Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

CHUYỆN NHÀ HÀNG HẢI SINH BÁ (V)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Khi mọi người đã tề tựu đông đủ, một bàn tiệc linh đình được dọn ra. Và sau khi mọi người cùng no say, nhà hàng hải triệu phú liền đứng lên, bắt đầu kể:


CUỘC HÀNH TRÌNH THỨ NĂM CỦA SINH BÁ


- Thưa quý ngài,

Nếu ai đã hiểu những cái quyến rũ của nghề đi bể thì chắc không còn lạ gì khi tôi lại sắm sửa ra đi.

Vợ con và những người quyến thuộc cùng theo, hết sức ngăn cản, khuyên tôi đừng đi, nhưng tiếng gọi hải hồ không làm sao tha cho tôi dù chỉ nghĩ đến những nỗi nguy hiểm gian lao là tôi lại rùng mình rởn óc.

Cũng như chuyến đi thứ ba, tôi cũng đóng một chiếc tàu và mướn thuyền trưởng cùng thủy thủ rồi mua hàng hóa ra đi.

Tôi cũng nhận chở thêm những thương gia cùng các bạn thân cận muốn cùng đi một chuyến nhàn du.

Qua mấy hôm đầu sóng lặng biển êm, con tàu lướt sóng phăng phăng làm ai nấy đều vui vẻ, tin tưởng ở chuyến đi tốt đẹp và may mắn ít có nầy.

Hơn một tháng, sau khi đã ghé nhiều hòn đảo để bán chác hàng hóa, chúng tôi đi ngang qua một hòn đảo.

Vì cần lấy thêm nước uống và để cho mọi người được nghỉ ngơi nên viên thuyền trưởng cho tàu ghé vào đảo,

Tuy là đảo hoang nhưng ở đây thật mát mẻ, với những cây cối rậm rạp, cây trái ngon lành nên các hành khách thích thú đi dạo trên đảo.

Đi thám thính, mọi người cùng hân hoan khi thấy không khí trong lành, cho đến lúc về đến gần bờ biển thì thấy một trứng chim to lớn.

Đó là trứng chim đại bàng mà trong chuyến đi trước tôi có kể cho các ngài nghe về cái to lớn của thân hình nó.

Chỉ đôi cánh của nó dang ra cũng đủ che khuất cả nửa bầu trời, nên chiếc trứng của nó phải đến năm người ôm mới xuể.

Những kẻ hiếu kỳ xúm nhìn xem và những kẻ gan dạ hơn bàn nhau đập trứng ra xem.

Từng trải trong nghề hàng hải, viên thuyền trưởng ngăn mọi người vì biết trước sự lợi hại của chim mẹ. Nhưng vì không tin nên mọi người cùng nhau phá trứng chim bằng búa và lấy con ra ăn ngon lành.

Viên thuyền trưởng trước sự đã rồi, không biết làm sao, chỉ xanh cả mặt bảo:

- Xin các ngài hãy nghe tôi, rời khỏi đảo nầy lập tức, vì giống chim đại bàng nầy rất nguy hiểm. Sự báo thù của nó rất ghê gớm, có thể nguy đến tính mệnh ta.

Mọi người còn đang nghi ngờ thì từ xa, hai bóng đen to lớn đã vụt bay đến, tiếng động đinh tai nhức óc.

Viên thuyền trưởng hốt hoảng bảo:

- Thôi chết rồi, mời các ngài xuống thuyền mau.

Chúng tôi làm theo và trong chốc lát, tàu đã được kéo neo chạy ra khơi với một tốc độ nhanh nhất.

Hai con chim đại bàng cũng vừa bay đến. Nhìn thấy trứng bị phá vỡ, chúng kêu thét vang trời những tiếng não nùng.

Chúng vần vũ trên tàu một lúc rồi cùng bay thẳng ra khơi. Ai nấy đều vui mừng vì cho là đã thoát nạn.

Chỉ có viên thuyền trưởng là không tin thế. Ông ta càng cho tàu chạy nhanh hơn và luôn miệng giục mọi người đề phòng tai nạn mà ông biết không thế nào tránh khỏi.

Quả nhiên, đúng như lời ông ta nói, chỉ trong một phút sau, hai con đại bàng đã bay trở lại.

Lần nầy, chân mỗi con cắp một tảng đá khổng lồ, to bằng quả núi làm ai nấy đều sợ hãi ôm nhau khóc.

Chúng bay ngang đầu chúng tôi rồi nhắm kỹ trước khi buông đá xuống. Với quả núi thứ nhất vừa rơi xuống, viên thuyền trưởng nhiều kinh nghiệm đã lái tàu sang một bên tránh khỏi, chỉ có sức nặng của tảng đá làm cho mặt nước xao động dữ dội, tàu tròng trành như sắp đắm đến nơi.

Nhưng sự may mắn chỉ có chừng đó, vì quả núi thứ hai do con đại bàng to hơn, trong lúc thuyền trưởng mải lo tránh cho tàu khỏi vô nước nên không kịp chú ý, rơi trúng nhằm giữa, tàu vỡ tan tành.

Những người trên tàu lớp bị nát thây, lớp bị bắn tung rơi xuống mặt biển nên chết rất nhiều.

Tôi cũng bị rơi xuống biển suýt chìm lỉm, nhưng nhờ có một mảnh ván tàu trôi gần đó cứu tôi thoát chết.

Ôm chặt lấy mảnh ván, mặc cho sóng biển đẩy xô không biết bao nhiêu lâu, tôi thấy mình giạt vào một hòn đảo nhỏ.

Tôi cố sức bám vào bờ, đưa mắt nhìn quanh thì thấy đó là một hòn đảo hoang, nhưng cây cỏ có phần tươi tốt, nên lòng vẫn còn nhiều hy vọng.

Tôi nằm lăn ra bãi cỏ ngủ một giấc cho lại sức rồi mới lần mò vào trong đảo.

Tôi gặp được một dòng suối trong veo, nước thật là mát. Sau khi uống đã khát rồi, tôi đi tìm hái quả ăn đỡ lòng.

Đặc biệt ở đây có rất nhiều giống nho rừng, quả nào quả nấy đỏ mọng và to bằng ngón chân cái, ăn rất ngon ngọt.

Sau khi ăn nho no và uống nước suối, tôi lại tìm một chỗ sạch sẽ để nghỉ ngơi trong lúc đêm khuya.

Ở đây không có một giống thú dữ nào nên tôi yên lòng ngủ một giấc đến sáng.

Trời vừa lờ mờ, tôi đã dậy. Sau giấc ngủ ngon lành, tôi thấy người khỏe khoắn, có lẽ nhờ những quả nho rừng đã bồi bổ sức lực của tôi thêm.

Tôi tiến sâu vào rừng để xem địa thế.

Còn đang thơ thẩn, tôi bỗng ngạc nhiên khi nhìn thấy một ông cụ già cao lêu nghêu và ốm như cây tre đang ngồi bên một gốc cây.

Ông lão ấy không nói gì, chỉ gật đầu chào tôi rồi ra dấu chỉ dòng suối trước mặt như có ý bảo tôi hãy giúp lão qua bên kia.

Cho ông lão cũng là một nạn nhân đắm tàu như mình nên tôi không ngần ngại trước yêu cầu đó.

Tôi đến gần cúi đầu xuống mời ông ngồi lên lưng tôi để đưa đi, nhưng tôi hết sức lạ lùng khi thấy ông lão đã nhanh nhẹn nhảy lên cổ tôi, dùng hai chân kẹp cứng đầu tôi lại một cách gọn gàng.

Hai chân lão già có sức mạnh ghê gớm đến nỗi làm tôi muốn nghẹt thở.

Tôi nói với lão hãy nới chân ra thì tôi mới đưa đi được. Không hiểu có hiểu tôi nói không mà lão già lại dùng chân trái kẹp cứng cổ tôi lại, còn chân mặt thì giơ ra rồi tống vào ngực tôi một cái như trời giáng làm tôi khạc ra một búng máu, té nhào xuống bất tỉnh.

Đến lúc gượng ngồi dậy được thì vẫn thấy đôi chân như gọng kềm của lão còn kẹp cứng cổ tôi.

Không chờ tôi nghỉ ngơi, lão giục tôi dậy bằng cách thúc vào hông tôi.

Tôi  rất lo sợ cái kiểu ra lịnh mà lão dành cho tôi, vì mỗi lần như thế, tôi lại cảm thấy ran ngực và máu lại trào ra.

Lão bắt tôi cõng đi khắp đảo để hái trái ăn. Suốt cả ngày không bao giờ lão rời chân khỏi cổ tôi. Đêm đến, lão cũng kẹp cứng cổ tôi lại vì sợ tôi trốn đi.

Ngày nầy qua ngày khác, tôi như bị một cái gông không bao giờ thoát khỏi. Cứ sáng sớm lão đã gọi tôi dậy, và từ đó đến chiều, tôi phải làm con ngựa đưa lão đi hết nơi nầy đến nơi kia.

May nhờ những quả nho rừng chín la liệt khắp đảo mà tôi được tẩm bổ, mới đủ sức khỏe phục vụ lão.

Tôi nghĩ ra một kế để làm rượu nho uống. Tôi dùng những quả nho, lấy nước vào một chiếc gáo dừa nhặt được ở dọc đường đã được lau chùi sạch sẽ.

Khi vắt đầy gáo, tôi đem cất đi, cái nào trước thì để trước theo thứ tự, chờ cho đến hôm thứ ba, rượu nho trong gáo được cất vào nơi kín đáo mát mẻ trở nên một thứ bổ dưỡng hoàn toàn làm cho tôi quên cả mệt nhọc vì suốt ngày phải đeo cục nợ trên vai.

Có lẽ cảm thấy thứ nước đó làm cho tôi khỏe khoắn nên lão ra hiệu muốn nếm thử.

Tôi cầm gáo đưa lên đầu cho lão nếm thử. Thấy ngon, lão đòi uống nữa. Tôi không dám tiếc, đưa cho lão tất cả theo ý lão muốn. Cho đến lúc, lão uống quá đâm ra say, cao hứng hát nghêu ngao trên đầu tôi. Giọng lão thật khó nghe. Vừa hát, lão vừa múa may rất ngộ nghĩnh.

Một lúc sau, hơi men bốc lên khá mạnh, lão ngồi không vững, lảo đảo trên người tôi một lúc rồi lắc lư. Chân lão lần lần buông lỏng nơi cổ tôi. Thừa dịp đó, tôi hất mạnh cho lão rơi xuống mà lão vẫn không biết gì cả. Vừa thoát khỏi nạn, tôi liền tìm kế báo thù những cái mà từ trước đến nay lão đối xử với tôi.

Tôi nhấc một hòn đá thật to, nhắm ngay đầu lão liệng mạnh, lão bị trúng bể sọ, chết ngay tức khắc.

Tôi nghỉ một lúc rồi tìm đường trở lại biển. Vừa lúc đó, có một chiếc tàu ghé đến để lấy nước. Tôi liền kêu to lên, người trên tàu nghe thấy liền ghé đến rước tôi.

Họ hỏi tôi:

- Tại sao ông lại ở đây?

Tôi kể lại mọi sự cho họ nghe, nhất là chuyện bị lão già hành hạ. Nghe tôi giết được lão già ghê gớm kia, họ đều mừng rỡ.

Viên thuyền trưởng nói:

- Ở đảo này có một giống hải nhân rất độc ác. Mỗi khi bắt gặp một người nào, chúng đều hành hạ cho đến chết chứ không bao giờ buông tha.

Có lẽ ông là người đầu tiên may mắn thoát khỏi tay hắn. Tôi nghe ở đây chỉ còn có một tên mà nay ông giết được thì rất may mắn cho các người lạc bước đến đây.

Họ lại cho tôi ăn uống tử tế rồi kéo neo. Họ ghé qua những hải cảng to lớn để đổi chác, mua bán, chỉ có tôi là không có một món gì, bao nhiêu hàng hóa đều tan theo chiếc tàu đắm nên chỉ ở lại tàu, không lên bến.

Viên thuyền trưởng là người giàu lòng nhân đạo, hiểu rõ tình cảnh của tôi nên rất thương, liền tìm cách giúp đỡ.

Một hôm, ông rủ tôi lên một hòn đảo, giới thiệu tôi với những thổ dân mà ông quen trong những chuyến đi trước, xin họ có gì chỉ cho tôi làm lúc tàu còn ở đây.

Những người đó cho tôi một chiếc bao lớn rồi dắt tôi theo họ vào rừng để hái dừa.

Viên thuyền trưởng trước khi ra về còn dặn tôi:

- Ở đây tất cả đều xa lạ, bác hãy theo sát bên họ rồi bắt chước mà làm theo, đừng đi xa quá mà nguy hiểm.

Tôi cám ơn ông rồi theo các thổ dân đi vào rừng.

Rừng ở đây rậm rạp, có thật nhiều dừa nhưng cây nào cũng cao như gần đến trời, suôn đuột không thể nào leo lên hái được, mà trái thì chỉ ở trên ngọn.

Các thổ dân nhặt theo mình rất nhiều đá, tôi cũng bắt chước theo họ.

Được một lúc lâu, họ gặp được một đàn khỉ rất đông. Vừa thấy bọn chúng tôi, chúng đã thi nhau chí chóe, la hét méo mồm méo miệng như chửi rủa.

Những thổ dân móc đá ra liệng vào chúng làm chúng càng la hét vang trời, rồi cùng thi nhau leo lên các cây dừa hái trái liệng chúng tôi.

Một lúc sau, khi thấy đã đầy đủ số dừa cho mọi người, chúng tôi cùng thôi liệng và chúng cũng bỏ đi cả.

Chúng tôi cứ việc thong thả, lượm dừa bỏ vào bao cho đến khi đầy, rồi cùng nhau ra chợ bán.

Vì ở đây dừa khó hái nên rất quý, chúng tôi bán được một số tiền khá to. Rồi hôm nào tôi cũng mang bao theo họ vào rừng, chọc cho khỉ giận để lấy dừa mang bán.

Cho đến lúc mọi người bán hết cả hàng hóa và tàu nhổ neo rời đảo, tôi đã có một số vốn bộn.

Nhưng tôi không muốn về vì thấy chưa thấm vào đâu với số hàng hóa đã mất, nên tôi xin viên thuyền trưởng cho mình ở lại đợi chuyến tàu sau.

Tôi ở lại nhặt dừa với các thổ dân cho đến khi có một chuyến tàu đi Bá Đa thì tôi liền xin quá giang, khi đã có một số hàng hóa bảo đảm.

Tôi ghé vào các đảo nhỏ bán lại hàng hóa, rồi mua những thổ sản như tiêu, trầm hương, quế, rồi đổi lại ở các đảo khác lấy tiền.

Tôi dùng tiền kiếm được, thuê thợ lặn mò ngọc trai ở một đảo gần đó.

Tôi rất may mắn được nhiều hạt trai, viên nào cũng to và đẹp. Khi tàu nhổ neo về Bá Đa, tôi rất vui mừng vì bán được nhiều tiền với số hạt trai kia.

Về đến nhà, tôi cũng bố thí cho kẻ nghèo, và tế lễ cảm ơn trời đất như những lần trước.

Những bạn bè thân thuộc kéo đến mừng tôi, đều được tôi tặng cho rất nhiều quà quý.

Kể đến đây, nhà hàng hải Sinh Bá liền bao gia nhân cũng đem đến cho Hình ba một trăm đồng vàng và mời các người ở đó trở lại ngày mai để nghe kể tiếp cuộc hành trình thứ sáu.

Hôm sau, cũng như những hôm trước, sau khi mọi người no say, Sinh Bá liền đứng lên nói:


CUỘC HÀNH TRÌNH THỨ SÁU CỦA SINH BÁ


- Thưa quý ngài,

Chắc quý ngài đều ngạc nhiên, sau bao nhiêu gian lao, cực khổ có thể nguy đến tính mạng mà tôi vẫn không từ, cứ lại dấn thân vào nơi nguy hiểm mãi. Tôi cũng không rõ tại sao mình lại có cái đam mê kỳ lạ kia, có lẽ tại định mệnh đã xui tôi sinh ra để sống trên mặt biển.

Sau khi nghỉ ngơi an nhàn trong một năm, tôi sửa soạn để ra đi. Vợ con bạn hữu đều ngăn cản nhưng tôi vẫn không nản lòng.

Thay vì những lần khác qua vịnh Ba Tư, lần này tôi lại qua Ấn Độ rồi theo chuyến tàu đi đến những nơi mà tôi chưa biết.

Tàu đi mãi cho đến lúc lạc hướng mà thuyền trưởng và thủy thủ cũng không hiểu.

Tàu vẫn cứ đi đều đều mỗi ngày một nhanh hơn, cho đến lúc viên thuyền trưởng hay biết thì đã muộn. Ông ta bứt đầu, bứt tóc kêu lên như người mất trí:

- Thôi nguy rồi, chết tất cả!

Chúng tôi xúm lại hỏi:

- Thưa ngài, có việc gì thế?

Ông ta nói có vẻ thảm não:

- Chúng ta hiện đang ở vào tình trạng rất hiểm nghèo : tàu đang ở một nơi nguy hiểm, sa vào một dòng hải lưu rất mạnh, không còn phương cứu chữa, nếu không bị đắm tàu thì cũng bị đâm vào đá tan nát hết.

Ông ta vừa dứt lời thì tàu đã tròng trành như gặp phải xoáy nước, các dây buồm bị cuốn đứt tung.

Mọi người chưa kịp hoảng hốt đã cảm thấy như tối tăm mặt mũi sau một tiếng ầm. Con tàu đang đi vun vút theo sức buồm đã bị tạt vào một dãy núi cao, nát vụn ra từng mảnh.

Chúng tôi thoát nạn nhờ may mắn, lại còn vớt thêm một ít thực phẩm nên cả thảy đều mừng rỡ.

Nhưng viên thuyền trưởng có vẻ thảm não hơn lúc nào hết, nói:

- Xin các ngài hãy nghe cho kỹ, đây là một chốn tử địa, tàu nào vô phúc mắc vào đây đừng mong thoát chết.

Mọi người đều nhao nhao hỏi:

- Thưa ngài, thế thì làm sao?

Viên thuyền trưởng nói:

- Còn làm cách nào hơn là mọi người tự đào huyệt cho mình, vì đã đến đây đừng mong về. Hai bên vách núi sừng sững không có đường lên, phía trước lại có dòng hải lưu ngăn cản, nước lại đen như mực, ai uống vào sẽ biến thành đá đen.

Nghe ông nói, mọi người cùng ôm nhau khóc nức nở.

Thuyền trưởng lại nói:

- Dù có than khóc cũng vô ích mà thôi. Các ngài hãy xem, đây là những người cùng chung số mạng với chúng ta.

Chúng tôi nhìn theo tay thuyền trưởng chỉ thì thấy những xuong người chất đống cùng những mảnh vỏ tàu và hàng hóa chồng chất cao như núi.

Chúng tôi hiểu rõ số phận mình nên cùng ngồi thừ ra, không buồn nhúc nhích, nhìn theo lớp sóng trùng điệp.

Đây là một dòng hải lưu rất lạ vì không chảy ra biển cũng như không tiếp nhận nước của trùng dương, mà do một con sông chảy từ bể qua nội tâm một hang đá rộng và cao, tối om như mực.

Đá núi thì toàn bằng ngọc và pha lê, cùng những loại đá quý. Nước thì lại đen và nhờn, cá và người nào không may uống phải thì hóa đá đen mà chết.

Thuyền trưởng góp lương thực chia đều cho mọi người và nói:

- Chúng ta hãy chia nhau trong sự chết. Nếu ai may mắn chết sớm thì sẽ được đồng bạn chôn. Còn người nào vô phúc chết sau phải tự đào huyệt chôn mình vậy.

Đúng như lời viên thuyền trưởng nói, không có ngày nào là không có người chết.

Chẳng bao lâu, đoàn người thi nhau chết cả vì thiếu ăn. Tôi vì ăn rất khảnh nên được cái hân hạnh chôn người bạn cuối cùng.

Càng nghĩ càng buồn cho cảnh mình khi chết không có một người thân cũng như một ai là đồng loại, tôi liền đào sẵn cho mình một cái huyệt rồi nằm chờ chết vì lương thực đã cạn.

Con người lúc túng thường hay làm liều, và nghĩ đi đến đâu thì đến, nên tôi cũng nảy sanh ra một ý nghĩ táo bạo khi nhìn dòng nước đen ngòm kia.

Tại sao nước vào được lại không ra được? Dù không đến được nơi phì nhiêu thì đến đường cùng, không hơn ngồi khoanh tay chờ chết sao?

Nghĩ thế, tôi liền xuống mé biển tìm những mảnh ván tàu đắm chồng chất bên nhau, lựa những mảnh nào còn chắc, kết lại thành một chiếc bè chắc chắn.

Tôi lại đi nhặt những bao tải đựng thực phẩm, gói những châu ngọc lại thật nhiều, rồi đem đặt lên bè. Xong, tôi ngồi thả xuôi theo dòng nước, mặc cho định mệnh rủi may.

Bè trôi thật mau, một lúc đã đến một chiếc hang sâu thăm thẳm và tối đen như mực. Càng vô sâu thì lại càng hẹp và thấp đến nỗi tôi phải nằm ép mình đeo cứng lấy bè mới không bị va vào đá núi mất mạng.

Khí lạnh trong hang tiết ra làm tôi run rẩy.

Vì đói quá nên tôi ngất đi liên tiếp không biết bao nhiêu ngày đêm trong hang núi.

Đến lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình vẫn còn nằm trên bè, mà bè lại cột vào một chiếc cọc nơi bờ sông, gần đấy là một cánh đồng bát ngát mênh mông. Có một đám dân da đen đang đứng chung quanh nhìn tôi, nói năng tíu tít.

Đã có lần biết bọn mọi ăn thịt nên vừa thấy những người ấy, tôi hoảng hốt nhỏm dậy định chạy, nhưng vì vướng chiếc khăn cột người tôi lúc ở trong hang, khi biết mình không còn sức ôm lấy bè, nên tôi đành nằm nhìn họ lo sợ.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét