nên hết lòng ngăn cản, nhưng hai chị vẫn cương quyết làm theo ý
mình.
Tôi thấy không ngăn cản nổi
hai chị thì buồn bã vô cùng. Tôi khóc lóc nói:
- Thưa hai chị, nếu hai chị
đã quyết thì em không dám cản. Nhưng xin hai chị nghĩ kỹ xem, còn gì vui thích
hơn chị em sống vui vẻ bên nhau. Vì theo em thì đàn ông ngày nay rất ít kẻ
chung tình. Hai chị đã phải một lần rồi, nên đề phòng thì hơn.
Hai chị tôi vẫn không nghe,
và tôi đành gạt lệ đưa hai chị theo chồng với nhiều món quà và tiền mừng hôn
lễ.
Chỉ gần hai tháng sau, hai
chị tôi đã trở về trong nét mặt ủ dột, buồn bã nói với tôi:
- Em thật là khôn ngoan,
thấy xa hiểu rộng, tuy còn nhỏ mà biết hơn hai chị rất nhiều. Hai chị đã bị lừa
một lần nữa nên xin em nghĩ lại, cho hai chị được trở về sống bên nhau như xưa.
Hai chị thề sẽ không còn nghĩ gì ngoài tình thương của chị em ta.
Tôi ôm hai chị vào lòng nói:
- Thưa hai chị, bao giờ em
cũng là đứa em ngoan của hai chị. Xin hai chị đừng buồn nữa, em xin sẽ hết lòng
giúp hai chị quên những nỗi đắng cay.
Từ đó, ba chị em tôi sống
rất vui vẻ bên nhau. Cũng từ hôm ấy, công việc làm ăn của tôi ngày càng thịnh
vượng, phát đạt nên chẳng bao lâu, tôi có được một số vốn khá to. Để có cách
làm giàu cùng giúp hai chị tôi khuây khỏa trong lòng, tôi liền tổ chức một
chuyến buôn xa bằng thuyền từ Bá Đa sang Ấn Độ.
Tôi mua một chiếc tàu, mướn
thủy thủ rồi cùng hai chị mang hàng hóa lên đường vượt sóng gió.
Sau những ngày sóng lặng gió
yên, chúng tôi đến Ấn Độ cách hai mươi hôm, tính từ lúc khởi hành.
Tàu cặp bến, chúng tôi đến một
thành phố lớn dưới chân một ngọn núi cao.
Để hai chị ở lại nghỉ ngơi,
tôi lên bờ một mình đi thăm thành phố, tìm xem
cách sinh hoạt của dân cư để chuyến sau định trước những món trong nước
cần dùng.
Thành phố rất đông đúc, kẻ
ngồi người đứng đông đảo. Ai nấy đều có nước da đen và nét mặt dữ tợn, lại cầm
gậy gộc trông mới đáng sợ làm sao.
Tôi đến gần họ nhìn kỹ thì
không thấy một ai cử động. Tôi thử đụng một người thì hoảng hốt khi thấy họ đã
hóa thành đá. Những đôi mắt cùng chiếc miệng há hốc như giận dữ, kinh hoàng đều
đứng nguyên như thế.
Tôi càng đi sâu hơn. Khắp
nơi, tôi gặp đủ hạng người với đủ mọi dáng điệu, nhưng tất cả đều là những
tượng đá đứng trơ trơ không hơn không kém.
Qua những dãy phố phần nhiều
đều đóng kín, thỉnh thoảng mới có một cái mở, tôi còn nhìn thấy những hàng hóa,
đồ vật ở các cửa hàng. Nhưng những người buôn bán đều là đá với đủ y phục, cử
chỉ.
Những cửa sổ còn tỏa những
làn khói bốc ra từ lò sưởi, nhưng tôi hiểu những người trong nhà cũng chỉ là đá
mà thôi.
Được một lúc, tôi gặp một
bãi đất trống. Qua hết nơi đó thì đến một ngọ môn sơn son thếp vàng, cánh cửa
cổng mở rộng.
Tôi tiến vào thì thấy một
chiếc lều vải căng thẳng, trước lều có một ngọn đèn đang cháy sáng. Trông cảnh
tượng đó tôi hiểu ngay nơi đây là lâu đài của một vị quốc vương.
Không thấy dấu vết của một
sinh vật nào ở đây, tôi liền vạch vải lều ra xem, cũng vẫn trống trơn không một
bóng người. Nhìn ra xa tôi thấy những tên lính canh đứng gác, tất cả đều hóa
đá.
Tôi bước thêm đến một sân
rộng thì thấy rất đông người trong dáng điệu đi lại, nhưng vẫn là những người
đá như tất cả mọi người trong nước nầy.
Tôi qua thêm cái sân thứ
hai, cũng vẫn cảnh tượng im lặng vắng vẻ đến rợn người.
Tôi thấy một hành lang nối
dài đến một cung điện uy nghi, những chấn song cửa sổ toàn bằng vàng và những
bức màn che gió thì mới mảnh mai và xinh đẹp làm sao.
Nơi đó có nhiều hoạn quan
với nét mặt đen bằng đá. Tôi lần vào trong thì thấy một căn phòng chưng dọn
lộng lẫy. Trên chiếc giường bằng cây khảm ngọc gần đấy, một người đàn bà ăn mặc
lộng lẫy, đầu đội vương miện, cổ và tay chân đều đeo đầy vàng ngọc, tay chống
trên chiếc gối thêu với nét mặt đẹp xinh tươi, cũng hóa đá.
Nhìn khắp nơi, tôi hiểu ngay
đây là thâm cung, còn người đàn bà nằm trên chiếc giường kia là hoàng hậu.
Đi dọc theo các phòng kế
cận, nơi nào cũng rộng thênh thang với cách trưng bày đủ lối nhưng đều đẹp đẽ.
Tôi vào một căn phòng rộng
có kê một chiếc giường gỗ mun trải nệm gấm. Trên đầu giường có một viên ngọc dạ
quang chói lòa ánh sáng. Tôi đến gần nhìn kỹ thì thấy viên ngọc ấy to bằng
trứng chim đà điểu.
Hai đầu giường có thắp hai
ngọn nến nên tôi hy vọng gặp được người sống.
Các cánh cửa đều mở nên tôi
tự do đi khắp nơi để xem những phòng tích trữ châu báu quý giá.
Cảnh tượng huy hoàng ở đây
làm cho tôi mê mẩn, quên mất con tàu và hai chị mình đang chờ ở dưới bến.
Mãi đến lúc trời tối tôi mới
giật mình nhớ đến nhiệm vụ của mình nên vội vàng tìm đường quay về thuyền.
Tôi đi mãi trong tòa lâu đài
rộng rãi không biết đường ra. Cuối cùng, tôi lại trở về căn phòng rộng có hai
ngọn nến chong bập bùng và viên ngọc dạ quang chói sáng.
Tôi leo lên giường nằm với ý
định sẽ nghỉ lại đây một đêm, chờ sáng mai sẽ tìm đường về thuyền sớm.
Nhưng cái khung cảnh u tịch
cùng những người trong nhà nầy cứ ám ảnh mãi làm tôi không sao chợp mắt.
Chừng khoảng nửa đêm, bỗng
tôi nghe văng vẳng như có tiếng cầu kinh mà tôi thường nghe ở các ngôi đền.
Tôi mừng thầm vì tin sẽ gặp
được một người còn sống sót, nên đứng lên cầm nến lần bước sang các phòng tìm
nơi có tiếng người.
Qua mấy gian phòng nhỏ, tôi
dừng chân trước cửa một phòng sang trọng mà bên trong tiếng cầu kinh vẫn còn
đưa ra sang sảng.
Tôi nhìn qua cửa sổ vì cửa
kính đã đóng. Tôi phải nhón gót mới nhìn thấy bên trong vì cánh cửa sổ cao hơn
đầu tôi.
Giữa phòng, một tấm đệm gấm
trải dài, bốn phía đèn thắp sáng choang. Những cây nến to giống như ở những
thánh đường mà tôi đã nhìn thấy.
Trên tấm đệm hoa, một chàng
trai trẻ tuổi, nét mặt tuấn tú xinh đẹp đang quỳ, tay cầm quyển thánh kinh chăm
chỉ cầu nguyện. Tiếng đọc mới ấm làm sao.
Tôi lấy làm lạ khi thấy có
người sống ở thành phố giữa lúc mọi người đều hóa đá nên tin chắc có sự huyền
bí ở đây.
Chờ cho chàng trai trẻ đọc
xong bài kinh, tôi bước đến gõ vào cửa.
Tiếng động làm cho chàng
trai trẻ giật mình kinh hãi đưa mắt nhìn ra, nét mặt hoảng hốt.
Tôi thấy thế liền cất tiếng
gọi:
- Xin ông làm ơn mở cửa hộ
cho tôi với.
Chàng trai trẻ lo ngại bước
ra mở cửa. Khi nhìn thấy tôi, chàng tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi:
- Kìa, nàng là ai? Làm sao
nàng đến được nơi này?
Tôi liền kể lại câu chuyện
về cuộc hành trình của tôi. Nghe xong chàng liền nói:
- Chắc nàng cũng ngạc nhiên
khi thấy tôi còn sống giữa đô thị này. Nếu nàng muốn, tôi sẽ kể cho nàng nghe
chuyện thành phố hóa đá nầy.
Nghe xong chuyện chắc nàng
sẽ không khỏi cảm thấy quyền lực vô biên của thượng đế.
Tôi nói : Xin ngài hãy làm
ơn kể cho tôi nghe câu chuyện.
- Thành phố nầy là của cha
tôi trước đây. Ai cũng nghe nói đến tên quốc vương Thanh Đạt với kinh thành
giàu mạnh nầy.
Trong nước, từ vua đến quan
và dân chúng, tất cả đều thờ Hỏa thần, nghĩa là theo đạo Nặc-Sông, mà vị Hỏa
thần nầy lại chống lại thượng đế.
Tuy mọi người đều thờ thần
Hỏa, nhưng tôi lại tin theo Hồi giáo, vì tôi may mắn có một người vú nuôi.
Người nầy theo đạo Hồi và có truyền dạy cho tôi nghe về chân lý trong thánh
kinh. Nghe lời dạy của người lão mẫu, tôi tìm được lý tưởng trong đạo Hồi và không
phục tùng tà đạo của mẹ cha.
Ba năm trước đây, một hôm có
lời khuyên từ trên không truyền xuống cho dân chúng:
- Hỡi dân chúng, mau hãy bỏ
đạo Nặc-Sông, Hỏa thần để thờ thượng đế, nếu không toàn dân sẽ bị phạt.
Tiếng nói văng vẳng ấy gọi
mãi suốt ba năm nhưng mọi người cũng không một ai giác ngộ.
Thượng đế thấy dân cứng cổ
quá nên nhất định đưa tay xuống trút cả sự giận dữ trên đầu dân chúng.
Sáng hôm ấy là ngày cuối
cùng của năm thứ ba. Trời vừa tờ mờ sáng, bỗng nhiên từ trên không trung, những
tiếng nổ ghê gớm phát ra rồi tất cả dân chúng từ trong lẫn ngoài đều trở thành
đá. Tai nạn đến thật bất ngờ nên mọi người vẫn nguyên dáng điệu của mình trong
khi thành đá.
Cha mẹ tôi cùng chung một số
phận với mọi người. Cha tôi là tượng đá đen trong cung điện, còn mẹ tôi thì
đang ở trong cung, trên chiếc giường của người.
Cả nước chỉ có mình tôi
thoát khỏi, vì tôi theo Hồi giáo. Từ hôm đó đến nay, tôi càng kính tin ở thượng
đế hơn.
Đã hơn ba năm rồi tôi chưa
hề nhìn thấy một người nào, ngoại trừ mấy tượng đá đầy dẫy trong cung cấm và
ngoài kinh thành. Chắc thượng đế cho nàng đến đây để an ủi tôi trong cảnh sống
cô đơn hiu quạnh nầy.
Câu chuyện và lời nói của
chàng mới lý thú và duyên dáng làm sao. Tôi cũng vui vẻ nói:
- Thưa hoàng tử, chính tôi
cũng tin rằng thượng đế đã sai tôi đến đây đưa hoàng tử thoát khỏi kinh thành
tội lỗi này. Tôi sẽ đưa hoàng tử đến quê hương tôi, và chắc hoàng tử không chê
xứ sở quê mùa của Bá Đa. Nếu ngài không luyến tiếc nơi đây, thì tôi xin hiến
chiếc tàu của tôi cho hoàng tử tùy nghi sử dụng.
Chúng tôi bàn bạc cho đến
lúc tàn canh. Sáng hôm sau, theo ý định, chúng tôi trở ra khỏi lâu đài, đến bờ
biển.
Hai chị và đoàn thủy thủ của
tôi, thấy tôi trở lại thì mừng rỡ vô cùng.
Tôi giới thiệu hoàng tử với
hai chị, rồi bảo thủy thủ trở lên khiêng các đồ vật quý báu trên xứ xuống tàu.
Phải mất rất nhiều ngày để khuân các báu vật ngọc ngà, toàn thứ quý giá, còn
bao nhiêu đều bỏ lại.
Xong việc chuyên chở, tàu
nhổ neo rời bến.
Những ngày lênh đênh trên
mặt biển, chúng tôi và hoàng tử sống trong vui vẻ, thân mật.
Nhưng hai chị tôi thấy hoàng
tử đối với tôi có vẻ thân mật hơn thì có vẻ ganh tị, nói:
- Em có vẻ thích hoàng tử và
chàng cũng mến em quá nhỉ?
Chị cả tôi nói tiếp:
- Em sẽ tính thế nào với
hoàng tử khi tàu đến Bá Đa?
Tôi mỉm cười nói giỡn:
- Thưa hai chị, em sẽ nhận
chàng làm chồng.
Lúc ấy, hoàng tử cũng vừa đi
qua nên chị cả tôi hỏi chàng:
- Thưa hoàng tử, ngài nghĩ
sao khi nghe em tôi nói?
Tôi vì lỡ nói đùa nên đành
nói luôn:
- Thưa hoàng tử, chắc ngài
không chê tôi xấu?
Hoàng tử nhìn tôi mỉm cười
nói:
- Thưa các bà, nếu thế còn
gì bằng. Tôi chỉ sợ nàng nói đùa thôi.
Hoàng tử nói dứt lời thì tôi
để ý thấy nét mặt của hai chị tôi sa sầm xuống.
Và từ hôm ấy, tôi nhận thấy
cả hai như thiếu thành thật trong việc đối xử với tôi.
Hôm tàu đến một vịnh, chúng
tôi rất hy vọng sẽ về đến nước nay mai, và rất vui mừng khi thấy biển lặng sóng
êm.
Nhưng giữa vịnh Ba Tư hôm
ấy, nhằm lúc đêm khuya, thừa lúc tôi đang say ngủ, hai chị tôi liền khiêng tôi
liệng xuống nước và mang cả hoàng tử nhận chìm cho chết cả hai.
Tôi chới với giữa dòng và
không hiểu nhờ một sự may mắn nào, sóng bỗng đưa tôi lên bãi một cách bình yên.
Giữa lúc tối trời, tôi không hiểu mình đang ở nơi đâu. Sáng ra tôi mới thấy
mình ở trên một hoang đảo cây cối chằng chịt bốn bề, chỉ có trời mây và sóng
biển.
Tôi liền đi tìm thức ăn đỡ
đói, nhưng cả hoang đảo không có vật gì để tôi đỡ lòng.
Quá mệt mỏi, tôi ngồi dưới
một gốc cây to để nghỉ. Bỗng tôi nhìn thấy một con rắn to dài quá sức tưởng
tượng đang rượt nuốt một con rắn nước. Động lòng thương hại con vật bé nhỏ, tôi
liền nhặt một hòn đá to liệng trúng đầu con rắn.
Bị trúng đầu, con vật ngã ra
chết. Con rắn nước được tôi cứu sống thì lại hóa ra một con chim bay lên không
trung mất dạng.
Tôi vui mừng vì thấy mình đã
cứu được một sinh vật, tôi liền nằm xuống bãi biển để dỗ giấc ngủ cho quên đói.
Một lúc sau, tôi nghe tiếng
người gọi tên tôi rồi khi mở mắt ra, tôi thấy một người đàn bà ăn mặc sang
trọng đang ngồi bên tôi từ lúc nào, tay bưng một mâm thức ăn ngon lành, bảo
tôi:
- Thưa cô, tôi là con rắn
nước mà cô đã cứu thoát khỏi con rắn to nuốt. Để đền ơn, xin cô hãy ăn cho khỏi
đói rồi nghe tôi nói.
Tôi ngồi lại ăn những thức
ngon lành kia thì người đàn bà dẫn ra trước mặt tôi hai con chó mực đưa cho tôi
và nói:
- Hai con chó mực nầy là hai
người chị của cô đã mưu toan hãm hại cô. Khi được cô cứu, tôi tìm hiểu rõ hoàn cảnh
của cô và giận những kẻ gian dối. Tôi liền bay theo đánh đắm tàu của họ và biến
họ ra thành đôi vật xấu xa nầy để trừng phạt họ. Cô cũng đừng lo vì số bảo vật
tôi đã nhờ các bạn khuân hết về cất nơi nhà cô và tôi sẽ đưa cô về nhà cũ ở Bá
Đa.
Nói xong, bà tiên liền ôm
tôi và hai con chó mực và bảo:
- Những tội lỗi tày đình của
họ, dù cho mang kiếp vật cũng chưa đáng, cô còn phải thay tôi trừng trị thêm.
Tôi ra lịnh cho cô mỗi đêm phải đánh hai chị một trăm roi để trừng phạt cái tội
đã liệng cô và hoàng tử xuống biển, làm cho hoàng tử chết đuối.
Trước khi từ giã, bà tiên
còn dặn thêm:
-Nếu nàng trái lịnh ta thì nàng
cũng phải hóa chó như hai người chị của nàng.
Tôi không kịp nói một lời
kêu xin thì bà tiên đã biến mất. Tôi nhìn lại bên mình thì thấy hai con chó mực
đang nhìn tôi có vẻ tủi thẹn.
Vào nhà, tôi thấy trong kho
những báu vật của hoàng tử đem xuống tàu chất đầy cả kho.
Vì vậy tôi phải tuân lời. Cứ
mỗi đêm, tôi rất đau lòng khi phải đối xử với các chị mình như thế, nên tôi khóc
như hoàng thượng đã thấy. Đấy là tất cả sự thật về chuyện của tôi.
*
Nhà vua Phương Lạc Chi nghe
xong câu chuyện liền hỏi Lý Minh và Lệ Phi:
- Còn các bà thì tại sao
cũng lại khóc lóc theo và bà Lệ Phi, sao ngực bà lại đầy những sẹo thế kia?
CHUYỆN NÀNG LỆ PHI
Lệ Phi cúi đầu thi lễ, xong,
nói:
- Tâu hoàng thượng, để tôi
xin kể câu chuyện từ lúc cha tôi chia gia tài cho chị em tôi và tôi đem về nhà
mẹ.
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét