Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

CHUYỆN NHÀ HÀNG HẢI SINH BÁ (II)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Nhà hàng hải kể xong liền bảo quân hầu đem ra một trăm đồng vàng tặng cho Hình ba rồi lại tiếp tục ăn uống cho đến hết ngày. Xong, ngài liền mời mọi người trở lại ngày mai.

Chàng phu khuân vác mừng rỡ tạ ơn và trước khi ra về, anh ta hô to mấy lần câu:

- Xin Thượng đế ban phúc lành cho ngài.

Đến nhà, Hình Ba đem chuyện kể lại cho vợ con nghe. Tất cả đều cám ơn thượng đế đã ban phúc cho gia đình họ gặp được một Mạnh thường quân.

Hôm sau, anh phu khuân vác ăn mặc chỉnh tề đi bộ đến nhà của ngài triệu phú Sinh Bá với một dáng điệu nhàn du.

Sinh Bá vui vẻ đón tiếp mọi người.

Sau khi những chiếc ghế đều đã đầy người thì bữa tiệc lại được dọn ra, cũng linh đình như hôm qua.

Chủ khách cùng nhau chén tạc chén thù cho đến lúc mọi người cùng cảm thấy no say thì Sinh Bá đứng lên mỉm cười nói:

- Thưa các ngài, hôm nay tôi mời quý ngài đến đây, trước để thêm phần thân mật, sau để kể tiếp hầu quý ngài cuộc hành trình thứ hai của tôi.

Mọi người đều tỏ vẻ chăm chú nghe.

Sinh Bá bắt đầu kể:


CUỘC HÀNH TRÌNH THỨ HAI CỦA SINH BÁ


Thưa quý ngài,

Tôi cũng tưởng sẽ sống an nhàn sung sướng cho đến già, nhưng qua một thời gian tôi cảm thấy chán cuộc sống sung sướng an nhàn nên vội đi tìm các bạn cùng đi chuyến trước để rủ đi một lần nữa.

Chúng tôi cùng đồng ý chọn một chiếc tàu rất tốt, có đủ chỗ chứa những số hàng hóa khổng lồ và chọn ngày khởi hành.

Lần này, chúng tôi cũng ghé nhiều nơi để bán những hàng hóa và kiếm được một số lời to.

Tàu cứ theo đường đi mãi, một hôm, tiến đến một hoang đảo cây cối um tùm với toàn là những trái chín ngon lành.

Mọi người thích thú thi nhau lên đảo đùa nghịch, hái quả, rồi cùng nhau tìm chỗ nghỉ ngơi.

Tôi cũng mang thức ăn và rượu lên đảo tìm một bóng cây to ngồi xuống ngắm cảnh, thưởng thức rượu ngon.

Vì chỗ tôi ngồi xa mọi người nên tôi được yên tĩnh một mình. Ăn uống xong, tôi nằm xuống để nghỉ trưa, đầu gối lên một cái rễ cây to.

Đến lúc tôi tỉnh dậy ngơ ngác nhìn quanh mới hoảng sợ khi không còn thấy một bóng người.

Hoảng sợ và lạ lùng, tôi chạy mau ra mé biển nhìn xem thì thấy chiếc tàu đã khuất dạng ở ngoài khơi.

Tôi biết dù có kêu cứu cũng không thoát khỏi tai nạn vì chả ai nghe được, nên cứ đứng im lặng nhìn mãi cho đến lúc không còn nhìn thấy cái chấm đen ở tít ngoài khơi.

Nghĩ đến số phận mình, tôi hối hận đấm ngực khóc lóc vì tự cho mình hại mình, tại sạo đang sống trong hạnh phúc êm đềm lại bỏ đi đến một nơi hoang vu vắng vẻ, không biết ngày nào mới được trở về.

Một lúc sau, tôi cố tìm xem phương hướng để ghi nhớ câu “vạn sự do thiên”.

Tôi đi quan sát khắp đảo rồi leo lên một cây cao để tìm phương hướng, nhưng thất vọng vì tầm mắt tôi chỉ gặp toàn trời mây và nước biển chớ không một mái nhà hay một con tàu để cho tôi hy vọng thêm chút nào.

Nhưng tôi không nản lòng, càng cố ý tìm tòi mãi. Bỗng mắt tôi nhìn thấy nơi mé biển một vật gì trắng lóng lánh phản chiếu ánh sáng mặt trời.

Vốn tánh hiếu kỳ, tôi vội vã tụt xuống thu nhặt các thức ăn còn lại mang theo, đi dọc theo bờ biển tiến đến vật sáng kia.

Càng đến gần, tôi càng nhìn rõ lại càng không hiểu gì thêm. Đó là vật gì hình dáng tròn tròn, sắc trắng như vôi, giống như một viên đạn khổng lồ năm mươi người ôm không xuể.

Trời lúc đó đã xế chiều. Tôi đi vòng quanh vật kia để xem xét, bỗng nhiên thấy trời tối sầm lại như lúc trời bị nhật thực.

Xa xa có tiếng quạt cánh ầm ầm. Tôi ngước mắt nhìn xem thì khủng khiếp làm sao khi thấy đó chính là một con chim đại bàng đang đâm bổ xuống nơi đảo đó.
Đã từng nghe nhiều người vượt biển kể lại nên tôi nhớ và đoán vật tròn trắng kia chính là trứng chim đại bàng và vật đang bay chính là mẹ của quả trứng đó.

Bay mấy vòng, chim đại bàng đáp xuống trên quả trứng để ấp. Tôi không kịp chạy nên đành nép mình một bên quả trứng để trốn.

Cánh chim quá to nên nó ấp cả trứng lẫn tôi vào lòng mà không hay. Tôi như bị nhốt trong phòng kín, không còn nhìn thấy gì ngoài một màu đen tối.

Sờ vào chân chim, tôi cảm thấy xù xì và to như cây cổ thụ. Một lúc suy nghĩ, tôi nẩy ra một ý táo bạo là nhờ chim mang ra khỏi đảo hoang.

Tôi lấy chiếc khăn bịt đầu buộc mình tôi vào chân chim thật chắc.

Quả nhiên, như dự đoán của tôi, sáng sớm hôm sau, chim đại bàng lìa trứng bay lên, mang theo cả tôi, bay rất nhanh.

Tôi cảm thấy gió thổi vi vút bên mình tôi với tốc độ ghê gớm vì chim bay rất mau và cao.

Một lúc sau, chân tôi đụng phải một vật gì. Tôi mở mắt ra, thấy mình đã ở trên mặt đất.

Mừng rỡ, tôi không kịp định hướng, vội vàng cởi khăn ra. Vừa lúc đó, chim cất cánh bay lên, quắp theo một con rắn nơi mỏ.

Tôi thở ra mừng rỡ khi nghĩ mình thoát nạn. Nhưng khi nhìn chung quanh, tôi lại càng thất vọng hơn trước.

Đó là một thung lũng, hai bên vách đá sừng sững, núi cao đến tận mây xanh, lại dốc quá sức, không thể nào lên được.

Tôi buồn bã vì nghĩ rằng thà ở nơi hoang đảo kia còn hơn là ở thung lũng ghê gớm nầy.

Còn đang suy nghĩ, tôi phải mau chân tránh những giống rắn bò ngổn ngang trên mặt đất.

Tôi tìm một nơi cao ráo để ngồi rồi lấy lương thực ra ăn. Vừa ăn, tôi vừa nhìn ra xa thì thấy khắp nơi ấy có những viên đá gì chiếu thật đẹp.

Tôi liền đến gần xem, thì thấy đó là những viên kim cương rất lớn màu sắc thật là không thể tả.

Tôi nhặt vài hạt lên xem chơi chứ không ham thích. Nhưng bỗng tôi lùi lại kêu rú lên.

Suýt chút nữa tôi đã rơi xuống một hầm đầy giống rắn mãng xà, con nào con nấy to lớn đến nỗi có thể nuốt nổi voi.

Đánh được hơi người, những con mãng xà ngóc chiếc đầu khổng lồ lên miệng hang hầm thật ghê gớm.

Tôi hiểu loài rắn độc hại nầy, vì đã nghe nói đến. Ban ngày chúng ẩn nấp trong các cửa hầm để tránh các kẻ thù như chim đại bàng, đêm đến chúng mới bò ra khỏi hang để săn mồi.

Tôi đi tìm những chỗ cao nhất ngồi nghỉ chân và hết sức đề phòng giống rắn.

Đêm đến, tôi tìm một cây to, rồi tìm những dây gai nhọn như đinh sắt đem quấn vào gốc cây thật kiên cố để ngừa mọi bất trắc.

Tôi không thể nào chợp mắt được vì tiếng rít của đàn rắn đi tìm mồi cứ quanh quẩn gốc cây. Có con lại muốn leo lên vì đánh hơi mồi, nhưng chạm phải gai ở dưới gốc cây quá đau, chúng liền rút đi hết, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn tiếc, đến dưới gốc cây phun nọc phì phì cho đến khi mặt trời lên chúng mới chịu trở về hang, vì sợ giống chim đại bàng đến cắp đi.

Khi đó, tôi mới lấy lương thực ra ăn, rồi lấy khăn cột vào gốc cây ngủ đỡ một lúc cho khỏi mệt vì suốt đêm qua sống trong kinh hoàng.

Cho đến gần trưa tôi mới leo xuống khỏi cây đi chung quanh để tìm đường thoát thân. Nhưng tôi rất chán nản khi thấy chung quanh thung lũng chỉ toàn là vách núi bao bọc, không có đường ra.

Còn đang buồn bã, chợt tôi nghe một tiếng động kế bên tôi như có vật gì rơi từ trên cao xuống.

Hoảng hốt, tôi nhìn lại: thì ra một tảng thịt bò tươi còn máu me ròng ròng. Chưa hết ngạc nhiên, tôi phải hoảng hồn nhảy sang một phía để tránh nhiều miếng thịt khác không cùng khuôn khổ nhưng cũng to lớn như nhau rơi ầm ầm xuống.

Chợt nhớ ra trên tàu có lần các thủy thủ có kể cho tôi nghe những chuyện về bọn người tìm ngọc trong những thung lũng kim cương: Vì không thể đến được nơi có ngọc ở thung lũng đầy mãng xà nguy hiểm, bọn người đó liền chờ đến mùa chim đại bàng sinh nở, leo lên đỉnh núi liệng từng tảng thịt tươi xuống.

Đại bàng bắt mùi thịt bay đến tha về tổ nuôi con. Những miếng thịt kia đều có dính theo kim cương khi rơi xuống thung lũng nên khi chim đại bàng mang thịt về nuôi con trong tổ thì đoàn người săn ngọc liền xúm nhau lại đánh đuổi đại bàng đi, nhặt lấy kim cương.

Tôi cảm thấy mình may mắn lắm mới biết được cách lấy ngọc đó và nhờ đó mà tôi sẽ thoát được chốn hoang vu nầy.

Tôi lấy dao nhỏ trong mình ra cắt thịt nướng ăn đỡ dạ. Xong, tôi đi khắp thung lũng, nhặt thật nhiều những viên kim cương, lựa toàn thứ to và đẹp bỏ đầy các túi, rồi lựa một tảng thịt dài và to nhất, dùng khăn cột chặt vào lưng, nằm úp mặt xuống để chờ sự định đoạt của số phận.

Chẳng bao lâu, một tiếng động long trời lở đất của từng chục con đại bàng vỗ cánh một lúc. Chúng đáp xuống gắp mỗi con một tảng thịt, trong đó có tôi rồi bay lên không trung về tổ.

Khi đại bàng vừa đáp xuống thì tôi nghe có tiếng reo hò tở mở, rồi nhiều người chạy đến làm chim hoảng hốt bay đi.

Thấy tôi ở đấy, không kịp hỏi han, họ đã sừng sộ gây gổ bảo sao tôi đến ăn cắp ngọc của họ.

Tôi xin họ hãy bình tĩnh, rồi nói:

- Thưa các ông, nếu các ông nghe tôi kể lại cuộc hành trình của tôi từ thung lũng kim cương đến đây thì các ông sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy tôi ở đây.

Nói xong, tôi giơ cho mọi người xem thử ngọc và tất cả những viên kim cương trong người tôi và tiếp:

- Đây các ông xem có phải đây là ngọc tôi ăn cắp không. Và để cho các ông hiểu lòng dạ tôi, tôi xin biếu các ông một số ngọc, muốn lấy bao nhiêu tùy ý.

Mọi người xúm lại trầm trồ những viên ngọc to lớn mà họ tin không thể nào dính theo thịt được. Thế là họ không còn nghi ngờ nữa, mời tôi về trại gần đấy để ăn uống, nghỉ ngơi.

Tôi theo họ về trại. Sau khi no say, tôi liền giở những viên kim cương to lớn và nhắc lại lời nói trước là biếu họ, muốn lấy bao nhiêu tùy ý, nhưng họ chỉ xin mỗi người một viên vì họ cho chỉ một viên cũng đủ làm cho giàu có, sung sướng mãn đời.

Họ lại xin tôi kể cho họ nghe về thung lũng kim cương và tại sao tôi lại đến đó được.

Đêm đến, tôi ngủ lại trại với họ và kể rõ cuộc hành trình đầy mạo hiểm gian lao của tôi cho họ nghe.

Sáng hôm sau, mọi người buôn ngọc đều thu xếp hạ trại ra về vì họ cho đã tìm được điều họ mong ước. Tôi cũng theo họ trở về.

Trải qua nhiều gian lao hiểm trở, vượt núi lao đèo, trước bao nhiêu đàn rắn dữ cùng thú rừng, chúng tôi mới đến được một hải cảng và xuống tàu.

Chúng tôi lên đường đến đảo Rôn-Han, là đảo trồng nhiều cây long não, tàn cây che tỏa rộng cả một vùng với thân cây cao vút.

Mỗi lần muốn lấy nhựa, người ta khoét dưới gốc một lỗ rất lớn như ta lấy mủ cao su. Nhựa chảy ra một cái thùng, và đến khi hết nhựa thì cây chết đứng.

Trên đảo lại có giống thú rừng to hơn con trâu và có sức mạnh ghê gớm là con tê giác. Trên mũi tê giác có một sừng nhọn dài chừng một gang tay, cứng và đặc, có nhiều vân rất đẹp.

Giống vật nầy không biết sợ cả voi. Mỗi lần tê giác gặp voi, nó liền dùng sức húc vào bụng cho đến lúc voi hết thở. Đợi cho đến lúc mỡ từ thây voi chảy xuống mù mắt, con vật hung hăng kia liền ngã ra chết, chờ cho chim đại bàng bắt gặp và gắp cả hai đem về nuôi con.

Vào nơi nào, tôi cũng đổi vài viên ngọc lấy hàng hóa và sản vật. Cho đến lúc về nhà, tôi đã có một số vốn khá to do tiền bán hàng hóa được.

Vợ con tôi cũng hết sức sung sướng với ngày về của tôi.

Khi đã nghỉ ngơi để bớt mệt mỏi trong chuyến đi này, tôi liền trích ra một số tiền để giúp đỡ người nghèo và tế lễ trời đất. Tôi cũng không quên mở tiệc thết đãi bạn bè đến mừng tôi, cùng chia cho họ nhiều vật quý để làm quà.

Tôi cũng tu sửa lại những vật trong nhà, và cùng vợ con hưởng an nhàn hạnh phúc để bù những phút nguy hiểm đã qua.

Kể xong cuộc hành trình thứ hai của mình, nhà hàng hải lão thành liền sai gia nhân trao cho bác Hình Ba một túi nhỏ đựng đủ một trăm đồng vàng, rồi mời bác cùng tất cả quan khách mai đến nghe tiếp cuộc hành trình thứ ba.


CUỘC HÀNH TRÌNH THỨ BA CỦA SINH BÁ


Sáng hôm sau, bàn tiệc vẫn đủ mặt các vị khách hôm trước, trong đó có bác phu khuân vác Hình Ba nét mặt thật tươi tỉnh.

Bữa ăn được dọn ra, mọi người cùng nhau nhập tiệc.

Cũng như hôm trước, khi tiệc xong, Sinh Bá liền đứng lên nói:

- Thưa quý ngài, tôi xin kể về chuyến đi thứ ba của tôi.

Sống mãi trong cảnh êm đềm, tôi lại cảm thấy buồn chán và hầu như quên cả những nỗi nguy hiểm nhọc nhằn của hai chuyến đi trước. Tôi lại sắm sửa để ra đi.

Lần này, tôi xuất tiền ra mua một chiếc tàu, và chính mình làm chủ. Tôi mướn một viên thuyền trưởng có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, với các thủy thủ nhiều lần vượt biển.

Thuyền giương buồm ra khơi. Trong một tháng đầu, chúng tôi gặp toàn chuyện may mắn, bể lặng sóng êm. Mọi người đều hân hoan ra mặt.

Nhưng rồi sau đó bỗng gặp bão tố, rồi gió thổi liên tiếp suốt ngày. Tàu chúng tôi không thể tránh khỏi, bị đưa theo luồng gió tấp vào một hòn đảo hoang.

Chúng tôi mừng rỡ vì nghĩ mình may mắn thoát khỏi làm mồi cho cá mập. Nhưng viên thuyền trưởng nhiều kinh nghiệm hơn, ông ta nhìn địa thế trên đảo rồi lo lắng nói:

- Trên đảo nầy, cũng như các đảo hoang, thường có một giống thổ dân nhỏ bé, người lùn nhưng mình mẩy đầy lông lá. Chúng nó rất đông, lại nhanh nhẹn khác thường, thường khi hay núp một nơi kín đáo, chờ khi tàu đậu chúng liền bu lại, leo cả lên mạn thuyền.

Nếu ai không biết mà chống cự, và nhất là lỡ tay giết mất một tên thì chúng liền huy động cả đảo đến vây đánh cho đến khi nào đối phương chết cả mới chịu, dù cho mất bao nhiêu mạng cũng không cần. Cứ lớp nầy chết, lớp khác tiến lên, và vì chúng nó đông như kiến cỏ nên chưa bao giờ có ai may mắn thoát khỏi bị chúng hành hung.

Nghe nói, mọi người đều run sợ, nhưng không còn biết làm sao để đi khỏi nơi nầy cho mau.

Chúng tôi vừa cuốn buồm thì, đúng như lời viên thuyền trưởng nói, từ trong rừng rậm túa ra một đám đông vô số. Chúng chỉ cao độ mười phân tây, thân mình chỉ đóng một chiếc khố, bày ra khắp mình những bộ lông vàng như khỉ. Râu tóc chúng cũng đồng màu.

Chúng xúm nhau nhảy ùm xuống biển, và chỉ trong chớp mắt, đã vây kín chiếc tàu, nói những tiếng ríu rít như chim.

Chúng leo lên bám vào thành tàu rồi đu mình lên, nhanh nhẹn như một bầy khỉ.

Thấy chúng tôi không chống cự, chúng liền xúm nhau giương buồm kéo neo, đuổi tất cả chúng tôi rồi giong buồm chạy sang một hòn đảo khác.

Chúng tôi chỉ biết buồn bã đưa mắt nhìn nhau khi chúng đưa tàu đi mất.

Tàu đã mất, chúng tôi liền kéo nhau đi bộ vào trong đảo. Ở đó, rậm rạp và hoang vu nhưng rất nhiều trái ngon và suối ngọt. Chúng tôi hái ăn đỡ lòng rồi nhập đoàn đi mãi.

Không gặp một ai ngoài cây rừng rậm rạp, nét mặt người nào cũng đầy vẻ lo âu và sợ sệt.

Bỗng nhiên, người đi trước đưa tay chỉ về phía xa xa, nói:

- Các bạn ạ! Hình như có một cái lâu đài.

Tất cả đều mừng rỡ, cố bước mau về phía ngôi nhà trước mặt. Đó là một căn nhà đồ sộ, chung quanh bao bọc bằng những lớp đá cao sừng sững

Vào qua lớp đá, chúng tôi gặp một cánh cửa bằng gỗ mun mở hé. Chúng tôi mừng rỡ, lần bước đến nơi, xô cửa bước vào.

Những người yếu bóng vía đi trước đều ngã ra bất tỉnh, kẻ nào bạo dạn hơn cũng lùi lại hoảng hốt.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét